Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

20220312. ĐƯA GIÁO SƯ VỀ TRƯỜNG CHUYÊN Ở HÒA BÌNH ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

GIÁM ĐỐC SỞ GD HÒA BÌNH MONG MỎI GS, PGS VỀ CÔNG TÁC TẠI 

TRƯỜNG CHUYÊN CỦA TỈNH

MẠNH ĐOÀN/GDVN 10-3-2022
GDVN- Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình cho hay, đơn vị mong tuyển dụng được giáo viên giỏi, có trình độ, năng lực về trường chuyên THPT Hoàng Văn Thụ công tác.

Liên quan đến Dự thảo nghị quyết với nội dung có chế độ thu hút, khuyến khích giáo viên về trường Trung học phổ thông chuyên, ngày 9/3, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến chia sẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao tham mưu, xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết.

Tiếp đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh trình lên Hội đồng Nhân dân để kì họp tới đây thảo luận và cho ý kiến.

"Tỉnh Hòa Bình chỉ có duy nhất một trường chuyên Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ. Hiện nhà trường chưa có Phó giáo sư, Giáo sư tham gia giảng dạy, nên chúng tôi đã xây dựng Nghị quyết để thu hút nhân tài nhằm phát triển hệ thống trường chuyên, phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh", Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến cho hay.

Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ (Ảnh: Website nhà trường)

Theo Giáo đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, hiện tại trong Dự thảo chưa có nội dung quy định về số lượng Phó giáo sư, Giáo sư, Tiến sĩ về giảng dạy tại trường chuyên, cũng như tổng ngân sách chi trả lương. Về việc này, cô Tuyến cho hay, khi Nghị quyết được thông qua sẽ được cụ thể sau.

Đồng thời, vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình chia sẻ, đơn vị cũng rất mong mỏi được các giáo viên về trường chuyên công tác.

"Chúng tôi rất mong Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ có tâm huyết về trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ công tác", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình kỳ vọng.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, tại nội dung Dự thảo, tỉnh Hòa Bình kiến nghị chính sách đãi ngộ đối với giáo viên giảng dạy các môn chuyên, giáo viên dạy song ngữ các môn chuyên được hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 150% mức lương cơ sở, thời gian hưởng 10 tháng/năm.

Giáo viên giảng dạy song ngữ các môn không chuyên được hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 120% mức lương cơ sở, thời gian hưởng 10 tháng/năm.

Tỉnh Hòa Bình cũng đề xuất chính sách chế độ thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường Trung học phổ thông chuyên.

Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, hệ chính quy sau khi được tiếp nhận về công tác tại trường được hỗ trợ đi học nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/người và cam kết phải công tác ít nhất 10 năm tại trường Trung học phổ thông chuyên sau khi hoàn thành khóa học.

Giáo viên có trình độ Phó Giáo sư, Giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1,0 tỷ đồng một người.

Giáo viên có trình độ Tiến sĩ về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 300 triệu đồng một người.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách trên do ngân sách Nhà nước của tỉnh đảm bảo.

Mạnh Đoàn
MỜI GIÁO SƯ DẠY PHỔ THÔNG CHUYÊN LÀ RẤT HÌNH THỨC,THÍCH DANH

TÙNG DƯƠNG/ GD 11-3-2022

GDVN- Theo thầy Nam: "Nếu cấp phổ thông quy hoạch nhiều giáo sư về chỉ để dạy ở trường chuyên, như vậy sẽ thiệt thòi cho những vị giáo sư đó và cho cả nhà trường".

Giáo viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên của tỉnh Hòa Bình (có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên) có thể được hỗ trợ 1 tỷ đồng.

Đó là một trong những nội dung của dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường Trung học phổ thông chuyên; Chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực quốc tế đang lấy ý kiến dư luận.

Theo thầy Nam: "Một tiến sĩ Toán về dạy tại trường phổ thông, và nếu chỉ dạy kiến thức đơn thuần không thôi thì theo tôi không hợp". Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Về tính hiệu quả, chưa chắc giáo sư đã dạy được cấp trung học phổ thông, mà giáo sư phù hợp với việc dạy sau đại học.

Còn dạy phổ thông thì rất cần truyền cảm hứng, phải có phương pháp, bây giờ dạy học theo mô hình mới, liên quan đến kiến thức cốt lõi của giáo viên, rồi đòi hỏi kiến thức cập nhật về công nghệ, và một điều nữa là sư phạm số phải giỏi.

Giáo viên trường chuyên ngoài kiến thức chuyên sâu, lại phải luôn cập nhật về công nghệ, trong khi một vị giáo sư có thể nói là “chuyên quá”, nhưng chưa chắc kiến thức về công nghệ các vị đã cập nhật kịp, và cũng bởi họ quá chuyên. Hơn nữa, sư phạm số để dạy học trong môi trường hiện nay là dạy học tích hợp bằng nhiều phương pháp chứ không còn dạy theo kiểu truyền thống đơn thuần.

Đối với học sinh trung học thì việc dạy kiến thức khác hoàn toàn, đó là dạy qua hoạt động, qua trải nghiệm, phải lấy được những ví dụ rất cụ thể, gần gũi với cuộc sống thì học sinh mới hứng thú, từ hứng thú học sinh mới tham gia các hoạt động, rút ra được những quy luật cho bản thân. Còn cấp giáo sư là dạy học cho người lớn, dạy sau đại học nó khác hoàn toàn với cấp phổ thông”.

Theo thầy Nam: “Nếu cấp phổ thông quy hoạch nhiều giáo sư về chỉ để dạy ở trường chuyên, như vậy sẽ thiệt thòi cho những vị giáo sư đó và cho cả nhà trường, ngôi trường đó sẽ không thể phát huy được hết năng lực của một vị giáo sư. Và đã là giáo sư thì phải nghiên cứu các công trình ở tầm cao hơn cho đất nước.

Giáo dục hiện đại, người ta thường đề cao việc tạo nên sự đồng điệu, hiểu được tâm lí học sinh, hiểu cá tính của từng em,…từ đó đưa ra được hướng giảng dạy phù hợp, thúc đẩy động lực học tập của từng học sinh. Ví dụ: Có những học sinh cảm thấy khó khăn với một số môn học, nhưng qua nghe thầy cô giảng bài, tự nhiên em đó thấy hứng thú, nhìn ra được một con đường dễ dàng hơn để chinh phục môn học đó, và điều này không nhất thiết phải là một giáo sư.

Lấy giáo sư dạy cấp phổ thông, như vậy tốn chi phí đào tạo của nhà nước. Nghe đề xuất như vậy tôi thấy có vẻ rất hình thức, mang danh bởi xã hội thấy rằng ở một ngôi trường phổ thông như vậy lại có vị giáo sư này, tiến sĩ kia giảng dạy, nhưng thực chất có hiệu quả hay không thì tôi cho là không bởi dùng người không đúng chức năng.

Giáo sư phải đóng góp những việc to lớn hơn cho một quốc gia, làm ở tầm vĩ mô, chính sách, hoặc có những công trình liên quan cụ thể về giáo dục, và giáo sư thiên về nghiên cứu những cái đó, chứ không phải lên lớp dạy cấp phổ thông”.

Đối với học sinh trung học thì việc dạy kiến thức khác hoàn toàn, đó là dạy qua hoạt động, qua trải nghiệm, phải lấy được những ví dụ rất cụ thể, gần gũi với cuộc sống thì học sinh mới hứng thú. Ảnh minh họa: T.D.

Giáo sư hay tiến sĩ thì nên nghiên cứu nhiều hơn

Thầy Nam nói: “Về chính sách thu hút đãi ngộ,…theo tôi nó chỉ thể hiện được địa phương quan tâm, thu hút, muốn có chất lượng cao trong giáo dục. Còn câu chuyện hiện nay là tiến sĩ, giáo sư thì việc lựa chọn quyết định có về trường chuyên hay không lại còn ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nữa.

Thực trạng hiện nay thạc sĩ vẫn phải đi làm những công việc của bậc trung cấp, và như vậy là đi “học ngược”. Có những vấn đề liên quan đến kiến thức, năng lực, chúng ta đào tạo ra một con người trong một khoảng thời gian, và có thể bằng cấp vẫn chưa tương xứng với kĩ năng công việc, hoặc kĩ năng được đào tạo ra với bằng cấp đó không còn phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Thực tế rất nhiều người có bằng cấp nhưng lại không hề có kĩ năng, như vậy họ bắt buộc phải đi làm những công việc dưới tầm bằng cấp của họ được đào tạo, như vậy là tùy năng lực của từng người. Nhưng quan trọng nhất là làm sao những vị tiến sĩ về trường phải được phát huy hết khả năng, chính sách của các tỉnh thu hút người tài nhưng đồng thời cũng phải thực hiện được mục tiêu của nhà trường.

Ví dụ: Một tiến sĩ Toán về dạy tại trường phổ thông, và nếu chỉ dạy kiến thức đơn thuần không thôi thì theo tôi không hợp, mà phải bố trí công việc phù hợp, tránh chuyện để phí tài năng dẫn đến bản thân họ thấy chán nản, ở lại không xong mà xin đi cũng không được.

Cảm nhận chung thì đây là chơi trội, tôi có cảm nhận là tỉnh đang cố chạy theo một “cái gì” đó, có thể là thương hiệu, thích danh, xếp hạng, gây sự chú ý bởi mục tiêu giáo sư chỉ dạy trường chuyên là không cần thiết.

Giáo viên phổ thông còn phải thường xuyên tập huấn hàng năm mới có thể dạy được, vậy một vị giáo sư có thường xuyên tập huấn, cập nhật những cái mới ở cấp phổ thông hay không? Trong bối cảnh chuyển đổi số, giáo viên cần phải có kiến thức cốt lõi, nhưng kiến thức của vị giáo sư không liên quan gì đến lĩnh vực kiến thức phổ thông. Vậy giáo sư không thể dạy tốt được ở cấp phổ thông”.

Thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Nên dùng tiền đó hỗ trợ cho giáo viên trẻ có năng lực

Cũng về vấn đề này, thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo thầy Công: "Việc một địa phương mời giáo sư về giảng dạy tại trường trung học phổ thông chuyên với đãi ngộ lên tới cả tỉ đồng theo quan điểm của cá nhân tôi là không phù hợp. Mặc dù, việc này có thể tạo ra một làn gió mới trong giai đoạn đầu giúp cho các học sinh tập trung hơn với việc học, thầy cô trong trường chuyên tâm hơn với quá trình nâng cao năng lực, kiến thức nhưng sẽ không kéo dài được lâu.

Với bản thân các giáo sư được đào tạo lâu năm, theo đuổi một lĩnh vực chuyên ngành hẹp thậm chí rất hẹp, đó là đam mê, là tuổi trẻ của họ, liệu rằng họ sẽ từ bỏ đam mê đó để chuyển công tác về một trường phổ thông và từ bỏ cơ sở làm việc của mình ở một trường đại học, viện nghiên cứu?

Vì là giáo sư, nên kiến thức chuyên ngành hẹp có thể rất sâu, chưa chắc đã phù hợp với việc giảng dạy ở trường phổ thông với lượng kiến thức đòi hỏi rộng, tất nhiên, việc học chuyên của nhiều môn chuyên có thể đi sâu nhưng khó có thể đến mức mà các giáo sư nghiên cứu. Do vậy, cả 2 phía đều khó gặp nhau!

Về các trường, theo tôi nên chăng dùng ngân sách đó để trao học bổng cho học sinh giỏi, hỗ trợ cho giáo viên trẻ có năng lực tốt về khía cạnh đào tạo, bồi dưỡng. Tạo điều kiện về thu nhập, nơi ở để các thầy, cô trẻ thực sự theo đuổi đam mê, lăn lộn với nghề và lãnh đội cùng với các học sinh trong các kì thi chọn học sinh giỏi.

Một phần kinh phí dùng để mời các giáo sư đầu ngành giảng dạy riêng cho các em học sinh trong đội tuyển, nâng cao thành tích giáo dục mũi nhọn để nâng cao vị thế trường chuyên, các học sinh khác cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng vị thế này. Đầu tư mũi nhọn nhưng cũng phân phối cho các khía cạnh khác của giáo dục tại trường chuyên, các hoạt động Stem, các hoạt động giáo dục kĩ năng cũng cần nâng cao số lượng và chất lượng để giáo dục là toàn diện".

Thầy Công cho biết: "Việc này khiến tôi nhớ đến một số phòng thí nghiệm của nhiều trường phổ thông mua các thiết bị đắt tiền phục vụ cho các cơ sở nghiên cứu mang về cho học sinh làm thí nghiệm.Điều này không phù hợp với cả 2 phía, phía thiết bị lẫn phía người học, bởi thiết bị sẽ không được sử dụng hết tiềm năng và người học có thể chỉ hứng thú làm thí nghiệm trong những lần đầu, sau đó lại không còn hứng thú".

Tùng Dương
TIỀN TỈ MỜI GIÁO SƯ VỀ TRƯỜNG CHUYÊN, GIÁM ĐỐC SỞ VÀ HIỆU TRƯỞNG NGHĨ GÌ ?
THANH HÙNG/ VNN  11-3-2022

"... nhiệm vụ, nhu cầu phát triển của trường chuyên không “gần” với nhiệm vụ của một giáo sư, phó giáo sư, trừ khi định hướng, mục tiêu của trường chuyên ở Hòa Bình khác phần còn lại” - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên nói.

Chưa có giáo sư, phó giáo sư gây khó khăn cho bồi dưỡng học sinh giỏi

Thông tin Hòa Bình tính chi 1 tỷ đồng thu hút giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên của tỉnh đang gây ra quan điểm trái chiều.

Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường THPT chuyên..., giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng/người; Giáo viên có trình độ tiến sĩ, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ 300 triệu đồng...

Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, hiện nay, các điều kiện để đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu trường THPT chuyên trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm, chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế; tạo điều kiện để nhà trường nâng cao chất lượng là chưa đảm bảo.

Hòa Bình cũng chưa có chính sách riêng thu hút cán bộ, giáo viên giỏi trong và ngoài tỉnh về công tác, làm việc tại trường chuyên.

Trong khi đó, tỉnh này xác định số giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ có trình độ cao đáp ứng được việc dạy các môn chuyên và tham gia ôn luyện đội tuyển quốc gia còn hạn chế, một số chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng mũi nhọn.

Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, đề xuất này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế. Hiện nay, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ chưa có giáo viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và việc này gây nhiều khó khăn và hạn chế trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực.

"Chúng tôi quan niệm có thầy giỏi mới có trò giỏi. Học sinh trường chuyên được tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Trường chuyên là nơi hội tụ những học sinh có học lực tốt nhất. Vì vậy, môi trường này rất cần giáo viên có trình độ cao về chuyên môn, giúp các học sinh phát triển tối đa trí tuệ và năng lực sẵn có. Người có trình độ cao, ngoài giảng dạy, còn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh", bà Tuyến nói.

Tiền tỷ đưa giáo sư về trường chuyên: Các GĐ Sở và hiệu trưởng nghĩ gì?
Ảnh minh họa.

'Giáo sư chưa chắc đã hơn giáo viên phổ thông'

Trao đổi với VietNamNet, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng chính sách thu hút thì tùy thuộc vào nhu cầu, định hướng và điều kiện của từng địa phương.

“Ở những khía cạnh nhất định, tôi nghĩ tất nhiên thu hút được người tài, thầy giỏi thì vẫn hơn là không. Tuy nhiên, không phải cứ bỏ tiền ra là sẽ có kết quả như kỳ vọng”, ông Hùng nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cũng cho rằng, không nên quá lo ngại chuyện giáo sư chưa chắc đã dạy tốt được bậc phổ thông.

“Đúng là không phải cứ giáo sư là dạy giỏi hơn giáo viên phổ thông. Giáo sư, phó giáo sư đôi khi nghiệp vụ sư phạm không bằng giáo viên dạy chuyên. Kể cả cùng bộ môn, cũng chưa chắc đã hơn. Nhưng quan trọng là địa phương khi ra chính sách cũng phải có tiêu chí, chọn lọc để tuyển được đúng người, đúng môn, đúng những điều cần đáp ứng. Trong tuyển chọn các ứng viên phải đưa ra các điều khoản theo công việc, vị trí,… Tôi nghĩ các địa phương ra các chính sách như vậy cũng phải tuyển những người mà phù hợp với những điều họ cần”, ông Hùng nói.

Còn thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm nhận định, chính sách này có thể tạo ra một luồng gió mới khi học sinh được tiếp cận những phong cách giáo dục mới, từ đó có thể thúc đẩy quá trình học tập. Ngoài ra, có thể góp phần thúc đẩy quá trình rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ tại đơn vị.

Tuy nhiên, theo thầy Công, việc này là không phù hợp và khó đạt được kết quả như kỳ vọng, giống như “dùng dao mổ trâu để thịt gà”.

“Giáo sư, phó giáo sư thường là những người được đào tạo chuyên sâu và phát triển kiến thức sâu ở một lĩnh vực nào đó, và thường giảng dạy và nghiên cứu ở một cơ sở giáo dục đại học, sau đại học, viện nghiên cứu hơn là giảng dạy tại trường phổ thông.

Họ có thể rất chuyên sâu ở một lĩnh vực chuyên ngành hẹp, nhưng những kiến thức ở một số lĩnh vực khác của môn học hoặc thậm chí lĩnh vực gần, chưa chắc họ đã quan tâm đến.

Chưa kể, để được công nhận là giáo sư, phó giáo sư, thường cũng phải là những người đã có tuổi, họ đã dùng cả tuổi trẻ để phấn đấu theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu thì dễ gì có thể từ bỏ để trở thành giáo viên phổ thông thuần túy”, thầy Công nói.

Cũng theo thầy giáo này, giáo dục chuyên ngày nay là sự mở rộng của giáo dục chuyên sâu, giáo dục phổ thông và giáo dục kĩ năng để các học sinh chuyên thực sự không chỉ giỏi về kiến thức mà còn tốt về kĩ năng. Do đó "đầu tư chỉ riêng cho một khía cạnh tôi e là chưa đủ”.

Thầy Công cho rằng với kinh phí đó, nên kêu gọi người trẻ tài năng đi học ở các trường tốt, chọn lọc để về trường chuyên.

“Phân công đúng người, đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ tốt với những thành tích đạt được để thầy cô trẻ duy trì được tâm huyết với nghề, sống được với nghề, hy sinh thời gian và công sức để lăn lộn cùng với học sinh không chỉ trong mảng đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi mà còn các mảng khác như giáo dục kĩ năng,… Số tiền còn lại, có thể mời các giáo sư đầu ngành thỉnh giảng cho những học sinh thuộc tốp trên, nâng cao kết quả đào tạo mũi nhọn và góp phần nâng cao vị thế của trường chuyên để các học sinh khác cũng được hưởng lợi, thay vì tuyển cứng giáo sư về làm giáo viên”.

Tiền tỷ đưa giáo sư về trường chuyên: Các GĐ Sở và hiệu trưởng nghĩ gì?
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Nhiều vấn đề đặt ra nếu giáo sư về trường chuyên

TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói có thể hiểu ý tưởng của những người xây dựng chính sách rất muốn thu hút các chuyên gia đầu ngành về trường chuyên cũng như địa phương. Song việc thu hút phải đồng bộ nhiều vấn đề khác.

"Chức danh giáo sư, phó giáo sư thường phù hợp hơn với việc giảng dạy tại các trường đại học và thiên hướng nghiên cứu khoa học. Mô hình Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có thể coi là một trường hợp đặc biệt, bởi là một đơn vị trong trường đại học. Với các trường THPT chuyên thuộc/nằm trong các trường đại học, thì những thầy cô quản lý, giảng dạy có học hàm, học vị cũng là điều bình thường.

Còn ở các tỉnh, thường trường chuyên không thuộc trường đại học. Trong trường hợp này, tôi nghĩ nó sẽ không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi đơn giản nhiệm vụ, nhu cầu phát triển của trường chuyên cũng không “gần” với nhiệm vụ của một giáo sư, phó giáo sư, trừ khi định hướng, mục tiêu của trường chuyên ở Hòa Bình khác phần còn lại”, ông Lợi nói.

Thực tế ở chuyên Khoa học Tự nhiên, có nhiều giáo sư, phó giáo sư tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, theo thầy Lợi, phần lớn là giáo viên thỉnh giảng, chỉ ở một số chuyên đề, nội dung kiến thức sâu, chứ không phải nhiệm vụ chính là dạy cho các học sinh trường chuyên.

"Ở những chuyên đề đó, nhà trường mời các thầy cô này dạy chứ họ không phải là giáo viên cơ hữu. Tất nhiên, cũng có một số thầy cô cơ hữu là phó giáo sư, nhưng số đó không nhiều và họ cũng không chỉ nhiệm vụ dạy học sinh trường chuyên mà vẫn kiêm nhiệm làm các công tác đào tạo và sau đại học ở các khoa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên”.

Ông Lợi cũng cho rằng, không phải giáo sư, phó giáo sư nào khi về dạy ở trường chuyên là cũng hơn giáo viên phổ thông.

“Tôi nghĩ cần phân tích một cách kỹ càng, chứ không phải cứ nghĩ học hàm giáo sư, phó giáo sư như một thứ bằng cấp. Một hình thức nào đó kiêm nhiệm là khả thi nhất, chứ khả năng để các trường phổ thông tuyển được giáo sư, phó giáo sư về làm giáo viên dạy toàn phần là rất khó”.

Chưa kể, các giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên thì vị trí việc làm sẽ được xác định ra sao.

“Với những yêu cầu để trở thành giáo viên hiện nay thì những gì họ có cũng chưa phù hợp. Rồi ngạch lương của họ được tính ra sao? Các giáo sư, phó giáo sư thường ở ngạch giảng viên cao cấp/chuyên viên cao cấp, nhưng giáo viên phổ thông thì làm sao có những ngạch đó”, ông Lợi nói nếu thực tế diễn ra thì sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề khác.

Trước đó, giáo sư đứng đầu một trường ĐH ở TP.HCM, phân tích, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/07/2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học. Tại Điều 2 nêu rõ nhiệm vụ của giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó 5 nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư, không có nhiệm vụ nào là “giảng dạy THPT”. 

Thanh Hùng

HIỀN TÀI LÀ  NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA

THÁI HẠO/ TD 9-3-2022

Câu này trích trong “Văn bia tiến sĩ: Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh ký, Hồng Đức thập bát niên Đinh Mùi khoa tiến sĩ đề danh ký” của tiến sĩ Thân Nhân Trung, thế kỷ 15. Và được giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn 10. Đầy đủ là: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.
Ngày nay, nó đã trở thành một câu “khẩu hiệu”, một slogan được treo tại khắp các trường học trên cả nước, đặc biệt là hệ thống các trường chuyên.
Thế nhưng, trong khoảng 5 năm tôi trực tiếp giảng dạy tại một trường chuyên, chỉ riêng tổ văn thôi đã có khoảng chục người ra đi, hoặc rời bỏ hẳn giáo dục, hoặc chuyển sang một trường tư, hoặc kiếm một nơi “tối ngày đầy công”, đặng yên ổn. Điều đáng nói là, những người ra đi ấy, hầu hết là cá tính, sắc sảo, giỏi chuyên và cương trực thẳng thắn, chí ít cũng là kẻ trăn trở với đời và với nghề. Một hai người “có chất” còn ở lại thì chọn im lặng và “sáng cắp cặp đi, tối cắp về”, “mặc kệ thiên hạ” vì “đấu tranh thì tránh đâu”.
Sự “sàng lọc” ấy trong giáo dục là một mất mát lớn, không gì đo đếm được. Tại sao họ ra đi và ở lại theo cách như thế? Cái Khác không được chấp nhận, sự thẳng thắn không được chấp nhận, lòng chính trực không thể được chấp nhận, thậm chí một tiếng thở dài vì những bất công hay vì tình thương học trò mà bất lực cũng cần phải “kiểm điểm”. Cứ thế, môi trường giáo dục trở nên một nơi căng thẳng mà “người này và kẻ kia đều ngó theo sức mạnh”.
Tự tay tôi đã đưa ít nhất bốn người về tổ mình, những người tôi đã cất công tìm kiếm, và vui mừng vì tìm thấy, vì họ không chỉ giỏi mà còn có nhân cách tử tế. Thế nhưng, tất cả họ cũng đã lần lượt rời đi, rồi tôi cũng rời đi. Chua chát và buồn đau vì bất lực với hiện tình giáo dục đất nước vì không có cơ hội để được làm chút việc cho công cuộc hệ trọng ấy. “Ai cho tao lương thiện”, câu hỏi của Chí Phèo cứ văng vẳng vang lên trong chúng tôi.
Nhìn dài và nhìn rộng, “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” còn bàng bạc khắp nơi, và ám ảnh tất cả.
Tài nguyên lớn nhất của một đất nước là con người, đặc biệt là những người mà tiền nhân gọi là “hiền tài”. Ngày nay, những người ấy là văn nghệ sĩ trí thức. Chính họ sẽ làm rường cột cho văn hóa nước nhà, xây dựng nền móng tinh thần cho dân tộc. Nhưng ở khắp nơi, họ không được “dung thứ” nếu dám làm mất lòng quyền lực.
Trí thức là kẻ yếu nhất trong xã hội, vì họ không những nghèo tiền bạc, không có địa vị, mà tài sản của họ chỉ là tri thức và lương tâm. Họ không có bè phái, không có liên minh, mỗi người lao động trong thế giới tinh thần của chính mình để âm thầm tạo ra giá trị. Vì thế, sự o ép và đàn áp, chỉ cần nhẹ thôi, cũng đủ để đập bẹp và hủy hoại tan hoang.
Không ai muốn đất nước phát triển mà không nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển trí thức. Nếu không làm việc ấy thì mọi sự hô hào chỉ là những lời nói suông, là những lời nói dối.
Đưa “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” vào dạy cho học sinh với những lời đẹp đẽ rằng ”Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết” nhưng lại khiến các em luôn phải nhìn thấy những thầy cô mà chúng kính trọng và yêu mến nhất phải cay đắng ra đi. Đó là đang trực tiếp làm ra những tấm gương xấu về việc nói một đằng làm một nẻo, về bất công ngang trái, về sự chiến thắng của quyền lực trước lương tri, về sự thất bại của lòng chính trực… Những học sinh ấy sẽ lớn lên để thành gì?
Mục tiêu giáo dục không nằm trong sách giáo khoa, nó ở trong môi trường sư phạm, ở trong ứng xử của người làm giáo dục, ở trong tư cách của người lớn… Một chương trình viết hay, một bộ sách viết đẹp với toàn những lời có cánh, nhưng đem thả vào một bầu không khí vẩn đục và đầy bệnh tật, thì mãi mãi, nó vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi.
Kiến tạo một môi trường giáo dục và xã hội văn minh, lấy lẽ phải và luật pháp làm tiêu chuẩn, lấy nhân văn làm lối sống, lấy cái đẹp làm linh hồn, chỉ có như thế mới chứng tỏ được rằng, những người chủ trương đổi mới đang thật lòng đổi mới.
Và cuối cùng, nói về giáo dục cũng chỉ là nhân một ví dụ để nói về tất cả, chứ không phải chỉ là giáo dục.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRANH NHAU ĐỔ TIỀN MỜI GS, PGS VỀ DẠY TRƯỜNG 

CHUYÊN ĐỂ ĐƯỢC GÌ?

TÙNG DƯƠNG/ GDVN 13-3-2022

GDVN- Học sinh giành giải quốc tế đó hầu như là đi du học, các em làm được gì cho địa phương, mà may ra cả trường được 1 đến 2 cháu trong khi ngân sách chi ra rất nhiều

“Học sinh trường chuyên, hoặc tham gia vào đội tuyển chuẩn bị cho một kì thi quốc tế nào đó, tùy vào tính chất của cuộc thi mà các thầy cô giáo lãnh đội, phối hợp với phụ huynh mời thêm một số chuyên gia ở các viện nghiên cứu, các trường đại học để bồi dưỡng thêm kiến thức nâng cao cho học sinh, nhưng đó là mời theo từng công việc cụ thể trong một giai đoạn nào đó.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là các thầy cô lãnh đội đi theo học sinh trong 3 năm, những thầy cô này là người hiểu rõ nhất học trò của mình, tính cách từng em thế nào, thừa hay thiếu kiến thức ra sao.

Còn việc một vài địa phương hay ở đâu đó mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường Trung học phổ thông chuyên như vậy thì tôi không hiểu mục tiêu của họ là gì?”, nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: T.D.

Theo cô Dương: “Đối với học sinh chuyên, nếu trong 1 tháng được hỗ trợ nâng cao kiến thức từ các giáo sư từ 1 đến 2 buổi thì được, nhưng ví dụ môn Toán trong tuần có 6 tiết thì cũng không thể để các giáo sư, phó giáo sư dạy hết được, mặc dù các thầy rất giỏi và đi sâu vào chuyên môn, nhưng đó là nghiên cứu chuyên môn hẹp.

Chưa kể học sinh phổ thông lại cần học đều tất cả các môn để học kiến thức tổng thể, cơ bản. Hơn nữa, tôi cũng e ngại khi các nơi mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy, và nếu ở mức độ thay thế các thầy cô giáo phổ thông thì sau này học sinh lên bậc đại học sẽ học cái gì? Trình độ phổ thông không cần kiến thức khoa học của một vị giáo sư để giảng dạy.

Chúng ta hiện nay có học hỏi theo mô hình ở nước ngoài, ở nước ngoài học sinh được học theo mô hình chóp, ở cấp dưới mức độ học khá vui vẻ tạo niềm đam mê với môn học và nhà trường chú trọng kiến thức cơ bản. Sau đó sẽ có sự chọn lọc dần và càng lên cao càng khó, học đến thạc sĩ, tiến sĩ sự cạnh tranh càng khủng khiếp hơn.

Khi học sư phạm, bản thân mỗi ngành nghề đào tạo sẽ có phương pháp riêng, với bậc tiểu học nếu cho tôi dạy thì chắc chắn sẽ không dạy được bởi tôi không được đào tạo về chuyên môn đó, và các thầy cô dạy cấp 2, cấp 3 cũng sẽ có những điều chỉnh dạy khác nhau. Giáo viên phổ thông ngoài việc dạy lại còn phải dỗ, tức là vừa dạy vừa dỗ.

Giáo viên phổ thông thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, ngoài ra còn có kinh nghiệm thực tế. Ví dụ: Khi tôi vừa ra trường đi dạy, sau một khóa học sinh tốt nghiệp, tôi lại đúc kết ra và đến khóa thứ 2 học sinh lại không giống khóa đầu, và tôi lại phải rút kinh nghiệm. Những kinh nghiệm đó khó có thể chia sẻ cho người nọ người kia vì mọi thứ đều khác nhau.

Nếu các địa phương mời các giáo sư, phó giáo sư để bổ trợ kiến thức theo từng đợt ngắn cũng có cái hay, nhưng nếu để thay thế hoàn toàn các thầy cô dạy phổ thông thì cũng nên cân nhắc thật kĩ”.

Học sinh phổ thông cần kiến thức tổng thể

Theo cô Dương: “Việc của giáo viên phổ thông là dạy kiến thức tổng thể đều, và yêu cầu của chương trình phổ thông là như vậy, có một chút chuyên sâu với trường chuyên. Lên đại học, nếu đến học hàm thạc sĩ, tiến sĩ,…là các thầy phải đi chuyên sâu vào một mảng duy nhất, theo đuổi mảng đó.

Bây giờ là đổi mới giáo dục toàn diện, hướng tới học sinh yêu thích môn học, dạy các con cách tư duy và đi theo các con suốt cuộc đời là cách tư duy, còn kiến thức rất rộng lớn. Nếu một thời gian không cập nhật lại kiến thức thì chắc chắn tôi không theo kịp các bạn trẻ, vậy quan trọng nhất là học sinh được dạy cách tư duy. Bây giờ chúng ta thiên về đưa kiến thức, càng cao càng tốt thì liệu khi lên đại học các con có còn hứng thú để học nữa hay không? Như vậy chúng ta lại chạy theo kiến thức.

Tôi ủng hộ từng giai đoạn, từng chuyên đề mời các giáo sư về bổ trợ cho học sinh, giúp các em hiểu sâu hơn vì là trường chuyên, còn nếu mời về làm giáo viên cơ hữu thì hóa ra là đưa kiến thức đại học xuống phổ thông, vậy khi lên đại học chúng ta đào tạo cái gì?

Chúng ta nên định hướng trường chuyên ở đây là cái gì? Không phải để mỗi năm giành mấy giải quốc tế, thậm chí đến 10 giải cũng vậy thôi, tạm tính 1.500 học sinh với rất nhiều ngân sách hàng năm chỉ để đạt 5 giải quốc tế, theo tôi đó là sự lãng phí.

Tuy nhiên, vào trường chuyên để học sinh học được cách tư duy, được học cùng các bạn bè giỏi, rồi có em đi đội tuyển, có em theo nghiên cứu khoa học,…sẽ có nhiều sân chơi cho các năng khiếu khác nhau, như vậy mô hình trường chuyên mới thực sự có ích cho xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Còn đưa ra mức đãi ngộ thu hút như vậy, hóa ra các địa phương tranh nhau đổ tiền của vào “đâu đó” để giành giải quốc tế, để sánh vai với các địa phương khác, như vậy chứng tỏ điều gì hay chỉ để “lên mặt”? Học sinh giành giải quốc tế đó hầu như là đi du học, các em làm được gì cho địa phương, mà may ra cả trường được 1 đến 2 cháu trong khi ngân sách chi ra rất nhiều.

Vậy nên tư duy phải mời giáo sư, phó giáo sư về dạy cấp phổ thông có thể nói là chạy theo thành tích, cạnh tranh với địa phương này, tỉnh kia và cuối cùng để đạt được cái gì, có thực tế hay không thì không thấy ai bàn đến.

Theo tôi, tiền ngân sách đó địa phương nên tập trung vào xây dựng thêm trường mới, hoặc nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao công nghệ cho một số trường khác để nhiều học sinh cùng được hưởng thụ, thay vì tập trung vào một trường. Khi đã có cơ sở tốt về công nghệ, các trường có thể tham gia tiệm cận với các chương trình học tiến tiến trên thế giới, lúc đó kết nối với một số trường và có thể họ sẽ dạy miễn phí”.

Cô Phạm Vũ Bích Hằng - phụ trách đội tuyển và các em học sinh Câu lạc bộ Robotics của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh minh họa: T.D.

Quan trọng phải có năng lực thật sự

Cô Dương nhận định: “Người có học hàm học vị dạy đại học chưa chắc đã giỏi, chứ đừng nói là cấp trung học phổ thông chuyên. Theo tôi, nếu tìm được những giáo viên có năng lực thật sự cứ mời về giảng dạy, đâu cần phải đưa ra yêu cầu giáo sư, tiến sĩ.

Phần lớn những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang làm việc trong các trường đại học, họ còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, khi họ dạy ở trường phổ thông thì thế mạnh nghiên cứu khoa học sẽ không được phát huy, như vậy là bỏ phí nguồn nhân lực chất lượng cao, lãng phí chất xám.

Theo tôi, việc bỏ tiền ra thu hút người có học hàm, học vị không bao giờ là ý hay, mà hiệu quả là nên đầu tư vào lực lượng trẻ có năng lực mới là đầu tư dài hạn, hơn nữa mời giáo sư, phó giáo sư về dạy phổ thông thì thu nhập của họ sẽ trả thế nào? Các giáo sư, phó giáo sư thường ở ngạch giảng viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nhưng giáo viên phổ thông thì làm sao có những ngạch đó, và trả theo đúng ngạch lương đó mấy chục triệu đồng một tháng thì sẽ tạo sự mất cân bằng với các giáo viên phổ thông trong cùng trường.

Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/07/2020 quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học. Tại Điều 2 nêu rõ nhiệm vụ của giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó 5 nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư, không có nhiệm vụ nào là dạy cấp trung học phổ thông. Vì thế địa phương nào muốn mời giáo sư và phó giáo sư về giảng dạy tại các trường chuyên trung học phổ thông thì phải đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất Chính phủ quy định lại nhiệm vụ của giảng viên đại học”.

Được biết, về việc các địa phương dành đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý:

“Đầu tư cho trường chuyên nhưng không vì thế mà không lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Đành rằng trong điều kiện khó khăn phải đầu tư tập trung nhưng bên cạnh trường chuyên được đầu tư lộng lẫy là nhóm trường khác còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa”.

Một trong những nội dung dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường Trung học phổ thông chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực quốc tế đang lấy ý kiến dư luận trong đó có nêu giáo viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ mức 1 tỷ đồng/người.

Giáo viên có trình độ tiến sĩ về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ tiền 300 triệu đồng/người.

'CHI 1 TỈ LẠI BẮT BUỘC GIÁO SƯ LÀM 10 NĂM THÌ KHÔNG AI VỀ'

LÊ HUYỀN/VNN 13-3-2022

Theo các nhà giáo dục, thu hút giáo viên giỏi về trường chuyên là cần thiết nhưng không nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Cốt lõi của vấn đề không phải là tiền.

Thông tin Hòa Bình, và trước đó là Bắc Ninh đưa ra chính sách hỗ trợ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về làm giáo viên trường chuyên đã gây ra nhiều tranh cãi.

'Chi 1 tỷ lại bắt Giáo sư làm 10 năm thì không ai về'
Giáo viên ngoại tỉnh dạy trường chuyên của Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ tiền mua nhà. Ảnh minh họa: website Trường THPT chuyên Bắc Ninh

Một nhà nghiên cứu giáo dục ở TP.HCM, cho rằng trường chuyên nên thu hút người tài, có tâm để dạy dỗ chứ đừng dựa vào người bằng cấp, vì thực sự nhiều người có bằng cấp không có trình độ thực sự mà chỉ bỏ ít công sức là có. Giáo viên giảng dạy giỏi và tiến sĩ, phó giáo sư là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Giáo viên có tâm huyết, thời gian giảng dạy lâu thì có kỹ năng giảng dạy tốt hơn 1 tiến sĩ mới ra trường một vài năm. Tất nhiên cũng không loại trừ một ít trường hợp thì tiến sĩ có thể dạy trường chuyên rất tốt và có tâm huyết...

Theo ông, nếu chi 1 tỷ lại bắt buộc người ta phải làm việc tới 10 năm thì chắc chắn không ai về, bởi tiến sĩ ở trường đại học đã thu thập khoảng 30 triệu/tháng chưa kể các khoản khác. Do vậy bỏ tiền ra thu hút như vậy chỉ có thể thu hút những những tiến sĩ giấy và giáo sư “dởm”.

“Để thu hút được giáo viên giỏi về trường chuyên, thì phải thu hút bằng thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt cho giáo viên dạy trường chuyên. Vì giáo viên trường chuyên có nhiều vấn đề cần giải quyết khi học sinh giỏi hỏi chứ không như bình thường các học sinh khác hỏi. Mặt khác, điều kiện làm việc cho giáo viên quan trọng nhất. Nếu trường chuyên mà bắt giáo viên phải làm việc bình thường như soạn giáo án, làm kế hoạch sinh hoạt tổ bộ môn, họp thi đua .... thì “thua”.

Do vậy các trường nên cho các giáo viên sáng tạo ra những cách thức để làm việc hiệu quả hơn như cách thức để sinh hoạt lớp, cách thức để quản lý học sinh, không nên gò bó họ bằng những thủ tục hành chính theo khuôn mẫu”- ông nói.

'Dụng nhân như dụng mộc'

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng chủ trương thu hút giáo viên giỏi về các cơ sở giáo dục và đặc biệt trường chuyên là cần thiết nhưng thu hút mang lại hiệu quả như mong muốn là câu chuyện khác.

'Chi 1 tỷ lại bắt Giáo sư làm 10 năm thì không ai về'
Học sinh thi tuyển vào trường chuyên (ảnh: Thanh Tùng)

Ông Ngai phân tích, Thông tư 20, văn bản hợp nhất của Bộ GD-ĐT ngày 30/8/2014, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động trường THPT chuyên, tại Điều 2 có nêu rõ mục tiêu mục tiêu của trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, giáo dục các em thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Như vậy nói nôm na, mục tiêu trường chuyên là tuyển vào học sinh giỏi, có năng khiếu ở bộ môn nào đó để đào tạo trở thành thành nhân tài của đất nước, đương nhiên phải đảm bảo kiến thức… Vì vậy khi tuyển giáo viên về để đào tạo những học sinh này phải là một sự cân nhắc. Trong khi đó mỗi cấp học ngoài kiến thức, phương pháp cơ bản, khi chuyên sâu thì mỗi giáo viên được đào tạo theo yêu cầu riêng.

“Thu hút giáo viên giỏi về trường chuyên là cần thiết và lúc nào cũng cần nhưng không nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ”. Sinh thời Bác Hồ luôn căn dặn: “dụng nhân như dụng mộc” tức là “dùng người cũng như dùng gỗ”, tức là đã con người thì có mặt mạnh, mặt yếu, quan trọng là biết sử dụng như thế nào để có hiệu quả, khắc phục mặt yếu ra sao”- ông Ngai nói.
 
Theo ông Ngai, dù trường chuyên nhưng vẫn thuộc cấp THPT, do vậy không cần người có học hàm, học vị to tát mà chỉ cần giáo viên thực sự giỏi, có trình độ kiến thức chuyên môn lĩnh vực mình phụ trách, có năng lực sư phạm, nắm được tâm sinh lý học trò của mình. Vì vậy thay vì chính sách đưa ra 1 tỷ để mời GS thì nên chăng phải nắm vững mục tiêu, đánh giá đúng, toàn diện hoạt động dạy học, kết quả nhà trường hiện nay so với mục tiêu. Trên cơ sở này phải xác định nguyên nhân, hạn chế nếu có để đưa ra giải pháp căn cơ phù hợp, toàn diện, đồng bộ và có bước đi phù hợp.
 
Thông tư 20, đã quy định giáo viên trường chuyên được tuyển dụng bằng hình thức kết hợp thi tuyển (chủ yếu đối với các năng lực chuyên môn) và xét tuyển (chủ yếu đối với ý thức trách nhiệm, đạo đức nhà giáo). Trong đó, ưu tiên trong tuyển dụng những người có kết quả tốt nghiệp đại học xếp loại giỏi; có học vị tiến sĩ, thạc sĩ; là giáo viên giỏi ở các trường THPT khác; đã từng là thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, ngoài ra có thể thỉnh giảng. Vì vậy, các trường chuyên phải đánh giá đội ngũ hiện tại, mạnh dạn sàng lọc đối với thầy cô không đáp ứng yêu cầu, hoặc không nỗ lực phấn đấu và bổ sung lực lượng theo quy định này chứ không nhất thiết phải giáo sư, phó giáo sư… Cần thiết có thể tuỳ theo từng giai đoạn thực hiện mời thỉnh giảng với những giáo viên giỏi có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. 
 
Còn về lâu dài Sở GD-ĐT nên tham mưu với tỉnh, tuyển những người đã từng tốt nghiệp loại giỏi ở trường chuyên nếu theo nghiệp sư phạm, đưa đi học tập, sau đó về giáo viên ngay chính trường của mình.  

Lê Huyền

Ở ÚC KHÔNG CÓ TRƯỜNG CHUYÊN VÀ CŨNG KHÔNG CÓ GIÁO SƯ NÀO  DẠY TRUNG HỌC CẢ !

HÀ ANH/ GDVN 15-3-2022

GDVN- Cần nói thêm rằng hệ thống trường tuyển của Úc không phải được "thiết kế" để có thành tích kiểu "học sinh giỏi" hay đi thi Olympia như Việt Nam.

LTS: Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy trường chuyên, giúp học sinh phát triển năng lực vốn có, một số địa phương đưa ra đề xuất chính sách thu hút nhân lực trình độ cao bằng cách hỗ trợ 1 tỷ đồng cho giáo sư, phó giáo sư về trường trung học phổ thông chuyên, cam kết dạy từ 10 năm trở lên.

Từ kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu ở các nền giáo dục lớn trên thế giới, nhiều chuyên gia khá bất ngờ với đề xuất này.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là giáo sư Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia.

Thưa Giáo sư, tại Australia có mô hình trường chuyên lớp chọn không? Nếu không thì những học sinh có khả năng vượt trội về học tập muốn phát huy tiềm năng của mình sẽ học ở những ngôi trường như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Ở Úc, mà cụ thể là tiểu bang New South Wales nơi tôi đang sống, có hệ thống trường tuyển (selective schools). Trường tuyển không giống như trường chuyên ở Việt Nam. Trường tuyển, như tên gọi, tuyển học sinh từ lớp 7 qua một kì thi tuyển. Do đó, các học sinh ở trường tuyển thường có năng lực giống nhau (trên trung bình) so với các trường bình thường.

Cơ cấu chương trình học ở các trường tuyển không khác mấy so với các trường bình thường. Tuy nhiên, tôi thấy chương trình học thì có vẻ "nặng" hơn so với trường không tuyển, và đó chỉ là cảm nhận của một người có con học trong các trường tuyển.

Ngoài ra, tôi thấy các giáo viên ở các trường tuyển có kinh nghiệm tốt hơn so với các trường bình thường. Do đó, kết quả học tập của học sinh trường tuyển, tính trung bình, cao hơn so với trường bình thường.

Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là giáo sư Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia

Nói như thế không có nghĩa là trường không tuyển không có học sinh xuất sắc. Ngược lại, số học sinh xuất sắc từ các trường không tuyển có năm cao hơn số học sinh từ trường tuyển. Mới đây, tôi tham dự một buổi phát phần thưởng cho các em học sinh gốc Việt đạt điểm 99% trở lên, tôi thấy đa số các em ấy xuất phát từ các trường bình thường, thậm chí trường "nghèo".

Cần nói thêm rằng hệ thống trường tuyển của Úc không phải được "thiết kế" để có thành tích kiểu "học sinh giỏi" hay đi thi Olympia như Việt Nam. Trường tuyển ở Úc được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các học sinh xuất sắc hay những học sinh có tài năng đặc biệt.

Nói cách khác, trường tuyển là môi trường mà trong đó các học sinh có trình độ và năng lực gần nhau, chứ không phải quá khác biệt ở các trường bình thường. Nhà nước Úc không thiết kế trường tuyển để đếm số "học sinh giỏi" hay đào tạo đi thi Olympia. Thật ra, Úc không có khái niệm 'học sinh giỏi".

Ở Australia không có trường chuyên mà chỉ có trường tuyển, vậy cách thức hoạt động của trường tuyển có khác mô hình trường chuyên hiện nay ở Việt Nam? Nó có được mặc định là trường công lập hay không? Các tiêu chí tuyển sinh đầu vào của họ như thế nào và trường tuyển có phải là lựa chọn đầu tiên của phụ huynh Australia?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không rõ cách thức hoạt động của các trường chuyên bên Việt Nam ra sao, nên không thể so sánh. Các trường tuyển của Úc thì có 3 nhóm chính: nhóm 1 là các trường chỉ có những học sinh được tuyển từ lớp 7; nhóm 2 là các trường bình thường nhưng có những lớp dành cho học sinh xuất sắc; và nhóm 3 là các trường gọi là "nông nghiệp" nơi có học sinh nội trú và ngoại trú.

Như nói trên, học sinh được tuyển qua một kì thi từ lớp 6 lên lớp 7. Đa số trường tuyển ở Úc là trường công nhưng cũng có trường tuyển tư thục. Thật ra, ở Sydney có nhiều trường tư thục rất nổi tiếng và học phí rất đắt (hơn 20.000 đôla một năm).

Nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh gốc di dân (như người Việt chẳng hạn), thích cho con em theo học các trường tuyển. Lí do là họ nghĩ rằng trường tuyển sẽ dạy tốt hơn và học sinh sẽ đạt thành tựu cao hơn các học sinh từ các trường không tuyển. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm nhận mà thôi, vì trong thực tế điểm thi tốt nghiệp trung học của các trường tuyển chỉ cao hơn 2% điểm so với các trường không tuyển.

Được biết, ở Australia, chính phủ tiểu bang chịu trách nhiệm về trường phổ thông, vậy mức tài trợ giữa trường tuyển hay trường thường có sự khác biệt nào không, thưa thầy?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi biết, ngân sách mà Nhà nước dành cho các trường tuyển hay không tuyển dựa vào nhiều yếu tố như số học sinh, số giáo viên, và cơ sở vật chất. Nhà nước phải cung cấp ngân sách một cách công minh, vì nếu không thì bị phản đối. Tuy nhiên, các trường tuyển thường có phụ huynh xuất thân từ thành phần trung lưu, nên số tiền mà phụ huynh đóng góp (hoàn toàn tự nguyện) cao hơn nhiều so với các trường bình thường. Điều này có nghĩa là các trường tuyển thường "giàu" hơn các trường bình thường, nhưng sự giàu có đó là do phụ huynh đóng góp.

Tại Australia, có trường tuyển nào lại “chiêu mộ” giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy không, thưa thầy?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Không có giáo sư nào mà dạy trung học cả.

Cuối cùng, thầy nghĩ sao về chính sách hiện nay một vài tỉnh thành ở Việt Nam chiêu mộ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy ở trường trung học phổ thông chuyên?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Mục tiêu của chương trình học tiến sĩ là đào tạo ra một nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientist). Văn bằng tiến sĩ là một “passport” để người đó có quyền làm nghiên cứu khoa học. Thường, tiến sĩ có kiến thức và kĩ năng chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp (ví dụ như sinh học ung thư), nhưng đa số tiến sĩ không có kĩ năng dạy học. Nhiều người mang chức danh giáo sư (ở Úc và phương Tây), nhưng thật ra họ không có kĩ năng giảng dạy.

Dĩ nhiên, tiến sĩ vẫn có thể dạy học, nhưng họ phải trải qua một chương trình huấn luyện về sư phạm. Dạy học, đặc biệt là dạy học sinh trung học, theo tôi thấy khó hơn là dạy cho sinh viên đại học. Cấp đại học thì sinh viên chủ yếu là tự học, còn giáo sư thì có trợ giảng, nên họ chủ yếu là “diễn thuyết” chứ không dạy như cấp trung học. Còn cấp trung học, học sinh cần "cầm tay chỉ việc", nên dạy học ở cấp này rất vất vả. Không có kĩ năng dạy học thì dù là giáo sư đại học vẫn không thể là một người thầy giỏi.

Theo tôi thấy, một giáo viên giỏi không nhất thiết phải là người có bằng cấp cao, cái cần thiết là có phương pháp dạy tốt. Phương pháp dạy học rất quan trọng để “kéo” học sinh đi theo mình. Phương pháp dạy đó phải gắn liền với thực tế.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Hà Anh

MỜI GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ DẠY TRƯỜNG CHUYÊN KHÔNG ĐÚNG LUẬT GIÁO DỤC

PHAN THẾ HOÀI/ GDVN 14-3-2022

GDVN- Mời phó giáo sư, giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa có Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường trung học phổ thông chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế gửi Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, Dự thảo có nội dung đáng chú ý là, "giáo viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1,0 tỷ đồng một người."

Cá nhân người viết cho rằng, việc mời phó giáo sư, giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn - cũng là hai bất cập lớn của Dự thảo.

Mời phó giáo sư, giáo sư dạy trường phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn. (Ảnh minh họa: T.D)

Đưa phó giáo sư, giáo sư về dạy phổ thông là trái Luật Giáo dục

Điều 68 Luật Giáo dục 2019 quy định: 1. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. 2. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Như vậy, lãnh đạo trường đại học không thể kí quyết định chuyển công tác phó giáo sư, giáo sư về dạy trường trung học phổ thông chuyên vì trái Luật Giáo dục.

Phó giáo sư, giáo sư muốn công tác ở trường phổ thông chỉ còn 2 cách: thứ nhất, xin nghỉ việc ở trường đại học và nộp đơn thi/xét tuyển ở trường trung học phổ thông; thứ hai, hợp đồng dạy thỉnh giảng ở trường trung học phổ thông.

Bởi, Điều 22 Luật Viên chức (Luật số 58/2010/QH12) chỉ quy định độ tuổi tối thiểu để đăng ký dự tuyển viên chức mà không quy định độ tuổi tối đa. Vậy nên, phó giáo sư, giáo sư không bị ràng buộc độ tuổi (trước độ tuổi nghỉ hưu theo quy định) khi đăng kí thi/xét tuyển viên chức.

Và, điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục như sau: Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo đến: giảng dạy các môn học, học phần được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và đại học.

Phó giáo sư, giáo sư dạy phổ thông - bất cập chuyên môn

Thứ nhất, nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư được quy định tại Điều 3 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể (trích):

- Thực hiện nhiệm vụ của giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, chế độ làm việc của giảng viên và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Biên soạn chương trình, giáo trình và sách phục vụ đào tạo khác; giảng dạy, hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận văn chuyên khoa, chuyên đề, luận án tiến sĩ và thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khác theo quy định.

- Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.

- Rèn luyện đạo đức, tác phong khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn.

- Hợp tác với đồng nghiệp về công tác chuyên môn; tham gia các hoạt động tư vấn khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ Kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các công tác khác.

Có thể thấy rằng, nhiệm vụ chính của phó giáo sư, giáo sư là nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực cấp cao: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Phó giáo sư, giáo sư có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp nhưng phương pháp giảng dạy thường không tốt (ngoại trừ giảng viên các trường sư phạm) cũng khó dạy học thành công ở bậc phổ thông.

Tôi lấy ví dụ, giảng viên A có học hàm giáo sư môn Văn, dạy tổng hợp ngành Văn của một trường đại học X thì khó dạy giỏi môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông, vì thiếu phương pháp sư phạm. Nhiều giảng viên có học hàm phó giáo sư, giáo sư bị sinh viên chê là "tiến sĩ gây mê" (dạy buồn ngủ) cũng bởi phương pháp giảng dạy đơn điệu, nhàm chán.

Hơn nữa, theo Điều 3 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg thì không có nội dung nào quy định phó giáo sư, giáo sư dạy bậc trung học phổ thông.

Thứ hai, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ giáo dục và đào tạo ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/20218 có nội dung như sau:

Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực của người lao động, ý thức và nhân cách công dân; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Có thể khẳng định, mục tiêu của giáo dục phổ thông (trung học phổ thông) yêu cầu thấp hơn nhiều so với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học. Việc phó giáo sư, giáo sư về giảng dạy trường phổ thông là lãng phí nguồn chất xám cho các cơ sở giáo dục đại học - hiện đang rất "khát" những người có học hàm này.

Cùng với đó, phó giáo sư, giáo sư dạy bậc trung học phổ thông khó thích nghi nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, chẳng hạn:

- Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh và cha mẹ học sinh của lớp được phân công; thực hiện công tác giáo dục hòa nhập trong phạm vi được phân công; tham gia tổ chức các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên...

Phó giáo sư, giáo sư dạy bậc phổ thông phải có thời gian làm quen, học hỏi, kể cả đào tạo lại thì mới đáp ứng những nhiệm vụ này. Tuy vậy, tôi cho rằng phó giáo sư, giáo sư rất khó thích nghi một số nhiệm vụ chuyên môn như soạn giáo án, bồi dưỡng thường xuyên, giáo dục học sinh hòa nhập...

Người thầy dạy bậc trung học phổ thông khó hơn dạy sinh viên các trường đại học. Ở bậc đại học, giảng viên hướng dẫn sinh viên tự học tự nghiên cứu là chủ yếu, còn bậc phổ thông thầy cô phải cầm tay chỉ việc nên ngoài kiến thức thì kĩ năng cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, phó giáo sư, giáo sư chưa chắc đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi vì khó nắm bắt đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh trung học phổ thông như giáo viên dạy bậc học này. Thầy cô phải giỏi chuyên môn và nghiệp vụ (phương pháp, tâm lí) thì mới đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

Thay lời kết

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 20/VBHN-BGDĐT, văn bản hợp nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/5/2014 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên nêu rõ mục tiêu của trường chuyên như sau:

Mục tiêu của trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện; giáo dục các em thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Tôi cho rằng, muốn đào tạo được nhiều học sinh giỏi ở trường chuyên thì nhà trường phải có đội ngũ thầy cô giỏi, quản lí giỏi, đòi hỏi việc tuyển dụng giáo viên dạy trường chuyên cần khắt khe về yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.

Vì vậy, tôi đồng tình với Dự thảo điều động, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ do Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đang đề xuất. Theo đó, thầy cô dạy môn chuyên nếu thi giáo viên giỏi cấp tỉnh không đạt giải sẽ bị điều động, chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo tôi, kể cả giáo viên được biên chế (hợp đồng không xác định thời hạn) trước ngày 1/7/2020 nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc thì Sở Giáo dục Hòa Bình cũng nên chuyển công tác thầy cô ra khỏi trường chuyên. Thay vào đó, Sở Giáo dục sẽ điều động giáo viên giỏi ở các trường khác vào thay vị trí là hợp tình hợp, lí.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét