Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

20210107. VỤ ÁN HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TUYÊN BỐ CỦA HỘI NHÀ BÁO ĐỘC VIỆT NAM

Về việc: Nhà cầm quyền Việt Nam kết án thành viên Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam

TD 6-1-2020

Ngày 5 tháng 1 năm 2021, Tòa án Tp Hồ Chí Minh đã tổ chức cái gọi là “Phiên tòa sơ thẩm” để xét xử ba thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐLVN) theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự về cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ba thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án với mức án như sau:

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội NBĐLVN, 15 năm tù, 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch HNBĐLVN, 11 năm tù và 3 năm quản chế.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, Biên tập viên Vietnamthoibao.org, 11 năm tù và 3 năm quản chế.

Trước đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn vào biệt giam một thời gian dài không cho tiếp xúc với các luật sư bào chữa hoặc thân nhân. Họ chỉ được gặp các luật sư của mình một thời gian rất ngắn trước khi xét xử và trong khi xét xử, tòa đã bỏ qua những lời biện hộ đúng đắn, phù hợp pháp luật của các luật sư cũng như những người này để kết án một cách bất công.

Phiên tòa không được tiến hành công khai, rất chóng vánh với những bản án nặng nề này nhằm trả thù hèn hạ những tiếng nói yêu dân chủ, tự do, hòa bình và vì sự tồn vong của đất nước, của dân tộc và vì nỗi đau của người dân dưới chế độ độc tài.

Nhận định rằng:

Hội nhà báo độc lập Việt Nam, là một tổ chức xã hội dân sự nghề nghiệp được thành lập và hoạt động dựa trên Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Những hoạt động của HNBĐLVN kể từ khi thành lập đến nay, hoàn toàn căn cứ trên cơ sở về quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí và tự do lập hội mà nhà nước Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ, giam cầm và tuyên những bản án nặng nề, ác ý đối với các thành viên HNBĐLVN, đồng thời tiến hành sách nhiễu đồng loạt các thành viên trong HNBĐLVN và nhiều công dân Việt Nam khác trong thời gian vừa qua, một lần nữa, chứng tỏ rằng: Nhà cầm quyền Việt Nam đã đi ngược lại Hiến pháp và luật pháp do chính họ đưa ra.

Những hành động này của nhà cầm quyền Việt Nam, đi ngược lại những tuyên bố của họ, không chấp nhận những phản biện ôn hòa của HNBĐLVN cũng như người dân Việt Nam.

Điều này, xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội mà Nhà nước Việt Nam đã cam kết trong Luật Điều Ước Quốc Tế, đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCNVN khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 09/4/2016.

Việc gia tăng đàn áp các tổ chức Xã hội dân sự tại Việt Nam, trong đó có HNBĐLVN cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã hoàn toàn không tôn trọng những cam kết của mình với các quốc gia liên quan về thực thi quyền con người tại Việt Nam.

Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam tuyên bố:

Chúng tôi lên án hành vi của Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm ngược lại Điều 25 Hiến pháp 2013.

Bằng việc bắt giữ, kết án các thành viên của HNBĐLVN, nhà cầm quyền Việt Nam đã đảo ngược hoàn toàn với các quyền tự do căn bản của công dân, cũng như những cam kết của Nhà nước Việt Nam với Công ước Dân sự – Chính trị và cam kết nhân quyền của Việt Nam. Hành vi này đi ngược lại xu thế tiến bộ, văn minh của xã hội loài người trong việc thực thi các giá trị phổ quát con người đưa đất nước đến sự văn minh, đạo đức và thịnh vượng và là hành vi không thể chấp nhận được.

Trong bối cảnh cả đất nước đang đứng trước sự xâm lăng của các thế lực bành trướng Phương Bắc, hành vi này là sự thể hiện thái độ tiếp tay cho các thế lực bành trướng xâm lược lãnh thổ Việt Nam.

Trong bối cảnh đời sống nhân dân đang hết sức khó khăn cần một sự đồng sức, đồng lòng của mọi người dân, mọi tổ chức, tầng lớp xã hội để vượt qua, đây hành vi đi ngược lại những việc cần làm nhằm cho xã hội ổn định, tiến bộ và phát triển.

Trong bối cảnh cả thế giới đang chứng kiến những sự tụt hậu, lên án các chế độ độc tài kìm hãm sự tiến bộ của các dân tộc, việc nhà cầm quyền Việt Nam đang tiến hành với HNBĐLVN chứng tỏ sự độc tài của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng gia tăng. Điều này, càng tạo thêm sự xa lánh của thế giới văn minh đối với Việt Nam.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nghiêm khắc yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam ngay lập tức hủy các bản án, xoá bỏ mọi cáo buộc vô lý, các bản án ác ý nhằm trả thù và trả tự do vô điều kiện cho các thành viên của HNBĐLVN cũng như hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị cầm tù chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của công dân một cách ôn hòa.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, sẽ tiếp tục hoạt động dựa trên tôn chỉ, mục tiêu thành lập Hội nhà báo độc lập, nhấn mạnh đối thoại, phản biện ôn hòa để đưa đất nước, dân tộc đi lên văn minh, hiện đại.

Chúng tôi kêu gọi sự đoàn kết của các thành viên trong Hội NBĐLVN trước thử thách to lớn này để vượt qua bất cứ khó khăn nào, nhằm thực hiện quyền của công dân, quyền con người đang bị tước đoạt, qua đó, đấu tranh cho một nước Việt Nam văn minh, thịnh vượng và phát triển.

Chúng tôi kêu gọi mọi người dân Việt Nam, ý thức một cách rõ ràng về quyền công dân của mình, đặc biệt là những quyền cơ bản như tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội… hiện đang bị xâm hại hết sức nghiêm trọng, cần sự đoàn kết, đấu tranh ôn hòa cho quyền được làm người của mình. Qua đó, ủng hộ HNBĐLVN ngày càng phát triển.

Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức Quốc tế, các tổ chức Xã hội dân sự, đặc biệt là những quốc gia đã tham gia những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, các quốc gia liên quan… cần có những hành động thiết thực hơn đối với Nhà cầm quyền Việt Nam trong việc yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng quyền con người của công dân, tôn trọng và thực hiện các cam kết mà họ đã long trọng ký kết.

Ngày 05/01/2021

HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM

T.M BAN LÃNH ĐẠO HỘI NBĐLVN
Quyền Chủ tịch
J.B Nguyễn Hữu Vinh

37 NĂM TÙ GIAM: MÓN QUÀ ĐẦU NĂM DÀNH CHO CÁC NHÀ BÁO CỦA HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM
CHI MAI/ BVN 6-1-2020
“Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên”.

Sáng 5/1, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn (vụ án Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam).

Dựa theo cáo trạng, các báo trong nước đồng loạt đưa tin sáng hôm nay nhà báo Phạm Chí Dũng được xác định là chủ mưu vụ án, là người thành lập “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” để lôi kéo các đối tượng tham gia tuyên truyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Theo đó những đồng nghiệp của ông trở thành “những đối tượng có tư tưởng bất mãn về chính trị” thường xuyên viết các bài viết “có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị cáo buộc “còn tạo lập quan hệ, ký kết hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các cơ quan truyền thông nước ngoài với mục đích nhằm “đấu tranh” làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam”.

Viện Kiểm sát nhận định, hành vi chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như trên của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước”.

Theo đó Viện Kiểm Soát đề nghị mức án cho các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn lần lượt là 15-16 năm, 10-11 năm và 12-13 năm tù giam.

Nhằm khẳng định hơn cho những cáo buộc trên, các nhà báo đã “được” xuất hiện trong những chiếc áo nâu nhàu nhĩ chứ không được mặc những chiếc áo sáng màu thẳng thớm như các bị cáo khác trong các vụ án hình sự của các quan chức được đưa ra xét xử gần đây.

Tuy nhiên trước toà các nhà báo rất bình tĩnh, ung dung và sắc bén không chấp nhận cáo buộc “hoạt động nhằm thay đổi thể chế chính trị”, kêu gọi đa nguyên, đa đảng. Họ ý thức rằng những gì họ viết là thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.

Với việc thể hiện quyền viết báo của công dân trên diễn đàn ngôn luận của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam - một tổ chức xã hội dân sự hoạt động công khai với tiêu chí không đối kháng với nhà nước Việt Nam, các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã có trách nhiệm trong đóng góp các ý kiến phản biện đa chiều về những chính sách quản trị quốc gia.

Các nhà báo mong muốn đảng chính trị duy nhất này, cần luôn được gìn giữ trạng thái ổn định nhất ở vai trò phụng sự nhân dân, luôn tuân thủ chủ trương bất đối kháng của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Các bài viết của các nhà báo luôn không hướng đến việc công kích chống đối đảng chính trị ở Việt Nam.

Qua bài viết phản biện ôn hòa, các nhà báo mong muốn củng cố uy tín, củng cố sức mạnh quản trị quốc gia, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính thể hiện tại.

Tất cả những điều này hoàn toàn trái ngược với các cáo buộc trong cáo trạng của Viện Kiểm Sát đưa ra.

Viện Kiểm Sát đã bác bỏ mọi luận cứ của các Luật sư bào chữa, thậm chí còn liên tục cắt lời, không cho phép các luật sư phân tích các biên bản Giám định tư tưởng các bài viết bị cho là chống nhà nước của các nhà báo vốn có thể làm thay đổi quyết định của toà về mức án đã được đề nghị.

Với phiên xử sơ thẩm công khai nhưng lại kín hoàn toàn dự kiến diễn ra trong vòng 1 ngày nhưng đã kết thúc ngay trước đầu giờ chiều. Sau khi nghị án, vào lúc 1:15 ngày 5/1/2021, Toà án Nhân dân Tp. HCM tuyên án nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù giam và 3 năm quản chế, hai nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người với mức án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Ngoài ra toà còn yêu cầu các nhà báo phải truy nộp lại khoản tiền nhuận bút đã nhận trong suốt thời gian từ năm 2014 đến cuối năm 2018 với lý do đó là các khoản thu nhập phi pháp.

Các nhà báo có thời hạn 15 ngày để kháng cáo, một bước tiếp theo của quy trình xét xử bỏ túi; cho dù có kháng cáo, cũng sẽ không đem lại nhiều thay đối gì cho bản án đã được chỉ đạo của Toà.

Những bản án nặng nề dành cho các nhà báo không phải là một điều lạ trong những năm gần đây khi hầu hết những người bất đồng chính kiến đều phải chịu các bản án vô cùng khắc nghiệt chỉ vì một vài bài viết, một vài câu trạng thái trên Facebook hay thậm chí chỉ vì một bài hát.

Trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp diễn ra vào cuối tháng Giêng này, với những bản án ngày càng khắc nghiệt là dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không nương tay với những ai có ý định phản biện, chỉ trích nhà nước và đảng chính trị cầm quyền.

Lời cuối trước toà

Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho đăng những lời cuối trước toà của ba nhà báo trên Facebook cá nhân.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, đĩnh đạc, hiên ngang ngỏ lời cảm ơn các cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán đã quan tâm đến nền báo chí Việt Nam.

Ông nói: “Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền ‘tự do báo chí’ của Việt Nam.

Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này”.

Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ “đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. Ông tuyên bố: “Tất cả những bài báo của tôi đều là những trăn trở đối với đất nước và dân tộc. Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường”.

Lê Hữu Minh Tuấn, ung dung và điềm tĩnh đề nghị “Tòa xem xét lại mục đích của chúng tôi”.

Tôi có niềm tin nhà nước sẽ thực tâm đối với các quyền dân sự.

Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên,” ông Tuấn nói.

C.M.

VNTB gửi BVN.

CẢM NGHĨ CỦA NHÀ BÁO LƯU TRỌNG VĂN

BVN 6-1-2020

Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên.

Gã hình dung những Nhà cách mạng yêu nước như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu khi ra pháp trường đều hừng hực khí phách vì trong họ duy nhất: Tình yêu Tổ quốc và Lý tưởng Cách mạng.

Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn đứng trước vành móng ngựa cũng tràn khí phách của những người thực sự nhiệt huyết với Đất nước như thế.

Họ chỉ nghĩ đến sự tiến bộ, dân chủ, tự do và lợi ích của Đất nước. Lời cuối cùng của họ trước khi tù đày hơn 10 năm là những lời dành cho Đất nước. Khác hoàn toàn với những quan chức tham nhũng ra toà tái nhợt và khóc lóc van xin mà trước đó trên các diễn đàn chúng là những kẻ hô hào nhiều nhất khẩu hiệu vì Nước ,vì Dân.

Riêng với Dũng.

Gã nhớ những lần Dũng cafe với gã, thân hom hem tưởng chừng gió thổi nhẹ cũng liêu xiêu, ấy vậy mà khi đụng đến chuyện Nước non, Đồng bào, Dân tộc, cặp mắt sâu của Dũng rực lên cùng bao ý tưởng nồng nhiệt tâm huyết.

15 năm tù đày. Dũng ơi, gã tin sẽ lại có một ngày chúng ta ngồi bên nhau, gã sẽ nghe Dũng đọc thơ, thơ tình của bản tính thằng đàn ông đa tình khát khao yêu của Dũng.


PHẠM CHÍ DŨNG, TỪ 'THÁI TỬ ĐẢNG' TRỞ THÀNH NGƯỜI 'TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC'

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 5-1-2021

Ngày 5/1/2021, tòa án thành Hồ kết án anh Phạm Chí Dũng, một cây bút chỉ trích chế độ Hà Nội, 15 năm tù giam và 3 năm quản chế sau khi mãn án, tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Anh Dũng là con trai của ông Phạm Văn Hùng, một người thuộc nhóm “buông rèm chấp chính” ở thành ủy thành Hồ, Trưởng Ban Tổ chức đảng, trước đây.

Màu đỏ của lý lịch anh Dũng không hề nhạt hơn các trang lý lịch của Nguyễn Thanh Nghị (con Nguyễn Tấn Dũng), Nguyễn Xuân Anh (con Nguyễn Văn Chi),… và còn đậm hơn nhiều so với các tay chơi mới phất như Lê Trương Hải Hiếu (con Lê Thanh Hải), hay Đào Ngọc Dung (cháu vợ cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An).

Nhóm “gia đình cách mạng gộc” này, còn gọi là các “thái tử đỏ” sau khi nhà nước cộng sản bắt đầu làm ăn với phương Tây, họ đang là những người nắm nền kinh tế, chính trị ở Việt Nam hiện nay.

“Thái tử đảng” Phạm Chí Dũng cũng được chế độ “chuẩn bị” rất kỹ càng, anh được học kinh tế và kỹ thuật quân sự, hai ngành quan trọng đối với sự tồn tại của nhà nước cộng sản hiện nay. Anh được đưa vào làm ở Ban Nội chính, cũng có phần liên quan đến việc “buông rèm chấp chính” như cha anh trước kia. Anh Dũng còn là sĩ quan an ninh, thanh gươm và lá chắn của chế độ, và dĩ nhiên, đảng viên đảng cộng sản.

Thời điểm anh Dũng chính thức không còn “đỏ” nữa là vào năm 2012, khi anh bị bắt trong vài tháng vì một số bài báo chống tham nhũng. Điều trớ trêu đáng nói ở đây là, khi viết những bài báo chống tham nhũng ấy, anh đã làm một công việc mà Đảng giao cho mình, là chức năng của Ban Nội chính Thành ủy. Anh tuyên bố bỏ đảng năm 2013, kể từ đó tôi có dịp chuyện vãn nhiều với anh.

Phạm Chí Dũng là một trong những người tôi có trao đổi nhiều nhất, trong số những người chỉ trích chế độ cộng sản ở Việt Nam. Thế hệ anh Dũng cũng là thế hệ của tôi, một thế hệ chia làm đôi, rõ rệt sau biến cố lịch sử năm 1975. Anh Dũng thuộc nhóm “gia đình cách mạng gộc”, tôi thuộc nhóm “thành thị tiểu tư sản”, có liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền”.

Mặc dù tôi cũng lớn lên trong lòng chế độ cộng sản, nhưng để hiểu rõ chi tiết về cấu trúc guồng máy của Đảng Cộng sản, có thể nói anh Dũng là một cái kho vô tận. Nếu không có những người như anh Dũng giải thích, người bên ngoài đảng rất rối trí trước hàng loạt những thuật ngữ rất bí ẩn: Ban nội chính, ban tổ chức, ban bí thư, ban chấp hành trung ương, thường trực ban bí thư, bộ chính trị, ủy viên dự khuyết, quân ủy trung ương,… vô cùng rối rắm.

Con đường đi từ vị trí một “thái tử đỏ”, đến vị trí mà anh Dũng chọn cho mình, một cây bút độc lập, trong sự tiếp xúc với phương Tây là không hề dễ dàng. Từ những kiến thức kinh tế trong mái trường xã hội chủ nghĩa, đến sự vận hành của một xã hội tự do dựa trên nền tảng tư bản chủ nghĩa, là một trời một vực. Từ viết bài theo lối tuyên truyền của đảng đến phân tích, bảo vệ quan điểm độc lập của người viết, là một đoạn đường đi rất chông chênh.

Đối với tôi, anh Phạm Chí Dũng là một bỉnh bút hơn là một nhà báo đưa tin bình thường, vả lại khi đã bị “rút phép thông công” (từ của luật sư Nguyễn Mạnh Tường), thì hệ thống của Đảng sẽ rất kín kẽ đối với những con cừu đen (black sheep, theo văn hóa phương Tây) trước kia là “đỏ”.

Nhưng khó khăn lớn nhất đối với những “black sheep” như anh Dũng là sự mơ hồ, nhiều vùng xám của xã hội chính trị Việt Nam thời cộng sản này. Những băng nhóm trục lợi, ngoài mặt vẫn bám lấy giáo điều Mác Lê, những băng nhóm dân túy mỵ dân ít Mác Lê, thậm chí không có, nhưng vẫn trục lợi. Những người như anh Dũng phải bơi trong cái biển xám xịt lộn xộn, đó là điều không hề dễ dàng.

Và như tôi nói ở trên, khi đã trở thành “black sheep”, không còn là “princelings” (thái tử đảng) nữa, thì hệ thống sẽ khép lại, black sheep rất khó sinh tồn dưới những cái bóng của bọn hoạt đầu chính trị bên trên.

Dù sao đi nữa, khi anh Dũng từ bỏ vị trí thái tử đỏ, với con đường hoạn lộ mênh mông trong hệ thống “giai cấp mới” (New Class, từ của Milovan Djilas), thì đó là một sự can đảm và chính trực ít thấy, không phải như những kẻ “bất đồng tham nhũng” mà tôi từng đề cập đến trong những bài viết trên diễn đàn này.

Là người có khả năng trình bày phản biện khúc chiết và rõ ràng, sớm hay muộn thì anh Dũng cũng sẽ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt, để triệt tiêu những chỉ trích trên không gian mạng, điều duy nhất họ còn lo ngại hiện nay.

Việc tuyên án 15 năm tù nặng nề, là lời cảnh cáo các black sheep khác, khi hào quang cách mạng của gia đình họ đã tàn phai, khi cách mạng muốn ăn thịt những đứa con của mình, khi một thế hệ mới những thái tử đỏ đang cầm quyền, nhiều thủ đoạn và tiền bạc.

Có lẽ anh Dũng cũng đã lường được tình trạng của mình. Ngay trước ngày anh bị bắt không lâu, trong một buổi tối Sài Gòn nóng bức, tôi cảm thấy trong ánh mắt của anh một sự buồn bã tuyệt vọng.

Trong suốt bài viết này tôi dùng đại từ nhân xưng Anh, không phải là Ông, để tránh sự xa cách buồn bã mà vốn dĩ thế hệ của chúng tôi đã không tránh khỏi, cũng như dân tộc này đã không tránh khỏi.

MỘT PHONG TRÀO ĐỐI LẬP COI NHƯ ĐÃ CHẾT

TRỊNH HỮU LONG /TD 5-1-2021

Ba nhà báo hôm nay bị kết những cái án văn tự ngục dài đằng đẵng. Người già, người trẻ.

Kết án 11 năm với người già như bác Nguyễn Tường Thụy, năm nay đã 70 tuổi, thì tức là họ ý thức trong đầu rằng đây rất có thể là án chung thân.

Còn với người trẻ như bạn Lê Hữu Minh Tuấn, 31 tuổi, 11 năm tới là những tháng năm sung sức nhất cuộc đời.

Với anh Phạm Chí Dũng, 55 tuổi, sau 15 năm thụ án là 70 tuổi, nghĩa là gần như hết khả năng cống hiến.

Không ai bất ngờ với những cái án dài thế này, cũng đã quá quen để giận dữ, nhưng chua xót thì có.

Xưa, sau mỗi phiên tòa thế này, nhiều người lại lớn tiếng mỉa mai chính quyền rằng chế độ này tồn tại được bằng số năm kết án người ta không. Cách nói này thực ra là bắt chước bà Võ Thị Thắng, cán bộ cộng sản bị Việt Nam Cộng hòa bắt trong chiến dịch Mậu Thân. Có điều, cho đến nay, mới chỉ có bà Thắng nói đúng. Không có gì để tin là sẽ có thay đổi gì lớn trước năm 2036, thời điểm mãn hạn tù của anh Phạm Chí Dũng.

Kể từ cuối những năm 1980, khi Đông Âu bắt đầu sụp đổ, người ta đã luôn nuôi hy vọng vào một sự sụp đổ rất sớm ở Việt Nam. Ban đầu người ta dự báo là đầu những năm 90, sau rồi dự báo tiếp là “cùng lắm là năm 2000 thôi”, rồi tiếp theo nữa là 2010. Rất nhiều phong trào, hội nhóm đối lập cả trong và ngoài nước đã đấu tranh dựa trên cái giả định sụp đổ thượng tầng rất sớm như vậy. Họ đã phải đi từ hết thất vọng này tới thất vọng khác.

Ba nhà báo trên của Hội Nhà báo Độc lập, và nhà báo Phạm Đoan Trang, bị kết án, bị bắt giữa lúc gần như toàn bộ phong trào đối lập Việt Nam đang say và mê một vị tổng thống vốn đang ra sức đạp đổ những giá trị và thiết chế dân chủ ở một cường quốc dân chủ (may là chưa thành công). Và hôm nay, rất nhiều người đang nô nức vào kết quả của cuộc “đảo ngược kết quả bầu cử” vào ngày mai ở Mỹ.

Đó là một tình thế tréo ngoeo đến cùng cực, một bi kịch khó có thể lớn hơn cho một phong trào vốn gọi tên mình là dân chủ. Những giá trị dân chủ vốn lạ lẫm với người Việt Nam đã phải cố gắng lắm mới bén rễ được qua vài chục năm qua, nay đã bật gốc.

Với phiên tòa Hội Nhà báo Độc lập và sắp tới là phiên tòa Đoan Trang, một phong trào đối lập coi như đã chết.

LỜI NÓI SAU CÙNG

NGUYỄN VĂN MIẾNG/ TD 5-1-2021

Phiên tòa sơ thẩm xét xử ba nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam ngày 05/01/2021

1- PHẠM CHÍ DŨNG

Tôi xin cám ơn các cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán đã quan tâm đến nền báo chí Việt Nam.

Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền “tự do báo chí” của Việt Nam.

Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này.

2- NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tất cả những bài báo của tôi đều là những trăn trở đối với đất nước và dân tộc.

Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường.

3- LÊ HỮU MINH TUẤN

Đề nghị Tòa xem xét lại mục đích của chúng tôi.

Tôi có niềm tin nhà nước sẽ thực tâm đối với các quyền dân sự.

Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên.

_____

Lân Tường ThụyAi cũng hiểu được công lý ở những phiên toà chỉ là trò hề

Tôi biết mọi người nóng lòng muốn biết phiên toà xét xử ra sao, nhưng thực sự tôi quá mệt. Ngày hôm kia ăn chay, ngày hôm qua buổi trưa ăn chay, buổi tối nhịn. Sáng nay nhịn vì hy vọng đến phiên toà với thân thể chay tịnh để mong phép màu, nhưng điều đó không đến.

Anh Thuỵ đề nghị 10-11 năm nhưng nó phệt 11 năm bởi anh khăng khăng là không thu được bằng chứng gì khi khám xét nhà, tất cả các bài là lấy từ trên mạng nên không biết bài nào của anh, bài nào của người lấy tên anh.

Về facebook thì có lần bị hack nên facebook anh không nhận là của riêng mình. Bản cáo trạng cũng nêu rõ như vậy, còn Phạm Chí Dũng thì khi bắt thu được quyển sổ trong đó có ghi lại về công việc và các thành viên chứ không phải ai khai ra ai.

Tinh thần của cả ba người đều rất bình thản khi toà tuyên án, bởi ai cũng hiểu được công lý ở những phiên toà chỉ là trò hề. Ngoài hình phạt tù và ai cũng 3 năm quản chế kèm theo phải nộp tiền xung công quỹ. Số tiền này họ nói là nhận tiền nhuận bút và tiền từ các tổ chức phi chính phủ, lúc đó thật sự muốn chửi đm chúng mày, chúng mày tham ô là tiền của dân sao chúng mày không thu.

Trong lúc đầu vào phiên toà thẩm phán đọc ai là nhân chứng sẽ được thanh toán chi phí. Cuối phiên toà tôi chạy lên hỏi thẩm phán, tôi là nhân chứng đây, bây giờ tôi đến chỗ nào để thanh toán chi phí thì bị công an đẩy ra ngoài. Tôi chỉ nhớ ông Thuỵ phải nộp 180.110 ngàn đồng (một trăm tám mươi triệu, một trăm mười ngàn đồng), Tuấn 445 triệu đồng, Dũng thì nhiều lắm chắc lên đến tiền tỷ.

Cũng xin nói thêm rằng, trong phiên toà vì lý do sức khoẻ nên công an đề nghị thẩm phán cho ông Nguyễn Tường Thuỵ ngồi, không phải đứng nghe toà phán xử, ba người đều gầy nên mỗi lần đứng thì 3 người đều lấy tay kéo quần vì sợ bị tụt (quần áo mặc là của họ, gia đình không được gửi vào).

PHÚC THẨM VỤ ÁN 'HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM' SẼ NHƯ THẾ NÀO ?

 HOÀI NGUYỄN/ BVN 7-1-2021

Liệu các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn có quyết định ‘chống án’ bằng yêu cầu phúc thẩm, từ ít nhất cũng là loạt vấn đề còn chưa được làm rõ như biện giải ở trên?

VNTB – Phúc thẩm vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” sẽ như thế nào?

    Hội đồng xét xử nhận định, tại phiên tòa mặc dù các bị cáo không thừa nhận hành vi của mình là phạm tội nhưng đã khai nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Vì vậy, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.

    Thế nào là ‘đúng tội’ khi đương sự không cho rằng đây là ‘tội’?

    Bản tin trên báo Thanh Niên cho biết:

    “Theo cáo trạng, từ năm 2014, 3 bị cáo trên thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước. Từ đó nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền nên bị cáo Phạm Chí Dũng khởi xướng thành lập “hội nhà báo độc lập Việt Nam”, do bị cáo làm Chủ tịch, Thụy giữ vai trò Phó chủ tịch.

    Mục đích, quan điểm hoạt động của hội là đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập(1).

    Bản tin trên báo Phụ nữ TP.HCM tường thuật về vụ án này, có đoạn tường thuật về nhận định của Hội đồng xét xử(2):

    “Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước, cần phải bị xử lý nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung”.

    Theo tường thuật của báo chí thì các bị cáo không cho rằng hành vi viết báo nhằm “đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập” là vi phạm pháp luật. Điều này có căn cứ, từ việc ở Việt Nam cho đến nay chưa có một văn bản pháp quy nào phủ nhận thể chế chính trị tam quyền phân lập; và cũng chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh hành vi hình sự về kêu gọi thực thi tam quyền phân lập.

    Một vấn đề cần bàn luận tiếp theo: cáo trạng ghi kể từ thời gian năm 2014 là bắt đầu dấu hiệu cho chuẩn bị vi phạm pháp luật hình sự. Đến cuối tháng 11-2019, người đứng đầu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mới bị ‘bắt giữ hình sự’.

    Theo tường thuật đăng trên báo Thanh Niên:

    “Tính từ ngày 4-7-2014 đến 21-11-2019, hai trang web và blog “Việt Nam Thời Báo” đã đăng tải hơn 23.500 bài viết, trong đó Dũng viết và đăng tải khoảng 1.530 tin bài, Nguyễn Tường Thụy 245 tin bài và Minh Tuấn 534 tin bài.

    Qua giám định, cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Phạm Chí Dũng, 5 bài viết của Nguyễn Tường Thụy và 6 bài viết của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

    Mức án 15 năm tù cho 25 bài báo, và 11 năm tù cho 5 và 6 bài báo: những con số đó cho thấy ‘sự nặng ký’ của nội dung cụ thể từng bài báo kéo dài suốt hơn 5 năm. Bởi xét về so sánh số lượng thì 25 bài/1.530 tin, bài; 5 bài/245 tin, bài; và 6 bài/534 bài, quả là khó thể đủ sức gọi là “gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước” như tường thuật của báo Phụ nữ TP.HCM.

    Giả dụ như yêu cầu đặt ra của các đương sự về phiên phúc thẩm, là cần những biện chứng khoa học về nghiệp vụ gọi là ‘giám định’ bài viết đăng báo, liệu có được cơ quan tố tụng chấp nhận? Điều này thể hiện ở ngay phiên sơ thẩm - như tường thuật của luật sư Đặng Đình Mạnh:

    “Trong phiên tòa, cả ba ông đều thừa nhận toàn bộ việc thành lập, tham gia Hội Nhà báo độc lập, việc viết báo với mục đích cổ súy cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, dân chủ và nhân quyền là những quyền theo hiến pháp quy định. Nhưng không cho rằng những hành vi ấy vi phạm pháp luật Việt Nam”.

    Báo Thanh Niên cũng nhắc điều tương tự lời thuật của luật sư Đặng Đình Mạnh: “Hội đồng xét xử nhận định, tại phiên tòa mặc dù các bị cáo không thừa nhận hành vi của mình là phạm tội nhưng đã khai nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố”.

    Liệu các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn có quyết định ‘chống án’ bằng yêu cầu phúc thẩm, từ ít nhất cũng là loạt vấn đề còn chưa được làm rõ như biện giải ở trên?

    ***

    Lời nói sau cùng

    Phiên tòa sơ thẩm xét xử ba nhà báo thuộc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ngày 05/01/2021

    PHẠM CHÍ DŨNG

    Tôi xin cám ơn các cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán đã quan tâm đến nền báo chí Việt Nam.

    Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền “tự do báo chí” của Việt Nam.

    Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này.

    NGUYỄN TƯỜNG THỤY

    Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

    Tất cả những bài báo của tôi đều là những trăn trở đối với đất nước và dân tộc.

    Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường.

    LÊ HỮU MINH TUẤN

    Đề nghị Tòa xem xét lại mục đích của chúng tôi.

    Tôi có niềm tin nhà nước sẽ thực tâm đối với các quyền dân sự.

    Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên.

    Ls Nguyễn Văn Miếng (ghi)

    H.N.

    VNTB gửi BVN.

    LOÀI KỲ NHÔNG LUÔN SỢ ÁNH ĐÈN

    TRẦN TRUNG ĐẠO/ TD 6-1-2021

    Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn vừa bị CSVN kết án một bản án dài tổng cộng lên tới 37 năm tù và 9 năm quản chế. Phạm Chí Dũng 15 năm, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm.

    Họ chẳng phải là Nelson Mandela, Václav Havel hay Andrei Sakharov mà chỉ là những người Việt bình thường không thể làm ngơ trước một cơ chế chính trị độc tài, một xã hội bất công, thối nát.

    Cả ba đều là nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam. Như anh Nguyễn Tường Thụy phát biểu, anh chỉ nói lên “những trăn trở đối với đất nước và dân tộc.” Lê Hữu Minh Tuấn khẳng định: “Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội.” Phạm Chí Dũng, tác giả của Chính Luận 2013, mỉa mai chế độ: “Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền ‘tự do báo chí’ của Việt Nam.”

    Nhưng đảng CSVN, giống như loài kỳ nhông chỉ thích sống trong bóng tối, rất sợ ánh đèn.

    Nhân việc ba nhà báo bị tù, mời đọc vài phương pháp mà các tổ CS hay dùng để loại bỏ kẻ thù.

    Ngay từ thời Lenin, ba phương pháp đã được các chế độ CS dùng để vô hiệu hóa một đối tượng: cô lập, trung lập hóa và thỏa hiệp. Trong một nghĩa đơn giản nhất, cô lập là ngăn chận các nguồn thông tin cũng như mọi mối liên hệ đến và đi từ đối phương. “Trung lập hóa” là làm cho khả năng của đối phương không còn tác dụng bằng cách áp dụng một lực tương xứng vào đối phương. “Thỏa hiệp” là nhân nhượng để có lợi cho cả hai bên.

    CSVN không có khả năng tạo một lực tương xứng nhằm “trung lập hóa” các thành phần chống đối và cũng không dám phiêu lưu “thỏa hiệp” với các thành phần chống đối nên thường chỉ áp dụng biện pháp thứ nhất, nhanh gọn là bỏ tù những ai chống đối.

    Mao Trạch Đông từng nói nhiệm vụ của đảng CS không chỉ thắng kẻ thù nhưng quan trọng hơn là phân hóa kẻ thù. “Phân hóa kẻ thù” theo quan điểm của Mao là làm cho mọi người chung quanh ghét bỏ, khinh bỉ, xa lánh đối tượng cùng lúc khai thác các mâu thuẫn nội bộ đối phương để kẻ thù của đảng tiêu diệt lẫn nhau. Qua bộ máy tuyên truyền, Mao áp dụng biện pháp này một cách triệt để đối với nền Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc non trẻ vốn đã đầy phân hóa nội bộ và nạn quân phiệt hoành hành tại Trung Quốc.

    Hai nhà nghiên cứu Ming Chu-cheng và Flora Chang trên Đài Bắc Thời Báo (Taipei Times) đã dựa vào các tài liệu của Nhật, Đệ Tam Quốc Tế CS và của chính Chu Ân Lai, để kết luận trong số 23 trận đánh lớn giữa liên minh quốc cộng chống Nhật từ 1937 đến 1945, phe CSTQ không tham dự bất cứ trận đánh lớn nào, nhưng cuối cùng đã thắng. Mao thắng phần lớn nhờ tuyên truyền.

    Gắn cho một người tranh đấu nào đó cái nhãn “dân chủ cuội” hay “đấu tranh để được ra nước ngoài” là cách dễ nhất để cô lập một đối tượng.

    Với trình độ nhận thức chính trị còn thấp và suy nghĩ nặng cảm tính của nhiều người Việt, đảng CS không cần phải lập lại ba lần như trong chuyện “Tăng Sâm giết người” mà chỉ chụp mũ một lần cũng đủ làm mọi người xa lánh đối tượng mà chế độ cần cô lập. Cho tới nay đảng CSVN chứng tỏ rất thành công với chiêu thức rất căn bản, quen thuộc nhưng hữu hiệu này.

    Đừng tự nguyện thực thi chủ trương “phân hóa kẻ thù” giùm cho đảng CS. Đừng để lòng yêu nước bị CS khai thác như CS đã từng làm khi đẩy nhiều triệu tuổi trẻ miền Bắc vào lò lửa chiến tranh và dụ dỗ nhiều tuổi trẻ miền Nam trở thành những tay sai cho đảng lũng đoạn xã hội miền Nam trước năm 1975.

    Còn những kẻ cơ hội thì sao? Những kẻ cơ hội bao giờ cũng có, ở đâu cũng có, ngành nghề nào cũng có, lãnh vực nào cũng có và xã hội nào cũng có.

    Phong trào dân chủ Việt Nam còn non trẻ, phân tán, lỏng lẻo và phải đương đầu với khó khăn từ mọi phía, khó có thể tránh khỏi những người núp dưới chiếc dù “tự do dân chủ” để kiếm sống hay trục lợi bằng việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác. Sống bằng “nghề chống Cộng” là một thực tế cơm gạo đối với một số người.

    Tuy nhiên, không nên từ vài kẻ cơ hội để suy ra hay đánh mất niềm tin vào cả một phong trào. Cuộc đấu tranh này là của người Việt Nam và chỉ người Việt Nam mới đau, mới xót cho thân phận của mình, mới yêu thương đất nước mình và mới sống chết vì tương lai con cháu mình.

    Đâu năm 2021 này có ai biết Lê Chí Quang, một người đã từng đánh thức nhiều người với bài viết “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” hai chục năm trước bây giờ đang ở đâu, làm gì, còn có mặt hay không trên hành trình tranh đấu hôm nay?

    Chắc không nhiều người nhớ tên anh.

    Nhưng nhớ hay quên không phải là điều quan trọng. Trên chặng đường tranh đấu gian nan, có những người đứng chờ ở mỗi sân ga để bước lên cùng đi với đất nước. Cũng ngay tại sân ga đó lại có người bước xuống theo chọn lựa riêng của mình. Họ mệt mỏi, họ chán nản, họ hết năng lực, họ thỏa hiệp hay có thể vì bất cứ lý do nào. Dù chọn lựa của họ là gì đi nữa vẫn cám ơn những cống hiến của họ, và có họ hay không con tàu vẫn tiếp tục băng trên đường lịch sử mang theo những hành khách mới.

    Hành khách mới hôm nay là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và một danh sách trên 200 tù nhân hiện đang sống trong địa ngục trần gian ở Việt Nam. Họ lên đường đi làm lịch sử. Những ai đang sống trong xã hội tự do hay còn đang có một chút tự do, hãy làm tất cả những gì có thể làm được để những đóng góp của họ không trở thành vô nghĩa.

    Đừng nản chí. Khúc sông hẹp và nhiều ghềnh đá đương nhiên rong rêu, rác rến cũng đọng lại nhiều. Nhưng khi sông rộng và nước chảy mạnh, những rong rêu, rác rến kia sẽ bị cuốn đi nhanh. Cách mạng dân chủ cũng thế.

    Các cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu CS trước đây hay Bắc Phi độc tài trong thập niên vừa qua cho thấy, một khi ngọn gió đổi chiều đại đa số người dân đều muốn đứng về phía dân chủ, phía tự do. Ngay cả hôm nay, một người có chút tự trọng cũng không muốn ai biết mình là đảng viên đảng CS chứ đừng nói chi khi cách mạng dân chủ bùng nổ.

    Khi nào cách mạng dân chủ diễn ra khó biết trước. Nếu biết trước được thì János Kádár, Tổng Bí Thư đảng CS Hungary đã không để mộ mình sau khi chết còn bị đào lên. Nếu biết trước được thì vợ chồng Nicolae Ceaușescu đã không để bị xử bắn. Nhưng cách mạng dân chủ sẽ đến cho Việt Nam. Đó không phải là ước mơ hay lời cầu nguyện mà là một quy luật xã hội. Nhanh hay chậm nhưng sẽ đến.

    Không bạo quyền nào có thể bỏ tù được nhận thức của con người. Nhận thức sẽ lớn lên và bùng vở thành cách mạng.

    Đừng làm kỳ nhông hay đứng về phía loài kỳ nhông mà hãy tiếp tay với Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn soi sáng con đường dân chủ Việt Nam.

    VÀI GHI CHÉP VỀ VIỆC THÊM MẤY NHÀ BÁO VỪA BỊ BỎ TÙ

    JONATHAN LONDON/ BVN 7-1-2021

    Mới hôm qua, tôi thấy một tin buồn là anh Phạm Chí Dũng bị xử phạt 15 năm tù, trong khi các anh Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bị 11 năm tù cùng về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước”. Về những cáo buộc này, tôi không có đủ tư cách để đánh giá một cách khách quan vì thiếu thông tin.

    Song, như đã viết trước đây, tôi cũng như nhiều người khác nghi ngờ sâu sắc về cáo buộc “lật đổ” dù tôi biết một số ý kiến của những người này khác với chủ chương của chính quyền. Liệu có bằng chứng gì từ một nguồn độc lập và tin cậy có thể được công bố? Tôi đọc trên tờ báo TT là:

    “Cụ thể, từ năm 2014 đến khi bị bắt, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và nước ngoài, từ đó nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền”.

    “Phạm Chí Dũng có 25 bài viết, Nguyễn Tường Thụy có 5 bài viết, và Lê Hữu Minh Tuấn có 6 bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

    Tôi không rõ bị cáo đã tiếp xúc như thế nào và với những đối tượng nào. Tôi không rõ việc phản biệt một số điều về Đảng hay Nhà nước có nên cần thiết bị xem là hành vi chống phá Nhà nước?

    Liệu việc phản biện một số điều về đảng hay nhà nước có nên bị xem là hành vi “chống phá Nhà nước” ? Tôi quên ko ít người giữ quan điểm như thế. Ví dụ trên mạng có một bạn đọc góp ý là:

    Phạm Chí Dũng là kẻ bất chấp pháp luật VN đã kêu gọi lật đổ chế độ mà y được yêu, được nuôi dưỡng, được trưởng thành, y còn có bố là cán bộ cao cấp của Đảng nữa… loài như vậy chúng tôi gọi là kẻ “ăn cháo đái bát”, hay “qua cầu rút ván”. Loài ấy lẽ ra phải bị nhốt suốt đời trong bóng tối mới đúng!

    Nhưng tôi lại nghĩ chưa chắc. Tôi thấy việc PCD và mấy người khác bị bỏ tù là một sai lầm của Việt Nam trên đường tiến lên một xã hội văn minh. Tôi sẽ giải thích tại sao bằng cách nêu lên một vấn đề cơ bản trong ngành báo chí. Cụ thể, tôi xin nêu một vấn đề rất khó thực hiện ở Việt Nam đối với những người muốn trở thành “nhà báo” hoặc là “nhà báo độc lập”.

    Đây là một điều tôi đã từng nêu cho chính Phạm Chí Dũng cách đây vài năm. Cụ thể, tôi đã khuyên bạn ấy làm tờ báo đó phân biệt rõ hơn về nội dung thời sự (khách quan) và nội dung biên tập (phản biện ý kiến). (Dù trong 2-3 năm qua tôi không còn liên lạc với bạn ấy hay với bạn Phạm Đoan Trang vì bị chính quyền VN loan báo trực tiếp).

    Đó là, khi cố gắng phát triển một tờ báo, hoặc là đóng vai nhà báo độc lập, nên cố gắng phân biệt rõ nội dung thời sự (chức năng news reporting) và nội dung biên tập (chức năng vừa quản lý tờ báo vừa có một không gian nhất định trên tờ báo để đưa ra ý kiến của ban biên tập).

    Làm được như thế là rất khó ở Việt Nam… Ở Việt Nam hoàn toàn không có điều đó, dù là báo Nhân Dân hay là báo Việt Nam Thời Báo.

    Bạn Phạm Đoan Trang và bạn Phạm Chí Dũng đang ngồi tù vì chính quyền không chấp nhận có hai nhân vật có số lượng khán giả khá là đông đảo đăng những bài phản biện thường xuyên.

    Mời các bạn trong và ngoài bộ máy tưởng tượng một chút. Ví dụ từ đầu đến cuối vụ Đồng Tâm sẽ tiếp diễn như thế nào nếu có một nền báo chí chuyên nghiệp hơn? Có lẽ sẽ tránh được vụ chết người chứ…?

    Riêng đối với bạn Phạm Đoan Trang - người đã từ lâu phải chịu sự khủng bố - đã rơi vào tình trạng phải lên án một cách mạnh nhất những hành vi hành hung khủng bố đó, điều đó đã làm cho cuộc đời của bạn ý trở thành địa ngục ngay trên đất nước của mình. Tôi đoán chính quyền muốn bắt một phần vì không chịu được Trang liên tục chửi họ.

    Tất nhiên, không nên chỉ trích những người như Phạm Chí Dũng hay Phạm Đoan Trang chưa thực hiện được sự phân biệt giữa nội dung thời sự và nội dung biên tập như đã nêu trên.

    Song, tôi xin đề nghị với những ý định tốt nhất những người trong hoặc ngoài bộ máy để cố gắng làm điều đó. Vì làm công việc nhà báo một cách khách quan nhất có thể nên là tiêu chuẩn và mục tiêu của Việt Nam. Làm như thế mới có thể trên con đường như Hàn Quốc, Đài Loan, và mới bác bỏ mô hình Hoa Lục.

    Rõ ràng khuyên Việt Nam có một ngành báo chí chuyên nghiệp hơn sẽ không lập tức giúp đỡ những người bị tù. Viết “Việt Nam nên như thế này, nên như thế kia” thực sự có giá trị hay không? Chưa chắc. Xong, xác định cùng nhau một cách rõ ràng Việt Nam đang thiếu cũng có thể là một bước tiến cho người dân và đất nước. Vậy nên tôi góp ý thôi.

    J.L.

    Nguồn: jonathanlondon.net/2021/01/06

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét