Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

20210111. THÁO MÁC 'THAO TÚNG TIỀN TỆ'

ĐIỂM BÁO MẠNG

VIỆT NAM VÀ NỖI OAN THAO TÚNG TIỀN TỆ
NHÓM TG /ND 21-12-2020
(Ảnh minh họa)

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hiện đại, ổn định, minh bạch, là điểm đến của nguồn nhân lực và dòng vốn quốc tế, hiển nhiên việc Việt Nam “phá giá đồng tiền” là một điều bất hợp lý. Do không nguồn vốn hay quyết định đầu tư khôn ngoan nào muốn lựa chọn một điểm đến đầy rủi ro khi đồng tiền bị chủ động phá giá.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng Việt Nam không phải là một nước thao túng tiền tệ. Điều này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính chức trả lời vào ngày 17-12-2020, một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” trong đó nhận định Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, là đang thao túng tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định rằng các chính sách tiền tệ của Việt Nam, được ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng chắc chắn "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”.

Quan trọng hơn nữa, phân tích sâu chiến lược phát triển của Việt Nam cũng sẽ thấy rõ tại sao Việt Nam không hề có ý đồ và hành động “thao túng tiền tệ” vì lợi ích.

Đối với Mỹ, mác “thao túng tiền tệ” được xác định chủ yếu tập trung ở việc một quốc gia liên tục phá giá đồng nội tệ (giá trị danh nghĩa hoặc thực tế) nhằm làm hàng hoá xuất khẩu rẻ đi và tăng khả năng thâm nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường của Mỹ.

Đây có lẽ là một chiến lược hợp lý đối với các nền kinh tế thực hiện chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu (export-oriented countries), thí dụ như Trung Quốc giai đoạn 1990-2010 hay Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Ireland hiện nay.

Tuy nhiên, Việt Nam mở cửa nền kinh tế với mục tiêu rộng hơn thế, là để hội nhập, liên thông và bắt kịp với sự phát triển chung của thế giới. Một mặt Việt Nam sẵn sàng quảng bá và cung ứng ra toàn thế giới những sản phẩm đặc thù của mình, như nông sản, da giầy, dệt may, hàng điện tử, … đồng thời sẵn sàng nhập khẩu những sản phẩm khác theo đòi hỏi của thị trường nội địa, bao gồm cả linh kiện điện tử, ô-tô, máy bay, điện thoại, nông sản và các loại nguyên vật liệu.

Quan trọng hơn hết là Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hiện đại, ổn định, minh bạch, là điểm đến của nguồn nhân lực và dòng vốn quốc tế.

Khi hiểu rõ chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam như vậy, hiển nhiên việc Việt Nam “phá giá đồng tiền” là một điều bất hợp lý. Không nguồn vốn hay quyết định đầu tư khôn ngoan nào muốn lựa chọn một điểm đến đầy rủi ro khi đồng tiền bị chủ động phá giá. Vì vậy, đây cũng là điều mà Việt Nam chắc chắn không muốn làm.

Khái niệm “quốc gia thao túng tiền tệ” của Mỹ

Khái niệm “quốc gia thao túng tiền tệ” là một sản phẩm đặc trưng độc đáo của Mỹ, duy nhất được Mỹ thể chế hóa thành một nội dung trong Luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

TS Nguyễn Xuân Hải 

Trong Luật này, Tổng thống Mỹ, qua Bộ Tài chính, phải thực hiện báo cáo hai lần một năm về chính sách kinh tế và tỷ giá quốc tế, gồm nhiều khía cạnh như thặng dư thương mại, thặng dư cán cân vãng lai, mua bán ngoại hối, chính sách tiền tệ, chính sách kiểm soát dòng vốn, hoạt động tỷ giá, tích luỹ ngoại hối và tất cả các hoạt động liên quan khác.

Trên cơ sở báo cáo tổng quan, Tổng thống Mỹ có thể gắn mác “thao túng tiền tệ” cho một quốc gia và có quyền đẩy nhanh các đàm phán, hoặc trực tiếp hoặc qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để yêu cầu các quốc gia đó có những điều chỉnh chính sách hợp lý.

Căn cứ trên Luật này, khi một nước được xác định là thao túng tiền tệ sẽ không được phép tham gia vào các hợp đồng kinh tế với Chính phủ Mỹ.

Năm 2015, dưới thời Tổng thống Obama, Luật Xúc tiến và Thực thi Thương mại (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act) được ban hành, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính phải thực hiện báo cáo đối với từng đối tác thương mại lớn và mở rộng các biện pháp “trừng phạt” các quốc gia được xác định là thao túng tiền tệ, thí dụ như áp dụng thuế quan và các rào cản thương mại. Tuy nhiên, các biện pháp chỉ có thể được áp dụng sau ít nhất một năm đàm phàn.

Kể từ đó tới nay, Bộ Tài chính Mỹ đã thực hiện các báo cáo đều đặn dựa trên ba tiêu chí, bao gồm (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trong khoảng thời gian 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng trong 12 tháng tương đương ít nhất 2% GDP. Khi một quốc gia “thỏa mãn” cả ba tiêu chí này, Mỹ sẽ gắn mác “quốc gia thao túng tiền tệ” và các bước tiếp theo được tiến hành.

Tính đến nay, Mỹ đã dựa trên báo cáo đơn phương của mình và gán mác “thao túng tiền tệ” cho Hàn Quốc vào năm 1988, Đài Loan (Trung Quốc) lần thứ nhất cũng vào năm 1988 và lần tiếp theo vào năm 1992, Trung Quốc trong 3 năm liên tục từ năm 1992 đến 1994.

Đáng chú ý là tháng 8 năm 2019, Trung Quốc cũng bị gán mác “thao túng tiền tệ” nhưng không xuất phát từ bất kỳ báo cáo nào. Khi kỳ báo cáo tháng 1 năm 2020 được công bố, Trung Quốc không vi phạm đủ ba tiêu chí kể trên và vì vậy mác “thao túng tiền tệ” cũng được gỡ bỏ.

Hai vấn đề cần được hiểu đúng

Thứ nhất, về lý luận, ba tiêu chí do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra không phải là căn cứ vững chắc để xác định một quốc gia có hay không thao túng tiền tệ. Như đã nêu ở trên, đối với Mỹ, thuật ngữ “thao túng tiền tệ” được dùng để xác định việc một quốc gia can thiệp vào tỷ giá ngoại hối, giảm giá trị nội tệ so với đồng đô-la Mỹ (giá trị danh nghĩa hoặc thực tế) để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một lý thuyết kinh tế - tài chính quốc tế nào có thể khẳng định thế nào “tỷ giá đúng” giữa hai loại tiền tệ, cũng như các tiêu chí để xác định tỷ giá này.

Trong khung lý thuyết đơn giản nhất về tỷ giá danh nghĩa, tỷ giá trên thị trường, thí dụ giữa VND và USD, thường được xác định tương đối bởi (i) lãi suất cơ bản ở Việt Nam; (ii) lãi suất cơ bản ở Mỹ; và (iii) chính sách tiền tệ lâu dài của cả hai quốc gia. Và theo khung lý thuyết này, với chính sách lãi suất đã ở mức thấp kỷ lục và lượng tiền cơ sở tăng hơn gấp 4 lần từ sau khủng hoảng 2008-2009 đến nay, có vẻ như chính Mỹ mới là nước muốn thực hiện chính sách đồng đô-la yếu và có xu thế “thao túng tiền tệ”.

Bên cạnh đó, nếu “tỷ giá thực tế” được sử dụng làm thước đo trong việc xác định “quốc gia thao túng tiền tệ”, các khung lý thuyết cơ bản nhất về “tỷ giá thực tế” cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố đặc thù của nền kinh tế, như trình độ phát triển, thu nhập bình quân và cấu phần các giỏ hàng hoá tương ứng với nền kinh tế được đánh giá và nghiên cứu kỹ.

Khi sử dụng các chỉ số mô phỏng “tỷ giá thực tế”, thí dụ như chỉ số “Big Mac” dựa trên giá cả của bánh kẹp thịt của hãng McDonald, một chỉ số do Tạp chí Economist xây dựng, hay chỉ số Billy của Bloomberg, chỉ số toàn cầu “Chai Latte” của Versus hay các chỉ số chính thống do IMF và các quốc gia đề xuất, “tỷ giá thực” giữa các đồng tiền thường có sự chênh lệch khá lớn. Việc đánh giá một đồng tiền có giá trị thật cao hơn, hay thấp hơn một động tiền khác là rất khó, nếu không muốn khẳng định là không thể.

Nói cách khác, việc Bộ Tài chính Mỹ sử dụng ba tiêu chí nêu trên để xác định “quốc gia thao túng tiền tệ” là thiếu căn cứ khoa học vững chắc, chưa đi vào bản chất vấn đề. Mạch lý luận giữa ba tiêu chí đưa ra và việc “thao túng tiền tệ” gần như không tồn tại.

Thứ hai, trên phương diện thực tiễn, dù đúng dù sai thì chính phủ Mỹ là chính phủ hành pháp và Bộ Tài chính Mỹ đang thực hiện các báo cáo trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các điều luật nội địa.

Điều này thể hiện rõ ràng trong tất cả các báo cáo trước đó mà có thể tìm thấy trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ.[1] Những người chịu trách nhiệm chuẩn bị báo cáo bám sát một khung đề cương cơ bản, với các tiêu chí thống nhất và cách đánh giá hiện trạng minh bạch.

Với các tiêu chí như vậy, ít nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, khi một quốc gia “thỏa mãn” hai trong ba tiêu chí nêu trên được đưa vào danh sách theo dõi; “thỏa mãn” cả ba thì được đưa vào danh sách “thao túng tiền tệ”. Mặc dù mác “thao túng tiền tệ” không phản ánh đúng nội hàm của thuật ngữ, nhưng bản chất của hành động “gán mác” trong báo cáo là một thao tác thuần túy mang tính kỹ thuật trong trường hợp này.

Nói một cách khác, việc Việt Nam nằm trong danh sách “thao túng tiền tệ” trong báo cáo gần đây nhất không phải là một tín hiệu kém tích cực trong quan hệ ngoại giao đang ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như mối quan tâm của cá nhân Tổng thống Trump đối với Việt Nam.

Như vậy, các phán đoán, hồ nghi về các yếu tố tiềm ẩn liên quan đến mâu thuẫn chính trị có thể được loại trừ; thay vào đó, các vấn đề kỹ thuật và thuần tuý kinh tế cần được ưu tiên nghiên cứu và giải quyết.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Từ góc độ kiểm soát khủng hoảng, việc tăng tích trữ ngoại hối thông qua hoạt động thu mua đô-la Mỹ - đồng tiền thống trị trong dự trữ và thanh toán quốc tế - của Việt Nam là một động thái phòng ngừa khủng hoảng điển hình trong điều hành chính sách tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào.

TS Nguyễn Xuân Hải 

Có thể nói, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến Việt Nam rơi vào vị thế hiện tại lại xuất phát từ chính sự thành công nổi trội trong phòng chống dịch Covid 19 cùng những nỗ lực của Việt Nam trong hỗ trợ các quốc gia khác ứng phó với dịch bệnh.

Khi đại dịch Covid-19 nổ ra và kéo dài trong cả năm 2020, Việt Nam nổi bật trên bức tranh quốc tế với khả năng khống chế dịch thành công. Ngoài 15 ngày đầu tháng Tư buộc phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, các hoạt động kinh tế nội địa của Việt Nam diễn ra gần như bình thường trong suốt cả năm.

Tương phản với đó, hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu và Mỹ… đều phải không ngừng kéo dài, thậm chí là gia tăng các biện pháp giãn cách trên diện rộng, gây ảnh hưởng sâu sắc đến các hoạt động kinh tế - xã hội tại các quốc gia đó.

Tình trạng các nhà máy phải đóng cửa, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lượng người thất nghiệp tăng vọt… diễn ra ở hầu hết các quốc gia.

Riêng ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 14,7% vào tháng 4-2020; 44.2 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch tính đến tháng 6-2020; và GDP của Mỹ cũng tăng trưởng (tính theo năm) ở mức âm 31,4% vào quý 2 năm nay.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn cơ bản hoạt động bình thường. Đặc biệt, khi các nền kinh tế khác rơi vào trạng thái ngưng trệ, Việt Nam ngoài việc thực thi các biện pháp hạn chế nhập cảnh để khống chế sự lây lan của dịch từ bên ngoài, vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu phục vụ các thị trường quốc tế, trong đó có Mỹ.

Không chỉ thế, khi các nước cần nhập khẩu các thiết bị và hàng tiêu dùng y tế để phục vụ công tác chống dịch, ứng phó dịch, Việt Nam cũng nằm trong số ít nước có thể đáp ứng được nhu cầu.

Thêm vào đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài từ 2018 tới nay cùng với việc Trung Quốc là nước đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19 đã khiến giá trị xuất khẩu một số mặt hàng của Trung Quốc sang Mỹ, bao gồm hàng điện tử, nội thất, máy móc thiết bị cơ khí, dày dép, may mặc v.v.. – những mặt hàng lợi thế của Việt Nam – sụt giảm nghiêm trọng.

Việt Nam, với nội lực sẵn có, đã khai thác thành công khoảng trống trong nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu, ngày càng gia tăng khả năng đáp ứng cho thị trường tiêu thụ của Mỹ trong suốt năm 2020. Thành công đó được thể hiện qua việc cán cân thương mại của Việt Nam, đặc biệt với Mỹ, nghiêng mạnh theo hướng thặng dư.

Từ góc độ kiểm soát khủng hoảng, việc tăng tích trữ ngoại hối thông qua hoạt động thu mua đô-la Mỹ - đồng tiền thống trị trong dự trữ và thanh toán quốc tế - của Việt Nam là một động thái phòng ngừa khủng hoảng điển hình trong điều hành chính sách tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào.

Trong suốt hai năm 2019-2020, tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, luôn bị đe dọa bởi bóng ma khủng hoảng tài chính và kinh tế khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung luôn có dấu hiệu leo thang và dịch Covid-19 kéo dài, không có dấu hiệu suy giảm.

Từ bài học của Khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010 và từ chính lời khuyên của các quốc gia phát triển (trong đó có Mỹ) và các tổ chức tài chính toàn cầu (như IMF), các quốc gia đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đều cần một lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để tránh hoặc xử lý được các cú sốc về tài chính và kinh tế.

Đặc biệt, trong điều kiện thực tế của Việt Nam là một nước thu hút được FDI khá lớn trong thời gian qua, và vì vậy, cũng chịu khá nhiều rủi ro nếu các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút vốn trong trường hợp khủng hoảng, việc gia tăng tích lũy ngoại tệ là một điều tất yếu Việt Nam cần phải làm để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới.

Như vậy, tính đến thời điểm Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 16-12-2020 vừa qua, Việt Nam “vi phạm” cả ba tiêu chí về thặng dư thương mại với Mỹ, thặng dư cán cân thương mại và thu mua ngoại hối là vì các lý do khách quan như dịch Covid-19; vì sự thành công trong công tác chống dịch Covid-19; cũng như sự chủ động trong việc hỗ trợ các nước khác trong công tác chống dịch; và vì sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đà tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới.

Như đã phân tích ở trên, ba tiêu chí Bộ Tài chính Mỹ đang áp dụng, không chỉ không có cơ sở lý luận, mà còn thiếu căn cứ thực tiễn để gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Trong giai đoạn tiếp theo, mác “quốc gia thao túng tiền tiền tệ” được dự đoán sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như mối quan hệ đối tác toàn diên Việt Nam – Hoa Kỳ.

Thứ nhất, sau khi kết quả Báo cáo của Bộ Tài chính được công bố, hai nước sẽ phải căn cứ vào kết quả này để thực hiện các đàm phán thương mại và phi thương mại kéo dài trong vòng một năm trước khi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ được áp dụng. Quá trình đàm phán sẽ giúp hai nước hiểu nhau hơn và là cơ sở để đề xuất và thống nhất các giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Thứ hai, khi dịch được kiểm soát với sự xuất hiện rộng rãi của vaccine chống Covid-19 trên thị trường, nền kinh tế thế giới sẽ dần khôi phục trạng thái bình thường, đưa môi trường thương mại quốc tế quay lại điểm cân bằng dài hạn. Khi đó, các biện pháp tích lũy để phòng ngừa rủi ro kinh tế, tài chính cũng sẽ không còn là ưu tiên và được giảm bớt.

Như vậy, các chỉ số của Việt Nam trong ba tiêu chí của Mỹ cũng sẽ quay lại trạng thái bình thường, phản ánh trung thực mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam trong các báo cáo tiếp theo. Việc Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách “nước thao túng tiền tệ”, vì vậy, cũng là điều được kỳ vọng.

Nhiệm vụ trước mắt của Việt Nam đơn giản là hiểu đúng bản chất sự việc, ổn định tâm lý nền kinh tế nội địa, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục tập trung cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.

Nguyễn Xuân Hải (TS Kinh tế, Đại học Johns Hopkins, Mỹ), Ths Lê Quỳnh Trang và nhóm chính sách Hathaway
VIỆT NAM TRONG NỖ LỰC THÁO MÁC THAO TÚNG TIỀN TỆ
LINH TRANG/TBKTSG 7-1-2021

Dòng thông tin khách quan “có lợi” cho Việt Nam

Việc Việt Nam (cùng với Thụy Sỹ) bị Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ trong báo cáo hồi giữa tháng 12-2020 vừa qua đã gây ra không ít lo ngại cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy, theo dõi sát những thông tin gần đây có thể thấy rủi ro Việt Nam bị Chính phủ Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt cao nhất (áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam) đang ngày một thấp dần.

Cụ thể, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), vào ngày 29-12-2020, Ủy ban Thương mại Mỹ (USTR) đã tổ chức buổi “Lắng nghe ý kiến từ công chúng (Public Hearing) về cuộc điều tra theo mục 301 về định giá tiền tệ của Việt Nam”. Cuộc điều tra này được USTR tiến hành dưới cơ sở pháp lý là mục 301, Bộ luật Thương mại năm 1974 (Trade Act) và độc lập với quy trình rà soát bán niên chính sách can thiệp vào thị trường tiền tệ mà Bộ Tài chính Mỹ đã thực hiện và mới ban hành báo cáo quy kết Việt Nam thao túng tiền tệ gần đây.


Trong buổi thu thập ý kiến từ công chúng của USTR ngày 29-12, thành phần tham dự chủ yếu là các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, ngoài ra còn có đại diện các doanh nghiệp khác. Kết quả buổi điều trần về cơ bản được đánh giá là có lợi cho Việt Nam khi đa phần các ý kiến phản đối việc áp thuế lên Việt Nam đều chứng minh được bằng chứng thuyết phục. Các ý kiến phản đối áp thuế đa phần đến từ những hiệp hội lớn, có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ như Phòng Thương mại Mỹ, Liên đoàn bán lẻ các quốc gia... cũng như các doanh nghiệp Mỹ đang có hoạt động đầu tư và lợi ích ở Việt Nam, điển hình như tập đoàn General Electric (GE). Theo lộ trình, thời hạn cuối để USTR thu nhận các ý kiến từ công chúng bằng văn bản là đến hết ngày 7-1-2021. Thông thường, kể từ khi kết thúc thời hạn nêu trên, sẽ phải mất một vài tuần để USTR đưa ra được kết luận cuối cùng. Nếu kết luận là có thao túng tiền tệ thì Mỹ mới xem xét các biện pháp buộc Việt Nam phải có các biện pháp điều chỉnh chính sách để loại bỏ hạn chế thương mại.

Tuy vậy, với kết quả theo chiều hướng tương đối tích cực cho Việt Nam trong buổi điều trần hôm 29-12 cộng với việc để USTR đưa ra được kết luận cuối cùng có thể mất nhiều thời gian, vượt quá thời hạn chuyển giao quyền lực từ chính quyền của ông Donald Trump sang chính quyền của ông Joe Biden (ngày 20-1-2021) nên khả năng Mỹ ra phán quyết áp thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa của Việt Nam được đánh giá là tương đối thấp. Với cách tiếp cận linh hoạt và theo chiều hướng đa phương của chính quyền mới Joe Biden, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để đàm phán, qua đó tránh các biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ phía Mỹ sau khi bị dán nhãn thao túng tiền tệ.

Chủ động bày tỏ “thiện chí”

Mặc dù các yếu tố khách quan đang dần ngả sang chiều hướng tích cực nhưng Việt Nam cũng cần chứng minh “thiện chí” của mình trong nỗ lực tháo mác thao túng tiền tệ. Trong thời gian tới, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là Việt Nam giảm can thiệp vào thị trường ngoại hối và tích cực ký hợp đồng nhập khẩu các loại hàng hóa là thế mạnh của Mỹ như hàng nông sản, khí LNG, máy móc thiết bị... nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quy định mới về hoạt động mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, kể từ ngày 31-12-2020, NHNN ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch và ngừng mua ngoại tệ giao ngay. Còn kể từ ngày 4-1-2021, NHNN sẽ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng có hủy ngang (thay vì kỳ hạn ba tháng như trước) với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 đồng/đô la Mỹ.

Theo đó, mỗi TCTD chỉ được hủy ngang một lần (tạo thêm điều kiện để các TCTD chủ động trong cân đối nguồn ngoại tệ bán khi đáo hạn), áp dụng cho toàn bộ giá trị giao dịch bán ngoại tệ cho NHNN theo phương án này. Đối tượng NHNN mua kỳ hạn là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho NHNN. Mức ngoại tệ mua tối đa cho mỗi TCTD mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của TCTD đó về mức cân bằng, không mua trong các trường hợp dẫn tới trạng thái ngoại tệ bị âm.

Trạng thái ngoại tệ để xem xét duyệt mua ngoại tệ là trạng thái ngoại tệ của TCTD vào cuối ngày làm việc liền trước ngày làm việc NHNN mua ngoại tệ. Như vậy, sau bước giảm 50 đồng giá mua vào đô la Mỹ trong tháng 11-2020, phương án điều chỉnh nói trên là bước tiếp theo của NHNN trong hoạt động mua vào ngoại tệ.

Động thái trên sẽ một phần giúp điều tiết thị trường ngoại hối bằng cách rải nguồn tiền đồng mua ngoại tệ đối ứng ra thị trường trong một thời gian dài thay vì dồn cung tiền đồng tại một thời điểm nếu thực hiện mua giao ngay, nhất là trong bối cảnh nguồn kiều hối thường đổ dồn về cuối năm như thời điểm hiện tại.

Tuy vậy, mục đích sâu xa hơn của NHNN từ động thái trên có thể là nhằm chứng minh cho phía Mỹ thấy Việt Nam không còn can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối bằng cách trực tiếp mua đô la Mỹ nữa (thông qua việc không niêm yết tỷ giá mua giao ngay). Đây là bằng chứng giải trình cần thiết trong các cuộc đàm phán, thương lượng của Việt Nam với Chính phủ Mỹ trong tương lai nhằm giúp Việt Nam sớm được tháo mác thao túng tiền tệ. 

VIỆT NAM RÁO RIẾT THẢO LUẬN VỚI MỸ NHẰM RỠ NHÃN 'THAO TÚNG TIỀN TỆ'

BBC/BVN 7-1-2021

Hà Nội đã trao đổi qua điện thoại với phía Hoa Kỳ, nhằm “chủ động xử lý những vướng mắc quanh vấn đề chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ”, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo hôm 6/1.

BUI LAM KHANH/Getty Images

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vụ điều tra thao túng tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam (Ảnh minh họa). Nguồn: BUI LAM KHANH/GETTY IMAGES

Tin cho hay Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo, liên quan tới việc Hà Nội đang bị Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) điều tra về các vấn đề trên.

“Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định các bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Mỹ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi”, báo Tuổi Trẻ trích dẫn nội dung thông cáo nói.

Chủ đề ‘thao túng tiền tệ’ cũng được nhắc tới trong phiên họp sáng 7/1 của ngành công thương Việt Nam, theo đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “quyết tâm cùng Mỹ thực hiện kế hoạch chung hướng tới cán cân thương mại hài hoà và bền vững”.

Cuộc điện đàm cấp ngoại trưởng diễn ra sau khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hôm 22/12 đã trao đổi cũng qua điện thoại với Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump.

Tin tức nói tới đêm muộn 7/1, giờ Việt Nam, phía Việt Nam sẽ tiếp tục liên lạc với Hoa Kỳ để thảo luận tình hình.

“Theo Thủ tướng, 22h hôm nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với Trưởng USTR để hiện thực hoá những điều mà lãnh đạo hai nước đã trao đổi trước đó, tiến đến ‘xoá bỏ vụ việc phức tạp này’”, trang tin VnExpress viết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Trump trao đổi về 'thao túng tiền tệ'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump năm 2017 tại Nhà Trắng, Mỹ

Trước đó, hôm 16/12, chính quyền ông Trump đã dán nhãn thao túng tiền tệ lên Việt Nam, cáo buộc Hà Nội can thiệp không thỏa đáng vào thị trường ngoại hối nhằm giành lợi thế trong hoạt động xuất khẩu.

Vì sao Việt Nam bị ‘dãn nhãn’ thao túng tiền tệ?

Để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, các quốc gia ít nhất phải vi phạm ba tiêu chí. Đó là có thặng dư thương mại song phương hơn 20 tỷ đôla với Hoa Kỳ; can thiệp ngoại hối vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội; và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP.

Việt Nam hiện được cho là can thiệp ngoại hối ở mức 5% GDP. Báo cáo ra hồi tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói Việt Nam can thiệp ngoại hối một phần bằng cách hạ giá tiền đồng là nhằm đạt được lợi thế thương mại.

Về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, số liệu do Chính phủ Việt Nam công bố nêu con số 58 tỷ đô la trong bốn quý, tính đến tháng 6/2020.

Tuy nhiên, IMF dự báo rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 2% GDP vào năm 2020.

Không phải lần đầu

Chính quyền ông Trump từng dán nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc hồi 2019, vào lúc cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang căng thẳng đỉnh điểm.

Tuy nhiên, việc này đã bị xóa bỏ vào tháng 1/2020 sau “giai đoạn 1” đàm phán thương mại giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dẫu không còn bị coi là ‘quốc gia thao túng’ nhưng trong bản phúc trình 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn bị đưa vào danh sách các nước cần giám sát tiền tệ, bên cạnh chín nền kinh tế khác là Nhật Bản, Nam Hàn, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.

Nguồn: bbc.com

THỦ TƯỚNG VN QUYẾT GIẢM THÂM HỤT THƯƠNG MẠI, GIẢI QUYẾT QUAN TÂM CỦA HOA KỲ VỀ HOẠT ĐỘNG TIỀN TỆ

RFA 7-1-2021

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 7 tháng 1 tại Diễn đàn Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Công thương bày tỏ mong muốn một cán cân thương mại hài hòa, bền vững với Hoa Kỳ. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nêu quyết tâm trong việc giải quyết quan ngại của Mỹ về chính sách tiền tệ Việt Nam.

Truyền thông trong nước đưa tin này, dẫn nguyên văn của ông Nguyễn Xuân Phúc: “Chính phủ Việt Nam quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại”

Phát biểu vừa nêu cũng đã được ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong một cuộc điện đàm vào ngày 22 tháng 12. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh lập lại quan điểm này trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào ngày 6 tháng 1.

Theo tin từ truyền thông Nhà nước, vào ngày 7 tháng 1, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nhằm tái khẳng định mong muốn giảm thâm hụt thương mại với Mỹ và giải quyết quan tâm của Hoa Kỳ về hoạt động tiền tệ của Việt Nam.

Vào ngày 6 tháng 1, trên trang mạng của Woodworking Network, một mạng lưới cộng đồng chế biến gỗ tại Hoa Kỳ, có bài viết nhan đề  “Quan tâm gia tăng đối với cuộc điều tra thương mại Việt Nam.”

Cụ thể, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia và Hiệp hội đồ nội thất vào tháng 12 đã tường trình trước Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ rằng áp đặt thuế quan trên hàng hóa Việt Nam sẽ ảnh hưởng xấu đến các công ty Hoa Kỳ và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Washington từ tháng 10 năm ngoái đã bắt đầu điều tra Việt Nam về thao túng tiền tệ và nguyên liệu gỗ.

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ BÁC BỎ CÁO BUỘC THAO 

TÚNG TIỀN TỆ ?

THẢO CAO/ ZING 7-1-2021


Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và 

Quản lý Fulbright. Ảnh: Fulbright.

Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Việt Nam nên thực hiện các chiến thuật ngắn hạn và chiến lược dài hạn để tránh những cáo buộc tương tự trong tương lai.

Hôm 6/1, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vụ điều tra thao túng tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam.

"Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định các bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với đối tác Mỹ, giải quyết một cách toàn diện những quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi", thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.

Tại hội thảo "Việt Nam không thao túng tiền tệ" ngày 7/1, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, khẳng định ngoại giao là giải pháp rất cần thiết để Việt Nam đối phó với cáo buộc từ phía Mỹ.

Ông Tuấn cho biết thặng dư thương mại, cán cân tài khoản vãng lai hay dự trữ ngoại hối của Việt Nam đều "không cho thấy dấu hiệu đáng kể hay có sự gia tăng về thao túng tiền tệ". Vị chuyên gia cũng đưa ra những chiến thuật ngắn hạn và chiến lược dài hạn để Việt Nam tránh những cáo buộc tương tự trong tương lai.

Làm rõ cáo buộc từ phía Mỹ

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, trước hết, Việt Nam cần hợp tác để làm rõ căn cứ cáo buộc của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và Bộ Tài chính Mỹ.

Bộ tiêu chí của Mỹ nhằm đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ bao gồm thăng dự thương mại song phương với Mỹ (ít nhất 20 tỷ USD trong khoảng thời gian 12 tháng), thặng dư tài khoản vãng lai hữu hình (ít nhất 2% GDP trong thời gian 12 tháng), can thiệp trên thị trường ngoại hối một chiều và bền bỉ (ít nhất 6/12 tháng và các hoạt động mua ròng này đạt tổng ít nhất 2% GDP trong khoảng thời gian 12 tháng).

"Đầu tiên, cần xem xét bối cảnh nền kinh tế Mỹ. Cán cân tài khoản vãng lai của Mỹ thâm hụt triền miên từ năm 2012 đến nay", ông Tuấn nhận xét. Chính sách cắt giảm thuế mạnh và trạng thái toàn dụng lao động ở Mỹ năm 2017 cũng giúp tăng cầu, góp phần vào thâm hụt thương mại đang gia tăng.

"Câu hỏi đặt ra là nâng giá đồng tiền Việt Nam có giúp cải thiện thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam hay không? Thương mại là tự do hay có thế lực thị trường? Nếu không nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, Mỹ cũng sẽ nhập khẩu ở các nước khác", ông Tuấn bình luận.

Thêm vào đó, đồng USD tăng giá trong năm 2019 nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất từ mức gần 0 trước năm 2016 lên hơn 2% vào cuối năm 2019. "Nghịch lý nằm ở chỗ chừng nào thế giới vẫn coi đồng USD là đồng tiền thanh toán toàn cầu và dự trữ chính, nhu cầu với đồng bạc xanh sẽ luôn tăng lên về dài hạn. Đồng USD có thể giảm giá, nhưng chỉ là ngắn hạn", vị chuyên gia nhận xét.

Quay lại câu chuyện của Việt Nam, Việt Nam đón làn sóng chuyển dịch sản xuất toàn cầu (quần áo, giày dép, điện tử) do sức ép gia tăng chi phí lao động ở Trung Quốc và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Đến năm 2012, Việt Nam vẫn thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, Việt Nam đã đạt thặng dư và thăng dự ngày càng lớn. "Nhưng cán cân thương mại dịch vụ của Việt Nam vẫn thâm hụt. Riêng trong năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành du lịch khiến thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ của Việt Nam lên đến 12 tỷ USD", ông Tuấn nhấn mạnh.

Hầu hết doanh nghiệp vận tải, bảo hiểm Việt Nam không đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ quốc tế. Việt Nam cũng không hưởng lợi trọn vẹn từ thặng dư thương mại hàng hóa. Nguyên nhân là giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu của khối FDI thường rất thấp.

Ông Tuấn cho rằng cần làm rõ liệu thặng dư thương mại của Việt Nam có phải do tỷ giá hay không. Về mặt danh nghĩa, đồng tiền Việt Nam mất giá so với đồng USD. Tuy nhiên, theo dữ liệu về lạm phát từ năm 2000 đến năm 2019, hầu như nào năm lạm phát của Việt Nam cũng cao hơn Mỹ.

"Như vậy, nếu tích lũy lạm phát hàng thập niên qua, đáng lẽ đồng tiền của Việt Nam phải mất giá nhiều hơn so với Mỹ. Nếu tính chênh lệch lạm phát và lãi suất, đồng Việt Nam thực chất còn bị định giá cao", ông Tuấn khẳng định.

Cải thiện năng lực thống kê

Ngoài ra, báo cáo Bộ Tài chính Mỹ trích dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng chỉ trích dẫn những phần giúp củng cố cho cáo buộc. Đánh giá gần nhất của IMF chỉ ra rằng đồng tiền Việt Nam bị định giá thấp hơn 8,4% so với tỷ giá thực cơ sở năm 2018. "Nhưng mấu chốt là việc chọn thời gian cơ sở khác nhau cũng dẫn đến các kết luận khác nhau", ông Tuấn nói thêm.

"Về ngắn hạn, Việt Nam nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ IMF, dùng chiến lược bình luận công chúng, điều hành tỷ giá linh hoạt hơn theo tín hiệu thị trường, can thiệp song chiều cả mua và bán ngoại tệ linh hoạt, tăng dự trữ ngoại hối bắt buộc dựa theo khuyến cáo của IMF", ông Tuấn nói thêm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tích cực chống gian lận thương mại và chuyển tải, đồng thời kiểm soát lỗi và sai trên cán cân thanh toán quốc tế.

Ông Tuấn nhận định lỗi và sai trên cán cân thanh toán quốc tế rất lớn, chủ yếu do vấn đề năng lực thống kê. Trên thực tế, thặng dư cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam với Mỹ không nhiều như các con số thống kê. Bởi một số khoản (chẳng hạn nhập lậu) là không thể thống kê được.

Thêm vào đó, nhiều hàng hóa Mỹ được phân bố ở các quốc gia khác rồi mới nhập khẩu về Việt Nam. Như vậy, khó có thể thống kê số hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ doanh nghiệp Mỹ ở bên ngoài nước Mỹ.

"Do đó, về dài hạn, Việt Nam cần cải thiện chất lượng dữ liệu tài chính và xây dựng khuôn khổ chính sách tiền tệ hiện đại", ông Tuấn khẳng định.

Thu hút đầu tư từ Mỹ

Các chiến lược dài hạn cũng bao gồm kiểm soát lạm phát, giảm phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng, sử dụng những công cụ giám sát ngân hàng theo chuẩn mực Basel, tăng cường khả năng chống chịu bằng các khuôn khổ chính sách mạnh mẽ hơn.

Cùng với đó là tăng sức cạnh tranh của khu vực nội địa, cải cách cơ cấu và năng suất, mở cửa thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại kỹ thuật số và thanh toán điện tử.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam nên khuyến khích đầu tư từ Mỹ. Đến nay, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam còn khiêm tốn. Mỹ chỉ đứng thứ 7 về số dự án đầu tư và thứ 11 đối với lượng vốn tích lũy. "Nếu Mỹ tăng cường đầu tư tại Việt Nam, số hàng hóa nhập khẩu, chẳng hạn máy móc, từ Mỹ về Việt Nam sẽ gia tăng, giúp cán cân thương mại hài hòa, bền vững hơn", ông Tuấn giải thích.

"Thực hiện cam kết cải cách theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là một giải pháp dài hạn", ông Tuấn nói thêm.

Theo ông Tuấn, Việt Nam và Mỹ vẫn chưa có một hiệp định thương mại tự do song phương với các ưu đãi và cam kết. "Chính quyền ông Trump dường như không thích những hiệp định song phương như TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nay là CPTPP), mà thích các hiệp định song phương hơn. Đó có thể là một hướng đi mà Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc", ông Tuấn nhận định.

"Mỹ sẽ không có khả năng áp thuế đại trà, nhưng một số mặt hàng có thể bị ảnh hưởng. Ngoại giao vẫn là một giải pháp rất quan trọng trong bối cảnh này. Chúng ta cũng đặt kỳ vọng vào chính quyền mới của Mỹ thân thiện hơn", ông Tuấn kết luận.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét