Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

20221021. XU HƯỚNG GIẢM PHÓ GIÁO SƯ, GIÁO SƯ Ở VN?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


SỐ LƯỢNG GIẢNG VIÊN LÀ PHÓ GIÁO SƯ, GIÁO SƯ CÓ XU HƯỚNG 

NGÀY CÀNG GIẢM

ANH TRANG/GD 14-9-2022

GDVN-Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình cho rằng, so với năm 2010, tổng số lượng phó giáo sư, giáo sư hiện nay đã giảm đáng kể.

Bộ Giáo dục nên sớm triển khai đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học, lãnh đạo nhiều trường đại học bày tỏ quan điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm triển khai đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học.

Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch sẽ thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, đảm bảo khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; là cơ sở huy động nguồn lực xã hội phát triển mạng lưới này.

Trước những thuận lợi đem lại, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: “Trong giáo dục đại học luôn có sự cạnh tranh, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học theo vùng miền một cách hợp lý sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống. Vì vậy, đề án đã được đề ra trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm triển khai”.

Số lượng giảng viên là phó giáo sư, giáo sư có xu hướng ngày càng giảm ảnh 1

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị

Đồng tình với ý kiến này, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng, trong số 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2030”. Đây cũng là cơ sở, căn cứ để các nhà trường xây dựng chiến lược tiếp theo, cụ thể và chi tiết.

Đây không phải là nhiệm vụ dễ nhưng là vấn đề quan trọng nên Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế mong “Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm việc này hơn”.

Số lượng phó giáo sư, giáo sư có xu hướng giảm đáng kể

Ngoài vấn đề về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đại diện các trường đại học cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về số lượng đội ngũ giảng viên hiện nay.

Theo báo cáo kết quả năm học 2021-2022, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021 có 0,89% là giáo sư; 6,21% là phó giáo sư, 25,19% trình độ tiến sĩ, 60,35% trình độ thạc sĩ và 7,36% trình độ đại học.

Số lượng giảng viên là phó giáo sư, giáo sư có xu hướng ngày càng giảm ảnh 2

Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021

Đánh giá về số liệu trên, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho rằng tổng số lượng phó giáo sư, giáo sư chỉ chiếm hơn 7% trong tổng số đội ngũ giảng viên đại học. Trong khi đó, cuối năm 2010, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số lượng phó giáo, giáo sư chiếm 8%. Như vậy, sau 12 năm, số lượng này có xu hướng giảm đáng kể.

“Trong khi năm 2010, ngành giáo dục đã đưa ra Đề án 911 đặt mục tiêu đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, đề án đã không đạt được mục tiêu đề ra, hiện nay, chúng ta đang thiếu rất nhiều. Như vậy, ngành giáo dục phải có kế hoạch để thúc đẩy lực lượng giảng viên, phải tăng số lượng tiến sĩ, số phó giáo sư, giáo sư”, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC nói.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình, ngày 29/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 3542 gửi các đại học, trường đại học, học viện về việc đăng ký cử giảng viên đi đào tạo theo đề án 89 của Chính phủ năm 2023.

Việc có quy định rõ ràng về việc giảng viên được cử đi không quay về hoặc quay về nhưng không phục vụ đủ thời gian yêu cầu thì bồi hoàn kinh phí giúp các trường yên tâm hơn trong việc thực hiện. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC đề xuất “giảng viên trường công và giảng viên trường tư một khi đã được cử đi đào tạo thì có trách nhiệm như nhau sao cho cùng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực đào tạo”. Thêm nữa, vấn đề giảng viên sau khi cử đi đào tạo về từ trường công chuyển sang trường tư và ngược lại; các tiến sĩ từ doanh nghiệp chuyển sang đại học cũng cần được tính đến, có như vậy mới duy trì được sự bình đẳng giữa trường công và trường tư.

“Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét kế hoạch phát triển, đào tạo tiến sĩ và tăng cường lực lượng phó giáo sư, giáo sư trong môi trường đại học. Bên cạnh đó, cần chú ý đến chế độ chính sách, duy trì sự bình đẳng để khi đào tạo tiến sĩ về phục vụ hết mình cho cả trường công cũng như trường tư”, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình nói.

Anh Trang
BÀI BÁO QUỐC TẾ LÀ RÀO CẢN KHIẾN NHIỀU GIẢNG VIÊN 'NGẠI' NÂNG CHUẨN LÊN GS, PGS
NGỌC MAI/GD 11-10-2022
GDVN- "Chưa dễ để tạo động lực cho giảng viên đại học chức danh là phó giáo sư tham gia nâng chuẩn chức danh giáo sư", Giáo sư Nguyễn Thanh Phương chia sẻ. 

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Song, con số này là thấp so với cả nhu cầu trong nước và tương quan khu vực. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm, đầu tư vào đội ngũ giảng viên để cải thiện chất lượng giáo dục đại học.

Tỷ lệ giảng viên đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư có xu hướng giảm

Dựa vào số liệu cơ cấu đội ngũ giảng viên đại học, tính đến ngày 31/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống kê với tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước là hơn 85.000 người, trong đó, tỷ lệ giảng viên đạt các chức danh có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, có 0,89% giảng viên là giáo sư; 6,21% là phó giáo sư; 25,19% trình độ tiến sĩ, 60,35% trình độ thạc sĩ và 7,36% trình độ đại học.

Theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục đại học cho thấy, tỷ lệ giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư đang ở mức thấp, tỷ lệ này có xu hướng giảm kể từ năm 2010.

Tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư (trên tổng số giảng viên toàn thời gian) năm 2021 chỉ đạt hơn 7%. Con số này của năm 2010 là 8% theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, căn cứ vào kết quả thực tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê năm 2021, nhìn chung, về tổng thể, tỷ lệ giáo sư trên tổng số giảng viên toàn thời gian chưa đạt 1% (tương ứng chỉ có khoảng 706 giáo sư trong khi phó giáo sư là trên 5.200), con số này là quá thấp.

Chưa tạo động lực để giảng viên là phó giáo sư đạt chuẩn chức danh giáo sư

“Có thể do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nên chưa tạo động lực để giảng viên đại học đạt chức danh là phó giáo sư nâng chuẩn lên chức danh giáo sư. Lấy ví dụ như hiện nay, giáo sư là giảng viên cao cấp, phó giáo sư cũng là giảng viên cao cấp hay giảng viên chính sau khi thi thăng hạng cũng trở thành giảng viên cao cấp”, Giáo sư Nguyễn Thanh Phương chia sẻ.

Những năm gần đây, số giảng viên là phó giáo sư tăng nhiều, nhanh hơn số giáo sư. Cụ thể, theo số liệu mà Giáo sư Nguyễn Thanh Phương có được thì năm học 2010-2011 cả nước chỉ có khoảng 2.200 phó giáo sư. Đến nay là trên 5.200 phó giáo sư.

Lý giải về tốc độ tăng như trên, Giáo sư Phương cho biết một phần là do chính sách khuyến khích khi bổ nhiệm lên phó giáo sư được xếp lương ở chức danh giảng viên cao cấp với hệ số lương cao (6.20). Điều này kéo theo số giảng viên là phó giáo sư tăng lên.

Bài báo quốc tế là rào cản khiến nhiều giảng viên "ngại" nâng chuẩn lên GS, PGS ảnh 1

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

"Trường Đại học Cần Thơ có tổng 1.086 giảng viên, trong đó có 15 giáo sư, chiếm 1,14% và 149 phó giáo sư, chiếm 13,72%. Tỷ lệ này có cao hơn so với bình quân cả nước nhưng nhìn chung số giáo sư, phó giáo sư vẫn thấp.

Hiện tại, các ngành học thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, Thủy sản, Môi trường có số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt tỷ lệ cao. Các ngành học khác như Khoa học chính trị, Pháp luật hoặc một số lĩnh vực kỹ thuật thì tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư không cao", Giáo sư Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm.

Trên thực tế, ở bậc giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển cũng như nâng tầm chất lượng giáo dục và đào tạo, uy tín của các trường nói chung và Trường Đại học Cần Thơ nói riêng so với khu vực và trên thế giới. Đơn cử, lĩnh vực Nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ được xếp vào top 350 trên thế giới theo Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) của Anh.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, số lượng giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư của trường nói riêng và của cả nước nói chung còn thấp. Muốn cải thiện và nâng tầm chất lượng giáo dục đại học thì cần quan tâm, đầu tư vào đội ngũ giảng viên.

Còn muốn đầu tư, tăng số lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư thì phải tìm căn nguyên gốc rễ từ đâu dẫn đến tình trạng chưa đến 1% giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư và chưa đến 7 % phó giáo sư như hiện nay.

Việc xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng có những tiêu chuẩn cao hơn trước đó là ứng viên đạt chức danh phó giáo sư, giáo sư bắt buộc phải có "bài báo khoa học quốc tế" thay vì chỉ quy định chung là bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học.

Liên quan đến tiêu chuẩn trên, Giáo sư Nguyễn Thanh Phương cho rằng, đây cũng chính là rào cản lớn nhất để ứng viên tham gia học tập, nghiên cứu, nâng chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Cụ thể, ứng viên muốn đạt chức danh phó giáo sư phải là tác giả chính của 3 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hoặc bằng sáng chế… Ứng viên đạt chức danh giáo sư thì phải là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học quốc tế…

Điều này đặt ra vấn đề, đó là để đạt được các tiêu chí trên, đòi hỏi các ứng viên phải được đào tạo ở nước ngoài hoặc nếu đào tạo trong nước thì phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Nguyễn Thanh Phương, những lĩnh vực nghiên cứu về Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học ứng dụng có lợi thế hơn do đa số ứng viên được đào tạo ở nước ngoài, còn ứng viên nghiên cứu lĩnh vực thuộc nhóm Khoa học xã hội thường được đào tạo ở trong nước. Do vậy, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học ứng dụng sẽ chênh lệch so với lĩnh vực Khoa học xã hội.

Được biết, kế hoạch nâng chuẩn chức danh giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ là mỗi năm có khoảng 12 giáo sư, phó giáo sư, dự kiến, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư đạt đảm bảo 15-20% tổng số giảng viên của trường.

Ngọc Mai
SỐ LƯỢNG PGS, GS GIẢM KHÔNG PHẢI LÀ 'GAM MÀU XÁM' ĐỐI VỚI
 GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
PHẠM MINH/ GD 13-10-2022

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 31/12/2021 số giảng viên có chức danh giáo sư (đang tham gia giảng dạy) chỉ có 757 người, chiếm tỷ lệ chỉ 0,89%, số giảng viên có chức danh phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21%. Tỷ lệ này được đánh giá là thấp so với cả nhu cầu trong nước và tương quan khu vực.

Tổng kết năm học 2021-2022, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong khi tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng lên thì số lượng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư lại giảm.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói rằng, sự sụt giảm số lượng giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư là hiện tượng bình thường.

Số lượng GS, PGS giảm không phải là “gam màu xám” đối với giáo dục đại học ảnh 1
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Phạm Minh)

Trước đây, khi chưa có Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; Thủ tục xét huỷ bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” thì tiêu chuẩn xét duyệt giáo sư, phó giáo sư dễ dàng hơn.

Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg đã nâng tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư lên cao hơn, tiếp cận gần hơn đến chuẩn quốc tế; yêu cầu về bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín được đặt ra với tất cả các ngành.

Đối với những ngành công nghệ, kỹ thuật hay những ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, việc hợp tác nghiên cứu, xuất bản bài báo khoa học với nước ngoài sẽ thuận tiện hơn những ngành/lĩnh vực khác. Do đó, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư của nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật những năm gần đây giảm không đáng kể.

“Tuy nhiên, phải nhìn nhận, sự ra đời của Quyết định số 37 cũng là động lực để các trường đại học, các giảng viên đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố bài báo khoa học. Và tôi tin rằng, số lượng giáo sư, phó giáo sư sẽ có xu hướng tăng trong những năm tới.

Một vài năm nay, số lượng này giảm cũng là điều dễ hiểu, đó không phải là câu chuyện mà chúng ta khó đón nhận. Những con số này cũng không phải là “gam màu xám” đối với giáo dục đại học, không thể hiện bức tranh lâu dài, tổng quát của giáo dục Việt Nam”, Giáo sư Chử Đức Trình nhận định.

Theo thầy Trình, trong thời gian tới, các trường cần đầu tư cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học theo hướng tiếp cận với quốc tế, đúng với tinh thần của Quyết định 37.

Đặc biệt, cần tạo ra môi trường quốc tế trong hoạt động nghiên cứu cho cán bộ giảng viên. Làm được việc này, chắc chắn chúng ta sẽ tăng được số lượng giảng viên học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Tất nhiên, việc tăng tỷ lệ giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư không chỉ chú trọng về số lượng mà còn phải ưu tiên về chất lượng.

Như vậy, với sự ra đời của Quyết định 37, dù số lượng giáo sư, phó giáo sư có giảm nhưng đây là giai đoạn mà chúng ta có sự chuẩn bị để giáo dục Việt Nam phát triển.

"Đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, tiêu chí về số lượng bài báo khoa học như Quyết định 37 không phải quá lớn, thậm chí so với nhiều nước trên thế giới, tiêu chí của chúng ta vẫn còn thấp hơn. Trong nhiều năm nữa, điều kiện, tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư còn phải nâng lên cao hơn nữa", Giáo sư Chử Đức Trình nói.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tăng chỉ số công bố quốc tế

Giáo sư Chử Đức Trình cho biết, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư tại Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội là 6 cán bộ (đạt 2,6%), phó giáo sư là 28 cán bộ (12,2%), giảng viên trình độ tiến sĩ có 95 cán bộ (41%), trình độ thạc sĩ là 55 cán bộ (24%). Như vậy, tỷ lệ cán bộ từ tiến sĩ trở lên của nhà trường đạt tỷ lệ 56%. Ngoài ra, nhà trường mời thêm 33 Giáo sư, Phó giáo sư kiêm nhiệm giảng dạy tại trường. Đó là các thầy cô đang công tác tại một số trường đại học uy tín trên thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam,…

Trong những năm gần đây, nhà trường có nhiều chính sách mới nhằm thu hút cán bộ, giảng viên trẻ cũng như cán bộ đầu ngành.

Năm 2021, nhà trường tuyển dụng được 3 phó giáo sư về công tác tại trường. Số lượng nhà khoa học về công tác nhiều hơn so với số lượng nhà khoa học dừng công tác. Hằng năm, trường đều thu hút được một số giảng viên trẻ có chất lượng cao.

Về tổ chức cán bộ, nhà trường có chính sách đầu tư cho từng đối tượng cán bộ. Với cán bộ chưa đạt trình độ tiến sĩ, trường sẽ giao những đề tài nghiên cứu để hỗ trợ các nghiên cứu sinh. Với những giảng viên trình độ tiến sĩ nhưng chưa được phong chức danh phó giáo sư, nhà trường có chính sách cấp đề tài cùng với sự đầu tư kinh phí đến hàng trăm triệu đồng để thúc đẩy các kết quả nghiên cứu khoa học, từ đó hỗ trợ quá trình xét duyệt chức danh phó giáo sư, điều này cũng tiến hành tương tự với việc hỗ trợ các ứng viên muốn nâng chuẩn chức danh từ phó giáo sư lên giáo sư.

Ngoài ra, Trường Đại học Công nghệ có chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho giảng viên toàn trường.

Hằng năm, nhà trường cấp kinh phí và phân cấp trách nhiệm cho các khoa, đơn vị. Lãnh đạo các khoa, viện có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển hoạt động khoa học công nghệ ở đơn vị mình. Điều này giúp các đơn vị có sự chủ động và phát huy, đẩy mạnh được định hướng nghiên cứu của mình.

Thực tế, số lượng bài báo khoa học vẫn là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên cũng như chất lượng của nhà trường.

Với những bài báo chất lượng cao, Trường Đại học Công nghệ có chính sách khen thưởng kịp thời đến các cán bộ nghiên cứu.

Bên cạnh đó còn có chính sách hỗ trợ, cứ mỗi bài báo được đăng trên Tạp chí ISI đều được trường hỗ trợ về tài chính, dù bài báo đó được nhận đề tài hỗ trợ ở đâu và đã được nhận giải thưởng, khen thưởng khác rồi. Hoạt động này là sự khích lệ, động viên tinh thần đối với cán bộ giảng viên, đồng thời cũng là chính sách thúc đẩy tăng chỉ số công bố quốc tế.

Số lượng GS, PGS giảm không phải là “gam màu xám” đối với giáo dục đại học ảnh 3

Số lượng bài báo khoa học được công bố quốc tế năm 2022 của các đơn vị trong Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: chụp màn hình Website nhà trường)

“Mỗi năm nhà trường bỏ ra kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư cho khoa học công nghệ, đó cũng là sự nỗ lực rất lớn của trường.

Nhờ có những chính sách hỗ trợ cho cán bộ giảng viên, số lượng bài báo khoa học trong những năm gần đây của trường đều tăng lên. Năm 2022, cho đến hết tháng 9, toàn trường đã công bố được 62 bài báo ISI/Scopus”, Giáo sư Chử Đức Trình chia sẻ.

Nói về đề xuất giao nhiệm vụ phong chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các trường, Giáo sư Chử Đức Trình cho biết, ở một số quốc gia, việc này đã được giao cho các trường thực hiện.

Song, để nâng cao chất lượng toàn bộ nền giáo dục, khoa học công nghệ của Việt Nam, cần có sự quản trị nhất định từ Nhà nước.

Để các trường tự phong giáo sư, phó giáo sư dựa trên Quyết định 37 cũng là một phương án nhưng chúng ta cần một quy trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Việc này cần được tính toán kỹ để đảm bảo chất lượng về đội ngũ, đảm bảo tính bền vững của hệ thống cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên.

Nếu phân cho các trường nhiệm vụ này, có thể thực hiện thí điểm ở một số trường đại học có uy tín, từ đó rút kinh nghiệm rồi mới triển khai rộng hơn.

Không thể triển khai diện rộng ngay được. Số lượng, chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư cũng là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo của đất nước, nên việc quản lý, quy trình xét duyệt cũng cần được tính toán đảm bảo chặt chẽ, công khai, công bằng.

Phạm Minh
CHỦ TỊCH HĐGS NGÀNH TOÁN: TỶ LỆ GIẢNG VIÊN GS, PGS THẤP LÀ ĐIỀU BÌNH THƯỜNG
ANH TRANG/ GD 18-10-2022
GDVN-Hiện nay, tỷ lệ giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư được đánh giá là thấp so với cả nhu cầu trong nước và tương quan khu vực.

Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến tháng 12/2021, số giảng viên có chức danh giáo sư (đang tham gia giảng dạy) chỉ có 757 người, chiếm tỷ lệ 0,89%, tỷ lệ giảng viên có chức danh phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21%. Đặc biệt là tỷ lệ này đang có xu hướng giảm.

Chủ tịch HĐGS ngành Toán: Tỷ lệ giảng viên GS, PGS thấp là điều bình thường ảnh 1

Tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư còn thấp vì nhiều người đã về hưu, trong khi lớp trẻ chưa kịp đào tạo lên. Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Thủy lợi

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học nói rằng, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư thấp là điều bình thường, từ trước đến nay, con số này của chúng ta chưa đạt mức cao.

Tỷ lệ giảm một phần là do các cán bộ giảng viên, nhà khoa học đã đến tuổi nghỉ hưu và họ dừng công tác giảng dạy.

Đặc biệt, mới đây, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập" có nêu, viên chức được công tác thêm tối đa 5 năm, tính từ thời điểm nghỉ hưu (quy định trước đây về thời gian kéo dài công tác tối đa là 10 năm).

Như vậy, khi giảm tuổi nghỉ hưu đối với viên chức là giáo sư, phó giáo sư, sẽ có nhiều người phải nghỉ hưu sớm hơn so với trước đây, để thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư đã ít, giảm thời gian kéo dài công tác thì sự sụt giảm sẽ càng rõ rệt.

Giáo sư Lê Tuấn Hoa cho biết, số lượng ứng viên của ngành Toán học trong những năm qua tương đối ổn định, khoảng tầm 15 ứng viên phó giáo sư và 2 - 4 ứng viên giáo sư mỗi năm. Để cải thiện số lượng và chất lượng giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư, theo Giáo sư Hoa, cần khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu.

“Trong những năm qua, chúng ta đã xác định được vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục đại học cũng đầu tư kinh phí cho hoạt động này, vì vậy xu hướng nghiên cứu của Việt Nam ngày càng được chú trọng. Cùng với đó, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư sẽ tăng lên, song cũng cần phải có quá trình để chuẩn bị và thực hiện”, Giáo sư Lê Tuấn Hoa nói.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học cũng khẳng định, Quyết định 37/2018 ra đời với quy định mới về tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư chặt chẽ hơn, mục đích nâng cao chất lượng đội ngũ. Và đây là quyết định mang ý nghĩa tích cực. Cùng với yêu cầu ứng viên phải có công bố quốc tế, chất lượng đội ngũ này ngày càng có sự cải thiện, nâng cao.

“Tất nhiên, trong những năm vừa qua, có những lùm xùm liên quan đến việc đăng bài trên các tạp chí khoa học quốc tế, điều đó khó tránh khỏi, nhưng vấn đề này chỉ xảy ra với một đối tượng nhỏ, còn lại các ứng viên đều thực hiện tốt, quá trình đánh giá đảm bảo khách quan, công bằng và đang có xu hướng tốt lên”, Giáo sư Lê Tuấn Hoa nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là hệ quả của việc đào tạo, bổ sung đội ngũ không kịp thời và thiếu tính liên tục suốt thời gian qua.

Chủ tịch HĐGS ngành Toán: Tỷ lệ giảng viên GS, PGS thấp là điều bình thường ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Nguyên

"Trong khoảng thời gian những năm 1980-2000, điều kiện nghiên cứu ở các trường đại học rất thiếu thốn, không có các thiết bị nghiên cứu hiện đại, vì vậy chỉ khi nghiên cứu ở nước ngoài, các nhà khoa học mới có các bài báo, các công trình nghiên cứu công bố quốc tế. Thời điểm đó cũng ít giảng viên đi học ở nước ngoài, hoặc có đi học thì khi về nước, họ cũng không muốn quay lại làm việc ở trường đại học vì chế độ đãi ngộ, mức lương còn thấp", Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nói.

Từ năm 2000, Chính phủ ra Quyết định số 322/2000/QĐ-TTg phê duyệt đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Chính sách này đã mở đường cho các giảng viên, các nhà khoa học trẻ ra nước ngoài đào tạo, từ đó số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ tăng lên.

“Những năm gần đây, các trường đại học có thêm chính sách thu hút tiến sĩ về tham gia giảng dạy. Hơn nữa, học bổng du học nước ngoài nhiều nên đã thu hút được số lượng lớn các giảng viên có trình độ cao.

Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư còn thấp vì nhiều người đã về hưu, trong khi lớp trẻ chưa kịp đào tạo lên.

Tôi nghĩ rằng, chỉ cần đợi 1, 2 năm nữa, số tiến sĩ trong trường đại học sẽ đủ “chín” để xét duyệt chức danh phó giáo sư”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nói.

Lực lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với các trường đại học, vì vậy cần có giải pháp để nâng cao số lượng giảng viên này. Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho biết, khi còn là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã đưa ra nhiều chính sách thu hút nhân tài, nhờ vậy, số lượng giảng viên của trường là phó giáo sư trong vòng 8 năm tăng khoảng 10 lần.

“Lúc đó, nhà trường đã áp dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Cụ thể, trường có tặng thưởng cho những giảng viên có công bố quốc tế 100 triệu đồng/bài. Chính sách này tạo động lực cho các thầy cô cố gắng để tăng chỉ số công bố quốc tế.

Vì thực tế, khi quy mô đại học mở rộng, số lượng sinh viên tăng lên, giảng viên dành hầu hết thời gian, công sức để cống hiến cho hoạt động giảng dạy, không có thời gian nghiên cứu. Khi có mức thưởng cao như vậy, họ sẽ có sự so sánh, từ đó phân chia thời gian hợp lý để hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Không chỉ có vậy, khi giảng viên có bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong nước, nhà trường cũng có mức thưởng xứng đáng, kịp thời động viên các thầy cô.

Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện thêm nhiều quy chế về lương, thưởng, tạo điều kiện cho giảng viên dạy bù giờ,... hỗ trợ để thầy cô yên tâm công tác. Đó là những chính sách quan trọng để trọng dụng nhân tài”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nói.

Anh Trang
GS VŨ MINH GIANG CHỈ NGUYÊN NHÂN NHIỀU ỨNG VIÊN KHÔNG ĐĂNG KÝ XÉT DUYỆT GS, PGS
PHẠM MINH/ GD 19-10-2022
GDVN- Vì không đáp ứng đủ điều kiện cứng, nhiều nhà khoa học không tham gia xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Tính đến tháng 12/2021, các giảng viên trong các trường đại học có chức danh giáo sư đạt tỷ lệ chưa đến 1%, phó giáo sư chỉ chiếm 6,21% (theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo). So với nhu cầu trong nước và tương quan trong khu vực tỷ lệ này được đánh giá là thấp. Vấn đề này đã được đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu ra tại Hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2021-2022.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học cho biết: Từ khi áp dụng quy định cứng về bài báo quốc tế trong tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, số ứng viên đăng ký có xu hướng ngày càng giảm, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Năm nay số ứng viên cả nước được xét ở các hội đồng ngành thuộc các lĩnh vực này rất ít, nhiều ngành chỉ có từ 1 đến 3 ứng viên.

GS.Vũ Minh Giang chỉ nguyên nhân nhiều ứng viên không đăng ký xét duyệt GS, PGS  ảnh 1

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học. (Ảnh: NVCC)

Theo Giáo sư Giang, hiện nay quy định về tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư yêu cầu ứng viên phải có bài báo quốc tế, đây là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các ứng viên. Mục đích của yêu cầu này nhằm đáp ứng trình độ quốc tế, để nâng cao chất lượng đội ngũ và nâng tầm hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Và tiêu chuẩn này đặt ra không loại trừ với ngành nào, lĩnh vực khoa học nào.

Tuy nhiên, có không ít những ý kiến băn khoăn, cho rằng yêu cầu này chưa thực sự thực tế, không thấy hết được tính đa dạng của các loại hình khoa học.

Thực tế, phải thấy rằng các công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học xã hội và nhân văn trước hết phải phục phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước. Nếu chạy theo việc đăng bài trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS thì chắc chắn các tác giả phải lấy yêu cầu của các tạp chí này là ưu tiên hàng đầu.

Đó là chưa kể phần lớn các nhà khoa học trong nước thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đều nghiên cứu về Việt Nam. Trong khi đó, số các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS liên quan đến các lĩnh vực này đều của nước ngoài. Các nhà khoa học Việt Nam rất khó tìm được tạp chí phù hợp để công bố.

Đặc điểm nổi bật của các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn là nghiên cứu hoạt động của con người trong một không gian nhất định, phụ thuộc rất nhiều đặc điểm văn hóa, xã hội, chính trị của từng quốc gia, dân tộc. Và hơn hết, các ngành này chủ yếu hướng đến phục vụ đường lối, chính sách và sự phát triển của quốc gia dân tộc mình. Chính vì vậy, yêu cầu các ứng viên, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đưa kết quả nghiên cứu ra nước ngoài công bố để đăng trên các tạp chí nước ngoài là chưa phù hợp với thực tiễn.

"Cụ thể, các công trình trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kết quả nghiên cứu trong phạm vi đất nước Việt Nam, cũng đã rất khó để đăng trên các tạp chí viết chung về Đông Nam Á hay châu Á (vì số lượng ít). Vậy thì các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS của các nước phương Tây đâu dễ chấp nhận những nghiên cứu này.

Việc tuyệt đối hóa, coi đây là chuẩn mực quốc tế duy nhất để đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu của tất cả các ngành, các lĩnh vực là chưa thực sự phù hợp.

Việc này còn dẫn tới tình trạng có ứng viên họ tìm cách để có bài đăng trên tạp chí quốc tế một cách không thực chất. Câu chuyện này thực tế đã diễn ra. Thậm chí có ứng viên đã buộc lòng phải rút hồ sơ, không tiếp tục tham gia xét duyệt", Giáo sư Vũ Minh Giang cho hay.

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, hiện nay còn “nở rộ” trung tâm dịch vụ đăng bài quốc tế, nếu không cẩn thận sẽ đẩy đến tình trạng thương mại hóa, tiêu cực, không tạo ra chất lượng thực trong nghiên cứu khoa học.

Nhìn ở một góc độ khác, không phải tất cả các tạp chí khoa học quốc tế đều phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nói chung và đều góp phần phát triển khoa học Việt Nam. Nếu chỉ chạy theo xu hướng quốc tế, nếu chỉ coi trọng công bố quốc tế thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng bài báo đăng trên các tạp chí trong nước.

Đặc biệt với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều tạp chí trong nước chất lượng tốt đang rất cần nguồn lực để phát triển, nếu các bài báo chất lượng và các nhà khoa học chỉ đầu tư kinh phí cho công bố quốc tế thì làm sao phát triển được nghiên cứu khoa học trong nước.

"Tôi được biết hiện nay có không ít ứng viên không đăng ký xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ vì thiếu điều kiện cứng, mặc dù họ là những cán bộ có chuyên môn tốt, đáp ứng được các tiêu chí về giảng dạy, viết sách,… nhưng không do đủ số lượng bài báo quốc tế nên họ không đăng ký.

Chính vì vậy mà số lượng ứng viên ngày càng ít đi là điều dễ hiểu.

Có một hiện tượng đáng báo động đã xuất hiện và có xu hướng ngày càng lan rộng là nạn dịch vụ viết bài báo khoa học để công bố quốc tế. Nếu không có giải pháp ngăn chặn thì tính liêm chính trong khoa học và công bố thiếu thực chất sẽ có nguy cơ gia tăng. Điều này đi ngược với mong muốn nâng cao chất lượng khoa học.

Nên chăng, chúng ta áp dụng giải pháp khuyến khích, cho điểm cao với các bài báo quốc tế thực sự có chất lượng, thay vì là một tiêu chuẩn cứng, bắt buộc như hiện nay", Giáo sư Vũ Minh Giang khẳng định.

Phạm Minh
GIẢM THỜI GIAN CÔNG TÁC SAU NGHỈ HƯU KHIẾN PGS MẤT ĐỘNG LỰC ĐỂ XÉT LÊN GS
ANH TRANG/ GD 20-10-2022
GDVN- "NĐ 50 “cào bằng” thời gian công tác thêm tối đa sau tuổi nghỉ hưu của GS, PGS đều là 5 năm, tôi cảm thấy hụt hẫng và không còn động lực”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư là 0,89%, tỷ lệ giảng viên có chức danh phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21% (tính đến tháng 12/2021). Tỷ lệ này được đánh giá là thấp và giảm so với năm 2010.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một phó giáo sư đang công tác tại một sơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư giảm là do triển khai Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Cụ thể, yêu cầu xét duyệt cao hơn và đang dần tiệm cận với chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, từ năm 2018 đến nay, số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm có xu hướng giảm.

Vị này đánh giá, việc xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư như hiện nay là cần thiết, không quá khắt khe. Trong đó, tiêu chí xét duyệt giáo sư, phó giáo sư bắt buộc phải có công bố quốc tế là xu hướng của khoa học thế giới. Việt Nam muốn hội nhập và phát triển thì không thể đứng ngoài “sân chơi” này để trở về với “ao làng” theo Quyết định 174/2008/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư giảm trong khi quy mô các trường đại học ngày một tăng lên cũng sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo và nghiên cứu của đại học.

Cụ thể, theo Luật Giáo dục 2019, để giảng dạy trình độ đại học chỉ cần giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Do vậy, đối với các trường đại học thuần túy chỉ tuyển sinh đại học, không tuyển cao học và nghiên cứu sinh; không phải đại học định hướng nghiên cứu thì việc số lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư thấp không gây ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, đối với các trường đại học định hướng nghiên cứu, ít giáo sư, phó giáo sư hoặc không có lực lượng giảng viên này sẽ ảnh hưởng đến việc mở ngành mới, khó hợp tác quốc tế, không thành lập được nhóm nghiên cứu mạnh, không thu hút được học viên cao học và nghiên cứu sinh đến học.

Đặc biệt, xếp hạng đại học theo chuẩn quốc tế sẽ bị giảm trên bản đồ đại học thế giới.

Bên cạnh đó, cũng theo vị phó giáo sư này, thực tế, có nhiều tiến sĩ không muốn nâng chức danh lên phó giáo sư, giáo sư vì một số “ràng buộc” tới từ các nghị định, thông tư liên quan.

Giảm thời gian công tác thêm sau nghỉ hưu khiến PGS mất động lực để xét lên GS ảnh 1

Ảnh minh họa: nguồn Bộ Khoa học và Công nghệ

Ở một khía cạnh khác, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập" có nêu, viên chức được công tác thêm tối đa 5 năm, tính từ thời điểm nghỉ hưu (quy định trước đây về thời gian kéo dài công tác tối đa là 10 năm). Như vậy, việc giảm thời gian kéo dài công tác sau khi đến tuổi nghỉ hưu đối với viên chức là giáo sư, phó giáo sư sẽ khiến tỷ lệ này vốn ít lại càng ít hơn. Đồng thời cũng khiến một số tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cảm thấy hụt hẫng.

“Đơn cử như trường hợp của tôi, là phó giáo sư từ năm 2009, năm nay 64 tuổi, dự định năm sau 2023 làm hồ sơ giáo sư để được kéo dài thời gian công tác, có thêm thời gian đóng góp cho khoa học. Tuy nhiên, Nghị định 50/2022/NĐ-CP “cào bằng” thời gian công tác thêm tối đa sau tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đều là 5 năm. Và hiện tại, tính theo Bộ luật Lao động và thời gian tối đa được công tác thêm, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đều nghỉ hưu ở tuổi 65 (là tối đa). Vì vậy, tôi cảm thấy hụt hẫng và không có động lực”, vị phó giáo sư này bày tỏ.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luyện kim cho biết, yêu cầu về chất lượng cao hơn, dần tiệm cận với quốc tế nên so với năm 2010 tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư hiện nay giảm cũng là điều bình thường.

Nhà nước cũng đã có rất nhiều chính sách khuyến khích những giảng viên, nhà khoa học trình độ cao như về mức lương cơ bản tăng thêm rất nhiều. Tuy nhiên, nhà nước và đặc biệt là cơ sở giáo dục cũng nên đặt ra tỷ lệ để phấn đấu, nâng cao con số này lên. Điều quan trọng là bản thân các giảng viên cũng phải xác định được hướng đi của mình, phấn đấu vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luyện kim cũng cho biết, năm nay, ngành luyện kim chỉ có 1 ứng viên được Hội đồng ngành đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2022.

So với mọi năm, con số này là rất ít. Có năm nhiều thì khoảng 10 ứng viên cả giáo sư và phó giáo sư. Số lượng ứng viên tham gia xét học hàm giáo sư, phó giáo sư phụ thuộc vào sự phấn đấu của các cá nhân, thời điểm cảm thấy bản thân đã đủ đáp ứng xét duyệt chưa. Chính vì vậy, số lượng năm nay ít nhưng có thể năm sau nhiều, biến động, không theo xu hướng tăng, giảm cố định.

"Tôi mong rằng có thể mở rộng Hội đồng giáo sư ngành Luyện kim vì hiện nay, ngành này đang đứng riêng nên hơi hẹp, có thể đưa thành ngành chung là khoa học và kỹ thuật vật liệu. Bản chất vật liệu cũng bao gồm nhiều dạng như polyme, gốm, vật liệu bán dẫn...", Giáo sư Nguyễn Hoàng Hải nói.

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư là “tinh hoa” và là “đầu tàu” trong nghiên cứu khoa học và đào tạo ở các trường đại học. Chính vì vậy, dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu họ vẫn đủ sức khỏe và muốn cống hiến thì nên tạo điều kiện cho họ tiếp tục công tác.

Anh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét