Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

20221020. PHẢN BIỆN QUY HOẠCH ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HÀ NỘI

  ĐIỂM BÁO MẠNG


THIẾT KẾ BẤT HỢP LÝ CỦA ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HÀ NỘI

NGUYỄN NGỌC CHU/BVN 17-102022

1. TỔN THẤT KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Nhìn vào bản đồ Metro Hà Nội (đi ngầm và lộ thiên) mà buồn và lo đến mức nổi giận. Nhưng không biết trút giận vào ai.

Không cần phải là chuyên gia ngành giao thông vận tải, cũng không cần phải học hết đại học, thì cũng thấy rõ đó là một thiết kế què quặt, có quá nhiều bất hợp lý.

Bài toán thiết kế hệ thống giao thông tối ưu là bài toán kinh điển, được nghiên cứu kỹ về lý thuyết, và đã có nhiều ví dụ thực tiễn. Hãy nhìn vào bản đồ Metro của Berlin có từ năm 1902 và Metro của Matxcova có từ năm 1935 để thấy sự khác biệt với Metro Hà Nội được thiết kế vào đầu thế kỷ 21.

Metro Matxcova dài 466,8 km, có 287 bến, vận chuyển trung bình từ 7 triệu - 9,7 triệu hành khách mỗi ngày, một năm trung bình vận chuyển khoảng 2,5 - 3 tỷ người (thống kê 2014, 2018).

Metro Berlin dài 155,4 km, có 175 bến, vận chuyển trung bình ngày là 1.515.342 khách/ngày và 553,1 triệu khách/ năm (thống kê 2017).

Có thể là hình ảnh về bản đồ



Cả hai Metro Matxcova và Berlin đều có đường bao chu vi, hình vòng xuyến hay hình đa giác, và các đường xuyên tâm. Đó là các phương án thiết kế tốt.

Biết rằng phải nối các điểm đông dân cư, các nút giao thông, không thể thẳng như kẻ chỉ và sơ đồ có lệch với đường đi thực tế, thì thiết kế Metro Hà Nội cũng có quá nhiều bất hợp lý.

Metro Hà Nội không có đường bao chu vi, không có đường xuyên tâm, không có đường ngắn nhất, gồm những đường chắp nối, ngoằn nghèo, nhiều nơi thừa, nhiều nơi thiếu, dài mà không bao phủ hết. Đó là một thiết kế bất hợp lý với một sự trả giá đắt đỏ nếu triển khai trên thực tế.

Cả hai Metro Matxcova và Berlin đều có đường bao chu vi, hình vòng xuyến hay hình đa giác, và các đường xuyên tâm. Đó là các phương án thiết kế tốt.

Biết rằng phải nối các điểm đông dân cư, các nút giao thông, không thể thẳng như kẻ chỉ và sơ đồ có lệch với đường đi thực tế , thì thiết kế Metro Hà Nội cũng có quá nhiều bất hợp lý.

Metro Hà Nội không có đường bao chu vi, không có đường xuyên tâm, không có đường ngắn nhất, gồm những đường chắp nối, ngoằn nghèo, nhiều nơi thừa, nhiều nơi thiếu, dài mà không bao phủ hết. Đó là một thiết kế bất hợp lý với một sự trả giá đắt đỏ nếu triển khai trên thực tế.

Ngắn gọn, hệ thống Metro phải thiết kế thế nào để bao phủ được toàn bộ thành phố với một tổng chiều dài ngắn nhất, đồng thời sao cho giữa 2 điểm bất kỳ có đường đi ngắn nhất và ít phải đổi tuyến nhất. Giữa 2 điểm bất kỳ trong hệ thống Metro, hoặc không phải đổi tuyến, hoặc 1 lần đổi tuyến, và nhiều nhất là không quá 2 lần đổi tuyến.

Các đường xuyên tâm cắt nhau sẽ cho phép 1 lần chuyển tuyến. Đường vòng xuyến cho phép di chuyển nhanh nhất đến bên kia thành phố mà không phải đổi tàu. Đường vòng xuyến cho phép không quá 2 lần chuyển tàu để đến bất kỳ điểm nào trong hệ thống. Vòng xuyến là tuyến đường vô cùng hiệu quả. Metro Hà Nội cần thiết phải có 1 đường vòng xuyến bao quanh nội đô và phải được ưu tiên hoàn thành trước hết.

Hiện tại Metro Hà Nội chỉ mới đưa vào hoạt động tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13,05 km (chi phí xây dựng là 886,04 triệu USD), có 12 bến, sau 9 tháng vận chuyển gần 6 triệu hành khách, bình quân khoảng 22 000 khách/ngày, bình quân năm là khoảng 8 triệu khách / năm.

2. ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU ĐIỀU CHỈNH LẠI THIẾT KẾ

Metro giữ vai trò vô cùng quan trọng trong vận chuyển hành khách đô thị, là phương thức vận chuyển hành khách chủ chốt giúp giảm bớt sự ách tắc giao thông. Metro Hà Nội hiện chỉ đang thi công 2 tuyến Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Kim Mã. Các tuyến khác chưa triển khai.

Giá thành xây đựng Metro vô cùng đắt đỏ, nên nhất thiết phải có một thiết kế hợp lý. Một thiết kế hợp lý cho Metro Hà Nội sẽ:

a/ Giảm hàng chục tỷ USD chi phí xây dựng;

b/ Rút ngắn nhiều năm xây dựng giúp sớm đưa vào vận hành;

c/ Tiết kiệm thời gian cho hàng trăm triệu hành khách đi lại mỗi năm.

Bởi thế xin đề xuất:

1/. Nghiên cứu thiết kế lại hệ thống Metro Hà Nội.

2/. Phải giao cho nhiều nhóm độc lập tham gia thiết kế để có nhiều phương án lựa chọn.

Vấn đề Metro của Thủ đô không chỉ là trách nhiệm của Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, mà trên nữa còn có trách nhiệm của Chính phủ với đại diện là Phó thủ tướng phụ trách ngành GTVT và Xây dựng.

Nếu những người có trách nhiệm chịu giảm bớt vài bài phát biểu ở các sự kiện để có thời gian chú tâm vào Metro Hà Nội thì lợi ích mang lại cho nhân dân là rất to lớn. Nếu làm lãnh đạo Hà Nội chỉ 90 ngày mà kịp cho ra một thiết kế Metro Hà Nội hợp lý, tiết kiệm được hàng tỷ USD thì tất sẽ được người dân Thủ đô lưu danh, không cần đến nhiều lần xuất hiện. Vì dân là ở đây, ngay bây giờ khi còn đương chức.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ CỦA HÀ NỘI ĐANG CÒN THIẾU 

'HỒ SƠ AN TOÀN SỐ'

TRẦN HUY ÁNH/ VNN 17-10-2022

Hà Nội đang thiếu “hồ sơ an toàn số hóa” - một trong những chức năng thiết yếu của các dự án đường sắt đô thị. Làm thế nào để các dự án đường sắt tránh nguy cơ “sụt hố”, tăng vốn, kéo dài thời hạn do chủ đầu tư năng lực hạn chế?.

Tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang rất phức tạp trong quá trình xử lý. Còn đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội chưa khoan được mét ngầm nào đã bị nhà thầu đòi đền bù 114 triệu USD vì giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm và các vướng mắc khác. Nguy cơ tăng vốn, kéo dài thời hạn do chủ đầu tư năng lực hạn chế. 

Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông đã chậm 6 năm, tăng vốn 45%, tổng thầu dự án còn khiếu kiện do chậm 5 năm về bàn giao mặt bằng. Tuyến Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ gần 20 năm trước, nay chậm thêm 5 năm và đội giá 87% và Tổng thầu cũng đang kiện do chậm giao mặt bằng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, hiện nay tất cả các dự án EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) đều "vướng", kể cả ODA, rồi các hợp đồng FIDIC (chủ yếu là đầu tư đường sắt) cũng đều vướng.

Vướng ở đây chủ yếu do chuẩn bị đầu tư kém, từ khảo sát, thiết kế sơ bộ đến tổng mức đầu tư làm rất sơ sài và mang kết quả sơ sài này đi đấu thầu. Sau khi đấu thầu và trúng thầu, lại dựa vào đó để ký hợp đồng. Khi triển khai thì bắt đầu vướng, vướng từ sửa đổi thiết kế, rồi thay đổi về biện pháp thi công, thay đổi về vật liệu, thay đổi về giải pháp công nghệ, kể cả vấn đề năng lực…

Nguy cơ “sụt hố” do chậm GPMB


Đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội chưa khoan được mét ngầm nào đã bị nhà thầu đòi đền bù 114 triệu USD vì GPMB chậm và các vướng mắc khác. 

Rất nhiều các dự án phát triển tại Việt Nam trục trặc có nguyên nhân là do chậm GPMB. Tất cả các dự án GPMB đều dựa vào Luật Đất đai làm cơ sở pháp lý.

Nhằm tháo gỡ GPMB, Luật Đất đai 2013 đã tăng hơn 23.273 từ, trong đó có các nội dung mới nhằm tháo gỡ so với Luật Đất đai 2003. Riêng phần ngầm, Luật Đất đai 2013 mới có thêm 202 từ. GPMB cho đất nổi có hàng vạn từ còn khó, đất ngầm phức tạp hơn mà chỉ có 202 từ thì quá nhiều thách thức.

Nguy cơ “sụt hố nợ” vì các đại dự án hạ tầng trên thế giới đều tăng vốn 

Giáo sư Bent Flyvbjerg (Đại hoc Oxford – Mỹ) cho biết: các siêu dự án trong 70 năm qua đã liên tục vượt quá ngân sách trong khi mang lại chưa đến một nửa lợi ích tiền tệ như đã hứa. 


Các đại dự án đều tăng vốn, lớn nhất là Dự án Big Dig - siêu dự án đường ngầm qua trung tâm TP Boston (Mỹ) tăng từ 8,08 tỷ đô la lên 22 tỷ đô la (giá trị quy đổi năm 2022). Nguồn: City Solution.

Thi công ngầm ẩn chứa vô số rủi ro. Ví dụ tại Seattle (Mỹ), khiên khoan của máy BTM kẹt đã làm dự án chậm lại nhiều tháng, chi phí hàng trăm triệu USD để đào hố giải cứu moi khiên đào lên để sửa chữa. Với các quốc gia có công nghệ phát triển đã là thách thức thì đối với Việt Nam sẽ là thảm họa khi cả hệ thống quản trị dự án còn rất nghiệp dư, hoàn toàn phụ thuộc vào tư vấn, nhà thầu và nguồn vốn bên ngoài.  

Tuyến ĐSĐT Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo có Ga ngầm C9 tại khu vực Hồ Gươm vốn đặt xa hồ, sau đó lại đưa vào vùng vi phạm Luật Di sản. Nay, chuyển ga ra ngoài lại tăng vốn mấy ngàn tỷ đồng. Trả lời chất vấn chỉ thấy tư vấn ngoại, cam kết an toàn/không phá hỏng di sản một cách khá cảm tính.


Giải cứu khiên đào bị kẹt khi thi công ngầm tại Seattle ( Mỹ). Nguồn: City Solution

Nguy cơ “sụt hố” do giải pháp lạc hậu, năng lực tư vấn hạn chế 

Dự án ĐSĐT vay nước ngoài, tư vấn ngoại thắng thầu vì độc quyền công nghệ. Họ không mạnh các vấn đề địa phương đã đành, nhưng tư vấn nội (TEDI và TEDI –South - vốn là TEDI tham gia cổ phần hóa với đối tác nước ngoài), đặc biệt Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Giao thông vận tải (TRICC) tham gia tư vấn hầu hết các dự án ĐSĐT Hà Nội, TP.HCM và rất nhiều dự án đầu tư đường sắt lớn…

Các đơn vị này hẳn am tường các vấn đề địa phương gồm các quy chuẩn quy phạm của Việt Nam. Thế nhưng, các dự án chỉ thấy chi phí tăng, không thấy giảm. Dự báo hành khách rất vu vơ. Ga C9 tại Hồ Gươm lo ngại số lượng khách lớn, gây ùn tắc cục bộ… thì trả lời là ga xép/ít người không vấn đề gì… Nhưng khi dự định bỏ ga thì lại cho rằng ga này rất quan trọng về năng lực vận chuyển và các kỹ thuật liên quan. 

Các dự án ĐSĐT có tổng mức đầu tư rất lớn. Riêng dự án Nhổn – Ga Hà Nội bằng tổng đầu tư 3 cầu lớn qua sông Hồng… nhưng thông tin tham chiếu/phân tích chi phí các dự án tương tự từ khắp nơi trên thế giới rất sơ sài. Đã bước sang thế kỷ 21 hơn 20 năm mà các dự án được lập bằng các công cụ vẽ 2D, in ra giấy đã rất lạc hậu.

Hơn chục năm nay, các dự án ĐSĐT trên khắp thế giới đã được quản trị bằng công cụ BIM (Buiding Information Modeling). Hồ sơ thiết kế có mô hình kết nối 5 chiều: 3 chiều không gian lập thể + chiều thời gian triển khai từng hạng mục đến tổ hợp tổng thành + chiều thông tin kết nối với hàng ngàn nhà thầu xây lắp, sản xuất vật tư thiết bị để có báo giá tối ưu. Từ bước khảo sát, BIM đã tương tác với vận động đô thị (bao gồm kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông trong thời gian thực), thích ứng với địa chất và biến động tự nhiên/khí hậu. 

Hà Nội đang thiếu “hồ sơ an toàn số hóa” - một trong những chức năng thiết yếu của BIM đã khiến dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông chậm trễ bàn giao và còn ẩn chứa nhiều hạn chế trong quá trình vận hành. Vậy nên cần quản trị bằng công cụ BIM ngay từ khởi động dự án thay vì dùng hồ sơ cũ do các tư vấn độc quyền, lạc hậu không có khả năng chuyển đổi số để đáp ứng mô hình quản trị dự án hiện đại thì mới kiểm soát được chi phí, chất lượng, hiệu quả và thời hạn dự án cũng là cách loại bỏ tư vấn độc quyền lạc hậu. 

Khi nội tình còn chưa chuẩn bị đủ hành lang pháp lý và công kỹ nghệ thì cân nhắc lựa chọn giải pháp triển khai công trình ngầm nội đô sao cho an toàn, hiệu quả và chủ động, thay vì nhắm mắt “húc đầu” vào thất bại chực chờ.

KTS Trần Huy Ánh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét