Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

20221013. QUANH CHUYỆN CÁN BỘ COI TIỀN LẺ LÀ 'RÁC'

ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐẠO ĐỨC CÁN BỘ VÀ ...TIỀN LẺ

DOÃN HỮU TUỆ/ TVN 4-10-2022

Dưới góc độ pháp lý, hành vi của ông Đ.C.P. có dấu hiệu vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức. Việc gọi tiền lẻ là “rác’ và ném tung tóe là dấu hiệu hành vi bị cấm, theo luật Ngân hàng Nhà nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người cho rằng đức và tài là hai phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên. Trong đó, đức là gốc bởi đức quyết định thái độ, lập trường, tư tưởng chính trị. Người dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng…”. Tiếc thay, không ít cán bộ, đảng viên do thiếu rèn luyện, hành xử thiếu chuẩn mực nên không còn xứng đáng với niềm tin của quần chúng nhân dân.

Nguyên nhân “nhỏ như hạt cát”

Mấy ngày qua, câu chuyện về một cán bộ thuộc Sở TN&MT Đà Nẵng ném tiền lẻ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người và khiến dư luận bức xúc. Xuất phát từ một nguyên nhân “nhỏ như hạt cát” mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, ông Đ.C.P. - Phó trưởng phòng Quản lý và Phát triển quỹ đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở đã có một pha xử lý quá tệ khiến cộng đồng mạng nổi sóng.


Hình ảnh ông P. ném tiền lẻ văng tung tóe tại quán bún. Ảnh cắt từ clip

Theo chia sẻ của anh Tr., chủ quán bún trên đường Chương Dương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), vào sáng thứ 7 (ngày 1/10), một gia đình đến quán ăn bún. Do quá đông khách và không có tiền chẵn, nhân viên của quán đã trả lại tiền dư cho một người khách khoảng 16 tuổi gồm toàn tiền lẻ. Một lúc sau, bố của người khách này quay lại quán, ném tiền tung tóe và lớn giọng: "Tụi bây đưa rác cho con tao à? Nhà tao ở đây, xem chúng mày kinh doanh được bao lâu". Không chỉ ném tiền, ông P. còn tát chủ quán một cái trước khi bỏ đi.

Chưa dừng lại ở đó, khoảng 13h cùng ngày, ông này kêu một nhóm khoảng 7 người đến quán anh Tr. đe dọa. Cũng theo anh Tr., một người trong nhóm này đã đánh nhân viên của anh, đòi đập quán và đe dọa sáng hôm sau sẽ quay lại phá quán tiếp. Vì vậy, chủ quán đã trình báo công an.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, ngày 2/10, sau khi tiếp nhận thông tin cán bộ ngành có hành vi thiếu chuẩn mực, lớn tiếng tại quán bún, Sở đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tạm đình chỉ công tác ông P. theo thẩm quyền, đồng thời khẩn trương tổ chức xử lý theo quy định.

Ngày 3/10, ông Đ.C.P. đã có bản tường trình báo cáo cơ quan. Theo đó, sáng 1/10, ông cùng hai con ăn sáng tại quán bún bò. Đến khoảng 7h30, ông thanh toán tiền. Đợi một lát nhưng quán chưa trả số tiền thừa 45.000 đồng nên ông P. đi làm và để hai con lại để nhận tiền dư. “Các con đợi đến 20 phút, quán gom lại toàn tờ 1.000 đồng và vài tờ 2.000 đồng nhàu nát và có tờ rách, đưa cho 2 đứa trẻ, trong khi đó con tôi là trẻ chậm nói và không rành tiền”, ông P. cho hay.

Sáng 2/10, do thấy tội các con và bức xúc vì con mình khuyết tật mà bị đối xử như vậy nên khoảng 10h ông có mang số tiền này ra quán cùng đứa con chậm nói. “Khi vào quán, anh thanh niên trên lầu xuống có lời qua tiếng lại cùng tôi, trong lời phân trần, tôi cho rằng trẻ con phải được đối xử tốt, kèm theo những lời lẽ bức xúc, đến khi chủ quán cùng nhân viên tiến đến đôi co qua lại làm vung những tờ tiền tôi đang cầm sang bên…”, ông P. tường trình.

Ông cho biết thêm, tại quán bún, chủ quán chỉ tay vào mặt mình nên ông gạt ra và lùi lại. Sau đó, chủ quán cùng nhân viên lao vào đánh vào cổ, và ném các chai lọ vào người. Khoảng 13h chiều cùng ngày, nghe tin ông bị đánh nên một số họ hàng cùng chạy đến quán nhưng ông can ngăn nên mọi người ra về. Ông P. cho biết, tự nhận thấy hành động của bản thân là thiếu chuẩn mực nhưng sự việc xuất phát từ việc con bị khuyết tật bị đối xử không tốt.

Tiền lẻ hay chẵn đều là đồng tiền pháp định

Câu chuyện tóm lược chỉ đơn giản có thế nhưng đã khiến dư luận sôi sùng sục không phải là không có nguyên do. Thực tế, nguồn cơn của câu chuyện khởi đầu từ một việc rất nhỏ mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày khi đi mua hàng và được thối lại tiền dư bằng tiền lẻ. Nếu số tiền dư là lớn, cũng có người cảm thấy khó chịu khi phải nhận lại toàn tiền lẻ. Nhưng với số tiền 45.000 đồng (theo lời ông P.), chắc hầu hết mọi người đều cảm thấy bình thường và không có gì đáng phải làm ầm ĩ cả!

Cũng cần nói thêm rằng, tiền lẻ hay tiền chẵn chỉ là cách gọi dân dã trong cuộc sống hàng ngày, còn trong các quy định chính thức không có những khái niệm này. Tiền chẵn hay tiền lẻ thì cũng đều là đồng tiền pháp định của nước CHXHCN Việt Nam, có khác chăng chỉ là về kích thước, hình thức và mệnh giá. Thế nên, hà cớ gì ông P. lại cho rằng việc con ông được thối toàn tiền lẻ là “bị đối xử không tốt”? Phải chăng ông cho rằng tiền lẻ chỉ dành cho người nghèo (?).

Nếu việc chủ quán thối lại toàn tiền lẻ diễn ra trước mắt khiến ông P. phản ứng ngay lúc đó thì còn có thể lý giải rằng hành động của ông là do cảm xúc bột phát nhất thời, do “giận quá mất khôn”. Đằng này, sự việc diễn ra từ chiều hôm trước, sáng hôm sau ông mới hùng hổ đến quán và ném tiền. Như vậy, có thể nói hành động của ông P. đã có sự chuẩn bị từ trước và là do bản tính cá nhân.

Cha ông ta khuyên: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Trong cuộc sống, nếu biết nhẫn nhịn, chịu thiệt một chút, nhiều khi chúng ta sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc. Ngược lại, nếu thiếu sự kiềm chế, để cơn nóng giận lấn át, “chuyện bé xé ra to” thì việc phải nhận những hậu quả đáng tiếc là điều không có gì lạ!

Cứ cho rằng nếu thực sự cảm thấy con mình “bị đối xử không tốt” khi phải nhận tiền lẻ, ông P. hoàn toàn có thể góp ý hoặc nói chuyện phải quấy một cách đàng hoàng với chủ quán. Chẳng có lý lẽ nào có thể biện minh cho việc ông lớn tiếng gọi tiền là “rác” và ném tiền tung tóe như vậy. Giả sử ông là người giàu có nên chỉ quen tiêu xài tiền chẵn, ông cũng không thể tự cho mình cái quyền nói năng và hành xử một cách hồ đồ như vậy!

Không chỉ lớn giọng dọa dẫm, “người nhà ông” còn kéo đến và, theo hình ảnh trích xuất từ camera, một người trong số họ đã có thái độ hành hung khi tát 2 cú khá mạnh vào mặt một nhân viên của quán nhưng may mà người này đã né kịp.

Rõ ràng cách hành xử của ông P. là rất khó chấp nhận đối với một người bình thường, chứ chưa nói đến một cán bộ đảng viên. Dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ với người dân, thể hiện thái độ coi thường người dân, có dấu hiệu vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức nên cần phải được xử lý.

Không chỉ vậy, với việc gọi tiền lẻ là “rác’ và ném tiền tung tóe, ông P. có dấu hiệu vi phạm một trong những hành vi bị cấm được quy định rõ tại khoản 3, điều 23 luật Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là “Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành”.

Thực tế cho thấy thái độ ứng xử của một con người đối với đồng tiền cũng phần nào chứng tỏ bản chất và văn hoá của người đó. Sau khi vụ việc xảy ra, thay vì tự nhìn nhận lại hành động của bản thân và có lời xin lỗi với chủ quán, ông P. lại cố tình lấp liếm, biện minh cho hành động của mình, bất chấp diễn biến sự việc đã được camera ghi lại rõ ràng.

Một người hành xử sai trong cơn nóng giận còn có thể thông cảm được, nhưng một người cố tình “đổi trắng thay đen” để bao biện cho hành vi của mình thì không đáng được cảm thông.

Một con người thiếu tính chính trực như thế có đủ tư cách để làm cán bộ hay không? Nếu căn cứ vào các quy định hiện hành, ông P. có thể chỉ phải nhận hình thức kỷ luật hành chính, nhẹ thì khiển trách, nặng thì cảnh cáo. Nhưng nếu xét về mặt tư cách đạo đức, ông P. có xứng đáng đứng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên hay không?

Với những bằng chứng không thể chối cãi, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ bản chất vụ việc để có hình thức xử lý thỏa đáng. Cho dù kết quả vụ việc thế nào, ông P. cũng sẽ mất nhiều hơn được. Một người chỉ vì mấy đồng tiền lẻ mà đã cư xử hồ đồ, thiếu chuẩn mực như vậy trong giao tiếp hàng ngày với người dân thì sẽ cư xử ra sao trong hoạt động công vụ, khi ông ta ngồi trên chiếc ghế cán bộ?

Doãn Hữu Tuệ

TỤI BAY ĐƯA RÁC CHO CON TAO À ?

LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 4-10-2022

Rác đây là những đồng tiền lẻ chỉ có kẻ thân phận nghèo mới cầm, mới rụt rè đếm, mới gập phẳng đút túi ngực.

Khốn nạn những kẻ tự xếp mình vào hàng ngũ coi đồng tiền mồ hôi nước mắt của Dân nghèo là rác như thế. Chúng tức giận và cảm thấy bị sỉ nhục khi ai đó thối cho chúng những đồng tiền qua đi trao lại trên tay kẻ bần hàn.

Gã căm giận mấy tay cảnh sát côn đồ đánh lũ trẻ ở Sóc Trăng bao nhiêu, gã bội phần căm giận và khinh bỉ tay Ph, đường đường một quan chức quyền uy quản lý đất đai ở sở Tài nguyên và Môi trường ở Đà Nẵng ném những đồng tiền Dân nghèo bảo là rác rồi ra tay tát người trao… rác ấy cho mình, bấy nhiêu.

Ba tay cảnh sát có lý do để tức giận, nổi nóng. Còn thằng quan Ph ở Đà Nẵng bản chất là mất dạy kinh niên, càng lên cao sẽ càng chồng chất sự mất dạy nên chả cần lý do gì cứ tự tuôn ra sự mất dạy ấy.

Hắn mất dạy vì đảng không dạy được hắn biết giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt của Dân mà coi đồng bạc lẻ là rác.

Vậy thì, để bảo vệ uy tín của mình đảng chỉ còn cách đuổi cổ hắn ra khỏi đảng, tống hắn ra khỏi quan quyền như đám cảnh sát đánh trẻ ở Sóc Trăng mà thôi.

Sự thật về tên Ph như sau:

VTC News đưa tin, tài khoản Facebook có tên H.Tr. đăng tải đoạn video kèm nội dung, sáng 2/10, sau khi thực khách là cháu bé khoảng 16 tuổi ăn xong, thanh toán thì nhân viên quán trả lại tiền thừa tầm 25.000 đồng. Vì không có tiền chẵn nên nhân viên trả lại bằng tiền lẻ.

Tuy nhiên, bố của cháu bé ném tiền tung tóe, la hét nhân viên là: “Tụi bây đưa rác cho con tao à” và đe dọa: “Nhà tao ở đây, xem chúng mày kinh doanh được bao lâu”, tài khoản này viết.

Theo anh H.Tr. (chủ quán), sau khi ném tiền, người này còn tát anh một cái trước khi bỏ đi.

Chưa dừng lại, khoảng 13h cùng ngày, người đàn ông trên kêu một nhóm khoảng 7 người khác đến quán anh Tr. đe dọa. Có một người trong nhóm này đánh nhân viên của quán, đòi đập quán và đe dọa sáng mai sẽ quay lại phá quán”.

LƯU TRỌNG VĂN

TIỀN LẺ, SỰ XÚC PHẠM HAY CÔNG CỤ QUYỀN LỰC ?

THÁI HẠO/FB/BVN 6-10-2022

Vụ việc một ông Phó phòng thuộc Sở ở Đà Nẵng chỉ vì con ông được trả lại tiền lẻ sau khi ăn bún mà đã nổi giận, coi đó là một sự xúc phạm đến tư cách, danh dự, phẩm giá thì phải hiểu rằng hoặc tiền ấy là rác thật, hoặc đối với ông ta nó đích thị là một thứ rác?

Vế đầu không đúng, vì tiền ấy được nhà nước phát hành, bảo đảm về mặt pháp lý và vẫn tiêu được bình thường; vậy chỉ có thể là vế thứ hai: ông ta thấy mình bị làm nhục vì tiền lẻ? Lương cán bộ bao nhiêu mà đến nỗi 45 nghìn tiền lẻ mà bị coi là rác và hành động trả lại bằng tiền lẻ là không thể tha thứ được?

Một cử nhân sư phạm ra trường, trầy trật xin xỏ chạy chọt mãi, nếu “may mắn” vào được nghề giáo, trừ bảo hiểm, lương chưa tới 3 triệu/tháng (chính xác là 2.884.000), tính trung bình thu nhập mỗi ngày của giáo viên ấy chỉ có 96 nghìn đồng, chỉ gấp đôi số tiền mà ông quan Đà Nẵng gọi là rác. Vậy ông ta thu nhập bao nhiêu để đến nỗi coi một nửa ngày công của một “nhà giáo” là rác?

Chỉ khi người ta có quá nhiều tiền vì kiếm tiền quá dễ, tiêu tiền như nước cộng với một nhân cách tồi thì một nửa ngày công của người khác mới bị coi là rác. Tôi đã thấy những giáo viên đồng nghiệp ở nhà tập thể với hình ảnh không khác gì sinh viên ở trọ thủa trước, lèo tèo vài thứ vật dụng trong một căn phòng tồi tàn, bữa ăn chỉ rau với vài quả trứng chiên, họ sống kham khổ, và nhục nữa. Số tiền 45 nghìn ấy với những người đó là phải đổi bằng biết bao mồ hôi, sự khổ nhọc, và cả những đè nén, tủi hổ trong môi trường giáo dục; nhưng họ không bỏ, vì yêu nghề, và vì cũng chẳng biết đi đâu về đâu. Một công nhân mỗi ngày ngồi suốt hơn 10 tiếng đồng hồ trong nhà máy cũng chỉ để đổi lại mỗi ngày vài bữa ăn nuôi sống cái thân mình, ấy thế mà đối với những “công bộc” của dân, số tiền có thể ví như máu huyết của dân đen lại chỉ đáng là rác, và làm thành sự sỉ nhục không thể tha thứ. Từ bao giờ cán bộ nhà nước đã coi việc chạm vào những đồng tiền như mồ hôi và nước mắt mặn chát ấy là một sự vấy bẩn khiến ông ta ghê tởm và nổi giận đòi trị tội?

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn sẽ thấy hành vi của vị quan là rất kỳ quái. Nếu ông ta nhiều tiền đến thế, kiếm tiền dễ đến thế thì sao lại phải để hai đứa con (trong đó có một cháu mắc chứng tự kỷ) ở lại để nhận 45 nghìn tiền thừa mà không hào hiệp bo luôn cho nhân viên của quán? Không bố thí nhưng cũng quyết không tha thứ nếu bị nhận lại tiền lẻ! Rốt cuộc thì điều mà quan muốn là gì? Tiền thừa ư? Không, vì ông ta đã coi nó là rác và thẳng tay vứt đi.

– Sự phục tùng tuyệt đối của dân, dân phải xưng “tiểu nhân” và hết sức làm đẹp lòng quan, không được mảy may gây phật ý.

Quan không cần tiền mà là cần được biết tới như một ông vua. Hành động ném tiền, chửi bới, hành hung, đe dọa dẹp tiệm chỉ có thể giải thích được với động cơ “mày có biết bố mày là ai không”. Khi mà tiền bạc đã không thành vấn đề nữa thì sự khao khát và nhu cầu thể hiện quyền lực trở thành đòi hỏi lớn nhất. Quyền lực phải được thể hiện ra và dân đen phải cảm thấy, nhìn thấy, nếm thấy cái quyền lực ấy. Đó là một thứ bệnh hoạn mang tính xã hội.

Với căn bệnh ấy, người ta sẽ coi việc hành hạ người khác là phương tiện để đạt được khoái cảm và thỏa mãn khoái cảm. Nếu chỉ vì tiền mà làm điều ác thì còn dễ chữa và không đến nỗi quá đáng sợ, vì con hổ sẽ nằm liếm lông một cách hiền từ khi cái bụng đã được làm đầy. Nhưng làm điều ác chỉ để thỏa mãn nỗi khao khát quyền lực thì người ta có thể gây ra mọi chuyện, ví như cách tìm và thỏa mãn khoái cảm bằng việc gây ra để được chứng kiến nỗi đau khổ của người khác. Đó là cái ác cùng tận, cái ác bệnh hoạn.

Rốt cuộc, tiền lẻ có thật sự là một sự xúc phạm với cán bộ, hay nó mới chính là phương tiện để tìm kiếm và thỏa mãn quyền lực của quan? Đến đây, tự trong sâu thẳm tâm trí quan, tiền lẻ không phải là rác mà là một công cụ hữu dụng được dùng một cách tinh vi và mang lại hiệu quả to lớn cho quan. Đang có bao nhiêu thứ “tiền lẻ” như thế? Là bất cứ thứ gì, một lời nói không đẹp lòng, một ánh mắt không thưa bẩm, một cái cụng ly thiếu cung kính, một dáng ngồi không khiêm hạ, một dáng đi không vừa mắt, v.v., tất cả đều có thể là “tiền lẻ” của quan và sẻ được sử dụng ngay khi cần.

T.H.

BÌNH LUẬN

Lâm Bằng

Cuối cùng, anh có quyền gì mà xỉ vả, từ chối tiền lẻ của chủ quán. Tiền, lẻ hay chẵn cũng là tiền. Nó là tiền thì tôi trao đổi với anh là bình thường. Anh có quyền gì để từ chối, hạch họe tôi. Anh nhận lại hay không là quyền của anh. Nhưng anh ném đi hay hủy hoại thì anh vượt quá giới hạn mất rồi. Vượt sang phạm pháp rồi.

Quan ấy, nên cho về vườn. Biến báo, lươn lẹo... gì nữa.

Tuan le Thuc

Tiền lẻ (45k) là rác, đưa rác cho quan chức là xúc phạm là coi khinh lãnh đạo! Dân như mình chỉ xin "mỗi ngày hãy cho tôi rác". Rác nhà quan là cơm áo, gạo tiền của bao người!

Xuan Vu

Bài viết sâu sắc.

Đó cũng chính là sự khác nhau giữa một ông quan quản trị và ông quan cai trị. Với tâm lý “cai trị” họ muốn dân đen phải phục tùng, cung kính, sợ sệt…

Một hệ thống mà đẻ ra vô số ông quan với tâm lý cai trị thật đáng sợ.


TIỀN LẺ

NGUYỄN THÔNG/TD 3-10-2022

Về vụ ném tiền (lẻ) ở Đà Nẵng, tay cán bộ lỗi mười mươi, dù lý do nào cũng không thể biện minh được.
Nhưng cái thể chế này cũng không thể đứng ngoài, vô can trong những hành vi như thế. Đã từ rất lâu, họ (nhà nước) chỉ biết in tiền, phát hành tiền, còn nó được đối xử thế nào thì họ bất cần biết.
Hiện những đồng tiền mệnh giá nhỏ bị số đông trong cộng đồng không thừa nhận, nói trắng ra là hắt hủi. Tiền 200 đồng, 500 đồng gần như bị coi là rác, giấy lộn, không mấy ai xem nó là tiền. Nó không có giá trị trong mua bán. Lỡ ta trả ai đó bằng tiền nhỏ ấy, cầm chắc bị mắng vuốt mặt không kịp. Tiền 200, 500 giờ chỉ còn lưu hành trong các siêu thị, để nhân viên tính tiền trả lại (thối lại) cho khách mua (nhiều nơi không có tiền lẻ thì thối bằng kẹo). Khách mua nhận xong tiền thối, lại quành ra chỗ cái thùng mica từ thiện nhét của nợ ấy vào, một công đôi việc, vừa làm từ thiện, vừa đẩy nó đi cho nhẹ nợ bởi có đem về cũng không dùng vào việc gì.
Ngay cả tiền 1.000 đồng, rất nhiều nơi không thèm nhận. Tôi nhớ năm 2019, tôi đến bệnh viện Kiến An (TP.Hải Phòng) thăm bà chị đang nằm bệnh tại đó, lúc lấy xe máy về, trả 5.000 tiền gửi xe, trong đó có 3 tờ tiền 1.000 đồng, người giữ xe dứt khoát không nhận, còn lườm nguýt mắng nhiếc. Họ ném toẹt số tiền lẻ ấy trả lại, tôi đành phải móc tờ 10.000 cho họ thối lại 5.000, nghĩ vừa cay đắng, xấu hổ, vừa uất ức. Lâu nay mình đi siêu thị trong Sài Gòn, trả tiền gửi xe bằng tờ 1.000 đồng, đâu có nghĩ ở quê lại xài tiền lớn đến thế. Ai không tin, cứ tới các bãi giữ xe ở HN, HP, trong đó có bãi xe bệnh viện Kiến An thì rõ.
Thực tế rành rành vậy, nhưng nhà chức việc, nhất là những ông bà cai quản tài chính, ngân hàng gần như không quan tâm tới sự mất giá trị của đồng bạc quốc gia. Nhẽ ra phải thông báo, đồng tiền dù mệnh giá nhỏ nhất vẫn có giá trị, ai không thừa nhận nó là vi phạm pháp luật. Còn nếu thấy trên thực tế nó không còn chút giá trị thanh toán, lưu thông nào thì cũng cần ban bố lệnh chấm dứt sự tồn tại của nó. Đằng này cứ lửng lơ con cá vàng, sống chết mặc bay.
Thời đổi tiền năm 1985, tờ tiền lẻ còn quý hơn vàng, "tiền lẻ, thẻ thương binh", nhưng nó chỉ tồn tại giá trị vàng ấy được vài tháng bởi đồng tiền nhanh chóng mất giá tới hàng nghìn phần trăm, do cái tư duy kinh tế hũ nút của đám cai trị.
Bây giờ, mừng tuổi/lì xì cho trẻ con dịp tết, đưa tờ 10.000, 20.000 chúng còn chả thèm cầm, mà mình cũng ngượng, tự bộc lộ cái nghèo của mình.
Đồng tiền mệnh giá 1.000, 500, 200 cần được quốc hội xem xét lại sự tồn tại của nó. Khi hạch toán ngân sách, có thể tính tới từng xu, nhưng đó chỉ trên sổ sách, chứ để tồn tại đồng bạc lẻ không còn giá trị, bị hắt hủi, gây phiền nhiễu trong đời sống, rõ ràng là bộ máy cai trị có vấn đề về tư duy và quản lý.
Đi rút tiền ở cây ATM, chỉ thấy đùn ra những tờ bạc mệnh giá lớn 500.000 đồng (tức nửa triệu), vậy mà vẫn duy trì tờ bạc 200, 500, thật chả ra làm sao. Mồm quan cứ bảo không lạm phát, nhưng lạm phát rành rành ở đây chứ đâu.
Ông hàng xóm nhà tôi bảo chúng nó có xài tiền lẻ bao giờ đâu mà biết, ngay cả tờ bạc khủng nhất 500.000 đồng với chúng cũng chỉ như tiền lẻ. Chúng cấm đoán dân chúng mua bán, trữ đô la, ngoại tệ chứ trong ví chúng, thử mở ra coi, chúng lại không đi tù cả nút.
Đồng tiền lẻ 200, 500, có lẽ chỉ còn tác dụng thật sự trong những ngày tới ở BOT trấn lột Cai Lậy. Hãy chờ coi tác dụng vĩ đại của tiền lẻ khi nó là vũ khí chống bóc lột, chống bất công phi lý bạo tàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét