Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

20210108. GÓP Ý KIẾN ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN (11)

ĐIỂM BÁO MẠNG

MÂY ĐEN CHE PHỦ VÀ MẶT TRỜI TỎA NẮNG

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 6-1-2021

Tính từ tháng 01/2011, khi ban lãnh đạo Đảng nhiệm kỳ 11 bắt đầu hoạt động đến cuối tháng 01/2021 khi ban lãnh đạo nhiệm kỳ 12 kết thúc hoạt động, thời gian kéo dài 10 năm.

Đến giữa nhiệm kỳ ban lãnh đạo khóa 11, ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ngày 06/10/2014 Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương (khóa 11) Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội đã nhấn mạnh “Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ”. [1]

Khó khăn trong hoạt động chống tham nhũng của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được ông Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đây là vấn đề lợi ích, cấu kết, móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm, ông mất chân giò, bà thò chai rượu... những quan hệ lằng nhằng với nhau”. [1]

Chính vì thế chiến lược chống tham nhũng được thực hiện theo phương châm “Phải bình tĩnh, tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định". [1]

(Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn)

Sau giai đoạn “Diệt chuột giữ bình”, trong nhiệm kỳ thứ 2 trên cương vị Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương, tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (diễn ra ngày 31/07/2017), ông Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đề cập đến chuyện “đốt lò”, nguyên văn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như sau:

“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. [2]

Theo số liệu công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020, thì thời gian qua “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý”. [3]

Kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chính thức hoạt động, bình quân mỗi năm có khoảng 16 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật.

Trong số hơn 110 người bị kỷ luật, có 27 người là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ba người là Ủy viên Bộ Chính trị và một người là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, ngoài ra còn hơn 30 tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang.

Riêng nhiệm kỳ 12, trong số 180 ủy viên chính thức, có 10 Ủy viên Trung ương bị kỷ luật gồm các ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Văn Bình, Tất Thành Cang, Nguyễn Đức Chung, Lê Viết Chữ, Trần Quốc Cường, Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Triệu Tài Vinh, trong số này có những người bị xử lý hình thức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng và nhận những bản án nghiêm khắc trước pháp luật.

Dù chiến dịch “Đốt lò” chính thức được phát động từ ngày 31/07/2017 nhưng trước đó từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, số “củi” bị cho vào lò nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sử 90 năm hoạt động của Đảng.

Nêu vài con số để thấy, vai trò của bộ tham mưu, của người đứng đầu quan trọng biết nhường nào trong cuộc chiến chống quốc nạn tham nhũng, lãng phí.

Một cách tự nhiên là qua “cuộc chiến” này, dân chúng nhìn thấy phần khuất của bức tranh đạo đức, tư cách của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vốn thường ngày bị che phủ rất kỹ càng.

Có thể thấy cho đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách mạnh mẽ, kiên quyết nhưng cũng xin nhắc lại ý kiến của ông Nguyễn Túc thời kỳ làm Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

“Đúng là hiện nay mặc dù Đảng đã làm được nhiều nhưng chưa được như yêu cầu, nên người dân có cảm giác như chưa làm được mấy”. [4]

Tại sao lại có ý kiến này?

Tám năm trước, ngày 11/09/2012, trong buổi Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói:

“Bây giờ người ta ăn của dân không từ một cái gì, từ tiền thương binh liệt sĩ, đến tiền của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghèo…, ăn hết”. [5]

Tám năm sau, vào năm 2020 này, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vẫn có những kẻ nâng khống giá thiết bị xét nghiệm virus để trục lợi như tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội hay vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai.

Báo chí đánh giá vụ này là “Ăn dày trên lưng bệnh nhân”.

Có một câu nói được lưu truyền rộng rãi: “Chỉ loài thú mới ngoảnh mặt với nỗi đau của đồng loại để lo liếm láp bộ lông của mình”, vậy thì những kẻ “ăn dày” trên nỗi đau của bệnh nhân là người hay thú?

Hồ Chủ tịch nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.

Vấn đề là ngày nay có cơ quan nào có thể tổng kết, đánh giá hoặc ít nhất cũng ước lượng một cách tương đối trong toàn bộ hệ thống chính trị “những con người xã hội chủ nghĩa” đúng nghĩa chiếm bao nhiêu phần trăm?

Phải dùng cụm từ “đúng nghĩa” bởi lẽ ngay trong trong bộ phận được sàng lọc kỹ càng nhất, gồm những thành viên được xem là ưu tú nhất đất nước là Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 12 (với 180 thành viên chính thức) có tới 10 người bị kỷ luật, tỷ lệ là 5,5%.

Vậy tại những nơi quy hoạch lỏng lẻo, con Bí thư tỉnh ủy mới 30 tuổi được đề bạt làm giám đốc sở hay “cử nhân cờ vua” là con Bí thư Tỉnh ủy được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy trực thuộc tỉnh thì tỷ lệ 5,5% thay đổi thế nào?

Tại sao Vũ “nhôm”Út “trọc”Trịnh Xuân Thanh,… với chức vụ không mấy to tát lại có thể khuynh đảo cả từ địa phương đến cấp cao hơn?

Phải chăng những con người cụ thể này chỉ liên quan đến một thứ vô hình là “nhóm lợi ích” hay có gì nghiêm trọng hơn thế?

Một khi không ít cán bộ, đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì có hay không chuyện các “nhóm lợi ích” cũng “tự chuyển hóa” thành mafia kiểu mới, không phải là những băng nhóm “dao găm, mã tấu” mà là “cổ cồn, ca vát”, không phải trốn tránh pháp luật mà là “kề vai, sát cánh”?

Và liệu trong một tương lai không xa, đám “cổ cồn, ca vát” từ lĩnh vực kinh tế có thể tác động đến chuyện ban hành văn bản dựa trên “những quan hệ lằng nhằng với nhau” theo nguyên lý “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo?

Và lo ngại của một tác giả về những “ổ trứng mafia” liệu có phải là vô căn cứ?

Cuối năm 2019, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định về nền kinh tế Việt Nam như sau: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”.

Quả thật đất nước này, gần 100 triệu người Việt hôm nay có thể tự hào về những gì đã làm được trong năm 2020.

Bước sang năm mới, và cũng sắp bắt đầu nhiệm kỳ mới của Trung ương khóa 13, mong muốn của người viết là Ban lãnh đạo Hệ thống chính trị tập trung giả quyết tận gốc những tồn tại, yếu kém liên quan đến năm lĩnh vực: “An ninh quốc gia; Ổn định xã hội; Bảo vệ môi trường; Phát triển kinh tế; Cải cách giáo dục”.

Về an ninh quốc gia, việc Bộ Quốc phòng quyết định lắp camera dọc tuyến biên giới đất liền nhằm chống xâm nhập trái phép là hoạt động rất cần thiết tuy hơi muộn, vấn đề là làm sao để trên Biển Đông, mỗi con thuyền của ngư dân cũng có một camera như trên biên giới đất liền và nhờ đó có thể chỉ đích danh kẻ xâm nhập trái phép vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán của Việt Nam chứ không phải là “những con tàu lạ”?

Về ổn định xã hội, liệu nhiệm kỳ này có phải là thời cơ chín muồi để nhà nước trả lời người dân về những quyền cơ bản đã quy định trong Hiến pháp từ khi nền dân chủ cộng hòa được thành lập như quyền biểu tình, quyền lập hội?

Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định lập thành phố Thủ Đức và điều này có góp phần làm ổn định xã hội trên địa bàn?

Nêu câu hỏi này bởi tương lai cái tên Thủ Thiêm sẽ chỉ còn là dĩ vãng nhưng liệu người dân nơi đây có thực sự sẽ quên đi những gì đã xảy ra tại địa danh “Khu đô thị Thủ Thiêm” suốt hai chục năm qua?

Đặc biệt xin nói đôi chút về cải cách giáo dục, bảy năm trước, trong bài “Hoa thơm, mỗi bộ, ngành hưởng một tý” đăng trong chuyên mục Tuanvietnam/Vietnamnet.vn, người viết đã nêu một câu hỏi hơi gay gắt và cũng hơi chua chát:

“Phải chăng giáo dục là "hoa thơm" nên mỗi bộ, tỉnh phải được "ngửi" một tí?”. [6]

Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học cũng đã có các phát biểu về tình trạng manh mún của giáo dục Việt Nam, rằng chẳng có nơi nào trên thế giới lại quy hoạch giáo dục kỳ lạ như Việt Nam,…

Người viết trong suốt 07 năm đã liên tục đưa ra các ý kiến về vấn đề này và kết quả là không ai nghe.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, tân Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đầu năm 2021 này cũng nêu ý kiến tương tự. [7]

Ý kiến của ông giáo già sống ở nhà quê không ai nghe thì cũng chẳng có gì lạ bởi như lời một vị từng là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương “Có thể người nói chưa đủ giỏi và người nghe thì đã "giỏi" lắm rồi”. [7]

Một khi người nghe đã “giỏi lắm rồi” thì có lẽ điều họ cần là những lời êm ái, xuôi tai chứ không phải những nguyên lý khoa học hay triết học, càng không phải là “những điều vơ vẩn của thi sĩ”.

Vẫn biết trí thức không phải là thi sĩ, không thể “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, để tâm hồn treo ngược ở cành cây” nhưng liệu có nên nói chỉ để mình nghe?

Có cần thiết phải “treo ngược tư duy” để nói với bên dưới chứ đừng nói với bề trên?

Dẫu sao thì năm mới, vận hội mới vẫn là điều mong mỏi của những người Việt Nam bình thường nhất, cầu mong sao cho “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn sẽ toả nắng ở Việt Nam”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tong-bi-thu-diet-chuot-dung-de-vo-binh-200746.html

[2] https://vov.vn/chinh-tri/dang/tong-bi-thu-lo-nong-len-roi-thi-cui-tuoi-vao-cung-phai-chay-653960.vov

[3] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-giai-doan-2013-2020--627926/

[4] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/doithoai/toi-khong-tin-ky-luat-can-bo-roi-thi-lay-ai-lam-viec-342377.html

[5] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/10-phat-ngon-dang-suy-nghi-nam-2013-665409.tpo

[6] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/hoa-thom-moi-bo-nganh-huong-mot-ty-121955.html

[7] https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/nam-2021-chu-tich-hiep-hoi-gui-gam-3-ky-vong-doi-voi-giao-duc-dai-hoc-post214617.gd

Xuân Dương

ĐẠI BIỂU LƯU BÌNH NHƯỠNG: NHÂN TÀI ĐÂU THỂ THÍCH 'NHÉT' VÀO ĐÂU THÌ 'NHÉT'

TRUNG DŨNG/ GDVN 7-1-2020

Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài vừa được Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến từ ngày 14/12/2020-7/2/2021.

Về mục tiêu cụ thể, dự thảo nêu:

Từ năm 2021 đến năm 2025, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược này và tình hình thực tiễn. Có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa…; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao….

Từ năm 2026 đến năm 2030, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. [1]

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quochoi.vn

Những mục tiêu, định lương con số cụ thể trên đã gây ra nhiều ý kiến băn khoăn, bày tỏ hoài nghi về căn cứ nào để đưa ra những con số này.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhấn mạnh: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi cũng chưa ghi nhận được có văn bản nào của pháp luật quy định rõ về tiêu chí đánh giá người tài.

Nhưng nhìn chung đã là nhân tài thì họ sẽ có năng lực đặc biệt ở một số lĩnh vực nào đó, gọi nôm na, dễ hiểu họ là có năng lực nổi trội đặc biệt, giỏi hơn số đông. Giờ đi tuyển chọn và quy ra thành tỉ lệ phần trăm thì thử hỏi ai là người dám đứng ra đi tìm và tìm đâu ra cho đủ những con số đó?

Khâu phát hiện chỉ là một phần trong quá trình tuyển dụng, dù đã là người tài nhưng cũng phải được bồi dưỡng và cần được sử dụng vào đúng công việc thì mới phát huy được hết năng lực của con người đó. Người tài không có nghĩa là anh thích nhét vào đâu thì nhét".

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, trên thực tế, đa số nhân tài chúng ta chỉ phát hiện được ra khi họ có những việc làm đột phá, xuất chúng ở một lĩnh vực nhất định. Khi đưa vào bộ máy làm việc, phân bổ cho lĩnh vực này có người tài, lĩnh vực khác chưa có thì liệu có phát huy được cái tài họ không?

"Tài năng áp dụng không cân xứng cũng dễ dẫn đến kết quả làm việc ở các lĩnh vực trong cùng một cơ quan cũng bị vênh nhau.

Nếu chúng ta đưa ra phương án hoạch định để sử dụng người tài, tôi băn khoăn là người đề ra các chỉ tiêu này đã nắm được bao nhiêu người tài trong tay rồi mà có thể mạnh dạn đưa ra con số là 2% - 5%?

Bản thân tôi có lần cũng hỏi các cử tri rằng, các bác có thấy được nhân tài ở đâu không để tôi giới thiệu cho Bộ Nội Vụ nhưng ai cũng lắc đầu nói không có.

Nếu áp dụng vào thực tế, việc bố trí nhân sự cốt cán nếu không khéo léo gây ra sự chồng chéo về nhân sự giữa các nhiệm kỳ với nhau là điều rất dễ xảy ra.

Việc lãnh đạo của khoá này không bố trí đủ chỉ tiêu thì lãnh đạo khoá lên nhận chức cũng không biết mò mẫm từ đâu để cho hoàn thành nhiệm vụ.

Theo tôi không nên đưa ra một chủ trương quy hoạch người tài như thế, mà quan trọng nhất bây giờ chúng ta nên đầu tư và tìm giải pháp nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực để phục vụ cho tất cả các ngành kinh tế-xã hội. Đó cũng là một việc phục vụ cho phát triển bền vững, lâu dài”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với mục tiêu định lượng như Bộ Nội vụ đề ra thì phù hợp với việc chiêu mộ những người học giỏi hay làm giỏi thì còn có căn cứ để tuyển chọn.

Còn nhân tài mà còn quy định ra phần trăm, số lượng để tuyển dụng thì cực khó cho những người làm tổ chức. Mục tiêu trên là mong muốn tốt đẹp, dám nghĩ, dám làm của Bộ Nội Vụ, tuy nhiên nó rất khó thực hiện và dễ gây ra hiểu lầm và phản cảm khi chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn thế nào là nhân tài.

Trên thực tế, có những người khi đi học thì tốt nghiệp hẳn loại giỏi, bảng điểm cao vút, thậm chí thủ khoa đầu ra nhưng khi ra trường đi làm ở công ty, xí nghiệp, cơ quan nhà nước vẫn bị đánh giá là thiếu năng lực như thường.

Tài liệu tham khảo:

[1] moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/chien-luoc-quoc-gia-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-45412.html

Trung Dũng
TIÊU CHÍ NHÂN TÀI CHƯA RÕ, DỄ TUYỂN NHẦM NGƯỜI KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN, GÂY ĐẤU ĐÁ NỘI BỘ
TRUNG DŨNG/GDVN 8-1-2020

Bộ Nội vụ đang tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.

Đáng chú ý, dự thảo có nêu mục tiêu cụ thể, từ năm 2026 đến 2030, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Xung quanh mục tiêu này có rất nhiều ý kiến tranh luận về tính khả thi khi thực hiện. Cũng có ý kiến cho rằng, kể cả nắm trong tay được một số lượng người tài nhất định thì việc sử dụng họ như thế nào cho hợp lý và phát huy hết năng lực cũng là bài toán không hề đơn giản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương. Ảnh: VTV

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; nguyên Chuyên viên cao cấp, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Việc tuyển chọn người tài mà lại đưa ra con số để định lượng trong khi không có chỉ tiêu, tiêu chuẩn nào, mà chỉ chung chung như thế này thì cực khó cho người thực hiện. Theo tôi thấy, việc này nó thiếu cụ thể và tính khả thi.

Trước hết, chúng ta phải làm sao xác định được nhân tài là gì. Tiêu chí cụ thể để đánh giá nó ra sao, bởi vì trên thực tế không có nhân tài nói chung mà chỉ có người tài trên một lĩnh vực nào đó cụ thể. Khi đã là không có nhân tài nói chung thì làm gì có chuyện tìm thấy được họ dễ dàng như thế.

Thông thường từ trước tới nay, chúng ta vẫn gọi những người là nhân tài khi họ làm được những điều phi thường trong các lĩnh vực cụ thể và có nhìn thấy được hiệu quả cống hiến trong công việc.

Nó là thứ thực tế, nhưng chúng ta cũng đâu có thể cân đo đong đếm được hay quy đổi thành giá trị nào để xếp hạng đâu. Ở đây chúng ta còn đưa ra con số định lượng khi tuyển dụng trong khi chưa biết được trong tay có sẵn là bao nhiêu thì rõ ràng việc này là rất mơ hồ”.

Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương cũng nhấn mạnh rằng, việc đặt ra tiêu chí nhân tài mang tính chung chung khi tuyển chọn một cá nhân vào làm bộ máy nhân sự cấp bộ dễ gây ra sự mất công bằng, đấu đá nội bộ. Hơn nữa, nếu mà định ra được số lượng, tỉ lệ thì nó cũng làm mất đi tính trang trọng của hai chữ “nhân tài”.

Ngoài quan điểm về việc thiếu tính khả thi nếu đem việc này vào thực tiễn, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương đặt vấn đề, nếu nắm chắc trong tay một số lượng nhân tài nào đó mà Bộ Nội vụ chỉ đặt mức từ 2% đến 5% thì là quá ít.

“Nhiều người tài giỏi cùng làm cho một tổ chức chẳng phải là sẽ đem lại hiệu quả rất cao cho cơ quan đó hay sao. Giả sử anh biết được trong nhân dân có từng đó nhân tài, trong khi anh chỉ dùng hết từ 2% - 5% vậy số còn lại thì làm thế nào? Có phải là đang để lãng phí?.

Thực tế, những người đã là nhân tài thì chắc chắn mức độ làm việc của họ cũng sẽ rất hiệu quả. Nếu trong một bộ máy chỉ có từng ấy nhân tài, số phần trăm còn lại là người bình thường, khi vào guồng làm việc nó sẽ vênh nhau về mức độ làm việc giữa người tài và người thường.

Không những thế, sau quá trình tuyển dụng, việc công bố để biết người này là tài còn người kia thì không cũng đang có nhiều vấn đề bất cập, thậm chí nó còn ảnh hưởng đến tinh thần làm việc theo nhóm.

Thường sẽ có tâm lý chung là những người bình thường sẽ ỉ lại cho các nhân tài, vì họ cho rằng người tài được hưởng đãi ngộ tốt hơn và luôn tồn tại suy nghĩ: "Tôi có cố gắng đến mấy mà chế độ tôi luôn thua thiệt hơn thì tội gì tôi phải cố gắng".

Nếu không khéo léo trong khâu tuyển dụng, rất dễ gây ra sự cạnh tranh không công bằng và sự đấu đá nội bộ không đáng có. Nhân tài thì cũng có nhiều loại vì vậy, nếu không biết sử dụng đúng người đúng việc thì những người này cũng khó để hợp tác ăn ý với nhau.

Bên cạnh đó, việc đưa ra tiêu chí tuyển chọn nhân tài một cách chung chung thường dễ bị chủ quan, lạm dụng. Vì vậy, cần đề ra một cách rõ ràng tránh rơi vào tình cảnh tuyển dụng nhầm cho những đối tượng thực ra chưa đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được hưởng chế độ như người tài, vô tình gây ra bất bình đẳng xã hội.

Đó là chưa kể việc gây ra mâu thuẫn trong nội bộ, người làm công ăn lương mất lòng tin vào sự sáng suốt của tổ chức và người lãnh đạo. Không làm một cách bài bản trong quá trình tuyển dụng nhân sự thì đề ra tiêu chí này sẽ không có hiệu quả, thậm chí là manh nha ra nhiều yếu tố tiêu cực”, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương nhận định.

Trung Dũng
MỘT BIỂU TƯỢNG TRANH ĐẤU
MẠC VĂN TRANG/ BVN 1-1-2021

Bạn Nghia HP Nguyen cho biết: "Bác Trang ơi. Tấm hình này chụp sáng ngày 10/12/2007 trong cuộc BT trước cồng ĐSQ Trung cộng ( Hôm ấy có em).

Tấm hình do cô dân oan Kim Thu chụp". Chắc là vậy. Cô Hà tham gia quá nhiều cuộc đấu tranh.

Thậm chí Cô cũng không nhớ tấm hình đó chụp ở đâu, bao giờ, chả biết ai chụp. Cô chỉ nhớ hình như năm 2011. Cảm ơn Bạn rất nhiều

Hôm qua bạn Trần Thị Hài đến chơi thăm vợ chồng mình. Hài nhỏ hơn Kim Chi mấy tuổi, cứ chị chị, em em rất thân tình.

Ối Trời ơi! Hoá ra Trần Thị Hài là người phụ nữ trong tấm hình giơ nắm đấm trước sứ quán Trung quốc, thét lên phản đối Trung cộng xâm lược, trong cuộc biểu tình năm 2011 tại Hà Nội. Một tấm hình biểu tượng của lòng yêu nước sôi sục và căm phẫn tột cùng đối với quân xâm lược. Một biểu tượng đáng được ghi vào lịch sử.

Người phụ nữ trong tấm hình đó chính là Trần Thị Hài bằng xương bằng thịt đang ngồi đây! Sau gần 10 năm, trải qua bao nhiêu cơ cực, nay Trần Thị Hài vẫn in đậm nét trong tấm hình người phụ nữ ngày ấy.

Trần Thị Hài ở Bình Dương, sao lại ra Hà Nội biểu tình, là một câu chuyện dài.

Trần Thị Hài cùng quê ở Đông Anh Hà Nội với cụ Tổng Trọng đấy. Sau bao nhiêu phấn đấu công tác, chiến đấu gian khổ, năm 1968 Hài mới được kết nạp vào Đảng CSVN.

Sau ngày 30/4/1975, Hài không thấy tin chồng, là một kỹ sư đi B, lại nghe đồn anh đã hy sinh; Hài gửi con về ngoại, bỏ việc, quyết vào Nam tìm chồng và tìm thấy anh đang tiếp quản Sài Gòn… Hài quyết định chuyển vào Nam, sum họp gia đình và sang làm bên thương nghiệp. Làm được hơn chục năm thì gặp phải một giám đốc có nhiều vấn đề. Hài vốn bộc trực, nên phê bình thẳng thắn. Không ngờ bị chi bộ bắt kiểm điểm, kỷ luật đủ trò. Hài tuyên bố ra khỏi đảng. Sau đó bỏ về làm nông dân.

Chồng Hài vốn là kỹ sư nông nghiệp, hai vợ chồng mua được 85 ha đất do UBND tỉnh Bình Dương bán. Mua có giấy tờ, bản đồ hẳn hoi. Hai vợ chồng mua máy canh tác về trồng Điều và Bạch đàn để bán nguyên liệu cho nhà máy giấy. Nhưng mới thu hoạch được vụ đầu, thì UB ra lệnh thu hồi đất. Hài gửi đơn kiện lên UB tỉnh. Mãi UB không trả lời, thế là Hài phải đến gặp Chủ tịch tỉnh hỏi cho ra nhẽ. Không ngờ bị bắt vì tội “gây rối trật tự" và bị đi tù 6 tháng.

Ra tù, Hài liền ra ngay Hà Nội nộp đơn kiện lên Trung ương. Chính những ngày ấy, Hài gặp gỡ nhiều Dân oan từ mọi miền và sục sôi tham gia các cuộc biểu tình. Hình ảnh của Hài trong cuộc biểu tình chống Trung cộng đã thành biểu tượng có sức kích thích, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Còn CA thì rất lo sợ. CA Bình Dương tức tốc ra Hà Nội, bắt Hài đem về xử tội “Gây rối trật tự" và bỏ tù 9 tháng.

Phiên toà xử Hài rất đặc biệt, có hẳn trung đội CA áp giải; Hài từ chối luật sư. Lúc toà đọc cáo trạng, Hài đứng lên phản đối: Tôi là công dân yêu nước, không phải bị cáo. Chính các người mới là bị cáo, là tội phạm… Thấy căng quá, Toà hội ý, tuyên án 9 tháng tù. Nói lời sau cùng, Hài tuyên bố: Tôi vô tội, nên rất thanh thản, 9 tháng tù chỉ như giấc ngủ. Các người hãy nhớ, khi đến lượt các người ra Toà, sẽ là 9 năm tù!

Với tiếng tăm như vậy, vào tù, Hài bỗng thành “Đại ca"! Không chỉ các tù nhân nể trọng mà cả các quản tù cũng e dè. Lời đồn quả không sai, ở trong tù ít lâu, Hài đã phát hiện, trong hội trường của Trại có cái hòm thư góp ý cho lãnh đạo. Hài bí mật viết thư gửi giám đốc Trại, nêu lên những sai lầm của các “quản giáo". Giám đốc cũng tử tế, phê bình cấp dưới và chấn chỉnh lại nhiều việc cụ thể. “Đại ca” Hài càng nổi tiếng.

Tù chính trị (Tù nhân lương tâm) không được hưởng chế độ giảm án như thường phạm. Đúng 9 tháng, không kém 1 ngày, Hài được ra tù.

Vừa ra tù, Hài lại ra Hà Nội kiện tiếp. Lúc này Dân oan các miền kéo về Hà Nội đông quá mà đấu tranh có tính tự phát. Họ quyết định phải bầu ra thủ lĩnh, thế là họ chọn Trần thị Hài làm “Thủ lĩnh Dân oan ba miền"...

Mình hỏi Hài, họ bầu Thủ lĩnh như thế nào?

- Mỗi nhóm Dân oan đều có một nhóm trưởng, ví dụ Dân oan Dương Nội có Cấn Thị Thêu là thủ lĩnh. Những nhóm trưởng hội ý nhau, rồi trong một buổi tập hợp hàng ngàn Dân oan, họ tuyên bố: Bầu Trần Thị Hài làm Thủ lĩnh Dân oan ba miền Bắc - Trung - Nam, bà con đồng ý không? Tất cả vỗ tay, reo mừng. Thế là thành “Thủ lĩnh Dân oan ba miền”.

- Thủ lĩnh lãnh đạo, chỉ đạo thế nào?

- Mình phải nắm được tình hình, đúng thời cơ thì thông báo cho các nhóm trưởng phương án và thống nhất hành động. Bà con mình thông minh, lanh lợi lắm, mình đưa ra hành động hợp lý, hợp tình là họ hưởng ứng rất mau lẹ.

- Có những cuộc nào chỉ đạo thành công?

- Nhiều lắm. Ví dụ thấy họp Quốc hội thì mình thông báo các đoàn phối hợp đưa ra các khẩu hiệu thiết thực và biểu tình liên tục. Có lúc huy động hàng mấy trăm người đến giải cứu những người bị bắt, có lần giải cứu cả luật sư. Chỉ “a lô” một cái mà có mấy chục xe taxi chở Dân oan ập đến ngay…

Có lần phát hiện có cuộc họp các nhà báo quốc tế gần lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, liền nghĩ cách làm sao chuyển tải các thông điệp của Dân oan ra quốc tế. Thế là mấy chị em hội ý nhau, thống nhất các phụ nữ mua áo phông, quần sooc, viết khẩu hiệu tiếng Việt, tiếng Anh lên áo phông, quần sooc, rồi mặc quần áo dài che đi. Đúng thời điểm thì cởi quần áo ngoài, nối đuôi nhau đi lòng vòng trước Lăng và hô khẩu hiệu. Các nhà báo nước ngoài tha hồ ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn, CA không dám đàn áp thô bạo…

Nhưng cuối cùng vẫn bị CA bắt hết. Những chị em khác, họ hỏi 15 -20 phút rồi tha, riêng Hài họ truy hỏi hơn 3 tiếng. Buồn cười, anh chỉ huy cứ hỏi: Cái khẩu hiệu “Phụ nữ Việt Nam còn cái lòng không cũng đánh" là có ý nghĩa gì? Trong khi quân lính chung quanh cứ che miệng cười khúc khích, còn thủ trưởng cứ hỏi ngớ ngẩn vậy. Hài mới bảo: Chị Út Tịch nói, còn cái lai quần cũng đánh; còn khẩu hiệu này, chắc chị em muốn nói, hổng còn gì cũng đánh!

- Sau những vụ như thế, chắc Hài bị CA theo dõi chặt lắm?

- Ối giời, 24/24 giờ luôn. Lúc nào cũng có 4 - 5 CA bám sát. Ló mặt ra là họ ghi hình, chụp ảnh ngay để báo cáo với cấp trên là đối tượng vẫn trong tầm ngắm… Mãi mới trốn ra được Hà Nội. Nhưng ra đó cứ lẩn trốn ở hết nhà này, nhà khác, có lúc về nông thôn. Thế rồi thấy tuổi cao, sức yếu, chồng lâm bệnh, nên quyết định từ chức.

- Từ chức bằng cách nào?

- Thì lên Truyền hình CHTV của Lê Dũng Vova tuyên bố từ chức và giải thích lý do cho bà con thông cảm.

- Từ khi từ chức đến nay, CA còn theo dõi và gây sự gì không?

- Vẫn canh gác ghê lắm. Khi diễn ra đại hội Đảng bộ thành phố, cũng 4 anh, canh gác 24/24. Rồi 2 lần làm visa đi Mỹ thăm người thân, ra sân bay, nó ách lại. Mình vừa mất công vừa mất tiền vé khi không đi được. Họ nói, bà đi luôn không về nữa thì cho đi. Bực quá, Hài quát, ta là một công dân yêu nước, đấu tranh với cả bọn giặc ngoại xâm lẫn nội xâm, tụi bây là cái gì mà dám láo xược tước quyền công dân của ta hả?

Thế đấy, từ một phụ nữ đảm đang làm ăn lương thiện, bỗng thành Dân oan; rồi từ nỗi oan này tiếp đến nỗi oan khác chồng chất, khiến cho Trần Thị Hài trở thành người tranh đấu kiên cường. Hình ảnh gào thét đầy phẫn nộ, giơ nắm tay lên của Trần Thị Hài là một biểu tượng lẫm liệt của lòng yêu nước và ý chí đấu tranh, mãi mãi truyền cảm hứng cho cho mọi người khát khao dấn thân vì Độc lập, Tự do, Công lý...


30/12/2020

M.V.T.

Nguồn: FB Mạc Văn Trang

TIỀN DÀNH XÂY TƯỢNG ĐÀI ĐỂ HỌC SINH CHỊU RÉT

TRẦN TRUNG ĐẠO/ TD 4-1-2021

Hai đứa trẻ miền núi lạnh run rẩy. Ảnh trên mạng

Nhìn cảnh học sinh miền núi run rẩy trong cơn rét một người có lương tâm không khỏi xót xa.

Trong khi đó, theo VN Express: “Đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 được Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xây dựng, đang xin ý kiến cấp trên, có đề xuất xây thêm 14 tượng đài ở các tỉnh… Nguồn vốn đầu tư xây dựng tượng đài bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương, vốn tự có của các ngành và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp.”

Dù vốn của nguồn nào, nói cho cùng cũng chỉ là xương máu của người dân. Đảng CSVN không làm ra được đồng nào, họ chỉ nặn ra chức tước để có lý do “lãnh lương”. Đó chẳng qua là một cách “tham nhũng hợp pháp”.

Nhật, cường quốc lớn thứ ba trên thế giới, có 13 bộ trưởng, CSVN có 22 bộ trưởng, 110 thứ trưởng, 201 phó chủ tịch UBND tỉnh.

Ngoài việc “trả lương” cho người sống, người dân Việt Nam còn phải “trả lương” cho người chết qua hình thức tượng đài.

Nhưng tại sao phải xây tượng đài lãnh tụ CS trong thế kỷ 21 này? Mời đọc để biết lịch sử và nguồn gốc của tượng đài:

LENIN VÀ CHÍNH SÁCH “TUYÊN TRUYỀN TƯỢNG ĐÀI”

Trong thời gian qua, hầu hết bài viết dù phê bình việc dựng tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La đều nhấn mạnh đến những yếu tố như tốn kém tiền bạc, nuôi sống tham nhũng, làm cho dân tình thêm đói khổ v.v… Những phê bình đó không sai nhưng chỉ là những tác hại về vật chất, các tác hại tinh thần do những tượng đài CS gây ra còn sâu xa và nguy hiểm hơn nhiều.

Tượng đài CS, một vấn nạn của các nước cựu CS

Khi người dân giành lại được quyền tự do, tượng đài cũng là nơi họ trút hết những hờn căm, phẫn uất đã bị dồn nén, chịu đựng bao nhiêu năm. Để bày tỏ thái độ dứt khoát với quá khứ, phản ứng cụ thể nhất của phong trào dân chủ cũng là giật sập tượng đài. Chỉ trong tháng 11, 1990, tại Ukraine và các quốc gia vùng Baltic, 70 tượng đài Lenin bị giật đổ. Để ngăn chận làn sóng giật sập tượng Lenin, tháng 10, 1990 Mikhail Gorbachev, lúc đó còn là Tổng Bí Thư CS Liên Xô, ra sắc lịnh ngăn cấm việc phá hủy tượng Lenin. Nhưng đã quá trễ, phong trào giật đổ tượng đài các lãnh đạo CS đã lan rộng không chỉ các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô mà ngay cả tại quê hương Nga của y.

Từ cuối năm 1989, hàng ngàn tượng đài các lãnh đạo CS tại 15 nước thuộc Liên Xô cũ, các quốc gia Đông Âu, Mông Cổ, Ghana, Ethiopia, Afghanistan đã bị giật sập, đập phá hay hủy hoại. Tuy nhiên, số lượng tượng đài các lãnh tụ CS cũng còn lại khá nhiều bởi vì kéo đổ hết là một việc khó khăn, đơn giản vì chúng quá nhiều, quá tốn kém và trong nhiều trường hợp dân chúng chẳng còn quan tâm đến những khối xi măng vô tri không làm ai sợ hãi nữa.

Hành động kéo đổ tượng Lenin tại thành phố Kharkiv, Ukraine vào tháng Chín năm ngoái, do đó, không phải là mới lạ. Tượng đài Lenin ở Kharkiv cũng không phải là tượng đầu tiên mà là tượng thứ 390 bị kéo xuống chỉ trong vòng 2 năm 2013 và 2014.

Trước đây, Ukraine đã từng là một trong vài nước đầu tiên phá đổ tượng đài Lenin vào đầu thập niên 1990. Việc kéo đổ tượng Lenin ở Ukranie lần này chỉ là cách để chứng tỏ là thái độ dứt khoát đối với Nga.

Số lượng tượng đài Lenin tại Nga còn lại nhiều nhưng không có nghĩa người dân Nga xem Lenin như là biểu tượng của ngước Nga. Dân chúng Nga yêu dân chủ kết án Lenin như một tội đồ dân tộc vì đã (1) xây dựng một chính quyền khủng bố có hệ thống để cai trị Nga suốt 74 năm; (2) tàn phá Đế Quốc Nga và giết sạch gia đình Nga Hoàng; (3) ký hiệp ước bán nước Brest-Litovsk sang nhượng đất đai của Nga cho Đức và các cường quốc Trung Âu; (4) gây ra cuộc nội chiến Nga sau khi cướp chính quyền 1917 dẫn đến cái chết của 15 triệu dân Nga vô tội; (5) tịch thu tài sản dân chúng, tàn phá nhà thờ, tu viện; (6) ký hàng loạt mật lịnh ám sát nhiều trăm ngàn người dân vô tội, nông dân có đất đai, tu sĩ và tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Nguồn gốc của chính sách “Tuyên truyền Tượng đài”

Gần như quốc gia nào cũng có xây một số tượng đài để tưởng niệm các danh nhân, các anh hùng dân tộc của quốc gia họ như George Washington, Abraham Lincoln của Hoa Kỳ, Simon Bolivar, Manuel Carlos Piar của Venezuela, Trần Hưng Đạo, Quang Trung của Việt Nam v.v… nhưng chỉ có dưới các chế độ CS, tượng đài các lãnh đạo CS được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền gây tác hại vô cùng độc hại, nhất là đối với các thế hệ trẻ.

Sắc lịnh “Tuyên truyền Tượng đài” do Lenin đề xướng có một tên khá dài “Về việc dời các Tượng đài được Dựng lên để Vinh danh các Nga Hoàng và Quan chức và việc Phát triển Đề án Tượng đài đã Cống hiến cho Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Nga” (On Removing Monuments Erected in Honor of Tsars and Their Servants and Developing a Project for Monuments Dedicated to the Russian Socialist Revolution) được công bố ngày 12 tháng Tư, 1918.

Chỉ trong vòng một tháng, các tượng đài vua chúa Nga bị kéo sập hay bị dời đi. Thời đó Lenin còn sống nên tượng đài được dựng lên đầu tiên là tượng đài Karl Marx do điêu khắc gia E. V. Revde đúc và đặt tại Penza. Hội đồng Ủy Viên Nhân Dân ngày 30 tháng Bảy, 1918 chấp thuận một danh sách đảng viên CS gồm 69 tên được xây tượng đài tưởng niệm. Lễ khai mạc mỗi tượng đài được tổ chức trọng thể. Sau khi Lenin chết, bộ máy tuyên truyền đảng CS tập trung vào việc biến Lenin thành bất tử qua việc đúc hàng ngàn tượng Lenin đủ kiểu và đặt tại khắp nơi.

Để gia tăng sản xuất tượng đài Nhà Máy Điêu Khắc Tượng Đài được chính thức khai mạc tại Leningrad năm 1922 để đúc tượng các “anh hùng lao động,” “anh hùng Xô Viết,” các lãnh đạo CS. Có nhiều năm nhà máy sản xuất đến 5 ngàn tượng đài CS. Trả lời phỏng vấn của báo Christian Science Monitor tháng 11, 1990, điêu khắc gia Albert Charkin, tác giả của nhiều mẫu tượng Lenin cho biết những hình ảnh Lenin đơn giản, khiêm cung, thân mật, gần gũi chỉ là những hình ảnh giả tạo.

Người đời nguyền rủa Stalin nhiều hơn Lenin nhưng quên rằng tất cả tội ác của Stalin đều phát sinh từ nền móng của cơ chế toàn trị do Lenin dựng lên, trong đó có cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp do hung thần Felix Dzerzhinsky lãnh đạo. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến tháng Mười, 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị cơ quan Cheka thủ tiêu. Danh từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này.

Tượng đài các lãnh đạo CS tại 5 nước CS

Tại Bắc Hàn, toàn quốc có khoảng 34 ngàn tượng đài Kim Nhật Thành. Một tượng đài cho mỗi 3.5 kilômét và cứ 750 người dân có một tượng đài họ Kim. Không giống như một số tượng Lenin làm bằng đá, tượng cha con họ Kim đúc bằng đồng rất tốn kém. Tháng Bảy vừa qua, hai bức tượng đồng của cha con họ Kim được khánh thành một cách trọng thể tại tỉnh Pyongan. Để củng cố đặc điểm kế nghiệp, Kim Jong Un sẽ lần lượt cho thay thế tượng ông nội y đứng một mình bằng tượng của ông nội và cha y đứng cạnh nhau.

Tại Trung Cộng, theo BBC, nhiếp ảnh gia Cheng Wenjun đã đi khắp Trung Hoa lục địa để chụp hình các tượng đài Mao Trạch Đông và ông ta ghi nhận khoảng 2 ngàn tượng đài. Điều đáng lưu ý, một phần ba số tượng đài nằm trong khu vực các trường đại học. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm sinh nhật của Mao, lãnh đạo Trung Cộng cho đúc một tượng Mao ngồi gác chân trên ghế bằng vàng và cẩm thạch, cao chỉ 80 cm, nặng 50 kilograms nhưng có giá thành lên đến 16 triệu Mỹ kim.

Tại Lào, tượng lãnh tụ CS Kaysone Phomvihane cũng có mặt trên nhiều công viên, cơ quan nhà nước. Năm 2004, Bắc Hàn đúc tặng Lào 200 tượng Kaysone Phomvihane bằng đồng để đặt tại các cơ quan đảng và nhà nước Lào.

Tại Cuba, mặc dù Fidel Castro chưa chết, tượng đài của y cùng với Che Guevara cũng đã được dựng nhiều nơi trên quốc gia hải đảo này.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Văn Hóa-Thanh Niên & Du Lịch, Việt Nam hiện có 134 tượng đài Hồ Chí Minh, trong đó gồm 103 tượng đặt tại các trụ sở cơ quan, 31 tượng được dựng tại các quảng trường. Theo kế hoạch từ nay đến 2030 sẽ xây thêm 58 tượng họ Hồ, nâng tổng số lên 192 tượng.

Tượng đài CS không phải là biểu tượng văn hóa của một dân tộc

Để binh vực việc xây tượng đài Hồ Chí Minh, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt nam, phát biểu: “Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề xây dựng những tượng như thế đắt hay rẻ. Trước khi phán xét phải nhìn nhận tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực cho sự phát triển, nên không thể nói vì còn nhiều người đói thì phải mua cơm trước. Đôi khi văn hóa cũng phải đi trước.”

Ông Đào Ngọc Nghiêm không hiểu văn hóa là gì mà nói sảng, tượng đài Hồ Chí Minh không có liên hệ gì đến văn hóa Việt Nam.

Văn hóa được định nghĩa khác nhau ít nhiều tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu nhưng tựu chung là đời sống vật chất và tinh thần đặc thù của một dân tộc. Trong tuyên bố về các dạng văn hóa thế giới vào ngày 2 tháng 11, 2001, UNESCO định nghĩa văn hóa là “tập hợp của các đặc điểm cảm xúc, trí thức, vật chất, tinh thần riêng biệt của một xã hội hay một nhóm xã hội trong đó bao gồm cách sống, hệ thống các giá trị, truyền thống và niềm tin.”

Tạm gác qua chuyện đói no, chỉ bàn về văn hóa thôi thì tượng đài Hồ Chí Minh không phải là biểu tượng văn hóa hay một phần của văn hóa dân tộc Việt Nam vì hai lý do chính:

1. Tượng đài CS không mang tính văn hóa đặc thù

Với định nghĩa của UNESCO, các tượng đài CS, trong trường hợp này là tượng đài Hồ Chí Minh, không phải là biểu tượng văn hóa đặc thù của một dân tộc mà chỉ là sản phẩm tuyên truyền phát xuất từ một nguồn gốc CS do Lenin đề ra vào ngày 12 tháng Tư, 1918 tại Nga và đã được áp dụng giống nhau một cách chính xác tại hầu hết các quốc gia CS.

Lấy hình tượng các lãnh tụ CS hôn nhi đồng làm một thí dụ. Để che giấu tội ác, bộ máy tuyên truyền Liên Xô giới thiệu một Stalin hiền từ yêu nhi đồng. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh ở Việt Nam cũng yêu nhi đồng, Mao Trạch Đông ở Trung Cộng yêu nhi đồng, Todor Zhivkov ở Bulgary yêu nhi đồng, Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn yêu nhi đồng. Lãnh tụ khác nhưng cách thức, nội dung và mục đích đều giống hệt nhau.

2. Tượng đài CS không tồn tại với thời gian và truyền thống dân tộc

Như lịch sử thế giới cận đại chứng minh và người viết đã phân tích ở trên, tượng đài các lãnh đạo CS được dựng lên vì mục đích tuyên truyền nên phải bị phá hủy sau khi cơ chế chính trị tồn tại nhờ tuyên truyền và khủng bố sụp đổ. Như hai tác giả W. Logan và K Reeves viết trong tác phẩm biên khảo Những nơi đau nhức và nhục nhã: đương đầu với một “gia tài nan giải” (Places of pain and shame: dealing with “difficult heritage”), chế độ CS sụp đổ để lại những tượng đài như một gia tài không ai muốn nhận.

Chính sách “Tuyên truyền Tượng đài” dù đã chấm dứt trên quê hương của tác giả nó tròn một phần tư thế kỷ nhưng chất độc tư tưởng vẫn còn gieo rắc lên các thế hệ Việt Nam cho đến hôm nay.

Tiền bạc của cải dù thiếu thốn bao nhiêu cũng có ngày làm lại được, tương tự, các phương tiện khoa học kỹ thuật dù tiên tiến bao nhiêu cũng có thể học được nhưng giá trị văn hóa dân tộc rất khó phục hưng.

Cuộc tranh đấu để chống lại các tư tưởng CS ngoại lai, vong bản, vì thế, là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, kiên nhẫn và phải bắt đầu ngay hôm nay chứ không phải đợi đến khi chế độ CS sụp đổ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét