Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

20221004. BCT CẢNH CÁO CHỦ TỊCH VHLKHXHVN BÙI NHẬT QUANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


CHỦ TỊCH VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI BỊ CẢNH CÁO

VIẾT TUÂN/ VNEx  30-9-2022


Ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: VASS

Bộ Chính trị quyết định cảnh cáo ông Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.Quyết định được đưa ra tại cuộc họp ngày 30/9, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Bộ Chính trị đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật hành chính với ông Quang, đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy ông Bùi Nhật Quang chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 (giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 8/2020) và nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Quang vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, Quy chế làm việc của Đảng ủy dẫn đến nội bộ Ban Thường vụ Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam mất đoàn kết; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát.

Hậu quả là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm kéo dài trong công tác cán bộ, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học, đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện nghiêm chỉ đạo, kết luận của các tổ chức đảng cấp trên.

Vi phạm, khuyết điểm của ông Bùi Nhật Quang bị đánh giá "gây hậu quả nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và bản thân".

Trước đó tại kỳ họp thứ 20 (ngày 23 và 26/9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và ông Đặng Xuân Thanh (Phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, Phó chủ tịch Viện).

Các ông Nguyễn Đức Minh (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy, Phó chủ tịch), Nguyễn Văn Minh (Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Viện trưởng Dân tộc học), Nguyễn Tài Đông (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Viện trưởng Triết học), bị khiển trách.

Cơ quan kiểm tra nhận thấy, Ban thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát; thực hiện không nghiêm chỉ đạo, kết luận của các tổ chức đảng cấp trên. Hậu quả là để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm nêu trên đã được các tổ chức đảng cấp trên chỉ ra nhưng không kịp thời sửa chữa, để kéo dài nhiều năm, gây hậu quả nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong cán bộ, đảng viên.

Ông Bùi Nhật Quang 47 tuổi, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII (dự khuyết), XIII, học hàm phó giáo sư, trình độ tiến sĩ kinh tế. Công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 1995, ông Quang trải qua nhiều vị trí, đến năm 2014 thì được điều động giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận; hai năm sau làm Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và tháng 11/2019 được bổ nhiệm làm Chủ tịch Viện.

Phát biểu khi nhậm chức, ông Bùi Nhật Quang khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng đơn vị phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. "Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng", PGS.TS Bùi Nhật Quang dẫn lại câu nói của nhà thơ Nazim Hikmet trong bài phát biểu hồi tháng 11/2019.

VT

SUY THOÁI NGAY TẠI VIỆN HÀN LÂM KHXH VIỆT NAM VÀ HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG

THU HÀ/ TD 2-10-2022


Tuần qua, việc phát lộ sai phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (gọi tắt là Viện Hàn lâm), cũng như việc bắt khẩn cấp Nguyễn Quang Linh, trợ lý của Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, đã gây xôn xao dư luận và ngay trong hàng ngũ các đảng viên cộng sản.
Chuyện bê bối ở Viện Hàn lâm đã xảy ra từ lâu. Hàng loạt vi phạm, khuyết điểm trong "lò ấp" thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm đã có từ giai đoạn 2011-2016, dưới thời quản lý của Nguyễn Xuân Thắng, hiện là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là sai phạm về quản lý tổ chức bộ máy, chi tiêu vô tội vạ, ăn xén tài sản công và vô trách nhiệm trong đào tạo chuyên môn. Từ đó, mỗi năm viện này “ấp nở” 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ... với những đề tài “trời ơi đất hỡi” xoay quanh chủ đề công tác đảng và chủ nghĩa Mác – Lê.
Lãnh đạo ở viện này mua bán văn bằng kiếm tiền, bất chấp đạo đức và luật pháp. Mỗi ngày, một hội đồng nghiệm thu có khi chấm vài chục đề tài thạc sĩ, tiến sĩ là chuyện thường, nhiều hơn cả số học sinh được cô giáo cấp một dò bài, cả hai buổi học cộng lại.
“Lò ấp tiến sĩ” Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Photo courtesy
Các nghiên cứu sinh hầu hết là quan nhưng lắm tiền, nhiều quyền, đã có Cao cấp Chính trị, chỉ thiếu mỗi cái văn bằng tiến sĩ hoặc học hàm phó giáo sư, để leo cao, chui sâu vào trong hệ thống, đục khoét của dân thêm nhiều hơn nữa.
Năm 2016, sau khi lọt vào Bộ Chính trị khoá 12, Nguyễn Xuân Thắng rời Viện Hàn lâm. Người lên nắm chủ tịch Viện, thế chỗ Thắng là Nguyễn Quang Thuấn. Năm 2018, khi là bệnh nhân Covid 19 thứ 21, ông Thuấn lộ đời tư bê bối, khi chu du từ Anh quốc về Việt Nam, xuống phi trường và “chạy” ngay đến nhà bồ nhí ở khu phố R4 Royal City. Công an và nhân viên y tế đã phải đến nơi đây để hốt cô này, cùng đứa con riêng với ông Thuấn đi cách ly.
Nguyễn Quang Thuấn hiện là Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương. Kế nhiệm Nguyễn Quang Thuấn để ngồi vào vị trí chủ tịch Viện Hàn lâm là nhân vật trẻ tuổi Bùi Nhật Quang.
Bùi Nhật Quang sinh năm 1975, là con trai cố giáo sư Bùi Huy Khoát, từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, thuộc Viện Hàn lâm. Ông Khoát là bạn thân với ông Nguyễn Phú Trọng và là thầy của Nguyễn Xuân Thắng, nhờ vậy hoạn lộ Bùi Nhật Quang như rải hoa hồng.
Tháng 3-2014, từ Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Bùi Nhật Quang được Ban Bí thư cho luân chuyển về tỉnh Ninh Thuận để tham gia Ban chấp hành đảng bộ tỉnh và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Tháng 1-2016, tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản, Bùi Nhật Quang được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương. Sau đó được điều động, bổ nhiệm trở lại làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và ba năm sau, năm 2019, Quang thay Nguyễn Quang Thuấn giữ chức Viện trưởng Viện Hàn lâm cho đến nay. Bùi Nhật Quang cũng kiêm nhiệm chức Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Tại đại hội 13, Bùi Nhật Quang lọt vào Uỷ viên Trung ương.
Chân dung Bùi Nhật Quang. Photo: Viện Hàn Lâm KHXH VN
Một người song hành, cùng lãnh đạo Viện Hàn lâm với Bùi Nhật Quang, phải kể đến là Đặng Xuân Thanh.
Đặng Xuân Thanh sinh năm 1965, là con trai cố giáo sư Đặng Xuân Kỳ (1931-2010). Ông kỳ từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 6 và 7, từng giữ chức Viện trưởng Viện Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm), Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khoá 9 và 10.
Đặng Xuân Kỳ là trưởng nam của ông Trường Chinh, tức Đặng Xuân Khu (1907-1988), lãnh tụ của đảng cộng sản và là ông trùm lý luận Mác xít. Đặng Xuân Thanh chính là cháu nội đích tôn của lãnh tụ cộng sản Trường Chinh.
Chân dung Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nguồn: Báo Tin Tức
Đặng Xuân Thanh từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc; Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Trung. Tháng 3-2014, Thanh được Ban Bí thư luân chuyển, điều động về Lào Cai, giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2011–2016, sau đó tái cử tiếp nhiệm kỳ 2016-2021. Năm 2018, Thanh được bổ nhiệm chức Phó Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Em trai của Đặng Xuân Thanh chính là tiến sĩ Đặng Xuân Phương, sinh 1974, hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của quốc hội khoá 15, đại biểu quốc hội khoá 14 và 15.
***
Nhằm né tránh liên luỵ cho Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, nên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ “khoanh” sai phạm ở Viện Hàn lâm từ năm 2016 trở về sau. Dễ thấy, “đầu têu” của mọi vi phạm pháp luật trong đào tạo và cấp phát văn bằng, cũng như việc tham nhũng, suy thoái đạo đức và lũng đoạn chính trị… chính là ngài đương kim Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đảng CSVN, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Nguyễn Xuân Thắng.
Cũng cần nói thêm rằng, ở Hội đồng lý luận Trung ương, nơi có chức năng “tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách…”, thì chủ tịch Hội đồng Nguyễn Xuân Thắng cũng dính không ít bê bối.
Tháng 8-2017, ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia HCM đã “bật đèn xanh” giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch AIC hiện đang bị truy nã) ôm gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị phần mềm điện tử cho Học viện Trung tâm và năm Học viện trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia HCM, với số tiền hơn 38 tỷ đồng.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đứng) cùng Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng (thứ ba từ trái sang). Ảnh trên mạng
Trong số bốn phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương thì đã có ba ông được “phong thần”.
Nguyễn Quang Thuấn có vợ bé, con rơi. Bùi Trường Giang tòm tem vợ đồng chí, vi phạm “đạo đức và lối sống” đã bị kỷ luật khiển trách và nay là Bùi Nhật Quang. Thế nhưng, đến thời điểm này, cả Nguyễn Xuân Thắng và người kế nhiệm là Nguyễn Quang Thuấn đều bình an vô sự.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật “cảnh cáo” cá nhân Đặng Xuân Thắng và cả Ban Thường vụ đảng uỷ Viện Hàn lâm. Xem ra “cái nôi” đào tạo ra những trùm lý luận Mác Lê, cũng như “nền tảng tư tưởng của đảng” tại đây đã tả tơi, rách nát như chính đạo đức suy đồi của các đời lãnh đạo ở Viện Hàn lâm này.
Quyết định mức “cảnh cáo” dành cho Bùi Nhật Quang, mà không đưa ra Ban chấp hành Trung ương xem xét kỷ luật, xem như ông Nguyễn Phú Trọng đã cứu học trò và dành cho Bùi Nhật Quang một ân huệ.
Nhận kỷ luật “cảnh cáo” từ Bộ Chính trị, tức Bùi Nhật Quang vẫn giữ được thân phận Uỷ viên Trung ương và có thể vẫn không mất ghế Chủ tịch Viện Hàn lâm.
Theo quy định 80 của Bộ Chính trị ban hành gần đây, “cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo thì trong 30 tháng không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn”. Như vậy về lý thuyết, đến năm 2026, Bùi Nhật Quang “hết án” và vẫn còn cơ hội. Tuy nhiên theo diễn biến chính trường, Quang sẽ khó trụ nổi ở đại hội 14.

TH
Bùi Nhật Quang là nhân tố được quy hoạch “nhân sự cấp chiến lược”. Nếu không bị các cán bộ ở Viện Hàn lâm và quần chúng tố cáo, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc phanh phui sai phạm, thì Bùi Nhật Quang sẽ vào Bộ Chính trị khoá 14 và nhảy lên ghế Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2026-2031.
***
Nhìn lại, thượng tầng đảng cộng sản VN đang bế tắc về lý luận và loay hoay trong thực tiễn. Những “nền tảng tư tưởng” mà đảng cố hô hào trong gượng ép, đã bị chính những đảng viên cấp cao phá vỡ và ngồi xổm lên. Nạn tham nhũng, bè phái, chà đạp lên học thuật và vi phạm nguyên tắc dân chủ trong đảng đã trở thành dịch bệnh lây lan trong hàng ngũ những nhà lý luận, có học hàm học vị và chỗ đứng cao ngất trong cơ quan đầu não.
Đến như cháu đích tôn của ông Trường Chinh còn suy thoái, thì lý luận chính trị của đảng cộng sản đã rách bươm không còn chỗ vá. Thêm nữa, bệnh “thoái hoá và suy đồi” giờ đây đang hiện diện rõ ở các “cậu ấm”, “cô chiêu”, con cưng và là những “hạt giống đỏ” của đảng một cách không chối cãi.

TH

KHAI TRỪ ÔNG PHẠM XUÂN THĂNG, 3 ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG THÔI THAM GIA  BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XIII

THU HẰNG/VNN 3-10-2022

Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định khai trừ Đảng với ông Phạm Xuân Thăng; cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với 3 ông: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.

Sau phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương vào sáng 3/10, Trung ương thảo luận và quyết định một số nội dung về công tác cán bộ.

Cụ thể, Trung ương cho ý kiến vào Tờ trình của Bộ Chính trị về việc xem xét, kỷ luật ông Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương vì những vi phạm sau: 

Ông Phạm Xuân Thăng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn cho ngân sách của Nhà nước, nhân dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương; ông Phạm Xuân Thăng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố, bắt tạm giam. 

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng.

Ông Phạm Xuân Thăng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3, điều 356 Bộ luật Hình sự vào ngày 17/9.


Ông Phạm Xuân Thăng 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ông Phạm Xuân Thăng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu, để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Ngày 16/9, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng.

Trung ương cũng căn cứ quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp uỷ, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ; Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để 3 ông: Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. 

Ông Nguyễn Thành Phong đã bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vào ngày 8/7 vừa qua. Lý do, ông Phong trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương.

Ông Phong còn chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bộ Chính trị đánh giá vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Thành Phong đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản nhà nước; gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền, sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và cá nhân ông Nguyễn Thành Phong.

Ông Bùi Nhật Quang bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo vào ngày 30/9. Lý do, ông Quang chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 8/2020) và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Quang còn vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, Quy chế làm việc của Đảng ủy dẫn đến nội bộ Ban Thường vụ Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm mất đoàn kết; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.


Ba ông: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngoài ra, ông Quang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để Viện Hàn lâm và một số đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm kéo dài trong công tác cán bộ, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học, đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện nghiêm chỉ đạo, kết luận của các tổ chức đảng cấp trên.

Vi phạm, khuyết điểm của ông Bùi Nhật Quang gây hậu quả nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và bản thân.

Ông Huỳnh Tấn Việt cũng bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo vào ngày 22/7. Lý do ông Huỳnh Tấn Việt trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm, khuyết điểm của ông Huỳnh Tấn Việt đã gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, làm giảm sút uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương, gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét