Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

20221009. VINGROUP MỞ THÊM CT ĐẦU TƯ BĐS VMI JSC

ĐIỂM BÁO MẠNG


TỶ PHÚ PHẠM NHẬT VƯỢNG  THÀNH LẬP CÔNG TY ĐẦU TƯ 
BẤT ĐỘNG SẢN 'LÔ LẺ'

VÂN PHONG/KTSG 6-10-2022

(KTSG Online) – Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI JSC) được thành lập với mục tiêu chính là hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.

Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI JSC) vừa được thành lập ngày 6-10 với cổ đông lớn nhất là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Ngoài ông Vượng, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp mới còn có sự xuất hiện của Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), một nhà phát triển bất động sản thuộc Vingroup.

Tại doanh nghiệp, ông Phạm Nhật Vượng sẽ là cổ đông chính khi đóng góp tới 90% cổ phần của VMI JSC. phần vốn góp của ông Vượng được thực hiện bằng hơn 243,46 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 16.200 tỉ đồng, theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13-9.

VMI JSC có vai trò tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.

 Ảnh: TL

VMI JSC được thành lập với mục tiêu chính để hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đầu tư một số lượng nhất định bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản được chia thành 50 phần và các khách hàng của doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư này, doanh nghiệp sẽ xây dựng và tổ chức nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến. Nền tảng thông tin trực tuyến này sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm thông tin đầu tư, trao đổi, tìm kiếm các nhà đầu tư khác và các thông tin tư vấn liên quan cũng như cách thức thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền tài sản dựa trên sự xác nhận của VMI JSC. Các trao đổi, tư vấn trên nền tảng trực tuyến này hoàn toàn miễn phí.

Các nhà đầu tư hợp tác với doanh nghiệp sẽ được chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.

Đại diện VMI JSC cho biết, trong thời gian hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tính toán để đưa ra các chính sách hợp tác đầu tư linh hoạt dựa trên thực tế thị trường, đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận của nhà đầu tư.

Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được hưởng toàn bộ lợi ích từ việc gia tăng giá trị của bất động sản trong thời gian đầu tư, đồng thời được công ty cam kết mức lợi nhuận tối thiểu hàng năm để đảm bảo nhà đầu tư vẫn có thu nhập cố định trong trường hợp thị trường biến động bất lợi.

Các chính sách hợp tác đầu tư cũng sẽ được doanh nghiệp công bố công khai trên nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến.

VP

ANH VƯỢNG BẮT GÀ NHƯ THẾ NÀO?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 7-10-2022


Cổ phiếu của Vingroup mới tăng giá, đi ngược lại xu thế chung của cả thị trường, là vấn đề tức thời do động thái thành lập công ty VMI JSC của anh Vượng. Mình nghĩ là nhà đầu tư được vài ngày hứng khởi thôi chứ mấy hôm nữa sẽ quay về xu hướng chung. Họ nghĩ là VMI sẽ cái phao cứu sinh về vốn cho Vinhomes?
Vậy bản chất việc thành lập VMI là gì?
Bối cảnh chung là thị trường chứng khoán đi xuống, cộng với việc khó huy động vốn từ các kênh ngân hàng và cả trái phiếu doanh nghiệp nên Vinhomes rơi vào tình trạng khát vốn nặng. Đấy là chưa tính thêm là là Vinfast cũng là cỗ máy hút tiền của VIN nữa.
Vì thế anh Vượng mới nghĩ ra cái VMI này để làm kênh hút tiền của nhà đầu tư nhỏ. Thực ra mọi người đều biết chính thị trường chứng khoán (TTCK) là kênh hút tiền của nhà đầu tư nhỏ rồi, vậy tại sao là phải đẻ thêm cái VMI này? Việc đầu tư vào VMI khác gì với việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (Vinhomes)?
Ảnh trên mạng
Như đã biết, TTCK dạo này xịt, nên kênh huy động vốn từ đây không còn hiệu quả. Nên bài của anh Vượng rất là khôn, anh chơi chiêu lấy túi nọ bỏ vào túi kia, vì cả Vinhomes lẫn VMI đều của anh cả! Anh lập cái VMI rồi dùng nó mua BĐS (đã và đang hình thành) của Vinhomes, rồi bán lẻ lại cho nhà đầu tư nhỏ dưới hình thức hợp tác kinh doanh. Nhà đầu tư kiếm lời từ lợi nhuận gia tăng giá trị bất động sản (BĐS) trong thời gian đầu tư. Vấn đề là chắc gì nó đã gia tăng?!
Vì cả hai công ty đều của anh Vượng nên anh dễ dàng chơi bài CHUYỂN GIÁ từ Vinhomes qua VMI, tức là lợi nhuận cuả VMI sẽ được tráo qua lại với Vinhomes. Nếu anh muốn VMI giảm lãi thì anh thổi giá BĐS Vinhomes lên, khi đó lợi nhuận được đẩy từ VMI sang Vinhomes và ngược lại, nếu muốn. VMI và Vinhomes là cái bình thông nhau, nếu TTCK lên thì tiền từ chứng khoán bơm qua Vinhomes rồi lấy về qua VMI. Nếu TTCK xịt thì tiền từ nhà đầu tư bơm qua VMI sẽ chảy sang lợi nhuận của Vinhomes. Anh Vượng ăn được cả hai đầu!
Cơ bản cũng như Coca Cola đã làm, với việc mua nguyên liệu từ công ty nguyên liệu (cũng của Coca Cola) nằm ở nước ngoài, chuyển giá từ công ty Coca Cola Việt Nam về công ty nguyên liệu bằng cách thổi giá nguyên liệu lên, khiến cho công ty Coca Cola Việt Nam toàn lỗ tiền lãi trả về công ty cung cấp nguyên liệu! Coca Cola Việt Nam lỗ sẽ bóp chê't đối tác liên doanh của Việt Nam và tránh được thuế.
Ở đây lợi nhuận của VMI cũng sẽ như vậy, nhà đầu tư có thể đóng tiền vào ào ào vì niềm tin tất thắng do ăn theo anh Vượng. Thời gian đầu anh sẽ để VMI lợi nhuận cao cho nhà đầu tư xuống tiền nhiều. Khi gom đủ tiền, anh chuyển giá sang Vinhomes, VMI báo lỗ, nhà đầu tư sập bẫy, chắc ăn được lợi nhuận tối thiểu (chưa thấy công bố), còn tiền thì chuyển qua Vinhomes, anh Vượng chả mất đồng nào, chỉ nhà đầu tư mất! Độc đáo chưa!?
Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, anh cho phá sản luôn VMI. Thì cái gọi là lợi nhuận tối thiểu kia có khi còn chả có luôn!
Mấy năm trước Cocobay Đà Nẵng cũng có trò kêu gọi đầu tư condotel và cam kết lợi nhuận tối thiểu đó. Rồi cũng vỡ trận.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ khiến nhà đầu tư sống chết cùng VMI, nhưng lời lãi của VMI lại do anh Vượng quyết định phần lớn. Tất nhiên còn cả tình huống là cả VMI lẫn Vinhomes cùng lỗ do không bán được BĐS. Nhưng nói chung là rủi ro chính chủ yếu rơi vào nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ bị móc túi trước khi anh Vượng có vấn đề vì VMI sẽ lỗ trước Vinhomes. Các nhà đầu tư nhỏ sẽ thành con tin của anh Vượng ở VMI!
Trên đây là suy luận và dự đoán của mình thôi, không biết đúng hay sai thế nào nhé, vì mình có chuyên môn kinh tài gì đâu. Mình không dám dạy nhà giàu tiêu tiền nhé!
P/S:
Ngôi nhà được chia ra cho 50 người mua thì nếu nó chưa bán được cho một người dùng cuối thì 50 người kia không ai được sử dụng nó, cứ để đó mà ngắm thôi.
Điều này nguy hiểm hơn việc đi đầu tư BĐS kiểu truyền thống. Đó là bạn mua BĐS, nếu ế quá, không bán lại được, mà nhà xây xong rồi, thì bạn có thể cho thuê hay ở tạm. Thậm chí nhà giao thô cũng vẫn còn cho thuê được. Ở đây là không có. Nhà mua chung muốn cho thuê cũng cần sự đồng thuận của 50 chủ. Rất phức tạp.

DQC

CẨN THẬN CỦI LỬA, ANH ẤY XUẤT CHIÊU HIỂM

ĐỖ NGÀ/TD 8-10-2022



Tôi nợ ngân hàng 4 tỷ nhưng tôi đang có trong tay căn nhà theo tôi định giá 6 tỷ đồng. Tuy nhiên giờ bất động sản bị đóng băng nên tôi kêu giá 5 tỷ không ai mua. Thậm chí hạ về 4 tỷ, rồi 3 tỷ cũng không bán được. Bị ngân hàng dí, không những có nguy cơ mất trắng căn nhà mà còn dính tù tội, nên vợ chồng tôi mới nghĩ ra một chiêu lừa siêu hạng vừa có tiền trả nợ vừa giữ được nhà, đợi giá lên để bán. Cách nào?
Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi cho xẻ căn nhà (xẻ tưởng tượng) thành 50 phần, mỗi phần trị giá 120 triệu và kêu gọi mọi người góp vào “mua”. Vì căn nhà 6 tỷ mà có đến 50 người “sở hữu” nên cuối cùng chẳng ai có quyền giữ căn nhà này (chi có 120 triệu mà đòi sở hữu vật 6 tỷ thì ai chịu?). Vậy nên, tôi mới nói với 50 “con bò” rằng: “Tôi sẽ vay lại căn nhà mấy anh với lãi suất hơn lãi suất ngân hàng”. Thế là 50 “con bò” thấy lợi nên đồng ý. Như vậy, với chiêu này tôi vừa có được 6 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng và vừa có căn nhà để đợi giá lên bán trả nợ cho “đám bò” sau.
Ở đây, căn nhà đáng lý trị giá 3 tỷ thì tôi đẩy lên 6 tỷ. Bằng cách nào? Tôi nói vợ tôi đứng ra mua nó với giá 6 tỷ để “đám bò” tin thật trị giá của nó là 6 tỷ (vì có hợp đồng mua bán mà?). Thế là “bò” tin và góp vào. Vậy là “bò” đã giải quyết nợ giúp tôi, không những thế còn để tôi giữ tài sản của họ. Và tôi đợi giá lên để bán. Nhưng nếu giá nhà nằm mãi không lên thì tôi sẽ bán tống rồi ôm tiền bỏ chạy. Khi đó con bò vừa mất tiền vừa không có nhà và trở thành những nạn nhân của trò lừa đảo của 2 vợ chồng tôi.
Chiêu lừa này có 2 phần, phần bùa phép nâng khống giá và phần vét túi nạn nhân. Chiêu dùng vợ để mua lại chính căn nhà của tôi là thủ thuật nâng khống giá. Trò chia nhỏ một căn nhà làm 50 phần rồi dụ “bò” là trò vét túi nạn nhân. Kế hoạch lừa người dân rất hoàn hảo. Tôi có được cả nhà và tiền còn “nhà đầu tư” thì không có gì cả. Nếu các bạn công tâm nhìn nhận, thì tôi là kẻ lừa đảo hay là doanh nhân, chắc không khó để kết luận.
Cũng trò đó nhưng nó làm ở quy mô cực lớn, giá trị nhiều tỷ đô thì đó là siêu lừa, rất nguy hiểm cho xã hội. Hiện nay Vinhomes đang tồn kho lượng bất động sản nhiều tỷ đô không bán được. Ông Phạm Nhật Vượng đã dựng lên một trò lừa đảo lòng vòng như thế để đưa hàng vạn nạn nhân vào tròng, nhằm mục đích chiếm đoạt hàng tỷ đô của nạn nhân, trong khi đó tài sản “đã bán” thì Vingroup vẫn giữ để đợi giá lên.
Mới đây ông Phạm Nhật Vượng cho thành lập công ty VMI để mua lại hàng bất động sản tồn kho của Vinhomes (cả Vinhomes và VMI đều của Vingroup) với việc góp vốn cho VMI bằng cổ phiếu của Vingroup. Nói chung công ty VMI lập vốn khống y hệt như FLC Faros của Trịnh Văn Quyết. Công ty này chỉ có chức năng tự định giá bất động sản của Vinhomes bằng các trò mua bán để tạo lòng tin cho các “bò” rằng, giá đó là giá thị trường (thực ra tôi định giá chính tôi thì luôn đẩy giá lên cao) nhưng thực chất là giá đã bị đẩy lên quá cao.
Và phần sau là trò chia nhỏ tưởng tượng một khối bất động sản thành 50 phần để “bò” đổ tiền vào cho Vin bỏ túi và trang trải nợ nần. Nhà thì vẫn trong tay Vin mà tiền thì Vin giữ (ăn gì khôn thế anh Vượng?). Và đó là những gì mà anh Vượng nhà ta đang làm.
Ông Vượng đưa ra “cao kiến” lừa đảo này, cho thấy, việc huy động vốn của Vingroup đang bế tắc, trong khi đó nợ đang “dí tới trôn”. Hiện nay Vingroup đang có tỷ lệ vốn vay gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Đòn bẫy tài chính là con dao hai lưỡi, nếu nguồn thu chính là bất động sản bị chôn vào trong hàng tồn kho thì đòn bẫy này đang làm tập đoàn Vingroup của anh Vượng đã bấp bênh càng bấp bênh hơn, thậm chí chao đảo mạnh. Với triệu chứng như vậy thì theo nhận xét chủ quan của tôi, Vingroup đang mắc “bệnh hiểm nghèo”.
Trong thời đại mà siêu lừa trá hình “doanh nhân thành đạt” tràn lan thì mọi người nên thận trọng. Kinh tế suy thoái, mọi người đều chịu sự tác động của nó ít nhiều. Kẻ nợ nhiều sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng và tù tội nặng nề, họ sẽ tìm cách đẩy rủi ro về những “nhà đầu tư” nào đang hám lợi. Thời suy thoái, cần vứt cái tâm tham và thật cẩn trọng. Thật đấy, đừng dễ dàng đánh mất tài sản chỉ vì lòng tham.

ĐỖ NGÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét