Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

20210118. GÓP Ý KIẾN ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN (12)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ TỪ TẦM NHÌN  VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC ĐẤT NƯỚC
NHỊ LÊ/ TVN 17-1-2021

LTS: Trong các mối quan hệ lớn hiện nay, Đại hội Đảng 12 đã chỉ rõ: Đó là “quan hệ… giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu mạch bài “Đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam” của trong cuốn sách “Tầm nhìn, định vị chiến lược và phát triển Việt Nam” của TS Nhị Lê, do NXB Lý luận Chính trị ấn hành năm 2020, trước thềm Đại hội Đảng 13.

Mục tiêu đổi mới chính trị

Một cách tự nhiên, nếu xem cốt lõi của chính trị là lợi ích và quan hệ chính trị dù vi mô (cá nhân với cá nhân; cá nhân với tổ chức, đảng phái…) hay vĩ mô (giai cấp, tầng lớp với nhau; các tổ chức chính trị với nhau; quốc gia, dân tộc với nhau; quốc gia với quốc tế…) là xoay chung quanh vấn đề lợi ích, thì đâu là cái bất biến, cái khả biến của công việc đổi mới chính trị cần phải làm?

Đổi mới chính trị thực chất là trở lại nhận thức và hành động đúng quy luật vận động của chính trị một cách tổng thể, trước hết và trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề trung tâm là lợi ích và chung quanh lợi ích một cách tổng hòa, cụ thể từ cá nhân, giai cấp, giai tầng… tới quốc gia, dân tộc và với các nước trên tầm quốc tế mang tính thống nhất chỉnh thể và đa dạng.

Vì vậy, đổi mới chính trị không thể không bắt đầu từ đổi mới tư duy chính trị.

Trong thời đại ngày nay, giữa không gian toàn cầu hóa, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi đồng bào, tự nhiên như trời đất, như máu thịt.

Đổi mới chính trị hiện nay rõ ràng tuyệt đối “không phải là thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, Nhà nước ta…”, như sự khẳng định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Điều đó xua tan những ý kiến còn bối rối hay ngại ngần khi nói đến đổi mới chính trị, càng xa lạ, đối lập như nước với lửa với những ai đó đang cổ xúy quá khích cho cái gọi là “đổi mới chính trị là thay đổi chế độ chính trị”.

Đổi mới chính trị từ tầm nhìn và định vị chiến lược đất nước
Khai mạc hội nghị Trung ương lần thứ 15. Ảnh: VGP

Nói cách khác, đổi mới chính trị là đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn quy luật về các mối quan hệ chính trị, như đã nói, tất cả nhằm mục tiêu cao cả: bảo vệ và phát triển lợi ích tối thượng của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, của quốc gia dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại.

Chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc vô giá! Làm trái đi là vong thân, là hại quốc, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của đồng bào!

Đó là cái bất biến chúng ta cần nắm chắc, để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình đổi mới chính trị.

Theo đó, một cách tự nhiên, tiến hành đổi mới chính trị trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, không gì khác ngoài mục tiêu vì sự phát triển của đất nước. Đó là mục tiêu, là thước đo hiệu quả của đổi mới chính trị.

Nếu trong các mối quan hệ lớn đặt ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), vấn đề “đổi mới, ổn định và phát triển” lúc này hơn lúc nào hết, cần được hành động dứt khoát: Đổi mới để phát triển và phát triển là thước đo của đổi mới và ổn định.

Đổi mới tầm nhìn chính trị

Hiện nay, có người hỏi: Vậy thì, gần 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam chưa hay không đổi mới chính trị? Như thế có khiếm khuyết, có khập khiễng không? Và, bây giờ, liệu có chậm chạp không? Đổi mới chính trị có phải là thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam không?

Không! Vì, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta thừa hiểu rằng: “... trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.

Cần khắc sâu một vấn đề mang ý nghĩa phương pháp luận cơ bản trong việc tiếp tục đổi mới chính trị hiện nay, rằng không thể nôn nóng, vội vàng, càng không thể chờ đợi, cầu toàn và càng không thể trông đợi vào sự may mắn dịch chuyển từ một mô hình tiên nghiệm hay sẵn có nào. Cả ba thái cực đều đem lại hậu quả tệ hại, thậm chí khôn lường như nhau. Chúng ta phải tự tìm lấy lối đi, với những điều kiện cụ thể, theo lộ trình phù hợp, trong phạm vi cho phép và khả năng có thể hiện hữu, ngõ hầu chúng ta tiếp tục đổi mới chính trị thành công.

Hơn 70 năm thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang tiến những bước dài trong lịch sử của mình và hội nhập quốc tế, nhưng nhìn tổng thể, bốn mệnh đề lớn nhất trong đổi mới chính trị hiện nay không thể không tiếp tục trả lời.

Một là, tự do. Đất nước độc lập, nhưng nhân dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn, thì phát triển tự do là một chân trời lớn nhưng tất yếu, đang đầy khó khăn và cả chông gai gấp bội, song chúng ta đang quyết đi tới, vì sự bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đó chính là tiền đề của nền dân chủ chân chính!

Hai là, dân chủ. Hơn 70 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là mục tiêu của thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng dân chủ từ nghĩa nguyên khai “dēmos kratos” (chính quyền của nhân dân) tới thực tiễn vẫn đang là một trong những mệnh đề lớn nhất cần nỗ lực tiến tới trong mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dưới chế độ chính trị chúng ta.

Ba là, pháp quyền. Dân chủ không thể không được bảo đảm bằng pháp quyền. Đó là bản chất của Nhà nước dân chủ của ta, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”. Không có pháp quyền càng không thể nói tới dân chủ hay tự do chân chính nào. Đó là thách thức đối với chúng ta.

Bốn là, đạo đức. “Quốc pháp vô thân”, “quốc pháp thượng tôn”… Nhưng kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy, không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên một nền tảng đạo đức không tương dung. Chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, dù dưới sự dẫn dắt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, vấn đề đạo đức vẫn đang trở thành vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay cả ở tầm vĩ mô tới mức độ vi mô, cả xã hội tới mỗi cá nhân, không kém sự khắc nghiệt, thăng trầm của chính sự phát triển kinh tế... cần phải xây dựng và thực thi.

Năm là, phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Tăng trưởng kinh tế, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là phương tiện. Một đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục… là những phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới, xây dựng. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới.

Thiếu những vấn đề cốt tử đó, chúng ta khó có thể có tầm nhìn chính trị xa rộng và đúng đắn.

Kỳ tới: Động lực để phát triển hệ thống chính trị

TS Nhị Lê

GÓP Ý VỀ THAM NHŨNG, BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ LÒNG TIN VÀO THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ

TS PHẠM ĐÌNH BÁ/ VNTB/ BVN 17-1-2020

(VNTB) - Việc nhìn nhận các nhà lãnh đạo là trung thực và họ tìm cách giảm bất bình đẳng có thể tạo ra một bước đệm cho niềm tin của dân vào một thể chế chính trị đổi mới hay một thể chế chính trị mới.

Trước thềm đại hội đảng, tôi xin có vài ý kiến từ suy nghĩ và đắn đo về tương lai đất nước. Đầu tiên, dân tin tưởng vào chính phủ khi họ tin rằng chính phủ có năng lực, chính phủ cung cấp các dịch vụ cơ bản, chính phủ giữ cho đất nước toàn vẹn và thịnh vượng, và các quyết định của chính phủ là công bằng. Công bằng dựa trên sự trung thực và bình đẳng trong cách chính phủ đối xử với dân. Tham nhũng nằm ở trung tâm của sự mất lòng tin vào chính phủ bởi vì dân phải đối đầu với cán bộ tham nhũng trong đời sống hàng ngày.

Các lãnh đạo tham nhũng làm giàu cho bản thân với chi phí và thuế của dân. Không có đồng thuận giữa kẻ cầm quyền và dân bị trị khi dân coi lãnh đạo là nói láo, ăn chặn, thụt quỹ và làm giàu trên xương máu của dân. Lãnh đạo tham nhũng thâm thụt quỹ công, chuyển tiền từ quỹ công vào tài khoản ngân hàng của chúng (thường là ngân hàng ở nước ngoài) thay vì chi tiêu vào lợi ích xã hội, như xây bệnh viện, trường học và đường sá.

Làm sao dân biết lãnh đạo có tham nhũng? Khi tham nhũng được ‘làm tốt’, dân khó có thể quan sát được. Nhưng dân ở nhiều mức kinh tế xã hội khác nhau thường có nhận thức chung về mức tham nhũng trong chính phủ, bao gồm từ dân oan, dân đen, dân nghèo, dân giàu cho đến dân có mức thu nhập kinh tế và địa vị cao trong xã hội – tất cả tầng lớp dân khác nhau đều bị hại bởi tham nhũng theo nhiều cách khác nhau. Tham nhũng thúc đẩy sự đồng thuận giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội về cố gắng làm đẹp xã hội.

Một số lượng lớn các cuộc điều tra trên khắp thế giới đã đặt câu hỏi với dân về nhận thức tham nhũng trong chính phủ của họ. Và dân thường cũng như giới tinh hoa trong xã hội thường đều đồng ý rằng: có mối tương quan chặt chẽ giữa nhận thức của dân thường và giới tinh hoa về tham nhũng. Cả dân thường và giới tinh hoa trong xã hội có đồng thuận về mức tham nhũng trong chính phủ, cũng như có cảm nhận sâu sắc về tác hại của tham nhũng lên đời sống hàng ngày và giá trị đời sống.

Nhiều người có thể không xác định được chính xác tham nhũng ở đâu, nhưng mọi người dường như biết mức tác hại của tham nhũng và có thể xác định tương đối về mức tham nhũng của đất nước của họ so sánh với các nước có định chế khác nhau về mức độ nhân quyền và tự do lựa chọn lãnh đạo. Hiện tượng cảm nhận và quan sát về tham nhũng thường khi được so sánh với cách đánh giá khiêu dâm. Bạn có khi không thể khẳng định khiêu dâm giả dạng dưới hình thức cao - nhưng bạn biết điều đó khi bạn nhìn thấy nó. Tương tự như vậy, khi bạn thấy một lãnh đạo đến thăm nhà máy khi nhà máy này đang cố giấu thảm họa môi trường mà rồi bị lộ sau đó, bạn có thể hiểu mối liên hệ giữa lãnh đạo, nhà máy và tiền tỉ chảy vào ngân hàng bí mật ở nước ngoài.

Mối liên hệ giữa tham nhũng và lòng tin chính trị tồn tại ở các khu vực khác nhau trên thế giới - không có gì văn hóa về mối liên hệ này. Tham nhũng và bất bình đẳng là một phần của hội chứng chính phủ tồi. Bất bình đẳng có hại cho sự an toàn của quyền sở hữu tài sản và do đó làm chậm đi sự phát triển đất nước trong so sánh giữa những nước với mức bất bình đẳng xã hội khác nhau. Ở các nước với mức bất bình đẳng cao như Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ, người giàu có khả năng khuynh loát thể chế chính trị, khuynh loát quản lý công và chà đạp luật pháp của xã hội cho lợi ích của họ.

Nếu một người đủ giàu hơn một người khác, và các tòa án có thể bị tha hóa, thì hệ thống pháp luật sẽ ưu tiên người giàu chứ không phải người nghèo. Tương tự như vậy, nếu các thể chế chính trị và quản lý có thể bị khuynh loát bởi sự giàu có hoặc ảnh hưởng chính trị hay xã hội, thì các thể chế này đặt ưu tiên trên an toàn cho lãnh đạo và tùy tùng của chúng, thay vì đặt ưu tiên lên năng suất, hiệu quả kinh tế và như trường hợp ở Việt Nam và Trung Quốc, việc duy trì thể chế được coi trọng hơn cả toàn vẹn lãnh thổ, kinh tế và các vấn đề quan trọng khác theo quan điểm của toàn dân.

Điều này dẫn đến việc lãnh đạo và tùy tùng có cơ sở tốt để theo đuổi các hành vi thủ lợi cho lợi ích nhóm, thay vì quản trị cho quyền lợi chung của dân, thừa nhận rằng hệ thống luật pháp, chính trị và các quy định trên nguyên tắc sẽ không bắt lãnh đạo và tùy tùng phải chịu trách nhiệm về sự thiếu trung thực, nói một đàng làm một nẻo, như trường hợp ở Hoa Kỳ trong vài năm qua.

Tham nhũng đóng vai trò như một loại thuế đánh vào dân oan, dân nghèo, người buôn bán và dân làm ăn trong các nghề ngành. Người khá giả có thể mua hối lộ, nhưng người nghèo thường không có các dịch vụ cơ bản. Tham nhũng cướp đi nguồn lực cung cấp các dịch vụ cơ bản cho dân, đặc biệt là dân oan và dân nghèo. Đặc biệt, dân vì làm ăn hợp pháp không đủ ăn phải chuyển sang kinh tế phi chính thức. Ở trong tình cảnh này, họ có ít quyền lợi hợp pháp, việc làm của họ không hợp pháp và không có hợp đồng hoặc nghiệp đoàn đại diện cho người lao động trong khu vực phi chính thức.

Tham nhũng thường đặc biệt lan tràn trong những dịch vụ mà dân nghèo phụ thuộc nhiều nhất: cảnh sát, trường học và ngành y tế. Các quốc gia có mức độ tham nhũng cao có cung cấp dịch vụ kém. Việc các nước tham nhũng với tình trạng bất bình đẳng gia tăng không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản cho thấy cái bẫy của bất bình đẳng lên xã hội: người giàu có thể hối lộ cán bộ để đảm bảo rằng dịch vụ của họ được bảo đảm hoặc nhận được dịch vụ từ các nhà cung cấp tư nhân. Dân nghèo không có những lựa chọn này. Khi nhà nước không có đủ nguồn lực để cung cấp dịch vụ, dân nghèo sẽ phải chịu nhiều thiệt hại hơn. Dân vì thế sẽ mất đi niềm tin vào hệ thống chính trị.

Theo nhiều nghiên cứu, dân của các nước có nạn tham nhũng tràn lan ít tin tưởng vào chính phủ. Khi tham nhũng cao, dân châu Âu ít tin tưởng vào chính phủ, đặc biệt nếu họ có trình độ học vấn cao. Có nhiều tài liệu liên kết sự công bằng trong thủ tục (có liên quan tiêu cực đến tham nhũng) với lòng tin chính trị.

Các nghiên cứu cũng cho thấy sự giàu có không đồng đều khiến mọi người cảm thấy ít bị ràng buộc hơn về việc lừa dối người khác và trốn thuế. Nơi nào nạn tham nhũng tràn lan, người dân mất niềm tin rằng tương lai của họ sẽ tươi sáng. Ở những nơi này, dân ít có khả năng tin rằng họ có thể vươn lên nhờ làm việc chăm chỉ hơn. Thay vào đó, dân có cảm nghĩ là khả năng vươn lên của họ là do may mắn hoặc có mối quan hệ móc nối với cán bộ. Hiện tượng này làm giảm thiểu mức độ phát triển và là một cái bẫy kìm hãm khả năng của toàn dân trong việc đóng góp tích cực cho các hoạt động kinh tế và xã hội.

Bất bình đẳng sinh ra tham nhũng bằng cách: (1) khiến dân thường coi thể chế chính trị chống lại quyền lợi của họ; (2) tạo ra cảm giác phụ thuộc của dân vào lãnh đạo tham nhũng, (3) cảm giác bi quan cho tương lai, điều này làm suy yếu các quy tắc đạo đức đối xử trung thực với người xung quanh; và (4) bóp méo các thể chế chính về công bằng trong xã hội, đặc biệt là các tòa án và cảnh sát.

Bất bình đẳng kinh tế củng cố lãnh đạo độc tài, những người coi việc ban phát địa vị cho gia đình và tùy tùng của họ như là một đạo đức “cách mạng” hơn là một việc xấu xa. Hiện trang này củng cố việc mua quan bán chức và dùng bằng giả để leo lên các địa vị có khả năng thủ lợi cho cá nhân. Bất bình đẳng sinh ra tham nhũng - và sự phụ thuộc của dân nghèo vào sinh sát ban phát bởi lãnh đạo. Bất bình đẳng cũng liên quan đến một loạt các kết quả phi kinh tế, liên quan đến sự chênh lệch lớn hơn về sự giàu có ở cả trong nước và giữa các quốc gia.

Bất bình đẳng kinh tế dẫn đến tỷ lệ cao về các vấn đề về sức khỏe tâm thần, lạm dụng ma túy, sức khỏe xấu và tuổi thọ thấp, béo phì, hiệu quả giáo dục thấp, trẻ con sinh ra từ cha mẹ vị thành niên, bạo lực trong gia đình, tỷ lệ vào tù cao hơn, khả năng thăng tiến xã hội thấp, tỷ lệ nuôi con đơn thân cao và xã hội ít đổi mới. Thêm nữa, bất bình đẳng kinh tế dẫn đến cung cấp dịch vụ kém, mức độ tham nhũng cao, và đặc biệt là sự bất bình đẳng lớn khiến dân tin rằng thể chế chính trị phục vụ lợi ích của những kẻ thống trị, không phục vụ quyền lợi tối thiểu của dân.

Trong thể chế gọi là “cộng sản”, những nhà lãnh đạo chính trị chi tiêu tiền thuế nhiều hơn cho các dự án tôn vinh quyền cai trị của chính họ (những bức tượng lớn, đầy đặc hoa đèn lúc hội họp), củng cố quyền lực của họ (công an to, quân đội lớn), hoặc họ có thể bóc lột dân, cướp đất của dân để tăng tài sản của giai tầng lãnh đạo. Lãnh đạo chi tiêu tiền thuế ít hơn vào các dự án mang lại lợi ích cho người dân bình thường như trường học và an sinh xã hội. Cung cấp dịch vụ kém là căn bệnh trầm kha trong các chế độ cộng sản, nơi tham nhũng là dị căn.

Tăng trưởng kinh tế chậm hơn một phần chính cũng bởi vì việc duy trì quyền lợi của lãnh đạo là ưu tiên số một cho lãnh đạo, mặc xác những gì khác trong kinh tế và xã hội khi quyền lợi của lãnh đạo bị đụng chạm với các nhu cầu khác của toàn dân. Cung cấp dịch vụ kém và tăng trưởng thấp đều gây tổn hại cho người nghèo nhiều hơn người giàu. Đó là lý do khiến lúc nào cũng có bất ổn tiềm tàng bên dưới một khung đàn áp triền miên từ nỗi lo sợ miên viễn của lãnh đạo về việc họ bị lật đổ.

Tham nhũng và bất bình đẳng dẫn đến mất lòng tin chính trị từ toàn dân vào thể chế chính trị và lãnh đạo. Nếu các quan chức ăn cắp từ hầu bao của dân và trở nên giàu có, trong khi những người dân oan và dân thường vẫn nghèo kiết, thì sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu mọi người không có niềm tin vào các nhà lãnh đạo của họ. Người dân mong đợi chính phủ cung cấp cho họ những dịch vụ cơ bản. Nhưng cung cấp dịch vụ sẽ thấp hơn khi tham nhũng cao. Người dân ở các quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao thường phải đối mặt với ‘tham nhũng vặt’, đòi hối lộ nhỏ cho cán bộ, thậm chí đến các bác sĩ, nhà thương công và các cung cấp dịch vụ xã hội cũng đòi  hỏi tiền hối lộ.

Điều khiến người ta khó chịu không phải là quá nhiều tham nhũng vặt nhưng là tham nhũng lớn và tẩu tán tài sản ra nước ngoài từ lãnh đạo to, và móc nối để ăn chận lớn từ các lãnh đạo chóp bu để các công ty ngoại quốc có thể hoạt động bất chấp hiểm họa môi trường và bóc lột công nhân cho đến tận xương tủy. Khi có xung đột, lãnh đạo hèn nhát vì chỉ mong sát cánh với kẻ mạnh thay vì đóng góp tiếng nói để bảo vệ dân. Ví dụ như việc thất thoát hàng năm hàng trăm tỉ đô Mỹ từ Việt Nam và hàng ngàn tỉ đô Mỹ từ Trung Quốc đã được các tổ chức pháp y tài chính trên thế giới điều tra và tường trình rộng rãi. Thất thoát này đóng góp vào sự tăng trưởng của bất bình đẳng trong xã hội.

Ở các quốc gia xếp hạng cao về cả tham nhũng và bất bình đẳng, niềm tin vào các cơ quan chính trị sẽ giảm dần theo tình trạng của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trung thực lan rộng hoặc mức độ bất bình đẳng cao khiến người dân ít có niềm tin vào thể chế chính trị của họ. Khi bất bình đẳng và tham nhũng lên cao, sự mất lòng tin có thể trở thành mãn tính và đời sống sẽ khó khăn cho dân.

Điều mà dân luôn mong muốn ở chính phủ là hiệu quả kinh tế mạnh mẽ. Dân cũng mong đợi các nhà lãnh đạo của họ trung thực và không làm giàu cho gia đình và tùy tùng của họ từ hầu bao của dân. Và dân tin rằng khi có sự bất bình đẳng phổ biến, các nhà lãnh đạo sẽ thiên vị nhiều hơn với những người có nhiều quyền lực và tài nguyên tiền bạc. Các chính phủ phải có trách nhiệm đóng góp vào việc giảm thiểu chứ không phải làm gia tăng bất bình đẳng để thuyết phục dân rằng lãnh đạo đang cai trị vì lợi ích của dân.

Đây là những phát hiện có vẻ phổ biến dựa trên dữ liệu từ các quốc gia khác nhau. Vấn đề đối với lòng tin chính trị, cũng như niềm tin vào người khác, là cả tham nhũng và bất bình đẳng đều có liên hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ nầy không thay đổi nhiều theo thời gian, cũng như tham nhũng và bất bình đẳng thường không giảm sút nếu thể chế chính trị vẫn như cũ. Các quốc gia có mức độ tham nhũng cao (bất bình đẳng cao) tại một thời điểm có khả năng vẫn tham nhũng cao (và bất bình đẳng cao) vào nhiều năm sau đó. Và điều này gây khó khăn cho việc thiết lập lòng tin chính trị, cũng như niềm tin vào người khác. Vì vậy, nhiều quốc gia có thể vẫn sa lầy vào cái bẫy bất bình đẳng và phát triển kinh tế chậm do lòng tin chính trị thấp.

Ở một khía cạnh khác, tình trạng của nền kinh tế lại đóng một vai trò lớn về việc dân có tin vào thể chế chính trị hay không, thậm chí tình trạng của nền kinh tế có thể chi phối trong việc hình thành niềm tin vào chính phủ. Vì vậy, một chế độ khiến hầu hết mọi người cảm thấy khá giả hơn, ngay cả khi chế độ bị coi là tham nhũng và ngay cả khi bất bình đẳng đang gia tăng, có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân. Đây là câu chuyện của Trung Quốc và Việt Nam trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ như vậy là mong manh. Mọi nền kinh tế đều có những biến động lên xuống, hầu như khó có thể điều khiển hoàn toàn vấn đề lên xuống trong kinh tế. Việc nhìn nhận các nhà lãnh đạo là trung thực và họ tìm cách giảm bất bình đẳng có thể tạo ra một bước đệm cho niềm tin của dân vào một thể chế chính trị đổi mới hay một thể chế chính trị mới.

T.Đ.B.

VNTB gửi BVN

NHÂN SỰ ĐẠI HỘI XIII VÀ VẤN ĐỀ TÍNH ĐẠI DIỆN

PL 14-1-2021

Khi Hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) đang đến gần để quyết định phương án nhân sự bốn chức danh chủ chốt cho nhiệm kỳ năm năm của Đại hội XIII thì khắp nơi lại râm ran bàn luận chuyện Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được “cơ cấu” mang tính vùng miền, thể hiện tính đại diện như thế nào.

Nhân sự Đại hội XIII và vấn đề tính đại diện - ảnh 1
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 14 (khóa XII). Ảnh: VGP

Hiểu thế nào về tính đại diện?

Toàn dân “làm nhân sự” thật ra không có gì lạ. Bởi chuyện nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao là mối quan tâm của toàn xã hội. Chỉ có điều, những thảo luận không chính thức chỉ dựa vào tin đồn, khó phản ánh một cách chính xác, đầy đủ bản chất tính đại biểu (ĐB), tính đại diện của Đảng vốn đã được ghi rõ trong Điều lệ của Đảng và cả Hiến pháp của Nhà nước.

Đảng hiện có 5,2 triệu thành viên (số liệu cuối năm 2019), được tổ chức chặt chẽ mà chi bộ là tế bào nhỏ nhất, tới từng thôn, ấp, từng cơ quan, đơn vị, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đô thị tới nông thôn, biên giới, hải đảo. Là lực lượng chính trị duy nhất cầm quyền, đồng hành cùng bước đi của đất nước; gắn bó, gần gũi với hơn 90 triệu đồng bào, đương nhiên Đảng vươn lên tính đại diện cao, hiện thực hóa cam kết “… đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam (VN), ĐB trung thành lợi ích của… nhân dân lao động và của cả dân tộc”.

Các chi bộ đảng ấy lại được tổ chức theo hệ thống đảng bộ các cấp. Đến mùa đại hội, đảng bộ từ cơ sở bầu ra cấp ủy khóa mới, đồng thời bầu ĐB dự đại hội cấp trên, mà cao nhất là đại hội của 67 đảng bộ trực thuộc trung ương. Để rồi từ đó, như lần này, 1.381 ĐB đã được bầu ra, cùng 194 ĐB đương nhiên, 15 ĐB do chỉ định, tiến hành Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được ấn định khai mạc vào ngày 25-1 tới.

Trong 67 đoàn ĐB ấy có tới 63 là đại diện cho các tỉnh, thành trên cả nước. Bốn đoàn còn lại thuộc bốn đảng bộ mang tính chất ngành, gồm Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương. Trong đó, đoàn ĐB quân đội vẫn ít nhiều tính địa phương khi gồm ĐB từ các tổ chức đảng trong quân đội, vốn đóng quân, rải khắp mọi miền Tổ quốc.

Với cơ cấu ĐB ấy, hẳn nhiên Đại hội toàn quốc - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng có tính đại diện rất cao về tính địa phương, tất nhiên bao gồm cả tính vùng miền. Và Ban chấp hành Trung ương tới đây được bầu ra để cơ cấu vào các vị trí trọng trách ở 67 đảng bộ ắt kế thừa tính đại diện đó.

Bầu chọn người tiêu biểu, xứng đáng

Trở lại câu chuyện nhân sự đại hội, những đồn đoán, phân tích về cơ cấu vùng miền của công tác nhân sự đã xuất hiện từ rất sớm. Chẳng hạn từ tháng 10-2018, khi Hội nghị Trung ương 8 quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII và một tháng sau, Bộ Chính trị ban hành kế hoạch xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Các thảo luận, đồn đoán về những “nhân tố” được cho là đại diện Bắc, Trung, Nam trong Bộ Chính trị tương lai, thậm chí trong “tứ trụ” càng trở nên sôi nổi khi Hội nghị Trung ương 14 giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, và tới đây là nhân sự bốn chức danh chủ chốt ở Hội nghị Trung ương 15.

Nhưng cũng tương tự như ĐB Quốc hội “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước” (Hiến pháp), ĐB ở Đại hội ĐB toàn quốc của Đảng không chỉ đại diện cho đảng bộ nơi bầu ra mình mà còn đại diện cho đảng viên cả nước tại cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Điều lệ Đảng quy định rõ: “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội ĐB toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội ĐB hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là Ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy)”.

Theo cách ấy, Bộ Chính trị ở trung ương hay Ban Thường vụ ở cấp ủy địa phương dù được điều lệ trao quyền “lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết” của đại hội cấp mình thì vẫn không hề được định danh “cơ quan lãnh đạo”.

Cũng vì vậy, dùng cơ cấu để đáp ứng yêu cầu đại diện mang tính địa phương chỉ được đặt ra với nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc và nhân sự cấp ủy các cấp cùng Ban chấp hành Trung ương, chứ không phải là một đòi hỏi, yêu cầu nào đó mang tính bắt buộc, cho dù ở Bộ Chính trị, Ban bí thư hay “tứ trụ”.

Trên hết, các nhân sự trung ương ấy phải đáp ứng khung tiêu chuẩn chức danh mà Bộ Chính trị đã công khai ở Quy định 214-QĐ/TW và những yêu cầu cụ thể sát tình hình thực tế đã được thống nhất trong Kết luận số 75-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương (Hội nghị Trung ương 12) về Phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cũng như Phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII đã được báo cáo ở Hội nghị Trung ương 14.

VN, dải đất dài và hẹp, trải qua lịch sử phát triển là quốc gia của 53 dân tộc, mà mỗi vùng đất đều có nét văn hóa đặc sắc. Đa dạng vậy nhưng “Nước VN là một, dân tộc VN là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Đã qua rồi thời thực dân chia để trị. Qua rồi thời đế quốc, thế lực ngoại bang vạch vĩ tuyến phân định Bắc - Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, đi lại, giao lưu văn hóa vùng miền, Internet đã xóa nhòa nhiều khoảng cách địa lý, kể cả làm mềm đi biên giới quốc gia, lãnh thổ.

Giờ đây, bất cứ ai tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất, đủ đức và tài tiếp nối những thành quả mà Đảng, Tổ quốc đã đạt được năm năm qua, dẫn dắt dân tộc đi lên trong khát vọng của giai đoạn phát triển mới của năm, 10 năm tới thì đều xứng đáng được giới thiệu để Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản VN bầu chọn.

NỮ ĐẠI GIA CHI 17 TỶ, TẶNG XE CAMRY ĐỂ 'CHẠY CHỨC' VỤ PHÓ

T.NHUNG /VNN 14-1-2021

VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Lê Văn Hồng (SN 1976, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục) và Cù Đăng Thành (SN 1989, cựu cán bộ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do quen biết bị cáo Hồng, khoảng tháng 7/2016, bà H. (SN 1968, ở quận Nam Từ Liêm, Giám đốc Trung tâm hợp tác Quốc tế của một trường đại học) nói với Hồng chuyện công việc hiện tại của bà có nhiều áp lực, muốn xin chuyển đến làm việc tại các cơ quan ở Trung ương. Bà H. nhờ Hồng dùng quan hệ của ông ta để giúp "chạy chức".

Dù không có khả năng xin việc cho bà H., nhưng thấy gia đình bà có điều kiện, Hồng bàn bạc với bị cáo Thành cùng thống nhất dùng thủ đoạn gian dối để lừa tiền của nữ đại gia. 

Hai bị cáo lên "kịch bản" giới thiệu với bà H. rằng, Thành học cùng anh V.C., cán bộ một cơ quan Nhà nước,  nên có thể nhờ anh V.C.  xin cho bà về làm việc ở Văn phòng Chính phủ, được giữ chức vụ tương đương “hàm” Phó vụ trưởng, với chi phí là 800.000 USD (tương đương 17 tỷ đồng).

Khi Hồng giới thiệu bà H. với Thành, hai bị cáo diễn màn kịch như đã bàn bạc trước. Nữ đại gia nhờ Thành "chạy chức" để có thể được vào làm việc tại Vụ quan hệ Quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ và gật đầu đồng ý mức giá mà các bị cáo đưa ra.

Thành yêu cầu bà H. phải chuyển trước 10 tỷ đồng và đặt mua chiếc ô tô Toyota Camry Q ASV50L, trị giá 1,6 tỷ đồng làm quà biếu cho anh H., nhằm tạo mối quan hệ để xin việc.

Sau khi được bà H. bàn giao xe, Thành không tặng anh H. mà giữ lại sử dụng cá nhân.

Ngày 17/11/2016, Thành yêu cầu bà H. mua thêm 1 ô tô để anh ta dùng đưa đón anh H. Do đang nhờ Thành xin việc nên bà H. đã mua chiếc Toyota Prado trị giá hơn 2,2 tỷ đồng rồi giao xe cho Thành sử dụng.

Qúa trình xin việc, ngoài số tiền thỏa thuận ban đầu với bà H., Thành còn yêu cầu nữ đại gia đưa thêm hơn 9 tỷ đồng để xin việc mà không nói cho Hồng biết.

Theo cáo trạng, từ ngày 8/8/2016 đến ngày 12/2/2018, bà H. đã 14 lần chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng của Thành hàng chục tỷ đồng.

Sau khi nhận tiền, Thành chia cho Hồng 1 tỷ đồng. Cả hai bị cáo không xin việc, cho bà H. như đã hứa, mà chiếm đoạt sử dụng chi tiêu cá nhân.    

Cáo buộc cho rằng, số tiền mà bị cáo Thành đã lừa đảo chiếm đoạt của bà H. là hơn 27,7 tỷ đồng.

Bị cáo Hồng có vai trò đồng phạm giúp sức cho Thành lừa đảo chiếm đoạt 17 tỷ đồng của bà H., trong đó Hồng được hưởng lợi 1 tỷ đồng.

Đến nay, Hồng đã khắc phục 1 tỷ đồng, Thành khắc phục hơn 2 tỷ đồng cho bà H. CQĐT đã trao trả cho bị hại chiếc Toyota Camry Q ASV50L. Còn chiếc Toyota Prado, bà H. đã được bị cáo trả lại.

ĐẠI HỘI XIII HẾT 'CHẠY CHỨC' ?

TRÂN VĂN/ BVN 14-1-2021
Mười ngày trước khi Đảng CSVN khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13, dân chúng Việt Nam sôi sùng sục khi báo chí Việt Nam giới thiệu một cáo trạng do Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội soạn và công bố.

Theo cáo trạng ấy, vì tin hai người: Lê Văn Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và Học liệu giáo dục), Cù Đăng Thành (cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học thuộc Đại học Phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an), có thể “chạy” cho mình làm… Vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ với giá là 800.000 Mỹ kim (khoảng 17 tỉ đồng Việt Nam), sau đó Thành đòi đưa riêng cho ông ta thêm 9 tỉ, bà Phan Thị Phương H đã giao cho Hồng, Thành lượng tiền mặt và một Toyota Camry, tổng cộng 27,7 tỉ.

Do chuyện bất thành, ông Hồng và ông Thành không hoàn lại tiền, bà H tố cáo. Ông Hồng và ông Thành bị khởi tố rồi bị truy tố với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công an đã thu hồi và trả lại cho bà H khoảng ba tỉ đồng và chiếc Toyota Camry (1).

***

Gần như tất cả độc giả của các cơ quan truyền thông chính thức đều có cùng một thắc mắc: Tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, kiểm sát) lại tha bà H? Chẳng hạn phản hồi đối với tin về cáo trạng vừa đề cập trên tờ Tuổi Trẻ, Cổ Hải cho rằng: Phải truy cứu trách nhiệm hình sự người bỏ tiền ra chạy chức, không nên xem nhẹ vấn đề này. Thanh Đông tán thành: Phải nghiêm trị cả người mua “chức, quyền” và tịch thu số tiền đã bỏ ra mua “chức, quyền” để làm gương (2)...

Trên mạng xã hội cũng thế, sự khác biệt trong đánh giá, nhận định về cáo trạng đã kể chỉ là rạch ròi và thẳng thắn hơn. Ông Lưu Trọng Văn phân tích: Khi “mua chức”, chắc chắn bà H đã tìm hiểu giá thị trường mua quan bán chức là như thế nào mới chấp nhận mức 27 tỉ đồng. Một đảng viên - cán bộ cấp Phòng như bà H thừa biết đi buôn phải có lời, thậm chí lời khẳm nếu được nâng lên làm Vụ phó, tại sao chỉ truy tố những kẻ lừa đảo bà H mà không truy tố và trừng trị bà H vì dùng tiền mua chức lừa đảo nhân dân?

Ông Văn lưu ý thêm: Chức vụ phó tí hin đã phải mua 27 tỉ đồng. Vậy chức Vụ trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng rồi… trung ương này nọ thì giá bao nhiêu? Những chuyện như thế này không khỏi tự hỏi, có bao nhiêu quan chức của đảng mua chức (3)?..

Gần hai phần ba thân hữu của ông Văn bình luận hết sức ngắn gọn chỉ bằng một hoặc vài từ như: Tởm! Khủng khiếp! Đáng khinh! Nhơ nhuốc! Hệ thống thối nát... Một số người như Nga Nguyễn Việt thì cho rằng: Đó chỉ là một giọt trong cả tảng băng chìm… Bên cạnh đó, có những người thắc mắc, bà H – một cán bộ cấp phòng kiếm từ đâu mà có khoản tiền lớn đến như vậy để mua chức (?), Hậu Kc Nguyễn trả lời: Tiền dân cả đấy! Đó cũng là lý do Nguyễn Hà than: Ai cũng biết nhưng biết rồi làm gì?

Đức Huy Nguyễn nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác: Dám bỏ ra 27 tỉ để mua chức Vụ phó thì có lẽ khoản lời rất to! Tương tự, Nguyễn Cảnh Thụy cho rằng: Đắt thế, nhưng vẫn “đầu tư” vì có lãi! Chừng đó đủ để thấy công chức có chút quyền thì dễ kiếm chác như thế nào! Hạnh Văn nhấn mạnh: Trên thế giới chắc chỉ có Việt Nam là duy nhất. Hải Đặng thất vọng: Quá tệ hại nhưng chẳng ai mần chi được...

Câu hỏi đặt ra là tại sao hệ thống tư pháp ở Việt Nam chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân môi giới và lờ đi kẻ bán, người mua như bà H? Nguyễn Đức Nhật Tiến khái quát: Xử mua bằng, mua chức cũng như… mua dâm (tha bổng) có lẽ do họ có uy tín! Nguyễn Quang Đạo nhắc nhở: Trừng trị kẻ mua quan để lòi ra người bán chức à? Quên đi nhé! Hô hào chống chạy chức, chạy quyền nhưng có ‘quan’ nào bị kỷ luật vì bán chức chưa?

Theo Thanh Vo Viet: Nếu làm đúng, làm mạnh, xử từ môi giới đến kẻ bán, người mua thì lấy đâu ra cán bộ để làm việc, lò nào đủ để đốt và làm sao tìm đủ người trông coi lò? Hồng Minh Lê đồng ý: Nếu lôi hết ra “chặt, chém” thì… bể bình. Phuc Vu tin rằng đó là lý do… mua chức và sau khi trúng thầu chức vụ, đứa nào cũng ra sức phá nát, cướp sạch để thu hồi vốn và té ra nước ngoài. Riêng cụ Tổng luôn miệng phều phào: Công tác cán bộ đã được chấn chỉnh. Việc chạy chức chạy quyền đã chấm dứt.

Với Tiến Khanh, bởi vô số đồng chí làm như rứa, mua chức rồi tìm mọi cách, làm mọi kiểu để thu hồi vốn và kiếm lãi thì làm gì đất nước chả mạt. Na Sa phẫn nộ: Không có thể chế nào hoàn hảo cả nên phải chọn thể chế ít khiếm khuyết nhất cho dân tộc của mình nhưng những phần tử già cỗi lại chọn thể chế tệ nhất hành tinh đem về áp dụng lên quốc gia của mình.

Leyen Định khẳng định: Thị trường mua quan, bán chức đã và đang nhộn nhịp vì luân chuyển cán bộ, sắp xếp lại nhân sự trong đảng và nhà nước dịp đại hội đảng các cấp đã trở thành chuyện thường ngày ở Việt Nam! Đó cũng là lý do Nguyễn Tâm cảm thấy tội nghiệp cho bác Trọng vì dân tình biết song chủ lò và vây cánh của ông nhất quyết... không biết, thành ra giặc nội xâm giờ như vết dầu loang quá rộng, câu chuyện bài trừ tham nhũng đã trở thành vấn đề bất khả thi...

Chú thích

(1) https://laodong.vn/phap-luat/hua-hen-chay-chuc-vu-pho-de-chiem-doat-277-ti-dong-870879.ldo

(2) https://tuoitre.vn/lua-chay-chuc-vu-pho-lay-27-7-ti-20210114205634631.htm

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2869320846726467&id=100009457401127

T.V.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Đảng đang bước vào những ngày cuối để đại hội.

Gã không khỏi không đặt dấu hỏi, trong bao quan chức tương lai của đảng có kẻ chạy... chức? Nói toẹt ra là mua chức?

Và giá là bao nhiêu?

Suy luận nhé. Con mụ cán bộ nào đó tên là Phương H, mua chức Vụ phó Vụ Quan hệ Quốc tế của một bộ với giá thoả thuận 27 tỉ.

Khi mụ ta thoả thuận giá này là đã tinh ranh thăm dò, tìm hiểu giá thị trường mua quan bán chức thế nào rồi nên mới chấp nhận cái giá 27 tỉ khủng ấy.

Và mụ ta, đương nhiên phải là một cán bộ đảng viên cấp phòng quá biết vì sao mình có 27 tỉ trong hàng chục tỉ thậm chí hàng trăm tỉ gia sản, nên cũng thừa biết đi buôn phải có lời, thậm chí lời khẳm nếu được nâng chức lên Vụ phó.

Muốn nhổ nước bọt vào bọn khốn nạn như con mụ Phương H này quá!

Ấy vậy mà ngày 14-1, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội chỉ truy tố Lê Văn Hồng (SN 1976, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục) và Cù Đăng Thành (SN 1989, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của mụ H ấy khi lấy 27 tỉ tiền của mụ H nhưng cái chức Vụ phó chửa thấy đâu.

"Theo cáo trạng, Cù Đăng Thành và Lê Văn Hồng đã bàn bạc, thống nhất dùng thủ đoạn gian dối giới thiệu với bà Phan Thị Phương H. (SN 1968, trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thể nhờ xin cho bà H. làm "Vụ phó" Vụ Quan hệ quốc tế của một cơ quan với chi phí là 800.000 USD (tương đương 17 tỉ đồng).

Theo đó, Thành hứa sẽ xin chuyển việc cho bà H. trong thời gian sớm nhất sau khi nhận tiền và yêu cầu người phụ nữ này phải đặt mua 1 xe ô tô nhãn hiệu Camry để làm quà biếu , tạo mối quan hệ để xin việc. Ngoài số tiền thỏa thuận ban đầu với bà H., Thành còn yêu cầu bà H. đưa thêm tổng số hơn 9 tỉ đồng để xin việc."

Cũng theo cáo trạng:

"Tin là thật, từ ngày 8-8-2016 đến ngày 12-2-2018, bà H. đã 14 lần chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng của Thành với tổng số tiền hơn 26 tỉ đồng cùng 1 xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry Q ASV50L trị giá hơn 1,6 tỉ đồng để xin việc."

Điều vô cùng ngạc nhiên đó là theo cáo trạng:

"Đến nay, bị can Hồng đã khắc phục số tiền 1 tỉ đồng, Thành khắc phục số tiền hơn 2 tỉ đồng, trong đó có 750 triệu đồng do Hồng đưa cho Thành để khắc phục hậu quả cho bà H. Cơ quan điều tra đã trao trả cho bị hại Phan Thị Phương H. 1 xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry Q ÁV50L".

Có nghĩa là viện KS Hà Nội chỉ truy tố và lên án kẻ lừa đảo mụ H mua chức cho mụ và coi mụ là nạn nhân bị lừa đảo mà không truy tố và trừng trị mụ H ấy vì tội dùng tiền mua quan lừa đảo Nhân dân?

Phải truy tố ngay mụ H mua quan và tịch thu toàn bộ số tiền, tài sản mà mụ ta dùng để mua quan!

Đó, giời ạ,cái chức vụ phó tí hin đã phải mua 27 tỉ vậy cái chức vụ trưởng, thứ, bộ rồi trung ương này nọ, giá bao nhiêu?

Lưu Trọng Văn

GIÁO SƯ CARL THAYER: 'TÔI MUỐN THỦ TƯỚNG PHÚC LÀM TIẾP NHIỆM KỲ HAI'
BBC 14-1-2021


Hội nghị 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này, khoảng 10 ngày trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra từ ngày 15/1 cho tới 2/2/2021.

Đã và đang xuất hiện một số phỏng đoán các "kịch bản" đối với bốn vị trí quan trọng nhất, hay còn gọi là "Tứ Trụ".

Hai "kịch bản" được bàn luận nhiều nhất cho tới nay hướng tới khả năng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư và ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng được xét diện "đặc biệt", sẽ hướng tới ghế Chủ tịch nước.

"Kịch bản thứ nhất" gồm hai vị trí kể trên với ghế Thủ tướng dự kiến thuộc về ông Vương Đình Huệ và vai trò Chủ tịch Quốc hội thuộc về ông Phạm Minh Chính.

"Kịch bản thứ hai" được đồn đoán là đảo lại vai trò của hai ông Huệ và Chính.

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt qua email về những đồn đoán nhân sự cấp cao này.

BBCÔng đánh giá gì về nhân sự các vị trí theo đồn đoán nói trên? Ai sẽ được bầu vào ghế nào, và vì sao?

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư theo một trong hai kịch bản thì điều đó có nghĩa là có một trong hai điều xảy ra. Hoặc là ông Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba đủ 5 năm hoặc tái đắc cử với ý tưởng rằng ông sẽ từ chức trước khi hết nhiệm kỳ (một tiền lệ do ông Đỗ Mười đặt ra - ông rời chức TBT giữa nhiệm kỳ hai năm 1997).

Việc ông Trọng tái đắc cử theo một trong hai kịch bản sẽ là dấu hiệu cho thấy ông đã không thành công trong việc chuẩn bị cho người kế nhiệm do có sự phản đối của các ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương.

Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước, điều này chỉ có thể được thực hiện theo trường hợp đặc biệt vì thành tích xuất sắc. Trong suốt năm ngoái, có tin đồn liên tục rằng ông Phúc có thể đã đặt mục tiêu trở thành lãnh đạo đảng. Vì ông chỉ đảm nhiệm một nhiệm kỳ thủ tướng và được số phiếu bầu tín nhiệm rất cao từ các đồng nghiệp cho công việc của chức vụ này nên điều đó kể như một sự thỏa hiệp.

Tôi hiểu rằng Ban chấp hành Trung ương đã thông qua hai "trường hợp đặc biệt" cho các ủy viên Bộ Chính trị trên 65 tuổi. Kịch bản mà tôi ưa thích là ông Phúc được tái bổ nhiệm làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai.

BBC: Ông đánh giá thế nào về ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ, và ông có thông tin gì đáng lưu ý không.

Ông Vương Đình Huệ, 63 tuổi, rõ ràng là người hội đủ tiêu chuẩn nhất trong số các ủy viên đương nhiệm của Bộ Chính trị dưới 65 tuổi để được bầu làm Thủ tướng. Ông giữ chức Phó Thủ tướng trong 5 năm qua. Ông được đào tạo về kinh tế và từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Hiện ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội mà một số nhà phân tích coi đó là cách để ông bồi đắp thêm kinh nghiệm cho mình. Nếu ông Phúc được bổ nhiệm làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, theo "kịch bản hai" thì ông Huệ sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội.

Ông Phạm Minh Chính đứng hàng thứ chín trong Bộ Chính trị, hai nấc trên ông Huệ, người đứng thứ mười một. Ông Chính có bề dày cả trong bộ máy đảng lẫn trong ngành an ninh. Ông là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Bộ Công an về hậu cần, kỹ thuật, tình báo và là Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng. Kinh nghiệm này hẳn sẽ phù hợp với ông trong ghế chủ tịch nước thay vì ghế thủ tướng.

BBCCảm ơn Giáo sư.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị trên 5 triệu thành viên và duy nhất lãnh đạo quốc gia trên 96 triệu dân (2019) được tổ chức 5 năm một lần.

Các nhà quan sát nước ngoài nói sự kiện này có tầm quan trọng quyết định cho hướng đi của Việt Nam nhiều năm tới, cụ thể là để lập tân chính phủ cho nhiệm kỳ 2021-26 và định hướng kinh tế 2021-2030.

Tuy thế, việc kiểm soát luồng thông tin về Đại hội Đảng 13 được Nhà nước Việt Nam chú ý đặc biệt.

Hôm 30/12/2020, Chính phủ nước này ban hành một danh mục được xếp hạng các "bí mật nhà nước", trong đó có các thông tin liên quan nhân sự và nội bộ của đảng, vào theo truyền thông nhà nước thì "phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét