Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

20210122. BÀI PHÁT BIỂU TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA TT JOE BIDEN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BÀI PHÁT BIỂU TRONG BUỔI LỄ NHẬM CHỨC CỦA TỔNG THỐNG JOE BIDEN

TRÚC LAM dịch/ TD 20-1-2021

Lời giới thiệu: Ông Joe Biden mong muốn nước Mỹ đoàn kết. Trong bài diễn văn nhậm chức hôm nay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46, ông đã nhắc gần chục lần cụm từ “đoàn kết”. Đây là bản dịch bài phát biểu của ông.

***

Thẩm phán Roberts, Phó Tổng thống Harris, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, lãnh đạo Schumer và McConnell, Phó Tổng thống Pence, các vị khách quý và các đồng bào Mỹ của tôi, đây là ngày của nước Mỹ.

Đây là ngày của nền dân chủ. Một ngày của lịch sử và hy vọng, của đổi mới và quyết tâm thông qua một cuộc thử thách gắt gao qua các thời đại. Nước Mỹ đã bị thử thách một lần nữa và nước Mỹ đã vượt qua thử thách. Hôm nay, chúng ta ăn mừng chiến thắng không phải của một ứng cử viên, mà còn có một lý do khác, đó là chiến thắng của nền dân chủ. Con người, ý chí của con người, đã được lắng nghe và ý chí của con người đã được lưu ý.

Chúng ta đã học lại một lần nữa rằng, nền dân chủ rất quý giá. Nền dân chủ thật mong manh. Vào giờ này, các bạn của tôi, nền dân chủ đã thắng.

Kể từ bây giờ, trên mảnh đất linh thiêng này, nơi mà chỉ vài ngày trước, bạo lực đã tìm cách làm rung chuyển nền tảng của Điện Capitol. Chúng ta đến với nhau như một quốc gia, dưới quyền của Chúa, không thể phân chia để thực hiện chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, như chúng ta đã làm hơn hai thế kỷ qua.

Khi chúng ta nhìn về phía trước theo cách độc đáo của Mỹ: Không ngừng nghỉ, táo bạo, lạc quan và đặt tầm nhìn vào đất nước mà chúng ta có thể biến nó thành và chúng ta phải biến nó thành như thế nào.

Tôi cảm ơn những người tiền nhiệm của cả hai đảng đã có mặt ở đây hôm nay. Tôi cảm ơn họ từ tận đáy lòng mình. Và tôi biết, tôi biết sự kiên cường của Hiến pháp và sức mạnh, sức mạnh của dân tộc chúng ta. Cũng như Tổng thống Carter, là người mà tôi đã nói chuyện đêm qua, là người không thể đến với chúng ta hôm nay, nhưng là người mà chúng ta tôn vinh vì cuộc đời phục vụ của ông ấy.

Tôi vừa thực hiện lời thề thiêng liêng. Mỗi người trong số những người yêu nước đã thề. Lời tuyên thệ đầu tiên của George Washington. Nhưng câu chuyện của nước Mỹ không phụ thuộc vào bất kỳ ai trong chúng ta, không phụ thuộc vào một số người trong chúng ta, mà phụ thuộc vào tất cả chúng ta, phục thuộc vào những người tìm kiếm một sự kết hợp hoàn hảo hơn.

Đây là một đất nước tuyệt vời. Chúng ta là những người tốt. Và qua nhiều thế kỷ, trải qua bão tố và xung đột, trong hòa bình và chiến tranh, chúng ta đã đi qua. Nhưng chúng ta vẫn còn phải đi xa. Chúng ta sẽ tiến về phía trước với tốc độ và sự khẩn trương, vì chúng ta còn nhiều việc phải làm trong mùa đông nguy hiểm này và nhiều sự kiện quan trọng có thể xảy ra, nhiều điều cần sửa chữa, nhiều thứ cần khôi phục, nhiều vết thương cần chữa lành, nhiều việc cần xây dựng và nhiều thứ cần đạt được.

Rất ít người trong lịch sử đất nước chúng ta trải qua nhiều thử thách hoặc nhìn thấy thời điểm thách thức hoặc khó khăn hơn thời điểm mà chúng ta đang gặp phải hiện nay. Loại virus từng xuất hiện trong thế kỷ này, âm thầm rình rập đất nước. Nó đã cướp đi nhiều sinh mạng trong một năm mà nước Mỹ đã mất tất cả trong Thế chiến thứ Hai. Hàng triệu việc làm đã bị mất. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa. Một tiếng kêu cho công lý chủng tộc, khoảng bốn trăm năm trong quá trình thực hiện đã khuấy đảo chúng ta. Giấc mơ về công lý cho tất cả mọi người sẽ không còn bị trì hoãn lâu hơn nữa.

Tiếng kêu cho sự sống còn đến từ chính hành tinh, một tiếng kêu không thể tuyệt vọng hơn hay rõ ràng hơn. Và bây giờ là sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan chính trị, da trắng thượng đảng, chủ nghĩa khủng bố trong nước mà chúng ta phải đương đầu và chúng ta sẽ đánh bại.

Để vượt qua những thách thức này, để phục hồi tâm hồn và bảo đảm tương lai của nước Mỹ, cần nhiều hơn những lời nói. Nó đòi hỏi những thứ khó nắm bắt nhất trong một nền dân chủ: Đoàn kết, đoàn kết.

Vào một tháng Giêng khác, trong ngày đầu năm mới, năm 1863, Abraham Lincoln đã ký Tuyên bố Giải phóng [Nô lệ]. Khi đặt bút lên giấy, tổng thống nói, tôi xin trích dẫn như sau, “nếu tên tôi đi vào lịch sử, nó sẽ dành cho hành động này. Và cả tâm hồn tôi cũng ở trong đó”.

Toàn bộ tâm hồn tôi đã ở trong đó ngày hôm nay. Vào ngày hôm nay của tháng Giêng này, cả tâm hồn tôi hướng về điều này: Đưa nước Mỹ xích lại gần nhau, người dân đoàn kết, đất nước đoàn kết. Và tôi yêu cầu mọi người Mỹ cùng tham gia với tôi vì mục tiêu này.

Đoàn kết để chống lại những kẻ thù mà chúng ta phải đối mặt: Sự giận dữ, phẫn uất, hận thù, cực đoan, vô luật pháp, bạo lực, bệnh tật, thất nghiệp và vô vọng. Với sự đoàn kết, chúng ta có thể làm được những điều lớn lao, những điều quan trọng. Chúng ta có thể đúng trong những điều sai. Chúng ta có thể giúp mọi người làm những công việc tốt. Chúng ta có thể dạy con mình trong những trường học an toàn. Chúng ta có thể vượt qua loại virus chết người. Chúng ta có thể được thưởng, phần thưởng cho công việc và xây dựng lại tầng lớp trung lưu và bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người. Chúng ta có thể mang lại công lý chủng tộc và chúng ta có thể đưa nước Mỹ một lần nữa trở thành lực lượng hàng đầu vì lợi ích trên thế giới.

Tôi biết, nói về sự đoàn kết trong những ngày này có thể nghe giống như một chuyện viển vông. Tôi biết những thế lực chia rẽ chúng ta rất thâm hiểm và chúng có thật, nhưng tôi cũng biết những thế lực đó không phải mới mẽ gì. Lịch sử của chúng ta là một cuộc đấu tranh liên tục giữa lý tưởng của người Mỹ mà tất cả chúng ta sinh ra đều bình đẳng và một thực tế tồi tệ, khắc nghiệt mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cho rằng người địa phương trội hơn người nhập cư, nỗi sợ hãi, ma quỷ từ lâu đã xé nát chúng ta. Trận chiến diễn ra từ lâu và chiến thắng không bao giờ được bảo đảm.

Qua nội chiến, Đại suy thoái, chiến tranh thế giới, 11/9, qua đấu tranh, hy sinh và thất bại, cái thiện đã luôn chiến thắng. Trong mỗi khoảnh khắc này, có đủ người của chúng ta đến bên nhau để đưa tất cả chúng ta tiến về phía trước. Và chúng ta có thể làm điều đó ngay bây giờ. Lịch sử, đức tin và lý trí chỉ ra con đường, con đường của sự đoàn kết. Chúng ta không thể coi nhau là đối thủ, mà là hàng xóm của nhau. Chúng ta có thể đối xử với nhau bằng phẩm giá và sự tôn trọng. Chúng ta có thể hợp lực, ngừng la hét và hạ cơn tức giận. Vì không có sự đoàn kết, thì sẽ không có hòa bình, mà chỉ có cay đắng và giận dữ. Không có tiến triển, mà chỉ có sự phẫn nộ kiệt quệ. Không có đất nước, mà chỉ có tình trạng hỗn loạn.

Đây là thời điểm lịch sử của khủng hoảng và thử thách. Và đoàn kết là con đường phía trước. Và chúng ta phải đáp ứng thời điểm này với tư cách là Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ. Nếu chúng ta làm được điều đó, tôi bảo đảm với các bạn rằng chúng ta sẽ không thất bại. Chúng ta chưa từng thất bại ở Mỹ khi chúng ta cùng nhau hành động.

Và vì vậy hôm nay, tại thời điểm này, tất cả chúng ta hãy bắt đầu làm lại từ đầu. Hãy bắt đầu lắng nghe nhau một lần nữa. Nghe nhau, thấy nhau, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Chính trị không cần phải là một ngọn lửa hoành hành, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Mọi bất đồng không nhất thiết phải là nguyên nhân của một cuộc chiến tổng lực. Và chúng ta phải từ chối nền văn hóa mà trong đó sự thật bị thao túng và thậm chí được tạo ra.

Đồng bào Mỹ của tôi, chúng ta phải khác hơn thế. Nước Mỹ phải tốt hơn thế. Và tôi tin rằng nước Mỹ tốt hơn thế này rất nhiều. Hãy nhìn xung quanh, ở đây chúng ta đứng trong bóng tối của mái vòm Capitol, như đã nói trước, nó được hoàn thành trong lúc Nội chiến, khi chính liên minh thật sự bị treo lơ lửng trong thế cân bằng. Tuy nhiên, chúng ta đã chịu đựng và chúng ta đã chiến thắng.

Chúng ta đứng tại đây, nhìn ra great mall, nơi Tiến sĩ [Martin Luther] King nói về ước mơ của mình. Chúng ta đang đứng tại đây, nơi mà 108 năm trước, trong một buổi lễ nhậm chức khác, hàng ngàn người biểu tình đã cố ngăn chặn những người phụ nữ dũng cảm tuần hành, đòi quyền bầu cử. Và hôm nay chúng ta đánh dấu lễ tuyên thệ của người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được bầu vào chức vụ của quốc gia: Phó Tổng thống Kamala Harris. Đừng nói với tôi mọi thứ không thể thay đổi.

Ở đây, chúng ta đứng đối diện với Potomac từ Nghĩa trang Arlington, nơi những anh hùng đã cống hiến hết mình, cuối cùng đã yên nghỉ trong hòa bình vĩnh cửu. Và chúng ta đứng đây chỉ vài ngày sau khi một đám đông bạo loạn nghĩ rằng họ có thể dùng bạo lực để dập tắt ý chí người dân, ngăn chặn công việc của nền dân chủ chúng ta, để đuổi chúng ta ra khỏi mảnh đất thiêng liêng này.

Nó đã không xảy ra. Nó sẽ không bao giờ xảy ra. Không phải hôm nay, không phải ngày mai, không bao giờ. Không bao giờ.

Đối với tất cả những người đã ủng hộ chiến dịch của chúng tôi, tôi rất khiêm tốn trước niềm tin mà các bạn đã đặt vào chúng tôi. Với tất cả những ai đã không ủng hộ chúng tôi, hãy để tôi nói điều này. Hãy nghe tôi nói khi chúng ta tiến về phía trước. Hãy đánh giá tôi và trái tim tôi. Nếu các bạn vẫn không đồng ý, thì hãy cứ như vậy. Đó là dân chủ. Đó là nước Mỹ. Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa, là lan can của nước cộng hòa của chúng ta, có lẽ là sức mạnh lớn nhất của đất nước này.

Tuy nhiên, hãy nghe tôi nói rõ: Bất đồng không được dẫn đến bất hòa. Và tôi cam kết điều này với các bạn, tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ. Tất cả người Mỹ. Và tôi hứa với các bạn rằng tôi sẽ chiến đấu hết mình cho những người đã không ủng hộ tôi, cũng như những người đã ủng hộ.

Nhiều thế kỷ trước, Thánh Augustinô, một vị thánh trong nhà thờ của tôi, đã viết cho mọi người rằng, vô số được xác định bởi những điểm chung trong tình yêu của họ. Những điểm chung mà chúng ta, những người Mỹ yêu thích, xác định chúng ta là người Mỹ, đó là gì? Tôi nghĩ chúng ta biết. Đó là cơ hội, an toàn, tự do, nhân phẩm, tôn trọng, danh dự và đúng vậy, sự thật.

Những tuần và những tháng gần đây đã dạy cho chúng ta một bài học đau đớn. Có sự thật và có những lời nói dối, những lời nói dối được nói ra vì quyền lực và quyền lợi. Và mỗi chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm, với tư cách là công dân, là người Mỹ, và đặc biệt với tư cách là những nhà lãnh đạo, những nhà lãnh đạo đã cam kết tôn trọng Hiến pháp và bảo vệ đất nước của chúng ta, bảo vệ sự thật và đánh bại sự dối trá.

Tôi hiểu rằng, nhiều đồng bào Mỹ của tôi nhìn về tương lai với sự sợ hãi và run sợ. Tôi hiểu họ lo lắng về công việc của mình. Tôi hiểu, giống như bố tôi, họ nằm trên giường ban đêm, nhìn chăm chăm lên trần nhà rồi tự hỏi, liệu tôi có thể giữ được bảo hiểm (nguyên văn: Sự chăm sóc sức khỏe) của mình không? Tôi có thể trả tiền nhà của mình được không? Nghĩ về gia đình của họ, nghĩ về những gì xảy ra sắp tới. Tôi hứa với các bạn, tôi hiểu điều đó.

Nhưng câu trả lời là không nên hướng vào trong, rút ​​lui vào các phe phái cạnh tranh, không tin tưởng những người không giống các bạn hoặc tôn thờ cách các bạn làm, hoặc không nhận tin tức của họ từ những nguồn giống của các bạn. Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến không văn minh này, giữa đỏ và xanh, nông thôn với thành thị, bảo thủ với tự do.

Chúng ta có thể làm được điều này nếu chúng ta mở rộng tâm hồn thay vì để trái tim mình chai cứng. Nếu chúng ta thể hiện một chút khoan dung và khiêm tốn, và nếu chúng ta sẵn sàng đứng vào vị trí của người khác, như mẹ tôi nói, chỉ trong giây lát, hãy đứng vào vị trí của họ, bởi vì đây là điều về cuộc sống. Không có gì giải thích cho số phận nào mà các bạn sẽ đối phó. Có những ngày, các bạn cần sự giúp đỡ. Có những ngày khác khi chúng tôi kêu gọi giúp một tay. Đó là cách nó phải như vậy. Đó là những gì chúng ta làm cho nhau. Và nếu chúng ta làm được như vậy, đất nước của chúng ta sẽ mạnh hơn, thịnh vượng hơn, sẵn sàng hơn cho tương lai. Và chúng ta vẫn có thể không đồng ý với nhau.

Hỡi những đồng bào Mỹ của tôi, công việc trước mắt, chúng ta sẽ cần nhau. Chúng ta cần tất cả sức mạnh để vượt qua mùa đông đen tối này. Chúng ta đang bước vào thời kỳ khó khăn nhất và nguy hiểm nhất của virus. Chúng ta phải gạt chính trị sang một bên và cuối cùng đối mặt với đại dịch này với tư cách là Một quốc gia. Một quốc gia.

Và tôi hứa với các bạn điều này, như Kinh Thánh nói: “Khóc có thể kéo dài trong một đêm, nhưng niềm vui sẽ đến vào buổi sáng“. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua điều này. Cùng nhau.

Này các bạn, tất cả các đồng nghiệp của tôi mà tôi từng phục vụ trong Hạ viện và Thượng viện, chúng ta đều hiểu thế giới đang theo dõi, dõi theo tất cả chúng ta hôm nay. Cho nên, đây là thông điệp của tôi dành cho những người bên ngoài biên giới của chúng ta. Nước Mỹ đã trải qua thử thách và chúng tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ điều đó. Chúng tôi sẽ sửa lại [sai lầm với] các liên minh của mình và cùng tham gia với thế giới một lần nữa. Không phải để đáp ứng những thách thức của ngày hôm qua, mà là những thách thức của ngày hôm nay và ngày mai. Và chúng tôi sẽ dẫn đầu, không chỉ bằng tấm gương về sức mạnh của chúng tôi, mà bằng sức mạnh của tấm gương của chúng tôi.

Chúng tôi sẽ là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy vì hòa bình, tiến bộ và an ninh. Các bạn đều biết, chúng tôi đã trải qua rất nhiều sự cố trên đất nước này. Và hành động đầu tiên của tôi với tư cách là tổng thống, tôi muốn đề nghị các bạn tham gia cùng tôi trong giây phút cầu nguyện thầm lặng, để tưởng nhớ tất cả những người mà chúng ta đã mất trong năm qua vì đại dịch. Bốn trăm ngàn đồng bào Mỹ, những người mẹ, người cha, người chồng, người vợ, con trai, con gái, bạn bè, hàng xóm và những người cùng làm việc chung. Chúng ta sẽ vinh danh họ bằng cách trở thành những con người và đất nước mà chúng ta biết rằng chúng ta có thể biến đất nước trở thành như vậy. Vì vậy, tôi yêu cầu các bạn, hãy nói một lời cầu nguyện thầm lặng cho những người đã mất mạng, những người bị bỏ lại phía sau và cho đất nước của chúng ta.

Amen.

Hỡi đồng bào, đây là thời gian thử thách. Chúng ta phải đối mặt với một cuộc tấn công vào nền dân chủ và tấn công vào sự thật của chúng ta, một loại virus hoành hành, sự bất bình đẳng ngày càng tăng, sự nhức nhối của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống, khủng hoảng khí hậu, vai trò của Mỹ trên thế giới. Bất kỳ điều nào trong số những điều này xảy ra, cũng đủ để thách thức chúng ta nhất. Nhưng thực tế là, chúng ta phải đối mặt với tất cả những điều đó cùng một lúc, thể hiện đất nước này với một trong những trách nhiệm lớn nhất mà chúng ta có. Bây giờ chúng ta sẽ được thử thách. Chúng ta sẽ đi lên? Tất cả chúng ta? Đã đến lúc cần phải táo bạo, vì còn rất nhiều việc phải làm. Và điều này là chắc chắn, tôi hứa với các bạn, chúng ta sẽ bị đánh giá, các bạn và tôi, bằng cách chúng ta giải quyết những cuộc khủng hoảng qua các công đoạn của thời đại chúng ta.

Câu hỏi được đặt ra là, liệu chúng ta có vươn lên được trong dịp này không. Liệu chúng ta có làm chủ được giờ phút hiếm hoi và khó khăn này? Liệu chúng ta có đáp ứng các nghĩa vụ của mình và đi vào một thế giới mới và tốt đẹp hơn cho con cái chúng ta không? Tôi tin rằng chúng ta phải làm điều đó. Tôi chắc rằng các bạn cũng sẽ làm điều đó. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được. Và khi chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ viết tiếp một chương tuyệt vời trong lịch sử của Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ. Câu chuyện của người Mỹ. Một câu chuyện có thể giống như một bài hát có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Nó được gọi là quốc ca Mỹ. Có một câu nổi bật, ít ra là đối với tôi, nó giống như thế này:

Công việc và lời cầu nguyện của một thế kỷ đã đưa chúng ta đến hôm nay.

Di sản của chúng ta sẽ là gì? Con cái của chúng ta sẽ nói gì?

Hãy cho tôi biết trong trái tim tôi khi những ngày của tôi đã qua.

Nước Mỹ, nước Mỹ, tôi đã cống hiến hết mình cho bạn.

Hãy thêm vào nữa. Chúng ta hãy thêm công việc và lời cầu nguyện của chính mình vào câu chuyện đang diễn ra trên quốc gia vĩ đại của chúng ta. Nếu chúng ta làm điều này, thì khi những ngày của chúng ta trôi qua, con cái của chúng ta và các cháu nội ngoại của chúng ta sẽ nói về chúng ta rằng: Ông cha ta đã cống hiến hết mình, họ đã làm bổn phận của họ, họ đã hàn gắn một mảnh đất bị tan vỡ.

Hỡi những đồng bào Mỹ của tôi, tôi khép lại ngày mà tôi bắt đầu, bằng một lời thề thiêng liêng trước Chúa và tất cả các bạn. Tôi tặng các bạn lời của tôi, tôi sẽ luôn luôn bình đẳng với các bạn. Tôi sẽ bảo vệ Hiến pháp. Tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ của chúng ta. Tôi sẽ bảo vệ nước Mỹ và tôi sẽ cống hiến cho tất cả, tất cả các bạn. Giữ mọi thứ tôi làm để phục vụ các bạn, không nghĩ đến quyền lực, mà là khả năng, không phải lợi ích cá nhân, mà là lợi ích công chúng. Và chúng ta sẽ cùng nhau viết nên một câu chuyện của người Mỹ về niềm hy vọng, không sợ hãi. Đoàn kết, không chia rẽ. Ánh sáng, không phải bóng tối. Một câu chuyện về sự đúng đắn và phẩm giá, tình yêu và sự hàn gắn, sự vĩ đại và tốt đẹp. Có thể đây là câu chuyện dẫn dắt chúng ta. Câu chuyện truyền cảm hứng cho chúng ta và câu chuyện kể về những thời đại chưa đến mà chúng ta đã đáp lại tiếng gọi của lịch sử. Chúng ta đã gặp nhau vào thời điểm này. Dân chủ và hy vọng, sự thật và công lý đã không chết trong sự theo dõi của chúng ta, mà nó vẫn phát triển mạnh mẽ. Nước Mỹ bảo đảm sự tự do ở trong nước và một lần nữa đứng như một ngọn hải đăng cho thế giới. Đó là những gì chúng ta nợ tiền nhân của chúng ta, nợ những người khác và nợ các thế hệ kế tiếp.

Vì vậy, với mục đích và quyết tâm, chúng ta chuyển sang những nhiệm vụ của thời đại chúng ta. Vững vàng bởi đức tin, được thúc đẩy bởi niềm tin, cống hiến cho nhau và cho đất nước mà chúng ta yêu thương bằng cả trái tim.

Xin Chúa phù hộ cho nước Mỹ và xin Chúa bảo vệ binh sĩ của chúng ta. Cảm ơn nước Mỹ.

CHÂN DUNG JOE BIDEN

HUỲNH MINH TRIẾT /LK/TD 20-1-2020

Joe Biden. Ảnh: Mark Peckmezian

Bị đánh gục, đứng dậy, lại bị đánh gục, lại đứng dậy. Đó là câu chuyện cuộc đời Joe Biden.

Tuổi thơ bị bắt nạt vì nói lắp. Vượt qua tật nói lắp, tốt nghiệp với một bằng cử nhân và một bằng luật. Trở thành luật sư. Đánh bại chính trị gia kỳ cựu, trở thành thượng nghị sĩ trẻ nhất trong Quốc hội. Mất vợ và con gái sau khi thắng cử một tháng. Có cơ hội trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử. Rút lui trong bẽ bàng vì bị tố đạo văn. Trở thành lãnh đạo nổi bật ở Thượng viện. Bị tai biến mạch máu não phải phẫu thuật. Thất bại khi tranh cử lần hai. Trở thành phó tổng thống Mỹ. Mất con trai cả vì bị ung thư. Đắc cử tổng thống trong lần tranh cử thứ ba ở tuổi 78.

Bị đánh gục rồi đứng dậy, rồi lại bị đánh gục và lại lê lết đứng dậy – đó có lẽ là một vòng tuần hoàn quen thuộc trong cuộc đời người sẽ là vị tổng thống già nhất lịch sử nước Mỹ.

“Tôi biết cảm giác của cái lỗ đen mở ra giữa ngực của bạn, khiến bạn cảm thấy mình đang bị hút vào trong đó”, Biden chia sẻ tại Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ vào tháng 8/2020.

“Tôi biết đôi khi cuộc đời có thể độc ác, tàn khốc và bất công đến mức nào… nhưng tôi tìm ra cách tốt nhất để vượt qua nỗi đau, mất mát và thương tiếc – đó là tìm ra mục đích sống”.

***


Joe Biden thời niên thiếu.Ảnh: delawareonline.com


“Bố tôi luôn nói với tôi: Khi con bị đánh gục, hãy đứng lên. Trong đời tôi đã bị đánh gục nhiều lần, giống như những người Mỹ khác, và luôn đứng dậy. Đó là sự kiên cường của người Mỹ. Khi được cho dù chỉ một nửa cơ hội, chúng ta có thể làm tất cả”, Biden viết trên Twitter hồi đầu năm nay.

Cuộc chiến vượt qua tật nói lắp

Nhiều người, trong số đó có cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã cười vào những video Biden nói vấp và quên trước quên sau trong các video được chia sẻ khắp mạng xã hội. Những dòng tít nổi bật như “Biden quên tên Obama”, “Biden nhầm vợ với em gái”, “Biden nói nhầm tên thành phố” v.v. khiến một số người cho rằng Biden quá già và đang bị lão suy.

John Hendrickson, biên tập viên tại tờ The Atlantic, một người cũng nói lắp, thì nghĩ khác. Ông cho rằng có thể các cử tri lo lắng về việc Biden có đủ minh mẫn hay không sẽ thấu hiểu hơn nếu họ biết Biden vẫn đang chiến đấu với tật nói lắp.

Tật nói lắp theo Biden từ nhỏ. Cha mẹ cậu đã bỏ cuộc khi không tìm được phương án điều trị. Những chuỗi ngày bị bắt nạt, bị chế nhạo trở nên bình thường với Biden. Bạn bè gọi cậu với đủ thứ tên, trong đó có Joe Bye-Bye, vì Biden không thể nói rõ tên mình.

“Tôi không nghĩ rằng có gì làm tổn thương lòng tự trọng của tôi nhanh chóng, nặng nề và kinh khủng như khi tôi lắp bắp ở trường học”, Biden phát biểu tại Học viện Nói lắp Hoa Kỳ vào năm 2008.

Khi giáo viên gọi Biden là “Ngài Bu-bu-bu-Biden”, cậu đã bỏ chạy về nhà. Mẹ Biden đưa cậu quay lại trường tìm gặp giáo viên – vốn là một nữ tu. Trước mặt giáo viên, người mẹ nói: “Nếu bà còn nói vậy với con tôi một lần nữa, tôi sẽ trở lại và giật ngay cái mũ khỏi mặt bà”, Biden nhớ lại.

Gia đình Biden rất thông cảm và ủng hộ cậu. “Con quá thông minh, con không thể tuôn ra chữ đủ nhanh [như tốc độ suy nghĩ của con]”, người mẹ an ủi, theo lời kể của em gái Biden.

Đó là trận chiến đầu tiên của Biden: vượt qua tật nói lắp. Cậu luyện tập nói trước gương, nghĩ thật kỹ câu mình định nói trước khi mở miệng, tập nói khi ngậm sỏi và học thuộc cả đoạn văn thay vì đọc từ sách giáo khoa trước lớp.

“Một số ký tự khó đọc hơn các chữ khác, vì thế tôi thường thức dậy vào lúc nửa đêm, đến trước gương với một cái đèn pin và luyện tập”, Biden kể lại.

Mỗi khi cậu muốn từ bỏ, mẹ cậu lại nói: “Joey, đừng để thử thách này ảnh hưởng đến con. Joey, con có thể làm được… Phải nhớ, can đảm là thứ định nghĩa con người con, và lòng trung thành sẽ cứu rỗi con”.

Sau những cố gắng kiên trì, Biden đã dần làm chủ được tiếng nói của mình.

Joe Biden lúc 25 tuổi, năm 1987. Ảnh: ALAMY.

Biden cho rằng vượt qua tật nói lắp là một cuộc chiến cả đời, chứ không phải trận chiến một lần. Đến tận bây giờ, người ta vẫn thấy các ghi chú dày đặc trong các diễn văn của ông, đánh dấu ở những chỗ cần ngắt, nghỉ để ông có thể phát âm rõ ràng. Những khi quá mệt, Biden thừa nhận, ông lại thấy mình nói vấp trở lại. Các đối thủ chính trị của ông, bao gồm cả Donald Trump, đã tấn công điểm yếu này. Trên Twitter, ông Trump nhạo báng Biden, gọi ông là bị “líu lưỡi” và “IQ thấp”.

Sau phiên tranh luận của các ứng viên Đảng Dân chủ vào năm 2019, Sarah Sanders, thư ký báo chí của Tổng thống Trump nhại lại lời Biden trên Twitter: “Tôi tôi tôi tôi tôi… không hiểu ông Biden đang nói về cái gì”.

Biden viết đáp trả: “Tôi đã cố gắng cả đời để vượt qua tật nói lắp. Và tôi có vinh hạnh to lớn được chỉ dạy cho những đứa trẻ phải trải qua điều tương tự. Đây được gọi là lòng cảm thông. Hãy tra từ điển đi”.

Sanders sau đó đã xóa tweet và xin lỗi.

“Việc nói lắp không thể hiện con người bạn”, Biden nói trong một bài phát biểu. “Khi bạn cam kết với một mục tiêu, khi bạn kiên trì đối mặt với khó khăn, bạn sẽ phát hiện ra sức mạnh mà chưa bao giờ bạn nghĩ rằng mình có. Sức mạnh ấy là thứ mà tôi cam đoan bạn sẽ cần vào một ngày nào đó”.

Biden và vợ Neilia cùng con trai Beau, Hunter và con gái mới sinh Naomi, năm 1972. Ảnh: Kho lưu trữ công Bang Delaware.

Biden học khoa học chính trị và lịch sử tại Đại học Delaware. Trong một kỳ nghỉ năm ba, ông gặp người vợ đầu tiên, Neilia Hunter. Khi mẹ của Neilia hỏi ông muốn làm gì, chàng thanh niên Biden trả lời, ông dự định trở thành tổng thống Mỹ.

Bi kịch gia đình và lễ tuyên thệ trong bệnh viện

Năm 1972, ở tuổi 29, Biden khiến cả nước Mỹ phải chú ý khi trở thành thượng nghị sĩ trẻ nhất Quốc hội vào thời điểm đó. Trong lịch sử, ông là người trẻ tuổi thứ sáu từng được bầu vào Thượng viện.

Joe Biden khi vừa đắc cử thượng nghị sĩ, năm 1972. Ảnh: AP.

Còn quá trẻ, lại là một tay mơ chính trị, Biden phải cầm nhà hai lần để có tiền tranh cử. Đối thủ của Biden bên phía Đảng Cộng hòa là Caleb Boggs – một chính trị gia sừng sỏ. Bang Delaware lúc đó lại được xem là sân nhà của Đảng Cộng hòa.

Lợi thế duy nhất Biden có lẽ là diện tích bang Delaware đủ nhỏ để ông có thể đến gõ cửa tận nhà từng cử tri. Cuối cùng, Biden thắng với khoảng cách sít sao 3.000 phiếu. Chiến thắng này khiến Biden trở thành tiêu đề trên mọi mặt báo.

Tương lai quá tươi sáng bỗng mở ra với cặp vợ chồng trẻ và ba con nhỏ, đến mức người vợ Neila lo ngại: “Chuyện gì sẽ xảy ra đây Joey? Mọi chuyện quá tốt đẹp” – Joe kể lại trong một phỏng vấn với The News Journal.

Một tháng sau chiến thắng, vợ ông gặp tai nạn khi lái xe đi mua cây thông Noel. Vợ và con gái ông qua đời ngay tại chỗ, hai con trai bị thương nặng được đưa tới bệnh viện.

Biden đã nghĩ đến việc từ bỏ sự nghiệp chính trị vừa bắt đầu để chăm sóc hai con trai, nhưng Mike Mansfield, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện nài nỉ ông ở lại ít nhất sáu tháng. Biden đồng ý và nói những lời sau ở buổi tuyên thệ ngay cạnh giường bệnh của con trai Beau:

“Trong vòng sáu tháng tới, nếu có xung đột giữa việc tôi muốn làm một người cha tốt và một thượng nghị sĩ tốt – điều tôi không hề mong xảy ra – thì tôi hứa là sẽ gọi ngay cho thống đốc bang [để thông báo từ chức]. Chúng ta luôn có thể có một thượng nghị sĩ khác, nhưng các con tôi không thể có một người cha khác”.

Joe Biden tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ bên cạnh giường bệnh của con trai. Ảnh: Getty.

Biden, một người Công giáo ngoan đạo, bắt đầu hoài nghi Chúa.

“Tôi cảm thấy Chúa đã chơi tôi một vố thật kinh khủng”, Biden nói.

Theo hồi ký của Biden, khi chưa đầy 30 tuổi, ông đã từng nghĩ đến tự sát, đã đi loanh quanh trong đêm để mong được lao vào một cuộc đánh nhau và thử tìm đến rượu.

“Tôi đã nghĩ sẽ thế nào nếu cứ đi đến Cầu Tưởng niệm Delaware, nhảy xuống và chấm dứt tất cả”, Biden viết. “Nhưng tôi chẳng bao giờ ngồi vào xe ô tô để làm thế…”

“Điều thực sự cứu rỗi tôi là các con trai”.

“Tôi bắt đầu hiểu được vì sao sự tuyệt vọng khiến con người ta bỏ cuộc, vì sao tự sát không chỉ là một lựa chọn mà còn là một lựa chọn hợp lý. Nhưng nhìn vào Hunter và Beau đang ngủ, tôi tự hỏi, hai đứa sẽ phải gặp những cơn ác mộng nào nữa, và ai sẽ giải thích với các con rằng tôi cũng ra đi. Tôi biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu để sống sót”.

Sau này, Biden nói rằng những bi kịch cá nhân giúp ông thấu hiểu và đồng cảm hơn với nỗi đau của người khác.

Để có thể dành nhiều thời gian nhất với hai con, Biden không qua đêm ở Washington mà ông bắt chuyến tàu Amtrak từ Delaware tới thủ đô, gần bốn tiếng mỗi ngày.

Trong hơn 30 năm làm thượng nghị sĩ, Joe Biden di chuyển trên chuyến tàu Amtrak mỗi ngày, nhiều đến mức người ta gọi ông bằng cái tên “Amtrak Joe”. Ảnh: Getty.

Tháng 1/1975, Biden được bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Các hoạt động tại đây đã ghi dấu ấn trong sự nghiệp của Biden ở Thượng viện. Ông trở thành chủ tịch ủy ban này vào năm 1987.

Cũng trong năm 1975, ông là một trong những người nổi bật nhất của Đảng Dân chủ phản đối chính sách bắt trẻ em da trắng, da đen ngồi chung xe buýt đến trường. “Đây là một khái niệm ngu xuẩn mà tôi chẳng hề thấy có một tác dụng nào”, ông nói trong một buổi phỏng vấn. Quyết định này của Biden cho đến nay vẫn khiến ông nhận nhiều sự chỉ trích, đặc biệt là từ các thành viên của Đảng Dân chủ. Nhiều người xem đó là bằng chứng cho thấy ông từng ủng hộ các chính sách phân biệt đối xử với người da đen.

Cùng thời gian đó, ông gặp Jill Jacob. Trong hai năm quen biết, Biden phải ngỏ lời đến lần thứ năm mới thuyết phục được Jill. Năm 1981, ông và vợ chào đón con gái Ashley Blazer.

“Jill đã lấy lại cuộc sống cho tôi. Tôi cảm thấy mình lại có thể có một gia đình trọn vẹn”, Biden viết trong hồi ký.

Ngày 7/11/1978, Biden tái đắc cử chức thượng nghị sĩ Delaware. Không giống lần đầu tiên, kết quả bỏ phiếu lần này nghiêng hẳn về phía ông. Cuộc bầu cử này củng cố vững chắc vị trí đại diện cho Delaware ở Thượng viện mà Biden nắm giữ suốt 36 năm.

Tổng thống Jimmy Carter (trái) và Joe Biden trong một sự kiện gây quỹ tại Delaware năm 1975. Ảnh: AP.

Lần tranh cử tổng thống đầu tiên

Tháng 6/1987, Biden lần đầu tiên ra thử sức trong cuộc đua lớn tới Nhà Trắng. Người ta thích thú với hình ảnh một thượng nghị sĩ trẻ, sắc sảo, có khả năng hùng biện. Joe trở thành ứng viên sáng giá cho danh hiệu tổng thống trẻ nhất lịch sử. Trong quý đầu năm đó, ủy ban vận động của ông gây quỹ được nhiều hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào khác.

Nhưng chỉ ba tháng sau, ông rút lui khỏi cuộc đua, phần lớn là vì cáo buộc đạo văn. Ông đã lấy ý tưởng từ bài phát biểu của lãnh đạo Công Đảng Anh Neil Kinnock nhưng lại không trích dẫn tác giả trong phiên tranh luận vào tháng 8/1987.

Tháng 9/1987, ông chính thức kết thúc chiến dịch tranh cử.

Joe Biden đứng cùng vợ, Jill Biden, khi tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên năm 1987. Ảnh: Getty.

Không lâu sau, ông thừa nhận sai lầm của mình.

“Tất cả những gì tôi cần làm là nói ‘như Kinnock [đã phát biểu]’. Giá mà tôi đã nói hai từ đó thôi, ‘như Kinnock’. Nhưng tôi đã không làm vậy. Đó là lỗi của tôi, không phải lỗi của ai cả”.

“Tôi đã làm những điều ngu ngốc trong quá khứ, và tôi sẽ lại làm những điều ngu ngốc trong tương lai”.

Năm 1988, Biden, lúc này đang là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, phát hiện ông bị phình mạch máu não, một căn bệnh chết người. Sau hai cuộc phẫu thuật và bảy tháng nghỉ ngơi, ông quay trở lại Thượng viện làm việc.

Vụ điều trần Anita Hill năm 1991

Trong vai trò chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện từ năm 1987 đến 1995, Biden chỉ đạo tiến trình phê chuẩn đối với sáu thẩm phán tối cao. Trong các lần phê chuẩn thẩm phán, đáng chú ý có trường hợp của ứng viên Clarence Thomas. Phiên điều trần với Anita Hill, người tố cáo Thomas, để lại một vết nhơ khó rửa trong sự nghiệp chính trị của Biden.

Joe Biden đọc lời tuyên thệ cùng Anita Hill trước khi bắt đầu phiên điều trần về cáo buộc ứng viên thẩm phán tối cao Clarence Thomas quấy rối tình dục. Ảnh: AP.

Anita Hill, một phụ nữ trẻ da đen, cáo buộc sếp cũ của mình, ứng viên thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas, quấy rối tình dục bà. Ngày 11/10/1991, Hill phải trả lời các câu hỏi vặn vẹo khó chịu của 14 người đàn ông da trắng.

Trong cương vị chủ tịch Ủy ban Tư pháp, Biden cho Thomas khai chứng trước, mặc dù đã hứa cho Hill được nói trước. Ông còn đồng ý không cho gọi thêm ba nhân chứng khác có cùng cáo buộc đối với Thomas. Khi các thành viên Đảng Cộng hòa trong ủy ban tỏ ra nghi ngờ lời khai của Hill, Biden cũng không làm gì để bảo vệ bà. Buổi điều trần được phát công khai trên truyền hình và đã làm chấn động cả nước Mỹ.

Cuối cùng Thomas được Thượng viện phê chuẩn làm thẩm phán Tối cao Pháp viện với tỷ lệ 52-48. Joe Biden bỏ phiếu chống.

Năm 2019, Biden gọi điện cho Hill, bày tỏ hối tiếc về phiên điều trần đó.

“Tôi tin bà ấy ngay từ đầu, nhưng tôi là chủ tịch. Bà ấy đã không được hưởng một phiên điều trần công bằng. Bà không được đối xử tử tế. Đó là trách nhiệm của tôi… Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc này”, Biden nói trong một phỏng vấn với đài ABC.

Nhưng Anita Hill không hài lòng với lời xin lỗi của Biden.

“Tôi không thể hài lòng với một câu đơn giản như ‘tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra với bà’”, Hill nói với tờ New York Times. “Tôi sẽ hài lòng khi tôi biết có thay đổi thực sự, có người chịu trách nhiệm thực sự và có ý định đạt được kết quả thật sự”.

Đạo luật tội phạm năm 1994

Ngày 13/9/1994, Joe Biden đứng ngay phía sau Tổng thống Bill Clinton khi Clinton ký duyệt Đạo luật Kiểm soát Tội phạm bạo lực và Thực thi Pháp luật. Biden, đồng tác giả của đạo luật này, đã đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy Quốc hội phê duyệt.

Joe Biden và các nhà lập pháp vỗ tay sau khi Tổng thống Bill Clinton ký duyệt Đạo luật Tội phạm năm 1994. Ảnh: Fair.org

Đạo luật này tăng cường trấn áp bạo lực đường phố, mở rộng lực lượng cảnh sát và xây thêm nhà tù. Mặc dù góp phần làm giảm số lượng tội phạm, nhưng nó bị chỉ trích là làm gia tăng tình trạng cảnh sát phân biệt đối xử với người da đen.

Nhiều năm sau, Biden thừa nhận đạo luật này là một sai lầm. Tuy nhiên, bỏ qua những phần gây tranh cãi, các nội dung chống bạo lực với phụ nữ và lệnh cấm một số loại vũ khí bán tự động có trong đạo luật đã trở thành một di sản mà Biden vẫn tự hào.

Joe Biden đến thăm người dân tại Kabul, thủ đô của Afghanistan năm 2002. Ảnh: AP.

Tháng 11/2002, Biden, khi đó là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã ủng hộ và giúp thông qua nghị quyết cho phép chính quyền Bush sử dụng quân đội tấn công Iraq. Sau này, Biden nói ông hối hận về quyết định trên.

Lần tranh cử thứ hai

Năm 2007, Biden ra tranh cử tổng thống lần thứ hai. Lần này, tuy không mắc phải bê bối, nhưng ông đã rút lui ở vòng sơ bộ sau những ứng viên nổi trội hơn là Barack Obama và Hillary Clinton.

Giữa năm 2008, Obama chọn Biden làm ứng viên phó tổng thống. Với Obama, một thượng nghị sĩ non trẻ và không có kinh nghiệm chính trường, Biden là một lựa chọn khôn ngoan cho chiến dịch tranh cử. Biden lúc này đã phục vụ hơn 30 năm tại Quốc hội, có khả năng đàm phán và kết nối với nghị sĩ cả hai đảng. Nhờ sự trợ giúp của Biden, Obama đã đánh bại Thượng nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hòa, trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Ngày 20/1/2009, Biden tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Trước đó vài ngày, trong bài phát biểu tạm biệt Thượng viện, ông nói: “Mọi điều tốt đẹp tôi được chứng kiến đều xảy ra ở đây, mỗi bước đi dũng cảm trong hơn 36 năm tôi ở đây không đến từ áp lực của các phe nhóm lợi ích, mà thông qua sự trưởng thành vun đắp từ các mối quan hệ cá nhân”. Biden là một trong những thượng nghị sĩ phục vụ lâu nhất trong lịch sử Mỹ.

Ngày 23/3/2010, trong lễ ký Đạo luật Chăm sóc Y tế giá hợp lý (hay còn gọi là Obamacare), micro đã bắt được tiếng Biden ghé sát tai Obama nói: “Đù, tụi mình đã xử được một vụ ngon lành rồi” (nguyên văn: “This is a big fucking deal”). Đó là một trong những chi tiết thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Biden và Obama.

Tổng thống Obama và Biden trong lễ tang của Beau Biden năm 2015. Ảnh: AFP.

Năm 2012, bộ đôi Obama – Biden tái cử dễ dàng. Tình bằng hữu của hai người khiến cả nước Mỹ thích thú. Đó là một mối quan hệ chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Khi Biden và Jill dự định bán nhà để lo cho người con bị ung thư, Obama đã ngăn ông lại:

“Đừng bán nhà, Biden. Tôi sẽ đưa tiền cho ông, bất cứ điều gì ông cần. Hứa với tôi Joe, hứa với tôi”, Biden chia sẻ câu chuyện với CNN.

Cựu Thư ký Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng điều này cho thấy “mối quan hệ cá nhân giữa tổng thống và phó tổng thống đã vượt qua ranh giới của trách nhiệm nghề nghiệp”.

Thêm một bi kịch gia đình

Năm 2015, tai họa tiếp theo giáng xuống đầu Joe Biden, lúc này đã là một ông già 73 tuổi.

Beau Biden, con trai cả và là niềm tự hào lớn nhất của ông, mất vì ung thư não ở tuổi 46, khi đang ở độ chín của sự nghiệp.

Biden gặp con trai Beau tại căn cứ ở Iraq năm 2009. Ảnh: AFP.

“Beau là linh hồn tôi”, Biden kể lại.

Trái với thành tích đáng thất vọng của Hunter Biden, Beau có một sự nghiệp chính trị và quân ngũ vẻ vang. Anh là một bản sao xuất sắc hơn cha mình.

Beau tốt nghiệp cùng đại học luật Syracuse như Biden. Beau cũng thắng cử Tổng chưởng lý bang Delaware ở ngay lần thử sức đầu tiên trước đối thủ lão luyện hơn nhiều, cùng với tỷ lệ sít sao giống cha.

“Beau là hiện thân của lời cha tôi khi nói rằng, một phụ huynh biết mình thành công khi đứa con thành công hơn ông ta”, Biden nói trong đám tang Beau.

“[Những căn bệnh cướp đi người thân của chúng ta] thật tàn bạo, nhẫn tâm và kéo dài mãi không dứt”, ông nhắc lại mất mát của mình khi chia sẻ trong tang lễ của Thượng Nghị sĩ John McCain vào năm 2018.

“Nó đã lấy đi quá nhiều từ những người mà chúng ta yêu và những người yêu quý họ, tới mức để có thể sống tiếp, chúng ta phải nhớ rằng họ đã sống như thế nào, chứ không phải họ đã chết ra sao”.

Joe Biden trong lễ tang con trai. Ảnh: AP.

Jill Biden miêu tả chồng mình trong những ngày sau đám tang Beau:

“Bốn ngày sau đám tang của Beau, tôi thấy Joe đi cạo râu và mặc vest. Tôi thấy ông soi gương, hít sâu, đứng thẳng người và bước ra một thế giới không còn con trai của chúng tôi.

Ông ấy trở lại làm việc. Ông ấy đơn giản là thế. Có lúc tôi chẳng thể tưởng tượng được làm sao ông ấy vượt qua được, làm sao ông bước một chân này trước chân kia và cứ đi từng bước, nhưng tôi luôn hiểu vì sao ông ấy làm vậy”.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 2/2020, Biden nói về sức mạnh đã giúp ông vượt qua cái chết của Beau.

“Tôi đã tìm thấy một câu nói nổi tiếng từ Kierkegaard, ‘niềm tin nhìn rõ nhất mọi thứ trong bóng tối’… Với tôi, điều này thật quan trọng vì nó cho tôi lý do để hy vọng”, ông chia sẻ. “Nhưng cách duy nhất mà tôi có thể vượt qua sau khi vợ, con gái và con trai tôi qua đời, tôi chỉ có thể vượt qua được khi nhận ra họ là một phần sinh mạng của tôi. Con trai Beau là linh hồn tôi”.

“Bởi vì khi đang cận kề cái chết, Beau đã yêu cầu tôi, ‘hứa với con, hứa với con cha sẽ tiếp tục’”, Biden kể lại. “Nó biết tôi sẽ chăm sóc cho gia đình nhưng lo tôi sẽ trốn vào vỏ ốc và không làm những việc tôi làm từ trước tới nay. Phải mất nhiều thời gian tôi mới nhận ra rằng mục đích sống là cái cứu vớt tôi. Và nó đã cứu tôi. Mỗi sáng, tôi thức dậy và tự nói với mình, tôi hy vọng Beau tự hào về tôi”.

Theo một ý nghĩa nào đó, với Biden, Beau chưa bao giờ chết.

“Beau nên là người đang tranh cử tổng thống chứ không phải tôi”, Biden nói trong một chương trình trên NBC News vào tháng 1/2020. “Nó là một phần của tôi, và cũng là một phần của những người con còn sống của tôi, Hunter và Ashley”.

Beau được cho là người đã khuyến khích Biden ra tranh cử tổng thống. Cái chết của Beau là một trong những nguyên nhân khiến ông quyết định không ra tranh cử năm 2016.

Tình yêu vô điều kiện với Hunter

Biden nhắc đến Hunter như “đứa con trai còn sống duy nhất của tôi”. Hunter Biden không phải là một người con mẫu mực của bất kỳ ai. Anh bị đuổi khỏi quân ngũ vì nghiện ngập, sau đó đem lại vô số rắc rối cho cha vì các vụ làm ăn ở nước ngoài. Hunter còn trở thành “kẻ ngáng đường” lớn nhất trong lần tranh cử vừa qua của Biden, khi một loạt các video, hình ảnh ăn chơi trác táng của anh bị tung ra tràn ngập internet.

Biden và con trai Hunter năm 2010. Ảnh: AP.

Nhưng ít ai để ý, giữa những bê bối khó coi kia, những dòng tin nhắn riêng tư của Biden với Hunter cũng bị lộ và càng cho thấy khía cạnh con người của Biden.

“Chào buổi sáng, con trai tuyệt vời của bố. Cha nhớ và yêu con. Cha”, Biden nhắn gửi Hunter khi con trai ở trại cai nghiện. Khi Hunter trả lời và nói liệu việc nghiện ngập của anh có khiến cha mình thua cuộc bầu cử hay không, Joe trả lời: “Cha sẽ ra tranh cử, nhưng cha cần con… Chỉ cần con tập trung vào hồi phục thôi. Không gì khác.”

Lần tranh cử thứ ba, và thành công

Năm 2019, ở tuổi 77, Biden thử sức lần thứ ba trên đường đua lớn. Ông ra tranh cử với lời hứa “khôi phục linh hồn của nước Mỹ” và niềm tin vững chắc rằng ông là người duy nhất có thể đánh bại Donald Trump.

Biden trong video công bố tranh cử năm 2019. Ảnh: ABC.

Vào ngày 3/11/2020, ông liên tục kêu gọi người ủng hộ mình “giữ niềm tin” trong một đêm bầu cử vô cùng đặc biệt mà nhiều người đã tin rằng ông thua. Nhiều ngày sau, cú lội ngược dòng đến từ từ, chậm rãi nhưng chắc chắn từ số lượng phiếu bầu qua thư kiểm muộn. Khi kết quả đã rõ ràng, các nhà đài lần lượt tuyên bố Biden là tổng thống tân cử. Tổng thống Trump không chấp nhận thua cuộc, khởi động chiến dịch thưa kiện và công kích sự liêm chính của hệ thống bầu cử Mỹ. Nhưng kết quả cuối cùng vẫn không thể bị đảo ngược.

Ở tuổi 78, một chương mới lại mở ra trong cuộc đời một ông già đã có quá nhiều biến cố.

Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ hồi tháng 8/2020, Tổng thống Obama nói: “12 năm trước, khi tôi bắt đầu tìm kiếm một phó tổng thống, tôi không biết mình sẽ tìm được một người anh em”.

Tổng thống Obama trao tặng Huân chương Tự do cho Joe Biden vào tháng 1/2017. Ảnh: AFP.

Joe và tôi có khởi đầu khác nhau và thuộc về hai thế hệ khác nhau. Nhưng tôi nhanh chóng ngưỡng mộ sự kiên cường của ông – sau quá nhiều vật lộn thử thách, và khả năng thấu cảm của ông – đúc kết từ quá nhiều đau thương. Joe đã học được từ rất sớm rằng ông cần phải đối xử với mọi người ông gặp bằng sự tôn trọng và luôn bảo vệ phẩm giá của họ. Ông sống theo những lời mà cha mẹ đã dạy ông: ‘Không ai tốt đẹp hơn con, Joe ạ, và con cũng không tốt đẹp hơn ai’”.

Joe Biden, tổng thống mới của nước Mỹ. Ảnh: Charlie Riedel/ AP.

Ngày 20/1/2021, Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

BIẾM: THƯ DONALD TRUMP GỞI JOE BIDEN

NHÃ DUY/ TD 20-1-2021

Cuối cùng rồi ông cũng thay chỗ tôi, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến và không muốn chút nào. Ông biết tôi đã thắng ông. Thắng đậm. Đám luật sư chó đẻ vô dụng của tôi đã bảo vậy, chúng không thể sai. Con gái tôi và thằng chồng gà mờ của nó cũng đều bảo vậy. Và tôi cũng tin như vậy, chắc chắn tôi đã thắng nếu mấy thằng chết nhát ở các tiểu bang kia chịu nghe lời, thêm phiếu cho tôi. Đồ tồi.

Nền dân chủ Mỹ đã bị đánh cắp vì đã không bảo vệ cho cá nhân tôi. Những thẩm phán tôi bổ nhiệm đã không bảo vệ cho tôi. Lẽ ra tôi đã cách chức hết cả đám nhưng lũ nhân viên ăn hại cho tôi biết là không thể làm được nên tôi đã bỏ qua cho họ. Đồ phản bội!

Tôi là tổng thống thì tôi cũng chính là nước Mỹ, yêu tôi là yêu nước Mỹ. Đến đám Việt Nam mù chữ còn bảo là vậy huống hồ đám Proud Boys Mỹ rặt. Ngay cả Trung Cộng, Bắc Hàn còn biết yêu lãnh tụ là yêu nước thì chẳng lẽ nước Mỹ lại thua kém họ. Nước Mỹ phải trên hết. Đồ tệ.

Hãy nhìn lại bốn năm qua, tôi đã làm được biết bao nhiêu điều. Bất kể người dân ủng hộ hay chống đối tôi, tôi đều cho họ cơ hội bình đẳng và đối xử họ giống nhau. Họ bị chết vì Covid như nhau, thất nghiệp giống nhau, bị đuổi cổ khỏi nhà như nhau, trả tiền hàng hóa, dịch vụ tăng cao như nhau. Cái gì cũng như nhau tại sao họ lại bảo tôi kỳ thị. Đồ vô ơn!

Joe, ông có thấy tôi đã giúp kinh tế nước Mỹ như thế nào không? Chưa có tổng thống nào giúp cho nước Mỹ thâm thủng nhiều hơn, mắc nợ nhiều hơn tôi. Chỉ có tôi làm được. Nếu đắc cử tôi còn sẽ tiết kiệm cho nước Mỹ hàng ngàn tỉ đô la trong các năm tới.

Ông có biết là chi phí cho người già hiện nay là bao nhiêu không? Hàng ngàn tỉ đô la là cho an sinh xã hội, Medicare và các phúc lợi khác. 400 ngàn người chết, hầu hết là người già, Covid đã giúp tiết kiệm ngân sách quốc gia bao nhiêu? Joe, ông nhân thử đi. Tôi giỏi toán hơn bất cứ ai hết. Nếu đắc cử tôi sẽ giúp tăng lên bốn triệu người chứ không phải 400 ngàn.

Vậy mà tôi thua ông Joe. Dù tôi hơn phiếu ông, hơn xa. Chưa có ai nhiều phiếu bằng tôi. Kể cả phiếu đám dân biểu Cộng Hòa chống lại tôi.

Đó là vì đám truyền thông thổ tả. Toàn lũ truyền thông láo toét, chúng không thể nào láo hơn tôi. Chúng đã bày chuyện để người dân không bỏ phiếu cho tôi. Dù tôi cũng đã thắng lớn, ít nhất ba chục triệu phiếu. Mà cũng có thể đến năm chục triệu phiếu. Thắng áp đảo. Có trời mà biết.

Năm 2016 tôi không nghĩ mình thắng, ngay thằng tài xế cù lần của tôi cũng không nghĩ tôi thắng mà tôi lại thắng. Vậy thì tại sao tôi lại thua lần này khi tôi và đám ngu ủng hộ tôi cũng tin chắc là tôi sẽ thắng. Hàng chục triệu đứa, chúng không thể ngu hơn tôi. Mà chúng cũng chẳng thể thông minh hơn tôi. Tôi là người thông minh nhất trên đời, thông minh hơn ai hết.

Joe, tôi để lại lá thư này cho ông vì đám nhân viên vô tích sự khuyên tôi rằng nên viết cho ông vài hàng theo thông lệ. Lẽ ra tôi đã không viết nhưng vì tôi là một tổng thống có danh dự, có danh dự hơn bất cứ ai, nên tôi viết lá thư này. Nếu có lỗi chính tả thì cũng hãy biết chưa có tổng thống nào nhiều lỗi chính tả hơn tôi.

Chào Joe. Tôi chưa thua. Ông sẽ không bao giờ bằng được tôi, đừng hòng mơ chuyện bị luận tội hai lần. Chưa ai làm được và sẽ chẳng bao giờ có người nào khác làm được ngoại trừ chính tôi. Có thể tôi sẽ quay lại sau khi mãn hạn tù. Hãy đợi đó.

Donald J. Trump (Tổng thống Hoa Kỳ đời thứ 45+2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét