Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

20220303. NỖI LO LẠM PHÁT

ĐIỂM BÁO MẠNG

NỖI LO LẠM PHÁT 'ĂN MÒN' TĂNG TRƯỞNG: CHUYÊN GIA HIẾN KẾ 

'KÌM CƯƠNG' LẠM PHÁT

HUYỀN ANH/DV 19-2-2022


Các chuyên gia cho rằng, giá dầu thế giới đang ở mức cao làm gia tăng sức ép tới lạm phát, từ đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Nhưng áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu.
Các chuyên gia cho rằng, giá dầu thế giới đang ở mức cao làm gia tăng sức ép tới lạm phát, từ đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Nhưng áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu.

Gia tăng sức ép lạm phát từ giá dầu, lo "ăn mòn" tăng trưởng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát - Ảnh 1.

Gia tăng sức ép lạm phát từ giá dầu. (Nguồn: TCTK)

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho hay: "Yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa".

Như vậy theo ông Long, giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động đến mặt bằng giá chung tăng, làm tăng áp lực lạm phát trong nước.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, tăng trưởng kinh tế và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ. "Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên nhưng trong trường hợp này, nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực".

Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát - Ảnh 2.

Chuyên gia lo ngại lạm phát gia tăng sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: DV)

Chuyên gia hiến kế "kìm" lạm phát

Nhóm nghiên cứu tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định việc giá dầu thế giới giữ ở mức cao sẽ khiến nhóm hàng hóa giao thông có mức tăng giá đáng kể trong tháng 2.

Ngoài ra, khi hoạt động sản xuất kinh doanh và cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi, áp lực lạm phát được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn.

Từ các yếu tố trên, VCBS dự báo lạm phát tháng 2 có thể tăng 0,6% - 0,7% trên cơ sở tháng, tương ứng tăng 1,02% - 1,12% trên cơ sở năm.

Dự báo cho cả năm 2022, VCBS cho rằng, lạm phát tăng khoảng 4,0-4,5% trong năm 2022, tuy nhiên khẳng định: "Với các nguồn lực hiện có, Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ công cụ và dư địa chính sách nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô".

Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát - Ảnh 3.

Dự báo lạm phát 2022.

Lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng, việc Việt Nam chịu áp lực lạm phát cao không có gì là lạ, đặc biệt là áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu, mà còn nhiều yếu tố khác nữa.

Tuy nhiên, theo ông Phú, lạm phát trong năm 2022 sẽ có khả năng chỉ dao động trong khoảng 2,7-3,5% nếu Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề.

Đầu tiên là vấn đề về năng lượng, nguyên vật liệu.

Ông Phú cho biết, sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác đặc biệt là các ngành như điện tử, đệt may, da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất,… Điều này gây bất lợi cho Việt Nam khi giá năng lượng, nguyên nhiên vật, liệu,... tăng lên.

"Cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia.

Khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logictics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát", ông Phú nêu quan điểm.

Yếu tố thứ hai cần quan tâm đến đó là cầu tiêu dùng.

Sau 1 thời gian bị giãn cách, cầu tiêu dùng bị nén lại, nay được "bung ra" một cách mạnh mẽ hơn, làm cho nhu cầu mua sắm, du lịch, dịch vụ phát triển nhanh chóng với số lượng lớn hơn và chu kì mua sắm tăng lên bù đắp những thiếu hụt trong thời gian có dịch. 

Từ đó, tạo ra sức ép lạm phát ngay từ đầu năm mà cụ thể là áp lực tăng do mua sắm, du lịch, trong đợt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Ông Phú cho rằng, cần khuyến khích tiêt kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa.

Nỗi lo lạm phát "ăn mòn" tăng trưởng: Chuyên gia hiến kế “kìm cương” lạm phát - Ảnh 4.

Sức ép lạm phát gia tăng ngay từ đầu năm. (Ảnh: DV)

Yếu tố thứ 3 khi nói đến lạm không thể không nói đến vai trò của hệ thống phân phối quốc gia.

Vị chuyên gia này phân tích, kinh nghiệm trong 2 năm chống dịch, một khi chợ (kể cả chợ đầu mối, siêu thị) bị tạm thời đóng cửa với số lượng lớn, thì việc đảm bảo cho tiêu dùng bị gián đoạn. Hàng hóa nhất là hàng nông sản không có người thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ở các kênh bán lẻ, hàng hóa bị thiếu hụt, gây ra những hiện tượng đầu cơ nâng giá làm cho giá hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng lẻ tăng gấp 3-4 lần, gây tâm lý bất ổn cho thị trường về giá cả và túi tiền của người tiêu dùng "bị xâm hại 1 cách vô lý".

Chính vì vậy cần phải tiếp tục củng cố hệ thống phân phối nội địa 1 cách vững chắc bao gồm việc thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa công khai, minh bạch, kiên quyết xử lý những hiện tượng thao túng ở khâu bán lẻ của một số thương hiệu có thế mạnh làm cho giá cả bị đẩy lên 1 cách vô lý trên thị trường.

Thực tế, cung hàng hóa Việt khá dồi dào nhưng "cổ họng" bán lẻ còn hẹp dẫn tới tiêu thụ không hiệu quả. Để giải quyết được, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng bán lẻ bao gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, hệ thống các chợ đầu mối kiêm sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm, các kho dự trữ, bảo quản hàng lạnh, hàng chuyên dùng, ứng dụng công nghệ số, sàn thương mại điện tử để giao dịch hàng hoá nhanh, ít chi phí, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên các địa bàn, giáo dục thái độ nhân văn, chia sẻ trong chuỗi sản xuất phân phối bán lẻ... Tất cả những việc làm trên nhằm hạn chế những biến động về giá cả góp phần vào việc hạn chế tốc độ tăng CPI chung trong năm 2022 và cả cho những năm tiếp theo.

BA KỊCH BẢN LẠM PHÁT NĂM 2022 TRƯỚC CĂNG THẲNG NGA-UKRAINE

VÂN PHONG/TBKTSG 3-3-2022

(KTSG Online) – Lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể lên tới 4,18% nếu Nga thực hiện các biện pháp trả đũa châu Âu và Mỹ đồng thỏa thuận hạt nhân Iran không đạt được, khiến giá dầu đạt mức 105 đô la Mỹ một thùng, theo JP Morgan.

Đơn vị này dự kiến 3 kịch bản có thể xảy ra và tác động của chúng với giá dầu, lạm phát.

Thứ nhất, Nga thực hiện các biện pháp trả đũa và thỏa thuận hạt nhân của Iran không được chấp nhận.

Với kịch bản này, giá dầu sẽ ở mức 105 đô-la một thùng. Còn lạm phát ở mức 4,18%.

Thứ hai, Nga có các động thái leo thang và thỏa thuận hạt nhân của Iran được chấp nhận.

Với kịch bản này, giá dầu sẽ ở mức 100 đô-la một thùng. Còn lạm phát ở mức 3,8%.

Thứ ba, rủi ro địa chính trị giảm dần và thỏa thuận hạt nhân của Iran được đồng thuận.

Với kịch bản này, giá dầu sẽ ở mức 88 đô-la một thùng. Còn lạm phát ở mức 3,58%.

Như vậy, tác động của giá dầu trên thị trường thế giới với lạm phát của Việt Nam sẽ lần lượt tăng 0,65%, 0,3% và 0,08% với mỗi kịch bản.

Xu hướng tăng giá của dầu thô dự kiến không tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam. Ảnh minh họ: N.K

Tương tự, báo cáo đánh giá tác động của căng thẳng chính trị thế giới đến kinh tế Việt Nam của Dragon Capital cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ tạo áp lực lạm phát qua việc tăng giá dầu khi dầu thô và giao thông – hai lĩnh vực hiện chiếm tỉ trọng 3,6% và 9,7% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, diễn biến giá dầu cũng phụ thuộc vào thỏa thuận liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.

Nhưng đơn vụ này dự báo giá dầu tăng có thể không ảnh hưởng lớn tới lạm phát của Việt Nam do giá xăng trong nước không phải lúc nào cũng biến động cùng chiều với quốc tế.

Lý giải nhận định, đơn vị này cho biết giá nhiên liệu Việt Nam được cấu thành bởi nhiều loại thuế khác nhau như thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường. Đây được xem như là yếu tố bình ổn thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ có thể thực hiện một số điều chỉnh chính sách để kiểm soát lạm phát Cụ thể, Chính phủ đã tài trợ cho một công ty lọc dầu để giải quyết những khó khăn tài chính tạm thời và nâng sản lượng lên mức bình thường.

Bộ Tài chính cũng chuẩn bị đấu giá 100 triệu lít xăng RON 92 từ nguồn dự trữ quốc gia trong để tăng nguồn cung.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét giảm thuế môi trường với với xăng dầu. Phương án này sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tới.

Hiện thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 15% giá dầu nội địa trong khi tổng thuế và phí chiếm 42% giá dầu.

Đáng lưu ý, có một số lĩnh vực khác trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng như điện và nước (3,9%), y tế (5,4%), hoặc giáo dục (5,5%) mà Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh để kiềm chế lạm phát.

Về thương mại, Dragon Capital cho rằng căng thẳng Nga – Ukraine tác động không đáng kể với thương mại Việt Nam trong bối cảnh tỉ trọng thương mại của hai quốc gia này với Việt Nam chỉ chiếm tỉ trọng lần lượt là 1% và 0,1% tính trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Cụ thể, Việt nam chủ yếu mua phân bón (150 triệu đô-la), sắt thép (500 triệu đô-la), than đá (500 triệu đô-la), nông sản (300 triệu đô-la) từ hai quốc gia này và xuất khẩu điện thoại di động (1.230 triệu đô-la), hàng dệt may (480 triệu đô-la) và thiết bị điện tử (640 đô-la).

Những con số này, theo Dragon Capital, là cực kỳ khiêm tốn so với tổng giá trị thương mại của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp do Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lớn trên thế giới về niken, neon, krypton, nhôm và paladium – những nguyên liệu quan trọng để sản xuất chip bán dẫn. Vì vậy, bất kỳ gián đoạn nào trong nguồn cung cấp hàng hóa của Nga có thể gây ra tắc nghẽn trong sản lượng lĩnh vực điện tử.

Với Việt Nam, dù không nhập khẩu trực tiếp các nguyên liệu này từ Nga và Ukraine nhưng lại nhập khẩu chip từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Năm 2021, Việt Nam đã mua các chất bán dẫn, điện thoại và linh kiện điện tử giá 59 tỉ đô-la từ các thị trường này, chiếm 17,6% tổng giá trị nhập khẩu

NÓNG BỎNG NGA-UKRAINE, ĐIỂM NHỮNG MẶT HÀNG TĂNG GIÁ

 KHỦNG KHIẾP

TIẾN DŨNG/ VNN 2-3-2022

Chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến giá nhiều loại vật liệu xây dựng và nhiên liệu trên toàn thế giới như thép, nhôm, dầu, gas, quặng sắt... tăng mạnh, lập kỷ lục mới.

Giá thép, quặng sắt tăng mạnh

Giá thép cuộn nóng vào 9h40' hôm nay (2/3, giờ Việt Nam) giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 105 nhân dân tệ, lên mức 4.881 nhân dân tệ/tấn. Trước đó, vào ngày 28/2, giá thép cuộn nóng tại Trung Quốc là 4.958 nhân dân tệ/tấn, tăng 1% so với ngày hôm trước.

Giá thép tăng trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine khiến giá than leo lên mức kỷ lục. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 5,4%. Theo ước tính của MEPS, sản lượng thép không gỉ trên thế giới đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái vào. Tuy nhiên, nhu cầu thép của thế giới hiện vẫn tăng mạnh. Hiện nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nóng bỏng Nga - Ukraine, điểm những mặt hàng tăng giá khủng khiếp
Giá thép, quặng sắt tăng mạnh

Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc ở mức 737,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 116,85 USD/tấn), sau khi chạm mức 741 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 15/2. Giá quặng sắt kỳ hạn tăng trong bối cảnh dữ liệu hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc được cải thiện. Ngoài ra, những lo ngại về gián đoạn xuất khẩu quặng sắt từ Nga và Ukraine cũng khiến giá quặng sắt tăng cao.

Giá nhôm lập kỷ lục mới

Giá nhôm thế giới gần đây tăng mạnh và đã đạt mức cao kỷ lục 3.525 USD/tấn vaog ngày 28/2, trên sàn giao dịch London, Anh.

Vào ngày hôm qua (1/3), giá nhôm tương lai trên sàn giao dịch London là 3.446 USD/tấn. Tới ngày hôm nay (2/3), giá nhôm tương lai trên sàn giao dịch London là 3.478 USD/tấn, tăng 3,25% so với ngày hôm qua.

Giá nhôm tăng cao kỷ lục do các lệnh trừng phạt tài chính với Nga khiến lo lắng về nguồn cung từ nhà sản xuất nhôm của Nga. Rusal - nhà sản xuất nhôm của Nga - đã dừng sản xuất tại nhà máy luyện alumin Nikolaev ở Ukraine.

Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm của thế giới. Chiến sự tại Ukraine đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nhôm của Nga, khiến nguồn cung nhôm cho thế giới giảm, dẫn đến giá tăng.

Giá dầu vượt 110 USD/thùng

Vào chiều nay (2/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 111,66 USD/thùng, tăng 6,69 USD, tương đương 6,37%. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 4 được giao dịch ở mức 110,22 USD/thùng, tăng 6,81 USD, tương đương tăng 6,59%.

Giá dầu thế giới đã đạt mức cao nhất trong hơn 7 năm qua, do lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung vì xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang.

Giá gas tăng mạnh

Vào lúc 10h30' hôm nay (2/3, giờ Việt Nam), giá gas tự nhiên giao tháng 4/2022 tăng hơn 1% lên 4,65 USD/mmBTU.

Giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine tăng lên khiến lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn.

Giá than cao kỷ lục

Ngày 28/2, giá than tương lai tại Newcastle (Australia) ở mức 275 USD/tấn, tăng 15% so với ngày trước đó. Đây là mức cao chưa từng có trong lịch sử của giá than.

Giá than tăng do tác động của chiến sự tại Ukraine khiến nhu cầu cung cấp than cho nguồn điện, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu tăng mạnh. Ngoài ra, việc Đức ngừng mua khí đốt của Nga và thay thế khí đốt bằng than khiến nguồn cung than hạn hẹp và đẩy giá lên cao.

Tháng 2, Nga cung cấp 3,3 triệu tấn than qua đường biển cho châu Âu. Cuộc chiến tại Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến nguồn than từ Nga khiến giá than tăng mạnh.

Tiến Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét