Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

20221029. NHỮNG DẤU HỎI VỀ QUẢN LÝ XĂNG DẦU

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HẾT XĂNG, CÒN TRÁCH NHIỆM ?

QUỲNH THƯ/KTSG 27-10-2022


(KTSG Online) – Mấy ngày gần đây, tại các cây xăng trên một đoạn đường thuộc quận 7, TPHCM, cảnh người đi xe chen chúc chờ đổ xăng tái diễn đúng như cảnh báo cho rằng tình trạng đó sẽ khó chấm dứt ngay được.

Trên đoạn đường này có ba cây xăng thì một treo bảng “hết xăng, còn dầu”, hai chỉ bán 50.000 đồng mỗi xe. Khách hàng xếp hàng chờ đến lượt mình, nhiều người thở dài ngao ngán nhưng cũng chẳng biết phải làm gì khác. Thôi thì đành chịu vậy, chạy đỡ 50 ngàn rồi tính tiếp chứ sao giờ, có người nói.

Lại có người nghĩ nếu chỉ tính trên đoạn đường này, ba cây xăng thì một hết xăng, nghĩa là tỷ lệ một phần ba, chứ không phải là một phần trăm như một tư lệnh ngành đã quả quyết.

Vậy thì ai đúng, ai sai? Vấn đề là chúng ta sử dụng “hệ quy chiếu” nào – “hệ quy chiếu” quốc gia, “hệ quy chiếu” địa phương hay “hệ quy chiếu” đoạn đường?

Nhưng dùng “hệ quy chiếu” nào cũng cần nhớ rằng người ở Sài Gòn đâu thể nào chạy xe xuống Cà Mau hay ra Khánh Hòa hoặc Điện Biên mà đổ xăng được! Cho nên, tuy ông tư lệnh ngành nói cũng đúng là “chỉ có một phần trăm cây xăng thiếu xăng”, người đổ xăng trên đoạn đường nói trên cứ bảo “phải lên đến một phần ba” cũng không sai, nếu xét đến ngữ cảnh của họ.

Lại nhớ đến lời của ông tư lệnh ngành cho rằng một phần nguyên nhân khan hiếm xăng ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam là do các địa phương này “có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậugiả(1).

Phát biểu bên trên rất có sức nặng ở chỗ nó chỉ ra vấn đề có thể nằm ở đâu. Đối với người viết, nó còn “nặng” vì chứa hai từ “lậu” và “giả”. Sở dĩ nói như vậy bởi nếu “lậu” hay “giả” thì đó hàm ý đã phạm pháp. Và nếu đã biết rõ hành vi phạm pháp đó sao không kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn, hay chí ít cũng phải gõ cửa cơ quan chức năng hay cấp cao hơn nhờ can thiệp?

Phạm pháp đâu phải chuyện đùa. Đó là chưa kể, xét đến trách nhiệm quản lý ngành, sao lại chần chừ không can thiệp hay can thiệp không đến nơi đến chốn, để rồi xảy ra sự cố mới nêu vấn đề. Thành ra, nói gì thì nói, trách nhiệm của bộ quản lý ngành cũng khó thoái thác.

Mong mỏi của người dân là làm sao chấm dứt tình trạng “hết xăng, còn dầu” càng sớm càng tốt và ngăn không cho tái diễn. Tuy nhiên, cho đến nay dường như vẫn chưa thấy phương cách giải quyết dứt điểm. Dưới góc độ này, bộ quản lý ngành cũng khó chối trách nhiệm.

Nhân đây cũng xin nói thêm là khi người dân gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ và kêu cứu, người có trách nhiệm nên xem xét và – nếu dân kêu đúng – thì nên thông cảm với họ, đứng về phía họ, bảo vệ họ. Nói nôm na, cũng giống như khi người bệnh Covid-19 gặp bác sĩ nói rằng “tôi đau quá bác sĩ ơi”, bác sĩ lại bảo “ông đau là tại con virus corona chứ có phải tại tôi đâu, than với tôi làm gì!” Nếu bác sĩ bảo vậy, bệnh nhân chắc càng đau đớn hơn.

Xin kết bài viết ngắn này bằng ý kiến như sau: trong cuộc “khủng hoảng” này, cây xăng có thể treo bảng “hết xăng, còn dầu”, nhưng quan chức liên quan chỉ có thể treo bảng “hết xăng, còn trách nhiệm”.

QT

(1)https://tuoitre.vn/mot-cay-xang-dong-cua-cung-bat-thuong-20221025082158202.htm

ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ XĂNG DẦU 'THIẾU THẬT' HAY 'THIẾU GIẢ' ?

PV/ VNN 28-10-2022

Thiếu xăng, dầu ở TP.HCM là rất đáng tiếc và bất thường

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dành thời gian giải đáp tình hình nguồn cung ứng xăng, dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

Theo Bộ trưởng Công Thương, những băn khoăn, bày tỏ của các đại biểu là rất đúng. Bởi xăng, dầu có ý nghĩa sống còn với mọi quốc gia, mọi nền kinh tế. Hơn thế nữa, vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, do cạnh tranh chiến lược, chiến tranh cục bộ.

Ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, nước ta, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý cung ứng kinh doanh xăng, dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành thực hiện.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu

Vì vậy, để làm tốt việc này, không chỉ cần mỗi ngành, mỗi cơ quan chức năng ở trung ương và chính quyền địa phương làm tốt mà quan trọng hơn phải hợp tác được với nhau chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước rất dị biệt như vừa qua.

Theo đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chính lập kế hoạch tạo nguồn cung ứng, cùng chính quyền địa phương quản lý hệ thống kinh doanh xăng, dầu cả nước. Tuy nhiên để làm được điều đó, ngành công thương rất cần sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại cho vay và bảo lãnh tín dụng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Công Thương cho hay, để có xăng, dầu tới tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, thì không chỉ cần sự vận hành thông suốt của 34 doanh nghiệp đầu mối, 332 thương nhân phân phối thuộc trách nhiệm cấp phép, quản lý của Bộ Công Thương mà cần có vai trò, có tính chất quyết định của 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu, do chính tỉnh, thành cấp phép, quản lý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong quyết sách, chủ trương trong chỉ đạo điều hành, thị trường xăng dầu cơ bản được ổn định, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

“Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường”, ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Ông Diên phân tích, dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau, nhưng phần lớn các tỉnh thành phố là phía Bắc và miền Trung lại không xảy ra như vậy. Đặc biệt, tại thời điểm đầu tháng 10, cả nước còn tới 3 triệu m3 xăng dầu. Nếu kể cả dự trữ thương mại, sản xuất của các nhà máy trong nước và nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối thì đủ nguồn cung cho đến gần hết tháng 11/2022. Đó là chưa kể các nhà máy còn đang sản xuất tiếp, nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.

Theo Bộ trưởng Công Thương, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu nên doanh nghiệp càng làm, càng lỗ.

Bên cạnh đó, TP.HCM và các tỉnh phía Nam là nơi có rất nhiều thương nhân phân phối, theo thống kê có 146/332 thương nhân phân phối của cả nước. Qua khảo sát, nhiều thương nhân phân phối ký hợp đồng mua hàng của nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhưng mua hàng không thường xuyên, nên doanh nghiệp đầu mối không chủ động được hàng trong kỳ. Khi thiếu hàng các thương nhân phân phối quay lại mua hàng đương nhiên không còn cơ hội, vì thế dẫn tới đứt gãy một số nơi.

Về giải pháp, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại để kịp thời chi viện cho các địa bàn cần ứng cứu. Phân giao chỉ tiêu bổ sung sản xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng kiểm tra, giám sát toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý vi phạm, kể cả rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, bảo đảm lưu thông thông suốt, duy trì hệ thống.

Cùng Ngân hàng Nhà nước kịp thời tiếp cận nguồn vốn, bảo lãnh tín dụng, là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp xăng dầu tồn tại. Hiện doanh nghiệp đang cần nới trần vay, ưu đãi lãi suất, hỗ trợ điều kiện thanh khoản để duy trì hoạt động.

Để doanh nghiệp không lỗ hoặc lỗ ở mức chấp nhận được, Bộ Công Thương cùng cơ quan chức năng sử dụng công cụ thuế, phí, Quỹ bình ổn và chính sách an sinh khi cần thiết điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới…

KHI NÀO DÂN  MỚI HẾT KHỔ ĐI ĐỔ XĂNG, PHẢI CÓ AI CHỊU TRÁCH NIỆM ĐI CHỨ ?

CÔNG DŨNG/TTO/BVN 28-10-2022

TTO - Tiếp tục nếm cảnh “đoạn trường” đổ xăng khi nhiều cây xăng ở các tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên tái diễn cảnh “hết xăng còn dầu”, bạn đọc bức xúc: Đến khi nào dân mới hết khổ vì xăng, đồng thời yêu cầu: Phải có ai chịu trách nhiệm đi chứ!

Khi nào dân mới hết khổ khi đổ xăng, phải có ai chịu trách nhiệm đi chứ? - Ảnh 1.

Cây xăng tại địa chỉ số 48 quốc lộ 22 (ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) thông báo hết xăng vào lúc 10h10 ngày 26-10. Rất nhiều khách hàng biết cây xăng treo biển "hết xăng" nhưng vẫn chạy vào hỏi, tuy nhiên người đàn ông ngồi tại cây xăng lắc tay và cho biết hết xăng thật - Ảnh: NGỌC HIỂN

Dân khổ nhiều rồi, hết dịch tới xăng

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, trên đường Xuyên Á (quốc lộ 22), tuyến đường quan trọng nối giữa TP.HCM đi phía tây TP và tỉnh Tây Ninh, có gần 10 cây xăng hết xăng hoặc bán giới hạn trên đoạn đường chỉ hơn 10km.

Nhiều tài xế xe tải và người dân hết sức mệt mỏi khi trên đoạn đường này có chín cây xăng hoạt động cầm chừng, trong đó có bảy cây xăng thông báo hết xăng và hai cây xăng chỉ bán theo định mức 50.000 đồng mỗi lần đổ.

Cùng cảnh ngộ, bạn đọc Tâm cho biết: "Mình ở Củ Chi ngay khu trung tâm thị trấn, hễ chiều tối là xác định không có một cây xăng nào còn".

Bạn đọc Tan thuong Huynh thông tin thêm: quận 12 và Hóc Môn có nhiều cây xăng thông báo hết xăng. "Mong Bộ Công Thương làm việc khu vực này, dân chúng tôi khổ nhiều rồi, hết dịch tới xăng".

Trước đó, tại TP Thủ Đức, anh Tuấn Lê cho hay: Tới hôm nay (25-10) mà ở Thủ Đức vào một số cây xăng cũng chỉ cho đổ 30.000 đồng hoặc 50.000 đồng, không cho đổ thêm, đúng thật của họ họ muốn bán bao nhiêu thì bán!

Cũng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại ĐBSCL, nhiều cây xăng vẫn mở cửa nhưng vô thì nhân viên nói hết xăng.

Theo bạn đọc Nguyễn Thành Phước, "Bộ Công Thương nói vẫn đảm bảo nguồn cung và số cây xăng đóng cửa rất ít. Thực tế khác xa và vẫn chưa thấy động thái gì để giải quyết vấn đề này".

Trong khi đó ở Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp xin ngừng kinh doanh xăng dầu, tình trạng "hết xăng còn dầu" diễn ra khá phổ biến. Bạn đọc có nick name Nguyen kêu lên: "Đến khi nào người dân mới hết khổ vì xăng?".

Khi nào dân mới hết khổ khi đổ xăng, phải có ai chịu trách nhiệm đi chứ? - Ảnh 3.

Cửa hàng xăng dầu Mỹ Phú (Châu Phú, An Giang) không đóng cửa, không treo bảng nhưng khi người dân vào đổ xăng thì nhân viên nói hết xăng.
Ảnh chụp vào 14h ngày 26-10 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm đi chứ!

"Không chỉ các đại lý xăng dầu ở TP.HCM, hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL tái diễn cảnh "hết xăng còn dầu" hoặc bán theo định mức 30.000 - 50.000 đồng/lần đổ xăng. Trách nhiệm của ai và công tác quản lý như thế nào mà "khan hiếm cục bộ".

Ý kiến bạn đọc Dương Văn Tuấn

Đề cập hệ lụy từ tình trạng "cây xăng hết xăng", An Huỳnh nêu: "Nếu thật sự bị thiếu xăng thì nên xem lại. Còn nếu có gì đó khuất tất thì nên có biện pháp chứ để tình trạng này thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân".

Để xảy ra chuyện này, Lê Đức cho rằng: "Phải xem lại cách điều hành của Bộ Công Thương. Giá thị trường phải tuân theo quy luật cung cầu, không phải muốn là được".

Chuyện "hết xăng còn dầu" cứ tồn tại dai dẳng suốt thời gian gần đây khiến bạn đọc Dương Văn Tuấn sốt ruột: "Trách nhiệm của ai và công tác quản lý như thế nào mà 'khan hiếm cục bộ'"?.

Cùng chung câu hỏi, Hồ Văn lên tiếng: "Không xử lý hoặc xử lý không đến nơi đến chốn thì tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở đâu?".

"Không thể chấp nhận" tình trạng cứ phải khổ sở vì chuyện đổ xăng, bạn đọc có nick name Nguyen hỏi thẳng: "Cơ quan nào, ai đó phải chịu trách nhiệm đi chứ!?".

Nỗi bức xúc của người dân trước chuyện cây xăng đóng cửa đã được nhiều đại biểu Quốc hội tuần qua thẳng thắn chuyển lời, đòi truy trách nhiệm khi các bộ lại đổ lỗi cho nhau. Cây xăng đóng cửa đã bất thường, các bộ đùn đẩy trách nhiệm cũng chẳng bình thường. Chia sẻ thêm về câu chuyện Một cây xăng đóng cửa cũng bất thường, bạn đọc Tùng kết luận: "Đừng để bất cứ một cây xăng nào đóng cửa, gây xáo trộn cuộc sống người dân, đó mới là không bất thường".

Nguồn: Tuổi Trẻ

THƯA BỘ TRƯỞNG DIÊN, NGHE BỘ TRƯỞNG NÓI VỀ ĐIỀU HÀNH XĂNG DẦU MÀ LO LẮM THAY

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 27-10-2022

GDVN- Theo dõi các phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên liên quan đến vấn đề điều hành xăng thật khiến lo lắng lắm thay.

Nói về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Khó khăn nhất hiện nay là truy tìm nguồn gốc thực phẩm vì chợ cóc tràn lan, nên trong thời gian tới cần “sáng tạo” trong truy tìm nguồn gốc sản phẩm”. [1]

Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, một vị đại biểu Quốc hội nêu quan điểm: “Không nên nói quá nhiều đến các biện pháp hành chính mà cần xây dựng người tiêu dùng thông thái vì hơn ai hết, người tiêu dùng hiểu được thế nào là thực phẩm sạch và việc dùng thực phẩm an toàn có lợi thế nào với sức khoẻ”. [1]

Thưa Bộ trưởng Diên, nghe Bộ trưởng nói về điều hành xăng dầu mà lo lắm thay ảnh 1

Đâu là nguyên nhân chính khiến xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu xảy ra. Ảnh minh họa: VOV

Mới đây, tại kỳ họp thứ 4, khi phát biểu thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách vào ngày 22/10, đề cập đến tình trạng thiếu xăng dầu tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu một vài nguyên nhân như sau:

“Tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu vừa qua không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp bị lỗ, khu vực này trước đây có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Vì thế, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như chuyện mua hàng từ mối (nguồn cung – NV) ổn định”. [2]

Về chuyện “xăng dầu lậu, giả” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên không nêu tên cụ thể nhưng báo chí biết quá rõ ngoài vụ Trịnh Sướng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hưng - Sóc Trăng bị bắt do bán 133 triệu lít xăng giả và 1,6 triệu lít dầu DO giả thì cũng còn vụ Lương Đình Tiến – Giám đốc Petrolimex Long An - bị bắt vì bán 200 triệu lít xăng giả.

Vụ Lương Đình Tiến bị bắt xảy ra từ tháng 4 năm 2021, tính đến những tháng cuối năm 2022 – khi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn xăng cho thị trường phía Nam - là khoảng một năm rưỡi.

Người bị bắt là cán bộ thuộc Bộ Công thương, lượng xăng dầu lậu của Petrolimex Long An gần gấp đôi của Trịnh Sướng, thời gian diễn ra gần một năm rưỡi vậy vì sao Bộ trưởng Diên và ban lãnh đạo Bộ Công thương vẫn không ngăn chặn được tình trạng bất ổn trong cung ứng xăng dầu?

Nếu cựu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “cần sáng tạo trong truy tìm nguồn gốc” thực phẩm bẩn thì Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra cũng sáng kiến:

“Chúng ta cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu, cả dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại, từ tập đoàn cho tới các đơn vị thành viên, thậm chí là đơn vị cơ sở, cửa hàng bán lẻ. Và phải tổ chức quản lý bằng công nghệ để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, kịp thời và chính xác, hạn chế tối đa sự can gián của con người vào trong quy trình quản lý này”. [3]

Có người vui mừng cho rằng sau sáng kiến của Bộ trưởng Diên, kho tàng “công nghệ số” của Bộ Công thương sẽ có phần mềm quản lý xăng dầu – từ nhập khẩu, phân phối, chất lượng đến dự báo chiến lược – bao gồm cả việc phát hiện cán bộ, nhân viên buôn bán hàng lậu, hàng trôi nổi,…

Rồi đây biên chế ngành Công thương sẽ giảm không chỉ 10% mà hơn thế nữa vì Bộ này sẽ “hạn chế tối đa sự can gián của con người trong quy trình quản lý”.

Có người tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu vì sao Bộ trưởng nói “can gián” mà không phải là “can thiệp”, bởi “can gián” trong từ điển tiếng Việt là “Khuyên can (con người - NV) đừng làm điều lỗi lầm”, vậy khi con người khuyên can “quy trình quản lý” thì liệu “nó” có chịu nghe hay chỉ còn cách ngắt điện cho mấy cái máy tính nằm đắp chiếu?

Có phải vì tinh ý nhận thấy điều này nên báo Vietnamnet.vn chạy tít: “Bộ trưởng Công Thương: Hạn chế sự can thiệp của con người vào quản lý xăng dầu” mặc dù dòng sapo đầu bài vẫn viết: “Sử dụng công nghệ trong hoạt động dự trữ, kinh doanh xăng dầu tới tận cửa hàng bán lẻ, hạn chế tối đa sự can gián của con người, theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên”. [4]

Gần đây tờ báo của Bộ Công thương dẫn lời Bộ trưởng Diên:

“Vừa rồi, qua thống kê có những ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng trên 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước (trên 17.000 cửa hàng – [3]), con số này chỉ chiếm hơn 1% và đặc biệt là quan sát kỹ hơn thì thấy hiện tượng này chỉ có xảy ra ở một vài địa bàn là Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã đặt ra câu hỏi: Tại sao hiện tượng này không xảy ra ở các nơi khác? Tại sao chỉ có hơn 1% cửa hàng xăng dầu tạm ngưng mà dư luận lại cho là khủng hoảng hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước? [3]

Câu nói của Bộ trưởng Diên liệu có cho thấy “công nghệ số” của Bộ Công thương không chỉ “không vội được đâu” mà trong lời Bộ trưởng còn có cái gì đó “trên dưới bất nhất”.

Phía trên Bộ trưởng Diên cho rằng “so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước con số này chỉ chiếm hơn 1%” nhưng phía dưới lại là “hiện tượng này chỉ có xảy ra ở một vài địa bàn là Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”!

Nếu đúng như lời Bộ trưởng Diên thì chỉ có thể so sánh 200 cửa hàng “không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng” với tổng số cửa hàng của thành phố Hồ Chí Minh và vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải với 17.000 cửa hàng cả nước.

Báo Tuoitre.vn ngày 10/10/2022 cho biết tình trạng xăng dầu tại thành phố Hồ Chí Minh:

“Hiện tại có 121/550 cửa hàng không còn xăng, các cửa hàng đã đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp”. [5]

Nếu tính ra thì thấy ngay con số 121/550 là 22% chứ không phải “hơn 1%”.

Để cho công bằng, nói đi thì cũng phải nói lại, tham gia vào khai thác, chế biến, quản lý, kinh doanh mặt hàng xăng dầu có rất nhiều cơ quan, trong đó các bộ Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường… quản lý về giá, số lượng, chất lương xăng dầu, khai thác chế biến dầu, bên cạnh đó còn nhiều ngành liên quan như Hải quan, Cảnh sát biển, Cảnh sát kinh tế, Thuế, Tiêu chuẩn đo lường,…

Trở lại vấn đề “hạn chế tối đa sự can gián của con người vào trong quy trình quản lý (mặt hàng xăng dầu - NV)” thì có nên thực hiện một chương trình nghiên cứu quốc gia để xem sự “can gián” của hàng chục bộ, ngành có tên nêu trên là thế nào.

Theo phân cấp quản lý, mỗi bộ phận đều được quyền “can gián” một tí và vì đây là mối liên hệ chồng chéo trong hệ thống nên theo thông lệ, sẽ xuất hiện hàng trăm phương án “can gián” khác nhau. Vậy Bộ Công thương sẽ đặt hàng cơ quan nào làm cái “công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu”?

Và quan trọng là trên thế giới có hãng phần mềm nào đủ khả năng thiết kế phần mềm khi dữ liệu đầu vào – tức là các “tổ hợp can gián” của hàng chục bộ/ngành luôn là ẩn số biến thiên theo nhiệm kỳ?

Ngày 03/02/2017 trang Petrolimex.com.vn đăng bài viết với tiêu đề: “Dự trữ xăng dầu đảm bảo tối thiểu nhu cầu sử dụng 30 ngày”. [6]

Bài báo trên ghi chú: “Nguồn: Báo điện tử VOV”.

Điều này khiến người viết không khỏi băn khoăn, tại sao một đơn vị chuyên kinh doanh là Petrolimex lại phải dẫn bài về số liệu dự trữ xăng dầu từ một tờ báo?

Ngày 22/10/2022, khi kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, báo chí viết: “Đại biểu Quốc hội: Điều hành xăng dầu sao mà "bộ này đổ cho bộ kia" ?”. [7]

Nếu mà việc “đổ” ấy trót lọt thì “bộ này” sẽ có thành tích còn “bộ kia” sẽ mắc khuyết điểm, “chân lý hiển nhiên” này phải chăng xuất phát từ bài học mà các tác giả biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) đã dạy cho trẻ con bắt đầu đi học:

“Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ,… Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen”. [8]

Chắc chắn đại bộ phận các “mẹ” thời nay sẽ không tin lời các giáo sư, tiến sĩ biên soạn sách mà khen con đẻ, nhưng những người nhẹ dạ cả tin đời nào chẳng có.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/doi-nguoi-tieu-dung-thong-thai-dan-se-rat-buon-376745.html

[2]https://vnexpress.net/bo-truong-cong-thuong-giai-trinh-ly-do-thieu-xang-dau-4526612.html

[3]https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/bo-truong-nguyen-hong-dien-khao-sat-tong-kho-nha-be-va-lam-viec-tai-cong-ty-xang-dau-khu-vuc-ii.html

[4]https://vietnamnet.vn/bo-truong-cong-thuong-han-che-su-can-thiep-cua-con-nguoi-vao-quan-ly-xang-dau-2072451.html

[5]https://tuoitre.vn/co-toi-121-cua-hang-xang-dau-tai-tp-hcm-dang-khat-xang-20221010164702441.htm

[6] /nd/bao-chi-viet-ve-petrolimex-va-xang-dau/du-tru-xang-dau-dam-bao-toi-thieu-nhu-cau-su-dung-30-ngay.html

[7] https://tuoitre.vn/dai-bieu-quoc-hoi-dieu-hanh-xang-dau-sao-ma-bo-nay-do-cho-bo-kia-20221022132633504.htm

[8] https://giaoduc.net.vn/san-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-khong-chi-rieng-bo-canh-dieu-post213175.gd

Xuân Dương

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN HỒNG DIÊN NÓI, PHẢI CÓ THÔNG NGÔN DỊCH RA TIẾNG VIỆT MỚI HIỂU !
MAI BÁ KIẾM/ TD 23-10-2022
Nghe bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói, ai hiểu chết liền, dù ông nói về chuyên ngành do mình quản lý. VietNamNet giật tựa “Bộ trưởng Công thương: Hạn chế sự can thiệp của con người vào quản lý xăng dầu”.
Tôi phải đọc hết bài mới hiểu ý ông là “Cần ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu, cả dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại từ tập đoàn cho tới các đơn vị thành viên, thậm chí là đơn vị cơ sở, cửa hàng bán lẻ”.
Không hiểu công nghệ số là con mẹ gì mà đòi ứng dụng? Xưa nay, 4 bộ: Tài chính, Công thương, KH&CN, TN-MT đồng quản lý về giá, lượng và phẩm chất xăng dầu, khai thác mỏ dầu, với sự can thiệp của nhiều ngành: Hải quan, Thuế, Quản lý Thị trường (QLTT), Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Cảnh sát Kinh tế (CSKT).
Bao nhiêu ngành canh chừng vậy mà xăng dầu lậu chiếm thị phần đáng kể, nên bộ trưởng Diên nói - giống như điên: “Thiếu xăng dầu miền Nam có một phần ảnh hưởng xăng dầu lậu”. Ông diễn nghĩa “Việc có 'một lượng lớn' xăng dầu trôi nổi, xăng dầu lậu trên thị trường khiến Doanh nghiệp (DN) không quan tâm đến chi phí định mức, chiết khấu, đăng ký mua hàng ổn định”.
Có lẽ ông ám chỉ nhiều tàu Cảnh sát biển buôn dầu lậu bị bắt và trước đó, Lương Đình Tiến - GĐ Petrolimex Long An, bị bắt vì bán 200 triệu lít xăng giả từ tháng 8/2020. Trịnh Sướng (GĐ Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị bắt do bán 133 triệu lít xăng giả và 1,6 triệu lít dầu DO giả. Ba vụ này đã làm hụt nguồn xăng dầu lậu?
Như vậy, khi ứng dụng công nghệ số để bớt sự can thiệp của Hải quan, QLTT, CSKT, ông Diên phải buộc các trùm xăng dầu lậu, trôi nổi cung cấp “một lượng lớn” bán cho các cây xăng để xử lý dữ liệu (Data Processing) và đưa vào ứng dụng.
Bộ trưởng Diên còn than rằng “Một số DN xăng dầu đi đầu tư chứng khoán, bất động sản, làm vơi đi nguồn tiền để nhập hàng, gây ra những tác động đến chuỗi cung ứng”. QLTT kiểm tra DN đầu mối nhập xăng dầu ở phía Nam, phát hiện một DN không dự trữ theo quy định, năm DN không đảm bảo dự trữ thương mại, không nhập đủ hạn mức xăng dầu do bộ giao!
Để giảm bớt sự can thiệp của QLTT, làm cách nào ông Diên “số hóa” được “nguồn tiền nhập xăng dầu bị vơi đi” do DN chơi Chứng khoán và Bất động sản (BĐS); cũng như “số hóa” trữ lượng "xăng dầu không dự trữ" và sản lượng "xăng dầu không nhập" theo quota được giao?
Bao nhiêu người can thiệp trực tiếp vào quản lý xăng dầu mà Bộ còn không nắm chuỗi cung ứng từ 36 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, cung ứng cho 500 tổng đại lý, để phân phối lại cho hơn 17.000 cây xăng. Vậy mà, bộ trưởng Diên bảo phải “ứng dụng công nghệ số để quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu từ tập đoàn cho tới các đơn vị thành viên, đơn vị cơ sở, cửa hàng bán lẻ để bớt sự can thiệp của con người"!
Ông Diên cứ qua Thung lũng Silicon mướn công ty nào viết nổi phần mềm quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu từ tập đoàn đến cây xăng bán lẻ bằng những dữ liệu chưa biết hoặc không chính xác. Bộ trưởng muốn ăn gì để các cây xăng cúng, chứ đừng nói bừa nữa!
MBK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét