Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

20221012. TỶ PHÚ TRƯƠNG MỸ LAN BỊ BẮT

 ĐIỂM BÁO MẠNG


BỘ CÔNG AN BẮT BỊ CAN TRƯƠNG MỸ LAN VÀ 3 ĐỒNG PHẠM

XDCSPL.CP 8-10-2022

(Chinhphu.vn) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 03 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019

Bị can Trương Mỹ Lan bị bắt vì có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật

Ngày 8/10, Cổng TTĐT Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư, của các công ty, đơn vị liên quan Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 07/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 03 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019; gồm:

Bộ Công an bắt bị can Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm - Ảnh 1.

Bị can Trương Mỹ Lan. Ảnh BCA

1. Họ tên: Trương Mỹ Lan, Giới tính: Nữ

Sinh ngày 13 tháng 10 năm 1956, tại: Thành phố Hồ Chí Minh

Nghề nghiệp: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bộ Công an bắt bị can Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm - Ảnh 2.

Bị can Trương Huệ Vân. Ảnh BCA

2. Họ tên: Trương Huệ Vân, Giới tính: Nữ

Sinh ngày 21 tháng 03 năm 1988, tại: Thành phố Hồ Chí Minh

Nghề nghiệp: Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor.

Bộ Công an bắt bị can Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm - Ảnh 3.

Bị can Nguyễn Phương Hồng. Ảnh BCA

3. Họ tên: Nguyễn Phương Hồng, Giới tính: Nữ

Sinh ngày 25 tháng 10 năm 1984, tại: Thành phố Hồ Chí Minh

Nghề nghiệp: Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.


4. Họ tên: Hồ Bửu Phương, Giới tính: Nam

Sinh ngày 19 tháng 07 năm 1972, tại: Thành phố Hồ Chí Minh

Nghề nghiệp: Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bộ Công an bắt bị can Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm - Ảnh 4.

Bị can Hồ Bửu Phương. Ảnh BCa

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các thủ tục tố tụng theo đúng quy định pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra vụ án và triệt để thu hồi tài sản.

Bộ Công an bắt bị can Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm - Ảnh 2.

Mặt tiền khu "đất vàng" gần 2.000m2 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, đã thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh CAND

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra và các thông báo liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Theo báo Công an nhân dân, liên quan đến những sai phạm trong việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra và các thông báo liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Trong đó, tại dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh, do Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; do bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT tập đoàn) làm chủ đầu tư, vào tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, chỉ rõ nhiều sai phạm tại dự án này...

Thông báo kết luận số 1068/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hồ Chí Minh.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, rà soát để có biện pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản của nhà nước đối với dự án nêu trên, trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản nhà nước thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cho biết, vị trí nhà đất tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt nên đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật.

Theo kết luận thanh tra, dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư có tổng diện tích đất 1.954m2, khu đất này có nguồn gốc là đất của nhà nước. Khu đất này trước đây là khách sạn Vạn Xuân, được Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cấp phép xây dựng cho Liên hiệp dịch vụ - sản xuất - thương mại  (thuộc Tổng Công ty TM Sài Gòn).

Ngày 24/12/1999, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty DV và TM TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, cho phép Công ty DV và TM TP Hồ Chí Minh được chuyển nhượng phần góp vốn trong khách sạn Vạn Xuân cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, với mức chuyển nhượng như định giá của Hội đồng định giá tài sản liên danh tại biên bản ngày 2/11/1991 (không kể giá trị sử dụng đất) là 587.332 USD, nhằm tạo điều kiện để Công ty DV và TM TP Hồ Chí Minh thu hồi bảo toàn được vốn. Đồng thời, cho phép Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát tiếp tục đầu tư thêm vốn, bổ sung thêm một số chức năng theo quy định luật pháp và tiếp tục hợp đồng thuê đất với cơ quan quản lý đất của thành phố.

Ngày 22/2/2000, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển nhượng phần hùn vốn khách sạn Vạn Xuân. Trong đó nêu Công ty DV và TM thu hồi khoản vốn chuyển nhượng hùn vốn khách sạn Vạn Xuân là 8.223.235.332 đồng, nộp ngân sách thành phố. Các khoản lỗ từ kinh doanh khách sạn Vạn Xuân do Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát giải quyết.

Ngày 6/2/2006, UBND TP Hồ Chí Minh có Quyết định cho Công ty Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại 187A, 187H, 193-203 Trần Hưng Đạo. Trong đó, diện tích thuê là 1.985m2, mục đích cho thuê là để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đất hết năm 2020.

Ngày 7/12/2012, Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ về tài chính bất động sản DATC, có chứng thư thẩm định giá trị quyền sử dụng đất tại 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo là 204.281.789.000 đồng.

Ngày 21/1/2013, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cùng Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh có biên bản họp thẩm định giá. Ngày 1/2/2013, Sở Tài chính có tờ trình về việc thẩm định giá theo cơ chế thị trường để Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện nghĩa vụ tài chính, khi chuyển hình thức sử dụng đất từ “thuê đất” sang “giao đất có thu tiền sử dụng đất” để làm văn phòng cho thuê và trụ sở văn phòng (đất chuyên dùng). Tổng giá trị quyền sử dụng đất là 204.281.789.000 đồng.

Ngày 17/4/2012, UBND TP Hồ Chí Minh có Quyết định về việc duyệt giá trị quyền sử dụng đất là 204.281.789.000 đồng. Đến ngày 17/4/2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp đủ số tiền trên.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định: "UBND TP Hồ Chí Minh không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định, làm giảm giá trị quyền sử dụng đất. TP Hồ Chí Minh áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20 ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng, dẫn tới làm giảm giá trị quyền sử dụng đất".

Đến thời điểm thanh tra, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của công ty, văn phòng cho thuê VTP Office Building.

Thanh tra Chính phủ khẳng định: "Vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt”.

Do đó, “Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thất thoát tài sản nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của nhà nước”, Thanh tra Chính phủ đề nghị.

Việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị cơ quan thanh tra gọi tên như nêu trên không phải là lần đầu tiên, mà trước đó, doanh nghiệp này được dư luận quan tâm vì dính lùm xùm “bảo lãnh” tại một ngân hàng được cho là có mối quan hệ tín dụng thân thiết cho khoản chi vay dự án.

Bộ Công an bắt bị can Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm - Ảnh 5.

Khu đất số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh CAND

Đáng nói, Vạn Thịnh Phát và nữ đại gia Trương Mỹ Lan đã được nhắc đến nhiều và được cho là nhóm cổ đông chính của ngân hàng nêu trên.

Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ phát hiện Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh để lập dự án, rồi mang đi thế chấp ngân hàng để vay tiền ngân hàng trái luật.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay và các khoản vay liên quan đến việc sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 của 4 cơ sở nhà, đất nói trên.

Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm nêu tại kết luận này đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền…


CHẤN ĐỘNG THÀNH HỒ, BẮT TRƯƠNG MỸ LAN VÀ GÕ CỬA NHÀ
LÊ THANH HẢI
THU HÀ /TD 8-10-2022


Từ chuyến kinh lý của tổng Trọng…
Ngày 22-9-2022, trên khắp các ngã ba, ngã tư đường nội thành Đà Nẵng đều rải từ ba đến bốn cảnh sát lập chốt. Lực lượng an ninh chìm, nổi bố trí dày đặc, cùng với thông tin lan truyền cho hay, ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Đà Nẵng. Tuy nhiên tin cuối ngày, các cảnh sát mới té ngửa, đây chỉ là đòn gió của Bộ Công an, nhằm đánh lạc hướng chuyến đi của ông Trọng.
Sáng hôm sau, tức ngày 23-9-2022, chuyên cơ đưa ông Nguyễn Phú Trọng bay thẳng từ Nội Bài đến Tân Sơn Nhất. Cùng đi theo ông Trọng là một bộ sậu quyền lực nhất của cung đình cộng sản, gồm:
- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng;
- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai;
- Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an;
- Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa;
- Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng
- Cùng lãnh đạo các ban Đảng, bộ ngành trung ương…
Nguyễn Phú Trọng kinh lý thành Hồ. Ảnh trên mạng
Chuyến đi của ông Trọng được truyền thông của đảng cho biết là “thăm và làm việc với lãnh đạo TP HCM”. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra, sau lần đột quỵ tháng 4-2019, đây là lần đầu tiên người đứng đầu của đảng kinh lý phương Nam, thì sao chỉ làm việc trong thời gian chỉ một ngày và chỉ giới hạn tại Thành uỷ thành Hồ?
Ông Trọng đã bí mật bàn những gì với Ban Thường vụ thành uỷ, thông tin không được lộ ra ngoài. Nhưng tin rò rỉ từ những cựu sĩ quan an ninh của quân đội và công an cho hay, khả năng đập nát môt đế chế thao túng nền kinh tế và sẽ bắt giam một vài cựu lãnh đạo cao cấp tại thành Hồ là rất lớn.
Bởi lẽ, ông Trọng mang theo vào thành Hồ cả bốn Uỷ viên Bộ Chính trị hàng đầu, có lãnh đạo cầm đầu quân đội lẫn công an và hai Bí thư Trung ương đảng. Ngoài thị uy, Nguyễn Phú Trọng còn ngụ ý trấn an, bảo đảm sinh mạng chính trị cho phe cánh đang lãnh đạo thành Hồ là Nguyễn Văn Nên, Phan Văn Mãi, cũng như dằn mặt giới cựu lãnh đạo cấp cao từng hùa theo, ăn chia cùng phe Lê Thanh Hải (tức Hai Nhựt).
Đến bắt tài phiệt Trương Mỹ Lan…
Sau nhiều ngày câu lưu thẩm vấn, sáng ngày 8-10-2022, Bộ Công an công bố chính thức, đã khởi tố bắt giam bà trùm giàu nhất Sài Gòn, Trương Mỹ Lan cùng với em gái và cộng sự: Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương.
Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan trước (ảnh trên) và sau khi bị bắt giữ. Ảnh trên mạng
Bà Trương Mỹ Lan (còn có tên gọi khác là Trương Muội) sinh năm 1956, là nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa giàu có ở Việt Nam. Hiện bà Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng ở thành Hồ.
Chồng bà Lan là Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân bất động sản ở Hong Kong. Vợ chồng bà Lan có hai người con gái tên là Chu Duyệt Hằng (sinh năm 1994) và Chu Duyệt Phấn (sinh năm 1995).
Chu Duyệt Phấn hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo trợ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp vừa ủng hộ 1.450 tỷ đồng mua vaccine Trung Quốc về chích ngừa dịch Covid-19 cho dân Việt.
Ngoài bà Lan, gia tộc họ Trương còn hai doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nắm giữ lượng cổ phần rất lớn tại Vạn Thịnh Phát là Trương Chí Trung, cha bà Lan và Trương Huệ Vân, cháu bà Lan.
Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan phất lên từ những năm Lê Thanh Hải làm chủ tịch UBND thành phố. Tuy nhiên, bà Lan thâu tóm bất động sản, đất vàng và trở thành trùm tài phiệt số một kể từ năm 2007, khi Lê Thanh Hải lọt vào Uỷ viên Bộ Chính trị và giữ chức bí thư thành Hồ.
Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan hiện sở hữu rất nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP. HCM. Tập đoàn này luôn gây sốt thị trường địa ốc, thâu tóm đất vàng, tạo lập các siêu dự án, sở hữu nhiều dự án tọa lạc ngay trung tâm Sài Gòn như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton…
Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn có hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza…
Trương Mỹ Lan cũng đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng, tương đương 35 triệu Mỹ kim để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp, diện tích gần 3000m2, toạ lạc số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 Sài Gòn.
Nổi tiếng giàu có bậc nhất Sài Gòn, nhưng từ năm 2006, doanh nhân Ted Sioeng, quốc tịch Indonesia, tố cáo vợ chồng Trương Mỹ Lan lợi dụng việc mời chào đầu tư để lừa đảo chiếm đoạt của Ted Sioeng tổng cộng 6 triệu Mỹ kim.
Vụ việc từng đưa ra tòa, nhưng cuối cùng, dưới sự bảo kê của “lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải, vụ án chìm xuồng và Trương Mỹ Lan thoát.
Vợ chồng Trương Mỹ Lan cũng bị nêu tên trong “hồ sơ Panama”, liên quan đến trốn thuế và rửa tiền.
Tháng 1-2014, trong một phiên toà, bị cáo Dương Chí Dũng đã khai, có nhận của bà Lan số tiền 1 triệu Mỹ kim, để hối lộ cho thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Uỷ viên Trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhằm lấy dự án tại Cảng Sài Gòn.
Nhìn lại, Trương Mỹ Lan là người đàn bà thật siêu đẳng. Từ tiểu thương buôn vải tại chợ An Đông, cuộc đời đưa đẩy bà ta gặp được và kết nghĩa chị em với Trương Thị Hiền, em gái bà Trương Mỹ Hoa và là phu nhân của Hai Nhựt, bí thư quận uỷ Quận 5 thời đó, mà số phận đã thay đổi 180 độ.
Dựa vào thế lực gia tộc Lê Thanh Hải, Vạn Thịnh Phát trở thành tập đoàn khổng lồ, tổng số vốn lên đến hàng tỷ Mỹ kim. Từ đất đai của dân nghèo Thủ Thiêm, đến các công sản trung tâm đô thành Sài Gòn, lần lượt lọt vào tay tài phiệt Trương Mỹ Lan và chia chác cho gia tộc Lê Thanh Hải.
"Tứ đại hung thần" thành Hồ: Theo chiều kim đồng hồ, Hải - Quân - Tài - Đua.
Người vợ không cưới, nhưng có hai mặt con với Lê Trương Hải Hiếu, trưởng nam của lãnh chúa Lê Thanh Hải chính là Cheng Bảo Phương. Ít người biết, cô Cheng chính là con nuôi của Trương Mỹ Lan và có thời gian hàng chục năm giữ “tay hòm chìa khoá” cho bà Lan.
Bắt được Trương Mỹ Lan kỳ này, hy vọng “lò ông Trọng” gõ được cửa nhà Hai Nhựt. Những cái tên lần lượt sẽ bị ném vào chảo lửa là Nguyễn Thành Phong, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua.
Người ta cho rằng, chỉ khi nào ông Trọng đưa vụ án Trương Mỹ Lan vào diện theo dõi của Ban phòng chống tham nhũng Trung ương, thì may ra “tứ đại hung thần” Lê Thanh Hải - Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua – Tất Thành Cang, cùng các tay chân hút máu ở thành Hồ mới bị bắt hết và trả nợ cho dân chúng.
Lê Thanh Hải và Trương Mỹ Lan trong một sự kiện. Ảnh trên mạng
Đảng cộng sản Việt Nam đã “đào tạo, nuôi dưỡng và rèn luyện” nên thứ mà họ cho là “tinh hoa” để đưa vào Ban chấp hành Trung ương đảng. Và chính dảng cũng lột mặt “đảng viên chuyên chính vô sản” ra, trong các cuộc thanh trừng đẫm máu đễ giành lại những gì họ cần phải lấy.
Mặt thật của đảng sẽ dần lộ diện, những đảng viên hưu trí và một bộ phận dân chúng hò reo, hô hào “người đốt lò vĩ đại” sẽ có ngày phải cười ra nước mắt, nếu như “sĩ phu Bắc Hà” bị thế lực khác tiếm quyền tiêu diệt hoặc đem ra trước giá treo cổ để luận tội.

THU HÀ

BĂT GIAM BÀ TRƯƠNG MỸ LAN BÂY GIỜ LÀ QUÁ MUỘN
TRẦN ĐÌNH TRIỂN/ TD 8-10-2022


Bà Trương Mỹ Lan sinh 1956, người Việt gốc Hoa, tên khai sinh là Trương Muội; có chồng thứ 2 là Eric - Người Anh, sinh sống kinh doanh bất động sản tại Hồng Kông.
Nếu như tôi không có “bàn tay sạch, trái tim trong sáng” và “thần kinh thép”,… thì không hiểu cuộc đời và sự nghiệp của tôi sẽ như thế nào bởi sự ma mãnh của bà Trương Muội và một số người đầy ắp quyền lực đứng sau lưng Trương Muội.
Để hiểu rõ chân tơ kẻ tóc của con người này, không ai khác là Bà Hai Liên (nguyên Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai) và bà Linda Tan Woo (còn có tên là Nguyễn Thị Dung) Viêt kiều ở Hồng Kông về đầu tư ở Đồng Nai. Thân thiện, giúp đỡ và bị “ăn cháo đái bát”, thậm chí bà Linda còn bị Trương Muội “tống” vào tù. Tôi là người “cứu” bà Linda ra khỏi trại tạm giam và không bị tù tội.
***
TRƯƠNG MỸ LAN TỪ “HAI BÀN TAY TRẮNG” ĐẾN…
Vào đầu những năm của thập kỷ 90, Trương Muội thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát (thành viên trong gia đình) chủ yếu kinh doanh du lịch và nhà hàng, lợi nhuận thu được cũng chỉ đủ sống;
Sau đó, đường đi nước bước thế nào, Trương Muội được một vị Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho mua khu nhà làm việc và đất vàng tại đường Trần Hưng Đạo, Quận I của Công ty dịch vụ và thương mại - thuộc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh. Tiền đặt cọc và tạm ứng là vay ngân hàng và huy động vốn góp của một số đối tác. Việc mua bán này, Thanh tra Chính phủ kết luận là vi phạm pháp luật, đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh không cho chuyển nhượng, cần xin ý kiến Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.
Không hiểu lý do gì mà khu nhà làm việc và khu đất vàng thuộc tài sản công này, vẫn rơi vào tay Trương Muội.
… LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT THÀNH CÔNG 6 TRIỆU USD LÀM NỀN TẢNG TRỞ THÀNH TỶ PHÚ
Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, nhà nước Trung Quốc có tổ chức cuộc gặp doanh nhân người Hoa ở nước ngoài. Bà Linda và bà Trương Mỹ Lan sang Trung Quốc tham gia cuộc gặp gỡ đó; do có mối quan hệ thân quen từ trước giữa bà Linda với Ông Ted Song (nhà tư sản người Hoa nổi tiếng ở Indonesia); bà Linda giới thiệu bà Trương Mỹ Lan làm quen với ông Ted Song để cùng hợp tác đầu tư.
Từ mối quan hệ đó, bà Trương Mỹ Lan mời ông Ted tham gia đầu tư vào dự án Trung tâm thương mại An Đông, TP Hồ Chí Minh. Hợp đồng được ký kết: Trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan là phải hoàn thiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; ông Ted phải chuyển tiền đầu tư 6 triệu USD vào tài khoản của Bà Trương Mỹ Lan; bà Linda được hưởng một tỷ lệ cổ phần trong dự án Trung tâm thương mại An Đông do có công môi giới và tư vấn cho cả hai bên về dự án này.
Nói thêm về dự án Trung tâm thương mại An Đông: nguồn gốc là do Ngân hàng CP Việt Hoa lập dự án, kêu gọi vốn góp của bà con tiểu thương. Sau đó, Ngân hàng Việt Hoa gặp sự cố; trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng nhà nước VN và UBND TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phan Văn Khải có văn bản chỉ đạo: tập trung thu nợ tiền vay, tiền đầu tư,… để thanh toán tiền gửi cho dân; riêng Trung tâm thương mại An Đông giao cho Công ty Xây dựng Quận 5 (Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) tiến hành bàn bạc với các hộ tiểu thương để tiến hành xây dựng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, sau khi Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu, thì dự án rơi vào tay Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát (Trương Mỹ Lan) đầu tư.
Thực hiện đúng cam kết, ông Ted Song 3 lần chuyển tiền đủ 6 triệu USD về tài khoản ngoại tệ đứng tên bà Trương Mỹ Lan tại ngân hàng. Nhận được số tiền đó, Trương Mỹ Lan không làm thủ tục đầu tư cho ông Ted và phần hoa hồng hưởng cổ phần của bà Linda trong dự án Trung tâm thương mại An Đông. Trương Muội chiếm đoạt, sử dụng toàn bộ số tiền này của ông Ted và tiến hành đầu tư riêng dự án này.
(Còn nữa)

TRẦN ĐÌNH TRIỂN

NHỮNG MỐI QUAN HỆ MỜ ÁM

ĐỖ NGÀ/ TD 10-10-2022


Chồng bà Trương Mỹ Lan là Chu Nap Kee Eric, một doanh nhân người Hồng Kông. Bà Trương Mỹ Lan là người đứng đầu tập đoàn Vạn Thịnh Phát, một tập đoàn rất lớn nhưng khá kín tiếng. Ở Việt Nam, nếu không dựa vào chính trị thì không thể làm ăn lớn như vậy được.
Các dự án bất động sản của Vạn Thịnh Phát đều có dấu ấn của một công ty kiến trúc tại Hồng Kông, quê hương ông Chu Nap Kee Eric. Đấy là công ty Kent Lui. Công ty này đã thiết kế hầu hết các dự án cho Vạn Thịnh Phát như Sai Gon Penisula, Sai Gon Times Square v.v... Công ty này có trụ sở chính tại Hồng Kông và có chi nhánh tại toà nhà VTP Building, 193-203 Trần Hưng Đạo, Phường Cô Giang, Quận 1, TPHCM và nơi đây cũng là trụ sở chính của Vạn Thịnh Phát. Điều đáng nói là Công ty Kent Lui chỉ có một trụ sở chính và một chi nhánh duy nhất tại TP. HCM có lẽ nó được lập ra là mang sứ mệnh làm dự án cho Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan và chồng Chu Nap Kee Eric. Ảnh trên mạng
Công ty Kent Lui của Kiến trúc sư cùng tên vào năm 2002 đã từng thiết kế dự án Tuyến Metro Olympic Bắc Kinh vào năm 2002. Để thiết kế được dự án cực lớn như vậy ở Trung Quốc Đại Lục ắt là có quen biết đến hàng Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Và đến năm 2010, công ty Kent Lui đã thiết kế rất nhiều dự án cho Việt Nam như Thủ Thiêm, Cảng Sài Gòn, cảng Bạch Đằng, Quảng Trường Times Square, đặc khu kinh tế Vân Đồn, Đặc khu kinh tế Vân Phong. Chính công ty Kent Lui hiện nay đang thiết kế 3 đại dự án cho Sunny World (công ty con của Vạn Thịnh Phát) tại Vân Đồn, Quảng Ninh, trị giá lên đến hàng chục tỷ đô la.
Có vẻ như Vạn Thịnh Phát chỉ là cái vỏ cho một cánh tay nào đó từ nước ngoài, bà Trương Mỹ Lan và con cháu của bà đứng tên pháp lý, người có quyền lực thực sự ở tập đoàn này là ông Chu nap Kee Eric, chồng bà Lan. Chính ông này là cầu nối để những công ty có mối quan hệ với Bắc Kinh sang hỗ trợ. Việc Kent Lui nhúng tay vào Thủ Thiêm, Vân Đồn và Vân Phong cho thấy công ty này không đơn giản chỉ là doanh nghiệp thông thường. Có thể nó là một bình phong cho thế lực chính trị thì mới hốt được những dự án nhạy cảm như thế. Ai cũng biết, đụng tới Vân Đồn, Vân Phong và Thủ Thiêm là đụng tới ổ kiến lửa lòng dân Việt Nam, rất rủi ro.
Sự lớn mạnh của Vạn Thịnh Phát gắn liền với những ưu ái từ ông Lê Thanh Hải. Từ thời ông Lê Thanh Hải làm bí thư Quận 5 cho đến Bí thư Thành ủy thành phố. Cấp bậc của ông Lê Thanh Hải lớn lên thì Vạn Thịnh Phát cũng lớn lên. Đáng chú ý là năm 2008, ông Chu Vĩnh Khang lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc tới thăm TP.HCM. Một ông Bộ trưởng đáng lý ra làm việc với đồng cấp bên Việt Nam chứ thăm người đứng đầu chính quyền địa phương làm gì?
Tiếp ông Chu Vĩnh Khang có Lê Thanh Hải và Nguyễn Văn Đua, hai trong ba nhân vật gây ra nỗi oan khuất cho bà con Thủ Thiêm. Ông Chu Vĩnh Khang được biết là trùm mật vụ của Trung Quốc, là cánh tay phải của Hồ Cẩm Đào, tuy nhiên đến thời Tập Cận Bình, ông Chu bị thất sủng.
Càng ngày càng lộ ra là Vạn Thịnh Phát đang bị điều hành bởi thế lực nước ngoài. Ông Lê Thanh Hải khi còn nắm quyền lãnh đạo thành phố cũng có mối liên hệ với trùm mật vụ Trung Quốc, và ông Lê Thanh Hải hỗ trợ Vạn Thịnh Phát. Mối liên hệ quyền - tiền này dường như không giới hạn trong nước mà nó vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Việc bắt bà Trương Mỹ Lan không hẳn là vụ án kinh tế, kinh tế chỉ là lý do.
Liên quan đến Vạn Thịnh Phát có hai cái chết. Chắc mọi người còn nhớ cái chết của ông Phạm Quý Ngọ. Tại phiên tòa ngày 7 tháng 1 năm 2014, bị cáo Dương Chí Dũng đã khai tại tòa là, vào năm 2010, ông đã giúp bà Trương Mỹ Lan của Công ty Vạn Thịnh Phát ở TP Hồ Chí Minh khoản tiền hối lộ 1 triệu USD cho Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an. Và không lâu sau, ông Phạm Quý Ngọ chết rất kịp lúc vì bệnh “ung thư”.
Cái chết thứ nhì là Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập SCB Nguyễn Tiến Thành, mới diễn ra cách đây vài ngày. Ông này chết đột ngột trong khi có thông tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt là một dấu hỏi to tướng. Được biết, ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Chết là không đối chứng, để cắt mạch điều tra một cách an toàn thì từ hàng ngàn năm trước, các thế lực chính trị đã biết cho người đó ngậm miệng vĩnh viễn là các tốt nhất để họ an toàn. Không biết nguyên nhân cái chết ông Phạm Quý Ngọ và Nguyễn Tiến Thành có phải là do bệnh hay không? Chỉ biết những người này chết thì sẽ đứt mạnh điều tra của Bộ Công an. Đặc biệt cả hai cái chết đều dẫn đến một cái tên duy nhất – Trương Mỹ Lan.
Việc chết làm đứt mạch điều tra chỉ có thể diễn ra với những vụ án cực lớn và liên quan đến những nhân vật cực khủng trong hệ thống chính trị, vì chỉ có những nhân vật làm to hay có mối quan hệ lớn có thể bí mật cho người khác ngậm miệng vĩnh viễn phải có quyền lực chính trị lớn mới làm được để không bị lộ. Trước đây, cái chết của ông Trần Bắc Hà cũng na ná với hai cái chết kể trên. Biết rằng, đã chết vì bệnh thì không ai có thể chọn được thời gian nhắm mắt, tuy nhiên cái chết là làm đứt mạch điều tra thì không thể không làm người ta nghi ngờ.
Rất nhiều người thắc mắc rằng, ông Lê Thanh Hải đã mất hết quyền lực chính trị, tại sao đã 7 năm sau khi không còn quyền lực mà ông Trọng chưa tống được ông này vào lò trong khi tội chứng đã hai năm rõ mười ở đại án Thủ Thiêm? Và mối quan hệ phức tạp của ông này cũng có thể cho người ta hiểu được phần nào ông Trọng lại cứ mãi vờn mà không tóm. Liệu lần này có tóm được ông Lê Thanh hải hay không thì cứ đợi mà xem.
________
Đọc thêm:

ĐỖ NGÀ


VẠN THỊNH PHÁT, TRƯƠNG MỸ LAN, HỌ LÀ AI?
KIM VĂN CHÍNH/TD 10-10-2022


1. Chuyện nước Nhật Bản
Năm 2011, có chuyện Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara đã phải xin từ chức vì bị tố cáo đã nhận một khoản tiền quyên góp (600$) từ một người nước ngoài khi ông vận động góp quỹ bầu cử cho đảng của ông. Ông Maehara đã xin lỗi người dân Nhật Bản và đã từ chức chỉ sau sáu tháng nhận chức.
Khoản tiền này tuy nhỏ nhưng luật pháp Nhật Bản cấm nhận những khoản đóng góp chính trị từ các cá nhân là người nước ngoài.
Trên thực tế, “người ngoại quốc” mà ông nhận tiền đóng góp là một bà hàng xóm, chủ một quán ăn mà ông quen biết nhiều năm nay. Chính ông có thể cũng không biết bà vẫn mang quốc tịch Hàn Quốc.
Chuyện không để chính trị bị các thế lực ngoại bang, nhất là các ngoại bang thù địch hoặc có dã tâm là rất quan trọng và nhạy cảm. Nó gắn với an ninh quốc gia và uy tín chính trị của nhà cầm quyền.
Ở nước ta, xưa thì có các ông như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, kể cả góc độ nhất định thì Nguyễn Ánh - Gia Long, sau thì có các ông như Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, góc độ nhất định cả Phùng Quang Thanh đều là những tấm gương trong xử lý quan hệ với nước lớn có dã tâm...
2. Vài nét về người Việt gốc Hoa ở Việt Nam
Lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, nhất là ở Miền Nam, gắn liền với nhiều đợt di dân, thôn tính và cai trị của các triều đại phương Bắc (Trung Hoa). Tuy nhiên, các dòng tộc, gia đình, có khi ban đầu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng sau nhiều thế hệ sống trong môi trường văn hóa Việt, lấy vợ lấy chồng nhiều đời, đều trở thành người Việt chính hiệu cả về văn hóa và ý thức chính trị. Nhiều người nổi tiếng dù là gốc gác phương Bắc nhưng trở thành những anh hùng Việt Nam, tham gia các cuộc kháng chiến của người Việt chống lại xâm lược của phương Bắc.
Có những dòng họ như dòng Mạc Cửu – người chinh phục và phát triển vùng đất Hà Tiên, sau khi đầu quân gia nhập về đất Việt, được tấn phong chức truyền đời Tổng đốc và làm đến 4 đời. Nhiều nhóm người Hoa ở Việt Nam không còn nói tiếng Hoa hoặc tiếng nơi họ có nguồn gốc, họ đã được Việt hóa và tự nhận là người Việt. Người Hoa thường chỉ để gọi các nhóm người mới di cư chưa đầy 3 đời hoặc một số nhóm sống biệt lập thành cộng đồng rất riêng, không nói tiếng Việt.
Trước năm 1975, người Hoa (Việt gốc Hoa) ở miền Nam có khoảng 1,5 triệu người, tập trung ở vùng Chợ Lớn. Họ nắm giữ kinh tế của xã hội miền Nam do tài năng kinh doanh và tinh thần gắn kết bè đảng của họ.
Sau năm 1975, ngoài đợt chạy di tản trước 30-4, có sự kiện “nạn kiều”, tức sự kiện người Hoa ồ ạt di cư về Trung Quốc và đa phần đi nước ngoài do Việt Nam có chiến tranh với Trung Quốc. Có khoảng trên dưới 1 triệu người đã ra đi, trong đó có cả những người giỏi về làm ăn, giàu có về tài sản.
"Nạn kiều" năm 1978-1979 không hẳn là kết quả chính sách của TQ xúi giục "đội quân thứ 5" làm loạn nước ta, nó còn là biện pháp rất ngoạn mục của chính Nhà nước Việt Nam để thúc đẩy, ép buộc người Hoa, Việt gốc Hoa ra khỏi các ngành và địa bàn trọng yếu về an ninh, xã hội...
Kết quả là người Hoa gần như sạch bóng khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, người Hoa chỉ còn khoảng gần 1 triệu người, sống tập trung ở Quận 5, 6, 11.
Những nhóm người Hoa bình thường (vốn có quê hương rất khác nhau và mức độ hòa nhập, "Việt hóa" cũng khác nhau) thường chỉ chăm chút làm ăn, không thích can dự vào chính trị. Khi Việt Nam gặp khó khăn, khủng hoảng kinh tế năm 1978-1991, nhiều người Việt gốc Hoa đã được khuyến khích trổ tài sản xuất, buôn bán, kinh doanh, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới. Nhiều công ty làm ăn chân chính, phát triển đến tận bây giờ như Biti's, Kinh Đô, Minh Long… thành những thương hiệu Việt nổi tiếng được Nhà nước vinh danh.
Nhưng cũng có những công ty của người Hoa lợi dụng chính sách đổi mới, kinh doanh thao túng thị trường, vi phạm pháp luật như Minh Phụng một thời. Những công ty này thường được các thế lực tài phiệt Trung Quốc ở Hồng Kông, đằng sau nữa là Trung Quốc lục địa tiếp tay, thao túng, bơm tiền và chi phối…
Sau sự kiện tuyên án tử hình Tăng Minh Phụng năm 2003, ta chỉ thấy còn các công ty người gốc Hoa làm ăn chân chính (sản xuất) phát triển và chấp hành chính sách tốt. Số buôn bán và thao túng tài chính chỉ giữ ở quy mô nhỏ, gia đình ở Quận 5, quận 6.
3. Vạn Thịnh Phát?
Vạn Thịnh Phát gắn liền với bà chủ (danh nghĩa duy nhất ở Việt Nam) là bà Trương Mỹ Lan, xuất thân từ 1 tiểu thương bán vải chợ Soái Kình Lâm, sau lấy chồng là ông Chu Lập Cơ, người Hồng Kông (ông này sau được biết là tay chân thân tín và tài phiệt cho trùm tham nhũng và là Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang); họ có một con quốc tịch Hồng Kông.
Họ Trương là họ lớn bên Trung Quốc và có di cư sang Việt Nam nhiều đời, nhiều chi độc lập nhau. Nhóm họ trương (đã Việt hóa) tại Sài Gòn là 1 trong vài dòng họ có thế lực mạnh nhất Sài Gòn, kể cả thời trước năm 1975 lẫn bây giờ trong chính thể hiện nay.
Sự thành công và thao túng tài sản mạnh nhất của Vạn Thịnh Phát gắn liền với 10 năm cầm quyền của Lê Thanh Hải. Ông Hải lại có vợ là bà Trương Thị Hiền, là em ruột bà Trương Mỹ Hoa, trước làm đến chức Phó Chủ tịch nước. Chưa có bằng chứng để nói dòng họ Trương của bà Hoa - Hiền với dòng Trương của bà Lan có gắn bó về gia tộc hay không, nhưng trong bối cảnh xã hội Việt Nam với các phong trào dòng tộc, đồng hương rất mạnh thì rất có thể có sự liên hệ đáng kể ở đây.
Dù cho họ Trương VN Sài Gòn không phải là họ Trương gốc Hoa của bà Trương Mỹ Lan, nhưng dòng họ Trương đều có nguồn gốc từ vùng nam sông Dương Tử. Văn hóa dòng họ hiện nay cũng rất phát triển ở Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Lan xuất thân là chủ sạp buôn vải ở chợ Soái Kình Lâm. Năm 1992, sau khi có chính sách đổi mới, bà thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhà hàng. Quy mô rất nhỏ và hoạt động thương mại là chính.
Năm 2007, sau khi kết hôn với Chu Lập Cơ, cũng sau khi Lê Thanh Hải lên cầm quyền Sài Gòn, Công ty của Trương Mỹ Lan chuyển sang kinh doanh bất động sản là chính, với vốn điều lệ 6.000 tỷ, với tên tập đoàn. Vạn Thịnh Phát, với khoảng 20 công ty và ngân hàng con đã phát triển như diều gặp gió, thâu tóm các khu đất vàng vùng Trung tâm Sài Gòn và khu vực lõi của Chợ Lớn.
Cần biết là lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực rất lãi nhưng cũng nhiều rủi ro, nhất là rủi ro chính sách (tân quan tân chính sách) và cần rất nhiều tiền. Những gã khổng lồ nhiều tiền và đi đầu trong kinh doanh BĐS ở Sài Gòn như Diệp Bạch Dương, Đoàn Nguyên Đức, Cường Đô la, gần đây là Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh… đều phải ôm đầu máu, kẻ bỏ của chạy lấy người, kẻ phá sản ôm vòng lao lý…. Những công ty còn tồn tại cũng chỉ giữ quy mô vừa phải hoặc phải có bao che tiếp tay rất mạnh của hệ thống ngân hàng và cơ quan quyền lực. Riêng Vạn Thịnh Phát cứ lừng lững gặm hết đất vàng này sang đất vàng khác. Tất cả đều chỉ xây các khách sạn 5-6 sao hay Trung tâm thương mại hoặc thậm chí bỏ không cỏ mọc cả chục năm. Nhiều miếng đất sau khi gặm xong để cỏ mọc cả chục năm mà không có lệnh thu hồi, công ty cũng không lo lắng về hiệu quả.
Tài sản của Vạn Thịnh Phát đến nay cộng dồn đã lên con số hàng trăm nghìn tỷ. Chỉ 1 tòa nhà thôi tại mặt đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn cũng có giá trị trên 10 ngàn tỷ. Vạn Thịnh Phát có hàng mấy chục tài sản toàn chỗ đắc địa như vậy.
Nếu ở nước ngoài, có các biện pháp giám sát tài chính chặt chẽ, hệ thống thuế công bằng, thì Vạn Thịnh Phát không thể phất lên được hoặc nếu phất thì bị truy thu thuế, phạt tiền hoặc bỏ tù từ lâu...
Nhưng ở Việt nam, nó cứ lừng lững lớn lên, trở thành tài phiệt tài chính, thao túng sang cả các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng.
Có một chi tiết là vụ bê bối lộ ra khi bị can Dương Chí Dũng (TGĐ Vinalines) khai tại tòa có mang 1 triệu đô của Vạn Thịnh Phát đến biếu Tướng Phạm Quý Ngọ để vận động phê duyệt khu cảng Sài Gòn cho Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, lời nói của Dương Chí Dũng tại tòa bị cắt ngang ngay và có sự kiện không biết có liên quan không, nhưng sau đó vài ngày thì tướng CA Phạm Quý Ngọ nhập viện và chết luôn sau đó tại bệnh viện…
Một TGĐ Tổng công ty Nhà nước như Dương Chí Dũng còn phải làm đầu sai xách thuê 1 triệu đô cho Vạn Thịnh Phát thì chúng ta biết Tập đoàn này có thế lực như thế nào?
Vạn Thịnh Phát hầu như không có kinh doanh bất động sản. Nó chỉ có mua vào thôi, mà toàn mua các khu đất vàng hàng chục ha, hàng trăm ha… về sau, các hoạt động kinh doanh khách sạn, cho thuê văn phòng có doanh thu thì các doanh thu đó chỉ đủ để trang trải chi phí kinh doanh và các chi phí khác. Vậy ta có quyền đặt câu hỏi: Nguồn tiền của Vạn Thịnh Phát lấy từ đâu? Liệu có liên quan gì đến các Cty khổng lồ nước ngoài không? Có liên quan đến các nguồn rửa tiền của các quan chức tham nhũng bên TQ không?
Trong "Hồ sơ Panama, Trương Mỹ Lan là cái tên Việt Nam đứng đầu bảng. Trương Mỹ Lan và chồng là Chu Lập Cơ đều có tên trong danh sách hồ sơ Panama nổi tiếng.
Ở Việt Nam, bà chủ Trương Mỹ Lan rất kín tiếng.
Truyền thông của Vạn Thịnh Phát rất chuyên nghiệp.
Bề nổi, ta chỉ thấy Vạn Thịnh Phát làm từ thiện rất nhiều, ủng hộ chính quyền TP HCM rất nhiều. Nhiều đến mức người bình thường không hiểu nổi…
Năm 2014 (cần nhớ là năm 2015 thì Lê Thanh Hải sẽ nghỉ chức), bà Trương Mỹ Lan có nộp đơn xin bỏ quốc tịch Việt Nam cùng nhiều thành viên gia đình (tất nhiên bà ta có quốc tịch nước ngoài rồi). Tuy nhiên, sau đó vài tháng lại xin rút đơn này.
Chỉ trong đợt chống dịch Covid lần này, VTP tài trợ rất khủng. Hãy đọc các báo thấy:
- Ủng hộ Quỹ vacxin 1450 tỷ đồng.
- Ủng hộ xây biếu không bệnh viện dã chiến 9A ở Bình Chánh.
- Xây biếu không bệnh viện dã chiến trên đường Đào Trí, Quận 7.
- Cải tạo 2 tầng thương mại của Chung cư cao nhất Chợ Lớn Thuận Kiều Plaza thành Bệnh viện dã chiến số 5.
- Ủng hộ 450 tỷ cải tạo Bệnh viện công An Bình.
- Mới đây, ủng hộ 1000 tỷ (47 triệu đô) để Thành phố nhập 5 triệu liều vacxin Vero Cell của Trung Quốc.
Câu hỏi:
- Vạn Thịnh Phát là công ty nghiêm chỉnh hay là công ty có ý đồ gì khác? Nguồn vốn của ai? Vốn gốc có dính gì với các tập đoàn mờ ám Hồng Kông không? Con đường thâu tóm đất vàng, đất có ý nghĩa an ninh, quân sự vùng Sài Gòn có được minh bạch về luật pháp không – về quy trình đấu thầu, giao đất và định giá? Kinh doanh của Vạn Thịnh Phát có đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước không?...
KẾT
- Lòng dân là thước đo cho chính trị và các quyết dịnh chính trị.
- Chính trị, dù là trong chống dịch hay lúc thái bình cũng phải đo bằng lòng dân.
- Vacxin chưa về và mới về, dân Sài Gòn đã sôi nổi bàn luận, trong đó có xu hướng muốn tẩy chay vacxin do Vạn Thịnh Phát tài trợ.
(Các tư liệu trong bài này lấy từ các báo công khải đã đăng tải).
4. P/S: Bà Lan bị bắt, lập tức người dân đổ xô đi rút tiết kiệm trước hạn ở Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB).

KIM VĂN CHÍNH

NGHI ÁN 'GIẾT NGƯỜI DIỆT KHẨU' TRONG VỤ ÁN VẠN THỊNH PHÁT-TRƯƠNG MỸ LAN
MAI HOA KIẾM/TD 12-10-2022

Nghi án “giết người diệt khẩu” trong vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan | Tiếng Dân
  
Sau chuyến kinh lý của ông Nguyễn Phú Trọng đến thành Hồ ngày 23-9-2022, lại xuất hiện những tin đồn râm ran về các vụ bắt bớ trong giới kinh doanh có máu mặt của những người Hoa tại Chợ Lớn.
Quả nhiên không sai, bà trùm tài phiệt từng một thời được xem là “bất khả xâm phạm” Trương Mỹ Lan và một số tay chân thân tín đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an triệu tập, thẩm vấn, liên quan đến các dự án đầu tư của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trên các nền tảng mạng xã hội đã lan truyền thông tin bắt người và đế chế Vạn Thịnh Phát sắp sụp đổ
Ngày 7-10-2022, báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin, ông Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1973, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đột tử. Tuy nhiên, có nguồn tin cho hay, ông Thành đã chết vì độc dược. Có điều, ông Thành uống thuốc độc tự vẫn hay ông ta bị ai đó bức tử, vẫn chưa thể xác định.
Ngày 8-10-2022, Bộ Công an công khai bắt bốn người ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó có Chủ tịch tập đoàn là bà Trương Mỹ Lan. Ngay lập tức, khách hàng ồ ạt đi rút tiền trước hạn mà họ đã gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần SCB. Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền, cũng như khuyên mọi người hết sức bình tĩnh. Thông cáo của SCB phát đi và các cơ quan truyền thông cũng đồng thanh cho rằng, SCB có thừa thanh khoản.
Hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia đang lo sợ “hiệu ứng domino”, khi việc bắt người gây rút tiền biến động dây chuyền, làm gãy đổ kinh tế tiền tệ. Bởi vì ông Nguyễn Tiến Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Mà Vạn Thịnh Phát chính là cổ đông chi phối của SCB, nói thẳng ra rằng Vạn Thịnh Phát chính là chủ nhân thật sự của SCB.
Sáng 10-10-2022, mặc dù một số tờ báo đưa tin bà Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984, người Việt gốc Hoa, giữ chức vụ Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã chết trong trại giam sau hai ngày bị công an khởi tố, bắt giam trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cùng bà Trương Mỹ Lan. Nhưng chẳng bao lâu sau, những tờ báo này nhanh chóng gỡ bỏ bản tin nói trên, tuy vậy dư luận xã hội vẫn có đầy đủ chi tiết tờ “Cáo phó” cái chết của bà Hồng.
Rất nhiều đồn đoán về cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, như nguyên nhân tử vong, việc sửa chữa ngày chết và chân dung trên cáo phó gia đình không có nổi một tấm ảnh cá nhân Nguyễn Phương Hồng hay sao mà lại phải lấy ảnh chân dung từ trên trang web… nhưng phía công an chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn nào. Tại sao bị can một vụ án vừa bị khởi tố lại phải chết mà không có bất kỳ cơ quan nào nhận trách nhiệm?
Trong khi đó, dân chúng ghi nhận, quanh khu vực đám tang bà Hồng, nhiều dân quân tự vệ, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cả công an phường tuần tra dày đặc. Xe cộ hay người dân nào dừng lại quan sát, chụp hình, đều bị đuổi đi ngay lập tức.
Ảnh: Cáo phó cái chết của ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Phương Hồng. Ảnh trên mạng
Hai cá nhân được cho là nắm giữ nhiều bí mật quan trọng trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã chết đột ngột. “Luật im lặng” của mafia, phải chăng đây là vụ án “giết người diệt khẩu”? Nếu đúng như vậy, thì người của Vạn Thịnh Phát bịt đầu mối, hay là các đại quan dính dáng đến bà Trương Mỹ Lan đã ra tay tàn độc?
Cũng nên nhắc lại, Bùi Cao Nhật Quân, con trai của tỷ phú Bùi Thành Nhơn, ông chủ Tập đoàn Novaland, có hợp tác làm ăn với Vạn Thịnh Phát. Quân từng là đặc vụ của Tổng cục Tình báo Bộ Công an, anh ta là cặp bài trùng với thượng tá Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm). Còn con trai của “lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải là Lê Trương Hiền Hoà, cũng từng là sĩ quan tình báo đối ngoại của Bộ Công an, anh ta mới chính thức ra khỏi ngành và giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM.
***
Có nhiều phi vụ liên quan đến Vạn Thịnh Phát câu kết với quan chức thành Hồ để “sang tay” công sản. Bộ Công an thừa sức biết, bà Trương Mỹ Lan chính là chủ nhân thâu tóm khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), là nơi có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền, tổng diện tích khoảng 6.000m2. Khu đất này từng đẩy cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cựu thứ trưởng Hồ Kim Thoa và hàng loạt quan chức thành Hồ bị truy tố. Riêng con trai cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là Nguyễn Minh An, sinh năm 1973, Phó Tổng giám đốc Công ty bia rượu Sài Gòn (Sabeco) phải làm đơn xin nghỉ việc, bỏ của chạy lấy người.
Dính dáng đến đế chế Trương Mỹ Lan, ngoài Tập đoàn Novoland của tỷ phú Bùi Thành Nhơn, còn có Dương Công Minh, ông chủ Tập đoàn Him Lam và của Ngân hàng Sacombank cùng nhiều “cá mập” khác trong thượng tầng chính trị đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiền ở đâu mà Vạn Thịnh Phát có thể gầy dựng nên thế lực tài chính hùng mạnh như vậy? Có thể nhận ra rằng, tiền đến từ rất nhiều nguồn, trong đó có việc phát hành trái phiếu, huy động vốn vô tội vạ. Hàng chục công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, từ năm 2018, liên tục phát hành trái phiếu, hút về dòng vốn hàng tỷ USD. Trong khi đó, quy mô trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp này đều cao hơn nhiều so với vốn điều lệ đăng ký.
Điều lạ lùng là, các quan chức đứng đầu quốc gia về tài chính, ngân hàng, chứng khoán của đảng độc tài quản lý nhà nước kiểu gì mà chẳng bao giờ quan tâm, đặt dấu hỏi về dòng tiền gần 3 tỷ Mỹ kim, tương đương tài sản một ngân hàng bậc trung, mà nhóm doanh nghiệp trên huy động, đã được giải ngân hay sử dụng minh bạch hay không?
Dòng vốn khổng lồ đổ vào các trái phiếu Vạn Thịnh Phát của gia tộc Trương Mỹ Lan đến từ các chủ nhân giấu mặt nào và đã được thu xếp ra sao?
Trong khi đó, vợ chồng Trương Mỹ Lan từng phát biểu “sẽ làm cầu nối cho ‘Vành đai và Con đường’ (Belt and Road Initiative - BRI)) tại các nước Asean”.
Nhiều nguồn tin cho hay, đế chế Vạn Thịnh Phát có liên quan mật thiết với một số nhà đầu tư, các trùm tài phiệt người Hoa ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Những năm gần đây chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng được xem như “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình. Diễn biến chính trường gần nhất ở Trung Quốc cũng có tác động ghê gớm đến việc thanh trừng nội bộ ở Việt Nam.
Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Đảng CSVN
Ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ ba của ông ta. Tại Đại hội đảng CSTQ lần thứ 20, Tập chắc chắn sẽ thăng cấp cho hàng loạt thuộc cấp thân tín. Theo một số nhà bình luận, lý do chính khiến Tập tảo thanh hệ thống tài chính vào thời điểm này là để bảo vệ những người mà ông ta muốn đề bạt.
Từ tháng 4-2022 đến nay, trước thềm đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc đấu đá nội bộ của những người trong đảng ngày càng dữ dội. Đó cũng là nguyên nhân Tập ra lệnh bắt giữ hơn chục giám đốc ngân hàng, cầm đầu các tổ chức tài chính và mở nhiều phiên tòa xét xử các quan chức cấp cao hơn. Bất chấp tất cả, sau khi thao túng quá trình bỏ phiếu và đe dọa các đối thủ của mình, Tập Cận Bình sẽ đắc cử nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba, cùng với đó là quyền tiếp tục làm người đứng đầu đảng và quân đội.
Những người am hiểu chính trường bình luận, ông Nguyễn Phú Trọng được bên kia biên giới “bật đèn xanh”, cho phép thanh trừng các tỷ phú có liên quan đến dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc, nhưng thuộc phe nhóm của Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Hồ Cẩm Đào, Chu Vĩnh Khang, Lý Khắc Cường..
Điều trùng hợp là, đảng Cộng sản Việt Nam khởi tố, bắt giam Trịnh Văn Quyết và san phẳng Tập đoàn FLC cũng vào tháng 4-2022. Tiếp theo là bắt giữ Đỗ Anh Dũng và phá nát Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào tháng 9-2022, thì hé lộ ra cả hai tập đoàn nêu trên đều làm ăn chung và có vốn vay từ các ngân hàng Trung Quốc.
Trịnh Văn Quyết (phải) và Đỗ Anh Dũng, hai đại gia có vay vốn từ các ngân hàng Trung Quốc. Nguồn: Internet
Một số nhà nghiên cứu nhìn nhận, vai trò của Hoa kiều ở Việt Nam trong quan hệ Việt - Trung là quan trọng. Cuộc chiến biên giới Việt – Trung hồi năm 1979, vấn đề “đàn áp người Hoa” cũng là một nguyên nhân khơi mào. Vì vậy, vấn đề người Hoa ở Việt Nam thì vô cùng nhạy cảm.
Nếu như không có “đèn xanh” từ bên kia biên giới, chắc chắn ông Trọng sẽ không đời nào liều lĩnh đích thân kinh lý chỉ đạo đả phá vào thành trì của giới Hoa kiều ở Sài Gòn, cũng như càng không dám đem hai đại tướng Công An và Quân Đội hộ vệ chuyến kinh lý như muốn hăm doạ “sẽ đàn áp đẫm máu” nếu người Hoa tại thành Hồ manh động hoặc xuống đường biểu tình.
MAI HOA KIẾM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét