Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

20210201. BÀN VỀ CHUYỆN QUÀ TẾT

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TẾT VỀ LẠI LO... QUÀ TẾT

TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 25-1-2021

Vốn có phép cẩn thận khi đến thăm nhau vào những ngày đầu năm mới, người Việt luôn coi trọng ứng xử trong dịp này để mang lại sự tốt lành, tránh điều xui xẻo trong cả năm..

Quà Tết là một trong những việc làm mang nhiều ý nghĩa đem đến niềm vui và may mắn cho người nhận trong dịp linh thiêng khởi đầu năm mới.

Xưa, cuộc sống vốn còn nghèo, giản dị mà thanh bạch, Tết đến, người Việt biếu nhau những món quà giản đơn như cân gạo nếp thơm nhà trồng, cặp bánh chưng xanh ấm nóng, hay chai rượu nếp hảo hạng nhà nấu, cặp gà trống thiến béo tròn nhà nuôi…

Người xưa quan trọng lễ nghĩa và tình người nên các món quà Tết tuy mộc mạc và không có giá trị vật chất lớn nhưng từng vật tặng đều chứa đựng tình cảm và sự chân thành của người tặng.

Họ chỉ xem đó như một lời chúc đầu năm an khang thịnh vượng, như một lời cảm ơn sâu sắc với người ơn nghĩa và lời bày tỏ sự hiếu kính với bậc sinh thành.

Thế nhưng đáng tiếc là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, Tết Nguyên Đán chẳng còn là dịp nghỉ ngơi, sum họp gia đình nữa mà lại trở thành những mối lo không nhỏ, thậm chí nhiều người sợ Tết vì phải lo đủ thứ, từ chuyện giao thông đi lại; lo kinh tế, đối nội, đối ngoại; rồi chuyện tiền mừng tuổi, lì xì cũng phải tính toán… cho đến chuyện sợ thất lễ với cấp trên… Tết thành trăm bề lo toan! Quà Tết cũng theo dòng ấy mà biến tướng!

Ảnh minh họa: KHỀU/Báo Công an Nhân dân.

Quà tết mất đi ý nghĩa của tấm lòng tố hảo mà trở thành thứ nhiêu khê, nơi người ta chạy theo chức tước, đua nhau sang-hèn…

Tết về là người người, nhà nhà lại dập dìu đi tặng quà Tết, những thứ quà thừa mứa vật chất nhưng tình cảm thì nhạt nhoà.

Quà Tết nặng về nghĩa vụ, nặng về “điểm danh” để “vua biết mặt, chúa biết tên” và sau gói quà Tết là nhờ vả, là móc nối, biến tướng…

Tất nhiên không phải thức quà Tết nào cũng vậy, nhưng biến tướng của quà Tết khiến người ta phải giật mình.

Những năm gần đây, tình trạng biếu, tặng quà Tết cấp trên không dừng lại ở tình cảm mà đã mang nặng tính vật chất.

Hiện tượng này xuất phát từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đối với người đi biếu xén và nơi được biếu xén.

Thực tế nhiều năm qua, Tết Nguyên đán đã bị không ít cán bộ xu nịnh lợi dụng biến thành dịp chạy chức, chạy quyền.

Nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng sau khi được phanh phui đã “hé lộ” những phi vụ doanh nghiệp, cán bộ “chúc Tết” cấp trên với những khoản tiền rất lớn.

Còn nhớ, trong vụ xét xử sai phạm liên quan đến việc Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), các bị cáo đã khai ra “giỏ quà Tết” có đến 2 triệu USD trong giỏ quà tết. (1)

Cái giỏ quà này có còn giống quà tết thông thường nữa không?

Quà Tết giờ lắm nhiêu khê không còn đúng với bản chất phong tục truyền thống tốt đẹp vốn có, mà nó đã bị biến tướng, bị thương mại hóa, thị trường hóa…

Nhưng chuyện lạ là ai cũng biết, cũng nhìn ra biến tướng của quà tết, vậy mà thật khó ngăn được.

Nhằm ngăn chặn biến tướng của vấn đề quà Tết, lợi dụng các vấn đề phong tục để trục lợi, làm méo mó văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những năm gần đây, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, Ban Bí thư lại ban hành Chỉ thị về việc tổ chức Tết.

Ngày 9/12/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TƯ về việc tổ chức Tết năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc không tổ chức đi chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. (2)

Quà tết nên trở về với ý nghĩa nguyên sơ và lan tỏa ý nghĩa nhân văn. Ảnh: LC

Các địa phương cũng có những hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện chủ trương này.

Từ năm 2007, Thủ tướng đã có Quyết định Số 64/2007/QĐ-TT, ban hành quy chế về việc tặng quà; trong đó, nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, trừ quà tặng dưới 500.000 đồng, quà tặng từ họ hàng, người thân.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cho cấp trên và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định. (3)

Chế tài là vậy, nhưng để phát hiện ra những món quà tết không trong sáng là một việc làm rất tế nhị bởi đằng sau nụ cười của sự thân thiện là điều gì khó ai đoán trước được.

Thế nên, bên cạnh chế tài, ý thức của con người vẫn là quan trọng nhất, ý thức ấy phải xuất phạt từ gốc là sự giáo dục, tuyên truyền ngay từ khi trên ghế nhà trường.

Toàn xã hội cần lên án mạnh mẽ và lan tỏa những tấm gương tốt về quà tết.

Cũng cần phải nhìn nhận lại rằng, không phải ai cũng thích tặng quà Tết cho lãnh đạo và không phải lãnh đạo nào cũng thích nhận.

Nhiều người rơi vào tình huống hết sức khó xử kiểu “tiến thoái lưỡng nan” như vậy.

Lúc này, cần lắm bản lĩnh để biết nói “Không”, nhất là với cán bộ, đảng viên. Ở một góc độ nào đó, “Không” ở đây còn là không luồn cúi, không nịnh bợ.

“Không” cũng phần nào là không nhận hối lộ, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén cá nhân.

Lãnh đạo biết nói “Không” với quà tết không chỉ là sự thể hiện trách nhiệm với Đảng, với Nhân dân mà còn là sự thanh thản trong tâm hồn, thể hiện sự thanh bạch của “người đầy tớ của nhân dân”.

Một năm 2020 qua nhiều biến cố, sự đoàn kết trong khó khăn đã giúp người dân đồng hành cùng chính quyền vượt qua những thử thách.

Tết đang đến thật gần, Xuân về, lòng người hân hoan, tố hảo, cần lắm những hình ảnh lan tỏa những nụ cười hạnh phúc của sự sẻ chia cho những phận đời kém may mắn.

Cần lắm những món quà tết cho công nhân về quê ăn tết, cần lắm những món quà tết cho đồng bào khó khăn… hộ nghèo, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi; công nhân…

Những món quà Tết mang nhiều ý nghĩa nhân văn và cần được nhân rộng những món quà ấy đối lập hẳn với những món quà Tết chỉ mang nặng tính lễ nghi hình thức, càng khác với những món quà Tết biến tướng, núp bóng quà Tết để mưu cầu, vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm những món quà Tết cần phải loại bỏ.

* Tài liệu tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/hai-trieu-usd-hoi-lo-giau-trong-thung-hoa-qua-4028299.html

(2) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-48-cttw-ngay-09122020-cua-ban-bi-thu-ve-to-chuc-tet-nam-2021-7021

(3) http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=197302

http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=137284

Trần Phương
CẤM CÁC TRƯỜNG CHÚC TẾT CẤP TRÊN, CHI BẰNG BỘ CẤM LÃNH ĐẠO NHẬN QUÀ
LÊ MAI /GDVN 31/1/2021
Ngày 20/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 209/BGDĐT-VP về việc tổ chức Tết năm 2021.Điều 5 Công văn 209/BGDĐT-VP ghi rõ:

Thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết”.[1]

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo một số địa phương đã có văn bản quy định cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục trong địa phương “Không tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức”.

Cấm tặng quà Tết, sao không cấm lãnh đạo nhận quà Tết. (Tranh biếm họa của Satế trên Hoinhabaovietnam.vn)

Ai tặng quà Tết cho lãnh đạo?

Lãnh đạo trong ngành giáo dục thường là: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; trưởng phòng, phó trưởng phòng; giám đốc sở, phó giám đốc sở...

Tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trường thường là giáo viên. Tặng quà Tết cho cấp phòng, thường là lãnh đạo trường.

Tặng quà Tết cho cấp sở, thường là lãnh đạo phòng, lãnh đạo trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề trực thuộc sở.

Tặng quà Tết cho cấp Bộ thường là giám đốc đại học, học viện, viện; hiệu trưởng trường đại học; hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm trực thuộc; lãnh đạo các vụ - cục chức năng cũng như các sở giáo dục và đào tạo.

Tóm lại, cấp dưới "Tết" cấp trên là lãnh đạo những đơn vị trực thuộc.

Có thể thấy sơ đồ tặng quà giống như một sơ đồ bán hàng đa cấp, càng lên cao số lượng càng ít, càng ở vị trí lãnh đạo cao càng ít.

Nếu có văn bản “Cấm lãnh đạo nhận quà Tết dưới mọi hình thức” chắc chắn hiệu quả thực thi pháp luật sẽ dễ thực hiện hơn, vì số lượng lãnh đạo ít hơn người tặng quà, hiệu quả thực tế hơn, văn bản mới đi vào thực tế cuộc sống.

Người dân không thấy người vào phòng lãnh đạo, đến nhà lãnh đạo chúc Tết, tặng quà, là lãnh đạo đó thực thi pháp luật nghiêm túc. Lãnh đạo kiên quyết từ chối nhận quà tặng, thuộc cấp có nói khó cỡ nào cũng khó.

Mặt khác, lãnh đạo nhận quà Tết là vi phạm quy định của Đảng, nếu quà tặng là tiền/hiện vật có giá trị thì có thể xem đây là một hình thức hối lộ và nhận hối lộ, là vi phạm pháp luật, nên lãnh đạo sẽ coi người đến đến tặng quà cho mình là người đang đẩy họ vi phạm luật pháp, giá trị quà Tết chắc chắn không xứng đáng để họ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, biết đâu kẻ tặng quà Tết đang quay clip làm bằng chứng, để đầu xuân tố cáo lãnh đạo?

Lãnh đạo cấp dưới không được nhận quà Tết, sẽ không phát sinh tâm lý phải tặng quà Tết cấp trên; lãnh đạo cấp trên không được nhận quà Tết sẽ giám sát, xử lý hành vi nhận quà Tết của cấp dưới nghiêm túc hơn.

Cơ chế giám sát đó sẽ làm cho lãnh đạo các cấp không muốn, không dám nhận quà, tặng quà Tết.

Không nhận quà Tết khi Đảng và Nhà nước đã có văn bản cấm tặng quà Tết, là thể hiện văn hóa, đẳng cấp, trình độ của người lãnh đạo so với cấp dưới của mình.

Lãnh đạo còn nhận quà Tết, biếu tặng quà Tết, là đang làm trái với chủ trương, quy định của Đảng, vi phạm pháp luật, nhưng tệ hại hơn đang chứng minh mình không xứng đáng là lãnh đạo trong ngành giáo dục, một ngành cần nêu gương trước tiên cho xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Van-hoa-Xa-hoi/Cong-van-209-BGDDT-VP-2021-to-chuc-Tet-463443.aspx

[2]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/so-gd-dt-tp-hcm-khong-tang-qua-tet-cho-lanh-dao-duoi-moi-hinh-thuc-20210111144418043.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai
CẤP TRÊN KIÊN QUYẾT KHÔNG NHẬN QUÀ BIẾU, CẤP DƯỚI NÀO DÁM ĐƯA
TRUNG DŨNG/ GDVN 1-2-2021

Ngày 20/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 209/BGDĐT-VP về việc tổ chức Tết năm 2021.

Điều 5 Công văn 209/BGDĐT-VP ghi rõ:

Thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết”.[1]

Giáo sư Phạm Tất Dong (Ảnh: Thùy Linh)

Xung quanh chuyện biếu xén quà cáp vào mỗi độ cuối năm, thông thường mọi sự chú ý đều đổ dồn về phía người đi biếu quà vì dư luận có thể nhìn ra được những mục đích “không trong sáng” phía sau. Tuy nhiên, thực tế không mấy ai nhìn nhận từ góc độ ngược lại từ những người “bị nhận quà”.

Vì thế, có ý kiến cho rằng, nếu bản thân người nhận quà kiên quyết, tỏ rõ lòng tự trọng thì làm sao cấp dưới dám “manh động”, thì đâu có việc năm nào cũng ra công văn, chỉ thị về cấm chúc tết, biếu xén.

Trap đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Dẫu biết đây là vấn nạn vào mỗi dịp cuối năm, nhưng để cấm triệt để việc cấp dưới không tặng quà Tết cho cấp trên là điều cực kỳ khó.

Bởi vì chuyện này nó là từ trong tâm của mỗi người chứ không phải là công việc bắt buộc để có thể tìm cách né tránh. Mà đã tự tâm thì bằng cách này hay cách khác họ cũng có thể làm được.

Chuyện tặng quà chỉ có trời biết, đất biết, người đưa và người nhận biết. Khi người đưa đã cố tình thì không cần phải chở xe quà đến nhà lãnh đạo, mà họ có nhiều cách để tặng quà, khó có thể phát hiện để xử lý.

Người tặng không đến cơ quan, không đến nhà, mà gặp lãnh đạo ở một không gian khác, quà tặng cũng không phải là ký mứt, cân bánh, con gà, thì sự kín đáo càng kín đáo hơn. Người ta còn có nhiều cách khác để nguồn quà biếu đến tận tay người cần nhận mà không ai có thể biết.

Chính vì vậy, để không có người tặng quà, thì cán bộ lãnh đạo kiên quyết không nhận quà, tôi nghĩ chỉ một năm thực hiện nghiêm điều này thì năm sau chắc chắn không ai dám tự phát đi biếu xén và nó lại trở thành thông lệ được.

Về việc này, sự tự giác của cán bộ lãnh đạo mang tính quyết định, không phải là sợ bị phát hiện hay bị sự giám sát.

Đối với người đã có ý tham ô, tham nhũng, thì ngay cả pháp luật họ còn chưa sợ, nói chi những quy phạm đạo đức. Việc tặng chúc tết, quà tết là nét văn hóa truyền thống rất đẹp của dân tộc. Tuy nhiên cùng với xu hướng phát triển của thời đại, phong tục này đã bị biến tướng đi nhiều.

Do đó, việc Trung ương Đảng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo không chúc tết, tặng quà lãnh đạo, các địa phương không về Hà Nội chúc tết Chính phủ, các bộ, ngành có thể coi là lời “tuyên chiến” với sự biến tướng của cái gọi là tặng, nhận quà tết. Bộ Giáo dục, các sở giáo dục địa phương cũng có các công văn về việc cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức”.

Tiến sĩ Phạm Tất Dong chia sẻ, trong thực tế không ít người lợi dụng dịp lễ, tết để được chúc tết, biếu xén lãnh đạo vì mục đích không tốt đẹp có thể chạy chọt, xin xỏ trong công việc. Những trường hợp như thế này thì người biếu bằng cách này hay cách khác họ cũng sẽ tiếp cận được với người cần được tặng quà.

Nhưng cũng có người dù không có điều kiện vẫn phải đi biếu, chúc tết lãnh đạo vì chuyện đó đã trở thành “phong trào” nên phải "nhắm mắt" làm theo. Cho nên chuyện người ta tặng quà, biếu xén nhau nhiều triệu đồng, thậm chí phải đi vay để tặng, biếu thì chung quy lại phía sau những việc làm này đều có mục đích và ý đồ cả.

Về giải pháp căn cơ để dần chấm dứt tình trạng tặng, biếu quà cáp của cấp dưới cho cấp trên được Giáo sư Phạm Tất Dong nhận định:

“Tôi cho rằng, trong quan hệ xã hội thì không có chuyện tặng, cho giá trị vật chất quá lớn như vậy, trừ trường hợp con cái tặng, biếu bố mẹ, hoặc bố, mẹ thừa kế tài sản cho con cái.

Do đó, chỉ có những người đi tặng, người nhận quà mới biết mục đích, động cơ của việc tặng quà biếu như thế nào.

Cũng phải nói thêm rằng, khi có chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Thủ tướng về việc chúc tết, tặng quà lãnh đạo, không loại trừ một số cán bộ được cho là chưa gương mẫu sẽ mất nguồn thu tương đối lớn trong dịp tết.

Trong trường hợp lãnh đạo quyết tâm không nhận quà biếu, thì không nên cho người có ý định tặng quà lịch hẹn, không cho người ta đến nhà chúc tết, hoặc nếu tặng quà thì từ chối không nhận quà dưới mọi hình thức.

Tôi đã từng chứng kiến việc cấp dưới đến nhà chúc tết, tặng quà cấp trên, nhưng người được nhận quà sau đó đã tặng lại món quà đó cho người tặng vì lý do lương anh không bằng lương tôi, hoặc nhà anh không có điều kiện bằng nhà tôi. Nếu làm được việc này nhận thì chắc chắc người ta sẽ không dám biếu xén gì nữa.

Cùng với đó, nên quán triệt sâu rộng việc cấm nhận quà dưới mọi hình thức. Người thân của lãnh đạo cũng cần kiên quyết nói không với việc tặng, nhận quà của cấp dưới. Cán bộ phải coi việc thực hiện chỉ đạo không nhận, tặng quà là vì nhân dân, vì một nền hành chính lành mạnh chứ không phải vì thế mà hậm hực, uất ức với cấp dưới.

Nếu người nào thực hiện không nghiêm chỉ đạo thì phải có chế tài cứng rắn hơn nữa để xử lý vi phạm, tránh nhiện tượng “nhờn” luật. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể hơn nữa để người dân, các tổ chức chính trị giám sát việc chúc tết, tặng, nhận quà biếu, nhằm hạn chế những tiêu cực, biến tướng của phong tục này”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Van-hoa-Xa-hoi/Cong-van-209-BGDDT-VP-2021-to-chuc-Tet-463443.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét