Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

20210127. GÓP Ý KIẾN ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN (13)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NHÂN SỰ ĐẠI HỘI VÀ HỒNG PHÚC CỦA DÂN TỘC
ĐINH DUY HÒA/ TVN 25-1-2021
Hai vấn đề quan trọng nhất của mỗi lần Đại hội Đảng toàn quốc là chính sách phát triển đất nước 5 năm tới và nhân sự Ban chấp hành Trung ương. 

Các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được Đại hội thông qua sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.

Tương tự quan trọng là vấn đề nhân sự Trung ương. Chính sách tốt mà không có người xứng tầm thực hiện cũng trở thành kém hiệu quả. Ở tầm quốc gia là câu hỏi ai sẽ là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... Ở tầm bộ thì ai sẽ về làm bộ trưởng và ở tầm địa phương thì ai sẽ là bí thư tỉnh ủy... Vào được BCH Trung ương, vào được Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã trở thành mục tiêu phấn đấu của biết bao người. Nói một cách rất “người” thì mục tiêu này hoàn toàn chính đáng. Đã là con người ai mà chẳng có chí tiến thủ, cầu mong tiến bộ, tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp.

Nhân sự Đại hội và hồng phúc của dân tộc
Đoàn Chủ tịch biểu quyết thông qua danh sách Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội Đảng 13

Tiêu chí để xem xét, đánh giá và lựa chọn người vào Trung ương luôn được đặt ra và có những điều chỉnh kịp thời trên nhiều phương diện.

Về mặt lý thuyết là thông qua đó lựa chọn được những người tốt nhất, phù hợp nhất vào Trung ương để chèo lái con thuyền đất nước đi tiếp 5 năm tới một cách tốt đẹp.

Mấy triệu đảng viên chỉ lựa ra khoảng 200 người vào Trung ương tưởng dễ dàng nhưng hóa không hẳn. Vẫn lọt lưới những kẻ cơ hội, thiếu năng lực, suy thoái, biến chất. Kinh nghiệm 15, 20 năm trở lại đây cho thấy cho dù có chuẩn bị gọi là kỹ đến đâu về nhân sự thì sau này vẫn lộ ra sai lầm trong những nhân sự đã lựa chọn, thậm chí có cả một số sai lầm nghiêm trọng. Trong nhiệm kỳ khóa 12, đã có cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, bộ trưởng, bí thư tỉnh bị kỷ luật ở mức độ cao nhất. 

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nghị quyết Trung ương đã chỉ ra sự tha hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên nắm giữ các cương vị, chức vụ cao trong hệ thống chính trị thời gian qua. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh tiêu chuẩn ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.

Đấy là nói dưới góc độ người trong hệ thống, người đang là đảng viên khi đề cập người vào Trung ương. Còn dân thường thì sao? Về cơ bản, người dân hầu như không có khả năng tác động đến nhân sự Trung ương, dẫu có khá nhiều thiết chế đang tồn tại, tỷ như qua các kênh dân chủ cơ sở, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công khai tài sản cán bộ, công chức...

Người dân thường suy nghĩ cũng theo kiểu “thường” về nhân sự Trung ương. Vào Trung ương nôm na phải là những người làm được việc có ích cho xã hội, cho người dân.

Con cái chúng ta đi học thuận lợi, giáo viên ra giáo viên, trường ra trường, học phí vừa phải, thi cử công bằng, bằng cấp đúng thực chất... Nếu được vậy thì ông ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Giáo dục trong con mắt người dân là nhất, còn nói theo hệ thống là lựa chọn chuẩn, phù hợp tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra.

Hoặc trong con mắt người dân thì câu chuyện đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh qua mươi năm còn dang dở dù viện dẫn lý do gì đi chăng nữa vẫn là minh chứng rõ ràng về sự thiếu quyết liệt của ngành Giao thông và của vị tư lệnh ngành này. Người dân kỳ vọng một cách “thực dụng” là người vào Trung ương dự kiến làm Bộ trưởng Giao thông sẽ ra tay kiểu gì đó để nhanh chóng đưa tuyến đường này vào hoạt động.

Tương tự như vậy là sự trông đợi, là những tiêu chuẩn đời thường dân chúng đặt ra cho các vị vào Trung ương để phụ trách các lĩnh vực, ngành như tài chính, kinh tế, nội vụ, văn hóa...

Nhân sự Đại hội và hồng phúc của dân tộc
Các đại biểu dự phiên họp trù bị Đại hội Đảng sáng 25/1. Ảnh: Phạm Hải

Từng lĩnh vực do các vị ủy viên Trung ương phụ trách đều tác động ít nhiều đến cuộc sống người dân. Tiêu chuẩn “lòng dân” là thước đo cao nhất, chuẩn nhất khi xem xét người vào Trung ương và kết quả công việc của họ trong thực tế.

Nói một cách dân dã chính là người dân trông đợi mỗi nhiệm kỳ đại hội cuộc sống dễ chịu và khấm khá hơn. Cải cách mà tiền khám, chữa bệnh, học phí gia tăng vượt quá khả năng dân chúng thì cải cách đó là thất bại. Cải cách đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà tình trạng tham nhũng, tha hóa của đội ngũ này gia tăng thì cải cách này là thất bại. Và nếu tình trạng đó xảy ra thì người dân mong chờ việc xử lý nghiêm khắc đối với các vị ủy viên Trung ương phụ trách các mảng công việc tương ứng.

Phải khắc phục cho được tư tưởng vào được Trung ương là xong, là yên tâm, là chắc ghế. Đã đến lúc thực hiện nguyên tắc có vào, có ra Ban chấp hành Trung ương ngay trong nhiệm kỳ đại hội.

Để làm được điều đó đòi hỏi phải có sự đánh giá chính xác, khách quan kết quả làm việc của từng vị ủy viên Trung ương. Làm được điều này cũng chính là tạo ra sự công bằng, tạo ra động lực cho các vị Trung ương đang phụ trách các công việc theo phân công.

Chính sách do Trung ương định ra đúng, nhân sự lựa chọn ra đúng và việc thực hiện đúng chính sách là cơ sở quyết định cho sự phát triển của đất nước. Có được 3 cái đúng này chính là hồng phúc của dân tộc, của đất nước.

Đinh Duy Hòa  

HÃY LOẠI BÙI VĂN CƯỜNG RA KHỎI BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
TRẦN LÊ/ TD 26-1-2021


Các đ/c nghĩ gì về Bùi Văn Cường, Bí thư Đắk Lắc? Một con người tồi tệ như vậy mà vẫn ở trong BCH Trung ương sao?

Khi Bùi Văn Cường làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn thì bắt công đoàn phí phải nộp về Tổng, vét cho hết tiền công đoàn cơ sở, mang 29.000 tỉ để gởi tiết kiệm, lấy lời, gây quỹ bất hợp pháp.

Hàng chục cơ sở nhà nghỉ của Công đoàn được gọi bán, gọi cổ phần hóa. Trong khi chỉ mới là lời hứa, ông Cường đã bắt doanh nghiệp phải đặt cọc cả mấy trăm ngàn đô la thông qua bồ của ông ta là Bùi Mỹ Hương. Hiện Công an Hà Nội đang có hồ sơ về vụ lấy tiền rồi quỵt  của Hương-Cường.

Bùi Văn Cường làm luận án Tiến sĩ đã đạo văn đến 70-80%, khi bị tố cáo một mặt y lo lót và vội vàng công bố “kết quả kiểm tra chống sao chép” của ngay Trường đại học Hàng hải. Đại học Hàng hải cho Cường thi, cấp bằng, giờ lại công bố kiểm tra xác định Cường chỉ sao chép 12%, thật là một trò hề.

Vì sao Ủy ban kiểm tra Trung ương không lập Hội đồng để xem xét sự thật của việc ăn cắp này? Đã vậy Trần Quốc Vượng, Trần Cẩm Tú còn  xi-nhan cho Cường biết về hồ sơ tố cáo và Bùi Văn Cường đã chỉ đạo Công an Đắk Lắc bắt ngay người tố cáo (2 Tiến sĩ) vào tội vu cáo và bắt khẩn cấp khi chưa có phê chuẩn của Viện kiểm sát (giờ điều tra quá hạn giam nhưng vẫn chưa thả).

Đây là việc làm vi phạm luật pháp, vi phạm quyền của Bí thư. Rõ ràng Cường đã ăn cắp giờ lại đổ tội người khác vu khống. Hồ sơ còn đó rõ như ban ngày, cứ xem sẽ thấy rõ sự thật. Hơn nữa cơ quan an ninh điều tra có hồ sơ vụ mua bằng của Trường Đại học Đông Đô, trong đó có tên Bùi Văn Cường mua bằng tiếng Anh để đủ tiêu chuẩn bảo vệ Tiến sĩ, giờ cứ bảo Cường đọc to cho mọi người nghe 1 trang tiếng Anh thì lòi kèn ra ngay.

Bùi Văn Cường dám sửa Luật giáo dục để làm Chủ tịch Hội đồng trường Tôn Đức Thắng, khi chưa là Tiến sĩ (dù là Tiến sĩ dỏm) và với chức Chủ tịch y đã phá nát một trường đại học số 1 Việt Nam.

Y đòi trích 30%, (trong khi Thủ tướng chỉ đạo không chuyển 1 đồng ra khỏi trường) không được, liền đánh phủ đầu hiệu trưởng. Bắt Hội đồng trường kiểm điểm nhưng ông Cường là Chủ tịch hội đồng trường thì không ai đụng đến.

Cường sống rất sa đọa và luôn xum xuê nịnh nọt, đã từng xin con ông Trần Quốc Vượng về làm thư ký nên được ông Vượng bao che đỡ đầu…

Một con người tinh ma, tham lam, gian dối và độc ác như vậy, có thể ở BCH Trung ương được không các đ/c? Hãy gạch tên Bùi Văn Cường để loại 1 kẻ gian manh cơ hội.

PHẢI CHĂNG CÓ NGƯỜI NGHE ĐƯỢC

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 26-1-2021


Đoàn Chủ tịch ở đại hội 13. Ảnh: NLĐ

Tháng 2 năm 2016, sau ĐH 12 của ĐCSVN, tôi viết bài báo “Những điều trái khoáy ở các đại hội”, trong đó có đoạn về chủ tịch đoàn như sau:

“Theo hiểu biết thông thường thì chủ tịch đoàn là để điều khiển các hoạt động của đại hội, như vậy chỉ từ 3 đến 7 người là đủ, cần gì đông. Không biết đại hội của các đảng lớn trên thế giới như Cộng hòa, Dân chủ của Mỹ, Bảo thủ của Anh, Công đảng của Pháp v.v…chủ tịch đoàn có đông không, chứ như ở VN thì phải đến trên ba chục người, ngồi kín cả sân khu. Điều trái khoáy là rất nhiều trong số họ chẳng làm gì từ đầu cho đến cuối, nếu thay vào đó một cái tượng cũng chẳng sao. Hình như người ta cho rằng ngồi ở chủ tịch đoàn là một vinh dự chứ không phải để làm nhiệm vụ.

Thật đáng ngượng cho các đại biểu khi phải chứng kiến nhiều tượng bằng thịt ngồi chủ tịch đoàn suốt ĐH, thật đáng thương và xấu hổ cho những người bị biến thành bù nhìn ngồi nhiều ngày trên sân khấu. Tôi đề nghị ở các đại hội chỉ nên bầu một số người vừa đủ ngồi chủ tịch đoàn, tránh cái cảnh ủy viên chủ tịch đoàn chỉ lả tượng hoặc bù nhìn bằng thịt.

Viết và công bố bài báo rồi, tôi có ý chờ trong 5 năm xem sao. Cuối năm 2020, theo dõi ĐH các tỉnh thành tôi thấy nhiều nơi chủ tịch đoàn chỉ có 5 người (trước đây phải trên một chục). Tôi đã có ý mừng, nhưng phải chờ đến ĐH toàn quốc mới biết. Khai mạc ĐH 13 tôi thấy chủ tịch đoàn chỉ có 17 người. Đây là một chuyện mới lạ so với các ĐH trước.

Phải chăng đã có ai đó cấp cao đọc được bài báo hoặc nghe được đề xuất giảm số lượng người của chủ tịch đoàn và đề xuất đó được chấp nhận? Cũng có thể ai đó không đọc bài báo mà đã tự mình nghĩ ra.

Dù sao thì ý kiến giảm số lượng người chủ tịch đoàn do ai đó đề nghị đã được thực hiện. Đối với công việc chung, ai đề ra ít quan trọng. Vấn đề thiết yếu là ý kiến đó có hợp lý, có thực hiện được hay không.

Tuy 17 người vẫn còn đông, vẫn còn một số tượng hoặc bù nhìn, nhưng như thế là đã có tiến bộ.

LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC ?

ĐẶNG HÙNG VÕ/ TVN 27-1-2021


GS TSKH Đặng Hùng Võ

Quyền lực vốn là một yếu tố chủ yếu để dẫn dắt sự tiến bộ cũng như gây nên thảm họa cho nhân loại. Một đất nước hùng mạnh do lãnh đạo quốc gia đó có tầm và có tâm. Một đất nước lụi bại cũng chỉ do lãnh đạo bất tài, vô đức. Ở phạm vi hẹp hơn, một địa phương, một tổ chức hay một gia đình được hưng vượng hay suy yếu cũng phụ thuộc chủ yếu vào tư chất và năng lực của người đứng đầu. 

Làm gì để kiểm soát quyền lực
Các đại biểu dự Đại hội Đảng đang diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Trong thời phong kiến, sự đam mê quyền lực của các hôn quân được coi như sử dụng quyền lực theo lợi ích vị kỷ. Cũng đam mê lực như vậy, nhưng các bậc minh quân lại sử dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho toàn dân.  

Ngày nay, trong thể chế dân chủ, quyền lực khái quát là của dân nhưng rồi dân cũng phải lựa chọn người đại diện cho mình để thực thi quyền lực. Trong một nhiệm kỳ vài năm mà quyền lực được sử dụng một cách tiêu cực thì tai hại cũng đáng kể lắm, có khi vài nhiệm kỳ sau cũng chưa khắc phục được. Vì vậy mà làm gì để quyền lực luôn được người có thẩm quyền sử dụng một cách tích cực là một câu hỏi lớn được đặt ra tự cổ chí kim.

Quyền lực luôn gắn với lợi ích

Quyền lực được thể hiện bằng các quyết định do người nắm quyền lực ban hành. Quyết định đó tác động đến lợi ích của nhiều người khác trong phạm vi ảnh hưởng, có nhóm người được lợi và có nhóm người chịu thiệt. Ví dụ như một quyết định thu hồi đất để giao hoặc cho thuê đất đó cho một nhà đầu tư, nhà đầu tư được lợi vì có đất, những người đang sử dụng đất bị thiệt vì mất đất.

Tương tự, một quyết định giao chi ngân sách nhà nước cho một tổ chức nào đó, tổ chức đó được lợi và toàn dân chịu thiệt. Nếu nhóm được lợi mà làm ra lợi nhiều hơn để bù cho nhóm chịu thiệt thì quyền lực quyết định là có hiệu quả. Ngược lại, khi ngân sách hay đất đai được giao không làm ra lợi ích nhiều hơn, thậm chí biến thành của riêng thì quyền lực đó trở thành suy đồi. 

Quyền lực luôn gắn với lợi ích, vì vậy mà trở thành ham muốn của nhiều người, có người muốn có quyền lực để làm điều tốt cho dân, có người muốn chỉ để cho mình. Ở Việt Nam hiện nay, nhìn từ các vụ án tham nhũng lớn, lợi ích riêng từ các quyết định quản lý thường chỉ gắn với đất đai, tài nguyên khoáng sản và chi ngân sách nhà nước. Nhiều quan chức cấp cao ở trung ương, địa phương đã lâm vào vòng lao lý cũng chỉ vì các lợi ích riêng này từ lạm dụng thẩm quyền.

Ranh giới giữa tích cực và tiêu cực trong sử dụng quyền lực khá mỏng manh. Người nắm giữ quyền lực luôn có cách thức tinh khôn để che đậy ý đồ riêng, tạo được một hệ thống quyền lực thứ cấp thành một nhóm lợi ích riêng khó bị phát hiện. Trong đời sống xã hội, dân gian vẫn khúc khích tán dương về một quy định mẫu “Điều 1: Thủ trưởng là đúng; Điều 2: Trong trường hợp thủ trưởng sai thì áp dụng điều 1”.

Trên thực tế, quyền lực thực sự rất khó kiểm soát, thông thường thì mọi người đều phải chờ đợi kết thúc nhiệm kỳ với hy vọng vào lãnh đạo mới trong nhiệm kỳ mới.

3 nguyên tắc cơ bản để có hệ thống quản trị tốt

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 12, vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt ra như một trọng tâm trong xây dựng Đảng và đổi mới thể chế quản lý hướng tới cương quyết phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Việc đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng đã nâng cao hiệu quả, loại bỏ những lệch lạc trong thực thi quyền lực, tạo khối thống nhất toàn Đảng, toàn dân như một vũ khí kiểm soát quyền 

Nhìn tổng thể, trong cơ chế thị trường đầy cám dỗ từ lợi ích, việc kiểm soát quyền lực cần tới những giải pháp mang tính thể chế để đạt hiệu quả cao hơn. Kể từ khi chế độ phong kiến sụp đổ, nhân loại đã có nhiều nghiên cứu về xây dựng thể chế nhằm kiểm soát quyền lực.

Trong thời hiện đại, một lý thuyết về kiểm soát quyền lực mang tên “quản trị” đã được hoàn thiện trong khoảng hơn 20 năm nay và được áp dụng rộng rãi ở mọi quốc gia mong muốn phát triển.

“Quản trị” đặt vấn đề rất giản dị. Quản lý truyền thống dựa trên thẩm quyền quản lý của cán bộ nhà nước trong ban hành các quyết định quản lý luôn biểu hiện theo chiều trên xuống. Cán bộ có thẩm quyền luôn ở thế chủ động hình thành nội dung các quyết định, người dân luôn ở thế bị động phải thực hiện các quyết định, kể cả trường hợp mình chịu thiệt hại vô lý.

Vậy vấn đề được đặt ra là bằng cơ chế nào để các quyết định quản lý phải bảo đảm hiệu suất cao trong mục tiêu công, không gây xung đột lợi ích giữa các bên có lợi ích liên quan.

Điều kiện này có nghĩa là quyết định quản lý phải bảo đảm hiệu suất cao và công bằng về lợi ích. Kết quả thu được: Một hệ thống quản trị tốt cần dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: một là người dân tham gia vào quản lý và giám sát việc thực thi pháp luật; hai là công khai, minh bạch thông tin quản lý để người dân có thể tham gia; và ba là cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm giải trình trước các ý kiến tham gia của dân. Như vậy, lý thuyết quản trị đã tạo chiều tham gia dưới lên để kiểm soát quyền lực quản lý.

Tại Việt Nam, điều 28 của Hiến pháp 2013 đã thể hiện nguyên tắc cơ bản về quyền tham gia quản lý của dân và cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho dân tham gia. Các luật của nước ta cũng tiếp cận quản trị công không nhất quán với Hiến pháp, mức độ và cách hiểu cũng khác nhau.

Nhìn lại toàn bộ, chỉ có luật Đất đai 2013 có quy định khá đầy đủ về quản trị đất đai tại điều 199 (quyền giám sát trực tiếp của dân) và điều 200 (vận hành hệ thống giám sát và đánh giá về quản trị đất đai).

Việc hình thành 2 điều này là do nỗ lực vận động của Chương trình hậu WTO và hoạt động trợ giúp của Ngân hàng Thế giới. Rất tiếc là 2 điều nói trên vẫn nằm nguyên trên giấy, không hề được thực thi trên thực tế.

Trong hầu hết các luật khác, người dân tham gia giám sát phải thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà Mặt trận lại không tổ chức được nơi nhận ý kiến tham gia của dân và chuyển tới các cơ quan nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình. Cơ chế kiểm soát quyền lực quản lý bằng thể chế quản trị vẫn cần một thời gian nữa để đưa vào cuộc sống thực.

Đứng trước Đại hội Đảng khoá 13, hy vọng rằng thể chế quản trị tốt sẽ được thực thi rộng khắp nhằm kiểm soát được quyền lực từ khi hình thành các quyết định quản lý với sự tham gia của dân. Tham nhũng sẽ bị đẩy lùi, nước ta có thể sảng khoái bước dài tới mục tiêu một nước phát triển.

Đặng Hùng Võ 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét