Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

20210130. TẢN MẠN VỀ THỜI CUỘC ĐẦU NĂM 2021

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ THỜI CUỘC KHI BƯỚC VÀO NĂM 2021
(MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI SỐ 101)
TƯƠNG LAI/ BVN 22/1/2021


GS. Tương Lai

*Từ chuyện lẩy Kiều và dẫn Kiều...

Hình như ai cũng biết chuyện thích lẩy Kiều, sính dẫn Kiều đang là thời thượng. Có khi là một thủ pháp ngoại giao, có khi lại là một thủ đoạn chính trị. Chẳng phải là câu lẩy Kiều của Joe Biden “trời còn để có hôm nay....” cách đây năm năm có vẻ “thiêng” đó sao! Cho dù sương vẫn chưa tan hết đầu ngõ và trời có khi vẫn phủ mây đen. Đương nhiên ngài Phó Tổng thống không thể biết rằng hai câu trích ấy lại nằm trong một “phần đuôi” không mấy hay ho và hấp dẫn của Truyện Kiều. Ai đó chuẩn bị diễn văn cho ông Biden chắc không nghĩ đến chuyện xui xẻo này. Liệu câu lẩy Kiều như một thủ pháp ngoại giao kia có “vận vào” câu chuyện chính trị phức tạp của màn “đu dây” sắp tới của ngài Tổng thống Mỹ vừa làm lễ nhậm chức? Là nói màn “đu dây” truyền thống của lãnh đạo Việt Nam luôn phải liếc mắt sang Tàu khi muốn tiến gần hơn với Mỹ trong một số quyết sách.

Còn dẫn Kiều của ông Nguyễn Phú Trọng gần đây, thì ngoài cái chuyện chuyển tải một thông điệp không tiện nói ra, ta đây từng là sinh viên khoa Văn ở một trường đại học danh giá chứ không như đám võ biền..., cái lối lấp lửng kiểu “đến rằm thì trăng tròn” để rồi ngầm hiểu rồi sẽ “hơn mười rằm xưa” vì “chưa bao giờ đất nước lại được như ngày hôm nay” một điệp khúc được ông nhắc lại nhiều lần.

Ông Phó Tổng thống dạo nào trở thành tân Tổng thống của nước Mỹ sau khi vượt qua những trở lực được tạo ra bởi vị Tổng thống đương nhiệm đang phát điên khi biết rằng mình bị đánh bại đã phát động một cuộc bạo loạn ghê tởm trong một ngày đầy kịch tính ở Capitol Hill “không thua gì các tác phẩm của Shakespeare” như Laura Trevelyan miêu tả. Bỗng nhớ đến cuộc điện thoại với Bùi Văn Nam Sơn cách nay 2 tháng khi anh hỏi thăm về sức khoẻ và trả lời câu hỏi của tôi về những gay cấn và lộn xộn trong bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3.11.2020.

Ông bạn học giả quý mến của tôi bình thản nhận định: “Lộn xộn cỡ nào thì cuối cùng trật tự cũng phải được vãn hồi thôi anh ạ. Nước Mỹ có một nền tảng luật pháp vững chắc lắm”. Tôi cho rằng có lẽ vào thời điểm ấy, Bùi Văn Nam Sơn cũng không ngờ được nền dân trị Mỹ lại có thể làm nảy sinh cuộc bạo loạn ngày 6.1.2021! Mới hôm qua, ngày 18.1.2021, RFI đưa tin “Chung quanh Nhà Trắng, Điện Capitol, toàn bộ trung tâm thành phố Washington bị phong tỏa bởi xe của cảnh sát và quân đội. Các chốt kiểm soát đã được dựng lên khắp nơi. Cả thành phố được bảo vệ ở mức độ rất cao chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Joe Biden”.

Trong đầu tôi thoáng gợi ra những nhận định của Alexis de Tocqueville, một học giả người Pháp được xem là đã hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ. Tác phẩm “Về nền dân trị ở Mỹ” của ông viết năm 1835, bên cạnh bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, được tôn thờ gần như là một thứ “tôn giáo chính trị” đến nỗi đầu thế kỷ XXI, vẫn còn có rất nhiều trí thức Mỹ tự nhận là môn đồ của tác giả cuốn sách đã trở thành kinh điển đó (“We are all Tocquevillians now”!) mà Bùi Văn Nam Sơn đã phân tích trong một tiểu luận về Tocqueville anh đã gửi cho tôi:

Trong bối cảnh rối ren và hoang mang của châu Âu đương thời, Tocqueville đưa ra luận điểm “Les jeux sont faits” (Ván bài đã ngã ngũ), thắng lợi của nền dân trị là không có gì có thể ngăn cản được và sớm muộn sẽ là chung quyết và bất khả vãn hồi. Vấn đề còn lại là phải tìm hiểu, phân tích, suy tưởng và dự báo về mọi khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của nó”.

Trong chuyến du khảo nước Mỹông đã phát hiện được “các điều kiện nền tảng về luật pháp và tập tục có giá trị cho bất kỳ hình thức nào của nền dân trị. Ông cũng nhìn ra được “hình ảnh của bản thân nền dân trị, của nỗ lực, bản chất, những định kiến và những đam mê của nó. Hình ảnh ấy gợi lên nhiều vấn đề phải suy nghĩ và tiếp tục nghiên cứu. Nhà triết học và xã hội học người Pháp ấy sớm nhận ra những nguy cơ tiềm tàng của mô hình xã hội mới. Để khắc phục chúng, nền dân trị, theo ông, cần học tập quá khứ, không phải để phục hồi nó một cách vô vọng, mà để tìm sự cân đối mới cho các chức năng xã hội và chính trị.

Chính từ cách nhìn ấy của Tocqueville mà nhiều nhà tư tưởng ngày nay xem sự bất lực của nền dân trị hiện đại trong việc “tự khẳng định” chính mình là một trong các cực đoan ở thế kỷ XX (Eric Hobsbawm) vượt khỏi cả sức tưởng tượng của nguyên nhân chủ yếu có thể khiến nền dân trị bị trượt dài vào nền độc tài. Người lãnh đạo độc tài và mị dân, hệ tư tưởng toàn trị và toàn thống dễ dàng tự cho mình có sứ mệnh và thẩm quyền mang lại “lối thoát” cho nền dân trị với cái giá mà nhân dân phải trả trong “thời đại của những cực đoan” ở thế kỷ XX vượt khỏi cả sức tưởng tượng của Tocqueville! Phải chăng sự kiện ô nhục diễn ra tại điện Capitol ngày 6.1.2021 là minh chứng hoàn hảo cho điều đó.

Nhưng rồi, cuối cùng trật tự đã được vãn hồi như ông bạn học giả của tôi bình thản khẳng định! Thật tình mà nói, tôi không có được sự bình thản ấy của anh, người mà tôi thường đọc với sự trân trọng và ngưỡng mộ những tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật của anh. Có thể là cái vốn kiến thức trong lĩnh vực này của tôi còn nông cạn đối chiếu với sự uyên bác và sâu sắc của bạn tôi.

Điều đang trĩu nặng trong tôi là nền dân chủ dựa trên thiết chế tam quyền phân lập, gắn với một xã hội dân sự mạnh mẽ, cùng với nền báo chí độc lập và tự do, những thành tựu của văn minh khởi đầu với “Thế kỷ Ánh sáng” đều đang bị ngăn cấm. Tất thảy những điều tốt đẹp ấy đều được quy chiếu vào danh mục các tội trạng phải trấn áp đã rập theo cái mô hình đã quá lỗi thời và đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Sự sụp đổ ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng phải chăng đó là hệ luỵ khủng khiếp của luận điểm “đấu tranh giai cấp là động lực của sự phát triển, càng đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cuộc đấu tranh ấy càng khốc liệt hơn nên phải quyết liệt giữ vững và đẩy tới chuyên chính vô sản. Ấy vậy mà Việt Nam lại giữ quá lâu sự chuyên chính khủng khiếp đó, hơn nữa lại là nơi giữ lâu nhất trong các Đảng Cộng sản, kể cả Đảng cầm quyền và Đảng không cầm quyền trên thế giới! Oái oăm hơn lại coi đó là biểu hiện sự trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin mà không biết rằng (hoặc cố tình bịt mắt mình) thật ra, nếu có một tìm hiểu có hệ thống và chặt chẽ, nghiêm cẩn thì không có cái gọi là Chủ Nghĩa Mác-Lênin, mà đó chỉ là sản phẩm áp đặt của Stalin rồi Mao Trạch Đông đưa vào vận dụng ở Trung Quốc vói những hậu quả tai hại thế nào thì ai cũng biết. Vì vậy mà từ hơn 40 năm qua, hầu hết các Đảng Cộng sản đã bỏ không dùng thuật ngữ chủ nghĩa Mác-Lênin nữa. Chỉ còn Việt Nam, cùng với bốn nước nữa quyết theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng nếu xét kỹ thì về thực chất, đối chiếu với những nguyên lý, nguyên tắc và phương châm của chủ nghĩa xã hội thì cũng đã bị vứt bỏ từ lâu với những biểu hiện khác nhau. Với Tập Cận Bình, “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quc” chính là chủ nghĩa tư bản mang màu sc Trung Quốc với khát vọng làm bá chủ thế giới đang trở thành một siêu cường hung đồ. Rồi Bắc Triều Tiên, Lào, Cuba thì họ tiến hành “xây dựng chủ nghĩa xã hội” bằng nhiều cách rất khác nhau. Ấy vậy mà ở Việt Nam, vì trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, nên phải kiên định nguyên tắc “chuyên chính vô sản” với những nhãn hiệu lập lờ nhằm quyết liệt thực hiện chế độ toàn trị.

Những điều vừa trình bày thì trong tiểu luận “Chân lý là cụ thể” viết cách đây 16 năm, năm 2005 và đã gửi đến các nhà lãnh đạo và Hội đồng Lý luận Trung ương do Tô Huy Rứa làm Chủ tịch. Tác phẩm chỉ nhận được sự hồi âm với sự cổ vũ nhiệt tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Thủ tuớng Võ Văn Kiệt mà tôi đã viết khá kỹ trong “Mênh mông thế sự” năm 2006. Những điều này cũng đã được trình bày tương đối rõ trong tham luận gửi Hội thảo “Về phương luận nghiên cứu Chủ thuyết phát triển và tư tưởng Hồ Chí Minh” ngày 6.4.2009 theo lời mời của Chủ tich Hội đồng Lý luận Trung ương Tô Huy Rứa (và rồi trước ngày khai mạc Hội thảo thì tôi được gợi ý là “anh không nên đến Hội thảo vì tham luận anh viêt sẽ không được trình bày” theo lời của người được cử đến với một phong bì “nhuận bút” mà tôi từ chối không nhận với một lời nhắn “Tô Huy Rứa nợ tôi một lời xin lỗi”). Quả đúng “Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể” như lời của Otto Bismarck, chính trị gia người Đức, được xem là một thiên tài chính trị thế kỷ 19. Nhưng để áp đặt những tri thức đã quá lỗi thời thì nhà chính trị độc tài kém hiểu biết đôi khi cũng chẳng có tí ti nghệ thuật nào mà chỉ có thô bạo áp đặt.

Xin dẫn ra đây nguyên văn lời ngài Tổng bí thư phát biểu tại Vĩnh Phú, được VTV1 đài truyền hình trích dẫn và đài VOA ngày 26.2.2013 đưa tin: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến, cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.” “Xem ai có tư tưởng... Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó”.

Khỏi cần phải nói thêm vì cách nay tám năm, ngày 28.2.2013 trong Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Phú Trọng, tôi đã trình bày khá kỹ điều này, xin miễn nói lại. Chỉ xin nhắc lại khuyến cáo của Montesquieu, nhà “khai sáng” Pháp: Sự sa đọa của mỗi chính thể hầu như bao giờ cũng bắt đầu từ sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể ấy”.

Chúng ta đang chứng kiến sự sa đoạ ấy khi mà người đang nắm trong tay sức mạnh của quyền lực, do tham vọng quyền lực quá lớn, nói đúng hơn, sự tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị kéo quá dài. Vì thế mới có mưu toan vứt bỏ quy định của Điều lệ Đảng để ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa với lý do là không có ai đủ trình độ để ngồi vào cái ghế mà ông ta đang ngồi!

Điều này không lạ với các thể chế độc tài toàn trị. Tôi muốn dẫn ý của tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm trên BBC ngày 13.1.2021 về tính cách của kẻ độc tài: “Louis XV đang ngồi cho họa sĩ vẽ chân dung quốc gia, cũng như khi ông Diệm nghe bài ca “Suy tôn Ngô Tổng thống muôn năm,” cả hai đã từng buột miệng nói lên lời nguyền từ Kinh Cựu Ước, “Après moi, le déluge - Sau Ta sẽ là Hồng thủy.” Họ tin rằng chỉ có họ mới giữ được cơ đồ. Ngày hôm nay, ông Trọng nhìn vào cơ đồ của Đảng chắc ông đang phải than, “Sau Ta sẽ là Hồng thủy.”

Kết cục là thế nào, sự khơi gợi khá sắc sảo và cũng không kém phần tế nhị của tiến sĩ Liêm gợi thêm những suy ngẫm trong tôi khi vừa đọc được một phát biểu rất súc tích của ông bạn Nguyễn Sỹ Dũng thân mến của tôi: “Điều lệ là Hiến pháp của Đảng. Trung thành với Đảng là trung thành với Điều lệ của Đảng hơn là với những cá nhân cụ thể. Xem ra những ý kiến thẳng thắn được nói công khai của một quan chức, đặc biệt là vào thời điểm “nhạy cảm” khi ngài Tổng bí thư vừa khẳng định trong diễn văn bế mạc hội nghị 14: “... Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đoàn kết một lòng, với quyết tâm và nỗ lực rất cao, đã hoàn thành toàn bộ chương trình công tác toàn khoá đã đề ra” quả là hiếm hoi, có lẽ phải coi là “quý hiếm” cần đưa vào “sách đỏ” (xin nói thêm là ông bạn thân mến của tôi là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nghỉ hưu). Dù sao đây cũng đem lại một niềm vui nho nhỏ để tiếp tục tản mạn đôi điều.

**Đến những giai thoại về “người điên”...

Những ngày cận kề Đại hội, cuộc chiến quyền lực một mất một còn với Hội nghị Trung ương 13, 14 ngài Tổng Chủ xuất hiện với những lời răn đe liên tục mà những nhân vật lõi đời đều ngầm hiểu rằng: “Hãy ngoan ngoãn tuân theo việc cơ cấu nhân sự đã cơ bản xong bất chấp Điều lệ Đảng, chỉ định trước và bầu sau (điều mà trong thư ngày 25.10. 2020 gửi các vị lãnh đạo nhân lời kêu gọi góp ý Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13, chúng tôi đã vạch rõ). Những ai không chịu ngoan ngoãn, định cựa quậy phản đối sự áp đặt thiếu dân chủ, phê phán sự vi pham điều lệ Đảng trắng trợn đó, thì liệu đấy, một hồ sơ đang nằm yên trong tủ sẽ lập tức được ném lên bàn “trình làng”, và rồi, đang là quan chức sẽ biến thành củi, ném vào lò!

Cho nên tỉnh táo để “hạ cánh an toàn” là thượng sách vì xem ra ai, và bất cứ lúc nào, cũng có thể là “củi tiềm tàng”. Ông “chủ lò” biết rõ hơn ai hết những “đồng chí” của mình. Vấn đề chỉ là tuỳ theo tình huống cần xử lý để dẹp yên những bùng nổ mà ngài “Tổng Chủ” e ngại cho dù đã lo toan khá kỹ về “chiến lược” tầm xa, và từng bước có “chiến thuật” thích hợp và bất ngờ. Cho nên chuyện gay cấn nhất cụ Phú Trọng rồi cũng thu xếp được chỉ trong một ngày rưỡi cho dù có vá víu, ép uổng để cốt giữ lấy “cái phần đuôi” “có ý nghĩa cực kỳ quan trọng” với những lời có cánh quen thuộc về những gì vừa diễn ra “nghiêm túc, thật sự dân chủ, trách nhiệm cao, với bầu không khí đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng”!

Trách gì chàng Kim Trọng, để thu xếp bằng được cuộc tái ngộ cũng đưa ra những lời có cánh:

Hoa tàn mà lại thêm tươi,

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”.

Đương nhiên để được ngững lời có cánh ấy, những nhân vật của chúng ta đã phải giằng co, đu kéo, ép buộc. Chả thế mà để tạo ra chuyện bất ngờ, với khẳng định quyền uy của mình trong sắp xếp bộ máy quyền lực, ngài ỡm ờ nửa kín nửa hở “đến rằm thì trăng mới tròn”. Vậy thì bao giờ đến “rằm”, chỉ ông ta mới biết, và đấy là điều “tuyệt mật”. Vì là điều tuyệt mật nên cũng thật bí ẩn.

Bí ẩn cũng như giai thoại về “Nữ thần mặt trăng của La Mã mang tên “Luna”, từ chữ “Lunatic”, nghĩa là “người điên”, “mất trí”. Tiến sĩ Christian Cajochen từ Bệnh viện Tâm thần thuộc Đại học Basel, Thụy Sĩ, cũng như một số khoa học gia khác, từng tuyên bố tìm thấy bằng chứng, cho thấy trăng tròn có thể “kích hoạt” các hành vi bất thường (BBC.10.1.2021).

Hiệu ứng “điên loạn” này không chỉ được dẫn dắt từ phương Tây. Tiện đây xin dẫn câu đối về “người điên” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ mà tôi đã có dịp dẫn trong “Mênh mông thế sự” cách nay ba năm:

“...chủ quán nước bên đường thưa: “Không có kẻ điên để mà nhìn vào, thì sẽ khó mà nhận ra mình là điên hay tỉnh, cụ lớn ạ. Cho nên nếu vắng người điên thì cả tổng sẽ… điên. Hồi ấy một người điên vừa bị chết, cả tổng nháo nhác nhìn nhau, anh nọ cứ mong anh kia điên trước cho mình nhờ. Kéo dài mấy năm như thế, thành ra cả một tổng điên, loạn hết cả lên. May sau đó được quan trên điều một anh điên thật về. Lập tức mọi người tỉnh ra ngay, từ đó anh nào anh nấy mới nhận ra rằng mình… không điên.”

Từ đó, các cụ ở tổng tôi trước khi chết đều dặn lại con cháu, rằng phải giữ gìn kẻ điên cho cẩn thận, chu đáo, như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nếu chẳng may vắng người điên thì phải tìm cách mà bán xới đi nơi khác, chớ có dại mà sống ở một tổng toàn điên.

Chuyến ấy trở về, Nguyễn Khuyến lập tức lấy giấy bút, lại viết ngay ra mấy chữ: “Khiếm nhất phi nhân tổng phi nhân” (vắng một thằng điên, cả tổng điên). Viết xong treo lên, cùng với câu hôm trước: “Xuất tam hiền giả hương hiền giả” (hiện ba hiền giả, cả làng thành hiền giả). Cụ ngồi gật gù mãi, thành ra một câu đối rất chỉnhCâu đối ấy ngày nay vẫn còn:

“Xuất tam hiền giả hương hiền giả

Khiếm nhất phi nhân tổng phi nhân”

(Hiện ba hiền giả, cả làng thành hiền giả

Vắng một thằng điên, cả tổng điên)

Giai thoại đông tây thực hư ra sao tôi không có khả năng kiểm chứng nhưng rất thấm thía cái ẩn ý bên trong khi “phải giữ gìn kẻ điên cho cẩn thận, chu đáo, như giữ gìn con ngươi của mắt mình” đã gợi lên những suy ngẫm mông lung.

Nhân nói về Nguyễn Khuyến, xin kể câu chuyện liên quan đến “trăng rằm” trong thân phận nàng Kiều. Trước những lời tán tỉnh mùi mẫn của Kim Trọng cố tìm mọi cách chiêu tuyết cho người tình xưa, thì Thuý Kiều đã dám nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng: Thiếp từ ngộ biến đến giờ, Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa, Bấy chầy gió táp mưa sa, Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn. Chẳng những thế nàng còn đau đớn nặng lời hơn về sự “thu xếp” của chàng:

Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa.

Cũng là giở giuốc bày trò,

Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi

Thế nhưng Kim Trọng vẫn cố làm mới lại cuộc tình mười lăm năm trước nên đã tìm được ra những lời có cánh để thăng hoa hết cỡ:

Hoa tàn mà lại thêm tươi,

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”.

Không bằng lòng về những lời tán tỉnh quá lố ấy, cụ Nguyễn Khuyến đã nói thẳng ra thực chất của chuyện cố gắng vớt vát đáng thương ấy:

Chẳng trách chàng Kim đeo đẳng mãi,

Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi”.

Hình ảnh “cái phần đuôi” này tôi đã dẫn ra như một ẩn dụ ngay ở phần đầu của câu chuyện tản mạn này với những mối tương quan có phần éo le và phức tạp trong dòng chảy của những suy ngẫm. “Cái phần đuôi” trong thân phận éo le, số kiếp long đong của Thuý Kiều - Kim Trọng cũng dồn dập những tình huống để bộc lộ tính cách. Điều đó dẫn đến những trầm tư về thời cuộc cũng đang trong thời điểm “phần đuôi” của “sự sa đọa của mỗi chính thể hầu như bao giờ cũng bắt đầu từ sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể ấy” đã trình bày ở trên.

Ước gì các “chính khách” có đủ bản lĩnh để nhìn thẳng vào sự thật như Thúy Kiều và nói lên cái sự thật khắc nghiệt đang diễn ra “Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời”!

Còn cụ Nguyễn Khuyến không những tỉnh táo mà còn sâu sắc khi chỉ ra nguyên nhân của tấm thảm kịch mà nàng Kiều phải chịu đựng:

Thằng bán tơ kia giở giói ra,
Làm cho bận đến cụ viên già.
Muốn êm phải biện ba trăm lạng
...

...Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?

Xin mạo muội mà thưa với cụ Tam nguyên Yên Đổ, những “thằng bán tơ” của thế kỷ 21 đang được huy động để hỗ trợ cho việc thanh toán đối thủ trước thềm của Đại hội 13 còn thâm hiểm và trắng trợn hơn nhiều. Vì “đời sau” thì để làm quan, để có một chức quan phải là chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ ứng với thứ tự được cơ cấu vào thứ bậc nào.

Thì đó, chuyện sốt dẻo khi “Đảng đang bước vào những ngày cuối để Đại hội”, ông bạn nhà báo thân quen của tôi đã “chào mừng” bằng một câu chuyện rất cập nhật về mua bán chức với bài viết nhan đề trên.

Chuyện rằng “...Phương H, mua chức vụ phó vụ Quan hệ Quốc tế của một bộ với giá thoả thuận 27 tỉ đồng. Khi mụ ta thoả thuận giá này là đã tinh ranh thăm dò, tìm hiểu giá thị trường mua quan bán chức thế nào rồi nên mới chấp nhận cái giá 27 tỉ đồng khủng ấy.

Và mụ ta, đương nhiên phải là một cán bộ đảng viên cấp phòng quá biết vì sao mình có 27 tỉ đồng trong hàng chục tỉ đồng thậm chí hàng trăm tỉ đồng gia sản, nên cũng thừa biết đi buôn phải có lời, thậm chí lời khẳm nếu được nâng chức lên vụ phó... giời ạ, cái chức vụ phó tí hin đã phải mua 27 tỉ đồng. Vậy cái chức vụ trưởng, thứ, bộ rồi trung ương này nọ, giá bao nhiêu?. Giá bao nhiêu trong chuyện mua bán mà nói cụ thể ra có khi nguy hiểm vì chắc cũng là “tuyệt mật”. Thì chẳng phải trong những lời vàng ngọc tại các cuộc họp cận kề đại hội, cụ Tổng đã nhiều lần răn dạy phải ngiêm cấm bằng được tệ nạn mua quan bán chức đó sao.

Nhờ cáo trạng do Viện Kiểm sát Thành phố Hà Nội công bố mà công chúng mới thấy ra rằng bên “bán” cũng là quan chức nhà nước, và cuộc mặc cả bẩn thỉu này cho thấy một sự thật ghê tởm đang cấp tập và nhộn nhịp diễn ra suốt trong quá trình “chuẩn bị nhân sự” trước ngày đại hội từ cấp cơ sở đến cấp thượng đỉnh. Nhà báo giận quá văng ra: “Muốn nhổ nước bọt vào bọn khốn nạn như con mụ Phương H này quá”! Chắc là cố tự kiềm chế để không văng tiếp điều đáng phỉ nhổ hơn mà anh đã viết “chỉ truy tố và lên án kẻ lừa đảo mụ H mua chức cho mụ và coi mụ là nạn nhân bị lừa đảo mà không truy tố và trừng trị mụ H ấy vì tội dùng tiền mua quan”. Cụ Nguyễn Khuyến thật sâu sắc khi nêu lên cái sự thật “có tiền việc ấy mà xong nhỉ”, một quy luật thép xuyên suốt đông tây kim cổ.

Nói về “quy luật thép” tôi sực nhớ đến bài viết cực kỳ sâu sắc “Con người không có cánh trên “Thời Đại Mới” cũng có nhiều quy luật thép. Để rồi xúc động nhớ lại mấy dòng gan ruột trong thư từ Paris của giáo sư Cao Huy Thuần đã gửi cho tôi: “Tôi hiểu anh đến tận ruột gan bởi vì tôi lấy ruột gan của tôi để đọc thư anh. Giữa anh và tôi như thế là quá đủ, nói gì thêm cũng thừa “Thoại nhược đầu cơ bán cú đa”. Nói chuyện mà trúng ý thì nửa lời cũng nhiều, thiền tông dạy như vậy... Trong văn chương Việt Nam chữ “nửa” hay vô cùng tận:

Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Ngay cô Kiều nhìn lên trời cũng thấy chữ “nửa”

Vầng trăng ai xẻ làm đôi...

...văn chương cho đỡ buồn, và cũng muốn mượn nó để gửi anh cái chữ “nửa” lấy từ ruột gan.

Xúc động đọc những lời lấy từ ruột gan ấy, càng thấm thía chiều sâu ý tưởng được trình bày với một văn phong quen thuộc trong một chính luận về tiến trình dân chủ trong lịch sử Tây phương vừa đăng trên “Thời Đại Mới”, ông bạn học giả thân kính của tôi đã trình bày một cách súc tích và dễ hiểu về lịch sử nền dân chủ Tây phương với nhan đề “Con người không có cánh” để rồi kết thúc bài viết với ý tưởng “ruột gan”:

“Xin để các tác giả ở những nước dân chủ Tây phương phân tích tình trạng con người không có cánh. Lý tưởng của chúng ta là chắp cánh cho ai nấy đều bay lên. Không phải con người bay lên là nhà cầm quyền thấp xuống. Cả hai đừng chặt cánh của nhau để cả hai cùng bay lên”.

Tôi thẫn thờ suy ngẫm mông lung về những điều tôi vừa tản mạn trình bày và lại muốn dẫn ra đôi dòng trong bài viết hàm súc của anh:

Lịch sử, theo Pareto, chẳng có gì khác hơn là “nghĩa địa của thiểu số thống trị”: thiểu số này nằm xuống thì thiểu số khác lên thay. Và bởi vì bản chất của thiểu số nằm xuống khác với bản chất của thiểu số đang vươn lên, cho nên lịch sử biến chuyển.

Khái niệm tầng lớp ưu tú của Pareto bắt nguồn từ khái niệm “giai cấp chính trị” của Mosca. Ở đâu cũng thế, phía trên của quần chúng là thiểu số cai trị, nắm quyền và lợi dụng quyền hành để chiếm đặc quyền, đặc lợi. Thiểu số này cấu kết với nhau chặt chẽ, nương nhờ nhau, liên hệ nhau, đó đây qua lại, lợi lộc phân chia, tâng bốc tung hô nhau, đắp bờ dựng lũy để củng cố cho nhau, nói tóm lại, một thiểu số biết tổ chức, biết xây nền móng để trở thành một giai cấp thực sự.

Thế thì ở đâu cũng vậy, ở đâu cũng chỉ một luật thép này thôi: “Luật thép của thiểu số”. Đó là câu nói và lý thuyết nổi tiếng của Roberto Michels. Nghiên cứu Đảng Xã hội Đức, ngọn hải đăng cách mạng và dân chủ trước thế chiến thứ nhất, Michels chứng minh rằng bất kỳ tổ chức nào cũng có khuynh hướng đi đến thiểu số cai trị. Tổ chức càng lớn dần thì sự kiểm soát của quần chúng càng chỉ có tính cách hư ảo, vì quần chúng thiếu thì giờ, thiếu chuyên môn, thiếu quyền uy. Cơ cấu nào, nhiệm vụ nào đều có khuynh hướng tự nhiên là phân biệt ra mãi; một đảng cũng thế, lúc đầu là quần chúng, sau đó là những người cầm đầu, những người nắm những chức vụ thường xuyên. Các tay làm chính trị chuyên nghiệp đẩy dần vào bóng đêm những người đã có công xương máu, để nắm thực quyền trong mọi tổ chức.

Khủng hoảng hiện nay đâu có gì đáng ngạc nhiên: các học thuyết chính trị mà tôi vừa dẫn ở trên đã bàn bạc từ lâu. Chỉ có điều là bối cảnh chính trị ngày nay đã gia thêm củi lửa để cái nồi nước sôi làm bật vỡ cái vung. Nguy cơ không phải nằm ở những khuyết điểm của dân chủ. Dân chủ Tây phương, cũng như tư bản chủ nghĩa, có cái tài uyển chuyển biết thích ứng, biết tự bổ khuyết bồi ưu để cải tổ, để tiến bộ. Nguy cơ hiện nay nằm ở chỗ khác nữa: ở chỗ dân chủ Tây phương đang lâm vào cái thế lưỡng đầu thọ địch, vừa chống đỡ ở bên trong, vừa bị tấn công từ bên ngoài. Từ đâu? Từ cái chiến trận ý thức hệ mới tinh mà họ Tập đang mở màn để chiếm lĩnh cái đầu của cả thế giới!”.

Tôi dẫn ý của anh Thuần với nỗi quằn quại suy tư: Phải chăng những chính trị gia “có lý luận” đang bị mê muội với “cái chiến trận ý thức hệ mới tinh mà họ Tập đang mở màn để (đang) chiếm lĩnh cái đầu của... họ! Thảm hoạ dân tộc đang phải gánh chịu chính là sự mê muội này đây. Những bước trầm luân trên con đường phát triển của đất nước đang còn quá thiếu những gương mặt “chính trị gia” đủ bản lĩnh để tỉnh táo dám bứt phá để mở đường khi thẳng thắn nhìn vào sự thật và công khai trình bày sự thật cho dù phải trả giá đắt, có khi bằng sinh mạng chính trị của mình, có khi bằng sự khủng bố về tinh thần và cả vật chất của bản thân và gia đình, con cái với thân phận bấp bênh trong cái mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ trên thế giới nhưng lại được tiếp tục kéo quá dài ở nước ta!

Bỗng nhớ lại một câu chuyện khá thú vị diễn ra gần 30 năm trước.

Dạo ấy, trong một chuyên đi khảo sát ở Phú Thọ tình cờ gặp Đức Lượng, Phó tổng biên tập báo Nhân Dân và Đinh Thế Huynh phó tiến sĩ chuyên ngành báo chí ở Liên Xô về và Đức Lượng đã có lần đưa sang giới thiệu với tôi nên quen. Chẳng biết nghĩ sao mà hai chàng lại cắc cớ muốn ngồi xe với tôi “để tiếp tục trao đổi kỹ hơn về công chuyện và cũng muốn thử xem sao cảm giác ngồi trên chiêc LanCruiser mới toanh của anh”. Tôi đành phải thương lượng với hai bạn xã hội học của Viện cùng đi, chuyển sang chiếc Volga rất oách của báo Nhân Dân để cho Lượng và Huynh ngồi cùng tôi. Chuyện khá rôm rả và đôi lúc cũng không tránh gay gắt về chiếc xe Mỹ do UNFPA tài trợ cho Dự án nghiên cứu về dân số học vừa ký kết và lan man chuyện Mỹ, chuỵện Nga. Xe chạy đến cổng cơ quan báo Nhân Dân thì dừng lại. Tôi mở cửa xe để hai nhà “chính trị gia” bước xuống. Trong lời chia tay, tôi tủm tỉm cười: Này, tớ muốn nói thẳng với hai ông bạn trẻ, bớt bớt viết bài chửi Gorbachev. Rồi có khi phải dựng tượng ông ta đấy nhé.

Đức Lượng tròn xoe mắt: “Sao anh lại nói vậy, Bộ Chính trị vừa có chỉ thị về chuyện này đấy, anh chưa đọc à?”. Tôi cười: “Chưa đọc, mà nếu có đọc thì tớ vẫn giữ nguyên nhận thức của một người làm nghề nghiên cứu khoa học. Vả lại đây là tớ đùa riêng với hai người bạn vừa rời khỏi chiếc xe Liên Xô sang ngồi xe Mỹ để trao đổi chuyện hơp tác với một cơ quan của Liên Hiệp Quốc mà người Mỹ đóng góp một phần không nhỏ. Vả chăng làm nghề xã hội học phải đi điền dã liên miên để hoàn thành dự án vừa ký kết, lấy đâu thì giờ mà đọc”.

Đức Lượng với nét mặt bực tức đưa hai tay lên trời: Em chịu hết nổi về anh. Từ khi quen biết anh ở chỗ cụ Duẩn với trách nhiệm biên tập bài vở đã ghi chép, em thấy anh vẫn thế, chẳng chịu thay đổi chút nào, chịu. Đinh Thế Huynh chỉ im lặng không nói một câu, nhưng không giấu được sự phẫn nộ. Thế rồi sau đó ông tiến sĩ này thăng tiến vùn vụt như tiên đoán của tôi trong buổi gặp gỡ đầu tiên khi Đức Lượng đưa Huynh sang giới thiệu với tôi “để anh giúp đỡ thêm cho thằng em về chuyên môn xã hội học rất cần cho người làm báo chúng em”. Đứng dậy vỗ vai Huynh tôi nói vui với Đức Lượng: “Này ông Phó Tổng biên tập, rồi chàng tiến sĩ này sẽ ngồi lên đầu cậu đấy chứ giùm giúp gì”.

Sau này, có lần gặp nhau tại phòng chờ sân bay Nội Bài, Huynh vờ như không thấy tôi, cắp cặp đi thẳng vào phòng VIP. Dư âm của câu chuyện Gorbachev vẫn còn quá nặng nề với ông chính trị gia nhiều khát vọng vươn cao, cao mãi nên đã phải hành xử như vậy thôi. Thế cuộc đa đoan làm sao khi đã vươn đến gần đỉnh cao nhất của cao vọng anh ta lại gục ngã đầy bí ẩn. Còn người anh ta căm ghét thì người Đức vừa dựng tượng Gorbachev giữa vườn hoa. Chính vì vậy tôi không nỡ nặng lời với người đang phải từ bỏ chính trường như dạo nào trên “Mênh mông thế sự” khi nói về những cắc cớ trong mối quan hệ giữa tôi và anh ta!

Cho dù vậy, tôi vẫn lan man suy ngẫm về thân phận của những chính trị gia nhiều cao vọng trên con đường đầy cạm bẫy của cuộc chiến quyền lực, nhất là đến lúc sắp phải ngả bài trong ván cờ buộc phải kết thúc. Lúc này thì, than ôi vận trời khi đã tận thì mưu hèn, kế bẩn cũng chẳng chuyển xoay được gì. Nhưng vì vậy, không thể không nói đến những nhân cách và số phận của những chính khách như Đinh Thế Huynh.

Trong dịp đánh dấu 25 năm Liên Xô sụp đổ, phóng viên BBC Steve Rosenberg được Mikhail Gorbachev nhận lời mời đến gặp tại nhà.

…. “Họ phản bội ngay sau lưng tôi. Họ đốt cả ngôi nhà chỉ để châm điếu thuốc. Chỉ để có quyền lực”. Nhà lãnh đạo Liên bang Xô Viết cuối cùng phẫn nộ và chua chát nói với phóng viên BBC trong cuộc trao đổi tại nhà:

Ngày 21/12/1991, bản tin chiều của truyền hình Nga bắt đầu: “Liên Xô không còn nữa”. Vài ngày trước đó, các lãnh đạo Nga, Belorussia và Ukraina đã gặp nhau để giải thể Liên Xô, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Nay, tám nước cộng hòa trong Liên Xô quyết định gia nhập. Họ chống lại Mikhail Gorbachev, người cố gắng duy trì các nước trong cùng một quốc gia.

“Ngày 25/12/1991, Mikhail Gorbachev từ chức tổng thống Liên Xô. Tại điện Kremlin, lá cờ Liên Xô hạ xuống lần cuối cùng.

Chúng tôi đang đi tới nội chiến và tôi muốn tránh nó. Tôi không thể để điều đó xảy ra chỉ để bám níu quyền lực. Đi xuống là thắng lợi của tôi”. Đó là lời giải thích của Gorbachev khi ông chuyện trò với Steve Rosenberg. “Những gì xảy ra cho Liên Xô là tấn kịch đời tôi. Và là tấn kịch cho mọi người sống ở Liên Xô”! Ông nói. Trả lời câu hỏi của phóng viên BBC “Ông có nhận trách nhiệm làm Liên Xô sụp đổ?”, Gorbachev chậm rãi buồn bã nói: “Điều làm tôi thất vọng là ở Nga, người ta không hiểu những gì tôi muốn làm và những gì tôi đã làm. Perestroika đã mở đường cho hợp tác và hòa bình. Tôi chỉ tiếc là tôi không thể tiến hành nó đến cùng. Những gì vừa trình bày là tôi chọn rút ra từ nội dung buổi nói chuyện nói trên.

Thế rồi cho dù đã 85 tuổi và không được khoẻ, đến cuối buổi, Mikhail Gorbachev và phóng viên Steve Rosenberg ngồi lại trước đàn piano đặt ở góc nhà. Phóng viên BBC chơi đàn, còn Gorbachev hát những bài ca Liên Xô ông ưa thích.

Việc đàn hát này đã tthành truyền thống mỗi khi Gorbachev nhận lời phỏng vấn. Theo suy ngẫm của tôi, là “truyền thống”, vì Mikhail Gorbachev yêu đất nước Liên Xô mênh mông của ông đã từng giúp nhân loại thoát khỏi hoạ phát xít do môt thằng điên khởi đầu, vì trái tim của nước Nga luôn thổn thức cùng nhịp đập trong trái tim ông. Có phải vì thế mà ông đủ bản lĩnh dám nhìn thẳng vào thực trạng của hệ thống kinh tế và hệ thống quản lý đều trì trệ và bất ổn, nếu không dám đổi mới thì tất yếu phải sụp đổ. Đó là “quy luật thép”.

Thực ra trước ông, nhà chiến lược lớn có tầm nhìn vượt lên những nhà lãnh đạo bảo thủ nặng tính giáo điều, đã nhìn thấy sự trì trệ và lạc hậu đó của Liên Xô không thể không thay đổi, là Yuri Andropov.

Andropov là người học cao, có văn hóa, cứng rắn và đọc nhiều, biết rộng. Ông đã có môt năm tìm hiểu, nghiên cứu ở Mỹ. Người ta tin rằng, với tư cách là người thủ lĩnh KGB ông đọc tất cả những gì giới bất đồng chính kiến ở Nga đọc mà KGB cấm với công chúngÔng hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ chết nếu không có cải tổ sâu rộng.

Theo James Rodgers, tác giả cuốn “Assignment Moscow: Reporting on Russia from Lenin to Putin” (I.B. Tauris, 2020), cựu phóng viên BBC tại Moscow, thì ngay khi lên làm Tổng bí thư năm 1982, Andropov đã muốn cải cách hệ thống kinh tế và bộ máy Đảng ở Liên Xô.

Còn theo nghiên cứu của RichardSakwa (“The Soviet Collapse Contradiction and Neo-modernisation”, Journal of Eurasian Studies 01/2013) thì Yuri Andropov đã từng có tiếng là một cán bộ lãnh đạo cởi mở. “Từ cuối thập niên 1950, một thế hệ các nhân vật biết phê bình, có tư duy cởi mở hơn trong Đảng được Yuri Andropov cho thăng tiến khi ông nắm Ban Nội chính Trung ương thời Nikita Khrushchev.”

Nhóm cộng tác viên thân thiết của Andropov gồm Alexander Bovin, Yuri Shakhnazarov, Georgy Arbatov và Nikolai Shishlin.

Họ đăng các bài chuyên đề trong nội bộ Đảng, tìm cách nới rộng khuôn khổ của giáo điều Leninist mà Liên Xô theo đuổi từ ngày lập quốc.

Andropov, xuất thân từ ngành nội chính và an ninh, và tuy trực tiếp chỉ đạo đàn áp khởi nghĩa Budapest, lại khuyến khích Liên Xô học các cải cách kinh tế bán tư nhân của Hungary từ 1958, cho công ty tư nhân được phép hoạt động. Không chỉ có vậy, các tài liệu sau này giải mật còn cho thấy Andropov muốn Liên Xô hướng tới một mô hình cải cách của Đảng Cộng sản. Theo cây bút Nga Andrei Konchalovsky viết trên trang Open Democracy thì vào thập niên 1980, không phải Gorbachev, mà chính Andropov mới là “nhân vật cải cách hàng đầu” của Liên Xô.

Do tính cách và năng lực xuất sắc trong công việc, được Andropov chú ý trong thời gian đi chữa bệnh ở miền Nam nước Nga nên đang làm Bí thư đảng tại Stavropol, Gorbachev được gọi về Moscow và được giao trọng trách Bí thư chuyên ngành nông nghiệp khi Gorbachev mới ngoài 40 tuổi. Tiếp đó, sau khi cả Yuri Andropov và Konstantin Chernenko thay nhau qua đời, người ta đã chọn Gorbachev, một nhân vật trẻ tuổi hơn (sinh năm 1931) ngồi vào vị trí cao nhất. Và Gorbachev đã đem hết sức mình dấn tới trong sự nghiệp cải tổ để cứu vãn thực trạng của đất nước rộng lớn nằm vắt ngang hai châu lục đang kề bên miệng vực!

Vào dịp ghi dấu ngày Liên Xô sụp đổ có ý kiến rằng trên thực tế, Liên Xô tan rã vì bị va đập bởi làn sóng sớm nhất của Toàn cầu hóa cuối thế kỷ 20, với máy điện toán xuất hiện, luồng thông tin tăng nhanh trên toàn thế giới, giao lưu hàng hóa phát triển khắp nơi.

Một thế giới khác chuyển biến, khiến mô hình kinh tế kế hoạch hóa cứng nhắc và cách kiểm soát đầu óc người dân, cán bộ Đảng Cộng sản kiểu Moscow áp dụng khi đó, không còn phù hợp.

Các nhân vật lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, cho dù là ai, cũng chỉ là nạn nhân của một mô hình đã lỗi thời và rất nhiều người trong số họ không còn tin tưởng vào “tính ưu việt” của Liên Xô sau nhiều năm tồn tại.

Cũng có thể như vậy, nhưng vì thế mà không thể không nghiêm khắc và công bằng luận tội đúng sai với sự tỉnh táo của một bản lĩnh khoa học. Hay nói như Cao Huy Thuần trong “Con người không có cánh”: “Tôi nói chuyện Âu Mỹ, nhưng thật tình bao giờ cũng vậy, nói chuyện người là để thao thức chuyện mình. Bất cứ ai cũng có thể mang một lý tưởng ở trong lòng, bất cứ ai cũng có thể vượt lên khỏi chính mìnhHọc theo anh, cho dù trí tuệ văn phong đều chẳng thể bằng anh, tôi kể lan man chuyện Tàu, chuyện Mỹ, chuyện người điên, chuyện Thuý Kiều, Kim Trọng, dẫn chuyện xưa để hiểu chuyện nay, dừng lại với Gorbachev để nói về bản lĩnh và tính cách của người đang đứng trên đỉnh của quyền lực mà dám nói: “Từ bỏ chức vụ là chiến thắng của tôi”.

Câu nói đã đi vào lịch sử, mà Việt Nam cũng nằm trong lịch sử, mong sao người định chen chân vào lịch sử nói được câu ấy, hoặc na ná cũng được. Mong lắm thay!

Ngày 21.1.2021

T. L.

Tác giả gửi BVN.

ĐÔI ĐIỀU TRÌNH BÀY LẠI VỚI NHỮNG CÂU HỎI NHẬN ĐƯỢC TỪ 'MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI' SỐ 101 VỪ GỬI

(MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI SỐ 102)

TƯƠNG LAI/ BVN 28-1-2021

Thật vui cho tôi, “Mênh mông thế sự gửi gió cuốn đi” nhưng gió không nỡ cuốn trôi vào cõi thinh không của nỗi chán ngán lánh xa thế sự đang quá đỗi bùng nhùng. Chỉ sau một ngày tôi nhận được khá nhiều phản hồi. Thế là gió đã ném vào đâu đó của những tấm lòng bè bạn. Tôi rất cảm động đọc lá thư của Gs Trần Hữu Dũng, người chủ trì Viet-Studies chỉ vẻn vẹn 6 chữ: Cám ơn anh. Tôi đăng ngay. Đương nhiên, bên những lời động viên đầy lòng khoan dung, không thiếu lời trách móc, chửi rủa.

Tôi muốn nhận từ sự khen chê ấy một tấm lòng bè bạn, vì như các cụ ta xưa đã dạy “thuốc đắng dã tật”. Hơn nữa, bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ ư thành dã (貧賤憂戚 庸玉汝於成也) “nghèo khó, lo lắng sẽ mài giũa ta thành viên ngọc”. Đây là tôi nhắc lời Trương Tải trong bài viết ngày 4.9.2020 về anh Phan Ngọc (Nhữ Thành), người bạn thân kính mà tôi xem là thầy “Đôi dòng muộn mằn khóc tiễn đưa nhà văn hóa Phan Ngọc về cõi vĩnh hằng trước ngày tôi nhập viện lần thứ hai. Vì là bè bạn, nên phải thẳng thắn nói thật lòng, công khai và minh bạch.

Bài này xin chỉ nói về lời chê trách, phê phán nên càng cần tránh xa sự hằn học trong cung cách trả lời những cay cú thiếu văn hoá. Chẳng hạn như sự chửi bới Gorbachev, Andrropov. Để từ đó quy kết rằng bài viết không phê phán kẻ phản bội đã làm sụp đổ Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội, vậy là tay này có vẻ vẫn còn thích Liên Xô!

Ấy đấy nếu thích thuộc lĩnh vực tình cảm thì quả là tôi thích nước Nga, rất thích là đằng khác. Nước Nga của một nền văn hoá vĩ đại, nơi đã sinh ra những Puskin, Gogol, Dostoevsky, Tolstoy, Chekhov, rồi Gorki, Sholokhov, mà tôi đã từng say sưa mê mẩn đọc. Cũng như đã từng đắm mình chiêm ngưỡng bức tranh “Trong sự yên tĩnh vĩnh cửu” của Levitan… Tôi yêu người Nga thuần hậu và chất phác, độ lượng, đặc biệt là những bà mẹ Nga, các cô thiếu nữ Nga trên đường phố, hay ở bìa rừng hái nấm và quả mọng (Ягода) mà đã có lần tôi lang thang cùng họ.

Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng hình ảnh “Sông Nêva đường bệ như nước Nga đường bệ” và “lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị chua thơm mát của trái lê mùa thu…” của Ilya Ehrenburg do Thép Mới dịch, theo tôi là rất đạt nên đã in đậm trong ký ức thời trẻ. Trên cái nền cảm xúc đó tôi càng yêu sự chất phác và can trường của những người bạn Nga, nói rõ hơn, là những nhà khoa học Nga mà tôi có dịp cộng tác và biết ơn sự giúp đỡ chân thành của họ, ngay cả khi Liên Xô đã sụp đổ.

Khi suy ngẫm về tính cách người Nga tôi càng yêu họ. Cho đến hiện nay, trong những đêm mất ngủ vì bệnh tật hành hạ, tôi lại tìm đọc Chiến tranh và Hoà bình của Tolstoy – do Cao Xuân Hạo và Nhữ Thành, những dịch giả đồng gửi tặng – và dừng lại những trang ở cuối tập II với hình ảnh Andrey Bolkonski (nhân vật mà tôi yêu nhất) bị tử thương đang nhìn lên bầu trời để bình tĩnh đón nhận cái chết: “Nhưng bây giờ mình có cần gì nữa – chàng nghĩ. Bên kia sẽ có gì, và ở đây trước kia có những gì? Vì sao trước đây ta lại thấy tiếc khi từ giã cuộc đời? Trong cuộc đời ấy có một cái gì mà trước đây ta không hiểu, và bây giờ ta cũng chưa hiểu”.

Còn nhớ lại quãng năm 1983, trong một buổi nghe báo cáo thời sự cho cán bộ trung cao cấp tại hội trường Ba Đình, báo cáo viên là một Uỷ viên Ban Bí thư đã dành những lời tốt đẹp khi ngợi ca Andropov “một nhà lãnh đạo tầm cỡ hàng đầu trong những tổng bí thư trước ông”. Hội trường nhộn nhịp vào giờ giải lao giữa buổi. Phan Đình Diệu ghé tai tôi: “Tay này bạo gan đấy, phương Tây bình luận nhiều về một số cải tổ của Andropov”. Tan buổi, anh Hoàng Tùng bảo tôi cùng về toà soạn để có chuyện cần trao đổi, tôi cười: “Dạ, thế xe đạp để gửi lại đây ai trông, xin anh cứ về trước, tôi sẽ đến sau. Mất xe thêm lần nữa là nhà tôi treo niêu, tiền nhuận bút chẳng bù nổi”.

Chả là dạo ấy báo Nhân dân đăng liền mấy bài thuộc phạm trù “đạo đức học” như nghĩa vụ, lương tâm, tính cách… của tôi. Anh Hoàng Tùng muốn tôi nhẹ nhàng và tế nhị đưa vào bài viết những vấn đề cập nhật hơn với những thay đổi ở Liên Xô. Tôi chưa kịp nghĩ là nên “nhẹ nhàng và tế nhị” ra sao thì lại có tin nhắn của anh “thôi từ từ cũng được, không cần vội, còn để xem sao”. Tôi đoán là nội dung buổi báo cáo thời sự hôm ấy “có chuyện” rồi. Tôi hỏi anh Việt Phương, được anh trả lời: “Đúng đấy, nhưng cứ tiếp tục suy nghĩ, và cứ viết đi chắc cũng có khi dùng, có thể đăng trên Tạp chí Xã hội học mà Tương Lai làm Tổng Biên tập, từng đăng bài của Phan Đình Diệu đó thôi. Theo chỗ mình biết, và chắc Tương Lai cũng biết thì báo cáo viên hiểu được ý của anh Ba Duẩn khi nhận định về Andropov”.

Phải dài lời một chút những ý trên, vì con đường đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy còn lắm chông gai, không chỉ ở Liên Xô mà ở Việt Nam cũng vậy thôi. Với Andropov, những gì ông ta làm được sau hai năm đều từng bước bị xoá bỏ. Từ Brezhnev, lần lượt khôi phục trở lại cái mô hình cũ kỹ, trì trệ cho đến Gorbachev, những ý tưởng và công việc còn dang dở của Andropov mới được đẩy tới.

Nhớ rằng, ngay từ giữa Chiến tranh Lạnh, một số trí thức nổi tiếng ở Liên Xô, như viện sĩ Andrei Sakharov (1968), đã kêu gọi để trí thức Liên Xô được “sống với lương tâm”, không phải tuân theo ý thức hệ của Đảng Cộng sản. Đến năm 1974, nhà văn Alexander Solzhenitsyn lại kêu gọi hệ thống hãy vì quyền lợi quốc gia mà bỏ đi giáo điều xã hội chủ nghĩa. Và rồi “Không phải ai khác mà ông trùm an ninh KGB, cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng và sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Yuri Andropov (1914-1984), đã có tư duy cải tổ rất sớm như Richter Scale trong bài “Nhân vật KGB đã cải tổ nước Nga ra sao” đã viết. Thế nhưng để “sống với lương tâm”, “hãy vì quyền lợi quốc gia mà bỏ đi giáo điều xã hội chủ nghĩa” thật không dễ!

Và Gorbachev bằng trái tim yêu nước, với đôi mắt biết nhìn xa, và bản lĩnh dám hành động đẩy tới sự nghiệp cải tổ của Andropov, nhưng rồi khi đã đứng trên đỉnh cao của quyền lực, ông đã dám tuyên bố “Từ chức là thắng lợi của tôi”. Người có bản lĩnh ấy, tỉnh táo phân tích thời cuộc, đã quyết đoán hạ lệnh cho một quân đoàn Hồng quân Liên Xô đang đóng tại Đông Đức án binh bất động. Thử hỏi nếu không có mệnh lệnh ấy thì máu có thể chảy thành sông trên ranh giới Đông Tây Berlin!

Thực ra, cho dù không có điều đó thì rồi “Bức tường Berlin” cũng đổ trên thực tế, Liên Xô tan rã vì bị va đập bởi làn sóng sớm nhất của Toàn cầu hóa cuối thế kỷ 20, với máy điện toán xuất hiện, luồng thông tin tăng nhanh trên toàn thế giới, giao lưu hàng hóa phát triển khắp nơi. Một thế giới khác chuyển biến, khiến mô hình kinh tế kế hoạch hóa cứng nhắc, cách kiểm soát đầu óc người dân, cán bộ Đảng Cộng sản kiểu Moscow áp dụng khi đó, không còn phù hợp như đã viết trong bài trước.

Đúng như Gorbachev buồn bã nói: “Những gì xảy ra cho Liên Xô là tấn kịch đời tôi. Chúng tôi đang đi tới nội chiến và tôi muốn tránh nó. Tôi không thể để điều đó xảy ra chỉ để bám níu quyền lực. Đi xuống là thắng lợi của tôi”. Đó là lời giải thích của Gorbachev khi ông chuyện trò với Steve Rosenberg.

Vậy thì những gì đã xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là từ hai thập niên cuối với Nông Đức Mạnh “trồng cây gì nuôi con gì” cho đến Nguyễn Phú Trọng “người miền Bắc có lý luận” nhưng dân gian thì chỉ hay dùng là “Trọng Lú”, đất nước chìm vào trong sự trì trệ chẳng khác gì Liên Xô từng dẫn tới thảm hoạ sụp đổ vì duy trì quá lâu mô hình thể chế và kinh tế như Đại hội VI đã chỉ ra. Nhưng rồi sau đó với hai nhiệm kỳ của Nguyễn Phú Trọng thì trên thực tế tư duy về thể chế, về Đảng, về mô hình kinh tế của Đổi Mới, đặc biệt là cái được gọi là “hệ thống chính trị” mà Trọng thích sử dụng, thì ngày càng xa rời tư duy của Đổi Mới, ngày càng bộc lộ tính giáo điều, bảo thủ.

Cố giáo sư Đào Xuân Sâm, người đã tham gia vào việc soạn thảo văn kiện Đại hội từ Đại hội VI đến Đại hội XI, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có buổi trình bày tại viện VIDS thuộc Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam về quá trình đấu tranh giữa tư tưởng Đổi Mới và tư tưởng giáo điều từ Đại hội VII đến Đại hội XI. Bài trình bày đã đuợc ghi âm và chuyển thành văn bản. Anh Đào Xuân Sâm đã gửi cho tôi văn bản ấy để biên tập lại nhằm có điều kiện thì in thành một tiểu luận.

Tôi chọn ra đây vài ý quan trọng để hiểu rõ hơn “suốt từ Đại hội VII cho đến Đại hi XI là sự giằng co xung đột xung quanh Cương lĩnh 91. Có lúc Đổi Mới thắng thế rất mạnh, có lúc Đổi Mới lại bị kẹt”… Lược bỏ các giai đoạn soạn thảo Cương lĩnh để chỉ nói về Đại hội X với những điều chỉnh về Cương lĩnh 91 về tính chất của Đảng với những khẳng định trở lại quan điểm của Đại hội II ở Việt Bắc: Đảng là Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc…Thêm vào đó Đại hội X cũng đã đặt ra vấn đề đảng viên được làm kinh tế tư nhân. Như vậy là có điều chỉnh, không khẳng định tính toàn vẹn của Cương lĩnh 91 mà đặt vấn đề sau Đại hội sẽ soạn Cương lĩnh mới. Thế nhưng sau đó là “phản điều chỉnh do sự bảo thủ, giáo điều hết sức nặng nề của Nguyễn Phú Trọng. Đúng là, tuy Đại hội XI có sự điều chỉnh đôi điều trong Cương lĩnh, nhưng lại thất bại về nhân sự.

Đưa Nguyễn Phú Trọng lên tức là đưa người có tư tưởng cực đoan nhất về Cương lĩnh 91. Thậm chí trong tranh luận gay gắt về sở hữu, với tư cách là người điều hành cuộc thảo luận tại Đại hội, Nguyễn Phú Trọng đã có ý định lấy lại chế độ công hữu. May mà có những ý kiến mạnh mẽ của nhiều đại biểu phản bác lại, trong đó quyết liệt nhất là Võ Hồng Phúc, sau đó là Lê Đức Thuý nên thủ đoạn thâm hiểm ấy của Trọng không thành. Khi Đại hội biểu quyết thì ý tưởng tệ hại của Trọng phải bỏ ra. (Phải chăng vì thế mà Nguyễn Phú Trọng với quyền lực Tổng Bí thư đã rất ngặt nghèo trong việc lựa chọn đại biểu đi dự Đại hội từ cấp cơ sở, cấp tỉnh, đặc biệt là cấp trung ương. Cùng với sự ráo riết loại bỏ những người “cứng đầu”, có tư tưởng cấp tiến muốn tiếp tục đẩy mạnh tư duy đổi mới của Đại hội VI, Trọng ráo riết chuẩn bị nhân sự cấp cao với việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng ngày 9.6.2014, một phương thức bầu cử mất dân chủ một cách ngạo mạn, nhằm loại bỏ đối thủ, trên thực tế là sự sắp đặt của khoá trước cho nhân sự khoá sau với chi phối của một số người đang có quyền lực trong tay dưới sự thao túng của Trọng).

Cũng phải nói rõ thêm, do sự ngoan cố và tráo trở của Trọng, anh ta đã đánh tráo ngôn từ, nội dung của Nghị quyết do Trọng chỉ đạo soạn thảo vẫn tìm cách phục hồi lại Cương lĩnh 91 bằng câu “Thời kỳ lịch sử từ 1991 đến 2011 là thời kỳ thực hiện Cương lĩnh 91 với những thành công có ý nghĩa lịch sử”.

Trong soạn thảo Văn kiện không có cách đánh giá ấy mà chúng tôi viết rõ rằng “Đổi Mới thành công có ý nghĩa lịch sử”. Lén đưa vào câu “phản điều chỉnh” nói trên, cứ thế Trọng và phe nhóm của anh ta đưa ra Cương lĩnh sửa đổi. Từ Cương lĩnh, Trọng lấn tiếp sang Hiến pháp. Thế là chính Trọng đã quay ngoắt lại với lởi khẳng định của Tổng Bí thư Trường Chinh, người chủ xướng sự nghiệp Đổi mới trong diễn văn khai mạc Đại hội VI: “Trong lúc này chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết. Rõ ràng việc khẳng định lại Cương lĩnh 91, cũng có nghĩa là quay trở lại với giáo điều, bảo thủ, xoá bỏ gần hết tư tưởng Đổi Mới của Đại hội VI. Đây là chủ ý của Trọng nhằm khẳng định “lập trường kiên định” của anh ta, quyết quay về với con đường cũ mà Đại hội VI đã bác bỏ.

Thật ra sự lựa chọn Cương lĩnh 91 là gay gắt và kéo dài. Năm 1988 đã có trù bị cho Cương lĩnh. Lúc ấy tôi là thành viên của Tổ Biên tập do ông Hoàng Tùng làm Tổ trưởng. Hồi đó trong lãnh đạo có hai sự cố: Ông Trường Chinh lãnh đạo Đại hội VI đã dựng được Văn kiện, quan trọng nhất là đường lối kinh tế. Bằng cách này cách khác người ta xoay xở hạ bệ Trường Chinh và đưa Nguyễn Văn Linh lên. Xu hướng Đổi Mới vẫn còn nhưng dần dần chậm lại với Chỉ thị 2 về phân phối lưu thông, “neo giá”...! Rồi khi Nghị quyết 3 về quốc doanh vừa được triển khai là lập tức bị chặn lại vì quốc doanh khi kinh doanh đã để Đảng ra ngoài. Sau đấy, nghị quyết 7, Nghị quyết 8 mà chúng tôi gọi là “nghị quyết 4 kiên trì”.

Cũng chính đây là thời Nguyễn Văn Linh hoảng hốt, hoang mang, dao động đến cực độ. Lúc sang Đức thấy rệu rã sắp sụp đổ đến nơi rồi, ông ấy gặp Gorbachev thuyết phục ông ta họp lại “Quốc tế cộng sản” nhưng Gorbachev gạt đi, chỉ mỉm cười nói “Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm đi”. Trong tâm trạng hoang mang ấy, Nguyễn Văn Linh không có bấu víu nào khác, phải níu lấy Trung Quốc. Mật ước Thành Đô ra đời. Áp lực và sự thao túng của ông bạn “bốn chữ vàng” – “người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” – càng ác hiểm hơn.

Trong bối cảnh ấy, nhất là sau khi ông Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo làm Cương lĩnh đột ngột qua đời, Nguyễn Văn Linh thay vào, không lâu sau đó, Tổ Biên tập Cương lĩnh giải tán “không kèn, không trống”. Ông ta chỉ gọi mấy người lên viết Cương lĩnh thôi. Tôi nhớ là Trần Nhâm, Nguyễn Duy Quý là hai người viết Cương lĩnh chứ Hoàng Tùng thì dứt khoát không tham gia. Hoàng Tùng cáu và văng tục: Tao đếch thèm viết nữa”. Đến đấy thì gắn liền sự kiện Thành Đô với sự tiên báo của ông Nguyễn Cơ Thạch “một thời kỳ “Bắc thuộc” bắt đầu”!

Vắn tắt đôi điều, tập trung vào một vấn đề có ý nghĩa cập nhật mà khi trao văn bản trình bày tại VIDS, trong đó anh Đào Xuân Sâm bùi ngùi viết: “Dù sao, tôi cũng cố gắng để lương tâm mình thanh thản khi những điu mình nhớ và kể lại không nhằm một mục đích nào khác ngoài chuyện có chút gì đó tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp cao cả mà chúng tôi đã dấn thân từ lúc đầu xanh cho đến lúc tóc bạc để sắp sửa đi trọn tuổi đời”.

Tôi muốn nói thêm rằng có lần gặp anh hay có khi nhớ nhau, anh gọi điện thoại, bảo tôi nói cho anh những thông tin chọn trong “Điểm tin đáng đọc” tôi gửi cho bạn bè mà đôi mắt của anh giờ không còn đọc được nữa, với một lời tâm sự quặn ruột khiến tôi không thể cầm được nước mắt “Tương Lai ơi, vận nước đang thế này chắc mình chết không nhắm được mắt”.

Tôi dẫn ra đây vài đoạn trong bản trình bày của anh tại VIDS cách nay mấy năm để sẻ chia với anh một nỗi niềm của một người dấn thân, một lão tướng từng cầm súng chuyển sang cầm bút, ra đi vào tuổi 96 vẫn quặn đau về vận nước, với một ước vọng làm nguôi nỗi đau. Tôi không dám “vuốt mắt” để mong khép lại nỗi đau “không nhắm được mắt của người bạn vong niên vô cùng kính yêu của tôi. Mà chỉ muốn nói với anh rằng, anh hãy thanh thản nơi cõi vĩnh hằng vì chúng tôi cũng đang cố hết sức mình nhằm nói lên sự thật để giúp làm sáng tỏ những bài học lịch sử còn chưa cách chúng ta hôm nay bao nhiêu mong có chút gì đó tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp cao cả mà chúng ta đã dấn thân từ lúc đầu xanh cho đến lúc tóc bạc để sắp sửa đi trọn tuổi đời” như anh.

Liệu có phải cần đến một “Khúc vĩ thanh” có hậu không, mà khi sắp kết thúc bài viết thì một nhà báo thân quen gõ cửa ghé thăm, đưa tặng tờ báo Tết rất đẹp. Bên ấm trà, nhà báo kể nhiều tin hay, trong đó có chuyện Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan mời nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo về quê dưỡng già. Để rồi mấy năm sau, khi nhận đuợc tin nhạc sư Vĩnh Bảo ra di về cõi vĩnh hằng, thọ 104 tuổi, ông Hoan viết: “Người thầy đáng kính trở về một cách tĩnh lặng trong tiếng gáy thánh thót của con gà Cao Lãnh, với âm vang trầm bổng của điệu hò Đồng Tháp, với khúc nhặt khoan của làn điệu tài tử Nam Bộ. Người nhạc sư tài hoa trở về nhẹ nhàng như làn gió thổi làm tươi mát tâm hồn những người xung quanh, như đốm lửa sưởi ấm tâm hồn những ai còn nguội lạnh với cuộc đời…

Trên hành trình xuyên thế kỷ như những nốt nhạc có lúc thăng lúc trầm, nhưng nhạc sư vẫn luôn nhớ rằng mình đang mang trong người dòng máu Việt, khí chất Đồng Tháp, cốt cách hào sảng của người miền Tây sông nước. Cứ như vậy, hình ảnh, nhân cách của một "cây đại thụ" đáng kính lan toả dần trong xóm trong làng, trong con trong cháu và trở thành một trong những biểu tượng, như đoá sen hồng ngày đêm toả ngát trên mảnh đất này....

Trong bộn bề cuộc sống, có những sợi dây ràng buộc giữa "danh" và "lợi", giữa "giàu" và "nghèo", giữa "lợi ích riêng" và "giá trị chung", mỗi người có lúc không tránh khỏi "so đo hơn thiệt". Hãy gặp Nhạc sư để tự mình "cởi bỏ" những sợi dây vô hình đó! Những ai cho rằng mình đã "đầy ắp kiến thức rồi" thì hãy lắng đọng lại với dòng suy tư: "Điều tôi biết chỉ là hạt cát, điều tôi chưa biết mới là đại dương"! Những ai bon chen để được "ăn trên - ngồi trước", "bề trên - phận dưới" hãy nghe lời tự sự: "Tôi tự ví mình như người cộng tác với người đương thời, nơi nương tựa của hậu thế, sẵn sàng chia sẻ những gì đã học, đã biết cho tất cả mọi người, bất phân già trẻ, màu da"! Ngưỡng mộ thay một nhân cách lớn”.

Theo suy ngẫm của tôi, người nghĩ được và viết ra được những ý tưởng ấy cũng là môt nhân cách đáng trọng. Qua màn hình tivi, tôi nhìn thấy người đáng trọng ấy có mặt trong Hội trường Đại hội Đảng XIII.

Bỗng trong tôi bật lên một điều ước: ước sao cùng ngồi với Bí thư Lê Minh Hoan (mà đã có lần trong một Kiến nghị chúng tôi đã trân trọng nhắc tên ông) Đại hội có được nhiều nhân cách như ông. Mà đã là điều ước thì thường đậm chất lãng mạn và đẫm vị huyễn tưởng. Huyễn tưởng trong bối cảnh hiện nay đâu có hại ai, mà chỉ làm tăng thêm vị mặn của cuộc đời.Và lãng mạn để cứ bay bổng một chút thì đã sao! “Còn hơn lũ vịt băng khờ khạo run rẩy náu tấm thân bệu mỡ vào các ngách đá… chỉ riêng mình chim báo bão bay lượn ngang tàng… tựa hồ một ánh chớp đen, như mũi tên xuyên thẳng vào mây bão…

Bão! Trận bão sắp nổi lên rồi! Ấy là chim báo bão ngang tàng kiêu hãnh bay lượn giữa các ánh chớp trên mặt biển đang réo lên giận dữ, ấy là tiếng reo hò của sứ giả chiến thắng: Dữ dội hơn nữa, bão táp hãy nổi lên”. (Bài ca chim báo bão, M.Gorki).

Và rồi, cũng chẳng lãng mạn, cũng chẳng huyễn tưởng, để tăng vị ngọt cho khúc vĩ thanh, nhà báo vừa về thì có tiếng gõ cửa. Một nhân viên đưa thiệp chúc Tết của bà Marie C. Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, kèm theo một chai rượu quý. Thiệp mừng có hình ảnh con trâu, mái đình rất đẹp “đậm đà bản sắc dân tộc” Việt Nam!

Vậy là hứa hẹn môt cuộc rượu tất niên nếu sức khoẻ có khá lên với mấy ông bạn theo đúng lệnh phòng Côvi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mà tôi đã đuợc hầu chuyện dạo nào, tuy vị Phó Thủ Tướng trí tuệ và tài ba cứ xưng cháu và gọi tôi bằng chú, chỉ tay lên góc thờ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Cuộc rượu này chắc vui, vì có thể mấy ông bạn của tôi không bị “chăm sóc đặc biệt” nên thoải mái đến được nhà tôi. Tết mà. Thế là khúc vĩ thanh thật là có hậu. Mong như vậy.

T. L.

Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét