Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

20210109. GÓP Ý VỀ KHỞI CÔNG DỰ ÁN SÂN BAY LONG THÀNH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

 Ý KIẾN VỀ  DỰ ÁN XÂY DỰNG SÂN BAY LONG THÀNH 

NGUYỄN THIỆN TỐNG/ TD 6-1-2021


Tác giả và Dự án sân bay Long Thành. Ảnh: internet

Để có thể xem xét lại thật kỹ lưỡng Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, tôi đăng lần lượt mỗi ngày một bài sau đây:

1. Ý đồ ban đầu của Dự án xây dựng sân bay Long Thành và tình hình hiện nay

2. Liên hệ giữa sân golf Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành

3. Không nên đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành trong tình hình nợ công hiện nay

4. Phát triển cụm sân bay Tân Sơn Nhất – Biên Hòa thay vì xây dựng sân bay Long Thành.

***

 1: Ý đồ ban đầu của Dự án xây dựng sân bay Long Thành và tình hình hiện nay

a) Ý đồ ban đầu của Dự án xây dựng sân bay Long Thành là để thay thế và khai tử sân bay Tân Sơn Nhất.

Ý đồ ban đầu của Dự án xây dựng sân bay Long Thành là để khai tử sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), không sớm thì muộn, sau một thời gian hạ thấp vai trò TSN xuống thành sân bay phụ nội địa. Một lập luận được nhiều người chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đưa ra là sân bay TSN trước đây thuộc khu vực ngoại thành, nay thành phố phát triển làm cho TSN lọt vào nội thành cho nên cần phải di dời ra xa trung tâm thành phố.

Trong Tóm tắt Báo cáo đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, mục tiêu của dự án là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành… đến năm 2030 đảm bảo vai trò thay thế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (tr. 2 và 49 Tóm tắc Báo cáo – tháng 3 năm 2015). Do đó số phận sân bay TSN rất mong manh, trong giai đoạn 2030-2035 sân bay TSN sẽ được xem xét như là sân bay dự phòng hoặc ngưng khai thác và không sử dụng nữa (tr. 23 Tóm tắc Báo cáo – tháng 6 năm 2013).

b) Báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành cho rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi và tốn kém hơn xây dựng sân bay Long Thành.

Một trong các lý do quan trọng nhất mà những người chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đưa ra là sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, vượt năng suất thiết kế 25 triệu khách/năm vào năm 2020 và việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tốn kém hơn việc xây dựng sân bay Long Thành.

Tóm tắt Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng sân bay long Thành (3/2015) có đoạn: “Trường hợp chuyển giao đất quốc phòng (sân Golf hiện nay) cho hàng không dân dụng để mở rộng Tân Sơn Nhất thì việc xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách năng suất 20 triệu khách/năm ước khoảng 9,1 tỷ USD, phải giải phóng thêm 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu); chưa kể chi phí và số lượng dân phải giải tỏa để làm thêm 01 đường giao thông tiếp cận, ảnh hưởng đến cấu trúc giao thông thành phố.” (Trang 13)

Những thông tin trên không có căn cứ tính toán khoa học khách quan, nhất là con số chi phí 9,1 tỷ USD. Từ đó cho rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tốn kém hơn xây dựng sân bay Long Thành là loại lập luận mơ hồ để đánh lừa công chúng, vì kết quả tính toán đó đã chỉ nhằm minh họa cho chủ trương xây dựng sân bay Long Thành mà thôi chứ đó không phải là kết quả nghiên cứu tính toán một cách khách quan của những nhà chuyên môn có trách nhiệm.

c) Báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành cho rằng việc cải tạo sân bay Biên Hòa hỗ trợ cho sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi.

Báo cáo giải trình bổ sung về Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng sân bay Long Thành (10/2014) có đoạn:

“Sân bay quân sự Biên Hòa bị bao bọc bởi khu dân cư và hiện là khu vực nhiễm chất độc dioxin cao nhất Việt Nam. Chi phí, thời gian tẩy độc và giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn làm tăng cao chi phí đầu tư của Dự án.

Trong trường hợp cải tạo, nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòa cho hoạt động dân dụng với năng suất 25 triệu khách/năm, ước tính chi phí lên đến 7,5 tỷ USD và phải giải tỏa 6.000 hộ dân.” (Trang 9)

Trong khi đó Tóm tắt Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng sân bay Long Thành (6/2013) có phần cải tạo mở rộng sân bay Biên Hòa gồm 2 giai đoạn mà giai đoạn 1 việc đền bù giải tỏa thêm 605 ha ảnh hưởng đến 6.000 cư dân với chi phí 13.310 tỷ đồng (634 triệu USD) và giai đoạn 2 việc đền bù giải tỏa để sân bay Biên Hòa có diện tích 5.000 ha (như Long Thành) sẽ ảnh hưởng đến 133.000 dân cư với chi phí 93.310 tỷ đồng (4,44 tỷ USD). Trong bảng so sánh chi phí thực hiện giai đoạn 1 để có năng suất 25 triệu khách/năm thì sân bay Long Thành tốn 7,82 tỷ USD, sân bay Tân Sơn Nhất tốn 9,15 tỷ USD, sân bay Biên Hòa tốn 7,51 tỷ USD. (trang 23)

Những thông tin trên không có căn cứ tính toán khoa học khách quan, nhất là con số chi phí 7,51 tỷ USD để cải tạo mở rộng sân bay Biên Hòa.

d) Tình hình hiện nay bắt buộc sân bay Tân Sơn Nhất phải được mở rộng lên năng suất 50 triệu khách/năm.

Ngày 01 tháng 10 năm 2018 Bộ GTVT công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tổng diện tích đất sân bay Tân Sơn Nhất khi được điều chỉnh quy hoạch là 791 ha, trong đó bổ sung hơn 171 ha phía Bắc. Cùng với xây mới nhà ga T3, việc cải tạo 2 nhà ga hiện hữu giúp nâng khả năng phục vụ của sân bay lên khoảng 50 triệu lượt khách mỗi năm. Chi phí đầu tư để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên năng suất 50 triệu khách/năm là 25,000 tỷ đồng (1,08 tỷ USD).

Nếu so sánh chi phí 1,08 tỷ USD ở trên với 9,15 tỷ để nâng năng suất sân bay Tân Sơn nhất lên mức 50 triệu khách/năm trong Báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành thì càng thấy Dự án xây dựng sân bay Long Thành không đáng tin cậy.

Tháng 5-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất).

Theo Bộ Giao thông – Vận tải, việc đầu tư xây dựng thêm nhà ga T3 năng suất 20 triệu khách/năm là để nâng tổng năng suất toàn sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư với số vốn gần 11.000 tỷ đồng từ vốn doanh nghiệp, không dùng ngân sách.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn thì việc sửa chữa, nâng cấp các đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất có thể khởi công trong tháng 6-2020. Giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành trong tháng 12-2020. Tổng nhu cầu vốn cho việc cải tạo, nâng cấp lên đến 2.058 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định: “Theo lộ trình đến năm 2021-2022, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có những giai đoạn quá tải nhưng không đến mức ùn tắc. Con số 50 triệu khách/năm là năng suất thiết kế, nếu tổ chức tốt vẫn có thể khai thác được 55 triệu khách/năm”.

e) Tình hình xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa

Vào tháng 8 năm 2017, Cuc Hàng không Việt Nam cho rằng cần một khoản đầu tư lên tới vài chục nghìn tỷ đồng để xử lý dioxin tại đây.

Tuy nhiên năm 2018, USAID ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam về khoản đóng góp 183 triệu USD cho giai đoạn I kéo dài 5 năm để thực hiện dự án Xử lý Dioxin khu vực Sân bay Biên Hòa. USAID và Bộ Quốc phòng đã khởi động dự án ngày 20/4/2019.

Theo ước tính trong bản kế hoạch cuối cùng hiện đang được lãnh đạo Chính phủ Việt Nam xem xét, các hoạt động đào xúc và xử lý sẽ cần được thực hiện trong khoảng 10 năm với kinh phí lên tới 450 triệu USD (khoảng 10.500 tỷ đồng).

Về khu hàng không dân dụng, với quỹ đất hiện tại và với 2 đường băng cất hạ cánh dài 3.050 m, sân bay Biên Hòa, có thể quy hoạch 1 – 2 nhà ga hành khách với năng suất 20 – 25 triệu khách/năm và các công trình dịch vụ kỹ thuật đồng bộ như sân đỗ tàu bay trước nhà ga, ga hàng hóa, hangar sửa chữa tàu bay… Tổng chi phí ước tính khoảng 1 – 1,5 tỷ USD.

Như thế việc khai thác sân bay Biên Hòa với năng suất 25 triệu khách/năm để bổ sung cho sân bay Tân Sơn Nhất chỉ tốn tối đa khoảng 2 tỷ USD kể cả chi phí xử lý dioxin.

Kết luận: Ngày 25/6/2015 Quốc hội thông qua báo cáo tiền khả thi dự án sân bay Long Thành dựa trên lập luận LỪA DỐI của Bộ Giao thông Vận tải rằng việc mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm tốn 9,1 tỷ USD và việc cải tạo sân bay Biên Hòa để phục vụ 25 triệu khách/năm tốn 7,5 tỷ USD nên KHÔNG KHẢ THI so với việc xây dựng sân bay Long Thành.

Hiện nay Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam dự trù kinh phí 11.000 tỷ đồng cho việc xây dựng nhà ga T3 và 2.000 tỷ đồn cho việc cải tạo đường băng để nâng năng suất Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm.

Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý hợp tác với Chính phủ Việt Nam về xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa với dự toán tổng chi phí 450 triệu USD.

Trong tình hình hiện nay việc nâng năng suất Tân Sơn Nhất lên 50 – 60 triệu khách/năm kết hợp với việc cải tạo sân bay Biên Hòa phục vụ thêm 25 triệu khách/năm là ít tốn kém hơn nhiều so với xây dựng sân bay Long Thành.

2. Liên hệ giữa sân golf Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành

 Dự án sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép ngày 10/5/2007 là trái với Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng chính phủ duyệt ngày 27/5/1995 và trái với mục đích sử dụng đất quốc phòng.

Từ giữa năm 2013, khi chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được lấy ý kiến rộng rãi, nhiều cử tri tại TP HCM, các chuyên gia đã phản đối dự án sân golf Tân Sơn Nhất.

Sau khi Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành ngày 25/6/2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục đầu tư Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Từ nhiều năm qua, ý kiến xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều về sân gofl trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, gây khó khăn trong việc mở rộng sân bay nhằm giảm ùn tắc giao thông vận tải hàng không.

Trong tháng 6 năm 2017, Thủ tường chính phủ đã có cuộc họp bàn luận về vấn đề dừng xây nhà hàng và biệt thự trong sân golf, nhưng cho đến hôm nay thì vụ việc sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, và chưa có quyết định thu hồi lại sân golf để mở rộng sân bay.

a) Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được lập năm 1994 và được Thủ tướng chính phủ duyệt năm 1995

[Tài liệu tham khảo: Viện Nghiên cứu Quy hoạch Xây dựng và Kiến trúc Đô thị – TP Hồ Chí Minh, “Quy hoạch định hướng cải tạo phát triển sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất” (Giai đoạn 1995-2000 và 2000-2015), 8/1994.]

Quy hoạch năm 1994 có đầy đủ các giải pháp giao thông xung quanh sân bay và giải pháp về cấp thoát nước.

Quy hoạch này được Viện Nghiên cứu Quy hoạch Xây dựng và Kiến trúc Độ thị – TP Hồ Chí Minh thực hiện theo Hợp đồng ký kết ngày 23/08/1993 với Cụm cảng Hàng không miền Nam.

Quy hoạch này dựa trên các cơ sở sau:

– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất theo thông báo số 14/TB ngày 20/01/1993.

– Thông báo kết luận của Thủ tướng chính phủ số 48/TB ngày 28/03/1994 đã định hướng quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án 1 và phương án 1B.

– Quy hoạch tổng thể mặt bằng TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng chính phủ duyệt tháng 01/1993.

– Diện tích đất của sân bay Tân Sơn Nhất là 1.122 ha

Phương án Quy hoạch định hướng cải tạo phát triển sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất này được Thủ tướng chính phủ duyệt ngày 27 tháng 2 năm 1995.

Phương án chọn năm 1995 này với hai nhà ga hành khách Bắc, Nam nằm hai bên đường CHC Đông – Tây 25R/07L và 25L/07R, đều thỏa mãn các yêu cầu của ICAO và các tiêu chuẩn quốc tế tĩnh không, đường CHC, nhà ga hành khách, ga hàng hóa, giao thông và các công trình phụ trợ khác…

b) Dự án sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép theo Công văn 567/TTg-NN của Thủ tướng chính phủ (Nguyễn Tấn Dũng) ngày 10/5/2007 là trái với Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng chính phủ (Võ Văn Kiệt) duyệt ngày 27/5/1995

Nội dung Công văn như sau:

Kính gửi:

– Các Bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường;

– Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng (công văn số 408/BXD-XL ngày 6/3/2007), Bộ Quốc phòng (công văn số 591/BQP-ĐT ngày 1/2/2007) và ý kiến của các cơ quan liên quan về Dự án đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Cho phép đầu tư Dự án xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất như đề nghị của Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng tại các công văn nêu trên.

2. Về chọn Chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

3. Giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng trình phê duyệt theo quy định. Chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để hoàn chỉnh Dự án, lưu ý phù hợp với quy định độ tĩnh không, đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động bình thường của sân bay; tổ chức thẩm định, phê duyệt Dự án theo quy định hiện hành và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của Dự án.

4. Chủ đầu tư phải thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CPngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trong trường hợp Nhà nước cần thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, Chủ đầu tư phải trả lại diện tích đất quốc phòng mà không được yêu cầu bồi hoàn.

5. Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện cụ thể.

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

c) Công văn 489/TTg-NN của Thủ tướng chính phủ ngày 31/3/2008 cho đầu tư xây dựng công trình phụ trợ các Dự án: sân golf và dịch vụ Long Biên, sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất là trái với mục đích sử dụng đất quốc phòng

Nội dung Công văn như sau:

Kính gửi:

– Bộ Quốc phòng;

– Bộ Xây dựng;

– Bộ Giao thông vận tải;

– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

– Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Xét đề nghị của Bộ Quốc phòng (công văn số 6985/BQP-TM ngày 21 tháng 12 năm 2007); ý kiến của Bộ Xây dựng (công văn số 261/BXD-XL ngày 18 tháng 02 năm 2008), Bộ Giao thông vận tải (côngvăn số 611/BGTVT-KHĐT ngày 28 tháng 01 năm 2008), Ủy ban nhân dân thành phố HàNội (công văn số 758/UBND-KH&ĐT ngày 30 tháng 01 năm 2008), Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (công văn số 1685/UBND-ĐT ngày 17 tháng 3 năm 2008) về việc đầu tư xây dựng công trình phụ trợ Dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ tại Dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất như đề nghị của Bộ Quốc phòng tại văn bản nêu trên.

2. Giao Bộ Quốc phòng quyết định cụ thể việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ dự án, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minhvà theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 567/TTg-NN ngày 10 tháng 5 năm 2007, văn bản số 568/TTg-NN ngày 10 tháng 5 năm 2007./.

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

d) Nhiều ý kiến và văn bản kiến nghị ngừng triển khai dự án sân golf Tân Sơn Nhất

Từ giữa năm 2013, khi chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được lấy ý kiến rộng rãi, nhiều cử tri tại TP HCM, các chuyên gia đã phản đối dự án sân golf Tân Sơn Nhất.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ ngừng triển khai dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) lo ngại về dự án xây dựng sân golf, nhà hàng, khách sạn, biệt thự và căn hộ cao cấp trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hệ quả của dự án này, theo đại biểu, đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc đảm bảo an ninh quốc phòng khi một khu phức hợp như thế đặt trong khu vực sân bay của thành phố; vấn đề bảo đảm an toàn bay khi khu phức hợp này nằm dưới đường lượn của máy bay; vấn đề hiệu quả kinh tế khi mỗi đêm nhiều máy bay phải bay ngược ra gửi ở sân bay Đà Nẵng vì thiếu diện tích đậu đỗ; vấn đề môi trường nguồn nước khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để duy trì sân golf.

Lo ngại khác của Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cho rằng, dự án xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất vi phạm tĩnh không sân bay và đặt hoạt động hàng không vào trạng thái mất an toàn thường trực.

Tuy nhiên, trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, Thủ tướng cho biết dự án được thực hiện theo đề nghị của các bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội, TP HCM về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Gia Lâm để xây dựng sân golf cùng một số công trình thể thao phù hợp.

e) Tái đề xuất mở sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất sau khi Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 94/2005/HQ13 thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành ngày 25/6/2015

Ngày 04/10/2015, sau khi Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 94/2005/HQ13 thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành ngày 25/6/2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục đầu tư Dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Từ văn bản đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư Long Biên, Bộ KHĐT kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất mà không phải thực hiện lại thủ tục xin chủ trương đầu tư. Kiến nghị này đã nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương của Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT.

Như vậy, chủ trương đầu tư Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Bộ Quốc phòng cũng đã có quyết định phê duyệt phương án đầu tư sân golf – dịch vụ Tân Sơn Nhất và giao cho Công ty cổ phần đầu tư Long Biên làm chủ đầu tư. Tp.HCM cũng đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình.

Cùng với việc Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 94/2005/HQ13 thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành; Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, các văn bản nói trên là lý do khiến các bộ, ngành cho rằng Dự án không cần phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo các số liệu, tổng mức đầu tư dự án sân golf Tân Sơn Nhất dự kiến 5.443 tỷ đồng, vốn đã đầu tư ghi nhận đến năm 2014 là 799 tỷ đồng. Để được thực hiện dự án, DN đã phải cần tới 133 văn bản từ nhiều cơ quan TP.HCM và các Bộ, ngành, Chính phủ…

Theo báo cáo của nhà đầu tư lên Thành ủy và UBND TP. HCM, hiện Công ty cổ phần đầu tư Long Biên đã xây dựng hoàn thành sân golf Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. [tháng 10 năm 2015]

f) Ngày 18/06/2017 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ (Nguyễn Xuân Phúc) tại cuộc họp về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Dừng xây biệt thự, nhà hàng trong sân golf Tân Sơn Nhất.

Trước đó, ngày 12-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Cuộc họp có sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các bộ Quốc phòng, GTVT, Xây dựng, Tài nguyên – môi trường, Văn phòng Chính phủ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa và Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV thiết kế và xây dựng công trình hàng không ADCC.

Tại cuộc họp, Thủ tướng kết luận thời gian qua, ý kiến xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh nhiều về sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, gây khó khăn trong việc mở rộng sân bay nhằm giảm ùn tắc giao thông vận tải hàng không.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng phản ánh ý kiến xem xét việc trả lại sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, rồi thư của ông Nguyễn Thiện Nhân – bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Để có cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan, khoa học, trung thực, sử dụng đất đai hiệu quả trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành của nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam, nâng tổng năng suất đạt khoảng 45 triệu khách/năm.

Trên cơ sở đó, đánh giá các phương án, trong đó phương án đã được tư vấn trong nước đề xuất. Đề xuất phương án lựa chọn bảo đảm yêu cầu khách quan, khoa học, trung thực đáp ứng được các tiêu chí tuân thủ các quy định về hàng không, tiết kiệm kinh phí đầu tư, thời gian xây dựng nhanh đáp ứng yêu cầu cấp bách giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Lưu ý việc kết nối đồng bộ hệ thống giao thông và hạ tầng liên quan trong và ngoài cảng hàng không với các hệ thống chính của TP.HCM.

Sau khi tư vấn hoàn thành việc xây dựng các phương án, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ Xây dựng, Quốc phòng, Tài nguyên – môi trường, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan thành lập hội đồng thẩm định có ý kiến chính thức, khẩn trương báo cáo Thường trực Chính phủ trước tháng 12-2017.

Về các vấn đề liên quan đến sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng kết luận Bộ Quốc phòng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf như khu biệt thự, chung cư, nhà hàng, khách sạn, trường học…

Bộ Quốc phòng rà soát các vấn đề liên quan đến đầu tư, khai thác quản lý sân golf, đặc biệt là việc sử dụng quỹ đất trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản ngày 10-5-2007, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh an toàn tuyệt đối cho hoạt động hàng không và phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án Cảng hàng không Long Thành đã được Quốc hội thông qua chủ trương; khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động bình thường.

g) Có một sự liên hệ ngấm ngầm giữa sân golf Tân Sơn Nhất và sân bay Long ThànhQuan hệ nhân quả mật thiết giữa sân golf Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành có thể xảy ra như sau:

– Khi sân bay Long Thành được xây dựng và các hoạt động chính của sân bay Tân Sơn Nhất được đưa về Long Thành thì không còn áp lực thu hồi đất sân golf nữa và sân golf tiếp tục hiện hữu với khả năng phát triển kinh doanh địa ốc. Nếu toàn bộ hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất được đưa về sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất bị khai tử thì hoạt động kinh doanh địa ốc trên vùng đất sân bay càng phát triển với siêu lợi nhuận.

– Khi sân golf bị giải tỏa để thu hồi đất cho việc mở rộng nhằm tăng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất thì áp lực xây dựng sân bay Long Thành giảm xuống vì không khẩn cấp nữa và có thể không cần xây dựng sân bay Long Thành nữa.

– Trong phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay của Bộ GTVT, sân golf tiếp tục tồn tại đến khi sân bay Long Thành bắt đầu hoạt động năm 2025 thì mới bị thu hồi cho việc xây dựng nhà ga hàng hóa và khu vực bảo dưỡng máy bay. Khi đó phương án xây dựng nhà ga hàng hóa và khu vực công nghiệp bảo dưỡng máy bay ở sân bay Long Thành sẽ trở nên hiệu quả và cần thiết hơn ở sân bay Tân Sơn Nhất và do đó sân golf không bị giải tỏa để thu hồi đất nữa nên tiếp tục hiện hữu.

– Trong phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của TP HCM đề xuất, nhà ga hành khách được xây dựng ở cả mặt Bắc có đất sân golf để phân bố 50% hành khách đi ra mặt Bắc theo hướng kết nối giao thông với Quốc lộ 1 tạo thuận lợi cho hành khách Miền Tây và Nam Trung bộ, đồng thời giảm ùn tắc giao thông ở mặt Nam sân bay Tân Sơn Nhất. Phương án này rất giống với Phương án Quy hoạch định hướng cải tạo phát triển sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất này được Thủ tướng chính phủ (Võ Văn Kiệt) duyệt ngày 27 tháng 2 năm 1995.

– Tuy nhiên ngày 28/03/2018 Thủ tướng chính phủ (Nguyễn Xuân Phúc) “chốt” phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Bộ GTVT chứ không theo đề xuất của TpHCM, mặc dầu phương án đề xuất của Bộ GTVT tạo ra ùn tắc giao thông khi toàn bộ nhà ga hành khách cho 50 triệu khách/năm tập trung về phía Nam. Lý do ngầm mà ai cũng thấy phương án Thủ tướng chính phủ “chốt” không động đến sân golf ít ra là đến 2025.

– Những thông tin gần đây về quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc trên phần đất sân golf có tác dụng đánh lừa dư luận vì nhiều người lầm tưởng đó là theo phướng án đề xuất của TP HCM, chứ họ không biết rằng đó là theo quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc đó của Bộ GTVT thì đến 2025 đất sân golf mới có thể đụng đến.

– Tại sao sân golf tiếp tục tồn tại đến khi sân bay Long Thành bắt đầu hoạt động năm 2025 thì mới bị thu hồi cho việc xây dựng nhà ga hàng hóa và khu vực bảo dưỡng máy bay mà không thu hồi ngay để xây dựng nhà ga hành khách?

Vì đó là giải pháp câu giờ kéo dài thời gian tồn tại của sân golf để đến 2025 thì phương án xây dựng nhà ga hàng hóa và khu vực công nghiệp bảo dưỡng máy bay ở sân bay Long Thành sẽ trở nên hiệu quả hơn ở sân bay Tân Sơn Nhất và do đó sân golf không bị giải tỏa để thu hồi đất nữa nên tiếp tục hiện hữu.

Việc khởi công xây dựng sân bay Long Thành đầu năm 2021 để có thể hoạt động vào năm 2025 còn có tác dụng giải cứu sân golf ở Tân Sơn Nhất.

BA ĐIỀU ƯỚC VỀ SÂN BAY LONG THÀNH

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 7-1-2020

I. CẨN THẬN TRONG TRÍCH LỜI PHÁT BIỂU

Sáng 05/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu và phát lệnh khởi công xây dựng sân bay Long Thành (SBLT) giai đoạn 1. Giai đoạn 1 xây dựng 1 đường băng và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, tổng mức đầu tư là 109.111,742 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự án SBLT có tổng mức đầu tư ch là 336.630 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Khi hoàn thành, SBLT có 4 nhà ga hành khách, 4 đường cất hạ cánh, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập: "Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng, cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Theo một đánh giá của tổ chức Úc, sau khi hoàn thành, Long Thành có thể đóng góp từ 3- 5% GDP" (https://vietnamnet.vn/.../thu-tuong-long-thanh-la-1-trong...).

Sau lời phát biểu của Thủ tướng tại lễ khởi công, một số báo đã giật tít kiểu: “Thủ tướng: Long Thành là 1 trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới” (https://vietnamnet.vn/.../thu-tuong-long-thanh-la-1-trong...),“Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới” (https://laodong.vn/.../long-thanh-nam-trong-top-16-du-an...).

Cách đưa đầu đề bài báo như thế này có thể dẫn đến hiểu nhầm. Cần phải hiểu cho đúng ý Thủ tướng. Nên phải làm rõ hai điều sau đây.

1. Một là, Thủ tướng có phát biểu "Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới”.

Ở đây câu "Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới” không được hiểu là thế giới mong chờ nhất vào SBLT và 15 sân bay khác. Thế giới không ai mong chờ vào SBLT cả, ngoại trừ Việt Nam.

Đây có thể là lỗi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Dự đoán rằng trong nguyên bản tiếng Anh về xếp hạng top 16 dùng từ “expect”. Nghĩa “expect” của tiếng Anh phải hiểu là trong các dự án sân bay đang triển khải và sắp triển khai trên toàn thế giới thì SBLT được xếp vào top 16 sân bay có “dự đoán”, “nghĩ rằng”… trở thành hiện thực hay có ý nghĩa v.v…chứ không phải là SBLT thuộc tọp 16 sân bay mà thế giới mong chờ nhất.

2. Hai là, Thủ tướng có đề cập: “Đây là dự án quan trọng, cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay”.

Ở đây, có lẽ ý Thủ tướng trong câu “cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay” là lớn nhất của Việt Nam, chứ không phải lớn nhất thế giới? Vì nếu lớn nhất thế giới thì hoá ra dự án SBLT không hiệu quả. Bằng chứng là sân bay lớn nhất thế giới về hành khách hiện nay là Hartsfield-Jackson Atlanta (Mỹ) với số khách năm 2018 đạt tới 107 394 030. Sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta có 5 đường băng, 192 cổng (152 nội địa, 40 quốc tế) nhưng cũng chỉ chiếm 1902 héc ta. Trong khi SBLT có 4 đường băng, 5000 héc ta đất mà chỉ có 100 triệu hành khách/ năm mà tổng số vốn dầu tư lớn nhất thì rõ ràng SBLT không hiệu quả. Còn trong trường hợp tổng vốn đầu tư SBLT là lớn nhất thế giới từ trước tới nay thì càng chứng tỏ SBLT không hiệu quả.

Từ đó để thấy cần phải rất cẩn thận trong trích dẫn lời phát biểu làm tiều để của bài báo.

II. BA ĐIỀU ƯỚC VỀ SÂN BÂY LONG THÀNH

Vị thế và tầm cỡ phát triển của TP HCM thì không thể chỉ có 1 sân bay duy nhất là Tân Sơn Nhất (TSN). Cho nên, không ai phản đối xây dựng sân bay thứ 2 ở khu vực TP HCM. Chỉ là thời điểm, vị trí, diện tích đất, tổng vốn đầu tư, ai xây, xây như thế nào là những vấn đề phải được xem xét kỹ lưỡng.

Việc góp ý chưa xây dựng SBLT vào thời điểm hiện tại mà phải mở rộng sân bay TSN - dù rất mạnh với nhiều luận cứ xác đáng – nhưng cuối cùng đã không được tiếp nhận. SBLT đã chính thức phát lệnh khởi công vào ngày 05/1/2021. Nhưng trên thực tế thì đất ở khu vực SBLT đã được chia bán từ hàng chục năm về trước. Đây là một trong 3 nguyên nhân chính bắt buộc SBLT phải được xây dựng.

Nay thì việc xây dựng SBLT đã trở thành chuyện không thể trì hoãn. Xin ước ba điều sau đây về SBLT.

1. Một là xây đúng giá.

Điều này không bao giờ có thể trở thành hiện thực. Nhưng điều ước là khát vọng nên phải ước.

2. Hai là, dẫu có đắt gấp 2,3 lần nhưng thiết bị và vật liệu hiện đại của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, công năng hợp lý, thiết kế khoa học và đẹp, chất lượng công trình đảm bảo.

Đắt mà dùng được, chứ đắt mà phải sửa chữa, phải bỏ đi là tai hoạ. Đây cũng là điều ước khó thành hiện thực.

3. Ba là, có một bộ máy quản lý SBLT giỏi.

Việc có một bộ máy quản lý SBLT giỏi là vô cùng quan trọng. Vì đó là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của SBLT. Bộ máy quản lý giỏi sẽ giúp cho SBLT từng bước hoàn vốn, tiến dần đến thời điểm không lỗ, và dành được vị trí xứng đáng trong số các sân bay ở Đông Nam Á.

III. NẾU TƯ NHÂN LÀ CHỦ SỞ HỮU SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT?

Nếu tư nhân là chủ sở hữu sân bay TSN thì SBLT vĩnh viễn lỗ, không bao giờ có thể hoàn vốn.

May cho SBLT là con đẻ của nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa.

Hình ảnh có thể có: 5 người, bao gồm Lưu Trọng Văn, mọi người đang đứng

N.N.C.

Nguồn: https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2227426074057477

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét