Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

20210105. VÀI GÓC NHÌN KINH TẾ ĐẦU NĂM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

LÀM SAO ĐỂ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG ?
BÙI TRINH / ĐV 1-1-2021

(Tài chính) - Tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới, song để tăng trưởng bền vững cần trú trọng nhiều yếu tố.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước. Kết quả trên được đánh giá là thành công rất lớn, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Bùi Trinh vẫn băn khoăn về tính bền vững của tăng trưởng.

Lam sao de tang truong ben vung?

GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Xuất siêu nhiều, hưởng lợi bao nhiêu?

PV: Báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế năm 2020 cho biết, GDP Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn.

Báo cáo cho rằng, kết quả trên có được là nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh; động lực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Nhờ thế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD. Ông bình luận thế nào về kết quả trên?

TS Bùi Trinh: Tôi không bình luận nhiều về số liệu thống kê, tuy nhiên tôi vẫn nhắc lại con số tăng trưởng GDP cao hay thấp không có ý nghĩa nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. Cách tính GDP dựa trên quản lý cầu là của Keynes được đưa ra trong bối cảnh thế giới khủng hoảng thừa những năm 30 của thế kỷ trước. Người ta quản lý cầu là vì kỳ vọng rằng khi kích cầu tăng 1 đồng thì sẽ kích cung tăng hơn 1 đồng. Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam hiện nay không giống như vậy, vì thế, chúng ta cũng không nên áp dụng cách tính này.

Nền kinh tế sản xuất của chúng ta còn yếu và phụ thuộc vào FDI.

Mặt khác, muốn tăng trưởng, kinh tế Việt Nam dựa trên 3 rường cột quan trọng: Xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. Khi đó, muốn kinh tế tăng trưởng mạnh, chỉ cần tăng trưởng kinh tế tiêu dùng bởi kinh tế tiêu dùng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP. Chỉ cần tiêu dùng tăng, GDP sẽ tăng nhưng không có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế, về lâu về dài sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực.

Việc tính toán GDP theo sức mua tương đương tăng nhanh những năm tới cũng chỉ có ý nghĩa về thành tích, dùng để so sánh với các nước khác. Nó tương tự như chuyện Việt Nam xuất siêu hơn 20 tỉ USD trong 11 tháng năm nay, nhưng người Việt chỉ được hưởng lợi 14-17% giá trị xuất siêu đó.

Về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong nước, chúng ta cũng không nên quá sa đà vào kết quả này vì xét cho cùng, xuất siêu hay nhập siêu đều là của FDI, không liên quan gì đến doanh nghiệp trong nước.

Phân tích cụ thể từ năm 2011 trở về trước sẽ thấy, chúng ta luôn nhập siêu, nhưng từ năm 2012 luôn có thặng dư và năm 2019 chúng ta xuất siêu gần 11 tỷ USD.

Tính theo từng khu vực, sẽ thấy khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI luôn xuất siêu. Năm 2010, khu vực trong nước nhập siêu 14,8 tỷ USD, đến năm 2019 nhập siêu của khu vực này là 24 tỷ USD.
Trong khi đó, khu vực FDI năm 2010 xuất siêu 2,2 tỷ USD, đến năm 2019 tăng lên 34,5 tỷ USD. Tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa tăng từ 54% năm 2010 lên 72% năm 2018 và 68% năm 2019. Như vậy có thể thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nước hoàn toàn do khu vực FDI quyết định.

Đáng nói, xuất siêu nhiều nhưng tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố năm 2019, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 36,3%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp Nhật thực sự mua các thiết bị nguyên liệu, phụ tùng chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở 14,4%.
Hay Samsung cũng vậy. Dù tuyên bố tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam của tập đoàn này lên tới 57%, nhưng nếu trừ tỷ trọng xuất khẩu của các nhà cung ứng này, chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa của Samsung ở Việt Nam thấp hơn con số 57%.
 
Từ tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị Việt Nam thực sự được hưởng cũng rất hạn chế. Ví dụ, đến ngày 15/3 nhóm điện thoại, linh kiện xuất khẩu 10,2 tỷ USD, chỉ có thể mang lại khoảng 2,7 tỷ USD giá trị tăng thêm, trong đó phía Việt Nam thực sự được hưởng 1,4 tỷ USD.

Mặt khác, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam lại chủ yếu là các mặt hàng điện tử, máy tính, điện thoại, điều này cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu càng nhiều thì nhập khẩu sẽ càng lớn. Như vậy, giá trị tăng thêm từ xuất khẩu những mặt hàng này chủ yếu lan tỏa đến khu vực nhập khẩu, không có giá trị lan tỏa nhiều tới các lĩnh vực kinh tế khác.

Ví dụ, nếu xuất khẩu hàng điện tử máy tính, điện thoại và linh kiện 100 USD chỉ tạo ra 27 USD giá trị tăng thêm và người lao động chỉ được hưởng 14 USD. Hay xuất khẩu sản phẩm dệt may, giày da 100 USD tạo ra 31 USD giá trị tăng thêm và 18 USD thu nhập của người lao động.

Các phân tích trên cho thấy, hàm lượng Việt Nam trong các sản phẩm xuất khẩu rất thấp, chỉ đạt dưới 20%. Nói cách khác, giá trị Việt Nam nhận được từ các sản phẩm xuất khẩu là rất hạn chế.

Chưa kể tình trạng doanh nghiệp FDI thường xuyên báo lỗ, chuyển giá, nếu tính toán chi li, xuất khẩu càng nhiều Việt Nam thậm chí còn càng thiệt.

Chưa hết, báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết, cả nước có 12.455 doanh nghiệp FDI báo lỗ 131.445 tỷ đồng trong năm 2019. Đây rõ ràng là vấn đề cần xem xét, mổ xẻ. Còn theo niên giám Thống kê giá trị gia tăng của khu vực FDI khoảng 52 tỷ USD, khoảng 35% trong số đó là thặng dư, tức khoảng 18 tỷ USD.

Cũng theo số liệu trên website của Tổng cục Thống kê, số chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài khoảng 15 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa gần 89% lợi nhuận của khu vực FDI được chuyển về nước họ. Đây là nghịch lý nữa buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về chỉ số tăng trưởng GDP cũng như thành tích xuất khẩu những năm qua.

PV: Đáng lưu ý, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2020 dừng ở mức 3,23%, nghĩa là cao hơn so với mức tăng trưởng. Kết quả này được đánh giá là một thành tích trước những biến động lớn của giá cả các mặt hàng năm 2020, việc chỉ số lạm phát cao hơn tăng trưởng có phải là một điều cần lưu tâm? Xin ông phân tích cụ thể.

TS Bùi Trinh: Chỉ số lạm phát cao hơn tăng trưởng là rất bình thường, không có gì đáng quan ngại. Điều tôi lo ngại hơn là theo điều tra mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các khối doanh nghiệp (trừ khối FDI) rất thấp, chỉ đạt 2,3-2,5%, thấp hơn lãi suất ngân hàng, thấp hơn cả lạm phát rất nhiều.

Thực trạng này cho thấy sức khỏe, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng thu mình, lựa chọn giải pháp an toàn là mang tiền gửi ngân hàng, thay vì lựa chọn đầu tư, mở rộng sản xuất.
 
Trong bối cảnh đó, nếu điều tra trên là chính xác cũng cần cảnh báo một xu hướng mới, đó là doanh nghiệp mở ra nhưng không kinh doanh. Đây là lý do vì sao trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa thì vẫn có hàng trăm doanh nghiệp khác được mở ra. Nếu không thận trọng thì việc các doanh nghiệp mở ra chưa chắc đã vì mục đích sản xuất, kinh doanh, thay vào đó là để nhắm vào đất đai hoặc vì những mục đích lợi ích khác. Đây mới là điều thật sự đáng lo ngại.

Giảm phụ thuộc xuất siêu, cơ cấu lại sản xuất

PV: Một điểm khác khiến dư luận băn khoăn là thống kê chỉ ra số doanh nghiệp phải rời thị trường năm 2020 lên hơn 100.000 doanh nghiệp, tăng 13,9% so với năm 2019, một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Các ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó, chỉ riêng ngành du lịch chịu thiệt hại tới 23 tỷ USD.

Với những tác động nói trên, điểm sáng tăng trưởng có vẻ như vẫn dựa nhiều vào thành tích xuất siêu. Phải nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh, tính hai mặt của sự phụ thuộc này cần được nhìn nhận thế nào?

TS Bùi Trinh: Đây là vấn đề lớn, nhưng khó khăn tác động tới kinh tế Việt Nam không chỉ có dịch bệnh COVID-19. Ngay từ đầu năm 2020, Việt Nam đã phải đối diện và phải đối phó với tình trạng hạn hán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến giữa năm 2020, Việt Nam lại phải đối diện  với tình trạng lũ lụt tại các tỉnh miền trung.

Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, rời thị trường lên tới con số hàng chục ngàn.

Xét theo cơ cấu tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam giai đoạn 2007-2019 thì chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh cá thể. Thế nhưng, trong tổng số các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chỉ có hơn 85% hoạt động sản xuất thực sự. 15% còn lại không hoạt động. Đáng nói, có tới 93% số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ làm ăn không có lãi.

Cụ thể, số liệu từ điều tra doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 – 2018 cho thấy, tỷ lệ thua lỗ của các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng tăng trong thời gian qua, trong đó đặc biệt cao ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Xét theo quy mô, các doanh nghiệp siêu nhỏ có tỷ lệ thua lỗ rất cao, chiếm tới 53,34% trong năm 2016 so với các nhóm doanh nghiệp còn lại. Trong bối cảnh này nếu GDP có tăng thì như đã nói ban đầu, điều đó cũng không mang lại nhiều ý nghĩa cho nền kinh tế.

Còn theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, kết quả tăng trưởng kinh tế có sự đóng góp tích cực của khu vực doanh nghiệp đạt trên 60% vào GDP. Tuy nhiên, số liệu cũng chỉ ra cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh và đóng góp 34% GDP. Với một nền kinh tế mà cơ cấu tăng trưởng GDP bình quân lại chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh cá thể thì cần phải suy nghĩ.

Nếu chỉ nhìn vào điểm sáng xuất siêu thì cũng không phải là thành tích đáng tự hào. Bởi thành tích xuất siêu chỉ là bề nổi. Việc xuất siêu trên thực tế không mang lại nhiều lợi ích cho người dân và nền kinh tế Việt Nam. Lợi ích phần lớn rơi vào các nước chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI và các nước xuất khẩu yếu tố đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.

Muốn được hưởng lợi thực sự, phải tăng “hàm lượng Việt Nam” trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa. Để làm được như vậy, phải thúc đẩy khu vực trong nước phát triển sản phẩm phụ trợ, thay vì chú trọng ưu đãi các doanh nghiệp FDI mang nặng tính gia công, lắp ráp để đạt được những chỉ số GDP đẹp trước mắt nhưng không bền vững về lâu dài. Cấu trúc kinh tế cùng sự thiên lệch trong việc ưu tiên các doanh nghiệp FDI xuất khẩu theo cách hiện nay không mang lại nhiều giá trị tăng thêm, thậm chí còn làm hao mòn nguồn lực trong nước.

PV: Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%... liệu có khả thi? Để đạt được mục tiêu này, theo ông, nền kinh tế Việt Nam nên dựa vào những động lực nào để tăng trưởng? Và cơ cấu nền kinh tế cần có sự chuyển đổi theo hướng tự chủ và bền vững ra sao? Xin ông phân tích kỹ hơn.

TS Bùi Trinh: Tôi không bình luận về mục tiêu trên. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu, GDP không có nhiều ý nghĩa với nền kinh tế, do đó không cần phải bình luận về chỉ số này.

Mặc dù vậy, tôi lại rất quan tâm tới những động lực có thể giúp nền kinh tế dựa vào để đạt tăng trưởng tốt. Trước hết, để tăng trưởng GDP bền vững, cần phải cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế, cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh và đặc biệt là chống tham nhũng. Cần củng cố niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp để tăng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào tăng trưởng kinh tế.

Về cơ cấu ngành nghề sản xuất, cần phải xem lại ngành nào đem lại giá trị gia tăng cho đất nước, mang lại giá trị thực chất nâng cao đời sống cho người dân Việt Nam để ưu tiên, chú trọng, đẩy mạnh.

Kể cả trong bối cảnh có dịch bệnh hay không dịch bệnh, cơ cấu nền kinh tế vẫn cần chuyển đổi, hướng dần tới những ngành có độ lan tỏa và độ nhạy cảm cao. Cụ thể ở đây là các nhóm ngành nông nghiệp, tiếp theo là nhóm ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp và tiếp đến là các nhóm ngành dịch vụ.

Đặc biệt cần tập trung vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp sẽ mang lại giá trị gia tăng cao và thực chất hơn cho đời sống người dân Việt Nam. Nhiều nước phát triển trên thế giới cũng làm vậy, nông nghiệp vẫn luôn được chú trọng.

Cùng với đó cũng phải có những giải pháp để phát triến kinh tế tư nhân, các hộ kinh tế cá thể ngày càng lớn mạnh. Chú trọng doanh nghiệp trong nước để phát triển nội lực và tăng giá trị đóng góp vào GDP thay vì phụ thuộc vào FDI.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Lan

SÂN BAY VÀ THÀNH PHỐ

ĐẶNG HÙNG VÕ/ VnEx 21-12-2020


Chuyên gia Quản lý tài nguyên

Những năm gần đây tôi qua lại sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên, cảm giác chung là có gì đó bức bối.

Lần đầu tôi đặt chân xuống Tân Sơn Nhất vào cuối năm 1988, trên chuyến bay thẳng từ Vacsava, Ba Lan về nước sau 8 năm ở đất khách. Tân Sơn Nhất lúc đó rất dễ thương, không đông người, dịch vụ không mấy chuyên nghiệp nhưng nhiệt tình.

Ban đầu tôi chưa rõ cảm giác không thoải mái gần đây ở sân bay lớn nhất nước là vì đâu. Cho đến vài tháng trước, người bạn đặt taxi công nghệ đón tôi, nhưng một bảo vệ sân bay nhất định bắt tôi "không được lên xe này". Anh nói, vì quy định mới, yêu cầu tôi phải đi bộ ra đường bên ngoài bắt taxi thường. Tôi bực mình, ngẫm ra được sự bức bối từ đâu.

Dăm tuần trước, tôi được mời vào Thành phố phát biểu tại hội thảo về định dạng phát triển TP HCM cho tương lai. Có vị quản lý thành phố than rằng, cảng nước sâu quốc tế Cái Mép - Thị Vải nằm ngoài thành phố, nay sân bay quốc tế Long Thành cũng ở ngoài nốt. Thành phố sẽ rất khó phát triển.

Tôi gặp nhiều chuyên gia, nhà quản lý có tư duy như vậy. "Kết nối của TP HCM với các trung tâm kinh tế quốc tế gặp khó mất rồi", họ nói sau khi sân bay Long Thành tại Đồng Nai được Quốc hội và Chính phủ lựa chọn. Nhưng tôi không hoàn toàn đồng tình với cách nghĩ đó.

Sân bay quốc tế Long Thành cách TP HCM khoảng 40 km về phía Đông với bốn nhà ga, bốn đường băng, phục vụ khoảng 100 triệu lượt khách mỗi năm theo chuẩn hiện đại nhất. Đón được mọi loại máy bay, Chính phủ không giấu giếm tham vọng đưa Long Thành trở thành điểm nút hàng không của châu Á.

Các quốc gia đều muốn sân bay của mình trở thành điểm nút hàng không quốc tế, là nơi trung chuyển của bầu trời khu vực. Tại Đông Nam Á, Tân Sơn Nhất từng được coi như điểm nút hàng không của Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông.

Thái Lan cuối năm 2006 đưa sân bay quốc tế Suvarnabhumi cách thủ đô Bangkok 25 km thay thế Don muang trở thành điểm nút hàng không khu vực. Suvarnabhumi hiện xếp thứ 18 trong các sân bay bận rộn nhất thế giới, phục vụ trên 50 triệu lượt khách mỗi năm và có khả năng nâng cấp lên 150 triệu lượt.

Sân bay Changi của Singapore nổi lên thành điểm nút hàng không Đông Nam Á và châu Á năm 2007, phục vụ trên 100 triệu lượt khách mỗi năm. Nhiều năm liền, Changi được vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới, hiện được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo.

Tư duy e ngại cho TP HCM khi điểm nút hàng không quốc tế nằm ngoài địa phận mình, chiếu theo quan niệm kinh tế truyền thống, không sai. Lý thuyết về địa kinh tế quan tâm tới mật độ kinh tế vùng và phương thức kết nối nơi đó với các vùng khác. TP HCM có tăng trưởng đứng đầu cả nước, nếu kết nối vùng kém, vị thế kinh tế sẽ kém đi.

Đây chính là cách nghĩ khiến mỗi tỉnh đều muốn có sân bay, cảng nước sâu, thậm chí tượng đài. Ví dụ như sự ganh đua giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên - Huế cũng đề xuất trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đà Nẵng có sân bay quốc tế, có cảng nước sâu, Thừa Thiên - Huế cũng phải có. Vấn đề là hai địa phương chỉ cách nhau khoảng 100 km được nối bằng đường cao tốc. Ở các nước phát triển, sân bay cách trung tâm thành phố khoảng 100 km là chuyện bình thường. Chắc chắn, rút đi một sân bay của vùng sẽ giảm được rất nhiều chi phí.

Tôi đã tìm hiểu và cho rằng, nguồn cơn của tư duy cạnh tranh cục bộ này là do lãnh đạo các địa phương vẫn đồng nhất vùng hành chính với vùng kinh tế. Trên thực tế, hai ranh giới này không nhất thiết trùng nhau. Vùng hành chính được xác định bằng ranh giới hành chính dựa trên nhiệm vụ quản lý dân cư và cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vùng kinh tế rộng lớn hơn, được xác định dựa trên khả năng tạo dựng các chuỗi giá trị kinh tế, hoàn toàn không lệ thuộc vào ranh giới hành chính.

Tôi từng phát biểu, đề nghị các cán bộ quản lý bỏ ngay tư duy cục bộ theo kiểu vun vén cho địa phương mình. Nếu đặt lợi ích kinh tế quốc gia làm trọng, họ sẽ "tích hợp lợi ích" địa phương mình vào các vùng kinh tế, sẵn sàng đầu tư công sang tỉnh khác mà không tính toán thiệt hơn.

TP HCM vì thế cũng không cần lăn tăn nếu các cổng giao thông quốc tế không thuộc địa phận mình mà là làm sao kết nối hiệu quả nhất. 40 cây số từ sân bay Long Thành tới chợ Bến Thành không phải trở ngại đáng lo.

Câu hỏi đáng quan tâm hơn là làm gì để Long Thành trở thành điểm nút hàng không quốc tế của châu Á?

Trước hết, vùng công nghiệp Đông Nam Bộ và vùng nông nghiệp Tây Nam Bộ phải trở thành hai trung tâm kinh tế lớn của khu vực. TP HCM trở thành "điểm nút" dịch vụ gắn kết chuỗi giá trị nông - công nghiệp này. Tiếp đó, sân bay Long Thành đạt hiệu quả dịch vụ cao và chi phí thấp, kết nối hiện đại với TP HCM hoa lệ sẽ hấp dẫn được các chuyến bay quốc tế.

Nhìn rộng hơn, giữa các ý kiến nhiều chiều về bức tranh chung quy hoạch sân bay cả nước, tôi cho rằng, Hà Nội không nên ganh đua để có một điểm nút hàng không quốc tế; chỉ cần mở rộng Nội Bài là đủ, hơn nữa quốc gia cần tập trung cho tiêu điểm Long Thành. Còn với Đồng bằng sông Cửu Long, một sân bay nằm giữa Hà Tiên - Rạch Giá - Vị Thanh - Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc chắc sẽ phù hợp hơn việc mỗi nơi "đòi" một sân bay riêng. Với vùng núi phía Bắc, việc quá thưa thớt sân bay khiến khó đẩy nhanh phát triển vùng.

Chỉ khi Chính phủ, ngành hàng không tạo ra một Long Thành với hiệu suất kinh tế cao, đậm chất công nghệ mới có thể tái định dạng địa kinh tế cho TP HCM, Nam bộ và cả nước.

Đặng Hùng Võ

BÁO CHÍ KINH TẾ LÀM GÌ ?

NGUYỄN VẠN PHÚ/ TBKTSG  31-12-2020

Chúng ta cứ thử đảo qua một vòng xem hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng, cửa tiệm mở sạp bán lẻ trên Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo - một hoạt động trước đây chủ tiệm có nằm mơ cũng không nghĩ đến. Họ tiếp nhận đơn hàng, đóng gói, giao hàng cho bên vận chuyển... một cách chuyên nghiệp.

Hiệu quả không kém là hàng ngàn tiệm ăn khác dùng máy tính bảng nhận “order” của khách thông qua các ứng dụng đặt mua thức ăn như Now hay Grab Food, chuẩn bị món ăn theo yêu cầu của khách trong khi chờ người giao hàng đến lấy. Rồi hàng chục ngàn người khác lên Facebook vừa rao, vừa giao tiếp, vừa bán hàng. Rất nhiều người thành thạo các hoạt động mua bán theo kiểu “drop shipping”, tức chỉ đứng giữa, nhận đơn hàng, đặt mua ở bên thứ ba rồi nhận hàng về giao, ăn chênh lệch. Không trường lớp nào dạy họ cả.

 

Anh Nguyễn Vạn Phú.

Nếu tua nhanh mấy chục năm hoạt động kinh tế vừa qua, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện và biến mất của nhiều loại hình kinh doanh, từ chuyện đặt cái tủ bơm hộp quẹt gas đến cho thuê băng VHS, chuyển sang cho thuê đĩa DVD; từ chạy xe ôm đứng đầu ngõ chờ khách quen đến dùng điện thoại di động nhận khách... Cứ thế người dân thích nghi với mọi thay đổi, vẫn tìm ra con đường mưu sinh mới khi cơ hội cũ không còn nữa. Không ai có thể bày cho họ trừ phi chính họ tìm hiểu, học hỏi để tự chuyển đổi.


Một nhầm tưởng của nhiều người làm báo kinh tế là cứ nghĩ doanh nhân hay người làm ăn đọc báo của họ để tìm cơ hội làm ăn, để học kinh nghiệm của người đi trước; thậm chí có người làm báo còn ảo tưởng báo bày cho người đọc cách làm ăn theo đúng xu hướng mới. Không hề có chuyện đó. Ở góc cạnh này điều báo chí kinh tế chưa làm được là chưa nắm được hết những chuyển biến mau lẹ của thế giới kinh doanh là đằng khác. Ví dụ báo chí đưa tin ngành thuế thu hàng tỉ đồng từ những người có thu nhập “khủng” từ Google hay Apple nhưng đã có bài viết nào viết về họ, tài năng nào giúp họ lấy được tiền từ các gã công nghệ khổng lồ, con đường làm ăn của họ như thế nào, bắt đầu từ đâu và giới trẻ có thể học được gì từ họ. Đã có báo nào viết về mạng lưới những người đấu thầu nhận việc từ xa, từ thiết kế đến dịch thuật, từ đồ họa đến nhập dữ liệu hiện đang ở Việt Nam nhưng vẫn làm cho các công ty ở Nhật, Anh, Úc, Mỹ...

 
Đầu thập niên 1990 khi chính sách đổi mới của Việt Nam bắt đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ngay lập tức nảy sinh nhu cầu cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời, khách quan, tin cậy được cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Vậy báo chí kinh tế để làm gì? Báo chí sinh ra là do nhu cầu thông tin của xã hội - báo chí kinh tế cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đầu thập niên 1990 khi chính sách đổi mới của Việt Nam bắt đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ngay lập tức nảy sinh nhu cầu cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng, kịp thời, khách quan, tin cậy được cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Không hẹn mà nên, cả ba tờ báo kinh tế lớn của Việt Nam ra đời trong thời điểm đó, trong đó có tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đầu năm 2021 kỷ niệm đúng 30 năm ngày thành lập. Những người làm báo lúc đó chắc chắn không hề có suy nghĩ làm báo để bày cho người khác cách làm ăn; ngược lại là khác, người làm báo phải nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp từ bên ngoài để chuyển tải vào cho nhà đầu tư trong nước. Cả quan chức quản lý lẫn nhà hoạch định chính sách vẫn đang còn mò mẫm, vừa làm vừa học; lúc đó, điểm chung của mọi người là thông tin và báo chí kinh tế trước tiên phải đóng trọn vẹn vai trò làm cầu nối thông tin cho các bên tham gia vào hoạt động kinh tế.

Những năm tháng đầu tiên, ngày nào tờ Vietnam Investment Review cũng nhận trong hộp thư bưu điện hàng chục tấm ngân phiếu trả tiền đặt mua báo. Đĩa CD tập hợp các bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn bán chạy. Hãng tin Reuters ký kết hợp đồng mua nội dung của tờ Saigon Times Daily và Saigon Times Weekly để đưa lên cơ sở dữ liệu của họ, loại cơ sở dữ liệu mà các nhà đầu tư lớn đều mua quyền truy cập từ mọi nơi trên thế giới. Nhà đầu tư đói thông tin và các tờ báo kinh tế sống được và phát triển mạnh là nhờ đáp ứng nhu cầu đó.

Thập niên 1990 lúc Việt Nam vừa mới chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với tinh thần bao cấp là chính sang nền kinh tế thị trường sơ khai là một thời điểm thú vị cho những người làm báo kinh tế. Để cung cấp thông tin cho người đọc, báo chí phải tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, cả nhà hoạch định chính sách lẫn phản hồi của nhà đầu tư. Từ đó nảy sinh vai trò thứ nhì của báo chí - góp ý, phản biện chính sách vì lợi ích chung của nền kinh tế lẫn lợi ích của doanh nghiệp. Đây là một con đường chông gai bởi quy luật kinh tế thị trường có đặc điểm là thường ngược với logic thông thường. Chẳng hạn các phiên bản đầu tiên của Luật Doanh nghiệp đều quy định số vốn tối thiểu phải có khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hay giai đoạn đầu mọi văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài đều phải tuyển nhân sự thông qua một công ty dịch vụ của Nhà nước. Từng có thời chủ tịch một tỉnh yêu cầu chỉ được tiêu thụ bia hay xi măng do nhà máy của tỉnh làm ra chứ không được mua sản phẩm của tỉnh khác!

Trong thời đại Internet, người kinh doanh không hề thiếu thông tin nhưng không vì thế mà báo chí kinh tế đánh mất vai trò của mình. Ảnh: Thành Hoa

Ở góc độ vĩ mô, báo chí kinh tế đấu tranh cho một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân; cho quyền tự do kinh doanh của mọi người; cho sự giảm bớt can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh... Khi đóng vai làm diễn đàn ngôn luận, báo chí đăng tải các cuộc tranh luận như nên liên doanh hay cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nên ưu tiên cho xuất khẩu hay làm hàng thay thế hàng nhập khẩu, có nên tiếp tục dùng thuế làm công cụ bảo hộ cho sản xuất trong nước, nên mở cửa thị trường tài chính đến mức độ nào... Phần nào đó từ các cuộc tranh luận này cộng với thực tế, đã hình thành các chính sách vĩ mô dần dần đưa đất nước ta vào chỗ hội nhập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới.


Một vai trò thứ ba của báo chí kinh tế là giúp kết nối doanh nghiệp với xã hội để họ thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Ở đây không đơn thuần là các chương trình thiện nguyện hay hoạt động xã hội như doanh nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo, cấp học bổng, đào tạo nghề; nó còn là nơi để cộng đồng giám sát doanh nghiệp không để gây tổn hại cho môi trường, không đối xử tệ với công nhân, có trách nhiệm cao nhất với sản phẩm mình làm ra hay dịch vụ mình cung cấp.

Trong giai đoạn số hóa mọi hoạt động kinh tế như hiện nay, người kinh doanh không hề thiếu thông tin nhưng không vì thế mà báo chí kinh tế đánh mất vai trò. Nếu như thập niên 1990 chúng ta chập chững bước vào một nền kinh tế thị trường từ thói quen được bao cấp thì nay chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của nền kinh tế khi các nguyên tắc cũ không còn đúng nữa. Liệu nền kinh tế chia sẻ là tốt cho xã hội hay sẽ vắt cùng kiệt sức lực của người lao động tham gia đồng thời tước đi của họ mọi quyền lợi lẽ ra doanh nghiệp phải cung cấp? Sự độc quyền của các công ty công nghệ đem lại sản phẩm miễn phí cho người tiêu dùng hay bóp nghẹt cạnh tranh, biến người dùng thành chính sản phẩm đem ra bán? Liệu khái niệm công bằng có mở rộng ra để các nơi kinh doanh có doanh thu như Netflix, Facebook, Airbnb hay người chạy xe cho Grab phải nộp thuế sòng phẳng? Tiền kỹ thuật số chỉ là màn lừa đảo của giới đầu cơ hay nó là tương lai của đồng tiền một nước?

Thông tin không thôi không đủ cho người kinh doanh trả lời các câu hỏi đó. Chỉ có một diễn đàn tranh luận đến cùng, với sự tôn trọng quyền nói lên ý kiến của mình, bảo đảm mọi phát ngôn là có trách nhiệm mới có thể giúp xã hội trả lời các vấn đề mà nền kinh tế chuyển đổi đang đặt ra. Và báo chí nói chung, đặc biệt là báo chí kinh tế, chứ không phải mạng xã hội, mới có thể đóng vai trò cung cấp một diễn đàn như thế.

Cuộc sống luôn đặt ra các bài toán cần lời giải; 30 năm trước là đề bài khác, 30 năm sau là đề bài khác, chẳng hạn năm 2020 đề bài bất ngờ là làm cách nào để đối phó với đại dịch Covid-19. Cái không thay đổi là sự đồng hành của báo chí, người làm kinh doanh và người làm chính sách để cùng nhau giải các bài toán của thời đại đặt ra.


NHỮNG TRĂN TRỞ CHO CẢI CÁCH

TƯ GIANG / TVN 30-12-2020

Lời nói thẳng 

Một lần, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng triệu tập toàn thể cán bộ lãnh đạo của ngành để thuyết trình suốt 4 giờ về hàng loạt vấn đề phát triển của đất nước. Đó là buổi nói chuyện vô tiền khoáng hậu và ông muốn truyền những trăn trở của mình cho những cán bộ trẻ tuổi hơn. 

Những trăn trở cho cải cách
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ông nói, quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều được cải thiện rõ rệt. Những thành tựu như vậy là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, thua xa mức trung bình của thế giới. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 136/188 quốc gia, sau Hàn Quốc khoảng 40 năm, sau Thái Lan 14 năm, sau Philipines 6 năm… Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar. 

Ông chia sẻ, chúng ta đang đuổi theo các nước, cố gắng thu hẹp khoảng cách phát triển với họ. Vấn đề là người ta không đứng đợi. Đi sau mà muốn đuổi kịp thì chỉ có cách chúng ta phải chạy nhanh, chạy bền, liên tục mà thôi. 

Bộ trưởng đặt hàng loạt câu hỏi: “Vì sao? Vì sao chúng ta lại chậm như vậy?”, “Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc… từng bị tàn phá nặng nề, kiệt quệ sau chiến tranh, chỉ mất 40 năm để tiến lên nhóm top 10 thế giới?”, “Vì sao Việt Nam có các yếu tố cơ bản như con người, tài nguyên, vị trí địa lý mà đến nay vẫn kém phát triển?”, “Vì sao chúng ta không hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020?”. 

Những câu hỏi đầy trăn trở, các số liệu thuyết phục về tất cả các lĩnh vực của ông Dũng, một trong những người phụ trách dự thảo báo cáo kinh tế xã hội cho Đại hội Đảng 13, đã làm ngỡ ngàng không ít cán bộ trẻ hôm đó. 

KH-ĐT là một ngành tổng hợp, kéo dài suốt trong lịch sử từ khi lập quốc, trải qua thời kỳ chiến tranh thống nhất đất nước, kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp đến đổi mới và ngày nay là kinh tế thị trường. Những người tiền nhiệm của ông Dũng như ông Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc, Bùi Quang Vinh đều nổi tiếng về sự thẳng thắn và có những đóng góp lớn trong việc thúc đẩy các nhân tố thị trường, vun vén từng mầm phát triển từng bị kìm hãm dưới thời kỳ kế hoạch hóa. 

Cũng như ông Dũng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng đưa ra những cảnh báo rất thẳng thắn về tình trạng tụt hậu và sự thôi thúc chấn hưng đất nước. 

Tại Đại hội Đảng 12 vào tháng 1/2016, ông Vinh nói: “Có lẽ rất ít ai biết rằng, đầu thế kỷ 19 (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng hơn 1/3 của Thái Lan”. 

Ông Vinh nói tiếp: “Chúng ta đã có 40 năm sống trong hòa bình, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian tương đương với thời gian để Hàn Quốc, Nhật Bản… từ những đất nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành quốc gia có kinh tế phát triển. Hơn nữa, hiện nay, yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết…”. 

Dấu ấn trong thị trường 

Thật đáng để ôn lại một số phát biểu rất trăn trở của lãnh đạo ngành KH-ĐT nhân ngày kỷ niệm 75 năm lịch sử của ngành. KH-ĐT là một trong những ngành lâu đời nhất của đất nước với những tên tuổi như các ông Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải đã lên làm Thủ tướng sau khi phụ trách ngành. 

Trong chiến tranh, vai trò của kế hoạch rất quan trọng để tính từng cân muối, cân gạo cho chiến trường trong cân đối với xã hội. Trong xây dựng kinh tế thị trường sau Đổi mới, chính ngành Kế hoạch tưởng bảo thủ một thời lại là một trong những ngành đi đầu thúc đẩy cải cách, dỡ bỏ các rào cản ngổn ngang để mở đường cho người dân và doanh nghiệp phát triển. 

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá đã trải qua các va chạm trên thượng tầng khi bảo vệ luật Doanh nghiệp 1999, khơi thông dòng chảy cho khu vực tư nhân từng bị kìm nén nhiều thập kỷ.

Trong nhiều cuộc họp có ý kiến nặng nề quy chụp rằng, để kinh tế tư nhân phát triển thì họ sẽ tiến tới làm chủ về kinh tế và nhiều mặt khác. “Phát triển kinh tế tư nhân là chuyển đổi cơ cấu, thành phần trong nền kinh tế, vì thế, khi thảo luận luôn có sự đấu tranh quyết liệt và dai dẳng”, ông kể lại. 

Rất đáng mừng là luật Doanh nghiệp đã giúp hình thành nên tầng lớp doanh nghiệp dân tộc với nhiều tỷ phú đô la xuất hiện. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp phần to hơn trong chiếc bánh GDP và góp phần vào tăng trưởng, giữ việc làm không chỉ trong năm Covid đầy khó khăn và chia cắt này. 

Trong cuộc phỏng vấn vào ngày cuối cùng trên ghế Bộ trưởng với người viết bài này hồi tháng 8/2011, ông Võ Hồng Phúc khẳng định, điều ông vẫn còn trăn trở, băn khoăn nhất là (quản lý) doanh nghiệp nhà nước, khu vực chiếm nhiều nguồn tài nguyên lớn nhất nhưng hoạt động kém hiệu quả. Ông Phúc đã buộc khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI chơi một sân chơi chung với khu vực tư nhân khi thống nhất một luật Doanh nghiệp năm 2005. 

Những trăn trở cho cải cách
Khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI chơi một sân chơi chung với khu vực tư nhân khi thống nhất một luật Doanh nghiệp năm 2005

Ông Phúc góp phần thúc đẩy các nhân tố thị trường không chỉ qua các luật, mà còn qua các phát biểu ở các diễn đàn chính thức. Tại Đại hội Đảng 11 vào tháng 1/2011, ông Phúc nêu băn khoăn về một điểm trong báo cáo chính trị “xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. 

Quan điểm “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”, ông nói, khác quan điểm từng được thống nhất trong các kỳ Đại hội và được xác lập tại Đại hội 10 là “xã hội chủ nghĩa dựa trên một quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất”.

Phân tích thực tiễn ở Việt Nam và các bài học ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, ông Phúc nói: “Nếu chúng ta công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu thì ai dám đầu tư xây dựng nhà máy điện? Ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng khi chúng ta đang thiếu cơ sở hạ tầng?”. 

Theo ông, phát huy dân chủ, thu hút tối đa nguồn lực của toàn xã hội, phát huy sức mạnh, nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là bài học đã được thực tiễn kiểm chứng. 

Quan điểm đó đã được tiếp thu tại Đại hội. Sức mạnh của thị trường đươc cổ vũ, nguồn lực của người dân được đảm bảo cho xây dựng đất nước. 

Sức mạnh của cơ chế và tư duy 

Một lần đầu nhiệm kỳ này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung được phân công phát biểu tại hội nghị ngành KH-ĐT. Hội nghị đó có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Vương Đình Huệ. 

Lúc đó, đang có quan điểm hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT xuất phát từ sức ép giảm đầu mối, giảm biên chế của bộ máy hành chính. Hơn nữa, người ta cho rằng, trong nền kinh tế thị trường thì không cần một cơ quan kế hoạch nữa. 

Ông Cung nêu hàng loạt bài học thành công của các quốc gia Đông Á để thấy tầm quan trọng không thể thiếu của cơ quan chủ trì tham mưu về cải cách và phát triển như MITI của Nhật Bản, UB Kế hoạch kinh tế của Hàn Quốc, UB Phát triển kinh tế của Singapore, UB Cải cách và phát triển quốc gia ở Trung Quốc.  

Ông kiến nghị: “Tôi cho rằng đề xuất đó là chưa phù hợp với trình độ phát triển hiện nay cũng như yêu cầu cải cách và phát triển đất nước trong 10-15 năm tiếp theo. Không nên vì giải quyết một số bất hợp lý trước mắt mà bỏ qua sự cần thiết và vai trò cốt lõi cần có của một cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển đất nước”. 

Kiến nghị của ông Cung và nỗ lực của nhiều người khác đã được lãnh đạo Đảng và Chính phủ ghi nhận. 

Về phần mình, ông Dũng vẫn tiếp tục thúc đẩy các nhân tố thị trường thông qua việc chủ trì các luật như PPP, Doanh nghiệp sửa đổi, Đầu tư công, Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… để tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào phát triển kinh tế. 

Trong buổi nói chuyện lần đó, ông yêu cầu các cán bộ của ngành: “Các anh, chị phải luôn tiên phong trong đổi mới, cải cách dù lúc này, lúc khác phải đối diện với những xu hướng, quan điểm bảo thủ. Từng người phải trăn trở trước thực tại của đất nước, suy nghĩ đến công việc cụ thể của mình, tự đánh giá xem đã tham mưu, đề xuất được những gì cho Đảng, Nhà nước chứ không được thụ động, ngồi im”. 

Tư Giang - Lan Anh

SAU MỘT THẬP KỶ, NỀN KINH TẾ VIỆT NAM THAY ĐỔI NHỮNG GÌ ?

TRẦN HÀ/ TQ 2-1-2020


(Tổ Quốc) - Sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua liên tiếp được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Những cải cách kinh tế và chính trị từ giai đoạn Đổi mới bắt đầu tư năm 1986 đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giúp Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm. Đến năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,91%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm.

Tính chung cả thời kỳ 2011 - 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.

Sau 10 năm, nền kinh tế Việt Nam cũng đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39%.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm. Hiệu quả đầu tư được nâng lên; hệ số ICOR giảm từ gần 6,3 giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,1 giai đoạn 2016 - 2019.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 517 tỷ USD năm 2019. Năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đạt khoảng 527 tỷ USD, tương đương trên 190% GDP. Xuất khẩu tăng nhanh, từ 72,2 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 267 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân khoảng 14%/năm.

Sau 10 năm, Việt Nam cũng đã huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, hiệu quả được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 15 triệu tỷ đồng (tương đương 682 tỷ USD), tăng bình quân 10,6%/năm.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là 3,1 triệu tỷ đồng (144 tỷ USD), chiếm 20,8% tổng đầu tư xã hội, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo, an ninh, quốc phòng... tạo động lực cho phát triển và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước.

Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội, tăng từ 36,1% năm 2010 lên 45,7% năm 2020. Một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình, dự án lớn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực giao thông.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh; đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2011 - 2020 đạt trên 278 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, tăng gần 6,9%/năm, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Ngoài ra, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2011 đạt 0,728, đến năm 2019, con số này là 0,704. Tuy nhiên, điểm số này đã giúp Việt Nam từ một quốc gia thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình (năm 2011) chuyển sang nhóm các nước phát triển con người cao (năm 2019).

Về nhân khẩu học, qua 1 thập kỷ, Việt Nam đã có sự thay đổi nhanh chóng. Dân số của Việt Nam tăng từ 88,87 triệu người năm 2011 lên đến gần 98 triệu người năm 2020. Bên cạnh đó, 70% dân số dưới 35 tuổi, cao nhất so với các quốc gia thu nhập trung bình thấp tại khu vực. Mặc dù đang ở giai đoạn dân số vàng, song, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Khép lại một thập kỷ đầy tự hào với hàng loạt thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, cũng như khép lại năm 2020 - một năm với vô vàn thách thức, khó khăn. Bước sang thập niên thứ 3, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành ngôi sao sáng trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đề ra.


GS.TS NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG: VIỆT NAM PHẢI SỢ NGHÈO ĐÓI, SỢ LẠC HẬU VÀ THUA THIỆT...NHƯ SỢ COVID-19 THÌ MỚI PHÁT TRIÊN KINH TẾ MỚI MẠNH MẼ NHƯ CHỐNG DỊCH ĐƯỢC !
HOÀNG AN, HOÀNG LY/ TQ 31-12-2020


(Tổ Quốc) - Trao đổi với Trí Thức trẻ nhân dịp đầu năm mới, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris) nhiều lần nhấn mạnh thông điệp quan trọng: “Không gì là không thể”, khi nói về tiềm lực bứt phá mà Việt Nam đã, đang và sẽ có trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế đang giữ vị trí Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) chia sẻ: "Tôi thường khá lạc quan vào môi trường kinh tế. Khi nắm rõ những bất định, chúng ta sẽ có giải pháp trước. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng tư duy để có đối sách phù hợp đảo ngược tình thế. Cứ lo về khủng hoảng rồi chờ đợi thì không giúp được nền kinh tế đâu".

1-PHÉP MÀU GIỮA COVID-19 VÀ 3 ĐIỂM NHẤN CỦA VIỆT NAM

Năm 2020, Việt Nam trải qua những thử thách chưa từng có nhưng cũng tạo ra những kết quả khó tin với rất nhiều lời khen ngợi như điều kỳ diệu châu Á, phép màu…. Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông thấy có kỳ diệu nào không?

Điểm có thể gọi là "phép màu" chính là việc Việt Nam vừa có khả năng kiểm soát được sự lây lan của bệnh dịch, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế, tức là thực hiện thành công mục tiêu kép.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng không thể vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế được. Nhưng kết quả cuối cùng cho thấy, không có gì là không thể nếu như có những giải pháp hợp lý cho cả nền kinh tế và việc chống khủng hoảng về y tế.

Đây là phép màu mà cộng đồng quốc tế đã đánh giá Việt Nam rất cao. Mới đây, Brand Finance đã đánh giá Việt Nam là nước có bước nhảy về thương hiệu quốc gia lớn nhất. Họ nhận định, Việt Nam có khả năng thích nghi cao, chống dịch tốt, vẫn duy trì để phát triển nền kinh tế và đảm bảo ổn định vĩ mô…

Nếu chọn 3 điểm ấn tượng nhất về kinh tế Việt Nam năm 2020, ông sẽ chọn những điểm nhấn nào?

Năm 2020, thế giới bước vào một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, dẫn đến khủng hoảng về kinh tế. IMF còn gọi nền kinh tế toàn cầu năm 2020 là nền kinh tế đại phong tỏa.

Hầu hết các dự báo kinh tế đều cho rằng tất cả các nước sẽ gặp khó khăn. Ngay cả những nước có khả năng chống chịu cao với cú sốc từ bên ngoài hay những nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo bậc cao cũng gặp khó khăn lớn và rơi vào suy thoái liên miên.

Không ai hình dung được, một quốc gia như Việt Nam lại có khả năng chống chịu cao hơn và có khả năng chèo lái nền kinh tế của mình một cách thành công như vậy. Đó là điểm nhấn thứ nhất.

Thứ hai, Việt Nam năm 2020, bên cạnh môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, không có nhiều biến động về tỷ giá, và lạm phát được kiểm soát ở mức ổn định tương đương với mức trung bình của cả nhiệm kỳ, thì Việt Nam có một bước tiến kỷ lục về xuất siêu.

Cán cân thương mại của Việt Nam năm nay dự kiến thặng dư khoảng 20 tỷ USD, đó là một bước tiến lớn, khi năm thành công nhất trước đó của chúng ta chỉ thặng dư 11 tỷ USD. Ít người có thể hình dung trong điều kiện kinh tế toàn cầu như vậy, nhất là khi tất cả các đối tác thương mại và kinh tế lớn của Việt Nam đều suy thoái sâu, thì Việt Nam lại vẫn có thể đạt mức xuất siêu kỷ lục như vậy.

Tìm hiểu sâu hơn, có thể thấy rằng, chúng ta dần tiến đến xu hướng nhập tốt hơn và xuất tốt hơn. Nhập tốt hơn là tập trung nhập nhiều nhóm ngành hàng công cụ sản xuất, máy móc, thiết bị mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được. Việc phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đang dần có xu hướng giảm đi khi Covid-19 thúc đẩy chúng ta phải tìm cách hạn chế phụ thuộc vào bên ngoài. Xuất tốt hơn ở chỗ, với những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của chúng ta, phần giá trị gia tăng được sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Thứ ba, một nghiên cứu mới đây của World Bank vào tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam vào nhóm 16 quốc gia mới nổi thành công nhất trong việc chuyển dịch lên nhóm các quốc gia có năng suất cao nhất trên thế giới bên cạnh các nước hàng đầu trong khối OECD.

2-BÀI HỌC LỚN NHẤT CỦA COVID-19

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm hoặc suy thoái rất nặng. Theo anh đâu là nguyên nhân của sự khác biệt đó?

Với việc kiểm soát nhanh chóng được dịch bệnh, chúng ta có nhiều không gian hơn để duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế. Ngoại trừ những nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như hàng không, du lịch… thì những nhóm ngành khác vẫn đạt mức tăng trưởng cần thiết, như nông nghiệp, vốn là bệ đỡ của kinh tế Việt Nam, hay lĩnh vực như chế biến, chế tạo máy móc, thiết bị cũng gia tăng.

Tiếp đến, Việt Nam đã có một năm thành công về xuất nhập khẩu. Lý do là khi kinh tế toàn cầu suy giảm, chúng ta vẫn có những thị trường mục tiêu cần hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là nhiều quốc gia cần thay thế nguồn nhập khẩu của họ từ Trung Quốc. Triển vọng trở thành một trung tâm sản xuất mới ở Châu Á không chỉ giúp tranh thủ được dòng vốn rời Trung Quốc khi các quốc gia khác bắt đầu định vị lại chiến lược sản xuất ở nước ngoài mà còn thúc đẩy các đơn đặt hàng và thương mại quốc tế.

Các quốc gia này cũng mong muốn lựa chọn những đối tác có thể tin cậy được và không ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Việt Nam, với nền tảng chiến lược hợp tác đa phương, hai bên và nhiều bên cùng có lợi, đã tạo được lòng tin chiến lược với các quốc gia khác, rất có lợi thế trong việc thu hút đối tác.

Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, rất nhiều những điểm yếu về mặt cơ cấu của nền kinh tế của Việt Nam được bộc lộ rõ hơn và yêu cầu phải thay đổi cũng khẩn cấp hơn rất nhiều. Theo ông, những vấn đề nào cần được đặt ưu tiên hàng đầu trong năm tới sau khi Việt Nam cũng phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh để kích thích tăng trưởng trong năm 2021?  

Tôi nghĩ đến 3 điểm lớn. Thứ nhất, năm tới đây, bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải tìm kiếm cho mình mô hình tăng trưởng, vừa đáp ứng được tính bền vững, lâu dài, vừa tăng cường năng lực chống chịu của quốc gia với những cú sốc đến từ bên ngoài. Yêu cầu tự chủ được về nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng chính là bài học lớn nhất mà Covid-19 để lại cho chúng ta.

Đồng thời, chúng ta cũng cần có định vị cao hơn trong chuỗi, không chỉ gia công mà phải xác định sẽ Make in Việt Nam nhiều hơn để đảm bảo giá trị gia tăng cao và vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi.

Thứ hai, chúng ta phải tập trung khai thác thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Rất nhiều mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam có thể được thay thế bằng hàng sản xuất nội địa.

Chính sách tốt sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực sản xuất để cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập vào kinh tế khu vực, kinh tế quốc tế, nhất là thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở rộng không gian cho cạnh tranh lành mạnh cho cả hai phía. Tôi tin người Việt Nam sẽ sẵn sàng và tự hào khi được sử dụng hàng Việt Nam.

Nếu không có thị trường nội địa mạnh, lực lượng doanh nghiệp khoẻ thì Việt Nam sẽ thua thiệt và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng bị bỏ xa. Trong tình huống xấu, cuộc chơi lớn về lợi ích kinh tế sẽ rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là khi họ đang có xu hướng đến Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận từ sự năng động của kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, thế giới sẽ hướng nhiều vào việc ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng. Nên cần phải chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực và có chính sách điều phối sự chuyển dịch cơ cấu lao động tốt. Lực lượng lao động không thể mãi mãi tập trung quân số lớn trong ngành nông nghiệp.

Phải tìm cách đào tạo, tạo ra những việc làm mới ở những lĩnh vực khác và chuyển dịch lao động dần sang những khu vực kinh tế có tính chất trọng điểm, đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Đó chính là bài toán của chuyển đổi cơ cấu lao động của Việt Nam.

Cần đặt trọng tâm chiến lược và thực hiện quyết liệt như chống dịch. Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ thua thiệt, sợ lạc hậu, sợ mãi mãi đứng ở số 130-140 trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người như sợ Covid-19. Lúc đó mới có thể phát triển kinh mạnh mẽ như chống dịch được.  

3- MAKE IN VIỆT NAM  ĐÃ KHỞI ĐỘNG TINH THẦN CỦA CÁC DOANH NHÂN VIỆT NAM

Tại sao nhất thiết phải là Make in Vietnam khi trước đó Made in Vietnam vẫn ổn?

Có hai giá trị quan trọng nhất của Make in Vietnam. Thứ nhất là tinh thần làm chủ khoa học công nghệ, tự làm được những thứ cần thiết nhất cho Việt Nam. Thứ hai, khi đã làm chủ khoa học công nghệ, chúng ta có thể đẩy mạnh lên mức vừa bắt kịp thế giới, vừa tham gia vào nhóm các nước tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ mới để phục vụ cho việc tăng năng lực canh tranh trong tương lai. Đặc biệt là có thể hợp tác bình đẳng với các quốc gia hàng đầu. Chỉ một bên có lợi thế công nghệ sẽ tạo ra sự không lành mạnh trong hợp tác.

Cách làm phải linh hoạt, không phải mang tất cả về làm ở Việt Nam, mà sẽ làm những thứ quan trọng đối với cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển năng lực cạnh tranh dài hạn của Việt Nam trong tương lai và phát triển những lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Phải tăng tính tự cường của mình lên.


Sản phẩm công nghệ 5G "Make in Vietnam" là niềm tự hào của đất nước hình chữ S.

Được phát động từ năm 2019, theo quan sát của anh, mức độ hiệu quả Make in Vietnam đến đâu?

Trước hết, Make in Vietnam đã khởi động tinh thần của các doanh nhân Việt Nam rồi. Họ cảm thấy được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn trong việc thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như vậy là đã đạt được bước số 1 rồi.

Thứ hai, lĩnh vực này cần có một hệ sinh thái phát triển đầy đủ, phải có những người sử dụng công nghệ, người đầu tư để phát triển công nghệ như các quỹ đầu tư mạo hiểm, có những người chuyên quản trị về đổi mới sáng tạo, có hệ sinh thái xúc tác như các cơ quan nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách, rồi tới các chủ thể chính là các startup. Điều đó chúng ta đã làm được.

Make in Vietnam là một chiến lược lâu dài, cho nên những năm đầu tiên, chúng ta cần làm được những thứ người khác làm được. Đây cũng là kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng bắt đầu từ việc làm những thứ mà người Nhật làm được. Trung Quốc thì làm theo tất cả các quốc gia hàng đầu. Từ đó tạo ra nền tảng, hiểu và nắm bắt tất cả các công nghệ hiện hữu.

Giai đoạn sau, có lẽ phải 5 năm nữa, chúng ta mới bắt đầu trở thành bạn hàng hoặc đối tác có khả năng song hành và tiên phong trong một số lĩnh vực. Đó là lúc chúng ta vươn ra toàn cầu mạnh mẽ.

Việt Nam đã làm được nhiều điều khó tin với phòng chống dịch bênh Covid-19, vậy điều này có thể xảy ra với phát triển kinh tế hay không? Nếu có thể thì nó dựa trên những cơ sở nào cho tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm như Hàn Quốc, Trung Quốc…?

5 năm vừa rồi, so với nhiệm kỳ trước thì kinh tế Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,8% trong nhiệm kỳ. Tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn, mức lạm phát trung bình dưới 4% trong khi giai đoạn trước trên 6%, bội chi ngân sách giảm, giá trị đồng nội tệ ổn định so với các đồng tiền lớn. Điều đó thể hiện sức mạnh tài chính. Việt Nam cũng có  bước tiến lớn về tăng năng suất, kể cả năng suất nhân tố tổng hợp và năng suất lao động.

Đầu năm 2016, khi bước vào nhiệm kỳ mới, chúng ta thấy một loạt các thách thức, khó khăn. Sau 4-5 năm, tất cả các chỉ số quan trọng nhất của Việt Nam đều cải thiện và có bước tiến quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn năm 2045 trở thành nước phát triển bền vững, thu nhập cao.

Thông điệp quan trọng nhất là: "Không có gì là không thể". Năm 2016, chúng ta nghĩ có những mục tiêu là không thể. Nhưng nếu dựa vào những kết quả, thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 5 năm vừa qua, có thể thấy, việc "Không gì là không thể" phải đến từ sự đồng thuận của Nhà nước và nhân dân. Các chính sách đưa ra không chỉ phù hợp với điều kiện tình hình mới mà còn bắt kịp và dự báo được xu hướng thay đổi trong tương lai.

Bên cạnh chương trình chuyển số quốc gia được ra đời, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ còn thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang mô hình hiện đại hơn, dựa nhiều vào tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ở thời điểm lịch sử này tinh thần dân tộc Việt Nam đang bước vào giai đoạn thăng hoa. Người Việt Nam đã có những tiềm năng, đã có những thành tích rất lớn trong bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước trong 4.000 năm lịch sử. Sức mạnh và khát vọng của một dân tộc như thế sẽ trở thành động lực tích cực để con người Việt Nam sáng tạo nhiều hơn, tự cường hơn.

4-XÁC SUẤT CÓ PHỤC HỒI 'HÌNH CHỮ V' LÀ RẤT CAO

Một nền kinh tế mở cao như Việt Nam mà bối cảnh thế giới với dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay thì khả năng phục hồi hình chữ V của nền kinh tế sẽ có triển vọng ra sao?

Xác suất có phục hồi hình chữ V là rất cao. Bởi có thể nói là cao trào của dịch bệnh cũng đã đến ngưỡng, thế giới cũng đã bắt đầu quen với môi trường bình thường mới và không còn sợ sệt nữa. Các quốc gia bắt đầu mở cửa lại hoạt động kinh tế, từ đó sẽ đạt được việc tăng trưởng trở lại, dù cho dịch bệnh có kéo dài.

Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng cao đến đâu thì còn phụ thuộc vào một chữ V nữa – đó là vaccine. Vaccine hiệu quả đến đâu, mức độ tiếp cận thế nào và số lượng người dân toàn cầu được tiêm chủng ra sao sẽ quyết định đến cả tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam – với nền kinh tế mở và độ phụ thuộc lớn.

Trong năm 2020, làn sóng chuyển đổi số ở các cơ quan chính phủ diễn ra rất mạnh và các giải pháp số cũng được triển khai ở nhiều doanh nghiêp. Nếu đánh giá một cách khách quan, ông thấy đó là một xu hướng có thể tạo ra một nền công nghiệp dịch vụ số mạnh ở VIệt Nam hay đơn thuần là một trào lưu do Covid-19?

Chuyển đổi số là giai đoạn bắt buộc của kinh tế Việt Nam, chứ không phải chạy theo xu thế. Covid-19 là một cú huých. Đó là một trong những cây cầu bắt buộc phải đi qua để tăng hiệu quả của doanh nghiệp, tổ chức và nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu muốn tạo ra nền kinh tế dịch vụ số mạnh ở Việt Nam, thì cần có nhiều yếu tố khác nữa. Cần có tầm nhìn về chính sách đủ rộng, đủ xa để các chủ thể không bị vướng mắc khi khi tham gia vào khu vực kinh tế số, một lĩnh vực còn mới ở nước ta. Điều mà Việt Nam cần làm tốt hơn nữa chính là thiết lập một sân chơi công bằng, minh bạch, tạo điều kiện tốt cho những doanh nghiệp công nghệ Make in Vietnam.

Dự báo cá nhân của ông về kinh tế Việt Nam năm 2021 là gì?

Xác suất cao là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 2,91% của năm nay rất nhiều, ít nhất là phải 6%.

Hiện tại vẫn còn một số yếu tố bất định chúng ta chưa nắm được. Một là tình hình dịch bệnh, tốc độc phổ cập vaccine. Thứ hai là chính sách về thương mại của các quốc gia khi Mỹ có hệ thống lãnh đạo điều hành mới trong 4 năm tới, khi mà Trung Quốc vẫn đang có rất nhiều căng thẳng về biên giới, về địa chính trị với tất cả các quốc gia còn lại trong khu vực và khối kinh tế lớn trên thế giới.

Một nền kinh tế mở như Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các đối trọng về thương mại, vào việc các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu sử dụng những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như thế nào trong thời gian tới đây để khôi phục nền kinh tế của họ.

VIỆT NAM KHÓ ĐỘT PHÁ TRÊN NỀN 'TƯ DUY CŨ'

QUỐC VIỆT/ BBC / BVN 2-1-2020

Việt Nam

Pháo hoa trên bầu trời Hà Nội đón giao thừa năm mới 2021

Năm 2020 có thể được xem là một năm thành công đối với Việt Nam khi kiểm soát hiệu quả Covid-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP dương (2,4% theo dự báo của IMF) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, khiến nhiều nước phải trầm trồ.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn giữ chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh 10 nước ASEAN trực tuyến (tháng 11/2020), sau đó đóng góp tích cực vào lễ ký kết trực tuyến lịch sử Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - được xem là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

Việt Nam rõ ràng đã có những bước tiến thuận lợi, tranh thủ được sự chuyển dịch địa chính trị, kinh tế và môi trường kinh doanh toàn cầu, trong đó có thương chiến Mỹ - Trung. Việc nhiều tập đoàn đa quốc gia lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc để né thuế quan trừng phạt của Mỹ đang tiếp thêm nhiên liệu cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo do IMF thực hiện, đến hết năm 2020, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ vượt qua Singapore và Malaysia để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN. Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng của Morgan Stanley Investment Management, cũng nhận định Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đang phát triển bật lên mạnh mẽ nhất sau đại dịch (xem bài viết "Which Developing Economies Will Rise After the Pandemic?" trên New York Times).

Bức tranh chỉ có màu hồng?

Việt Nam

Thanh niên ở Hà Nội trong đêm giao thừa chào đón năm mới 2021

Tuy nhiên, bức tranh ấy chắc chắc sẽ không phải chỉ có mỗi màu hồng. Bên cạnh những điểm sáng lạc quan, hãy còn đó không ít nỗi lo.

Thứ nhất là nguy cơ "chưa giàu đã già". Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 (với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,9%), sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 - 2054 (chiếm 10 - 19,9%), và giai đoạn dân số rất già từ 2054 - 2069 (chiếm 20 - 29,9%).

Việt Nam cũng được xem là nước có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" thuộc nhóm nhanh nhất thế giới (20 năm), trong khi Nhật Bản và Trung Quốc mất 26 năm, Anh và Tây Ban Nha mất 45 năm. Một số biện pháp can thiệp nhằm duy trì mức sinh thay thế, như bỏ quy định không sinh con thứ ba, hay TP. HCM khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, … vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa thật sự tận dụng tốt cơ hội trong giai đoạn dân số vàng, khi tỷ lệ lao động được đào tạo có tăng lên nhưng năng suất vẫn thấp hơn nhiều so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, … thậm chí còn có nguy cơ bị Lào và Campuchia qua mặt.

Thứ hai, việc tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi quốc tế và ổn định chính trị trong nước để tiếp tục thành công như 5 năm qua có thể sẽ không còn dễ dàng nữa khi Việt Nam bắt đầu chịu nhiều áp lực, bao gồm cả từ phía Washington - đối tác toàn diện, thân thiện và bạn hàng lớn nhất.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2020 đã lên tới 58 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico, khiến Bộ Tài chính Mỹ "gắn nhãn" chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của chính quyền Donald Trump.

Thứ ba, tư duy phát triển của các lãnh đạo Việt Nam thật sự chưa có nhiều đột phá. Trong giai đoạn 2006 - 2016, do nóng vội, duy ý trí và quản trị kém, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước - được kỳ vọng là "quả đấm thép" của nền kinh tế Việt Nam - đã gây ra những sai phạm và hậu quả nghiêm trọng (như tham nhũng, thất thoát, thua lỗ tại Vinashin, PVN, …) mà đến giờ vẫn chưa khắc phục xong.

Điều này cho thấy tính không hiệu quả của chủ trương phát triển lấy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa các doanh nghiệp này vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp, liên tục bị trì hoãn.

Bên cạnh chính sách gom các đầu mối về một siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước (thay cho SCIC), dự thảo mới đây do Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo còn đề cập tới khái niệm "doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn", đề xuất thí điểm chính sách riêng biệt đối với một số doanh nghiệp nhà nước đặc thù trong lĩnh vực viễn thông (Mobifone), năng lượng (EVN) và công nghiệp quốc phòng (Viettel) để đưa thành những con "sếu đầu đàn" thực thụ của nền kinh tế Việt Nam.

Cách làm này thực ra không có nhiều thay đổi về chất, chỉ là "dấu bụi dưới thảm", cho nên khó có thể đảm bảo thành công và hiệu quả quản trị rủi ro.

Có thể trì hoãn cải cách được nữa?

Việt Nam

Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội 13, dự kiến nhóm họp vào hạ tuần tháng 01/2021 tại Hà Nội

Cùng nhìn lại lịch sử, bài học Đổi mới tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (năm 1986) thực chất chỉ là trở về với những giá trị cũ (xóa bỏ độc quyền nhà nước và tự do hóa một phần nền kinh tế) khi mô hình chỉ huy bao cấp lâm vào khủng hoảng.

Để đạt được mục tiêu thịnh vượng và chí ít trở thành một cường quốc bậc trung cho xứng đáng với tiềm năng của đất nước, Việt Nam cần thiết phải tiến hành cải cách mạnh mẽ, triệt để, vĩnh viễn không được đi vào vết xe đổ của "cải cách nửa vời". Kinh nghiệm thế giới cho thấy, thịnh vượng sẽ là kết quả sau cùng của chính sách tự do hóa.

Nhà sử học Johan Norberg, người từng làm tập phim tài liệu "Thụy Điển: Một bài học cho Hoa Kỳ?", khẳng định Thụy Điển không phải là một quốc gia xã hội chủ nghĩa bởi "nhà nước không sở hữu tư liệu sản xuất".

Trong giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của mình, các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều duy trì vai trò dẫn dắt của nhà nước, nhưng dần nới lỏng, chấm dứt sự chi phối và nhường sân chơi cho khu vực tư nhân. Ngay đến những công ty đình đám nhất Trung Quốc hiện nay - vốn tương đồng với Việt Nam về ý thức hệ - như Alibaba, Tencent, … cũng đều là do tư nhân điều hành.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp diễn ra, sẽ hoạch định lộ trình cho giai đọan 5 năm tiếp theo nhằm củng cố thành công của Việt Nam như một quốc gia trẻ đang phát triển năng động, và một thị trường hấp dẫn 100 triệu dân. Nhưng đó mới chỉ là trên khía cạnh kinh tế, còn về mặt chính trị xã hội (theo cách nói của Marx, chính là kiến trúc thượng tầng của cơ sở hạ tầng kinh tế), có lẽ Việt Nam không thể trì hoãn cải cách được nữa.

Trong bài viết Vietnam's Communists brace for next 5 years after big 2020 (tạm dịch: Việt Nam củng cố chế độ cộng sản cho 5 năm tới sau 2020) trên Nikkei Asia Review, tác giả Tomaya Onishi đã dẫn lời cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị Đặng Tâm Chánh, rằng các lãnh đạo Việt Nam giai đoạn tới nhất thiết phải có những chính sách hiệu quả để đảm bảo mô hình "nhà nước pháp quyền", kiến tạo không gian tự do cởi mở thực sự cho người dân, bên cạnh tầm nhìn, mục tiêu và hành động cụ thể để dẫn dắt thế hệ trẻ phát triển hết tiềm năng.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Q.V.

Nguồn: BBC Tiếng Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét