Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

20210117. HỘI NGHỊ TƯ 15 ĐẢNG CSVN ĐÃ HỌP

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA TỔNG BÍ THƯ KHAI MẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 15
TTXVN/ GDVN 16-1-2021

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

"Kính thưa Trung ương,

Thưa các đồng chí,

Trước hết, tôi xin được thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã về dự Hội nghị Trung ương 15 - Hội nghị cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XII, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Xin gửi tới các đồng chí lời chúc tốt đẹp nhất.

Theo Chương trình vừa được Trung ương thông qua, tại Hội nghị lần này, chúng ta sẽ bàn về các nội dung: Tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII; thông qua Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; thông qua Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội XIII; thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XIII; cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác tài chính đảng nhiệm kỳ 2016-2020.

1. Về tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII

Như các đồng chí đã biết, tại Hội nghị Trung ương 13 (tháng 10/2020) và Hội nghị Trung ương 14 (tháng 12/2020) khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng của công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bao gồm: Bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Sau Hội nghị Trung ương 14, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, ý kiến giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ và thống nhất giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII bao gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi tái cử.

Tiếp thu ý kiến của Hội nghị Trung ương 14, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và đề nghị giới thiệu bổ sung thêm một số đồng chí lần đầu tham gia Ủy viên Trung ương chính thức và một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp "đặc biệt" tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.

Đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu có liên quan, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; đồng thời xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII.

2. Tại Hội nghị lần này, căn cứ Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XIII của Đảng. Đề nghị Trung ương cho ý kiến, thông qua để trình Đại hội XIII của Đảng xem xét, quyết định.

Thưa các đồng chí,

Với nội dung Chương trình trên đây, Hội nghị Trung ương lần này thời gian họp không dài, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đề nghị các đồng chí Trung ương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước, kế thừa và phát huy những kết quả của các Hội nghị Trung ương gần đây, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn".

Theo TTXVN
HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 15: XEM XÉT NHÂN SỰ CHỦ CHỐT

THU HẰNG /VNN  16-1-2021


Sáng nay (16/1), Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII khai mạc, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Một trong những nội dung quan trọng được bàn bạc tại hội nghị lần này là Trung ương xem xét các trường hợp đặc biệt để đưa vào danh sách giới thiệu bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Trao đổi với VietNamNet về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương 15 là lần cuối cùng BCH Trung ương bàn về nhân sự khóa XIII.

Theo đó, Hội nghị Trung ương 15 sẽ xem xét các trường hợp đặc biệt. Cụ thể là xem xét có trường hợp nào quá 55 tuổi lần đầu tiên giới thiệu vào BCH Trung ương và những trường hợp đang Ủy viên Trung ương nhưng quá 60 tuổi được giới thiệu vào BCH Trung ương; trường hợp đang là Ủy viên Bộ Chính trị nhưng quá 65 tuổi được giới thiệu vào Bộ Chính trị khóa mới.

Hội nghị Trung ương 15: Xem xét nhân sự chủ chốt
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Ví dụ như khóa XI khi thảo luận để chuẩn bị nhân sự khóa XII, Trung ương giới thiệu 4 người quá 60 tuổi. Đó là các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam, Huỳnh Phong Tranh. Ra Đại hội XII, Trung ương đã nhất trí đưa vào danh sách bầu cử và kết quả bầu cử có 3 người trúng cử gồm các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam.

Còn Ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đặc biệt trong hai khóa XI, XII. Còn Đại hội XIII có những ai thuộc trường hợp đặc biệt thì Hội nghị Trung ương 15 sẽ bàn", PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho hay. 

Tiêu chí xem xét trường hợp đặc biệt

Vậy các trường hợp đặc biệt được xem xét dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?

Kết luận 75 của Hội nghị lần thứ 12 BCH Trung ương khóa XII về phương hướng nhân sự khóa XIII có đề cập đến các trường hợp đặc biệt theo hai tiêu chí.

Một là những trường hợp có phẩm chất, năng lực, uy tín nổi trội. Tiêu chí thứ hai là yêu cầu đòi hỏi của vị trí nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bộ Chính trị sẽ cân nhắc xem xét tổng thể, thực hiện quy trình rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan để chọn trường hợp đặc biệt.

Trong kết luận 75 cũng có một câu: “Số lượng trường hợp đặc biệt không nhiều và phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn”.

Quy trình xem xét trường hợp đặc biệt được thực hiện như thế nào?

Việc xem xét trường hợp đặc biệt là bước cuối cùng trong việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII. Trước đó, Hội nghị Trung ương 13 đã bỏ phiếu giới thiệu danh sách nhân sự để bầu vào BCH Trung ương kể cả cũ và mới. Hội nghị 14 tập trung bàn về giới thiệu danh sách nhân sự để bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hội nghị Trung ương 15 mới chốt lại những trường hợp đặc biệt. 

Hội nghị Trung ương 15: Xem xét nhân sự chủ chốt
Tại hội nghị Trung ương 15, Bộ Chính trị sẽ trình BCH Trung ương khóa XII xem xét các trường hợp đặc biệt. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị Trung ương 15, Bộ Chính trị sẽ trình BCH Trung ương khóa XII xem xét các trường hợp đặc biệt như tôi đã nói trên để đưa vào danh sách giới thiệu.

Đến Đại hội XIII, BCH Trung ương sẽ giới thiệu danh sách để Đại hội bỏ phiếu bầu BCH Trung ương khóa mới, trong đó có cả trường hợp đặc biệt đã được đưa vào danh sách. Sau đó, BCH Trung ương khóa mới tiến hành bầu nhân sự vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có cả những trường hợp đặc biệt.

Hội nghị Trung ương 15 có ý nghĩa như thế nào đối với Đại hội XIII sắp tới, thưa ông?

Hội nghị Trung ương 15 là để tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự, có ý nghĩa lớn nhưng các hội nghị trước có ý nghĩa lớn hơn. Bởi vì theo Điều lệ Đảng, cơ quan lãnh đạo cao nhất là Đại hội, cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội là BCH Trung ương.

Vì vậy, việc quan trọng đầu tiên là phải lựa chọn được BCH Trung ương đúng đã rồi BCH Trung ương mới bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chứ một BCH Trung ương mà không tiêu biểu thì không thể bầu ra một Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiêu biểu. 

Hôm khai mạc Hội nghị Trung ương 14, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng có đề cập đến việc thảo luận hai dự thảo rất quan trọng, đó là dự thảo về quy chế làm việc, quy chế bầu cử tại Đại hội XIII. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng phải khắc phục khuyết điểm của Đại hội XII.

Đại hội XII, quy chế làm việc chưa chặt chẽ, các đoàn đại biểu không phải tất cả nhưng không phải ít trường hợp đã mời nhau giao lưu, chè chén, vận động... Điều này, Hội nghị trung ương 12 đã thẳng thắn chỉ ra là có hiện tượng tranh thủ vận động phiếu bầu. Đấy là cái không tốt của Đại hội XII. 

Vì vậy, Đại hội XIII lần này, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, quy chế làm việc làm sao không để xảy ra tình trạng như đã diễn ra ở Đại hội XII. Quy chế làm việc phải làm sao vừa dân chủ nhưng thật tập trung, không để xảy ra tình trạng vận động, tranh thủ phiếu bầu, mời nhau ăn uống, chè chén, biếu xén, thậm chí có cả doanh nghiệp đi cùng để biếu xén. 

Hội nghị Trung ương 13 giới thiệu và chốt được danh sách BCH Trung ương, là kết quả của các hội nghị trước. Hội nghị Trung ương 14 là giới thiệu và chốt danh sách nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Còn Hội nghị Trung ương 15 là tiếp tục giải quyết những phần việc còn lại mà các hội nghị trước chưa giải quyết xong. Chưa giải quyết ở đây là thực hiện theo lộ trình, các trường hợp đặc biệt xem xét cuối cùng chứ không phải vì các hội nghị trước chưa giải quyết được.

Thu Hằng(thực hiện)

TRUNG ƯƠNG XEM XÉT, ĐỀ CỬ NHÂN SỰ 4 CHỨC DANH LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT KHÓA XIII

THU HẰNG/ VNN 16-1-2021

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sáng nay (16/1), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là hội nghị áp chót của nhiệm kỳ khóa XII,  có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, theo chương trình vừa được Trung ương thông qua, tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ bàn về các nội dung: tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII.

Trung ương xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Ngoài ra, Trung ương cũng thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII; thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XIII; cho ý kiến để báo cáo tổng kết công tác tài chính Đảng nhiệm kỳ 2016-2020.

Về tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 13 tháng 10/2020 và Hội nghị Trung ương 14 tháng 12/2020 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng của công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.


Trung ương xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Cụ thể, Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Xem xét trường hợp đặc biệc vào Trung ương, Bộ Chính trị

"Sau Hội nghị Trung ương 14, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, ý kiến giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ và thống nhất giới thiệu sự lãnh đạo chủ chốt khóa 13 bao gồm: các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp đặc biệt tái cử khóa XIII và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tái cử", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói. 

Tiếp thu ý kiến của Hội nghị Trung ương 14, Tiểu ban nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và đề nghị giới thiệu bổ sung thêm một số đồng chí lần đầu tham gia Ủy viên Trung ương chính thức và một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc hợp trường hợp đặc biệt tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.

Trung ương xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương. Ảnh: Nhật Bắc

"Đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu có liên quan thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; đồng thời xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa 13. Đây là khâu rất quan trọng", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại Hội nghị lần này, căn cứ vào Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn thư ký và Ban thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XIII của Đảng, đề nghị Trung ương chú ý cho ý kiến thông qua để trình Đại hội XIII của Đảng xem xét, quyết định. 

"Với nội dung chương trình trên đây, Hội nghị Trung ương lần này tuy không dài nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và đề nghị các Ủy viên Trung ương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và đất nước, kế thừa và phát huy những kết quả của các hội nghị Trung ương gần đây, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành tốt nội dung chương trình đề ra. 

Với tinh thần đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 

Thu Hằng

CHẤM DỨT ĐẠI DIỆN NAM BỘ TRONG 'TỨ TRỤ' KHÓA XIII

LÊ VĂN ĐOÀNH/ TD 15-1-2021

Kết quả phiên họp Bộ Chính trị hôm 9/1/2021 với thông tin đề cử “tứ trụ” bị rò rỉ gây xôn xao dư luận. Chủ đề nhân sự đại hội XIII được mạng xã hội và truyền thông “không lề” bình phẩm xôm tụ. Việc Nam Bộ “trắng tay” trong danh sách bốn vị trí chủ chốt, gây phản ứng bất ngờ cho giới theo dõi, cả trong và ngoài nước.

Nhiều báo đảng vội trấn an dân chúng. Báo Pháp luật TPHCM ngày 14/1 chạy trang nhất “Nhân sự Đại hội XIII và vấn đề tính đại diện“. Bài báo giải thích vòng vo, dông dài, mục đích trấn an, xoa dịu và kêu gọi không nên phân biệt vùng miền nọ kia rồi chốt:

Đã qua rồi thời thực dân chia để trịQua rồi thời đế quốc, thế lực ngoại bang vạch vĩ tuyến phân định Bắc – Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, giao thông, đi lại, giao lưu văn hóa vùng miền, Internet đã xóa nhòa nhiều khoảng cách địa lý, kể cả làm mềm đi biên giới quốc gia, lãnh thổ”.

Ngày mai 16/1/2021, Hội nghị Trung ương 15 khai mạc. Đây là hội nghị cuối cùng trước khi mở màn đại hội XIII. Không khó để dự đoán rằng kết quả sẽ chẳng có thay đổi gì so với nội dung mà Bộ Chính trị đã soạn sẵn để trình ra.

Con số 200 uỷ viên khoá XII, một nửa tái cử đi tiếp để nhận đặc quyền, đặc lợi như vua chúa thời phong kiến và nửa còn lại sẽ ra về, hưởng thụ thành quả vơ vét sau nhiều năm chấp chính. Về lý thuyết, số phải ra về nói trên “hạ cánh” an toàn, nhưng thực tế thì chưa hẳn vì chờ xem thù hận trút ra khi nào và thuật bươi móc quá khứ hoàn hảo ra sao.

Với 63 tỉnh thành hiện nay, miền Bắc (theo hiệp định Genève 1954) từ Quảng Bình trở ra gồm 29 tỉnh thành, miền Nam từ Quảng Trị vào gồm 34 tỉnh thành. Tại đại hội XII, có thể thấy một số liệu không cân xứng:

– 180 Uỷ viên Trung ương chính thức của khoá XII, miền Bắc là 111, miền Nam chỉ có 69 người.

– 19 Uỷ viên Bộ Chính trị, miền Bắc 13, miền Nam 6.

– 12 Thành viên Ban bí thư, miền Bắc 8, miền Nam 4.

Thiết kế như trên được đồn đoán là của “kiến trúc sư” Tô Huy Rứa. Nhìn qua đủ thấy cách làm nhân sự của “miền Bắc có lý luận” là đáng sợ. Cũng phải thôi, vì từ khoá VI đến khoá XII qua bảy khoá, miền Nam chưa bao giờ nắm vị trí Tổng bí thư, Bộ trưởng Bộ quốc phòng và chỉ “ân huệ” được giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương một lần hồi khoá VI, với trưởng ban Lê Phước Thọ (Sáu Hậu).

Nhiều người cho rằng việc thiếu hụt đội ngũ cấp cao kế cận hiện nay là hệ quả từ những cuộc đánh nhau “một mất một còn” của hai ngôi sao phương nam là Tư Sang và Ba Dũng. Người của bên này ngoi lên nhưng bị bên kia nắm cổ kéo xuống và ngược lại. Lãnh đạo cấp cao miền Bắc cứ thế mặc sức tung hoành, cài cắm người từ địa phương đến trung ương, dưới chiêu thức luân chuyển cán bộ. Nhìn cách bày binh bố trận thế này thì miền Nam lấy đâu ra người vào Ban chấp hành Trung ương:

Đà Nẵng, Bí thư Nguyễn Văn Quảng, 51 tuổi, quê Hải Phòng;

Phú Yên, Bí thư Phạm Đại Dương, 46 tuổi, quê Hà Nội;

Khánh Hoà, Bí thư Nguyễn Khắc Định, 56 tuổi, quê Thái Bình;

Ninh Thuận, Bí thư Nguyễn Đức Thanh, 58 tuổi, quê Hà Tĩnh;

Đắc Lắc, Bí thư Bùi Văn Cường, 55 tuổi, quê Hải Dương;

Đồng Tháp, Bí thư Lê Quốc Phong, 42 tuổi, quê Hà Nội;

Thành phố Cần Thơ, Bí thư Lê Quang Mạnh, 46 tuổi, quê Hà Nội.

Đó là chưa kể các đại quan ở Huế chạy vào giành ghế bí thư Bình Thuận, ông quê Quảng Ngãi lên nắm Kon Tum, ông Đà Nẵng xí phần tại Lâm Đồng. Hai ông Quảng Nam giựt chức bí thư hai tỉnh Đắc Nông và Bà Rịa-Vũng Tàu. Hai ông từ Tây Ninh một ôm Bí thư thành Hồ, một đoạt bí thư Hậu Giang.

Như vậy, 19 tỉnh thành Nam Bộ nhưng không có mấy người Nam Bộ làm tổng đốc, thì lấy cửa gì vào Trung ương XIII?

Có lẽ sẽ không có “phép màu” nào dành cho Nam Bộ, cũng như nhân tố Trương Hòa Bình tại hội nghị 15 vào ngày mai. Khi mà quỹ thời gian làm việc của hội nghị 15 bị “bác cả” Trọng thay đổi và giới hạn vỏn ven trong ngày 16/1 và buổi sáng ngày 17/1. Thêm nữa, cả hai phương án đề cử đều không có tên ông Bình.

– Phương án 1: Trọng – Phúc – Huệ – Mai

– Phương án 2: Trọng – Phúc – Huệ – Chính

Thông tin đồn thổi chưa được kiểm chứng từ hậu trường cho hay, mặc dù không có kinh nghiệm trong điều hành chính phủ, Phạm Minh Chính vẫn tranh chấp quyết liệt chiếc ghế thủ tướng với Vương Đình Huệ. Để dung hoà, tổng-chủ Nguyễn Phú Trọng đành gạt Trương Thị Mai để nhường ghế chủ tịch Quốc hội cho Phạm Minh Chính.

“Cung tần phi nữ” thế này, ai không ham vé “tứ trụ”. Ảnh 
trên mạng

Quay lại câu chuyện nhân sự kế thừa. Sau 35 năm, tính từ đại hội VI năm 1986, trong khóa tới, Nam Bộ chính thức không có đại diện trong “tứ trụ”. Trước đó, hai khoá liên tiếp, Nam Bộ có cả hai nhân vật lọt vào bộ tứ để nắm ghế Chủ tịch nước và Thủ tướng, khoá X (Nguyễn Minh Triết – Nguyễn Tấn Dũng), khoá XI (Trương Tấn Sang – Nguyễn Tấn Dũng).

Miền Nam nói nói chung và Nam Bộ nói riêng đã bị “dìm hàng” hay quả thật không có nhân tài, không tìm ra gương mặt sáng giá? Câu hỏi xin dành cho các đại ca tầm cỡ như anh Ba, anh Tư để tìm câu trả lời.

Miền Nam giàu có và trù phú, nhưng lệ thuộc, sai khiến và ban ơn mọi thứ từ kinh tế, chính trị, đến văn hoá xã hội… Cứ nhìn tỷ lệ phân chia các khoản thu ngân sách mà Trung ương xử ép thành Hồ thì rõ được thế cờ: Từ mức 33% giai đoạn 2000-2003, xuống còn 23% giai đoạn 2011-2016.

Thời điểm Đinh La Thăng nhậm chức, giai đoạn 2017 – 2020 chỉ còn 18%. Tức dân thành Hồ làm ra 100 đồng, phải cúng về Trung ương 82 đồng, chỉ được xài 18 đồng. Ra diễn đàn quốc hội, ông Thăng phản ứng mạnh, thì bị quy chụp muốn có “vương quốc riêng”.

Đinh La Thăng bị phế bỏ, Nguyễn Thiện Nhân lên thay. Ông Nhân “năn nỉ” xin Trung ương 5 năm tới (2021-2025), ngân sách giữ lại cho thành phố là 24% và 5 năm tiếp theo (2026-2030) là 28%, Trung ương hứa xem lại.

Đinh La Thăng từng phân trần “không phải muốn có vương quốc riêng”. Nguồn: VTC

Dù gì thì Nam Bộ cũng nên cay đắng chấp nhận chuyện đã rồi. Cũng cần nói thêm, những Ủy viên Bộ Chính trị có gốc gác miền Nam từ trước đến nay hầu hết là những “khai quốc công thần” thời bưng biền ở Trung ương cục miền Nam, hoặc những “hạt giống đỏ” được ươm từ các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Còn gọi là phấn đấu để cơ cấu, thì đừng có mơ.

Năm 1978, khi thông báo bỏ tư cách đảng viên cộng sản và từ chối tham gia chính phủ mới, nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, bộ trưởng Bộ Y tế năm 1978 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã nói với luật sư Nguyễn Hữu Thọ rằng: “Anh và tôi chỉ đóng vai trò bù nhìn và chỉ là món đồ trang sức rẻ tiền cho chế độ”.

ĐẠI HỘI 13: ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ HÌNH ẢNH 'NGƯỜI CỘNG SẢN CUỐI CÙNG'

NGUYỄN HỮU LIÊM/ BVN 14-1-2021

Nếu có một dự đoán về nhân sự cho Đại Hội 13 của Đảng CSVN, căn cứ theo thông tin rò rỉ trong những ngày qua, thì rất nhiều khả năng GS Nguyễn Phú Trọng sẽ chấp nhận chính mình là trường hợp đặc biệt và ở lại ít ra thêm nửa nhiệm kỳ trong cương vị Tổng Bí Thư (TBT).

Ai có thể đảm nhiệm cả hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước?

Ai có thể đảm nhiệm cả hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước?Ảnh Getty Images

Đại hội lần trước, ông Trọng cũng nói là sẽ ở lại nửa nhiệm kỳ nhằm chấn chỉnh Đảng, nhưng cuối cùng Ông không những đã ở suốt nhiệm kỳ cho đến hôm nay, mà còn tiếp nhận thêm chức vụ Chủ tịch nước.

Kỳ này, ông Nguyễn Phú Trọng lại càng nóng ruột và cương quyết tiếp tục cương vị TBT, dù việc đó có thể gây ra tai tiếng về tham vọng quyền lực bất chấp vấn đề sức khỏe.

Sự nôn nóng và cương quyết ở lại của ông tuy thế phát xuất từ một nhận định và đánh giá tình trạng rất bấp bênh và nguy khốn mà con tàu Đảng Cộng sản VN đang trải qua.

Ý chí quyền lực nầy của ông thể hiện một niềm tin thật tâm vào chính nghĩa và sứ mệnh liên tục cho Đảng. Ông nhìn chính mình như là người cứu thế cho Giáo hội Đảng khi cả gia sản lịch sử của đảng và cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bị không ít đảng viên bỏ rơi và về mặt lịch sử thì đã trên đường tan hủy.

Khi nhìn vào tập thể nhân sự Đảng CSVN trong Bộ Chính trị hiện nay, GS Trọng không thấy ai có vóc dáng và tư tưởng lãnh đạo – nhất là niềm tin vững chắc vào đảng và chủ nghĩa Mác-Lê. Mấy năm trước, khi ông Trọng dự định “trao ấn tín” cho ông Đinh Thế Huynh, nhưng ông đã thất vọng – vì ông Huynh không phải là mẫu người cộng sản mà ông muốn có.

Ông Trọng sau đó đã nhìn đến ông Trần Quốc Vượng và mang nhiều kỳ vọng. Nhưng rồi, với ông Vượng, ông có thể lại cũng thấy có điều gì không ổn. Nhìn lại dàn lãnh đạo hiện nay, từ ông Nguyễn Xuân Phúc đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, hẳn ông Trọng cũng thất vọng. Vấn đề không phải là họ như thế nào, mà là ở cái nhìn của Tổng Bí thư. Chắc ông Trọng đang tự hỏi, người cộng sản chân chính, với tài năng, nhân cách và vóc dáng xứng đáng lãnh đạo Đảng, nay đang ở đâu?

Ông Trọng sẽ tiếp tục còn thất vọng và trăn trở bức xúc về ván bài nhân sự cho Đại Hội XIII nầy. Vì sao? Vì thực tế thời đại, con người và phong hóa chính trị hiện nay, người cộng sản chân chính đã ra đi hết rồi. Rất có thể ông Trọng là người Cộng sản Việt Nam cuối cùng trong niềm tin thành thật, với những ảo tưởng xã hội chủ nghĩa Mác-Lê cứng nhắc, niềm tin đó đã từng đạt đỉnh cao dưới thời lãnh đạo của ông Lê Duẩn khi chiến tranh vừa chấm dứt và bộc lộ bất cập, buộc phải đổi thay và cũng đã bắt đầu tàn lụi.

Après moi, le déluge - Sau ta sẽ là Hồng thuỷ

Ông Trọng là người lãnh đạo trung kiên duy nhất còn lại vốn tin tưởng cao độ vào giáo điều chủ nghĩa Mác-Lê cũng như vai trò của Đảng cho tương lai Việt Nam.

Tôi thực sự tin ông đã thành thật nghĩ rằng Đảng sẽ tồn tại mãi mãi, như ông có lần nói, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2015), khi trả lời phỏng vấn của TTXVN, chia sẻ về những thành quả đã đạt được, cũng như những việc còn băn khoăn, trăn trở, cần phải làm tốt hơn để đất nước phát triển nhanh, bền vững – theo lời ông - để “Đảng ta mãi trường tồn cùng dân tộc.”

Xin phép thử phân tích tư duy của vị lãnh đạo cao niên. Bên trong người ông Trọng mang hai lớp tâm thức. Một lớp là niềm tin vào ý thức hệ Mác-Lê như là một vị giáo hoàng La Mã tin vào tín lý Giáo hội Đảng. Lớp kia là của một vị Hoàng đế vốn nghe quen khẩu hiệu “Vạn tuế, vạn vạn tuế’ và tưởng như là sẽ trở thành chân lý vượt thời gian.

Một chút về lịch sử. Từ cuối thế kỷ XVIII, vua Louis XV, dân Pháp vốn tôn vinh là “Bệ hạ kính yêu,” cũng như trước 1963 ở miền Nam, ông Ngô đình Diệm cũng đã tự cho mình có vai trò lịch sử không ai thay được. Khi Louis XV đang ngồi cho họa sĩ vẽ chân dung quốc gia, cũng như khi ông Diệm nghe bài ca “Suy tôn Ngô Tổng thống muôn năm,” cả hai đã từng buột miệng nói lên lời nguyền từ Kinh Cựu Ước, “Après moi, le déluge - Sau Ta sẽ là Hồng thủy.” Họ tin rằng chỉ có họ mới giữ được cơ đồ. Ngày hôm nay, ông Trọng nhìn vào cơ đồ của Đảng chắc ông đang phải than, “Sau Ta sẽ là Hồng thủy.”

Mà Hồng thủy chính trị cho Đảng sẽ chắc chắn đến. Đây không còn là một tiên đoán - mà là một dự báo. Ông Trọng đang biết điều này. Tinh thần cách mạng trên làn sóng yêu nước nguyên sơ và trong sáng từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn nay không còn. Chí khí đảng viên, và với họ, cái văn hóa kỷ luật, hy sinh bản thân, niềm tin sùng tín vào lý tưởng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc nay đang không còn, hoặc đã khác. Cho dù ông Trọng có bắt đảng viên phải tôn vinh hương linh ông Hồ Chí Minh bao nhiêu, ông cũng không có khả năng khai sáng lửa thiêng của nền chính trị hoàn toàn mới. Nhất là khi ai cũng thấy ý thức quốc dân Việt đang dần sáng tỏ ra như ánh Mặt Trời.

Sẽ không còn ai là đảng viên cộng sản chân chính kiểu xưa nữa - vì con người là sản phẩm của thời đại, đây là điều mà ông Trọng nên nhận thức ra. Người mà ông đang đi tìm hôm nay là chính ông. Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình.

Quốc gia và dân tộc đi theo qui luật khách quan

Khi mặt trời ý thức thời đại càng lên cao, càng tỏa sáng, thì chiếc bóng GS Trọng sẽ càng ngắn lại và đậm nét hơn. Chiếc bóng từ con người ông – người Cộng sản Việt Nam cuối cùng - đang che khuất hết tầng lớp lãnh đạo hiện nay. Từ nhân cách thành tâm với chủ nghĩa, cho đến đầu tóc trắng bạc phau, cái vóc dáng nhân hậu nhưng cương quyết với cặp kính trắng trên khuôn mặt thông thái của một vị giáo sư triết học, giọng Bắc Hà Nội chuẩn, ông Trọng xứng đáng là một vị lãnh đạo “vạn tuế” cho Đảng.

Chúng ta hãy cầu mong ông Trọng nhận ra nguy cơ này để chính ông sẽ can đảm và sáng suốt đi tìm một con lộ khác - hợp thời, hợp nhân tâm và mong mỏi của nhân dân - cho cơ đồ tổ quốc Việt Nam. Được như thế thì thì cảnh báo Hồng thuỷ sẽ không tới. Nhưng nếu ông vẫn khư khư, còn cứ nghĩ rằng chỉ có ông là duy nhất mới cứu được quốc gia thì hãy nhớ đến điều mà nhân gian hay nói, “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.”

Tôi nghĩ cái “ước mơ trường tồn cùng dân tộc” cho Đảng CSVN không phải là điều mà nhân dân Việt Nam mong mỏi. Xin ông Trọng hãy đừng suy nghĩ “Chính ta là quốc gia” - mà trái lại, không ai là là Quốc gia cả. Quốc gia và vận nước sẽ đi theo lòng dân với những quy luật khắt khe của chúng.

Đại hội 13 sắp tới sẽ là một cơ hội lớn cho đảng và cá nhân ông Trọng dám tiến hành một cách mạng thể chế, đem vận hội nước nhà vào bước ngoặc mới nhằm sang trang lịch sử cho dân tộc Việt Nam. Được như thế, nó sẽ là gia sản lớn cho lý tưởng và cuộc đời ông Trọng và của Đảng Cộng sản Việt Nam oai hùng.

N.H.L.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ San Jose, California. Trong số các sách của ông đã có cuốn 'Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

CÓ GÌ MÀ KHÓ HIỂU

MẠC VĂN TRANG/ BVN 15-1-2021

Nhiều người cứ thắc mắc, sao nói “Việt Nam ổn định, yên bình nhất thế giới", “Ít có đảng nào được dân tin yêu như Đảng CSVN"... mà phải huy động mấy nghìn quân, xe tăng, súng ống, chó, ngựa, lính đặc công… ra bảo vệ đại hội XIII của Đảng? Sao cứ làm như sắp có biến loạn; cứ như nhìn đâu trong nhân dân cũng thấy “thế lực thù địch"?...

Nhìn ở góc độ Tâm lý xã hội thì chả có gì khó hiểu, chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện"! Đây là chuyện “một công ba bốn việc”.

1. “KHÂU OAI". Toàn hệ thống chính trị ở VN, tổ chức bất kỳ sự kiện gì cũng phải lo “khâu oai" đầu tiên. Khai giảng năm học mới ở một trường Mẫu giáo cũng phải cờ hoa, bóng bay, khẩu hiệu loè loẹt, trống chiêng tưng bừng và phải mời được mấy khách VIP đến dự để giới thiệu cho oách và còn huấn thị cho giáo viên và các cháu.

Mới đây Hà Nội sửa xong mặt cầu Thăng Long, cũng cờ quạt đỏ rực và mấy chục các em chân dài áo màu sặc sỡ, rét run, cầm dải băng cho mấy chục quan chức oai phong đến cắt băng khánh thành, đài báo đưa tin tới tấp cơ mà…

Rồi đại hội đảng bộ Xã, Huyện, Tỉnh còn pa nô, áp phích, cờ quạt, khẩu hiệu đỏ rực cả thôn xóm, phố phường… thế thì đại hội toàn quốc của Đảng phải oai nhất chứ! Không oai thì ai chú ý!? Vì nội dung đại hội thì biết cả rồi. Có tò mò chủ yếu là về nhân sự, nhất là “bộ tứ" nhưng lại “tuyệt mật", nên dân muốn xem, những ai sẽ trình ra đại hội? Không cờ, đèn, kèn, trống, loa, đài hoành tráng thì Đại hội của ta hoá ra giống như “Tiểu hội” của mấy nước tư bản à!?

2. “KHÂU DOẠ". Ai cũng nghe mãi những câu “các thế lực thù địch ra sức phá hoại đại hội, nhất là công tác nhân sự"...Thế thì phải “diễu võ, giương oai" cho “thế lực thù địch xanh mắt"! Thực ra “thế lực thù địch” ở đâu không biết, nhưng cái chính là Dân thấy kinh hãi!

Để bắt cụ Lê Đình Kình và mấy người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm thì chỉ cần mấy CA đến đọc lệnh bắt giữa ban ngày, điều tra, xét xử là xong, sao phải đem ba ngàn quân, trang bị tận răng mở trận tập kích kinh hoàng vào ban đêm để giết một cụ già 84 tuổi, què chân ngồi xe lăn và bắt đi hơn chục người dân? Đó là để DỌA toàn dân. Giết một người thật khủng khiếp, thật tàn độc, bất chấp pháp luật là để dọa muôn người!

3. “KHÂU LUYỆN”. Quân lính và vũ khí, khí tài thời bình, ít khi luyện tập tác chiến, nên nhân có Đại hội, cho quân lính ôn luyện một phen, vừa thể hiện oai phong, tầm quan trọng của lực lượng “Công an Nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn mình" và “Quân đội ta Trung với Đảng" trên hết, vừa để các tướng lĩnh thể hiện lập công dâng Đảng.

Vì không luyện tập tác chiến nên đội quân hùng hậu xông vào nhà cụ Lê Đình Kình, sao cửa chính không vào, lại trèo lên mái nhà để một Đại tá Trung đoàn trưởng, một Đại uý, một Thượng uý, ba đồng chí cùng rơi xuống cái hố kỹ thuật miệng chừng 1m2, để “các đối tượng đổ xăng ra chậu, châm lửa cháy rồi hất xuống hố và liên tiếp đổ thêm 5-6 chậu xăng nữa, thiêu ba chiến sĩ", như Thiếu tướng CA Tô Ân Xô thông báo! (1)

Rồi chỉ vì chuyện 3 chiến sĩ lớ ngớ “ngã xuống hố" mà liên lụy đến án “tử hình” hai con trai Cụ Kình, “chung thân" cháu nội Cụ và hàng chục người dân bị tù đày oan khốc! Nếu 3 chiến sĩ tác chiến giỏi, không “cùng nhau rơi xuống hố" thì đâu đến nỗi bao nhiêu người dân liên luỵ, chết chóc, đau thương?

Cho nên nhân đại hội, quân sĩ có dịp luyện tập hiệp đồng tác chiến cũng là dịp tốt. Hơn nữa “Diễn tập bảo vệ đại hội" có thể có tí “kinh phí đại hội", quân lính cũng thêm khí thế, rất đúng lý luận: “Vật chất có trước, tinh thần có sau"! Mà “kinh phí đại hội” cũng là tiền thuế từ Dân, chứ có phải tiền của “trên" chi ra đâu!

4. “KHÂU NGHIỆM", tức là “rút kinh nghiệm". Không chỉ rút kinh nghiệm trong hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội và công an mà còn nhiều chuyện phức tạp khác. Chẳng hạn, nghe nói có xe thiết giáp ra diễn tập vừa chạy một tí thì chết máy, không biết nguyên nhân gì, quân lính phải xúm vào đẩy…

Rồi rắc rối nhất là đám kỵ binh mới toanh. Mấy chú ngựa từ miền núi về phố đông, xe cộ ầm ào, quân lính rầm rập, lỡ nó hoảng sợ không tuân lệnh thì sao? Rồi bọn nó ị tung toé như hồi diễu hành ở quảng trường Ba Đình thì mất mỹ quan quá! Nghiên cứu “đóng bỉm" cho chúng thế nào? Bao nhiêu chuyện, phải “điều nghiên" qua diễn tập mới rút kinh nghiệm, có phương án tối ưu được chớ…

Đấy, với tầm hiểu biết hạn hẹp của người dân, mình cũng nhận thức sơ sơ được “nhất cử tứ tiện". Vậy là mọi việc, nhìn ở góc độ tâm lý xã hội với con mắt dân thường, thì cũng dễ hiểu thôi mà.

14/1/2020

M.V.T.

Nguồn: FB Mạc Văn Trang

(1) Xin xem thêm nhiều kiến giải ngược với ông Tô Ân Xô về việc thiêu cháy ba sĩ quan CA này: a. http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=VietThemVeToiAcDongTam-20200301; b. https://thoibao.de/blog/2020/09/13/3-cong-an-chet-vi-tu-ban-vao-nhau-trong-cuoc-tan-cong-dong-tam-tin-noi-chinh/ - Chú thích của BVN.trái


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét