Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

20211021. VỤ ÁN NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TÓM TẮT CÁO TRẠNG VỤ ÁN PHẠM ĐOAN TRANG

TRỊNH HỮU LONG/ TD 19-10-2021

Luật Khoa đã thu thập được toàn văn cáo trạng vụ án Phạm Đoan Trang – đồng sáng lập viên và biên tập viên của chúng tôi.

Đây là hồ sơ đầu tiên của vụ án mà các luật sư và gia đình nhận được, cung cấp nhiều thông tin chưa từng được biết đến trước đây của vụ án.

Một số điểm đáng chú ý của cáo trạng:

– Các chứng cứ mà cơ quan điều tra trình bày trong cáo trạng được thu thập từ ngày 22/9/2016 tới 7/10/2020.

– Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) hai lần gửi công văn cho cơ quan điều tra đề nghị “xử lý” đối với Đoan Trang, vào các ngày 4/5/2020 và 7/10/2020, kèm theo một số tài liệu.

– Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội hai lần gửi công văn lên Bộ Công an đề nghị “xử lý” đối với Đoan Trang, vào các ngày 26/12/2017 và 7/1/2019, kèm theo một số tài liệu.

– Cơ quan An ninh Điều tra (Công an TP. Hà Nội) khởi tố vụ án của Đoan Trang ngày 10/9/2020.

– Quyết định khởi tố bị can đối với Đoan Trang đề ngày 28/9/2020.

– Đoan Trang bị “bắt truy nã” ngày 7/10/2020 tại TP. Hồ Chí Minh.

– Đoan Trang không cung cấp mật khẩu máy tính cho công an nên công an không khai thác được dữ liệu từ đây.

– Đoan Trang không khai nhận tài khoản Facebook “Pham Doan Trang” là của mình nên cơ quan điều tra không xử lý các hành vi phát ngôn trên tài khoản Facebook này.

– Đoan Trang khai nhận là tác giả của tài liệu “Báo cáo – nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” (cả bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh), được đăng trên Luật Khoa tạp chí.

– Ngày 19/2/2021, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin – Truyền thông) có công văn gửi cơ quan điều tra nói rõ “chưa thể xác định được chủ sở hữu tên miền, nên không có căn cứ xác minh đối tượng thành lập và duy trì hoạt động của trang mạng http://luatkhoa.org để xử lý theo quy định pháp luật”.

– Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạm tội nhiều lần.

– Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Không.

– Bản Kết luận Điều tra đề ngày 26/8/2021.

– Cáo trạng cho biết Đoan Trang phạm tội liên tục, kéo dài từ 2017 tới 2019, nghĩa là cả Bộ luật Hình sự cũ và Bộ luật Hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018) đều có thể được áp dụng cùng lúc cho vụ án này.

– Tuy nhiên, cáo trạng cho biết do Đoan Trang không khai nhận hành vi phạm tội, hơn nữa Bộ luật Hình sự cũ có lợi cho Đoan Trang hơn do quy định mức khởi điểm của khung hình phạt thấp hơn Bộ luật Hình sự mới (3 năm ở luật cũ thay vì 5 năm ở luật mới), nên ngày 12/7/2021, cơ quan điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, bỏ khởi tố theo Điều 117 của luật mới mà chỉ khởi tố theo Điều 88 của luật cũ.

Các chứng cứ được sử dụng để buộc tội Đoan Trang trong phần “Kết luận” của cáo trạng gồm có:

– Tài liệu tiếng Anh “Brief report on the marine life disaster in Vietnam”;

– Tài liệu tiếng Anh “General Assessments on human rights situation in Vietnam”;

– Tài liệu tiếng Anh “Report Assessment of the 2016 Law on Belief and Religion in relation to the exercise of the right to Freedom of Religion and Belief in Vietnam”;

– Tài liệu tiếng Việt: “Báo cáo – nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo”;

– Hai bài trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt và Đài Á châu Tự do (RFA) năm 2018.

Cáo buộc sau cùng:

Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội truy tố Đoan Trang với cáo buộc phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại các điểm a, b, c Khoản 1, Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Mức hình phạt của Khoản 1 là từ 3-12 năm tù giam.

Luật Khoa

VỤ ÁN PHẠM ĐOAN TRANG: CÁO TRẠNG CHO BIẾT NHỮNG GÌ ?

MỸ HẰNG/ BBC/ BVN 20-10-2021

Bà Phạm Thị Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 tại Sài Gòn

Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố nhà báo, nhà hoạt động dân chủ Phạm Thị Đoan Trang về tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999".

Bình luận về bản cáo trạng, ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí nói với BBC rằng có khả năng bà Phạm Đoan Trang sẽ được nhận mức án nhẹ.

Cũng theo ông Long, bản cáo trạng "cung cấp nhiều thông tin chưa từng được biết đến của vụ án".

'Có khả năng nhận bản án nhẹ'

Theo ông Trịnh Hữu Long, cáo trạng cho biết Đoan Trang phạm tội liên tục, kéo dài từ 2017 tới 2019, nghĩa là cả Bộ luật Hình sự cũ và Bộ luật Hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018) đều có thể được áp dụng cùng lúc cho vụ án này.

Tuy nhiên, cáo trạng cho biết do bà Trang không khai nhận hành vi phạm tội, hơn nữa Bộ luật Hình sự cũ có lợi cho bà Trang do quy định mức khởi điểm của khung hình phạt thấp hơn Bộ luật Hình sự mới (3 năm ở luật cũ thay vì 5 năm ở luật mới), nên cơ quan điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, bỏ khởi tố theo Điều 117 của luật mới mà chỉ khởi tố theo Điều 88 của luật cũ.

Cáo trạng chỉ truy tố bà Trang ở Khoản 1 điều 88 thay vì truy tố ở Khoản 2. Khoản 1 khung hình phạt nhẹ hơn nhiều, từ 3-12 năm. Khoản 2 thì mức án nặng hơn nhiều, từ 10-20 năm.

"Nhiều người trước đây từng lo ngại Phạm Đoan Trang là một nhà hoạt động hiệu quả, được cho là hàng đầu Việt Nam, thì chị sẽ bị cáo buộc vào khung nặng nhất, có thể từ 16-20 năm tù như ông Trần Huỳnh Duy Thức.

"Tuy nhiên căn cứ vào cáo trạng thì bà Trang có khả năng nhận mức án nhẹ hơn, có thể từ 3-5 năm," ông Long nhận định.

'Logic chính trị' của vụ án

Cũng theo ông Trịnh Hữu Long, Điều 88 Bộ Luật Hình sự (cũ) quy định về tội danh tuyên truyền chống nhà nước mà những điểm phi logic, bất hợp lý của nó đã được giới luật sư phân tích nhiều.

"Bản thân điều luật này thường được dùng để bịt miệng những người được cho là chỉ trích lãnh đạo hoặc cá nhân trong chính quyền. Những cáo trạng được đưa ra từ trước tới nay dựa trên điều luật này chỉ nhằm bảo vệ nhà nước và chính quyền. Đó là hành vi trực tiếp đặt chính quyền lên trên pháp luật, và bảo vệ cho các quan chức chính quyền nhiều hơn so với công dân bình thường, đi ngược lại hoàn toàn những nguyên tắc pháp quyền - mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật," ông Long nói với BBC.

Ông Long cho rằng việc đưa ra một cáo trạng dựa trên một điều luật 'vô lý' đã là điều vô lý, nhưng bản thân bản cáo trạng cũng có nhiều điểm thiếu logic, đặc biệt là lý do tại sao cơ quan điều tra chọn điều 88 thay vì điều 117 không thực sự rõ ràng.

"Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đây là một vụ án chính trị, nên logic mà chúng ta bàn đến ở đây là logic chính trị.

"Logic chính trị ở đây là" Có thể chính quyền muốn xử nhẹ đối với Phạm Đoan Trang, thay vì xử nặng như ý định ban đầu. Và họ đang cố gắng tạo ra một bản cáo trạng trông có vẻ hợp lý," ông Long nói.

Với những thay đổi trong bản cáo trạng này, ông Long nhận định rằng 'xu hướng' xét xử sẽ là 'giảm nhẹ'.

Về phiên tòa ngày 4/11, ông Long nhận định rằng sẽ không khác các phiên tòa chính trị trước đây.

"Sẽ không công khai, thậm chí người nhà không được dự. Báo chí quốc tế có thể được dự nhưng báo chí độc lập thì không. Công chúng chắc chắn sẽ không được tiếp cận. Và phiên tòa sẽ kết thúc tron vòng một ngày".

"Bản thân Điều 88 đã là một điều luật phi lý, nên dù tuyên án Đoan Trang nặng hay nhẹ cũng đều bất công với Đoan Trang. Việc duy nhất đúng là trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Đoan Trang, đồng thời bồi thường những thiệt hại mà cô ấy phải gánh chịu trong suốt hơn một năm bị giam giữ vừa qua," ông Trịnh Hữu Long nói với BBC.

Sức ép trong nước, quốc tế và Covid

Một trong những lý do khiến Phạm Đoan Trang có thể được xử nhẹ lần này, theo ông Long, là do có thể chính quyền Việt Nam đang phải đàm phán với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU, Canada, Úc, để có thêm nhiều vaccine và nhanh chóng ổn định tình hình kinh tế hiện nay.

Bên cạnh đó, có thể chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giữ chân các doanh nghiệp phương Tây - vốn đang chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước khác do tình hình kinh doanh khó khăn vì dịch Covid.

"Do đó đây có thể là những bất lợi đối với chính quyền Việt Nam liên quan đến nhân quyền, nhưng có lợi cho các vụ án chính trị hiện nay," ông Long nói.

Cũng theo ông Long, các can thiệp, ý kiến từ Liên Hiệp Quốc là vẫn rất quan trọng, dù khó để nói chính xác hiệu quả tới đâu.

"Lâu nay nhiều người vẫn chỉ trích Liên Hiệp Quốc là một tổ chức kém hiệu quả. Tuy nhiên tôi cho rằng ý kiến của họ vẫn rất có giá trị, và là những ý kiến mà chính quyền Việt Nam phải để ý tới và phải phản hồi."

Bên cạnh đó, ông Long nhấn mạnh vai trò của 'sức ép trong nước'. Ông nói:

"Những hoạt động vận động của chúng ta từ xưa tới nay có hiệu quả tới đâu quả thật rất khó nói. Nhưng tôi cho rằng đây chính là sức ép mà chính quyền Việt Nam e ngại nhất. Chỉ bằng cách gây sức ép chúng ta mới có thể bảo vệ được những người đã dấn thân đấu tranh cho dân chủ."

"Do đó tôi mong công chúng Việt Nam quan tâm tới các vụ án chính trị nhiều hơn, trong đó có vụ án của nhà báo Phạm Đoan Trang và lên tiếng về vụ án này bằng bất kỳ phương tiện nào bạn có."

Cáo trạng nói gì?

"Theo cáo trạng, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bà Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Phạm Đoan Trang từng đoạt giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục Ảnh hưởng, của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, năm 2019

Một số điểm đáng chú ý trong cáo trạng:

    • Đoan Trang không cung cấp mật khẩu máy tính cho công an nên công an không khai thác được dữ liệu từ đây.
    • Đoan Trang không khai nhận tài khoản Facebook "Pham Doan Trang" là của mình nên cơ quan điều tra không xử lý các hành vi phát ngôn trên tài khoản Facebook này.
    • Đoan Trang khai nhận là tác giả của tài liệu "Báo cáo - nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo" (cả bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh), được đăng trên Luật Khoa tạp chí.
    • Ngày 19/2/2021, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) có công văn gửi cơ quan điều tra nói rõ "chưa thể xác định được chủ sở hữu tên miền, nên không có căn cứ xác minh đối tượng thành lập và duy trì hoạt động của trang mạng http://luatkhoa.org để xử lý theo quy định pháp luật".
    • Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạm tội nhiều lần.
    • Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Không.
    • Cáo trạng cho biết Đoan Trang phạm tội liên tục, kéo dài từ 2017 tới 2019, nghĩa là cả Bộ luật Hình sự cũ và Bộ luật Hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018) đều có thể được áp dụng cùng lúc cho vụ án này.
    • Tuy nhiên, cáo trạng cho biết do Đoan Trang không khai nhận hành vi phạm tội, hơn nữa Bộ luật Hình sự cũ có lợi cho Đoan Trang hơn do quy định mức khởi điểm của khung hình phạt thấp hơn Bộ luật Hình sự mới (3 năm ở luật cũ thay vì 5 năm ở luật mới), nên ngày 12/7/2021, cơ quan điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, bỏ khởi tố theo Điều 117 của luật mới mà chỉ khởi tố theo Điều 88 của luật cũ.

Các chứng cứ được sử dụng để buộc tội Phạm Đoan Trang

  • Tài liệu tiếng Anh "Brief report on the marine life disaster in Vietnam";
  • Tài liệu tiếng Anh "General Assessments on human rights situation in Vietnam";
  • Tài liệu tiếng Anh "Report Assessment of the 2016 Law on Belief and Religion in relation to the exercise of the right to Freedom of Religion and Belief in Vietnam";
  • Tài liệu tiếng Việt: "Báo cáo - nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo";
  • Hai bài trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt và Đài Á châu Tự do (RFA) năm 2018

Các hoạt động của Phạm Đoan Trang

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang (giữa) trong một lần gặp gỡ các chính khách quốc tế

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang (giữa) trong một lần gặp gỡ các chính khách quốc tế

Bà Đoan Trang từng viết nhiều sách gây tiếng vang như Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực.

Bà Trang từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Cộng hòa Czech.

Vào tháng 9/2019, Phạm Đoan Trang đã được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao cho Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục "Ảnh hưởng".

Bà Trang là người đồng sáng lập blog Luật Khoa Tạp Chí, nơi cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý để giúp người dân Việt Nam bảo vệ quyền của mình.

Bà cùng với nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt Will Nguyễn từng công bố bản Báo cáo Đồng Tâm song ngữ Anh Việt.

Trong bức thư đề ngày 27/5/2019 của Phạm Đoan Trang do Will Nguyễn công bố, bà Trang viết về ba tâm nguyện bà muốn cộng đồng thực hiện: Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới; Quảng bá các sách bà viết; Biến việc bà đi tù thành cơ hội để giới dân chủ đàm phán với nhà nước; Đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.

M.H.

Nguồn: BBC News Tiếng Việt

THẤY GÌ QUA BẢN CÁO TRẠNG PHẠM ĐOAN TRANG ?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 20-10-2021


Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội dài 15 trang, nội dung chủ yếu là liệt kê các bài viết online, offline và một số video, audio trả lời phỏng vấn một số cơ quan truyền thông nước ngoài, trên kênh Youtube của đối tượng Phạm Đoan Trang, đã được cơ quan chức năng xác minh là chính chủ. Ngoài ra, cáo trạng còn có cáo buộc Phạm Đoan Trang đồng sáng lập trang web Luatkhoa.org nhưng Bộ 4T lại không thể xác minh được đối tượng thành lập và duy trì trang web, nên tự trong bản cáo trạng cũng đã có sự thiếu căn cứ pháp lý!

Có một số điều đáng lưu ý trong bản cáo trạng này:

– Phạm Đoan Trang đã nhiều lần bị một số cơ quan chức năng của Hà Nội đề nghị Bộ Công an xử lý. Tức là có phân cấp quản lý phản động. Phạm Đoan Trang là phản động do trung ương quản lý, dù thực tế sau này công an Hà Nội khởi tố vụ án và bị can (chắc do Bộ chỉ đạo?)

– Mình rất bất ngờ khi cáo trạng không hề đả động đến NXB Tự Do và các cuốn sách do Phạm Đoan Trang là tác giả được xuất bản ở đây. Như vậy chứng tỏ là không đủ bằng chứng phạm tội trong việc phát hành sách? Tức là những việc bắt bớ, gây khó dễ, tuyên truyền trước đây liên quan đến NXB này cũng như các cuốn sách liên quan là trái pháp luật?

Mình dự đoán là chính việc xuất bản sách và có sự cung cấp tài chính cho việc này, do một số tổ chức nước ngoài, theo lời kể của Giám đốc NXB Tự Do, mới là lý do chính dẫn tới bắt bớ. Lưu ý là Phạm Đoan Trang đã bị cơ quan chức năng đề nghị Bộ Công an xử lý từ khoảng 2017, nhưng vẫn không bị xử lý, có nghĩa là trước năm 2020 Bộ Công an vẫn biết hết các hành vi “phạm tội” của Phạm Đoan Trang nhưng không xử lý. Chứng tỏ là có hai khả năng, một là Bộ Công an thấy lúc đó Phạm Đoan Trang không có tội, nhưng sau này lại thấy các hành vi đó là có tội! Hai là Bộ Công an “nuôi án”, tức là cứ kệ đối tượng “tích luỹ” tội, để sau này bắt.

Cả hai khả năng kia đều khá là kỳ cục đối với cơ quan bảo vệ pháp luật. Bởi vì thông thường người ta chỉ xử lý các hành vi phạm tội đã xảy ra từ vài năm trước (hồi tố) khi các hành vi đó mới được phát hiện, cơ quan công an không biết. Nhưng đây họ đã biết, vì được cấp dưới báo cáo, như trong cáo trạng, nhưng không xử lý (không bắt).

– Công an không xử lý các bài viết trên trang FB Phạm Đoan Trang do Phạm Đoan Trang không nhận đó là trang FB của mình. Trong khi thực tế thời gian qua rất nhiều FBker đã bị xử lý vì các bài viết. Điều này khá khó hiểu vì lâu nay họ thường bất chấp việc người ta có nhận là chủ trang FB hay không. Vẫn xử lý bình thường.

– Máy tính Macbook của Phạm Đoan Trang không bị công an truy xuất dữ liệu do Trang không khai mật khẩu. Chứng tỏ khả năng bảo mật của loại máy này rất cao. Nếu dùng máy chạy windows thì password chỉ chặn truy cập hệ điều hành, còn dữ liệu trên HDD coi như là không có bảo mật. Chỉ việc cắm ổ cứng sang máy khác là truy cập dữ liệu thoải mái.

– Điều 88 (hình 2 cái còng tay, điều luật tượng hình) luật Hình sự cũ thực ra rất tù mù, mức án từ 3-12 năm cũng khá rộng. Nên việc xử án dự là sẽ như các vụ tương tự đã xử. Tức là luật sư cãi thì kệ luật sư, cứ kết án thôi, dù bằng chứng phạm tội rất không rõ ràng, rất khó để kết luận có tội. Do Phạm Đoan Trang không nhận tội, như một số người khác trước đây, nên khả năng sẽ bị xử kịch khung là 12 năm. Thường những vụ án kiểu này đã có bản án từ trước và nếu có giảm nhẹ thì phải do biến cố chính trị nào đó mà bị cáo được đem ra để trao đổi, do các tổ chức quốc tế hay nước ngoài can thiệp.

Rất tiếc là bài này viết đúng ngày Phụ nữ VN.

Dương Quốc Chính

HỌ SỢ 'CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN ' ĐƯỢC LAN TỎA

TRỊNH KIM TIẾN/ TD 19-10-2021

Như các vụ án lương tâm trước đó, sau hơn một năm biệt giam, sát ngày xử, luật sư của nhà báo Phạm Đoan Trang mới được tiếp cận hồ sơ vụ án. Theo như lịch được thông báo trên các trang thông tin đại chúng thì “Phiên tòa xét xử bà Phạm Thị Đoan Trang được TAND TP Hà Nội ấn định vào ngày 4/11”.

Khi nói chuyện với mẹ chị, tôi được biết, gia đình vẫn chưa nhận được giấy mời tham dự phiên toà, gia đình nhiều lần làm đơn yêu cầu được thăm gặp nhưng đều không nhận được câu trả lời. Điều này cũng không lạ lẫm gì, vẫn cách thức hành xử quen thuộc ấy của nhà cầm quyền đối với những người bất đồng chính kiến. Phiên toà diễn ra, gia đình có thể không được tham dự, hoặc được vào thì chỉ được theo dõi qua màn hình.

Theo như toàn văn cáo trạng được Luật khoa tạp chí đăng tải thì nhà báo Phạm Đoan Trang có ghi nhận mình là tác giả của tài liệu “Báo cáo – nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” (cả bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh), được đăng trên Luật Khoa tạp chí. Các tài liệu thu được để kết tội Đoan Trang đều bằng tiếng Anh; trong đó có báo cáo về thảm hoạ môi trường biển Việt Nam, báo cáo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và báo cáo đánh giá Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Tuyệt nhiên, không thấy nhắc gì về những quyển sách chị viết; “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”… của nhà xuất bản tự do bị lơ đi một cách kỳ lạ. Vậy là họ công nhận Chính trị bình dân… là một quyển sách bổ ích, đầy kiến thức, không vi phạm luật của họ? Nếu thế việc đọc, lan toả những quyển sách này là một hành động nhân văn, gợi mở tri thức cho nhau trong bối cảnh giáo dục hạn hẹp.

Trước khi bị bắt, một trong những điều chị Trang mong muốn là sau khi chị bị bắt, những quyển sách chị viết có thể được nhiều người đón đọc và nó sẽ giúp ích cho nhiều người trong việc hiểu về chính trị, pháp luật.

Thế nhưng một mặt cơ quan điều tra cố tình bỏ qua những quyển sách giá trị trên trong hồ sơ vụ án của tác giả; một mặt họ cho bắt những người chuyển sách giúp nhà xuất bản tự do, trong đó có anh Nguyễn Bảo Tiên ở Phú Yên.

Dân mà càng hiểu biết thì quan càng khó trị. Nhà cầm quyền luôn sợ tri thức được lan toả, họ luôn muốn kìm kẹp và bắt người dân phải yên vị trong khuôn khổ được kiểm soát. Vì vậy “Chính trị bình dân” hay “phản kháng phi bạo lực”… như là những cái gai trong mắt họ, mà họ muốn xoá sổ chúng trong dư luận. Những tri thức có tiếng nói phản biện như nhà báo Phạm Đoan Trang bị xem là thành phần cần phải xử lý.

Sắp tới đây phiên toà sơ thẩm xét xử chị sẽ diễn ra tại Hà Nội, gia đình không trông mong gì chị sẽ được tự do tại toà nhưng ít nhất, người mẹ già phải được vào trong phiên toà theo đúng quyền công dân của bà để được nhìn người con gái đã bị biệt giam hơn một năm qua lấy một lần.

Một năm qua, dịch bệnh khó khăn, khiến cái tên Đoan Trang ít được nhắc đến, nhưng những ấn phẩm và cống hiến của nhà báo cho sự lan toả tri thức, nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân vẫn luôn còn đó.

Trịnh Kim Tiến

XẤU HỔ VÀ ĐAU XÓT

MẠC VĂN TRANG/ TD 17-10-2021

Đọc xong bài báo: “Hai nhà báo đoạt giải Nobel Hòa bình 2021” đăng trên VNExpress, tôi chợt nghĩ đến nhà báo Phạm Đoan Trang mà thấy xấu hổ và đau xót. Bài báo viết:

“Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì “nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận”.

Tự do ngôn luận “là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài”, Ủy ban Nobel Na Uy ra tuyên bố hôm nay, khi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.

Ressa và Muratov được trao giải thưởng “vì sự đấu tranh dũng cảm cho tự do ngôn luận ở Philippines và Nga. Đồng thời, họ là đại diện của tất cả nhà báo đứng lên vì lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi”, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen nói trong cuộc họp báo tại Oslo”…

Tôi thấy XẤU HỔ vì hai nhà báo kia lập ra hai tờ báo, thực hiện quyền TỰ DO NGÔN LUẬN để phê phán các sai lầm của chính quyền, lên án tệ tham nhũng, lạm quyền và các tệ nạn xã hội, vậy mà khi họ được công khai, đàng hoàng hoạt động; được công chúng tin cậy và khi được Giải thưởng Nobel Hòa bình, chính quyền không những không ngăn cản đến nhận mà còn tự hào và chúc mừng họ. Mà chính quyền Duterte ở Philippine và chính quyền Putin ở Nga vẫn bị coi là độc tài đấy.

Trong khi đó Tự do ngôn luận của Việt Nam được ghi trong Hiến pháp nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Hàng loạt nhà báo, blogger bị bắt, bị tù đày. Các nhà báo nói lên sự thật phê phán những sai trái của chính quyền một cách ôn hoà cũng bị coi là “thế lực thù địch”! Điển hình là chính quyền bắt giam một năm nay và sắp đưa xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.

ĐAU XÓT vì so sánh hai nhà báo này với Phạm Đoan Trang thì nhà báo Phạm Đoan Trang có kém gì đâu, mà bị khủng bố, bôi nhọ, bắt bớ, tù đày! Phạm Đoan Trang một nhà báo yêu nước, có trách nhiệm xã hội rất cao và đặc biệt một tài năng hiếm có. Trong vòng vài năm, cô đã xuất bản mấy cuốn sách: “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù”, Báo cáo “Toàn cảnh thảm hoạ môi trường Việt Nam”, “Báo cáo về Đồng Tâm”…, thành lập trang web ‘Luật Khoa tạp chí‘ với tư cách là một hình thức báo chí độc lập tại Việt Nam để phổ biến chủ yếu về lĩnh vực pháp luật.

Tất cả những tác phẩm của Phạm Đoan Trang đều nhằm KHAI DÂN TRÍ VỀ CHÍNH TRỊ. Đúng như nhiều người nhận xét: Dân trí về Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cũng bị kìm kẹp, kém phát triển, nhưng tệ hại nhất là dân ta rất kém hiểu biết về Khoa học Chính trị, về quyền Công dân, về Dân chủ, Nhân quyền… Phạm Đoan Trang đã dồn hết tâm trí vào lĩnh vực này. Phạm Đoan Trang không hề chửi bới, kích động “chống phá chính quyền”, thậm chí cô luôn nhắc “Phi bạo lực! Phi bạo lực! Phi bạo lực!”.

Sách của Phạm Đoan Trang cung cấp những tri thức rất cơ bản, hiện đại, thực tế; cách viết bình dân, chân thực, giản dị, hướng dẫn cho người dân có nhận thức, thái độ, hành động đúng mực để thực hiện các quyền cơ bản được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Tôi thách Quốc hội Việt Nam tốn nhiều tỉ để ra được một cuốn sách phổ cập kiến thức Chính trị cho các Đại biểu Quốc hội và cho người dân đạt trình độ như sách “Chính trị bình dân” (hơn 500 trang) như của Phạm Đoan Trang.

Một người yêu nước, một tài năng quý giá như thế mà đem huỷ hoại đi! Thật ác độc! Thật đau xót cho đất nước này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét