Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

20210125. CẢNH BÁO VỀ NẠN THAM NHŨNG QUYỀN LỰC

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
NHỊ LÊ/ TVN 18-1-2021

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu phần 2, mạch bài “Đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam” của TS Nhị Lê. 

Thứ nhất, bình đẳng. Trước pháp luật, mọi tổ chức dù chính trị hay xã hội và mọi cá nhân, mọi giới tính và lứa tuổi đều bình đẳng. Đó là nguyên tắc vận hành một cách dân chủ theo luật định của các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, xét về tính chỉnh thể. Đó cũng chính là tính tối thượng của pháp luật, sự dân chủ của nền pháp quyền Việt Nam.

Pháp luật phải là tối thượng

Gần đây, các nhà quan sát lại rộ lên rằng, “bất cứ chủ thuyết hay chủ trương điều hành đất nước nào cũng rất khó thành công nếu phải dựa dẫm, tránh né hay thỏa hiệp với người cầm quyền, khi họ lấy sự chi phối chính trị làm mục tiêu”(!); rằng, “… Sự thiếu vắng của giới kỹ trị đã làm cho dự án đang bên bờ vực thẳm, chưa nói đến chuyện quốc phòng và an ninh quốc gia”(!); và, rằng “đã dùng ý chí cho lá phiếu rồi, khi 'ý chí' nhầm tai hại, chẳng ai lại bỏ phiếu tín nhiệm một cách công bằng nữa”(!).

Có thể nói một cách không nghi ngờ rằng, người ta đang cố khoác cho mình mảnh chiến bào với “sứ mệnh” tiếp tục thổi phồng, bảo vệ kỹ trị để phê phán cái gọi là chính trị quyết định tất cả, đối lập giữa chính trị và kỹ trị.

Dỡ bỏ tất cả tối thiểu những điều này thì đó chính là động lực phát triển của hệ thống chính trị nói riêng và nền chính trị Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, pháp quyền. Pháp luật phải là tối thượng với tinh thần quốc pháp bất vị thân. Không thể không xây dựng và phát triển hành lang pháp lý tổng thể và đủ mạnh để kiến tạo hệ thống chính trị đổi mới. Đó là trọng trách của pháp quyền, một bảo đảm căn bản, một động lực chủ yếu để bảo đảm thành công cuộc đổi mới hệ thống chính trị.

Pháp quyền là phương thức hành động tất yếu thực thi chính trị nhân bản; và pháp luật là cái giới hạn tối thượng để thực thi dân chủ một cách tự do và minh bạch đối với chúng ta, mà tất cả đều vì nhân dân! Nhất định nó không phải là là thứ pháp trị vị pháp trị, pháp quyền vị pháp quyền, mà là pháp trị vị tự do, pháp quyền vị dân chủ, vị nhân văn!

Động lực để phát triển hệ thống chính trị
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự bế mạc hội nghị Trung ương lần thứ 15. Ảnh: TTXVN

Gần đây, ai cũng thấy, ngay trong việc làm trong sạch bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta không thể không “lấy chữ Nhân (nhân trị) làm trọng để giải quyết tham nhũng, làm trong sạch Đảng” nhưng càng không thể không dụng “pháp trị để thẳng tay với quốc nạn đục khoét đất nước”; chúng ta quyết không mơ hồ “không thể để pháp trị ghi trong Hiến pháp nhưng ngoài đời lại dùng nhân trị một cách không đến nơi đến chốn, chỗ này dùng luật khắt khe, ác độc, chỗ kia tha thứ vì bạn bè đồng chí, một cách tùy tiện”.

Thượng tôn pháp luật với quốc pháp bất vị thân!

Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là con đường

Thứ ba, dân chủ. Đó là mục tiêu, là động lực kiến tạo hệ thống chính trị Việt Nam. Nói cách khác, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là con đường. Nó không hề mâu thuẫn với việc tiếp biến các thành tựu của nhân loại: pháp quyền hay kỹ trị…

Cùng với pháp quyền, dân chủ là mục tiêu mà pháp quyền hướng tới; và đến lượt nó, pháp quyền là giềng mối để dân chủ đích thực được thực thi.

Người ta quên (hoặc cố tình) và chối bỏ, rằng nhân dân Việt Nam được tổ chức thành hệ thống chính trị, khi họ thực hiện hành động chính trị để “bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền”, “cử ra” chính quyền các cấp và “tạo ra” các đoàn thể từ Trung ương tới địa phương.

Nghĩa là, đặc trưng chính trị của Việt Nam, xét về mặt tổ chức chính trị xã hội, rằng nhân dân không chỉ tạo ra Nhà nước mà là cả hệ thống chính trị, rằng Nhà nước chỉ là một bộ phận trong đó. Điều này không giống các nước dân chủ khác. Người ta lại cũng cố quên rằng, nó là một phương thức tổ chức xã hội hiện đại - xem chế độ nhà nước chỉ là một yếu tố tồn tại nhân dân, nhưng không bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ là một hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân. Nhà nước nhỏ và xã hội lớn.

Chúng ta thừa hiểu và không ngừng hành động, Đảng chỉ có thực hiện dân chủ thực sự cho nhân dân, lãnh đạo xã hội để nhân dân là chủ và làm chủ, nâng cao địa vị, quyền hành và năng lực làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước dân, trọng dân, học dân, hiểu dân, hỏi dân, bàn bạc, giải thích cho dân và hành động vì dân, cho dân, thì Nhà nước, Chính phủ mới được dân tin, dân phục, dân yêu.

Nếu không như thế, khi cứ hành động theo kiểu làm bằng được, bất chấp lòng dân, ý dân thì dân oán. Mà “dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại”, như Hồ Chí Minh nói. Và, sự thật không có con đường thực thi dân chủ nào đúng đắn hơn, phù hợp hơn trong thế giới ngày nay!

Thứ tư, minh bạch. Dân chủ, bản thân nó đã bao hàm minh bạch. Nhưng, không có minh bạch thì không có dân chủ hoàn bị! Có thể nói, công khai là “thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương” của nền dân chủ, của hệ thống chính trị được kiến tạo một cách khoa học nhằm thực thi dân chủ một cách hoàn bị.

Vì vậy, minh bạch và công khai là hai nhân tố động lực của dân chủ để kiểm soát toàn vẹn một cách dân chủ, nhằm thực thi dân chủ một cách đúng đắn và hoàn bị, theo tinh thần pháp quyền. Nhưng, chỉ vì cái gọi là minh bạch lại đòi đẩy tới sự “bạch hóa” một cách trần trụi, vô hạn độ, vô chính trị và văn hóa, như có người kêu gào, thì chính là phản minh bạch, vô hình sỉ nhục dân chủ và báng bổ, bóp nghẹt luôn cả chính trị.

Thứ năm, phản biện. Tranh luận một cách dân chủ, công khai, bình đẳng và có văn hóa là con đường ngắn nhất, dù gập ghềnh, khó khăn, để dẫn tới chân lý. Đó là sinh khí của nền chính trị dân chủ cho nhân dân mà chúng ta kiến tạo, bắt đầu từ mỗi thành viên của hệ thống chính trị, giữa các thành viên của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Đó cũng chính là một trong những con đường phát triển dân chủ.

Những quyết sách chính trị đúng đắn một phần chỉ được xây dựng theo tinh thần đó, thông qua đối thoại, tranh luận, phản biện một cách cầu thị, khoa học và đầy trách nhiệm với vận mệnh của quốc gia và với vận mệnh của mỗi người.

Không độc quyền chân lý, không áp đặt tư tưởng, không chụp mũ chính trị, đó cũng chính là “hàn thử biểu” của tinh thần dân chủ và pháp quyền, thấm đẫm nhân văn, bằng động lực phản biện một cách thành tâm, trong sáng, vì sự phát triển của dân tộc.

Lòng tin của nhân dân là quốc bảo

Thứ sáu, trách nhiệm. Bình đẳng, dân chủ, minh bạch, phản biện… theo pháp luật tự chúng đã dẫn tới sự bảo đảm trách nhiệm và chịu trách nhiệm về pháp lý và đạo lý. Không giữ vững và bảo đảm trách nhiệm với quốc gia dân tộc, với chính mình thì mọi việc sẽ trở nên trống rỗng, thậm chí hỗn loạn, nguy hiểm đối với toàn cục hệ thống. Đây là “khoảng trống” thường bị coi nhẹ hoặc thực thi chưa thỏa đáng đây đó, trước nay, trên bình diện tổ chức thực tiễn kiến tạo và vận hành của hệ thống chính trị.

Buông lỏng trách nhiệm, tắc trách… nhất định làm hại tất cả mọi nỗ lực về hành xử đức trị hay pháp quyền, hạ thấp vị thế từng thành viên, nhiệm vụ và thẩm quyền mỗi người trong từng bộ máy… có nguy cơ khiến cho hệ thống bạc nhược hoặc bất cập.

Trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân và cụ thể là trách nhiệm trước chính mình, trên nền tảng dân chủ, bảo đảm bằng pháp quyền, đó phải là bổn phận của các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam, dù là Đảng, Nhà nước hay bất cứ một thành viên nào khác. Hành xử trái thế là vô hình rơi vào vô đạo, vô pháp. Chúng ta thừa hiểu rằng, lý do trước hết là lòng tin của công chúng và sự ổn định của hệ thống chính trị hiện nay đều đặt trên khả năng quản lý và lãnh đạo xã hội chứ không phải vào quá khứ.

Thứ bảy, lòng tin của nhân dân. Không có lòng tin của nhân dân sẽ không có gì cả, mất lòng tin của nhân dân là mất hết. Đó là chân lý ngàn đời. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng chính là vốn quý nhất trong các tài sản của Đảng, để Đảng dẫn dắt đất nước, làm nên công trạng cho dân tộc. Vì, Đảng lãnh đạo để nhân dân là chủ quốc gia, làm chủ đất nước. Nhờ nó, Đảng trở nên mạnh mẽ và bước qua mọi khó khăn, nhất là ở những bước ngoặt còn mất của lịch sử cách mạng hơn 88 năm qua.

Đối với Nhà nước, lòng tin của nhân dân là quốc bảo. Nhờ nó, Nhà nước đứng vững trước những sinh - tử khi mới ra đời và suốt hơn 73 năm qua. Đây là động lực căn bản vô hình nhưng hữu hình, hàm chứa sức mạnh của thể chế chính trị nước ta, nhất là hơn 30 năm đổi mới qua. Đó là thước đo và công cụ kiểm soát về sự mạnh yếu, thăng trầm, thậm chí sinh tử của thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đó là hệ động lực đi tới tương lai của sự phát triển của hệ thống chính trị Việt Nam đổi mới!

TS Nhị Lê

CẢNH BÁO VỀ NẠN THAM NHŨNG QUYỀN LỰC, 'SỨ QUÂN' CÁT CỨ

NHỊ LÊ/ TVN 23-1-2021

LTS:Trong phần 3, TS Nhị Lê cảnh báo về “giặc nội xâm” và nạn phân rã chính trị: tham nhũng quyền lực, lợi ích nhóm, “sứ quân” cát cứ…

Các quyết sách chính trị phải phản ánh đúng quy luật khách quan và yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và sự phát triển của thế giới. Tất cả nhằm bảo vệ vô điều kiện lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Nói khái lược, mục tiêu chính trị cầm quyền cao nhất của Đảng là, Đảng lãnh đạo để nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ đất nước.

Nghệ thuật cầm quyền chính trị

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở đây, vấn đề trở nên cấp bách hơn hết bao giờ, Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị, trong xã hội, để thực thi sự cầm quyền của mình, thông qua đường lối chính trị, tổ chức đảng và đảng viên của mình, một cách dân chủ tập trung, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật, chứ không phải bên cạnh hay ở trên… một cách đơn giản, cứng nhắc, chồng chéo và cơ học - nguồn gốc nảy nòi của các bệnh hoạn cầm quyền: vừa áp đặt quyền lực nhưng vừa bỏ trống quyền lực, lại vừa buông lỏng và lạm dụng quyền lực.

Cảnh báo về nạn tham nhũng quyền lực, 'sứ quân' cát cứ
Hà Nội được trang hoàng rực rỡ chào mừng Đại hội Đảng. Ảnh: Phạm Hải

Nói cách khác, đó là quá trình pháp luật hóa công việc lãnh đạo và tổ chức thực thi quyền lực chính trị của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội.

Do đó, Đảng gương mẫu thực thi nghiêm cách quyền lực chính trị của mình và tự kiểm soát quyền chính trị theo hiến định, luật định, nguyên tắc của Đảng và sự giám sát của nhân dân; không dung thứ bất cứ ai, và tổ chức đảng nào đứng ngoài hoặc trên kỷ luật của Đảng và pháp luật, tổ chức chính trị, xã hội nào đứng trên hay đứng ngoài pháp luật.

Có thể khái quát, phương thức cầm quyền của Đảng được thực thi tối thiểu trên 5 bình diện: (1) cầm thời; (2) cầm đạo; (3) cầm cương; (4) cầm tướng; (5) cầm tâm.

Nhân dân làm chủ

Đảng cầm quyền để nhân dân là chủ và làm chủ trực tiếp và bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân, chứ tuyệt đối không phải đứng trên nhân dân, đứng trên và ngoài Nhà nước.

Đó là mục tiêu cầm quyền duy nhất và tối cao, công việc cầm quyền cốt tử của Đảng và Đảng chịu trách nhiệm lịch sử trước Nhà nước và nhân dân về quyền lãnh đạo chính trị của mình, đối với Nhà nước và xã hội, được bảo đảm bằng pháp luật và trên nền tảng luật pháp.

Theo đó, Đảng tập trung lãnh đạo kiến tạo Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, giữ vững và bảo đảm toàn bộ quyền lực của thể chế chính trị và quốc gia thuộc về nhân dân, với tư cách là một đảng duy nhất cầm quyền. Đây là cái gốc, mục tiêu bất biến của mọi hình thức và nghệ thuật cầm quyền.

Đảng thượng tôn pháp luật, do đó, tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, theo đường lối chính trị của Đảng, bảo đảm và bảo vệ cho quyền lực nhà nước được thực thi nghiêm ngặt và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ một cách dân chủ theo pháp luật.

Pháp luật của Nhà nước phải là bản khế ước của đường lối chính trị của Đảng, một cách tiến bộ, văn minh và hiện đại, theo tinh thần dân chủ và pháp quyền tối cao.

Kiểm tra, giám sát dân chủ và đa diện

Về lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy và lựa chọn, bố trí cán bộ, trước hết người đứng đầu mang tầm chiến lược của các thành viên hệ thống chính trị. Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo công việc này cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Đó là nguyên tắc. Vì, nếu trái thế, Đảng sẽ thất bại ngay từ bước khởi nguyên về nhân tố rường cột chính trị căn bản, càng không thể hóa thân chính trị thành công, trong điều kiện cầm quyền (hay trước kia khi chưa cầm quyền), khi thiếu hoặc buông lỏng nhân tố căn bản này.

Đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết đặc biệt là cấp chiến lược, phải xứng đáng là chính trị gia của Đảng cầm quyền: trung thành với lý tưởng và lợi ích quốc gia dân tộc; tầm nhìn chính trị viễn kiến, giỏi về quản lý và chuyên môn, có óc phản biện; danh dự, dũng cảm, liêm sỉ, trách nhiệm, trong sạch và đạo đức…

Bằng mọi cách, thu hút, nuôi dưỡng, bảo vệ, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ tinh hoa của hệ thống chính trị, một cách bình đẳng, công bằng và xứng đáng, không kể họ là, chưa là hay không là đảng viên thông qua cơ chế tuyển chọn nhân tài một cách khoa học, dân chủ với các phương thức phù hợp và cụ thể.

Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu… Không có lòng tin của nhân dân, mọi cuộc cải cách, cho dù là nỗ lực bao nhiêu, sẽ đổ vỡ không tránh khỏi.

Nói khái lược, mỗi cán bộ trong bộ máy của Đảng là một nhà chính trị, đồng thời là một tấm gương mẫu mực về văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị. Lãnh đạo việc xây dựng các bộ máy của tổ chức thành viên bảo đảm: tinh, gọn, đa chức năng, liên thông, trực tiếp, hiệu lực và hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở.

Bảo đảm nghiêm ngặt chế độ lãnh đạo tập thể dân chủ đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo gắn chặt với kiểm soát quyền năng và quyền lực theo trách nhiệm cụ thể, duy nhất của và đối với từng cá nhân bằng kỷ luật và pháp luật thượng tôn, trước hết là của người đứng đầu theo chức năng và thẩm quyền.

Trước hết, đổi mới không ngừng bộ máy đảng trên cơ sở cấu trúc lại bộ máy tổ chức trong hệ thống đảng theo hướng xác lập trụ cột căn bản và chủ yếu đa chức năng, kiên quyết cắt bỏ tầng nấc trung gian, hoạt động trực tiếp, liên thông, tinh gọn và hiệu quả bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trao đủ quyền năng đúng, phù hợp và kiểm soát quyền lực một cách minh bạch được giao một cách chặt chẽ và thường xuyên từ Trung ương tới cơ sở.

Phải đo lường được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy bằng mức độ giải quyết công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ và độ hài lòng của nhân dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công. Không có kiểm tra, giám sát dân chủ và đa diện, không có bất cứ thành công mong muốn nào trong công cuộc cầm quyền của Đảng.

“Thà ít mà tốt”

Nếu có đại họa nào làm Đảng băng hoại về chính trị và tổ chức, thể chế tan tành, thì lúc này, hơn hết lúc nào, đó chính là “giặc nội xâm” và nạn phân rã chính trị: tham nhũng quyền lực, “lợi ích nhóm”, “sứ quân” cát cứ… Đảng đi tiên phong và nêu gương phòng, chống tham nhũng: tham nhũng vật chất, tham nhũng quyền lực và tham nhũng lòng tin; phòng, chống nguy cơ đe dọa sự thống nhất của Đảng, làm Đảng phân rã: các nhóm lợi ích, nguy cơ về các “sứ quân” trong Đảng.

Chỉnh đốn toàn diện đội ngũ đảng viên, bảo đảm chất lượng, “thà ít mà tốt”. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện Điều lệ Đảng, trong đó phát triển bộ tiêu chí về tư cách người đảng viên theo hướng: Toàn diện nhân cách, tinh hoa về định tính; cụ thể về định lượng; minh bạch về thực hiện và trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra.

Không thể là đảng viên, tối thiểu khi: không còn trung thành với lý tưởng, xa rời các nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, sống và hoạt động ngoài nhân dân, không trung thực và trong sạch, không đoàn kết và thống nhất, không gương mẫu và tự trọng… Nghĩa là như thế, không còn xứng đáng là người có phẩm hạnh và khả năng cầm quyền của một đảng cầm quyền.

Coi trọng nhân dân

Trở lại và nâng tầm mối liên hệ với nhân dân, với tư cách “là con nòi”, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Đó là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng. Nhân dân là nguồn gốc sinh thành và cội nguồn sức mạnh của Đảng, nền móng sức mạnh quốc gia, dưới ngọn cờ của Đảng. Nhân dân là người sinh ra Đảng.

Từ quyết sách chính trị tới lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…, cần thiết lắng nghe ý kiến của nhân dân, định chế bằng chính sách cụ thể để nhân dân tham gia giám sát, lựa chọn và quyết định giới thiệu. Ai mơ hồ về lẽ đó tất suy bại, ai đi ngược lại điều sơ giản đó không thể không cầm chắc tiêu vong.

Nhân dân tự mình nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ văn hóa chính trị, văn hóa pháp lý, văn hóa dân chủ… để sử dụng các quyền dân chủ, thực hành dân chủ tự giác theo luật pháp nhằm bảo vệ “con nòi” của mình, một cách chủ động với tấm lòng của người sinh thành ra Đảng một cách nghiêm khắc và bao dung.

Tới lượt mình, Đảng phải làm tốt nhất không chỉ về phương diện đạo lý mà cả trên bình diện pháp lý bảo đảm thực thi tất cả những vấn đề về quyền và trách nhiệm tối thiểu đó của nhân dân, vì và cho nhân dân.

TS Nhị Lê

ĐẠI HỘI XIII, VẤN ĐỀ NHÂN SỰ VÀ DẤU HỎI VỀ ĐIỀU LỆ ĐẢNG

LÊ HỒNG HIỆP/ NCQT/ TD 25-1-2021


Khi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 vào tuần này, Đảng sẽ phải quyết định một vấn đề quan trọng: đề cử các lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước.

Thế nhưng, mọi thứ đã có một bước ngoặt bất ngờ, làm phức tạp thêm vấn đề ai sẽ là nhà lãnh đạo có tiếng nói cao nhất ở Việt Nam trong 5 năm tới.

Trước thềm đại hội, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 của ĐCSVN đã họp vào giữa tháng 1/2021 để thông qua danh sách đề cử cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Thông tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ Hội nghị cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Trung ương Đảng ủng hộ tiếp tục nắm giữ chức tổng bí thư, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề cử làm tân chủ tịch nước.

Điều này khiến hầu hết các nhà quan sát Việt Nam ngạc nhiên. Việc cả ông Trọng, 77 tuổi, và ông Phúc, 67 tuổi, được ủng hộ tiếp tục ở lại trong nhiệm kỳ mới có nghĩa là sẽ có hai “trường hợp đặc biệt” được miễn trừ giới hạn độ tuổi. Điều này đi ngược lại thông lệ chỉ có một “trường hợp đặc biệt” dành cho vị trí tổng bí thư.

Một điều bất ngờ khác là việc ông Phạm Minh Chính, hiện là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, được đề cử giữ ghế Thủ tướng, trong khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được đề cử giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Việc thăng chức cho ông Chính đi ngược lại truyền thống của đảng là dành ghế thủ tướng cho một trong các phó thủ tướng của nhiệm kỳ trước. Sự vắng mặt của các chính trị gia miền Nam trong nhóm “Tứ trụ” cũng có nghĩa là Đảng cũng sẽ bỏ qua một quy tắc quan trọng khác: duy trì sự cân bằng vùng miền trong bộ máy lãnh đạo cấp cao.

Tuy nhiên, không có quyết định nào gây chú ý bằng việc Ban chấp hành Trung ương Đảng tán thành việc đề cử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bên cạnh vấn đề tuổi cao, sức yếu, Điều lệ Đảng cũng quy định “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Do ông Trọng đang trong nhiệm kỳ thứ hai và đảng chưa công bố bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về việc sửa đổi Điều lệ Đảng, đa phần các nhà quan sát trước đây cho rằng ông sẽ phải từ bỏ chức vụ Tổng bí thư.

Liệu Đại hội Đảng có thông qua các dàn xếp trái thông lệ như trên hay không vẫn còn phải chờ xem. Nhưng quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng về trường hợp Tổng Bí thư Trọng đặt ra hai câu hỏi quan trọng: Tại sao Đảng muốn ông tiếp tục tại vị? Và làm thế nào Đảng có thể thực hiện thành công ý định này mà không mở “Chiếc hộp Pandora” vốn có thể làm phức tạp thêm vấn đề chuyển giao lãnh đạo trong tương lai?

Ông Trọng được cho là không có ý định nắm quyền vô thời hạn. Ông đã đôi lần đề cập mong muốn nghỉ hưu do vấn đề tuổi cao sức yếu, đặc biệt là sau khi ông bị đột quỵ vào năm 2019. Hơn nữa, nếu ông có ý định trở thành một nhà lãnh đạo tham quyền cố vị, ông đã dàn xếp việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong Điều lệ Đảng sớm hơn.

Thay vào đó, một lý do hợp lý hơn là Đảng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một ứng viên phù hợp có thể kế nhiệm ông. Có ba ứng cử viên tiềm năng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ông Trọng được cho là ủng hộ ông Vượng làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với ông Vượng trong Ban chấp hành Trung ương Đảng khá mỏng và ông chưa xây dựng đủ thẩm quyền, uy tín cá nhân để có thể giành được lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh của mình.

Do đó, những người ủng hộ ông Trọng muốn ông tiếp tục lãnh đạo đảng ít nhất một vài năm nữa để duy trì sự ổn định và đoàn kết nội bộ trước khi họ có thể tìm được một ứng cử viên phù hợp hơn kế nhiệm ông.

Mặc dù vậy, giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí tổng bí thư vẫn là một trở ngại lớn cho kế hoạch của họ. Một số quan chức cấp cao của Đảng đã đề xuất Đảng không nên sửa đổi điều lệ mà thay vào đó nên coi nhiệm kỳ thứ ba của Tổng Bí thư Trọng như một ngoại lệ đặc biệt, duy nhất. Có lẽ mối quan ngại cơ bản của họ là việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ sẽ mở ra tiền lệ xấu và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các lãnh đạo chuyên quyền trong tương lại, điều sẽ đe dọa sự ổn định chính trị của đất nước. Quan trọng hơn, nếu các đại biểu tại Đại hội 13 từ chối thông qua việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ, kế hoạch để ông Trọng ở lại sẽ thất bại, tạo nên một cuộc khủng hoảng lãnh đạo đối với Đảng.

Nhưng đề xuất cho phép Tổng Bí thư Trọng ở lại nhiệm kỳ ba mà không sửa Điều lệ Đảng cũng rất có vấn đề. Sự lãnh đạo của ông sẽ bị coi là không chính danh, làm tổn hại uy tín của Đảng và bản thân ông Trọng, người từ lâu luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và quy trình trong công tác đảng và nhà nước.

Một lối thoát khả dĩ có thể cân bằng được các vấn đề trên là Đảng có thể vẫn giữ nguyên giới hạn hai nhiệm kỳ đối với vị trí tổng bí thư nhưng bổ sung thêm một điều khoản là “trường hợp ngoại lệ do Đại hội Đảng toàn quốc quyết định”. Một giải pháp như vậy sẽ cho phép duy trì cơ chế kiểm soát tham vọng quyền lực cá nhân của các nhà lãnh đạo trong tương lai và do đó có khả năng được các đại biểu dự Đại hội dễ dàng thông qua hơn. Đồng thời, quy định này cũng sẽ mang lại cho Đảng sự linh hoạt cần thiết để xử lý các trường hợp bất thường hiếm gặp như quyết định gia hạn thêm một nhiệm kỳ thứ ba cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việc có một đội ngũ lãnh đạo mới có năng lực và kinh nghiệm là điều cần thiết để Việt Nam có thể đối phó được với các thách thức tương lai như duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn do Covid-19 gây ra, chống tham nhũng, hay vượt qua các khó khăn xuất phát từ gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Do đó, các quyết định nhân sự được đưa ra tại Đại hội 13 của ĐCSVN, dù trái thông lệ hay không, cũng sẽ có tác động quan trọng đối với triển vọng kinh tế, chính trị và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

ĐẤT NƯỚC KHÔNG THIẾU NGƯỜI TÀI

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 24-1-2021


I. QUY LUẬT TỰ NHIÊN

1. Con chim sẻ thường được xem như là loài động vật bé nhỏ, yếu ớt. Vậy mà chỉ 15 ngày sau khi chào đời, con chim sẻ đã đủ lông cánh RA RÀNG. Đó là lúc chim sẻ tự bay dưới phong ba bão táp, tách khỏi đôi cánh ấp ủ của mẹ bố để độc lập kiếm sống. Mấy ai biết được, rằng bé như chim sẻ mà có thể bay nhanh đến 50km/giờ vào lúc phải sống sót. RA RÀNG là quy luật tự nhiên của loài chim.

2. Mạnh mẽ như chúa sơn lâm sư tử, thì bố mẹ cũng không nuôi dưỡng con suốt trọn đời. Chỉ khoảng 2 năm sau khi chào đời, sử tử con tách đàn để tự kiếm sống trong suốt quãng thời gian chừng 15-20 năm tồn tại. Với những con sử tử đực, vì phải đánh nhau liên tục dành lãnh thổ và kiếm mồi mà tuổi thọ chỉ còn khoảng hơn một nửa so với con cái – chừng 10 năm.

3. Rời khỏi bố mẹ, sống độc lập là quy luật tự nhiên. Con người cũng vậy. Khi đến tuổi dựng vợ gả chồng là bố mẹ cho ra ở riêng.

Vào thời điểm hiện nay, theo luật pháp Việt Nam thì nam 20 tuổi được lấy vợ, nữ 18 tuổi được lấy chồng. Như vậy nam 21 tuổi, và nữ 19 tuổi có con. Nam 42 tuổi lên ông và nữ 38 tuổi lên bà. Nam 63 tuổi và nữ 57 tuổi lên cụ (4 đời). Trên thực tế thì có nhiều người làm bố mẹ, ông bà và cố còn sớm hơn các mức tuổi nêu trên. Với nam giới thì ở nhiều nơi có nhiều người lúc 40 tuổi đã lên ông, 60 tuổi lên cụ.

II. NHỮNG ĐIỀU TRĂN TRỞ

1. Nay trong lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, nhiều người ở vào lớp tuổi của các cụ (60 -65) vậy mà vẫn bị xem là chưa đủ tuổi “RA RÀNG”, chưa được chuyển giao ngay quyền lãnh đạo mà phải “dẫn dắt” thêm nửa nhiệm kỳ hay một nhiệm kỳ nữa mới yên tâm.

Ví như trường hợp ông Đỗ Mười (2/2/1917-1/10/2018) ở thêm hơn một năm sau Đại Hội VIII (28/6-1/7/1996) mới chuyển giao cho ông Lê Khả Phiêu đảm nhiệm (12/1997-4/2001). Ông Lê Khả Phiêu (27/12/1931-7/8/2020) lúc đó đã 66 tuổi.

2. Trước lúc ông Lê Khả Phiêu rời chức TBT, ở Đại Hội IX, đã đưa được một điều khoản chưa từng có trong Điều lệ Đảng là “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Điều lệ được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX thông qua ngày 22 tháng 4 năm 2001.

Điều khoản “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” trong Điều 17 lại được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011. Đây có thể xem là một dấu mốc quan trọng trong HẠN CHẾ THAM NHŨNG QUYỀN LỰC.

Hai nhiệm kỳ 10 năm là quá đủ thời gian để thi thố tài năng, vắt kiệt sáng tạo và sinh lực để cống hiến. Sau 2 nhiệm kỳ chỉ còn lại lối mòn và trì trệ.

3. Tiếp theo hạn chế 2 nhiệm kỳ là hạn chế khung tuổi không quá 65 khi cơ cấu vào các chức vụ chủ chốt thuộc nhóm “tứ trụ”: TBT, CTN, TT, CTQH.

Nhưng hạn chế khung tuổi đã bị phá vỡ. Ở Đại Hội XI xuất hiện một ngoại lệ sau 65 tuổi. Và một ngoại lệ được tiếp tục duy trì ở Đại Hội XII.

Ở Việt Nam thật khó dỡ bỏ điều đã tồn tại, ngoại trừ nó được mở rộng thêm. Ngoại lệ sau 65 tuổi ở Đại hội XI, XII chỉ có một trường hợp. Còn ở Đại hội XIII? Hãy chờ xem sau ít ngày nữa khi Đại hội XIII sẽ diễn ra (25/1 – 2/2/2021) là lúc các Đại biểu Đại Hội XIII quyết định có bao nhiêu ngoại lệ: 0, 1, hay nhiều hơn?

Mọi đề xuất của BCT, BCHTƯ khoá XII chỉ là đề xuất. Các đại biểu Đại Hội XIII mới là người quyết định. Đại Hội XIII phải tự quyết ai là UV BCH, ai là UV BCT, ai là TBT của khoá XIII.

III. ĐẤT NƯỚC KHÔNG THIẾU NGƯỜI TÀI. ĐIỀU CẦN HOÀN THIỆN LÀ THỂ THỨC BẦU CỬ

Có người viện dẫn Thủ tướng Malaysia 92 tuổi, Tổng thống Mỹ 78 tuổi – để biện minh cho ngoại lệ. Nhưng đó là tranh cử tự do. Đã tranh cử tự do bằng lá phiếu của toàn dân thì không hạn chế tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo, đảng phái.

Nhưng ở Việt Nam không phải là tranh cử toàn dân, cũng không phải tranh cử toàn đảng, cũng không phải tranh cử cục bộ. Không có tranh cử sòng phẳng nên mới viện vào tuổi tác để làm barie ngăn cản. Tuổi tác là hạn chế được sử dụng thường xuyên hiện nay trong thăng chức vụ – từ cấp phó phòng cho đến cấp cao nhất ở Việt Nam hiện nay.

Nhưng lấy thước đo tuổi tác để làm tiêu chuẩn thăng chức, một cách vô tình, đã tiêu diệt nhiệt huyết phấn đấu và làm lụi tàn tài năng.

Bởi lẽ, đó là sự xếp hàng tuần tự theo tuổi tác để bổ nhiệm thăng chức. Dẫu có tài năng, nhưng phía trước có người nhiều tuổi xếp hàng nhiều năm, thì chưa thể đến lượt. Khi đến lượt thì đã già, nhiệt huyết đã như ngọn đền cạn dầu, tài năng thì không thể chói sáng.

Cho nên, tiêu chuẩn tuổi tác trong thăng chức, ứng cử, đề cử vào các chức vụ – phải được dỡ bỏ. Dỡ bỏ rào cản tuổi tác thì phải đi đôi với TRANH CỬ.

Tại sao phải từ chối tranh cử? Ai là người muốn từ chối tranh cử? Từ chối tranh cử có phải là cách để nắm giữ quyền lực? Trong các loại tham nhũng thì tham nhũng quyền lực là nguy hiểm nhất.

Nhưng trong khi chưa có tranh cử, phải viện đến rào cản tuổi tác, đã đặt ra luật rồi thì phải tuân theo luật. Đã theo luật thì không có ngoại lệ. Tại sao phải ngoại lệ? Đặt ra luật sao còn vi phạm? Ngoại lệ là đặc ân. Ngoại lệ là không sòng phẳng.

Đất nước 100 triệu dân trùng điệp những người tài mà không cần ngoại lệ. Ngay trong toàn đảng với hơn 5 triệu 100 ngàn đảng viên – cũng có nhiều người tài mà không cần đến ngoại lệ. Ngay chính những trường hợp ngoại lệ cũng có thể không cần đến ngoại lệ. Miễn là tranh cử tự do.

Không ai là ngoại lệ. Bậc cái thế càng không cần ngoại lệ. Quy luật của vũ trụ không có ngoại lệ. Ngoại lệ có thể giúp chim sẻ bay nhanh bay cao hơn đại bàng.

Điều mong đợi là sự sáng suốt và sự dũng cảm của các đại biểu Đại Hội XIII. Cờ đến tay ai người đấy phất.

XÂY DỰNG HẠ TẦNG TƯ DUY-VẤN ĐỀ CƠ BẢN VÀ CẤP THIẾT

MẠC VĂN TRANG/ BVN 19-1-2021

Hôm qua lướt mạng, bắt gặp bài viết của TS Trần Đăng Trung, giảng viên ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội kêu gọi thành lập “Mặt trận liên hiệp chống phản động trên lĩnh vực học thuật", tôi thấy kinh sợ! Bài viết đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và gây dư luận xôn xao...

Vị TS này viết: “Như viết rất rõ ở các tút trước, tôi nghi ngờ và gần như chắc chắn đến 95% rằng mình đã phát hiện ra một “ổ phản động” tình báo, gián điệp xuyên quốc gia đội lốt “học thuật” đang ngày đêm chống phá các cơ sở học thuật, giáo dục chính thống của nước ta”...

”Bất kể chúng là ai, dù đang giữ trọng trách như hiệu trưởng, hiệu phó, viện trưởng, viện phó, tổng biên tập, chủ tịch hội… dù có học vị cao như giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ lớn… chúng ta cũng đều phải quán triệt tinh thần thẳng tay tận diệt, phải trừ tiệt cái “nọc độc” phản động chữ nghĩa trên toàn bộ lãnh thổ đất nước này từ Bắc chí Nam“...

“Phương châm của chúng tôi là: thà diệt thừa còn hơn bỏ sót”!

“Chúng ta có thể sẽ phải đuổi việc một nửa Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, thậm chí tuyệt diệt nhiều cơ sở giáo dục, nghiên cứu khác; nhưng cái giá đó còn vẫn là quá rẻ so với việc mất chế độ được dựng lên bởi máu xương của hàng triệu triệu người con đất Việt”... (https://www.facebook.com/7052.../posts/10158030220126302/…)

Nếu là một DLV như anh Trần Nhật Quang thì không chấp làm gì, nhưng đây là một Tiến sĩ của một trường ĐH hàng đầu của đất nước, hàng ngày, ông TS này vẫn lên bục giảng dạy cho sinh viên, thì kinh hãi quá! Theo lối tư duy này thì sắp có những vụ “Nhân văn Giai phẩm" mới; sắp có vụ nhóm “Xét lại, chống Đảng"? Có phải đây là mẫu người “vừa Hồng vừa Chuyên" của trường ĐH XHCN Việt Nam?

Suy nghĩ một chút thì thấy, thực ra đây chỉ là trường hợp biểu hiện cực đoan, thái quá, nhưng về bản chất nó phù hợp với dòng tư duy chủ lưu của chế độ. Hàng ngày ta đều thấy đài, báo của nhà nước không ngớt lên án “các thế lực thù địch, bọn phản động, bọn cơ hội chính trị đang ra sức chống phá Đảng và Nhà nước"... Các nhà lãnh đạo không ngừng chỉ thị phải chống “tự diễn biến", “tự chuyển hóa", “chống các thế lực thù địch âm mưu phá hoại"...

Sống trong môi trường xã hội luôn luôn có “mâu thuẫn Địch - Ta", luôn luôn phải lên án và tiêu diệt “các thế lực thù địch" thì hình thành nên thái độ và tư duy như TS Trung cũng như của hàng triệu DLV cũng không có gì lạ. Đó là thứ tư duy:

- Chỉ có một hệ tư tưởng, một học thuyết - Chủ nghĩa Marx- Lenin là thống soái, quan niệm khác đi là “suy thoái"; phê phán chủ nghĩa Marx- Lenin là “phản động";

- Chỉ có một Đảng CSVN toàn trị, đòi Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự là “bất hảo"...;

- Chỉ có những phát ngôn chính thống của Đảng và Nhà nước là chân lý, nói khác đi là “xuyên tạc, bịa đặt"...;

- Chỉ có Đúng và Sai, Tốt và Xấu, Ta và Địch…, dứt khoát theo định hướng của Đảng, chứ không được nghi ngờ, “dao động";...

- Khoa học, Văn học, Nghệ thuật phản ánh hiện thực sai với định hướng của Đảng là thiếu “tính Đảng", là “nhạy cảm", “lệch lạc", cần xem xét xử lý…

- Học sinh, sinh viên, giảng viên các trường từ phổ thông đến đại học, sau đại học đều phải tuân theo những nguyên tắc nêu trên; nói khác, làm khác đi là “tự diễn biến", “tự chuyển hóa", “suy thoái", phải “kiểm điểm, xử lý"...

Cái kiểu tư duy “không chấp nhận sự khác biệt", quan điểm khác với ta là phải tẩy chay, quy kết, dán nhãn, thoá mạ, đã ăn sâu vào tâm thức người Việt! Qua sự kiện bầu cử Mỹ năm 2020 càng bộc lộ rõ “thảm trạng tư duy” của người Việt.

Có một bạn hỏi tôi: “Tôi không hiểu, tại sao anh lại ủng hộ Trump”? Tôi trả lời: “Tôi cũng không hiểu tại sao anh lại ủng hộ Biden? Thế là bình đẳng, là hòa nhé”. Tôi chọn lựa vậy và tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người, không phê phán ai cả. Nhưng ông bạn vẫn không buông tha, phải quy kết tôi thuộc loại “Trumpist": u mê, ngu muội, bầy đàn…

Khi tôi viết: “Công nhận mình dốt, chưa hiểu được Trump và những bí ẩn của bầu cử Mỹ 2020. Theo thời gian, những bí mật được hé lộ dần, may ra mới hiểu rõ mọi điều”. Thế là cũng bị “chửi": “Đã biết sám hối, quay đầu là bờ, nhưng vẫn chưa thực tâm"; “Vẫn ẩm ờ, tin vào Fake news nên mới nghi ngờ"; “Nói “những bí ẩn của bầu cử” tức là tin vào thuyết âm mưu",... Còn nhiều lời mỉa mai “đấu tố" kinh lắm.

Ngược lại những người "cuồng Trump" cũng tấn công những người "cuồng chống Trump" bằng những lời lẽ khủng khiếp... Tự nhiên việc ủng hộ Trump hay Biden ở bên Mỹ mà người Việt thành hai trận tuyến cứ như "diệt nhau một mất một còn"!

Với tâm thế như vậy, với những kiểu tư duy như thế sẽ không bao giờ có thể hoà hợp, đoàn kết dân tộc được, trái lại cứ khoét sâu hận thù, chia rẽ xã hội mãi; với trạng thái tinh thần như vậy sẽ không thể nào xây dựng được một HẠ TẦNG TƯ DUY LÀNH MẠNH, TIẾN BỘ. Một đất nước muốn tránh tụt hậu, phát triển bền vững, văn minh thì phải tập trung xây dựng được một hạ tầng tư duy tiến bộ.

Đại hội VI (1986) Đảng CSVN đã có đột phá “Đổi mới tư duy", dám “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật", chỉ rõ nguyên nhân và quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm trước đó, nên đã đổi mới TƯ DUY KINH TẾ, cứu cả dân tộc thoát khỏi đói, rách. Nhưng rất tiếc, tư duy kinh tế cũng thay đổi khó khăn, chậm chạp, nhất là ruộng đất vẫn thuộc “sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý", nên dẫn đến bao nhiêu hệ lụỵ; rồi “Kinh tế nhà nước là chủ đạo", nên tập trung bao nhiêu nguồn lực cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, rồi thua lỗ, phá sản … Dù sao tư duy kinh tế cũng từng bước được đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn. Còn TƯ DUY VỀ XÃ HỘI, từ 1986 đến nay, có lúc mở, lúc thắt, nhưng nói chung chưa có đổi mới gì đáng kể.

Vấn đề đặt ra cấp thiết là phải tiếp tục đổi mới Tư duy kinh tế và nhất là đổi mới Tư duy xã hội, hay cụ thể hơn, là Tư duy quản lý xã hội thì mới tạo ra sự phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững. Đổi mới tư duy, mới dần hình thành nên được HẠ TẦNG TƯ DUY MỚI.

Tôi nhớ, vào năm 2015 đã đọc được bài “Xây dựng hạ tầng tư duy" của TS Giáp Văn Dương, ông nhấn mạnh:

“Khác với đầu tư cho hạ tầng kinh tế thường tốn kém đắt đỏ, đầu tư xây dựng hạ tầng tư duy rẻ hơn rất nhiều. Điều cần thiết đầu tiên để hình thành hạ tầng tư duy chỉ là một môi trường tự do học thuật, tư tưởng và trao đổi đúng nghĩa”.

“Khi tư tưởng của mọi cá nhân, nhất là của tầng lớp trí thức được giải phóng và tự do lưu thông, trao đổi thì hạ tầng tư duy sẽ từng bước hình thành. Mà điều này, đôi khi chỉ xuất phát từ một vài văn bản của Nhà nước”.

“Chiến tranh, thiên tai có thể tàn phá cơ sở sản xuất, nhà xưởng, đường sá chứ không thể tàn phá hạ tầng tư duy của đất nước. Điều đó giải thích vì sao những nước thua trận trong Thế chiến thứ II như Đức, Nhật vẫn có thể vươn lên mạnh mẽ từ đống tro tàn”...

Để xây dựng được hạ tầng tư duy mới cần phải đổi mới căn bản và toàn diện quan niệm và phương thức quản lý xã hội; phải tạo ra môi trường tự do tư tưởng, tự do học thuật, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt… Nếu như cá nhân hay tổ chức nào thực hiện các quyền tự do đó mà vi phạm đến lợi ích của cá nhân hay tổ chức khác thì phải kiện ra Tòa để xử lý theo pháp luật, chứ không thể dùng các biện pháp bắt bớ, quy kết tuỳ tiện như hiện nay.

Đổi mới tư duy để xây dựng hạ tầng tư duy mới là một quá trình khó khăn, phức tạp, phải bắt đầu từ thay đổi tư duy của các cấp lãnh đạo; phải rèn luyện kỹ năng và thói quen tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt và tôn trọng sự khác biệt ngay từ nhà trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, đại học. Đặc biệt là phải tôn trọng tự do học thuật, tự do sáng tạo, tư duy phê phán … trong các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu.

Chính trị rất quan trọng, cần thiết, quý giá, nhưng đảng chính trị nào cũng dùng nhiều thủ đoạn, thậm chí cả mưu hèn, kế bẩn; chính trị gia nào cũng biết lươn lẹo, dối trá khi cần, nhưng không thể đem thứ thủ thuật chính trị đó vào trong tư duy học thuật, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục. Không thể xây dựng hạ tầng tư duy mới bằng cách chính trị hoá cả giáo dục, khoa học, nghệ thuật.

Khi có một hạ tầng tư duy lành mạnh, tiến bộ làm nền tảng tư tưởng, văn hoá, xã hội thì các đảng chính trị, các chính khách sẽ buộc phải lựa theo trào lưu tiến bộ để tồn tại và đóng góp vào tiến bộ xã hội.

Tóm lại, thái độ và tư duy của TS Trần Quang Trung chỉ là trường hợp phản ánh cực đoan thứ thái độ và tư duy của dòng chính trong xã hội ta hiện nay. Muốn thay đổi nó thì phải loại bỏ thứ tư duy lỗi thời, xây dựng hạ tầng tư duy mới lành mạnh, tiến bộ. Chỉ có trên nền tảng của tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự do sáng tạo, tự do phản biện, với thái độ tôn trọng sự thật, tôn trọng sự khác biệt, trong môi trường tự do giao lưu, chia sẻ các ý tưởng, các sản phẩm tư duy, thì mới xây dựng được hạ tầng tư duy mới. Hạ tầng tư duy mới tiến bộ sẽ là cơ sở cho phát triển một xã hội văn minh, bền vững.

18/1/2021

M.V.T.

Tham khảo:

1. TS Giáp Văn Dương: Xây dựng hạ tầng tư duy, Tuần Việt Nam, 2015

2. https://luatminhkhue.vn/ha-tang-tu-duy.aspx

---

Phụ lục: Nguyên văn bài viết của Tiến sĩ Trần Đăng Trung

Lời kêu gọi thành lập mặt trận liên hiệp thống nhất chống phản động.

Như viết rất rõ ở các tút trước, tôi nghi ngờ và gần như chắc chắn đến 95% rằng mình đã phát hiện ra một “ổ phản động” tình báo, gián điệp xuyên quốc gia đội lốt “học thuật” đang ngày đêm chống phá các cơ sở học thuật, giáo dục chính thống của nước ta.

Dù như đã nói nhiều lần, tất cả hoàn toàn vẫn chỉ là một nghi vấn và giả thuyết chừng nào các cơ quan chức năng và lực lượng an ninh văn hóa chưa vào cuộc, làm rõ; tuy nhiên, bằng sự quan sát và hiểu biết của mình suốt những ngày vừa qua, tôi nhận thấy càng ngày đường dây phản động xuyên quốc gia này càng lộ rõ “hình hài” và những “mặt thật” của chúng. Tôi gần như tin chắc rằng mình đã phát hiện ra một “ổ” đại phản động núp bóng “học thuật”.

Đây là một mạng lưới hết sức tinh vi, phức tạp, đã tồn tại gần 20 năm nay. Mạng lưới “cảm tình viên”, “dư luận viên”, “thông tin viên”, và “âm binh” của chúng trên mạng xã hội chắc chắn vô cùng đông đảo. Như bà con đã thấy rõ, trong những ngày qua, ban đầu chỉ từ hai tên nhà báo Kiều Mai Sơn và Thanh Hà và một số nick ảo nặc danh cùng fan cuồng của chúng tấn công tôi; nhưng mấy hôm nay, chúng đã huy động cả một blogger lề trái tên tuổi là Lê Thiếu Nhơn ủng hộ chúng, và ghê gớm hơn, luật sư phản kháng Luân Lê (người đang bị an ninh ta theo dõi đặc biệt) cũng đã đứng về phía chúng để đánh tôi, mà đánh rất hèn hạ theo kiểu cắt xén một vài đoạn trong một tút của tôi để la làng chứ không dám công khai toàn bộ những gì tôi đã viết.

Chúng ta đã ngày càng thấy rõ “lực lượng” phản động đứng sau bọn Kiều Mai Sơn và Thanh Hà. Tôi không hề quen biết hay có bất cứ liên hệ nào với những người như Lê Thiếu Nhơn hay tên phản kháng chống đối Luân Lê, vậy tại sao chúng lại đánh tôi dữ dội như vậy? Chỉ có một khả năng chúng là một phường một hội với nhau, đang cố sức trong tuyệt vọng để bảo vệ nhau.

Chiều hôm qua, tôi đã làm việc với các lãnh đạo trong Ban Chủ nhiệm Khoa tôi, chúng tôi đã thống nhất cao độ với rằng nhau bọn Kiều Mai Sơn, Thanh Hà nhiều khả năng là hai kẻ thừa hành của một tổ chức phản động chống phá đội lốt “học thuật” xuyên quốc gia cực kì thâm độc và nguy hiểm, chúng ta rất có thể đang đối diện với một đám địch thực sự theo nghĩa đen với một “đại âm mưu” diễn biến hòa bình và chờ đợi thời cơ bạo loạn lật đổ Đảng ta, chế độ ta, đánh vào Bác Hồ, Tổ Tiên, Nhân Dân, Đất Nước anh hùng vĩ đại của Chúng Ta.

Chúng tôi, Khoa tôi và Trường tôi đã thống nhất phải kiên quyết làm rõ vụ việc tấn công thô bạo, bỉ ổi của bọn Kiều Mai Sơn – Thanh Hà vào thầy nguyên Hiệu Trưởng và Khoa Lịch Sử trường tôi.

Chúng ta giờ đã hình thành quá rõ ràng hai chiến tuyến:

Một phía là chúng tôi, những người đang bảo vệ những thiết chế và giá trị chính thống, thiêng liêng, đang bảo vệ Đảng ta, chế độ ta, đang bảo vệ Bác Hồ, Tổ Tiên, Nhân Dân, và Đất Nước anh hùng vĩ đại của Chúng Ta.

Phía bên kia đích thị là bọn phản động chống phá, những kẻ như Kiều Mai Sơn – Thanh Hà, Lê Thiếu Nhơn, Luân Lê, và rất nhiều khả năng là Nguyễn Phượng, Từ Huy (những “ông trùm”, “bà trùm” trong nước), và bọn đầu sỏ dư đảng Mỹ ngụy cờ vàng ba que xỏ lá đang ẩn mình rất kĩ ở Mỹ như Alex-Thai, Tường Vũ, Olga Dror, và Keith Taylor.

Theo quan sát của tôi, bọn phản động hải ngoại, lũ “đầu sỏ” thực sự đã nhận ra, chấp nhận sự lộ tẩy và thất bại của chúng, trong cay đắng ngao ngán và bất lực. Nhưng bọn “tay chân”, những “con dao bẩn”, những đứa “chó điên”, “rắn độc” trong nước dù đang hoang mang sợ hãi tột cùng những vẫn cố gắng gượng để “còn nước còn tát” và có vẻ bọn này muốn quyết “tử chiến” đến cùng cho một nhúm dư đảng Mỹ ngụy cờ vàng ba que xỏ lá yếm thế, bệnh hoạn, vĩ cuồng, hoang tưởng. Các chỉ huy, tướng tá đã vứt cờ vàng ba que xỏ lá và vẫy “cờ trắng” xin hàng nhưng đám “chó điên”, “rắn độc” vẫn cố gắng gượng “cắn càn”, “phun nọc” những đợt yếu ớt cuối cùng.

Tôi rất thương cho bọn phản động bị lợi dụng đang ở trong nước, chúng hoàn toàn ngu dốt, ngây thơ, khờ khạo, thậm chí có khi còn không biết chúng đang bị lợi dụng, nhưng trước những hành vi đại nghịch vô đạo của bọn bất lương này, trời đất không dung thứ, thiên hạ thế nhân không thể không khinh bỉ căm phẫn, và tôi không thể không làm hết sức để “tuyệt diệt” đám giặc chữ này.

Trận chiến lớn trên mặt trận học thuật, văn hóa, tư tưởng này đã bắt đầu nổ ra rồi thưa bà con cô bác.

Nay tôi xin tuyên bố rõ ràng hai chuyến tuyến [chiến tuyến – TS viết sai chính tả, BVN chú thích] và công khai rằng chúng ta đang đánh bọn địch dư đảng Mỹ ngụy cờ vàng ba que xỏ lá.

Bọn “đầu sỏ” yếu ớt và ít ỏi ở Mỹ đã đầu hàng, việc của của chúng ta bây giờ là tận diệt đám phản tặc trong nước, nếu đúng là chúng cấu kết với bọn phản động hải ngoại lưu vong.

Chúng ta không được khoan nhượng, không được nương tay với bè lũ giặc chữ như bọn Kiều Mai Sơn – Thanh Hà, Lê Thiếu Nhơn, Luân Lê, và có thể là rất nhiều kẻ khác trong giới trí thức, văn nghệ sĩ, quản lý học thuật, văn hóa, văn nghệ, tư tưởng.

Bất kể chúng là ai, dù đang giữ trọng trách như hiệu trưởng, hiệu phó, viện trưởng, viện phó, tổng biên tập, chủ tịch hội… dù có học vị cao như giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ lớn… chúng ta cũng đều phải quán triệt tinh thần thẳng tay tận diệt, phải trừ tiệt cái “nọc độc” phản động chữ nghĩa trên toàn bộ lãnh thổ đất nước này từ Bắc chí Nam.

Ở hải ngoại, tất cả các học giả và cá nhân có liên hệ trực tiếp và tiếp tay cho đường dây đại phản động, mạng lưới tình báo gián điệp đội lốt “học thuật” này đều cần phải bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào lãnh thổ Việt Nam để chúng không bao giờ còn cơ hội chống phá Tổ Quốc, Nhân Dân, và Đất Nước chúng ta nữa.

Phương châm của chúng tôi là: thà diệt thừa còn hơn bỏ sót.

Chúng ta có thể sẽ phải đuổi việc một nửa Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, thậm chí tuyệt diệt nhiều cơ sở giáo dục, nghiên cứu khác; nhưng cái giá đó còn vẫn là quá rẻ so với việc mất chế độ được dựng lên bởi máu xương của hàng triệu triệu người con đất Việt.

Chúng ta quyết không được khoan nhượng và nương tay với bọn phản động Mỹ ngụy cờ vàng ba que xỏ lá! Nương nhẹ với chúng là tự sát!

Những ai dám cả gan bảo vệ chúng, đứng về phía chúng, hay tấn công lại Chúng Tôi, chúng tôi sẽ coi tất cả những kẻ đó như bọn đồng lõa với lũ phản động này.

Tôi xin nhắc lại kim chỉ nam hành động trong đợt đánh đại địch lần này: thà diệt thừa còn hơn bỏ sót!

Tất cả những kẻ dám bảo vệ bọn đại địch này cũng sẽ bị tiêu diệt như bọn phản động. Vậy nên, mong bà con cô bác cân nhắc kĩ lưỡng trước khi xuất lời lộ ý. Nếu có bất kì ý tứ phản nghịch nào trong lời lẽ của quý vị, chúng tôi sẽ tận diệt. Sau này nếu có thất lễ thất tình, xin quý vị thông cảm vì đã nói rõ như vậy rồi.

Ngày hôm nay, bọn phản động bán nước hại dân này mới còn non yếu nhưng những kẻ thừa “lệnh” như Kiều Mai Sơn – Thanh Hà đã dám cả gan công khai sỉ nhục cả nguyên Hiệu Trưởng và một Khoa lớn nhất của pháo đài học thuật quan trọng bậc nhất của chế độ, đã dám giễu cợt cả Bác Hồ và lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng.

Chúng đang từng bước muốn đánh sập uy tín của giới học thuật chính thống và xây dựng một bè lũ “lương sơn bạc” của chúng, chiêu quân bắt lính, để thành lập một thế lực phản động đội lốt “học thuật” hùng hậu.

Mục đích cuối cùng của chúng chính là “lật đổ” chế độ trong lĩnh vực học thuật, văn hóa, tư tưởng. Đây là một đại âm mưu khủng khiếp, kinh thiên động địa mà chúng ta phải kiên quyết triệt phá, trấn áp mạnh tay nhất có thể khi nó còn đang mới manh nha. Xin đừng để đến lúc quá muộn!

Bọn địch này mới chỉ đánh chúng ta bằng chữ nghĩa mà đã hung hãn, điên cuồng, tạo tợn đến như vậy. Nếu chúng ta không tuyệt diệt chúng từ bây giờ thì còn đợi đến lúc nào nữa.

Đợi đến lúc chúng thượng cờ vàng ba que xỏ lá trên quảng trường Ba Đình, trên nóc Lăng Bác, và đem di hài Chủ tịch vĩ đại, kính yêu của chúng ta ra sỉ nhục hay sao?

Tuyệt diệt bọn phản động này chính là cứu Bác Hồ, cứu Đảng ta, cứu chế độ ta, cứu Tổ Tiên, Nhân Dân, và Đất Nước ta, cứu Chúng Ta và muôn đời con cháu chúng ta.

Thưa bà con cô bác, chúng ta phải mau chóng, khẩn thiết cùng đứng về phía chính nghĩa, chính đạo, chính thống để tận diệt bọn bán nước hại dân này.

Tôi xin tình nguyện là làm một người chiến sĩ đi đầu trong trận chiến chống bọn phản động dư đảng Mỹ ngụy cờ vàng ba que xỏ lá này.

Tôi xin kêu gọi thành lập mặt trận liên hiệp thống nhất chống phản động.

Kính mong tất cả bà con chia sẻ rộng rãi thông tin và các tút đã đăng trên trang FB của tôi cho nhiều người nhất có thể để chúng ta cùng nhau đánh bật và đập tan các tư tưởng phản động của bè lũ bán nước hại dân đang huy động tất cả bọn lề trái, bọn phản kháng chống đối.

Hãy cứu Bác Hồ, cứu Nước, bà con ơi!

Chúng ta quyết tâm đánh hết, diệt hết bọn phản động!

Tôi xin phép được dẫn lại những vần thơ thần của Bác năm nào để cổ vũ, động viên toàn thể đồng bào cả nước và các chiến sĩ văn hóa tư tưởng trước khi bước vào cuộc đại chiến với đại địch lần này, để chúng ta quyết tâm quét sạch hết quân thù ra khỏi mảnh đất anh hùng vĩ đại này:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Trân trọng cảm tạ,

Tiến sĩ Trần Đăng Trung

Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Tác giả gửi BVN

GIẤC MƠ ĐƯỢC 'MỞ MIỆNG'

LÊ TỰ DO/ BVN 18-1-2021

Bác Hồ dạy rằng: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”.

Năm 2020 khép lại với nhiều vấn đề, tạo nên nhiều cuộc bàn luận: từ câu chuyện đầu năm với những bất cập trong vấn đề thổi nồng độ; rồi thì câu chuyện ông chủ pate Minh Chay - “ăn chay trường, con kiến còn không nỡ giết”; phát thanh viên đài truyền hình quốc gia Việt Nam - VTV đã gọi những người bán hàng rong ở hè phố Sài Gòn là ký sinh - ký sinh trùng; chữ nghĩa trong sách Tiếng Việt 1; học sinh sử dụng điện thoại; bầu cử Mỹ… và cả con vi-rút đến từ Vũ Hán, Trung Quốc: Corona Virus (Covid-19).

Bước sang tháng đầu năm 2021, người dân lại tiếp tục bàn ra tán vào về vấn đề bầu cử ở đất nước cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất; đại hội Đảng với hy vọng dàn nhân sự mới sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đời sống của người dân, nhất là trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra. Một trong những vấn đề mà được nhiều báo chí ở Việt Nam đưa tin (mỗi báo đưa mỗi kiểu khác nhau) là việc đưa ra xét xử ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Trên thế giới cũng như một số người ở Việt Nam đều cho rằng báo chí là quyền lực thứ 4, bên cạnh lập pháp - hành pháp - tư pháp. Đó là câu chuyện ở nước ngoài, về đến đất nước hình chữ S, cái gọi là quyền lực thứ 4 phải chịu sự chi phối bởi nhiều thứ.

Có thể nói, với Điều 4.1 Luật báo chí năm 2016, thì báo chí ở Việt Nam chưa thật sự là quyền lực thứ 4 cũng không có gì là lạ. “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Người làm báo luôn hướng tới đời sống của nhân dân, bên cạnh đó là những vấn đề thời sự diễn ra hằng ngày (cướp của, giết người, tai nạn giao thông, hỏa hoạn…). Đằng này, cái chức năng đó thay vì đứng đầu tiên, thì nó lại ở vị trí cuối cùng. Vô hình chung, nếu như có vấn đề gì đó mà ít nhiều đụng chạm đến một trong những chức năng đầu, tiếng nói của người dân sẽ thua cuộc?

Nói nào ngay, một vấn đề chịu sự chi phối bởi luật của một quốc gia sở tại là điều đúng đắn, Việt Nam lại là một đất nước có một hệ thống luật phải nói là khá đầy đủ, dù có đôi lúc thực thi những điều luật đó có lẽ cũng hơi cảm tính.

Ông Trung, một người dân sinh sống ở miền Đông Nam Bộ chia sẻ suy nghĩ về hai chữ tự do: “Tự do mà mình không nói được, cái đó không phải tự do. Tự do là phải là sự thật, chứ không phải tự do để nói không có, nói có, nước nào cũng vậy thôi. Ăn nhằm cái nhà lãnh đạo người ta chấp nhận cái điều kiện đó, thí dụ như thế”.

Điều 4.2, Luật báo chí 2016, khoản c có nêu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí: “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”. Có thể nói, thay vì chính quyền phải tốn công, tốn sức cho việc thu thập ý kiến của người dân, thì việc đó đã có lực lượng phóng viên, nhà báo của các tờ báo thực hiện. Xét thêm về vấn đề thời gian, nhanh nhạy, kịp thời, có lẽ các phóng viên cũng nhanh hơn.

Và nếu đã là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân thì phải chăng nên khuyến khích, cổ vũ, hỗ trợ nền báo chí tư nhân hơn chứ? Bởi trên hết, họ biết họ nên làm cái gì để có thể phát triển tờ báo trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam.

L.T.D.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét