Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

20210131. MẠNG XÃ HỘI VỚI ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẠI TƯỚNG TÔ LÂM: 'ĐẤT NƯỚC ĐANG ĐỨNG TRƯỚC 3 THÁCH THỨC LỚN'
THẾ KHA/ DT 28-1-2021
Dân trí

 Dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng đất nước ta đang đứng trước 3 thách thức lớn.

Tại Đại hội XIII của Đảng ngày 27/1, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày tham luận với chủ đề: "Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Theo ông Tô Lâm, 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đảng bộ Công an Trung ương đã chỉ đạo lực lượng CAND triển khai toàn diện các mặt công tác, quyết liệt đổi mới, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.

Lực lượng công an đã chủ động, thường xuyên nắm chắc và dự báo sát, đúng tình hình từ xa, từ sớm, từ cơ sở, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, quan điểm có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài về bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND. Qua đó tạo môi trường hòa bình, ổn định, đế phát triển kinh tế - xã hội mở rộng đối ngoại, nâng tầm vị thế đất nước.

Đại tướng Tô Lâm: Đất nước đang đứng trước 3 thách thức lớn - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an (Ảnh: Quốc Chính).

3 thách thức lớn

Bộ trưởng Tô Lâm dự báo, trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Trong nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa có nhiều thuận lợi rất cơ bản, nhưng 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn. 

Dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, ông Tô Lâm cho rằng đất nước ta đang đứng trước 3 thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Thứ nhất là âm mưu, hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn.

Thứ hai, nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng.

Thứ ba, nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.

"Trong 3 thách thức nêu trên, nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất"- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, Bộ trưởng Tô Lâm đã đề xuất một số vấn đề theo hướng: Bổ sung, nhấn mạnh và làm rõ những quan điểm, nội dung mới, nội dung cơ bản, cốt lõi mà dự thảo Báo cáo chính trị đề cập và đó cũng là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà lực lượng CAND tập trung thực hiện trong những năm tới.

Trong đó, Đảng bộ Công an Trung ương và toàn lực lượng CAND tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để làm cơ sở tiểp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác công an.

Đồng thời chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong mọi tình huống; nắm tình hình từ khi mới khởi nguồn các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp.

"Giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước. Chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh, an toàn các sự kiện chính trị của đất nước"- ông Tô Lâm nói.

Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí, có giải pháp, quy trình, quy chế quản lý chặt chẽ trong phát triển các dự án, đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", "không muốn tham nhũng".  

Đảng bộ Công an Trung ương xác định mục tiêu: "Năm 2021 và những năm tiếp theo tiếp tục kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội 5% so với năm 2020; tỷ lệ điều tra, khám phá án nói chung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, năm sau cao hơn năm trước".

Đại tướng Tô Lâm: Đất nước đang đứng trước 3 thách thức lớn - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND tinh nhuệ, hiện đại.

Năm 2030 xây dựng lực lượng CAND tinh nhuệ, hiện đại

Đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết một trong những giải pháp trọng tâm mà lực lượng CAND tập trung thực hiện trong những năm tới là chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, tăng cường tiềm lực, sức mạnh về mọi mặt của Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND tinh nhuệ, hiện đại. Trong đó xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa "đột phá".

Thứ nhất, tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh trật tự và hoạt động của lực lượng CAND đáp ứng kịp thời đòi hỏi của tình hình thực tiễn, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề khó, những thách thức an ninh phi truyền thống.

Thứ hai, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong CAND, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ Công an cơ sở; chủ động tăng cường cho cơ sở, lực lượng trực tiếp chiến đấu.

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu phát triển, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các mặt công tác công an, nhất là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

"Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ CAND luôn luôn ghi nhớ và thực hiện cho bằng được chân lý: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ; danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất"; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thường xuyên nêu gương, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch"- Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Quyết tâm phấn đấu xây dựng lực lượng thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, thể hiện ý chí, trách nhiệm của toàn lực lượng CAND về khát vọng và niềm tin xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, mỗi người dân Việt Nam được hưởng thụ cuộc sống ấm no, hạnh phúc và thanh bình.

Thế Kha - Anh Thế

BA THÁCH THỨC 'ĐE DỌA SINH MỆNH ĐẢNG VÀ SỰ TỒN VONG CHẾ ĐỘ'

TRÂN VĂN/Blog VOA/ TD 29-1-2021

Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ 12, vừa cảnh báo các đồng chí là đại biểu tham dự đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng CSVN rằng: Hiện có ba thách thức lớn đe dọa sinh mệnh đảng và sự tồn vong của chế độ.

Thứ nhất là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thứ ba là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.

Trong ba thách thức vừa kể, ông Lâm nhấn mạnh: Nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất (1).

***

Thực trạng biển Đông – dã tâm của Trung Quốc và những động tác mới nhất mà Trung Quốc vừa thực hiện, nguy hiểm cho tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc như thế nào thì ai cũng biết, ông Lâm tất nhiên cũng biết. Tuy nhiên ông không quan tâm. Với ông đó chỉ là vấn đề thứ yếu. Ngay cả khi xác định biển Đông là thách thức thứ… hai thì lý do ông Đại tướng, Bộ trưởng Công an chọn làm thách thức cũng chỉ liên quan đến lợi ích lâu dài của… đảng và của… ông: Uy tín của đảng trước nhân dân và… chỉ thế mà thôi!

Ông Lâm không những không lo mà còn không xem đối tượng đã xâm hại chủ quyền lãnh thổ, cũng như đang tiếp tục xâm hại cả chủ quyền lãnh thổ, đe dọa sự ổn định của kinh tế, xã hội Việt Nam như… kẻ thù. Ông chỉ… thù đồng bào. Dẫu họ cũng là người Việt nhưng vì họ không chấp nhận sự chi phối toàn diện, tuyệt đối của đảng mà ông là thành viên lãnh đạo nên với ông, họ mới là… thù địch. Với ông, chỉ họ mới… thâm độc, nguy hiểm hơn chứ không phải ngoại bang.

Ba thách thức mà ông Tô Lâm khái quát, liệt kê để cảnh báo các đồng chí còn cho thấy, tuy là một trong những lãnh đạo chủ chốt của đảng nhưng hoặc ông nhìn không xa, trông không rộng, hoặc ông… hoạt ngôn! Tại sao ông chi thấy… “quả” mà không thấy… “nhân”? Có thể nhận ra thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và nhân dân suy giảm lòng tin đang diễn biến phức tạp, trở thành một loại nguy cơ mà không xác định được đâu là nguyên nhân?

Chẳng lẽ Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học An ninh không thể lý giải vì sao lại xuất hiện tình trạng mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, sức chiến đấu của đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong bị suy yếu và trở thành nguy hiểm nhất?

***

Xem tóm thuật tham luận của ông Lâm, vài người quen với kẻ viết bài này bảo rằng, sở dĩ ông Lâm không thù… địch, chỉ thù… đồng bào vì việc biến đồng bào thành… thế lực thù địch, đe dọa sinh mệnh đảng và sự tồn vong của chế độ sẽ giúp những cá nhân như ông Bộ trưởng Công an củng cố vai trò, vị trí trong đảng.

Có người thì cười khà khà khi thấy ông tuyên bố, đại loại: Ngoài việc sẽ phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, ngành công an sẽ… đề ra… giải pháp, quy trình, quy chế quản lý chặt chẽ trong phát triển các dự án, đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không muốn tham nhũng”. Họ phỏng đoán, nếu công an được phép thực thi tất cả những điều đó như ông Lâm tuyên bố, Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ mới có thể cho phép chính phủ nhiệm kỳ mới… giải tán nhiều bộ vì đã có công an đảm trách vai trò vốn của nhiều bộ, ngành.

Cũng có người ước ao, phải chi họ được chọn làm đại biểu tham dự đại hội đại biểu toàn quốc của đảng lần này để có thể thỏ thẻ đề nghị ông Tô Lâm… nêu gương ngay sau khi ông trình bày xong tham luận: Tự nguyện công bố xem trong tờ khai tài sản mà ông đã nộp cho đảng, ông xác định cả bất động sản lẫn động sản mà ông đang sở hữu trị giá bao nhiêu. Theo họ, khi tham nhũng trở thành vấn nạn trầm kha như đã biết, đã thấy và đã thề sẽ làm gì đó để kẻ khác “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không muốn tham nhũng” thì phải… nêu gương chứ!

Đồng bào – những người bị ông Lâm xem là… thù địch hoặc do bất bình trước thực tại càng ngày càng nhiều điều bất hợp lý, tương lai càng lúc càng bi đát của chính mình, xứ sở mình, dân tộc mình nghĩ sao?

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-hoi-xiii/bo-truong-to-lam-3-thach-thuc-de-doa-sinh-menh-dang-ton-vong-che-do-1334917.html

TỈNH TÁO TRƯỚC CHIÊU TRÒ 'TRUYỀN THÔNG ĐEN' CHỐNG PHÁ ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

HUÂN NGUYỄN / CAND 28-1-2021

Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường: Đại dịch COVID–19 với những biến thể mới, tác động tới nhiều quốc gia; các cuộc biểu tình, bạo loạn tại Mỹ trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền chống phá, đặc biệt là tuyên truyền xuyên tạc về nhân sự, về đường lối của Đảng.

Gia tăng các chiến dịch tuyên truyền chống phá

Những ngày vừa qua, các thế lực thù địch, phản động ráo riết tiến hành chiến dịch tuyên truyền với mưu đồ gây sự chia rẽ trong Đảng, trong Đại hội, gây mất uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tìm cách hạ uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Thông tin tuyên truyền được các thế lực phản động dàn dựng công phu, tỉ mỉ. Các website với tên miền ở nước ngoài, các tài khoản mạng xã hội được thiết lập mới để tiến hành các chiến dịch tuyên truyền chống phá trước và trong những ngày diễn ra Đại hội đã được các đối tượng phản động, chống đối lên sẵn dây cót.

Trong những ngày qua, hàng loạt chiêu trò “truyền thông đen” được các tổ chức phản động chống phá Việt Nam sử dụng để xuyên tạc, đả kích nội dung, chương trình Đại hội đang diễn ra, đặc biệt là liên quan đến công tác nhân sự. Trang “Dân làm báo” gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đại hội, trong đó bài viết “Đại hội 13 đảng CSVN: Một tương lai đen tối cho dân tộc” với nhiều thông tin phân tích sai trái, bịa đặt nhằm hướng lái người đọc theo ý đồ xấu.

Tổ chức phản động lưu vong Việt Tân đưa nhiều bài viết xuyên tạc công tác nhân sự Đại hội, bày ra quan điểm cho rằng trong Đảng đang có sự đấu đá giữa các phe cánh, tranh chấp nên công tác chốt nhân sự trở nên khó khăn, chậm trễ.

Một số KOLs (người có ảnh hưởng) mang màu sắc chính trị cũng tích cực đăng tải các bài viết dưới dạng “rò rỉ thông tin”, tạo bộ hiểu biết để phân tích về công tác nhân sự, từ đó vu cáo, bôi nhọ cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nguyễn Văn Đài là đối tượng từng lĩnh án tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, nay đang sinh sống tại Đức, cũng thường xuyên sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải các video, bài viết, chia sẻ các link về tình hình công tác nhân sự trong Đại hội nhằm thu hút sự chú ý của công luận. Đài đưa ra nhiều bài viết dưới dạng “phân tích tứ trụ” với lời lẽ miệt thị, đả kích, đó cũng là cách mà đối tượng tự tạo “điểm nhấn” cho mình để gây chú ý trên mạng xã hội.

Rõ ràng, tất cả các luận điệu xuyên tạc về công tác nhân sự mà các đối tượng phản động, chống đối chính trị đưa ra đều hướng đến mục đích gây sự hoang mang trong dư luận, tạo ra các thông tin sai sự thật nhằm phá hoại tư tưởng, tác động hướng lái dư luận đi theo ý đồ xấu. Sau phiên khai mạc Đại hội, những luận điệu này tiếp tục được các đối tượng vẽ ra, từ phân tích, đánh giá đến “trò chuyện chuyên gia”, tất cả đều chụp mũ bình luận về nhân sự Đại hội XIII để xuyên tạc, chống phá. 

Thực tiễn công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được tiến hành chặt chẽ, khoa học, trái ngược với những luận điệu rêu rao đả kích của các thế lực xấu. Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, quy trình công tác nhân sự Đại hội XIII được chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu và có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, số lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa mới ít hơn; trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình 3 bước thì lần này là 5 bước. Điều này cho thấy sự chặt chẽ trong khâu lựa chọn nhân sự là vấn đề hết sức quan trọng, qua đó lựa chọn những nhân tố thực sự xứng đáng để Đại hội lựa chọn.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức; thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII với số phiếu tập trung rất cao.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thảo luận và thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về dự kiến Danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phòng ngừa, ngăn chặn thông tin xuyên tạc Đại hội XIII của Đảng

Về phía các cơ quan chức năng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đang diễn ra, đây là thời điểm mà các đối tượng phản động, chống đối chính trị ra sức tuyên truyền chống phá để phục vụ cho âm mưu, ý đồ xấu. Đối với các cơ quan chức năng có nhiệm vụ trong bảo vệ Đại hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia đảm bảo an ninh Đại hội Đảng, cần xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong việc thực hiện các chức trách nhiệm vụ được giao.

Cần có sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn Đại hội, đặc biệt là việc chia sẻ các thông tin cần thiết, đột xuất có liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống phá Đại hội của các đối tượng phản động, chống đối chính trị để kịp thời đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm.

Các cơ quan chức năng cần chủ động, linh hoạt trong việc nắm thông tin tình hình, đưa ra các dự báo có khả năng xảy ra để có phương án đấu tranh, xử lý. Kịp thời cung cấp các thông tin thường xuyên, liên tục về tình hình Đại hội để người dân có được thông tin chính thống. Các lực lượng đặc trách về nhiệm vụ quản lý an ninh về thông tin mạng cần chủ động bám sát các hoạt động tuyên truyền chống phá Đại hội để có các phương án xử lý kịp thời...

Về phía người dân: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định tương lai, vận mệnh của quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Mỗi người dân cần chủ động nâng cao tinh thần tự bảo vệ chính mình trước các thông tin, chiến dịch tuyên truyền của các đối tượng phản động đang ra sức chống phá.

Cần có thái độ, trách nhiệm rõ ràng trước các luồng thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội trước, trong và sau thời điểm diễn ra Đại hội. Việc tiếp xúc với các luồng thông tin sai trái, cần phải nhận rõ được trách nhiệm của mình khi có những phát ngôn, hành động không gây ảnh hưởng, tác động đến tình hình an ninh, trật tự, không chia sẻ, bình luận cổ súy. Bên cạnh đó, cần có trách nhiệm trong việc lên tiếng, đẩy lùi các thông tin sai trái, xuyên tạc để bảo vệ Đảng, bảo vệ Đại hội.

Huân Nguyễn
PHẢN ỨNG TRƯỚC TIN 'RÒ RỈ' ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG TIẾP TỤC NẮM QUYỀN
CAO NGUYÊN/ RFA 25-1-2021
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (đi đầu bên trái) cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) bắt tay các đại biểu dự Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 25/1/2021. Reuters

Đại hội đảng khoá 13 chỉ vừa mới bắt đầu được một ngày, nhưng từ giữa tháng Một, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 đã nhóm họp để thông qua danh sách đề cử các vị trí lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ tới (2021 - 2025).

Từ đó, một số nhà quan sát chính trị cho là có tin nội bộ đã xác định 4 người sẽ giữ các chức danh chủ chốt trong nhiệm kỳ tới. Trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, 77 tuổi, người giữ ghế Tổng bí thư 2 nhiệm kỳ gần nhất (từ năm 2011 đến 2020), tiếp tục được Trung ương đảng bình bầu giới thiệu ra Đại hội 13.

Ba người còn lại được dự đoán thuộc nhóm “tứ trụ” là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các chức danh lần lượt là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Theo điều lệ đảng, điều 17 có ghi “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Ngoài ra, còn có quy định Ủy viên Bộ Chính trị tái cử nói chung không quá tuổi 65.

Ông Trọng đã là người duy nhất đã giành được suất “trường hợp đặc biệt” trên 65 tuổi tái cử hồi khoá 12 (nhiệm kỳ 2016 - 2020).

Dư luận chỉ trích

Trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, có nhiều ý kiến chỉ trích việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tham gia chính trường dù đã quá tuổi, sức khoẻ yếu kém và không đủ tiêu chuẩn tái cử theo chính luật của đảng Cộng sản quy định.

Một số độc giả bình luận trên fanpage của Đài Á châu Tự do như sau:

Vừa đá bóng vừa thổi còi thì chịu rồi. Dân Việt thấp cổ bé họng, chưa kịp nêu ý kiến chính đáng đã bị “bế” đi rồi. Thử hỏi một đất nước mà tiếng nói của người dân không có tác dụng thì lấy đâu ra tự do, công bằng, dân chủ và văn minh. Những từ ấy chắc chỉ có trên tivi mà thôi.” - độc giả Triệu Tú Long.

“Bác Trọng không tham quyền lực đâu. Bác cũng muốn nghỉ hưu lắm nhưng vì người dân tin tưởng nên bác phải cố gắng làm vì dân thôi!” - Từ độc giả Tâm.

Nói một đằng làm một nẻo. Lời nói không đi đôi với việc làm thì đất nước cũng vì vậy mà nghiêng ngả theo” - Độc giả Huỳnh Văn Thanh.

Chỉ thị số 51-CT/TW do ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hồi tháng 1/2016 có quy định “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ”.

Tuy nhiên, ngoài việc đã làm Tổng bí thư 2 nhiệm kì liên tiếp, ông Trọng còn kiêm luôn chức Chủ tịch nước khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời. Ngoài ra, Ông còn giữ một số chức vụ khác gồm: ủy viên Thường vụ đảng ủy Công an Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016 - 2021, thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội nói với RFA rằng trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, người dân rất dễ dàng “đào” lại các phát ngôn của lãnh đạo, từ đó đối chiếu với việc họ làm:

Thực ra mà nói thì đảng Cộng sản người ta có quyền lực trong tay thì những điều lệ hay nguyên tắc quy tắc có thể thay đổi. Có điều trong thời buổi thông tin rộng mở hiện nay thì người ta sẽ không che dấu được những lời hôm trước nói thế này, ngày mai làm thế khác.”

Tiến sỹ toán học Nguyễn Ngọc Chu bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân rằng cái quy định giới hạn nhiệm kỳ nhằm mục đích hạn chế tham nhũng quyền lực, một người nắm quyền 10 năm là quá đủ:

Hai nhiệm kỳ 10 năm là quá đủ thời gian để thi thố tài năng, vắt kiệt sáng tạo và sinh lực để cống hiến. Sau 2 nhiệm kỳ chỉ còn lại lối mòn và trì trệ…”

“Đất nước 100 triệu dân trùng điệp những người tài mà không cần ngoại lệ. Ngay trong toàn đảng với hơn 5 triệu 100 ngàn đảng viên cũng có nhiều người tài mà không cần đến ngoại lệ. Ngay chính những trường hợp ngoại lệ cũng có thể không cần đến ngoại lệ. Miễn là tranh cử tự do.

Không ai là ngoại lệ. Bậc cái thế càng không cần ngoại lệ. Quy luật của vũ trụ không có ngoại lệ.

Điều mong đợi là sự sáng suốt và sự dũng cảm của các đại biểu Đại Hội XIII. Cờ đến tay ai người đấy phất.”

Không chọn được người “kế vị”

Chiều ngày 22/1, trả lời báo chí trong nước về câu hỏi “Trong trường hợp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đại hội bầu tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ thứ 3 thì có sửa Điều lệ Đảng hay không”, ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết các trường hợp nhân sự thuộc diện “đặc biệt”, hay việc có sửa Điều lệ đảng hay không sẽ do đại hội quyết định.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giải pháp buộc thay đổi Điều lệ đảng để được ở lại cho thấy ông Trọng là một người có trình độ kém cỏi, thất bại trong giải pháp bố trí nhân sự:

Việc phải thay đổi, sửa đổi Điều lệ đảng để ông ấy ở lại làm thêm một nhiệm kỳ nữa theo tôi đó là một giải pháp kém. Cách làm của ông ấy là chỉ muốn dùng quyền để bố trí người này người nọ, chứ không dùng phương pháp để tranh cử, chọn người tài.

Vì thế ông Trọng chỉ loay hoay tìm những người xung quanh ông ấy như là Trần Quốc Vượng, Hoàng Minh Chính… Người mà ông Trọng thích thì Trung ương lại không vừa lòng. Như thế thì không được nên buộc lòng ông Trọng phải giở một thủ đoạn hèn kém là sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Mà muốn ở lại thì phải thay đổi Điều lệ đảng.

Tôi cho là quá dở. Một người có trình độ, thông minh, một người tử tế, tôn trọng lẽ phải thì không nên làm như thế.”

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận với RFA từ Hà Nội rằng việc sửa Điều lệ đảng, về luật là không có gì sai cả, vì Đại hội có quyền đó. Chỉ cần gần 1600 đại biểu đồng ý sửa là được:

Đại hội có quyền sửa. Lần này sửa, rồi lần sau lại sửa ngược lại là không được làm quá 2 nhiệm kỳ thì cũng chẳng làm sao cả. Bởi vì đây đâu có phải là một nước có dân chủ, đa nguyên như là ở chỗ khác đâu. Ở đây chỉ có mỗi một đảng.”

Gần đây ông ấy giới thiệu ông Trần Quốc Vượng khoảng 3 lần ra bộ Chính trị để đồng ý chấp thuận cho ông Trần Quốc Vượng trở thành Tổng bí thư, nhưng bộ Chính trị người ta không đồng ý, người ta bỏ phiếu thấp và không đủ. Cho đến phút cuối cùng thì ông ấy buộc lòng phải đứng ra tự ứng cử - TS. Hà Hoàng Hợp

Theo quan điểm của tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, ông cho rằng chính ông Trọng cũng không muốn tiếp tục nắm quyền thêm nữa, vì tình trạng sức khoẻ đã quá yếu:

Gần đây ông ấy giới thiệu ông Trần Quốc Vượng khoảng 3 lần ra bộ Chính trị để đồng ý chấp thuận cho ông Trần Quốc Vượng trở thành Tổng bí thư, nhưng bộ Chính trị người ta không đồng ý, người ta bỏ phiếu thấp và không đủ. Cho đến phút cuối cùng thì ông ấy buộc lòng phải đứng ra tự ứng cử.

Nói như thế có nghĩa là ông ấy không hề có tham vọng quyền lực ở lại. Bởi vì ông ấy yếu lắm, sức khỏe đang yếu, đi lại còn khó khăn, còn cái đầu ông ấy cũng không biết có tỉnh táo hay không.

Nếu bảo ông ý ở lại thêm và sẽ làm được tốt thì rất là khó. Vì thứ nhất là độ tuổi. Nhưng độ tuổi cũng không quan trọng bằng cái năng lực hành vi lãnh đạo của ông ấy có đủ hay không thì mình không thấy rõ.

Vào sáng 25/1, Đại hội Đảng 13 diễn ra ở Hà Nội bắt đầu ngày làm việc đầu tiên với phiên họp trù bị. Đại hội dự kiến kéo dài 8 ngày bắt đầu từ 25/1 cho đến ngày 2/2/2021, với sự tham gia của 1587 đại biểu. Ngày 26/1 sẽ chính thức họp phiên khai mạc Đại hội đảng.

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 15, ông Nguyễn Phú Trọng nói đã thông qua danh sách đề cử "trường hợp đặc biệt" và nhân sự "tứ trụ" với "số phiếu tập trung rất cao” để trình ra Đại hội 13.

DÂN BIẾT CẢ ĐẤY-THƯA ÔNG
JB NGUYỄN HỮU VINH/ Blog VOA/ TD 29-1-2021

Có lẽ một trong ít câu nói của Nguyễn Phú Trọng mà tôi đồng ý, đó là câu “Dân biết cả đấy” khi ông ta nói về công tác cán bộ. Rằng cán bộ phải thế nọ, phải thế kia đừng thế này, đừng thế khác… vì “dân biết cả đấy”.

Đã từ rất lâu, trước khi Đại hội 13 ĐCSVN tiến hành, thì khắp nơi mọi chốn vấn đề nóng nhất vẫn là kết quả cuộc xổ số có tính chất quốc gia: Nhân sự sau đại hội đảng.

Vấn đề được gọi cho hoa văn, cho mỹ miều là “nhân sự” thực chất là việc chia chác ghế bàn trong bàn cờ chính trị Việt Nam sẽ ra sao, sau một đợt chia chác lại bằng cái gọi là “Đại hội đảng”. Những chiếc ghế quyền lực nào được giao vào ai, người nào sẽ ngồi lên ghế đó và phe nhóm nào sẽ thắng thế trong cuộc đấu âm thầm nhưng khốc liệt này…

Thật ra, những lời bàn luận, những tranh cãi, những lưu ý của cộng đồng mạng hay dư luận xã hội, chỉ là sự tò mò của nhiều người lắm khi rỗi việc mà thôi. Còn nếu nói người dân quan tâm đến những con người đó, những chiếc ghế đó để hy vọng điều gì tốt hơn, thì chỉ là sự hão huyền và ảo tưởng.

Bởi dù là ai, là nhân vật nào, dù có tài giỏi hay tốt đẹp đến đâu, ngồi vào những chiếc ghế quyền lực trong hệ thống này, khi hệ thống tư tưởng chưa hề thay đổi, thể chế cộng sản vẫn còn, thì tất cả đều như nhau và đều… đểu.  Chẳng ai hy vọng gì một sự đột phá hay cách mạng. Chiếc vòng kim cô Mác – Lenin, sự bạo tàn và thói ích kỷ, kiêu ngạo của người cộng sản bủa vây quanh họ, không để cho họ bất cứ một lối thoát nào ra khỏi thể chế độc tài đó.

Thế nhưng, không phải vì thế mà những thông tin gọi là dư luận, là vỉa hè kia là không đúng, không chính xác. Nhiều khi, những thông tin đó còn đúng hơn cả thông tin chính thống. Thậm chí, nhiều khi những thông tin từ dư luận đã buộc hệ thống chính trị lúng túng mà thay đổi luôn cả nội dung chính những kịch bản đã được soạn sẵn cho những vấn đề đã xảy ra.

Trước khi đại hội 13 của ĐCSVN khai mạc, nhiều thông tin về những cuộc đấu đá dữ dội trong nội bộ đảng CSVN được đưa ra dư luận bằng nhiều cách, nhiều ngõ ngách đã cho thấy rằng: Khi sự độc tài đến đỉnh điểm, thì mọi điều đều có thể xảy ra mà không gây bất ngờ cho bất cứ ai.

Những cuộc mặc cả, đấu đá, loại bỏ lẫn nhau bằng nhiều phương pháp, bằng nhiều cách, đặc biệt sử dụng chiêu “Chống tham nhũng”, “đốt lò”… đã có tác dụng và hiệu quả cho phe thắng thế trong đảng.

Và những tiềm năng, những cơ hội của “phe củi” đã vị vặt đến mức tối đa. Hàng loạt quan chức được đưa lên thần tốc, làm mưa làm gió thời Nguyễn Tấn Dũng bị đưa vào lò bất kể “củi tươi hay củi khô”. Kể cả những kẻ có chiếc “Kim bài miễn tử” mang tên Ủy viên trung ương, thậm chí Ủy viên Bộ chính trị cũng không thoát khỏi cuộc thanh trừng nội bộ.

Điều đó khá rõ ràng, bởi điều ai ai cũng biết, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, vai trò của Đảng bị Dũng coi nhẹ và Dũng đã hoành hành như chốn không người, coi đảng chẳng ra gì. Và đó là cái tội lớn nhất của Dũng mà Nguyễn Phú Trọng không thể tha thứ ngay cả khi đã tuyên bố “về làm người tử tế”.

Tương tự, những trường hợp, kể cả là tội phạm của “phe lò” được che chắn lỹ lưỡng và đưa ra mặc cả sát sạt. Nhiều nhân vật thuộc “phe lò” bị báo chí nhắc đến, bị người dân chỉ mặt, vạch tên rõ ràng bởi không chỉ vi phạm mà là tội phạm hẳn hoi như Vũ Kim Cự, người trực tiếp có trách nhiệm vụ đưa Formosa và đầu độc biển Hà Tĩnh hay nhiều nhân vật khác đều “bị hạ cánh an toàn”.

Thế nhưng, phe này bại thì nhóm khác lại nổi lên, chỉ vì đơn giản là chưa bao giờ trong nội bộ đảng hết những sự lục đục và những chiếc ghế quyền lực vẫn có sức hấp dẫn rất lớn.

Và điều đơn giản nhất, đó là trong đám chóp bu kia, đều dạng “cá mè một lứa” chẳng con nào nhỉnh hơn con nào để có thể chọn lựa chắc chắn.

Có thể nói, không có cuộc đấu nào là đơn giản trong đảng, thế nhưng, cuộc đấu ở Đại hội 13 này là cuộc đấu khốc liệt và kết quả của nó là gì?

Trước tình hình người dân đọc vanh cách các nội dung của những “hội nghị trung ương” mà ở đó, tỷ lệ phiếu bầu bao nhiêu, uy tín từng cá nhân trong chóp bu đảng như thế nào… dù đảng giấu kín như đám xã hội đen bàn việc cướp, thì dân vẫn biết và mạng xã hội cũng kịp thời đưa lên để người dân rõ, nhà cầm quyền phải đưa ra cái gọi là “danh sách những tài liệu mật” nhằm ngăn chặn.

Điều mà những người trong đảng không đặt ra câu hỏi: Những thông tin vỉa hè, nhưng chính xác kia từ đâu ra, nếu không phải chính ở nội bộ đảng đang lục đục đến mức chẳng ai tin ai? Chính vì thế nhóm này, phe kia đã tung ra những điều đằng sau mà đảng muốn giấu kín, để cho cái gọi là sự đoàn kết nhất trí cao trong đảng như có thật.

Và rồi những thông tin được xì ra cho biết: Vấn đề của đảng không nằm ở phương hướng, đường lối phát triển hoặc những vấn đề có tính đột phá nhằm giúp đảng bước ra khỏi vũng lầy khủng hoảng từ lâu ở mọi mặt từ tư tưởng, đường lối, lý luận và nhân sự đảng.

Điều mà các cuộc họp hành, bàn bạc kín kín hở hở kia, chỉ là sự chia chác những chiếc ghế quyền lực trong đảng và trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Nguyễn Phú Trọng, người đã từng tự nhận rằng: Tuổi cao, sức yếu, trình độ, năng lực hạn chế đã bỏ hết mọi việc liên quan, chỉ nhằm cho việc chia chác ghế bàn trong khóa tới, nhằm cài cắm chắc chắn nhất cho đám đàn em, để bảo vệ cái gọi là “sự lãnh đạo tuyệt đối” của đảng, thắt chặt hơn nữa chiếc gông cùm, vòng kim cô lên đầu lên cổ nhân dân.

Nguyễn Phú Trọng giữ tiểu ban nhân sự của Đại hội, và qua đó, chọn lọc, đưa ra những mưu mẹo, những quy định… nhằm loại bỏ tất cả đối thủ cho phe nhóm của mình.

Thế nhưng, sự đời đâu có một chiều như mong muốn. Những màn đấu đá kịch liệt trong đảng, những gương mặt được đưa lên để mặc cả, chia chác đã không đạt được ý đồ của mỗi bên.

Và cuối cùng, thì Nguyễn Phú Trọng lại muối mặt thò ra mục đích cuối. Đó là việc ông ta ngồi lỳ lại trên chiếc ghế quyền lực của mình. Chiếc ghế mà chỉ qua hai nhiệm kỳ vừa qua, đã là một gánh nặng quá mức với sức khỏe và trình độ, năng lực của Nguyễn Phú Trọng, nhưng là chiếc ghế đem lại nhiều nhất những quyền lực và bổng lộc mà ai trong đảng cũng mơ ước.

Khi những thông tin này được đưa ra ngoài, cả xã hội ngỡ ngàng.

Người ta ngỡ ngàng không vì sự nhiệt tình của đảng viên Nguyễn Phú Trọng trong việc “chấp hành sự phân công của đảng” như lời ông ta nói. Mà người ta ngỡ ngàng vì chẳng lẽ trên cương vị một quan chức ở cấp cao nhất, khi mà tứ phía có “tai mắt nhân dân”, có đồng chí, đồng đội cùng với những lời hô hào, quyết tâm của Nguyễn Phú Trọng rằng: “Kiên quyết loại ra khỏi Trung ương những kẻ có tham vọng quyền lực, có mưu đồ cá nhân” thì Nguyễn Phú Trọng lại ngang nhiên liếm lại bãi nước bọt đã nhổ ra của mình?

Và người ta hỏi nhau: Vậy cái ghế Tổng bí thư kia, nó không có quyền lực gì sao? Còn kẻ cố bám vào chiếc ghế đó, là người không tham vọng quyền lực thì tham vọng điều gì?

Vậy cả cái đảng với mấy triệu đảng viên vốn được tự ca ngợi là tinh hoa của dân tộc, khoa học của khoa học, là những người ưu tú nhất kia chẳng thể tìm ra được một kẻ nào xứng đáng hơn một ông già đã bại liệt ngay cả việc sinh hoạt cá nhân còn không tự lo nổi, còn đầu óc thì cả nước đã tặng cho danh hiệu “lú lẫn” từ lâu?

Rõ ràng điều này: Khi Nguyễn Phú Trọng cứ cố thủ ở lại trên chiếc ghế TBT, nghĩa là điều 17 trong Điều lệ Đảng CSVN bị vô hiệu hóa khi đã quy định rằng không ai được ngồi chiếc ghế này quá 2 nhiệm kỳ.

Và cái đảng kia, một đảng được tự xưng là tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh là sức mạnh của mình, tại sao lại để một mình cá nhân Nguyễn Phú Trọng có thể thao túng và khi cần thì bất chấp mọi điều lệ, quy định để cố thủ cái ghế của mình. Như vậy, cái Điều lệ đảng, vốn được coi như là cẩm nang, nguyên tắc, còn được coi trong hơn người Mỹ giữ Hiến pháp và còn quyền lực hơn cả súng đạn hoặc bom nguyên tử đã vì quyền lực cá nhân mà Nguyễn Phú Trọng cho vào sọt rác?

Nhưng, điều người dân ngạc nhiên hơn, không chỉ là việc cả cái đảng kia với mấy triệu đảng viên đã nhu nhược câm lặng cho anh lú diễn hề, không chỉ là việc gần 100 triệu dân Việt Nam vốn rất hăng hái tranh cãi đến chia rẽ vì cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, mà chẳng mấy ai quan tâm đến cuộc bầu bán, chia chác ngay trên đầu, trên cổ mình.

Mà điều người ta ngạc nhiên nhất, ở đây lại chính là Nguyễn Phú Trọng với những lời lẽ đao to, búa lớn và sự ngô nghê lừa đảo cả đất nước, cả thế giới như trò diễn “Tôi hết sức ngạc nhiên được bầu lại chức vụ này dù tôi đã từ chối vì tuổi cao, sức yếu và khả năng, năng lực có hạn”.

Bởi người ta thấy rõ, những ngày qua, những lời của Nguyễn Phú Trọng về nhân sự đảng đều là những từ ngữ sáng choang, rạng ngời tư cách và liêm sỉ… Rằng thì là “Công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan. Đặc biệt là phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn cán bộ”.

Phải chăng, cái khoa học, công tâm, công bằng, trong sáng và khách quan, tinh đời ở đây mới chọn ra được chính ông ta?

Việc Nguyễn Phú Trọng hô hào rằng: “phải đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết; kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền…” thì chỉ riêng việc xé bỏ điều lệ đảng, chỉ riêng việc tập trung mọi mưu đồ, thời gian và công sức cũng như bằng mọi cách, kể cả vô liêm sỉ nhất để đoạt lấy và chiếm giữ ngai vàng quyền lực, thì chẳng cần nói, ai cũng biết thực chất đằng sau câu nói đó là gì.

Và có một điều Nguyễn Phú Trọng hình như không biết. Đó là ông ta tưởng với những lời lẽ hào nhoáng, với hệ thống tuyên truyền hùng hậu, dàn báo chí xu nịnh và hệ thống cán bộ nhu nhược chỉ biết cúi mặt nhẫn nhục cho ông ta diễn hề thì người dân không biết những gì thật sự đang diễn ra trong nội bộ đảng và hệ thống chính trị?

Xin thưa là không.

“Dân biết cả đấy”. Vấn đề là họ có nói hoặc không thèm nói thôi. Thưa ông!

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM, PHE NÀO LÀ PHE NÀO ?

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 29-1-2021

Có nhiều cách nhìn về các phe phái chính trị bên trong Việt Nam. Cho đến khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị hạ đo ván vào năm 2016, người ta hay cho rằng có hai phái, phái cải cách và phái bảo thủ. Phái cải cách là ông Dũng thủ tướng, phái bảo thủ là ông Nguyễn Phú Trọng.

Cách nhìn nhị phân bảo thủ cải cách này có lẽ bắt đầu từ năm 1986 khi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) quyết định công nhận kinh tế thị trường.

Cách nhìn thứ hai dựa trên vùng miền của Việt Nam, phe Nam bộ, phe Bắc kỳ, phe miền Trung,… Cách đánh giá này dựa trên sự cân bằng tương đối về nhân sự trong bộ máy ĐCSVN, mặc dù con số đảng viên người gốc Bắc cao hơn khá nhiều.

Cách nhìn thứ ba cho rằng, có nhiều phe phái ở Việt Nam, và những phe này được gọi là những phe trục lợi. Đây là một cách nhìn có phân tích kỹ và toàn diện nhất. Người đưa ra mô hình này lần đầu tiên có lẽ là ông Vũ Hồng Lâm, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Hawaii, vào năm 2019.

Mô hình phe phái thứ tư là sự cạnh tranh giữa phe “đảng” và “chính phủ”. Ở đây chúng ta hiểu theo nghĩa tương đối của nó, phe nào cũng là đảng, nhưng những người được ghép vào phe thuần đảng là những người từ khi biết kiếm cơm cho tới lúc lìa đời, không biết gì khác ngoài việc đi họp chi bộ.

Ta cũng có thể nói phe thuần đảng này là những người không (chưa) dính phần vô các công ty, bộ ngành, trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, họ có thể là những tay chuyên làm bí thư đảng từ thấp leo lên cao như các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng… hay là họ làm công đoàn, công an, bộ đội.

Cả bốn mô hình nêu trên đều có những điểm đúng ở một lúc nào đó, một nơi nào đó. Những tên gọi, khái niệm phe phái đôi khi sẽ trùng vào nhau hay tách ra ở một giai đoạn nào đó.

Ví dụ như, ta có thể nói, vào thập niên 1990, quả là có những người muốn đẩy mạnh cải cách, có thể gọi là phe cải cách, nhưng hiện nay những người cải cách này có thể được gọi là nhóm chính phủ thì chính xác hơn. Hay như sự phân biệt vùng miền bị xóa nhòa trong các phe trục lợi thời ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông này người Nam bộ, nhưng đàn em của ông ta rất đông dân gốc Bắc và ngược lại người đồng hương Nam bộ với ông là ông Trương Tấn Sang, lại chính là người đặt ra cái hỗn danh “đồng chí X” để ám chỉ ông Dũng.

Và các mô hình này có thể chồng lên nhau. Ông Vũ Hồng Lâm cho rằng, các nhóm trục lợi này không cố định, mà có thể chạy từ chỗ này qua chỗ kia, thay thầy đổi nhóm, dựa theo các quyền lợi khác nhau, quyền lợi về kinh tế hay chính trị, có lúc chính trị nặng hơn, có lúc kinh tế nặng hơn.

Theo tôi thì lúc này đây, giữa lúc đại hội 13 của ĐCSVN đang họp thì cách nhìn mô hình “đảng” đối với “chính phủ” tương đối chính xác hơn. Tôi có trình bày chuyện này trong bài viết ngày 11-1-2021: “Đại hội 13, lại loay hoay ai Đảng, ai Nhà nước”.

Ông David Brown, một cựu viên chức ngoại giao Mỹ, là người theo dõi rất sát tình hình Việt Nam, cũng chia sẻ cách nhìn này của tôi trong loạt bài gần đây của ông trên BBC Việt ngữ, hay trên trang Asia Sentinel.

Tôi có các lý do sau đây để nói như vậy. Thứ nhất là mô hình vùng – miền đã tạm thời được gác qua một bên, khi địa phương nào cũng đã có người đại diện ở Ủy ban Trung ương và Bộ Chính trị.

Thứ hai là mô hình phe cải cách đối với phe bảo thủ coi như không còn quan trọng nữa sau chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, là người được cho là cầm đầu phe bảo thủ. Chuyến đi đó rất quan trọng, làm cho ông Trọng và những người ngại ngùng phương Tây thấy rằng, phương Tây không tìm cách lật đổ họ, mà ngược lại dùng họ làm một đồng minh không hiệp ước để chống Bắc Kinh.

Việc nhìn ra sự cạnh tranh giữa “đảng” và “chính phủ” hiện nay thật ra trùng với mô hình các nhóm trục lợi mà ông Vũ Hồng Lâm nêu ra. Việc tranh chấp các ghế tứ trụ trong các hội nghị trung ương vừa qua cho thấy, phe “đảng” đã nhân nhượng trong việc loại bỏ Trần Quốc Vượng, đổi lại, phe “đảng” giành lấy miếng bánh thủ tướng ngon lành cho ông Phạm Minh Chính.

Bên cạnh đó, ý kiến về “tự diễn biến” mà ông David Brown đưa ra, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng xem ông Nguyễn Tấn Dũng là “tự diễn biến”, và hiện nay ông cũng nghi ngờ ông Nguyễn Xuân Phúc như thế.

Thật ra, khái niệm “tự diễn biến” này là sự nối dài của mô hình bảo thủ và cải cách lúc trước. Nó là một ước mong vô vọng của cái gọi là ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ của ông Nguyễn Phú Trọng đầu đảng. Cứ cho là ông công an Phạm Minh Chính không tự diễn biến, bởi vì ông ta chưa điều hành kinh tế quốc gia, nhưng khi đã điều hành nó, với những nguyên tắc thị trường phải tuân theo, thì ông Chính làm sao mà làm cho được, nếu ông ta không tự diễn biến?

Theo những nguồn tin khả tín, cho đến nay thì hầu như chắc chắn bốn vị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ sẽ nắm tứ trụ. Tin này cũng đã được “cánh tay nối dài” của Đảng bên Singapore là ông Vũ Minh Khương gián tiếp xác nhận.

Dư luận khá ồn ào về ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng theo tôi điểm quan trọng trong cơ cấu tứ trụ lần này chính là Phạm Minh Chính, bởi ông Trọng còn được bao nhiêu vốn liếng về thời gian nữa đâu?

Ông Chính làm yên lòng các nhóm có liên quan đến bộ đội, công an, phe thuần đảng của ông Trọng. Ông ta cũng có cái lý đưa ra để giành cái ghế thủ tướng, là ông cũng từng điều hành một chương trình cải cách ở tỉnh Quảng Ninh.

Ông Chính là người trẻ nhất trong tứ trụ, liệu ông ta có đào tạo được một lớp thuần đảng “phi diễn biến” trong 5 năm tới hay không? Liệu ông có sơn đỏ được thế hệ đảng viên trung niên trở xuống, chẳng có mấy ý thức hệ? Mà liệu chính ông có đỏ hay không?

THẢO NÀO NHÂN SỰ ĐẢNG LÀ 'TUYỆT MẬT'

MẠC VĂN TRANG/ TD 31-1-2021

Nay xem Danh sách BCH Trung ương đảng CSVN khoá XIII vừa được công bố, mới càng thấy “tuyệt mật” về nhân sự của ĐCSVN là bí quyết thành công!

Nếu công khai danh sách để “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra, Dân góp ý” thì nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của nhiều đồng chí sẽ toé loe ra, không khéo “bung”, “toang” thì nguy. Bí mật nên “Lòng Dân” mới không biết “Ý Đảng” ra răng mà mần!

Nếu để dân ý kiến, tôi tin rằng mấy vị sau đây khó lòng ở lại UV BCH Trung ương:

1. Cụ Nguyễn Phú Trọng: Cứ cho là sự nghiệp “đốt lò” của Cụ được nhiều người khen; Cụ gương mẫu với các đảng viên; Cụ có công củng cố Đảng… nhưng nghe trong Dân có nhiều ý kiến về Cụ đấy:

– Nhiều người thương yêu Cụ, bảo Cụ già yếu, bệnh tật thế kia, để Cụ phải gánh vác công việc nặng nề nom rất tội. Nghe nói Cụ bà cũng khuyên can Cụ nghỉ hưu thôi. Nhiều người quý Cụ mà muốn Cụ được an nhàn tuổi già. Cũng có người bảo cụ Biden bên Mỹ còn già hơn, nhưng cụ ấy chưa bị bệnh, còn đi lại nhanh nhẹn; còn cụ Trọng thì tai biến rồi, đi phải có người dắt, tuổi càng cao, sẽ càng yếu… Cụ ở lại mang tiếng “tham quyền, cố vị”; ở ĐH XII, hứa là làm nửa nhiệm kỳ, thế rồi kéo dài cả nhiệm kỳ, nay lại kéo tiếp nhiệm kỳ thứ 3. Thế là vi phạm Điều lệ Đảng, mà thân làm tội đời, chứ được gì!…

– Lại có người bảo, sao Cụ không tin vào người kế cận do chính Cụ tuyển chọn, bồi dưỡng mà cứ cố ôm đồm? Tre già măng mọc chứ, ôm sao được mãi? Cụ từng chọn ông Phạm Quang Nghị làm “thế tử”, thế rồi cũng đi “tong”; rồi ông Đinh Thế Huynh, Cụ tâm đắc lắm, thế mà cũng cho “ngồi chơi xơi nước” mất tăm! Rồi khoá này, ông Trần Quốc Vượng được chọn là Thường trực Ban bí thư, “dưới một người, trên vạn người”, quyền sinh, quyền sát bấy lâu nay, thế mà cũng cho “tuột dốc không phanh”.

Vậy là sao? Có kẻ độc mồm, theo “thuyết âm mưu”, nó bảo, Cụ chỉ giả vờ “lú” thôi, chứ thâm nho lắm: Chọn người kế vị “có vấn đề”, để Cụ phế đi và tiếp tục nắm quyền… Thôi thì miệng tiếng “Dân biết, Dân bàn”… phức tạp lắm!

– Còn cái bọn “thế lực thù địch, cơ hội, bất mãn”, đòi Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự, mà Cụ gọi là “những kẻ bất hảo”, chúng nó chê Cụ kinh lắm, chả dám nhắc ở đây làm gì. Nhưng bọn ấy cũng là Dân đấy, chúng vẫn là công dân, thực hiện theo điều 25 của Hiến Pháp CHXHCN VN (2013). Dù Cụ bảo: Hiến pháp là quan trọng lắm, chỉ dưới Cương lĩnh của Đảng, nhưng bọn này không thèm biết Cương lĩnh là gì, cứ Hiến pháp là tối thượng! Cụ mà bắt bọn này đi tù hết thì nhà tù đâu mà chứa?

2. Ông Nguyễn Hoà Bình: Trong vụ án Hồ Duy Hải ông đóng cả 3 vai: Công an, Viện Kiểm sát, Chánh tòa tối cao; suốt 12 năm cứ kết án tử hình Hồ Duy Hải chỉ căn cứ vào lời khai do bức cung, không hề thu thập các chứng cứ khách quan đủ để kết án. Vụ án này đã gây bức xúc trong toàn Dân, nhất là nghe ông báo cáo giải trình ở Quốc hội thì không ai có chút lương tri có thể chấp nhận. Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng phản bác kết luận của ông. Chung quanh vụ án Hồ Duy Hải còn biết bao điều mờ ám, mà ông là trung tâm của mọi chuyện bí mật. Vậy có “LÒNG DÂN” nào ưa ông? Nhưng ông lại là “Ý Đảng” trọng dụng đấy!

3. Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Riêng cái chuyện có 2 người tố ông “đạo văn” trong cái luận án tiến sĩ “Chân vịt tàu chạy trên vùng biển Hải Phòng”, ông liền cho tay chân đến bắt cóc người ta về tra khảo, để “đối tượng” nhận tội “nói xấu lãnh đạo”… đã bị xã hội lên án dữ dội. Nếu người ta “tố điêu” hay “nói xấu” thì ông phải kiện ra Tòa để xét xử, chứ sao lại hành xử như phường “lục lâm thảo khấu” vậy? Nếu dân “góp ý” thì ông toi rồi. Nhưng ông lại được “Ý Đảng” coi là “hạt giống đỏ” thì “Lòng Dân” đành cam chịu rồi!

TÓM LẠI, nếu Đảng tin dân thật, dám công khai danh sách ứng viên bầu vào BCHTW Đảng khoá XIII để “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra, Dân góp ý”… thì không biết Danh sách 200 UVTW vừa trúng cử đã có bao nhiêu vị “bung”, “toang” rồi!

Cụ TBT Nguyễn Phú Trọng nói “Dân tinh lắm, hỏi dân biết cả”. Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư nói: “Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân”, đều đúng sự thật, là chân lý đó. Nhưng Đảng nói vậy mà lại sợ hãi, trốn tránh, che giấu SỰ THẬT! Bầu bán xong rồi mới dám công khai, thì Dân còn biết làm gì!?

XẤU CHO AI, TỐT CHO AI ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 31-1-2021

Năm 1944, tôi được học bài “Mưa phùn vui cho ai, buồn cho ai”, đến bây giờ còn nhớ.

Vừa qua, nói về việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN tôi cho rằng đó là một điều xấu, không nên làm. Nhưng rồi nghĩ lại, xem nó xấu cho ai và có tốt cho ai không.

Với đảng CSVN, đó là xấu toàn tập. Xấu như thế nào thì nhiều người biết. Người ở đây là nói đến những đảng viên có hiểu biết, những công dân có ý thức.

Một số người reo mừng, cho rằng ông Trọng được đại hội tái cử là tốt cho đảng, và như vậy tốt cho cả nước. Họ trông chờ vào công việc “đốt lò” của ông. Đó chẳng qua là ngụy biện của những kẻ nịnh hót, của những bồi bút, của những người quen quỳ gối, khom lưng, cúi đầu.

Với bản thân ông Trọng thì tốt ít mà xấu nhiều. Tốt ở chỗ thỏa mãn được thói tham quyền nhất thời, xấu ở chỗ tự chuốc thêm nghiệp chướng cho tuổi già, để lại vết nhơ trong lịch sử, làm cho nhiều người khinh bỉ. Đối với ông, rất nhiều người tỏ ra bằng mặt mà không bằng lòng, nay thì thêm căm ghét.

Dư luận rộng rãi và bản thân ông Trọng cho rằng, Tổng Bí thư đương chức có trách nhiệm lựa chọn, bồi dưỡng người kế vị. Nghe đâu ông Trọng giới thiệu người kế nhiệm, nhưng không được BCH Trung ương nhất trí, nên ông đã ép và ép được người ta chấp nhận ông ở lại. Đây không phải là cách “bắn súng không nên, phải đền đạn” như câu ngạn ngữ dân gian mà là sai trái từ nguyên lý đến việc làm cụ thể.

Sai về nguyên lý ở chỗ: Người đứng đầu chuẩn bị người thay mình chỉ xảy ra trong các chế độ độc tài nhằm tạo nên sự kế tục. Làm như vậy chủ yếu tạo ra thế càng ngày càng tụt lùi. Trong thể chế dân chủ người đứng đầu cần tạo môi trường thuận lợi để cho tài năng phát triển, càng nhiều càng tốt, rồi phải để cho các tài năng tranh cử và cử tri lựa chọn. Có thế mới tạo đà phát triển.

Đổi mới quan trọng nhất là đổi mới tư duy, bằng cách dùng người có tư duy mới thay cho người có tư duy cũ, chứ không phải trang trí cho người có tư duy giống với mình.

Khi người do ông Trọng chuẩn bị và giới thiệu không được chấp nhận thì đúng ra nên để cho người khác ứng cử, giới thiệu và tranh cử. Đàng này ông Trọng tranh lấy. Thật quá đáng.

Đối với dân tộc và đặc biệt đối với phong trào dân chủ hóa đất nước thì có thể vừa xấu, vừa tốt. Xấu ở chỗ còn phải chịu đựng thêm một thời gian con người bảo thủ, huyênh hoang, hèn với giặc, ác với dân.

Tốt ở chỗ, qua việc này càng có nhiều người thấy rõ bản chất độc tài và sự thối nát của cộng sản. Đây là một cú hích mạnh làm cho chế độ cộng sản nhanh bị sụp đổ hơn. Mà cộng sản có sụp đổ thì mới cứu được dân tộc, phát triển được đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét