Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

20211027. CHUYỆN XẾP HẠNG ĐẠO ĐỨC GIÁO VIÊN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

GIÁO VIÊN ĐAU ĐẦU TÌM MINH CHỨNG 

KHÔNG VI PHẠM ĐẠO ĐỨC THEO YÊU CẦU CỦA BỘ

LÊ MINH/ GDVN 21-3-2021

Ngày 22/8/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.

Sau đó, Bộ ban hành Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 ban hành quy định chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Từ đó đến nay, cứ vào cuối năm học thì giáo viên phải đi phô tô, chụp ảnh bằng cấp, chứng chỉ, kế hoạch, giáo án, phiếu dự giờ để làm minh chứng cho các tiêu chí của Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT .

Trong năm học này, Bộ triển khai việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên, mỗi giáo viên được cấp một tài khoản riêng và một lần nữa Bộ lại yêu cầu giáo viên cập nhật kết quả đánh giá và tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020 lên phần mềm trực tuyến.

Những giáo viên chưa tải minh chứng sẽ được... phần mềm "nhắc nhở" (Ảnh: Lê Minh)

Giáo viên vất vả đi tìm minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp

Bắt đầu tập huấn modul1 thì giáo viên được yêu cầu cập nhật rất nhiều thông tin cá nhân lên tài khoản của mình ở phần mềm tập huấn trực tuyến của Bộ. Trong đó, có cập nhật kết quả tự đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên năm học 2019-2020.

Sau khi tập huấn xong 2 modul đầu, khi mà chuẩn bị mở modul thứ 3 thì giáo viên được yêu cầu bắt buộc phải tập hợp minh chứng và tải lên phần mềm.

Nhưng, có những tiêu chí biết tìm đâu ra để cập nhật lên phần mềm của Bộ? Bởi theo hướng dẫn trên phần mềm trực tuyến thì minh chứng được hướng dẫn như sau: “Minh chứng là các bằng chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí”.

Tuy nhiên, đối với những tiêu chí liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ thì giáo viên chụp ảnh và đưa lên nhưng có những tiêu chí thì giáo viên rất khó khăn đi tìm minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp của mình.

Chẳng hạn, như tiêu chí 2- Phong cách nhà giáo thì Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý nguồn minh chứng: “Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo;

- Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức)/biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường/kết quả thực hiện nề nếp ra vào lớp, tiến độ thực hiện công việc... ghi nhận giáo viên có tác phong, phong cách làm việc phù hợp với công việc dạy học, giáo dục”.

Nhưng, lấy gì để minh chứng cho việc : “Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo”?.

Nếu Bộ gợi ý như vậy thì chỉ có những giáo viên bị kỷ luật, bị lập biên bản, bị xử lý mới có thể có minh chứng. Những thầy cô ăn mặc giản dị, nói năng chuẩn mực và không vi phạm đạo đức nhà giáo thì minh chứng bằng cái gì và ai đứng ra minh chứng cho giáo viên đây?

Tiêu chí 7- Tư vấn và hỗ trợ học sinh được Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý nguồn minh chứng ở mức khá như sau: “Phiếu dự giờ/tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp/tiết sinh hoạt lớp được xếp loại khá trở lên hoặc biên bản họp cha mẹ học sinh trong đó ghi nhận giáo viên thực hiện được các biện pháp tư vấn và hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng học sinh;

- Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh có sự tiến bộ và kết quả học tập, rèn luyện học sinh hòa nhập có sự tiến bộ (nếu có); hoặc kết quả vận động học sinh dân tộc thiểu số đến lớp (nếu có)”.

Nói thật, ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng khó có loại minh chứng cho tiêu chí này chứ chưa nói là giáo viên không làm công tác chủ nhiệm lớp. Nếu không chủ nhiệm lớp thì họ lấy đâu ra biên bản họp phụ huynh, giáo viên lấy đâu ra tiết ngoài giờ lên lớp hay sinh hoạt lớp để làm minh chứng?

Hơn nữa, khi dự giờ chuyên môn thì làm gì có mục tư vấn và hỗ trợ học sinh để giáo viên ghi vào phiếu dự giờ?

Ngoài ra, có rất nhiều tiêu chí mơ hồ, không thể tìm được minh chứng cụ thể, chính xác như: Tiêu chí 9-Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường; Tiêu chí 10- Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường;

Tiêu chí 11- Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan; Tiêu chí 12- Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh; Tiêu chí 13- Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Những tiêu chí này nếu có kế hoạch, có biên bản thì đó là của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm. Vậy nên, khi bắt buộc phải tải phần mềm minh chứng thì giáo viên phải lên mượn kế hoạch của nhà trường để phô tô nhưng cũng có những tiêu chí không thể nào có được minh chứng....

Trong khi, Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT đề ra các tiêu chuẩn, tiêu chí; Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý nguồn minh chứng; Giáo viên thì vất vả đi tìm minh chứng.

Vì thế, đa số các trường học trong những ngày qua thì bộ phận văn phòng liên tục phải giúp giáo viên lục lại hồ sơ cá nhân, các kế hoạch của nhà trường để tìm lại một số giấy tờ, kết quả đánh giá viên chức năm học trước để phô tô làm minh chứng.

Nhiều thầy cô trong Ban giám hiệu cũng vất vả trả lời giáo viên về nguồn minh chứng cụ thể cho từng tiêu chuẩn, tiêu chí. Rồi phải kiểm tra, đôn đốc giáo viên thực hiện theo đúng yêu cầu thời của cấp trên đề ra.

Trường ít thì đỡ vất vả, những trường loại I có cả trăm giáo viên nên bộ phận văn phòng và Ban giám hiệu cũng rối vì liên tục phải trả lời, giúp đỡ giáo viên tìm lại, phô tô lại giấy tờ đã ngủ yên trong hồ sơ từ năm học trước để minh chứng cho yêu cầu năm học này trên phần mềm tập huấn trực tuyến.

Hướng dẫn cập nhật chuẩn nghề nghiệp lên phần mềm tập huấn trực tuyến (Ảnh: Lê Minh)

Đôi điều kiến nghị

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đang triển khai tập huấn trực tuyến cho giáo viên với rất nhiều phần việc.

Trong đó, không chỉ tập huấn chuyên môn đơn thuần mà có rất nhiều phần thừa thãi, không cần thiết như chuyện modul nào cũng làm vài bài khảo sát về chương trình và thiết kế các mức độ trả lời như: “1. Hoàn toàn không đồng ý; 2. Không đồng ý; 3. Đồng ý; 4. Hoàn toàn đồng ý; Còn phân vân, chưa quyết định đánh dấu vào mức độ nào”.

Với cách khảo sát như vậy, giáo viên thì có đầy đủ tên tuổi, đơn vị công tác trên phần mềm, được quản lý chặt chẽ nên chẳng ai dám trả lời vào ô tương ứng “Hoàn toàn không đồng ý” hoặc “Không đồng ý”.

Vì thế, việc khảo sát hay phải đánh giá, tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên vào phần mềm tập huấn chương trình mới là không cần thiết.

Chúng tôi có mấy điều kiến nghị như sau:

Thứ nhất: thời gian tập huấn được bố trí trong năm học, giáo viên rất bận rộn việc trường lớp nên chỉ có thể học tập vào ban đêm hay những ngày cuối tuần. Vậy nên, Bộ cần thiết kế các nội dung học tập ngắn gọn, cụ thể, trọng tâm của vấn đề chuyên môn.

Những cái gì đã học nên lược bỏ, những cái gì không cần thiết nên loại trừ.

Thứ hai: không cần bắt buộc khảo sát giáo viên sau mỗi modul mà nên đưa các bài khảo sát vào phần tự nguyện. Bộ cứ cài phần mềm nhưng giáo viên nào muốn thực hiện khảo sát thì thực hiện, không muốn thì thôi bởi thực tế những câu hỏi rất thừa, không thiết thực.

Nhưng, các modul vừa qua nếu không trả lời thì chưa chưa được xếp hoàn thành học tập.

Thứ ba: Không nên bắt buộc giáo viên phải cập nhật kết quả, minh chứng đánh giá chuẩn nghề nghề nghiệp hàng năm trên phần mềm tập huấn trực tuyến. Vì công việc này nhà trường đã thực hiện ở thời điểm cuối năm học. Hồ sơ đã lưu cụ thể tại các đơn vị, kết quả đã công nhận rồi.

Bắt giáo viên tải minh chứng lên phần mềm, trong khi họ đã làm vào thời điểm cuối năn học nên chỉ một phần việc mà giáo viên phải làm 2 lần nhưng các tiêu chí thì mơ hồ, không biết tìm đâu ra minh chứng.

Vì thế, không chỉ khổ giáo viên mà khổ cả Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn cũng phải cập nhật lại kết quả đánh giá từ năm trước. Các nhân viên văn phòng cũng phải xắn tay vào để lục tìm minh chứng cho giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai rất nhiều phần việc đến giáo viên nên Bộ cần giảm tải những công việc không cần thiết, hình thức để giáo viên bớt đi áp lực trong thời điểm này nhằm lĩnh hội những cái mới một cách tốt nhất ở chương trình mới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH

PHẢI CÓ MINH CHỨNG ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO MỚI ĐĂNG NHẬP 

TẬP HUẤN CHƯƠNG TRÌNH ĐƯỢC

PHAN TUYẾT/ GDVN 24-3-2021

Giáo viên muốn truy cập vào hệ thống tập huấn chương trình mới thì phải hoàn thành việc cập nhật dữ liệu lên Temis (hệ thống đánh giá xếp loại chuẩn giáo viên). Điều làm giáo viên mệt mỏi, đau đầu nhất là tìm minh chứng cho các tiêu chí quy định.

Phần mềm mặc định năm học 2019-2020 nên những giáo viên mới vào dạy năm học này sẽ phải đánh giá "Không đạt" vì làm gì có minh chứng. (Ảnh tác giả)

Có những tiêu chí, giáo viên chỉ cần chụp hình văn bằng chứng chỉ, một số hồ sơ sổ sách cá nhân là được. Thế nhưng, không ít tiêu chí giáo viên không thể tìm ra minh chứng vì rất mơ hồ và vô cùng phi lý.

Ví như, tiêu chí 1 về “Đạo đức nhà giáo”. Minh chứng phải tìm là: Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức)/kết luận của các đợt thanh tra, kiểm tra (nếu có)

Hay, biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường ghi nhận về việc giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo, không vi phạm quy định dạy thêm, học thêm...;

Thường thì không có biên bản nào ghi những chuyện này trừ phi giáo viên ấy vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị lập biên bản thì mới có minh chứng.

Tiêu chí 2: Phong cách nhà giáo. Minh chứng phải tìm là: Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo…

Nhiều thầy cô không biết đưa minh chứng thế nào để chứng minh mình ăn mặc, lời nói tác phong chuẩn mực, đúng quy định?

Tiêu chí 14 và Tiêu chí 15: Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc và Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết Tiêu chí bị công nghệ trong dạy học, giáo dục. Hiện một số giáo viên chưa có chứng chỉ ngoại ngữ nên không biết phải lấy gì làm minh chứng?

Một số giáo viên than phiền, Bộ bỏ quy định về ngoại ngữ, tin học nhưng trong phần đánh giá này vẫn quy định đưa minh chứng lên. Lẽ nào lại phải đăng ký đi học chỉ để có chứng chỉ chụp làm minh chứng?

Giáo viên mới hợp đồng giảng dạy trong năm học này, muốn vào học các modun chương trình mới phải chấp nhận đánh giá “Không đạt”

Nhưng, dù thế vẫn chưa vô lý bằng việc giáo viên mới vào dạy hợp đồng trong năm học 2020-2021 mà cũng buộc phải nhập minh chứng của năm học 2019-2020 thì mới được vào hệ thống học chương trình mới.

Chưa đi dạy ngày nào thì những thầy cô giáo này họ biết lấy minh chứng đâu ra?

Những giáo viên này được gợi ý từ lãnh đạo là đánh giá “Không đạt “để không phải đưa minh chứng. Nhưng, nếu các thầy cô không chấp nhận sẽ không thể học các modun của chương trình mới.

Có giáo viên thắc mắc, tại sao lại quy định như thế? Tại sao lại phải là đánh giá không đạt? Nếu đánh giá không đạt sẽ ảnh hưởng đến công tác sau này thì sao? Đánh giá năm mình chưa đi dạy chẳng khác nào là đánh giá khống, là làm ma hồ sơ, ai sẽ chịu trách nhiệm việc này?

Dù thế, giáo viên cũng chỉ nhận được lời giải thích không mấy thuyết phục: do phần mềm temis đã được thiết kế sẵn như thế. Họ mặc định sẵn năm đánh giá là năm học 2019-2020 nên ai chưa đi dạy năm này cũng phải đánh giá vào.

Tập huấn chương trình mới, cần cung cấp các modun để giáo viên chủ động học tập

Có 4 mức đánh giá các tiêu chí, không đạt, đạt, khá, tốt. Chỉ cần giáo viên đánh giá bản thân ở mức đạt thì hệ thống này sẽ yêu cầu phải cung cấp ngay minh chứng.

Nếu đánh giá không đạt, giáo viên sẽ không buộc tìm minh chứng. Nhưng, dù khó, dù vất vả cỡ nào mọi người cũng phải ráng chứ chẳng ai đủ can đảm để đánh giá mình không đạt.

Việc điền thông tin, minh chứng theo các tiêu chí (cập nhật dữ liệu lên Temis) chỉ là quy định mang tính kỹ thuật để truy cập vào hệ thống tập huấn trực tuyến như lời khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trên Báo Tuổi Trẻ.

Việc quy định này có thật sự hợp lý và cần thiết không? Bởi, chỉ là quy định mà nó đã lấy biết bao thời gian, công sức không chỉ của giáo viên mà còn các bộ phận của nhà trường cũng mất không ít công sức cho việc này.

Để cung cấp minh chứng cho các thầy cô, nhiều bộ phận trong trường đều phải gác công việc của mình lại để giúp đỡ. Ví như thư viện phải lục tìm các biên bản năm cũ lưu trữ, phiếu đánh giá, hiệu phó lục tìm bảng tổng kết học tập của học sinh, hiệu trưởng hiệu lục lại hồ sơ, phiếu đánh giá công chức, giáo viên đỏ mắt kiếm tìm và chụp hình, ken hình lên trang.

Có nhất thiết giáo viên phải nhập đủ thông tin, minh chứng lên hệ thống Temis như thế mới vào học được các modun? Khó quá nên ‘cái khó ló cái khôn”, một số thầy cô giáo buộc phải “ngụy” minh chứng hòng hợp thức hóa để vào được hệ thống học tập.

Chúng tôi nghĩ rằng, chương trình mới có tất thảy 9 modun, Bộ Giáo dục cần đưa lên hệ thống để giáo viên tự truy cập vào học bất cứ lúc nào tùy vào điều kiện bản thân thầy cô giáo ấy.

Phòng, Sở và Bộ chỉ cần quản lý chất lượng học tập (bằng các điểm số, tính chuyên cần (máy sẽ tự động chấm) và thời gian cuối cùng phải hoàn thành modun.

Còn thời gian học thế nào? Học lúc nào? hãy để giáo viên tự cân đối, tự điều tiết công việc của mình sao cho việc học, việc dạy hài hòa một cách hợp lý nhất. Có thế, việc dạy vẫn đảm bảo mà việc học của các thầy cô cũng hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết
TÌM MINH CHỨNG 'ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO'

 ĐỂ TẢI LÊN TEMIS RỐI RẮM, VÔ BỔ

CAO NGUYÊN/GDVN 11-10-2021

Ngày 13/ 8/2021, Ban quản lí Chương trình ETEP (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có Công văn số 488 /CV-ETEP về hướng dẫn rà soát minh chứng và hỗ trợ tự đánh giá của giáo viên trên Hệ thống TEMIS.

Theo đó, nội dung Công văn này cho biết, trong thời gian triển khai xây dựng Báo cáo TEMIS năm 2020 và năm 2021 tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Chương trình ETEP đã tiếp nhận nhiều phản hồi liên quan đến khó khăn của giáo viên trong quá trình tìm kiếm và tải minh chứng tự đánh giá theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/8/2018 quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và Công văn số 4530/BGD ĐT-NGCBQLGD, ngày 01/10/2018 hướng dẫn thực hiện thông tư ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Để phù hợp với thực tiễn triển khai và hỗ trợ cho các trường trong việc kiểm tra các báo cáo TEMIS 2020, chuẩn bị cho công tác kiểm đếm, Ban Quản lý Chương trình ETEP gửi đến các trường hướng dẫn rà soát minh chứng tự đánh giá của giáo viên trên Hệ thống TEMIS đã nhận được sự đồng thuận của Ngân hàng Thế giới (trong Phụ lục đính kèm).

Trong đó, lưu ý rằng, đối với báo cáo TEMIS 2020, cần hướng dẫn giáo viên chỉ bổ sung minh chứng và mô tả các hoạt động thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020.

Rối rắm quy định minh chứng theo Công văn 488

Công văn số 488/CV-ETEP cho biết, giáo viên chỉ bổ sung minh chứng và mô tả các hoạt động thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, gợi ý minh chứng theo Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD và gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS còn mông lung, rối rắm.

Chẳng hạn, tiêu chuẩn 1 “Phẩm chất nhà giáo” gồm 2 tiêu chí “Đạo đức nhà giáo” và “Phong cách nhà giáo”, trong đó gợi ý minh chứng “Đạo đức nhà giáo” theo Công văn 4530 yêu cầu liệt kê:

“Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Thư cảm ơn, khen ngợi của các bên về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực; Báo cáo chuyên đề/ý kiến trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/nhà trường về những kinh nghiệm trong rèn luyện, nâng cao phầm chất đạo đức; Hình ảnh, tấm gương giáo viên cùng nhà trường vượt qua những khó khăn (do thiên tai, bão lũ…) để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học”.

Hướng dẫn rà soát minh chứng tự đánh giá của giáo viên trên TEMIS năm 2020, ảnh: Cao Nguyên.

Tôi nhận thấy, chỉ riêng “phiếu đánh giá và phân loại viên chức” thì cuối năm giáo viên đã được lãnh đạo đánh giá và lưu hồ sơ. Còn các loại minh chứng khác như “thư cảm ơn”, “báo cáo chuyên đề”, “gương giáo viên vượt khó…” thì nhiều giáo viên không biết lấy đâu ra minh chứng.

Còn gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS cũng cũng “hình thức”, rối rắm, mông lung không kém.

Cụ thể: “Tải Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Liệt kê minh chứng/hoặc mô tả về những ghi nhận của các bên về phẩm chất đạo đức mẫu mực của giáo viên; Liệt kê minh chứng/hoặc mô tả về những hoạt động rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức; Liệt kê những hành động vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học” (do thiên tai, bão lũ, giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19…).

Công văn 488 gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS, nhưng gợi ý kiểu như “mô tả về những ghi nhận của các bên về phẩm chất đạo đức mẫu mực của giáo viên; Liệt kê minh chứng/hoặc mô tả về những hoạt động rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức” nghe quá tù mù, cá nhân tôi đọc đi đọc lại cũng không biết phải làm sao cho đúng.

Hoặc, quy định “phong cách nhà giáo” theo Công văn 4530 cũng hết sức vô lí, đó là: “Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Giấy khen/biên bản họp/ý kiến ghi nhận về việc giáo viên có phong cách mẫu mực; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; Ý kiến chia sẻ tại buổi họp về kinh nghiệm, biện pháp, cách thức tạo dựng phong cách nhà giáo phù hợp tình hình thực tiễn của nhà trường, địa phương và quy định của ngành”.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Phong” là vẻ bề ngoài, “cách” là cách thức để biểu hiện, trưng bày ra. “Phong cách” là sự biểu hiện bản chất, những tính cách của bên trong của con người. Như vậy “phong cách” (cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự...) thể hiện cái riêng của một người hay một lớp người nào đó. Nói cách khác “phong cách” là “hình thức” để thể hiện “nội dung”.

Vậy thì, quy định minh chứng nhà giáo được thể hiện qua các phiếu đánh giá, khen thưởng, nêu ý kiến trong các cuộc họp… không mấy liên quan đến phong cách nhà giáo. Theo tôi, để xây dựng phong cách nhà giáo mẫu mực thì bản thân mỗi người giáo viên cần rèn luyện đạo đức, trong sáng, lối sống lành mạnh, là người mẫu mực trong từng lời nói và việc làm…

Ngoài ra, một số tiêu chuẩn khác gồm hàng loạt tiêu chí đi kèm cũng rất “hình thức”, khiến giáo viên phải loay hoay minh chứng như: “Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; Xây dựng mô trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội”.

Thay lời kết

Những minh chứng vô bổ đang khiến giáo viên các cấp phải mất rất nhiều thời gian, công sức rà soát để tải lên hệ thống TEMIS. Điều đáng nói là, loạt minh chứng này cũng chẳng có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường hiện nay. Chưa kể, yêu cầu giáo viên cung cấp hàng loạt minh chứng là đi ngược lại với những văn bản mà Bộ Giáo dục đã ban hành về giảm tải cho giáo viên.

Công văn 488/CV-ETEP về hướng dẫn rà soát minh chứng và hỗ trợ tự đánh giá của giáo viên trên Hệ thống TEMIS dài 7 trang A4, trong đó hết 6 trang gợi ý minh chứng theo Công văn 4530 và gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS. Chỉ riêng gợi ý minh thay thế, tôi đã đếm tất cả có 39 nội dung được yêu cầu, đúng là gây quá tải cho giáo viên thực sự.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên
NHỨC NHỐI QUY ĐỊNH 
3 HẠNG ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO VÀ YÊU CẦU MINH CHỨNG
NHẬT DUY / GDVN 15-10-2021

Khi nó về phạm trù đạo đức của con người thì chúng ta thường nghĩ đến nhiều khía cạnh khác nhau như: phẩm chất, lối sống, tác phong… Nhưng, thực tế thì việc nhìn nhận, đánh giá một con người có đạo đức tốt, chưa tốt vẫn rất trừu tượng, chung chung và khó định lượng.

Đạo đức của một nhà giáo cũng vậy, phần lớn các nhà giáo từ xưa đến nay đều có đạo đức, phẩm chất tốt, ứng xử với đồng nghiệp, học trò phù hợp, họ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và quy chế cơ quan.

Thế nhưng, để minh chứng họ chấp hành tốt, gương mẫu chấp hành như thế nào lại rất khó vì không có ai cấp các loại giấy tờ để có thể minh chứng cụ thể về đạo đức của người thầy.

Tuy nhiên, trong một số văn bản quy định về đạo đức nhà giáo hiện nay lại yêu cầu nhà giáo minh chứng về đạo đức của mình nên đây thực sự là một công việc khó khăn khi hàng năm giáo viên cứ phải đi tìm minh chứng để chứng minh đạo đức của mình.

Giáo viên phải minh chứng về các mức xếp loại đạo đức của mình

(Ảnh minh họa: Thanh An)

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT xếp đạo đức nhà giáo làm 3 mức

Các văn bản liên quan đến đạo đức nhà giáo đã và đang được áp dụng trong các cơ sở giáo dục phải kể đến như: Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT; Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT; Các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức…

Tuy nhiên, phần lớn các văn bản này chỉ quy định về đạo đức nhà giáo chứ không đòi hỏi minh chứng cụ thể. Riêng đối với việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong hàng chục năm qua luôn đòi hỏi phải có minh chứng về đạo đức của người thầy.

Bắt đầu từ năm học 2018-2019 thì giáo viên phổ thông trên cả nước bắt đầu thực hiện việc xếp chuẩn giáo viên hàng năm theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT, thay thế cho Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT trước đây.

Cùng với việc ra đời của Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT thì ngày 1/10/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD để hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 20/2018. Kèm theo Công văn này là Phụ lục I quy định các ví dụ về minh chứng đánh giá chuẩn giáo viên theo Thông tư 20/2018.

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên giáo dục phổ thông gồm có 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Hàng năm, giáo viên các nhà trường sẽ xếp chuẩn nghề nghiệp của mình theo Thông tư này.

Điều mà giáo viên luôn cảm thấy băn khoăn là ở tiêu chí 1 thì đạo đức nhà giáo được xếp thành 3 mức khác nhau, đó là:

a) Mức đạt: Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo;

b) Mức khá: Có tinh thần tự học, tự rèn luyện và phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo;

c) Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo”.

Nhưng, để phân biệt đạo đức của người thầy giữa các mức đạt: “Thực hiện nghiêm túc” với mức khá: “có tinh thần tự học, tự rèn luyện và phấn đấu” và mức tốt: “là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo” thực ra không hề đơn giản chút nào.

Bởi, đạo đức nhà giáo chỉ được xếp ở mức “tốt” khi “Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo” nhưng hiểu về hướng dẫn này như thế nào cho đúng vẫn là một điều khó khăn đối với giáo viên khi đánh giá, xếp loại?

Nếu nhà giáo chỉ dừng lại ở cụm từ “là tấm gương mẫu mực đạo đức nhà giáo” thì mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy ở các đơn vị nhưng nhà giáo có những “chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo” thì e là quá khó.

Cái khó ở chỗ chẳng có thầy cô nào dám đứng ra để “chia sẻ kinh nghiệm” về đạo đức của mình với đồng nghiệp và tất nhiên là những đồng nghiệp trong đơn vị cũng không muốn được “hỗ trợ rèn luyện đạo đức nhà giáo” cho mình.

Nếu “hỗ trợ” về chuyên môn, về phương pháp dạy học thì gần như trường nào cũng có nhưng “hỗ trợ” về đạo đức thì có lẽ hiếm gặp trong các nhà trường bởi họ đều là những người thầy đang hàng ngày dạy dỗ, uốn nắn đạo đức cho học trò.

Trường hợp “hỗ trợ” chỉ có thể xảy ra khi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, bị xử lý kỷ luật và họ được lãnh đạo nhà trường, các đoàn thể, đồng nghiệp góp ý…chứ “hỗ trợ rèn luyện đạo đức nhà giáo” thì rất hiếm khi xảy ra.

Nhưng, nếu căn cứ vào hướng dẫn như vậy, xếp loại đúng như vậy thì phần lớn nhà giáo đang công tác sẽ khó có cơ hội được xếp đạo đức ở mức “tốt” vì bản thân các nhà giáo rất ít khi có cơ hội hoặc không ai dám đứng ra “chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo”.

Và, tất nhiên là cũng chẳng có giáo viên nào muốn được đồng nghiệp của mình “hỗ trợ” rèn luyện đạo đức bao giờ. Nhưng, cho dù có “hỗ trợ” đồng nghiệp trong việc này thì lấy gì để minh chứng?

Trong khi đó, tại Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD thì đối với mức khá và mức tốt Bộ Giáo dục hướng dẫn ví dụ minh chứng đạo đức nhà giáo như sau:

Mức khá: - Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo;

- Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức)/biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường/cha mẹ học sinh/kết quả thực hiện nề nếp ra vào lớp, tiến độ thực hiện công việc... ghi nhận giáo viên có tác phong, phong cách làm việc phù hợp với công việc dạy học, giáo dục và có ý thức rèn luyện, phấn đấu xây dựng tác phong làm việc mẫu mực, khoa học, tác động tích cực tới học sinh lớp dạy học/chủ nhiệm; hoặc kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp dạy/chủ nhiệm có sự tiến bộ.

Mức tốtBản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua;

- Giấy khen/biên bản họp/ý kiến ghi nhận của đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên/cha mẹ học sinh về việc giáo viên có phong cách mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ dạy học, giáo dục;

- Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp dạy/chủ nhiệm có sự tiến bộ/vượt mục tiêu đề ra; hoặc giáo viên có ý kiến chia sẻ tại buổi họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường về kinh nghiệm, biện pháp, cách thức tạo dựng phong cách nhà giáo phù hợp tình hình thực tiễn của nhà trường, địa phương và quy định của ngành”.

Nhìn vào ví dụ minh chứng như thế này, giáo viên chỉ có thể xếp đạo đức của mình ở mức tốt khi “(phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua” là dễ tìm minh chứng nhất còn các minh chứng còn lại khó như “hái sao trên trời” vậy.

Nhưng, trong nhiều năm qua thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định 56, Nghị định 88 sửa đổi thì những giáo viên được xếp ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và xét danh hiệu “chiến sĩ thi đua” phải là người có sáng kiến kinh nghiệm.

Vậy, sáng kiến kinh nghiệm làm thước đo cho đạo đức của người thầy hay sao?

Nên bỏ minh chứng đạo đức của nhà giáo

Chúng tôi cho rằng đạo đức của mỗi nhà giáo rất quan trọng bởi họ đang là những người làm thiên chức dạy người. Một người thầy mà không có đạo đức tốt tất nhiên sẽ khó trở thành một nhà giáo tốt nên việc phân ra đạo đức nhà giáo ở 3 mức là không cần thiết.

Sự không cần thiết còn thể hiện ở việc họ phải đi tìm minh chứng về đạo đức cho mình khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp hàng năm.

Thứ nhất: đạo đức của người thầy không thể lấy một vài tờ giấy mơ hồ, viển vông chẳng liên quan gì đến đạo đức để xếp loại họ như: “Giấy khen/biên bản họp/ý kiến ghi nhận của đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên/cha mẹ học sinh về việc giáo viên có phong cách mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ dạy học, giáo dục” mà thực tế chẳng bao giờ có những loại giấy tờ này.

Thứ hai: đánh giá, xếp loại đạo đức của người thầy ở mức tốt là khi họ làm tốt công việc, hoàn thành trách nhiệm của mình với học trò, nhà trường, không vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục thì tất nhiên họ đã có đạo đức tốt rồi.

Thứ ba: chỉ xếp loại đạo đức nhà giáo ở mức khá, mức đạt khi mà bản thân giáo viên đó vi phạm đạo đức, pháp luật, họ có những ngôn phong, cách ứng xử không phù hợp với đồng nghiệp, học sinh, cộng đồng và bị lập biên bản, quyết định kỷ luật…

Còn khi họ đã “Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo” thì lấy lý do gì mà xếp đạo đức nhà giáo ở “mức đạt” như hướng dẫn của Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT?

Rõ ràng, việc Bộ yêu cầu giáo viên hàng năm đi tìm minh chứng về đạo đức của mình đã và đang có nhiều bất cập. Chỉ tiếc, những phản biện của đội ngũ nhà giáo cả hàng chục năm qua không được Bộ lắng nghe nên năm nào cũng yêu cầu nhà giáo đi tìm minh chứng cho đạo đức của minh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY
BỘ GIÁO DỤC NÊN BỎ YÊU CẦU MINH CHỨNG 'ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO'
LÃ TIẾN/ GDVN 17-10-2021

Ngày 11/6/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD về việc hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ sở mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm học 2020-2021.

Trong Công văn này, Bộ đã nêu rõ: “Các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tạm dừng việc đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn cho đến khi có quy định mới ban hành, nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019”.

Tuy nhiên, đến ngày 28/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Công văn số 3556/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn, năm học 2020-2021.

Các trường vẫn tiếp tục được yêu cầu đánh giá chuẩn nghề nghiệp và tải minh chứng lên hệ thống TEMIS (Ảnh: Thanh An)

Công văn này nêu rõ: Nhằm bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ dựa trên kết quả đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên, Chuẩn hiệu trưởng, Bộ yêu cầu:

“1. Tiếp tục triển khai công tác đánh giá theo Chuẩn đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và nhập kết quả đánh giá lên hệ thống TEMIS (đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).

2. Tạm dừng việc đánh giá theo Chuẩn đối với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 đến khi có quy định mới được ban hành”.

Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn tạm ngưng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, thì trong năm học mới 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu tiếp tục đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cập nhật minh chứng lên phần mềm trực tuyến.

Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng, việc tìm minh chứng chuyên môn nghiệp vụ không quá khó khăn đối với các thầy cô, bởi minh chứng hiển thị qua công việc hàng ngày của họ.

Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng nên bỏ phần tìm minh chứng khi đánh giá chuẩn giáo viên (Ảnh: LT)

“Nếu lấy minh chứng của phẩm chất đạo đức, lối sống để cập nhật lên phần mềm trực tuyến thì sẽ rất là khó.

Vì thứ nhất, phẩm chất, đạo đức lối sống của các thầy cô đứng trên bục giảng là những người đã được đào tạo trong môi trường sư phạm và được giảng dạy rồi. Việc đánh giá người ta đạo đức chưa tốt sẽ có những cái phản tác dụng.

Thứ hai, việc đi tìm minh chứng từ các nguồn phụ huynh học sinh hay học sinh thì cũng có thể được nhưng sẽ khó.

Thực tế ở mỗi nhà trường, để phụ huynh học sinh và học sinh đánh giá giáo viên hay góp ý, nhận xét về thầy cô cũng chưa được nhiều.

Dẫn tới việc để tìm được những minh chứng phù hợp, xác thật với thực tế là khó khăn.

Do đó, khi tiếp tục thực hiện Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT để đánh giá chuẩn giáo viên thì nên lược bỏ phần minh chứng để tập trung đánh giá có trọng tâm vào các tiêu chí khác”, thầy Quý nói.

Cùng quan điểm với thầy Quý, cô giáo Nguyễn Kim Liên, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cũng mong muốn Bộ nên bỏ yêu cầu tìm minh chứng "đạo đức nhà giáo".

Bởi hiện nay, giáo viên có quá nhiều công việc chuyên môn phải làm, dẫn đến tình trạng có giáo viên tìm minh chứng cho có, cốt để hoàn thành xong việc.

"Việc giáo viên tải minh chứng lên hệ thống TEMIS xong không thấy ai kiểm tra nên không biết đúng hay sai.

Từ đó nhiều giáo viên làm chống đối cho xong bởi họ cảm thấy mất thời gian và vô bổ", cô giáo Liên chia sẻ.

Còn theo thầy giáo Trịnh Doãn Toản, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng (Hải Phòng), Bộ nên tập trung cao vào phiếu đánh giá phân loại viên chức, các kế hoạch liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, đánh giá đảng viên cuối năm, các giấy chứng nhận của nhà trường, phòng giáo dục, sở giáo dục.

Thầy Toản cũng cho rằng, việc thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cần cụ thể hơn, Bộ cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn, tránh gây tình trạng Bộ hướng dẫn một đằng, giáo viên, cán bộ quản lý hiểu theo 1 nẻo.

Đồng thời, sau hướng dẫn, Bộ, Sở, Phòng phải có tập huấn cho các cán bộ quản lý, sau đó về trường, cán bộ quản lý tập huấn cho các giáo viên.

LÃ TIẾN
THEO TÔI, HIỆU TRƯỞNG TRỞ LÊN 
MỚI CẦN PHẢI CÓ MINH CHỨNG ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO
LÊ MINH/ GDVN 25-10-2021

Thời gian gần đây, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về những bất cập trong việc xếp loại, minh chứng đạo đức nhà giáo theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Tuy nhiên, công việc này tồn tại nhiều bất cập vì dù cho nhà giáo yêu thương học trò, hòa nhã với đồng nghiệp, có trách nhiệm trong việc xây dựng đoàn kết nội bộ thì cũng khó có thể tìm được minh chứng cho đạo đức của mình.

Ranh giới giữa các mức đạt, mức khá, mức tốt theo hướng dẫn xếp chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT hoặc các tiêu chuẩn về đạo đức đối với giáo viên hạng III, hạng II, hạng I tại chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT cũng khó phân định rạch ròi.

Minh chứng cho tiêu chí đạo đức nhà giáo là không cần thiết (Ảnh minh họa: Thanh An)

Suy cho cùng, sau mỗi năm học mà giáo viên dạy lớp hoàn thành trách nhiệm của mình với học trò, với nhà trường, không vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục thì tất nhiên họ phải được xếp loại đạo đức tốt, đâu cần phân loại và minh chứng làm gì cho tốn công, hoài sức.

Việc xếp loại, minh chứng đạo đức nhà giáo có lẽ chỉ nên dừng lại đối với những nhà giáo làm công tác quản lý nhà trường và đặc biệt là lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục…

Những vị trí đó mới cần minh chứng về đạo đức.

Ai mới cần chú trọng minh chứng đạo đức nhà giáo?

Chúng ta đều biết, bất kể một ai công tác, làm việc ở lĩnh vực nào cũng cần phải có đạo đức tốt và nhà giáo lại càng phải nêu gương, phát huy phẩm chất đạo đức của mình trước học trò, trước mọi người.

Một nhà giáo có đạo đức tốt, có chuyên môn giỏi sẽ nâng đỡ cho nhiều thế hệ học trò trưởng thành. Đứng trước học trò và công tác trong môi trường sư phạm chỉ cần một chút sơ sẩy trong hành vi, thái độ đã được xem là không phù hợp, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Vì thế, phần lớn nhà giáo luôn ý thức được hành động, lời nói của mình, nhất là khi đứng lớp trước học trò. Bởi, mọi hành động, ngôn phong của người thầy đều được trò quan sát, lắng nghe chăm chú, và có thể còn bị ghi âm, ghi hình rồi tung lên mạng.

Cũng chính vì vậy, thời gian qua có một số giáo viên đánh học trò, chửi học trò đều được dư luận biết đến và họ đã bị kỷ luật, có người còn bị đuổi khỏi ngành vì một vài phút không giữ được bình tĩnh trước học trò.

Có lẽ đây cũng là những vi phạm nghiêm trọng nhất của những thầy cô đứng lớp. Ngoài ra, gần như họ không có gì che giấu trước mọi người, trước đơn vị, trước ngành nghề của mình.

Nếu đem so sánh với trường hợp vi phạm đạo đức của một số giáo viên đứng lớp với một số cán bộ quản lý giáo dục vi phạm sẽ thấy khác nhau một trời, một vực.

Trong những tháng gần đây đã có một số lãnh đạo Sở bị khởi tố, bắt giam hoặc tham gia vào những vụ án tiêu cực trong thi cử cho thấy người cần minh chứng về đạo đức phải là những lãnh đạo các nhà trường, lãnh đạo Sở, Phòng mới thiết thực hơn.

Chẳng hạn như trường hợp bà Vũ Liên Oanh, (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh) bị bắt tạm giam vào ngày 24/6/2021 vì liên quan trong việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học tại địa phương này.

Bà Phạm Thị Hằng, (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa) cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 16/7/2021 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 22/9/2021 vừa qua, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên và các đồng phạm bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”…

Nếu ngược thời gian trở về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình thì chúng ta cũng chưa quên được nhiều vị trong Ban Giám đốc của các địa phương này, đó là ông Hoàng Tiến Đức, ông Vũ Văn Sử và ông Bùi Trọng Đắc.

Điều đáng nói là phần lớn những Giám đốc Sở Giáo dục mà chúng tôi đề cập ở trên đều đã được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Trong khi, những tiêu chí về đạo đức đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Nhà giáo ưu tú có lẽ phải cao hơn những nhà giáo đứng lớp rất nhiều.

Tất nhiên để có thể đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì họ phải qua nhiều thử thách, phấn đấu nhưng cuối cùng vẫn có những người không vượt qua được những cám dỗ.

Là người đứng đầu ngành giáo dục của địa phương, có người đã đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở gần chục năm trời mà họ không là những tấm gương sáng về đạo đức cho cấp dưới, cho đồng nghiệp, cho học trò của mình.

Phải chăng, những tiêu chí xếp loại về đạo đức của ngành giáo dục chưa thực sự rõ ràng và còn nặng hình thức nên mới để xảy ra những bài học đau lòng đến như vậy?

Minh chứng đạo đức nhà giáo chỉ nên dừng lại ở cán bộ quản lý

Nói thật, những giáo viên đứng lớp chỉ phần bản xếp loại viên chức, và bản xếp loại đảng viên (nếu là đảng viên) cuối năm là đầy đủ về đạo đức, về công việc trong 1 năm công tác.

Không cần thiết phải xếp chuẩn nghề nghiệp hàng năm, không phải đi tìm minh chứng cho các tiêu chí của chuẩn vì thực tế rất hiếm có nhà giáo vi phạm về đạo đức nhà giáo và cơ bản là đạo đức của họ tốt.

Bởi họ là những viên chức không đảm nhận chức vụ, không quản lý về tiền bạc, nhân sự, không có mua sắm, đầu tư…thì rất khó để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng và họ luôn bảo vệ cái nghề mà họ đang gắn bó.

Chỉ những nhà giáo đảm nhận chức vụ quản lý ở các nhà trường, ở Phòng, ở Sở thì họ mới quản lý về tài chính, nhân sự, đầu tư, đấu thầu…thì đạo đức mới bị thử thách trước những cám dỗ về vật chất và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nữa.

Người nào liêm chính, bản lĩnh, xem trọng danh dự thì vượt qua được, người nào tham lam, xem trọng vật chất thì dễ dàng vi phạm và nhiều người phải trả giá cho những việc làm sai trái của mình.

Vì thế, những nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục mới là những đối tượng cần xếp loại, minh chứng về đạo đức trước đơn vị, đồng nghiệp và cấp trên của mình. Còn đối với những nhà giáo dạy lớp đơn thuần thì minh chứng đạo đức để là gì và họ cũng biết đi tìm đâu ra những minh chứng cho mình?

LÊ MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét