Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

20220323. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (13)

ĐIỂM BÁO MẠNG


UKRAINE VÀ NHỮNG HỆ QUẢ KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC

NGUYỄN QUANG DY/BVN 21/3/2022


Đại dịch Corona chưa qua thì xung đột Ukraine đã ập tới như “tai họa kép”. Putin đã tung hàng trăm ngàn quân xâm lược Ukraine từ 24/2/2022, vi phạm luật quốc tế và đe dọa trật tự thế giới. Đó là một biến số (game changer) tạo ra bước ngoặt mới cho một thời kỳ xung đột giữa các nước lớn như trong thế kỷ 20. Sự kiện đó đang làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị tại châu Âu, với những hệ quả không định trước (unintended consequences).

Diễn biến bất ngờ

Một nguyên tắc cơ bản trong binh pháp là “biết mình biết người”. Putin đã mắc sai lầm lớn vì đánh giá quá thấp đối phương và đánh giá quá cao bản thân. Ông quá tự tin vào sức mạnh của mình vì thói ngạo mạn của người cầm quyền quá lâu trong thể chế độc tài, quen được người ta sùng bái. Putin tưởng rằng chỉ cần tập trung quân dọc biên giới là đủ làm Ukraine sụp đổ, và chiến dịch quân sự đặc biệt là “một cuộc dạo chơi” (pushover).

Putin đã ngạo mạn coi Zelensky chỉ là một danh hài chứ không phải là một chính khách. Vì vậy mà Putin và nhiều người đã bị bất ngờ khi Zelensky dũng cảm lãnh đạo Ukraine chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh hơn của Nga, dù “bị bỏ rơi”. Zelensky đã truyền cảm hứng không chỉ cho hàng triệu người Ukraine kháng chiến, mà còn làm cho thế giới khâm phục, và làm cho các nước phương Tây phải tăng cường viện trợ cho Ukraine.

Putin cho rằng phương Tây đã suy đồi (decadence) và phân hóa (polarized). Angela Merkel nghỉ thì phương Tây như “con thuyền không lái” (rudderless). Trong khi Putin và Tập Cận Bình “song kiếm hợp bích”, thì lãnh đạo phương Tây “kém chất lượng và thiếu kinh nghiệm”. Joe Biden già yếu đi không vững; Boris Johnson đầu bủ tóc rối; Olaf Scholz mới nhậm chức; Emanuel Macron và Justin Trudeau còn trẻ người non dạ...

Lâu nay, Nga cung cấp dầu khí cho phương Tây như một vũ khí kinh tế để bắt chẹt vì phụ thuộc vào nhu cầu thiết yếu. Nay điều đó phản tác dụng vì phương Tây cấm vận dầu khí là nguồn thu lớn nhất của Nga. Trong khi Đức thay đổi chính sách, tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và viện trợ vũ khí cho Ukraine, thì các nước Thụy Sỹ, Thụy Điển và Phần Lan thay đổi lập trường trung lập để tham gia cấm vận, ủng hộ Ukraine chống Nga. .

Dù Putin có chiếm được hay san bằng Ukraine thì người Ukraine vẫn không chịu khuất phục, tiếp tục chiến đấu dù với một chính phủ lưu vong. Sự ngoan cường của Ukraine là một bất ngờ không chỉ với Putin mà với cả thế giới. Xâm lược Ukraine làm bộc lộ gót chân A-sin của Putin “bất cẩn và tầm thường” (reckless and mediocre), với tham vọng đi vào lịch sử như “Putin Đại đế”, muốn phục hưng “nước Nga thần thánh” (Holy Russia).

Theo một khảo sát, Zelensky chỉ được 25% người Ukraine ủng hộ trước khi Nga Xâm lược. Nhưng nay ông được 91% người Ukraine ủng hộ vì đã dũng cảm không chịu khuất phục. Lòng dũng cảm của Zelensky không chỉ truyền cảm hứng cho người Ukraine mà còn làm thức tỉnh phương Tây. Putin đã tính toán nhầm vì Zelesky là một bất ngờ. Nhưng bất ngờ lớn nhất là phương Tây gắn kết hơn bao giờ hết trước đe dọa của Nga.

Trong 23 năm cầm quyền, Putin đã lãnh đạo nước Nga trỗi dậy từ đống tro tàn của Liên Xô cũ, trở thành một cường quốc quân sự, nhưng kinh tế vẫn còn yếu (GDP chỉ bẳng tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc). Thay vì làm cho nước Nga “vĩ đại trở lại”, Putin đã xâm lược Ukrane và đang bị sa lầy. Ông đã xô đẩy nước Nga vĩ đại tới bờ vực, và biến mình thành kẻ tội đồ (parah). Nói cách khác, Putin đã giúp phương Tây “tái sinh” (rebirth).

Sau ba tuần, Ukraine đang làm đảo lộn bàn cờ. Một là trong khi Zelensky và người Ukraine dũng cảm chiến đấu làm thay đổi cục diện, thì Putin và Nga bộc lộ gót chân A-sin, đến nay vẫn chưa chiếm được Kiev. Hai là trong khi phương Tây liên kết chặt chẽ để viện trợ cho Ukraine và trừng phạt Nga, thì Putin và Tập Cận Bình đã bộc lộ giới hạn vì “đồng sàng dị mộng”. Ba là người Nga bắt đầu thức tỉnh để phản đối chiến tranh phi nghĩa.

Bàn cờ đảo lộn

Kế hoạch “tốc chiến” (blitzkrieg) của Putin đã thất bại. Mặt trận quốc tế chống Nga mạnh hơn là người ta tưởng. Một số học giả có uy tín của Trung Quốc đã khuyến cáo Bắc Kinh cần chấm dứt ngay liên minh với Nga và chuyển sang hội nhập với bên thắng cuộc. Trung Quốc chỉ có một hay hai tuần là “cửa sổ cơ hội” nên phải hành động quyết đoán. Trung Quốc không thể để mình bị cột chặt vào Putin, mà cần phải tách ra càng nhanh càng tốt.

Putin đã tính sai khi xâm lược Ukraine. Biden kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng lớn của mình để thuyết phục Putin, nhưng Bắc Kinh dùng kế hoãn binh để câu giờ. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ là Tần Cương đã viết trên Washingpost Post (ngày 6/3): “Xung đột giữa Nga và Ukraine không tốt cho Trung Quốc. Nếu biết trước về cuộc khủng hoảng này thì chúng tôi đã cố sức ngăn nó lại. Chiến tranh và trừng phạt không đem lại hòa bình”.

Nhưng không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc nhất quán giữa lời nói và hành động. Bắc Kinh không gây sức ép với Putin để dừng cuộc chiến ở Ukraine. Có lẽ Tập Cận Bình khó đảo ngược được cam kết trong Tuyên bố Chung với Putin (ngày 4/2). Hoặc Tập không muốn làm gì để gây thêm rắc rối trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm. Đến nay, lập trường của Bắc Kinh vẫn lấp lửng như ở ngã ba đường (Testing the ‘limitless’: The friendship between China and Russia has boundaries, Economist, March 19, 2022).

Cuộc chiến ở Ukraine tuy chưa kết thúc, nhưng một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng Trung Quốc là bên thắng cuộc trong cuộc chiến này. Sau các phản ứng lúng túng ban đầu trước cuộc xâm lăng của Nga, Trung Quốc đã bắt đầu điều chỉnh lập trường để bảo vệ mình khỏi những hệ quả xấu nhất về ngoại giao và kinh tế, để chờ cơ hội làm “ngư ông đắc lợi” khi tình hình rõ ràng hơn. Tuần trước, Tập Cận Bình đã trao đổi với lãnh đạo các nước Tây Âu về một đề xuất mơ hồ còn để ngỏ về khả năng làm trung gian hòa giải.

Theo Richard Haass (Foreign Afrairs Editor), muốn thương lượng về một giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Ukraine, “phải làm cho tình hình chín muồi”. Nói cách khác, phải nâng giá quân sự và kinh tế để tiếp tục chiến tranh lên thật cao, làm cho Putin thấy có lợi để dừng cuộc chiến. Điều đó sẽ khó nếu Putin cho đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Dù làn sóng chống chiến tranh trong nước Nga lên cao, vẫn khó tìm được người “đeo chuông vào cổ mèo”. (Putin’s war and China’s choice, Richard Haass, ASPI Strategist, 15 Mar 2022).

Theo Pew Research Center (2020) các nước Đông Âu cũ đều muốn gia nhập NATO. Ví dụ, 53% người Czechs; 77% người Lithuania; 88% người Ba Lan; 53% người Ukraine (so với 23% không thuận). Nhưng phái “trọng Tây” (Westsplaining) thường coi nhẹ lịch sử và bối cảnh của các nước Đông Âu. Họ có xu hướng thừa nhận các lo ngại về an ninh của Nga, mà không quan tâm đến lo ngại về an ninh của các nước Đông Âu. (The American Pundits Who Can’t Resist “Westsplaining” Ukraine, New Republic, March 4, 2022).

Sau khi Nga công nhận độc lập của hai tỉnh Donbas li khai là Donetsk và Lugansk (ngày 21/2) việc đánh Ukraine chỉ còn là vấn đề thời gian, cũng giống như Crimea (năm 2014). Đáng chú ý là trong bài diễn văn dài gần một giờ (ngày 21/2), Putin một lần nữa nhấn mạnh “Đối với chúng ta, Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng, mà còn là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần”, và kết luận “Ukraine thực sự không bao giờ có truyền thống ổn định về tình trạng nhà nước thực sự”. Ba ngày sau Nga tấn công.

Năm 2014, khi Nga thôn tính Crimea thì Ukraine và phương Tây bất lực. Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đã khuyến cáo ba bên ngồi lại để giải quyết vấn đề, trong đó cốt lõi là “Ukraine không được gia nhập NATO”, mà phải làm cầu nối giữa Nga và phương Tây, như vùng đệm trong cấu trúc an ninh châu Âu. Nhưng Ukraine và phương Tây cho rằng chủ thuyết “thực lực” (realism) của Kissinger từ thời chiến tranh lạnh đã lỗi thời, vì coi trọng Tây Âu mà không lắng nghe nguyện vọng của các nước Đông Âu là không thực tế.

Putin và nước Nga

Theo Giáo sư Francis Fukuyama (Stanford), “Nga đang tiến đến một thất bại hoàn toàn ở Ukraine”. Putin đã sai lầm nghiêm trọng vì đánh giá thấp ý chí chống xâm lược của người Ukraine. Fukuyama lạc quan về thất bại trước mắt của Nga, và kết cục lâu dài của lịch sử làm cho “tự do sống lại” và nhân loại thoát khỏi sự suy thoái của dân chủ. Tinh thần 1989 sẽ sống mãi nhờ người Ukraine dũng cảm. (Could Putin lose? Here’s why the End of History author is optimistic, Greg Sargent, Washington Post, March 4, 2022).

Nhiều học giả cho rằng Putin muốn phục hưng đế quốc Nga chứ không phải Liên Xô, vì thần tượng của Putin là “Pier Đại đế”. Fukuyama khen Biden tập hợp được đồng minh để chống Putin, nhưng Naill Ferguson chê Biden ngốc khi để Nga biết Mỹ chỉ cấm vận về kinh tế. Hoặc Mỹ yêu cầu Ukraine chấp nhận trung lập, hoặc Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraine chống Nga, nhưng Biden đã không chọn phương án đó [?]. (A Roundtable with Niall Ferguson, Walter Russell Mead and Francis FukuyamaCommon Sense, March 3, 2022).

Giáo sư Stephen Kotkin (Princeton) nói ông rất tôn trọng George Kennan và John Mearsheimer, nhưng không đồng ý với quan điểm của họ. “Không thể lý giải Ukraine bằng cách đổ lỗi cho phương Tây.” Việc mở rộng NATO không phải là nguyên nhân chính làm Nga xâm lược Ukraine. Nước Nga như chúng ta biết đã tồn tại từ lâu trước khi có NATO. “Thật sốc khi có quá nhiều thay đổi, nhưng họ vẫn lặp lại một quy trình mà không thể thoát khỏi” (The Weakness of the Despot, David Remnick, New Yorker, March 11, 2022).

Giáo sư Robert Service (Oxford & Stanford) cho rằng Putin có thể thắng cuộc chiến nhưng sẽ thua về hòa bình, vì không khuất phục được Ukraine mà còn có thể bị lật đổ. Theo ông, Nga xâm lược Ukraine vì đã mắc sai lầm chiến lược khi Mỹ ký với Ukraine “đối tác chiến lược” (Charter on Strategic Partnership, 10/11/2021) để ủng hộ Ukraine vào NATO. Điều đó giúp Putin có cớ đánh Ukraine vì “giọt nước tràn li” (the last straw). (The Two Blunders That Caused the Ukraine War, Tunku Varadarajan, WSJ, March 4, 2022).

Lâu nay, giới tinh hoa Nga phải nghe theo Putin vì được hưởng lợi. Nhưng khi quyền lợi tập thể và cá nhân bị đe dọa, họ sẽ nhận ra rằng muốn bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích tập thể thì họ phải loại bỏ Putin khỏi vị trí quyền lực (như trước đây đã loại bỏ Beria). Nhưng làm thế nào? Theo Robert Service, có hai cách: Một là đảo chính nội bộ (a palace coup). Hai là quần chúng nổi dậy (mass uprising). Cả hai cách đều khó vì Putin cảnh giác và khó đoán. Nhưng không loại trừ khả năng kết hợp cả hai cách nói trên để thay đổi bàn cờ.

Theo Tom Friedman (NYT), “hầu như mọi thất bại lớn của Nga đều dẫn đến thay đổi triệt để”. Trước tình thế bị sa lầy hiện nay, Putin hoặc phải “cắt lỗ” và chấp nhận tổn thất, hy vọng thoát khỏi các đòn trừng phạt của phương Tây, để phục hồi kinh tế, và duy trì quyền lực. Hoặc phải đương đầu với xung đột kéo dài với phương Tây, làm cho nước Nga dễ bị kiệt quệ và đổ vỡ. Putin có vẻ chọn cách thứ hai nên Friedman rất lo ngại (Putin Has No Good Way Out and That Really Scares Me, Thomas FriedmanNYT, March 8, 2022).

Có một thứ còn tồi tệ hơn cả nước Nga hùng mạnh do Putin lãnh đạo. Đó là một nước Nga suy sụp, bị lăng nhục và hỗn loạn, có thể đổ vỡ hoặc sa vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo kéo dài, với các phe phái tranh giành quyền lực. Đó là một nước Nga có 6.000 đầu đạn hạt nhân, với các mỏ dầu khí tiềm tàng, và nhiều tội phạm mạng. Nói cách khác, nước Nga của Putin không “quá lớn để thất bại” nhưng đủ lớn để làm cho thế giới rung chuyển.

Putin đã đánh giá quá cao quân đội của ông, nhưng lại đánh giá quá thấp năng lực của người Ukraine, sẵn sàng chiến đấu tới cùng vì độc lập của mình và nguyện vọng hội nhập với phương Tây. Putin cũng đánh gía thấp Biden trong việc vận động được một liên minh về kinh tế và quân sự toàn cầu đủ mạnh để trừng phạt Nga và giúp người Ukrainian chiến đấu. Putin cũng đánh giá thấp năng lực của các doanh nghiệp và cá nhân trên thế giới có thể tham gia trừng phạt Nga về kinh tế, vượt xa những gì các chính phủ đề xuất hay yêu cầu họ.

Cuộc xâm lăng “dễ dàng và không tốn kém” mà Putin hình dung cùng sự “tiếp đón vui vẻ” của người Ukraine là “một giấc mơ” (total fantasies). Vấn đề lớn nhất với Putin ở Ukraine là ông ta sẽ từ chối “thất bại sớm và nhỏ”, để chịu một “thất bại lớn và muộn”. Nhưng đây là “cuộc chiến của Putin” mà ông không muốn thừa nhận thất bại, nên Putin có thể vẫn leo thang (doubling down) cho đến khi bí cờ quá phải... bấm nút. Theo Tom Friedman, Putin là một tội đồ quốc tế, đã gây ra tội ác chiến tranh chưa từng thấy từ thời Hitler.

Stephen Kotkin không nghi ngờ việc Putin dọa dùng vũ khí hạt nhân là một lá bài để răn đe đối phương. Nhưng chúng ta không thể coi đó chỉ là hù dọa vì Putin có thể... bấm nút. Vấn đề không phải là Biden có mắc sai lầm hay không, mà làm thế nào để có thể xuống thang và thoát khỏi “vòng xoáy tối đa” mà hai bên cùng “đâm lao phải theo lao”. Càng leo thang trừng phạt và cấm vận thì càng dồn Putin vào góc tường không còn gì để mất. Vấn đề là Putin vẫn muốn leo thang, khi trong tay còn nhiều thứ có thể làm tổn thương loài người.

Kotkin cho rằng phương Tây cần xuống thang để thoát khỏi “vòng xoáy tối đa” và cần một chút may mắn, có thể ở Moscow, có thể ở Helsinki, chắc chắn ở Kiev. Để làm trung gian hòa giải, Phần Lan hiểu người Nga hơn ai hết. Ngoài ra còn Israel và Trung Quốc. Hiện nay, Tập Cận Bình có quan hệ cá nhân và là đồng minh của Putin, nhưng chưa biết điều đó kéo dài bao lâu, vì còn phụ thuộc vào phản ứng của phương Tây. Lá bài quan trọng nhất là Ukraine đang chiến đấu, cần được cung cấp vũ khí và cấm vận để thay đổi cuộc chơi.

Putin đem quân xâm lược một nước mà ông cho là “không có quyền tồn tại”, đã cho cộng đồng quốc tế thấy một lãnh đạo máu lạnh, sẵn sàng hủy diệt Ukraine. Nước Nga hôm nay không giống nước Nga trước ngày 24/2. Đây là “khởi đầu để chấm dứt sự nghiệp của Putin”. Chế độ độc tài cá nhân thường trấn áp sự phản đối, làm biểu tình chống chiến tranh lan nhanh ra 58 thành phố khắp nước Nga. Hàng vạn người Nga đã bị bắt. Hàng trăm ngàn người Nga, gồm giới trung lưu, đã “bỏ phiếu bằng chân” khi họ rời bỏ nước Nga.

Biểu tình chống chiến tranh sẽ kích hoạt làn sóng phản đối của giới tinh hoa. Nhiều người nổi tiếng đã ký tên vào tâm thư phản đối chiến tranh. Con gái bí thư báo chí của Putin đã phản đối chiến tranh trên tài khoản Instagram. Một phụ nữ dũng cảm đã xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước đang phát sóng với biểu ngữ chống chiến tranh. Các nhà tài phiệt thân Putin như Anatoly Chubais (trùm dầu khí) và Oleg Deripaska (tỷ phú) đã lên tiếng kêu gọi hòa bình và đàm phán. Qua thời gian, Putin sẽ bị cô lập và dễ tổn thương.

Có thể nói Putin đã dẫn dắt nước Nga đi sai đường. Ông dễ mắc sai lầm về đối ngoại hơn các nhà độc tài khác, vì thường tập hợp quanh mình những người chỉ biết vâng lời. Đây là một bài học về “giới hạn quyền lực” và “ngạo mạn quyền lực” dẫn đến hệ quả khó lường. Tuy Putin có thể chưa bị đổ vào ngày mai hay ngày kia, nhưng khả năng cầm quyền của ông chắc chắn có nhiều rủi ro hơn là trước khi xâm lược Ukraine. (The Beginning of the End for Putin? Andrea Kendall-Taylor and Erica Frantz, Foreign Affairs, March 2, 2022).

Với dân số 146,24 triệu người (năm 2021), Nga là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, nhưng GDP chỉ tương đương với GDP của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (1.710 tỷ USD năm 2020). Tuy Nga là siêu cường quân sự, với 6.000 đầu đạn hạt nhân, nhưng tiềm lực kinh tế của Nga ngày càng bị tụt hậu so với các nước lớn (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, và EU). Nếu không hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, kết hợp với phân cấp và dân chủ hóa thể chế, thì sớm muộn Nga cũng sẽ tiến tới một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn.

Tập Cận Bình và Trung Quốc

Theo Tom Friedman (NYT), lúc này chỉ có một nước có thể làm Putin phải dừng cuộc chiến tàn bạo này. Đó không phải là Mỹ mà là Trung Quốc. Nếu lúc này Trung Quốc không giúp để dừng cuộc chiến của Putin thì một ngày nào đó, các biện pháp trừng phạt này sẽ được dùng để chống Trung Quốc nếu xâm chiếm Đài Loan. Nhưng các biện pháp trừng phạt này cũng có thể xô đẩy Putin làm những điều không tưởng với vũ khí hạt nhân, làm mất ổn định hoặc thậm chí hủy diệt nền móng thế giới mà tương lai Trung Quốc phải dựa vào đó (The Cancellation of Mother Russia Is Underway, Thomas Friedman, NYT, March 6, 2022).

Theo giáo sư Minxin Pei (Claremont McKenna College), Bắc Kinh có lý do để tin rằng họ có điều kiện tốt hơn để theo đuổi chiến tranh lạnh Mỹ-Trung, làm đất nước có thêm quyền lực cứng. Nhưng cuộc chiến của Putin chống Ukraine đã làm đảo lộn quan niệm đó. Thay vì chia rẽ phương Tây, chiến tranh đã làm nước Mỹ và đồng minh gắn kết hơn. NATO dù bị Tổng thống Pháp coi là “chết não” (braindead) nay “đã hồi sinh” (reinvigorated). (China's long game has just gotten a lot harder, Minxin Pei, Nikkei, March 8, 2022).

Những biện pháp trừng phạt kinh tế và cấm vận chưa từng có (unprecedented) do phương Tây áp đặt chứng tỏ sức mạnh ghê gớm, mặc dù chưa dừng lại. Thay vì hưởng lợi do xung đột giữa Nga và phương Tây, Trung Quốc thấy mình đang thân Nga một cách nguy hiểm (collateral damage). Tuyên bố đối tác chiến lược Trung-Nga “không giới hạn” làm phương Tây tức giận đòi Trung Quốc phải trả giá vì đã ủng hộ Nga xâm lược Ukraine.

Sự thù nghịch và tranh chấp quyết liệt giữa Nga và Mỹ hiện nay làm người ta khó hình dung trong số lãnh đạo cao nhất tại Bắc Kinh liệu ai biết cách tiếp cận mềm mỏng với phương Tây, và có thể thuyết phục Putin. Một phương án khác là Bắc Kinh duy trì đường lối hiện nay, tiếp tục ủng hộ Putin bất chấp hậu quả. Những biện pháp kinh tế làm tê liệt đối phương đang được phương Tây áp dụng để cấm vận Nga và có thể cả Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc lo lắng theo dõi sự khác biệt ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, làm cho Trung quốc yếu hơn chứ không mạnh hơn. Lãnh đạo Trung Quốc nhận ra vấn đề và đang cố gắng cân bằng quan hệ bất cập với Mỹ trong tương lai gần, nhưng không biết Trung Quốc có thể duy trì mối quan hệ nhạy cảm với Mỹ được bao lâu. Lúc này, kết cục chiến tranh ở Ukraine và sự sống còn về chính trị của Putin sẽ quyết định động hướng của Trung Quốc. Dù muốn hay không, tương lai của Trung Quốc gắn với số phận của Putin.

Tình báo phương Tây cho biết vào đầu tháng Hai, Trung Quốc yêu cầu Nga muốn đánh Ukraine thì phải chờ đến sau Olympic mùa đông. Việc Nga chờ đến sau Olympic mới đánh chứng tỏ hai bên có sự phối hợp nào đó. Vì vậy, Nga đánh Ukraine đã làm cho Vương Nghị và các nhà ngoại giao Trung Quốc mất mặt. Chắc Putin không nói dối Tập, vì một khi để mất lòng tin thì khó lấy lại. Nhưng chính vì vậy mà lãnh đạo thường không nói rõ để còn có chỗ lùi (Was China duped on Ukraine? Bilahari Kausikan, Nikkei Asia, March 5, 2022).

Các nhà ngoại giao cũng như các lãnh đạo thường không nói dối, nhưng cũng không nói sự thật. Có lẽ Tập tin rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga sẽ hạn chế “trong vùng xám” như Donbas (sau 2014), hoặc Putin có thể nói với Tập là Nga sẽ thắng nhanh, hoặc Putin cũng tin rằng Nga sẽ thắng nhanh mà không có hậu quả lớn. Lúc đầu Tập còn thuyết phục Putin thương lượng và không sơ tán 6.000 người Trung Quốc khỏi Ukraine.

Theo một quan chức ngoại giao Singapore, Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Ukraine rằng Trung Quốc rất quan tâm đến tổn thất của thường dân và kêu gọi hai bên tìm giải pháp thương lượng. Dù Trung Quốc biết Nga có ý đồ xâm lược, nhưng vẫn phải cảnh giác với quy mô và cường độ của cuộc chiến, và phản ứng của cộng đồng quốc tế. Nay Trung Quốc bị đẩy vào tình thế bất ổn, buộc phải “hạn chế tổn thất” (damage control).

Trung Quốc tỏ ra lo lắng về tình hình bất an của kinh tế toàn cầu do chiến tranh gây ra tại châu Âu, với quy mô trừng phạt chưa từng có, ngay cả Thụy Sỹ cũng tham gia. Nga chỉ có thể trông vào Trung Quốc giúp, nhưng Putin đã tính sai vì Trung Quốc không thể theo Nga đi vào ngõ cụt chiến lược không có lối thoát. Trung Quốc và Nga mắc kẹt vào nhau vì cả hai đều không có đối tác nào khác có tầm vóc chiến lược. Nếu Nga bị lệ thuộc vào Trung Quốc thì có thể trở thành gánh nặng, chứ không phải là chỗ dựa cho Trung Quốc.

Nga đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ về kinh tế và quân sự, tuy các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận đó là “tin giả” (disinformation). Trong chiến lược của mình, Trung Quốc tin rằng Mỹ đã bị suy yếu bởi những cuộc phiêu lưu quân sự (như Afghanistan). Vì vậy, Tập đã liên minh với Putin ngay trước cuộc xâm lăng Ukraine. Nỗi lo sợ mà các chuyên gia đã nhấn mạnh không chỉ có leo thang chiến tranh, mà còn có rủi ro vì mất kiểm soát khi sự hiểu lầm và khiêu khích đi quá xa, làm cho mỗi bên đều phải phản ứng tối đa.

Tập Cận Bình là người có thể gây sức ép với Putin để thỏa hiệp, dù Tập đã ký Tuyên bố Chung cộng tác “không giới hạn” với Putin, và người Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm làm trung gian hòa giải. Nhưng điều quan trọng nhất là phải làm cho Bắc Kinh hiểu đây là thời điểm quyết định vận mệnh của Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ phải làm rõ cái giá chiến lược mà Trung Quốc phải trả cho việc liên kết với Nga còn lớn hơn nhiều so với lợi ích có được. Đó là lý do Joe Biden đã điện đàm với Tập Cận Bình (ngày 18/3).

Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến Ukraine đã đẩy rủi ro lên mức cao chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tên lửa Cuba (1962), và về mặt nào đó có thể nguy hiểm hơn. Thật khó mà đoán được kết cục của một cuộc tấn công hạt nhân. Theo một báo cáo gần đây của Trường Đại học Princeton đánh giá về vũ khí hạt nhân chiến lược như tên lửa vượt đại châu có thể kích hoạt đòn trả đũa (second strike), làm khoảng 34 triệu người thiệt mạng. (As Russia Digs In, What’s the Risk of Nuclear War? It’s Not Zero, NYT, March 16, 2022).

Theo một báo cáo của RAND, Nga có ít nhất 1.000 đầu đạn nhỏ “phi chiến lược”, dành cho các tên lửa siêu thanh để đánh phủ đầu các nước châu Âu, trước khi họ có thể phản ứng. Putin cho rằng xung đột với NATO về mặt nào đó “đã bắt đầu”. Học thuyết chiến tranh của Nga dựa trên giả thiết là phương Tây sẽ gây bất ổn về kinh tế và chính trị để khởi đầu xung đột. Khó khăn kinh tế và làn sóng chống chiến tranh là “cơn ác mộng” của Putin. Phương Tây can thiệp vào Ukraine sẽ kích hoạt Nga trả đũa, như một phép thử giới hạn.

Còn nhiều ẩn số và biến số

Theo các nguồn tình báo, Bắc Kinh đã yêu cầu Nga đợi đến lúc kết thúc Thế vận hội Mùa đông hãy đánh Ukraine. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đã biết trước ở một mức độ nào đó kế hoạch chiến tranh của Putin, nhưng đã không làm gì để ngăn chặn. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tỏ ra bất ngờ khi Nga tấn công Ukraine với quy mô lớn trên ba mặt trận, và càng bất ngờ trước sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine, làm quân Nga có nguy cơ sa lầy, trong khi phương Tây tăng cường viện trợ Ukraine và trừng phạt Nga.

Lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây bắt đầu có hiệu lực, làm cho các công ty lớn của Mỹ phải rút khỏi Nga: như Exxon, Equinor (năng lượng), Ford, Daimer, Mercedes-Benz, Renault (xe hơi), Airbus và Boeing (hàng không), Airbnb, Disney, H&M, Ikea, Nike, Calsberg, Budvar (tiêu dùng), Apple, Facebook, Google, Dell (công nghệ cao). Một số công ty lớn của Anh cũng rút khỏi Nga như Shell, BP (dầu khí). Các công ty lớn khác cũng đã rút ra từ trước (pre-emptively) vì những rủi ro mới về chính trị và thủ tục hoạt động ở Nga.

Triển vọng giải quyết xung đột bằng ngoại giao rất hạn chế, trong khi về cơ bản có hai kịch bản có thể xảy ra. Một là xung đột kéo dài, thậm chí sau khi quân Nga chiếm được Kiev và lập chính phủ thân Nga. Các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của nhiều nước. Hai là xung đột sẽ mở rộng giữa Nga và NATO, như kịch bản “cơn ác mộng” đối với toàn thế giới, có thể nhanh chóng leo thang thành “bên miệng hố chiến tranh” giữa Nga và các nước NATO có vũ khí hạt nhân.

Theo báo Đức Der Spiegel (10/03/2022) Nga đã sử dụng hơn 90% lực lượng khoảng 170.000 quân tại Ukraine. Các chuyên gia quân sự ngạc nhiên về sự yếu kém của quân đội Nga khi xử lý một số vấn đề đơn giản trong tác chiến, thậm chí rất kỳ lạ. Tại sao Nga không sử dụng chiến tranh điện tử, máy bay không người lái (drones) và không quân với các loại vũ khí dẫn đường chính xác? Chẳng lẽ Nga để dành lực lượng đó để sử dụng sau?

Trong kho vũ khí của Nga còn rất nhiều loại vũ khí hiện đại và thiết bị quân sự công nghệ cao, nhưng vẫn chưa được sử dụng, hoặc có sử dụng nhưng không nhiều. Nói cách khác, toàn bộ chiến dịch Ukraine dựa trên sự chủ quan về chiến tranh và những giả định phi thực tế của Putin. Có thể nói, đây là “cuộc chiến của Putin” chứ không phải của Nga. Nhưng không nên từ tình trạng đánh giá quá cao mà chuyển sang tình trạng đánh giá quá thấp khả năng quân sự của Nga, dựa trên kết quả hoạt động yếu kém trong thời gian vừa qua.

Theo các chuyên gia, có nhiều khả năng Ukraine sẽ thắng nhưng phải trả một cái giá rất đắt về tổn thất qua đàm phán. Cuộc chiến tại Ukraine có sức tàn phá khủng khiếp đối với Ukraine và Nga về nhiều mặt. Rõ ràng cuộc chiến đó là do tính toán sai lầm khó tưởng tượng của Putin. Người Nga sẽ cảm thấy bị phản bội và vô cùng thất vọng về cuộc chiến này. Đương nhiên họ sẽ đổ lỗi cho Putin về tính toán sai lầm khủng khiếp tại Ukraine. Nếu có sự thay đổi lãnh đạo hay chế độ ở Nga thì đó là “khởi đầu của sự kết thúc đối với Putin”.

Tại Washington (17/3), Biden gọi Putin là “tội phạm chiến tranh” và tuyên bố tăng viện trợ cho Ukraine 800 triệu USD, sau khi Zelensky phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ, kêu gọi chính quyền Biden mạnh tay hơn với Nga. Trong khi Ukraine và Nga chuẩn bị đàm phán tiếp với các điều kiện bất cập, thì trên chiến trường Nga đã tổn thất lớn, phải đề nghị Trung Quốc viện trợ tài chính và quân sự. Dư luận cho rằng không lâu nữa Nga không thể tiếp tục cuộc chiến vì thiếu dự trữ, trong khi quân đội Ukraine bắt đầu phản công.

Trước đó (16/3), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã phán quyết yêu cầu Nga phải dừng cuộc chiến và rút quân, với 13 phiếu thuận và 2 phiếu chống (Nga và Trung Quốc). Tuy phán quyết của tòa ICJ không dễ áp đặt, nhưng với Ukraine đó là thắng lợi quan trọng về pháp lý và ngoại giao. Cũng tương tự như vậy, Đại hội đồng LHQ (ngày 3/3) đã bỏ phiếu lên án Nga xâm lược, với 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống, và 35 phiếu trắng (có Việt Nam).

Có hai nguyên nhân làm cho Putin liều lĩnh dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Một là Putin không thể hiểu về thế giới mà chúng ta đang sống, sẵn sàng đặt cược tương lai toàn cầu. Hai là các biện pháp trừng phạt không nương tay khi triển khai trên phạm vị toàn cầu. Vận dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn cầu có thể làm cho Bắc Kinh phải lắng nghe. Hy vọng lãnh đạo Trung Quốc sẽ cùng phương Tây thuyết phục Putin và không dám liều lĩnh đánh chiếm Đài Loan. Nếu Trung Quốc làm được điều đó, họ có thể làm lãnh đạo thế giới.

Phương Tây cấm vận làm Nga khó khăn và bí cờ, phải yêu cầu Trung Quốc viện trợ theo thỏa thuận hợp tác “không giới hạn”. Nếu Tập đáp ứng thì trên thực tế Trung Quốc sẽ đối đầu với Mỹ và NATO, chấm dứt một thời kỳ hợp tác kinh tế đã giúp Trung Quốc trỗi dậy trong bốn thập kỷ. Nếu Trung Quốc giúp Nga đối phó với cấm vận của phương Tây, Mỹ có thể cấm vận Trung Quốc như Jake Sullivan và Joe Biden đã cảnh báo (Xi Jinping faces a fateful decision on Ukraine, Gideon Rachman, Financial Times, March 14 2022).

Theo chuyên gia kinh tế Paul Krugman, Nga là một “siêu cường dỏm” (Potempkin superpower) với sức mạnh kém hơn những gì người ta tưởng. Tuy Trung Quốc và Nga liên kết thành “vòng cung chuyên chế” (arc of autocracy), nhưng Trung Quốc không cứu được Nga. Một là Nga không thể đáp ứng nhu cầu của mình về phụ tùng máy bay và chip bán dẫn cao cấp. Hai là ngân hàng Trung Quốc không dám giao dịch với Nga. Ba là khoảng cách địa lý giữa Bắc Kinh và Moscow quá xa (3.500 dặm) khó để phối hợp kịp thời (Why China Can’t Beil Out Putin’s Economy, Paul Krugman, New York Times, March 7, 2022).

Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Nay Trung Quốc hiểu rằng dự trữ ngoại tệ đó sẽ bị phương Tây phong tỏa lập tức, nếu Trung Quốc giúp Nga đối phó với lệnh cấm vận. Với Nga cũng như Trung Quốc, dự trữ ngoại tệ bị phong tỏa cũng tai hại như đường biển bị phong tỏa. Hiện nay, Trung Quốc chưa có cách nào khả thi để hóa giải vấn đề này. Tuy Trung Quốc mạnh hơn Nga một chục lần về tài chính, nhưng họ không chỉ đối diện với Mỹ, mà còn với nhiều nước khác như EU, UK, Japan, Canada, và Australia. Vì vậy, quyết định của Tập liên kết với Putin trong chiến dịch xâm lược Ukraine là một sai lầm to lớn.

Chính phủ Trung Quốc phải điều hòa giữa hai nguyên tắc “toàn vẹn lãnh thổ” và “lo ngại an ninh chính đáng”. Vì thỏa thuận hợp tác “không giới hạn” với Nga, Trung Quốc sẽ bị cô lập trên diễn đàn thế giới, nên phải chuyển từ lập trường “thân Nga” sang lập trường “trung lập”. Theo Bonnie Glaser (Marshall Fund) Trung Quốc phải nghiên cứu phản ứng của cộng đồng quốc tế, ghi nhận sự gắn kết giữa các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Đức điều chỉnh chính sách và các nước sẵn sàng tham gia trừng phạt Nga (China faces a new uneasy balancing act on Russia and Ukraine, Keith Richburg, Washington Post, March 5, 2022).

Khi kinh tế Nga “gặp hoạn nạn”, Trung Quốc tự hỏi sự cô lập ngày càng tăng của Nga có ý nghĩa gì cho tương lai của mình, và họ “có thể lấy được gì từ đống lửa đó mà không bị bỏng”. Mối lo thứ nhất của Bắc Kinh là về lương thực. Mối lo thứ hai là làm sao tránh bị phương Tây trừng phạt hiệu quả như với Nga. Phải xem Mỹ sẽ dùng phương thức gì để chống Trung Quốc trong tương lai với quy mô lớn hơn. Trung Quốc phải tranh thủ thâu tóm năng lượng và lúa mì giá rẻ của Nga, trong khi các ngân hàng Trung Quốc vượt làn ranh đỏ. (Russia’s Isolation Spurs Rethink in China, James Palmer, Foreign Policy, March 9, 2022).

Đài Loan và Việt Nam

Nhiều người lo ngại rằng nếu Putin thành công ở Ukraine thì Tập Cận Bình có thể thôn tính Đài Loan. Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen đã tới thăm Đài Loan và hội đàm với Tổng thống Thái Anh Văn (2/3). Ông Mullen nói: “Tôi có thể tái cam đoan với các bạn và người dân Đài Loan, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta trong khu vực, rằng Mỹ vẫn đứng vững sau những cam kết của mình”. Ukraine là một bài học quý giá và đúng lúc cho Đài Loan để tự tin hơn đối phó với Trung Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã phát biểu sau cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo các nước Bộ Tứ (QUAD): “Chúng tôi đồng thuận không cho phép các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Lập trường của các nước châu Á như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, chống lại các hành vi xâm lược. Các phản ứng đó buộc Tập Cận Bình phải suy nghĩ lại trước khi hành động như Putin

ASEAN (trừ Singapore và Indonesia) không lên án Nga xâm lược và không tham gia các biện pháp cấm vận kinh tế chống Nga. Đó là chính sách “trung lập và không liên kết” của ASEAN. Dư luận cho rằng ASEAN không thể tiếp tục im lặng “đứng ngoài cuộc”, vì “lập trường trung lập” mà ASEAN theo đuổi lâu nay đã lỗi thời, khích lệ Trung Quốc thôn tính Đài Loan, và biến ASEAN thành “các nước ngoài lề”. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN dự kiến họp tại Washington DC có thể bị hoãn vô thời hạn.

Sau mấy ngày đầu giữ im lặng, dường như Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh lập trường. Các báo Việt Nam bắt đầu đưa tin chiến sự cả hai chiều, chứ không chỉ đưa tin có lợi cho Nga. Tại LHQ, đại sứ Đặng Hoàng Giang đã lên án những hành động “không phù hợp với những nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, đe dọa nghiêm trọng hòa bình quốc tế, cũng như an ninh và phát triển của các quốc gia và người dân”. Nhưng trong phiên họp ngày 2/3, khi LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Ukraine, Việt Nam và Lào đã bỏ phiếu trắng (trong 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng, 5 phiếu chống).

Việt Nam bỏ phiếu trắng tại LHQ làm nhiều người bất ngờ và thất vọng. Theo RFI (4/3/2022) Tiến sỹ Lê Hông Hiệp (ISEAS) cho rằng “có một chút gì đó không nhất quán trong lập trường của Việt Nam”. Thái độ thận trọng và dè dặt của Việt Nam trong vấn đề này bắt nguồn từ hai lý do chính. Một là do lịch sử trước đây Nga và Liên Xô cũ đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều. Hai là Nga cung cấp 80% vũ khí cho Việt Nam, và là đối tác dầu khí chủ yếu tại Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam không muốn làm ảnh hưởng đến các quan hệ trên.

Lê Hồng Hiệp cho rằng trước mắt Việt Nam nên giữ chính sách bốn không, “Có lẽ lúc này Việt Nam chưa thật sự cần một đồng minh quân sự. Tuy có mối đe dọa đặc biệt trên Biển Đông, nhưng chưa đủ lớn để có đồng minh”. Theo Lê Hồng Hiệp “Khủng hoảng này là dịp để Việt Nam xét lại quan hệ với Nga”, làm sao có thể quản lý tốt hơn các rủi ro trong mối quan hệ này. “Việt Nam phải tìm cách tăng cường đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí để làm sao có thể giảm phụ thuộc vào nguồn vũ khí và thiết bị quân sự của Nga”.

Thay lời kết

Năm Nhâm Dần, chắc Putin bị sao thái bạch chiếu nên gặp đại hạn. Từ đỉnh cao quyền lực, “Putin Đại đế” đã liều chơi canh bạc cuối tại Ukraine. Tuy còn quá sớm để khẳng định kết cục của cuộc chiến, nhưng đã có đủ dấu hiệu cho thấy nguy cơ Putin sẽ bị thua cháy túi, có thể mất luôn “cả chì lẫn chài”. Với gốc gác KGB, Putin quên mất bài học về “giới hạn quyền lực” (litmits of power) và “ngạo mạn quyền lực” (arrogance of power).

Tập Cận Bình là “Hoàng đế” đầy tham vọng và “chuyên chế cá nhân” (personalist autocrat), nhưng là con cháu của Tào Tháo nên ông chơi cờ thận trọng hơn. Ưu tiên trước mắt của Tập là chống dịch đang bùng phát trở lại và chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 20. Tham vọng lâu dài là vượt Mỹ làm bá chủ khu vực và thế giới. Với kết cục nhãn tiền tại Uktraine, chắc Tập chưa dám liều tại Đài Loan và Biển Đông. Đài Loan và Việt Nam cần cám ơn người Ukraine dũng cảm đã biến Ukraine thành hồi chuông cảnh tỉnh và “bài học cho thế kỷ 21”.

20/03/2022

N.Q.D.

Tác giả gửi BVN


KHI NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO RỐI LOẠN TINH THẦN THỐNG TRỊ 

THẾ GIỚI

NGUYỄN DUY VINH/ BVN 22-3-2022

Có hai người bệnh hiện nay có thể gây rất nhiều khổ đau cho nhân loại và đồng thời tạo ra nhiều đổ vỡ cho những hệ thống chính trị đương thời làm xáo trộn xã hội và đời sống quy củ và yên bình thường nhật của người dân.

Đó là ông Donald J. Trump và ông Vladimir Putin.

Bệnh của ông Trump

Bệnh của ông Trump đã do cháu của ông chẩn bệnh. Cô Mary L. Trump, một nhà tâm lý học với bằng Tiến sĩ về Tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology) của Viện nghiên cứu về tâm lý Derner thuộc Đại học Adelphi ở Nữu Ước. Phải đọc quyển sách dày 219 trang của cô Mary L. Trump xuất bản năm 2020 để biết ông Donald J. Trump được cô ấy chẩn bệnh ra sao. Quyển sách tựa đề “Nhiều quá và cũng không bao giờ đủ — cách nào mà gia đình tôi đã tạo ra một người nguy hiểm nhất thế giới”.

Mary Trump, cháu của Donald Trump và là tác giả cuốn sách “Nhiều quá  và Không bao giờ đủ: Cách nào mà Gia đình tôi đã tạo ra người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới”. (Peter Serling/Getty Images/Lev Radin)

Mặc dù biết rằng việc chẩn bệnh tâm lý ông Donald Trump đòi hỏi nhiều thời giờ và nhiều y sĩ chuyên môn về bệnh tâm thần, cô Mary Trump quả quyết không đắn đo ông Trump là một con người mang bệnh rối loạn nhân cách thuộc loại ngã ái rất nặng (narcissistic personality disorder, gọi tắt là NPD) và bệnh tâm thần (psychopath). Cô giải thích nguyên nhân đưa đến nhân cách của ông Trump có thể phần lớn là do ảnh hưởng của ông bố (tức là ông nội cô Mary, một người cũng có bệnh rối loạn về nhân cách, sociopath) và một bà mẹ luôn ốm đau. Cô Mary Trump đã viết:

“Tôi hy vọng cuốn sách này của tôi sẽ giúp mọi người ngừng việc đề cập đến hai chữ “chiến lược” hoặc “chương trình nghị sự” khi nói đến việc làm của ông Donald Trump, giống như là mình đang khen ông ấy hoạt động theo nguyên tắc của bất kỳ tổ chức nào. Thực sự ra, ông ta không đủ sức làm như thế đâu. Cái tôi của ông Donald Trump quá to đã và đang là một rào cản, tuy mong manh và khập khiễng, giữa ông và thế giới thực bên ngoài. Nhờ vào tiền bạc và quyền lực của cha mình, ông Trump  không bao giờ phải tự mình đàm phán hay thương thuyết với ai cả. Ông Donald Trump luôn cần phải duy trì một tin tưởng hoang đường rằng ông ta là một người mạnh mẽ, thông minh và phi thường, bởi vì đối mặt với sự thật – rằng ông không phải là những điều đó – là quá đáng sợ để ông suy ngẫm. Ông Donald Trump, theo sự dẫn dắt của ông nội tôi và với sự đồng lõa, im lặng của các anh chị em của ông ấy, đã phá hủy cuộc đời của cha tôi. Tôi không thể để ông ta phá hủy đất nước tôi.”

Bệnh rối loạn nhân cách với ngã ái trầm trọng (narcissistic personality disorder hay NPD) — một trong một số các bệnh rối loạn về nhân cách — là một tình trạng tâm thần trong đó người bệnh luôn có ý thức thổi phồng về tầm quan trọng của chính họ. Họ có  nhu cầu lớn là luôn đòi hỏi sự chú ý và ngưỡng mộ của người khác. Họ thường có các mối quan hệ phức tạp và thiếu sự đồng cảm với người khác. Nhưng đằng sau chiếc mặt nạ cực kỳ tự tin này lại là một lòng tự trọng mong manh và rất dễ bị tổn thương trước những lời chỉ trích dù là nhỏ nhất. Rối loạn nhân cách này (NPD) gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn như các mối quan hệ, công việc làm ăn, học vấn hoặc các vấn đề tài chính. Những người bị rối loạn nhân cách này (NPD) nói chung có thể không hạnh phúc và rất dễ thất vọng khi họ không được ưu ái đặc biệt hoặc sự ngưỡng mộ mà họ tin rằng họ xứng đáng. Họ có thể thấy mối quan hệ của họ không được thỏa đáng, và họ nghĩ là những người khác có thể không thích ở bên cạnh họ. Điều trị rối loạn nhân cách NPD này không dễ.

Và theo dõi những tuyên bố của ông Trump từ năm 2016 qua các buổi tập họp (rally) vận động tranh cử cho chức Tổng thống cũng như những lời ông nói trên các buổi phỏng vấn trên truyền hình Mỹ, tôi thấy ông ấy là một người hiểu biết kém nhưng lại nói láo rất giỏi. Phải nói là ông ấy có tài thổi phồng sự nổi giận và oán thù nơi người Mỹ da trắng nghèo và thiếu học với chính phủ đương thời. Ông ta là một người xảo quyệt rất trắng trợn.

Hôm thứ Ba, 22/03/2022,  Donald Trump ca ngợi kế hoạch xâm lăng Ukraine của Vladimir Putin là ‘thiên tài’ và gọi người lãnh đạo Nga là ‘rất khôn khéo’, vài giờ sau khi ông tuyên bố rằng Nga không bao giờ xâm lăng Ukraine dưới thời ông lãnh đạo. Ảnh: Daily Mail UK

Sau cuộc bầu cử năm 2022, ông Trump thất cử. Nhưng ông ấy nhất định không chịu thua và ông đã dùng mọi mánh khóe và thủ đoạn để dành thắng lợi. Ông đã không thành công nhưng vẫn tiếp tục huênh hoang rêu rao là mình thắng và cuộc bầu cử đã bị đảng Dân Chủ gian lận. Với những tuyên bố gây sôi sục nơi những người ủng hộ mình, ông đã tạo ra một cuộc tấn công đầy bạo lực vào điện Capitol của quốc hội Hoa Kỳ (còn được gọi là Hạ viện) ngày 06 tháng 01 năm 2021. Chưa bao giờ nền dân chủ Hoa Kỳ bị đe dọa như thế. Chưa bao giờ nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng như thế. Nhiều dân biểu Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa tiếp tục nói và làm theo sự lèo lái của ông Trump như những con cừu của Panurge. Đa số những dân biểu này xem ông như một người cha đỡ đầu (một loại bố già godfather như trong việc xử thế của dân mafia). Trong các cuộc bầu cử định kỳ sau này tại các tiểu bang Hoa Kỳ, những ứng cử viên của đảng Cộng hòa không có sự ủng hộ của ông Trump rất khó đắc cử hoặc tái đắc cử. Ông Trump trở thành một lãnh chúa đầy uy quyền của đảng Cộng Hòa.

Ông Trump đã trở thành người nguy hiểm nhất nước Mỹ và nhất thế giới, đúng như cô Mary Trump đã dự báo. Viễn ảnh Trump có thể quay lại ứng cử năm 2024 làm nhiều người Mỹ lo âu. Sự chia rẽ trầm trọng hiện nay của người Mỹ từ khi ông Trump thắng cử năm 2016 làm nước Mỹ ngày càng yếu đi. Khi hay tin quân đội Nga tràn sang Ukraine ở vùng Donbass, ông Trump đã lên tiếng khen ông Putin là một thiên tài trong khi thi hành kế hoạch tiến quân này. Và theo bà Marie Yovanovitch (cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine) nói sáng ngày 14 tháng 03 trong cuộc phỏng vấn với CNN, sự liên kết thân mật của Trump với Putin khi Trump còn tại chức cộng thêm sự thiếu bênh vực và ủng hộ Ukraine của Trump trong quá khứ đã biến Ukraine thành con mồi trong mắt Putin.

Bệnh của ông Putin

Vladimir Putin và Donald Trump | Dịch vụ biên phòng Ukraine cho biết nhân viên cứu hỏa chữa cháy một tòa nhà sau vụ pháo kích vào thị trấn Chuguiv, miền đông Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi quân đội Nga đang xăm lăng Ukraine từ nhiều hướng, dùng hệ thống hoả tiễn và trực thăng tấn công vào những vị trí ở phía nam Ukraine. (Ảnh minh họa của Salon / Getty Images)

Bệnh của ông Putin thì giống hệt bệnh ông Trump. Bà cựu Tổng thống Latvia, Vaira Vike-Freiberga, đã tuyên bố dõng dạc trên đài truyền hình Global News của Canada trong cuộc phỏng vấn ở Kuldiga (Latvia) hôm 11 tháng 03 năm nay là ông Vladimir Putin là một người vừa bị rối loạn nhân cách điển hình NPD và vừa có bệnh tâm thần (“he is a narcissist and a psychopath”). Bà Vike-Freiberga có bằng cử nhân và cao học về ngành tâm lý học của Đại học Toronto và bà lấy bằng Tiến sĩ cùng ngành ở Đại học McGill (Canada). Từ năm 1965 đến năm 1998 bà dạy khoa tâm lý học tại Đại học Montréal. Ngày 17 tháng 06 năm 1999, bà đắc cử Tổng thống Latvia (tiếng Pháp là Lettonie) và năm 2004 bà tái đắc cử và rời chức vụ Tổng thống năm 2007. Bà gọi ông Putin là một người điên và luôn bị ám ảnh bởi quyền hành (“megalomaniac”).

Global News | Hôm thứ Năm, 10/02/2022, cựu Tổng thống Latvia Vaira Vīķe-Freiberga cho biết , Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở nên “rối loạn tin thần đáng chú ý”, và nói thêm rằng việc Putin xâm lăng Ukraine “không phải là hành động của một người lành mạnh quan tâm đến phúc lợi của đất nước mình.

Người điên này đã ra lệnh quân đội Nga tấn công nước Ukraine. Một cuộc tấn công ồ ạt trong khi Ukraine không có một hành động nào khiêu khích. Cuộc chiến vẫn đang tiếp tục xảy ra trong khi tôi viết những dòng chữ này. Sức mạnh quân sự hai bên không cân đối. Ông Putin lấy sức mạnh quân sự đánh chiếm Ukraine. Quân đội Nga bắn không thương tiếc vào các thành phố và vào dân chúng. Hình ảnh của những cụ già, những em bé và những bà mẹ lũ lượt đi tị nạn tại Ba Lan và các nước Âu Châu lân cận trên các đài truyền hình trông thật xúc động. Tội ác của ông Putin và quân đội Nga là một tội ác chống nhân loại.

Không thể tưởng tượng được ở thế kỷ 21 mà còn có một cuộc xâm lăng tàn bạo như thế. Quân đội Ukraine và người dân đã chống trả rất anh dũng. Dân Ukraine rất hãnh diện với Tổng thống của họ, ông Volodymyr Zelensky. Ông vừa được dân bầu lên từ tháng 05 năm 2019, năm nay vừa tròn 44 tuổi, là một tấm gương cho những người dân Ukraine yêu nước vì ông đã quyết định ở lại và cầm súng chống lại quân xâm lăng. Vợ ông, bà Olena Zelenska, luôn có mặt sát cánh bên chồng trong những lúc dầu sôi lửa bỏng đang hừng hực đốt cháy những làng mạc và nhiều thành phố của cộng hòa Ukraine.

Image

Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine cho hay hôm Chủ nhật, 13/03/2022, tổng thống Volodymyr Zelenski  đã đến bệnh viện trao huy chương cho một số thương binh Ukraine tại thủ đô Kyiv.

Một cuộc chiến không cân bằng và không công bình. Quân Nga có máy bay phản lực và trực thăng yểm trợ, hàng trăm chiếc xe tăng và quân lính trên 150000 quân. Họ bắn phá không phân biệt dân hay quân sự. Nhà cửa đổ nát điêu tàn. Họ bắn vào ngay cả những nhà thương và trường học. Những hình ảnh xem trên TV thật điêu linh và tang tóc. Quân đội Nga reo rắc oán thù. Và oán thù tiếp tục chồng chất. Sự hy sinh và lòng can đảm của quân đội và người dân Ukraine sẽ giúp họ cầm cự một cách anh dũng.

Và cuộc chiến hình như rất khó dừng lại, vì ông Putin là người bệnh. Ông không còn lương tri. Theo những nhà tâm lý chẩn đoán thì ông Putin sẽ tìm mọi cách san bằng nước Ukraine và chiếm đóng nước này, biến Ukraine thành một chư hầu của Nga. Nhưng chiếm được Ukraine không có nghĩa là ông Putin sẽ chiếm được người và lòng dân Ukraine. Cuối cùng nếu Putin thua trận thì chắc ông ấy sẽ tự vẫn mà chết thôi. Vì người bị rối loạn nhân cách típ NPD họ không chấp nhận được là mình có thể thua. Và biết đâu có thể ông ấy sẽ điên tiết lên và ông sẽ dùng bom hóa học hoặc hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử như ông từng hăm dọa.

NATO và Hoa Kỳ phải sửa soạn cho một cuộc chiến lớn trước khi trở tay không kịp.

Nhân viên cấp cứu Ukraine và người tình nguyện  di chuyển một sản phụ bị thương ra khỏi bệnh viện ở Mariupol bị pháo kích tan hoang vào ngày 9 tháng 3, 2022. Hôm 14/03/2022, AP đưa tin sản phụ bị thương trong hình trên đã qua đời cùng với thai nhi. Ảnh: © AP

N.D.V.

Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng trên Đàn chim Việt

VLADIMIR PUTIN THAM VỌNG VÀ HẬU QUẢ

TRẦN TRUNG ĐẠO/ VNTB/ BVN 21-3-2022

Tháng 4, 2014, một tháng sau khi Nga cưỡng chiếm bán đảo Crimea, trong một bài viết về chính sách đối ngoại của Mỹ, người viết có nhấn mạnh “Rất nhiều bài viết và phân tích về tham vọng bành trướng của Putin. Điều quan trọng nên nhớ, tham vọng của Putin không dừng lại ở bán đảo Crimea mà là Ukraine” (Chính Luận Trần Trung Đạo, Cổ Loa xuất bản 2014, trang 149).

Nhận định “tham vọng của Putin không dừng lại ở bán đảo Crimea mà là Ukraine” không phải là một lời tiên đoán vu vơ nhưng rút ra từ các luận điểm về nhân cách của Putin và các mối quan hệ quốc tế thời kỳ này.

Vladimir Vladimirovich Putin

Vladimir Vladimirovich Putin sinh tháng 10 năm 1952 tại Saint Petersburg trong một gia đình có cha là thương phế binh trong mặt trận Leningrad. Trong giai đoạn đó, hầu hết học sinh đều mơ ước trở thành Yuri Alekseyevich Gagarin, phi hành gia Liên Xô bay vòng quanh trái đất, Putin lại mơ ước trở thành một nhân viên mật vụ KGB. Tác phẩm “Thanh kiếm và Lá Chắn” được chuyển thành phim nhiều tập đã làm say mê cậu thiếu niên hiếu động Putin. Khoảng mười tuổi, cậu Putin theo học võ Sambo, một loại võ thuật Nga phối hợp giữa Judo, Karate và đô vật.

Báo Ysatoday giới thiệu tám tác phẩm viết về Putin mà độc giả nên đọc nếu muốn biết về Putin, trong số đó có tác phẩm Người không mặt (The Man Without A Face) của Masha Gessen. “Người không mặt” vẽ lại con đường Putin đã đi qua từ khi sinh ra, khôn lớn và trưởng thành. Putin có một thời thiếu niên phá phách được nuôi dưỡng trong nhà tập thể vì có cha là thương phế binh.

Sau khi tốt nghiệp trường luật Leningrad State University năm 22 tuổi, Putin gia nhập KGB. Putin được huấn luyện trong các trường đào tạo phản gián Nga. Những năm sau đó hoạt động của ông ta hoàn toàn đóng khung trong lãnh vực an ninh tình báo. Vì có một đời sống khá bí mật nên phần lớn chi tiết trong tiểu sử của Putin đều do ông kể lại và không thể kiểm chứng.

Putin bắt đầu như một nhân viên KGB cấp thấp ở Saint Petersburg cho đến khi được điều sang làm nhân viên tình báo ở thành phố Dresden, Đông Đức.

Dù sao, sau 16 năm trong nghề và không có nhiều cơ hội tiến thân, Putin cũng được thăng đến chức vụ Trung tá KGB. Nghề an ninh tình báo của Putin chấm dứt sau sự sụp đổ của Liên Xô. Ông trở về Saint Petersburg và bắt đầu các hoạt động chính trị.

Putin, mầm mống độc tài

Năm 1996 Putin lên Moscow để tham gia chính quyền của Boris Yeltsin. Vận dụng cơ hội bất ổn chinh trị và khoảng trống lãnh đạo Nga trong nhiệm kỳ sau của Boris Yeltsin, chỉ ba năm, từ một người mới đặt chân vào sinh hoạt chính trị ở thủ đô Moscow, Vladimir Putin trở thành Thủ tướng, quyền Tổng thống và Tổng thống.

Năm 1999, quan điểm độc tài của Putin thể hiện trong bài viết Nước Nga trước thềm Thiên niên kỷ (Russia At The Turn Of The Millennium) ký tên ông ta mặc dù được các nhà phân tích cho là kết quả của một nhóm trong đó có Putin: “Tôi chống lại việc khôi phục hệ tư tưởng nhà nước chính thức ở Nga dưới mọi hình thức. Không nên có một hiệp ước dân sự cưỡng bức trong một nước Nga dân chủ. Hiệp ước xã hội chỉ có thể là tự nguyện. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải đạt được sự đồng thuận xã hội về các vấn đề cơ bản như mục tiêu, giá trị và định hướng phát triển, điều mà phần lớn người Nga mong muốn và hấp dẫn. Sự thiếu vắng các hiệp định và thống nhất dân sự là một trong những lý do tại sao cải cách của chúng ta rất chậm chạp và đau đớn. Phần lớn sức lực được dành cho việc tranh giành chính trị, thay vì xử lý các nhiệm vụ cụ thể của công cuộc đổi mới nước Nga”.

“Đồng thuận xã hội” trong quan điểm Putin không đặt trên các giá trị dân chủ phổ quát mà đặt trên các “giá trị truyền thống” từ thời Nga hoàng. Giá trị đó theo Putin phát xuất từ ba đặc điểm (1) lòng yêu nước (patriotism), (2) chế độ trung ương tập quyền (statism), (3) đoàn kết xã hội (social solidarity).

Cũng trong bài viết đó, Putin cho rằng “Nga đã và sẽ vẫn là một cường quốc. Quốc gia được quy định trước bởi các đặc điểm không thể tách rời về địa chính trị, kinh tế và nền văn hóa đang tồn tại. Các đặc tính này xác định tâm lý của người Nga và chính sách của chính phủ trong suốt lịch sử và không thể làm khác hơn trong hiện tại”.

Putin và bộ máy tuyên truyền

Là một người được rèn luyện và học tập dưới chế độ CS, các phương pháp Putin dùng để đối nội cũng như đối ngoại đều là các phương pháp CS. Putin xem tuyên truyền và bạo lực là hai vũ khí quan trọng để duy trì cai trị. Thay vì dựng Putin thành những “anh hùng xã hội chủ nghĩa” như anh hùng mỏ than Alexey Stakhanov thời LX, bộ máy tuyên truyền qua các công ty quan hệ công chúng (PR) do Putin thuê mướn dựng Putin thành những nhân vật trong phim hoạt họa hay trò chơi điện tử thích hợp với thị hiếu trẻ em như Putin dũng sĩ, Putin câu cá, Putin đấu võ, Putin săn bắn, Putin đấu bò, v.v..

Hiện đại hơn các kỹ thuật tuyên truyền CS trước đây, các công ty PR ngày nay áp dụng các phương pháp tâm lý học để chinh phục ý thức của người nghe. Không ít người Nga thật sự tin Ukraine là một quốc gia phát-xít và một ngày không xa sẽ tấn công Nga. Những lời tố cáo dối trá này không chỉ phát ra từ đội ngũ dư luận viên mà chính từ cửa miệng của Putin.

Trong lãnh vực đối ngoại, Putin đặt Mỹ và NATO vào vị trí thù địch và khai thác mọi cơ hội để gia tăng sức mạnh Nga. Điều đó có lý do. Nhưng thay vì hiện đại hóa Nga và cạnh tranh phát triển như trong vài năm đầu, Putin dùng các biện pháp vô cùng thất nhân tâm để bành trướng ảnh hưởng Nga. Lấy Syria làm ví dụ. Những cuộc dội bom không phân biệt của không quân Nga đã san bằng nhiều làng mạc Syria. Phần lớn những người chết và bị thương là thường dân vô tội.

Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (Treaty of Friendship and Cooperation) giữa Liên Xô và Syria ký từ 1980 không còn liên quan gì đến Nga vẫn được Putin dùng như một cái cớ để can thiệp vào Syria, thực chất là bảo vệ chế độ độc tài Hafez al-Assad. Cả thế giới đều biết không có bàn tay Putin, số phận Hafez al-Assad cũng chẳng khác gì Ben Ali của Tunisia, Hosni Mubarak của Ai Cập hay Muammar Gaddafi của Lybia.

LHQ và Liên đoàn Các Quốc gia Á Rập (Arab League) ước lượng khoảng 400 ngàn dân Syria, tương đương với 2% dân số đã chết. Tổ chức Ân xá Quốc tế ước lượng khoảng từ 5 ngàn đến 13 ngàn người chết vì tra tấn trong các nhà tù của Hafez al-Assad.

Giấc mơ của Putin về thời vàng son của Đế quốc Nga

Nhận thức về “giá trị truyền thống” của Putin phản ảnh truyền thống hay nói khác hơn là quan điểm chủ nghĩa dân tộc của Nga thời đế quốc kéo dài gần 200 năm (1721-1917) từ thời Peter Đại đế cho đến khi Nicholas II và gia đình bị CS giết ngày 17 tháng 7, 1918.

Lãnh thổ của Đế quốc Nga thời cực thịnh trải rộng 36 triệu cây số vuông từ Bắc Băng Dương, xuống Hắc Hải qua Biển Baltic, sang Alaska và ngay tại Bắc California của Mỹ cũng từng có vùng Fort Ross thuộc lãnh thổ Nga (Mỹ mua lại Alaska của Nga năm 1867 giá 7.2 triệu dollar, khoảng 2 xu một mẫu. Fort Ross do một người Mỹ mua lại của một công ty Nga giá 19,788 dollar).

Quan điểm lịch sử Nga của Putin thể hiện khá rõ trong luận văn “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine” (On the Historical Unityof Russiansand Ukrainians) công bố vào 12 tháng 7, 2021 để biện minh cho hành động xâm lược Ukraine sắp tới.

Luận văn cho thấy Putin quả thật sống trong quá khứ. Ông viết: “Người Nga, người Ukraine và người Belarus đều là con cháu của Rus cổ đại, là nhà nước lớn nhất ở châu Âu. Người Slav và các bộ lạc khác trên toàn lãnh thổ rộng lớn – từ Ladoga, Novgorod, Pskov đến Kiev và Chernigov – được ràng buộc với nhau bởi một ngôn ngữ (mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Nga cổ), quan hệ kinh tế, sự cai trị của các hoàng tử của triều đại Rurik… Sự lựa chọn tâm linh của Thánh Vladimir, người vừa là Hoàng tử của Novgorod vừa là Hoàng tử của Kiev, vẫn quyết định phần lớn mối quan hệ của chúng ta ngày nay”.

Nếu giải thích lịch sử theo cách của Putin, phần lớn các quốc gia Châu Âu hiện đại sẽ không còn tồn tại vì hoặc là phần của Nga hay của Đức hay của Ba Lan hay của Thụy Điển, hay thậm chí của những tay cướp biển Viking.

Với đầu óc thiên triều đó, Putin vẫn nhìn sang các nước lân bang trong cách nhìn của các Nga hoàng thế kỷ 18.

Hàng rào an ninh chung quanh Nga

Công tâm mà nói, việc quan tâm đến an ninh ngoài biên giới Nga của Putin là một quan tâm có cơ sở. Tuy nhiên các biện pháp mà Vladimir Putin áp dụng đối với các nước nhỏ có cùng biên giới với Nga là những chính sách có tính cưỡng bách, lỗi thời và phi nhân không khác gì Hitler trước đây và Tập Cận Bình hiện nay.

Bán đảo Crimea chỉ là bước thăm dò phản ứng của Phương Tây tương tự như trường hợp của Hitler khi chiếm vùng Sudetenland của Tiệp Khắc dọn đường cho việc tiến chiếm toàn bộ Cộng hòa Tiệp vào tháng 3, 1939. Dù là Nga hoàng, Nga cộng hay Nga Putin đều nhấn mạnh đến việc thiết lập một hàng rào an ninh chung quanh Nga. Bán đảo Crimea chỉ là một khoảng nhỏ trong “không gian sinh tồn” của Nga. An ninh chính của Nga là hành lang Ukraine, lãnh thổ lớn thứ hai, nằm ở phía Đông Nga.

Putin nuôi dưỡng các thành phần cai trị độc tài và thần phục ông ta chẳng khác gì các nước chư hầu thần phục Nga hoàng thời phong kiến. Khi có một biến cố xảy ra trong nội bộ một quốc gia láng giềng có thể tạo ảnh hưởng bất lợi cho Nga, Putin thường cất quân sang đánh dẹp dưới danh nghĩa “bảo vệ hòa bình và ổn định” theo “lời mời” của nước nhỏ như trường hợp xung đột Armenia-Azerbaija vào tháng 5, 2021.

Các nhà độc tài như Alyaksandr Lukashenka của Belarusia, Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan hay cha con nhà Aliyev của Azerbaijan là những bằng chứng dùng độc tài cai trị chư hầu của Putin.

Lukashenka cai trị Belarusia suốt 28 năm qua từ khi Liên Xô tan rã tới nay. Nazarbayev làm Tổng thống Kazakhstan suốt năm nhiệm kỳ. Năm 2019, Nazarbayev từ chức nhưng vẫn tiếp tục cai trị đất nước với chức vụ danh dự “lãnh đạo quốc gia”. Heydar Aliyev và sau đó con trai Ilham Aliyev cai trị Azerbaijan từ 1993 đến nay.

Các dân tộc bất hạnh vùng Trung Á chịu đựng dưới ách CS bảy mươi năm để rồi khi ách CS vừa đước tháo gỡ lại phải thay bằng ách độc tài từ 1991 tới nay.

Nga trong thế kỷ 21

Nếu không có khối lượng vũ khí nguyên tử kế thừa từ thời Liên Xô, Nga không phải là một cường quốc. Trong một cuộc chiến tranh quy ước (không dùng vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân), Nga không phải là đối thủ của Mỹ và nhiều nước khác.

Nga cũng không phải là một siêu cường kinh tế. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Nga đứng hàng 11 trên thế giới, sau Ý, Canada và cả Ba Tây. Theo các nhà phân tích kinh tế, các biện pháp trừng phạt sẽ đẩy Nga xuống xa hơn.

Nền kinh tế Nga phát triển một chiều vì tùy thuộc rất nhiều vào giá dầu hỏa. Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới. Các nguồn lợi tức từ tài nguyên thiên nhiên chiếm tới 60 phần trăm trong GDP của Nga. Khi giá dầu cao, GPD của Nga tăng nhưng khi giá dầu hạ GPD giảm và nền kinh tế lâm vào suy thoái như trường hợp suy thoái kinh tế tài chánh Nga vào những năm 2009 và 2014.

Một bài học về sự sụp đổ của LX còn đang được đem ra bàn là bài học về chiến tranh năng lượng. Năm 1986, Saudi Arabia gia tăng sức bơm từ 2 triệu thùng lên 10 triệu thùng một ngày làm giá dầu từ 30 dollar hạ xuống tới mức chỉ còn khoảng 10 dollar một thùng. Nợ nước ngoài của Liên Xô tăng vọt lên tới 50 tỉ dollar. Giá dầu quá thấp đã đẩy nền kinh tế đang suy thoái của Liên Xô xuống vực và là một trong nhiều lý do làm sụp đổ cả cơ chế Cộng sản.

Châu Âu tùy thuộc nhiều vào dầu hỏa Nga. Để tránh khủng hoảng năng lượng, trong đợt đầu khi trừng phạt Nga, Mỹ và đồng minh tránh trừng phạt trực tiếp vào dầu hỏa. Nhưng để đánh gục nền kinh tế Nga, trừng phạt về dầu hỏa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là biện pháp không tránh khỏi.

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, quốc gia bị trừng phạt chịu nhiều thiệt hại không có nghĩa các quốc gia trừng phạt không bị thiệt hại. Nhưng trường hợp Mỹ và Nga thì khác. Khi trừng phạt Nga, Mỹ và đồng minh cũng thiệt hại nhưng không nhiều so với sự thiệt hại của Nga.

Mỹ chỉ xuất cảng sang Nga 6.3 tỉ Mỹ Kim và nhập cảng 23.6 tỉ Mỹ Kim trị giá hàng hóa. Hai con số đó quá nhỏ so với việc Mỹ xuất cảng 306 tỉ sang Canada, 276 tỉ sang Mexico, 150 tỉ sang Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Hendrik Mahlkow, một nhà nghiên cứu thương mại tại Viện Kiel về Kinh tế Thế giới ( Kiel Institute for the World Economy), Đức, cho biết “các lệnh cấm vận thương mại sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến Nga so với các đồng minh phương Tây”.

Về đời sống người dân, Nga vẫn còn là một nước nghèo. Putin tự hào Nga là một cường quốc nhưng GDP theo đầu người của Nga chỉ mới đạt tới 10,800.00 Mỹ Kim, đứng tận hàng thứ 85 trên thế giới sau cả những nước đang phát triển như Chile, Hy Lạp và nhiều nước khác.

Putin và nhóm đặc quyền lợi ich Nga (Russian Oligarch)

Để làm giàu nhờ chia chác và củng cố chiếc ghế quyền lực, Putin dựng chung quanh ông ta một hàng rào gồm những Oligarch trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là kinh tế tài chánh.

Danh từ Oligarch rút ra từ danh từ Cổ Hy Lạp có nghĩa “cai trị bởi một nhóm nhỏ” và tại Nga phần đông nhóm nhỏ này là những thương gia xuất hiện trong thời kỳ tư nhân hóa nền kinh tế.

Nhiều trong số các Oligarch Nga trước 1991 còn hai bàn tay trắng. Những nhà giàu nhờ “móc ngoặc” này thường thích khoe khoang qua hình thức các siêu du thuyền. Một chiến dịch săn các siêu du thuyền của các Oligarch Nga vừa được tung ra. Cảnh sát Ý bắt một siêu du thuyền trị giá 65 triệu euro của tỉ phú Nga Alexey Mordashov. Một siêu du thuyền khác trị giá 50 triệu euro thuộc quyền sở hữu của Gennady Timchenko cũng bị giữ. Các việc bắt giữ du thuyền tương tự đã diễn ra tại Pháp, Đức. Hai Dân Biểu Mỹ Tom Malinowski (Dân chủ) và Joe Wilson (Cộng hòa) còn dự tính soạn thảo Đạo luật Du thuyền vì Ukraine (Yachts for Ukraine Act) với nội dung tịch thu và bán các du thuyền của các Oligarch Nga bị trừng phạt lấy tiền viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Các nhà tư bản Mỹ và Châu Âu cũng làm giàu nhưng phần lớn họ dùng lợi nhuận để đầu tư trở lại giúp kích thích nền kinh tế phát triển cao hơn. Các Oligarch Nga không nhìn thấy những chân trời phát minh hay thậm chí sở hữu những kiến thức đó. Các tỉ phú Nga thường gởi tiền lời bất chính của họ vào các ngân hàng Thụy Sĩ.

Bà Brooke Harrington, Giáo sư xã hội học tại Dartmouth College viết trên tạp chí The Atlantic ngày 3 tháng 5 vừa qua so sánh cách khoe khoang tiền của giữa các tỉ phú Nga và tí phú Mỹ và Anh: “Các tỷ phú như Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson đua nhau khoe khoang để phóng phi thuyền vào không gian giữa sự phô trương rầm rộ của các phương tiện truyền thông, thay vì kín đáo tận hưởng vận may của họ một cách riêng tư”.

Không may cho các Oligarch Nga. Thụy Sĩ vừa phá bỏ nguyên tắc trung lập và chẳng những “ngăn cấm các thương vụ của ngân hàng trung ương Nga qua trung gian các ngân hàng Thụy Sĩ mà còn đóng băng” tài khoản của các Oligarch.

Nga, quốc gia tham nhũng trầm trọng nhất Châu Âu

Theo Transparency International Index of Corruption năm 2019 và 2020, Nga là quốc gia tham nhũng tệ hại nhất Châu Âu.

Tại Nga, giống như mọi chế độ độc tài khác, làm ăn nhỏ “móc ngoặc” với các cấp nhỏ, làm ăn lớn “móc ngoặc” với cấp lớn và làm ăn lớn nhất nước “móc ngoặc” với không ai khác hơn là Vladimir Putin. Mức chia chác giữa Putin và tầng lớp Oligarch Nga đối với công chúng vẫn còn là một bí mật nhưng với tình báo Mỹ chắc là không.

Theo tạp chí Fortune, Putin khai tài sản của ông ta chỉ có tiền lương 149 ngàn dollar một năm, sống trong căn nhà rộng 70 mét vuông, một chiếc xe kéo và ba chiếc xe riêng. Nhưng cũng theo tạp chí uy tín này, tài sản của Putin có thể lên đến 200 tỉ dollar, bằng ba phần tư tổng sản lượng nội địa của cả nước Việt Nam năm 2021. Theo điều tra của Reuter, chỉ riêng khu nhà bên Hắc Hải được gọi là “Putin’s Country Cottage” đã trị giá tới 1.4 tỉ dollar.

Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3 tháng 3, 2022 viết về tội ác của các Oligarch Nga: “Những cá nhân này đã làm giàu cho chính mình với chi phí của người dân Nga, và một số đã nâng các thành viên trong gia đình của họ lên những vị trí cao cấp… Những cá nhân này và các thành viên gia đình của họ sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, tài sản của họ ở Hoa Kỳ sẽ bị đóng băng và sẽ bị chặn sử dụng”.

Hầu hết các quốc gia đồng minh của Mỹ đều áp dụng các biện pháp tương tự.

Putin sa lầy tại Ukraine

“Gia tài gầy dựng 30 năm chỉ để đốt cháy trong một tuần” là câu mà báo chí trong những ngày này dùng để ám chỉ các biện pháp quân sự sai lầm của Putin đối với Cộng hòa Ukraine. Trong cơn ác mộng kinh hoàng nhất Putin cũng không thấy một thực tế Nga như hôm nay. Putin đánh giá thấp sức mạnh của lòng yêu nước của người dân Ukraine, cơ chế chính trị Mỹ, đoàn kết của NATO, liên minh tin cậy quốc tế và tình cảm nhân loại dành cho Ukraine.

Như đã chứng minh nhiều lần trong lịch sử loài người, trong đó có Nga, cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc khác với nội chiến. Một Đề đốc Hoàng Hoa Thám của Việt Nam với võ khí thô sơ đã giữ Yên Thế 30 năm cho đến khi ngài bị ám sát. Một Đại úy Władysław Raginis của Ba Lan với quân số chỉ từ 350 đến 700 người đã giữ căn cứ Wizna, biên giới Ba Lan-Đức, ba ngày chống lại đạo quân 42 ngàn dưới quyền Thống chế Đức Heinz Guderian. Khi hết đạn, Đại úy Władysław Raginis ra lịnh binh sĩ sống sót đầu hàng riêng ông ta chọn tự sát bằng lựu đạn.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống can đảm Volodymyr Zelensky, cuộc chiến bảo vệ đất nước của Ukraine đã chinh phục tình cảm và hậu thuẫn của cả thế giới. Bộ máy tuyên truyền Nga đem nghề nghiệp đóng phim cười của TT Volodymyr Zelensky để mỉa mai nhưng quên rằng ông ta đã học đủ năm năm từ 1995 đến 2000 tại Trường Luật thuộc Viện Đại học Kinh tế Quốc gia Kyiv (Kyiv National Economic University). TT Mỹ Ronald Reagan, cha đẻ của chiến lược “Hòa bình qua sức mạnh” đánh gục LX cũng từng là diễn viên điện ảnh. Putin vẽ chân dung TT Zelensky như một Phát-xít nhưng không soi gương để thấy chính mình mới là Phát-xít. Tổng thống Zelensky hỏi lại Putin “Làm thế nào tôi có thể là một Phát-xít?” Tổng thống Zelensky gốc Do Thái. Ông nội của ông ta may mắn sống sót nhưng ông cố và ba anh em của ông nội đều bị giết trong Holocaust. Quyết định cùng sống cùng chết với Ukraine của ông đã thay đổi hướng đi của lịch sử châu Âu.

Nga bị cô lập 

Nước Nga chưa bao giờ bị cô lập hơn những ngày này. Lần đầu kể từ sau Thế chiến thứ Hai, sự trừng phạt của Mỹ và đồng minh đối với một quốc gia với mức độ tinh vi và chi tiết như trừng phạt Nga. Không chỉ các chính phủ Mỹ, Châu Âu và đồng minh mà, tính tới ngày 9 tháng3, 2022, một danh sách 310 công ty lớn nhỏ từ hãng xe, hãng máy bay, hãng điện thoại, hãng tín dụng, cho tới hãng bia cũng tham gia trừng phạt qua việc rút ra khỏi Nga.

Tiệm bán thức ăn nhanh McDonald’s mở ở Moscow lần đầu tiên ngày 31 tháng 12, 1990 khi Liên Xô chưa sụp đổ. Sáng hôm đó, người dân Nga sắp hàng nhiều cây số để mua ăn thử món “French fries” và “Big Mac”. Hôm thứ ba, 8 tháng 3, 847 tiệm McDonald’s đóng cửa với lý do như Tổng giám đốc Chris Kempczinski phát biểu “Không thể làm ngơ trước sự chịu đựng của con người đang diễn ra tại Ukraine.”

Putin đem vũ khí nguyên tử ra hù dọa, nhưng điều đó không biểu hiện sức mạnh của Nga mà thể hiện sự tuyệt vọng trong đường cùng của Putin. Ông ta sẽ làm gì với kho võ khí hạt nhân? Không đợi gì Mỹ mà ngay cả các cấp cao nhất trong quân đội Nga cũng buộc lòng có phản ứng nếu Putin thật sự muốn dùng tới đòn nguyên tử. Một đất nước mênh mông bao bọc bằng 12 biển lớn nhưng Nga chỉ có vỏn vẹn một hàng không mẫu hạm Admiral Kuznetsov đang hoạt động. Suốt ba chục năm dưới sự cai trị của Putin, Nga không chế tạo được một hàng không mẫu hạm nào. Nhờ giá dầu tăng, dự trữ nước ngoài của Nga có trên 600 tỉ dollar nhưng số tiền đó Putin dự phòng để đáp lại các cuộc trừng phạt kinh tế của Mỹ. Hôm nay phần lớn số tiền đó đã bị “đóng băng”. Trong lãnh vực kỹ thuật tiên tiến, theo tạp chí Global Finance, Nga đứng hàng thứ 46 trên thế giới sau cả Ukraine, thứ 44.

Chính trị thế giới đang thay đổi cấp bách và sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng Nga, Mỹ, NATO mà ảnh hưởng cả Trung Quốc. Hơn cường quốc nào khác, Trung Cộng cần ổn định để chạy đua với Mỹ và từng bước bành trướng ra Thái Bình Dương. Trung Quốc không thể bỏ Putin, đồng minh cần thiết trong giai đoạn này, nhưng cũng không thể ủng hộ công khai. Tập Cận Bình có nghị trình riêng, ngắn hạn trong kế hoạch năm năm lần thứ 14 và dài hạn trong diễn văn dài ba tiếng rưỡi đồng hồ tại Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 năm 2017, nên không thể để xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn.

Chuyến đi thăm Trung Quốc của Putin được báo chí Nga thổi phồng nhân dịp Thế vận hội mùa đông vừa qua về ý định không khác nhiều so với chuyến đi thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình, 29 tháng 1, 1979, trước khi xâm lăng Việt Nam. Putin muốn có sự ủng hộ công khai của Trung Quốc trong chiến tranh với Ukraine. Tuy nhiên, Thông cáo chung Trung-Nga công bố ngày 4 tháng 2, 2022 dài đến 5392 chữ bản tiếng Anh, không bàn trực tiếp đến xung đột Nga-Ukraine và thậm chí không có một chữ Ukraine nào.

Mục đích trước mắt của Putin, giống như mọi chế độ xâm lược khác trong lịch sử hiện đại, có thể đoán được theo từng bước: (1) Bằng mọi giá chiếm cho được Ukraine, (2) dùng khẩu hiệu cùng một nguồn gốc Rus cổ đại để ổn định đời sống và lấy lòng dân Ukraine, (3) thiết lập một chế độ bù nhìn lâm thời và sau đó bầu lên một lãnh đạo thân Nga qua bầu cử gian lận, (4) đàm phán có điều kiện với Mỹ, Châu Âu và đồng minh để rút quân.

Mục đích đó sẽ không đạt được. Nga sẽ sa lầy trong một cuộc chiến lâu dài và khó thoát. Khác với sa lầy tại Afghanistan (1879-1989) trước đây, lần này không chỉ sa lầy quân sự mà còn quan trọng hơn là sa lầy kinh tế và xã hội. Vũ khí quân đội Ukraine được hàng chục quốc gia viện trợ hiện đại hơn nhiều những vũ khí du kích quân Afghanistan dùng bốn mươi năm trước. Người dân Ukraine không xa lạ gì với người Nga nên không cần phải trốn tránh trong rừng núi. Hình ảnh một người dân Ukraine cho lính Nga mượn phone gọi mẹ cho thấy họ sẵn sàng chết để bảo vệ chế độ dân chủ tự do nhưng không sợ hãi hay oán ghét người dân Nga.

Cuộc chiến xâm lược của Nga đối với Ukraine đã làm nhiều chính phủ chủ hòa Âu Châu thức tỉnh. Trước đây một tháng, các chính phủ như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary vẫn còn nghĩ Putin chỉ hăm dọa. Hôm nay họ biết rằng tám mươi năm sau Thế chiến thứ Hai, chiến tranh vẫn là giải pháp không tránh khỏi của những xung đột có tính triệt tiêu và hơn bao giờ hết sự liên minh tin cậy giữa các quốc gia dân chủ là yếu tố quyết định để thắng các chế độ độc tài.

Niềm tin vào sức mạnh cuta nền dân chủ

Giả thiết vì một bất đồng nào đó giữa Putin và Alexander Lukashenko, nhà độc tài Belarus, khiến Putin tức giận cất quân sang đánh Belarus, liệu Mỹ và đồng minh có trừng phạt Nga cùng một mức độ như khi Nga đánh Ukraine hiện nay? Câu trả lời là không. Ngoại trừ những tuyên cáo ngoại giao, Mỹ sẽ không có biện pháp ủng hộ Belarus nào đáng kể.

Một chế độ độc tài sống trên xương máu và sự chịu đựng của cả dân tộc không xứng đáng được bênh vực hay bảo vệ.

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, chiến lược và an ninh Châu Âu, một trong những lý do Mỹ và đồng minh cương quyết ủng hộ Ukraine bởi vì Ukraine là một nước cộng hòa, dân chủ, độc lập và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Đồng ý rằng nhiều thế hệ lãnh đạo Ukraine đã phạm phải những sai lầm như Viktor Yanukovych hiện còn đang trốn tránh ở Nga và xã hội Ukraine vẫn còn đầy tham nhũng. Tuy nhiên, nền tảng dân chủ vẫn còn đó. Cơ chế dân chủ như cánh buồm giữ con tàu Urkaine không bị chệch hướng sang độc tài quân phiệt hay hoàn toàn lệ thuộc vào Nga như Belarus hay những nước Trung Á. Với niềm tin vào chế độ cộng hòa và sự ủng hộ của đại đa số nhân loại, Ukraine sẽ thắng trận chiến cuối cùng chống xâm lược Nga.

Nhưng phải chăng việc Mỹ, NATO và 141 nước “đòi hỏi Nga phải rút quân khỏi Ukraine” là những yếu tố quyết định cho tương lai của Ukraine?

Không phải. Máu và nước mắt của từng người dân và từng người lính Ukraine đang chảy trên sông Dnieper, chảy trên đường phố Kyiv, Kharkiv, Mariupol, Kherson mới thực sự tưới lên những mầm xanh hy vọng của cộng hòa Ukraine hôm nay và mai sau.

T.T.Đ.

Việt Nam thời báo gửi BVN

HÒA BÌNH VÀ PHẨM GIÁ

THÁI HẠO/BVN 22-3-2022

Cái giá của hòa bình, tất nhiên là rất đắt. Nhưng cũng không phải vì thế mà người ta chấp nhận trả tất cả để đổi lấy, vì có nhiều thứ còn quý giá hơn.

Đến thời điểm này, cuộc chiến tranh xâm lược của Putin đã cướp đi sinh mạng hơn 2 nghìn người Ukraine, khiến 3.5 triệu người phải chạy tị nạn sang nước ngoài; thành phố, làng mạc nhiều nơi đã trở thành gạch vụn, những di chứng tâm lý thì không thể đong đếm cho hết được… Nhưng, người Ukraine đã không “đổi đất lấy hòa bình”, không đổi lòng tự tôn để lấy bình yên giả tạo, không đổi tự do để được nhận sự yên thân. Một cuộc chiến chết chóc, nhưng trong tư thế ấy, nó là biểu hiện của ý thức nhân phẩm, lòng yêu tự do và tinh thần kiêu hãnh.

Không ai ủng hộ chiến tranh cả, thế giới văn minh lên án mọi hình thức bạo động, nhưng con người văn minh hiểu được thế nào là một đời sống vô nghĩa, và thế nào là một đời sống có phẩm giá. Sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được sự yên thân là lối hành xử của nô lệ.

Những thứ diễn ngôn lấy “hòa bình” làm quy chiếu và là giá trị tối hậu thường là một mưu toan, nhằm ru ngủ người dân, giam nhốt họ trong những giáo điều ẻo lả, tiêu diệt sức đề kháng và phản kháng, nhúng toàn bộ xã hội vào một chiếc ao tù của sự hài lòng. Loại diễn ngôn này, không những khiến con người trở nên yếu nhược, mà hơn thế, còn gây nên nỗi sợ hãi mơ hồ kinh niên cùng với những giằng xé trong lựa chọn, cho đến khi sự thỏa hiệp được đặt định hoàn toàn trong mỗi cá nhân.

“Chúng ta đang được sống trong hòa bình, hãy nhìn đi, thấy chiến tranh chết chóc tang thương như thế đó, biểu tình bất ổn như thế đó…, hãy biết ơn và bằng lòng…”. Đại loại như thế. Cứ từ ngày này qua ngày khác, người ta gieo rắc vào đầu những thế hệ nối tiếp cái tâm thức an phận. Chuyện đúng - sai, hay - dở, tốt - xấu v.v. dần thành mờ nhạt, và trở nên vô giá trị. Nó tạo thành một cộng đồng tê liệt mọi ý thức về nhân phẩm, lương tâm và cả các quyền con người căn bản mà “tạo hóa ban cho” họ.

Trong giáo dục, cái cần dạy ở chiến tranh/đấu tranh cho học trò là bài học về tính chính nghĩa, là các giá trị thiêng liêng, là sự trả giá tất yếu để vươn tới văn minh, chứ không phải là nỗi sợ hãi và sự hài lòng bất chấp. “Trả giá”, đúng thế, chứ không phải “hi sinh”. Trong hoàn cảnh tương tự, “hi sinh” là một từ phỉnh phờ, không ai bỏ công dọn dẹp chính căn nhà mà mình đang ở nhưng lại tự nhận là “hi sinh” cả.

Cũng không ai cần một cuộc chiến tranh để trưởng thành, trưởng thành có nhiều cách, nhưng không phải vì thế mà bằng mọi giá phải chạy trốn nó để đổi lấy thân phận đớn hèn, ô nhục. Muốn có gạo ăn thì phải lội ruộng cấy lúa, muốn có tự do và văn minh thì cũng phải sớt từ chuỗi ngày bất động nhiều đêm mất ngủ, thậm chí mất cả những điều quý giá nhất. Nhưng đó lại chính là một lẽ thường tình, cái thường nhất trong mọi lẽ. Không có gì được miễn phí cả.

Ở ta, ai cũng mơ ước một cuộc sống bình yên, thịnh vượng và tự do nhưng không mấy người sẵn sàng chi trả một khoản phí nào đó cho nó cả, dù chỉ là chút phiền hà. Đó nếu không là ích kỷ thì cũng là viễn vông, nếu không phải u mê.

Giáo dục (cả giáo dục nhà trường, xã hội và gia đình) cần phải dạy cho nhau biết sống không bằng lòng, chứ không phải luôn hài lòng. Giáo dục cần phải dạy về sự sòng phẳng, rằng để có một xã hội tốt hơn mà trong đó chính họ là người thụ hưởng, thì cũng chính họ phải bỏ vốn ra đầu tư: là những ngày không bình yên.

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

TÙY BÚT VỀ PUTIN

LÊ PHÚ KHẢI/ BVN 23-3-2022

Người Pháp có câu ngạn ngữ thâm thuý: “Les peuples heureux n’ont pas d’histoire” (Những dân tộc may mắn không có lịch sử). Không có thiên tai, không có chiến tranh, không có anh hùng… Các sử gia không có gì để viết cả! Nước Na Uy vừa được bình chọn là nước hạnh phúc bậc nhất thế giới nhiều năm liền đó thôi. Bởi lẽ, mấy trăm năm nay lịch sử nước này chẳng có gì để viết cả.

Khi Putin mới lên ngôi, một người bạn vong niên của tôi là nữ nhà báo Hồng Thuỷ ở Đài Tiếng nói Việt Nam biết tôi ham đọc sách, nên đã đem đến tặng cuốn sách mới in viết về Tổng thống Putin. Bìa sách có in hình Putin đang múa võ Judo. Trong sách có nhiều hình ảnh Putin đang cởi trần cưỡi ngựa, đang ở trần câu cá…

Đọc hết cuốn sách tôi thấy rất buồn và rất lo cho dân Nga. Bi kịch của các nước lớn như Nga, Trung Quốc là không “may mắn” có quá nhiều “lịch sử”. Người dân của các nước này lại nhiễm phải cái bệnh nan y là thích làm Đại Nga, Đại Hán. Những người lãnh đạo của họ lại mắc chứng vĩ cuồng! Vĩ cuồng đến từng chi tiết ở trần cưỡi ngựa, ở trần câu cá. Người như thế là người dễ hoang tưởng, không phải là người tỉnh táo!

Trước kia, Tổng thống Pháp là ông Mitterrand, trước khi lên làm tổng thống, ông là một dịch giả có tiếng. Nhưng chẳng có nhà xuất bản nào ở Pháp chịu in các tác phẩm của ông. Khi ông trúng cử tổng thống rồi, các nhà xuất bản bu lấy xin in các tác phẩm dịch của ông. Tổng thống đã từ chối. Ông đã không mắc bệnh vĩ cuồng hoang tưởng. Thiệt là may mắn cho nhân dân Pháp.

Nhưng điều lo lắng của tôi khi đọc xong cuốn sách về Putin, và điều không may mắn cho nhân dân Nga đã đến vào ngày 24.2.2022, khi Putin hoang tưởng mình sẽ trở thành Pierre đại đế, ra lệnh xâm lược Ukraine bằng sức mạnh tổng lực của một siêu cường quân sự hàng đầu!

Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng, kể cả phương Tây cũng cho là Ukraine sẽ bị đè bẹp trong chốc lát. Có lẽ vì quá mụ mẫm mà ngay cả những cái đầu thông minh nhất của các chính sách gạo cội đã quên mất những nguyên lý cơ bản của chiến tranh. Họ đã sa vào thuyết vũ khí luận.

Vũ khí chỉ là một yếu tố quan trọng trong một cuộc chiến tranh. Con người cầm vũ khí và tính phi chính nghĩa của kẻ cầm vũ khí không thể không được tính đến. Tinh thần chiến đấu của những người chống lại kẻ phi nghĩa có sức mạnh không kém gì vũ khí tối tân. Người viết bài này xin nêu một ví dụ nhãn tiền của lịch sử thế giới đương đại. Sau Thế chiến thứ hai, Pháp đem quân tái chiếm Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh tuyên bố: Những con tàu của Tướng Leclere có thể vượt được đại dương, nhưng không thể đi ngược được những dòng sông ở Việt Nam. Ông kêu gọi: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc… Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh Pháp…

Có sử gia phương Tây lúc đó đã bình luận: Giữa thời đại của vũ khí nguyên tử (Mỹ vừa bỏ bom nguyên tử ở Nhật) mà ông Hồ Chí Minh lại kêu gọi dùng cuốc thuổng, gậy gộc để đánh Pháp thì đủ biết ông tin tưởng ở tinh thần yêu nước của dân Việt Nam như thế nào!

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp là các đoàn xe đạp thồ của dân công Việt Nam đã thắng những máy bay vận tải Dakota của Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Tướng chỉ huy ở Điện Biên Phủ phải điều trần trước Quốc hội Pháp. De Castries đã chỉ nói một câu rồi đi xuống, khiến cả Quốc hội Pháp chết lặng: Người ta có thể đánh bại một đạo quân, nhưng không ai có thể đánh bại một dân tộc!

Lịch sử đã lặp lại. Những anh lính nghĩa vụ Nga bị Putin lừa là đi tập trận… ngồi trên những cỗ xe tăng, những thiết xa rất hiện đại nhưng còn nhớ mẹ thì dù vũ khí của Nga có mạnh đến đâu cũng là vô nghĩa! Tôi nhớ lại một cảnh khó quên trong cuộc Cách mạng Maidan 2014, khi các cô gái Ukraine xông lên trước mũi súng của cảnh sát vũ trang thì các cụ già đã lôi các cô lại phía sau và hô lớn: Chúng mày còn phải đẻ, để chúng tao hy sinh! Những cô gái, những người đàn ông Ukraine như thế, hôm nay, trong trận chiến này, đang quyết tử cho tự do, dân chủ và tương lai của đất nước mình, quyết không lùi bước, quyết không cúi đầu. Một người đàn ông chói lọi có tên là Zelensky đang đi dưới lòng đất Ukraine nhưng đang làm đảo lộn cả bầu trời và đó là điều bất ngờ lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ này. Không phải thế sao?

Cả phương Tây đang chia rẽ bỗng siết chặt hàng ngũ để chống lại một kẻ thù tưởng là rất mạnh, hoá ra không phải! Nhưng nhất định phải diệt, vì sau nhiều năm cầm quyền, kẻ độc tài này đã trở thành một tên cuồng vọng mắc chứng hoang tưởng tâm thần đang đe doạ cả nhân loại. Có ai tin rằng những quốc gia trung lập “chung thân” mấy trăm năm nay như Thuỵ Sỹ, Na Uy, Thuỵ Điển đến nay đã nhận thấy không thể sống “yên thân” khi tên lửa siêu thanh của Putin đang nhắm bắn vào bệnh viện phụ sản ở Mariupol nhằm gây khiếp sợ cho nhân dân Ukraine. Putin định “chiến thắng” bằng mọi sự tàn bạo mất hết tính người.

Con người từ đâu đến và anh ta đi về đâu? Đó là câu hỏi mà sau Thế chiến 2 Jean Paul Sartre đã đặt ra, và hôm nay, nhân loại phải trả lời.

Sài Gòn, 22.3.2022

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét