Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

20220322. BÀN VỀ MÔ HÌNH TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TRƯỜNG CHUYÊN HIỆN NAY CỦA VIỆT NAM LÀ MỘT LỌAI HÌNH TRƯỜNG 

HỌC ĐÃ LỖI THỜI

NHẬT TÂN/ GDVN 21-3-2022

Trường chuyên được định nghĩa là một loại hình trường đào tạo chuyên biệt, tập trung vào một vài lĩnh vực chuyên sâu,...

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia chỉ ra những điểm khác của mô hình trường chuyên ở Việt Nam với các quốc gia phát triển khác. Trước hết chúng ta cần làm rõ khái niệm trường chuyên mà chúng ta đang sử dụng ở Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Alexandra (2007), trường chuyên (specialist/ specialized school) là những trường tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Hiện nay các trường chuyên tập trung vào 9 lĩnh vực bao gồm công nghệ (technology), ngôn ngữ (language), nghệ thuật (arts), thể thao (sports), kinh doanh (business and enterprise), cơ khí ( engineering), toán và tin học (mathamatics and computing), khoa học (science), nhân văn và âm nhạc (humanities and music). Đầu vào cho trường này là các học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đáp ứng một số tiêu chuẩn đầu vào và không phải trải qua kỳ thi cạnh tranh nào.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo Khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.”. Như vậy theo khái niệm này thì mô hình trường chuyên ở Việt Nam không phải là mô hình trường chuyên như ở các quốc gia phát triển. Căn cứ vào luật này, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng cách gọi trường chuyên của Việt Nam chính là hàm ý chỉ trường chọn (Selective school).

Trường chọn, theo định nghĩa của Bộ Giáo dục bang New South Wales của Úc là trường trung học dành cho những học sinh có thành tích học tập xuất sắc và có năng lực nổi trội trong học thuật nhằm giúp các em có tố chất theo đuổi con đường nghiên cứu. Học sinh được giảng dạy với những phương pháp và tài liệu chuyên biệt. Để vào được những trường này người học cần phải qua một kỳ thi cạnh tranh đầu vào với 4 môn bắt buộc gồm: Đọc hiểu (reading), Toán tư duy (mathematical reasoning), kỹ năng tư duy (thinking skills), và Viết (writing).

Hiện nay ở bang New South Wales có 3 loại hình trường chọn: trường chọn hoàn toàn (trường chỉ chuyên về nghiên cứu học thuật và hiện có 17 trường), trường chọn bán phần (chỉ có một vài lớp theo hướng chuyên về học thuật còn lại là không chuyên. Các lớp chuyên về học thuật sẽ có chương trình Toán, tiếng Anh và khoa học riêng biệt nhưng các môn còn lại thì chung chương trình với các lớp không chuyên và hiện có 25 trường), và trường chọn còn lại là trường trung học nông nghiệp.Trường này chỉ tập trung vào đào tạo lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay, mô hình trường chọn ở Úc đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì tạo ra sự bất công trong xã hội. Theo một khảo sát gần đây cho thấy, hầu hết học sinh vào các trường này là con em những gia đình có nền tảng kinh tế và địa vị khá trong xã hội. Vì đối tượng này có cơ hội để được học thêm nhiều hơn, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn.

Câu hỏi đặt ra lúc này là trường chọn hiện nay ở Việt Nam có phải là mô hình giáo dục tiên phong trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao hay là đội ngũ tinh hoa của đất nước không? Để trả lời câu hỏi này theo chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cần tiếp cận ở góc độ lịch sử ra đời của của loại hình trường này cũng như tính hệ thống của nó ở các quốc gia phát triển khác trên thế giới.

Khởi nguồn của loại hình trường chọn là trường Ngữ pháp của Anh (Grammar school), chỉ chuyên dạy tiếng Latinh, sau đó mở rộng dạy các tiếng Hy Lạp cổ đại, tiếng Anh, rồi sau đó là các ngôn ngữ châu Âu, các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý và các môn khác. Bắt đầu đến giữa những năm 1940 tới cuối những năm 1960 loại hình trường này trở thành trường chọn theo định hướng học thuật.

Tuy nhiên, đầu những năm 1970 loại hình trường này dần bị xóa bỏ ở Anh và chuyển thành trường phổ thông (comprehensive school) như hiện nay. Hiện tại ở Anh không có sự phân biệt giữa các loại hình trường trung học. Các học sinh đều có thể vào các trường trung học mà không phải qua bất kỳ kỳ thi cạnh tranh nào dù các trường có thể giữ các tên gọi như trường Ngữ pháp, trường năng khiếu, hay trường chọn (Ford, 2006). Chỉ có số ít trường vẫn giữ lại các tiêu chuẩn đầu vào như trước đây. Hiện nay ở Anh có khoảng 163 trường Ngữ pháp trong tổng số khoảng 3000 trường phổ thông.

Ở Canada, trường Ngữ pháp được thành lập vào năm 1795 tuy nhiên đến năm 1871 thì được chuyển thành trường phổ thông như hiện nay.

Ở Mỹ trường Ngữ pháp được thành lập trong thời kỳ thuộc địa của Anh. Trường đầu tiên được thành lập vào năm 1635. Tuy nhiên, vào những năm 1900 nó chuyển thành trường tiểu học. Hiện nay, các trường chọn chủ yếu là những trường trung học và thường được hiểu theo nghĩa là trường chuyên (specialized school), hay Magnet school. Đây là những trường công lập tập trung vào những lĩnh vực cụ thể như: STEM, công nghệ (technology) hay nghệ thuật (arts) (Archbald, 2004).

Ở Đức hệ thống trường công cơ bản là những trường chọn. Loại hình trường này nhằm chuẩn bị cho các học sinh học lên đại học. Hiện nay loại hình trường này đang được đưa ra tranh luận vì tạo ra áp lực cho học sinh khi các phụ huynh đặt kỳ vọng cao vào con cái. Trong khi đó, nó cũng tạo ra sự phân biệt đối với những học sinh không được chọn lựa để vào được những trường chọn.

Ở Nhật Bản không có khái niệm trường chọn. Hệ thống trường cấp 3 được phân thành 3 loại gồm trường định hướng học thuật, trường định hướng nghề, và trường phổ thông mới. Để vào trường cấp 3 chất lượng tốt các học sinh phải tham gia một kỳ thi có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, để tránh áp lực cho những kỳ thi này học sinh có thể lựa chọn loại hình trường công lập liên thông cấp 2 và 3. Chương trình cơ bản của bậc học này bao gồm các môn: Tiếng Nhật, Địa lý và Lịch sử, Giáo dục công dân, Toán, Khoa học, Sức khoẻ và giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Kinh tế hộ gia đình, Ngoại ngữ, và Tin học (Nakayasu, 2016).

Các học sinh theo định hướng nghề thì theo các khóa học chuyên biệt như Kinh doanh, Nông nghiệp, Cơ khí…) và dành ít thời gian để học các môn trong chương trình cơ bản như các học sinh định hướng học thuật. Trường nghề được phân thành 3 loại: trường thương mại, trường kỹ thuật và trường nông nghiệp. Các học sinh cấp 3 đều tham gia các hoạt động ngoại khóa và làm việc bán thời gian sau giờ học ở trường.

Ở Singapore, cũng như hầu hết các quốc gia Đông Nam Á các loại hình trường học chính thống được thiết lập trong thời kỳ thuộc địa. Trường Ngữ pháp Singapore được thành lập 1819 khi trở thành thuộc địa của Anh. Vào những năm 1960 loại hình trường này được định hướng để đào tạo đội ngũ tinh hoa cho Singapore từ top 10% những học sinh vượt qua kỳ thi kiểm tra IQ quốc gia hàng năm không quan tâm tới thành phần xuất thân .

Tuy nhiên, sau đó do ảnh hưởng bởi mô hình giáo dục song ngữ của Mỹ nên loại hình trường này được hiểu theo khái niệm trường trung học (high schools) hơn là trường Ngữ pháp (Sharpe & Gopinathan, 2002). Còn các trường còn lại gọi chung là trường phổ thông (comprehensive school) tương đương như các trường của Anh. Các trường trung học (High school) này có những lớp định hướng học thuật với tính cạnh tranh cao. Loại hình trường này tuyển sinh tất cả các sinh viên trên thế giới, nhưng phần lớn là các du học sinh châu Á.

Ở Việt Nam, loại hình trường chọn đầu tiên theo đúng nghĩa của nó được thành lập vào năm 1985. Hiện nay với cách gọi trường chuyên nhưng bản chất, hình thức tuyển sinh và đào tạo của nó có thể được hiểu như là trường chọn.

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng từ so sánh đối chiếu trên có thể thấy, loại hình trường chọn hầu như không được khuyến khích phát triển ở các quốc gia phát triển. Ngay cả Anh, nơi khai sinh mô hình trường chọn cũng đã bị xoá bỏ từ những năm 1970.

Bởi chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của giáo dục là phải hướng tới để xây dựng một xã hội dân chủ trong đó phải đảm bảo các giá trị cốt lõi của nó đó là công bằng, bình đẳng và bác ái. Với việc định hướng xem trường chọn là mô hình tiên phong cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một hướng đi lệch và trái ngược với các giá trị cốt lõi mà nền giáo dục chung mà chúng ta đang hướng tới.

Chúng ta muốn xây dựng một xã hội bình đẳng trước hết chúng ta cần phải có một nền giáo dục đảm bảo các quyền bình đẳng và công bằng đó. Việc đề cao trường chọn hơn các loại hình trường học phổ thông khác vô hình chúng ta đang tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục, tạo ra sự phân biệt đối xử và nguy hiểm hơn đó chính là tạo ra sự thiên lệch trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia.

Vì vậy trường chọn hiện nay của Việt Nam là một loại hình trường học đã lỗi thời khi chương trình thiết kế và ngay cả kỳ kiểm tra đầu vào của nó không đủ cơ sở khoa học và độ tin cậy để có thể minh chứng cho đó là loại hình đánh giá chính xác năng lực và tài năng của cá nhân học sinh.

Chúng ta vẫn đang thiết kế chương trình đào tạo dựa trên môn học (Subject – based curriculum) nhấn mạnh vào kiến thức của hướng tiếp cận nội dung, chứ không phải các chương trình hiện đại như cá nhân hóa người học (Individualize), tập trung vào người học ( Learner – Centred curriculum) hay dựa trên giải quyết vấn đề ( Problem –based curriculum).

Trong khi đó những môn học chuyên biệt đó chỉ phục vụ cho một số ngành học ít ỏi ở bậc đại học thì hoàn toàn không đủ cơ sở để khẳng định loại hình trường này sẽ tiên phong trong việc cung nguồn nhân lực chất lượng cao đội ngũ tinh hoa của đất nước.

Đây là một quan niệm hoàn toàn thiếu các luận cứ khoa học. Việc tập trung đầu tư ngân sách nhà nước vào loại hình trường này không chỉ là sự lãng phí ngân sách quốc gia mà là nguy hại hơn nó gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục, làm mất cân đối sự phân bổ nguồn nhân lực và làm lệch chính sách phát triển giáo dục phổ thông.

Tài liệu chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền đã tham khảo:

Archbald, D. A. (2004). School choice, magnet schools, and the liberation model: An empirical study. Sociology of education, 77(4), 283-310.

Ford, J. (2006). Social class and the comprehensive school: Routledge.

Nakayasu, C. (2016). School curriculum in Japan. The curriculum journal, 27(1), 134-150.

Sharpe, L., & Gopinathan, S. (2002). After effectiveness: New directions in the Singapore school system? Journal of Education Policy, 17(2), 151-166.

Nhật Tân
TS TRẦN NAM DŨNG: TÔI KHÔNG ỦNG HỘ VIỆC MỞ TRƯỜNG CHUYÊN CHẠY THEO SỐ LƯỢNG
THIÊN NHI/ GDVN 20-3-2022
GDVN- Dù nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cũng nên hướng đến mục tiêu chung là định hướng và phát triển toàn diện cho học sinh.

Hầu hết các địa phương hiện nay đều có chính sách đặc thù cho trường chuyên. Nhiều trường chuyên được các địa phương coi là "con cưng", "trọng điểm" và được đầu tư nguồn kinh phí lớn như chi hàng tỉ đồng mời giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy; xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất...

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, khoảng năm 1965, Việt Nam đã có trường chuyên. Mục đích của hệ thống giáo dục này cho đến nay vẫn là phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các trường trung học phổ thông không chuyên cũng như địa phương chưa đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy... để đào tạo những nhân tố xuất sắc thì rất cần sự đầu tư có trọng điểm cho trường chuyên.

Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Xuân Trung)

"Số học sinh trong các trường chuyên chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với học sinh đại trà nên phần chi phí đầu tư cao hơn này, tôi nghĩ không đến mức phải gọi là bất bình đẳng. Theo tôi, mỗi tỉnh có một trường chuyên là hợp lý. Trong một tỉnh mà mở quá nhiều trường chuyên thì lại gây lãng phí ngân sách, hiệu quả đào tạo mang lại sẽ không cao", nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm.

Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, ngoài các khoản chi thường xuyên và chính sách đặc thù cho giáo viên, học sinh trường chuyên thì hàng năm các tỉnh cũng chi số tiền khá lớn để khen thưởng giáo viên và học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, bởi hầu hết các giải thưởng này thuộc về học sinh trường chuyên.

Chính vì vậy, để giảm bớt gánh nặng ngân sách, các địa phương có thể thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, phụ huynh học sinh tham gia đầu tư vào nhà trường, phối hợp trong triển khai các hoạt động giáo dục. Sự chung tay góp sức của toàn xã hội sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với cơ sở giáo dục nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

"Tôi thấy nếu khối tư nhân đầu tư vào trường chuyên cũng rất đáng hoan nghênh. Trong giáo dục, chúng ta không nên phân biệt công lập hay tư thục, miễn là mô hình đó đáp ứng được mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước", Giáo sư Đinh Quang Báo nói.

Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Mạnh Tùng)

Cũng chia sẻ về vấn đề đầu tư trường chuyên, Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khối tư thục đầu tư vào trường chuyên sẽ có nhiều ưu điểm hơn, tạo nên sự cạnh tranh vì khối tư thục có nguồn lực tài chính, họ có thể làm những điều mà trước đó trường công chưa làm được.

"Trường công lập bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định của Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù những năm gần đây các trường được tăng quyền tự chủ nhưng đi vào thực tế, nhiều trường còn gặp rào cản, khó khăn khi triển khai các kế hoạch xây dựng và phát triển nhà trường. Bởi vậy, khối tư nhân đầu tư vào trường chuyên sẽ rất lợi thế vì họ vận hành theo cơ chế mở.

Theo tôi, tỉnh nào đảm bảo được nguồn đầu vào và điều kiện về nguồn lực, kinh tế thì mới nên triển khai mô hình trường chuyên tư thục. Tôi không ủng hộ việc mở trường chuyên chạy theo số lượng. Thực tế, có những năm trường chuyên tuyển sinh còn không đủ chỉ tiêu", Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho biết thêm.

Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, dù là nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cũng nên hướng đến mục tiêu chung là định hướng và phát triển toàn diện cho học sinh.

Tương tự, thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên Hóa học tại hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ, trường chuyên là một mô hình tổ chức hoạt động dạy học có định hướng bồi dưỡng phát triển tài năng, không nên đặt ra rào cản chỉ có khối công lập hay tư thục mới được phát triển mô hình giáo dục này.

"Nếu cả khối công lập và tư thục cùng đầu tư vào trường chuyên thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng tích cực, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho học sinh. Nếu định hướng học tập phù hợp và khả năng tài chính cho phép, các bạn học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn học trường chuyên tư thục.

Mặt khác, khi ngân sách của nhà nước, ngân sách địa phương dồn vào đầu tư cho trường chuyên quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng các trường trung học phổ thông khối không chuyên không được quan tâm đúng mức. Khối tư thục mở trường chuyên thì nhà nước cũng sẽ tiết kiệm được nguồn lực và dành ngân sách đó đầu tư cho cơ sở giáo dục khác. Theo đó, những học sinh có điều kiện khó khăn hơn sẽ có cơ hội tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng hơn’’, thầy Vũ Khắc Ngọc nói.

Thiên Nhi
NÊN ĐỂ NHÀ NƯỚC HAY TƯ NHÂN ĐẦU TƯ VÀO TRƯỜNG CHUYÊN ?
NGỌC ÁNH/ GDVN 18-3-2022
GDVN- Các địa phương nên cân đối mức độ đầu tư vào trường chuyên, tránh tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục giữa trường chuyên và trường thường.

Đến nay nhiều địa phương dành sự ưu tiên lớn trong phát triển trường chuyên trên địa bàn tỉnh, thậm chí còn ban hành chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường trung học phổ thông chuyên.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, rất khó để khẳng định sự cần thiết hay không cần thiết đầu tư cho trường chuyên vì mỗi tỉnh sẽ có kế hoạch, chiến lược riêng trong phát triển giáo dục. Và dựa trên bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh mà các nhà quản lý, lãnh đạo sẽ cân nhắc để đưa ra những quyết sách phù hợp.

"Việc đầu tư cho trường chuyên là một trong những việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nhà nước cũng như các địa phương phải cân đối sự đầu tư này với cả hệ thống giáo dục đại trà để tránh tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục giữa trường chuyên và trường thường. Chúng ta không thể đầu tư nhiều cho trường chuyên mà bỏ bê các trường phổ thông khác", bà Dung cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, chính sách đãi ngộ 1 tỉ đồng hay 300 triệu đồng hay những hỗ trợ về mặt vật chất thu hút giáo sư, phó giáo sư về dạy tại trường chuyên không phải là vấn đề cốt lõi. Điều quan trọng là phải tạo ra môi trường học thuật, khuyến khích, động viên tinh thần để họ cống hiến và phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. (Ảnh: Nhân vân cung cấp)

Mặt khác, giáo sư, phó giáo sư mạnh về làm công tác nghiên cứu. Vì vậy, khi giải một đề toán, đề văn, phát huy năng khiếu của người học thì thế mạnh về năng lực giảng dạy của người thầy sẽ chiếm ưu thế hơn năng lực nghiên cứu.

"Theo tôi đã đến lúc nhìn nhận lại mô hình giáo dục trong trường trung học phổ thông nói chung và các trường chuyên nói riêng để có đánh giá khoa học, toàn diện, tránh đầu tư lãng phí khi thực hiện chính sách.

Không riêng gì trường chuyên mà bất cứ các mô hình giáo dục khác đều phải được đánh giá cụ thể trong khoảng thời gian 5-10 năm. Mỗi đề án, chính sách khi áp dụng, triển khai vào thực tế sẽ có mục tiêu ngắn hạn, dài hạn. Chính vì vậy, các nhà quản lý phải quan sát, đánh giá để đi đến kết luận mô hình đó có đáp ứng được mục tiêu đề ra ban đầu của chính sách hay không.

Tôi lấy ví dụ, trong thời gian thực hiện chính sách mà mô hình giáo dục hoạt động ì ạch, không hiệu quả, bắt đầu có biểu hiện tiêu cực thì bản thân người đứng đầu cơ sở giáo dục đó phải xem xét lại, người đưa ra chính sách đầu tư cũng phải cân nhắc.

Ngược lại, nếu mô hình giáo dục đó phát triển tốt, mang hiệu ứng tích cực, đào tạo được nhiều học sinh tiềm năng, tăng nguồn nhân lực chất lượng cao thì địa phương cũng nên tính toán, tiếp tục đầu tư để phát triển mô hình này", bà Dung nêu quan điểm.

Khi phóng viên đặt băn khoăn việc cho khối tư nhân đầu tư vào trường chuyên, Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Nam Việt nhận định: "Câu chuyện nên để nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên, có mấy vấn đề đáng suy ngẫm.

Thứ nhất, thế giới bây giờ chấp nhận sự đa dạng, sự đa dạng đó cho thấy rằng khi khối tư nhân tham gia vào thị trường thì có thể làm giảm bớt gánh nặng của nhà nước đối với khối trường chuyên, lớp chọn. Khi giảm gánh nặng đó thì cơ hội cho trẻ em nghèo, trẻ em hiếu học tiếp cận môi trường giáo dục chất lượng cao sẽ nhiều hơn.

Thứ hai, nếu tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cán cân giữa tư thục và công lập sẽ dần được cân bằng. Trước đây, nhiều người vẫn hay quan niệm khối công mới chất lượng, chất lượng đào tạo của khối tư thục thấp, các em học không giỏi thì mới vào trường tư. Tôi nghĩ quan điểm này không hợp lý với tình hình thực tế.

Một vài năm trở lại đây, để có được một suất học trong trường trung học phổ thông công lập là rất khó, thậm chí đã xuất hiện tình trạng chạy trường, chạy điểm để vào trường công. Nếu cân đối được sự đầu tư giữa khối công lập và tư thục thì những tệ nạn như mua điểm, chạy trường chuyên theo đó cũng sẽ giảm bớt".

Nói về một số điểm cần lưu ý, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung cho rằng, để tạo ra sân chơi công bằng, đánh giá đúng chất lượng đào tạo của cả hệ thống trường chuyên công lập lẫn trường chuyên tư thục sẽ cần sự chuyên nghiệp, tinh thần làm việc, trách nhiệm cao hơn từ phía các nhà quản lý giáo dục.

"Khi tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì việc đánh giá hiệu quả, đánh giá về mục tiêu họ đề ra có đạt được hay không cũng sẽ rất khác so với nhà nước. Theo tôi, cần nhìn nhận khách quan và hướng tới những giá trị tích cực để có một môi trường giáo dục công bằng thay vì chạy theo lợi ích, tạo ra xu hướng cạnh tranh nhưng không lành mạnh. Dù là công lập hay tư thục thì mục đích tốt đẹp ban đầu của trường chuyên vẫn là phát hiện và bồi dưỡng nhân tài", Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Nam Việt chia sẻ.

Ngọc Ánh
CHO KHỐI TƯ THỤC MỞ TRƯỜNG CHUYÊN, NHÀ NƯỚC CÓ HỖ TRỢ GÌ KHÔNG ?
TÙNG DƯƠNG/GDVN 16-3-2022
GDVN- Khối tư thục mở trường chuyên, cơ chế quản lí, tiêu chuẩn xác định thế nào là trường chuyên, và cơ chế đãi ngộ của nhà nước đối với trường chuyên tư thục ra sao?

Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh. Đó là một trong những đề nghị của Bộ đối với các địa phương tại hội nghị tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020” hồi cuối tháng 1/2022.

Học sinh hệ thống giáo dục Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh minh họa: T.D.

Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô Hiền cho biết: “Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, hệ thống trường chuyên tạo ra một môi trường học tập nâng cao và chuyên sâu, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo trong dạy và học.

Môi trường học tập này phải tạo động lực và kích thích sự phát triển của các tài năng trẻ, trên nền tảng giá trị đạo đức xã hội tiên tiến và nhân văn, vì mục tiêu xã hội. Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục thì quan điểm của tôi về trường chuyên là rất cần thiết.

Tuy nhiên, nếu có quy định về việc khối tư thục mở trường chuyên, vậy cơ chế quản lí sẽ như thế nào, tiêu chuẩn để xác định trường tư thục nào là trường chuyên, và cơ chế tài chính đối với trường tư thục là trường chuyên thì như thế nào? Bởi học sinh khi học tại trường chuyên công lập không phải đóng học phí, thậm chí những em xuất sắc còn có học bổng. Vậy khi khối tư thục mở trường chuyên có được nhà nước hỗ trợ gì không? Đây là điều rất quan trọng. Khi phụ huynh cho con em mình vào học trường chuyên tư thục lại phải đóng tiền cao hơn thì sao?

Hầu như các trường tư thục đều có định hướng phát triển của họ, ví dụ: Một ngôi trường tư không được gọi là trường chuyên, nhưng họ cũng có một số lớp chuyên và gọi là lớp tăng cường Toán, tăng cường Lý, Hóa, Văn,…Đây cũng là một hình thức để họ đào tạo sâu hơn môn học đó. Nếu phụ huynh có mong muốn cho con em mình phát triển năng khiếu ở một bộ môn nào đó, thì sẽ tìm đến những trường này.

Thực tế hiện nay, kết quả của các trường chuyên công lập liệu có bao nhiêu học sinh học đại học trong nước, sau đó làm việc cống hiến trong nước, và hiệu quả của trường chuyên đối với sự phát triển về kinh tế của đất nước thế nào, có bao nhiêu em đi du học và khả năng quay có về phục vụ đất nước hay không thì chưa ai nói đến”.

Cần phải có cơ chế rõ ràng

Theo cô Hiền: “Trường tư thục dù có là trường chuyên hay không thì học sinh vẫn phải đóng tiền, còn đương nhiên khi gia đình các em bỏ tiền ra thì họ sẽ chọn trường tốt, có thể không phải là trường chuyên nhưng nếu tốt họ vẫn cho con em mình theo học.

Nếu là trường tư thục chuyên, nhà nước cần phải có cơ chế, phải có quy chuẩn để phụ huynh học sinh không bị nhầm lẫn. Ví dụ: Có một trường tư thục mới ra đời, chưa có kinh nghiệm, chưa được xã hội kiểm chứng,…nhưng trường đó lại được công nhận là trường chuyên, đôi khi các bậc phụ huynh “ham” cái tiếng đó cho con mình vào học, sau đó thất vọng.

Vậy hành lang pháp lý, tiêu chuẩn như thế nào đối với trường chuyên tư thục, có cơ chế tài chính đãi ngộ, hỗ trợ của nhà nước ra sao về thuế, hoặc cơ sở vật chất,… hay là không? Với khối tư thục, nhà nước không phải đầu tư cơ sở vật chất, không phải trả lương giáo viên. Còn nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì tư thục mở trường chuyên để làm gì?”.

Học trường chuyên công lập không mất học phí, trong khi học trường chuyên tư thục lại mất học phí cao. Vậy trường tư thục chuyên có học sinh hay không? Về vấn đề này, cô Hiền nói: “Theo tôi không khác gì nhau ở chỗ, giữa một trường tư thục có uy tín với trường tư thục chuyên, khi ngôi trường đó đã có uy tín rồi thì không cần chuyên tôi vẫn có học sinh.

Chỉ sợ rằng trường được gắn “mác” trường chuyên, nhưng không có chất lượng đào tạo, không được phụ huynh học sinh tin tưởng, thì lúc đó sẽ không có học sinh. Còn theo tôi, nhà nước nên đưa ra một cơ chế, một quy chuẩn khuyến khích tư thục mở trường chuyên để thúc đẩy về mặt chất lượng của các trường tư thục chưa có uy tín, điều này nên làm vì nó sẽ gánh đỡ cho các trường công lập”.

Cô Hiền nói: “Nếu có quy chuẩn rõ ràng về trường chuyên khối tư thục, trường đó được công nhận đứng trong hàng ngũ trường chuyên, có chất lượng thật sự thì trường tư thục đó sẽ có cơ hội phát triển, lúc nào cũng có học sinh theo học. Điều lo lắng nhất của trường tư thục là không có học sinh.

Còn về xã hội, sẽ giảm bớt được “gánh nặng” cho hệ thống trường công lập có chất lượng nhưng chưa được công nhận là trường chuyên, đỡ được ngân sách cho nhà nước trong công tác đào tạo nhân tài. Hơn nữa, nhà nước cần có chính sách trao học bổng cho học sinh trường chuyên tư thục như với trường chuyên công lập, có vậy mới khuyến khích được các gia đình cho con em mình vào trường chuyên khối tư thục”.

Học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh minh họa: T.R.

Cô Hiền nói: “Nếu nhà nước dự kiến cho phép khối tư thục mở trường chuyên, như vậy là đã thấy được vị trí, tác dụng,…của khối tư thục trong công tác giáo dục, vậy nhà nước cần phải có cơ chế khuyến khích thật rõ ràng, cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi. Khi thấy thiết thực thì khối tư thục sẽ mở trường chuyên.

Khi mở trường tư thục, bản thân chúng tôi đã có những mục tiêu, những định hướng cho ngôi trường đó. Ví dụ: Hệ thống Giáo dục Đoàn Thị Điểm có mục tiêu dạy Ngoại ngữ từ lớp 1, và đa phần các bậc phụ huynh cho con vào đây là muốn con mình giỏi ngoại ngữ, và chúng tôi cũng không gọi là trường chuyên ngoại ngữ. Là một trường tư thục rất khó để mở một trường chuyên, phải có tất cả các môn chuyên, chứ không phải chuyên một môn, rồi đầu tư giáo viên ra sao”.

Còn việc có nên đầu tư quá nhiều cho trường chuyên khi các trường đại trà còn nhiều khó khăn, cô Hiền nêu quan điểm: “Theo tôi, lãnh đạo từng địa phương phải chịu trách nhiệm, cần phải cân đối như thế nào? Bởi 1 trường chuyên sẽ đào tạo được bao nhiêu học sinh, và quá tập trung vào trường chuyên, sao nhãng các trường đại trà, như vậy đã bỏ lại số đông. Nếu trong điều kiện kinh tế còn khó khăn thì tạm thời đừng mở trường chuyên.

Đã là trường chuyên phải nói đến chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ,…chứ đừng quá nặng về hình thức cơ sở vật chất, phải thật long lanh, nổi trội nhưng lại quên mất điều kiện giáo viên phải dạy thế nào. Chúng ta đang bị quá quan trọng về hình thức”.

Mỗi tỉnh cần có một trường chuyên?

Khi phóng viên đặt băn khoăn về việc mỗi tỉnh cần có một trường chuyên không thì cô Hiền cho biết: “Tôi ủng hộ việc mỗi tỉnh có 1 trường chuyên, cần phải phát hiện tài năng ở các em học sinh, từ đó có hướng bồi dưỡng kịp thời. Phát hiện và đào tạo sớm như vậy thì chúng ta mới có được đội ngũ những nhà khoa học, nhà quản lý, những cán bộ tốt sau này cho đất nước. Tôi thấy bậc học thấp hơn cũng rất cần có lớp chọn, lớp chọn không phải chỉ để bồi dưỡng Toán, Tiếng Anh, mà những lớp này nhằm phát hiện ngay từ nhỏ nếu các con có năng khiếu gì nổi bật.

Ngoài đào tạo đại trà, phổ cập ra thì chúng ta phải đào tạo mũi nhọn Nhưng yếu tố quan trọng là để những trường chuyên đó được phát triển theo hướng tích cực, đúng nghĩa, là lớp tạo nguồn nhân tài…thì tuyệt đối không được chạy chọt, xin xỏ…Học sinh phải được tuyển chọn, phải thi rồi chọn lọc thật kỹ càng, chuẩn chỉ. Chỉ cần dính tiêu cực là những trường chuyên này trở thành nơi người ta mong muốn điều kiện học tốt hơn thôi, và đó không phải là mục tiêu.

Học sinh trường chuyên phải thực sự các em có tố chất nổi trội, thực sự là nhân tài và trong quá trình đó cần phải đào thải quyết liệt để chắt lọc ra những tinh túy, thật sự xuất sắc thì mới xứng đáng đào tạo. Các em phải tự đứng trên đôi chân và năng lực thực sự của bản thân, việc đào tạo như vậy rất mất công sức và tiền bạc, nhiều khi thành quả chưa nhìn thấy ngay được, không thể cân đong đo đếm được vì nó không phải là vật chất.

Nhưng hiện nay, tôi thấy vì “bệnh” thành tích nên trường chuyên bị “đưa đẩy” đến chỗ chỉ luyện “gà nòi” cố đạt mỗi năm mấy giải này giải kia, và theo tôi có đến hàng chục giải quốc tế cũng không có tác dụng gì, như vậy là sai mục đích”.

Tùng Dương
ĐIỆN BIÊN CHI 4 TRIỆU ĐỒNG/BUỔI CHO GS, PGS BỒI DƯỠNG HỌC SINH TRƯỜNG CHUYÊN
MẠNH ĐOÀN/ GDVN 22-3-2022

Tại kỳ họp thứ 05, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021 quy định chính sách hỗ trợ học sinh trường Trung học phổ thông chuyên và mức thưởng, mức chi bồi dưỡng đối với giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên gia, học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia, khu vực và quốc tế của tỉnh.

Theo đó, Nghị quyết đưa ra chính sách đối với giáo viên trường Trung học phổ thông chuyên khá hấp dẫn.

Hỗ trợ giáo viên, chuyên gia tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các môn văn hóa quốc gia, khu vực, quốc tế

Theo quy định của các chính sách hỗ trợ trên, giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dạy lý thuyết và thực hành được hỗ trợ là 300.000 đồng/tiết; trợ lý thí nghiệm, thực hành 100.000 đồng/tiết.

Toàn cảnh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh ĐIện Biên)

Số tiết dạy lý thuyết và thực hành được hỗ trợ là 300 tiết/môn/kỳ thi, trong đó số tiết dạy thực hành không quá 100 tiết/môn/kỳ thi.

Tỉnh cũng tạo điều kiện và cơ chế để Trường Trung học phổ thông chuyên được chủ động mời các chuyên gia là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, các nhà khoa học của các Cục, Vụ, Viện, trường đại học, học viện, trường Trung học phổ thông chuyên trong toàn quốc có kinh nghiệm, có chuyên môn giỏi để hướng dẫn giáo viên phụ trách các đội tuyển và trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các môn văn hoá quốc gia, khu vực, quốc tế.

Theo đó, mức hỗ trợ đối với Giáo sư, Phó Giáo sư là 4.000.000 đồng/buổi; Tiến sĩ là 3.000.000 đồng/buổi; Thạc sỹ, các nhà khoa học thuộc các Cục, Vụ, Viện, trường đại học, trường Trung học phổ thông chuyên là 2.000.000 đồng/buổi với thời gian mời chuyên gia bồi dưỡng không quá 20 buổi/môn thi/kỳ thi.

Lạng Sơn tổng kết 10 năm thực hiện kế hoạch phát triển trường trung học phổ thông chuyên

Theo Báo Lạng Sơn, ngày 10/12/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị tổng kết kế hoạch phát triển trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An giai đoạn 2011-2020.

Theo đó, qua 10 năm thực hiện, trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An đã thực hiện tốt mục tiêu của kế hoạch đề ra với quy mô trường, lớp được củng cố, ổn định (đạt mục tiêu 35 học sinh/lớp), chất lượng giáo dục hai mặt và công tác học sinh giỏi có nhiều tiến bộ với số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 11, 12 luôn giữ tỉ lệ cao nhất trong tỉnh.

Giai đoạn 2011 – 2020, tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học đạt từ 91 đến 96%, vượt chỉ tiêu. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao với tỉ lệ tiến sĩ tăng từ 1,23% lên 3,75%, tỉ lệ thạc sĩ tăng từ 30,86 lên 73,75%, số lượng giáo viên dạy các môn chuyên tăng từ 24,69% lên 52,5%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Tại hội nghị, đại biểu cũng tham luận, thảo luận, định hướng, mục tiêu, phương hướng phát triển trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An giai đoạn 2021-2030.

Mạnh Đoàn
CHI NHIỀU NGÂN SÁCH CHO TRƯỜNG CHUYÊN LÀ BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG THỤ HƯỞNG GD CÔNG
NHẬT TÂN/ GDVN 22-3-2022
GDVN- Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương và Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề đầu tư cho trường chuyên.

Hiện nay nhiều địa phương dành sự ưu tiên lớn trong phát triển trường chuyên trên địa bàn tỉnh, thậm chí còn ban hành chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường trung học phổ thông chuyên.

Đánh giá vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng đầu tư cho trường chuyên là chính sách khuyến khích các tỉnh đào tạo học sinh giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước. Nhưng đầu tư bằng chính sách nào và mức độ ra sao thì cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

Ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Nhật Minh

Lý giải về ý kiến trên, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng nếu đầu tư quá mức vào nhóm đối tượng trường chuyên thì sẽ làm mất cân đối cơ cấu trong ngành giáo dục.

"Theo tôi, nhìn về hướng chiến lược lâu dài thì bậc học cần được ưu tiên nhất là mẫu giáo. Bởi lẽ đây là độ tuổi bắt đầu phát triển thể lực, trí lực và là nền tảng cho các cấp học sau. Do đó nếu tập trung điều kiện phát triển cho trẻ mẫu giáo sẽ tạo ra những đột phá giúp nền giáo dục nước ta thịnh vượng. Tuy nhiên bậc mẫu giáo dường như chưa được quan tâm đúng mức, giáo viên mầm non còn nhiều thiệt thòi."

Vì vậy, một số địa phương đặt ra chính sách mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên với mức hỗ trợ vượt quá tình hình chung của đất nước thì sẽ làm cho ngành giáo dục biến động, gây mất công bằng về cơ hội học tập. Trong khi hầu hết các tỉnh chỉ có 1 – 2 trường chuyên, các cấp học khác có tới hàng trăm trường.

Đầu tư cho trường chuyên chỉ phát triển năng lực của một số cá nhân nhất định chứ không mang tính chất đại trà. Trong khi đó ngành giáo dục nên tập trung phát triển đại trà trước", ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh.

Thêm vào đó, số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có năng lực để dạy cho các trường đại học còn thiếu. Nếu về trường chuyên thì những giảng viên này cũng chỉ có thể dạy từ 1 đến 2 môn trong khi số lượng học sinh chuyên không nhiều.

Việc mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên còn có thể gây lãng phí nguồn nhân lực vì họ không thể vận dụng hết kiến thức và tài năng vào quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó bậc trung học phổ thông chưa đòi hỏi nhiều đến khả năng nghiên cứu khoa học của học sinh.

Nêu quan điểm của mình về chính sách thu hút nhân tài giảng dạy tại các trường chuyên của một số tỉnh thành, Phó Giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho biết: “Tôi không ủng hộ chính sách này. Hiến pháp có nêu mọi người đều có quyền hưởng dịch vụ y tế, giáo dục như nhau.”

Phó Giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII). Ảnh: quochoi.vn

Phó Giáo sư Bùi Thị An đánh giá đào tạo nhân tài là cần thiết nhưng các chính sách cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy cho học sinh của toàn tỉnh thì đây là điều hợp lý. Tuy nhiên nếu chính sách chỉ áp dụng cho học sinh trường chuyên thì lại là sự bất bình đẳng trong giáo dục. Nếu muốn đầu tư cho trường chuyên, các tỉnh nên tìm nguồn khác thay vì dùng ngân sách nhà nước.

Lý giải ý kiến này, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội cho biết ngân sách nhà nước là do người dân đóng thuế. Vì vậy, các chính sách được đề ra và đưa vào thực tiễn cần đáp ứng được quyền lợi của nhiều đối tượng khác nhau.

Nhật Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét