Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

20220326. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (15)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHIẾN TRANH UKRAINE SẼ KẾT THÚC NHƯ THẾ NÀO ?

VŨ NGỌC YÊN/ TD 20-3-2022

Hơn ba tuần qua, người dân Ukraine phải chịu nhiều khốn khổ trong cuộc chiến tranh trên đất nước mình. Cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Putin ở Ukraine vẫn tiếp tục không suy giảm. Hàng ngàn tên lửa, bom và đại pháo bắn phá vào các cơ sở quân sự, hành chính và các khu dân sự. Hàng vạn thường dân, binh sĩ thương vong và hơn ba triệu người Ukraine phải chạy nạn qua các quốc gia láng giềng.

Những nỗ lực hòa bình cho đến nay vẫn không thành công. Các phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng thương thảo kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tấn công Ukraine ngày 24-2-2022. Cho đến nay, các cuộc đàm phán chưa đem lại bất kỳ kết quả cụ thể nào, ngoại trừ việc Moscow và Kyiv tìm thấy điểm chung về việc tổ chức các hành lang nhân đạo để sơ tán dân khỏi vùng giao chiến. Các chuyên gia an ninh quốc tế cảnh báo: Các cuộc đàm phán càng kéo dài, càng có nhiều khả năng leo thang thành một cuộc xung đột kéo dài.

Bao giờ cuộc tàn sát phi lý sẽ dừng lại? Và trên hết, làm thế nào để cuộc chiến khủng khiếp này có thể kết thúc? Liệu Ukraine phải đầu hàng? Hay Putin chỉ đơn giản sẽ rút quân? Có những cơ hội nào cho một giải pháp thương thảo? Theo quan điểm của giới chuyên gia chính sách đối ngoại và an ninh, có năm tình huống có thể xẩy ra cho diễn tiến của cuộc chiến Ukraine.


Ảnh minh họa. Nguồn: Odisha TV

Kịch bản 1: Nga chiến thắng quân sự

Ngay cả khi người Ukraine hiện đang quả cảm chống lại cuộc xâm lược của Nga, tinh thần chiến đấu của người Uraine rất cao, quân đội còn kháng cự mạnh nhờ sự trợ giúp vũ khí của phương Tây, nhưng có một điều rõ ràng là quân đội Nga vượt trội hơn hẳn về quân đội và vũ khí. Chính vì ưu thế quân sự của Nga, nhiều chuyên gia nhận định rằng, các đơn vị Nga sẽ có thể tiến xa hơn và đánh chiếm các thành phố chiến lược quan trọng trong vài ngày tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện quyết tâm tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi các yêu sách của Nga được đáp ứng: Công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk ở phía đông là các quốc gia độc lập, quy chế trung lập cho Ukraine với việc từ bỏ gia nhập vào Liên minh quân sự NATO.

Nhưng ngay cả khi Nga giành được một chiến thắng quân sự ở Ukraine và phá vỡ sự phản kháng của Ukraine, Putin sẽ phải đối mặt với thách thức chiếm đóng vĩnh viễn một đất nước rộng lớn 603.548 km² với trên 44 triệu dân. Cuộc chiếm đóng toàn bộ Ukraine sẽ vô cùng lâu dài và tốn kém. Theo các chuyên gia NATO, Nga sẽ cần ít nhất 600.000 binh sĩ, gấp 3 lần số quân hiện đang được triển khai trong khu vực để chiếm đóng nước này. Thương vong cao và có thể sẽ gặp kháng cự lâu dài. Do đó, việc Nga kiểm soát vĩnh viễn Ukraine thông qua một chế độ mới thân Nga sẽ rất khó khăn.

Tình huống 2: Nga rút quân về nước

Một chiến thắng quân sự nhanh chóng ở Ukraine được kỳ vọng sẽ giúp Putin đạt được chiến thắng về mặt chính trị: NATO phải từ bỏ tham vọng mở rộng về phía Đông, cũng như dập tắt hy vọng của Ukraine muốn ngả về phương Tây hay ít nhất cũng thay đổi chính quyền Tổng thống Zelensky. Tuy nhiên, căn cứ các thông tin trên thực địa, có vẻ như kế hoạch tiến nhanh, thắng nhanh ở Ukraine của Putin chưa thành công như mong đợi.

Cho đến nay quân lính Nga đã chưa thể giành được toàn quyền kiểm soát các địa điểm xung yếu ở Ukraine, bất chấp những mũi tiến công trên khắp đất nước.

Quân đội Ukraine đã chống lại cuộc xâm lược của Nga với sức mạnh đáng kinh ngạc: Kế hoạch quân sự trước đây để chiếm Kyiv trong vài giờ hoặc vài ngày đã bị người Ukraine đẩy lùi thành công. Các thành phố quan trọng chiến lược khác vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine.

Hiện tại, có vẻ như quân đội Ukraine, với sự trợ giúp vũ khí và cơ quan tình báo phương Tây, có thể tiếp tục cầm cự ở Kyiv và buộc quân đội Nga rơi vào bế tắc. Ngoài ra các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng có thể góp phần vào sự bất phân thắng bại quân sự. Cuối cùng, sự suy yếu lớn của nền kinh tế Nga có thể ép buộc Putin từ bỏ mục tiêu thực sự của mình và rút quân về nước.

Giới chuyên gia quân sự của NATO nhận xét, việc Nga tự đưa ra quy trình rút quân dù không đạt được thành công có thể là “mơ tưởng” (wishful thinking).

Tình huống 3: Nga v Ukraine đồng ý đàm phán

Dmitri Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói rằng, nếu Ukraine thay đổi hiến pháp để chấp nhận một số hình thức “trung lập” hơn là nguyện vọng gia nhập NATO; công nhận các khu vực ly khai ở Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập và Crimea là một phần của Nga; các cuộc tấn công quân sự sẽ dừng lại “trong chốc lát”.

Trong một cuộc phỏng vấn của ABC News, Tổng thống Zelensky của Ukraine nói rằng, ông đã “hạ nhiệt” khi muốn gia nhập NATO vì liên minh quân sự phương Tây “không sẵn sàng chấp nhận Ukraine” và nói rằng “chúng ta có thể thảo luận và tìm ra một thỏa hiệp về cách các vùng lãnh thổ này sẽ tồn tại”.

Tổng thống Zelenskyy nói: “Chúng tôi sẽ không đầu hàng nhưng sẵn sàng cho một cuộc đối thoại“. Trước đó, ông đã thể hiện rằng mình sẵn sàng thỏa hiệp và đề nghị đàm phán về sự trung lập của Ukraine. Điều này đã được chính thức đưa ra tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Ukraine nhận thức rõ rằng, họ cần một giải pháp thương thảo nhanh chóng để ngăn chặn thất bại hoàn toàn. Zelensky cũng kêu gọi một cuộc gặp trực tiếp với người cai trị Điện Kremlin. Ông nói “Chiến tranh chỉ có thể kết thúc bằng các cuộc hội đàm giữa hai Tổng thống”.

Trả lời phỏng vấn của cổng thông tin Wirtualna Polska hôm 17-3, Mikhail Podolyak, trợ lý cho tổng thống Ukraine lưu ý, cuộc hội đàm trực tiếp Putin – Zelensky có thể chỉ diễn ra khi một hiệp ước hòa bình giữa Moscow và Kyiv được ký kết.

Podolyak nói thêm: “Ngay sau khi các công việc về thỏa thuận hoàn tất, chúng tôi sẽ bắt đầu tổ chức cuộc gặp. Nó sẽ diễn ra trong những tuần tới. Địa điểm tổ chức không quan trọng đối với chúng tôi. Nó có thể ở bất cứ đâu, ngoại trừ Nga“.

Putin rất quan tâm đến việc kiềm chế cuộc xâm lược lớn và muốn kết thúc sớm cuộc chiến tranh. Putin đã lên tiếng cam kết “Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine và lặt đổ chính quyền Zelensky“ và chấp nhận thương thảo về một nước Ukraine trung lập và phi quân sự.

Báo Financial Times ngày 16/3 đưa tin, “tiến bộ đáng kể” trong đàm phán hòa bình là hai bên đang thảo luận về một dự thảo kế hoạch 15 điểm, bao gồm cả việc Nga rút quân và Ukraine trở thành một quốc gia trung lập dưới sự bảo vệ của các đồng minh phương Tây.

Tình huống 4: Phản kháng chống Putin gia tăng ở Nga

Khả năng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc vì một cuộc nổi dậy ở Nga hoặc thậm chí là một cuộc đảo chính. Giới chuyên gia chính trị không loại trừ hoàn toàn tình huống này. Ngay cả khi Điện Kremlin cố gắng đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập bằng các luật cứng rắn và củng cố quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng các cuộc biểu tình phản chiến vẫn diễn ra ở nhiều thành phố của Nga. Theo các tổ chức nhân quyền, ít nhất 6. 000 người phản kháng đã bị bắt.

Không chỉ người dân Nga bất mãn và ngày càng mất lòng tin vào Tổng thống Putin, sự ủng hộ của giới tinh hoa cầm quyền cũng đang sụp đổ. Một số nhà tài phiệt, thành viên quốc hội và thậm chí cả công ty dầu khí tư nhân Lukoil đang kêu gọi chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Putin được cho là còn an toàn, nhưng điều này có thể nhanh chóng trở thành điều ngược lại nếu xung đột leo thang hơn nữa.

Trước chiến tranh, có hai phe trong Điện Kremlin. Giới kinh doanh trong chính phủ xung quanh Thủ tướng Mikhail Mishustin và cấp phó của ông Andrei Belousov đã lên tiếng phản đối cuộc chiến Ukraine vì lo sợ các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ xảy ra, nhưng phe an ninh mạnh hơn nhiều xung quanh Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã hỗ trợ cuộc xâm lược.

Nay Nga bị thấm đòn từ các lệnh trừng phạt. Putin mất sự ủng hộ của công chúng. Có lẽ có nguy cơ về một cuộc cách mạng quần chúng. Giáo sư Sir Lawrence Freedman, Đại học Kings College, London cho rằng: “Hiện nay có khả năng sẽ có sự thay đổi chế độ tại Moscow cũng như ở Kyiv”.

Kịch bản 5: Leo thang xung đột và đối đầu với NATO

Ukraine có biên giới với 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, tất cả đều là thành viên NATO ngoại trừ Moldova, những diễn biến gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng Putin có thể tấn công họ. Nếu tình huống xấu nhất này thành hiện thực, xung đột khu vực sẽ lan rộng khắp thế giới.

Lãnh đạo Toà Bạch Ốc tái khẳng định, Mỹ sẽ không điều binh lính tới Ukraine để trực tiếp đối đầu với các lực lượng Nga tại đây. Thay vào đó, quân Mỹ sẽ được triển khai đến châu Âu để bảo vệ các đồng minh NATO bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia, trong trường hợp Nga quyết định tiếp tục tiến về phía tây.

Những luận điệu về chiến tranh của Putin, theo đó phương Tây sẽ hứng chịu hậu quả thảm khốc nếu tham gia vào cuộc chiến Ukraine, được các chuyên gia gần như nhất trí hiểu là một cử chỉ đe dọa tâm lý. Tuy nhiên, Nga sẽ làm mọi cách để ngăn chặn việc Georgia gia nhập NATO.

Hiện tại, Nga không có ý định đưa cuộc chiến sang lãnh thổ NATO và NATO cũng không muốn triển khai quân đội của mình ở Ukraine. Nhưng các sự cố chắc chắn có thể xảy ra, chẳng hạn do tính toán sai lầm hoặc hiểu nhầm trên không hoặc trên Biển Đen giữa các tàu chiến của Nga và NATO. Nhà chính trị học Samuel Charap cảnh báo về những “nguy cơ tai nạn, sự cố hoặc tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh giữa NATO và Nga”. Một tên lửa lạc hoặc một cuộc tấn công mạng có chủ đích có thể đóng vai trò là động cơ khiến chiến tranh leo thang.

Thay lời kết

Nước Nga đã trở thành một đối tác lớn trên toàn cầu trong thập niên 2010. Quốc gia này đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), là nguồn cung năng lượng chính của thế giới và tham gia tích cực vào các thỏa thuận quốc tế lớn, chẳng hạn như thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Nhưng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hiện nay vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia trên thế giới, khiến Moscow hứng chịu một loạt đòn trừng phạt nặng nề.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự vì phương Tây đã biến nó thành cuộc chiến cả mặt trận kinh tế, tài chính và chính trị. Nền kinh tế Nga chịu ảnh hưởng nặng nề, đồng Rúp giảm giá mạnh và nhiều tổ chức tài chính của nước này chao đảo.

Cộng đồng thế giới đã lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, đồng thời kêu gọi Moscow chấm dứt hành động gây hấn. 141 thành viên của Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu tại New York vào ngày 2-3-2022 cho một nghị quyết tương ứng. 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, chỉ 5 quốc gia bác bỏ quyết định. Trước cơ quan lớn nhất của Liên Hiệp quốc với 193 thành viên, các đồng minh phương Tây đã cho thấy sự cô lập quốc tế đối với Tổng thống Nga Putin.

Chiến sự Nga – Ukraine không thể kéo dài mãi, mà phải có kết cụcCác quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng, hy vọng tốt nhất là Putin phải thu hẹp các mục tiêu của cuộc chiến khi đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế. Phương Tây nói rõ là Putin phải bị lật đổ và được thay thế bằng một lãnh đạo ôn hòa hơn, sau đó thì Nga sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và các mối quan hệ ngoại giao được phục hồi.

TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN BIẾT VỀ PHONG TRÀO AZOV (AZOV MUVEMENT) TẠI  UKRAINE

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG/ TD 20-3-2022

“Binh đoàn Azov” vẫn đang tiếp tục được mô tả là một lực lượng Neo-Nazi khuynh đảo chính trường Ukraine; là lý do của cuộc chiến “phi Nazi hóa” (denazification) mà Putin phát động.

Tuy nhiên, bạn có biết lực lượng quân sự này thật ra chỉ có… 900 người?

Và rằng tổ chức chính trị của Azov còn không vượt nổi ngưỡng 5% phiếu bầu toàn quốc để có chân trong Quốc hội Ukraine?

(A) AZOV KHÔNG “BÀI NGA”, KHI BẢN THÂN NÓ CŨNG CÓ GỐC NGA

Một trong những điểm có lẽ chúng ta cần làm rõ trước tiên là nhiều người hay nhầm tưởng Azov “bài Nga”. Từ khi thành hình vào năm 2005 cho đến ngày nay, Azov với nền tảng Neo-Nazi thu hút cả người Ukraine, các nhóm Nga “đầu trọc” và người Belarus trong khu vực.

Cho đến hiện nay, lực lượng thực chiến của Azov có bao gồm một nhóm đông đảo người Nga (hiển nhiên có tư tưởng chống Putin). Và đáng ngạc nhiên hơn, số đông thành viên Azov có tiếng Nga là ngôn ngữ “mẹ đẻ”. [1] [2]

Điều này cho thấy các cáo buộc Azov về mặt bản chất là một tổ chức bài Nga, chủ động “diệt chủng người Nga”, “thảm sát người Nga” sẽ có một số vấn đề nguyên tắc lớn mà chúng ta sẽ bàn ở sau với các bằng chứng liên quan.

(B) NỀN TẢNG NEO-NAZI CỦA AZOV: Vẫn là “da trắng thượng đẳng” và “bài Do Thái”

Tiền thân gốc của Azov là một tổ chức chính trị cực hữu có tên gọi Patriot of Ukraine (Người Ukraine Yêu Nước), được thành lập bởi một nhân vật có tên Andriy Biletsky tại khu vực Kharkiv từ những năm 2005. Biletsky sau này cũng thành lập hàng loạt các phong trào, hội nhóm và thậm chí là Đảng phái khác như Social Nationalist Assembly, Social-National Party of Ukraine (hay Svoboda).

Cũng như các nhóm neo-Nazi khác, Azov tiếp tục theo đường lối chính trị khẳng định vai trò thượng đẳng của người da trắng “Aryan”. Họ cho rằng các nhóm sắc tộc khác như người gốc Phi, người Gypsies và đặc biệt là người Do Thái… đều là tầng lớp hạ đẳng, cần phải bài trừ trong một xã hội lý tưởng của các nhóm Neo-Nazi.

Cần lưu ý rằng Neo-Nazi không đơn thuần chỉ là bài ngoại hay phân biệt sắc tộc/chủng tộc (Xenophobia + Racism). Nguyên tắc cơ bản của Neo-Nazi, vẫn như Nazi, là sự thù ghét chung của họ dành cho người Do Thái (theo đúng mô tả của các nhóm cực đoan khi họ diễn giải sai lệch Kinh thánh).

Một nhóm chính trị cực đoan “bài Nga” (anti-Russia), dù cũng không tốt lành gì, sẽ không có cái tên Neo-Nazi.

Mặc khác, Azov về cơ bản vẫn là một nhóm theo tư tưởng bài Do Thái hết sức phổ thông (anti-Semite).

Vì lý do này, trong một clip gần đây, Trung có thể tự tin khẳng định một khối chính trị theo tư tưởng Neo-Nazi không thể đưa người Do Thái lên lãnh đạo (như Tổng thống Zelensky của Ukraine).

(C) SỰ TRỖI DẬY QUÂN SỰ CỦA AZOV: Vạn sự nhờ… Nga

Azov chỉ thật sự tìm thấy cơ hội cất tiếng nói của mình sau khi Nga hậu thuẫn các nhóm ly khai miền Đông Ukraine tách khỏi Ukraine, cũng như chiếm cứ Crimea vào năm 2014.

Tại thời điểm này, lực lượng quân đội Ukraine rệu rã và không hề có tinh thần chiến đấu với Nga, đặc biệt sau nhiệm kỳ tham nhũng tràn lan của Tổng thống của Yanukovych với lợi ích gắn liền với Kremlin. Điều này có thể thấy qua việc quân đội Nga đuổi lực lượng quân sự Ukraine ra khỏi Crimea mà không hề qua một trận giao tranh nào.

Các lãnh đạo dân cử mới của chính quyền buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ của các nhóm tình nguyện, và không ai hăng máu hơn các nhóm cánh hữu cực đoan. Azov Battalion được hình thành từ đây.

Kể từ năm 2014, Azov trở thành lực lượng chiến đấu hiệu quả bậc nhất tại miền Đông Ukraine. [3]

Tháng 6 năm 2014, các quân nhân Azov gây tiếng vang quốc nội và thế giới với việc hỗ trợ quân đội chính thức của Ukraine chiếm lại được thành phố Đông Nam Ukraine Mariupol từ tay Nga và lực lượng ly khai. Một chiến công có thể nói là không tưởng đối với quân đội Ukraine tại thời điểm đó.

Từ đó, với nhiều chiến tích trong việc phòng thủ các cứ điểm chiến lực cho Ukraine cũng như thực hiện nhiều cuộc tấn công thành công chống Nga và các nhóm ly khai thân Nga, Tiểu đoàn Azov hiện đã được chính thức sát nhập vào quân đội Ukraine.

Cuộc chiến mà Putin phát động với toàn bộ quốc gia Ukraine tiếp tục được Azov xem là một cơ hội “lửa thử vàng” để tăng cường danh tiếng, tầm ảnh hưởng và vai trò chính trị của họ trên toàn Châu Âu giai đoạn hậu chiến.

(D) MỐI QUAN HỆ “CỘNG SINH” giữa Azov và chính quyền Ukraine

Một điểm mà mình nghĩ nhiều người sẽ không thừa nhận là cả Azov lẫn chính quyền Ukraine đều có toan tính riêng, nói cách khác là “đồng sàng dị mộng”.

Như đã nói, Azov hoạt động quân sự hỗ trợ chính quyền Ukraine hiện nay là để gây tiếng vang quốc tế, tạo điều kiện hẫu thuận tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động của họ, cũng như rèn luyện năng lực quân sự cho các thành viên. Trên cơ sở đó, nhóm Azov phổ biến, truyền cảm hứng, làm sống lại tư tưởng Neo-Nazi trên Châu Âu và Châu Mỹ.

Ở phía còn lại, chính quyền Ukraine với sự yếu kém quân sự của mình so với Nga rất cần những toán quân có quyết tâm và có năng lực như Azov, từ đó tạo động lực cho các nhóm quân đội chủ lực.

Một điểm nữa mà mọi người có vẻ không chú ý là nghe dịch “Binh đoàn” hay “Quân đoàn” Azov, chúng ta sẽ tưởng tượng ra một lực lượng quân sự hùng hậu với nền tảng chính trị lớn.

Điều này thật ra không đúng với thực tiễn. Lực lượng quân sự Azov hiện nay chỉ còn khoảng 900 người [4], vốn hoàn toàn không đủ khả năng thao túng hay gây ảnh hưởng lên mặt trận tư tưởng hay quân sự của chính phủ Ukraine như nhiều người tưởng tượng.

Một khi chính phủ Ukraine cho rằng vai trò của nhóm này đối với nhà nước Ukraine không còn, sự đào thải họ ra khỏi cấu trúc nhà nước Ukraine là không khó (ít ra là theo quan sát của Trung).

Mặt khác, các nhánh chính trị của Azov được hình thành sau này, như National Corps, cũng không có bất kỳ thành quả gì đáng kể trên chính trường Ukraine và tư tưởng chung của người Ukraine.

Vừa vào năm 2019 mới đây, National Corps thất bại trong việc vượt chuẩn chỉ… 5% phiếu bầu để bắt đầu có thể có ghế trong Quốc hội Ukraine. Trước đó một năm, thống kê cho thấy số lượng thành viên của National Corps chỉ là hơn 20,000 người trên toàn Ukraine. [5]

Diễn ngôn “chống EU, tái thiết lập Ukraine như là một cường quốc hạt nhân…” đều không được đón nhận bởi đại đa số cư dân Ukraine.

(E) CÁC CÁO BUỘC nhân quyền, nhân đạo được ghi nhận.

Với nền tảng Neo-Nazi, không khó để chúng ta dự đoán rằng sẽ có nhiều cáo buộc nhân quyền liên quan đến nhóm Azov.

Ngoài những câu chuyện gây tranh cãi về việc một số thành viên Azov giơ biểu tượng, chào theo kiểu Đức Quốc Xã… OHCHR (Cao Ủy Nhân quyền LHQ) cũng ghi nhận một số cáo buộc nhân quyền của nhóm Azov.

Ví dụ, trong một cáo báo của OHCHR vào năm 2016, ủng hộ viên Azov gây náo loạn trong một phiên tòa xét xử một thành viên Azov với hành vi phá rối (Hooliganism). [6]

Báo cáo đầy đủ hơn, cũng vào năm 2016, ghi nhận xung đột và ẩu đả của Azov với các nhóm ủng hộ Nga, biểu tình gây sự với các phóng viên thân Nga tại Ukraine, Nghiêm trọng nhất trong đó là việc một nhóm 10 thành viên Azov quấy rối tình dục và tra tấn một người đàn ông bị mắc bệnh tâm thần. [7]

Việc Azov bắt giữ và tra tấn các cá nhân họ tự cho là thân Nga, phá hoại, cướp bóc tài sản công dân… trong các vùng chiến sự cũng xảy ra xuyên suốt giai đoạn xung đột với Nga.

Đây đều là những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và chính quyền Ukraine cần phải nghiêm túc điều tra, xét xử một khi hòa bình được thiết lập.

Tuy nhiên, chúng có nghiêm trọng đến mức các cáo buộc diệt chủng, giết người tùy tiện… như các nhóm thân Nga mô tả hay không thì có thể nói là không.

[1] https://www.theguardian.com/world/2014/sep/10/azov-far-right-fighters-ukraine-neo-nazis

[2] https://www.aljazeera.com/features/2015/9/25/ukraines-other-russians

[3] https://cisac.fsi.stanford.edu/mappingmilitants/profiles/azov-battalion#_ftn34

[4] https://www.aljazeera.com/news/2022/3/1/who-are-the-azov-regiment

[5] https://www.bbc.com/news/world-europe-30414955

[6] https://www.ohchr.org/en/2016/09/cooperation-and-assistance-ukraine-field-human-rights-remarks-kate-gilmore-deputy-high?LangID=E&NewsID=20591

[7] https://www.ohchr.org/sites/default/files/Documents/Countries/UA/Ukraine_14th_HRMMU_Report.pdf

Nguyễn Quốc Tấn Trung

ĐÀI LOAN KHÔNG PHẢI LÀ UKRAINE CỦA KHU VỰC ẤN ĐỘ-THÁI BÌNH DƯƠNG. THAY VÀO ĐÓ, THỬ XÉT ĐẾN SỐ PHẬN VIỆT NAM

Derek Grossman/ BVN 24-3-2022

Trần Ngọc Cư biên tập

Binh sĩ Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tuần tra tại đảo Woody (Phú Lâm), thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 29 tháng 1 năm 2016. Ảnh của China Stringer Network / Reuters

Cuộc chiến của Nga ở Đông Âu đã khiến các nhà quan sát an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương so sánh giữa hoàn cảnh của Ukraine [đối với Nga] và hoàn cảnh của Đài Loan đối với Trung Quốc.

Chắc chắn, Ukraine và Đài Loan đều là các quốc gia dân chủ xung đột với một cường quốc láng giềng theo chủ nghĩa xét lại và độc tài – [xét lại trật tự thế giới hiện nay, DG.] Lập luận của Vladimir Putin rằng Ukraine không phải là một quốc gia có chủ quyền thậm chí có vẻ lặp lại lời của Tập Cận Bình và mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc trước ông: Đài Loan chỉ là một tỉnh phản bội Tổ quốc và “sự thống nhất” sẽ đến, dù có thông qua các phương tiện hòa bình hay cưỡng chế nếu cần.

Tuy nhiên, sau những điểm tương đồng đáng chú ý này, sự so sánh Ukraine - Đài Loan không đứng vững. Sự tương tự dễ thấy hơn nằm ở một quốc gia khác của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương: Việt Nam.

Là một nhà nước xã hội chủ nghĩa đồng minh do một Đảng Cộng sản độc tài cai trị, Hà Nội đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc, đặc biệt xung quanh các tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc không đe dọa xâm lược Việt Nam như Ukraine của Nga, nhưng đôi khi các cuộc đụng độ nguy hiểm trên biển giữa hai quốc gia châu Á đã diễn ra. Không phải là không tưởng tượng được rằng một sự cố trên biển có thể tràn vào đất liền, phá vỡ nền hòa bình kéo dài hàng thập kỷ tại biên giới chung của họ. Ngược lại, một kịch bản như vậy có nhiều khả năng xảy ra hơn là một cuộc xâm lược Đài Loan sớm xảy ra.

Việt Nam không có liên minh an ninh với bất kỳ cường quốc hoặc mạng lưới liên minh nào, đó chính là điều khiến Ukraine dễ bị tổn thương. Chính sách đối ngoại không liên kết của Hà Nội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc có nghĩa là Trung Quốc có thể tấn công mà không sợ bị các quốc gia mạnh hơn trả đũa. Mặc dù quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, quan hệ đối tác “toàn diện” của Washington với Hà Nội là quan hệ đối tác ở nấc thang thấp nhất trong hệ thống phân cấp của Việt Nam.

Sự sụp đổ của Liên Xô khiến Việt Nam cảm thấy bị các liên minh hắt hủi đến mức Hà Nội thậm chí không có liên minh an ninh với cả người bạn lâu đời của mình là Nga. Điều này đặt Việt Nam vào tình trạng đơn thương độc mã trên Biển Đông. Nếu so sánh, Philippines có các tuyên bố chủ quyền rộng lớn, chồng chéo với Trung Quốc nhưng có thể dựa lưng vào quan hệ đồng minh với Washington.

Đành rằng, Đài Loan cũng không có liên minh với Hoa Kỳ hoặc bất kỳ cường quốc nào khác. Nhưng, mọi chính quyền Mỹ kể từ khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để công nhận Bắc Kinh vào năm 1979 đều cung cấp Đài Loan những vũ khí cần thiết để phòng thủ dưới sự bảo trợ của Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Hơn nữa, chỉ trong tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã hai lần khẳng định rằng Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhắm vào hòn đảo này. Việt Nam không thể có kỳ vọng như vậy.

Việt Nam, giống như Ukraine, trước đây cũng đã từng bị tấn công bởi nước láng giềng lớn hơn của mình. Nga chiếm Crimea vào năm 2014 và xâm nhập vào khu vực biên giới Donetsk và Luhansk của Ukraine. Tương tự, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa từ Nam Việt Nam vào năm 1974 và từ chối trao trả chúng sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản. Sau đó, vào năm 1979, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc xâm lược để “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã can thiệp vào Campuchia chống lại Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn.

Mạng xã hội Việt Nam đã xôn xao về những điểm tương đồng này kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Theo một bài bình luận gần đây, điều duy nhất đã cứu Việt Nam khỏi một cuộc xâm lược toàn bộ là nhờ liên minh với Liên Xô có vũ khí hạt nhân, liên minh ấy nay không còn tồn tại.

Bắc Kinh đã tiếp tục thực hiện các lựa chọn quân sự chống lại Việt Nam. Ví dụ, vào năm 1988, Trung Quốc đã đánh đuổi các lực lượng Việt Nam tại Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Trong một thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và triển khai lực lượng đến quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc, ngày nay sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng tuần duyên và lực lượng dân quân đánh cá trên biển lớn nhất khu vực, hiện thường xuyên tuần tra các khu vực tranh chấp và buộc các tài sản của đối thủ phải rời khỏi khu vực. Vào đầu tháng 3, Nhân dân Giải phóng quân [PLA] đã tiến hành một cuộc hành quân trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có thể là để trục vớt một chiếc máy bay chiến đấu bị rơi mà không cần sự cho phép của Hà Nội.

Trong khi đó, tại biên giới đất liền, việc thành lập ít nhất một, có lẽ hai căn cứ của PLA gần đó đã được công khai vào năm ngoái – một căn cứ tên lửa và máy bay trực thăng. Luật ranh giới đất liền mới của Bắc Kinh, cũng được thông qua vào năm 2021, khuyến khích việc bảo vệ tích cực các biên giới của Trung Quốc bằng vũ lực, gợi ý rằng các đơn vị PLA hoạt động từ các căn cứ này có thể được trao quyền để gây thêm áp lực đối với Việt Nam.

Đài Loan cũng phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng, đặc biệt là các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay gần hoặc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của đảo quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động quân sự trực tiếp nào chống lại đảo này kể từ khi chính phủ Quốc dân đảng chạy ra đó vào cuối cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Điều này không có nghĩa là quan hệ xuyên eo biển đã không xảy ra sự cố.

Trong các năm 1954-55 và 1958, PLA nã pháo vào các tiền đồn quân sự của Đài Loan trên Kim Môn và Mã Tổ gần bờ biển của Trung Quốc. Ngoài ra, vào các năm 1995 và 1996, Bắc Kinh đã phóng tên lửa gần Đài Loan để phản đối chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng thống Lý Đăng Huy thời đó. Tuy nhiên, về tổng thể, Bắc Kinh đã hạn chế thực hiện các hành động quân sự chống lại chính đảo Đài Loan. Điều tương tự không thể nói về Việt Nam.

Trung Quốc cũng tin chắc dễ dàng đánh bại Việt Nam trong một chiến tranh qui ước, mặc dù không nhất thiết như vậy trong một cuộc xung đột du kích kéo dài, điều này không khác mấy với sự đánh giá của Nga về sự kém cỏi của các lực lượng vũ trang Ukraine trước khi chiến tranh xảy ra. Trung Quốc duy trì lợi thế quân sự to lớn so với Việt Nam, cho dù dưới hình thức tên lửa đạn đạo và hành trình, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, tàu ngầm, hạm đội mặt nước và các lĩnh vực khác.

Sau khi công bố tăng tài trợ 7,1% vào đầu tháng này, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh vào khoảng 230 tỷ USD, gấp ít nhất 32 lần ngân sách ước tính 7 tỷ USD của Hà Nội. Hơn nữa, Trung Quốc đã hỗ trợ đầu tư vào chuyên nghiệp hóa quân sự, đặc biệt là để tăng cường hợp tác giữa các binh chủng, để cuối cùng biến PLA, theo chỉ đạo của Tập Cận Bình, thành một quân lực “đẳng cấp thế giới”. Việt Nam thua xa Trung Quốc về mọi mặt có thể hình dung được.

Ngược lại, Đài Loan đã đầu tư rất nhiều vào việc mua sắm hoặc phát triển các khả năng phòng thủ phi đối xứng giá rẻ để tạo thêm khó khăn cho các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chinh phục đảo quốc này. Đài Loan sở hữu các tên lửa đất đối không, như các khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ và tên lửa hành trình chống hạm.

Đài Loan cũng hưởng nhiều lợi thế từ sự hỗ trợ kéo dài hàng thập kỷ trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí tiên tiến từ Hoa Kỳ, bao gồm việc mua 66 máy bay chiến đấu F-16V vào năm ngoái để tăng cường khả năng không chiến và tuần tra. Đài Loan đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc hợp tác giữa các binh chủng và kiện toàn khả năng tiến hành chiến tranh trong các lĩnh vực không quân và hải quân, trong khi Việt Nam thì không, do đó rất dễ làm suy yếu chất lượng của các cuộc hành quân hỗn hợp của họ.

So sánh Nga - Ukraine với Trung Quốc - Đài Loan là thiếu nghiêm túc. Đúng ra, một kịch bản Trung Quốc - Việt Nam thì có vẻ phù hợp hơn.

Về mặt địa lý, việc chinh phục Đài Loan có lẽ sẽ phức tạp hơn nhiều so với cuộc xâm lược Ukraine trên đất liền của Nga. Nga tập trung quân dọc theo biên giới và xâm chiếm phần địa hình hầu hết là bằng phẳng và tiếp giáp. Mặt khác, Trung Quốc sẽ phải tiến hành thành công chiến dịch đổ bộ nhằm vào Đài Loan và có thể dễ bị tổn thương khi đi qua eo biển Đài Loan. Đường biên giới chung trên đất liền của Việt Nam với Trung Quốc, tương tự như Ukraine, không có bất kỳ thách thức địa hình đặc biệt khó khăn nào.

Không có phép so sánh nào là hoàn hảo, nhưng sự so sánh Nga - Ukraine với Trung Quốc - Đài Loan còn thiếu sót nghiêm trọng. Đúng hơn, đó là một kịch bản Trung Quốc - Việt Nam, trong đó một sự cố ở Biển Đông leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn trên đất liền, có vẻ phù hợp hơn.

Kết luận này có ngụ ý theo hai cung cách. Một mặt, Washington cảm thấy an ủi khi biết rằng Đài Loan không dễ bị tổn thương như Ukraine. Mặt khác, biết đâu Hoa Kỳ lại muốn có một cái nhìn khác về tình huống nhạy cảm của Việt Nam.

———

Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND phi lợi nhuận, phi đảng phái. Trước đây, ông từng là cố vấn tình báo tại Lầu Năm Góc.

Bài bình luận này ban đầu xuất hiện trên Nikkei Asia vào ngày 21 tháng 3 năm 2022. Trang Bình luận mang đến cho các nhà nghiên cứu RAND một diễn đàn để truyền đạt những hiểu biết sâu sắc dựa trên kiến thức chuyên môn của họ và thường dựa trên nghiên cứu và phân tích được đánh giá bởi đồng nghiệp của họ.

D. G.

Nguồn bản gốcTaiwan Isn't the Ukraine of the Indo-Pacific. Try Vietnam Instead

Dịch giả TNC gửi BVN

CUỘC CHIẾN NGA-UKRAINE NĂM 2022 KHÁC VỚI CUỘC CHIẾN 

VIỆT NAM-CAMBODIA NĂM 1979

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 24-3-2022

Cuối năm 1978, cả một dãy biên giới Việt Nam – Cambodia sôi sục vì những cuộc xâm nhập, giết chóc của quân Khmer Đỏ, nhắm vào dân thường Việt Nam. Tôi từng chứng kiến tận mắt những đoàn người chạy loạn từ biên giới vào bên trong nội địa Việt Nam, và tôi không những chia sẻ những cảm xúc tức giận đối với lực lượng Khmer Đỏ, mà còn đói với cả nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lúc ấy: Tại sao không chịu đánh trả?

Sau đó không lâu, đài truyền hình nhà nước CSVN công bố bạch thư quan hệ Việt Nam – Cambodia. Vài ngày sau, quân đội Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Cuộc tấn công này không thể nào so sánh với cuộc tấn công xâm lược nước Ukraine của tổng thống Nga Putin. Gần 200 ngàn quân Nga tràn vào một quốc gia có chủ quyền, không hề khiêu khích nước Nga.

Đã hơn 40 năm kể từ khi quân đội Việt Nam tràn vào Cambodia. Thời gian đó đủ dài, cộng với những tài liệu lần lượt được đưa ra, chúng ta có thể xem xét kỹ càng những nguyên nhân khác nhau, cũng như những diễn biến khác nhau về cuộc chiến đó.

Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là những người góp phần dựng lên chế độ Khmer Đỏ. Họ cũng ý thức được rạn nứt trong khối cộng sản giữa Liên Xô và Trung Quốc, công khai bắt đầu bằng cuộc chiến đẫm máu tại biên giới Liên Xô – Trung Quốc hồi năm 1969. Nhưng từ đó cho đến khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam năm 1975, khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khéo léo đi dây giữa hai người anh cả đỏ là Moscow và Bắc Kinh.

Có lẽ vì thế, những người Cộng sản Việt Nam không đo lường được mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với lực lượng Khmer Đỏ. Các tài liệu sau này cho thấy, lực lượng Khmer Đỏ công khai thù địch với Việt Nam ngay sau khi họ chiếm được Phnom Penh. Nhưng các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam vẫn do dự, nghĩ rằng những “người anh em ý thức hệ” Khmer vẫn là bạn của họ. Có lẽ đó là lý do gây nên sự chậm trễ trong phản ứng chống lại các đợt xâm nhập của Khmer Đỏ vào lãnh thổ Việt Nam, giết hại dân lành.

Dù trễ, nhưng cuộc tấn công của quân đội Việt Nam vào Campuchia dưới sự cai trị của Khmer Đỏ, nhận được sự ủng hộ của cả người Việt Nam lẫn người Khmer, giúp họ thoát khỏi nạn diệt chủng ý thức hệ.

Nhưng quân đội Việt Nam đã không tận diệt được bộ máy lãnh đạo Khmer Đỏ, cũng như để cho con bài chính trị lợi hại của Trung Quốc là hoàng thân Norodom Sihanouk được đưa về Bắc Kinh.

Sau khi được dư luận ủng hộ ban đầu, cũng như có một thời gian ngắn thắng thế, Việt Nam bắt đầu sa lầy trong một cuộc chiến kéo dài đến 10 năm. Hà Nội ký hiệp định Paris vào năm 1989, triệt thoái toàn bộ quân đội ra khỏi Cambodia.

Về con số thương vong của người Việt ở Cambodia, các nguồn tin vẫn chưa thống nhất. VOV đưa tin, có hơn 20.000 bộ đội Việt Nam thiệt mạng ở Campuchia từ năm 1978-1989, còn theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Việt Nam lúc đó cho biết, có hơn 53.000 thương vong, cũng như chết vì sốt rét rừng. Về phía người dân Campuchia, theo thống kê của các tổ chức quốc tế, có khoảng 2-3 triệu người chết do chính sách diệt chủng của Khmer Đỏ.


Một ngày trước khi Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ, ngày 16/4/1975, hàng ngàn người dân Campuchia chạy về trung tâm Phnom Penh trên Đại lộ Monivong. Nguồn: Roland Neveu/ LightRocket / Getty Images

Khmer Đỏ và Trung Quốc đã khéo léo thành công trong việc cô lập Việt Nam trong cuộc chiến ở Cambodia. Một lý do quan trọng làm nên sự thành công đó là, Hà Nội đã quá gắn bó với Moscow, mục tiêu chiến lược chung lúc đó của phương Tây và Bắc Kinh. Dù chế độ Khmer Đỏ diệt chủng chính dân chúng của họ, nhưng họ vẫn giữ được ghế đại diện của Campuchia tại Liên Hiệp quốc cho tới năm 1993, suốt 14 năm sau khi bị lật đổ.

Quân đội Việt Nam ở Campuchia bị nhìn như một đội quân chiếm đóng dù có công lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, có lẽ do sau khi đánh đuổi và lật đổ chế độ diệt chủng, họ đã chiếm đóng Campuchia thêm 10 năm nữa. Lẽ ra, sau khi đánh đuổi Khmer Đỏ ra khỏi biên giới Việt Nam, lật đổ chế độ diệt chủng, Việt Nam cần tìm sự ủng hộ quốc tế, như cùng với LHQ lập nên chính phủ dân cử, rồi rút quân về, thay vì chiếm đóng suốt 10 năm.

Đánh đuổi Khmer Đỏ ra khỏi biên giới Việt Nam trong giai đoạn đầu, lãnh đạo CSVN được người dân trong nước và cả dân Campuchia ủng hộ, bởi không có cuộc tấn công đó, hàng ngàn thường dân Việt Nam và cả dân Campuchia tiếp tục bị thảm sát dưới bàn tay của Khmer Đỏ.

Tuy nhiên, việc quân đội CSVN chiếm đóng Campuchia suốt 10 năm, lập nên chính phủ thân Việt Nam, lại giống như ý như định của Putin hiện nay, xâm lược Ukraine, tấn công, chiếm đóng và lập nên chính phủ thân Nga.

Cuộc tranh cãi hiện nay giữa người Việt về cuộc chiến Ukraine, không có sự phân biệt rõ ràng, khi gọp chung nguyên nhân và mục đích của hai cuộc chiến. Có người còn đi quá xa, khi biện minh cho cuộc xâm lược của Putin, ủng hộ ông ta tấn công Ukraine, bằng cách so sánh nó với cuộc tấn công vào Campuchia của quân đội Việt Nam.

XIN LỖI NGÀI TỔNG THỐNG ZELENSKY VÀ CÁC BẠN UKRAINE !

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 24-3-2022

Chúng tôi ủng hộ ngài và người dân Ukraine chống lại quân xâm lược Nga, nhưng chúng tôi không thể làm theo lời kêu gọi bởi chúng tôi không muốn bị bắt, không muốn ngồi trong đồn cả ngày trời.

Tôi viết những dòng này mà trong lòng gợn lên cảm giác hổ thẹn và mắt tôi đã hoen lệ. Tôi đã không thể sống như một con người can trường, một người luôn sống theo tiếng gọi của lương tri, của lòng trắc ẩn, một người chính trực và nhiệt thành, luôn làm theo thứ mình coi là tốt, là đúng, là nên làm.

Tôi cũng xin lỗi người bạn mới quen, Nataliya Zhynkina, đại biện lâm thời của ĐSQ Ukraine ở Việt Nam. Bạn đừng nhìn vào đường phố vắng, không có đoàn người hô và cầm khẩu hiệu phản đối cuộc chiến xâm lược đầy phi nghĩa của Nga mà nghĩ người dân Việt Nam chúng tôi vô cảm, không quan tâm tới các bạn.

Dân gian có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, chính quyền nơi chúng tôi ở không cho phép biểu tình, mặc dù biểu tình là một quyền hiến định nhưng chưa được cụ thể hoá thành luật.

Những cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, chống Trung Quốc xâm hại biển đảo Việt Nam, bảo vệ cây xanh, nhiều người trong chúng tôi bị bắt vào đồn, rất mất thời gian và căng thẳng không cần thiết.

Nhiều bạn bè của tôi, những người tôi yêu quý và đặt họ ở mức cao nhất trong thang bậc làm Người đúng nghĩa đã bị bắt, bị tù đầy nhiều năm chỉ bởi họ sống đúng nghĩa con Người, những con người sống có trách nhiệm với đất nước. Việc bắt bớ ấy có tác động đến chúng tôi. Không ai muốn bị mất đi những năm tháng cuộc đời trong nhà tù, nhất là khi những trách nhiệm cuộc sống còn đang đè nặng trên vai mình.

Cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Nga không thể xảy ra. Tôi phải cay đắng thừa nhận rằng những sự bắt bớ của chính quyền có tác dụng. Họ đã thành công trong việc nhào nặn người dân theo ý của họ. Nếu muốn yên thân, chúng tôi không thể sống đúng như mình muốn. Mong các bạn hiểu cho.

Tôi xin lỗi các bạn Ukraine, những người đang là những chiến sỹ quả cảm trong cuộc chiến vệ quốc anh hùng. Tôi tin rằng các bạn sẽ chiến thắng trong vinh quang. Chúng tôi không xuống đường theo lời kêu gọi của tổng thống của các bạn nhưng con tim của chúng tôi vẫn đập từng nhịp cùng các bạn trong suốt cuộc chiến tàn khốc, man rợ và phi nhân tính này. Chúng tôi luôn ở bên các bạn, chúng tôi yêu quý các bạn!

P.S: Việc quyên góp ủng hộ nhân đạo cho ĐSQ Ukraine ở Việt Nam vẫn tiếp tục các bạn nhé. Những bạn có thẻ thì có thể chuyển trực tiếp cho chính phủ Ukraine, còn muốn chuyển qua ngân hàng thì theo thông tin sau và tôi sẽ tiếp tục cập nhật sao kê của các bạn đầy đủ như trong link này. Xin trân trọng cảm ơn những tấm lòng yêu thương con người của các bạn.

Đoàn Bảo Châu

CHIẾN TRANH LẠNH MỚI, BÊN NÀO MẠNH ?

NGÔ NHÂN DỤNG/ BVN 26-3-2022

TT Joe Biden (trái) đến Âu Chậu dự thượng đỉnh về vấn đề Ukraine, 24 tháng Ba.

TT Joe Biden (trái) đến Âu Chậu dự thượng đỉnh về vấn đề Ukraine, 24 tháng Ba.

Mỹ và các nước Âu châu trong khối NATO đã kết hợp, tạo thế đối nghịch. Australia, Canada, và New Zealand vốn liên minh với Anh, Mỹ. Các nước Á Đông, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan đứng cùng với Mỹ.

Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu trên mặt trận kinh tế, trước khi cuộc chiến Ukraine kết thúc. Một bên, Nga có ít nhất 7 đồng minh. Kazakhstan, Belarus đóng vai chư hầu Nga. Trung Cộng không chống lại cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, kéo thêm Cambodia và Lào. Syria đứng hẳn về phía Nga, đang gửi quân qua giúp Putin. Đại sứ Bắc Hàn Sin Hong Chol gặp thứ trưởng ngoại giao Nga Igor Morgulov, có thể gửi lính sang Ukraine cho Putin.

Bên kia, Mỹ và các nước Âu châu trong khối NATO đã kết hợp, tạo thế đối nghịch. Australia, Canada, và New Zealand vốn liên minh với Anh, Mỹ. Các nước Á Đông, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan đứng cùng với Mỹ.

Nga với một nền kinh tế chỉ bằng hơn một nửa Anh hay Pháp, đã bị cô lập hóa. Trung Cộng sẽ bị phong tỏa kinh tế dần dần nếu tiếp tục liên kết với Nga. Nhưng thế giới đã chia thành hai phe rõ rệt, Mỹ và đồng minh đang chiếm lợi thế. Trong Tổng Sản Lượng (GDP) cả thế giới, khoảng $92 ngàn tỷ mỹ kim, Trung Quốc chiếm 18%. Cộng thêm Nga và mấy nước phụ thuộc sẽ lên được 20%. Riêng nước Mỹ đã chiếm 24% GDP cả thế giới, cùng với các đồng minh sẽ lên 59%. Thế chênh lệch này khó thay đổi từ nay đến cuối thế kỷ.

Sức mạnh kinh tế của Nga nằm dưới mặt đất, với những quặng mỏ khổng lồ. Nga tùy thuộc Tây phương ngay trong việc khai thác quặng mỏ. Muốn biến khí đốt thành chất lỏng để xuất cảng, Nga dựa vào kỹ thuật của các công ty Pháp, Na Uy, và Italy. Nga cung cấp khí đốt, dầu lửa, kền (nickel) và palladium, một chất cần thiết để trừ khói độc từ xe hơi thải ra, sẽ bớt quan trọng khi mọi người dùng xe chạy điện.

Trung Quốc nhờ đông dân đã đóng vai nhà máy sản xuất đủ thứ hàng hóa cho thế giới từ ba chục năm nay nhưng hai bên sản xuất và tiêu thụ tùy thuộc lẫn nhau. Thế cân bằng này không thay đổi chờ đến khi dân số Trung Quốc giảm, số người làm việc sẽ giảm xuống rất nhanh. Công nghiệp thế giới đang thay thế sức người bằng robots và sản xuất tự động hóa, Trung Quốc sẽ mất một lợi thế.

Đối nghịch với Nga và Trung Quốc là những nước mạnh nhất về kinh tế tri thức.

Nga và Trung Cộng yếu nhất trong ngành điện tử và tin học, là nền tảng của tương lai kinh tế. Hai nước bị Mỹ và đồng minh vượt xa trong việc sử dụng chất bán dẫn và sản xuất các chíp dùng trong máy vi tính, trong các ứng dụng vào internet. Nga và Trung Cộng đi chậm khoảng 15 năm, mà khi đuổi kịp thì các nước kia đã vượt xa hơn rồi.

Việc sản xuất chíp đi qua nhiều giai đoạn rất phức tạp. Các công ty Nvidia, Intel, Qualcomm, AMD ở Mỹ và ARM của Anh quốc dẫn đầu trong nghề thiết kế chíp (chip design) tân tiến nhất. Công việc sản xuất chíp nằm trong tay các công ty Intel ở Mỹ, TSMC ở Đài Loan và Samsung ở Nam Hàn. Các công ty Applied Materials và Lam Research ở Mỹ, ASML ở Hòa Lan và Tokyo Electron của Nhật đứng đầu trong việc cung cấp kỹ thuật và bộ phận.

Vũ khí và hệ thống thông tin trong quân đội đều cần đến chất bán dẫn. TSMC của Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.) sản xuất hơn một nửa số chíp dùng trên thế giới, rồi tới Samsung của Nam Hàn đứng đầu về các chíp lưu giữ (memory-chip). Cả hai công ty đều đã ngưng bán hàng cho Nga; vì sẽ không được phép mua các thiết kế và các bộ phận của Mỹ, nếu không tuân hành lệnh phong tỏa.

Các công ty Nga như Elbrus và Baikal chế các máy vi tính (computers) và máy chủ (servers), đều dùng những chíp mới do TSMC và Samsung cung cấp. Công ty Nga lớn nhất, Mikron Group, chỉ có thể chế tạo những chíp kích thước 65 nano-mét, trong khi các công ty Mỹ, Nhật, Đài Loan, Nam Hàn sản xuất những loại chíp tinh vi từ 6 đến 9 nano-mét (một phần tỷ của một mét).

Trung Quốc mạnh hơn Nga trong ngành chất bán dẫn, đứng hàng đầu là công ty quốc doanh SMIC (Semiconductor Manufacturing International Co.). Nhưng SMIC cũng cần mua bộ phận từ TSMC của Đài Loan, mà TSMC bị cấm không được bán các kỹ thuật mới cho Trung Cộng nếu dùng để giúp Nga.

Trên lý thuyết Trung Cộng có thể giúp Nga chế tạo chíp mới, nhưng muốn lập cơ sở sản xuất cần ít nhất một năm. Hơn nữa, bất cứ nước nào muốn sản xuất các chất bán dẫn tân tiến đều phải mua các khí cụ của ASML, mà chính công ty Hòa Lan này cũng bị cấm bán cho Nga, vì họ dùng các kỹ thuật sáng chế ở Mỹ. Các công ty Trung Cộng muốn giúp Nga sản xuất chíp với các kỹ thuật cũ cũng sẽ bị cấm vận, từ nay không được mua và sử dụng các kỹ thuật mới của Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và Âu châu nữa.

Nga là một siêu cường nhờ năng lượng chứa dưới mặt đất, Đài Loan, Nam Hàn là những siêu cường trong công nghiệp chất bán dẫn, dựa trên bộ óc con người. Các nước có thể mua dầu, khí từ nơi này hoặc nơi khác, như Đức, Pháp đang muốn chấm dứt không lệ thuộc vào Nga nữa. Muốn thay thế nguồn cung cấp chất bán dẫn khó hơn nhiều. Đó là một điểm đặc biệt trong cuộc tranh hùng kinh tế giữa hai khối tự do và độc tài.

Sức mạnh quân sự của một nước tùy thuộc vào khả năng kinh tế. Các công ty Trung Cộng đi sau Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn và Âu châu trong việc sản xuất các máy vi tính mới. Hậu quả là Trung Cộng và Nga sẽ chậm trễ trong các ngành cần dùng những chíp cao cấp nhất, như internet thế hệ thứ 5 (5G) và máy móc tự động (robotics). Phát triển kinh tế tùy thuộc vào khả năng đầu tư liên tục trong hoạt động nghiên cứu. Trung Quốc và Nga có khoảng 2.5 triệu các nhà nghiên cứu khoa học, Mỹ và các nước đồng minh có 5.2 triệu người. Năm 2019 Nga và Trung Cộng đầu tư tổng cộng $570 tỷ mỹ kim vào việc nghiên cứu, R&D. Mỹ và khối tự do đầu tư $1.5 ngàn tỷ, theo thống kê của OECD, tổ chức cộng tác và phát triển.

Trung Cộng đang nỗ lực đào tạo nhân tài, số sinh viên tốt nghiệp cử nhân về khoa học và kỹ thuật nhiều bằng tất cả các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Nam Hàn cộng lại. Đó là một lực lượng chủ yếu giúp các công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc, trong khi các kỹ sư ra trường ở Mỹ không thích làm trong các cơ xưởng.

Nhưng các nước tự do dân chủ chiếm một ưu điểm là thu hút được nhân tài từ khắp thế giới. Một cuộc nghiên cứu của một đại học Bắc Kinh cho biết trong số các chuyên viên cao cấp Trung Hoa về Trí khôn Nhân tạo (artificial intelligence), hơn một nửa, 56% đang làm việc ở Mỹ, chỉ có 34% làm việc ở Trung Quốc, theo nhật báo The Wall Street Journal ngày 18 tháng Ba, 2022. Lý do vì “môi trường nghiên cứu khoa học ở Mỹ thoải mái và kích động tìm tòi … đã lôi cuốn các tài năng về khoa học, kỹ thuật.” Sống tự do và có cơ hội làm giàu là động cơ thúc đẩy các doanh nhân trong những ngành kỹ thuật. Nước Mỹ có đầy đủ hai thứ đó, bên Trung Quốc, bên Nga thì không.

Khối tự do dân chủ phải phối hợp để vận dụng các ưu điểm của mình trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Mỹ, Âu châu, và các nước Á Đông đang tiến về hướng đó. Trước đây, khi chính phủ Mỹ dùng các biện pháp cấm bán kỹ thuật mới cho Trung Quốc, phải ép buộc Đài Loan mới chịu theo. Nhưng bây giờ Đài Loan nhanh chóng tuân thủ các biện pháp cấm vận nền kinh tế Nga nhân vụ xâm lăng Ukraine.

Khối tự do cho thấy họ có thể đoàn kết trong hành động cụ thể. Mỹ và Liên hiệp Âu châu đã giải quyết các xung khắc về trợ cấp các công ty Boeing và Airbus và đồng ý một chính sách trong ngành sản xuất máy bay cùng áp dụng đối với các “nền kinh tế chỉ huy,” tức là Nga và Trung Cộng.

Các nước Đức và Italy đã đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt đối với các cuộc đầu tư vào Trung Quốc để ngăn ngừa việc chuyển giao kỹ thuật cho họ. Nhật Bản đã ban hành đạo luật an toàn kinh tế, không đầu tư vào các ngành kỹ thuật cao ở nước ngoài, nhắm vào Trung Quốc. Nhiều công ty kỹ thuật đã giảm hoạt động ở lục địa Trung Hoa, chuyển sang các nước khác. TSMC của Đài Loan đã mở các nhà máy ở Nhật Bản và Arizona bên Mỹ. Intel lập các nhà máy chất bán dẫn mới ở Pháp, Đức, Italy và ở Ohio.

Cựu thủ tướng Australia, ông Kevin Rudd mới lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ quay trở lại với TPP, thỏa ước hợp tác Á châu Thái Bình Dương và tiến đến các thỏa ước tương tự với các nước Âu châu.

Thỏa ước TTP ra đời thời Tổng thống Obama trong kế hoạch chuyển trục về Á châu; nhắm cô lập Trung Cộng, một nước không được mời tham dự. Khi Tổng thống Trump rút ra, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục giao kết. Tổng thống Joe Biden không tỏ ý quan tâm đến đề nghị này. Ông đã tăng cường các hợp tác quân sự với các đồng minh ở Âu và Á châu nhưng không đưa ra một mặt trận liên kết kinh tế. Trong khi đó, Tập Cận Bình tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế qua kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ và đã ngỏ ý muốn tham dự thỏa ước TTP mới nhưng bị 11 nước từ chối.

Chính phủ Biden cần lắng nghe lời khuyên của ông Kevin Rudd, rằng lợi thế chiến lược của nước Mỹ là nhờ “thương mại tự do, mở cửa cho các nguồn vốn lưu chuyển.” Theo nhật báo Wall Street Journal ngày 19 tháng 3 năm 2022, ông Rudd nhấn mạnh, “Nếu các nước dân chủ tự do theo một chiến lược trước sau như một, chúng ta sẽ có một lợi thế khổng lồ trên những mặt trận tài chánh, kinh tế và kỹ thuật tân tiến.” Phe tự do sẽ thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét