Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

20221014. BẤT CẬP QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU

 ĐIỂM BÁO MẠNG


PHÓ THỦ TƯỚNG: XỬ LÝ NGHIÊM NƠI ĐẦU CƠ GĂM HÀNG XĂNG DẦU

TRẦN THƯỜNG/VNN 12-10-2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ngày 12/10 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk….

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có hơn 200 cửa hàng đóng cửa, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.


Xếp hàng chờ đổ xăng ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10.

Theo Bộ Công Thương, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Từ tác động của diễn biến giá xăng, nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ; chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao, trong khi chi phí này chưa phản ánh vào cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu khiến DN bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỉ giá hối đoái giữa USD và VNĐ tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng với khối lượng như trước, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định. 

Tính đến tối 11/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 137/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu chủ yếu ở huyện Hóc Môn (có 18 cửa hàng); huyện Củ Chi và quận Bình Tân có 16 cửa hàng; TP Thủ Đức có 15 cửa hàng; quận 12, Bình Thạnh có 10 cửa hàng...

Trong hệ thống phân phối xăng dầu, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, 500 đơn vị phân phối và khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ.

Từ 15h ngày 11/10, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.


TIN LIÊN QUAN:

-Đề nghị làm rõ tình trạng nhiều cửa hàng xăng, dầu thường xuyên đóng cửa 

-Hàng loạt cây xăng đóng cửa cho thấy điều hành xăng chưa phù hợp

-Chủ tịch TP.HCM: Điều hành giá xăng dầu cần tránh gây sốc cho thị trường

-Người dân TP.HCM đội mưa chờ mua xăng trong đêm

-'Có mỗi đổ xăng sao khổ quá trời?'

-Khách dàn trận trước cổng từ mờ sáng, nhân viên cây xăng trấn an


CÁC CÂY XĂNG VÀ BỆNH VIÊN ĐÌNH CÔNG TRÁ HÌNH


MAI BÁ KIẾM/FB/ BVN 11-10-2022


Hôm qua, báo đăng có 54 cây xăng ở TPHCM đồng loạt ngưng bán. QLTT kiểm tra, không có cây xăng nào còn xăng mà ngưng bán. Hôm nay, ở P. Tân Thuận Đông có 3 cây xăng, tôi thấy 2 cây đóng cửa.

Các cây xăng không nhập thêm xăng và đóng cửa là cách đình công trá hình mà hợp pháp, làm áp lực để khoản chiết khấu bán lẻ tăng đến mức cây xăng có lãi! Đây là cú tát như trời giáng vào mặt Bộ Công Thương!

Vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do Bộ Công Thương quản lý, nhưng Bộ quản như hạch!

Bộ Công thương cấp phép cho 38 doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu xăng dầu (có 1 DN ngừng kinh doanh) và đầu năm nay cho phép giảm thời hạn điều chỉnh giá xăng dầu từ 3 tuần xuống còn 2 tuần, vậy mà cũng chưa vừa lòng 37 đầu mối.

Bộ Công thương quá bất tài về quản lý nhà nước: cấp 38 đầu mối nhập khẩu mà không làm tăng tính cạnh tranh về giá cả và chất lượng xăng dầu, trái lại các đầu mối có dấu hiệu thỏa thuận hạn chế cạnh tranh! Bộ cho điều chỉnh giá xăng dầu 26 lần/năm vẫn chưa “hả dạ” các cây xăng bán lẻ, thì Bộ quản lý cái quần gì?

Nạn khan hiếm xăng có thể dẫn đến người lao động không đi làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng chuyện khan hiếm dầu Diesel làm cho hàng chục ngàn tàu đánh cá neo dọc bờ biển VN, các máy cơ khí nông nghiệp ngưng hoạt động. Các công trình xây dựng ngưng thi công vì xe hủ lô, xe cẩu, máy cuốc, máy đóng cọc bê tông thiếu dầu!

Không có thế lực thù địch, Việt Tân nào xúi giục các đầu mối giảm chiết khấu bán lẻ và xúi cây xăng đình công! Sau vụ chỉ định thầu Kit Test Việt Á, gần 100 lãnh đạo ngành y bị bắt, Bộ Y tế thừa nhận có 40 BV, Sở Y tế địa phương thiếu thuốc, vật tư y tế “do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm”.

Không dám đấu thầu là cách làm eo của các sở và BV, cũng là kiểu đình công trá hình.

Thuốc và trang thiết bị y tế cũng là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, Bộ Y tế quản lý cà chớn y như Bộ Công thương quản xăng dầu.

BV Ung bướu Hà Nội không có hóa chất để truyền cho bệnh nhân theo lịch định kỳ, bệnh nhân chết chắc! Ở BV TP Thủ Đức, bệnh nhân BHYT phải ra ngoài mua thuốc. BV Chợ Rẫy hết thuốc trong danh mục BHYT chi trả, bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn từ 6-15 triệu đồng.

BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa không có thủy tinh thể cho người mổ mắt có BHYT, nhưng nếu mổ dịch vụ thì có liền! BV ĐK TP Cần Thơ thiếu thuốc gây mê, gây tê, nhóm tim mạch, thần kinh, tiền liệt tuyến… nên ca phẫu thuật rất thông thường cũng phải chuyển lên tuyến trên.

Nếu để tình trạng thiếu xăng dầu kéo dài, ngành điện lực sẽ cúp điện “đình công” đòi tăng giá điện. Trường THPT Marie Curie không cho HS nghỉ trưa, nếu dư luận phản đối việc thu phí 15.000 đ/giờ. Lúc đó, Bộ Giáo dục cho tăng phí lên 60.000đ, bằng tiền khách sạn cho thuê giờ đầu tiên mới chịu!

M.B.K.

Nguồn: FB Ba Kiem Mai

VIỆT NAM ĐIỀU HÀNH XĂNG DẦU KHÔNG GIỐNG AI TRÊN THẾ GIỚI

MAI BÁ KIẾM/ TD 11-10-2022

Để nhấn mạnh sự khác biệt giữa VN và thế giới, bác Nguyễn Phú Trọng đã ví von hình tượng: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Ba hôm nay, giá xăng dầu thế giới giảm thì Việt Nam thiếu xăng dầu để bán, vì cách điều hành xăng dầu không giống ai trên thế giới.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định “Thời gian giữa hai (02) lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là mười lăm (15) ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là mười lăm (15) ngày đối với trường hợp giảm giá".
Nghị định 83 điều hành nguồn cung ứng khá ổn định trong 7 năm. Đến năm 2021 xăng dầu thế giới cứ tăng dần đều, mà giá xăng dầu trong nước chỉ được điều chỉnh có 24 lần/năm.
Không biết 37 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu có lobby không, mà Liên bộ Tài chính - Công thương tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 95/2021/NĐ-CP (1/11/2021) giảm thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Nghĩa là được thay đổi giá từ 24 lần lên 36,5 lần/năm.
Để doanh nghiệp đầu mối an lòng, Nghị định 95 quy định: “Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng CP xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp… Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng CP xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể”.
Nghị định 95 "bao lời" cho các DN đầu mối, nhưng ôi ai có ngờ đâu, năm 2022, giá xăng dầu thế giới trồi sụt như kinh nguyệt đàn bà không đều. Từ đầu năm đến giờ có 19 lần tăng giá, 18 lần giảm giá, một lần đứng giá. Mà Nghị định 83 quy định “Thương nhân XNK xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng ba mươi (30) ngày cung ứng” (Không thấy Nghị định 95 sửa đổi), cho nên nếu giá xăng thế giới giảm, DN đầu mối lỗ suốt 20 ngày đối với lượng xăng dầu dự trữ.
Bởi vì, Nghị định 95 quy định “Giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế”.
Do đó khi giá thế giới giảm, các DN đầu mối không nhập dầu dự trữ, ngược lại nếu giá thế giới tăng, khỏi cần Bộ Công thương điều hành, họ cũng tự nhập dự trữ đầy kho.
Cho nên, người tiêu dùng VN chỉ còn cách đi nhà thờ, chùa, đình, đền, miếu, mả cầu nguyện cho giá xăng thế giới tăng dần đều như năm 2021, để các cây xăng mở cửa, có xăng mà chạy xe hoặc... tự thiêu!
MAI BÁ KIẾM

TRÁCH NHIỆM LÀ CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH-CÔNG THƯƠNG!

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 12-10-2022


Người dân cần hiểu vì sao không mua được xăng? Vì theo suy nghĩ của họ, cây xăng găm hàng chờ tăng giá. Nhưng cây xăng lại nói: Có xăng để bán đâu mà găm!
Nguyên nhân thiếu xăng một phần do nguồn nhập khẩu giảm mạnh. Nhưng nguyên nhân khác là do sự quan liêu trong quản lý của liên Bộ Tài chính - Công thương.
Báo Thanh Niên dẫn lời các chuyên gia kinh tế, nói thẳng: Bộ quản lý cần nhìn nhận đúng vai trò của mình, chứ cách hành xử hiện nay là có vẻ “né tránh” trách nhiệm, cứ đổ cho “gian thương” bán lẻ xăng dầu thì khá bất hợp lý!
Bộ sai chỗ nào?
UBND TP.HCM cho rằng có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì bị thua lỗ thời gian dài. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú thì cho rằng do chi phí định mức vận chuyển xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về kho các DN nhập khẩu và thương nhân phân phối được quy định từ năm 2014 đến nay đã quá lạc hậu. “Bộ Công thương đề xuất tăng chi phí nhiều lần, Bộ Tài chính lại chần chừ lần nọ sang lần kia. Đó là nguyên nhân của các nguyên nhân”, ông Phú nói.
Nghị định 95 quy định giá xăng dầu do liên Bộ Công thương - Tài chính xác định theo nguyên tắc tính bình quân số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở theo giá giao dịch trên thị trường quốc tế.
Nghĩa là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày công bố giá cơ sở nhất. Như vậy, DN mua xăng dầu phải chịu giá vốn của hàng tồn kho được tính trên giá xăng dầu thế giới từ 20 ngày trước đó. Nếu 10 ngày trước đó mua giá cao thì xem như DN lỗ trắng nếu chu kỳ điều hành giá bán kỳ sau giảm. Tương tự, nếu giá thế giới liên tục giảm và các kỳ điều hành giá bán lẻ liên tục giảm thì DN đầu mối liên tục bị lỗ, kéo theo chiết khấu liên tục bị bóp lại đến 0 đồng, thậm chí là âm khi cộng thêm phí vận chuyển.
Thế nên, chính sách áp giá bán xăng dầu theo mệnh lệnh hành chính, nguồn nhập khẩu giảm mạnh là nguyên nhân đẩy tình trạng đến hỗn loạn như mấy ngày qua.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều DN kinh doanh xăng dầu bức xúc nói do Bộ Tài chính “không chịu” cập nhật chi phí đưa xăng dầu về cảng, chi phí định mức… trong thời gian dài, để DN nhập khẩu, phân phối gồng lỗ, rồi đẩy lỗ xuống cho DN bán lẻ là khâu cuối, chính DN bán lẻ không chịu nổi, dẫn đến thị trường hỗn loạn.
Cho đến lúc này, giữa các phản hồi qua lại giữa 2 bộ Công thương và Tài chính cho thấy, số DN đầu mối tạm ngưng nhập khẩu là có thật, sản lượng nhập giảm mạnh cũng có thật. Như vậy, tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước đến nay thế nào? Làm thế nào để xác thực được việc chiết khấu thỏa đáng trong khi toàn bộ định mức chi phí đầu vào cho đến giá bán lẻ đều do liên bộ quy định?
Trách nhiệm ở đây là của 2 bộ quản lý!
Thế nhưng, đọc báo thấy cách trả lời của hai bộ, không khác gì các ông quan ngồi đánh tổ tôm trong chuyện “Sống chết mặc bây”.
Quan liêu hách dịch dân nào chịu đựng nổi!
NGUYỄN TIẾN TƯỜNG

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ XĂNG ?
NGUYỄN THÙY DƯƠNG/TD 11-10-2022

Trong ngày hôm qua, ngành xăng dầu thuộc Bộ Công thương đã thành công trong việc tái hiện lại cảnh tượng tem phiếu tưởng chừng như đã đi vào lịch sử, mà giới trẻ hiện nay không bao giờ được nhìn thấy. Tại thành phố lớn nhất cả nước, người dân phải xếp hàng để được đổ xăng kiểu định mức 30 ngàn đồng mỗi bình xăng.
Cũng trong ngày hôm qua, nhiều người dân mới vỡ lẽ, cây xăng không lời, không no nưỡng như người ta vẫn nghĩ. Ngay cả thời điểm xăng ở đỉnh hơn 30 ngàn mỗi lít thì cây xăng vẫn bị bóp cho te tua.
Một chủ cây xăng cho biết, xăng có tăng lên 100 ngàn đồng/ lít thì cửa hàng xăng dầu bán lẻ cũng chỉ ăn nhờ chiết khấu. Chuyện xăng tăng giảm, ai ăn khi nó tăng không hề liên quan cây xăng. Mà chiết khấu cả năm nay đã đẩy cửa hàng kinh doanh xăng dầu lẻ bị dồn vào thế bí. Bấy lâu nay, có lúc lỗ lúc lời bù qua sớt lại. Nay họ gồng lỗ để mong lúc lời, nhưng gồng hoài đứt cơ luôn vẫn chưa thấy lời để bù.
Báo đăng Petrolimex tăng cường 80 xe bồn chở tăng cường xăng cho các cây xăng. Báo không nói rõ chỉ tăng cường cho cây xăng trực thuộc Petrolimex, cây xăng nhượng quyền cũng treo cần bơm chờ luôn.
Bộ Công thương nghĩ gì và chịu trách nhiệm thế nào khi thực tế từ ngày 3/10 lượng xăng dầu mà cây xăng nhập về đã là nhỏ giọt. Các công ty cung ứng xăng dầu đầu mối đã bán ra số lượng hàng cầm chừng, hoặc không đủ cầm chừng cho các cây xăng với chiết khấu không đồng, hay chiết khấu âm. Nói cho dễ hiểu là giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ.
Cây xăng bán lẻ cao hơn giá bán lẻ quy định sẽ bị phạt. Các đại lý kinh doanh lớn/ Tổng kho cung ứng xăng ra thị trường với giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ ai phạt? Chính vì giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ đã khiến chủ cây xăng "bó tay" không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Ai phạt? Phạt ai? Ai giám sát quản lý các đầu nậu xăng dầu lớn?
Suốt 3 quý qua và qua tới quý IV, giá chiết khấu ngay cả khi xăng ở đỉnh giá vẫn chỉ vài trăm đồng. Hiếm lắm mới thấy lên hơn 1.000 đồng, vậy giá xăng cực điểm, cây xăng không lãi, dân rên xiết, vậy ai lãi?
Để xảy ra hệ luỵ hơn 20% cây xăng tại thành phố trọng điểm kinh tế lớn nhất nước "khát" xăng là trách nhiệm của Bộ Công thương.
Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định không thiếu xăng, nhưng thực tế thì ngay cả cây xăng chịu lỗ mua xăng đổ vào bồn bán cho dân thì vẫn không mua được xăng. Chúng ta không thiếu xăng, chỉ là không mua được xăng để bán thôi, ha Bộ trưởng ha!
Đau lòng hơn, câu chuyện hôm qua đã được cảnh báo từ một tháng trước, khi Bộ Công thương rút giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối phía Nam.
Trong kinh doanh, biết trước thông tin một vài giờ đã có thể thay đổi cục diện. Bộ trưởng được cảnh báo trước một tháng mà dân còn phải xếp hàng, đội mưa đổ xăng. Nếu rơi vào tình thế cấp bách, Bộ trưởng làm sao đây hả Bộ trưởng?
NGUYỄN THÙY DƯƠNG

ĐỔ LỖI
ĐỖ NGÀ/BVN 12-10-2022

Theo thông tin của Bộ Công thương cho biết, hiện nay cả nước có 36 doanh nghiệp đầu mối nhập và phân phối xăng dầu. Thị phần được chia như sau: Petrolimex chiếm 50%, PVOil 20%, Thanh Lễ 8%, Sài Gòn Petro 7%, Mipec 5%. Như vậy 5 doanh nghiệp lớn đã chiếm 90% thị phần, 31 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 10%, không đáng kể.

Cho đến nay, các doanh nghiệp được nhập và phân phối xăng dầu đều là doanh nghiệp nhà nước. Cho nên dù là nhiều đầu mối nhập xăng dầu nhưng tất cả đều thộc một ông chủ chung, đó là “nhà nước”. Như vậy về hình thức thì có vẻ như ngành xăng dầu Việt Nam có tính “thị trường” nhưng thực chất nó vận hành theo mệnh lệnh. Mệnh lệnh về giá được ban ra bởi Bộ Tài chính.

Hiện nay nhiệm vụ dự trữ xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước được giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đơn vị chủ quản của PVOil) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (đơn vị chủ quản của Petrolimex). Hai tập đoàn này có quyền tổ chức xây dựng, tổ chức mua dầu thô dự trữ theo tiến độ; quản lý, bảo dưỡng, duy trì kho dự trữ dầu thô. Còn xăng dầu thành phẩm thì các đơn vị nhập phải đảm bảo dự trữ.

Nói về xăng dầu thành phẩm, chỉ riêng Petrolimex và PVOil đã chiếm đến 70% thị phần. Như vậy để cho toàn Miền Nam thiếu xăng dầu thì hai doanh nghiệp này bị quy trách nhiệm nặng nhất.

Được biết, theo kế hoạch được vạch ra của Bộ Công Thương, từ năm 2016 - 2025, dự trữ xăng dầu thương mại tối thiểu ổn định ở mức 15 ngày đối với dầu thô, 10 ngày đối với sản phẩm xăng dầu trong điều kiện vận hành bình thường. Thế mà từ nhiều năm qua, xăng dầu dự trữ không đủ cho 7 ngày. Đó là con số thông báo trên truyền thông, còn con số thực thì hiện nay đã rõ, nguồn dự trữ đã cạn.

Xăng dầu Việt Nam được điều hành theo cơ chế phi thị trường. Cơ chế điều hành theo mệnh lệnh. Giá xăng dầu được tính cộng giá nhập khẩu, các loại thuế phí và còn cộng thêm lợi nhuận định mức trên mỗi lít xăng dầu bán ra. Đó là mệnh lệnh.

So với nhu cầu dự trữ xăng dầu tối thiểu 10 ngày, thì các ông lớn ngành xăng dầu bao năm nay chỉ dự trữ chưa tới 7 ngày (theo Bộ Công Thương nói thế). Nghĩa là các ông lớn nhập ít hơn so với yêu cầu đề ra. Tại sao các ông lớn này cứng đầu dám đem an ninh năng lượng cho quốc gia ra đùa cợt vậy? Tất cả đều có nguyên nhân của nó. Vì lợi ích nhóm.

Giảm nhập thì các tập đoàn xăng dầu đỡ tốn đầu tư kho bãi để trữ, đỡ tốn nhân công bảo vệ, đỡ bị chôn vốn vào lượng xăng dầu nằm kho. Nghĩa là các tập đoàn ngành xăng dầu nhà nước xem lợi ích của nó hơn lợi ích quốc gia, và tất nhiên là bọn họ coi sự an toàn kinh tế của đời sống toàn dân chả là cái đinh gì cả. Đó là lý do chính, còn họ có thiếu ngoại tệ để nhập xăng dầu hay không thì có lẽ tôi sẽ có bài phân tích khác nếu có thời gian.

Khi dự trữ xăng dầu quá mỏng so với nhu cầu và vẫn cứ nhập ít và trữ ít thì cũng tới ngày cạn xăng dầu làm xã hội loạn cả lên. Và kết quả là những ngày qua toàn Miền Nam thiếu xăng dầu nghiêm trọng Khi hiện tượng thiếu xăng dầu diễn ra thì có thể kết luận trong kho của các ông lớn ngành xăng dầu đang cạn dự trữ. Không biết lượng dầu thô dự trữ có kịp lọc để bù thiếu hụt hay không? Và liệu họ có tăng nhập hay không? Đây là lời cảnh tỉnh cho những ông lớn ngành xăng dầu, đừng lấy an toàn năng lượng của toàn dân ra đùa.

 

Những ngày qua, báo chí đã tập trung đổ lỗi cho các cây xăng là “không chịu nhập xăng để bán”. Các cây xăng thì thanh minh là vì “chiết khấu 0 đồng” nên họ không thể nhập hàng để bán. Vấn đề là tại sao phải dùng công cụ “chiết khấu 0 đồng”? Công cụ này trong tay mấy ông đầu mối phân phối xăng dầu kia mà? Thực ra mục đích của “chiết khấu 0 đồng” là làm giảm số lượng cây xăng kinh doanh, vì nếu cấp hết cho mọi cây xăng là không đủ. Mà xăng không đủ cấp cho là lỗi do ai? Lỗi ở các ông đầu mối. “Chiết khấu 0 đồng” là cách họ đẩy trách nhiệm cho các cây xăng còn chính họ đã đem an nguy nền kinh tế, đem sự an nguy của đời sống dân sinh ra đổi lấy lợi ích cho họ thì họ lại giấu. Khốn nạn!

Đ.N. 

Nguồn: FB SOI

PHẢI XEM LÀ CHUYỆN CẤP BÁCH ĐỂ TÍCH CỰC GIẢI QUYẾT

THƯ KỲ /KTSG 14-10-2022

(KTSG) – Con số GDP quí 3 năm nay tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước chưa nói lên điều gì rõ ràng về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu bởi quí 3 năm ngoái là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là nhu cầu đi lại.

Lẽ ra khi 19/33 thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện nhập khẩu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải xem đó là dấu hiệu cảnh báo – Ảnh: Lê Vũ

Tuy nhiên nếu chúng ta so sánh con số tuyệt đối GDP trong quí 3-2022 so với quí 2 cùng năm, sẽ thấy GDP danh nghĩa đã tăng 2,6%. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập khẩu xăng trong quí 3-2022 đã giảm 40% so với quí 2. Để làm ra một giá trị tổng sản phẩm trong nước, cho dù là bằng nhau đi nữa mà lượng xăng nhập khẩu đưa vào tiêu thụ giảm đến gần một nửa, chuyện thị trường thiếu xăng là khó lòng tránh được.

Trong khi đó, lượng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu trong nước dự kiến sản xuất trong quí 3 là 3,9 triệu m3 nhưng chúng ta không có số liệu thực tế của quí 2 để so sánh mức tăng, giảm.

Lẽ ra đứng trước tình hình chỉ có 19 trong tổng số 33 thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện nhập khẩu, các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã phải xem đó là dấu hiệu cảnh báo. Khi thấy lượng xăng nhập khẩu giảm đến 40%, liên bộ lẽ ra phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết.

Như vậy có thể nói chuyện chiết khấu thấp, thậm chí âm khiến các doanh nghiệp bán lẻ xăng thua lỗ chỉ là hệ quả chứ chưa phải là nguyên nhân gốc của tình hình thiếu xăng hiện nay. Thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng, họ mới giảm mạnh chiết khấu để gián tiếp hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng.

Thiết nghĩ để giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng trên thị trường bán lẻ, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần xác định nguyên nhân lượng xăng nhập khẩu giảm mạnh. Có phải đó là do ngân hàng siết tín dụng làm các đầu mối xăng dầu khó lòng mở tín dụng thư để mua hàng nhập về bán? Hay do thời gian vừa qua giá dầu thô giảm nhanh khiến doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu về chưa bán hết phải giảm giá, gây lỗ nặng? Vì sao các công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro giảm giá như thế chưa được triển khai ở Việt Nam?

Sau đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu hụt nhiều mặt hàng thiết yếu như thuốc men, xăng dầu diễn ra ở nhiều nước nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là do thiếu tài xế xe bồn chở xăng ở Anh, do đình công ở Pháp hay do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu ở nhiều nước đang phát triển… và việc đầu tiên các nước đều phải làm là xác định nguyên nhân rồi tích cực bàn bạc để tìm hướng giải quyết.

Không thể chủ quan cho là tình hình không có gì nghiêm trọng hay bộ này đổ trách nhiệm cho bộ kia. Cần phải xem đây là tình trạng cấp bách, ảnh hưởng đến nhiều người để tích cực giải quyết, kể cả nếu phải họp nhiều bộ, ngành, làm việc liên tục bất kể ngày đêm.

Hướng giải quyết là áp dụng triệt để cơ chế thị trường (đến mức tối đa) bởi chỉ có quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh sẽ giúp tự động hình thành bộ máy hoạt động linh hoạt, giảm đầu mối, ngăn việc đóng cửa ngưng bán. Can thiệp của Nhà nước chỉ nên diễn ra ở các giai đoạn sau để xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nghiêm cấm việc bắt tay nhau để bắt ép người tiêu dùng, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ cho nhập khẩu hàng thiết yếu, không để ngoại tệ chảy vào nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ vì như thế là gián tiếp trợ giá cho người có thu nhập cao, có tiền mua sắm hàng nhập khẩu đắt tiền.

THƯ KỲ

THẤY GÌ Ở DÒNG NGƯỜI XẾP HÀNG MUA XĂNG ?
TRẦN HƯƠNG GIANG*/ KTSG 14-10-2022

(KTSG) – Ổn định thị trường hàng hóa và tâm lý người dân là một trong những mục tiêu rất quan trọng giúp tạo động lực tăng trưởng cho cả hệ thống sản xuất cũng như tăng động cơ tiêu dùng trên thị trường nội địa. Những ngày qua, hiện tượng người dân xếp hàng ở các cây xăng bán lẻ để mua xăng đang gây ra tâm lý hoang mang lo lắng về sự bất ổn.

Thực trạng này cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại những bất cập trong cách thức quản lý kinh tế vi mô trong nước để tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả.

Hiện tượng khan hiếm xăng dầu nhất thời dẫn đến hành vi đổ xô đi mua của người dân thoạt nhìn thì có thể xem đây chỉ là vấn đề mang tính chất thời điểm nhưng lại xuất phát từ ba lý do chính và có thể tiếp tục xuất hiện trong những tình huống tương tự nếu không sửa chữa tận gốc cách thức quản lý.

Chính sách kiểm soát giá triệt tiêu động cơ kinh doanh của các đại lý xăng dầu

Mặc dù các chính sách quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước đã được sửa đổi và có hiệu lực kể từ đầu năm 2022 nhưng các quy định về chi phí kinh doanh định mức, một trong những yếu tố cấu thành giá xăng dầu, đang được xem là điểm nghẽn lớn nhất lại chưa thể điều chỉnh.

Điều này dẫn đến thực trạng mức chiết khấu cho các đại lý quá thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động khiến các cây xăng chỉ muốn đóng cửa vì kinh doanh lỗ. Mục tiêu kiểm soát chi phí có thể hiểu là để giúp người dân mua xăng dầu với mức giá rẻ phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt, thúc đẩy sản xuất vì đây là năng lượng thiết yếu đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi giá cả không phản ánh được thực trạng cung cầu trên thị trường và doanh thu không đủ bù đắp chi phí hay mức sinh lợi không đáp ứng kỳ vọng của bên cung ứng thì sẽ làm triệt tiêu động cơ kinh doanh của họ.

Với mức giá kiểm soát thấp hơn nhiều so với giá kỳ vọng, bên cung ứng sẽ có động cơ cung cấp lượng xăng dầu ít hơn so với khả năng họ có thể thực hiện trong điều kiện giá cả phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường.

Trong khi đó, với mức giá rẻ hơn so với mức giá cân bằng thị trường, người tiêu dùng lại có xu hướng tiêu dùng cao hơn so với mức sản lượng lẽ ra họ sẽ mua nếu giá cả phản ánh đúng quan hệ cung cầu thị trường.

Hai hành vi đối lập này gây ra hiện tượng thiếu hụt hàng hóa không đến từ nguyên nhân khan hiếm mà chủ yếu đến từ sự lựa chọn của nhà sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng do tác động của chính sách kiểm soát giá.

Độc quyền nhóm ngành xăng dầu làm giảm cạnh tranh, gây ra tổn thất xã hội

Theo quy định chung, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý hoặc một công ty đầu mối hay phân phối xăng dầu. Trong khi đó, thị phần cung ứng rơi vào nhóm một số ít công ty, đặc biệt Petrolimex nắm giữ 50%.

Như vậy, thị trường ngành xăng dầu mang đặc điểm độc quyền nhóm trong cung ứng. Thế độc quyền nhóm này khó phá vỡ khi năng lượng vốn là ngành đòi hỏi sự can thiệp và điều tiết từ phía Nhà nước tương tự như ngành điện lực.

Tình trạng độc quyền nhóm và quy định hạn chế đang khiến cho các đại lý xăng dầu không có thêm sự lựa chọn khi thiếu nguồn cung ứng dẫn đến thực trạng thiếu hụt tại một số thời điểm đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước.

Hiện nay Petrolimex dường như đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, định hướng giá xăng dầu và điều tiết lượng cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, bản chất Petrolimex và các doanh nghiệp xăng dầu còn lại vẫn là những tổ chức hoạt động vì lợi nhuận và có thể theo đuổi các chiến lược riêng để đảm bảo doanh thu cao nhất khi so sánh tương quan với chi phí bỏ ra, trong đó có cả việc hạn chế lượng xăng dầu nhập khẩu hoặc phân phối trong nước tại một số thời điểm giá cả bất lợi.

Việc có ít công ty đóng vai trò cung ứng gây thiệt thòi khi hạn chế tính cạnh tranh khiến nhóm các doanh nghiệp độc quyền có quyền được quyết định sản lượng cung ứng tùy theo chiến lược kinh doanh mà họ theo đuổi.

Nếu chấp nhận thêm doanh nghiệp gia nhập cung ứng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của thị trường, đảm bảo điểm cân bằng sản lượng và giá cả vừa đáp ứng lợi nhuận tốt nhất có thể cho bên cung ứng vừa đảm bảo nhu cầu hiệu quả cho nhóm tiêu dùng. Nhưng vì muốn chủ động điều tiết giá và sản lượng, đảm bảo dễ quản lý ngành xăng dầu với số lượng doanh nghiệp vừa phải nên hiện nay rào cản gia nhập ngành còn lớn khiến thị trường chưa hoạt động hiệu quả ở mức tối đa, gây tổn thất xã hội.

Tâm lý đám đông góp phần gây thiếu hụt

Tâm lý đám đông đổ xô đi mua xăng dầu gây ra thực trạng tiêu dùng vượt quá nhu cầu thực sự của người dân cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần gây bất ổn cho thị trường xăng dầu trong những ngày qua.

Trong kinh tế học vi mô, hiện tượng này thường được gọi là hiệu ứng trào lưu, đối với các mặt hàng thông thường thì các doanh nghiệp có khuynh hướng tạo ra tính trào lưu cho sản phẩm của mình để tăng nhu cầu khách hàng, dẫn đến đẩy mạnh doanh số bán.

Việc một số điểm bán xăng dầu quyết định để bảng đóng cửa vô tình gây ra cảm giác lo lắng sẽ bị thiếu xăng trong tương lai. Thay vì chỉ đổ đầy bình xăng xe hay mua xăng vừa đủ đáp ứng nhu cầu, một số người mua thêm để tích trữ phòng hờ trường hợp khan hiếm. Điều này vô hình trung đã đẩy lượng cầu xăng tăng lên gấp nhiều lần nhu cầu hiện hữu.

Tệ hơn, tâm lý hoang mang của người dân có tính dây chuyền và dễ bị lan truyền rộng ra trong thời gian ngắn thông qua các thông tin truyền miệng hoặc lo sợ quá mức từ người thân quen. Sự khuếch đại đó một lần nữa khiến nhu cầu thị trường được tăng lên theo cấp số nhân trong khi khả năng cung ứng vẫn không thay đổi hoặc thậm chí là có giảm nhẹ từ những nguyên nhân đã kể trên.

Để hạn chế rủi ro bất ổn thị trường

Đối với những sản phẩm dịch vụ đặc biệt thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội như năng lượng (xăng dầu, điện), lương thực (lúa gạo), giáo dục, y tế… Nhà nước thường điều tiết giá cả và sản lượng cung ứng để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân.

Tuy nhiên, sự can thiệp này vô tình bẻ gãy khả năng cân bằng giữa cung và cầu khiến hiệu quả kinh tế thị trường không được phát huy, gây ra những trục trặc và bất ổn liên tục. Cách hay hơn để vừa đảm bảo quyền tiếp cận lại phát huy ưu điểm kinh tế thị trường là xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả, sản lượng cung ứng, nhu cầu thị trường để tạo cơ chế truyền dẫn thông tin cho các đối tượng xã hội, cách này vừa có thể giúp kết nối thị trường nhằm cân bằng cung – cầu, vừa dự báo được các nhu cầu trong tương lai để chuẩn bị hiệu quả.

Khi xây dựng chính sách liên quan đến điều tiết, kiểm soát giá, các cơ quan ban ngành nên thẩm định lại khả năng kinh doanh đáp ứng mức sinh lời mong muốn của các đối tượng kinh doanh thông qua thử thiết lập báo cáo tài chính và khảo sát khả năng sẵn lòng chi trả của người dân.

Tuy nhiên, khó có một mức giá nào có thể làm hài lòng hết tất cả các đối tượng trong xã hội, cho nên, thay vì cố gắng kiểm soát giá thấp nhất có thể, Nhà nước nên kết hợp thêm các chính sách hỗ trợ đi kèm đối với các đối tượng khó khăn đặc biệt để tránh bóp méo mức giá quá mức, gây triệt tiêu động cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

Với tốc độ phát triển nền kinh tế ngày càng cao và sự thay đổi bản chất của thị trường nhanh hơn, cần phải thẩm định lại nhu cầu và đặc điểm cung cầu để có hướng điều tiết vĩ mô phù hợp.

Đối với thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay, việc giảm bớt rào cản để tăng khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp nhằm làm tăng tính cạnh tranh là điều cần được xem xét thực hiện vì đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp thúc đẩy hiệu quả ngành năng lượng.

(*) Chuyên gia cao cấp về kinh tế và chính sách – Công ty Tư vấn quốc tế enCity

THANH TRA CHÍNH PHỦ 'SOI' LOẠT DOANH NGHIỆP ĐẦU MỐI XĂNG DẦU, 2 NHÀ MÁY LỌC DẦU

LƯƠNG BẰNG, TRẦN CHUNG / KTSG 14-10-2022

Ngày 13/10, Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Một trong những căn cứ được Thanh tra Chính phủ nhắc đến trong quyết định thanh tra là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện hồi tháng 2 năm nay về việc bảo đảm cung ứng xăng cho thị trường trong nước.

Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên, do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I của Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn, sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.


Hoạt động xăng dầu thời gian qua có nhiều vấn đề cần phải xem xét. Ảnh: Thanh  Tùng

Thời hạn thanh tra của đoàn là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

Tại miền Bắc, các doanh nghiệp đầu mối nằm trong đợt thanh tra có: Tập đoàn Xăng đầu Việt Nam, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội; Công ty TNHH Petro Bình Minh…

Miền Trung có 2 doanh nghiệp trong diện thanh tra là Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.

7 doanh nghiệp tại miền Nam, gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa…

Ngoài ra, đoàn cũng tiến hành thanh tra hai đơn vị sản xuất xăng dầu (PVN có cổ phần chi phối và không chi phối) là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). 

Cũng liên quan đến hoạt động thanh tra doanh nghiệp xăng dầu, nguồn tin của PV.VietNamNet cho biết, Bộ Công Thương vừa ra thông báo về việc thực hiện kết luận thanh tra của Bộ về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động hóa chất, kinh doanh khí tại Saigon Petro - một trong những đầu mối xăng dầu lớn tại miền Nam.

Theo văn bản trên, kết luận của Bộ đã nêu rõ thiếu sót trong lĩnh vực kinh doanh khí, hoạt động hóa chất và đưa ra các kiến nghị đối với Saigon Petro. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra nói trên.

Saigon Petro là đơn vị trực thuộc Thành ủy TP.HCM. Đầu tháng 9, đây là một trong 5 đơn vị nhận được thông báo từ Bộ Công Thương về việc xử phạt, bao gồm cả hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép, do các vi phạm liên quan trong quá trình thanh tra của cơ quan chức năng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét