Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

20221022. BÀN VỀ ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ HIỆN NAY

 ĐIỂM BÁO MẠNG


DƯ ĐỊA NÀO THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG ?

TƯ GIANG,LAN ANH th/TVN 20-10-2022

Chính phủ đang đi tìm các động lực để khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau mấy năm nền kinh tế bị tác động bởi Covid-19. Tuy nhiên, những động lực truyền thống như tài khóa, tiền tệ đã hết dư địa.

Tuần Việt Nam trao đổi với nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, nhân ngày khai mạc kỳ họp QH. Sáng nay, Thủ tướng trình bày trước QH báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.

Những yếu tố làm giảm tốc độ tăng trưởng

Thưa ông, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các gói giải pháp về tiền tệ, tài khóa nhằm thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau Covid-19. Liệu các chính sách đó còn dư địa để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như thực tế đòi hỏi? 

Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết phải có và không thể đánh đổi để duy trì lòng tin xã hội. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Chi phí đẩy đối với lạm phát đang rất mạnh sẽ làm tăng giá thành, giá bán hàng hoá và CPI sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, lãi suất huy động và cho vay tăng làm tăng giá vốn, tăng chi phí sản xuất của DN. Đồng USD tăng giá, tỷ giá VND/USD đối diện với sức ép phải điều chỉnh tăng (mức độ điều chỉnh), chi phí nhập khẩu tăng.

Nhiều tổ chức quốc tế đều có đồng thuận về gia tăng lạm phát ở nước ta từ 4% trong năm nay lên 4,5% năm sau.


TS Nguyễn Đình Cung: Cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố duy nhất còn lại có thể thúc đẩy tăng trưởng

Tôi có thể kết luận, chính sách tiền tệ không thể nới lỏng, chỉ giữ nguyên hoặc thắt chặt hơn, để kiểm soát, kiềm chế lạm phát. Như vậy, chính sách tiền tệ đã hết dư địa và không thể hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ có giúp bù đắp cho chính sách tiền tệ trong thúc đẩy tăng trưởng?

Theo tính toán, chúng ta có gói hỗ trợ, kích thích kinh tế gần 238 ngàn tỷ đồng cho 2 năm 2022-2023. Gói đó bao gồm miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí (63,8 ngàn tỷ); gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất (6 ngàn tỷ); tăng chi đầu tư phát triển (127,85 ngàn tỷ); chi hỗ trợ lãi suất cho DN, HTX, hộ kinh doanh (40 ngàn tỷ).


Sau 9 tháng thực hiện, ước tính chỉ khoảng 20% được giải ngân mà thôi. Vấn đề là có giải ngân hết, được đi vào thực thi hoàn toàn, thì số thuế, phí miễn giảm nói trên không bù đắp được số chi phí đầu vào gia tăng cho DN. Trong khi đó, số thu vào ngân sách từ DN đang gia tăng, nhất là thu tiền sử dụng đất, thu số thuế được giãn, hoãn trước đây, thu bảo hiểm xã hội.

Như tôi phân tích, chính sách tài khóa cũng không giúp được gì nhiều cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở góc độ DN, họ đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Chi phí sản xuất tăng cao hơn CPI, DN giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ nên phải thu hẹp sản xuất.

Thắt chặt tiền tệ làm chi phí vốn tăng cao, cộng với hạn chế tiếp cận được tín dụng, DN phải thu hẹp hoặc không mở rộng được các dự án đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, giá cả tăng, thu nhập giảm, dân cư giảm tiêu dùng, DN giảm doanh thu và lợi nhuận, từ đó, họ thu hẹp hoặc chưa thể mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tất cả các yếu tố trên đều có tác động tiêu cực, làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Cải cách là cấp bách

Xuất khẩu và dòng vốn FDI vẫn đang được coi là các trụ cột thúc đẩy tăng trưởng. Ông nhìn nhận như thế nào về các trụ cột này trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo là rơi vào suy thoái?

Chúng ta đã thuận lợi hoá thương mại, tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu trên cơ sở 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực. Định hướng xuất khẩu và xuất khẩu vẫn là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, đang xuất hiện một số nhân tố có thể làm giảm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.


Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh: TTXVN

Tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nói riêng suy giảm mạnh trong năm 2022-2023. Họ giảm nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.

Cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cả Trung Quốc và Mỹ lại là 2 thị trường không thể thiếu, không thể thay thế trong phát triển kinh tế Việt Nam. Dư địa “cân bằng” quan hệ với 2 đối tác nói trên có thể bị thu hẹp và khó khăn hơn. Xung đột quân sự Nga - Ukraine đang leo thang, sẽ còn bất định khó lường.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng giảm, làm giảm tăng trưởng công nghiệp chế tác chế tạo, giảm xuất khẩu; và cuối cùng, dần làm xói mòn động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất trong gần 2 thập kỷ qua.

Xin lấy một vài ví dụ. Năm 2020, FDI đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Vốn FDI thực hiện năm 2020 ước tính đạt gần 20 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước. Năm 2021, vốn FDI đăng ký đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn FDI thực hiện ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm trước.

Trong 9 tháng năm nay, vốn FDI đăng ký đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tôi cảnh báo, những thế mạnh xuất khẩu và thu hút FDI đang giảm dần bởi nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và bên trong do những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đang giảm dần.

Ông nhận xét như vậy có quá đi không khi tăng trưởng kinh tế đang được báo cáo là “kỷ lục” so với cả thập kỷ qua?

Nhìn một cách tổng thể hay chi tiết, chúng ta thấy các chính sách tài khóa và tiền tệ đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên chống lạm phát nên khó thúc đẩy tăng trưởng.

Các yếu tố kinh tế vĩ mô có xu hướng tác động bất lợi đến đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; có xu hướng làm giảm tốc độ tăng trưởng. Xuất khẩu, thu hút FDI cũng đối mặt với bất lợi hơn trước; có xu hướng giảm sút; làm giảm tăng trưởng.

Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng tích cực cho năm nay vì nền kinh tế sụt giảm rất sâu năm 2021 và được mở ra năm nay. Tuy nhiên, họ lại dự báo giảm tăng trưởng năm 2023. Kết quả là, các mục tiêu kế hoạch 2021-2025 sẽ có khoảng cách ngày càng xa.

Vậy, ông nhìn thấy động lực cho phát triển ở đâu trong bối cảnh này?

Không gian cho tăng trưởng, cho phát triển ở Việt Nam còn bao la. Các cải cách vĩ mô phía cung, nhất là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố duy nhất còn lại có thể thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

'EM THÀ CHỊU PHÊ BÌNH LÀM CHẬM CÒN HƠN BỊ KỶ LUẬT'

TƯ GIANG, LAN ANH th/ TVN 21-10-2022

Ông Nguyễn Đình Cung thấy lo lắng về tinh thần, cách thức làm việc của nhiều công chức địa phương, tạo thêm rào cản cho người dân và DN hơn là tạo thuận lợi…

Trong phần 2 cuộc trò chuyện, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung chia sẻ về những lực cản với môi trường kinh doanh và con đường duy nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Thuận lợi để tiếp tục cải cách thể chế

Ông cho rằng, không gian cho tăng trưởng và phát triển còn bao la qua cải cách phía cung. Vậy, ông thấy những thuận lợi nào hiện nay?

Chính phủ luôn cam kết đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ tiếp tục ban hành nghị quyết số 02/2022 xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm cải cách cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2025. Điều đó chứng tỏ Chính phủ nhiệm kỳ này vẫn coi cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, trong chương trình phục hồi kinh tế, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 43, và Chính phủ cũng có nghị quyết 11 tiếp tục xác định cải cách thể chế là một trong 5 trụ cột.


TS Nguyễn Đình Cung: Tăng cường năng lực các cơ quan trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội thể hiện quan tâm về thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng của pháp luật, gây khó khăn, vướng mắc cho việc thực thi của cơ quan nhà nước, và tuân thủ của người dân và DN. Thủ tướng trong các cuộc gặp với cộng đồng DN trong và ngoài nước vẫn luôn cam kết mạnh mẽ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.

Tôi cho rằng, nhận thức và cam kết của lãnh đạo cho thấy những thuận lợi để tiếp tục cải cách thể chế.

Mặc dù vậy, việc cải cách thể chế hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn qua phản ánh của DN. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Tôi xin nhấn mạnh rằng, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh đang gặp khó khăn và khá nhiều lực cản.

Về khách quan, Ngân hàng Thế giới ngừng công bố báo cáo Doing Business hàng năm làm mất đi công cụ so sánh quốc tế phù hợp nhất, dễ theo dõi nhất, tạo áp lực nhiều nhất đối với cải cách cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng sẽ dừng công bố, thay vào đó là Green Index, cũng sẽ mất đi công cụ cạnh tranh cấp tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh địa phương.

Trong khi đó, thời gian dài qua thiếu vắng các tổ chức và cá nhân tiên phong hỗ trợ cải cách như Tổ công tác của Thủ tướng, các think-tank như CIEM và VCCI không còn đủ mạnh đảm nhận vai trò tiên phong.

Mặt khác, thiếu các nghiên cứu căn cơ làm cơ sở cho các đề xuất, kiến nghị giải pháp cải cách.

Điều chưa từng thấy từ 22 năm nay

Trong bối cảnh đó, thời gian vừa qua, ông có điều kiện đi nhiều địa phương. Cảm nhận của ông về bộ máy thực thi pháp luật ở cơ sở như thế nào? 

Điều làm tôi thấy lo là xuất hiện thái độ, tinh thần và cách thức làm việc không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế địa phương. Đây là điều đáng báo động và chưa từng thấy kể từ năm 2000 đến nay.

Công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Có những công chức tâm sự với tôi: “Em thà chịu bị phê bình làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn là bị kỷ luật, có thể bị truy cứu hình sự”, “Em làm cũng sai, mà không làm cũng sai”, “Bây giờ em đọc các văn bản pháp luật có liên quan, em thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với chúng em, và em sợ”.


Công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. 

Ảnh minh họa

Tôi cũng nghe được lời tâm sự rất thẳng: “Chúng em cố gây khó, tạo thêm hàng rào kỹ thuật cho dân và DN để cảm thấy an tâm, an toàn cho bản thân”. Như vậy, không ít cán bộ làm khó, tạo thêm rào cản  cho người dân và DN hơn là tạo thuận lợi và tìm cách giải quyết khó khăn cho DN để thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương

Tôi cũng chứng kiến hàng loạt hiện tượng làm chậm lại quá trình ra quyết định giải quyết yêu cầu của người dân và DN.

Cụ thể như thế nào, thưa ông?

Trước đây, công việc của ngành nào, ngành đó xử lý theo các quy định pháp luật tương ứng đối với ngành. Nay mọi việc, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng..., các sở có liên quan đều phát công văn tham vấn ý kiến của tất cả các sở, ngành; do đó, việc giải quyết công việc liên quan kéo dài lê thê, gấp nhiều lần so với trước.

Các quyết định được đưa theo cơ chế đồng thuận tạo biết bao thủ tục nhiêu khê và tốn thời gian. Trong nhiều trường hợp, các cán bộ địa phương tham vấn ý kiến chuyên môn của các bộ, ngành trung ương liên quan nhưng cách và nội dung trả lời, nếu có, không giúp ích gì cho công việc của họ. Trong nhiều trường hợp, không có quyết định cuối cùng.

Các vướng mắc, khó khăn của người dân và DN thường không được báo cáo lên lãnh đạo cấp nếu chưa tìm được giải pháp an toàn về pháp lý. Cán bộ cấp dưới không báo cáo lãnh đạo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.

Điều này có vẻ như đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị y tế, đầu tư công, cấp phép…Nếu kéo dài, theo ông, hệ quả sẽ là gì? 

Rất ít, thậm chí không có các dự án đầu tư mới được cấp chủ trương đầu tư. Hàng ngàn dự án đầu tư không thể hoàn thành đủ các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai thực hiện. Nhiều dự án đã đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất cũng bị dừng lại do cơ quan nhà nước không nhận tiền đã trúng thầu. Giải ngân đầu tư công vẫn chậm dù Chính phủ lập nhiều đoàn công tác để chỉ đạo và đôn đốc.

Chúng ta thử nhìn xem, Chính phủ có chương trình phục hồi kinh tế nhưng chương trình này được triển khai thế nào? Xin thưa là rất chậm so với yêu cầu, trừ giải pháp miễn, giảm thuế được thực hiện một cách tự động.

Tôi cho rằng, tình trạng này là đáng báo động và không thể kéo dài được vì năng lực sản xuất, tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế có thể bị suy giảm.

Cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan trung ương

Vậy đâu là động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay?

Trước hết, cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tôi kiến nghị cần phục hồi hoạt động, tăng cường năng lực của Hội đồng quốc gia về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cần thường xuyên chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu các bộ, địa phương đẩy mạnh thực hiện nghị quyết 02, nhất là 10 nhiệm vụ trong tâm. Ngay trong tháng 10 này, cần có chỉ đạo đầu tiên về thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm và chuẩn bị nội dung nghị quyết 02/2023.

Cải cách thể chế là con đường duy nhất có thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiệm kỳ 2021-2025

Nên tăng cường năng lực của CIEM, VCCI và một số tổ chức khác trong vai trò tiên phong, thúc đẩy và duy trì tính liên tục trong đề xuất các giải pháp để các cơ quan này kết nối với cộng đồng DN trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và thực hiện nghị quyết 02 nói riêng.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Ai không làm, không muốn làm, không làm được thì đứng sang một bên, để cho người khác làm”. Tôi kiến nghị cần để một vài trường hợp đứng hẳn sang một bên.

Các bộ, ngành liên quan đến quản lý DN, cải cách thể chế, đặc biệt như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần chủ động và thường xuyên kết nối với các hiệp hội DN, trực tiếp phản ánh yêu cầu và kiến nghị của cộng đồng DN lên Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan nhà nước liên quan. Cách làm này đã từng có trong quá khứ, giúp tăng cường niềm tin của cộng đồng DN và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả.

Đề xuất các tỉnh họp định kỳ để tháo bỏ rào cản

Ông có giải pháp gì để hoá giải nỗi sợ làm sai quy định hiện nay? 

Công chức nhà nước đang có những nỗi sợ như sợ làm sai quy định; sợ trách nhiệm; sợ rủi ro; sợ thanh tra, kiểm tra và truy cứu trách nhiệm; sợ mất cả sự nghiệp. Tâm trạng khá phổ biến của công chức các cấp là lo sợ làm sai quy định trong thi hành công vụ, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, đầu tư xây dựng đối với người dân và DN.


Trước thực tế đó, cần hoá giải nỗi lo lắng chính đáng này. Tôi xin kiến nghị một giải pháp là các địa phương cần tổ chức giao ban định kỳ (2 lần/tháng) hoặc đột xuất với sự tham dự của Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND và người đứng đầu các ban, sở có liên quan (trong đó có ban Nội chính, Thanh tra, Công an...); để thực hiện các công việc sau:

Định hướng các giải pháp tháo bỏ các rào cản, vướng mắc đối với huy động nguồn lực phát triển kinh tế địa phương.

Định hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư cụ thể trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, cho thuê và giao đất, trong thực hiện dự án đầu tư và các vấn đề khác có liên quan. Định hướng, quyết định các vấn đề quan trọng khác đối với phát triển kinh tế địa phương.

Các lãnh đạo của địa phương cần nghe phản ánh, kiến nghị của các cán bộ, công chức để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. 

Có lẽ, những giải pháp đó vẫn là chưa đủ, thưa ông?

Tất nhiên. Tôi cho rằng, trong các cuộc giao ban thì cần xem xét các trường hợp có quy định pháp luật chồng chéo, khác biệt hoặc chưa cụ thể, thì cần áp dụng quy định phù hợp nhất có thể giải quyết được khó khăn, vướng mắc có liên quan.

Các địa phương tập hợp, đánh giá, phân loại các dự án hiện chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý theo nhóm các nguyên nhân; trình lên các cuộc giao ban định kỳ nói trên để ra các định hướng giải pháp xử lý nhằm tiếp tục thực hiện các dự án nói trên trong thời hạn sớm nhất có thể.

Trên trung ương, Chính phủ, các bộ, đặc biệt là Kế hoạch và Đầu tư, VCCI cùng các hiệp hội DN khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các thực tiễn tốt trong giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với DN, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, để cùng rút kinh nghiêm, phổ biến và nhân rộng trên toàn quốc, trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Tóm lại, theo tôi, cải cách vĩ mô phía cung, nhất là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố duy nhất còn lại để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Nhiệm vụ này là đòi hỏi rất cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt khi các chính sách tài khóa, tiền tệ đã hết dư địa cho tăng trưởng, như tôi đã phân tích. Cải cách thể chế là con đường duy nhất có thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiệm kỳ 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét