Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

20220331. KHỞI TỐ, BẮT GIAM ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT CTHĐQT FLC

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KHỞI TỐ, BẮT TẠM GIAM  ĐỐI VỚI TRỊNH VĂN QUYẾT, CHỦ TỊCH 

HĐQT FLC

cổng ttđt BCA/ GDVN 29-3-2022

GDVN- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết.

Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an
BẮT ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT VÀ QUYẾT TÂM LÀNH MẠNH HÓA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
HÀ PHAN/VNN 29-3-2022

Nhanh hơn nhiều dự đoán và không quá bất ngờ khi Chủ tịch FLC đã bị cơ quan điều tra hoãn xuất cảnh.

Quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết vừa thực hiện chiều 29/3 cho thấy các cơ quan chức năng đang quyết tâm lập lại trật tự trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, nơi có khá nhiều tai tiếng thời gian qua.

Theo thông tin từ Bộ Công an, “Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc tập đoàn này, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan để điều tra về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Bắt  ông Trịnh Văn Quyết và quyết tâm lành mạnh hoá thị trường chứng khoán
Ông Trịnh Văn Quyết

Tháng 1/2022, việc ông Quyết “bán chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC không chỉ gây sốc cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nước nhà mà còn khiến rất nhiều người phẫn nộ, dư luận vô cùng bức xúc.

Mức phạt 1,5 tỷ đồng dù được coi là xưa nay hiếm, cùng nhiều chế tài khác cũng không đủ để xoa dịu bởi  đây không phải là lần đầu ông Trịnh Văn Quyết hành xử sai trái như vậy. Không những thế, hành động phạm luật này còn khiến TTCK VN ảnh hưởng nặng nề bởi niềm tin bị sứt mẻ, trật tự bị lung lay và các quy định hiện hành bị coi thường.

Dù cho ông Quyết đã biện hộ bằng nhiều lý do và chấp nhận các “án phạt” hàng chính của cơ quan quản lý TTCK nhưng không ít ý kiến đề nghị phải xử lý hình sự để làm gương và răn đe những hành động tương tự tái diễn. Trước và sau, khá nhiều vụ “thao túng” hay bán chui chứng khoán đã xảy ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành không ít án phạt nhưng mức phạt nhẹ, thu lợi gấp nhiều lần tiền phạt và ít ai bị xử lý nặng hơn đã khiến “lờn thuốc.

Nhưng đến vụ của ông Trịnh Văn Quyết thì như “giọt nước tràn ly”, cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý, điều hành và lãnh đạo cấp cao cũng yêu cầu phải làm rõ, xử lý nghiêm để lành mạnh hóa TTCK nước nhà, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và pháp luật phải được thượng tôn. Khi mà TTCK xem lòng tin của nhà đầu tư là điều kiện quan trọng nhất để tồn tại, phát triển thì chỉ đạo nghiêm khắc, xử lý nghiêm minh từ cấp cao là tín hiệu tốt và điều gì đến đã đến.

Ông Trịnh Văn Quyết sai đến đâu, phải chịu những án phạt nào và còn ai chung tay, giúp sức để thực hiện hành vi phạm pháp trên thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ, pháp luật sẽ phân xử. Tuy nhiên, việc khởi tố, bắt tạm giam một chủ tịch tập đoàn lớn, từng góp mặt trong TOP 3 người giàu nhất TTCK VN đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Bất cứ ai phạm pháp và gây rối loạn thị trường rồi cũng sẽ bị trừng trị. Gương xấu của ông Trịnh Văn Quyết nay mai có thể ảnh hưởng đến TTCK hay ngành nghề FLC kinh doanh nhưng xét về lâu dài đó là điều tốt cho tài chính nước nhà, kinh tế quốc gia khi những “ung nhọt” được giải phẫu và sớm cắt bỏ.

Qua việc bắt ông Quyết, chắc chắn ai đó còn nghĩ rằng giàu có hay thế lực nào đó của mình sẽ che chắn được những việc làm sai trái sẽ chùn bước. Tuy nhiên những gì các doanh nghiệp, doanh nhân đã làm được, góp phần cho đất nước phát triển vẫn sẽ được ghi nhận và những ai vi phạm pháp luật, coi thường quốc pháp, tiếp tục tái diễn sai trái sớm muộn gì cũng bị trừng trị. Điều đó suy cho cùng sẽ tốt cho đất nước và góp phần để mọi việc đi vào khuôn khổ pháp luật nhanh chóng hơn

Hà Phan

BỘ CÔNG AN NÓI VỀ THIỆT HẠI DO CHỦ TỊCH FLC TRỊNH VĂN QUYẾT 

GÂY RA

ĐOÀN BỔNG/ VNN 29-3-2022

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bước đầu xác minh các hành vi của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các đối tượng liên quan gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Quyết để điều tra hành vi Thao túng thị trường chứng khoán theo điều 211, Bộ luật hình sự. Hành vi của ông Quyết xảy ra ngày 10/1/2022. 

Theo đó, từ ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 - 17/1. Mục đích được ông Quyết nêu là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh. Trước giao dịch ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Bộ Công an nói về thiệt hại do Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết gây ra
Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: flc.vn 

Ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) ra thông báo huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nguyên nhân hủy giao dịch do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch.

Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử phạt ông Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của ông trong vòng 5 tháng.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, hành vi trên đã "gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam". 

Cùng với quyết định tố tụng với ông Quyết, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khám xét 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Các quyết định, lệnh tố tụng của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn theo quy định. 

Đoàn Bổng

ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT BỊ BẮT: 'CÚ NỔ LỚN' VÀ NHỮNG DƯ CHẤN
V.HÀ/VNN 30-3-2022

Hệ sinh thái FLC có quy mô không lớn và ảnh hưởng tới thị trường nói chung không nhiều. Ảnh hưởng của Bamboo Airways chưa được xác định nhưng hãng hàng không này hoạt động khá hiệu quả.

Ảnh hưởng không đáng kể

TTCK tăng trở lại trong phiên 29/3 sau khi giảm khá mạnh 15 điểm trong phiên trước đó vì những thông tin tiêu cực liên quan tới cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Tối 29/3, Bộ Công an thông tin về quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết  để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).

Ngay sau đó, Tập đoàn FLC cũng ra thông báo về việc bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó TGĐ Tập đoàn FLC, được ủy quyền thực hiện các công việc, quyền chủ tịch HĐQT tại FLC, Bamboo Airways. Ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại nhóm cổ phiếu “họ FLC” sẽ tiếp tục giảm sàn và TTCK chung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, “cú nổ FLC” sẽ không ảnh hưởng nhiều tới TTCK nói chung.

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt: 'Cú nổ lớn' và những dư chấn
Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder của FIDT, cho rằng, mức độ ảnh hưởng của vụ việc tới TTCK không đáng kể vì quy mô kinh doanh của hệ sinh thái này rất bé ngoại trừ BVA (Bamboo Airways) chưa có số liệu cụ thể vì không phải là công ty đại chúng.

Theo FIDT, tổng doanh thu hệ sinh thái tập đoàn này vào khoản 13 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 500 triệu USD, chỉ bằng khoảng 0,014% GDP Việt Nam. Về nợ bao gồm cả ngắn và dài hạn, chưa tính BVA, vào khoảng 8.400 tỷ đồng, tương đương với khoản 360 triệu USD, rất nhỏ nếu so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt Nam.

Một loạt nhà băng liên quan

Về Bamboo Airways, theo FIDT, hiện chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá về dư nợ và quy mô vốn. Tuy nhiên, BVA sẽ có liên đới tới các ngân hàng cho vay cầm cố bổ sung tài sản đảm bảo là cổ phần BVA này như STB (1.840 tỷ đồng), OCB (1.400 tỷ đồng). Các ngân hàng sẽ phải trích lập theo chuẩn quản trị rủi ro của mình trong các trường hợp khẩn cấp như CEO hay chủ tịch bị vướng vòng lao lý; đánh giá lại toàn bộ các khoản vay cũng như yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo để nâng hệ số an toàn. Cổ phần BVA còn được cầm cố tại NVB (Nam Việt Bank).

Lấy chuẩn tham chiếu từ Sacombank, ngân hàng này cho vay cầm cố cổ phần với mức định giá khoản 8.500 đồng (dưới mệnh giá). Giả sử nếu tổng vốn điều lệ của BVA là 16 nghìn tỷ đồng thì mức cầm cố từ số cổ phần này sẽ vào khoảng 13,6 nghìn tỷ đồng. Đây là mức dự phòng tối đa cho dư nợ phát sinh từ cổ phần của BVA.

Hầu hết các máy bay do BVA đang vận hành là máy bay thuê bởi các hợp đồng đặt mua từ trước tới giờ chưa được ghi nhận. Vì vậy, các tài sản này không thuộc về BVA và không phát sinh dư nợ với hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tổng thể, bóc tách dư nợ toàn bộ hệ thống Tập đoàn FLC sẽ vào khoản gần 1 tỷ USD, trong đó hơn 60% được đánh giá là an toàn bởi sự vận hành của BVA là khá hiệu quả theo khảo sát của FIDT.

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt: 'Cú nổ lớn' và những dư chấn
Hệ sinh thái FLC (Nguồn: FIDT).

Cũng theo FIDT, rủi ro từ sự kiện này là thấp và sẽ không xảy ra hiện tượng hòn tuyết lăn như những lo ngại năm xưa khi các yếu nhân vướng vòng lao lý.

Hai nhóm bị ảnh hưởng

Còn về TTCK, theo FIDT, sẽ có hai nhóm ảnh hưởng trực tiếp bởi sự kiện này gồm: Hệ sinh thái của FLC như các mã AMD, KFL, ART, ROS, GAB... vì tính gia đình. Diễn biến bán tháo là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, BVA cũng sẽ rơi mạnh trên thị trường OTC.

Nhóm tiếp theo bị ảnh hưởng là nhóm ngân hàng mà hệ sinh thái này đang có dư nợ gồm STB, OCB, BID, NVB,... vì quy trình trích lập và gọi bổ sung tài sản cũng như rà soát lại chất lượng tài sản, đánh giá lại mức giá cho vay.

Ở nhóm ngân hàng này, quy mô nợ xấu này (nếu có) cũng khá nhỏ với quy mô tổng tài sản của từng ngân hàng như STB , OCB hay NVB. Vì vậy, mức độ phản ứng khoảng 1-2 phiên và đi kèm với đó là những thông tin được công bố về cơ cấu nợ sẽ làm thẩm thấu những lo ngại này vào thị giá các nhà ngân hàng này.

Ở góc độ thứ hai, với toàn bộ thị trường và các nhóm ngành còn lại, sự kiện này thật sự không liên quan gì vì nhóm FLC này từ lâu đã tách bạch và "định vị" mình ở nhóm đầu cơ rất rõ. Có chăng chỉ là một lượng tiền đầu cơ tương đối sẽ bị nhốt trong này cũng như liên đới tới một vài "kho hàng" tự phát theo kiểu bán bổ sung tài sản.

Nhiều khả năng sẽ không có nhiều hoạt động bán giải chấp liên đới ở các "kho hàng" này khi đã bị "xử lý" ở tháng 1 vừa rồi.

Như vậy, ảnh hưởng tiêu cực là ngắn hạn. Còn về trung và dài hạn, thị trường vẫn rất tốt.

Lịch sử cũng cho thấy, với những lần vướng lao lý của các yếu nhân có quy mô ảnh hưởng lớn hơn hệ sinh thái của FLC, nhưng TTCK phục hồi rất tốt về sau.

Bên cạnh đó, sự kiện cũng cho thấy quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch của thị trường sẽ thúc đẩy một luồng vốn quy mô lớn vào TTCK vì đây vẫn là nơi phân bổ tài sản chất lượng và là nơi huy động vốn trung và dài hạn tốt cho nhóm công ty làm ăn đàng hoàng minh bạch.

Sau vụ việc, tâm lý đánh bạc, đầu cơ, đội lái sẽ giảm bớt và sự nắn dòng vốn đầu tư sẽ diễn ra rất rõ. Có thể nói nhóm cổ phiếu hưởng lợi là nhóm cổ phiếu làm ăn tốt, quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và uy tín từ người lãnh đạo sẽ hút hàng.

Đây có thể coi là một pha "ghi điểm" trong mắt các nhà đầu tư ngoại đi kèm với triển vọng sáng sủa cho việc lên hạng của TTCK trong tương lai gần (2024-2025), khi những lực cản trở định tính được gỡ bỏ (minh bạch, hệ thống giao dịch lỗi thời... ). Đồng thời, là bước ngoặt về môi trường đầu tư sạch, an toàn và bảo vệ tốt cho toàn bộ nhà đầu tư.

V. Hà

'HÀNG NÓNG' TRONG TAY, ĐƯA ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT LÊN ĐỈNH, XUỐNG ĐÁY

V.HÀ/ VNN 30-3-2022

Trong số các cổ phiếu họ FLC, có một cổ phiếu thăng trầm bất thường, khiến cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lên đỉnh lịch sử rồi xuống đáy.

Sau hai phiên giảm sàn, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết rớt về gần 8.000 đồng/cp. So với đỉnh cao gần 160.000 đồng/cp (giá điều chỉnh), ROS đã rớt khoảng 20 lần.

Cùng với sự suy giảm của nhiều mã thuộc “họ FLC” như FLC, AMD, HAI, KLF... khối tài sản của ông Quyết giảm mạnh, xuống còn khoảng 4.400 tỷ đồng.

ROS được xem là một cổ phiếu "lạ thường" nhất sàn chứng khoán. Đây là yếu tố giúp ông Trịnh Văn Quyết, trong năm 2017, trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán (TTCK) nếu tính tài sản dựa trên số lượng và giá các cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ khi đó.

Trong 4 năm xuất hiện trên sàn, cổ phiếu này đã khuynh đảo TTCK khi lọt vào rổ VN-30, sau đó ghi nhận chuỗi ngày tăng “bất tận”, giúp vị cựu chủ tịch FLC khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, giàu nhất trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016 và đầu 2017.

ROS tiền thân CTCP Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, ROS có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng và niêm yết 430 triệu cổ phiếu lên Sở GDCK TPHCM (HOSE) vào tháng 9/2016.

'Hàng nóng' trong tay, đưa ông Trịnh Văn Quyết lên đỉnh, xuống đáy
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.

Trong quá trình ROS tăng giá, ông Trịnh Văn Quyết liên tục mua vào cổ phiếu này để gia tăng sở hữu. Đến cuối 2016, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ vượt ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup và trở thành người giàu  nhất trên sàn chứng khoán. Khi đó, khối tài sản của ông Quyết đạt khoảng hơn 34 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào gần 290 triệu cổ phiếu ROS (vốn tăng giá khó tin).

Sang 2017, cổ phiếu ROS tiếp tục tăng giá, giúp tài sản của ông Quyết có lúc lên trên 50 nghìn tỷ đồng và trở thành tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam, nhưng không được Tạp chí danh tiếng Forbes công nhận.

Tuy nhiên, cổ phiếu ROS sau đó lao dốc cũng ít ai ngờ tới. Cổ phiếu này bốc hơi khoảng 10 lần trong vòng 1 năm. Tới 2020, ROS về gần ngưỡng 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh). Cổ phiếu tăng giảm ở mức khó tưởng tượng và không thể giải thích theo phân tích cơ bản hoạt động của doanh nghiệp.

Về tính thanh khoản, cổ phiếu này cũng ghi nhận những diễn biến lạ thường. Có những khoảng thời gian như gần cuối 2019, giao dịch ROS lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng có sau đó dòng tiền mất hút, thanh khoản nhỏ giọt.

ROS được biết đến là nhà thầu xây dựng cho phần lớn dự án nghỉ dưỡng, BĐS của tập đoàn FLC và doanh nghiệp này có những năm ghi nhận lợi nhuận rất cao. Dù vậy, doanh nghiệp này chưa năm nào trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tối 29/3, theo thông tin từ Bộ công an, cơ quan này đã khởi tố và bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết để điều tra về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.

Tính tới hết 29/3/2022, khối tài sản của Trịnh Văn Quyết đạt 4.445 tỷ đồng, xếp thứ 44 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Dòng tiền chạy khỏi cổ phiếu nóng, trở lại nhóm blue-chips

Theo MBS, thị trường đã lấy lại những gì đã mất sau phiên giảm mạnh 28/3 khi tác động bên lề nhanh chóng qua đi. Đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản đã giúp thị trường hồi phục trên diện rộng bất chấp thanh khoản thị trường sụt giảm. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechip khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp được công bố. Tuy nhiên, với diễn biến trong phiên 29/3, xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn chưa bị ảnh hưởng và kịch bản vượt đỉnh cũ của nhóm cổ phiếu này với xác suất ngày càng cao.

Theo Rồng Việt, tiếp nối diễn biến bắt đáy đồng thời áp lực bán cũng tạm thời hạ nhiệt, thị trường đã giao dịch khởi sắc hơn khi có thể đóng cửa gần sát giá cao nhất trong ngày. Tuy nhiên, thanh khoản sụt giảm trong quá trình hồi phục cho thấy vùng giá cao hơn vẫn chưa thật sự thu hút dòng tiền của các nhà giao dịch. Dự kiến với kịch bản dòng tiền quay trở lại mạnh mẽ hơn trong các phiên tới, khả năng nhịp hồi phục của VN-Index vẫn tiếp tục và sẽ dần suy yếu gần vùng kháng cự 1.510 +/- 10 điểm. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường trong thời gian gần tới.

Chốt phiên giao dịch 28/3, chỉ số VN-Index tăng 14,58 điểm lên 1.497,76 điểm. HNX-Index tăng 6,35 điểm lên 461,24 điểm. Upcom-Index tăng 1,36 điểm lên 117,37 điểm. Thanh khoản đạt 28,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 23,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

 V. Hà

AI GIÚP SỨC ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG

 CHỨNG KHOÁN ?

TP/VNN 30-3-2022

Trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, ngoài ông Trịnh Văn Quyết, CQĐT còn xác minh đối với cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan. 

Ngoài trụ sở FLC, nhà riêng ông Quyết, CQĐT đã tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Chiều 29/3, Bộ Công an đã phát đi thông báo về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLCđể điều tra về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Ai giúp sức ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán? ảnh 1
Rất đông cảnh sát được huy động đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở FLC - 265 Cầu Giấy, Hà Nội vào tối 29/3. Ảnh: Lê Dương

Khoảng 18h15 cùng ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng chia thành nhiều mũi đã thi hành Lệnh khám xét nơi làm việc của ông Quyết tại trụ sở Tập đoàn FLC, địa chỉ 265 Cầu Giấy và nhà riêng ông Quyết tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Vẫn theo thông tin từ Bộ Công an, CQĐT đã tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan đến vụ án nêu trên.

Ai giúp sức ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán? ảnh 2

Cảnh sát làm việc tại trụ sở FLC tối 29/3. Ảnh: CAND

Trước đó, ngay sau việc ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022, CQĐT đã lập tức vào cuộc điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

CQĐT xác định, hành vi nêu trên của ông Quyết đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán".

Theo thông tin ban đầu, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Các tài khoản nêu trên đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.

Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán của nhóm.

Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).

Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.

Trước khi tống đạt các quyết định tố tụng nêu trên, Cơ quan điều tra đã tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 26/3 đến hết 25/4.

Theo Tiền Phong

NHỮNG NẤC THANG CỦA ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/ VNN 30-3-2022

Khác với các đại gia ở Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết không học ở nước ngoài, nổi tiếng sớm và có không ít thành công cũng như tai tiếng trên thị trường trước khi bị bắt.

Đa số đại gia ở nước ta có thời gian học ở nước ngoài, chủ yếu là tại các nước Liên Xô (cũ) và Đông Âu. Những người này sau khi học xong ở lại làm ăn buôn bán, gặp thời rồi phất lên. Đúng dịp đất nước mở cửa, họ liền đầu tư về nước và gặt hái nhiều thành công.

Riêng ông Trịnh Văn Quyết lại là tỷ phú không có yếu tố ngoại nào.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh 1975, quê ở Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường). Ông nổi lên khi còn rất trẻ. Ngay từ năm thứ 2 tại Đại học Luật Hà Nội, ông bắt đầu kinh doanh bằng việc mở một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội. Là người nhanh nhạy, ông còn mở một cửa hàng kinh doanh điện thoại để có tiền lo cho việc học hành.

Chính nhờ những công việc mở đầu ấy mà ông có vốn trong tay. Nghĩ mình học luật, muốn đem kiến thức “nóng hổi” ấy để cọ xát với thực tế và tích lũy kinh nghiệm, nên ông mở một công ty luật ngay khi ra trường lấy tên là SMIC. Chính từ sự khởi đầu ấy, ông đã có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh…

Những nấc thang của ông Trịnh Văn Quyết

Tuổi trẻ luôn khao khát làm giàu, vừa có kinh nghiệm trong việc tư vấn luật cho các công ty lại vừa am hiểu thị trường, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Bước đầu, ông kinh doanh nhà ở xã hội. Ông có thuận lợi là hai vợ chồng cùng học luật nên có thể giúp nhau, trao đổi để tìm ra phương án tối ưu.

Ông Trịnh Văn Quyết từng nói, quá trình hành nghề luật giúp ông tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào hoạt động kinh doanh và đầu tư. Hiểu biết luật pháp giúp ông có những dự cảm về sự thay đổi chính sách, thậm chí ở cấp sở, ngành.

Cụ thể, ông nói: “Nghề thầy cãi khiến tôi trở nên luôn thận trọng... Ai cũng thấy, tôi đầu tư khá nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng thực ra dự án nào tôi thấy rất chắc ăn mới làm chứ không dám mạo hiểm”.

Xem xét một dự án “có vẻ tốt,” trong đầu vị luật sư luôn xuất hiện các câu hỏi như tại sao dự án này có vẻ ngon như vậy? Nó có vấn đề gì về pháp lý?. Ông cho hay: “Khi trả lời được hết các câu hỏi, tôi mới quyết định làm.”

Những nấc thang của ông Trịnh Văn Quyết

Dự án FLC Landmark được ông Trịnh Văn Quyết cho là “đánh dấu sự đi lên của tập đoàn FLC”. Khu đất rộng 4.500m2 này nằm ở đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội). Năm 2008, khi còn là vùng đất trũng, đầy cỏ dại, ông quyết định mua bằng tất cả vốn liếng tích lũy được từ kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý, vay mượn để có vài chục tỷ đồng.

Trong vòng hơn một thập kỷ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn FLC lại ghi dấu ấn với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành trải dài từ Bắc chí Nam như FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn…

Ông Quyết có đặc điểm khác với những nhà đầu tư khác. Ông thường đầu tư vào những nơi địa hình phức tạp hoặc khí hậu khắc nghiệt. Chiến lược "không biến vàng thành trang sức, mà biến sỏi đá thành vàng" của ông đúng với thực tế những dự án ông đã làm. Chưa có dự án nào thành công nhờ vị trí tốt ở Hà Nội, hay các tỉnh mà tất cả phải đầu tư công sức xây dựng mới có thể biến dự án thành đắc địa.

Có thể thấy FLC Sầm Sơn là dấu mốc quan trọng để từ đó ông mở rộng đầu tư ra các khu nghỉ dưỡng khác. Cái giỏi của ông Trịnh Văn Quyết là tích lũy từ kiến thức học được rồi cọ xát từ thực tế để rút ra kinh nghiệm, bài học để làm tiếp những dự án khác.

Sau thành công với các dự án nghỉ dưỡng, vài năm gần đây, ông Trịnh Văn Quyết còn tiếp tục mở rộng chiến lược "đánh bắt xa bờ" bằng hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị tại những vùng đất chưa được khai phá như dự án FLC Hilltop Gia Lai tại trung tâm TP Pleiku hay dự án FLC Legacy Kontum tại TP Kon Tum, dự án FLC La Vista Sadec tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp).

Những nấc thang của ông Trịnh Văn Quyết

Sự trưởng thành sự phát triển của ông Quyết thật sự là những nấc thang từ thấp lên cao. Khi có kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản ông liền mở rộng sang lĩnh vực khác. Không phải chạy theo thị hiếu thị trường mà ông làm bất kỳ lĩnh vực nào cũng nghiên cứu rất kỹ càng.

Liên quan đến việc lập hãng hàng không, ông Quyết ấp ủ từ năm 2014, 2015, đến 2016 bắt đầu chuẩn bị về thủ tục và 2017 chính thức nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý xin cấp phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Bamboo Airways cất cánh chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2019.

Theo đánh giá của giới chuyên môn “đây là hãng hàng không hiếm hoi ngược dòng khủng hoảng Covid toàn cầu để đạt tăng trưởng trong 2020...”

Nhưng cũng thật đáng tiếc cho ông, khi tập đoàn đang phát triển hùng mạnh thì đã gặp sự cố. Ông vướng vào vòng lao lý, bị bắt và khởi tố để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Nguyễn Đăng Tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét