Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

20220325. BÀN VỀ THÚC ĐẨY DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

ĐIỂM BÁO MẠNG


CHIẾC BÁNH DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN GỌI LÀ ĐÃ CÓ, NHƯNG 

ĂN KHÔNG DỄ

ĐINH DUY HÒA/TVN 22-3-2022

Dịch vụ công trực tuyến đã được chuẩn bị ngon lành, mời người dân sử dụng, giống như bánh đã có, nhưng câu trả lời từ thực tiễn lại cho kết quả không như vậy.

Thời gian qua, tôi được mời với tư cách là chuyên gia nhóm công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nghiên cứu về chủ đề cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại 3 tỉnh Hà Giang, Gia Lai và Trà Vinh.

Đây không phải là những tỉnh phát triển về kinh tế - xã hội, lại đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hàm ý ở đây là hết sức rõ ràng, đó là các tỉnh với những khó khăn như vậy thì khả năng tiếp cận và sử dụng DVCTT của người dân có gì khác so với các tỉnh khác và nhà nước nên làm gì để cung cấp DVCTT ngày càng tốt hơn cho người dân.

Chiếc bánh dịch vụ công trực tuyến gọi là đã có, nhưng ăn không dễ
Ảnh minh họa

Làm việc với lãnh đạo cả 3 tỉnh đều thấy rõ quyết tâm của chính quyền căn cứ sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng đã có những chủ trương, biện pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa số lượng và chất lượng DVCTT cung cấp cho người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Cơ sở vật chất, Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử tại cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã ở 3 tỉnh về cơ bản là tương đối tốt để cung cấp DVCTT cho người dân và tổ chức.

Điều quan trọng nữa là đội ngũ CBCCVC cũng đã được tập huấn, được tăng cường năng lực để sẵn sàng cung cấp loại dịch công này cho xã hội.

Đến đây xem ra mọi thứ từ phía chính quyền 3 tỉnh đều ổn cả, cái bánh DVCTT đã được chuẩn bị ngon lành và người dân cứ tự nhiên mà hưởng thụ, bánh ngon là phải ăn cho đã! Câu trả lời từ thực tiễn lại cho kết quả không phải như vậy. Bánh gọi là đã có, những dân ăn không dễ.

Cái khó của người dân

Câu chuyện ăn không dễ này nhìn từ phía cơ quan công quyền thể hiện ở mấy điểm sau:

- Một là, muốn sử dụng DVCTT, trước tiên người dân phải đăng ký tài khoản, rồi đăng nhập tài khoản. Đối với phía nhà nước, chuyện này là đương nhiên, thông qua đó nhà nước nắm chắc được người sử dụng thực sự DVCTT, đồng thời tạo lập cái gọi là kho dữ liệu cá nhân cho từng người khi đã sử dụng DVCTT. Đây chính là điểm tạo thuận lợi hơn cho người dân sau này tiếp tục sử dụng loại dịch vụ này.

Nhưng đối với người dân, đây lại là sự khó khăn, nếu đăng ký, đăng nhập tài khoản vài ba lần không được thì rất có thể người dân có tư tưởng “ngán ngẩm“ và đi đến quyết định thôi món DVCTT để trở về với DVC truyền thống, tức là trực tiếp đến cơ quan công quyền.

Chiếc bánh dịch vụ công trực tuyến gọi là đã có, nhưng ăn không dễ

- Hai là, những khó khăn người dân gặp phải khi hoàn tất hồ sơ cho các DVCTT. Về cơ bản, các loại hồ sơ, giấy tờ, biểu mẫu khi sử dụng DVCTT giống như khi người dân làm theo kiểu truyền thống. Đây chính là cái trở ngại, khó khăn nhất đang làm nản lòng những ai có ý định sử dụng DVCTT.

Loại giấy này thì phải chụp thành ảnh và loại giấy kia thì phải scan để gửi kèm, có loại giấy lại yêu cầu phải là bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử… Người bình thường hoàn tất những loại giấy tờ kiểu này đã khó huống hồ là đồng bào dân tộc thiểu số với vốn liếng tiếng Việt có hạn, kỹ năng về sao chụp, scan còn rất hạn chế thì mức độ khó khăn còn gia tăng biết bao lần.

So ra một cách đơn giản thì cứ đến trực tiếp gặp công chức, hoàn tất hồ sơ theo kiểu truyền thống lại dễ ăn, lại thuận tiện hơn cái món DVCTT này.

Thủ tục chưa đơn giản

- Ba là, từ đó cho thấy bản thân các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan ở trung ương chưa có bao nhiêu cố gắng trong đơn giản hóa thủ tục hành chính trong DVCTT, nói theo giọng của văn bản pháp luật là tái cấu trúc quy trình để đưa vào sử dụng.

Lấy ví dụ theo nghị định số 87 ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định.

Nghị định số 87 cũng quy định đối với một số loại việc hộ tịch, người dân phải trực tiếp có mặt tại cơ quan đăng ký để ký vào Sổ hộ tịch và nhận kết quả, đó là các loại việc như khai sinh, kết hôn, giám hộ, khai tử, cải chính hộ tịch… Điều khá lý thú của nghị định này là quy định người dân khi đến nhận kết quả lại phải nộp, xuất trình các giấy tờ, tài liệu là thành phần hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch.

Điều đó có nghĩa là người dân sử dụng DVCTT để đăng ký hộ tịch không những phải hoàn tất hồ sơ, giấy tờ trực tuyến, mà đến nhận kết quả lại phải nộp một bộ hồ sơ, giấy tờ nữa cho cơ quan nhà nước.

Nói cách khác, so với trực tiếp đến gặp công chức hoàn tất hồ sơ đăng ký thì khi sử dụng DVCTT, người dân phải 2 lần hoàn tất hồ sơ, giấy tờ.

Cái lợi, cái hại, cái thuận tiện và không thuận tiện qua các quy định của nghị định 87 về đăng ký hộ tịch trực tuyến so với trực tiếp quá là rõ ràng. Nếu hỏi người dân thì chắc chắn họ sẽ thiên về lựa chọn đăng ký trực tiếp, tức vẫn làm theo kiểu truyền thống, khỏi phải vẽ vời trực tuyến chi cho nhiêu khê, khó khăn, phức tạp.

Còn từ phía người dân thì cái sự không dễ ăn này thể hiện qua mấy phương diện sau:

- Sử dụng DVCTT bắt buộc phải có kết nối Internet tại nhà, phải có máy tính, điện thoại thông minh mà để có được mấy thứ này cũng không dễ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Sự sẵn sàng của người dân sử dụng DVCTT đã bị hạn chế đi phần nào.

- Sử dụng DVCTT theo các quy định về hồ sơ, giấy tờ kèm theo quá phức tạp, khó làm và rồi cuối cùng khi nhận kết quả vẫn lại phải nộp, xuất trình một bộ hồ sơ nữa thì người dân buộc phải tự hỏi có nên “tự trói mình, tự làm khổ mình” hay không nhỉ, hay cứ truyền thống mà làm lại hay hơn.

- Một điểm nữa cần lưu ý, đó là thói quen của người dân từ trước đến nay cứ trực tiếp đến gặp công chức cấp xã. Mô hình một cửa tại các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh về cơ bản hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Rồi yếu tố tâm lý của người dân cũng đóng vai trò quan trọng khi họ lựa chọn DVC trực tiếp. Ví dụ làm sổ đỏ là liên quan tới khối tài sản lớn và quan trọng của người dân, cho nên cứ trực tiếp gặp công chức cho chắc ăn, không lo nhỡ phát sinh cái gì về thất thoát, lừa đảo liên quan tới mảnh đất của mình…

- Và cuối cùng phải kể đến để sử dụng DVCTT, người dân cũng phải có một trình độ, năng lực nhất định: phải biết sử dụng Internet, biết liên hệ, tiếp cận DVCTT trên mạng, biết cách hoàn tất hồ sơ, giấy tờ theo quy định… Rất nhiều thứ phải biết này đối với vùng đồng bào nhiều dân tộc thiểu số như ở Hà Giang, Gia Lai và Trà Vinh lại càng gây ra biết bao khó khăn so với các vùng khác trong cả nước.

Tất cả những điểm vừa nêu dường như làm rõ thêm một luận đề nho nhỏ qua thực tiễn tại 3 tỉnh, đó là: DVCTT đã được Nhà nước cố gắng chuẩn bị, hoàn tất mời người dân sử dụng, giống như bánh đã có, xin mời ăn đi cho ngon lành, nhưng do nhiều nguyên nhân như đã nêu mà cái bánh này có vẻ không dễ ăn, ăn còn khá khó khăn.

Đinh Duy Hòa

NHÀ NƯỚC CÒN PHẢI CỐ NHIỀU ĐỂ CHIẾC BÁNH DỊCH VỤ CÔNG TRỰC 

TUYẾN DỄ ĂN HƠN

ĐINH DUY HÒA/ TVN 23-3-2022

Để cái bánh dịch vụ công trực tuyến dễ ăn hơn, cần xem lại những DVC đã được mời chào có thực sự sử dụng được không, làm sao để người dân sử dụng được dễ dàng.

Từ câu chuyện người dân phải trực tiếp đến trụ sở chính quyền làm thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh, đăng ký thường trú, sổ đỏ… nay chỉ cần ngồi nhà vào mạng hoàn tất hồ sơ, thủ tục rồi nhận kết quả là một sự thay đổi lớn trong phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước.

Sự thay đổi này không thể có được cách đây mấy chục năm, mà chỉ có thể hiện hữu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nhờ bước chuyển sang chính phủ điện tử, chính phủ số. Có thể nói dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một nỗ lực lớn từ phía nhà nước trong phục vụ dân, tổ chức theo hướng tốt hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn.

Nhà nước còn phải cố nhiều để chiếc bánh dịch vụ công trực tuyến dễ ăn hơn
Triển khai DVCTT phải đi liền với việc xây dựng và đưa vào sử dụng các loại cơ sở dữ liệu. Ảnh minh họa

Về nguyên tắc là vậy, nhưng trên thực tế, người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chưa mấy mặn mà, hăng hái sử dụng DVCTT. Cái bánh DVCTT mà nhà nước mời chào vẫn chưa được người dân nhiệt tình hưởng thụ.

Tránh chạy theo số lượng

Câu hỏi đặt ra là nhà nước cần làm gì để cái bánh DVCTT dễ ăn hơn?

- Trước hết, cần xem lại những DVCTT đã được mời chào có thực sự sử dụng được không. Câu trả lời là có những DVCTT chỉ đưa ra thế thôi, nhưng không sử dụng được. Chính quyền các tỉnh cần xem lại tất cả các DVCTT mức độ 3 và 4 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để chấn chỉnh, cam kết đã đưa ra là DVCTT thì thực sự người dân, tổ chức có thể sử dụng được.

- Tiếp đến là số lượng DVCTT. Hết sức tránh tính trạng chạy theo số lượng, chạy theo thành tích để rồi đưa ra các DVCTT không sử dụng được hoặc hầu như người dân ít sử dụng.

Hai quyết định của Thủ tướng số 411 ngày 24/3/2020 và số 406 ngày 22/3/2021 phê duyệt danh mục DVCTT tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020 và 2021 là điển hình về việc lựa chọn các DVCTT thiết thực mà các cơ quan nhà nước phải cung cấp cho dân, tổ chức.

Có thể kể đến việc liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; cấp phiếu lý lịch tư pháp; cấp mới giấy phép lái xe; cấp, cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí…

Một trong các tiêu chí để lựa chọn DVCTT nên là mức độ dịch vụ công đó được người dân sử dụng trong năm dưới hình thức trực tiếp. Những dịch vụ mà người dân trong xã 1 năm chỉ sử dụng vài lần, trong huyện khoảng vài chục lần và trong tỉnh khoảng trăm lần chưa nhất thiết phải chuyển thành DVCTT ngay.

Sử dụng đơn giản như gửi email, chuyển khoản 

- Điều quan trọng nhất trong nỗ lực của phía nhà nước là làm sao để người dân sử dụng DVCTT được đơn giản, dễ dàng. Sử dụng DVCTT mà đơn giản gần giống như vào mạng đọc báo, viết, gửi thư điện tử hoặc chuyển tiền online… thì chắc là không còn sự e ngại, thậm chí nản không muốn sử dụng dịch vụ này từ phía người dân. 

Một khi sử dụng DVCTT đơn giản, dễ dàng, lại giảm thực sự chi phí do không phải đi lại nhiều lần đến cơ quan nhà nước và hồ sơ, giấy tờ, biểu mẫu giảm hẳn thì lúc đó người dân sẽ lựa chọn sử dụng loại dịch vụ này.

- Triển khai DVCTT phải đi liền với việc xây dựng và đưa vào sử dụng các loại cơ sở dữ liệu, ví dụ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu về đất đai, bản đồ số về đất đai, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như y tế, giáo dục, giao thông…

Chừng nào chưa có được các loại cơ sở dữ liệu này thì chừng đó người dân còn gặp khó khi hoàn tất hồ sơ cho DVCTT theo quy định, có nghĩa là phải gửi kèm qua mạng bản chụp, bản scan, bản sao có chứng thực, công chứng, bản sao điện tử các loại giấy tờ. 

Từ đó cho thấy ý nghĩa to lớn của cơ sở dữ liệu liên quan tới người dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở cả cấp trung ương lẫn địa phương trong xây dựng, đưa vào sử dụng cũng như cập nhật thường xuyên các cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Thực tiễn cho thấy đây là vấn đề cực kỳ khó khăn trong triển khai. Có những cơ sở dữ liệu quốc gia được đặt ra từ hơn chục năm mà đến nay vẫn là số 0. Rồi phải kể đến trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có và khả năng được sử dụng cơ sở dữ liệu này từ phía các cơ quan nhà nước có liên quan.

- Vấn đề cuối cùng mà nhà nước nên làm để người dân dễ xài cái bánh DVCTT hơn liên quan tới câu chuyện động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân từ phía nhà nước để sử dụng dịch vụ này.

Đầu tiên có lẽ là làm thế nào để người dân biết có loại hình dịch vụ này. Hỏi người dân ở các xã tại Hà Giang, Gia Lai và Trà Vinh cho kết quả không phải ai cũng biết có DVCTT. Tình hình này chắc ở các tỉnh khác cũng như vậy. Việc phổ biến để người dân biết DVCTT có thể qua nhiều hình thức như thông báo niêm yết tại trụ sở chính quyền xã; thông báo tại thôn, tổ dân phố hoặc thông qua hoạt động tuyên truyền của các tổ chức như đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

Kinh nghiệm Hàn Quốc: Làng điện tử

- Hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT. Đây cũng là một khía cạnh hết sức quan trọng trong hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.

Bộ Nội vụ Hàn Quốc có kinh nghiệm khá tốt trong hỗ trợ người dân về công nghệ thông tin, về sử dụng DVCTT. Cách đây hơn 15 năm, Bộ đã triển khai chương trình làng điện tử.

Mỗi năm, Bộ chi tiền để xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 100 làng điện tử, có nghĩa là tại làng có 1 phòng cỡ 100m2, có bàn và máy vi tính kết nối mạng Internet, rồi mở lớp tập huấn hướng dẫn người dân những vấn đề cơ bản như mạng Internet, đọc báo mạng, viết và gửi thư điện tử, xây dựng cho làng một trang web để quảng bá du lịch hoặc sản phẩm có tính độc đáo của làng và hết sức quan trọng là hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT.

Những bài tập kiểu người dân ngồi tại nhà vào mạng liên hệ cơ quan hành chính đề nghị cấp bản sao khai sinh, hoàn tất hồ sơ trên mạng… đã được người dân luyện tập nhuần nhuyễn và thực tế đã triển khai thành công.

- Cuối cùng là kinh nghiệm của TP.HCM khi giảm lệ phí khi sử dụng DVCTT. Theo nghị quyết số 14 của HĐND TP, từ ngày 3/9/2021, người dân khi sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4 sẽ được giảm 50% lệ phí đối với 6 loại dịch vụ: đăng ký cư trú; hộ tịch; cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam; đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất và cấp giấy phép xây dựng.

Trước đó, năm 2019, TP cũng đã áp dụng việc giảm 50% lệ phí đối với 6 loại DVCTT vừa nêu, thông qua đó khuyến khích, thu hút người dân sử dụng DVCTT mà TP sẵn sàng cung cấp cho người dân.

Đinh Duy Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét