Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

20210106. GÓP Ý KIẾN ĐẠI HỘI XIII ĐCSVN (10)

ĐIỂM BÁO MẠNG

'TÔI MỪNG VÌ CHƯA NGHE THẤY DƯ LUẬN GÌ VỀ CHẠY CHỨC, CHẠY PHIẾU'
NHẬT MINH/ GDVN 4-1-2021

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và những thiệt hại nặng nề do bão lũ ở các tỉnh miền Trung đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội và sự phát triển của đất nước, nhưng công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vẫn được tiến hành nghiêm túc, đúng tiến độ.

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có được những kết quả lớn lao trên là do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội các cấp.

Và một trong những vấn quan trọng chuẩn bị cho Đại hội Đảng 13 là công tác nhân sự, đang được quan tâm rất nhiều.

Ông Nguyễn Túc. Ảnh: Nhật Minh

Đến nay qua hai hội nghị 13 (tháng 10/2020) và 14 (tháng 12/2020), Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa mới, gồm cả uỷ viên chính thức và dự khuyết; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo tính kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi).

Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

Được biết, tại hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) tới đây, Bộ Chính trị sẽ "báo cáo các trường hợp đặc biệt để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội XIII của Đảng".

Theo ông Nguyễn Túc: "Công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội 13 bài bản hơn, chu đáo hơn. Tôi tin với sự chuẩn bị kỹ càng đó sẽ lấp được lỗ hổng về vấn đề nhân sự, không để xảy ra chuyện đáng tiếc như từng xảy ra; không để những kẻ có ý đồ không trong sáng lợi dụng được".

Ông Túc dẫn lại con số tổng kết thì nhiệm kỳ Đại hội 12, chúng ta xử lý hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có nhiều ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, hơn 30 tướng lĩnh. Đó là kinh nghiệm, là bài học lớn cho việc chuẩn bị nhân sự khóa mới.

"5 bước mà Trung ương đề ra nhằm tham khảo được nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng giám sát, xem xét toàn diện các nhân sự cho Đại hội Đảng 13 là điều rất tốt.

Tất cả làm sao để chặn được "chạy chức", "chạy quyền", "chạy phiếu", chọn được người có tài, có đức, đủ tiêu chuẩn phục vụ nhân dân, đất nước. Và tôi mừng vì thời gian qua không nghe thấy dư luận về việc "chạy chức, chạy phiếu".

Công tác nhân sự cực kỳ là quan trọng và khó khăn. Các quy định, sự chuẩn bị bài bản sẽ giúp tránh những sai sót trong công tác cán bộ, còn nói tuyệt đối không có sai sót thì rất khó, đặc biệt trong cơ chế thị trường như hiện nay".

Ông Túc cho rằng: "Để cho công tác cán bộ tốt hơn nữa, tôi đã nhiều lần phát biểu, đề cập công khai tại các hội nghị là nên công khai danh sách nhân sự.

Gần đây nhất là vào ngày 21/12, tại Hội nghị lần thứ 4 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2020; chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2021; xin ý kiến vào các tờ trình về việc bổ sung nhân sự Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, bổ sung tổ chức thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Tôi vẫn cứ đề nghị nếu có đồng chí nào vào Trung ương khóa mới này nên công khai danh sách trước Đại hội để dân biết và tham gia góp ý.

Quyết định 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218 quy định về việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân là cơ sở cho việc này.

Đặc biệt, thời gian qua chính nhờ sự góp ý của Mặt trận Tổ quốc đã phát hiện ra nhiều trường hợp cán bộ cấp cao không đủ tiêu chuẩn".

Nhật Minh
GIÁO SƯ NGUYỄN ANH TRÍ LÝ GIẢI VỀ NHỮNG KẺ ĐẠO ĐỨC KÉM VẪN 'CHUI SÂU, LEO CAO'
CAO KIM ANH/ GDVN 3-1-2021

Chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (25/1-2/2/2021), điều mà nhân dân đang mong chờ là lựa chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài, có khả năng lãnh đạo đất nước phát triển; đồng thời Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, làm trong sạch hệ thống chính trị, phát huy thành quả của Đại hội XII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Kế thừa, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, tạo nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt.

Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.

Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố, tăng cường”.

Có thể thấy rằng, song song với công tác cán bộ, Đảng luôn chú trọng tới nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương tới địa phương, và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Quy trình tuyển mộ cán bộ phải bình đẳng để thực sự chọn được người tài, có tâm, có đức. Ảnh: GDVN.

Giáo sư có đánh giá gì về công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Chúng ta thấy rất rõ 10 năm trở lại đây nhưng đặc biệt trong 5 năm vừa qua, công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta đạt được những thành tựu rất to lớn. Thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, công tác phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, phòng chống tham nhũng không chỉ “từ vai trở xuống, mà từ đầu”, mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh.

Thứ hai, công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, có lý, có tình, rất đúng mực, có cơ sở pháp lý và có trách nhiệm của Đảng viên, nhất là những điều được quy định trong Điều lệ Đảng.

Thứ ba, công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta trong 5 năm vừa qua làm liên tục, bài bản, chứ không phải là vài ba vụ việc đơn lẻ. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự, trong số này có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang, các vi phạm phần lớn là thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Việc xử lý đối với những vi phạm rất nghiêm khắc, do đó nhân dân rất tin tưởng đường lối của Đảng, tạo tiền đề cho những thành công tiếp theo lớn hơn, bền vừng hơn.

Tôi có thể lấy một dẫn chứng rõ ràng nhất là phòng chống dịch Covid 19 vừa qua, chúng ta là một trong những quốc gia thành công nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Nguyên nhân rất cơ bản là sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào Đảng. Chúng ta đoàn kết được, thống nhất được thì mới có thành công.

Tôi cho đó là lý do hàng đầu, lý do Đảng nói, dân tin. Người dân tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối, làm theo những mệnh lệnh, yêu cầu, chỉ thị của Chính phủ.

Công tác tuyển chọn, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ đã có đầy đủ quy trình, vậy theo Giáo sư thì tại sao vẫn để lọt lưới một số cán bộ ở cấp cao mắc sai phạm suốt một thời gian dài mới phát hiện ra?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Đó là một thực tế rất đau lòng mặc dù chúng ta biết công tác tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện cán bộ được thực hiện theo các quy trình rất chặt chẽ.

Quy trình thì chặt chẽ nhưng tại sao vẫn để để lọt lưới nhiều cán bộ Đảng viên mắc sai phạm từ cấp địa phương tới Trung ương, thậm chí trong số đó có cả tướng lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, cá biệt có cả những người đã là Ủy viên Bộ Chính trị… mắc sai phạm tới mức phải kỷ luật? Điều này chứng tỏ đã có khâu nào đó trong quy trình diễn ra chưa ổn và như thế là nghiêm trọng.

Quy trình đưa ra rất chặt chẽ thế nhưng tỉ lệ cán bộ sai phạm quá lớn về vi phạm tham nhũng. Điều này chứng tỏ các khâu trong quy trình kiểm soát quyền lực chưa thật sự ổn, như thế nhân dân, cử tri sẽ có ý kiến, cần phải xem lại quy trình tuyển chọn cán bộ của chúng ta.

Đây là một thực tế rất đau lòng nhưng đó cũng là câu hỏi lớn của nhân dân, của cử tri đặt ra câu hỏi cho Đảng rất cần thiết và xem lại để ngăn chặn những nguy cơ khác.

Theo quan điểm của Giáo sư, tại Đại hội XIII cần làm gì để cải thiện được tình hình này?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Để tìm được những cán bộ, Đảng viên có đạo đức, có tài năng, có tầm nhìn để đứng ở các cương vị lãnh đạo ở cấp bộ Đảng chính quyền khác nhau thì rõ ràng cần phải có nhiều giải pháp.

Quy trình hiện nay của chúng ta đã đầy đủ và cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc và ngày càng đổi mới để loại bỏ thiếu sót, tùy thuộc vào từng giai đoạn như tuyển chọn, bồi dưỡng, huấn luyện, thăm dò… nhưng theo quan điểm của tôi cần chú ý mấy điểm sau:

Thứ nhất, quy trình tuyển mộ cán bộ phải bình đẳng để thực sự chọn được người tài, thực sự người có tâm, có đức, không kể con ai, cháu ai, không kể xuất thân giai cấp nào. Nhân tài có thể từ nông dân, công nhân, cũng có thể từ hoạt động thương nhân đi lên và đều phải được tôn trọng như nhau.

Đặc biệt, những trường hợp “con ông cháu cha” thường bị mọi người thường xoi mói, nhưng như thế theo tôi như vậy cũng không đúng vì có rất nhiều trường hợp có năng lực. Họ sinh ra và trưởng thành trong gia đình có nền tảng tốt, thụ hưởng đức tính tốt và trở thành những lãnh đạo tốt là điều dễ hiểu.

Vì vậy, tôi mới nhấn mạnh rằng công bằng thể hiện ở quá trình tuyển mộ phải bình đẳng, chứ không phải xuất thân từ đâu.

Thứ hai, quá trình tuyển chọn phải minh bạch, nhất là đối với những cán bộ được lựa chọn để đưa vào những vị trí lãnh đạo cấp cao thì càng phải minh bạch.

Nhân dân chính là gương phản ánh rõ nhất trong quá trình phấn đấu của một cán bộ. Chỉ có nhân dân mới nhìn được chân tơ, kẽ tóc của cán bộ.

Ngay trong một cơ quan, lãnh đạo là người như thế nào cấp dưới đều biết hết. Thế nhưng quá trình tuyển mộ không rõ ràng, những người có ý kiến thẳng thắn, không khôn khéo còn có thể bị trù dập. Đó là nguyên do, dù biết lãnh đạo không tốt nhưng vẫn “im lặng” để “leo cao, chui sâu” vào các vị trí chủ chốt.

Chỉ có nhân dân, tập thể mới tiếp xúc trực tiếp, nhìn nhận thấu đáo đức tính một con người và sau này chính người đó rồi có thể trở thành lãnh đạo của đơn vị đó, thậm chí lãnh đạo mức cao hơn như cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trung ương.

Tập thể có thể biết ông cán bộ đó có bao nhiêu nhà, bao nhiêu xe, bao nhiêu của cải, có tình cách, đức độ như thế nào, nhưng sự minh bạch chưa đạt đến độ cho người dân thẳng thắn đưa ra vấn đề đó.

Chúng ta đã thực sự minh bạch, dựa vào dân để tìm ra cán bộ tốt, cán bộ chủ chốt chưa? Hay chúng ta hầu như dựa vào lý lịch, dựa vào quá trình đào tạo, huấn luyện nhiều quá mà quên mất dựa vào nhân dân để tìm ra cán bộ?

Quy hoạch thì tốt nhưng không nên quá cứng nhắc. Thực tế, có những người chưa được quy hoạch nhưng sau đó người đó lại rất tốt, rất xứng đáng, có nhiều cống hiến cho đất nước. Nếu chỉ bó chặt vào số được quy hoạch thì liệu có thể bỏ lọt người tài đức không? Do đó, quy hoạch cần phải nghiêm, chuẩn, nhưng cũng phải linh hoạt, phải tích cực tìm ra người tài giỏi và có năng lực.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Cao Kim Anh
CẦN CÓ LUẬT VỀ TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI
LÊ THANH VÂN/ GDVN 2-1-2021

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nếu không khai thác sử dụng thì quốc gia thiệt thòi, chậm phát triển. Đất nước ta đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn; tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt, nguồn vốn cho đầu tư phát triển đã đến hồi khó khăn; đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa việc khai thác tài nguyên hiệu quả với việc thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tri thức.

Muốn làm được điều đó, không có lựa chọn nào khác là phải biết trọng dụng nhân tài. Lịch sử phát triển của thế giới nói chung và các quốc gia, dân tộc nói riêng, đều gắn liền với chính sách trọng dụng nhân tài.

Việc phát hiện, trọng dụng và đào tạo nhân tài từ truyền thuyết đến thời đại Hồ Chí Minh

Vấn đề phát hiện, trọng dụng và đào tạo nhân tài tiếp tục được nhắc tới khi năm 2020 là tròn 20 năm chương trình đường lên đỉnh Olympia được tổ chức nhưng hầu hết các nhà vô địch đều đi du học Úc và sau đó đa phần ở lại Úc làm việc. Đến nay, chỉ có 3/18 nhà vô địch là về nước làm việc và con số đó làm nhiều người cảm thấy ít ỏi. Theo nhiều chuyên gia muốn nhân tài phát huy trí tuệ thì phải có chính sách phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ và được lắng nghe ý kiến của Tiến sĩ Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV – người đã đề cập liên tiếp ở 2 khóa Quốc hội rằng phải phải xây dựng một đạo luật về trọng dụng nhân tài, coi đó là Chiếu cầu hiền của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay nhưng đến nay vẫn chỉ là sự ghi nhận.

Tiến sĩ Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV (ảnh: Thùy Linh)

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Vân, tính đến nay, việc phát hiện, trọng dụng và đào tạo nhân tài của chúng ta mới dừng lại ở chủ trương trên giấy hoặc đề cập đâu đó ở các văn bản rải rác, chưa hề có văn bản pháp luật nào xác định mục tiêu, nội dung hình thức, phương pháp trọng dụng nhân tài.

Tóm lại, vấn đề nhân tài đến nay chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là Quốc hội ban hành dưới dạng một đạo luật.

Ngày xưa, nhà vua ban Chiếu cầu hiền – đó là văn bản chính thức có giá trị như một đạo luật để thể hiện chính sách trọng dụng nhân tài của nhà nước và chính sách đó thực thi rất hiệu quả.

Cụ thể, từ thời huyền thoại, theo truyền thuyết, vua Hùng đã cho sứ giả đi hang cùng ngõ hẻm lùng xục chiêu mộ nhân tài, từ đó chúng ta có Thánh Gióng 3 tuổi đánh thắng giặc Ân.

Đó là câu chuyện truyền thuyết nhưng thể hiện tầm vóc của một chính sách trọng dụng nhân tài có từ trong thần thoại, đó là khát vọng của nhân dân thể hiện được dưới câu chuyện nhà vua biết trọng dụng nhân tài để bảo vệ, xây dựng đất nước.

Và từ câu chuyện truyền thuyết đã trở thành sự thật khi các triều đại từ nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Trần đến nhà Nguyễn, các triều đại thịnh trị thường có Chiếu cầu hiền.

Ví như nhìn vào triều đại Lê sơ cho thấy, vua Lê Thánh Tông đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong xây dựng, phát triển đất nước và được xem là đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam.

Là một vị vua anh minh, Lê Thánh Tông đặc biệt dành sự quan tâm trong việc xây dựng con người chính trị, mà trọng tâm là vấn đề đào tạo và sử dụng quan lại. Chính sách trọng dụng nhân tài thời Lê Thánh Tông đã trở thành “khuôn phép”, hay “chế độ” như các sử gia phong kiến đã đánh giá, để các triều đại sau đó noi theo, xem như một hình mẫu trong việc tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông có nhiều cách thức tuyển dụng, trọng dụng nhân tài như thông qua hình thức thi tam trường: Hương, Hội, Đình. Vòng đầu thi kinh nghĩa, gồm các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo. Vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ...). Vòng ba thi sáng tác thơ phú theo chủ đề. Vòng bốn thi văn sách để viết các bài tự luận.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, với cách thi tuyển gắn với trường hợp cụ thể, đề thi mở, không có trong sách vở thì chuyện mớm đề thi, thủ sẵn phao thi là hoàn toàn không có tác dụng gì.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, Bác có 2 công thư vào cuối năm 1945 và giữa năm 1946 gửi chính quyền cả nước đề nghị phát hiện và tiến cử nhân tài cho nhà nước.

Qua tìm hiểu thì thấy, Bác chỉ dựa trên 3 phương pháp:

Một là, muốn biết người đó có giỏi không thì hỏi thông qua bạn bè, khi bạn bè thừa nhận thì chắc chắn sẽ giỏi chứ không phải "lấy tín nhiệm bỏ phiếu gầm bàn".

Hai là hỏi hàng xóm, láng giềng xem người ta ứng xử ông bà, bố mẹ có hiếu kính, lễ nghĩa không, đối xử với hàng xóm có nhân nghĩa không. Nếu có thì đó là người có đức.

Ba là, Bác Hồ trực tiếp sát hạch nói chuyện, cảm nhận thần thái, khẩu ngữ tư duy để định vị xem người đó có học, có tầm nhìn hay không rồi giao một công việc tương ứng để từ đó đánh giá.

Chính nhờ phương pháp đó nên Bác có những học trò cực kỳ xuất sắc như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn….

Phải có một đạo luật riêng để thi hành chính sách trọng dụng nhân tài

Còn ngày nay thì Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thừa nhận: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có nêu ra chủ trương “thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Nhưng tiếc rằng, đến nay, chủ trương ấy chưa được triển khai cụ thể trên thực tế.

Thời gian qua, trên cơ sở chính sách chung của Đảng và Nhà nước, một số ngành, địa phương đã có cơ chế trọng dụng nhân tài, như: Bộ Giao thông - Vận tải, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nhưng mỗi nơi một kiểu, cách làm khác nhau, thiếu tính nhất quán, thiếu tính liên tục, chưa thành quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, chưa có một tổng kết đúng tầm về chính sách trọng dụng nhân tài”.

Còn nhìn vào chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đây là sân chơi do một đài truyền hình chứ không phải chương trình của Chính phủ, càng không phải nơi thực thi một đạo luật của Quốc hội tuy nhiên chương trình ngay từ khi ra đời đã thu hút rất đông quần chúng nhân dân quan tâm và chọn được nhiều nhân tài trẻ nhưng điều đáng nói là các em đều nhận được học bổng nước ngoài, đi du học và đa số không trở về nước. Điều này đặt ra rằng, cần phải có giải pháp để thu hút nhân tài.

Tình hình ấy, Tiến sĩ Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải có một đạo luật, làm cơ sở pháp lý chuẩn mực để thi hành chính sách trọng dụng nhân tài trên phạm vi cả nước.

Nếu Luật Trọng dụng nhân tài được xây dựng thì nội dung của nó sẽ phải đề cập đến những vấn đề cơ bản về: định nghĩa nhân tài; phân loại nhân tài trong từng lĩnh vực; những nguyên tắc lựa chọn và trọng dụng nhân tài; chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài; cam kết, cống hiến của nhân tài; trách nhiệm tiến cử, đề cử, trọng dụng nhân tài; đánh giá năng lực, cống hiến của nhân tài; cơ chế bảo vệ nhân tài và chế tài xử lý đối với những hành vi trù dập, ngăn cản nhân tài...

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, trước tiên, bây giờ phải đưa ra định nghĩa chuẩn mực về nhân tài, không thể nói chung chung.

Hiểu theo nghĩa chung nhất, thì nhân tài là người có khả năng “kinh bang tế thế”, biết xoay chuyển cục diện, có năng lực nổi trội. “TÀI, TRÍ” phải gắn với “TÂM, CAN”, tức là trí tuệ, tài năng phải gắn với cái tâm trong sáng và trách nhiệm rõ ràng. Nói một cách giản dị như cha ông ta, là TÀI phải gắn với ĐỨC.

Một học giả người Mỹ tên là Dave Ulrich cho rằng, nhân tài là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố, đó là tài năng, cam kết và cống hiến (Competence, commitment và contribution) mà người ta gọi là lý thuyết 3C.

“Và theo tôi, thì nhân tài cần phải được phân loại theo 6 lĩnh vực cụ thể về: chính trị, quản lý, điều hành, khoa học, chuyên môn và văn hóa - nghệ thuật’, Đại biểu Quốc hội này nói.

Theo đó, nhân tài trong chính trị là những người xuất chúng, có tư duy ở tầm tư tưởng, trên cơ sở nhận thức đúng đắn quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, có tầm nhìn xa, trông rộng để hoạch định đường lối, chính sách chiến lược, làm định hướng dẫn dắt, có khả năng khởi xướng chính sách và tạo cảm hứng cho muôn người đi theo.

Nhân tài trong quản lý là những người có năng lực vượt trội về phương pháp, biết cụ thể hóa tư tưởng chính trị thành những chính sách cụ thể, những quy tắc xử sự phù hợp để triển khai các mục tiêu, định hướng trở thành hiện thực.

Nhân tài trong điều hành là những người nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để chỉ huy hệ thống thuộc quyền vận hành theo đúng mục tiêu, đạt được kết quả như mong muốn.

Nhân tài trong khoa học là những người có khả năng nhận thức được quy luật vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng theo vòng xoáy trôn ốc của phát triển, từ đó đưa ra những lời giải cho việc xử lý những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

Nhân tài trong chuyên môn là những người có khả năng ứng dụng thuần thục các quy trình, quy phạm, quy tắc trong công việc, bảo đảm sự đúng đắn, chính xác, tuyệt đối, mà không để xảy ra sai phạm.

Và cuối cùng, nhân tài trong văn hóa - nghệ thuật là những người có khả năng sáng tạo, trình bày các tác phẩm, các giá trị văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.

Phân loại được 6 nhóm nhân tài như trên, sẽ là cơ sở để bố trí nhân sự phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể theo sở trường, sở đoản của từng người.

Một người có khả năng làm tốt công tác phong trào, chưa hẳn trở thành một chính trị gia, một nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị; một doanh nghiệp giỏi về sản xuất, kinh doanh chưa hẳn trở thành một nhà quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính; một nhà khoa học xuất sắc chưa hẳn trở thành một chính khách...

Trên thực tế, chúng ta đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc trọng dụng nhân tài. Đôi khi, vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn, vì tính đại diện mà xem nhẹ chất lượng cán bộ.

Cần phải dỡ bỏ các rào cản về độ tuổi quy hoạch đối với hiền tài

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, lâu nay, chính sách trọng dụng nhân tài ở nước ta mới chỉ được tiến hành một cách riêng lẻ, chưa đồng bộ. Người có trình độ, năng lực lại không được đề bạt, cất nhắc, không được đánh giá, ghi nhận, vì không có vây cánh hoặc thiếu sự thừa nhận, sự giúp đỡ của cơ quan, tổ chức và đặc biệt là ở người có thẩm quyền.

Trong xã hội, bộ máy chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng hành lang pháp lý thực sự minh bạch để nhân tài đường hoàng bước ra “phò dân, giúp nước” chưa đủ, chưa đúng và chưa trúng. Nếu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực sự có “tài, trí, tâm, can”, thì chính họ sẽ có cách để chiêu hiền, đãi sĩ.

Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy rằng, chỉ có nhân tài mới nhận ra nhân tài. Lẽ thường ấy cũng được thể hiện qua những câu châm ngôn, như "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" là vì vậy.

Chính vì vậy, một nguyên tắc mà vua Lê Thánh Tông trị quốc là hễ ai giỏi hơn thì sẽ có chức vụ cao hơn chứ để kẻ chui lủi trong học tập, mua bằng cấp, gian trá trong mua phiếu tín nhiệm, chạy chọt giữ quyền định đoạt thì nhân tài dễ bị vùi dập do đó cần phải có chính sách xử lý nghiêm khắc đối với những kẻ che giấu, ngáng chân nhân tài. Có như vậy hiền tài mới đường đường xuất thân, lộ diện.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút người tài bằng cơ chế ưu đãi đặc biệt mà một số địa phương đã và đang làm. Nhân tài phải được đối xử khác với người thường, phải được ưu tiên trọng dụng.

Nhân tài trong lĩnh vực chính trị tư tưởng phải được đào tạo, bồi dưỡng để trở thành chính khách, chính trị gia.

Với nhóm người tài quản lý, điều hành, cần đào tạo bài bản, trải qua môi trường thực tế để họ bộc lộ năng lực quản lý, điều hành.

Nhân tài trong khoa học, chuyên môn, trong văn hóa, nghệ thuật phải có môi trường trong sáng, có đủ điều kiện để khai triển tài năng...

Ngoài ra, cần phải có cơ chế tiến cử, đề cử gắn liền với trách nhiệm trước pháp luật và cơ chế bảo vệ nhân tài.

Cuối cùng, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: “Từ cổ chí kim, chưa bao giờ giới hạn độ tuổi đối với hiền tài mà chúng ta chỉ giới hạn độ tuổi lao động phổ thông.

Bởi lẽ, trong thần thoại, Thánh Gióng 3 tuổi mà đợi quy hoạch, chờ đến tuổi thì làm gì có vị thánh đánh thắng giặc Ân như vậy. Hay Lý Thường Kiệt nếu quy hoạch, hạn chế độ tuổi thì ông ấy 83 tuổi không thể cầm quân đánh giặc được….Do đó, muốn phát hiện, trọng dụng nhân tài thì phải dỡ bỏ các rào cản về độ tuổi quy hoạch đối với hiền tài”.

Thùy Linh (thực hiện)
TRAO ĐỔI VỚI TS NGUYỄN SỸ DŨNG VỀ CHUYỆN CHỌN NGƯỜI TÀI
LƯU TRỌNG VĂN/ TD 3-1-2020

VNexpress vừa gây xôn xao dư luận bởi bài viết “Chọn lựa người tài” của tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm VPQH, một chính trị gia phản biện nổi tiếng hiện nay.

Tiến sỹ Dũng viết:

Về việc lựa chọn lãnh đạo, nếu các nước phương Tây lựa chọn nhân sự cao cấp theo cách tranh cử, thì Trung Quốc lựa chọn nhân sự cao cấp theo thành tích thực tế. Cứ ai giỏi nhất trong các xã thì được điều lên huyện; ai giỏi nhất trong các huyện được điều lên tỉnh; ai giỏi nhất trong các tỉnh được điều lên trung ương. “Giỏi nhất” ở đây được xác định bằng một số tiêu chí định lượng rất rõ ràng, mà quan trọng là việc đưa được kinh tế phát triển nhanh vượt bậc.

Người giỏi nhất được điều lên trung ương, nếu được cơ cấu, lại được điều về nơi khó khăn nhất để thử thách. Nếu người này tạo ra được chuyển biến vượt bậc cho nơi khó khăn đó, gần như chắc chắn sẽ trở thành lãnh đạo cấp cao. Đây cũng là lý do tại sao người ta thường biết trước ai sẽ là người đứng đầu đảng và nhà nước trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Gã không bình luận gì về nhận định từ Hà Nội của tiến sỹ Dũng về đường lối chọn nhân sự của Bắc Kinh, gã chỉ chứng thực lời tiến sỹ Dũng, đó là người dân TQ với mô hình này đã biết Tập Cận Bình, Dương Thiết Trì, Vương Nghị, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai… sẽ là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Tiến sỹ Dũng viết tiếp:

Nhiều nước phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về mô hình quản trị nhân lực công của Trung Quốc và nhận ra những ưu thế rất lớn của mô hình này. Một số người cho rằng nếu tỷ lệ lựa chọn chính xác người tài theo mô hình bầu cử dân chủ của phương Tây chỉ đạt mức trên dưới 50%, thì tỷ lệ này theo mô hình của Trung Quốc có thể đạt đến mức 70%-75%.

Gã chỉ nhắc tiến sỹ Dũng là, tiêu chí đầu tiên chọn người làm lãnh đạo của CSTQ phải là đảng viên CSTQ và tuyệt đối trung thành với Cương lĩnh của đảng CSTQ, còn tiêu chí chọn người tài của các nước dân chủ là đặt tay lên Hiến pháp thề trung thành với Hiến pháp.

Trung Quốc chỉ chọn người tài hơn kẻ khác trong số những người trung thành với đảng. Mà trung thành với đảng thì phải trung thành với tư tưởng của đảng CSTQ, là bành trướng bá quyền, là chà đạp các dân tộc nhỏ hơn, là o ép nhân quyền, độc tài, độc đảng.

Thật đáng sợ cho một đất nước đang trọng dụng người tài và mua chuộc người tài để làm mạnh mẽ thêm những mưu toan thống trị toàn cầu ấy!

Việt Nam chọn người tài theo mô hình nào đây? Điều này phụ thuộc đảng CSVN đặt lợi ích nào là trên hết mà thôi.

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 15, NHÂN SỰ ĐẶC BIỆT VÀ ĐỀ CỬ 'TỨ TRỤ'

PHẠM VŨ HIỆP/ TD 4-1-2020

Đảng cộng sản Việt Nam đã công khai thời gian tiến hành Đại hội XIII, từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại Hà Nội. Được biết ngày 25/1 họp phiên trù bị, ngày 26/1 sẽ chính thức khai mạc. Số đại biểu tham dự là 1.590 đảng viên.

Đại hội này sẽ bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương khóa mới khoảng 200 người, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới cũng dự kiến giữ như khóa XII, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người.

Thời gian không còn nhiều nhưng đến hội nghị 14 Đảng vẫn lay hoay việc ai ở, ai đi, chưa định hình được bộ khung “tứ trụ”.

Ai trong số này sẽ là “nhân sự đặt biệt”? Từ trái 
qua, trên xuống Phúc – Vượng – Ngân – Bình – Lịch  
Nhân – Phóng

Được biết Bộ Chính trị sẽ nhóm họp vào ngày 9/1/2021 tới đây để quyết định việc đề cử “nhân sự đặc biệt” để trình hội nghị BCH Trung ương 15, dự kiến diễn ra vào ngày 15/1/2021.

Cuộc họp này có tính chất cực kỳ quan trọng, không mở rộng, vì vậy các thành viên Ban Bí thư mà không không có chân trong Bộ Chính trị cũng sẽ không được tham dự.

Chiều 30/12/2020 tất cả báo chí quốc doanh đồng loạt loan tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Quyết định được ký theo đề nghị của Văn phòng Trung ương Đảng.

Theo đó, việc sắp xếp nhân sự “bộ ngũ” chóp bu của Đảng, hồ sơ lý lịch, tài liệu, đơn thư tố cáo… tất tật các thứ liên quan đến cá nhân “bộ ngũ” đều là bí mật quốc gia, cấp độ “Tuyệt mật”.

Thực tế, sau hội nghị 13, quyết định 1722/QĐ-Ttg do ông Nguyễn Xuân Phúc ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 3/11/2020 đã giao cho Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành. Nay chuẩn bị “so găng” trong hội nghị 15, họ bắt đầu răn đe.

Nhiều văn bản đóng dấu “Tuyệt mật” chỉ để phục vụ cho lợi ích 
nhóm

Các “trường hợp đặc biệt và nhân sự tứ trụ khoá XIII đang vô cùng gay cấn nên cấp cao của Đảng cấm đảng viên, dân chúng luận bàn. Giới bình luận chính trị tại Hà Nội cũng nhận định, động thái này chứng tỏ một sự lúng túng, sự giằng co và căng thẳng trong việc sắp xếp, bầu chọn lãnh đạo cao cấp cho đại hội XIII.

Thượng tầng chính trị Đảng Cộng sản lo sợ sự rò rỉ thông tin, gây ảnh hưởng tới việc dàn xếp, mặc cả nhân sự. Quyết định vừa ký cũng là đòn ngăn chặn mang tính hăm doạ ngay trong nội bộ cấp cao. Họ sợ các thế lực ngầm vận động, tố cáo bôi bẩn và đề phòng kẻ mượn báo chí, mạng xã hội… tấn công cá nhân để giành phiếu trong cuộc đua quyền lực.

Văn bản 1772/QĐ-TTg

Còn nhớ, trước đại hội IX, Lê Đức Anh cùng Đỗ Mười đã công khai vận động Bộ Chính trị, BCH trung ương khoá VIII loại ông Lê Khả Phiêu ra khỏi danh sách đề cử chức Tổng Bí thư khoá IX.

Trở lại chuyện nhân sự đại hội XIII, các quân cờ xem như đã lật ngửa. Nội dung họp Bộ Chính trị sắp tới chắc cũng na ná, không khác trước đại hội XII là mấy, tạm chia làm ba phần:

– Phần một, bản thân từng vị tốt hay xấu, ưu khuyết ra sao, đạo đức lối sống thế nào, lập trường kiên định đến đâu, đơn thư tố cáo những gì, kết quả xác minh… sẽ được đặt lên bàn và các đồng chí sẽ “tính sổ” lần cuối với nhau.

– Phần hai, tổng Trọng xung phong rút lui và đề nghị những người khác rút theo mình để nhường cơ hội cho những người trẻ hơn trong Bộ Chính trị. Bộ tứ được đồn đoán sẽ có nửa già, nửa trẻ nhằm chuyển tiếp. Như vậy phương án “nhân sự đặc biệt” hai người ở lại có vẻ khả thi.

– Phần ba, các Ủy viên Bộ Chính trị sẽ trải lòng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, thảo luận và bỏ phiếu kín để chốt.

Về lý thuyết, theo các văn bản hướng dẫn của đảng, đảng viên đang trong thời hạn thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, vẫn có thể được xem xét, giới thiệu tái cử nhưng không được giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn.

Nhưng trên thực tế, dấu chấm hết đã dành cho hai đồ đệ của 3X là Nguyễn Văn Bình và Hoàng Trung Hải. Tuy nhiên, lá phiếu hai ông này vẫn có giá trị tại các cuộc bầu bán trong Đảng cho đến kết thúc đại hội XIII.

Chỉ tính từ sau năm 1975, những tranh chấp “một mất một còn” đã diễn ra trong cung đình nhà nước cộng sản. Mọi chuyện không “đoàn kết, nhất trí cao và thành công tốt đẹp” như tuyên giáo truyền thông bịp dân chúng. Xin điểm lại một số sự kiện:

– Tháng 12/1986, Lê Đức Thọ doạ sẽ cho đảng “toang”, nếu Trường Chinh không chịu rút lui khỏi ghế Tổng Bí thư. Trong sácg “Bên thắng cuộc”, Huy Đức thuật lời nhân chứng về sự kiện sáng 13/12/1986, họp chốt tứ trụ trước đại hội VI một ngày, như sau: “… kéo đến nhà riêng Trường Chinh gồm một lô một lốc, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Tâm, Võ Chí Công… Lê Đức Thọ ép ông ký vào lá đơn ‘xin không ứng cử’. Khi ông Trường Chinh chưa kịp trả lời, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Phạm Hùng nói: ‘Anh không rút thì rất căng’. Ông Trường Chinh đã phải gật đầu, nhưng ông đã không ký vào lá đơn ‘xin rút’ do Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Khánh chuẩn bị“.

Trước đó không lâu, hai đại tướng là ứng viên ghế Bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn đã đột tử đầy nghi vấn.

– Tháng 3/1990 một năm trước khi diễn ra đại hội VII, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách (1924-2006), ứng viên Tổng Bí thư đã bị Nguyễn Văn Linh chụp mũ “đa nguyên, đa đảng”, bị loại ra khỏi cuộc đua với án kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

– Tháng 4/1996, chỉ còn ba tháng nữa là khai mạc đại hội VIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Nguyễn Hà Phan (1933-2019) ứng viên Thủ tướng khoá VIII, bị Võ Văn Kiệt hạ know-out, dựa vào đơn thư tố cáo “làm nội gián cho địch”, án khai trừ ra khỏi Đảng và thu xếp rời Hà Nội để về quê ngay tức khắc.

– Tháng 12/2010, khi còn chưa đầy một tháng nữa diễn ra đại hội XI, Hồ Đức Việt (1947-2013) Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương, ứng viên Tổng Bí thư, đã bị liên minh Nông Đức Mạnh – Tô Huy Rứa – Phạm Quang Nghị đánh bay ra khỏi danh sách đề cử Bộ Chính trị khoá XI.

– Tháng 12/2015, chuẩn bị đại hội XII, Nguyễn Tấn Dũng là ứng viên số 1 cho vị trí Tổng Bí thư khi đã kinh qua hai nhiệm kỳ Thủ tướng, 3X trở thành đích ngắm huỷ diệt của nhiều phe. Vẫn là đơn thư tố cáo, nhưng “nặng ký” ở chỗ, đơn của các cựu Ủy viên Bộ Chính trị đích danh được gởi đến từng Ủy viên Trung ương, những chỉ trích nảy lửa trong các cuộc họp Bộ Chính trị…

Bốn ngày trước khi khai mạc hội nghị 13 khoá XI, hội nghị đề cử Bộ Chính trị, Ban bí thư và bàn “trường hợp” đặc biệt, Nguyễn Tấn Dũng chịu không nổi trước những cú ra đòn liên hoàn của đối phương. Để đảm bảo an toàn cho gia đình mình, phe nhóm mình, 3X buộc phải viết đơn xin “không tái cử”, để khỏi lưu huyết trong các trận thư hùng.

Đơn thư tố cáo và “đơn không tái cử” của Nguyễn Tấn Dũng

Trước đó, khi được quy hoạch vào ghế Thủ tướng khoá XII, ông Nguyễn Xuân Phúc đã bị thế lực giấu mặt đứng sau trang Chân Dung Quyền Lực đánh “dưới thắt lưng” ròng rã nửa năm trời.

Tám Ủy viên Bộ Chính trị quá độ tuổi tái cử theo quy định là:

– Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944, 77 tuổi);

– Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (sinh năm 1953, 68 tuổi);

– Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, nhiệm kỳ 2016 – 2021 (sinh năm 1953, 68 tuổi);

– Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1954, 67 tuổi);

– Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1954, 67 tuổi);

– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (sinh năm 1954, 67 tuổi);

– Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (sinh năm 1954, 67 tuổi);

– Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (sinh năm 1955, 66 tuổi).

Tám ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi: Trọng, Phúc, Ngân Lịch — 
Nhân, Phóng, Vượng, Bình

Ông Trọng rút lui vì già yếu và bệnh tật. Năm trong số bảy người còn lại được đánh giá cao gồm: Phúc, Vượng, Ngân, Bình, Lịch. Nếu chỉ được chọn đề cử 2 trong số 5 người, thì phải xem vị trí mà họ sẽ “so găng”.

1. Tranh chức Tổng bí thư:

Ở vị trí này, chỉ có ba người đủ tầm đấu với nhau là: Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong quá khứ, Thủ tướng nhảy lên làm Tổng bí thư (TBT) chỉ có mỗi Đỗ Mười. Thường trực Ban bí thư lên nắm TBT thì có Nguyễn Văn Linh và Lê Khả Phiêu. Chủ tịch Quốc hội làm TBT có Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.

Xét từng nhân sự:

i) Nguyễn Xuân Phúc: Từng ngồi ghế Ủy viên Bộ Chính trị hai khoá, đương kim tứ trụ. Phúc nhiều uy tín, phiếu tín nhiệm tại Trung ương cao. Ngặt nỗi theo vùng miền, dân từ vĩ tuyến 17 trở vào, xét lịch sử chỉ có độc mỗi Lê Duẩn ngồi ghế Tổng Bí thư.

ii) Trần Quốc Vượng: Từng ngồi một khoá trong Ban Bí thư, một khoá là Ủy viên BCT. Uy tín không cao nhưng ông Vượng được tiếng trong sạch, lại là dân “miền Bắc có lý luận” và được Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn.

Phe ủng hộ ông Vượng cho rằng, ông ấy sẽ quyết liệt chống tham nhũng. Chọn ông Vượng sẽ giữ được tinh thần “đốt lò” của ông Trọng, lấy lại uy tín của Đảng trong nhân dân.

Phe không ủng hộ thì đánh giá ông Vượng là người bảo thủ, giáo điều. Chọn Tổng Bí thư là chọn người cầm trịch của Đảng, lèo lái đất nước giàu về kinh tế, hùng mạnh về quốc phòng, nở mặt với quốc tế… chứ không phải chỉ suốt ngày đóng cửa đánh nhau, thanh trừng phe phái.

iii) Nguyễn Thị Kim Ngân: Hai khoá là Ủy viên Bộ Chính trị, đương kim tứ trụ, uy tín cao, phiếu tín nhiệm Trung ương cao. Ngôi vị TBT đảng cộng sản VN chưa từng có tiền lệ dành cho phụ nữ.

Hơn nữa, tuổi 67 với nữ cũng là một điểm trừ của bà Ngân. Thế nhưng, nếu cặp Vượng-Phúc không ai chịu ai, đôi khi “ngư ông đắc lợi” lại là bà Ngân.

Theo Quy định 214, ban hành ngày 2/1/2020, tiêu chuẩn hàng đầu của TBT “Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân” thì ưu thế được giữ lại của ông Phúc vẫn khá hơn.

Phúc, Vượng Ngân, ai sẽ là Tổng bí thư?

2. Tranh chức Chủ tịch nước:

Vị trí này, cơ hội được đề cử sẽ chia đều cho cả bốn người: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trương Hoà Bình và Ngô Xuân Lịch. Hai nhân vật Phúc, Ngân đã nói ở trên, còn lại là:

– Trương Hoà Bình, một khoá Ban Bí thư, một khoá Ủy viên Bộ Chính trị. Sáu Bình vốn khiêm nhường, gia đình vợ con không điều tiếng gì, chỉ sắp bước qua tuổi 66 (sinh ngày 13/4/1955), lại là đương kim Phó thủ tướng thường trực, cơ hội ông Bình được giữ lại rất lớn. Nhiều người đánh giá, nếu không nắm được Chính phủ, chức Chủ tịch nước (CTN) có thể sẽ thuộc về ông Bình.

– Ngô Xuân Lịch, một khoá Ban bí thư, một khoá Ủy viên Bộ Chính trị. Tiền lệ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh được kéo lên ghế Chủ tịch nước. Ngô Xuân Lịch có uy lực là đang nắm binh quyền trong tay.

Trong số 12 đời Chủ tịch nước, thì phía Nam đã nắm giữ ghế này đến 8 lần:

– Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) quê Quảng Nam

– Tôn Đức Thắng (1888-1980) quê An Giang

– Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) quê Long An

– Võ Chí Công (1912-2011) quê Quảng Nam

– Lê Đức Anh (1920-2019) quê Thừa Thiên-Huế

– Trần Đức Lương (1937) quê Quảng Ngãi

– Nguyễn Minh Triết (1942) quê Bình Dương

– Trương Tấn Sang (1949) quê Long An

Tranh chấp ghế này Chủ tịch nước khoá XIII cũng có thể có sự tham gia của Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoà Bình.

Theo Quy định 214, tiêu chuẩn hàng đầu cho vị trí Chủ tịch nước phải là người “Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp“.

Chiếu theo văn bản này, Trương Hoà Bình và Nguyễn Thị Kim Ngân nổi trội hơn. Vì vậy, Chủ tịch nước thứ 13 sẽ được chọn từ phía Nam có xác xuất cao hơn.

Các nhân vật này tranh chiếc ghế Chủ tịch nước: Phúc, Bình, 
Ngân, Lịch

3. Tranh chức Thủ tướng Chính phủ:

Cuộc đua được đồn đoán sẽ thuộc về Trương Hoà Bình và Vương Đình Huệ.

– Vương Đình Huệ chỉ có một khoá Ủy viên Bộ Chính trị. Mặc dù trẻ, Huệ lại được ông Trọng hậu thuẫn tối đa, nhưng trong Bộ Chính trị nhiều người không ưa Huệ, ra Trung ương cũng thế.

Tính từ sau năm 1975, qua bảy đời Thủ tướng, thì phía Nam chiếm năm và phía Bắc chỉ có hai.

Quy định 214 đưa ra tiêu chuẩn hàng đầu cho Thủ tướng là: “Tư duy nhạy bén, năng động, quyết đoán, quyết liệt, quyết định kịp thời những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp“.

Cuộc chiến đấu sẽ gay go, phức tạp và hấp dẫn. Gần 100 Uỷ viên trung ương khoá XII sắp nghỉ hưu đã cài cắm xong đệ tử của mình, họ chẳng gì phải sợ và không dễ bị Bộ Chính trị sai khiến.

Nhưng nếu Sáu Bình được giữ lại và đề cử chức Chủ tịch nước, thì ghế Thủ tướng chắc chắn sẽ thuộc về Huệ.

Ai sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng chính phủ, Huệ hay Bình?

4. Tranh chức Chủ tịch Quốc hội:

Đồn đoán cặp đấu này tương đối thú vị: Phạm Bình Minh sẽ tranh cùng Trương Thị Mai. Cả hai đều trẻ, mới tham gia Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII.

– Trương Thị Mai xuất thân từ Đoàn thanh niên, sống lâu lên lão. Nếu Trung ương muốn “tứ trụ” có phụ nữ, không có chọn lựa nào khác ngoài Mai.

Quy định 214 đưa ra tiêu chuẩn, Chủ tịch QH phải “Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng“.

Phạm Bình Minh xuất sắc hơn Trương Thị Mai mọi mặc. Minh là con nhà nòi, nhưng lý lịch được đào tạo tại trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher, trực thuộc Đại học Tufts của Hoa Kỳ, không biết có là rào cản, ngăn Minh bước vào tứ trụ hay không.

Nếu “tứ trụ” được cơ cấu hai già, hai trẻ và kiêng kị “bóng hồng”, thì Phạm Bình Minh là lựa chọn duy nhất.

Vị trí Chủ tịch QH là cuộc đấu của hai người miền Bắc: Phạm 
Bình Minh và Trương Thị Mai

Như đã nói ở phần 1, những người cộng sản với “tam thập lục kế”, thủ đoạn và tàn bạo. Ở giờ phút quyết định, họ sẵn sàng tung hết chiêu thức. Vũ khí mà các “đồng chí” thường dùng để tiêu diệt nhau được cóp từ Trung Cộng: Tham nhũng, lập trường giai cấp, gái gú… Đến đời ông Trọng, được gọi mỹ miều hơn: Quá khứ xuất thân, bản lĩnh chính trị và đạo đức lối sống.

Ngồi trong “tứ trụ” vẫn bị hạ bệ như thường. Để ngăn chặn thủ tướng Võ Văn Kiệt làm TBT khoá VIII, cố vấn Nguyễn Văn Linh và Lê Phước Thọ vận động, công khai chỉ trích gia đình ông Kiệt tham nhũng, buôn lậu. Phe bảo thủ giáo điều trong Đảng khi ấy “chụp mũ” ông Kiệt vô số tội.

Vi phạm “nguyên tắc tập trung dân chủ” và gái, cũng là thứ mà hai cố vấn Đỗ Mười và Lê Đức Anh kết tội để hạ gục đương kim TBT Lê Khả Phiêu, khi ông này muốn tái cử khoá IX. Gần đây nhất là song kiếm hợp bích Trọng – Sang tấn công 3X cũng với vấn đề “gia đình, vợ con và đạo đức lối sống”, buộc ứng viên TBT khoá XII Nguyễn Tấn Dũng phải buông gươm.

Chính trường là chiến trường. Đất nước văn minh số 1 như Hoa Kỳ, dù trải qua 44 đời tổng thống chuyển giao quyền lực ôn hòa, nhưng đến đời thứ 45, một tay tổng thống con buôn như Trump, dù thua cuộc rành rành nhưng vẫn nằm vạ, “cố đấm ăn xôi”, tiếp tục bám ghế.

Chính trường Việt Nam còn khốc liệt hơn thế nữa. Với người cộng sản, rất khó để biết ai là đồng minh, ai là kẻ thù, bởi ngoài mặt họ luôn tỏ ra ủng hộ nhau, nhưng mỗi người đều lận trong mình con dao găm, quyết chiến với đối thủ của họ, giành ghế bằng mọi giá.

Cho nên, có lẽ còn quá sớm để đưa ra bộ khung tứ trụ, bởi tính bất ngờ luôn là cách mà những người cộng sản sử dụng.

SÁT ĐẠI HỘI 13, VẪN CHƯA BIẾT AI LÀ 'NGƯỜI ĐẶC BIỆT' ĐƯỢC CHỌN Ở LẠI

BBC 4-1-2021

BBC được biết Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, còn ít nhất một cuộc họp, có thể diễn ra ngày 9/1, để bàn thảo về ứng viên cho bốn chức danh Tứ Trụ, và các trường hợp trên 65 tuổi được giới thiệu tiếp tục ở lại.

Theo Quy định chặt chẽ của Đảng, nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

Chờ đợi

Đến giờ này, sự quan tâm đặc biệt đang dành cho hai trường hợp trên 65: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954 và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953.

Ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ mới làm Thủ tướng một nhiệm kỳ, và chính phủ giai đoạn 2016-2020 được đánh giá cao trong quản trị kinh tế, xã hội Việt Nam.

Còn ông Trần Quốc Vượng được giới quan sát từ hai năm qua xem là một trong vài ứng viên hàng đầu cho chức Tổng Bí thư, kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng.

Quy định này nói mức độ Tuyệt mật liên quan: Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.

Một phần do quy định này, mà thông tin về quy hoạch Tứ trụ đến giờ vẫn “kín như bưng”.

Trong bối cảnh này, BBC đã cố gắng hỏi những người có sự quan tâm, hiểu biết về chính trị Việt Nam.

Đặc biệt, BBC cũng hỏi một vài nguồn tin có quan hệ cấp cao, không chỉ những người phát biểu theo góc độ cá nhân mà không có nguồn từ trong Đảng.

Tổng hợp các nguồn, BBC được biết Bộ Chính trị đã có một cuộc họp trong tuần cuối cùng của năm 2020.

Tại đây, các vị lãnh đạo chóp bu đã bàn về các phương án bao nhiêu “trường hợp đặc biệt” được giới thiệu ở lại.

Dường như đa số, với tỉ lệ sát nút, trong Bộ Chính trị ở cuộc họp này ủng hộ phương án chỉ một người trên 65 được ở lại khóa 13.

Nhưng phương án 2 người trên 65 vẫn chưa bị bác bỏ vì vẫn có một số trong Bộ Chính trị ủng hộ.

Vì thế một cuộc họp tiếp theo của Bộ Chính trị, có thể trong ngày 9/1/2021, sẽ tiếp tục bàn và cố gắng chốt trước khi Hội nghị Trung ương 15 diễn ra.

Đảng Cộng sản trước đó đã công khai rằng tại hội nghị Trung ương 15, chưa rõ ngày trong tháng Giêng, Bộ Chính trị sẽ "báo cáo các trường hợp đặc biệt để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội 13 của Đảng".

Chỉ khi Bộ Chính trị xác định bao nhiêu người trên 65 được giới thiệu ở lại, họ mới có thể chốt nhân sự giới thiệu cho các chức danh chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Nói với báo chí Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết thêm chi tiết:

"Đối với các trường hợp đặc biệt không phải chỉ có Bộ Chính trị quyết là xong, mà Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương lại phải trình Đại hội để xem có nhất trí danh sách giới thiệu để bầu."

"Tinh thần của khóa này cũng vậy, những trường hợp đặc biệt Bộ Chính trị phải xem xét một cách toàn diện, có thực sự đặc biệt không.”

Trong tinh thần này, dù Bộ Chính trị có giới thiệu bao nhiêu người trên 65, phương án đó vẫn phải phụ thuộc lá phiếu của Trung ương Đảng, trước khi được trình ra Đại hội 13.

Việc chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược của ban lãnh đạo khóa 12, chuẩn bị cho khóa 13, được xem là nghiêm ngặt hơn các nhiệm kỳ trước.

Sau khi là “trường hợp đặc biệt” duy nhất trong Bộ Chính trị được bầu lại năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải đổi mới về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ.

Đầu năm 2020, ông ban hành Quy định 214/2020 thay cho Quy định 90/2017 quy định tiêu chuẩn cho các chức danh.

Ví dụ, Quy định 214 yêu cầu lãnh đạo “không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.

Quy hoạch lãnh đạo

Lần đầu tiên Bộ Chính trị thành lập một Ban chỉ đạo chỉ để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho một nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.

Số cán bộ cấp chiến lược kỳ này được đưa vào quy hoạch cho giai đoạn từ 2021 chỉ là hơn 220 người, giảm gần 300 người so với số quy hoạch khóa trước.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội 13, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa 12, vừa quy hoạch nhân sự cho các nhiệm kỳ tiếp theo như nhiệm kỳ trước.

Việc chuẩn bị nhân sự lâu nay được tiến hành theo quy trình 3 bước là hai lần trình Ban thường vụ, một lần trình Ban chấp hành

Nhưng đến thời kỳ sau 2016, Bộ Chính trị đặt ra quy trình 5 bước: hai lần trình Ban thường vụ, hai lần trình Ban chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt.

Dự kiến Đại hội 13 sẽ bầu ra khoảng 200 ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết (số lượng bằng khóa 12).

Số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới dự kiến giữ như khóa 12, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người.

TRÒ CHUYỆN VỚI LÃO XE ÔM VỀ CHIẾN LƯỢC NHÂN SỰ

CHU MỘNG LONG/ TD 3-1-2021

Phải thừa nhận lão xe ôm năng đọc báo. Có lẽ lúc tréo chân chờ khách trên yên xe, lão xe ôm này không biết làm gì ngoài đọc báo. Lão nói với tôi:

– Bộ Nội vụ vừa có hội thảo về chiến lược nhân sự. Bản dự thảo tổng kết: “Bước sang thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, quan điểm về công tác cán bộ “vẫn còn bảo thủ, thậm chí còn phạm sai lầm: khi thì coi trọng lý lịch, thành phần xuất thân; khi lại quá coi trọng về bằng cấp, học vị; khi lại nhấn mạnh trẻ hóa một cách cứng nhắc…”, “Các yếu tố tiêu cực như cơ hội, thực dụng, chạy chức, chạy quyền, dùng tiền để lấy lòng cán bộ cấp trên, địa phương, cục bộ, phe cánh hợp gu, cảm tình, thiên vị… đã làm cho công tác tuyển chọn nhân tài bị sai lệch. Người trung thực thẳng thắn dễ bị bỏ sót. Người xu nịnh cơ hội dễ được cất nhắc, đề bạt, lên chức, lên lương“…

Nghe đến đó, tôi vỗ đùi khen:

– Hay! Trung thực! Vậy mà hôm qua nay tôi thấy dư luận đàm tiếu không ra gì. Nhìn thấy được sự thực đã là một tiến bộ, nên ghi nhận.

Lão xe ôm nhăn mũi khi thấy tôi hứng khởi:

– Nhưng ông giáo ơi, người ta đàm tiếu vì sao chiến lược nhân sự trong tương lai chỉ đặt chỉ tiêu đảm bảo tối thiểu từ 2% đến 5% nhân tài? Vậy còn tối đa 98% đến 95% là nhân tai hay sao?

Tôi giật tờ báo, đọc đi đọc lại và cố hiểu cho ra nhẽ. Vẫn không hiểu được. Bèn diễn giải theo chiều hướng tích cực nhất:

– Theo tôi, hàm ý của họ là sẽ chấp nhận 2% đến 5% cơ cấu lãnh đạo cấp Bộ là không đảng viên. Còn lại 98% đến 95% là đảng viên. Tỷ lệ như vậy là đảm bảo kiên định. Đổi mới, phát triển nhưng vẫn phải kiên định như biện chứng của hai mặt đối lập.

Lão xe ôm gật gù như một cử toạ nghe tuyên giáo giảng bài. Tôi nhìn vào khoé mắt ông có chút hoài nghi. Tôi định chuồn nhưng ông lại hỏi:

– Lấy 2% đến 5% để kéo cái cỗ xe có sức nặng khổng lồ vậy mà gọi là phát triển được sao?

Tôi nói nhanh:

– Vấn đề là chỗ đấy! Không kéo được thì cái thiểu số nhân tài ấy phải bị cái cỗ xe nhân tai khổng lồ nghiến nát. Chính K. Marx trong biện chứng lịch sử đã nói như vậy. Tạm hiểu thế nhé, không nên hỏi gì thêm…

CĂN CỨ NÀO ĐỂ BIẾT LÀ NHÂN TÀI MÀ ĐẶT MỤC TIÊU TUYỂN CHỌN TỪ 2-5% ?

TRUNG DŨNG/ GDVN 6-1-2021

Mới đây, Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý về dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài với mục tiêu từ 2026, ít nhất 2% lãnh đạo, quản lý cấp bộ là “nhân tài”, theo đó:

1. Từ năm 2021 đến 2025, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược này và tình hình thực tiễn.

2. Từ năm 2026 đến 2030, 100% các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. (1)

Sau khi dự thảo này được đưa ra đã có không ít ý kiến trái chiều về vấn đề này, đa số cho rằng việc này là mông lung, không có cơ sở, thậm chí là đang làm khó cho cơ quan tuyển dụng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Viết Chức - Hội đồng tư vấn văn hóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Thực ra rất khó để đánh giá ai là nhân tài hay không phải là nhân tài. Theo tôi, những người làm được việc là người tài. Bởi thực tế, trong một thời đại chỉ cần có dăm ba người tài là quý cho dân tộc rồi. Nhân tài nó đặc biệt lắm.

Nếu nói là chiêu mộ những người học giỏi hay làm giỏi thì nó còn có căn cứ để tuyển chọn. Chứ bây giờ nhân tài mà còn quy định ra phần trăm, số lượng để tuyển dụng thì cực khó cho những người làm tổ chức. Tôi cho rằng, đây là mong muốn tốt đẹp, dám nghĩ, dám làm của Bộ Nội Vụ, tuy nhiên nó rất khó thực hiện và dễ gây ra hiểu lầm và phản cảm.

Chẳng hạn, đơn vị này tuyển một anh kia được cho là nhân tài nhưng khi về làm chưa chắc đã tài, như vậy có phải là uy tín của người đứng ra tuyển dụng ấy đã bị ảnh hưởng rồi hay sao?

Trên thực tế cũng đã có rất nhiều trường hợp như vậy rồi, có những người khi đi học thì tốt nghiệp hẳn loại giỏi, bảng điểm sáng giá nhưng khi ra trường đi làm ở công ty này, xí nghiệp kia vẫn bị đánh giá là thiếu năng lực.

Bởi vì, cái người đó tích luỹ được chỉ là trên lý thuyết, còn kỹ năng làm việc thật sự thì cần phải trau dồi nhiều, như vậy nó cũng đâu đánh giá được bản chất của người tài trong hồ sơ, hay góc nhìn lúc tuyển dụng”.

Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, trong một thời đại đâu có nhiều người tài đến thế để chúng ta tuyển dụng. (Ảnh: Vietnamnet.vn).

Ông Chức cũng nêu quan điểm rằng, nhân tài cũng có thể được xác nhận được bằng công việc, công danh, công đức của người đó đóng góp cho đất nước, cho dân tộc và có tầm ảnh hưởng lớn lao.

Nói một cách dễ hiểu đó là người đó phải được số đông công nhận về khả năng nổi trội hơn số khác thông qua một quá trình làm việc.

Nói chung đã đặt ra tỷ lệ để lựa chọn thì nó phải có các tiêu chuẩn rõ ràng, theo căn cứ đó để đối chiếu khả năng của họ, việc đánh giá cho một tiêu chuẩn chung chung là điều rất viển vông, mơ hồ và khó thực hiện.

Ông Chức nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế, làm sao để có quy trình tuyển chọn đúng người, đúng việc điều đó mới là quan trọng.

Thậm chí, khi đã đưa đúng người vào đúng công việc chúng ta còn phải xem năng suất lao động của người đó có ổn không.

Mặc dù mục đích, mục tiêu của cơ quan nêu ra dự thảo này là rất tốt, chung quy lại cũng là muốn tạo dựng một thế hệ kế cận có đầy đủ năng lực, thích ứng với nhu cầu của sự nghiệp đổi mới, có năng lực để đưa đất nước vượt khỏi sự tụt hậu.

Hơn hết, những người làm công tác tổ chức cần phải biết bố trí đúng người, đúng việc, không một ai là vứt đi cả.

Đúc kết lại thì việc đặt ra tiêu chí này cũng đang làm khó cho chính những nhà tuyển dụng. Vì vậy, những người làm công tác quản lí, khi đưa ra bất cứ một văn bản nào cần tính toán đến sự hợp lý và tính khả thi của nó, chứ không phải căn cứ vào niềm mong muốn của một vài cá nhân.

Nhưng làm thế nào để có thể tuyển chọn được nhân tài, người tài đâu có nhiều đến thế để có thể tuyển chọn được từ 2% đến 5% vào bộ máy?

Trong một thời đại, trong một dân tộc có được dăm ba người tài đã là quý lắm rồi.

Theo tôi, khi tuyển dụng cần chọn đúng người, đúng việc thì mới đem lại những hiệu quả tích cực được”.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp. (Ảnh: Nguyễn Chí)

Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư Pháp cho rằng:

“Với nhân tài thì chẳng có quy chuẩn nào để đánh giá, xếp hạng cả. Khái niệm nhân tài cũng giống như thuần phong mỹ tục hay hủ tục, ai là người dám đứng ra định hình khái niệm đó thành những tiêu chí cụ thể để đối chiếu khi tuyển chọn.

Không định lượng được nó thì làm sao mà biết được ai là nhân tài. Việc lấy được tỉ lệ 2% đến 5% là điều cực kỳ khó và mông lung.

Có những người khi còn ở nước ngoài, họ làm việc đạt thành tích cao, lương cũng khá nhưng khi về nước xin việc vẫn còn bị xem xét đi, xem xét lại.

Họ có tài thật sự, muốn cống hiến cho quê hương nhưng vẫn còn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, nhân tài đó sao nhà quản lý không chọn.

Từ những điều đó để thấy rằng, chúng ta cũng làm lãng phí đi bao nhiêu nhân tài rồi, thì quy chuẩn nào có thể giải thích cho những điều lãng phí đó.

Đặt ra tiêu chuẩn này là cực khó cho nhà tuyển dụng, khi người này bảo đó là nhân tài nhưng người khác bảo không, những lúc như vậy lấy ai đứng ra phân xử.

Nhân tài đâu phải lúc nào cũng sẵn sàng trong cộng đồng để chúng ta có cơ hội tìm kiếm.

Đó là chưa kể đến việc nó rất khó để tìm ra được các tiêu chuẩn đánh giá, vậy làm sao mà đạt được con số là bao nhiêu phần trăm được.

Đưa ra những chuẩn này là thể hiện cho sự lúng túng trong quá trình tuyển dụng của người làm công tác tổ chức”, Tiến sĩ Sơn nhận định.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/thoi-su/tu-2026-2030-bao-dam-toi-thieu-tu-2-5-lanh-dao-cap-bo-la-nhan-tai-1324485.html?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét