Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

20210123. TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG: QUY TRÌNH NHÂN SỰ ĐƯỢC TIẾN HÀNH THEO CÁC BƯỚC
TTXVN/ GDVN 22-1-2021

Đại hội XIII của Đảng - sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, định hướng tương lai của cả dân tộc, sẽ diễn ta từ ngày 25/1-2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội.

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung liên quan tới công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng; công tác chuẩn bị dự thảo Quy chế làm việc của Đại hội, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII...

Ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó 


Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. (Ảnh: 


Phương Hoa/TTXVN)

- Xin ông cho biết, số lượng, chất lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII so với khóa XII như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Trên cơ sở tổng kết công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 (số 11-KH/TW, ngày 06/11/2018) bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả; có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất và thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Các đồng chí quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, về cơ bản bảo đảm số lượng, cơ cấu, chất lượng; đã được đào tạo qua 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược, là nguồn nhân sự hết sức quan trọng để chủ động chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

- Xin ông cho biết những điểm mới, nổi bật trong Phương hướng xây dựng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giới thiệu cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ Đại hội XIII?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao; đồng thời, tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm: Làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.

Thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc... nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong Nhân dân.

Quy trình nhân sự được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời, được cụ thể hóa cho cả các trường hợp tái cử, lần đầu tham gia và theo từng nhóm đối tượng chức danh.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.

Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các Hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.

- Xin ông cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII dự kiến có bao nhiêu đồng chí?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định: Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 đồng chí, trong đó 180 Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết.

Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị tại cổng chính của 


Trung tâm Hội nghị quốc gia. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

- Xin ông cho biết thêm về trường hợp đặc biệt giới thiệu tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Xuất phát từ tình hình thực tiễn, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong Nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu ở các cơ quan của Trung ương Đảng và cơ quan Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan và đã thống nhất cao lựa chọn một số đồng chí thuộc trường hợp “đặc biệt” cả với nhân sự tái ứng cử và lần đầu tham gia để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, lựa chọn bầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII.

- Xin đồng chí cho biết một số nét về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Về tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội XIII để các Đảng bộ trực thuộc Trung ương lựa chọn, bầu những đại biểu thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín trong đảng bộ tham dự Đại hội XIII và nhất là phải bảo đảm đủ điều kiện sức khỏe để tham gia Đại hội.

Về cơ cấu, thành phần đại biểu dự Đại hội XIII, tổng số đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là 1.587 đại biểu, gồm 1381 đại biểu chính thức do Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 bầu, 15 đại biểu ngoài nước được Bộ Chính trị chỉ định và 191 đại biểu đương nhiên là các đồng chí Ủy viên chính thức và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trong đó, có 222 đại biểu nữ (chiếm 13,99%), 175 đại biểu là dân tộc thiểu số (chiếm 11,03%).

Về độ tuổi, 57 đại biểu dưới 40 tuổi (chiếm 3,59%), 3 đại biểu trên 70 tuổi. Độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,2 tuổi. Đại biểu cao tuổi nhất 76 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất 33 tuổi.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, 1.067 đại biểu có trình độ thạc sỹ, tiến sĩ (chiếm 67,32%), 71 đại biểu là giáo sư, phó giáo sư (chiếm 4,47%). Về trình độ lý luận chính trị, 1.579 đại biểu có trình độ cử nhân, cao cấp (chiếm 99,49%).

- Xin ông cho biết, dự thảo Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử có những điểm mới như thế nào để góp phần bảo đảm Đại hội XIII thành công tốt đẹp?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Dự thảo Quy chế bầu cử và Quy chế làm việc của Đại hội XIII đã được Trung ương chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Quy chế bầu cử và Quy chế làm việc của Đại hội XII, nghiên cứu công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tình hình, bối cảnh của Đại hội XIII và thực tế hiện nay.

Quá trình xây dựng dự thảo hai Quy chế Đại hội XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo sát sao, kịp thời cho ý kiến những nội dung khó, phát sinh trong thực tế.

Dự thảo hai Quy chế Đại hội XIII đã được xin ý kiến nhiều lần của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy chế bầu cử Đại hội XIII có bố cục gồm 5 chương và 24 điều (như Quy chế Đại hội XII). Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh: Được áp dụng đối với việc bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII có một số điểm mới cơ bản là: Thứ nhất, quy định cụ thể về trách nhiệm của người đề cử nhân sự trong việc đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Hai là, sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương cung cấp. Ba là, việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại Hội trường và phòng họp của Đoàn đại biểu (Đại hội XII, đại biểu có thể ghi phiếu bầu cử tại nơi ở).

Quy chế làm việc của Đại hội XIII có bố cục gồm 6 chương 16 điều (tăng 1 điều so với Quy chế làm việc Đại hội XII).

Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh gồm: các hoạt động, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa đương nhiệm, đại biểu dự Đại hội, các đoàn đại biểu và các cơ quan điều hành, giúp việc Đại hội trong thời gian diễn ra Đại hội XIII của Đảng.

Quy chế làm việc của Đại hội XIII có một số điểm mới cơ bản: Một là quy định cụ thể hơn về trách nhiệm nêu gương của đại biểu dự Đại hội.

Hai là quy định rõ hơn trách nhiệm của đồng chí Trưởng đoàn đại biểu và nhiệm vụ của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tham gia sinh hoạt cùng đoàn đại biểu.

Ba là, về nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu và trách nhiệm của Trưởng Ban thẩm tra tư cách đại biểu. Bốn là về thực hiện phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo TTXVN
LỘ DIỆN 'TỨ TRỤ' VÀ SỰ KHÓ ĐOÁN ĐỊNH GIA TĂNG TRONG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

LÊ HỒNG HIỆP/ NCQT 17-1-2021


“Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể”. Câu nói nổi tiếng của chính trị gia người Phổ Otto Von Bismarck hàm ý rằng các chính trị gia đôi khi phải thỏa hiệp với nhau để đạt được những giải pháp mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận. Những thỏa hiệp như vậy thường biến những giải pháp chính trị dường như là không tưởng trở nên khả dĩ. Một ví dụ điển hình cho câu nói này chính là kết quả của Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) khóa 12.

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của ĐCSVN, diễn ra trong hai ngày 16-17/01/2021, đã đưa ra quyết định về các vị trí nhân sự hàng đầu của Việt Nam vốn sẽ được thông qua tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 sắp tới của Đảng. Thông tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ hội nghị cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại giữ cương vị tổng bí thư và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề bạt làm chủ tịch nước. Trong khi đó, vị trí thủ tướng sẽ do ông Phạm Minh Chính, hiện là trưởng ban tổ chức trung ương, tiếp quản, và ông Vương Đình Huệ, nguyên phó thủ tướng chính phủ và hiện là bí thư thành ủy Hà Nội, sẽ trở thành tân chủ tịch quốc hội.

Việc Trung ương Đảng chấp thuận để Tổng Bí thư Trọng, hiện 77 tuổi, ở lại dù tuổi cao, sức yếu và đã hết giới hạn nhiệm kỳ là một điều bất ngờ đối với hầu hết các nhà quan sát chính trị Việt Nam. Trong một bài bình luận vào tháng 9 năm 2020, tác giả bài biết này cho rằng có khả năng ông Trọng sẽ ở lại sau Đại hội 13 nhưng trên cương vị chủ tịch nước chứ không phải tổng bí thư. Điều này là do trong khi Đảng có thể một lần nữa coi ông Trọng là “trường hợp đặc biệt” để miễn giới hạn tuổi tác cho ông, thì Điều lệ của Đảng quy định rằng “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Vì ông Trọng đang đảm nhiệm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ hai và đảng chưa công bố bất kỳ ý định nào sẽ sửa đổi điều lệ, giới hạn nhiệm kỳ sẽ là trở ngại lớn nhất để ông có thể ở lại trên cương vị tổng bí thư. Tuy nhiên, quyết định được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 15 có nghĩa là việc sửa đổi điều lệ Đảng sẽ được tiến hành ngay tại Đại hội 13 để mở đường cho ông Trọng tiếp tục ở lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được nhiều người cho là sẽ nghỉ hưu nếu không giành được vị trí tổng bí thư. Điều này là do ông Phúc, hiện 67 tuổi, đã vượt quá giới hạn 65 tuổi để tái cử vào Bộ Chính trị, trong khi thông lệ là chỉ có một trường hợp đặc biệt được áp dụng cho vị trí tổng bí thư. Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 15 đã quyết định lần này ông Phúc sẽ được coi là trường hợp đặc biệt thứ hai để có thể ở lại đảm nhiệm chức chủ tịch nước.

Việc sắp xếp để ông Phạm Minh Chính đảm nhiệm vị trí thủ tướng chính phủ và ông Vương Đình Huệ đảm nhiệm vị trí chủ tịch quốc hội ít gây ngạc nhiên hơn. Tuy nhiên, việc ông Chính được đề bạt nắm giữ chức thủ tướng cũng là một sự phá vỡ truyền thống vì từ năm 1986 đến nay, vị trí này luôn được dành cho một trong các phó thủ tướng của nhiệm kỳ trước, một vị trí mà ông Chính chưa từng đảm nhiệm. Hơn nữa, việc không có chính trị gia miền Nam nào nắm giữ một trong bốn vị trí cao nhất có nghĩa là Đảng cũng đã quyết định gạt qua một bên một thông lệ quan trọng khác, đó là duy trì sự cân bằng vùng miền trong bốn vị trí hàng đầu của đất nước. Để bù đắp cho điều này, một trong những chính trị gia miền Nam trong Bộ Chính trị tiếp theo được dự kiến sẽ nắm giữ ghế thường trực Ban Bí thư, vị trí chính trị số năm trong hệ thống thứ bậc của ĐCSVN.

Tất cả những thay đổi trên là chưa có tiền lệ. Quyết định của các nhà lãnh đạo Đảng chấp nhận phá vỡ các chuẩn tắc đã được thiết lập để thực hiện những thay đổi này cho thấy rằng họ đã có những mặc cả, thỏa hiệp đáng kể với nhau để biến những giải pháp dường như là không thể trở thành hiện thực. Bên cạnh lý do thuận tiện chính trị, các xoay sở của họ để đàm phán các lựa chọn hạn chế và vượt qua những ràng buộc về hoàn cảnh và thể chế cũng là điều đáng kể. Mục tiêu cuối cùng của họ là đưa ra được một cơ cấu lãnh đạo mới được tất cả các phe nhóm chấp nhận. Trong quá trình này, việc thể chế hóa “chính trị kế nhiệm” của Đảng có thể tạm thời bị bỏ qua một bên.

Các quyết định về nhân sự “tứ trụ” và những thay đổi về thể chế được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 15 sẽ có những tác động quan trọng đối với ĐCSVN và triển vọng chính trị Việt Nam trong những năm tới. Những diễn biến tiếp sau đại hội 13 cho tới hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng sẽ là những chỉ dấu quan trọng cho thấy Đảng sẽ xử lý như thế nào những hậu quả có thể xảy ra xuất phát từ việc Đảng rời xa các chuẩn mực đã được thiết lập, đặc biệt là sự bất ổn và khó đoán định ngày càng tăng trong “chính trị kế nhiệm” cấp cao của Đảng.

Hiện tại, một câu hỏi đặt ra trước mắt là liệu các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 15 có được thông qua bởi 1.590 đại biểu tham dự Đại hội 13 của Đảng hay không? Mặc dù khả năng một số quyết định này bị đảo ngược ở đại hội là rất thấp, chúng ta không nên hoàn toàn bác bỏ khả năng này. Rốt cuộc, các chính trị gia Việt Nam đã chứng minh họ là bậc thầy về “nghệ thuật của những điều có thể”. Vì vậy, những thay đổi vào phút chót, cho dù có xác suất thấp đến mức nào, vẫn có thể xảy ra một lần nữa.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.

ĐẠI HỘI 13: SẼ KHÔNG CÓ 'BẤT NGỜ', NHƯNG TẬP TRUNG QUYỀN LỰC CÀNG CAO, CHUYỂN GIAO CÀNG THÁCH THỨC

PHẠM QUÝ THỌ/ RFA 21-1-2021

Sau nhiều hội nghị trung ương về công tác cán bộ đảng, Hội nghị 15 là cuối cùng của khoá 12 đã kết thúc chóng vánh với một ngày rưỡi làm việc sau khi đã xác định được “các trường hợp đặc biệt” tham gia Ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ 13, trong đó có dự kiến “tứ trụ”: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch Quốc hội. Theo thông lệ, Đại hội Đảng toàn quốc 13, được tổ chức vào 25/1/2021 và Quốc hội khoá 15, dự kiến vào nửa năm sau, sẽ chính thức hoá về nhân sự lãnh đạo cao cấp và hợp pháp hoá các chức danh nhà nước theo cách “đảng cử, dân bầu”.

Sau những “bất ổn” của Đại hội 12 quyền lực đã tập trung cao độ vào Tổng Bí thư như hiện nay. “Bất ngờ” khó có thể xảy ra tại Đại hội 13, những “băn khoăn” về tiêu chuẩn hay quy chế sẽ được biện minh, tuy nhiên thực tế vận hành chế độ đảng toàn trị cho thấy khi tập trung quyền lực càng cao, chuyển giao càng thách thức.

Điều sẽ được biện minh

Thông thường, dư luận chung chỉ quan tâm “bất ngờ” đối với danh sách “tứ trụ” dự kiến bởi Ban Chấp hành khoá trước trình trong Đại hội nhưng không được đồng thuận. Theo thông tin rò rỉ chức danh Tổng Bí thư sẽ do ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dự kiến là Chủ tịch nước. Đây là hai trường hợp đặc biệt vừa được giới thiệu. Chức danh Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội sẽ do hai ông Phạm Minh Chính, đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Vương Đình Huệ, đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội, những người còn đủ tiêu chuẩn theo quy định.


Hình minh hoạ. Trưởng Ban tổ chức Phạm Minh Chính. Reuters


Đảng hoạt động theo Điều lệ và các nhà phân tích chính trị cho rằng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cần giải thích về “trường hợp đặc biệt”, khi ông Nguyễn Phú Trọng người đã nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư hai khoá 11 và 12, bởi vì trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011, tại Điều 17 quy định: “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Sẽ luôn có lý do trong những tình huống “cấp bách”. Hơn thế, Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 về quy chế bầu cử trong đảng đảm bảo cho ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tại vị ở nhiệm kỳ 3. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng được nhiều đại biểu tham dự Đại hội 12 giới thiệu, nhưng ông vẫn phải rút lui, không thể phá vỡ các quyết định tập thể lãnh đạo về nhân sự đảng.Tuy nhiên, vấn đề là liệu có phương án chỉnh sửa, bổ sung Điều lệ khi “các trường hợp đặc biệt” xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những nhiệm kỳ gần đây?

Các đại biểu đảng

Theo thông báo từ ông Trưởng Ban Đối ngoại trung ương, Đại hội 13 sẽ có 1.587 đại biểu (ĐB) tham dự, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên, trong đó, ĐB đương nhiên là 191 (các Ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm), chiếm tỷ lệ 12,03%; ĐB được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc T.Ư là 1.381 (87,01%); ĐB chỉ định là 15 (0,94%)...

Gắn với thực tế chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng trong nhiệm kỳ, họ đa số là những đảng viên được “sàng lọc” từ các đại hội cấp tỉnh, thành phố và tương đương vừa kết thúc vào tháng cuối tháng 10/2020 và các ủy viên T.Ư Đảng khoá 12 còn lại, trừ những kẻ bị “khai trừ” do bị phát hiện về suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống và vi phạm pháp luật.


Tranh quảng bá cho Đại hội 13 ở một triển lãm ở Hà Nội hôm 19/1/2021. Reuters

Trong nhiệm kỳ 12 ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn “trăn trở” về cán bộ đảng. Theo Cương lĩnh và Điều lệ đảng các đảng viên là đội ngũ “tiên phong”, được liên kết bởi lý tưởng cộng sản, sẵn sàng chấp nhận hệ thống giá trị, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và “kiên định” với nó, tuyệt đối trung thành với đảng và phục tùng cái kỉ luật toàn trị, và “hy sinh lợi ích cá nhân” vì đảng… Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và bị cám dỗ bởi quyền và tiền, không phải chỉ là lãnh đạo đảng viên cấp thấp, mà cả những “đồng chí” cấp cao cùng ông trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương… Ông đã từng nêu nghi vấn: “Đừng “nhìn gà hoá cuốc”, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bền ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”.

Chưa thể đồng thuận về người kế vị ông có lẽ là một trong những lý do ông được Hội nghị trung ương 15 khoá 12 tiếp tục giới thiệu với cương vị Tổng Bí thư để bầu tại Đại hội 13.

Chính sách dở dang

Kết quả bầu tại đại hội, không thể khác trong cơ chế, được dự đoán trước, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba là Tổng Bí thư.

Điều mà giới phân tích chính trị quan tâm là những chính sách, đặc biệt là chống tham nhũng và chỉnh đốn nội bộ mà ông đã phát động, nhưng còn dở dang, được tiếp tục như thế nào. Ngoài ra, việc tìm người kế nhiệm ông cũng phức tạp với cơ chế tập thể lãnh đạo. Họ suy đoán rằng ai sẽ là Tổng Bí thư kế tiếp với những rủi ro có thể.

Lý thuyết về khoa học chính trị của Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith đã chỉ ra quy tắc chính trị thực sự cho các nhà cai trị là: các nhà lãnh đạo làm bất cứ điều gì để họ duy trì quyền lực. Cách thức mà quy tắc vận hành được khái quát như sau: không “vị vua” nào cai trị một mình mà cần phải có những “chiếc chìa khoá” giúp việc. Chìa khóa đến quyền lực là một vị trí quyền lực. Bởi vậy, trước hết, phải kéo những chìa khóa về phe bạn, sau đó phải kiểm soát nguồn lực, “quyền và tiền” để giữ  họ ủng hộ và trung thành với bạn, và đồng thời cần loại bỏ những “chiếc chìa khoá” không tuân lệnh.

“Ngồi trên ngai vàng để cai trị thì ngai vàng sẽ cai trị bạn.”

Thực tế vận hành chế độ cộng sản toàn trị cho thấy càng nắm giữ quyền lực lâu, quyền lực càng tập trung thì việc chuyển giao quyền lực càng trở nên thách thức.

Chế độ theo đuổi quyền lực, nhân dân ở đâu?

Phạm Quý Thọ

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

ĐÔI ĐIỀU ĐỐI VỚI ÔNG NGUYỄN VIẾT THÔNG

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 20-1-2021



PGS.TS Nguyễn Viết Thông là Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường 
trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Báo Dân Trí

Ông Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, trước thềm Đại hội XIII của Đảng – như báo Dân Trí ngày 19/1/2021 cho biết, đã nhấn mạnh rằng: “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII”.

Nhận định này của ông Nguyễn Viết Thông làm cho nhiều người đọc trăn trở. Nên thấy cần thiết phải trao đổi lại. Như 5 điều dưới đây.

1. Thứ nhất là, ông Nguyễn Viết Thông có thể khen và đánh giá tốt về công tác nhân sự của Đại Hội XIII, nhưng không nên so sánh với Đại Hội XII rồi khẳng định “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII”. Một cách vô tình, đây là cách đánh giá thấp công tác nhân sự của Đại Hội XII.

2. Hai là, trước Đại Hội XII, trong Đại Hội XII không ai nói Đại Hội XII để lọt người không đủ tiêu chuẩn. Đến bây giờ, khi Đại Hội XIII chưa khai mạc, chưa kết thúc, mà đã vội khẳng định “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII”. Đây là nhận xét vội vã trước diễn biến của sự việc.

2. Ba là, chưa nói đến các UVTƯ sắp được bầu lần đầu, mà trong thành phần UVTƯ của Đại Hội XIII, theo cơ cấu thì có hơn 120 các UVTƯ của Đại Hội XII. Vậy trong số đó có sót lại những người không đủ tiêu chuẩn hay không?

4. Bốn là, từ nhận định “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII” sẽ liên tưởng dẫn đến một nhận định tương tự – liệu đến Đại Hội XIV có lặp lại nhận định rằng “Đại hội XIV sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XIII” hay không?

5. Năm là, theo ông Nguyễn Viết Thông thì “Trung ương từng có đánh giá rằng, Đại hội XII có tình trạng các đoàn vận động nên lá phiếu của các đại biểu đi dự chọn lựa chưa chính xác”.

Không biết có đúng là nhận định của “Trung ương” hay không, nhưng đây quả thật là một đánh giá khác với thực tiễn của nhân loại.

“Vận động”, hay “vận động hành lang” là một tác nghiệp kinh điển. Lấy thí dụ, Việt Nam muốn là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì Việt Nam phải vận động để có phiếu ủng hộ của các nước. Ngày 7/6/2019 Việt Nam đã trúng cử chức uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với 192/193 phiếu bầu. Nếu trước đó Việt Nam không vận động thì có thể không trúng cử.

Đã có bầu cử là có vận động. Đó là quy luật. Chỉ có hình thức thể hiện khác nhau. Vận động công khai hay vận động ngầm. Vận động bằng tài năng hay vận động bằng tiền bạc, trao đổi, mua chuộc, sức ép… Phương thức vận động phụ ruộc rất nhiều vào phương thức bầu cử.

Không có cách nào chống được vận động trong bầu cử. Mà ngược lại, phải luật hoá việc vận động công khai. Và đưa ra các quy định loại trừ các phương thức vận động “bẩn”. Một phương thức bầu cử khoa học, dân chủ, công khai sẽ loại trừ được phần lớn các phương thức vận động “bẩn”. Đó mới là nhân tố quyết định không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn.

Tục ngữ Nga có câu “Sống sẽ thấy”. Chúng ta sẽ kiểm nghiệm Đại Hội XIII có để lọt người không đủ tiêu chuẩn hay không chỉ sau không quá 5 năm nữa.

MUỐN TÌM HIỀN TÀI PHẢI DẸP CHUYỆN 'ÔNG TRUYỀN, CON NỐI, CHÁU KẾ' 

CAO KIM ANH/ GDVN 20-1-2021

Trong lịch sử 90 năm lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, là mắt xích quan trọng nhất quyết định sự thành bại của cách mạng. Vấn đề này tiếp tục được đông đảo nhân dân quan tâm khi mà cả nước chuẩn bị hướng tới sự kiện quan trọng nhất của năm 2021 - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên Cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương (chuyên gia nghiên cứu độc lập về Pháp chế, Kiểm tra và Thanh tra) nêu quan điểm, 5 năm qua, Bộ Chính trị, Trung ương đã có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc xử lý nghiêm khắc với nhiều cán bộ lãnh đạo, cựu lãnh đạo gây thiệt hại cho kinh tế đất nước, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng với nhân dân.

Ông Hồng nói: “Mặc dù đã giành được những thành tựu đáng tự hào, chúng ta vẫn luôn phải nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa khuyết điểm, rút ra bài học để tránh những sai lầm khác. Đó là chuyện quy hoạch nhân sự phải được đặt ra thẳng thắn ở khóa XII, đâu đó có cảm tính không, có sự thao túng của nhóm lợi ích không? Có cán bộ nào chưa đủ độ chín cả tài và đức nhưng vẫn chui lọt vào những vị trí quan trọng không?

Chúng ta đã biết rằng, ngay ở nhiệm kỳ Đại hội XII này, Đảng ta đã rất quyết liệt xử lý cán bộ vi phạm, theo công bố thì đã có tới 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý phải chịu các hình thức kỷ luật khác nhau.

Trong số đó có rất nhiều cán bộ đảng viên từng giữ các chức vụ cao như ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Nguyễn Xuân Anh – cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Tất Thành Cang – cựu Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh… và nhiều cựu cán bộ khác đã bị khởi tố, tạm giam và chờ ngày xét xử.

Những cán bộ có vấn đề, có sai phạm nhưng lại được che đậy và giới thiệu, đề bạt vào vị trí cao hơn cũng dần phải lộ diện, bị kỷ luật, thậm chí đã phải chịu án tù. Sự quyết liệt của Đảng đối với việc xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm vừa giữ niềm tin của nhân dân, đồng thời cũng có tính răn đe với nhiều người khác”.

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên Cao cấp Ủy 


ban Kiểm tra Trung ương (chuyên gia nghiên cứu độc lập về 


Pháp chế, Kiểm tra và Thanh tra). Ảnh: nhân vật cung cấp.

Là cán bộ có nhiều năm công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng nêu ra nhận định, nhiều trường hợp giữ vị trí lãnh đạo cấp cao vẫn vi phạm là do quan liêu, làm liều, mất dân chủ và một số thì tham nhũng, nhận tiền hối lộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của tổ chức, uy tín chung của Đảng, phần nào khiến người dân bị giảm sút niềm tin. Nhưng rất mừng là sau đó những trường hợp sai phạm đều bị xử lý nghiêm minh, như vậy Đảng luôn giữ sự công minh, liêm chính.

Theo ông Hồng: “Để giải quyết rốt ráo, ngăn chặn tình trạng lợi dụng các quan hệ để tiến thân thì phải đánh giá cán bộ minh bạch và công bằng, thực chất và loại bỏ tình trạng ‘ông truyền, con nối, cháu kế’ và sự thao túng của nhóm lợi ích, thế lực ngầm.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần đề cập tới những tồn tại trong công tác cán bộ và khẳng định quyết tâm của Đảng kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ những nhóm lợi ích, chạy quy hoạch, luân chuyển, để chọn được người thực tài vào các vị trí lãnh đạo quan trọng.

Với chiến lược nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp, từng bước thanh lọc và loại bỏ những phần tử không đủ tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo đảng, thoái hoá biến chất và đi lên bằng con đường chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham ô lãng phí ở địa phương và bộ, ngành ra khỏi bộ máy lãnh đạo”.

Song song với việc thanh lọc cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã tiến hành soạn thảo và ban hành nhiều văn bản về sinh hoạt đảng, trong đó đáng quan tâm là quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.

“Từ năm 2013, đặc biệt là từ 2017 trở lại đây, Đảng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác phòng chống tham nhũng. Sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương, mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cụ thể hóa nhiều vấn đề, xử lý được nhiều vụ án lớn, củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Đây là những kết quả nổi bật hơn so với khoá XI, tôi hy vọng rằng khóa XIII sẽ còn làm tốt hơn nữa”, ông Hồng bày tỏ.

Theo ông Hoàng Nguyên Hồng, một trong những vấn đề cần tiếp tục được chú trọng là phải tạo ra tính dân chủ thực sự ở từng Chi bộ, để các đảng viên dám nói ra chính kiến của mình. Nếu không nói thật thì sinh hoạt Đảng vẫn chỉ là hình thức, điều đó gây nguy hại lâu dài cho tổ chức, vì cái Đảng cần là những ý kiến đóng góp thật.

Nhìn lại những năm qua, việc trấn áp tham nhũng, quan liêu gây thiệt hại, lãng phí tiền của, tài nguyên... làm có bài bản và gây ấn tương tốt đối với đa số nhân dân.

Chia sẻ về quan điểm lựa chọn người tài ông Hồng cho biết: "Tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ mối quan hệ biện chứng về nhân quả, giữa việc và người.

Qua việc mà đào luyện, sàng lọc sẽ xuất hiện người tài đức, hiền lương. Vì thế phải từ việc thực tế mà tìm và chọn người tài đức cho phù hợp bất kể đó là vị trí lãnh đạo nào".

Cũng theo ông Hoàng Nguyên Hồng, chọn được cán bộ đúng với vị trí công việc là vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình xây dựng đất nước lâu dài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn lãnh đạo Đảng ta: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt.

Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, Chính phủ, của đoàn thể triển khai trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Thời gian vừa qua có nhiều cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu bị khởi tố, nhiều trường hợp đã bị kỷ luật nghiêm khắc (khai trừ ra khỏi Đảng), thậm chí phải chịu án tù giam.

Mới nhất dư luận đang tập trung sự chú ý vào việc khởi tố, xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và cựu Vụ trưởng Phan Chí Dũng (Bộ Công thương) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự 2015. Trong vụ án này, hiện cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang bị truy nã.

Các bị can trên bị khởi tố trong quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Liên quan vụ án này, một loạt cán bộ khác đã bị khởi tố là Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Hồng nêu rõ: “Khi những dấu hiệu đủ căn cứ chứng minh có liên quan tới sai phạm thì khởi tố là việc làm cần thiết, thể hiện thái độ, quan điểm, tư tưởng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong cuộc chiến tham nhũng, diệt giặc nội xâm.

Những kẻ thoái hoá, biến chất lợi dụng danh nghĩa đảng, nhà nước và công trình, dự án rút ruột tiền của của nhân dân, làm giàu nhanh và bất chính, cần nghiêm trị dù đương chức hay nghỉ hưu.

Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử những kẻ tham nhũng, quan liêu, lôi bè, kéo cánh dùng quyền uy cướp đất đai và làm hại dân, hại nước là nguyện vọng của nhân dân”.

Theo ông Hoàng Nguyên Hồng, nhiều lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, bất cứ ai sai phạm đều phải chịu trách nhiệm.

Việc xử lý nghiêm khắc sai phạm của lãnh đạo cấp cao dù đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, không cho phép “hạ cánh an toàn” tiếp tục củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng; đồng thời khẳng định chủ thuyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ của chính quyền và cán bộ là công bộc chứ không phải quan cách mạng.

Qua rất nhiều vụ việc trong những năm gần đây cho thấy đồng tiền và quyền lực chi phối nhiều quá, nên đạo làm người bị biến dạng. Việc những kẻ tham quyền, tiền, của để giàu nhanh rồi phải ngồi tù là sự báo ứng nhân quả.

Người xưa cảnh báo thế hệ trước làm sai thế hệ sau nhận hậu quả, nay thì chính người gây ra phải nhận hậu quả, thậm chí những người có liên quan trong gia đình cũng phải chịu sự trừng phạt.

Năng lực thấp, đạo đức kém, chỉ thích xu nịnh thì sẽ gây ra đại họa

Câu hỏi đặt ra là vì sao trong nhiều năm qua công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ luôn là vấn đề được quan tâm, nhưng vẫn xảy ra rất nhiều vi phạm đối với cán bộ ở cấp cao?

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng phân tích:

Thứ nhất, là do người có vị trí lãnh đạo quản lý bỏ qua danh dự và trách nhiệm thực thi công vụ nhà nước và nhiệm vụ của người đảng viên.

Thứ hai, ý thức, sự liêm sỉ và năng lực điều hành yếu kém nên bị rơi vào vòng xoáy xu nịnh, đút lót... dẫn tới dễ thỏa hiệp và làm những điều sai trái.

Thứ ba, không ít cán bộ còn thói quan liêu, xa dân và thiếu tin dân mà như Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đề cập là có những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít. Chính bởi sự quan liêu nên mới không thực sự nghe dân và tin tiếng nói của dân thì hậu quả sẽ tiếp tục xảy ra.

Thứ tư, cần xem xét về công tác quy hoạch, chọn được đúng cán bộ có năng lực phù hợp với vị trí chưa? Luân chuyển cán bộ phải có năng lực, chính kiến, tránh đưa những kẻ ngậm miệng ăn tiền, không dám nói, chờ thời, nín thở mong đến hẹn để lên ghế mới.

Thứ năm, dân chủ trong Đảng và trong dân cần khuyến khích có thêm nhiều ý kiến thẳng thắn, công khai, không lo sợ bị quy chụp. Những kẻ như Vũ Nhôm, Đường Nhuệ… tồn tại suốt một thời gian dài trong xã hội ta chẳng phải là có bàn tay của cán bộ nhà nước hay sao?

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa".

Thực tế trong công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều bất cập, đã hình thành và tạo ra xu hướng về tâm lý chạy đua, nảy sinh tư duy cơ hội, thực dụng, cố vươn lên cho được một ghế ngồi, một vị trí lãnh đạo bằng mọi giá trong đảng viên và kể cả ngoài xã hội.

Do đó, chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn, xử lý triệt để vấn đề này trong nhiệm kỳ của Đại hội XIII. Câu hỏi đặt ra là ngăn chặn bằng cách nào?

Ông Hoàng Nguyên Hồng phân tích: “Nói như vậy nhưng thực hiện rất khó vì chúng ta phải tránh chuyện công thức hóa, hành chính hóa và quy trình hóa về tổ chức.

Bây giờ phải làm cho tất cả đảng viên thực sự chủ động, nhận thức rõ danh dự và trách nhiệm, tự do suy nghĩ và nói chính kiến của mình thì mới tạo được sức mạnh ngăn chặn tình trạng bè phái.

Để tránh tình trạng giới thiệu nhân sự (quy hoạch) như nhặt sỏi trong máng, hòn tròn lấy, hòn góc cạnh bỏ, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc, qua dân tìm người tài giỏi, tìm người tài đức trong đồng bào hiến kế phát triển đất nước. Cán bộ có tài, có đức đóng vai trò làm trọng, là cốt lõi đối với sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc”.

Cao Kim Anh
CÕNG CON VÀO QUAN TRƯỜNG
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 20-1-2021

Nhà nước ưu ái dành quyền lực cho đám cậu ấm cô chiêu bất tài con cái những quan đảng tham nhũng là nhà nước ưu ái, dung dưỡng tham nhũng, nhà nước phản bội nhân dân, chống lại nhân dân.

Dành quyền lực nhà nước cho con cái đám quan tham nhũng bất tài, nhà nước cộng sản đang loại bỏ và tuyệt diệt những hiền tài trong dân. Những hiền tài trong dân sáng chói trí tuệ và tài năng, nồng nàn lòng yêu nước như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Năng Tĩnh, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Nguyễn Ngọc Ánh… chỉ vì lên tiếng việc dân việc nước liền bị vu tội tuyên truyền chống nhà mước, hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, phải nhận những bản án giam thân trong ngục tù đến mòn mỏi cuộc đời, đến lúc không còn sức khoẻ, không còn ý chí cống hiến mới mãn án tù.

Dành quyền lực nhà nước cho những kẻ bất tài, loại bỏ hiền tài, nhà nước cộng sản đang tuyệt diệt cả nền văn hiến Việt Nam, đang khinh bỉ, rẻ rúng cả dân tộc tài năng đã tạo ra một nền văn hiến huy hoàng.

1. Ở buổi khởi sự, khi cướp chính quyền mới chỉ là mưu đồ, những người cộng sản còn tay trắng thì tổ chức thanh niên cộng sản thực sự là nơi giáo dục lý tưởng cộng sản, rèn luyện và thử thách lớp người trẻ để đưa họ vào con đường cách mạng cộng sản. Những người cộng sản Việt Nam lứa đầu hầu hết đều được giáo dục lý tưởng và đào tạo kỹ năng cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Nguyễn Ái Quốc, người mang bạo lực cách mạng vô sản về Việt Nam, dựng lên.

Kỹ năng cần thiết hàng đầu của cách mạng vô sản là tuyên truyền. Điều được tập trung tuyên truyền cao nhất là mục tiêu chiến đấu hy sinh vì dân vì nước của những người cộng sản: Tất cả chính quyền về tay nhân dân. Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… chỉ là thứ bánh vẽ, là mồi câu dẫn dụ người dân theo họ, giao thân phận cho họ sử dụng làm công cụ giành và giữ chính quyền.

Thực tế chứng minh rằng mục tiêu đích thực, mục tiêu cao nhất và vĩnh hằng của đảng cộng sản chỉ là chính quyền. Chính quyền. Và chính quyền. Có chính quyền họ mới thoả mãn được nỗi thèm khát “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”, nỗi thèm khát được đưa vào thánh ca cộng sản như tôn chỉ, như lẽ sống, như chân lý cộng sản.

Khi những người cộng sản đã cướp được chính quyền, cướp được lợi quyền của dân, của nước thành của riêng họ thì tổ chức thanh niên cộng sản chỉ còn là nhà trẻ, là nhà chờ đưa con cái các quý ông, quý bà vai vế trong đảng cộng sản lên bệ phóng quyền lực. Thâu tóm được toàn bộ lợi quyền của dân của nước trong tay, chính quyền sẽ được những người cộng sản chuyển giao từ cộng sản cha sang cộng sản con như của gia bảo của nòi cộng sản.

Đám con kém cỏi, ham chơi, lêu lổng, bất tài, không có năng lực làm việc, không biết làm việc và cũng không cần, không muốn làm việc giúp ích cho đời, không tự tìm được chỗ đứng trong xã hội liền được ông bố nắm quyền lực trong đảng cõng vào hệ thống quyền lực, đặt vào vị trí lãnh đạo tổ chức đoàn thanh niên cộng sản. Từ đây bắt đầu con đường công danh thần tốc với cậu ấm cô chiêu của những đấng bậc bề trên trong đảng.

Tổ chức đoàn thanh niên cộng sản ở trung ương là nhà trẻ của cậu ấm cô chiêu cấp trung ương. Tổ chức đoàn cấp tỉnh là nhà trẻ của đám trẻ nhà quan đảng cấp tỉnh.

2. Gã trai miền rừng Nông Quốc Tuấn không có được đầu óc sáng láng để học chữ đến nơi đến chốn, không thể vào đời bằng con đường học vấn, trí tuệ, lại không chí thú tu thân học lấy một nghề tinh nuôi bản thân và gia đình. Khi Nông Quốc Tuấn vào đời, ông bố Nông Đức Mạnh mới chỉ là quan chức cấp phó ở tỉnh miền núi, và ông phó chủ tịch tỉnh Bắc Thái chỉ giành được cho thằng con không học vấn, không nghề nghiệp, chỉ có thể làm những công việc cơ bắp phổ thông một suất xuất khẩu lao động ngay trong những đợt đầu tiên nhà nước cộng sản mang sức lao động người Việt ra bán ở thị trường thế giới.

Bán sức lao động ở thị trường thế giới được giá hơn làm thuê trong nước rất nhiều đã mở cho Tuấn con đường vào đời rộng rãi, sáng sủa, tốt đẹp hơn rất nhiều đám trẻ con dân thường thất thểu về Hà Nội chạy xe ôm, làm thợ đụng, dầu dãi nắng mưa, bụi bặm nhặt những đồng bạc vụn trong may rủi, phập phù.

Con đường công danh thênh thang của chàng trai miền rừng Nông Quốc Tuấn không học vấn, không nghề nghiệp, phải ra nước ngoài làm thuê bỗng mở ra chói lọi cùng bước ngoặt thăng tiến chói lọi của ông bố Nông Đức Mạnh. Bước ngoặt chói lọi của gã trai không học vấn, không nghề nghiệp cũng bắt đầu từ nhà trẻ là tổ chức đoàn thanh niên cộng sản.

Bảy năm Tuấn cặm cụi làm thuê ở miền Đông nước Đức cũng là bảy năm ông bố Tuấn len lỏi tìm đường thăng tiến trên con đường quyền lực. Leo lên được ghế Bí thư tỉnh uỷ, vào được trung ương đảng, vào được nhóm quyền lực cao nhất trong đảng và con đường về kinh đảm đương những trọng trách quốc gia ở triều đình cộng sản mở ra trước mắt, ông bố Bí thư tỉnh ủy của Tuấn liền gọi Tuấn đang bán sức lao động cơ bắp ở Đức về. Và tổ chức đoàn thanh niên cộng sản Bắc Thái là nhà trẻ, nhà chờ trước khi Tuấn được đưa lên bệ phóng quyền lực là Bí thư trung ương đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam.

Bố, Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch Quốc hội, thì con, Nông Quốc Tuấn là Bí thư Trung ương đoàn kiêm Chủ tịch hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Bố Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam thì con Nông Quốc Tuấn làm phó Bí thư rồi Bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang, một vị trí bảo đảm chắc chắn cho Tuấn chiếm một ghế ban Chấp hành Trung ương.

Đại hội X, tháng Tư, 2006, ông con, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang Nông Quốc Tuấn ung dung vào nhà Đỏ, ban Chấp hành trung ương, thì ông bố, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh mãn nguyện rời nhà Đỏ về hưu, hưởng những lợi quyền tột đỉnh ưu đãi suốt đời. Nhận lợi quyền mảnh đất kim cương sáu trăm mét vuông bên Hồ Tây. Đất Hồ Tây linh thiêng của lãng đãng huyền thoại, của lung linh sử vàng, đến thời cộng sản thành đất ô trọc với những những bãi rác của một thời lịch sử ô uế là những biệt phủ kệch cỡm của đám quan lại kếch xù trong triều đình cộng sản cũng là những tội đồ kếch xù trong lịch sử đất nước.

Nung nấu suy nghĩ tìm ra một quốc sách để lại dấu ấn của một Tổng Bí thư và ông Tổng Bí thư xuất thân từ cánh rừng Na Rì, Bắc Cạn chỉ quen với những phong trào quần chúng liền phát động phong trào toàn đảng học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Đến thời Nông Đức Mạnh, đảng cộng sản mới chính thức và rầm rộ mang Hồ Chí Minh ra làm liều thuốc an thần ru ngủ người dân quên đi đói nghèo, quên đi tội lỗi của đám quan chức bất tài, tham nhũng. Xối xả đổ tiền thuế nghèo của dân dựng tượng đài Hồ Chí Minh từ trung tâm đô thị ánh sáng đến góc rừng heo hút âm u. Tượng đài sau phải hoành tráng hơn tượng đài trước vì thế cũng tốn kém, xa xỉ, lố lăng hơn tượng đài trước.

Miệng hô hào cán bộ đảng viên học tập đạo đức Hồ Chí Minh nhưng lưng Nông Đức Mạnh âm thầm cõng ông con không học vấn, không nghề nghiệp vào chốn quan trường cấp cao của chính quyền cộng sản là hình ảnh chân thực, sống động, đầy sức chứng minh và khẳng định về sự giả dối của người cộng sản, về sự giả dối của những ngôn từ mỹ miều “Tất cả chính quyền về tay nhân dân”, “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” .

Âm thầm cõng ông con đi xuất khẩu lao động trở về gửi vào nhà trẻ là tổ chức đoàn thanh niên cộng sản rồi biến nhà trẻ đó thành bệ phóng quyền lực, tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu một tấm gương sáng chói cho toàn đảng của ông, tạo ra thời kỳ toàn đảng từ trung ương đến địa phương học hỏi và làm theo phiên bản quan đảng Nông Đức Mạnh cõng đứa con không học vấn, không nghề nghiệp Nông Quốc Tuấn vào quan trường.

3. Ở trung ương, cậu ấm Nguyễn Minh Triết con trai út Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa học xong đại học bên Anh liền được Thủ tướng Ba Dũng gọi về gửi vào nhà trẻ là tỉnh đoàn Bình Định.

Hai nhiệm kỳ Thủ tướng, thực sự là nhân vật quyền lực nhất trong triều đình cộng sản, Thủ tướng Ba Dũng đã tạo được vây cánh đông đúc nhất và thế lực mạnh mẽ nhất trong đảng của ông. Với vây cánh và thế lực đó, trước đại hội đảng 12, đầu năm 2016, chiếc ghế đảng trưởng tưởng như đã nằm trong tầm tay tham lam và mạnh mẽ của ông Ba Dũng. Trong thế mạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cõng được ông con Nguyễn Minh Triết từ tỉnh đoàn Bình Định về trung ương đoàn.

Nhưng chính trường vốn hiểm hóc khó lường. Chính trường cộng sản lại thêm bạo liệt sắt máu. Từ bưng biền U Minh Thượng, U Minh Hạ Cà Mau về chốn hiểm hóc, sắt máu, ông y tá của rừng U Minh lên được đến Thủ tướng đã là thần kỳ. Chuyện thần kỳ không thể có mãi. Với mưu toan, sắp sắp đặt của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, đại hội đảng 12 đầu năm 2016 đã chặn đứng con đường quyền lực của ông bố Ba Dũng.

Ông bố, Ba Dũng phải từ quan về lại nơi xuất phát Cà Mau, Kiên Giang, Phú Quốc của ông nay không còn u minh nữa mà đang đô thị hoá rầm rộ. Ông con, Nguyễn Minh Triết thôi đành ngồi chơi xơi nước ở toà nhà 55 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, cơ quan trung ương đoàn chờ ông bố tìm đường cõng sang ngả khác vậy.

4. Ở đảng bộ các tỉnh thành, tấm gương Nông Đức Mạnh – Nông Quốc Tuấn, bố quan đảng cõng con vào quan trường được học tập và làm theo tức thì, rộng rãi, sống động, phong phú chứ không hình thức, chiếu lệ, giả dối như việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ nêu hai dẫn chứng đại diện của hai miền Nam Bắc.

Bí thư Lê Thanh Hải, phó bí thư Nguyễn Văn Đua của thủ đô kinh tế Sài Gòn nay có tên thành Hồ đều gửi quý tử là Lê Trương Hải Hiếu và Nguyễn Việt Quế Sơn vào nhà trẻ của đảng bộ Sài Gòn là thành đoàn. Lê Thanh Hải chẳng cần ra triều đình cũng leo lên tột đỉnh quyền lực là Bộ Chính trị thì Lê Trương Hải Hiếu, Nguyễn Việt Quế Sơn đâu cần ra trung ương Đoàn.

Thu ngân sách một quận của thủ đô kinh tế Sài Gòn còn lớn hơn thu ngân sách cả tỉnh đất rộng người đông như Nghệ An. Làm quan cấp quận ở thủ đô kinh tế Sài Gòn còn màu mè, quyền uy hơn làm quan cấp tỉnh nhiều nơi khác. Trên lãnh địa quyền lực, Lê Thanh Hải và Nguyễn Văn Đua còn bảo đảm sự hanh thông quan lộ cho Hiếu, Sơn nữa. Và bệ phóng thành đoàn thành Hồ đã đưa Hiếu, Sơn vào chốn quan trường khởi đầu từ chủ tịch quận, phó bí thư quận uỷ.

Đã quen với hình ảnh các quan đảng chẳng cần lén lút cứ ngang nhiên hăm hở, tất bật cõng con vào quan trường, người dân Việt Nam không bất ngờ, không quan tâm và cũng quen nhẫn nhục, chịu đựng bất công, không mảy may phản ứng trước sự tham nhũng quyền lực của Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua.

Nhưng ông Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã rải con cháu họ hàng lên khắp các ghế quyền lực trong tỉnh nay lại thực hiện phiên bản Nông Đức Mạnh – Nông Quốc Tuấn, ông Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến sỗ sàng cõng con trai Nguyễn Nhân Chinh không tài cán, không đóng góp, không công lênh, chưa có thực tế một ngày chính trường từ nhà trẻ của đảng bộ tỉnh là tỉnh đoàn Bắc Ninh nghênh ngang đặt lên chiếc ghế đầy quyền uy, Bí Thư thành uỷ Bắc Ninh là sự hỗn hào, khinh bỉ, xúc phạm quá lớn người dân mảnh đất trai tài gái sắc Kinh Bắc.

Người dân Bắc Ninh bất bình. Báo chí cả nước đồng loạt lên tiếng. Ông bố, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đành phải tính lại chiếc ghế quan trường cho ông con Nguyễn Nhân Chinh. Rà soát lại hàng quan chức trong tỉnh, ông Bí thư tỉnh uỷ Chiến vui sướng nhận ra giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội chỉ còn vài tháng nữa đến tuổi nghỉ hưu. Đây rồi! Đặt thằng con ngồi ghế phó ở đây vài tháng mai phục chiếc ghế giám đốc cũng là chiếc ghế thường vụ tỉnh uỷ. Từ Thường vụ tỉnh uỷ tót lên Bí thư tỉnh uỷ thì quá đơn giản.

Nghị định 24/2014NĐ-CP quy định các sở cấp tỉnh không được quá ba phó giám đốc thì ông sẽ tìm chỗ đẩy một phó của Sở Lao động Thương binh Xã hội đi chỗ khác. Toan tính trong đầu, dàn xếp với đám quan chức đàn em trong tỉnh xong, ông Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến lại hì hục cõng ông con Nguyễn Nhân Chinh rời ghế Bí thư thành uỷ Bắc Ninh đưa sang Sở Lao động Thương binh Xã hội, đặt lên ghế phó giám đốc sở.

Đúng như toan tính tài tình, sáng suốt của ông bố Nguyễn Nhân Chinh, sáu tháng sau, giám đốc Sở Lao động Thương Binh Xã hội Đinh Văn Duân về hưu. Ông con Nguyễn Nhân Chinh ngồi ghế phó chưa ấm chỗ liền sỗ sàng tót lên ghế giám đốc thay ông Duân. Người dân cả nước lại một lần nữa tròn mắt kinh ngạc về mức độ tận cùng vô liêm sỉ, tận cùng trắng trợn tham nhũng quyền lực của ông quan đảng đất văn hiến Kinh Bắc.

5. Nhà nước ưu ái dành quyền lực cho đám cậu ấm cô chiêu bất tài con cái những quan đảng tham nhũng là nhà nước ưu ái, dung dưỡng tham nhũng, nhà nước phản bội nhân dân, chống lại nhân dân.

Dành quyền lực nhà nước cho con cái đám quan tham nhũng bất tài, nhà nước cộng sản đang loại bỏ và tuyệt diệt những hiền tài trong dân. Những hiền tài trong dân sáng chói trí tuệ và tài năng, nồng nàn lòng yêu nước như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Năng Tĩnh, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Nguyễn Ngọc Ánh… chỉ vì lên tiếng việc dân việc nước liền bị vu tội tuyên truyền chống nhà mước, hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, phải nhận những bản án giam thân trong ngục tù đến mòn mỏi cuộc đời, đến lúc không còn sức khoẻ, không còn ý chí cống hiến mới mãn án tù.

Dành quyền lực nhà nước cho những kẻ bất tài, loại bỏ hiền tài, nhà nước cộng sản đang tuyệt diệt cả nền văn hiến Việt Nam, đang khinh bỉ, rẻ rúng cả dân tộc tài năng đã tạo ra một nền văn hiến huy hoàng.

Ảnh. Hai cặp bố con cõng nhau vào quan trường:

Hình ảnh có thể có: 2 người

1. Bố con Nông Đức Mạnh - Nông Quốc Tuấn

Hình ảnh có thể có: 2 người

2. Bố con Nguyễn Nhân Chiến - Nguyễn Nhân Chinh

P.Đ.T.

Nguồn: FB Phạm Đình Trọng

'TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT' CHỨNG TỎ ĐẢNG 'THẤT BẠI VỀ NHÂN SỰ'

VOA 20-1-2021

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục có biệt lệ về nhân sự cho một số trường hợp đã quá tuổi quy định chỉ càng chứng tỏ họ ‘đã thất bại trong công tác phát hiện và bồi dưỡng cán bộ’ và họ ‘đặt ra quy định nhưng lại làm sai quy định’, một nhà quan sát từ trong nước nói với VOA.

Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc hội nghị trung ương 15 hôm 17/1 – hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần cuối cùng trước khi khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 13 để thực hiện việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mỗi năm năm một lần.

Hội nghị 15 đã thông qua danh sách bổ sung vào Ban chấp hành trung ương khóa mới, các trường hợp đặc biệt được ở lại Trung ương Đảng và Bộ Chính trị khóa 13. Nhưng quan trọng nhất là biểu quyết về các ‘trường hợp đặc biệt’ trong số bốn vị trí lãnh đạo chủ chốt là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.

Hội nghị này đã họp xong chỉ trong vòng 1,5 ngày trong khi lúc đầu dự kiến họp đến 3 ngày và số phiếu dành cho các trường hợp đặc biệt ‘tập trung rất cao’, cũng theo hãng tin Nhà nước Việt Nam.

‘Phương án nhân sự mới’

Theo quy định lâu nay của Đảng Cộng sản Việt Nam thì những ai đã quá 68 tuổi thì không được phép tái cử. Như vậy thì tất cả các vị từ Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều phải về hưu. Để được tiếp tục ở lại thì họ phải được Trung ương Đảng chấp thuận cho là ‘trường hợp đặc biệt’.

Hiện giờ vẫn chưa rõ các trường hợp đặc biệt đó là ai. Theo quy định của Chính phủ thì thông tin về nhân sự lãnh đạo được đề cử của Đảng thuộc diện ‘tuyệt mật’, nhưng sau hội nghị 15 thì đã có những tin tức rò rỉ về các trường hợp đặc biệt này.

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến đồng thời là nhà quan sát chính trị, cho biết sau hội nghị 15 vừa qua, đã có tin rò rỉ ra là ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban bí thư vốn được dự kiến sẽ lên làm thay ông Trọng làm Tổng bí thư tại Đại hội 13, không đạt đủ tín nhiệm trong Đảng.

Ông chỉ ra việc kỳ này Đảng phải họp thêm hội nghị 15 trong khi các khóa trước chỉ họp tới lần thứ 14 là đã quyết định xong để chứng tỏ rằng Đảng đã ‘không thể thống nhất về danh sách nhân sự chủ chốt’.

Tuy nhiên, đến hội nghị 15 thì chỉ cần có 1,5 ngày là đã họp xong nên ông A cho rằng ‘ngay từ đầu hội nghị họ đã đi đến sự thống nhất (về phương án mới)’.

“Có lẽ họ chỉ bỏ phiếu thôi chứ không có bàn cãi gì nên hội nghị mới diễn ra nhanh như vậy,” ông suy đoán.

Hiện giờ theo các tin đồn trên mạng xã hội mà VOA chưa kiểm chứng được thì Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là các trường hợp đặc biệt được phép ở lại.

“Nếu ông Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đặc biệt thì sẽ tạo tiền lệ rất xấu cho Đảng Cộng sản Việt Nam,” ông A nói. “Bởi vì ông ấy đã được một lần đặc biệt rồi (tại Đại hội 12 hồi năm 2016). Bây giờ thêm một lần đặc biệt nữa thì hơi kỳ.”

Ông dẫn ra điều lệ của Đảng ghi rằng ‘không ai được giữ chức tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ’ để cho rằng nếu ông Trọng ở lại thì ‘phải thay đổi điều lệ Đảng’. Ông Trọng lên làm tổng bí thư từ năm 2011 và đến nay đã được hai nhiệm kỳ.

“Nếu phải sửa đổi Điều lệ Đảng cho ông Trọng thì cũng na ná như ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc đã sửa Hiến pháp để cho ông ấy làm chủ tịch nước suốt đời,” ông A lưu ý.

‘Ông Phúc xứng đáng’

Ngoài việc sửa đổi Điều lệ Đảng, nhà hoạt động dân chủ này còn chỉ ra rằng việc ông Trọng tiếp tục nắm quyền là điều không tốt cho nhân quyền và phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam vì trong năm năm vừa qua ‘tình hình nhân quyền Việt Nam tồi tệ đi một cách đáng kể’.

Ông cho rằng chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế để giúp Việt Nam tăng trưởng như hiện nay ‘không phụ thuộc vào ông Trọng’ mà là chủ trương chung của Đảng Cộng sản Việt Nam nên ai làm Tổng bí thư cũng phải vậy thôi.

Còn công cuộc chống tham nhũng mang dấu ấn cá nhân của ông Trọng, ông A cũng cho rằng ‘không phải dựa vào ông Trọng mà thành công được mà phải có các điều kiện như có nhà nước pháp quyền, nền tư pháp độc lập, báo chí tự do và xã hội dân sự năng động’.

Mặc dù chỉ trích Đảng làm sai quy định, nhưng ông A cho rằng ‘nếu cực chẳng đã phải có trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người xứng đáng’.

“Ông Phúc rất năng nổ trong chỉ đạo các chính sách kinh tế và chống dịch Covid-19,” ông nói.

“Chính phủ đã có những hoạt động ráo riết, rất phù hợp với khoa học về chống dịch bệnh và làm rất kiên quyết. Chính vì thế nên thành tích chống dịch ở Việt Nam đạt được rất tốt,” ông A chỉ ra.

‘Nên cạnh tranh công khai’

Nhà quan sát chính trị này cho rằng việc có trường hợp đặc biệt là ‘thất bại của Đảng’.

“Nếu đã có quy định mà hết lần này đến lần khác phải có trường hợp đặc biệt thì chỉ chứng tỏ rằng các vị đặc biệt chỉ là đặc biệt tham quyền cố vị,” ông phân tích.

Ngoài ra, theo lời ông, nếu lâu nay Đảng luôn lặp đi lặp lại là ‘công tác cán bộ là quan trọng’ mà đến giờ không có người thay thì chỉ chứng tỏ ‘chính sách đó là thất bại’.

“Nó cho thấy công tác cán bộ chuẩn bị nhiều năm qua vẫn không xong. Nó thật sự gây bất ổn định cho Đảng,” ông nói thêm.

Lẽ ra, theo lập luận của ông, để cho trong Đảng xuất hiện người tài thì Đảng nên áp dụng phương pháp cho các ứng viên trong Đảng cạnh tranh công khai với nhau.

“Họ phải tranh luận với nhau, nêu đường lối họ là thế này thế kia, và cuối cùng trong Đảng họ sẽ bỏ phiếu cho một lãnh đạo mới,” ông giải thích.

“Qua các cuộc tranh luận như thế thì người ta mới biết họ là người như thế nào,” ông nói thêm. Đây là mô hình mà hầu hết các đảng chính trị ở các nước phương Tây đều áp dụng khi bầu lãnh đạo.

ÔNG TRUMP VÀ ÔNG TRỌNG CÓ GIỐNG NHAU KHÔNG? 

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 16-1-2021

Câu hỏi này chắc chắn sẽ có nhiều người cho rằng, nó rất gượng ép, hai ông một trời một vực, làm sao so sánh được.

Nhưng tôi đặt vấn đề như vậy nhằm mục đích tìm hiểu bản chất của hai xã hội khác biệt nhau như thế nào, thông qua hai vị lãnh đạo của hai quốc gia, mà trong thời gian mấy năm qua được công luận nhắc đến hàng ngày, hàng giờ.  

Mà chẳng phải hàng triệu người Việt hàng ngày cứ chăm chú tin tức từ bên kia bờ đại dương đó sao?!

Giống nhau

Điểm giống nhau đầu tiên của hai ông già ngoài tuổi thất tuần là sự tự ái lãnh tụ. Ông Trump rất thích chường mặt ra trước công chúng để làm lãnh tụ, rất tự ái khi đám đông dự lễ đăng quang của ông bốn năm trước không đông bằng vị tiền nhiệm của ông. Trump rất sung sướng khi đám đông ồn ào đón ông ở các nhà kho sân bay, trong những buổi vận động tranh cử.

Ông Trọng thì do tự ái ngầm của một gã đàn ông Á châu, lại là Á châu hủ nho kiểu người Tàu, nên ông không vênh mặt lên trong đám đông, nhưng có vẻ như ông tự cao lắm. Trong một lần ngẫu hứng, ông nói rằng, ông muốn văn kiện của đảng trở thành “văn bia để lại muôn đời sau”.

Ông Trump từng tuyên bố rằng chỉ có ông mới cứu được nước Mỹ, “I am the only one who can fix our problems”, còn ông Trọng tuy không nói thẳng ra, nhưng có lẽ ông cũng tin rằng, chỉ có mỗi ông mới cứu được đảng cộng sản VN và chế độ cộng sản mục ruỗng. Thế nên, khi ông Trần Đại Quang đột ngột băng hà, ông bèn ôm lấy luôn cái chức của ông Quang, vì theo ông có ai khác làm được điều ấy?!

Một điểm giống nữa là, chính mồm hai ông nói ra, ông Trump thì “tát cạn đầm lầy”, ông Trọng thì “đốt lò”, rằng “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Đầm lầy của ông Trump, theo ý ông và các đồng minh, chính là sự nhũng lạm, trì trệ của chính phủ Mỹ. Còn cái lò của ông Trọng là nơi ông đốt các viên chức cộng sản tham nhũng.

Nhưng cái đầm lầy của ông Trump sau bốn năm ông cầm quyền, lại lầy thêm ra với họ hàng thân thích, bạn bè, con cái ông được nắm các chức vụ cao cấp, còn hoạt động quản lý quốc gia thì tê liệt. Cái lò của ông Trọng, tuy đốt được các tay tham nhũng cộm cán, nhưng cũng bị cho là nơi ông đánh các phe phái chính trị đối nghịch với ông mà thôi.

Hai ông đều có những cú liều mạng khá giống nhau, khi bí quá. Ông Trump thì kích động ủng hộ viên của ông tấn công điện Capitol, ngôi đền thiêng của nền dân chủ Mỹ mà không lường được hậu quả chính trị thảm khốc giáng xuống đầu ông. Ông Trọng thì liều mạng gửi mật vụ sang nước Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chẳng lường trước được cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất xảy ra, từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đối với dư luận, hai ông cũng khá giống nhau, một ông nhất quyết không buông ghế, sẵn sàng phá hoại các định chế Mỹ, bị cánh cấp tiến rủa xả suốt bốn năm trời; một ông thì bệnh tật đầy người, đi đứng không vững nhưng vẫn quyết bám ghế, dùng đủ mọi chiêu trò để tiếp tục ở lại làm lãnh đạo.

Khác nhau

Điều khác nhau cơ bản là xã hội mà hai ông cầm quyền. Ông Trump phải ra đi vào ngày 20/1/2021, ông Trọng vẫn có thể ở lại sau đại hội đảng cuối tháng 1/2021. Định chế dân chủ Mỹ không thể để ông Trump ở lại bằng một cuộc bầu cử mà ông thất bại thảm hại. Việt Nam cộng sản có thể để ông Trọng cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba, bằng cách viết lại luật chơi.

Tuy nhiên, ông Trump lại thành công hơn ông Trọng trong chuyện ông cài cắm được người của phe bảo thủ ở lại trong ngành tư pháp Mỹ với ba vị thẩm phán ở Tối cao Pháp viện, cùng với hàng trăm thẩm phán các cấp mà ông bổ nhiệm trong bốn năm qua. Ông Trọng dù có thể thay đổi người để làm vị thế của ông mạnh hơn trong đấu trường chính trị, nhưng ông không thể đưa người thay thế vị trí của ông, kế thừa “di sản” của ông. Cả hai nhân vật mà ông chọn là Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng đều thất bại.

Một khác biệt lớn nữa là, ông Trump không có quyền lực bao trùm như ông Trọng. Chẳng những ông không thể sai khiến được hai nhánh lập pháp và tư pháp, mà ông còn bị các nhà lập pháp mang ra luận tội. Ngược lại, ông Trọng có quyền hành gần như tuyệt đối, ông nắm cả quân đội, công an, qua chức bí thư quân ủy và Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. “Đại tá Trump” muốn làm đảo chánh, còn Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trọng không cần làm “đại tá” vì ông nắm hết quyền bính trong tay.

Và sau cùng ông Trump không hiểu được định chế dân chủ Mỹ như thế nào, nên ông bị nó đánh bại, còn ông Trọng hiểu được bản chất của hệ thống bán cộng sản của ông rất rõ, nên ông chế ngự được nó.

Nhưng cuối cùng thì hai ông giống nhau ở một điểm là, không thể cưỡng lại được xu thế của thời đại, mà cả hai ông đều là những đại diện lỗi thời.

Ông Trump không thể chống lại các nhà khoa học, cũng như vai trò của nước Mỹ trên thế giới qua khẩu hiệu mị dân “nước Mỹ trên hết” nhưng thật ra là “nước Mỹ một mình”, nước Mỹ bị cô lập.

Còn ông Trọng, sau ông có đến 43% lãnh đạo đảng các cấp trẻ hơn 50 tuổi (theo Nguyễn Khắc Giang), những người mà ông không tin tưởng, nhưng ông không thể chống lại họ.

VẪN LÀ TQ ?

BÙI QUANG VƠM/ BVN 17-1-2021

Hội nghị TƯ 15 chưa kết thúc, nhưng kết luận của Hội nghị đã tiết lộ rộng rãi trên tất cả mọi loại thông tin, bất chấp quy định “tuyệt mật” do ông Phúc vừa ban hành:

- Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhận đặc cách lần hai, ở lại giữ chức Tổng bí thư.

- Ông Nguyễn Xuận Phúc ở lại nhưng chuyển sang vị trí Chủ tịch nước.

- Ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

- Ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Chủ tịch Quốc hội.

Theo truyền thống thì những gì quyết định ở TƯ cuối cùng, sẽ là kết quả tại Đại hội, việc bầu bán tại Đại hội chỉ là hình thức có tính thủ tục.

Nếu có thể coi đây là giải pháp chính thức, có nhiều điều đáng nói:

1- Việc ông Trọng được chấp nhận tiếp tục ở lại bất chấp đã quá hai nhiệm kỳ, đã quá hai lần tuổi, đã một lần đặc cách, đặc biệt là tình trạng sức khỏe của ông rõ ràng không đảm bảo để gánh vác trách nhiệm người cao nhất. Điều này cho thấy:

- Sự phân hóa trong đảng đã quá gay gắt. Nếu thay ông Trọng bằng bất cứ người nào khác đều không thể tránh khỏi đổ vỡ. Đây là sự lặp lại giải pháp Đỗ Mười của Đại hội VII, chọn sự tồn tại của Đảng làm giải pháp quyết định.

- Thế hệ tiếp tục bảo thủ đang ở thế lép vế, yếu kém, chưa đủ sức gánh chịu trách nhiệm, không đủ uy tín hay áp lực để lấn át.

- Việc chấp nhận giải pháp ông Trọng cho thấy đây là giải pháp tạm thời, nhằm để ông Trọng tiếp tục chuẩn bị thế hệ kế tiếp, bồi dưỡng nhân lực kế cận, hay để nhân lực kế cận thu thập thêm uy tín.

- Nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê nin vẫn tiếp tục là nền tảng tư tưởng cho đảng CSVN.

2- Việc ông Nguyễn Xuân Phúc được chuyển sang Chủ tịch nước, cho thấy xu thế cải cách mang tính chất thị trường hóa rộng rãi nền kinh tế, có thể đã bị cảnh cáo là quá đà sang tư bản chủ nghĩa. Như vậy, các chủ trương cổ phần hóa các Tập đoàn nhà nước, các công ty thuộc sở hữu nhà nước, sẽ chậm lại, các hình thức kinh tế quốc doanh, tập thể, hợp tác xã có khả năng được khuyến khích phát triển hơn. Cũng có thể suy đoán, trong đảng, ông Phúc bị phê phán về các cải cách cơ chế. Gắn liền với ông là Phạm Bình Minh, cũng chắc chắn bị gieo rắc nghi ngờ từ bỏ kinh tế thị trường định hướng XHCN xa rời hình mẫu TQ. Dấu ấn bàn tay của ĐCSTQ?

3- Ông Phạm Minh Chính được giao chức vụ Thủ tướng cho thấy hình mẫu quản trị kinh tế chính trị của Quảng Ninh có tính thuyết phục chủ trương của đảng nhiệm kỳ tới.

Điều này hàm ý ba điều:

- Phương thúc quản trị nền kinh tế quốc gia theo hình thức quản trị đặc khu sẽ là phương thức bao trùm các chính sách chính phủ trong nhiệm kỳ tới.

- Nền kinh tế Việt Nam sẽ gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế TQ như một bộ phận TQ thu nhỏ và có liên hệ hữu cơ với nền kinh tế này theo khuôn mẫu: kế hoạch hóa trung tâm trên nền cơ chế thị trường hóa toàn cầu.

- Từ bỏ đường lối thoát Trung. Ông Phạm Minh Chính là tác giả của Dự án Đặc khu Vân Đồn, khi còn là Bí thư Quảng Ninh đã nhận được rất nhiều trợ giúp về lý luận của Hội đồng tư vấn Đặc khu Thâm Quyến, cùng với nhiều tỷ đôla từ chính quyền Quảng Châu. Ông đã từng gọi «gặp những người trong Hội đồng tư vấn như gặp lại người nhà, về Quảng Châu như về nhà». Đây là đường lối: «Kiên định XHCN và Thị trường Định hướng XHCN». Ông Chính là Giải Pháp TQ?

4- Ông Vương Đình Huệ, khi được đưa xuống làm Bí thư Hà Nội, đã là người được quy hoạch kế cận vị trí Tổng Bí thư. Như vậy, nếu được đưa lên vị trí Chủ tịch Quốc hội, ông này chính là nhân vật sẽ tiếp nhận vị trí Tổng bí thư rất có thể vào giữa nhiệm kỳ tới. Nghĩa là, hai năm làm Chủ tịch Quốc hội chỉ là hai năm để xác lập dư luận.

Miền Nam biến mất trên sân khấu chính trị VN. Nền chính trị bị xem là vọng ngoại hay Tự do hóa theo kiểu Mỹ của Sài Gòn bị gói lại trong bàn tay của ông Nguyễn Văn Nên, cựu Chánh văn phòng Trung ương đảng, sau 5 năm nằm bên cạnh ông Tổng bí thư. Sài Gòn sẽ bị hãm lại. Cành khỏe thì hại gốc. Lê Thanh Hải từng từ chối điều động của Trung ương, từng chống lại quy hoạch của Bộ chính trị khi đẩy Võ Văn Thưởng ra khỏi Đảng bộ Sài Gòn. Kiến nghị Quy chế chính quyền Đô thị cho Sài Gòn, giảm nghĩa vụ đóng thuế, tự động xóa và thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm, đề xuất thành lập thành phố Thủ đức v.v… đều không do sáng kiến của TƯ, gây sức ép khó chịu từ bên dưới với Hà Nội. Cắt bỏ miền Nam chứa đựng thông điệp cảnh giác với thế giới tự do.

Qua các đánh giá trên, có thể khẳng định, đảng CSVN tiếp tục kiên định mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN theo khuôn mẫu TQ, lấy kế hoạch dài hạn làm trung tâm trên nền kinh tế thị trường hóa toàn cầu, kinh tế tư nhân chỉ là kinh tế đồng hành tạm thời, không có tương lai. Nền kinh tế VN sẽ tiếp tục gắn kết hữu cơ với nền kinh tế TQ, khai thác các nguồn lực từ nền kinh tế TQ và phục vụ lại như cửa ngõ thông thương của nền kinh tế TQ ra thế giới.

Kết quả nhân sự bộ tứ này cho thấy bàn tay ĐCSTQ vẫn là bàn tay quyết định. Ông Trọng thực chất cũng chỉ là diễn viên trên sân khấu?!

Cùng với mô hình kinh tế, cái được gọi là xu hướng tách thoát TQ cùng với xu hướng mở rộng dân chủ theo hình mẫu phương Tây vẫn tiếp tục là thứ hàng xa xỉ. Kế hoạch hoàn thành giai đoạn quá độ lên CNXH vào năm 2035 vẫn là động lực chính của phát triển toàn diện.

Tuy vậy, người tin vào CHXN trong đảng và trong xã hội không còn nhiều và những con người, trong giới tinh hoa, có ý thức thật sự với tương lai một dân tộc lúc nào cũng có, nên người ta vẫn có quyền hy vọng một kết quả bỏ phiếu khác.

17/01/2021

B.Q.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét