Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

20211006. HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XIII

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU KHAI MẠC HỘI NGHỊ TW 4 CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

BÁO CP/ GDVN 4-10-2021

GDVN- Sáng 4/10, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kính thưa Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá của Trung ương, hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu họp Hội nghị lần thứ tư khoá XIII để thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề sau:

Tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; Tình hình kinh tế-xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024;

Chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII;

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ;

Sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; và một số vấn đề quan trọng khác.

Trước hết, tôi xin được thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu khách mời đã về dự Hội nghị; xin gửi tới các đồng chí lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Thưa các đồng chí,

Để chuẩn bị cho Hội nghị, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, các Ban Đảng và các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các Báo cáo, các Đề án và các Tờ trình.

Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước.

Để tiết kiệm thời gian và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, xin phép Hội nghị của chúng ta sẽ không nghe đọc lại các Tờ trình tại Hội trường để dành nhiều thời gian cho việc thảo luận.

Sau đây, tôi xin phát biểu, lưu ý thêm một số vấn đề liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định. Tựu trung có hai Nhóm vấn đề lớn:

1. Một số vấn đề về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022

Việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung liên quan đến quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm nay có ý nghĩa quan trọng đặc biệt do bối cảnh, tình hình diễn biến phức tạp, biến động bất thường; bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt và nặng nề hơn so với dự báo.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; và tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á và nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo hướng: Nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số, thương mại điện tử...

Kinh tế thế giới phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng còn chậm, không đồng đều, chưa thật sự vững chắc, còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch COVID-19; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo tiến hành rất thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; sớm kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; khẩn trương xây dựng các Chương trình và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và tích cực tổ chức một số Hội nghị toàn quốc để triển khai thực hiện, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2021 và 5 năm 2021-2025.

Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng tư đến nay, với biến chủng mới - Delta, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội nước ta; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý, tâm trạng xã hội; đặc biệt là đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch.

Vì vậy, cùng với Tờ trình tổng hợp chung, Ban cán sự đảng Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng các báo cáo về tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19; quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; cũng như việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.

Các báo cáo này có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau; đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu thật kỹ các tài liệu đã gửi và căn cứ vào thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực, địa phương mình để thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021, nhất là dự báo về tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới.

Chú ý tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua.

Chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Đối chiếu, phân tích khả năng hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã dự kiến cho năm 2021, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ sớm kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hoà bình và ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới.

Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới; nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, xác định rõ quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.

2. Một số vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Như chúng ta đều đã biết, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

Không phải ngẫu nhiên mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương đã bàn và ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả:

Ngày 31/12/2011, Hội nghị Trung ương 4 khoá XI đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng).

Sau đó, ngày 27/02/2012, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết (họp 2 ngày rưỡi). Ngày 13/8/2012, họp Hội nghị toàn quốc để hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/3/2012 của Hội nghị Trung ương 5 khoá XI, tháng 02/2013, Bộ Chính trị quyết định thành lập "Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng" trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban; đồng thời lập lại Ban Nội chính Trung ương, làm cơ quan thường trực; và mới đây, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo.

Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII tiếp tục ra Nghị quyết Trung ương 4 "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".

Ngày 09/12/2016, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc (trực tuyến) để triển khai thực hiện Nghị quyết này với sự tham dự của tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, thể hiện tinh thần nghiêm túc và quyết tâm rất cao của toàn Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ngày 01/11/2011, Hội nghị Trung ương 3 khoá XI đã ban hành Quy định số 47 về 19 điều đảng viên không được làm.

Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Chỉ thị số 05 "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Sau 5 năm thực hiện, mới đây, ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị khoá XIII này đã chỉ đạo sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 05 và tổ chức Hội nghị toàn quốc để phổ biến kết quả, và quyết định ban hành Kết luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05.

Thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".

Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu liên quan gửi Trung ương đã nêu khá đầy đủ các nội dung của Đề án.

Đề nghị các đồng chí cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với tên gọi, chủ đề và phạm vi mới của dự thảo Kết luận.

Chỉ rõ có gì cần bổ sung, điều chỉnh; nên chăng phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Từ đó, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm kỳ này.

Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và XII, đề nghị các đồng chí nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa yêu cầu phòng, chống không chỉ tham nhũng mà còn cả đối với tiêu cựcnhưng biểu hiện tiêu cực là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Cho ý kiến cụ thể đối với việc Đề án kiến nghị: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII; đồng thời tập trung ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình; về tập trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp nào cần có thêm quy định, hướng dẫn; và cách thức tổ chức thực hiện thế nào?...

Về việc sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm: Để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần trên đây, từ thực tiễn 4 năm thực hiện Quy định số 115, ngày 07/12/2007 của Bộ Chính trị khoá X, Hội nghị Trung ương 3 khoá XI đã ban hành Quy định số 47, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm (như trên đã nói).

Thực tế gần 10 năm triển khai thực hiện vừa qua cho thấy, các quy định này là rất cần thiết; những nội dung của Quy định đến nay cơ bản vẫn còn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Ngoài ra, có một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có nội dung đến nay quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi thì cũng cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị với kinh nghiệm và thực tiễn phong phú ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình đang công tác, đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, sửa trực tiếp vào dự thảo Quy định, tạo sự thống nhất cao trong Trung ương để ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới (như vậy là 3 khoá liên tục Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - điều đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Mỗi Hội nghị đều có sự kế thừa và phát triển mới).

Thưa các đồng chí,

Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đề nghị các đồng chí phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp, và nhất định phải thành công tốt đẹp, để lại một dấu ấn mới trên con đường phát triển và trưởng thành của Đảng ta, của Đất nước ta, Dân tộc ta.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Baochinhphu.vn
HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG: TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG
TTXVN/GDVN 4-10-2021
GDVN- Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái,...

Sáng 4/10, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.

Hội nghị đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến,""tự chuyển hóa" trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc hội nghị, nêu một số vấn đề liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của hội nghị, có tính chất gợi mở để Trung ương quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định.

Sớm kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung liên quan đến quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm nay có ý nghĩa quan trọng đặc biệt do bối cảnh, tình hình diễn biến phức tạp, biến động bất thường; bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt và nặng nề hơn so với dự báo.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Ủy viên Trung ương dành thời gian nghiên cứu thật kỹ các tài liệu đã gửi và căn cứ vào thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực, địa phương mình để thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021, nhất là dự báo về tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới.

Chú ý tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua.

Tổng Bí thư lưu ý cần chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Đối chiếu, phân tích khả năng hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã dự kiến cho năm 2021, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ sớm kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam trong thời gian tới; nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, cần xác định rõ quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.

Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng

Tổng Bí thư nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến,""tự chuyển hóa" trong nội bộ."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với tên gọi, chủ đề và phạm vi mới của dự thảo Kết luận.

Chỉ rõ có gì cần bổ sung, điều chỉnh; nên chăng phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Từ đó, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm kỳ này.

“Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII, đề nghị các đồng chí nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa yêu cầu phòng, chống không chỉ tham nhũng mà còn cả đối với tiêu cực; những biểu hiện tiêu cực là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?,"Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Cho ý kiến cụ thể đối với việc Đề án kiến nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; đồng thời tập trung ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình; về tập trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

“Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp nào cần có thêm quy định, hướng dẫn và cách thức tổ chức thực hiện thế nào?," Tổng Bí thư gợi mở.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Về việc sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các Ủy viên Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, sửa trực tiếp vào dự thảo Quy định, tạo sự thống nhất cao trong Trung ương để ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.

Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Ủy viên Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 7/10/2021.

Theo TTXVN
TOÀN VĂN PHÁT BIỂU BẾ MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4 CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
BÁO CP/GDVN 8-10-2021

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Kính thưa Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Sau hơn 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương của chúng ta đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết và quan trọng vào các Báo cáo và Đề án do Bộ Chính trị và Ban cán sự đảng Chính phủ trình Trung ương.

Bộ Chính trị đã tiếp thu những ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Để kết thúc Hội nghị, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu mà Hội nghị đã đạt được.

1. Về kinh tế-xã hội năm 2021 - 2022

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các vấn đề, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thành công của Đại hội đã tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau Đại hội Đảng, Trung ương đã tổ chức tốt 3 hội nghị Trung ương; lãnh đạo tiến hành thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; sớm kiện toàn các cơ quan và nhân sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tổ chức thành công nhiều hội nghị toàn quốc và sự kiện chính trị quan trọng khác; đồng thời đã chỉ đạo khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng và tích cực tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và 5 năm 2021-2025; cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, như nhiều lần tôi đã nói: "Nhất hô bá ứng", "tiền hô hậu ủng", "trên dưới đồng lòng" và "dọc ngang thông suốt".

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kế thừa, phát huy tốt những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và đời sống nhân dân, chăm lo việc học hành của học sinh, sinh viên...

Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" của dân tộc ta lại tiếp tục được phát huy cao độ.

Nhờ đó, đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ 3; kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá, ở mức 5,64%, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tổng thu ngân sách đạt 80,2% dự toán; thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán cơ bản ổn định; xuất khẩu hàng hoá tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Đặc biệt là, đã kịp thời ứng phó và thực hiện các chính sách hỗ trợ để khắc phục, giải quyết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia; tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua.

Đồng thời, chia sẻ sâu sắc những tổn thất, mất mát về người và của mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; ghi công, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành Y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã dũng cảm hy sinh quên mình vì sinh mệnh, sức khoẻ và cuộc sống yên bình của nhân dân.

Mặt khác, Trung ương cũng đã tập trung phân tích những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm; và bàn về những chủ trương, chính sách đúng đắn, tổng thể, căn cơ, bài bản hơn để quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Hội nghị thống nhất nhận định: Do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).

Kinh tế-xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản.

Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh.

Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021.

Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh; tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không quá hốt hoảng, nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp; nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức; ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối; do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh.

Vì vậy, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Trên cơ sở kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; tập trung ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, như: Thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch,... để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi.

Có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.

Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu Covid-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót, để lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ.

Kịp thời đề xuất khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia tuyến đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chăm lo sức khoẻ, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh - phúc lợi xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục; chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học bình thường của học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tinh thần nói trên, Ban Chấp hành Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương mà Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII đã nêu.

Đồng thời, yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hoá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Tập trung ưu tiên thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời xử lý những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài; các ngân hàng thương mại mua bắt buộc 0 đồng...

Tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân cùng chia sẻ, khắc phục những khó khăn chung của đất nước.

2. Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, hơn 90 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ.

Thực tế từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, và nhờ thế đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, thách thức mới, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...

Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới.

Trong đó nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.

Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.

Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.

Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể, thực hiện không nghiêm.

Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc.

Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Theo đó, phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm".

Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.

Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn Nghị quyết và Kết luận này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước, trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện.

Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.

Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả cụ thể hơn nữa Quy định về những điều đảng viên không được làm mà Kỳ họp này Trung ương mới bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thêm theo đúng tinh thần, nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, Điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Hội nghị đã thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Trung ương cho rằng, tổ chức thực hiện tốt Quy định mới và Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã thành công tốt đẹp. Tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương tại Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này thì nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình thật sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể.

Tôi đề nghị, mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương, trên cương vị công tác của mình, hãy phát huy tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm cá nhân, cùng với cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, trước Nhân dân và Đất nước, góp phần tiếp tục làm vẻ vang cho Dân tộc, cho Giống nòi.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Theo Baochinhphu.vn
ĐẢNG HỌP TRUNG ƯƠNG, DÂN BỎ PHIẾU BẰNG CHÂN 'VỀ QUÊ TỰ PHÁT'
GIÓ BẤC/ Blog VOA/ TD 5-10-2021

Trong hội trường máy lạnh, Trung Ương Đảng đang tán tụng nhau bản hùng ca “chống dịch như chống giặc” thì từ khu trọng điểm kinh tế phía Nam, đoàn người dân lũ lượt ngược bắc, xuôi nam “về quê tự phát”. Sau bốn tháng phong thành, đã có ba đợt tháo chạy trong cùng cực tuyệt vọng bất kể ngày đêm, bất kể phương tiện, bất chấp “sự quan tâm”, “hỗ trợ”, chốt chặn của công an, quân đội. Dân tháo chạy bằng xe máy, xe đạp, trốn trong xe đông lạnh, bằng chính đôi chân và xe tự chế. Đó là cuộc bỏ phiếu bằng chân bất tín nhiệm với chiến lược chống dịch, an dân, phục hồi kinh tế.

Chiến lược “chống dịch như chống giặc” với “mục tiêu kép” của Chính Phủ Phạm Minh Chính đã vận hành với sức mạnh đàn áp ghê gớm nhất, huy động cả “hệ thống chính trị” và tất cả các lực lượng vũ trang từ dân phòng, công an, quân đội xây chiến lũy.

Công cuộc an dân cũng được chăm chút cao độ, huy động từ bà tổ trưởng dân phố đến quân đội chính quy đủ các binh chủng Bộ Binh, Thiết Giáp đều vào cuộc để “đi chợ hộ”, Hải Quân, Không Quân chở rau cải, thực phẩm đi từng ngõ, gõ từng nhà, trao quà cứu trợ, không để ai tụt lại phía sau…

Chủ trương đúng, khó là do biến chủng Delta !!!

Chiến lược chống dịch đã được vận hành tốn kém có thể nói là cao nhất thế giới về chi phí truy bắt covid trong lỗ mũi người dân. Trung bình mỗi người dân được ngoáy ít nhất mỗi tháng 1 lần, người sống trong vùng đỏ ít nhất trên 10 lần. Chi phí tìm 1 con virus ở Hà Nội lên đến trên 30 tỷ. Chi phí truy quét đại trà ở TPHCM riêng tháng 8 đã tương đương với Quỹ Vacxin vận động trong cả nước.

Kết quả đã truy bắt hàng chục vạn lượt F0, F1 cho vào các Khu Cách ly, Bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc. Kết quả như ý, F0 đã giảm, song hành với số tử vong cao ngất ngưởng. “Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 4-10 là 19.845 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ”. (1)

Ngày 4-10, trong hội trường máy lạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã long trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4. Trong đó, đánh giá công cuộc chống dịch bằng những khẩu hiệu rỗng tuếch “Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 gây ra”.

Cùng với não trạng và lập luận muôn thuở, thất mùa là bởi thiên tai, ông Trọng cáo buộc những hậu quả xấu lần này là do “biến chủng mới – Delta, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn…” (2)

Khổ thay, ông Trọng quên rằng biến chủng Delta này hoành hành trên toàn thế giới chứ đâu chỉ ác cảm với người dân Việt nhưng cả thế giới lấy đâu ra cuộc tháo chạy kinh hoàng của người dân rời khỏi vùng trọng điểm kinh tế Phía Nam gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà mấy chục năm qua họ đã xem là đất lành chim đậu.

Chạy vì quá sợ chống dịch như chống giặc

Từ tháng bảy đến nay, người dân đã ba lần cuống cuồng đào thoát theo từng đợt tăng cường giãn cách theo chỉ thị 16, 16+ dù phải vượt qua các chốt chặn kẽm gai, dùi cui của lực lượng kiểm soát. Hình ảnh này như tái hiện lại khung cảnh mùa hè đỏ lửa 1972, người dân bỏ nhà, bồng bế nhau tị nạn cộng sản trên đại lộ kinh hoàng (quốc lộ 13), đại lộ máu (quốc lộ 1) dưới tầm pháo 130 ly, súng phòng không 12 ly 8 của Quân Giải Phóng.

Ngày 30-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có công văn chỉ đạo TP. HCM và các tỉnh mở cửa mà vẫn phong thành, dân ở đâu thì vẫn ở đó, nhưng thép gai, rào chắn không còn đủ sức ngăn cơn cuồng nộ, bản năng tìm chốn sinh tồn của hàng vạn người dân.

Ngày 2-10, khi những pháo đài không còn đủ sức cầm tù người dân nhập cư, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng trên truyền thông, lưu ý các địa phương tuyên truyền vận động người dân ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát. Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc… (3)

Nhưng cũng theo kịch bản muôn thuở của nhà sản, mọi chỉ đạo đều mang tính nước đôi. Chính quyền luôn ưu ái ban ơn trên báo đài, dân thì cắn răng thọ hưởng đói nghèo bị hành hạ. Trên mạng xã hội lan truyền clip hình, hàng chục người dân cầm nhang quỳ lạy công an như tế sao để được thông chốt về quê. Ngay báo chí lề phải cũng đăng thông tin dân phòng dùng gậy đánh dân dã man vì muốn vượt chốt về quê (4). Cách thức “tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc” của ông Thủ Tướng là như vậy đó.

Đặc biệt cuộc tháo chạy “về quê tự phát” lần này bắt đầu từ đêm 30-9. hạn cuối của đợt giãn cách, TP. HCM và các tỉnh đang rục rịch mở cửa bình thường mới, cơ hội việc làm, thu nhập đang hé mở. Truyền thông nhà nước TP.HCM cũng rầm rộ hô hào về gói cứu trợ mới tới 7,2 triệu người dân, mỗi người 1 triệu đồng không phân biệt tạm trú hay thường trú… Sức chịu đựng sự hỗ trợ, sự quan tâm, sự giúp đỡ của quân đội, của chính quyền đã tới giới hạn cuối cùng, người dân đã tuôn chạy đến ngày 4-10 vẫn chưa ngơi bớt.

Đi liều lĩnh bất cần sống chết

Cuộc tháo chạy miệt mài của trên 100.000 người dân khắp bắc, trung, nam diễn ra trước, ngay và sau khi ông Nguyễn Phú Trọng nhả ngọc phun châu là tiếng nói phản kháng tuyệt vọng với quyết sách chống dịch bằng bạo lực tàn khốc, dồn người dân đến mức nghèo khó cùng cực, sự túng quẫn tinh thần  không còn ý thức về sự an toàn thân thể tính mạng.

Cách đi phổ biến của người dân là cả gia đình gồm con người và tài sản chất lên chiếc xe máy chạy hàng trăm, hàng ngàn cây số từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về chót mũi Cà Mau, hay ngược ra Huế, Cao Bằng, Lạng Sơn, đã là sự đánh liều. Thế nhưng, có những cuộc hành trình còn cơ cực, nghiệt ngã hơn. Hàng trăm người đã đi bộ về Trà Vinh hay ra Nghệ An.

Ngay trên báo chí lề phải chuyên bưng bô, xưng tụng các chủ trương đúng đắn của đảng, nhà nước, vẫn không thiếu những câu chuyện khó tin có thể xảy ra trong xã hội văn minh hiện đại của xứ thiên đường.

Tối 3-10, tiếng cót két phát ra từ chiếc xe đẩy vang lên dọc quốc lộ 1, huyện Bình Chánh TP.HCM khiến nhiều người chú ý tìm hiểu. Hóa ra, một người cha đẩy 2 con trai trên xe tự chế đi bộ từ Đồng Nai về Trà Vinh sau nhiều tháng mắc kẹt vì phong tỏa. (5)

Đoạn đường này ngót nghét 400 km, phải qua ranh giới của 6 tỉnh thành tức là 6 ải chốt chặn. Anh sẽ đi trong bao lâu? Sẽ phải quỳ lạy bao nhiêu lần và hứng chịu bao nhiêu đòn roi? Chắc hẳn đây là người cha nghị lực và thương con nhất trên thế gian. Hai đứa trẻ nếu sống sót, khi lớn lên sẽ hiểu sâu sắc hơn ai hết, thế nào là thiên đường xã hội chủ nghĩa và sự quan tâm của Đảng với dân.

Sinh nở xưa nay là chuyện vượt cạn, thai phụ sắp sinh là giai đoạn sức khỏe mong manh nhất của đời người cần được nâng niu bảo vệ với điều kiện tiện nghi an toàn cao nhất. Ấy vậy mà người ta gặp trên đường quốc lộ, đoạn Tiền Giang, anh chồng Võ Tấn Lộc (30 tuổi) đeo balo trước ngực, đạp xe đạp chở vợ là Ong Thị Bé Kiều (28 tuổi) từ TP.HCM về Sóc Trăng chờ sinh con. Không chỉ vậy, chằng theo  phía sau còn một giỏ đồ. (6)

Anh Lộc chắc hẳn không muốn giành danh hiệu kiện tướng xe thồ đường dài, cũng không muốn đưa người vợ trẻ du hành về nguồn bằng phương tiện thô sơ, nguy hiểm này. Nhưng vì đâu nên nỗi?

Cuộc hồi hương sinh tử của thai phụ sắp sinh như chị Bé không phải là cá biệt.

Trên đường về quê khi Long An nới lỏng giãn cách, sản phụ K.H bị đau bụng dữ dội, chảy nhiều máu… ngay tại chốt kiểm dịch. Khi không được “thông chốt” Long An về Đồng Tháp, chị K.H đã bị thai lưu (thai chết lưu khi còn trong bụng mẹ). Sáng 3/10, đại diện UBND huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) cho biết: “Tổng có 21 thai phụ gần đến ngày sinh được huyện hỗ trợ về quê những ngày qua. Trong đó, một sản phụ đã sinh nở thành công, một sản phụ bị lưu thai tại Trung tâm y tế huyện“.(7)

Người già, người nghèo chết vì thiếu vacxin, thiếu thuốc, thiếu máy thở. Trẻ con chưa kịp chào đời chết trong bụng mẹ ngay tại chốt kiểm dịch vì không được thông chốt. Sự quan tâm và hỗ trợ, chủ trương chống dịch đúng đắn của đảng và chính phủ Việt Nam sao quá đỗi phũ phàng!

Quê hương đón người về bằng súng đạn?

Sự khốn cùng của những người dân hồi hương, hồi gia không chỉ xảy ra trên phần đất ngụ cư, trên con đường về quê nhọc nhằn, mà còn tiếp tục chờ đón họ ở chính tại quê nhà cũng do chính sách bạo lực khắc nghiệt “chống dịch như chống giặc”. Dù người dân về quê không là dịch, cũng không là giặc, nhưng trong cách nhìn phân loại ứng xử đầy hoài nghi và phi nhân tính của chính quyền, họ bị tiếp nhận như là những tội phạm.

Trên mạng xã hội mấy ngày qua lan truyền clip audio, ghi lại cuộc trò chuyện điện thoại giữa đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công An tỉnh An Giang, với một người được cho là bí thư tỉnh ủy tiền nhiệm. Nội dung câu chuyện cho thấy, Đại tá Nơi đã chống lại chủ trương của lãnh đạo tỉnh An Giang không tiếp nhận người dân hồi hương, thậm chí yêu cầu Công An dùng súng đạn đàn áp.

Trong clip có đoạn, ông Nơi tức giận văng tục, phản ứng như sau: ”…ổng cứ phát biểu ổng đòi kêu công an với quân đội đi ga (ra), đó là xách súng xách đạn ga (ra). Tui không làm đó làm gì tui? Tui nói với anh đó, đem súng đạn ga (ra) này kia kia nọ, tui ga (ra) lịnh đó, đm tui không cho thằng nào được quyền, u mẹ, trấn áp dân, đm!” (8)

Báo chí lề phải đăng đính chính cho rằng đây là clip lắp ghép. Tuy nhiên không nói rõ là lắp ghép chỗ nào trong khi câu chuyện trong clip liên tục và logic. Đặc biệt, đối chiếu với thông tin báo chí công khai thì chủ trương An Giang không tiếp nhận người dân trở về là có thật. Ngày 1-10 Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, An Giang sẽ không tiếp nhận các trường hợp người dân ở các tỉnh, thành tự phát trở về địa phương. (9)

Chủ trương không tiếp nhận này đã thất bại, ngày 4-10, ông Nguyễn Thanh Bình – cho biết, từ ngày 1 đến 4-10, số lượng người dân An Giang từ ngoài tỉnh tự phát trở về địa phương gần 30.000 người. (10)

Bị cầm tù ngay trước cửa nhà

Không tiếp nhận người dân quay về là khuynh hướng chung của hầu hết các địa phương. Trưa 3-10, ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết, ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê. (11)

Với não trạng coi dân là dịch, dù có về đến quê nhà sau 4 tháng tù đày trong pháo đài ở xứ người, người dân lại tiếp tục được chính quyền địa phương quan tâm cho ngoáy mũi và đưa đi cách ly tập trung. Ông Thủ Tướng đã đổi khẩu hiệu “sống chung với dịch”, TP.HCM đã cho F0 được cách ly tại nhà, ấy vậy mà người hồi hương tự phát lại phải bị cầm tù ngay trước cửa nhà mình chỉ vì lý do là họ ở xa về.

Ôi tình cảm quê hương, nghĩa đồng bào, ý đảng lòng dân sao mà thê thiết thế!

Trong diễn văn khai mạc kỳ họp trung ương 4 này, ông Trọng nhắc nhở “tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” thì việc người dân tháo chạy về quê không chỉ là việc bỏ phiếu bằng chân, bất tín nhiệm đến kinh sợ chính sách chống dịch tàn bạo của đảng, chính phủ Việt Nam. Nếu muốn mượn cớ chống dịch để đàn áp người dân thì đảng đã thành công, nhưng xin nhắc với ông một quy luật cơ bản của Marx là “lượng đổi thì chất đổi”. Nỗi đau khổ chồng chất sẽ biến thành căm thù. Người dân không thể trốn chạy mãi, khi cùng đường sẽ đứng lên, nổi dậy.

______

1- https://vncdc.gov.vn/ban-tin-cap-nhat-covid-19-tinh-den-18h00-ngay-04102021-nd16578.html

2- http://daidoanket.vn/toan-van-phat-bieu-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-4-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-5668135.html

3- https://tuoitre.vn/hang-chuc-ngan-nguoi-tiep-tuc-ve-que-cac-tinh-loay-hoay-lo-com-nuoc-20211004094829362.htm

4-https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/lam-ro-clip-dan-quan-dan-phong-danh-dap-nguoi-dan-o-dong-nai-1019601.html

5-https://tuoitre.vn/cha-day-2-con-trai-tren-xe-tu-che-tinh-di-bo-tu-dong-nai-ve-que-tra-vinh-2021100321203717.htm

6-https://thanhnien.vn/chong-dap-xe-cho-vo-bau-8-thang-tu-tp-hcm-ve-soc-trang-va-cai-ket-co-hau-post1386663.html

7-https://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-duoc-thong-chot-san-phu-o-long-an-bi-luu-thai-tren-duong-ve-que-20211003085706166.htm

8- https://www.youtube.com/watch?v=tWtYcxThljc

9-https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-giang-khong-tiep-nhan-nguoi-dan-tu-phat-tro-ve-779638.html10-https://tuoitre.vn/thu-tuong-to-chuc-dua-don-nguoi-dan-quyet-tam-ve-que-20211002171641582.htm

11-https://tuoitre.vn/13-tinh-mien-tay-kien-nghi-tam-ngung-cho-nguoi-dan-ve-que-20211003085358433.htm

Blog RFA

ĐỔI TÊN BAN CHỈ ĐẠO VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CHÍNH LÀ BƯỚC TIẾN MỚI TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ ĐẢNG

TRUNG HANH/ ĐBTPHCM 12-9-2021

Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bàn về việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống tiêu cực. Trong ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Noichinh.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. Việc đổi tên, bổ sung từ “tiêu cực”, để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo theo tinh thần thống nhất tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 5/8/2021.

Ngay sau hội nghị này, nhiều bài viết trên mạng xã hội, trong đó có cả trang BBC, đã bình luận và đưa ra những cái nhìn phiến diện, tiêu cực về việc đổi tên cũng như công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Đa phần các ý kiến đánh giá tiêu cực về công tác này và có ý xuyên tạc việc đổi tên của Ban Chỉ đạo. Trong số các ý kiến này nổi lên 2 nhóm ý kiến chính.

Một là, họ cho rằng việc đặt tên này là sai, sai từ “gốc rễ” nên sẽ không giải quyết được vấn đề gì: “Tiêu cực là hệ quả của tham nhũng chứ không phải nguồn gốc của tham nhũng. Đặt vấn đề sai, gốc rễ sai thì không thể giải quyết được” (!?).

Hai là, họ cho rằng tham nhũng có nguyên nhân gốc rễ, là “do chế độ”, nên muốn chống tham nhũng phải thay đổi chế độ chứ không chỉ đổi tên (!?).

Có phải việc đặt tên này là sai?

Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, Chống tham nhũng (Luật số 36/2018/QH14 ngày 20/11/2018) định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa “tiêu cực” là: “Không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với quá trình phát triển của xã hội[1]”. Còn “hệ quả” là: “Kết quả trực tiếp sinh ra từ sự việc nào đó (thường là việc không hay), trong quan hệ với sự việc ấy[2]”.

Trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành rất nhiều các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cách đây 10 năm đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên khi khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng".

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng đã ban hành Nghị quyết “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với những hành động quyết liệt hơn. Trong đó, Nghị quyết đã liệt kê 3 nhóm nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" bao gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Nếu như quan niệm tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn thì rõ ràng chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể lợi dụng để tham nhũng. Đây là một loại hành vi tha hóa đạo đức cá nhân để làm những việc bất chính nhằm biến tài sản nhà nước, tài sản của nhân dân thành tài sản riêng hoặc của một nhóm lợi ích.

Còn tiêu cực là một hiện tượng phổ biến và kể cả những người không có chức vụ cũng có thể tiêu cực, đặc biệt là về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từ tiêu cực của suy thoái về tư tưởng chính trị, nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời rất dễ dẫn tới suy thoái về đạo đức lối sống. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, trong đó biểu hiện thứ 7 được chỉ ra là: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. Như vậy, tham nhũng là hệ quả của tiêu cực, mà cụ thể ở đây là những tiêu cực trong suy thoái về tư tưởng chính trị và một phần lớn từ suy thoái về đạo đức, lối sống. Như vậy, tham nhũng là hệ quả của tiêu cực chứ không phải “tiêu cực là hệ quả của tham nhũng” như luận điệu nêu trên. Vì vậy, không thể nói Đảng Cộng sản Việt Nam đặt vấn đề “sai từ gốc rễ” mà đây hoàn toàn là cách đặt vấn đề mang tính chất phòng ngừa từ xa, từ sớm những biểu hiện tiêu cực để ngăn ngừa tham nhũng. 

Phải chăng tham nhũng là do chế độ?

Tham nhũng là một hiện tượng mang tính xã hội và có ở mọi xã hội, mọi thời đại, mọi quốc gia. Thực tế chứng minh rằng hầu hết các nước trên thế giới đều có hiện tượng tham nhũng, trong đó, tham nhũng ở nhiều quốc gia đa đảng còn khủng khiếp. Năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã xếp hạng những quốc gia có nạn tham nhũng nhất thế giới thì hầu hết các quốc gia này đều đa đảng, đa nguyên chính trị. Năm 2015, trang Lolwot đã điểm tên 10 chính trị gia được cho là có hành vi tham nhũng quy mô lớn nhất thế giới bao gồm: Spiro Agnew (Phó Tổng thống Mỹ 1969 - 1973), Randy Duke Cunningham (Nghị sĩ Hạ viện Mỹ 1991 - 2005), Alberto Fujimori (Tổng thống Peru 1990 - 2000), Sani Abacha (Tổng thống Nigeria 1993 - 1998), Saddam Hussein (Tổng thống Iraq 1979 - 2003), Slobodan Milosevic (Tổng thống Serbia 1989 - 1997 và là Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nam Tư 1997 - 2000), Mobutu Sese Seko (Tổng thống Cộng hòa Congo 1965 - 1997), Ferdinand Marcos (Tổng thống Philippines 1965 - 1986), Mohamed Suharto (Tổng thống Indonesia 1967 - 1998)[3]

Luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là do “chế độ”, phải chăng hàm ý cho rằng vì chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền và lại là đảng cộng sản, nên là nguyên nhân gây ra tình trạng tham nhũng? Hiện hầu hết các nước đều có nhiều đảng phái. Nhìn vào danh sách các chính trị gia bị liệt kê tham nhũng như trên, tất cả họ đều ở các quốc gia đa đảng và cũng không ai ở các quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo. Vậy thì, luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là do “chế độ” chắc chắn là không thuyết phục.

Còn nhớ, trước đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Chính phủ và do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Kể từ ngày 1/2/2013, theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo được chuyển từ Chính phủ sang Đảng và người đứng đầu là Tổng Bí thư. Thực tiễn đã chứng minh rằng kể từ khi có sự thay đổi này thì công cuộc phòng, chống tham nhũng đã được tiến hành mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Do đó, việc thay đổi cơ quan chỉ đạo, thay đổi người đứng đầu hay việc đổi tên cũng là việc làm bình thường.

Và việc đổi tên Ban Chỉ đạo lần này để mở rộng thêm phạm vi, quyền hạn chính là bước tiến mới mạnh mẽ hơn trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn từ gốc những biểu hiện tiêu cực để ngăn ngừa từ xa các hành vi tham nhũng.

Trung Hanh

-----------

[1] Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2011, tr.1272.

[2] Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.560.

[3] https://nongnghiep.vn/10-chinh-tri-gia-tham-nhung-khung-nhat-the-gioi-d147990.html

ĐỔI TÊN ĐỂ LÀM GÌ ?
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 4-10-2021

Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị ĐCSVN thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đó là việc đổi tên bằng cách thêm vào từ tiêu cực.

Một vài người cho rằng, thêm như thế có ý nghĩa rất quan trọng, để tăng cường việc nọ, chống lại việc kia, nhằm củng cố sức mạnh của Đảng, nhưng một số khác lại cho rằng, ngoài việc “vẽ rắn thêm chân” thì còn có mưu đồ gì đây, vì những điều được viết ra chỉ dùng để che đậy bản chất được giấu kín. Mưu gì thì chỉ có người đề ra biết rõ và không thể che giấu các vị Thần ở trên đầu. Người ngoài chỉ có thể đoán dựa trên các biểu hiện.

Theo Từ điển, tiêu cực có vài nghĩa. Ở đây là: “Ý nghĩ, việc làm có tác dụng không tốt, làm trở ngại đến sự phát triển của xã hội”. (Các nghĩa còn lại là: Không lành mạnh, không tích cực và có ý phủ định).

Theo giải thích của Bộ Chính trị thì: “Phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”. Giải thích này làm hé lộ một ngầm ý và phơi bày một ngụy biện. Ngầm ý rằng “Tiêu cực chủ yếu là suy thoái về tư tưởng chính trị”. Ngụy biện ở chỗ ghép suy thoái đạo đức, lối sống vào cùng một bản chất với diễn biến tư tưởng chính trị.

Xin kể ra những biểu hiện được Đảng cho là suy thoái về tư tưởng chính trị.

Đó là “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cho rằng Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa xã hội theo đường lối cộng sản chỉ là ảo tưởng, rằng Chủ nghĩa Mác Lê đã sai từ gốc, với những điều sau đây: Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội, công nhân là giai cấp lãnh đạo có nghĩa vụ chôn vùi chủ nghĩa tư bản, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, phải làm cách mạng vô sản để bảo đảm sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, phải thiết lập chuyên chính vô sản.

Đó là việc phát hiện và lên án sự mất dân chủ trong Đảng và trong xã hội, chống lại sự tuyên truyền dối trá, chống lại sự đàn áp của công an trị, là vạch ra những vi phạm nhân quyền và dẫm đạp lên công lý, là phê phán sự tổ chức một Nhà nước nặng nề, kém hiệu quả, nhiều lãng phí gồm ba tầng (Đảng, Chính quyền, Mặt trận), là vạch ra bản chất của một Quốc hội không thực sự đại diện cho tinh hoa, cho trí tuệ của nhân dân, là phản đối định nghĩa của Lê Nin về Nhà nước, cho rằng “Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác”, là yêu cầu thiết chế Tam quyền phân lập, điều mà ĐCS kiên quyết chống lại.

Đó là những bất đồng và phản biện trong đường lối theo sát và lệ thuộc Trung Cộng v.v và v.v…

Thử hỏi, những điều vừa kể có phải là “Ý nghĩ, việc làm có tác dụng không tốt, làm trở ngại đến sự phát triển của xã hội”. Xin trả lời là không phải, hoàn toàn không phải. Không những không làm trở ngại đến sự phát triển xã hội mà thực chất chỉ là bất đồng quan điểm, bất đồng về chính trị đối với một số ít người lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là của Tổng Bí thư. Chẳng suy thoái gì cả, chẳng có gì là tiêu cực.

Trong bất đồng có phần là chống lại, nhưng không chống lại sự tiến bộ, không tổ chức lật đổ chế độ mà chống lại những thứ đang thối nát, đang kìm hãm sự phát triển của dân tộc, chống lại đặc quyền đặc lợi của thế lực thống trị.

Nếu vậy thì những thứ đó là tích cực theo nghĩa thông thường. Bộ Chính trị cho rằng, những điều trên đây là tiêu cực thì đó là sự quy kết quá sai lầm mà chỉ có họ mới ngang nhiên làm như vậy, bất chấp đạo lý.

Như thế, phải chăng Ban Chỉ đạo được giao thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực là nhằm bảo vệ những thứ đã lỗi thời, phản lại tiến bộ xã hội, nhằm duy trì và phát triển chế độ độc quyền toàn trị của những nhóm lợi ích nấp, dưới danh nghĩa Đảng lãnh đạo.

Xin kể ra những biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống.

Đó là tham quyền và hưởng lạc, là thói xu nịnh đội trên đạp dưới, là kết bè kéo cánh, là tạo nên những nhóm lợi ích, không quan tâm đến quyền lợi của người dân, của đất nước.

Đó là thói không trung thực trong kê khai, báo cáo, là chạy theo thành tích dỏm, là khoa trương, lãng phí, là sống ích kỷ, là thói vô cảm trước những khó khăn và oan trái của dân, là thói kiêu ngạo, kể công, bắt người dân phục tùng và đời đời nhớ ơn.

Đó là tham nhũng, nhận hối lộ, bòn rút của công và của dân, lo vinh thân phì gia, v.v… và v.v…

Đem ghép suy thoái đạo đức với bất đồng về chính trị là một việc làm vô minh, có thể do nhận thức quá kém hoặc là thủ đoạn thâm độc.

Vì sao vậy? Vì thoái hóa đạo đức và bất đồng về chính trị là của hai loại người có phẩm chất hoàn toàn khác nhau, hai loại hành động có bản chất khác nhau. Sự thoái hóa đạo đức do độc quyền toàn trị gây ra, kết hợp với tham lam và độc ác của bọn người cơ hội, bọn chúng có phẩm chất thấp kém, nhưng có nhiều mưu mô thủ đoạn, lại liên kết với bọn tư bản đỏ, hoang dã, để tạo nên những nhóm lợi ích. Sự bất đồng về chính trị nhằm chống lại sự độc quyền đó, chống lại sự thoái hóa đó, là thể hiện trí tuệ kết hợp lòng dũng cảm của những con người thật sự yêu nước thương dân.

Với một thể chế Quang Minh Chính Đại thì cách đối xử với hai loại hành động trên cũng phải rất khác nhau. Đối với bọn thoái hóa đạo đức chủ yếu phải dùng kỷ luật và tòa án, còn với người bất đồng về chính trị và tư tưởng chủ yếu là đối thoại, tranh biện, tự do ngôn luận để làm rõ phải trái, đúng sai. Cách ghép bất đồng chính trị vào với thoái hóa đạo đức và tội tham nhũng phải chăng nhằm hình sự hóa việc đấu tranh tư tưởng, ngang nhiên xem những người bất đồng quan điểm là tội phạm.

Vậy đổi tên Ban chỉ đạo…, thêm vào việc phòng chống tiêu cực, công khai là nhằm tăng cường việc nọ, chống lại việc kia, nhưng phải chăng để thực hiện mưu đồ xiết chặt của chế độ độc tài toàn trị, khống chế tự do tư tưởng, ngăn cản tự do ngôn luận, bắt buộc mọi người chỉ được nghĩ theo, nói theo, làm theo ý muốn của một người. Nếu chống tiêu cực như vậy thì càng làm cho xã hội bế tắc và thoái hóa.

NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT: KHÔNG THỂ ĐI THEO ĐƯỜNG CŨ
NGUYỄN NGỌC CHU/TD 4-10-2021
1. PHÉP TOÁN XÁC SUẤT CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN VÀ CÁCH XÁC ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ
Các mô hình tường minh của toán xác suất có từ khoảng thế kỷ 8, và được phát triển như một chuyên ngành toán học ở thế kỷ 20. Nhưng ứng dụng của toán xác suất thì xa hơn rất nhiều, từ nhiều ngàn năm trước, hầu như đồng thời gắn liền với sự mưu sinh của con người. Còn xa hơn cả tử vi, là cách người nông dân Việt Nam xác định hạt lúa khô để cất giữ. Từ khi biết trồng lúa, sau khi gặt lúa thì trục lúa (đập lúa) để lấy hạt, rồi đem phơi hạt lúa dưới nắng, sau đó là xay giã thành gạo và nấu cơm. Để xác định hạt lúa đã đủ độ khô hay chưa, người nông dân bốc một nắm nhỏ hạt lúa giữa mẻ lúa đang phơi dưới nắng, cắn vào hạt. Nếu vỏ hạt lúa bóc nhanh khỏi hạt gạo, hạt gạo khô rang là lúc (lúa khén) có thể đem lúa đổ vào bồ vào chum để cất giữ. Lúa đã phơi khén có thể đem xay giã gạo, hay cất giữ nhiều tháng. Người nông dân không biết chữ, không biết toán xác suất, nhưng họ biết sử dụng toán xác suất. Chỉ cần bốc một nắm thóc nhỏ giữa cả mẻ thóc lớn đang phơi trên sân, là biết toàn bộ thóc đã khô khén hay chưa. Nay, không phải một tướng, mà những 11 tướng cảnh sát biển của Bộ Quốc phòng tham nhũng phải kỷ luật, thì theo cách sử dụng phép toán xác suất của người nông dân, có thể đánh giá được tình trạng toàn bộ cán bộ của Bộ Quốc phòng. 2. NHỮNG NỖI LO LỚN Tổng thể hơn, cũng theo cách sử dụng phép toán xác suất của người nông dân, nhìn vào hàng ngũ cán bộ bị kỷ luật: – 5 Uỷ viên Bộ Chính trị; – Hơn chục UVTƯ Đảng; – Hơn chục tướng lĩnh quân đội; – Hơn chục tướng lĩnh công an; – Hơn chục Bí thư và Phó bí thư tỉnh thành; – Hơn chục thứ trưởng; – Nhiều ngàn lãnh đạo cấp huyện, xã… Thì có thể đánh giá được toàn bộ hệ thống cán bộ của bộ máy quản trị quốc gia. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật mà các Đại hội Đảng không ngừng kêu gọi, thì phải thừa nhận rằng toàn bộ bộ khung của ngôi nhà quản trị quốc gia, đâu đâu cũng bị mối mọt. Tai hại hơn, là mối mọt ngày càng nhiều, mối mọt không thể chống đỡ, ngoài cách xây mới. Thời sự VTV 19h ngày 03/10/2021 đã có một bình luận khá dài về sự thái hoá của hàng ngũ cán bộ cao cấp với nỗi lo về Đảng và nỗi lo về sự tồn vong của chế độ. Nhưng còn một nỗi lo khác, nỗi lo về sự an nguy của đất nước trước một kẻ thù mạnh đang ngày đêm không ngừng lấn chiếm biển đảo của Việt Nam. Ngay trong ngày 24/9/2021, vào lúc lúc TBT Nguyễn Phú Trọng và TBT Tập Cận Bình đang điện đàm với những lời chúc mừng, hứa hẹn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, thì ở Trường Sa TBT Tập Cận Bình làm ngược lại với những điều cam kết trong điện đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định, phía Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam; mong muốn và sẵn sàng cùng với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; nhất trí về việc tăng cường trao đổi cấp cao, đi sâu hợp tác thực chất trong các lĩnh vực, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển”. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ về quản lý, bảo vệ biên giới, thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa hai nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”. Nhưng trên thực tế thì Trung Quốc điều máy bay vận tải Y-20 tới các đá Vành Khăn, Xu Bi, và Chữ Thập, xâm phạm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vẫn biết phải cắn răn làm lành với Trung Quốc, nhưng không thể dùng quan hệ hai Đảng làm vũ khí để chống lại sự xâm lược biển đảo từ Trung Quốc. Việt Nam đã kiên trì chiến lược này nhiều năm mà không thể ngăn được Trung Quốc từng bước xâm chiếm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phải quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng phải bằng một chiến lược khác. Nói đến nỗi lo lắng lớn là vì trước một Trung Quốc lấy sức mạnh quyết định biên giới trên biển, thì 11 tướng lĩnh tối cao của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tham nhũng, nhận hối lộ, bị kỷ luật. Chỉ huy mà mục nát thì quân lính làm sao có thể tinh nhuệ? Tin cậy vào ai để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam? Đó là những nỗi lo khác nhau. 3. NHÌN THẲNG VÀO SỰ THÂT: KHÔNG THỂ ĐI THEO ĐƯỜNG CŨ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đương chức Thủ tướng nhiệm kỳ trước đã từng nói “Đi mãi đường cũ thì không thể phát triển”. Hôm nay, 04/10/2021 tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Nhìn thẳng vào sự thật, không bi quan, không tô hồng”. Nhìn thẳng vào sự thật thì tuyển chọn nhân sự không thể đi theo đường cũ. Nhân sự Đại hội XIII “làm kỹ” mà 2 Uỷ viên BCT mới phải kiểm điểm, 1 UVTƯ bị khai trừ, hàng loạt tướng lĩnh bị kỷ luật. Đừng biện hộ bằng “chính trị là phải thế”. Nhìn thẳng vào sự thật của hàng loạt cán bộ cấp cao và tướng lĩnh bị kỷ luật, nếu tuyển chọn nhân sự tiếp tục đi theo đường cũ thì số lượng cán bộ bị tha hoá sẽ không thuyên giảm, rất khó bảo vệ uy tín của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Nhưng trên tất cả là an ninh của Quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
XEM BẾ MẠC HỘI NGHỊ TƯ ĐCSVN: VÔ CÙNG THẤT VỌNG VÀ LO LẮNG CHO VẬN MỆNH QUỐC GIA, DÂN TỘC
HOÀNG HƯNG/ BVN 9-10-2021

Không có chút biểu hiện gì về cảm xúc đau buồn, tự phê phán trách nhiệm, nhận lỗi trước những yếu kém, thất bại, vô trách nhiệm của cả hệ thống và những quan chức cụ thể trong chiến tranh COVID đợt 4 vừa qua. Nhất là sau thảm trạng “tháo chạy” của hàng triệu công nhân và gia đình khỏi vùng kinh tế trọng điểm, túi tiền của quốc gia, đánh vào sự cảm thương của toàn dân chưa từng được thể hiện trong lịch sử (do internet lan truyền)!

Có thể là hình ảnh về 1 người và đang ngồi

Có thể là hình ảnh về 1 người, trẻ em, đang ngồi, xe môtô và ngoài trờiCó thể là hình ảnh về 1 người, đang ngồi và đang đứng

Riêng tôi, ngoài sự cảm thương như hàng triệu người khác, lâu nay rất lo âu vì hơn mọi điều, thảm trạng “tháo chạy” này càng làm rõ tình trạng CHIẾN TRANH của đại dịch. Hình ảnh các em bé trong tay, trong địu, trên những chiếc xe máy gần tan tành, xe đạp, xe đẩy tự chế vượt hang ngàn cây số đã phóng lớn ngàn lần câu thơ Đồ Chiểu khi tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất tổ bầy chim dáo dác bay”.

Tôi đã khẳng định ngay từ đầu đại dịch: ĐÂY LÀ CUỘC THẾ CHIẾN SINH HỌC DO CHINAZI gây ra (chủ ý hay do vô trách nhiệm).

Trước cuộc chiến mà sức phá hoại ghê gớm hơn tất cả cá cuộc thế chiến trước, do tính không thể phân biệt Ta - Địch, Tiền phương - Hậu phương, do loài người chưa từng được chuẩn bị nên chưa có được chiến lược, vũ khí, tổ chức phù hợp để đối phó (các nước đều lúng túng, mâu thuẫn, ko riêng Việt Nam).

Nhưng riêng VN, cuộc “tháo chạy” lớn bộc lộ rõ hậu quả của NHỮNG LỖI HỆ THỐNG CỦA CHẾ ĐỘ mà nhiều người, kể các “nguyên lãnh đạo” đã nói ngay sau khi về hưu, không cần nhắc lại!

Chưa bàn đến những lỗi hệ thống khó sửa do chế độ độc đảng toàn trị mà ai cũng biết và chưa phải lúc nói trong những chuyện cấp bách đối phó đại dịch lúc này, cũng như những lỗi căn bản về qui hoạch và quản lí đô thị công nghiệp mà nhiều chuyên gia đã nêu, chỉ nêu vài điểm có thể sửa được trong thời hạn nhất định:

Đó là:

- Tầm nhìn kinh tế xã hội rất ngắn, hẹp, chắp vá, đối phó tức thời, ko dự báo được những gì có thể xảy ra;

- Lãnh đạo duy ý chí, bằng mệnh lệnh chứ ko bằng căn cứ điều tra bám sát thực tế, bằng bọn cố vấn nịnh thần chứ không nghe các trí thức chuyên gia độc lập;

- Sợ trách nhiệm, giữ ghế hơn là lo cho dân, dám quyết đoán cái đúng vì dân;

- Sự yếu kém về cả năng lực lẫn trách nhiệm của hệ thống hành chính từ trên xuống dưới;

- Lợi ích nhóm và địa phương chủ nghĩa, nguy cơ loạn “thập nhị sứ quân” ;

- Người dân hoàn toàn mất lòng tin ở chủ trương chính sách và “lời hứa” của chính quyền;

- Lý do tồn tại = 0 của các “tổ chức quần chúng” tay sai của ĐCS versus sự thiết yếu nhưng bị tước đoạt của các tổ chức xã hội dân sự lành mạnh thực sự là của quần chúng.

v.v..

Nếu không thế, đã không có thảm trạng “tháo chạy” vừa qua.

Vừa đọc được từ FB nhà văn Phan Thuý Hà câu chuyện này:

“Trong một nhóm facebook công nhân ở Dĩ An, ngày 7-10.

Một em công nhân kêu bán tủ lạnh, bếp ga, quạt hơi nước, để về quê. Một em không về, tranh thủ lúc này, em sắm được mấy thứ đó với giá rẻ. Một em hỏi người về có mang theo bàn thờ thổ địa không, nếu không mang về thì cho em xin. Vài em đăng tin kiếm việc làm tạm. Có một tin quảng cáo tuyển công nhân, bắt đầu đi làm từ tuần sau, lương 9-11 triệu, yêu cầu có chứng minh thư, bằng cấp ba, đã tiêm 2 mũi.

Đã chịu đựng được 4 tháng, các công ty bắt đầu hoạt động trở lại, sao em lại về. Mình hỏi một em, khi thấy em đăng bán tủ lạnh 1 triệu đồng, tuần sau em sẽ thuê chung xe 7 chỗ về quê Thanh Hoá.

Em nói, công ty em vẫn chưa làm việc, em về rồi qua tết vào lại.

Còn em, sao không về, mình hỏi một em trai. Em nói, về cũng chẳng giải quyết được gì, thêm gánh nặng cho gia đình. Mấy tháng qua em phải vay nợ, giờ cố gắng đi làm trả nợ và mua quà tết để tết về luôn. Đi làm xa mà về không có tiền buồn lắm”.

Câu chuyện cụ thể của 1 nhóm công nhân cho thấy: THẢM TRẠNG “THÁO CHẠY” LÀ KHÔNG ĐÁNG CÓ, KHÔNG NHẤT THIẾT XẢY RA

Nếu:

- Chính quyền từ trên xuống dưới đồng tâm và quyết tâm thực hiện chủ trương “sống chung với COVID, ko săn đuổi nhốt FO” mà thủ tướng đã khẳng định từ nhiều ngày trước;

- Nắm được thực trạng nguy ngập về sinh kế và không tin ở tương lai của công nhân các khu công nghiệp;

- Lập tức bàn bạc với các chủ doanh nghiệp để có chủ trương, kế hoạch mở cửa sản xuất đi đôi với cam kết trách nhiệm lo cho đời sống công nhân;

- Khi có dấu hiệu “phá rào” không thể cưỡng của người “chạy giặc”, lập tức thống nhất các địa phương cách đưa đón có tổ chức và an toàn bằng phương tiện công cộng;

v.v

CHUYỆN ĐÃ RỒI, NHƯNG SAU ĐÂY?

Một hội nghị cao nhất của dàn lãnh đạo không hề cho thấy họ đã lao tâm khổ tứ cho việc rút ra những bài học chiến lược, chiến thuật cho CUỘC CHIẾN COVID SẮP TỚI VẪN CÒN ĐẦY HIỂM NGUY, mà vẫn có vẻ rất bình thản TỰ CA NGỢI, và lo những chuyện nội bộ QUI ĐỊNH ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM ABC… !!!

Hay là họ có bàn BÍ MẬT MÀ KHÔNG/ CHƯA CÔNG BỐ???

LO XA HƠN CHÚT: Nếu nổ ra cuộc CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC THỰC SỰ, TOÀN DIỆN, thì năng lực đối phó của lãnh đạo đất nước ra sao???

H.H.

Tác giả gửi BVN

CHỨNG NÀO VẪN TẬT ẤY !

MẠC VĂN TRANG/ TD 8-10-2021

Từ lúc tôi 18 tuổi cho đến nay 84 tuổi sống trong thể chế này, tôi chỉ thấy có một lần Đảng và Nhà nước này nhận sai lầm do mình gây ra và xin sửa sai (1956). Đó là cuộc Cải cách ruộng đất. Còn lại tất cả những sai lầm, tội lỗi, họ đều đổ cho một cái gì đó rất mơ hồ. Nói một vài việc cụ thể.

1. Khi phong trào Hợp tác xã thất bại, cứ cải tiến mãi, càng cải tiến càng lụn bại, họ luôn đổ tại người nông dân nặng đầu óc TƯ HỮU, BẢO THỦ, quen làm ăn manh mún không có tinh thần làm chủ tập thể và sản xuất lớn XHCN…

Các tệ nạn xã hội lúc đó thì đổ cho TÀN DƯ của chế độ thực dân, phong kiến… nên đập phá hầu hết đình, chùa, đền miếu ở các xóm làng, đốt sách báo cũ, xoá bỏ phong tục, lễ nghĩa truyền thống …

2. Khi “giải phóng miền Nam”, các chủ trương, chính sách thất bại đều đổ tại “TÀN DƯ” chế độ thực dân mới của “MỸ, NGUỴ”…

3. Khi “đổi mới” 1986, họ không công khai nhận con đường HTX là sai lầm, phải trở lại như ngày xưa, mà đổ tại “CƠ CHẾ”: “cơ chế quan liêu bao cấp”, “cơ chế xin cho”… Phải “đổi mới tư duy”, “đổi mới cơ chế”…

Và tất cả những gì xuống cấp về đạo đức, lối sống, văn hoá, xã hội đều đổ cho “MẶT TRÁI CỦA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG”.

4. Những năm gần đây thì tất cả đổ cho “THẾ LỰC THÙ ĐỊCH”. Nhưng có một kẻ xâm lược, phá hoại cụ thể là Trung Cộng thì không bao giờ dám gọi tên nó ra, mà lại coi những người đồng bào phê phán cái sai, nói ra sự thật là “thế lực thù địch”!

5. Ví dụ trường hợp điển hình tỉnh AN GIANG.

5.1. Ngày 1/10:

LĐ: “Tỉnh An Giang giữ vững quan điểm không tiếp nhận người từ các tỉnh, thành về quê theo đường tự phát”.

“Giữ vững quan điểm không tiếp nhận người từ các tỉnh, thành về quê theo đường tự phát – đó là kết luận tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tổ chức trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố để bàn các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 vào tối 1.10.2021”…

Báo Lao động, Báo An Giang và hàng loạt báo đưa tin này: https://laodong.vn/xa-hoi/an-giang-giu-vung-quan-diem-khong-tiep-nhan-nguoi-ve-que-tu-phat-959451.ldo

– “CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH AN GIANG đăng rõ: An Giang không tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố tự phát về … “Tỉnh vẫn giữ quan điểm không tiếp nhận người dân tự phát trở về An Giang”… https://www.angiang.gov.vn › wps › home › xem-chi-tiet)

(Bài này nay đã bị “thế lực thù địch” xoá mất nhưng trên Google vẫn còn tên bài)

5.2. Ngày 3/10:

Một clip hơn 6 phút cuộc điện thoại được cho là của Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc CA tỉnh An Giang với một cựu quan chức của tỉnh lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó người được gọi là ông Nơi, nói:

… “M* có cái gì đâu mà Dân của mình bỏ dzậy, không lẽ để cho chết ở cửa ngỏ T2, để cho các thế lực thù địch nó lôi nó kéo, như dzậy sao được, tôi nói với anh á, ổng (“Thế lực thù địch” bảo đó là Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch tỉnh An Giang) không cho, nhưng tụi tui từ sáng giờ giải quyết hết hai ngàn mấy rồi, ổng nói trên báo chí kệ ổng”…

… “tụi em sẽ viết công văn báo cáo bộ công an, bộ quốc phòng, chớ Dzân mình tự dưng bỏ, m* toàn người già, con nít nhóc hết trơn, rồi phụ nữ mang thai chạy xe về mấy chục cây, mấy trăm cây số, đi về bỏ ở đó ngủ ngoài mưa ngoài nắng, cả đêm suốt đêm, làm nhiều cái tụi tui quạo, muốn đập bàn luôn chớ không phải chuyện đơn giản đâu. Có cái ổng cứ phát biểu, kêu công an, quân đội xách súng xách đạn ra. Tui không làm đó ổng làm gì tui, tui nói với anh, đem súng đạn ra này nọ á, tui ra lệnh không cho thằng nào được quyền trấn áp Dân. Đ* M* thằng nào muốn ra đó làm thì giỏi làm đi. Chớ Dân ngừời ta đi về quê có con M* gì”… “có gì đâu, áp lực trong dzòng 5 ngày, 10 ngày là hết thôi, chứ không lẽ năm này sang năm nọ sao mà xạo dzữ dzị, trời đất ơi, ổng cứ lên báo chí, ổng cứ không cho dzề, ổng ngăn đầu này, ổng cản đầu kia, sáng giờ ổng chửi tui tan nát hết trơn rồi, kệ mẹ nó, tới đâu hay tới đó, chớ không lẽ sao bỏ được”….

Ối giời ôi! Cái clip này làm nóng bừng dư luận xã hội. Dân ca ngợi ông Nơi quá chừng. Dân chửi thậm tệ cái ông bảo “không cho dân về”, lệnh CA, quân đội xách súng ra cản dân…

5.3. Ngày 5/10/2921:

– NLĐO: “Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho rằng các thế lực thù địch đã xuyên tạc về việc tỉnh này không cho người dân tự phát về quê để tránh dịch bệnh và gây chia rẽ nội bộ”…

– TP có bài: “Ðập tan mưu đồ phá hoại thành trì chống dịch

“Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch trong và ngoài nước điên cuồng chống phá, xuyên tạc sự thật nhằm làm mất uy tín cán bộ và gây phân hóa, chia rẽ nội bộ hòng suy yếu các thành trì phòng chống dịch.

… “Đoạn ghi âm dài hơn 6 phút về cái gọi là “cuộc nói chuyện giữa Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang…”

“Công an tỉnh An Giang nhanh chóng vào cuộc và xác định file ghi âm bị cắt ghép và vụ việc có bàn tay của đối tượng phản động ở nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/10, trang Facebook “Hoàng Dũng” chuyên chống phá Đảng, Nhà nước đã phát tán đoạn clip ghi âm trên và bịa đặt trắng trợn rằng, không có sự thống nhất trong chỉ đạo chống dịch giữa Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh và cấp trên là Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình” … “Mục đích của đối tượng là cố ý gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo tỉnh An Giang, phá hoại công tác phòng, chống dịch và nghiêm trọng hơn là bôi xấu, hạ uy tín Chủ tịch UBND tỉnh An Giang”…

TÓM LẠI:

Phân tích trường hợp điển hình ở An Giang vừa xảy ra trong vòng 5 ngày ta thấy: Họ luôn sợ hãi trốn tránh SỰ THẬT, không thừa nhận SAI LẦM; nói xong nuốt lời, vu khống cho THẾ LỰC THÙ ĐỊCH bịa đặt, xuyên tạc, cắt ghép, nói xấu…

Đáng lẽ SỰ THẬT RẤT ĐƠN GIẢN, ví dụ họ phỏng vấn ông Nơi có cuộc điện thoại đó không? Ông Nơi nói là “không” là xong. Nhưng đó là sự thật nên họ tránh né, cứ tung tin, điều tra, họp báo rồi dùng các phương tiện truyền thông làm rối tung, rối mù lên, đổ hết cho THẾ LỰC THÙ ĐỊCH…

Báo chí chỉ là cái loa của chính quyền, hôm trước nó bảo “thơm” tất cả ca ngợi “thơm quá”, hôm sau nó bảo “thối”, tất cả chê “thối kinh”!

Mấy mươi năm rồi, vẫn chứng nào tật ấy, không hề thay đổi!

Người dân Nam bộ vốn thật thà, bộc trực như ông Nơi may còn sót lại trong hệ thống quan chức. Ông Nguyễn Thanh Bình cũng quê An Giang đấy, nhưng quan chức to, biến chất Nam bộ rồi!

'VINH QUANG THUỘC VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN', ĐAU THƯƠNG

 TRÚT LÊN ĐẦU DÂN

MAI HOA KIẾM/ TD 8-10-2021

Hội nghi Trung ương 4 nhóm họp và bế mạc trong những ngày đầu tháng 10/2021 mưa gió vần vũ. Hai trăm Uỷ viên Trung ương ăn trong nhà hàng sang trọng, ngủ trong những khách sạn đắt tiền và hàng ngày diện bộ cánh sặc sỡ, đắt tiền, cắp cặp da, có xe deluxe đón, xúm nhau tại Ba Đình chỉ chăm bẳm bàn việc làm thế nào để giữ cho được sự tồn vong của đảng Cộng sản.

Nguyễn Phú Trọng vẫn vét hết sức tàn hô hào, kêu gọi phải giữ chặt nguyên tắc xây dựng đảng, chống biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Ông Trọng cũng doạ sẽ thanh trừng không nương tay những đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Ông Trọng gọi đó là những người phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; phụ hoạ quan điểm lệch lạc đối đầu… từ đó “sa sút về ý chí chiến đấu”.

Chiến đấu với ai? Chắc chắn là cuộc chiến chống lại tư duy đổi mới, khát khao đòi tự do dân chủ của đại đa số người dân Việt Nam.


Quang cảnh Hội nghị Trung ương 4 khoá 13. Ảnh trên mạng

Trong khi đó, ngoài kia hàng trăm ngàn dân lao động đang chạy trốn đại dịch Covid 19, rời Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, để về quê Nam kỳ lục tỉnh, miền Trung và các tỉnh phía Bắc.

Mưa gió, bão bùng, đêm đen kịt không nhìn thấy rõ người, nhưng hàng đoàn người chở theo vợ con, hành lý trên những xe máy rách bươm để vượt hàng ngàn cây số. Một số người về miền Bắc, miền Trung trên quốc lộ 1A, phải vượt con đèo Hải Vân cao 500m, dài 21 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã giữa Huế và TP Đà Nẵng. Đường quanh co, một bên là núi đá và bên kia là vực thẳm. Trong khi hầm đường bộ Hải Vân thì chỉ 12 km, nhưng chính quyền cộng sản đã cho khoá chặt, chỉ vì “sợ không thu được phí”. Chỉ đến khi mạng xã hội, dân chúng kêu gào, họ mới cho mở cửa hầm để dân đi.




Dân lao động nghèo dừng chân trên đèo Hải Vân. Ảnh trên mạng

Trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Thế Thịnh, cựu Trưởng đại diện miền Trung của báo Thanh Niên, đã viết:

Gần 8 tỷ người trên thế giới, nếu cho dữ liệu về đèo và hầm đèo Hải Vân đều sẽ không thể hiểu được vì sao không cho người về quê đi hầm mà phải đi đèo bằng xe máy trong trời mưa gió?

Đau thương ngập trên các trang “lề dân” với những ghi chép, các video clip nhói lòng. Cuộc tháo chạy về quê bị chính quyền vô cảm và tàn bạo ngay “quê hương là chùm khế ngọt”, chặn lại không cho vào, gây phẫn nộ và nhức nhối.

Trên dặm đường thiên di, không ai thấy bóng dáng của cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội hay đoàn thể nào đứng ra quyên góp, cứu trợ nhân đạo gì cả. Chỉ có dân thương lấy dân. Hàng trăm tình nguyện viên, Mạnh Thường Quân trên khắp nẻo đường dân nghèo ly hương đi qua, giúp cho bà con nước, sữa, bánh mì, xăng xe và cả tiền mặt.

Trẻ em ngất xỉu, phụ nữ sẩy thai, đẻ non, xe hư hỏng, tai nạn dọc hành trình… là những nỗi đau xé nát tâm can. Thương tâm nhất là hai mẹ con chị Hà Thị Vuông (43 tuổi) và Nguyễn Văn Thành (15 tuổi), đồng hương Thanh Hoá với ngài thủ tướng Phạm Minh Chính, khăn gói vào tỉnh Bình Dương làm thuê kiếm tiền trả nợ. Nhưng nợ chưa kịp trả thì mẹ con chị bị tai nạn, tử vong khi đang trên đường về quê tránh dịch, tại đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Lò Xo (Phước Mỹ, Phước Sơn, Quảng Nam) hôm 4/10/2021.


Bà Phạm Thị Tầm (70 tuổi) khóc thương con dâu và cháu nội bị tai nạn. Nguồn: Thanh Niên

Thật đắng lòng và chua xót khi thấy giai cấp công nhân, giai cấp “chuyên chính vô sản”, từng là lực lượng “tiên phong lãnh đạo cách mạng”, giờ nhếch nhác, cùng cực phải chạy về quê, nơi trú ẩn cuối cùng như thế. Lý do đơn giản là, “đại diện” của họ, những đảng viên cộng sản cầm quyền, chẳng hề đếm xỉa tới họ, sau khi lợi dụng giai cấp này để lên nắm quyền.

Dù đảng này luôn hô hào rằng, nó là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nhưng những gì đang diễn ra trên thực tế, mọi người có thể thấy rõ, đảng này đại diện cho ai.

Nhìn ông tổng bí thư già nua, luôn miệng kêu gào đảng viên cao cấp của mình thôi ăn cắp, bớt tham nhũng trong suốt 10 năm qua mà thấy thương hại. Suy thoái, biến chất về đạo đức, lối sống suy đồi, đã trở thành bản chất ăn sâu trong dòng máu cộng sản. Tình trạng tham nhũng, tư túi, ăn cắp của công leo thang.

Không chỉ trong các cơ quan chính quyền, mà cả trong lực lượng công an, quân đội, cảnh sát biển… chúng ăn không chừa thứ gì, vô trách nhiệm, buôn lậu, bảo kê, bán rẻ tổ quốc…

Thống kê 10 năm qua cho thấy: có 5 ủy viên Bộ Chính trị, 12 ủy viên TU Đảng, 14 tướng lĩnh quân đội, 12 tướng lĩnh công an, 15 Bí thư, phó bí thư các tỉnh thành, gần 20 bộ trưởng, thứ trưởng và nhiều ngàn cán bộ cấp huyện, xã, phường bị kỷ luật vì các tội danh trên. Điều này cho thấy, hệ thống cán bộ, công chức, đảng viên của bộ máy quản trị quốc gia đã mục ruỗng.

Đại dịch Covid-19 giúp phơi bày thêm nhiều mặt xấu, tệ hại của thể chế cộng sản cầm quyền. Trong đó, khốn nạn, trắng trợn nhất là ngay trong Bộ Y tế đã hình thành “nhóm lợi ích”, thiết kế “sân sau” bao thầu vaccine, nâng giá thiết bị, vật tư y tế, giá xét nghiệm… gấp chục lần giá thực tế, để trục lợi hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nguyễn Phú Trọng và Trung ương khóa XII đang cố gắng ra sức chống đỡ sự sụp đổ ý thức hệ ngay trong đội ngũ của những người cộng sản. Níu kéo độc tài, duy trì quyền lực để đè đầu cưỡi cổ nhân dân, vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hội nghị Trung ương 4 vừa bế mạc, bất kể dân chúng kêu khóc, đói rách trong phẫn nộ tột cùng ra sao, mặc kệ chiếc “thòng lọng” Trung Quốc và cuộc xâm lấn trên biển thế nào.


Ảnh: “Tứ trụ” của đảng CSVN vẫn cười… kiêu ngạo, trong khi người dân đang khốn khổ tột cùng. Nguồn: TTXVN

Cuộc hồi hương vĩ đại, đau đớn và xót xa nhất trong lịch sử dưới triều đại cộng sản vẫn tiếp diễn. Nhìn đồng bào mình, nhìn giai cấp bị trị dắt díu, bồng bế con chạy dịch về quê mà lòng trĩu nặng nỗi buồn, càng căm hận lũ bất nhân, bất nghĩa. “Vinh quang thuộc về Đảng cộng sản”, nhưng đau thương tồi tệ nhất lại thuộc về nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét