Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

20221018. DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2022

 ĐIỂM BÁO MẠNG

HỒI PHỤC ẤN TƯỢNG

MẠNH HÀ/VNN 17-10-2022

Với tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp và tỷ giá khá ổn định, Việt Nam trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

LTS: Dù kinh tế thế giới đang bị những đám mây đen bao phủ khắp nơi, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh nhiều màu xám ấy. Tuy nhiên, cả chuyên gia, doanh nghiệp lẫn nhà điều hành đều thận trọng cho rằng: Khó khăn, nguy cơ còn nhiều bởi độ mở nền kinh tế Việt Nam nằm trong top đầu thế giới. Và trong lúc này càng phải nỗ lực cải cách, phát huy hết các tiềm năng nội tại, nhất là môi trường kinh doanh, thị trường trong nước.

Loạt bài của VietNamNet ghi nhận sự hồi sinh của nhiều ngành kinh tế chủ lực, cũng như sự đánh giá đầy lạc quan của các tổ chức quốc tế, giới chuyên gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít nỗi lo trước những biến động của kinh tế toàn cầu và sức khỏe của các "yếu tố nội". 

Chuỗi dự báo tích cực

Theo HSBC, Việt Nam là quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP với dự báo sẽ đạt 6,9% trong năm 2022, được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.

Đây là đánh giá tích cực tiếp theo của các tổ chức nước ngoài dành cho Việt Nam trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái và thị trường tài chính toàn cầu bất ổn, lạm phát tăng vọt và đồng nội tệ nhiều nước tụt giảm hàng chục phần trăm so với USD.

Tại hội thảo “Triển vọng Thị trường 2022” do HSBC tổ chức, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng, khác hẳn thời điểm một năm trước, Việt Nam đang tràn ngập nhịp sống nhộn nhịp với giao thông đông đúc và những hy vọng mới.


Nguồn lao động Việt Nam tương đối trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ.

(Ảnh: Hoàng Hà)

Trước đó, hàng loạt tổ chức và chuyên gia hàng đầu trên thế giới cũng có những nhận định tích cực về nền kinh tế Việt Nam.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra tháng trước, ông Francois Painchaud, Trưởng đại Diện của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, đánh giá, Việt Nam hồi phục kinh tế ấn tượng trong năm nay khi có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế của châu Á. Đây là quốc gia duy nhất được điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 theo hướng tăng, từ 6% lên 7%.

Tổ chức này nhận định, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam lạc quan, ngược với xu hướng tăng trưởng chậm lại ở những quốc gia châu Á khác. 

Trong khi đó, tờ FT ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm 7 nền kinh tế nổi bật, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản trong bối cảnh thế giới đang nhiều khó khăn, kinh tế thế giới đang nghiêng về suy thoái và lạm phát gia tăng.

Chủ tịch Rockerfeller International, ông Ruchir Sharma nhận định trên FT, điểm chung của "7 kỳ quan kinh tế", trong đó có Việt Nam, là tăng trưởng tương đối cao, lạm phát vừa phải so với các nền kinh tế khác.

Còn Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - ông Alain Cany - đánh giá cao về thành quả tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt được thời gian qua, sau hơn 2 năm khó khăn do đại dịch Covid-19. 


Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 ở mức cao. 

(Biểu đồ: Mạnh Hà)

Theo ông Alain Cany, Việt Nam vẫn khá tích cực với động lực chính là nguồn lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ. Xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan, chiếm 19% GDP so với mức dưới 1% của năm 2010. Nhiều tập đoàn lớn như LEGO, Pegatron, Foxconn,... cam kết đầu tư vài trăm triệu cho tới cả tỷ USD vào Việt Nam.

Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), nhìn nhận, kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh và ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều bất lợi, suy giảm.  

WB dự báo Việt Nam tăng trưởng ở mức cao: 7,2% trong năm 2022. Ngân hàng này đánh giá cao sự phục hồi mạnh của nhu cầu quốc nội và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn vững chắc.

Ngân hàng UOB cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2022 lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 7% được đưa ra trước đó.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu

Dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 5, với tổng cộng 300 điểm phần trăm (từ 0,25% lên 3,25%/năm) và phát đi tín hiệu cứng rắn hơn trong thời gian tới. Lãi suất cơ bản của Mỹ có thể lên 4,6%/năm trong 2023, sau đó có thể ở mức cao trong một thời gian khá dài.


Mỹ kéo lãi suất cơ bản lên mức cao qua 5 lần tăng trong 9 tháng đầu năm 2022.

 (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Hàng loạt đồng tiền trên thế giới tụt giảm, mất giá từ 10-25% như yen Nhật (JPY), bảng Anh (GPB), won Hàn Quốc (KRW), euro, baht Thái (THB), dolar Đài Loan (TWD), PHP… Bảng Anh xuống thấp nhất trong 40 năm và sắp về ngang giá với USD. Đồng euro xuống mức thấp nhất 20 năm, yen Nhật thấp nhất 24 năm và won Hàn Quốc thấp nhất 13 năm so với USD.

So với USD, đồng Việt Nam giảm ít nhất trong số các đồng tiền tại châu Á, chỉ xuống giá 4% trong 9 tháng đầu 2022.

Lạm phát tại Việt Nam tính tới hết tháng 8/2022 ở mức 2,89% so với cùng kỳ, trong khi tại Mỹ là 8,3%; lạm phát tháng 8 tại châu Âu là 9,1% và con số này trong tháng 9 đã lên tới 10%.

GDP toàn cầu 2022 theo dự báo mới nhất của WB là 2,8%. Việt Nam là một trong số ít các nước giữ được tăng trưởng ở mức cao: 7,2% theo dự báo của WB hay 8,5% trong 2022 theo dự báo của Moody’s.

Các chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam được đánh giá khá linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ứng phó khá tốt với bất ổn, giữ được lạm phát ở mức thấp và tỷ giá USD/VND tương đối ổn định. Trong khi đó, Chính phủ cắt giảm nhiều loại thuế và đang đẩy mạnh đầu tư công để vừa đảm bảo kiềm chế được lạm phát, đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.


Lạm phát tại Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với Mỹ và EU. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Tuy nhiên, tình hình không hoàn toàn tươi sáng. Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng từ đầu tháng 10/2022 có dấu hiệu suy giảm nhanh, mặt bằng lãi suất huy động vốn tăng cao kể từ tuần cuối tháng 9 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc tìm kiếm điểm cân bằng vào thời điểm này rất khó khăn.

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô hồi giữa tháng 9/2022, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, nhận định, về tổng thể nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt, tăng trưởng tốt. Bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng…

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn,... Điều này có nghĩa “đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại”. Theo ông, nếu đầu tư công "bơm máu" ra được cho nền kinh tế thì tình hình sẽ tốt hơn. Nếu "bơm" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, Aaditya Mattoo, nhìn nhận, nhà hoạch định chính sách các nước đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Phó Chủ tịch WB phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Manuela V. Ferro, lưu ý, Việt Nam cần bảo đảm vững chắc sự tự cường của nền tài chính quốc gia và phải xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế. Ngoài ra, nên có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công và phát huy hiệu quả hơn những khoản đầu tư này.

MẠNH HÀ

- Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng 7,2% trong 2022, rủi ro ở phía trước
    CÚ LỘI NGƯỢC DÒNG TỪ VỊ TRÍ 'CHÓT BẢNG'
LƯƠNG BẰNG / VNN 18-10-2022

Nhờ khả năng phục hồi và vươn lên ấn tượng trong hoạt động sản xuất, kiềm chế lạm phát và giữ ổn định thị trường tài chính, Nikkei Asia đã nâng hạng chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam lên thứ hai thế giới, từ vị trí chót bảng trước đó.

Những cam kết đầu tư lâu dài

Vào tháng 7/2021, Panasonic kỷ niệm 50 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Đó cũng là thời điểm Covid-19 còn là từ khóa nóng. Đến nay, ông Marukawa, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, vẫn không quên những ký ức đầy ám ảnh, bởi thời điểm đó, doanh nghiệp này cũng như hầu hết nhà máy khác phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như sản xuất "3 tại chỗ", việc đi lại bị hạn chế...

Nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh nhờ chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, đạt được thành tích phục hồi sản xuất kinh doanh mà ông Marukawa mô tả “với tốc độ nhanh hơn các quốc gia khác trong khu vực châu Á”.

“Tôi đặc biệt ấn tượng và được truyền cảm hứng bởi sức bền bỉ, khả năng phục hồi của đất nước Việt Nam, cũng như sự chăm chỉ, tận tâm của những nhân sự người Việt vô cùng đáng quý của chúng tôi”, ông Marukawa bộc bạch tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tháng trước.

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc đã giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh,
đưa kinh tế trở lại đường đua.

Bởi vậy, dù không thể phủ nhận những thiệt hại do dịch bệnh, đại diện Panasonic vẫn coi Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược của doanh nghiệp, thiết lập tầm nhìn và cam kết cho 50 năm tiếp theo.

Nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đang cam kết đầu tư tại Việt Nam bằng những dự án đầy hứa hẹn. Điển hình như Công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Việt Nam (SEMV) đầu tư thêm 1,2 tỷ USD và đang nỗ lực sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn.

Chia sẻ với PV. VietNamNet con số đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá: Đây là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế giảm sút. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD - con số cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,05 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn FDI.

“Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận xét. Ông cho rằng, những điểm sáng của về cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 9 tháng năm 2022 là minh chứng khi nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể, Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng "ổn định". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam lên thứ hai thế giới. Còn nhớ, chính Nikkei Asia vào tháng 9/2021 xếp Việt Nam chót bảng, ở vị trí thứ 121/121 trong bảng xếp hạng này.

Còn ở khối doanh nghiệp ‘nội’, nhiều tập đoàn lớn cũng hồi sinh. Từng lao đao vì Covid-19 trong hai năm 2020-2021, đến nay Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có thể “thở phào”. Tổng doanh thu toàn tập đoàn 9 tháng năm 2022 ước đạt 698,3 nghìn tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch cả năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Đến hết 9 tháng, PVN đã hoàn thành vượt mức, về đích trước 4 chỉ tiêu: doanh thu toàn tập đoàn, doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất và nộp NSNN.

Còn Tập đoàn Hòa Phát, dù năm 2022 gặp không ít khó khăn về tiêu thụ, nhưng lũy kế 9 tháng đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, tương đương cùng kỳ 2021. Sản lượng bán các sản phẩm thép xây dựng, thép cán nóng HRC và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021, trong đó, thép xây dựng ghi nhận 3,4 triệu tấn sau 9 tháng, tăng 24%. 

Sự hồi phục sản xuất, kinh doanh đã thể hiện qua những con số về tăng trưởng, thu ngân sách. Tăng trưởng quý III tăng 13,67% còn 9 tháng tăng 8,83%.

GDP 9 tháng tăng cao. Nguồn: TCTK

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: Đến thời điểm này, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô đều rất tích cực và dự kiến tăng trưởng năm nay sẽ đạt khoảng 7%. Thu ngân sách đạt 95,5%; CPI tăng 2,58% và ở mức dưới 4% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; Nợ công khoảng 44%, kiểm soát ở mức an toàn, đảm bảo trong hạn mức mà Quốc hạn giao là 60% và ngưỡng cảnh báo 55%, hạn mức chi trả dưới 25% tổng thu ngân sách nhà nước; Bội chi ngân sách kiềm chế ở mức dưới 4%. 

“Có thể nói kinh tế vĩ mô và quản lý nợ công năm nay chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Hồ Đức Phớc đánh giá.

Khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương

Dù vậy, bên cạnh những điểm sáng tích cực, ông Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức phía trước.

Hệ lụy của dịch Covid-19, khủng hoảng Nga-Ukraine, Fed và ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất với mức cao làm đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam. Trong khi đó, kinh tế nước ta phụ thuộc khá lớn vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất, gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế.


Giá nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến
 nền kinh tế (Ảnh: Hoàng Hà) 

Mặt khác, theo chuyên gia này, do đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ luỵ của các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga gây nên khủng hoảng năng lượng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp và khá mạnh đến kinh tế Việt Nam.

“Điều này đang gây nên cơn bão giá toàn cầu, tạo áp lực rất lớn về kiểm soát lạm phát đối với kinh tế nước ta, gây nhiều khó khăn cho các ngành và lĩnh vực; làm suy giảm tổng cầu, gây bất ổn vĩ mô và giảm tiến độ và hiệu quả của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội”, ông Lâm nhận xét.

Dù đánh giá kiểm soát lạm phát là một trong những thành công lớn của năm 2022, nhưng bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) lưu ý còn một số yếu tố có thể làm tăng CPI những tháng cuối năm và áp lực cho năm 2023.

Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liệu vẫn ở mức cao, trong khi Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất. Việc nhập khẩu với giá cao sẽ tác động chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, tạo áp lực lên lạm phát. Giá đồng USD cũng đang tăng và càng làm tăng thêm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu 9 tháng tăng so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất 10 năm qua. Chỉ số giá nhập khẩu cũng tăng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trên 90% là nhập tư liệu sản xuất. Điều này cho thấy DN đang chịu sức ép về chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Trả lời câu hỏi của PV. VietNamNet về tác động của biến động tỷ giá gần đây, bà Oanh cho rằng: Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sự thay đổi của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế Việt Nam. Việc Fed tăng lãi suất làm đồng USD tăng giá mạnh, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam, các thị trường xuất khẩu lớn có khả năng bị thu hẹp, dẫn đến việc nhập khẩu lạm phát.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Bích Lâm, bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, có tới 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Do đó, việc tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy chương trình hỗ trợ phục hồi... vẫn sẽ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho năm 2022-2023 và những năm tiếp theo.

PHÍA SAU C ON SỐ TĂNG TRƯỞNG 9 THÁNG CAO NHẤT 12 NĂMVÂN PHONG/ KTSG 6-10-2022

(KTSG Online) – Chiến lược cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế đã giúp tâm thế của người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp thay đổi theo hướng tích cực, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi và đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất 12 năm.

Tại tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP – Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định” diễn ra chiều 5-10, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã tạo tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng GDP quý 4-2021 đạt kết quả dương, ngay sau khi Nghị quyết ban hành.

Từ đó tới nay, bước sang quý 3-2022, Nghị quyết 128 cùng Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã tạo ra tác động rất tích cực tới nền kinh tế.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt đạt 13,67% và 8,83%, mức cao nhất từ năm 2011 tới nay.

“Kết quả tăng trưởng trong quý 3 năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi”, ông Phương khẳng định.


Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Cũng theo ông Phương, thời điểm dịch bệnh diễn ra và sau dịch bệnh, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong năm 2022, khu vực nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng rất cao nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,43% trong 9 tháng đầu năm.

Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.

Về dịch vụ, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi với chính sách mở cửa du lịch. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa có dịch Covid-19.

Những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.


TS Phan Đức Hiếu phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Nhật Bắc

TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc chuyển hướng chiến lược từ chống dịch bằng mọi giá sang cân bằng giữa việc chống dịch và phát triển kinh tế đã giúp tâm thế của người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp thay đổi.

“Trước đây đâu đó chúng ta hơi sợ hãi, lúng túng, bị động, các địa phương độc lập với nhau thì nay phải thay đổi hẳn, buộc phải hợp tác với nhau, tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề”, ông Hiếu nhận xét.

Chuyên gia này nêu nhận định doanh nghiệp đã chuyển từ trạng thái lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh sang khôi phục niềm tin, xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng có thể bị chấm dứt hay gián đoạn bất kể khi nào và gây thiệt hại cho mình. Tương tự, người dân cũng xây dựng cho mình kế hoạch sinh sống, làm việc dài hạn hơn.

“Nếu không có kế hoạch bài bản, dài hạn vững chắc thì rất khó tạo ra thành quả như ngày hôm này”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, bài học rút ra Nghị quyết 128 là với doanh nghiệp, cần có những tuyên bố rõ ràng, công khai, minh bạch, có thể dự đoán được và dài hạn.

Về kịch bản tăng trưởng GDP quý 4 và cả năm 2022 ông Phương đặt ra 2 kịch bản. Với kịch bản thấp, kinh tế quý 4 gặp nhiều rủi ro khó đoán định. Theo đó, tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 7,5%. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu không có yếu tố đột biến thì tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%.

“Trong các báo cáo, Bộ KHĐT đã tham mưu để báo cáo xin ý kiến Trung ương cũng như xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về các nhận định, đánh giá về bối cảnh tình hình cũng như về khả năng có thể đạt được kết quả năm 2022 thì chúng ta có thể đưa ra nhận định GDP tăng trưởng khoảng 8%”, ông Phương nói tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2022.

Về triển vọng kinh tế 2023, ông Phương nhận định nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đan xen với một vài thuận lợi. Nhưng khó khăn thì nhiều hơn và thậm chí còn khó hơn.

Đó là sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 được dự báo là vô cùng khó khăn.

“Có thể nói rằng vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của nước ta khó có thể kết thúc trong 1-2 tháng tới và có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023”, ông Phương cho biết.

Lạm phát và các chính sách kiểm soát lạm phát với cường độ rất cao của các nền kinh tế lớn, theo ông Phương, dễ dẫn tới suy thoái kinh tế.

“Dể khắc phục tình trạng lạm phát cao dẫn đến suy thoái thì thời gian để phục hồi, phát triển và vượt qua không hề ngắn chút nào. Do vậy, chúng tôi dự báo bối cảnh tình hình kinh tế thế giới 2023 rất khó khăn”, ông Phương giải thích.

Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine hiện chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuộc xung đột này kéo theo vấn đề năng lượng, yếu tố quyết định rất nhiều tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Phương, khi cuộc xung đột nổ ra thì các cơ quan quản lý rất vất vả trong điều hành giá xăng, dầu, cũng như lạm phát. Bối cảnh xung đột hiện tại cũng khiến việc đoán định càng khó hơn. Vì vậy, đây là một yếu tố bất lợi với kih tế Việt Nam năm 2023.

“Căng thẳng này nếu đẩy lên một mức độ cao hơn nữa có thể sẽ dẫn tới các hệ lụy vô cùng khó cho an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn cung hàng hóa. Đó là vấn đề chúng ta rất lo ngại và cần phải nắm chắc tình hình để có chính sách ứng phó kịp thời”, ông Phương nói.

Bên cạnh đó các vấn đề nguy cơ phi truyền thống như bão lũ, dịch bệnh cũng tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.

“Với những bối cảnh trên, chúng tôi đã đưa ra một con số báo cáo với Chính phủ lựa chọn một kịch bản tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%”, ông Phương cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét