Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

20210116. CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI 20 ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TRƯỚC ĐH ĐẢNG 20, TRUNG QUỐC THAY HÀNG LOẠT LÃNH ĐẠO ĐỂ MANG LẠI 'DÒNG MÁU MỚI'
THÁI AN / TVN 11-1-2021

Mặc dù đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra vào năm 2022, nhưng nước này đã có những thay đổi lớn về đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh ngay trong 2020.

Việc này sẽ tiếp tục vào những tháng tới với ‘ghế nóng’ ở Giang Tô, Sơn Đông và Hà Nam - ba tỉnh có quy mô lớn về kinh tế và dân số. Động thái này được nhìn nhận là để mang lại ‘dòng máu mới’.

Chưa đầy hai năm nữa tới ĐH Đảng lần thứ 20 tại Trung Quốc, rất nhiều tỉnh, thành phố và khu tự trị nước này đang tăng tốc ‘thay máu’. Thống kê cho thấy, gần 60%  tỉnh thành thay đổi vị trí bí thư tỉnh ủy hoặc quan chức cấp cao khác và dự kiến ít nhất 7 tỉnh sẽ có bí thư mới trong năm tới kể cả 3 tỉnh nói trên.

Trước ĐH Đảng 20, Trung Quốc thay hàng loạt lãnh đạo để mang lại ‘dòng máu mới’
Ông Doãn Lực sẽ đảm nhận vị trí Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến

Theo thông lệ chính trị Trung Quốc, ở hầu hết các tỉnh, quan chức địa phương được quy hoạch hướng tới ĐH Đảng 20 (diễn ra vào nửa cuối 2022) sẽ được bầu vào cuối năm nay hoặc nửa đầu năm tới.

Gần đây, chỉ trong vòng 2 tuần lễ nửa cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2020 đã có sự luân chuyển bí thư ở 6 tỉnh: Cát Lâm, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Phúc Kiến và Hải Nam.

Thay đổi nhiều nhất sau đại hội 19 

Cựu Tỉnh trưởng Hắc Long Giang - Vương Văn Đào và ông Đường Nhân Kiện - cựu Tỉnh trưởng Cam Túc được điều về Bắc Kinh đầu tháng 12 vừa qua để làm Bí thư Đảng bộ Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp, nông thôn. Người kế nhiệm của Vương chưa được công bố trong khi vị trí của Đường sẽ do nguyên Phó bí thư Cam Túc Nhậm Trấn Hà đảm nhận.

Theo tính toán, việc quy hoạch lần này đã thay đổi khoảng 27 vị trí lãnh đạo tại các tỉnh của Trung Quốc trong 2020 - đánh dấu sự luân chuyển lớn nhất kể từ ĐH Đảng 19 năm 2017.
Tính đến nay, tại Trung Quốc, ngoài một số ít quan chức ở các khu tự trị của người thiểu số, không có quan chức nào cấp tỉnh ở độ tuổi trên 65 (tuổi nghỉ hưu). Chỉ có Tỉnh trưởng Giang Tây Dịch Luyện Hồng và Tỉnh trưởng Quảng Đông Mã Hưng Thụy sinh năm 1959; những người khác đều ở độ tuổi 60.

Nhìn vào mức độ và cách thức luân chuyển quan chức địa phương vừa qua, có thể thấy, những ai xấp xỉ tuổi 65 trong năm nay sẽ chuyển sang các vị trí ‘cao cấp’ và sẽ không còn phục vụ lâu nữa.

Về các bí thư luân chuyển hiện nay ở 10 tỉnh, phần lớn do người đương nhiệm đã tới tuổi hưu, nhưng có 2 trường hợp ngoại lệ. 

Cuối tháng 2/2020, cựu Thị trưởng Thượng Hải Ứng Dũng đã tiếp quản vị trí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương do ông Lương bị cách chức vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Hồ Hòa Bình đảm nhận cương vị Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch. Cựu Tỉnh trưởng tỉnh này là Lưu Quốc Trung thì tiếp quản vị trí của Hồ Hòa Bình, trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây trong tháng 7/2020. 

Theo phân tích, 12 quan chức cấp cao Trung Quốc trong năm nay sẽ chạm ngưỡng 65 tuổi. 4 trong số đó gồm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, Bí thư Thành ủy Thiên Tân Lý Hồng Trung, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hi và Bí thư Khu ủy khu tự trị Tân Cương Trần Toàn Quốc - đều là ủy viên Bộ Chính trị. Vì thế, họ không bị ràng buộc ngưỡng tuổi nghỉ hưu và dự kiến thay đổi vị trí ở thời điểm ĐH Đảng lần thứ 20 tổ chức năm 2022. 

Tám quan chức cấp cao ở tuổi 65 trong năm nay là Bí thư Khu ủy Khu Tự trị Nội Mông Thạch Thái Phong, các Bí thư Tỉnh ủy: Giang Tô - Lâu Cần Kiệm, Sơn Đông - Lưu Gia Nghĩa, Hà Nam - Vương Quốc Sinh, Hồ Nam - Hứa Đạt Triết, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Lộc Tâm Xã, Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tây Tạng Ngô Anh Kiệt, và Bí thư Tỉnh ủy Cam Túc Lâm Đạc.

Trước ĐH Đảng 20, Trung Quốc thay hàng loạt lãnh đạo để mang lại ‘dòng máu mới’
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam Hứa Đạt Triết

Ngoài ông Hứa Đạt Triết, người vừa được luân chuyển tới Hồ Nam tháng 11 vừa qua ở tuổi 64, nhiều khả năng 7 người còn lại sẽ ‘nhường bước’ cho những đợt bổ nhiệm và thay đổi khác.

Trên cơ sở phân bổ quan chức địa phương gần đây tại Trung Quốc, với thông lệ các tỉnh trưởng nắm giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy, không loại trừ khả năng có sự thuyên chuyển từ bên ngoài, nhất là những tỉnh quan trọng hoặc nhạy cảm. Trong khi bổ nhiệm các bí thư tỉnh ủy mới, giới lãnh đạo nước này sẽ phải bàn thảo, cân nhắc và đạt được sự thống nhất để đảm bảo mọi bên đều hài lòng với quyết định cuối cùng.

Ba tỉnh được theo dõi sát sao

Trong dự kiến luân chuyển 7 tỉnh nói trên, thì Giang Tô, Sơn Đông và Hà Nam - ba tỉnh lớn về quy mô kinh tế cũng như dân số - sẽ được theo dõi sát sao nhất.

Tỉnh trưởng Giang Tô Ngô Chính Long, 56 tuổi có nhiều lợi thế trước tiên về tuổi tác. Ông nằm trong đội ngũ lãnh đạo của Giang Tô hơn 4 năm và tích lũy được những kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, ông lại không có nền tảng thực sự ấn tượng. Ông là thành ủy viên Thành ủy Trùng Khánh từ tháng 5/2007- 9/2014. 

Trong thời gian ở Trùng Khánh, ông đã giúp việc cho nhiều Bí thư Thành ủy như Uông Dương, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài… Ông được bổ nhiệm làm ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây và Bí thư Thái Nguyên năm 2014, Phó bí thư Giang Tô và Nam Kinh năm 2016, rồi trở thành Tỉnh trưởng Giang Tô tháng 7/2017 đến nay.

Ở tuổi 56, Lý Cán Kiệt được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Sơn Đông vào tháng 4 năm qua sau khi đảm nhận cương vị Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái. Theo thông lệ chính trị Trung Quốc, việc luân chuyển quyền lãnh đạo địa phương sau khi đảm nhận một vị trí tại một bộ của TƯ sẽ củng cố quan lộ của người đó. Do vậy, nhiều khả năng, Lý sẽ thế chân Lưu Gia Nghĩa tiếp quản chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông.

Trước ĐH Đảng 20, Trung Quốc thay hàng loạt lãnh đạo để mang lại ‘dòng máu mới’
Tỉnh trưởng Hà Nam Doãn Hoằng

Cũng nhiều khả năng Tỉnh trưởng Hà Nam Doãn Hoằng sẽ kế nhiệm Vương Quốc Sinh làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Doãn từ phía bắc tới Hà Nam cuối 2019 và chính thức trở thành Tỉnh trưởng tháng 1/2020. Sinh năm 1963, Doãn có thời gian hoạt động lâu dài ở Thượng Hải - địa hạt chính trị truyền thống của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Trước khi đến Hà Nam, ông là Phó bí thư Thành ủy Thượng Hải. Năm 2001, ông nằm trong nhóm cán bộ của Thượng Hải đến Tây Tạng, và từng là Phó bí thư Thành ủy Shigatse trong 3 năm. Điều này giúp ông có ít nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ Tây Tạng. 

Hơn thế nữa, Tây Tạng nằm ở biên giới tây nam của Trung Quốc với khá nhiều vấn đề nhạy cảm về dân tộc và tôn giáo. Nhiều người muốn biết ai sẽ là Bí thư Khu ủy Tây Tạng sau Ngô Anh Kiệt. Nói chung, vị trí cao nhất về mặt chính quyền tại 5 khu tự trị của Trung Quốc thường được chọn từ các quan chức địa phương trong khi vai trò Bí thư Khu ủy lại được điều động từ bên ngoài.

Việc thay đổi hay luân chuyển hàng loạt quan chức địa phương cho thấy, đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy nhanh việc tái cơ cấu nhân sự trước thềm ĐH Đảng 20 dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2022. Từ mùa thu năm này, tổ chức đảng ở các tỉnh, thành phố và khu tự trị sẽ bước vào “mô hình cải tổ” , tiến hành đại hội cấp tỉnh thành để bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới. Dĩ nhiên, quá trình này đã diễn ra trước đó và có thể tiếp tục ngay cả sau ĐH Đảng lần thứ 20. 

Thái An (Theo Think China)

TRUNG QUỐC THAY ĐỔI RA SAO SAU 5 THẾ HỆ LÃNH ĐẠO ?

QUỲNH ANH/ TVN 11-1-2021

LTS: Việc thay đổi hay luân chuyển hàng loạt quan chức địa phương cho thấy, đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đang đẩy nhanh việc tái cơ cấu nhân sự trước thềm Đại hội đảng 20 dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2022. Cùng Tuần Việt Nam nhìn lại sự thay đổi của Trung Quốc sau 5 thế hệ lãnh đạo cũng như việc nước này đang 'thay máu' đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh.  

Hơn 70 năm qua, Trung Quốc đã trải qua 5 giai đoạn dưới sự dẫn dắt của 5 nhà lãnh đạo CPC gồm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Thời kỳ Mao Trạch Đông

Thời đại Mao có thể được chia thành 3 giai đoạn. 

Giai đoạn thứ nhất kéo dài từ 1945 - 1956, bao gồm các nỗ lực của CPC nhằm loại bỏ tầng lớp địa chủ thông qua cải cách ruộng đất quy mô lớn. Giai đoạn này chứng kiến sự ra đời của hệ thống đại hội đảng, đại hội đại biểu nhân dân và hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao được thiết lập thông qua chuyển đổi nông nghiệp, thủ công nghiệp, các ngành công nghiệp tư bản và thương nghiệp. 

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo
Ông Mao Trạch Đông

Năm 1956, CPC tuyên bố Trung Quốc đã bước vào giai đoạn đầu của CNXH.

Giai đoạn thứ hai kéo dài từ 1957 - 1966. Các sự kiện chính trong thời kỳ này bao gồm phong trào chống cực hữu năm 1957, hội nghị Lộc Sơn năm 1959, nạn đói 1959 - 1961, chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962 và sự chia rẽ Xô - Trung vào đầu những năm 1960.

Giai đoạn 3 từ 1966 - 1976 là thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Các sự kiện chính bao gồm quá trình xúc tiến Cách mạng Văn hóa năm 1966, sự cố Lâm Bưu năm 1971, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon đến Trung Quốc năm 1972 và sự kiện Mao Chủ tịch qua đời vào tháng 9/1976.

Một hệ thống quản lý chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội tập trung cao độ đã được thiết lập dưới thời Mao. Đặc điểm lớn nhất của thời kỳ này trong lịch sử Trung Quốc là đấu tranh giai cấp và các phong trào chính trị, dẫn đến những rắc rối và khủng hoảng cả bên trong lẫn bên ngoài.

Ngoài ra, một hệ thống công nghiệp tương đối hoàn chỉnh cũng được thiết lập trong thời gian này, chủ yếu bằng cách tận dụng các lợi thế về thể chế của nền kinh tế kế hoạch và “tập trung vào các sự kiện lớn”. Đồng thời, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xóa mù chữ, giải phóng phụ nữ và phổ cập giáo dục cơ bản.

Thời kỳ Đặng Tiểu Bình

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào tháng 9/1976, Hoa Quốc Phong, người kế nhiệm ông, được ca ngợi là "nhà lãnh đạo khôn ngoan" sau khi cùng tướng Diệp Kiếm Anh bắt giữ Giang Thanh và phần còn lại của "Bè lũ Bốn tên". Tuy nhiên, việc ông Hoa tiếp tục thực hiện Cách mạng Văn hóa và duy trì một số quan hệ gây tranh cãi đã gây mất cảm tình ở một bộ phận không nhỏ cán bộ và trí thức.

Năm 1977, Đặng Tiểu Bình, chính trị gia có quan hệ sâu rộng trong đảng, chính phủ và quân đội, vụt sáng trở lại. Thông qua cuộc thảo luận về tiêu chí sự thật trong suốt năm 1978 và trong hội nghị toàn thể lần 3 của BCH TƯ khóa 11 vào cuối năm đó, ông Đặng đã trở thành lãnh đạo mới của nhóm nòng cốt CPC.

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo
Ông Đặng Tiểu Bình

Dù ông Đặng thậm chí chưa bao giờ giữ chức vụ cao nhất trong đảng nhưng ông được công nhận là người ra quyết định cao nhất của Trung Quốc từ phiên họp toàn thể lần thứ 3 của BCH TƯ khóa 11 đến khi ông qua đời vào tháng 2/1997.

Các sự kiện lớn trong nước dưới thời Đặng Tiểu Bình bao gồm thành lập các đặc khu kinh tế như Thâm Quyến và Chu Hải năm 1980, hoàn tất việc lên án Cách mạng Văn hóa tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của BCH TƯ Đảng khóa 11 năm 1981, ra tuyên bố chung Trung Quốc - Anh về Hong Kong năm 1984 và các chuyến đi thị sát, chỉ đạo miền Nam của ông Đặng vào năm 1992.

Thời kỳ Đặng Tiểu Bình được mô tả chủ yếu là cải cách và mở cửa. Dưới chủ trương này, Trung Quốc đã tái định hình các đường lối phát triển chính trị, kinh tế, ngoại giao và xã hội, tạo ra một bước chuyển biến lớn trong lịch sử, từ đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế và từ đóng cửa cứng nhắc sang cải cách và mở cửa.

Theo các tuyên bố chính thức, Trung Quốc đã tiến theo con đường đi lên CNXH với đặc trưng riêng hình thành thời ông Đặng. Cho đến nay, CPC vẫn vận dụng các đường lối, nguyên tắc và chính sách cơ bản được xây dựng từ thời kỳ này.

Thời kỳ Giang Trạch Dân

Tháng 6/1989, ông Giang Trạch Dân được bổ nhiệm làm Tổng bí thư CPC. Sau đại hội toàn quốc lần thứ 14 năm 1992, Đặng Tiểu Bình về cơ bản ngừng tham gia các hoạt động trước công chúng và Trung Quốc bước vào thời kỳ lãnh đạo của ông Giang.

Tháng 11/2002, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16 của CPC diễn ra và đây là thời điểm ông Giang từ chức Tổng bí thư dù vẫn tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy TƯ đến năm 2004.

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo
Ông Giang Trạch Dân

Các sự kiện lớn trong thời đại ông Giang Trạch Dân bao gồm cuộc đàm phán Uông Đạo Hàm - Cô Chấn Phủ về quan hệ giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan năm 1993, cải cách hệ thống phân phối thuế trung ương và địa phương năm 1994, Trung Quốc khôi phục chủ quyền đối với Hong Kong năm 1997, trận lụt thảm khốc ở sông Dương Tử năm 1998, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, cuộc đụng độ Mỹ - Trung năm 2001 và việc Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 12/2001.

Trong thời đại Giang, nền kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nước này tiến tới trở thành một thế lực lớn trên toàn cầu về sản xuất và thương mại. Đồng thời, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tương tự như khoảng cách phát triển giữa các khu vực ven biển đông nam với các khu vực miền trung - miền tây gia tăng nhanh chóng và càng trở nên trầm trọng do nạn tham nhũng.

Việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước dẫn đến sự sụp đổ của lượng lớn các doanh nghiệp kiểu này cũng như lao động mất việc hàng loạt.

Thời kỳ Hồ Cẩm Đào

Sau đại hội 16 của CPC vào năm 2002, ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm Tổng bí thư. Năm 2004, ông đảm nhận chức Chủ tịch Quân ủy  TƯ. Sau Đại hội  18 của CPC vào tháng 11/2012, ông xin rút khỏi các vị trí Tổng bí thư CPC, Chủ tịch Quân ủy và Chủ tịch nước, một động thái được coi là "rút lui hoàn toàn".

Các sự kiện lớn thời đại Hồ Cẩm Đào bao gồm đại dịch SARS năm 2003, ông Tập Cận Bình trỗi dậy và trở thành người kế nhiệm cao nhất tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 17 của CPC năm 2007, thảm họa động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008 và đại hội toàn quốc lần thứ 18 của CPC tháng 11/2012.

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo
Ông Hồ Cẩm Đào

Trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng và việc kiểm soát xã hội tương đối lỏng lẻo. Tuy nhiên, so với những người tiền nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào được đánh giá ở vị thế bất lợi nhất. 

9 ủy ban thường vụ của Bộ Chính trị CPC phụ trách các lĩnh vực khác nhau, được gọi là “9 con rồng cai quản các vùng biển”. Trong khi đó, nạn tham nhũng tập trung ở những người có chức vụ, quyền lực diễn ra tràn lan, các nhóm lợi ích dần hình thành, mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng và thậm chí có xu hướng trở nên gay gắt.

Thời kỳ Tập Cận Bình

Sau Đại hội 18 của CPC năm 2012, ông Tập Cận Bình tiếp quản tất cả các vị trí lãnh đạo hàng đầu của đảng, chính phủ và quân đội, đánh dấu sự khởi đầu kỷ nguyên mới của Trung Quốc dưới thời ông cầm quyền.

Tháng 10/2016, hội nghị BCH TƯ CPC lần thứ 6 khóa 18 chính thức xác lập vị trí trung tâm của ông Tập trong toàn đảng. Tháng 3/2018, Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp để chức vụ Chủ tịch nước không còn bị giới hạn 2 nhiệm kỳ.

Sau khi nhậm chức Tổng bí thư CPC, ông Tập đã giương cao ngọn cờ cải cách và chống tham nhũng, củng cố đảng mạnh mẽ và siết chặt quản lý quân đội, trong khi thúc đẩy toàn đảng giúp dân thoát nghèo. Ông đã xúc tiến Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) và chủ động ứng phó trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do Washington châm ngòi nổ cũng như thể hiện quan điểm “tạo ra sự khác biệt”.

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo
Ông Tập Cận Bình

Từ đại hội 18 của  CPC đến đầu tháng 9/2019, 187 quan chức cấp cao từ cấp tỉnh và cấp bộ trở lên đã bị điều tra các sai phạm và truy tố công khai.

Trong số các quan chức "dính chàm" này có cả nguyên ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang; nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Quân ủy TƯ Từ Tài Hậu, Thượng tướng quân đội Quách Bá Hùng, nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài, nguyên Chánh Văn phòng TƯ đảng Lệnh Kế Hoạch và nhiều nhân vật "tai to, mặt lớn" khác.

Trong lúc triển khai mạnh mẽ cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi", ông Tập đồng thời tích cực thúc đẩy các cải cách và mở cửa đất nước. Tính đến năm 2019, Trung Quốc đã xúc tiến hơn 1.600 cải cách trong hơn 6 năm. Đến tháng 8/2019, 18 tỉnh được thành lập thí điểm các khu vực tự do thương mại.

Tại đại hội 19 của CPC diễn ra vào năm 2017, thời kỳ CNXH mang bản sắc Trung Quốc do ông Tập khởi xướng đã được xác lập như tư tưởng chỉ đạo mới nhất của CPC. Điều này cho thấy, ông Tập đã trở thành nhà hoạch định tư tưởng chỉ đạo cấp cao nhất của CPC sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Mục tiêu và thách thức

Trong hơn 70 năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến nhiều phong trào chính trị tiêu cực như Phong trào chống cực hữu và Cách mạng Văn hóa, nạn đói 1959-1961 và những xáo trộn chính trị lớn khác. Dù vậy, về cơ bản nước này đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa và bắt kịp kỷ nguyên công nghệ thông tin tân tiến.

Năm 2018, GDP của Trung Quốc đạt 13,6 nghìn tỷ USD, liên tục giữ danh hiệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này năm 2020 ước tính khoảng hơn 10.000 USD, cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập thuộc nhóm tầm trung trên thế giới.

Theo con đường mà đại hội 19 của CPC đề ra, Trung Quốc sẽ xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện vào năm 2020 nếu đại dịch Covid-19 không xảy đến, kéo tụt đà phát triển của nền kinh tế; cơ bản hiện đại hóa XHCN năm 2035 và trở thành một cường quốc XHCN hiện đại hóa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hạnh phúc vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa năm 2049.

Giới quan sát cho rằng, do sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi thị trường toàn cầu và trật tự quốc tế, các xung đột về lợi ích và giá trị giữa Trung Quốc với Mỹ hoặc các nước khác là không thể tránh khỏi và do đó, môi trường bên ngoài với Trung Quốc có thể tiếp tục xấu đi.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải đối mặt với vô số trở ngại từ việc tăng trưởng kinh tế trong nước yếu kém do ảnh hưởng của dịch bệnh, lỗ hổng trong giám sát quyền lực, khoảng cách giàu - nghèo, những bất công xã hội còn tồn tại và các vấn đề khác vẫn chưa được giải quyết. Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức cả bên trong và bên ngoài suốt một thời gian dài trong tương lai.

Quỳnh Anh(theo Think China)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét