Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

20210115. VÌ SAO NGƯỜI VIỆT MANG CỜ VNCH ĐI BIỂU TÌNH Ở MỸ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

MANG CỜ VNCH ĐI BIỂU TÌNH Ở QUỐC HỘI MỸ: ĐỒNG TÌNH HAY PHẢN ĐỐI ?

ĐẰNG GIAO/ NV 11-1-2021


WESTMINSTER, California (NV) – Lá cờ vàng ba sọc đỏ đại diện chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được một số người cầm theo trong cuộc biểu tình ủng hộ Tổng Thống Trump tại Washington, DC sau đó xâm nhập vào tòa nhà Quốc Hội, hôm 6 Tháng Giêng, đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa những người gốc Việt, có người đồng tình, có người phản đối.

Một người cầm cờ VNCH trên ban công bên ngoài tòa nhà Quốc 
Hội khi đoàn biểu tình tràn vào hôm 6 Tháng Giêng. (Hình: Cát 
Linh/Người Việt)

Ông Phát Bùi, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, cho biết ông không muốn phê phán những người cầm cờ VNCH trong biến cố hôm 6 Tháng Giêng.

“Cầm cờ là quyền cá nhân. Tôi không nghĩ chúng ta nên áp đặt quan niệm của mình lên việc làm của họ.”

Ông Phát thắc mắc: “Tại những cuộc biểu tình khác quanh Little Saigon trước đây, lá cờ VNCH đã xuất hiện nhiều lần, có lúc do nhóm ủng hộ ông Trump, có lúc do nhóm ủng hộ ông Biden, mà không ai có ý kiến gì cả. Tại sao bây giờ lại thành chuyện lớn?”

Tuy nhiên, có những người công khai đồng ý ủng hộ chuyện cờ vàng ba sọc đỏ có mặt trong cuộc xuống đường tại thủ đô Hoa Kỳ.

Ông Võ Văn Giỏi, thành viên ban tổ chức Ủy Ban Chào Cờ Đầu Tháng, tán thành việc này.

Ông nói: “Tôi nghĩ họ làm vậy là đúng. Điều này nói lên người Mỹ gốc Việt có quan tâm đến chuyện đất nước. Ở xứ tự do, họ làm gì thì làm miễn là đừng cầm cờ Cộng Sản là được rồi.”

Ông Bằng Phong Đặng Văn Âu, cựu thiếu tá phi công VNCH, cũng tán thành: “Họ làm vậy có gì là sai đâu. Họ biểu tình để nói lên chính kiến của mình, đó là điều tốt.”

Ông nhấn mạnh: “Họ cầm cờ chứ có đập phá gì đâu. Họ là những người có tinh thần quốc gia, có lý tưởng quốc gia. Lá cờ đó nhân danh cho một chính nghĩa yêu nước.”

Những người cầm cờ VNCH tuần hành trên đường tiến vào tòa nhà 
Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Ông Thái Văn Vinh, ở Riverside, nói: “Họ làm vậy là đúng chứ. Chuyện họ cầm cờ Việt Nam Cộng Hòa cũng không sao hết. Tôi hoan hô họ cả hai tay.”

Ông giải thích: “Tôi không bao giờ quên được những người đảng Dân Chủ đã bức tử VNCH hồi 1975 cũng như tôi không chấp nhận những người đó lại nắm quyền làm chủ đất nước Hoa Kỳ hôm nay.”

Ông tiếp: “Tôi mang ơn nhân dân Mỹ đã cưu mang chúng ta bao nhiêu năm nay, nhưng tôi không thể tha thứ cho những người làm chính trị đã bức tử miền Nam Việt Nam hồi đó.”

Tuy nhiên, với suy nghĩ đối lập, nhiều người cho rằng lá cờ VNCH không nên xuất hiện trong một cuộc “phiến loạn chính trị” của Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Văn Chuyên, cựu phi công tác chiến khóa 1/70 Trừ Bị Thủ Đức, cư dân Fountain Valley, nói: “Tôi rất buồn và đau lòng khi thấy lá cờ mà chính tôi và anh em đồng ngũ của tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống cũng như thân thể để bảo vệ khi chưa mất nước lại vùng vẫy tung bay trên ban công tòa nhà Quốc Hội ở thủ đô nước Mỹ.”

Cờ VNCH cùng các lá cờ khác xuất hiện trên khán đài trong khu 
vực tòa nhà Quốc Hội. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Ông thêm: “Tôi không biết thực hư thế nào, vì có tin cho rằng chuyện này có thể do một số người trà trộn vào đám phiến loạn để làm xấu lá cờ của chúng ta.”

Ông thở dài: “Dù gì đi nữa thì lá cờ tổ quốc của người gốc Việt chân chính đã bị ‘Google’ nhận diện là một một trong chín lá cờ tham dự cuộc bạo loạn vừa qua. Cả thế giới đều thấy.”

Ở Santa Ana, ông Nguyễn Quảng Bá sôi nổi nói: “Tôi hoàn toàn chống đối chuyện này. Cờ vàng ba sọc đỏ phải được trân trọng và chỉ nên xuất hiện trong những buổi lễ quan trọng của người Việt như lễ Tưởng Niệm 30 Tháng Tư, Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hay Ngày Thuyền Nhân chứ không nên có mặt trong một cuộc nổi loạn chống phá Hiến Pháp Hoa Kỳ.”

Ông nhấn mạnh: “Tôi ghi danh bầu cử là người theo đảng Cộng Hòa và tôi bầu cho ông Trump năm 2016 nhưng tôi không ủng hộ cuộc nổi loạn vô lối và phạm pháp hôm 6 Tháng Giêng và tôi, một lần nữa, đả phá chuyện sử dụng lá cờ VNCH trong cuộc nổi loạn đó.”

Ông Alex Bạch, cựu sĩ quan Hải Quân VNCH, ôn tồn nói: “Chúng ta đang nói về một biến cố chính trị của người Mỹ. Vậy thì lá cờ VNCH xuất hiện tại Washington, D.C. là hoàn toàn không đúng thời gian và không gian.”

Một người cầm cờ VNCH và mang theo cả loa phóng thanh khi tuần 
hành. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Theo ông, lá cờ thiêng liêng này chỉ nên xuất hiện trong những cuộc đấu tranh cho dân quyền trong nước hay chống đối chính sách xâm lược của Trung Quốc mà thôi.

“Chúng ta là người Mỹ gốc Việt, chúng ta nên tham gia những sinh hoạt chính trị của Mỹ, nhưng không nên cầm theo lá cờ VNCH, tượng trưng cho bao nhiêu anh linh nước Việt,” ông bày tỏ.

Ông hồi tưởng: “Tôi nhớ ngày tuyên thệ nhập tịch, chúng ta chỉ cầm cờ Mỹ thôi. Điều này có nghĩa bao nhiêu tình cảm mình dành cho lá cờ VNCH, mình phải giữ trong tim chứ không dùng một cách lung tung trong một bối cảnh không dính dáng gì đến tổ quốc chúng ta.”

Những người ở tuổi trẻ hơn cũng cảm thấy tức giận khi thấy lá cờ mà họ hằng tôn vinh lại nằm trong tay của những người “nổi loạn.”

Cô Katrina Hương Phạm, sinh viên Golden West, phát biểu: “Ông tôi, cha tôi và chú tôi đã chiến đấu vì lá cờ này. Tôi vô cùng tức giận và hổ thẹn vì những người phạm pháp này. Họ đã làm hoen ố di sản tị nạn Cộng Sản của chúng ta. Họ xúc phạm bao nhiêu xương máu của cha ông chúng ta bằng cách xúc phạm lá cờ VNCH.”

Bạn trai cô, anh Patrick Nguyễn, góp ý: “Tôi ủng hộ ông Biden, nhưng tôi ủng hộ bằng lá phiếu, đó là tôn trọng dân chủ. Tôi không chống đối những người nổi loạn cũng như những người ủng hộ ông Trump một cách vô căn cứ, kêu gào gian lận mà không có chứng cớ gì cả. Điều tôi chống đối là họ làm thế giới tưởng rằng người gốc Việt chống Cộng Sản là quân phiến loạn.”

Một người cầm cờ VNCH trong đoàn tuần hành. (Hình: Cát 
Linh/Người Việt)

Cô Alicia Nguyễn, sinh viên OCC, nói: “Tôi tức giận và xấu hổ vì những người này đã sỉ nhục lá cờ đại diện cho cộng đồng chúng ta. Đáng buồn hơn, tôi biết một nhóm người gốc Việt đã sử dụng quốc ca VNCH nhưng đổi lời để hoan hô Trump. Những người này lớn tuổi rồi, 60, 70 tuổi rồi mà sao lại vô ý thức một cách đáng xấu hổ như thế.”

Ông Phát Bùi giữ vững lập trường rằng là công dân trong một đất nước tự do, mỗi người nên có ý kiến riêng nhưng phải biết tôn trọng ý kiến của người khác cho dù có trái ngược với ý mình.

“Phải tôn trọng và tìm cách hiểu và thông cảm cho nhau thay vì công kích và mạ lỵ lẫn nhau thì chúng ta mới đoàn kết và tiến bộ được,” ông nói.

Ông thêm: “Trong vai trò chủ tịch cộng đồng, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên phê phán nhau nữa.  Đã đến lúc cộng đồng gốc Việt của chúng ta nói riêng và toàn thể nhân dân Hoa Kỳ nói chung nên cùng nhau hàn gắn lại những đổ vỡ đáng tiếc trong thời gian qua.” [kn]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

KHÔNG NÊN DỬNG DƯNG HAY XEM NHẸ CUỘC BẠO LOẠN Ở CAPITOL

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 13-1-2021

Gương vỡ ở Capitol năm 2021, gương vỡ ở Berlin năm 1938

Cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 của những người ủng hộ Donald Trump, tấn công điện Capitol bị phản ứng rất mạnh từ nhiều giới trong xã hội Mỹ.

Các đại công ty mạng xã hội phản ứng gần như ngay lập tức, bằng cách khóa tài khoản của Trump và một số đồng minh bạo lực, hung hăng nhất của ông ta.

Twitter tuyên bố khóa tài khoản của ông Trump vĩnh viễn. Sau khi có tin về việc cổ phiếu Twitter bị giảm vì liên quan đến việc khóa tài khoản của ông Trump, công ty này tiếp tục khóa hơn 70 ngàn tài khoản dính đến nhóm Qanon, liên quan đến Trump, chuyên tung tin vịt và thuyết âm mưu.

Google, Amazon, Apple đã loại mạng xã hội Parler, nơi các tín đồ kích động bạo lực của Trump đổ về, làm mạng xã hội này chết ngay tức khắc. Gần một tuần lễ sau đó, hàng loạt các công ty nhỏ chuyên làm dịch vụ (an ninh, trả tiền, quảng cáo,…) hỗ trợ trên Internet, cũng đồng loạt cấm vận những dịch vụ nào có liên quan đến Trump và những đồng minh bạo lực của ông ta: Twilio, Okta, Stripe, PayPal, Shopify, GoFundMe…

Các đại công ty thương mại, ngân hàng như Bank of America, Deustche Bank, JPMorgan Chase, Goldman Sachs, BlackRock, AT&T, Visa, American Express and Mastercard… nằm trong danh sách dài đến hàng trăm công ty, tuyên bố hoặc không tiếp tục làm ăn với ông Trump, hoặc không ủng hộ tiền cho các nghị sĩ, dân biểu ủng hộ ông Trump, tung tin vịt về gian lận bầu cử, hay đòi hủy bỏ chứng nhận hợp pháp của các tiểu bang về kết quả bầu cử.

Các chính trị gia, trong đó gồm cả những người thuộc đảng Cộng hòa lên án ông Trump. Đảng Dân chủ đối lập tiến hành truất phế Trump lần thứ hai.

Vì sao phản ứng của xã hội với vụ bạo loạn 6/1/2021 lại dữ dội như vậy?

Đó là vì ký ức còn mới nguyên của đa số các nền dân chủ phương Tây về thảm họa phát xít nắm quyền ở Đức và châu Âu vào năm 1938.

Hình ảnh những kẻ làm loạn tấn công Capitol, phá vỡ cửa kính tràn vào, làm cho nhiều người, trong đó có cựu thống đốc California, ông Arnold Schwarzenegger liên tưởng đến những mảnh kính vỡ trong Đêm Kính Vỡ (The Night of Broken Glass) ở Đức, ngày 9/11/1938.

Trong đêm đó, hàng ngàn cửa tiệm của người Đức gốc Do Thái bị đập vỡ kính và cướp phá. Ngày hôm sau hơn 30 ngàn người Do Thái bị bắt lưu đày vào các trại tập trung, tài sản bị chiếm đoạt.

Trong hàng ngàn kẻ tham gia cuộc bạo loạn 6/1/2021 ở điện Capitol, có nhiều thành viên của các tổ chức cực hữu ở Mỹ như Proud Boys, Tân Phát Xít, Boogaloo, Thượng đẳng da trắng… Đối với nhiều người sống ở các nền dân chủ phương Tây, các tổ chức này chính là bóng ma hồi sinh của chủ nghĩa phát xít.

Sau “Đêm Kính Vỡ” là thảm họa Thế chiến thứ Hai, giết hại hơn 50 triệu sinh linh, trong đó có hơn 6 triệu người Do Thái.

Trong một cuộc biểu tình của nhóm Proud Boys hồi tháng 12/2020 để phản đối kết quả cuộc bầu cử ở Washington DC, người ta thấy xuất hiện khẩu hiệu viết tắt trên các áo thun của các thành viên Proud Boys: 6MWE. Bốn ký tự này có nghĩa là Sáu triệu là chưa đủ (6 million was not enough).

Hãy tưởng tượng những con người này thành công trong cuộc bạo loạn, các dân biểu được dân bầu lên bị bắt trói hoặc hành hình? Họ sẽ lên cầm quyền, tái lập lại các trại tập trung kiểu Auschwitz? Dành cho người Do Thái và các giống dân “thấp kém” trong đó có người da vàng, da đen?

Mối nguy hiểm còn tiềm tàng hơn nữa khi có khá đông các thành viên của nhóm người bạo loạn từng là cảnh sát hoặc binh lính trong quân đội Mỹ. Lực lượng cảnh sát, vệ binh quốc gia… sẽ hành xử ra sao với những cựu đồng nghiệp của họ?

Ngày 11/1/2021, Cục Điều tra Liên bang (FBI) thông báo, các nhóm cực hữu có vũ trang tiếp tục âm mưu tiến hành bạo động trên khắp nước Mỹ vào hai ngày 17/1/2021, và ngày tân tổng thống Joseph Biden đăng quang 20/1/2021. Thông điệp của các nhóm này đang được gửi đi bằng cách mã hóa bí mật thông qua Telegram, về việc chuẩn bị vũ khí và chất nổ.

Ngây thơ thật, và ngây thơ đổ vấy

Trước sự giận dữ và lên án của mọi tầng lớp xã hội, các nhóm cánh hữu đằng sau cuộc bạo loạn bắt đầu tung ra thuyết âm mưu, nói rằng phong trào chống phát xít AntiFa giả dạng phá hoại, chứ thật sự những người ủng hộ ông Trump rất ôn hòa (sic)!

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chính thức nói rằng, trong cuộc bạo động ngày 6/1, không thấy có sự dính líu của phong trào AntiFa, một phong trào vốn ra đời từ năm 1938 để chỉ trích sự thờ ơ của xã hội đã để cho chủ nghĩa phát xít nắm chính quyền ở Đức và châu Âu. Mặc dù phong trào này chủ trương bạo lực, nhưng nó không phải là một tổ chức như các tổ chức cực hữu, và chính cơ quan FBI cũng xác nhận điều đó.

Đối với cộng đồng Việt Nam tại Mỹ, dư luận lại xôn xao về chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa xuất hiện trong cuộc bạo loạn. Có hai biện luận bảo vệ cho sự xuất hiện này:

1/ Lá cờ vàng ba sọc đỏ tham gia với tư cách biểu tình ôn hòa.

2/ Đặc vụ cộng sản Hà Nội trà trộn để phá hoại (sic).

Cả hai biện giải này đều yếu kém như nhau.

Ai đó cầm cờ này leo lên đến gần cửa ra vào điện Capitol mà không thấy rằng bạo lực đã và đang diễn ra?

Người cộng sản quả là trăm tay nghìn mắt, xâm nhập cộng đồng, sát cánh cùng các nhân vật thủ lĩnh cộng đồng, cầm cờ đi biểu tình mà không hề bị phát hiện?

Đối với tôi, có hai hình ảnh đọng lại liên quan đến cộng đồng Việt Nam hải ngoại trong vụ bạo loạn.

Thứ nhất: lá cờ phấp phới bay trước cửa điện Capitol, là hình ảnh một cộng đồng đứng bên lề lịch sử.

Thứ hai, hình ảnh một cô gái chụp hình bên chiếc thòng lọng, biểu tượng của việc đàn áp người da đen tại Mỹ, thể hiện một sự ngu xuẩn kiểu Bá Kiến trong Chí Phèo: Chắc nó chừa mình ra.

Về điều thứ hai, người ta chưa biết chắc cô gái là người Việt Nam. Tôi mong cô ta không phải là người Việt Nam.

VÔ GIA ĐÌNH

NHÃ DUY/ TD 12-1-2021

Nghe “Vô gia đình” dễ làm liên tưởng đến tác phẩm “Sans Famille” nổi tiếng của Hector Marlot. Nhưng xin thưa ngay là không phải. Ở đây xin nói về những kẻ không nhà, không nơi nương tựa sau khi bị các mạng xã hội đuổi cổ và nay thì túp lều tạm cuối cùng là trang Parler cũng vừa bị đóng cửa. Như tổng thống Donald Trump và các “nhà truyền thông” gốc Việt chẳng hạn. Tội!

Parler là một hãng kỹ thuật và một ứng dụng mạng xã hội tương tự Twitter. Ra đời cuối năm 2018, “parler” là “nói” (speak) trong tiếng Pháp, có thể xem như “nhóm mở miệng” của phe ủng hộ tổng thống. Nếu Twitter chỉ giới hạn các mẩu “tweet” đến 280 ký tự thì Parler có các mẩu “parley” có thể đến 1,000 ký tự, có thể kèm thêm hình ảnh hay video, đủ dài để chứa đựng nhiều thông tin hơn.

Dù tuyên xưng là mạng xã hội cổ vũ “tự do ngôn luận” và “không thành kiến”, Parler là nơi tập trung ồ ạt của giới cực hữu ủng hộ Donald Trump, những nhóm hay cá nhân chuyên tung các thông tin bịa đặt, sai trái đã bị các trang mạng xã hội cảnh cáo hay đóng cửa. Nó cũng là nơi “đồn trú” của các chính khách Cộng Hòa tận trung với Trump như Ted Cruz, Devin Nunes…

Parler không mấy gì phổ biến và chẳng được nhiều người biết cho đến giữa năm qua, khi các mạng xã hội bắt đầu mạnh tay với các nguồn tin giả mạo, bịa đặt, đặc biệt từ sau cuộc bầu cử. Những cuộc “vượt biên” sang Parler và kêu gọi người theo mình đi theo đã được các cá nhân ủng hộ tổng thống đăng tải rầm rộ.

Những tưởng là việc lập chiến khu trên lãnh thổ phe mình sẽ được an toàn thì cuối tuần qua, nhà cung cấp dịch vụ mạng (web-hosting) cho Parler là Amazon đã giật sập, ngưng cung cấp dịch vụ vì cho rằng Parler là nền tảng được sử dụng cho những xách động có thể dẫn đến bạo loạn. Đồng thời hai hãng Apple và Google cũng tháo gỡ ứng dụng (app) của Parler. Parler nay chính thức đưa phe “đồng minh tháo chạy” thành homeless, vô gia đình.

Tất nhiên là am hiểu hơn các luật sư phe ta nên Parler không kiện Amazon về việc vi phạm quyền tự do ngôn luận mà kiện (đại) về việc cạnh tranh qua luật chống độc quyền (anti-trust) vì gây lợi cho … Twitter. Tòa án sẽ là nơi phân xử nên không lạm bàn nhưng lấy Twitter để kiện Amazon cạnh tranh độc quyền xem chừng cũng khó lật ngược thế cờ như chuyện Trump đã kiện chuyện gian lận bầu cử vậy. Bởi Amazon không hề cạnh tranh với Parler mà chỉ là nhà cung cấp dịch vụ, còn Twitter chẳng thuộc về Amazon.

“No shirt, no shoes, no service”, đơn giản là Parler đã không thực hiện theo các yêu cầu, tiêu chuẩn chung nhằm bảo vệ an toàn, an ninh cho cộng đồng, xã hội thì Amazon thôi cung cấp dịch vụ. Chưa nghe những tay du thủ cởi trần nào kiện thắng các tiệm ăn hay tiệm tóc khi không được phục vụ.

Không Facebook, không Twitter, không Youtube, nay lại không cả Parler, những kẻ không nhà, không gia đình này sẽ đi về đâu?

Hỏi để biết chứ thật ra những kẻ như vậy từ lâu đã không xứng đáng được tham dự vào cộng đồng mạng văn minh và tiến bộ. Hay đúng hơn là không xứng đáng thuộc về đại gia đình nước Mỹ cùng một cộng đồng Việt chân chính nói riêng. Những rác rưởi của nước Mỹ nên tống vào đúng chỗ. Vậy thôi.

CỜ VIỆT NAM CỘNG HÒA VÀ CUỘC TẤN CÔNG ĐỒI CAPITOL

VOA 14-1-2021


Hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng hoà tại cuộc biểu tình dẫn tới bạo động tại Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, hôm 6/1.

Lá cờ vàng 3 sọc đỏ của chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975 xuất hiện trong cuộc bạo loạn gây chết tróc tại Điện Capitol hôm 6/1, và điều này đã khiến nhiều người gốc Việt “lên án” cũng như cảm thấy “xấu hổ” vì hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng hoà có mặt trong đó

Những lá cờ VNCH có thể được nhìn thấy qua các hình ảnh được truyền trực tiếp từ các hãng truyền thông Mỹ về cuộc biểu tình sau đó biến thành bạo động của những người ủng Tổng thống Donald Trump tấn công vào Điện Capitol trong lúc các thành viên Quốc hội Mỹ bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden, bước cuối cùng chấm dứt các nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Cuộc bạo loạn đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát bảo vệ Điện Capitol, và bị nhiều người lên án vì đã tấn công vào nơi được coi là thành trì dân chủ của Hoa Kỳ.

Quartz, một hãng tin quốc tế có trụ sở ở New York, đã thu thập hình ảnh các lá cờ được thấy tại cuộc biểu tình tấn công Điện Capitol hôm 6/1, trong đó có cờ vàng 3 sọc đỏ của VNCH. Trang mạng tiếng Anh này liệt kê ra những lá cờ của các nhóm thượng đẳng da trắng, gồm Proud Boys – một tổ chức cực hữu phát xít mới chỉ toàn đàn ông chuyên cổ vũ và tham gia bạo lực chính trị hiện đang bị Canada xem xét đưa vào danh sách khủng bố – cùng với cờ của VNCH và một số nước khác gồm Canada, nơi có chi nhánh của các nhóm kể trên, và Cuba trong số cờ của một vài quốc gia khác.

Không rõ có bao nhiêu người gốc Việt đã tham gia cuộc biểu tình hôm 6/1 nhưng một số hình ảnh lá cờ VNCH xuất hiện tại cuộc tập hợp nghe Tổng thống Trump phát biểu và sau đó trên đường phố cũng như giữa đám đông bao vây Điện Capitol và trên hành lang các tầng cao của toà nhà Quốc hội Mỹ khi cuộc bạo loạn xảy ra.

“Xấu hổ”

“Trong cuộc tấn công nổi loạn vào tâm điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ vào ngày 6/1 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hình ảnh gai mắt của những người tấn công tòa nhà Quốc hội mang theo là cờ vàng ba sọc đỏ,” Tổ chức người Mỹ gốc Việt cấp tiến (PIVOT) nói trong một thông cáo ra ngày 9/1. “Lá cờ này từ lâu đã đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nhưng trong ngày hôm đó, nó bay cạnh những lá cờ đại diện cho sự thù hận và bất dung thứ.”

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng hoà do Mỹ hậu thuẫn nhưng bị chính quyền Cộng sản bắc Việt đánh bại vào năm 1975 đã được những người tị nạn Việt mang theo tới Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Lá cờ này được kéo lên trong các sự kiện của cộng đồng người Việt trong hơn 4 thập niên qua, như các dịp Tết hay trong rất nhiều các buổi biểu diễn.

“Với người Mỹ gốc Việt, lá cờ này đoàn kết chúng ta vì chúng ta có cùng chung một di sản và lịch sử,” PIVOT nói trong tuyên bố. “Nó khiến chúng ta tưởng nhớ đến người thân đã hy sinh và bỏ mạng cho một niềm tin. Chúng ta tôn vinh nó vì nó nhắc nhở chúng ta là ai và đến từ đâu.”

“Khi tôi thấy lá cờ Việt Nam Cộng hòa tung bay trong cuộc đảo chính không thành công tuần trước, tôi cảm thấy vô cùng tức giận và xấu hổ,” Bee Nguyễn, dân biểu gốc Việt tiểu bang Georgia nói trong một đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 11/1. Phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bầu vào cơ quan lập pháp của Georgia cho biết rằng cô đã quyết định mặc áo dài cho buổi tuyên thệ nhậm chức thay vì với lá cờ mà trước đó đã được những người gốc Việt mang đến cuộc biểu tình và họ “không nói thay” cho cô. Dân biểu Bee Nguyễn trúng cử vào Hạ viện Georgia năm 2017 và tái tranh cử lần thứ 2 vào tháng 11 vừa qua mà không có đối thủ.

Giống như dân biểu Bee Nguyễn, anh Nguyễn Tín, một cư dân gốc Việt sống ở Houston, Texas, cũng cảm thấy “xấu hổ” khi chứng kiến hình ảnh lá cờ vàng 3 sọc đỏ, mà anh gọi là “Hoàng Kỳ” bởi “nó tượng trưng cho nền dân chủ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 và giờ đây là những người Việt yêu chuộng hòa bình và tự do trên đất Mỹ cũng như mọi nơi khác trên thế giới”, xuất hiện trên thềm Điện Capitol ngày 6/1.

“Đó là một điều không chấp nhận được – một điều sỉ nhục đối với Hoàng Kỳ,” anh Tín nói. “Vì lá Hoàng Kỳ đó đã có biết bao nhiêu người đổ máu và bảo vệ nó và giờ đây nói đại diện cho tất cả những người Việt Nam (ở hải ngoại). Giờ đây báo chí Mỹ đã đặt câu hỏi tại sao lá Hoàng Kỳ đó lại nằm chung với những lá cờ biểu tượng của sự kỳ thị và bạo loạn.”

Một số tiểu bang ở Mỹ đã cho phép lá cờ VNCH được phép treo ở trường học trong khi cấm cờ Đỏ sao Vàng – hiện là cờ chính thống của Việt Nam, và anh Tín lo ngại rằng “một khi họ thấy được lá cờ vàng nằm chung với những lá cờ biểu tượng kỳ thị kia thì các nhà lập pháp tiểu bang có còn cho phép cờ VNCH tung bay trong các trường học nữa hay không.”

Dân biểu gốc Việt của tiểu bang Massachusetts, Trâm Nguyễn, từng nói với VOA rằng bà đang nỗ lực thúc đẩy để cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền miền Nam Việt Nam được chính thức công nhận tại tiểu bang này. Tuy nhiên hôm 7/1, dân biểu này đã lên án các “hành động bạo lực của những chiến binh ủng hộ (Tổng thống) Trump cùng những kẻ khủng bố trong nước vì đã vi phạm an ninh tại Điện Capitol của Hoa Kỳ, đe doạ sự an toàn của người dân chúng tôi và khiến nhiều người thiệt mạng”

Nghia Bui, một cư dân gốc Việt ở Allen, Texas, bày tỏ cảm giác “đau đớn nhất” của mình qua Facebook khi nhìn thấy những hình ảnh lá cờ VNCH trong cuộc bạo loạn hôm 6/1. “Bố tôi đã ngã xuống để bảo vệ lá cờ này vào năm 1968,” ông viết. “Những người đó làm tôi rất tức giận.”

Nhà văn Mỹ gốc Việt đoạt giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt cũng bày tỏ sự “tức điên” của mình về hình ảnh lá cờ VNCH trong cuộc bạo động tại Quốc hội Mỹ qua một đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 8/1. Nhà văn này đặt câu hỏi liệu một số những người Mỹ gốc Việt, những người chạy khỏi chế độ độc tài và luôn tự cho mình là những người yêu nước, lại đang hết mình gắn kết với một phong trào sùng bái cá nhân ủng hộ Trump, gắn bó chặt chẽ với sự phẫn uất của nhóm người thượng đẳng da trắng và liên minh bảo vệ họ hay sao?

Với việc lên án những người mang lá cờ VNCH trong cuộc tấn công tại toà nhà Quốc hội, tổ chức cấp tiến của người Mỹ gốc Việt PIVOT nói rằng những người này “không đại diện” cho cộng đồng khi “họ đi ngược lại với các giá trị căn bản mà chúng ta trân trọng.”

“Đáng tiếc”

Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với những người không biết về sự ủng hộ của những người gốc Việt ở Mỹ đối với Tổng thống Trump khi họ thắc mắc tại sao lá cờ VNCH, một chính thể trên thực tế đã không còn tồn tại kể từ sau năm 1975, lại có mặt trong rừng biểu ngữ bài Do Thái hay cờ chiến của Liên minh miền Nam thời nội chiến Hoa Kỳ tại cuộc bạo động mà giới lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ coi là một âm mưu nhằm lật đổ chính phủ.

Theo Chủ tịch cộng đồng Việt tại Jacksonville, Florida, Lê Đình Yên Phú, việc lá cờ VNCH xuất hiện trong cuộc tấn công vào toà nhà Quốc hội Mỹ và bị gắn với những lá cờ được coi là “nổi dậy” ngày 6/1 là một điều “đáng tiếc.”

“Người biểu tình (gốc Việt) đi ủng hộ với tư cách rất ôn hòa, không có chủ đích tới đó để bạo loạn hoặc làm những chuyện không hay như phá phách,” anh Phú nói và cho biết rằng những người bạn gốc Việt của anh đã tham gia biểu tình một cách ôn hòa cũng như những lần trước đó trong thời gian trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng 11 năm ngoái.

Theo anh Phú, người gốc Việt tham gia biểu tình hôm 6/1 “chỉ muốn nói lên tiếng nói ủng hộ công bằng cho cuộc bầu cử .”

“Chúng tôi tự hào khi mang lá Cờ Vàng đi biểu tình ôn hoà, đòi công bằng, minh bạch cho cuộc bầu cử của Hoa Kỳ và cho tổng thống Donald J. Trump,” một người gốc Việt tham gia cuộc biểu tình hôm 6/1 tại Washington DC, Nguyễn Trà My, cho biết trên trang Facebook cá nhân. “Chúng tôi KHÔNG ủng hộ bạo động và cũng chưa từng tham gia bạo động. Tất cả những ai làm trái pháp luật thì phải chịu xét xử và hình phạt trước toà.”

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt là nhóm thiểu số gốc Á duy nhất ở Hoa Kỳ có phần đông người bỏ phiếu bầu cho ông Trump tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, theo khảo sát hậu bầu cử của Quỹ Bảo vệ Pháp lý và Giáo dục của người Mỹ gốc Á AALDEF. Nhiều người trong cộng đồng Việt đã ủng hộ các cáo buộc vô căn cứ của Tổng thống Trump về một cuộc bầu cử mà ông Trump cho là “bị đánh cắp,” bởi ông tin rằng mình là người chiến thắng. Nhiều trong số họ hôm 6/1 đã tham gia biểu tình tại San Jose, California – nơi có cộng đồng gốc Việt sinh sống nhiều nhất ở Mỹ, để ủng hộ Tổng thống Trump.

Trong cùng ngày 6/1, ông Trump đã xuất hiện trước đám đông hàng chục nghìn người từ khắp nơi đổ về thủ đô Washington DC ủng hộ ông trong lúc quốc hội xác nhận kết quả của Đại cử tri đoàn mang tính thủ tục như được quy định trong hiến pháp. Tại đó ông Trump có bài phát biểu mà AP gọi là “đầy giận giữ” và kêu gọi các ủng hộ viên hãy “chiến đấu để ngăn chặn việc bầu cử bị đánh cắp” cũng như tuần hành tới Điện Capitol. Đám đông bạo loạn mang theo những lá cờ đã tràn vào Điệp Capitol, áp đảo các lực lượng an ninh bảo vệ quốc hội Mỹ, đập vỡ nhiều cửa kính cũng như châm biếm định chế dân chủ với những bức ảnh chụp họ ngồi trên những chiếc ghế quyền lực tại đây. Hạ viện Mỹ hôm 13/1 khởi động tiến trình luận tội Tổng thống Trump vì vai trò của ông trong vụ tấn công này.

“Tội cho những người Việt đã thật sự có lòng (ủng hộ TT Trump) và sự việc xảy ra ngoài ý muốn,” anh Phú nói và bày tỏ nỗi buồn vì sự việc này cũng như mong cộng đồng Việt không bị chia rẽ vì điều đó.

“Chúng ta luôn trân trọng (lá cờ vàng 3 sọc đỏ) đại diện cho sự đoàn kết của chúng ta,” tổ chức PIVOT nói. “Chúng ta luôn trân trọng nó qua nỗ lực biến các hoài bão của thế hệ người tị nạn đầu tiên đã dành cho các thế hệ sau trở thành hiện thực.”


CẢNH SÁT VIÊN GỐC VIỆT Ở HOUSTON XÂM NHẬP QUỐC HỘI NGÀY BẠO LOẠN


NGƯỜI VIỆT 13-1-2021


HOUSTON, Texas (NV) – Ông Art Acevedo, cảnh sát trưởng thành phố Houston, cho biết một cảnh sát viên dưới quyền tham gia trong cuộc bạo loạn tại Quốc Hội vào ngày 6 Tháng Giêng.

Trong buổi họp báo ngày Thứ Tư, 13 Tháng Giêng, ông Acevedo cho hay rằng ông đã nhận nhiều thông tin về một nhân viên trong Sở Cảnh Sát Houston tham gia trong cuộc bạo loạn tại điện Capitol, và ngay lập tức vị cảnh sát trưởng liên lạc với FBI cùng phối hợp điều tra nội vụ.

Cảnh sát viên Phạm Đình Tâm tại Houston bị tạm ngưng chức vì 
tham gia trong cuộc bạo loạn tại Quốc Hội. (Hình chụp màn hình 
đài KPRC 2)

Nguồn tin của đài Fox 26 cho biết tên của cảnh sát viên được đề cập là Phạm Đình Tâm.

“Một nhân viên thuộc Sở Cảnh Sát Houston được xác định đã dùng thời giờ riêng để tham gia cuộc tập họp, điều này phù hợp với quyền tự do ngôn luận, nhưng qua cuộc điều tra cá nhân này đã xâm nhập trái phép vào điện Capitol,” vị cảnh sát trưởng thông báo.

Cảnh sát viên Tâm đã bị ngưng chức vụ và có 48 tiếng để có một cuộc giải trình với cảnh sát trưởng.

“Xin lưu ý, tất cả mọi người đều có quyền tự do ngôn luận hiến định để hành xử phù hợp với tu chánh án này, nhưng lưu ý rằng chúng ta không được phép vượt qua giới hạn và làm trái luật,” cảnh sát trưởng diễn giải.

Ông Acevedo nhấn mạnh: “Điều tôi có thể nói hiện tại đó là nhân viên này hầu như sẽ bị truy tố tội liên bang.”

Ông Tâm làm việc tại Sở Cảnh Sát Houston trong 18 năm và chưa hề bị kỷ luật.

“Cho đến lúc này, chúng tôi tin rằng ông Tâm đã đến Washington, DC một mình, nhưng mọi việc vẫn trong vòng điều tra với FBI và đội đặc trách chống khủng bố, và văn phòng điều tra nội bộ của sở cảnh sát địa phương,” ông Acevedo cho biết thêm.

Nghiệp đoàn cảnh sát thành phố Houston cho biết dự đoán ông Tâm sẽ từ chức vào ngày Thứ Năm. (MPL) [qd]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét