Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

20211002. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 (12)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHỐNG DỊCH KHÔNG THỂ MỖI NƠI MỘT KIỂU

T.LONG,H.T.DŨNG/ TT 25-9-2021

TTO - Từ hôm qua 24-9, Cần Thơ là địa phương cuối cùng ở ĐBSCL công bố áp dụng chỉ thị 15 trên phần lớn địa bàn. Như vậy sau nhiều tháng căng thẳng chống dịch, ĐBSCL xem như kiểm soát được dịch để bắt đầu từng bước bình thường mới.

Chống dịch không thể mỗi nơi một kiểu - Ảnh 1.

Chốt kiểm soát phà Châu Giang, thị xã Tân Châu, An Giang yêu cầu khai báo y tế và xuất trình giấy âm tính COVID-19 trước khi vào địa bàn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuy nhiên việc giữ thành quả đã đạt được và hướng phục hồi, phát triển sắp đến cũng còn nhiều điều căng thẳng không kém. Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn để có thể làm được cả hai việc này chứ không thể chống dịch mỗi nơi một kiểu.

Chống dịch không thể mỗi nơi một kiểu - Ảnh 2.

Tình hình giãn cách ở các tỉnh ĐBSCL - Nguồn: CHI HẠNH tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT

Cùng chỉ thị 15 nhưng mỗi nơi một kiểu

Dù đã áp dụng chỉ thị 15 để giảm bớt việc giãn cách tối đa, nhưng ở các tỉnh ĐBSCL đang có những cách làm khác nhau.

Tại Vĩnh Long, sau khi áp dụng chỉ thị 15, tỉnh này có thêm quy định buộc tất cả người dân không được tự ý ra khỏi tỉnh, nếu cần thiết phải được chủ tịch UBND tỉnh cho phép. Đồng thời tất cả người dân khi về lại tỉnh Vĩnh Long cũng phải chấp hành cách ly y tế tập trung 14 ngày, chi phí tự chi trả. 

Riêng các trường hợp đặc biệt như công nhân đổi ca, chăm sóc người bệnh già, phụ nữ có thai, trẻ em... khi về tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn 24 giờ, có xác nhận tiêm 2 mũi vắc xin thì theo dõi sức khỏe tại địa phương 7 ngày...

Nhiều người dân ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hiện đang làm việc cho các công ty, doanh nghiệp tại Cần Thơ cũng cho rằng gặp bất tiện bởi các quy định cấm đi ra khỏi tỉnh, hoặc buộc cách ly tập trung khi trở về. 

Anh N.T.H. (làm việc cho một doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn Vĩnh Long) cho biết anh qua Cần Thơ công tác thì Vĩnh Long ban hành quy định cách ly tập trung khi quay về khiến anh mắc kẹt tại Cần Thơ nhiều tháng. "Quy định này đã gây khó cho tôi khi trở về tỉnh" - anh H. nói.

Thậm chí, dù cho phép người dân di chuyển liên "vùng xanh" nhưng hiện Vĩnh Long cũng có thêm quy định tất cả người dân, công nhân, người lao động... buộc phải xin giấy đi đường khi di chuyển từ huyện "vùng xanh" này sang huyện "vùng xanh" khác. 

Một lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết tỉnh thực hiện như vậy là làm từng bước, nếu không sẽ vỡ trận. Tuy nhiên vị lãnh đạo cho hay tỉnh sẽ nghiên cứu để thuận tiện nhất cho người dân.

Hiện tại Cần Thơ chỉ còn 9 phường của 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng còn áp dụng chỉ thị 16. 

Trên nhiều tuyến đường khác của quận Ninh Kiều và Bình Thủy, ngày đầu thực hiện chỉ thị 15, người dân, người buôn bán, kể cả sản xuất kinh doanh vẫn còn rất thận trọng, vì chưa được hướng dẫn lộ trình thực hiện thế nào, cho phép hoạt động đến đâu.

Văn bản hướng dẫn chỉ nói cấm tụ tập trên 10 người nơi công cộng, dừng hoạt động các ngành nghề và dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động chợ... Nhiều người dân nhận xét rằng việc thực hiện chỉ thị 15 của Cần Thơ hiện tại không khác gì... chỉ thị 16 trước đó.

Chống dịch không thể mỗi nơi một kiểu - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng chốt chặn tại quốc lộ 60, đoạn gần cầu Rạch Miễu để giữ vững "vùng xanh" cho tỉnh Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Phải liên kết để phục hồi nhanh

Ông Nguyễn Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho rằng Sóc Trăng đã trở lại bình thường mới nhưng dịch bệnh COVID-19 hiện còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. 

"Trước tình hình này, tôi đề nghị các tỉnh thành Nam sông Hậu gồm Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng liên kết, phối hợp phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế".

Giải thích về đề nghị của mình, ông Lâu cho rằng việc liên kết này trong khu vực để thống nhất hành động và đạt một số mục tiêu chung, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Nam sông Hậu và Cần Thơ, đảm bảo liên thông, giải quyết khâu vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nông sản của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Trong khi đó, trên bản đồ dịch COVID-19 Tây Nam Bộ, Bến Tre là địa phương "xanh hóa" toàn bộ đầu tiên kể từ ngày 20-9. Sau khi dừng lại ở con số 1.872 ca lây nhiễm, tỉnh này liên tiếp nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. 

Nhưng tỉnh này vẫn còn khá thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp chống dịch, và vẫn đang tiếp tục thảo luận quản lý hoạt động các phương tiện giao thông liên tỉnh, nội tỉnh, các dịch vụ hàng quán... để chuẩn bị áp dụng biện pháp phòng dịch theo chỉ thị số 19.

Ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho rằng nhiệm vụ quan trọng hiện nay là bảo vệ và giữ vững "vùng xanh", đẩy nhanh tiêm vắc xin và phục hồi, phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, ông Tam cũng lưu ý rằng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh luôn thường trực, do đó mặc dù áp dụng biện pháp phòng dịch nào thì tỉnh vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hết sức cảnh giác để bảo vệ "vùng xanh".

Cụ thể, theo ông Tam, địa phương sẽ tạo điều kiện để người dân di chuyển có tổ chức trong "vùng xanh" nhưng sẽ quy định và thông báo cụ thể, rõ ràng về điều kiện di chuyển giữa các vùng để người dân được biết, hiểu, tin tưởng, đồng thuận và thực hiện nghiêm túc. 

Đồng thời, tăng cường các tổ tuần tra lưu động để nhắc nhở, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm, không để nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

Ông Bùi Quốc Nam - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu - cho biết sở đang bàn cùng với nhiều sở ngành liên quan để ra quy định về việc đi lại phục vụ việc mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế của tỉnh sau khi nhiều địa phương trong vùng nới lỏng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15. 

Theo đó, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức hoạt động trong điều kiện bình thường mới với yêu cầu phải có kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và các phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. 

Tỉnh cũng cho phép việc sử dụng chuyên gia, người lao động đặc thù từ bên ngoài tỉnh vào để thực hiện các dự án, với yêu cầu phải quản lý, kiểm soát để đảm bảo an toàn phòng chống dịch gồm quản lý trước khi vào tỉnh, quản lý trong quá trình cách ly tạm thời, sau cách ly tạm thời thì thực hiện theo phương án "3 tại chỗ".

Chống dịch không thể mỗi nơi một kiểu - Ảnh 4.

Xuống chỉ thị 15 phòng dịch, người dân ở quận Bình Thủy vẫn ý thức mua hàng, nhận hàng đều đeo khẩu trang - Ảnh: CHÍ CÔNG


 -Đà Nẵng mới có hướng dẫn về thủ tục ra vào TP, trong đó người muốn vào TP này phải có đơn được UBND TP chấp thuận. Nhiều người thân có người nhà đang nằm viện tại Đà Nẵng không biết nộp đơn bằng cách nào, đặc biệt là những người ngoại tỉnh không có người thân trong TP thì không biết liên lạc qua kênh nào.

- Tại Thừa Thiên - Huế: Với người đi từ vùng dịch về đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người khỏi bệnh COVID-19 thì sẽ cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày kể từ ngày về địa phương, đồng thời sẽ được xét nghiệm PCR 3 lần (ngày thứ 1, ngày thứ 3 kể từ lúc vào khu cách ly và ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương).

Cần quyết tâm để "xanh hóa" miền Tây

An Giang đang là địa phương duy nhất không chấp nhận giấy xét nghiệm COVID-19 từ tỉnh khác, người muốn vào tỉnh để vận chuyển hàng hóa vẫn phải được tỉnh test riêng.

Theo ông Lê Văn Chung - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đa quốc gia IDI thuộc Tập đoàn Sao Mai, Đồng Tháp, dù các tỉnh đã hạ xuống chỉ thị 15 nhưng cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn do các địa phương từ tỉnh đến huyện đều có sự kiểm soát riêng để bảo vệ vùng an toàn.

Do đó, doanh nghiệp cũng chưa dám mở cửa cho công nhân làm việc và còn dè chừng việc các địa phương đang có những cơ chế kiểm soát khác nhau, không đồng nhất.

"Công nhân của tôi làm việc ở Đồng Tháp nhưng là người An Giang rất đông. Tôi đề xuất giấy test nhanh nên thống nhất chung và có hiệu lực liên tỉnh trong ngày để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Còn nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì đi qua chốt liên tỉnh chỉ cần khai báo y tế mà không cần phải test" - ông Chung nói.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng trong bộ tiêu chí của các doanh nghiệp hoạt động trở lại có quy định việc này. Tuy nhiên các tỉnh trong vùng thực hiện chỉ thị 15 sẽ sớm có sự phối hợp chặt chẽ, quyết tâm "xanh hóa" miền Tây.

Thạc sĩ, chuyên gia quản trị Đỗ Công Nguyên:

Cần có ngay bộ hướng dẫn với các chỉ dẫn cụ thể

Chiến lược sống thích ứng dịch COVID-19 đã được xác định từ Thủ tướng, tuy nhiên trong quá trình chờ các hướng dẫn cụ thể, vẫn có những cách hiểu và làm chưa phù hợp.

Nguyên nhân đơn giản nhất có thể thấy là do tình trạng "da beo" giữa vùng nguy cơ cao và vùng nguy cơ thấp hơn dẫn tới tâm lý "đóng cửa" để bảo vệ thành quả chống dịch.

Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa hơn là do hiện cả nước còn thiếu một bộ hướng dẫn với các chỉ dẫn cụ thể về những điều được làm và những điều cần hạn chế, để người dân và chính quyền ở những vùng đảm bảo an toàn có thể tự tin "mở cửa".

Đơn cử như câu hỏi về vấn đề người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin (có thẻ xanh vắc xin) có thể lưu thông nội vùng và liên vùng như thế nào, các giải pháp công nghệ hỗ trợ việc này như thế nào... đều chưa thật sự rõ ràng.

Một bộ hướng dẫn cụ thể, với những mục tiêu cụ thể về giảm thiểu số ca mắc COVID-19, giảm thiểu số ca tử vong, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thích ứng an toàn là vô cùng cần thiết ở giai đoạn này.

Trong đó cần xây dựng một hệ thống chỉ số đánh giá nguy cơ dịch bệnh, phân cấp nguy cơ ở cấp đơn vị hành chính phù hợp, cũng như cần có một bộ giải pháp vừa cụ thể, vừa linh hoạt để thích ứng với từng cấp độ.

Tại EU, từ tháng 12-2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã xây dựng một bộ tiêu chí phân loại các vùng nguy cơ COVID-19 theo 4 cấp độ và áp dụng các mức giãn cách, phong tỏa phù hợp cho từng cấp độ.

Hoặc như tại New Zealand, đất nước vẫn đang áp dụng chiến lược triệt tiêu COVID-19 nghiêm ngặt ngay tại thời điểm này, một hệ thống cảnh báo 4 cấp độ dịch theo cấp độ vùng đã được áp dụng từ 21-3-2020.

Trong đó mức nguy cơ được nhận diện và các hoạt động được phép triển khai ứng với từng cấp độ nguy cơ được định nghĩa rõ.

TS Trần Hữu Hiệp (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL):

Tránh tâm lý "sợ trách nhiệm"

Với tình hình hiện tại, các cấp lãnh đạo ĐBSCL cần tránh tâm lý "sợ trách nhiệm" và cần chuẩn bị các kịch bản theo từng cấp độ khác nhau theo diễn biến dịch và cường độ hoạt động kinh tế.

Ưu tiên hàng đầu là cần khơi thông dòng chảy "chuỗi cung ứng", sự vận hành của hệ thống logistics không chỉ là hàng tiêu dùng thiết yếu mà phải là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đầu ra cho tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp.

Các giải pháp ứng phó tình thế là cần thiết, nhưng giải bài toán cung - cầu, xây dựng các chuỗi ngành hàng bền vững là vấn đề lâu dài.

Tiếp cận với yêu cầu đó, các "kịch bản" mở cửa, bên cạnh các yêu cầu phòng chống dịch bệnh, cần tập trung vào 3 trụ cột:

Một là cần tiếp cận hệ thống, không thể mỗi nơi làm theo một kiểu, tăng cường liên kết vùng, liên vùng không phải là khẩu hiệu mà phải là mệnh lệnh.

Hai là cần đầu tư hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực. Đối với các mặt hàng nông sản cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp. Yêu cầu tăng hàm lượng chất xám, quản lý tốt vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nâng cao giá trị.

Ba là phải chuyển đổi các phương thức mua bán, trao đổi hàng hóa từ trực tiếp là chủ yếu sang phát huy thế mạnh của thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Phương Lam (giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ):

Cần sự điều phối sau giãn cách

Thiệt hại cho đợt dịch này là rất lớn đối với ĐBSCL khi qua 8 tháng chỉ mới thu ngân sách 72.700 tỉ đồng, bằng 45% của năm 2020. Ước tính trong 3 tháng dịch bệnh, ngân sách mất gần 40.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên đây chỉ là những khó khăn bước đầu vì dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và chờ đủ vắc xin. Giai đoạn mở cửa này chỉ mới là "tiếp oxy" cho nền kinh tế, doanh nghiệp cần nhiều "liều thuốc bổ" mới có thể phục hồi.

Tuy vậy, khi dịch chưa hết, cần phải chú trọng an toàn để sản xuất, không chủ quan, vì thế cách phòng chống dịch cũng cần thống nhất chung ở các địa phương vì thời gian qua bộc lộ rõ những bất cập trong chính sách và quy định chống dịch tại nhiều địa phương.

Vì thế nếu không có sự điều phối chung cho các tỉnh thì ĐBSCL không thể có chiến lược kinh tế trong bình thường mới.

T.Long - H.T.Dũng ghi



DOANH NGHIỆP MỸ MONG MUỐN DUY TRÌ CAM KẾT MỞ CỬA KINH TẾ, KHÔNG TÁI PHONG TỎA
VÂN LY/ TBKTSG 30-9-2021

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp Mỹ mong Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế. Bên cạnh đó họ còn nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại sâu rộng và  bền vững.

Đó là nội dung được các doanh nghiệp đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (với các điểm cầu tại 12 quốc gia) với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được tổ chức trực tuyến vào ngày 30-9.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế và không trở lại phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện. Bởi họ cho rằng với việc tiêm chủng ngày càng tăng, kinh nghiệm tại các nước trên thế giới cho thấy, có thể mở cửa trở lại ngay cả khi Covid-19 ở trong cộng đồng.

Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tại buổi làm việc với Quốc hội Việt Nam ngày 30-9. Ảnh: Quochoi.vn

Các doanh nghiệp cũng chia sẻ ưu tiên cấp bách nhất hiện nay là cho phép mở cửa trở lại ở quy mô thực sự, đầy đủ. Các doanh nghiệp nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững.

Trong đó, việc mở cửa trở lại này cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các tỉnh và địa phương. Bởi mạng lưới các quy định, khu vực, yêu cầu khác nhau đang khiến người dân rất khó di chuyển, khó cho doanh nghiệp mở cửa trở lại và hàng hóa lưu thông. Các doanh nghiệp cho rằng sự nhất quán và hài hòa là rất quan trọng.

Trước ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hiện nay Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch Covid-19. Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới để ứng phó với đại dịch. Để vừa bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được các lợi ích về y tế với các lợi ích về kinh tế xã hội khác, vừa phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược và khung khổ chính sách thích ứng, phục hồi kinh tế để thống nhất áp dụng từ Trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương. TPHCM hiện cũng đang đề xuất liên kết với các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ trong việc phục hồi kinh tế và phòng, chống đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng góp, hiến kế cho Việt Nam trong việc hoàn thiện dự thảo khung khổ chính sách thích ứng và phục hồi kinh tế. Bởi Việt Nam xác định, dự thảo khung khổ chính sách này phải được thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhưng phải quyết định quyết đoán và thực hiện thống nhất.

Về đề xuất của các doanh nghiệp Netflix, IBM, MasterCard liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh yếu tố con người.

Vì vậy, xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Mỹ và USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.

Riêng đối với dự luật Điện ảnh (sửa đổi), Quốc hội đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này và cam kết sẽ bảo đảm tốt nhất theo các thông lệ và luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị về giảm, giãn, hoãn thuế, phí và cho biết, vừa qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gợi ý với Chính phủ nghiên cứu, có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp thua lỗ thông qua các chính sách giúp giảm chi phí đầu vào, chi phí về nhân công hoặc cho phép chuyển lỗ vào các thời kỳ sau nhiều hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Các giải pháp này đang được các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tích cực nghiên cứu, xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp của Mỹ và USABC sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại chính sách với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không chỉ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà còn phải hướng đến mục tiêu đôi bên đều có lợi, qua đó nền kinh tế và người dân, người lao động sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tích cực góp ý cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trên tinh thần trách nhiệm, chia sẻ để hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu cuộc sống ở Việt Nam và dần hướng theo các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn USABC và các doanh nghiệp chia sẻ kiến thức chuyên môn và các thực tiễn tốt nhất trong phòng chống đại dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ chung tay hiện đại hóa ngành y tế của Việt Nam, trong khó khăn thử thách hiện nay càng thấy được tiềm năng hợp tác phát triển của ngành y tế, hiện đại hóa cùng với tăng cường y tế cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp Mỹ và các đối tác sản xuất tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ông tin rằng, đây chỉ là những khó khăn trước mắt, tạm thời, Việt Nam vẫn có những nền tảng tốt để phục hồi và phát triển bền vững trong trung hạn và dài hạn. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

           KẾ SÁCH TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI ĐỂ BỨT PHÁ THỜI 'BÌNH THƯỜNG MỚI'

PHẠM MẠNH HÙNG/ TVN 29-9-2021

Đất nước đang bước vào “thời bình thường mới” với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hai đầu tàu là TP.HCM và Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành đang rục rịch mở trở lại. Làm thế nào để phục hồi, bứt phá?

Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi

Sự xuất hiện của biến thể Delta khiến nhiều nước buộc phải thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược chiến lược ứng phó với Covid-19, chuyển từ chiến lược không ca nhiễm sang sống chung với virus. Hòa cùng xu thế đó, đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch và đang tiến bước vào thời bình thường mới với nhiều kinh nghiệm đắt giá, không ít các điểm sáng về phòng, chống dịch.

Kế sách trọng dụng nhân tài để phục hồi, bứt phá thời 'bình thường mới’
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh thăm hỏi người dân gặp khó khăn do dịch bệnh tại TP Long Khánh ngày 23/9. Ảnh: Báo Đồng Nai

Thực tế gần 2 năm qua cho thấy địa phương nào mà lãnh đạo chủ động, vào cuộc quyết liệt, sát sao, kịp thời với các biện pháp chống dịch triệt để, dứt khoát, coi trọng chuyên môn thì địa phương đó đạt kết quả ấn tượng cả trong chống dịch cũng như trong duy trì và phát triển kinh tế. Giờ đây, những điểm sáng này đang vững tin tiến bước vào “thời bình thường mới”.

Tuy vậy, chúng ta cũng đối mặt một loạt khó khăn, thách thức không dễ vượt qua. Nền kinh tế bị tổn thương không hề nhẹ, sức khỏe nhiều doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng, có tới hơn 85 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua. Thị trường, logistics, nhân lực đều bị xáo trộn lớn, không ít chuỗi cung ứng, sản xuất nội địa và quốc tế bị đứt gãy… Sinh kế của số đông dân chúng bị ảnh hưởng, nhiều người lao động bị mất hay giảm thu nhập…

Ngân sách eo hẹp trong khi mức thu thuế giảm. Hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, dịch Covid-19 mới chỉ tạm ổn, nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào và khả năng có thể phải giãn cách, thậm chí phong tỏa trên diện rộng vẫn là một phương án để ngỏ như là biện pháp cuối cùng.

Có 2 “trọng bệnh” dễ thấy hơn cả. Thứ nhất, bệnh quan liêu, chống dịch bằng văn bản, dịch bùng phát với số ca nhiễm tăng vọt mỗi ngày nhưng việc chống dịch vẫn hời hợt, thực hiện giãn cách không triệt để, hậu quả là thời gian giãn cách dài nhưng dịch vẫn bùng phát, tổn thất và hệ lụy lớn không thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Vấn đề đáng lo ngại hơn là năng lực cán bộ của bộ máy chính quyền ở không ít nơi còn bất cập. Đợt dịch bệnh thứ 4 này cho thấy những yếu kém của đội ngũ cán bộ, từ cấp phường cho tới quan chức đứng đầu tỉnh, thành. Nếu không có chuyển biến rõ rệt thì khó có thể đảm đương nhiệm vụ kép khó khăn gấp bội trong thời bình thường mới.

Có những quan chức đứng đầu tỉnh chống dịch lơ mơ, không nắm rõ tình hình dịch bệnh tỉnh nhà khiến cho tỉnh đang là vùng xanh rờn nhanh chóng chuyển sang đỏ rực. Mới có một nhiệm vụ chống dịch còn không làm đến nơi đến chốn thì liệu họ có thể đảm đương tốt nhiệm vụ khó khăn gấp bội trong thời bình thường mới khi vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế?

Hai là, dập dịch “dập” luôn cả doanh nghiệp, sinh kế của người dân, kiểu ngăn sông cấm chợ, gây khó khăn không đáng có cho lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, sự máy móc, đủ loại giấy tờ, thủ tục nhiêu khê thay đổi theo ngày, lạm dụng giãn cách, một xã có ca nhiễm giãn cách cả huyện, hy sinh thực hiện giãn cách nhưng không có mục tiêu cụ thể...

Sàng lọc, sắp xếp lại cán bộ không làm tròn vai 

Cần gấp rút thực hiện sát hạch, sắp xếp lại ngay cán bộ không làm tròn vai trong bộ máy chính quyền các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành bởi đây là mắt xích rất quan trọng. Bởi dù chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng có đúng đắn đến đâu chăng nữa, nhưng chủ tịch tỉnh, thành lơ mơ thì cũng khó đi vào đời sống, địa phương khó đạt kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ kép.

Cách làm cụ thể như sau: Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành ký bản thỏa thuận với Thủ tướng, thống nhất về các mục tiêu, kết quả cụ thể, thang đo và cách đo kết quả cũng như kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới. 

Ở bước 1, chủ tịch tỉnh, thành xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể gắn với nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của tỉnh, thành mình, xác định các mục tiêu, lập kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu.

Bước 2, ký bản thỏa thuận với Thủ tướng, thống nhất các mục tiêu, kết quả cụ thể, thang đo và cách đo mục tiêu, kết quả cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành. Các mục tiêu cần được lượng hóa, cụ thể hóa với các điều khoản cụ thể có thể đo lường được…

Ở bước 3, đánh giá giữa kỳ, kiểm tra tiến độ, kết quả đã đạt được so với kế hoạch và mục tiêu đề ra, thảo luận về kế hoạch tăng cường để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã được thiết lập.

Bước 4, đánh giá kết quả, mức độ đạt mục tiêu và ra quyết định đánh giá. 

Thành lập hội đồng chuyên môn giúp Thủ tướng trong việc đánh giá. Hội đồng gồm các đại biểu Quốc hội có chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng (tổng cộng khoảng 30 người, chia thành các tiểu ban). Hội đồng do Thủ tướng ra quyết định thành lập.

Kết quả đánh giá dùng làm căn cứ để phân bổ thêm ngân sách và để cất nhắc hay cho thôi chức vụ đối với chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành. Những tỉnh, thành đạt kết quả xuất sắc, thứ hạng cao, vượt mức chỉ tiêu thì được cấp thêm ngân sách hay tăng tỷ lệ ngân sách được giữ lại. Những tỉnh, thành có kết quả kém, không đạt chỉ tiêu tối thiểu theo quy định thì không được cấp thêm ngân sách hay giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại.

Chủ tịch tỉnh, thành đạt kết quả, thứ hạng cao, vượt mức chỉ tiêu thì được ban thưởng, cất nhắc lên chức vụ cao hơn và ngược lại, cho thôi chức vụ đối với người có kết quả kém, không đạt được chỉ tiêu tối thiểu.

Việc đánh giá diễn ra vào cuối năm nhưng trong trường hợp tỉnh, thành nào có kết quả bết bát thì tiến hành thay ngay chủ tịch tỉnh, thành đó không đợi đến cuối năm.

Công khai kết quả trên website của Chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng và trên màn hình phẳng khổ lớn đặt tại quảng trường trung tâm của các tỉnh, thành để cán bộ, nhân dân tiện theo dõi, giám sát. Biểu thị kết quả bằng đồ thị với màu sắc bắt mắt, trực quan sinh động để cán bộ, nhân dân có thể thấy rõ hiện trạng của mỗi tỉnh, thành đang phát triển hay thụt lùi trên mỗi tiêu chí.

Như vậy, chủ tịch tỉnh, thành cùng đội ngũ cán bộ sẽ phải nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới. Những chủ tịch tài giỏi sẽ thấy phấn khích và biết rõ được điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục. Những người không đủ sức, đủ tài gánh vác nhiệm vụ kép sẽ phải tự đứng sang một bên, xin rút khỏi vị trí trong danh dự, nhường chỗ cho người tài giỏi.

Tuyển chọn nhân tài lãnh đạo đất nước 

Tranh cử là cơ chế phù hợp để tuyển chọn được nhân tài thật, đủ năng lực đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đất nước ta nhanh chóng phục hồi, bứt phá trong thời bình thường mới.

Cách làm như sau: Tất cả đảng viên tài đức đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định đều có thể tham gia tranh cử để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong Đảng, bộ máy công quyền. 

Bước 1: Các ứng viên cần vượt qua các hội đồng tuyển chọn để tham gia tranh cử trong Đảng. Bước 2, ứng viên tranh cử để chọn ra những người xuất sắc nhất. Bước 3, các ứng viên xuất sắc nhất tranh cử với nhau để nhân dân lựa chọn. Trước hết, thực hiện cơ chế tranh cử để tuyển chọn các ủy viên Trung ương vì đây là cánh cửa then chốt để gia nhập đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đội ngũ lãnh đạo Đảng, đất nước, những người vạch đường chỉ lối, quyết định vận mệnh đất nước. 

Kế sách trọng dụng nhân tài để phục hồi, bứt phá thời 'bình thường mới’
Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi phát quà khi đón công dân tại bến xe Bình Dương về quê ngày 26/9. Ảnh: Nghiêm Túc

Cơ chế tranh cử giúp sàng lọc nhân sự yếu kém vì những người ra tranh cử đã tự sàng lọc, chỉ ai có năng lực, thực tài và đời tư lành mạnh mới dám ra tranh cử và do vậy, ngăn chặn được những kẻ giả tài, cơ hội, hám danh lợi chui vào đội ngũ lãnh đạo. Cơ chế này khắc phục được chủ nghĩa thân hữu và nạn tiêu cực trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, đồng thời giúp những lãnh đạo thanh liêm có thẩm quyền bổ nhiệm thoát được thế khó xử khi bị gửi gắm, nhờ vả.

Để tạo nguồn nhân tài thật, Đảng cần chủ động tìm đến những người tài giỏi ở các lĩnh vực khác nhau. Họ phải là những người được đánh giá là thông minh, năng lực lãnh đạo vượt trội, kỹ năng quản lý xuất chúng, đạt nhiều thành tựu trên thực tế và đã được xã hội thừa nhận. Cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn chính khách tài năng mở, cho phép người dân trong nước có thể đăng ký tham gia nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Chú trọng nhân tài chuyên môn

Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong thời bình thường mới là nhiệm vụ phức tạp, ảnh hưởng tới sinh mệnh, sinh kế của hàng triệu người, sự tồn vong của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi vậy, các quyết định, chính sách lớn cần dựa vào chuyên môn và các bằng chứng khoa học, nhất là chuyên môn về dịch tễ, y tế…

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần lập các đội đặc nhiệm tinh nhuệ, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học tài năng đã được giới chuyên môn, cộng đồng khoa học thừa nhận và xã hội biết đến. Trước hết, cần lập Đội đặc nhiệm về đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh; Đội đặc nhiệm phục hồi, phát triển kinh tế… Các đội đặc nhiệm thực hiện việc thiết kế khung khổ đối với những vấn đề lớn cấp thiết như xây dựng Bộ quy tắc chung đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh; Quy tắc chung đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, di chuyển lao động thông suốt cả nước.

Việc thiết kế cơ chế, chính sách cần chú ý đảm bảo doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi trên thực tế. Ví dụ, đối với việc cấp phép xây dựng, thay vì chỉ quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét để cấp giấy phép trong 20 ngày, cần có thêm quy định hết thời hạn này mà cơ quan không cấp phép cũng không có thông báo lý do bằng văn bản thì người xin cấp phép được khởi công xây dựng và gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép; cơ quan này chịu trách nhiệm như đã cấp giấy phép. Như vậy, cơ quan sẽ tích cực hơn trong việc cấp phép đúng hạn cho doanh nghiệp, người dân…   

Tóm lại, nhiệm vụ kép trong thời bình thường mới rất hóc búa, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và do vậy, cần có sự đổi mới đột phá để trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ trị tài năng, tinh nhuệ với tinh thần đổi mới sáng tạo, thực tài, để biến nguy thành cơ, đưa đất nước nhanh chóng phục hồi, bứt phá, phát triển theo quỹ đạo đổi mới sáng tạo.

Phạm Mạnh Hùng 

CHỐNG DỊCH COVID-19 CÒN LÀ CHỐNG KIỆT QUỆ

HỒ THANH PHONG/ TVN 30-9-2021

Là người trực tiếp trao những phần gạo nhỏ bé cho bà con TP.HCM từ những ngày đầu tháng 6, đến bây giờ tham gia hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà, tôi cảm thấy mình cần chia sẻ vài điều.

Theo chủ quan của tôi, việc chống dịch không chỉ là chống không cho nhiễm bệnh và chống tử vong do Covid-19, mà còn là chống không để kiệt quệ sức khỏe, không để tử vong vì bệnh khác, nhất là với người lớn tuổi có nhiều bệnh nền. Đây không chỉ là quyết tâm ngăn chặn lây nhiễm mà còn là giữ được tinh thần không bị trầm cảm, u uất, không chỉ tăng cường giãn cách mà còn là chống không để suy sụp về kinh tế để còn sức "chiến đấu" lâu dài. 

Rất nhiều nước trên thế giới chống dịch hiệu quả theo phương thức như thế. 

Không thể phủ nhận được công sức to lớn của hệ thống Y tế, của chính quyền và toàn thể xã hội thời gian vừa qua. Tất cả đã tận lực cố gắng trong việc chống dịch, cứu chữa người mắc bệnh, chăm sóc cho người dân. Nhưng có lẽ chúng ta nên nhìn lại mọi việc bằng con mắt Quản trị, Khoa học và Đa chiều về công cuộc phòng chống dịch để chuẩn bị cũng như có thái độ với đại dịch Covid và dịch bệnh khác như thế nào. 

Tôi xin được góp các ý sau:   

Con người và cán bộ 

Qua đại dịch vừa rồi, chúng ta thấy rất rõ bộ máy cơ sở là bộ máy chủ lực chống dịch và cũng là bộ máy cần được tăng cường nhất. Vì thế hãy củng cố, thay đổi, tăng cường nhân sự thật mạnh, thật chuyên nghiệp cho hệ thống chính quyền, Y tế, Mặt trận, đoàn thể cấp quận huyện, phường xã vì đây chính là thành trì cho việc bảo vệ sức khỏe và bảo vệ niềm tin của nhân dân. 

Chống dịch còn là chống kiệt quệ
Tháo dỡ rào chắn tại một con hẻm trên đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: Tuấn Kiệt

Ngoài các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý nhà nước qui định, cán  bộ ở quận huyện, phường xã cần được trang bị kiến thức quản trị tiên tiến, nắm được những nguyên lý căn bản của việc “Ra quyết định” trong môi trường đa chiều. 

Một vấn đề hệ trọng cho cán bộ các cấp là nguyên lý “mô phỏng” trong xử lý công việc. Mỗi khi ban hành chính sách, cần có bộ phận ước lượng khả năng thực thi, thành công, thất bại. Thực tế đã cho thấy khoảng cách lớn đến chừng nào giữa quyết định trên giấy vội vàng và thực tế. 

Nên chăng mỗi 6 tháng nên tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp những bài học về: Quản trị rủi ro, Quản trị khủng hoảng, Quản trị chính quyền trong đại dịch, Quản trị xã hội trong đại dịch… Người giảng các chuyên đề này phải là người giỏi thật sự trong lĩnh vực đó. Nên tránh tình trạng một vài nơi được “mặc định” giảng dạy các loại chuyên đề này mà nội dung không có gì mới. 

Về phía người dân, họ cũng cần được huấn luyện, tập dượt cho khủng hoảng. Thực tế đã chỉ ra nơi nào người dân được thông cảm, thương yêu và được bảo vệ tốt, nơi đó sẽ vượt qua đại dịch nhanh chóng.  

Mở ngành học Y tế công cộng, Y tế dự phòng 

Nên chăng có điều chỉnh quan điểm y tế, bên cạnh những bệnh viện điều trị hùng mạnh thì hệ thống y tế công cộng cũng phải hùng mạnh. Bên cạnh tăng cường nghiên cứu, đầu tư về điều trị từng căn bệnh, chúng ta cần tăng cường nghiên cứu và đầu tư cho Y tế dự phòng, Y tế công cộng. Hãy tăng cường giảng dạy và mở ngành học về Y tế công cộng, Y tế dự phòng, Bác sĩ gia đình. 

Quan trọng hơn, Nhà nước cần thay đổi quan điểm, tạo ra những công việc liên quan, có chính sách hẳn hoi để thu hút người học. Mục tiêu của việc này là sau 3-5 năm, Việt Nam sẽ có một đội ngũ cán bộ y tế chuyên nghiệp làm việc trong hệ thống này và đây chính là nơi tổ chức cuộc “chiến tranh nhân dân” đúng nghĩa để chiến thắng dịch bệnh. Cán bộ y tế công cộng phải được nhận lương bổng thích đáng. 

Với y tế tư nhân: Khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta nên huy động ngay và nhanh toàn bộ các y bác sĩ ở mọi nơi, từ bệnh viện công đến tư, từ trung tâm y tế đến phòng khám tư nhân. 

Khi đã có dịch bệnh, nhất thiết cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, con người cho hệ thống y tế các cấp. Nếu biết sớm, điều trị và chăm sóc sớm, bệnh không trở nặng thì khả năng phục hồi sẽ cao, từ đó giảm đáng kể tử vong. 

Việc phân loại các tầng điều trị là hợp lý. Nhưng dù là mấy tầng, thì tầng dưới cùng phải được đầu tư chỉn chu, chú trọng nhiều đến sự quan tâm, hướng dẫn cho bệnh nhân cùng gia đình tự chăm sóc. Trong điều kiện vật chất các gia đình khó khăn không thể tự chăm sóc thì những khu cách ly phải được đầu tư chu đáo để đón bệnh nhân. 

Điều trị từ xa và bác sĩ gia đình 

Bên cạnh việc tăng cường hệ thống y tế công cộng, một biện pháp tăng cường nguồn lực y tế được các nước châu Âu và Mỹ sử dụng, đó là xây dựng hệ thống TeleMedicine (điều trị từ xa). Cái lợi không chỉ là tăng cường nguồn lực mà còn là tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, đây còn là một hệ thống tự phân loại rất tốt: Bệnh nhân khi mới nhiễm bệnh sẽ gọi đến tổng đài, được tổng đài viên tiếp nhận điện thoại và tìm bác sĩ thích hợp. 

Trong qua trình thăm khám online, bác sĩ đã phân loại được bệnh nhân và nếu bệnh trở nặng sẽ được chuyển đến bệnh viện thích hợp nhanh chóng. 

Trên thế giới, Y học gia đình là một hình thức không mới trong tổ chức chăm sóc sức khỏe. Điều này giúp người dân có thể tiếp cận nhanh chóng các tư vấn y tế cũng như tránh tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Một hoặc nhiều bác sĩ gia đình liên kết với nhau, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân, thông qua kết nối Internet sẽ thăm khám và sau đó liên kết với các cơ sở chẩn đoán tiền lâm sàng, các nhà thuốc, từ đó hình thành một “bệnh viện” linh hoạt. 

Nếu kết hợp TeleMedicine và bác sĩ gia đình, đây sẽ là một nguồn lực đáng kể góp phần đối phó dịch bệnh, đặc biệt khi tiếp xúc trực tiếp trở nên khó khăn. 

Công nghệ thông tin 

Nếu có công cụ nào kết nối tất cả các bộ phận lại với nhau thì đó là công nghệ thông tin. Vừa qua, Bộ Y tế và thành phố đã lúng túng trong việc sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong việc phòng chống dịch.

Chúng ta thiếu những ứng dụng trên web, trên điện thoại để ghi nhận thông tin, để khai báo, để phòng chống dịch, để điều trị, thăm khám và hỗ trợ bệnh nhân trên mọi phương diện. Chúng ta thiếu cả những chương trình hỗ trợ ra quyết định cho Ban chỉ huy phòng chống dịch, chương trình hỗ trợ để có thể thu thập và xem thông tin về số ca bệnh, số ca nhập viện, tình trạng bệnh nhân, tình trạng bệnh viện ở các cấp từ thành phố xuống đến phường xã. 

Do đó, cần cấp tốc huy động nhân lực trong việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện kiểm định, sử dụng.  

Vắc xin 

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tiếp tục giữ tiến độ tiêm và tăng cường số liều vắc xin được tiêm vì vắc xin là vũ khí hữu hiệu lâu dài để chống virus. 

Rồi thế giới sẽ phải đối mặt với sự thật phải chấp nhận bệnh này, chấp nhận một tỷ lệ nhất định dân số nhiễm bệnh nhưng sẽ bảo toàn sinh mạng vì đã có vắc xin. Rồi sẽ đến lúc vắc xin Sars-Cov-2 sẽ được chích thường xuyên, có thời hạn tái chủng như các vắc xin khác… Vấn đề là cần tổ chức thực hiện bài bản, khoa học và nhanh chóng sau này. 

Quản trị chuỗi cung ứng 

Cuối cùng nhưng không phải kém quan trọng là việc Quản trị chuỗi cung ứng. Khi khủng hoảng xảy ra nghĩa là mọi việc diễn tiến theo chiều hướng xấu đến mức không kiểm soát được, những biện pháp thông thường chỉ làm cho khủng hoảng thêm gia tăng. Tôi xin có ý kiến ở góc độ an sinh từ người dân và từ doanh nghiệp. 

Từ phía người dân: Phải giữ cho được sức khỏe của tầng lớp lớn nhân dân, không để họ đói và kiệt quệ về kinh tế, không để họ suy kiệt về tinh thần, trầm cảm. Khi kiệt quệ kinh tế, sa sút tinh thần, người dân họ sẽ không có sức khỏe và tâm trí cho việc chống dịch, thiệt hại càng lớn hơn. 

Khi chính quyền ra quyết định giãn cách thì nên ước lượng hệ quả của chính sách này. Phải đảm bảo an sinh thực tế (không phải trên giấy tờ), nghĩa là ước lượng cung - cầu thật sự. Khi giãn cách nghĩa là cắt giảm nguồn cung thì nhu cầu này sẽ bị cắt giảm bao nhiêu, diễn ra trong bao lâu? 

Không nên tự động “gia hạn giãn cách” như gia hạn thuê bao một số loại dịch vụ viễn thông. Vì “giãn cách” gắn liền với an sinh, sức khỏe, niềm tin, tâm lý… Trong mọi hoàn cảnh, không được làm đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa quan trọng cũng như vận tải hàng hóa. 

Từ phía doanh nghiệp: Phải giữ cho được “sức khỏe” của nền kinh tế hàng hóa, không để suy kiệt. Sức khỏe của nền kinh tế hình thành từ công ăn việc làm của từng doanh nghiệp. Cứ mỗi công việc được tạo ra là một gia đình được nuôi sống, một sản phẩm được sản xuất là lợi ích mang đến cho tất cả thành phần của chuỗi cung ứng và cuối cùng đến người dân. 

Hơn 2 tháng qua, cả chuỗi cung ứng này bị gãy ở khâu lưu thông phân phối! Chưa bao giờ khái niệm Chuỗi cung ứng bị đứt gãy lại rõ ràng như thời gian qua: Có hàng hóa ở nơi sản xuất, có nhu cầu ở nơi tiêu thụ mà lại không thể vận chuyển đến nơi cần. 

Hậu quả đã thấy: Doanh nghiệp không thể sản xuất vì tiếp tục sản xuất mà lưu thông phân phối trong khi chi phí để có “3 tại chỗ” quá lớn thì sản xuất để làm gì? Doanh nghiệp không sản xuất, công nhân thất nghiệp, ở nhà, bệnh tật vây bủa thì kiệt quệ là không thể tránh khỏi. 

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ, tôi không lo về chủ trương, về ý định tốt của chính sách, tôi chỉ ngại, đôi khi thực thi, với cách nhìn lo sợ trách nhiệm, sợ bị qui chụp là lơ là trong chống dịch mà có lúc này lúc khác, nơi này nơi kia không thực sự vì dân! 

Về phía người dân, ở góc độ khác, hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của những cán bộ chấp hành như quận, huyện, phường, xã mà thông cảm với bao áp lực đang đè nặng lên vai của cán bộ. Có thông tin rõ ràng, xuyên suốt, minh bạch, chỉ có thái độ cầu thị, cảm thông từ cả nhiều phía, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch này. 

Hồ Thanh Phong (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM)

THẤY GÌ TỪ VỤ CƯỠNG CHẾ TEST COVID ?

MẠC VĂN TRANG/ TD 30-9-2021


Cái clip ông Võ Thanh Quan bí thư đảng ủy phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương chỉ đạo lực lượng chức năng phá cửa, xông vào nhà cưỡng chế chị Lan đi test Covid đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.

Dân phòng, công an, cảnh sát cơ động hàng chục người trang bị công cụ, phá cửa, xông vào nhà người phụ nữ, vặn tay, lôi đi trong tiếng gào thét kinh hãi của con trẻ…

Đúng như Cụ Nguyễn Du viết:

Người nách thước, kẻ tay dao

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi…

Hai người đàn ông lực lưỡng tiếp tục nắm chặt hai cánh tay chị Lan lôi đi rất thô bạo, rồi ấn chị ngồi xuống chiếc ghế ở giữa sân, trong khi hai người đàn ông vẫn giữ chặt hai cánh tay chị kéo ghì vào tựa ghế. Một người đàn ông khác thò bàn tay thô bạo sờ vào mặt chị; một người khác ngoáy mũi…

Vòng ngoài, hàng chục công an, dân quân, cảnh sát cơ động đeo súng vây quanh như bắt một tên tội phạm khủng bố nguy hiểm. Trong khi đó mấy người khác thì ra sức ghi hình toàn bộ những hành vi cưỡng bức và nỗi khốn khổ của người phụ nữ.

Sau khi bị cưỡng bức ngoáy mũi xong, chị Lan vội vã ra về, vừa bước đi mấy bước, thì bị hai người đàn ông chạy đuổi theo, bắt quay lại ký biên bản xử phạt rồi mới cho đi.

Toàn bộ sự việc diễn ra như trên đều được lực lượng chức năng chủ động ghi hình như là một chiến công một vụ trấn áp tội phạm nguy hiểm.

Xem cái clip này thấy mấy điều.

  1. Từ khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”

Khẩu hiệu này đã được các lực lượng chức năng, nhất là ở cơ sở, coi những người bị nhiễm, dương tính với Covid như giặc, vì không nhìn thấy “giặc virus” mà chỉ thấy “vật chứa giặc” nên những người bị dương tính mà ngành Y tế gọi là “F0” bị coi như “giặc”; họ phải bị cưỡng chế tập trung, bao vây để tiêu diệt giặc… Những người “F1” có liên quan với “giặc” nên cũng phải truy vết và cưỡng chế cách ly, bao vây chặt.

Chiến dịch xét nghiệm thần tốc toàn dân, nhất là ở những “vùng đỏ”, “vùng vàng”, tức những vùng nguy hiểm cấp 1 và cấp 2 có giặc ẩn náu trong các “vật chứa”, phải truy lùng cho ra những con “F0”, tức “vật chứa giặc”. Hà Nội mở chiến dịch thần tốc, test toàn dân, suốt ngày đêm, đã ngoáy mũi hơn 4 triệu người, truy bắt được 21 tên “giặc F0”.

Trong khí thế tấn công thần tốc, truy quét giặc bằng test ngoáy mũi, ai không chấp hành coi như đồng lõa với giặc, chống lại quyết tâm diệt giặc của trên…

Cái khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” suốt ngày được tuyên truyền trên loa đài, khiến các lực lượng chức năng càng phấn khích hành động như thời chiến vậy. Từ đó, phát sinh ra không biết bao nhiêu hành động thô bạo, tàn nhẫn đối với người dân trong quá trình chống dịch. Vụ xảy ra như trong clip nói trên chỉ là một vụ điển hình.

  1. Tại sao chính quyền cơ sở có thể hành động như vây?

Sao họ coi dân như những kẻ nô lệ dưới thời thực dân phong kiến, như anh Pha, chị Dậu vậy?

Bởi vì chính quyền cấp dưới chỉ cốt thực hiện mệnh lệnh của trên, thể hiện lòng trung thành và sự mẫn cán với cấp trên. Họ sợ cấp trên chứ không sợ dân; họ lập công cho vừa lòng cấp trên chứ không làm vì dân; cấp trên mới quan trọng, chứ dân không quan trọng với họ. Đó đã là nếp nghĩ, động cơ hành động, là thói quen lâu ngày rồi.

Sở dĩ họ ngang nhiên làm như vậy là vì như Cụ Tản Đà đã viết cách đây gần trăm năm:

“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn

Cho nên bọn họ dễ làm quan”!

  1. Tại sao họ ngu và ác thế?

Quyền lực không bị kiểm soát, không bị trừng phạt sẽ dẫn người ta đến ngu và ác.

Người ta ngu, vì nghĩ rằng quyền trong tay mình, “luật là tao, tao là luật” muốn làm gì thì làm; cái gì trái ý ta phải bị khuất phục; khuất phục bằng lý lẽ thì rắc rối lắm, dùng bạo lực là nhanh gọn, hiệu quả ngay tức khắc! Mà đã dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thì tất yếu là vô cảm, thô bạo, tàn ác…

Họ có ngu thật không? Họ ngu thật nên mới hành động vô pháp như vậy; hành động vi phạm pháp luật giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn cho là đúng, nên mới công khai ghi hình rất đầy đủ, để chứng minh là họ “chống dịch như chống giặc”, rất quyết liệt, triệt để, báo cáo thành tích với trên…

Điều đáng sợ là sự ngu muội vô minh tập thể, cho nên tất cả đều phục tùng mệnh lệnh, hành động quyết liệt, không một ai có ý can ngăn.

Sự ngu muội vô minh tập thể dẫn đến hành động tàn ác tập thể mới thật kinh hãi, đáng sợ.

  1. Sau khi gây ra sai lầm, tội lỗi họ làm gì?

Nếu không có dư luận lên án mạnh mẽ, họ sẽ chả sao cả, chỉ “phê tự phê”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” một cách giả tạo, còn chứng nào vẫn tật ấy.

Nhưng trước sức ép của dư luận, họ sẽ:

– Bịt dư luận, gỡ bài, xoá clip, đe doạ những người đưa tin…

– Dùng các phương tiện truyền thông nhà nước để đánh tráo khái niệm, giảm nhẹ hành vi phạm tội hoặc đổi trắng thay đen… (Nếu không có clip đầy đủ về vụ này, họ sẽ quy cho chị Lan là “chống người thi hành công vụ”, thậm chí nhiều trường hợp đưa về đồn rồi “tự chết”…)

– Họ luôn bao che cho nhau, dung mọi cách để thoát tội, quy về “có thiếu sót”, “cần rút kinh nghiệm”…

Ti bui làm vic, ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đng y phường Vĩnh Phú đã trình bày li s vic và nhn khuyết đim. Đng thi, công khai xin li bà L.

Theo ông Quan, vi mong mun nhanh chóng dp dch và lo ngi tình hình dch bùng phát tr li nên s mi người b nhim bnh ri lây lan trong mt khu vc có đông dân cư, chính vì vy, trong khi thi hành công v đã có phn hơi nóng vi, ch đo lc lượng cưỡng chế ch L.

V phía bà L., bà cho là vic cưỡng chế gây tn hi v tinh thn ri xin li nên không đng ý”.

– “Xin lỗi” để mị dân, xoá nhoà tội lỗi. Đúng như ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng từng nói: “Nếu ta sai phải xin lỗi dân; nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Nhận lỗi, xin lỗi, chuộc lỗi, tạ lỗi là đạo lý ở đời, nhưng đối với những người trong hệ thống cai trị xã hội này là điều họ chối bỏ từ lâu.

  1. Dân đã ngộ ra chưa?

Chị Lan không nhận lời xin lỗi của ông Quang, mà đòi hỏi phải truy tố hành vi phạm pháp là đúng. Tất nhiên họ bao che nhau, sẽ rất khó khăn. Nhưng đó cũng là một bước tiến bộ về nhận thức và hành động.

Trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, dân đã phần nào nhận rõ bản chất của chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở. Trong thể chế này, bản chất đó không bao giờ thay đổi được.

Nhiều người dân đã bức xúc nói lên sự thật tồi tệ của chính quyền, đã bớt sợ hãi; nhiều người xuất hiện trong các livestream nói, tôi nói sự thật, tôi không sợ gì hết.

Có lẽ GS Hoàng Dũng nói đúng: Sau đại dịch, dân sẽ khác còn chính quyền vẫn thế!

THAY LỜI KẾT

Vụ cưỡng chế chị Lan đi test là một trường hợp điển hình. Nhưng nghiên cứu một trường hợp (case study) cũng thấy được bản chất của cả hệ thống của nó.

Tuy nhiên, trong quy luật xã hội thường có ngoại lệ. Công bằng mà nói, ở các cấp chính quyền vẫn có những người tốt. Những người ấy đứng về phía nhân dân, nên hiểu dân, thương dân, hành động vì dân; mà khi dựa vào dân thì thêm dũng khí và ít sai lầm…

Dư luận khen ngợi hai người phụ nữ lãnh đạo là bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch huyện Củ Chi và bà Lê Thị Hờ Rin, bí thư quận uỷ quận 6 TP HCM đã dám “xé rào” để cứu dân trong đại dịch. Nhưng rất tiếc, những người như vậy rất hiếm trong thể chế này; vì hiếm nên họ là thiểu số và thiểu số thì dễ bị loại khỏi hệ thống.

TRONG ĐẠI DỊCH, CÔNG DÂN KHÔNG CÒN LÀ CON NGƯỜI !

TRÂN VĂN/ 1-10-2021

Có hàng loạt bằng chứng cho thấy, hiến pháp và luật pháp của Cộng hòa XHCN Việt Nam đã bị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền… tạm đình chỉ công tác vì Việt Nam đang có… đại dịch. Trong đại dịch, công dân có còn là con người hay không phụ thuộc vào việc viên chức hữu trách của các địa phương có… thích hay không!

***

Tuy Thành ủy Thuận An đã thành lập một… Đoàn Công tác đến tư gia của bà Hoàng Phương Lan, tọa lạc tại Block B, Chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương để… tìm hiểu về chuyện chính quyền phường này phá khóa nhà bà Lan, xông vào tư gia, cưỡng bức bà xét nghiệm COVID-19 (1), đồng thời yêu cầu những cá nhân có liên quan đến việc vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, lạm quyền, làm nhục người khác phải giải trình để xem xét, xử lý và ông Võ Thanh Quan (Bí thư phường Vĩnh Phú) đã xin lỗi bà Lan (2),… nhưng tất cả những động tác ấy chỉ nhằm… giải độc dư luận chứ không… thật tâm!

Nếu thật tâm, chắc chắn bà Huỳnh Thị Thanh Phương (Bí thư thành phố Thuận An) không nhận định: Việc phá khóa nhà bà Lan, xông vào tư gia, cưỡng bức bà xét nghiệm COVID-19 chỉ là… hơi nóng vội và mạnh tay. Bà Bí thư thành phố Thuận An khẳng định: Đã xem video ghi lại cảnh anh em cưỡng bức bà Lan xét nghiệm COVID-19 nhưng xem xong vẫn thấy… cần phải nghe anh em giải trình lý do vì sao buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế như vậy (3). Bà Phương nhấn mạnh: Khi cả hệ thống đang căng mình chống dịch như hiện nay, không thể áp dụng tất cả các điều luật như bình thường (4)! Bí thư Thành ủy đã quan niệm như vậy thì chắc chắn Bí thư phường phải hành xử như ông Võ Thanh Quan.

Không phải tự nhiên mà những viên chức hữu trách ở phường Vĩnh Thái vừa chà đạp Hiến pháp và pháp luật, vừa thản nhiên ghi hình và công bố video clip khoe hành vi xâm phạm chỗ ở, xâm phạm thân thể của công dân, lạm quyền, công khai làm nhục người khác để chứng tỏ cả sự mẫn cán lẫn… quyết liệt của họ trong… phòng chống COVID-19. Cuối tháng trước, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở thành phố Thuận An từng khoe sự mẫn cán và quyết liệt này thông qua việc tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với Bí thư và Chủ tịch phường Thuận Giao vì… lúng túng trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch tại địa phương dẫn đến thực hiện Chỉ thị 16 không nghiêm (5).

***

Chuyện công khai chà đạp Hiến pháp và pháp luật, ngang nhiên xâm phạm về chỗ ở, xâm phạm thân thể của công dân, lạm quyền, làm nhục người khác với lý do đang phòng chống đại dịch không chỉ xảy ra ở thành phố Thuận An. Trong năm tháng vừa qua, những hành vi đó xảy ra ở khắp nơi.

Tuy thiên hạ cũng chật vật trong phòng – chống đại dịch nhưng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện săn lùng cả những người bị nhiễm COVID-19 (F0), lẫn những người có tiếp xúc với F0 (F1) để tống vào các trại tập trung, thậm chí tống cả những người từ chối xét nghiệm COVID-19 vào trại tập trung như ở phường 1, thành phố Cà Mau (6).

Chỉ ở Việt Nam mới có chuyện phá cửa, xông vào nhà, phá cửa phòng, trói F1, lấy bạt bọc lại, rồi vừa tống vào trại tập trung, vừa cáo buộc “chống người thi hành công vụ” để truy cứu trách nhiệm hình sự như trường hợp bà Hoàng Thị Hồng ngụ tại xã Diễn Kỳ, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An (7).

Chỉ ở Việt Nam mới có chuyện ngoài hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp cũng khoe đã… tạm đình chỉ công tác cả Hiến pháp lẫn pháp luật và công dân bị… xéo quá phải quằn… Trung tuần tháng này, Công an An Giang ghi hình, đưa lên Internet phiên xử Nguyễn Hoàng Suốt, 33 tuổi, ngụ ở xã Khánh An, huyện An Phú, do bị công an xông vào nhà, khống chế, cưỡng bức xét nghiệm COVID-19 nên dùng dao đuổi công an ra khỏi nhà và bị truy tố vì “chống người thi hành công vụ” (8).

Tại tòa, Suốt đề nghị thẩm phán xem xét nguyên do “chống người thi hành công vụ”: Công an xông vào nhà, cưỡng bức anh xét nghiệm COVID-19 là lạm quyền, xâm phạm quyền của công dân. Thẩm phán đã bác bỏ khiếu nại vì: Trong giai đoạn dịch bệnh, lực lượng phòng – chống dịch… thực hiện pháp luật, bị cáo phải chấp hành. 160.000 dân của huyện An Phú ai cũng test nhanh hết chỉ có mình bị cáo không đồng ý, bị cáo có thấy mình khác người không. Cuối cùng, Suốt bị phạt 30 tháng tù (9).

***

Bởi trong đại dịch, Hiến pháp và pháp luật đã bị… tạm đình chỉ công tác nên quan niệm của viên chức ở bất kỳ cấp nào cũng là… luật. Ở TP.HCM, F0 có thể cách ly tại gia nhưng nhiều địa phương khác, F0 và F1 vẫn bị săn lùng, cưỡng bức cách ly trong các trại tập trung, không chịu xét nghiệm COVID-19 cũng bị tống vào các trại tập trung.

Khi Hiến pháp và pháp luật đã bị… tạm đình chỉ công tác thì những quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về chỗ ở là… rác. Công dân không còn được xem như người nên chính quyền các phường – xã, quận – huyện, tỉnh – thành phố thấy cần là… dựng hàng rào, khóa cổng, Nếu may thì chỉ bị phá cửa xông vào nhà, trói lại, kém may măn hơn thì bị… phạt tù!

Hiến pháp và pháp luật đã bị… tạm đình chỉ công tác nên mới có chuyện Bí thư thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, tuy đã xem video clip ghi lại cảnh các viên chức hữu trách phá khóa, cưỡng bức bà Hoàng Phương Lan xét nghiệm, vẫn đinh ninh: Khi cả hệ thống đang căng mình chống dịch như hiện nay, không thể áp dụng tất cả các điều luật như bình thường Còn ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Đồng Nai, xem xong thì yêu cầu thuộc cấp: Không được ứng xử thô bạo với dân (10)!

Đại dịch hóa ra là dịp khắc họa rõ hơn sự ưu việt của nhà nước pháp quyền XHCN!

Chú thích

(1) https://www.phunuonline.com.vn/cong-an-canh-sat-co-dong-pha-cua-cuong-che-nguoi-dan-di-test-covid-19-a1447017.html

(2) https://tuoitre.vn/bi-thu-phuong-xin-loi-cong-khai-nguoi-phu-nu-bi-cuong-che-xet-nghiem-covid-19-20210929135947627.htm

(3) https://zingnews.vn/tp-thuan-an-yeu-cau-giai-trinh-vu-cuong-che-nguoi-phu-nu-di-xet-nghiem-post1267213.html

(4) https://danviet.vn/yeu-cau-giai-trinh-vu-pha-cua-can-ho-khong-che-nguoi-phu-nu-o-binh-duong-di-test-covid-19-20210929102345894.htm

(5) https://cand.com.vn/Xa-hoi/bi-thu-va-chu-tich-ubnd-phuong-bi-tam-chi-cong-tac-vi-lo-la-phong-chong-dich-i624894/

(6) https://www.baocamau.com.vn/tin/cuong-che-cach-ly-tap-trung-nguoi-dan-ong-khong-chap-hanh-xet-nghiem-covid-19-70098.html

(7) https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/qua-trinh-chong-doi-cach-ly-tap-trung-cua-f1-o-nghe-an-dan-toi-viec-bi-khoi-to-770322.html

(8) https://www.facebook.com/sinhvientruongluat/videos/983561608875513

(9) https://angiang.toaan.gov.vn/webcenter/portal/angiang/chitiettin?dDocName=TAND188563

(10) https://tuoitre.vn/bi-thu-dong-nai-khong-duoc-ung-xu-tho-bao-voi-dan-20210929112504287.htm

Blog VOA

CÔNG LÝ 404

TUẤN KHANH/TD 1-10-2021

Trong buổi hòa giải, ông Võ Thanh Quân đã buộc phải công khai xin lỗi bà Hoàng Phương Lan. Ảnh trên mạng

Buổi tối ngày cuối tháng 9-2021, khi câu chuyện về người phụ nữ bị đủ loại lực lượng của chính quyền tấn công ngay trong căn nhà mình ở Thuận An, Bình Dương, vẫn còn đang nóng hổi trong dư luận, thì các bài báo nói tương đối đủ và đúng về sự kiện này đột nhiên mất dạng. Nhiều người hỏi nhau, và thử tìm vào báo Tuổi Trẻ điện tử, nơi có bài phát pháo đầu tiên mang tên “Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người”, thì đã chỉ còn lại phần thông báo 404, lỗi vì không tìm thấy.

Việc những người làm kiểm duyệt ở Việt Nam cướp đi chứng tích, hay bịt miệng các ngôn luận từ giới truyền thông là điều không lạ. Thậm chí thói quen thô bỉ đó ngày càng trắng trợn đến mức trở thành chuyện cười mỉa thường ngày của đám đông dân chúng.

Nhưng điều đáng nói, sự xóa bỏ này chỉ tạm ẩn đi với người Việt Nam thôi. Hãy thử một dòng mô tả được tìm kiếm trên bing.com, đã cho thấy 3.000 kết quả, thay vào lúc các trang bài ở Việt Nam bị xóa. Hình ảnh ông Võ Thanh Quan, Bí thư phường Vĩnh Phú đang hiên ngang và quyết liệt chỉ huy cuộc đột nhập tư gia có phụ nữ, trẻ em, bẻ tay rồi xô đẩy xuống sân để xét nghiệm, nay đã trở thành chuyện của cả thế giới rồi.

Những kẻ làm kiểm duyệt và quan chức ở Thuận An, Bình Dương đang muốn che giấu với ai vậy? Những hành động can thiệp rẻ tiền này, có phải đã vô hình trung biến sai lầm của một cá nhân lạm quyền và không đủ tư cách làm quan tại một thành phố nhỏ, trở thành chuyện bao che ở tầm quốc gia, mà tất cả hệ thống đều chịu vết nhơ chung?

Đừng quên, khi diễn giải và cố nói giảm nhẹ về hành động phi pháp như trộm cướp của ông Võ Thanh Quan, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, bí thư thành phố Thuận An còn nhấn mạnh là “khi cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch, tất cả điều luật đều không thể áp dụng bình thường”. Có nghĩa, trước sai lầm của thủ hạ, bà Phương đã đẩy cả một hệ thống chính trị Cộng sản Việt Nam án ngữ, chịu trách nhiệm thay cho hành động hồ đồ của một quan chức cấp thấp. Và hơn nữa, bà cũng không quên phủ nhận luôn giá trị luật pháp hiện hành của một quốc gia, để bao che cho tay chân của mình.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Việt

Thật khủng khiếp, chỉ là một vết thương nhỏ của “hệ thống chính trị” ở Bình Dương mà bà Huỳnh Thị Thanh Phương đã giới thiệu đủ cho người dân Việt Nam cả nước – và cả thế giới – thấy cuộc sống của nhân dân Việt Nam, bình an của một quốc gia Việt Nam, với mọi nỗ lực để dựng nên một thể chế, như đổ sông đổ biển.

Việc phủ nhận mọi giá trị luật pháp, được Quốc hội nhiều đời của Nhà nước Việt Nam xây dựng và được xác nhận bởi những người lãnh đạo cao nhất, chỉ qua một lần chọt mũi – nói theo kiểu dân gian – cũng có thể bị phế bỏ dễ dàng, để bảo vệ cho chuyện quan quyền, sai nha… để xông vào bẻ tay một phụ nữ, lôi ra khỏi nhà trước tiếng khóc thét của trẻ con, sự kinh hãi của dân cư. Nếu bỏ qua với hành động và tư duy của ông Võ Thanh Quan và bà Huỳnh Thị Thanh Phương, sớm muộn gì, cũng sẽ là tiền lệ đi đến hủy diệt mọi trật tự trên đất nước này.

Ai đã giới thiệu những người như vậy vào hệ thống cầm quyền? Và ai đã bầu cho họ? Tôi tin rằng chẳng có ai bầu cả. Những lá phiếu vô hồn được thúc hối ở các kỳ bầu cử tại Việt Nam, nay đã chỉ rõ bất cập của nó, và nhân dân đang phải chịu hậu quả trực tiếp.

Giờ thì khắp nơi, hệ thống truyền thông thuộc nhà nước đang đẩy mạnh hình ảnh ông Quan xin lỗi công khai nạn nhân là bà Hoàng Phương Lan. Nhưng việc “công khai” đó như thế nào? Mọi thứ diễn ra trong một căn phòng nhỏ khoảng 16m2, bà Lan ngồi cùng ông Quan và người hòa giải. Chung quanh thì lô nhô người phía chính quyền đang lăm lăm máy quay, máy chụp hình… chờ để bắt kịp hình ảnh vui vẻ, chân thành và tha thứ nhằm tuyên truyền.

Rất thú vị, là ngay ở buổi đầu bà Lan đã từ chối hòa giải suông. Có lẽ bà hiểu, đằng sau bà là cư dân của khu chung cư Ehome4, của những học viên lớp dạy của bà đang điếng người trước khung cảnh, và của con bà, với niềm tin rằng bà đã bị xúc phạm như thế nào.

Cuộc thương lượng hòa giải rõ là không cân sức, khi người được hỏi có đồng ý với lời xin lỗi không, lại là người đang bị thu giữ căn cước công dân, bị buộc ký các biên bản vi phạm theo quan điểm của những kẻ hành động sai quấy, nhân danh chính quyền.

Nhưng quan trọng hơn, là bởi những bài báo mô tả đúng về tình cảnh của bà trên các trang báo nhà nước đang bị gỡ bỏ im lặng, cùng một hệ thống tay sai dư luận viên đang mở chiến dịch bôi nhọ bà về chuyện “ngoan cố”, “thiếu ý thức”, “bị cưỡng chế là đúng”… Hòa giải đang ở ý nghĩa nào trong bối cảnh u ám như vậy?

Không có gì mạt hạng hơn, khi mọi thứ giống như cả một “hệ thống chính trị” đang vào cuộc đế chống lại một người đàn bà. Mạt hạng tận cùng.

Bạn có đang tự hỏi với tôi không, rằng với những gì đang diễn ra, lời “xin lỗi công khai” đang được thực hiện bài bản ở Thuận An, Bình Dương, với bà Hoàng Phương Lan, có thật là sự chân thành nhận biết? Hay lại chỉ là thứ thủ đoạn thao túng dư luận, rập khuôn theo câu nói vô liêm của ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ: “Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Tuấn Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét