Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

20210124. QUANH ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG 'LUẬT ĐĂNG KÝ TÀI SẢN'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

LUẬT ĐĂNG KÝ TÀI SẢN CÓ NGĂN ĐƯỢC TÀI SẢN THAM NHŨNG 'ẨN NẤP' ?
ÁI VÂN/ LĐO 15-1-2021

Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: T.V

Theo đề xuất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao Lê Minh Trí tại phiên họp 52 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nếu có luật đăng ký tài sản sẽ góp phần ngăn chặn việc tẩu tán, ẩn nấp của tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, phát sinh thêm các quy định về đăng ký tài sản cần được cân nhắc, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để không gây phiền hà, tăng thêm thủ tục với người dân.

Ngăn chặn việc tẩu tán tài sản?

Liên quan tới vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, tại phiên họp 52 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, để thu hồi được tài sản tham nhũng cần có nhiều biện pháp.

Trong đó, ông nêu đề xuất cần ban hành Luật Đăng ký tài sản nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng. Luật đăng ký tài sản sẽ là công cụ kèm theo, tăng cường minh bạch và chứng minh tài sản, thúc đẩy thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn. Nếu có luật này, người đăng ký tài sản mà không chứng minh được thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Điều này có thể ngăn chặn tài sản bị tẩu tán từ những đối tượng tham nhũng.

Trao đổi với PV, Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc này liên quan tới kiểm soát thu nhập, tài sản của công dân. Theo ông Xuyền, đăng ký tài sản nghĩa là thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, nếu thực hiện việc này thì người dân được bảo vệ quyền sở hữu tài sản của họ nếu xảy ra tranh chấp. Bởi thực tế, có nhiều người có những tài sản lớn, nhưng không rõ nguồn gốc, mà luật hiện hành thì chủ sở hữu không có nghĩa vụ phải chứng minh, vì vậy rất khó trong việc truy nguồn gốc tài sản. “Điều này nảy sinh ra vấn đề, nếu tài sản đó hình thành từ việc làm không hợp pháp (rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu, ma túy…) được các đối tượng “đổ” vào bất động sản, trang sức thì lại trở thành hợp pháp. Đây là kẽ hở để cho nhiều kẻ tìm cách “lách”, khiến cho cơ quan chức năng rất khó xử lý những tài sản bất minh”, ông Xuyền nêu ví dụ.

Cùng quan điểm, Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cho rằng, đăng ký tài sản là ghi nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, Nhà nước sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản đó cho công dân. “Khi đăng ký tài sản cũng chính là đăng ký quyền bảo hộ, bảo vệ cho tài sản cũng như chủ sở hữu khối tài sản đó. Việc này mang lại lợi ích kép, vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho tài sản cũng như chủ sở hữu tài sản”, ông Phương nêu ý kiến.

Theo ông Phương, việc đăng ký tài sản còn góp phần rất lớn trong công tác quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Việc đăng ký tài sản còn có ý nghĩa ngăn chặn hoạt động “rửa” tiền. Nếu thực hiện các quy định này có thể ngăn chặn việc người thực hiện hành vi phạm pháp để có tiền rồi sau đó chuyển tiền cho người khác, từ đó chuyển hoá tiền này thành “tiền sạch”.

“Trong công tác phòng chống tham nhũng, khi đã có quy định đăng ký tài sản, người đăng ký tài sản mới sẽ phải chứng minh được nguồn gốc. Nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị điều tra hoặc bị tịch thu, xử lý. Nếu làm được như vậy thì không còn đất cho tài sản tham nhũng “cất giấu”, kể cả theo các hình thức sang tên, chuyển nhượng” - ông Phương nói.

Cân nhắc kỹ để không vi phạm quyền sở hữu tài sản cá nhân

Để làm rõ hơn, phóng viên đã đặt vấn đề về việc nếu bắt buộc phải đăng ký tài sản thì có vi phạm các quy định về quyền sở hữu tài sản không? Ông Phương cho rằng, hiện nay đang có những vướng mắc trong các quy định có liên quan nên chưa triển khai được luật trên. Tuy nhiên, theo ông Phương, quyền bảo hộ tài sản của công dân cần phải được hiểu cho đúng. Đó là, tài sản của công dân muốn được pháp luật bảo hộ, tài sản đó phải hợp pháp. Pháp luật không bảo hộ cho những tài sản bất hợp pháp.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền phân tích, đăng ký tài sản không có nghĩa là vi phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, bởi khi đăng ký nếu là tài sản hình thành hợp pháp thì công dân sẽ được bảo vệ bí mật và nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, PGS-TS Trần Văn Độ - Nguyên Chánh án Toà án Quân sự Trung ương cho rằng, cần cân nhắc rất kỹ, đánh giá tác động toàn diện với đề xuất về Luật Đăng ký tài sản. Bởi trên thực tế, hiện nay những tài sản có giá trị như nhà, xe… đề đã phải có giấy đăng ký như đăng ký xe máy, đăng ký xe ôtô, sổ đỏ, sổ hồng… Bản chất đó chính là đăng ký tài sản. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức thì còn phải kê khai tài sản. Pháp luật cũng đã có các quy định liên quan về phòng chống tham nhũng. Do vậy, cần thực hiện tốt các quy định hiện tại để quản lý cho tốt.

“Còn nếu thực hiện như đề xuất về Luật Đăng ký tài sản phải cân nhắc rất kỹ. Bởi tài sản hợp pháp của công dân đã được pháp luật bảo hộ. Chúng ta có thêm quy định để quản lý nhưng cũng không được gây thêm thủ tục hành chính, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp” - PGS-TS Trần Văn Độ nói và lưu ý có rất nhiều hoạt động, giao dịch dân sự hằng ngày diễn ra.

Đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc vốn đối ứng, luân chuyển dòng tiền, tài sản diễn ra thường xuyên. Vậy thì việc này có gây khó cho người dân, doanh nghiệp không.

ÁI VÂN
LUẬT ĐĂNG KÝ TÀI SẢN-NHỮNG QUAN ĐIỂM TRÁI CHIỀU
XUÂN DƯƠNG/GDVN 18-1-2021

Báo Tienphong.vn ngày 15/01/2021 đăng ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - về kiến nghị ban hành “Luật Đăng ký tài sản” do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quan điểm của ông Lưu Bình Nhưỡng được nêu trong bài báo là “Không nhất thiết phải có Luật Đăng ký tài sản”. [1]

Một vị nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội gọi đề xuất ban hành luật này là một tình huống mà nhiều người ví von là “không ai lại tự bắn vào chân mình”.

Cũng có một số đại biểu Quốc hội nêu quan điểm ủng hộ việc sớm ban hành “Luật Đăng ký tài sản”. Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng:

“Nếu tài sản đó hình thành từ việc làm không hợp pháp (rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu, ma túy…) được các đối tượng “đổ” vào bất động sản, trang sức thì lại trở thành hợp pháp.

Đây là kẽ hở để cho nhiều kẻ tìm cách “lách”, khiến cho cơ quan chức năng rất khó xử lý những tài sản bất minh”.

Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình - nêu ý kiến:

“Việc đăng ký tài sản còn góp phần rất lớn trong công tác quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Việc đăng ký tài sản còn có ý nghĩa ngăn chặn hoạt động “rửa” tiền. Nếu thực hiện các quy định này có thể ngăn chặn việc người thực hiện hành vi phạm pháp để có tiền rồi sau đó chuyển tiền cho người khác, từ đó chuyển hoá tiền này thành tiền sạch”. [2]

Có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến Luật Đăng ký tài sản. (Ảnh minh hoạ: Báo Giao thông)

Theo quy định hiện hành, khoảng một triệu quan chức trong hệ thống chính trị Việt Nam thuộc diện phải kê khai tài sản hàng năm.

Những năm gần đây, dư luận không khỏi giật mình vì không ít quan chức giải trình rằng họ sở hữu những tài sản kếch xù nhờ buôn chổi đót, chạy xe ôm, nấu rượu, nuôi lợn hay “làm việc đến thối cả móng tay”,…

Nhiều người trong số này sau khi bị dư luận nêu tên chỉ phải nhận những hình thức kỷ luật nhẹ nhàng và khối tài sản của họ hầu như được giữ nguyên vẹn.

Báo Nld.com.vn trong bài “Biệt thự của Giám đốc công an Đà Nẵng giá bao nhiêu?” viết:

“Thông tin lan truyền trên mạng cho thấy căn biệt thự của đại tá Tam nằm trên đường Hoa Phượng 2 với diện tích hơn 1.000 m2 ước lượng giá thị trường khoảng hơn 100 tỉ đồng”. [3]

Báo chí tính toán với mức lương 30 triệu đồng/tháng, phải mất 277 năm dành dụm mới có được 100 tỷ để mua biệt thự.

Cuối năm 2018 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã xem xét quyết định thi hành kỷ luật đối với đại tá Lê Văn Tam, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Giám đốc Công an Đà Nẵng bằng hình thức “khiển trách” do “Trong thời gian giữ chức Giám đốc Công an TP, ông Lê Văn Tam đã có khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định”. [4]

Sau khi được Bộ Công an cho nghỉ chế độ chờ nghỉ hưu (trước hạn hơn một năm) ông Tam nói với báo chí: “Tôi về nghỉ, sống vui vẻ và giữ gìn sức khỏe của mình”. [5]

Hai khả năng cần được các nhà lập pháp nghiên cứu kỹ trước khi quyết định ban hành hay không ban hành “Luật Đăng ký tài sản”.

Thứ nhất, không có “Luật đăng ký tài sản” có quản lý được tài sản cán bộ trong hệ thống chính trị?

Thứ hai, có “Luật đăng ký tài sản” việc quản lý tài sản cán bộ trong hệ thống chính trị có hiệu quả hơn khi không có?

Ngày 03/01/2014 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW “Về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”.

Ngay trong năm 2014, “Theo báo cáo của Thanh tra chính phủ trước Quốc hội, trong gần một triệu người đã kê khai tài sản, có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh trong đó có một người bị xử lí kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực”. (Plo.vn 23/10/2014)

Năm 2015, Tạp chí Tổ chức Nhà nước viết: “Kê khai tài sản cán bộ: Gần 1 triệu bản khai chỉ 4 người gian dối”. (Tcnn.vn 02/08/2015)

Năm 2016 “Có hơn 1,2 triệu người thuộc diện kê khai tài sản, nhưng chỉ phát hiện gần 10 trường hợp kê khai không trung thực”. (Nhandan.com.vn 14/10/2016)

Năm 2017, “Cả nước chỉ có 5 trường hợp vi phạm kê khai tài sản trên tổng số 1,1 triệu người thuộc diện bắt buộc kê khai”. (Laodong.vn 20/12/2020)

Năm 2018 “Trong số hơn 1 triệu người thuộc diện phải kê khai, có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm”. (Thanhnien.vn 11/12/2018)

Năm 2019, “Số người đã kê khai tài sản, thu nhập là hơn 1,08 triệu người. Qua xác minh đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm, tăng 4 trường hợp so với năm 2018. Trong đó, đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp”. (Nld.com.vn 04/09/2019)

Tính từ khi Chỉ thị số 33-CT/TW được ban hành, trong 06 năm có 36 người bị phát hiện không “trung thực”, bình quân mỗi năm là 6 người trên khoảng một triệu người kê khai.

Kết luận cuối cùng được Tạp chí Tổ chức Nhà nước nêu ngày 26/05/2020:

“Kê khai tài sản: Bao giờ mới hết hình thức?”. [6]

Với tỷ lệ bình quân 6/1.000.000 người kê khai tài sản không trung thực, những người “trung thực” còn lại như thế nào?

Chỉ xin điểm một chủ đề “Biệt phủ của quan chức” trên những báo có uy tín:

“Những “biệt phủ” của quan chức gây xôn xao dư luận”. [7]

“Điểm mặt những biệt phủ quan chức gây xôn xao dư luận năm 2017”. [8]

“Biệt phủ thiếu minh bạch đang thách thức công luận!”. [9]

“Những dinh thự, biệt phủ "ồn ào" dư luận thời gian qua”. [10]

“Biệt phủ” chỉ là phần nổi nhìn thấy được của “tảng băng tài sản quan chức”, tài khoản ở nước ngoài, kim loại quý, ngoại tệ cất trong tủ cũng chưa chắc đã là toàn bộ tài sản của chủ những ngôi “Biệt phủ” đó.

Vấn đề nằm ở chỗ nếu có “Luật đăng ký tài sản” và phát hiện nhiều người phạm luật, liệu có xảy ra tình trạng “Kỷ luật cán bộ rồi thì lấy ai làm việc”?

Ngày 23/01/2020, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố “Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng” (CPI), Việt Nam đạt 37/100 điểm, đứng thứ 96 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thế thì nên ban hành luật “Đăng ký tài sản” hay tận dụng những chế tài hiện có?

Trả lời câu hỏi này, nếu dùng câu thành ngữ “Méo mó có hơn không” thì e là hơi nặng nề nhưng dù sao thì cũng nên có luật, ít ra khi đó không ít người sẽ cảm nhận được “Lò nóng” hiện vẫn đủ nhiệt.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-can-thiet-phai-ban-hanh-luat-%C3%B0ang-ky-tai-san-1778991.tpo

[2] https://laodong.vn/thoi-su/luat-dang-ky-tai-san-co-ngan-duoc-tai-san-tham-nhung-an-nap-870970.ldo

[3] https://nld.com.vn/thoi-su/biet-thu-cua-giam-doc-cong-an-da-nang-gia-bao-nhieu-2018042015464786.htm

[4] https://zingnews.vn/ky-luat-dai-ta-le-van-tam-cuu-giam-doc-cong-an-da-nang-post898570.html

[5] https://danviet.vn/dai-ta-le-van-tam-ban-than-toi-ve-song-vui-ve-giu-gin-suc-khoe-7777909040.htm

[6] https://tcnn.vn/news/detail/47512/Ke-khai-tai-san-Bao-gio-moi-het-hinh-thuc.html

[7] https://vov.vn/kinh-te/dia-oc/nhung-biet-phu-cua-quan-chuc-gay-xon-xao-du-luan-642050.vov

[8] https://vtc.vn/diem-mat-nhung-biet-phu-quan-chuc-gay-xon-xao-du-luan-nam-2017-ar370527.html

[9] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/biet-phu-thieu-minh-bach-dang-thach-thuc-cong-luan-605413.ldo

[10] https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-dinh-thu-biet-phu-on-ao-du-luan-thoi-gian-qua-20170701230219549.htm

Xuân Dương
TÀI SẢN THAM NHŨNG: BIẾT HẾT, NHƯNG KHÔNG XỬ LÝ ĐƯỢC !?
VƯƠNG HÀ /DV 18-1-2021

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí thông tin, tổng số tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng.

So sánh với số tiền thu hồi được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Quốc hội mới quyết cho hai đoạn đường của dự án cao tốc Bắc - Nam cũng chỉ là 79.000 tỉ đồng.

Báo cáo của các vị này cho biết thêm, thực tế số tiền tham nhũng chưa thu hồi được cũng còn rất nhiều. Thậm chí, ông Lê Minh Trí cho biết: Có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã đồng ý với điều tra viên và kiểm sát viên sẽ khắc phục hậu quả 800 tỷ đồng, nhưng sau khi luật sư vào gặp thì không nói gì đến chuyện 800 tỷ nữa. Bởi, luật sư tư vấn cho bị can: Nếu ông nộp 800 tỷ, người ta sẽ hỏi ở đâu có 800 tỷ, là ông tham nhũng còn chết hơn. 

Những bị can này chỉ là trong vô số các đối tượng cương quyết không nhận tội hối lộ nhằm tránh mức án nặng. Đó cũng là lý do, khiến nhiều vị quan chức biến chất chỉ bị xử tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm trái... dù rằng, ai cũng biết, đó là tội nhận hối lộ.

Những con số này nói lên điều gì?

Một mặt cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta không chỉ quyết liệt, không có vùng cấm, mà việc thu hồi tiền cho ngân sách bắt đầu tăng lên.

Những con số này cho thấy, dù tỷ lệ thu hồi tiền chưa lớn (chắc còn không ít vụ việc vẫn trong bóng tối), nó cũng đủ làm được hai đoạn cao tốc - vốn giá thành cao nhất hành tinh. Từ đó có thể hình dung, lượng ngân khố bị "đục khoét" kinh hoàng tới mức nào.

Do vậy, nếu ngăn chặn được sự thất thoát ngân sách khổng lồ đã, đang và sẽ diễn ra, chúng ta không chỉ có lượng tiền lớn để trang trải rất nhiều việc cấp bách hiện nay, mà còn lấy lại niềm tin ít nhiều có sự rạn nứt của dân vào công quyền.

Tài sản tham nhũng: Biết hết, nhưng không xử lý được!? - Ảnh 2.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh 

họa từ Internet.

Đồng thời, những vụ án đã và đang được bung ra cho thấy nhiều lỗ hổng quá lớn để các quan tham cùng băng nhóm lợi ích của mình lộng hành.

Ngoài trùng điệp các bộ luật, các văn bản dưới luật mà còn đủ các loại đoàn thể kiểm soát, nhưng các vụ án cho thấy, những người đứng đầu một số tỉnh, thành phố, bộ ngành vẫn không khác gì ông vua con. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các loại sai phạm trầm trọng xảy ra hiện nay.

Những chuyện này dư luận đều rất biết, rất thuộc. Chẳng hạn, vì sai phạm nghiêm trọng, Bí thư thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải bị cách chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015. Cùng với ông Hải, một loạt vị Chủ tịch, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch TP bị kỷ luật, thậm chí bị đứng trước vành móng ngựa. Rồi Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch ở một số tỉnh, thành phố bị kỷ luật, bị cách chức, bị khởi tố. Đó là chưa kể đến hàng ngũ Giám đốc sở ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cả Công an, Viện kiểm sát.  

Hoặc, để thực hiện ý đồ của mình, ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch TP Hà Nội, với vị trí của mình, bất chấp pháp luật, ngang nhiên yêu cầu ngừng đấu thầu gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội. Để rồi gần năm sau mở lại thầu với đầu bài mới, mà không một doanh nghiệp nào đủ điều kiện trừ Cty Nhật Cường. Những động thái này chẳng khác gì chỉ định thầu, tưởng tinh vi, nhưng thật ra rất trắng trợn trước pháp luật. Nhưng tại sao không một thuộc cấp cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật nào sớm lên tiếng ngăn chặn?

Hoặc như ông Đinh La Thăng tự mình quyết chỉ định thầu trong một số dự án, dù sai luật, nhưng không một thuộc cấp nào dám can ngăn. Thậm chí vụ việc đó phải đến gần chục năm sau mới bị đem ra xem xét.

Tất nhiên, sau những hành động từng được cho là "quyết đoán" đó, ai cũng biết phía sau là những khoản ăn chia khổng lồ, nhưng hầu hết họ chưa từng bị kết tội nhận hối lộ. Trừ trường hợp vụ án mua bán AVG, không chỉ thuộc cấp, mà cả hai bộ trưởng đã khai báo nhận hối lộ và khắc phục hoàn toàn hậu quả.

Do đó, làm gì để "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" - như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, là vấn đề sống còn hiện nay. Tuy nhiên, thực hiện được những yêu cầu của Tổng Bí thư không hề đơn giản, bởi nhiều nhóm lợi ích đang âm thầm nhưng quyết liệt chống phá.

Vấn đề là quyết tâm thực hiện của các cấp. Tại diễn đàn trên, Viện trưởng VKSNDTC  Lê Minh Trí đề nghị sớm ban hành Luật Đăng ký tài sản, coi đó là một trong những biện pháp phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông Trí: "Bây giờ có những người chỉ hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân, chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì bị "thăm hỏi" ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý."

Tuy nhiên, bài học về kê khai tài sản, vốn được người dân tin tưởng, hy vọng là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, nhưng thời gian cho thấy, nó lại khiến người dân thêm một lần thất vọng. Một trong những lý do thất bại, những tài liệu đó đã không được công khai, không đến được với người dân – một trong chủ thể giám sát chính trong biện pháp này.

Dù có giải pháp gì đi nữa, nó chỉ có hiệu quả nếu như chúng ta làm thực sự. Nếu vẫn còn những cá nhân, những nhóm quyền lực nào đó bằng những ngôn từ ngụy biện, tìm mọi cách vô hiệu các giải pháp thì chỉ có... thất bại.

Do đó, nếu vẫn để tình trạng tài sản tham nhũng "chúng ta biết hết nhưng không xử lý được", còn gì có thể nhạo báng pháp luật hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét