Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

20220316. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (10)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


LHQ CẢNH BÁO CHIẾN TRANH HẠT NHÂN, ĐÀM PHÁN NGA-UKRAINE 

BỊ HOÃN

TRẦN TUẤN/VNN 15-3-2022

Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, sẽ “không có ai thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, chỉ có những kẻ thua cuộc”.

“Sự leo thang chiến tranh ở Ukraine, dù đó là một sự ngẫu nhiên hay được dàn dựng trước, sẽ đe dọa tới toàn bộ nhân loại. Cuộc xung đột có thể kết thúc bằng tận thế hạt nhân. Viễn cảnh về một cuộc xung đột hạt nhân, từng không thể tưởng tượng ra, giờ đã quay trở lại với khả năng có thể xảy ra”, hãng tin RT dẫn lời ông Guterres nói hôm 14/3.

Liên Hợp Quốc cảnh báo xung đột hạt nhân, đàm phán Nga-Ukraine bị hoãn
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 14/3. Ảnh: AP

“Chỉ riêng Ukraine đã cung cấp hơn một nửa lượng lúa mì của Chương trình Lương thực thế giới. Sản lượng dầu hoa cải từ Nga và Ukraine cũng chiếm một nửa sản lượng toàn cầu. Cuộc chiến này đã vượt qua ranh giới của Ukraine. 'Thanh gươm Damocles', tức một hiểm nguy đang cận kề, đang treo lơ lửng trên nền kinh tế toàn cầu, nhất là ở những nước đang phát triển”, ông Guterres nói thêm.

Theo hãng tin RT, các bình luận trên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc có liên quan tới việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng trước đã ra lệnh cho quân đội Nga đặt các lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động cao để sẵn sàng ứng phó với các đe dọa từ NATO.

"Các quan chức cấp cao của những nước đứng đầu NATO đang đưa ra các tuyên bố gây hấn chống lại đất nước chúng ta, do đó, tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga chuyển lực lượng răn đe của quân đội Nga sang chế độ đặc biệt về nhiệm vụ chiến đấu", ông chủ Điện Kremlin khi đó nói.

Về phía các nước phương Tây, một số chính trị gia ở châu Âu và Mỹ đang gây áp lực lên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để thiết lập “vùng cấm bay” ở Ukraine, một động thái thể hiện cam kết của khối quân sự này trong việc bắn hạ máy bay Nga trên không phận Ukraine, qua đó mở ra một cuộc xung đột giữa các siêu cường hạt nhân.

Dù vậy, giới lãnh đạo NATO luôn bác bỏ phương án thiết lập “vùng cấm bay” ở Ukraine, trong khi chính quyền Washington nhiều lần khẳng định rằng họ sẽ không đối đầu với Nga trừ khi có một thành viên trong khối quân sự NATO bị tấn công.

Ở một diễn biến khác, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mykhailo Podoliak cho biết cuộc đàm phán trực tuyến giữa hai phái đoàn Nga-Ukraine đã phải “tạm dừng kỹ thuật”, bởi hai bên cần làm rõ một số vấn đề. “Cuộc đàm phán về hòa bình sẽ tiếp tục vào ngày hôm nay (15/3)”, thông cáo của ông Podoliak đăng trên Twitter nêu rõ.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vào đêm 14/3 đã phê chuẩn loạt đòn trừng phạt thứ tư với Nga.

Hãng tin AP cho biết, thông cáo từ Pháp, quốc gia đang giữ ghế chủ tịch của EU viết rằng khối này đã phê chuẩn một gói trừng phạt “nhằm vào các cá nhân và thực thể có liên quan tới cuộc tấn công nhằm vào Ukraine, cùng một số lĩnh vực trong nền kinh tế Nga”.

Dự kiến, các chi tiết về những lệnh trừng phạt mới trên sẽ được công bố trên trang tin của EU.

Theo hãng AP, EU đã áp nhiều đòn trừng phạt cứng rắn lên nền kinh tế, hệ thống tài chính và giới tài phiệt Nga, ngay cả Tổng thống Vladimir Putin và nhiều quan chức cấp cao khác cũng không ngoại lệ. Hồi tuần trước, EU đã áp lệnh trừng phạt lên 14 nhà tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin và 146 nghị sĩ Nga, đồng thời hạn chế xuất khẩu công nghệ hàng hải và thông tin liên lạc qua radio sang nước này.

Tuấn Trần

NGA-UKRAINE: ALEXANDER DUGIN, THẦY CỦA PUTIN NÓI GÌ VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠI NGA ?

NGUYỄN ĐỨC ĐẠI VƯỢNG/BBC/ BVN 15-3-2022

"Hãy cứ để cho chiến tranh xảy ra, bởi vì kết quả cuộc chiến mới quyết định ai là kẻ thống trị", Alexander Dugin, lý thuyết gia của ông Putin với tư tưởng Đại Nga.

Trong lịch sử nhân loại thì mọi đế chế, để thành hình, đều luôn phải được dẫn dắt bởi khát vọng bao trùm lên các vùng đất mà nó muốn chinh phục.

Lúc loài người đang còn mông muội, thì khát vọng đó thường là ý chí của cá nhân, ví dụ như dã tâm của một vị quân vương hay hoàng đế nào đó trong việc mở rộng lãnh thổ. Ở thời hiện đại thì ước muốn này lại được nâng đỡ bằng một hệ tư tưởng, nơi tổ hợp của các lập luận xuyên ngành và phức tạp.

Dạng lý thuyết này đóng vai trò như kim chỉ nam cho mục đích cuối cùng là ước vọng hình thành đế chế. Thiếu vắng nó, các hành động để cụ thể hoá việc trở thành đế chế sẽ có thể đi sai hướng, rời rạc, nặng tính tự phát và khó thành công.

Alexander Dugin, cha đẻ của lý thuyết Á-Âu (Eurasianism), tác giả của quyển sách "Eurasian Mission: An introdution to Neo-Eurasianism" (Sứ mệnh của chủ nghĩa Tân Âu-Á, 2014), với trọng tâm là Đại Nga, có thể nói là đã vạch ra một hệ tư tưởng vô cùng nguy hiểm đối với hoà bình của thế giới và cho chính nước Nga của ông ta.

Alexander Dugin

Alexander Dugin

Sa đoạ trong lý thuyết này, nước Nga chắc chắn sẽ trở thành phát xít mới.

Alexander Dugin không lên kế hoạch chiến tranh cụ thể, không ra các mệnh lệnh trút bom đạn vào các dân tộc khác, nhưng ông ta định hình suy nghĩ một cách có hệ thống về Đại Nga cho những người Nga đang cầm quyền.

Theo truyền thông phương Tây thì ông Putin xem lý thuyết của Dugin là cẩm nang gối đầu, tức ông này là lý thuyết gia/chiến lược gia của người đứng đầu nhà nước Nga.

Lý thuyết của Dugin vừa đứng độc lập, vừa là sự trộn lẫn giữa 3 luồng tư tưởng lớn mà nhân loại đã chứng kiến trong các thế kỷ 19, 20 và 21 là Tự do, Cộng sản và Phát xít.

Theo lập luận của ông này thì chủ nghĩa Tự do chất chứa trong mình nó đầy rẫy những mâu thuẫn nội tại nên đã suy yếu, và hai chủ nghĩa còn lại là Cộng sản và Phát xít thì nhân loại đã đi qua.

Vì vậy chỉ còn lại luồng tư tưởng thứ 4 của ông ta là Eurasianism, và nó sẽ trở thành hình mẫu cho các cường quốc khác trên thế giới đi theo.

Dugin cho rằng nước Nga là tâm điểm của vòng tròn Slav, trải từ châu Âu sang châu Á. Và rằng, mọi dân tộc Slav khác phải nằm trong vòng tròn này là tất yếu, chịu lực hút từ tâm điểm là Nga.

Và vì sự vĩ đại đó, nước Nga của ông ta không thể chỉ là những cường quốc như Pháp, Đức, Anh, Ý ở châu Âu, bất chấp việc các cường quốc này đã từng là những đế chế rộng lớn trong lịch sử, mà Nga phải là nơi tập hợp các tộc chủng Slav với không gian sống mênh mông, hoặc chí ít ra cũng phải đạt tầm vóc của Trung Quốc và Ấn Độ khi xét về quy mô.

Hiển nhiên rằng, một dã tâm khủng khiếp như vậy thì phải kéo theo các hành động tương xứng để cụ thể hoá nó.

Và như vậy thì các cuộc chiến tranh của Nga trong 2 thập kỷ gần đây tại Chechnya, Gruzia, Crimea, Donbass và giờ đây là Ukraine cũng đã nhận được lời giải đáp tương đối rõ về nguyên nhân sâu xa nhất của nó.

Lâu nay có tồn tại quan niệm theo đó cho rằng vị trí và sứ mệnh Á-Âu đặc thù khiến Nga khác Phương Tây

ẢNH: GETTY IMAGES

Lâu nay có tồn tại quan niệm theo đó cho rằng vị trí và sứ mệnh Á-Âu đặc thù khiến Nga khác Phương Tây.

Bỏ qua lịch sử, chỉ chọn đoạn mình thích

Lý thuyết của Dugin lờ đi tất cả những gì mà lịch sử Nga đã trải qua để có thể du nhập được văn minh phương Tây, điều hoàn toàn nằm ngoài thế giới Slav, mà góp phần quan trọng làm nên một nước Nga kỳ vĩ về mặt lãnh thổ như ngày hôm nay.

Ông ta đã cố tình quên đi việc dưới thời Pierre Đại đế và nữ hoàng Catherine, thì cả thế kỷ người Nga đi học văn minh Tây Âu để thoát khỏi cảnh quý tộc uống rượu bằng bát, để mà sau khi học xong thì xây nên cung điện Peterhof được mệnh danh Versailles thứ 2 của thế giới, để hình thành ra hải quân...

Hình ảnh minh hoạ là như vậy. Không có 100 năm đi học văn minh ngoài thế giới Slav đó, làm sao có Đại Nga để ông ta đang tự hào mà vạch ra Eurasianism hôm nay. Nếu chỉ có duy nhất văn minh Slav, không tiếp thu được văn minh của Anh, Pháp, Phổ, Hà Lan… thì nước Nga của ông ta ngày hôm nay đang ở đâu khi các cơ hội để mở rộng lãnh thổ bằng cách tranh hùng với các đế chế như Ottoman, Thuỵ Điển, Ba Lan… đã trôi đi.

Nhưng, điều quan nhất mà ông ta đã bỏ quên trong lý thuyết Á-Âu của mình là kinh tế - yếu tố sẽ quyết định cuối cùng việc thành hay bại của tư tưởng Đại Nga mà ông ta theo đuổi. Với một nền tảng kinh tế yếu ớt như vậy, Đại Nga sẽ chỉ là ảo vọng và gây đau khổ cho chính nước Nga qua các cuộc chiến tranh với các dân tộc Slav khác để hiện thực tham vọng.

Putin

Nga và Belarus là hai bộ phận quan trọng của liên minh Âu Á do Moscow phụ trách. ẢNH: GETTY IMAGES

Kinh tế sẽ quyết định mọi thiết chế thượng tầng nằm phía phía trên của nó, kể cả các tham vọng chính trị về lãnh thổ.

Xây dựng một lý thuyết để chỉ đường cho tham vọng lớn như vậy, nhưng cha đẻ của nó lại đóng băng, và/hoặc vứt bỏ các yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình phân tích, không sụp đổ thì mới là chuyện kỳ lạ.

Để dự đoán về số phận của lý thuyết Dugin, chúng ta thử xem qua một ví dụ dễ hiểu là lịch sử vệ quốc của Việt Nam: Đại Hán, dân số gấp cả chục lần Đại Nga, văn minh Trung Hoa rực rỡ hơn nhiều lần so với văn minh Slav ngay từ thuở xa xưa, vậy mà đô hộ Việt Nam cả 1.000 năm cũng không đồng hoá nổi. Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… và nhiều vị anh hùng dân tộc khác, tất cả đều đưa Đại Hán về đúng điểm xuất phát như trước khi đến Việt Nam.

"Nước Nga vĩ đại", nhưng với Dugin và với những gì đã và đang diễn ra trong thực tế theo chỉ dẫn từ Eurasianism, làm người đọc buộc phải nhìn nhận lại câu này theo nghĩa: "Đó chỉ là sự vĩ đại nằm đơn thuần ở diện tích đất đai rộng lớn mà thôi"

Bài đã đăng trên trang cá nhân của tác giả và thể hiện quan điểm riêng của người viết. (Tác giả hiện sống tại Hà Nội, VN)

N.Đ.Đ.V.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

XÂM LĂNG UKRAINE, PUTIN ĐÃ STALIN HÓA NƯỚC NGA

THỤY MY/rfi/ BVN 15/3/2022

Khi xua quân xâm lược Ukraine, Vladimir Putin mơ tái lập vinh quang của đế quốc Nga. Nhưng rốt cuộc ông ta đã tự biến mình thành một Stalin của thế kỷ.

Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ngắm một lá cờ phướn thời Liên Xô cũ với hình Lênin và Stalin. Ảnh chụp tại Ivanovo, đông bắc Matxcơva ngày 06/03/2020.

Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ngắm một lá cờ phướn thời Liên Xô cũ với hình Lênin và Stalin. Ảnh chụp tại Ivanovo, đông bắc Matxcơva ngày 06/03/2020. AP - Alexei Nikolsky

Chiến tranh ở Ukraine: Chủ đề của tất cả các tuần báo

Một lần nữa, các tuần báo uy tín tràn ngập bài vở về cuộc xâm lăng Ukraine, từ thông tin, hình ảnh, phân tích cho đến những bài phỏng vấn, khiến người điểm báo choáng ngợp trước hàng trăm trang viết. Le Point đăng ảnh Vladimir Putin ngồi trên ngai vàng với dòng tựa «Kẻ hủy diệt – Đến lượt ai đây?». Ảnh bìa Courrier International là một bà mẹ với hai đứa trẻ, đề cập đến «Cuộc sống sau lưng» - hai triệu người Ukraine đã chạy khỏi đất nước.

Trang nhất L’Express dùng nền đỏ với hình dạng một khuôn mặt phì nộn, chạy tít «Tài phiệt Nga: Giờ tính sổ». L’Obs nói về «Nỗi bàng hoàng chiến tranh» – đó là cũng là tựa bài ghi chép của nhà văn nổi tiếng Emmanuel Carrère, có mặt ở Matxcơva lúc cuộc chiến nổ ra. Riêng The Economist chạy tít lớn «Nước Nga bị Stalin hóa», trên nền màu đỏ chói, chữ Z trong từ «Stalinization» được thay thế bằng một khung nhỏ: đó là chữ Z vẽ trên chiến xa Nga. Tuần báo Anh nhận định, khi nhận ra rằng không thể chiến thắng được ở Ukraine, Vladimir Putin bèn đàn áp dân trong nước.

Dối trá, bạo lực, hoang tưởng: Putin - Stalin của thế kỷ 21

Khi ra lệnh xâm lăng Ukraine, Putin mơ tái lập vinh quang của đế quốc Nga, nhưng rốt cuộc ông ta chỉ dựng lại nạn khủng bố thời Josef Stalin. Không chỉ vì khởi động một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất tại châu Âu kể từ 1939, nhưng còn vì hệ quả của cuộc chiến ấy: Vladimir Putin tự biến mình thành một Stalin của thế kỷ 21, với những dối trá, bạo lực và hoang tưởng hơn bao giờ hết.

Trước hết là tầm mức của lừa dối. Tổng thống Nga nghĩ rằng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ, cho nên ông ta không cần chuẩn bị cho nhân dân về cuộc xâm lăng, và cho những người lính về nhiệm vụ của họ. Sau hai tuần kinh hoàng trên chiến địa, Putin vẫn luôn chối cãi sự kiện ông ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô nhất ở châu Âu kể từ 1945. Để củng cố sự dối trá trắng trợn được tuyên truyền khắp nơi, Putin đóng cửa hầu hết các cơ quan truyền thông độc lập, đe dọa các nhà báo đến 15 năm tù giam nếu không nhắc lại những lời nói láo chính thức, bắt giữ hàng ngàn người biểu tình phản chiến. Khi nhấn mạnh rằng «chiến dịch quân sự» là nhằm «phi quốc xã hóa» Ukraine, truyền hình Nhà nước đang Stalin hóa nước Nga.

Về gu bạo lực của Putin: không giành được một chiến thắng nhanh chóng, Nga bèn gieo sợ hãi bằng cách bỏ đói những thành phố Ukraine và oanh kích bừa bãi. Hôm 09/03, Nga không kích vào một bệnh viện phụ sản ở Marioupol. Nếu Putin gây tội ác chiến tranh nơi những người anh em Slave mà ông ta vẫn ca ngợi trong những bài viết, thì cũng sẵn sàng tàn sát trong nước.

Và để ước lượng mức độ hoang tưởng của ông Putin, hãy hình dung chiến tranh sẽ chấm dứt như thế nào. Hỏa lực Nga mạnh hơn Ukraine nhiều, quân Nga đang tiến, nhất là về phía nam, Nga có thể chiếm được thủ đô Kiev. Tuy nhiên cho dù chiến tranh có thể kéo dài nhiều tháng nữa, khó thể coi Vladimir Putin là kẻ chiến thắng.

Putin làm nước Nga suy sụp, tiêu diệt giai cấp tư sản

Giả sử Nga áp đặt được một chính phủ bù nhìn, Matxcơva không đủ tiền và cũng không đủ quân để đồn trú dù chỉ trên phân nửa lãnh thổ Ukraine. Lý thuyết quân sự Mỹ khẳng định để đối phó với các vụ nổi dậy – mà lần này, còn được NATO ủng hộ – quân chiếm đóng cần 20 đến 25 lính trên 1.000 dân, nhưng Nga chỉ có khoảng 4. Còn nếu không dựng lên được những con rối, thì phải thương lượng hòa bình với Ukraine, nhưng ông ta lại không hề muốn. Vả lại, Putin sẽ làm gì nếu sau cuộc chiến này Ukraine lại hướng về phương Tây? Xâm lược lần nữa chăng?

Thực tế là khi tấn công Ukraine, Vladimir Putin đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Ông ta đã hủy hoại danh tiếng của quân đội Nga – tưởng chừng là tuyệt vời nhưng lại tỏ ra kém cỏi trước một lực lượng yếu hơn, trang bị tệ hại hơn nhưng vô cùng dũng cảm. Nga bị mất hàng núi thiết bị quân sự, thiệt mất hàng ngàn quân, chỉ trong hai tuần lễ số lính Nga tử trận đã gần bằng thiệt hại của quân Mỹ tại Irak từ năm 2003.

Putin làm nước Nga suy sụp vì bị trừng phạt. Ngân hàng trung ương không có được ngoại tệ mạnh để hỗ trợ hệ thống ngân hàng và ổn định đồng rúp, nhiều thương hiệu nổi tiếng như Ikea, Coca-Cola đã đóng cửa, một số mặt hàng sẽ phải bán phân phối. Phương Tây không xuất những linh kiện quan trọng, dẫn đến đóng cửa các nhà máy. Trừng phạt về năng lượng tuy còn hạn chế, sẽ khiến số ngoại tệ Nga cần đến để nhập khẩu teo tóp dần.

Và, cũng như Stalin, Putin đang tiêu diệt giai cấp tư sản, động cơ quan trọng cho việc hiện đại hóa đất nước. Thay vì bị tống vào gulag, họ đang bay đến những thành phố như Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Yerevan (Armenia). Những người chọn lựa ở lại sẽ bị bóp nghẹt tự do ngôn luận, [không còn] tự do hội họp; bị vùi dập bởi lạm phát cao và kinh tế rối loạn. Chỉ trong vỏn vẹn hai tuần lễ, họ đã bị mất đi nước Nga.

Kém thế so với Stalin thời trước, Putin sợ bị đảo chánh

Stalin trị vì một nền kinh tế đang phát triển, và dù sát hại vô số người, ông ta đưa ra một ý thức hệ thực sự. Sau khi bị quốc xã tấn công, đế chế của Stalin được cứu vãn nhờ sự hy sinh vô bờ bến của đất nước. Putin không hề có những lợi thế này. Không chỉ thất bại trong một cuộc chiến do ông khởi động, mà còn làm nhân dân nghèo đi, thiếu một cốt lõi ý thức hệ. «Chủ nghĩa Putin» chỉ là sự pha trộn giữa dân tộc chủ nghĩa và Chính thống giáo cho khán giả truyền hình. Ở những vùng đất Nga trải rộng trên 11 múi giờ, người ta đã xầm xì về cuộc chiến của Matxcơva.

Khi thất bại của Putin bắt đầu rõ dần, nước Nga sẽ bước vào thời điểm nguy hiểm nhất trong cuộc xung đột. Các phe phái sẽ quay lại đổ lỗi cho nhau. Putin sợ bị đảo chánh, không tin tưởng ai cả và có thể phải đấu tranh để giữ ghế. Ông ta có thể cố xoay chuyển tình hình bằng cách khủng bố Ukraine với vũ khí hóa học, thậm chí vũ khí nguyên tử. Phương Tây phải cố vạch trần sự dối trá của Putin, nêu ra sự thật – các tập đoàn công nghệ đã sai khi chấm dứt hoạt động tại Nga, khiến chế độ kiểm soát được toàn bộ luồng thông tin.

Theo The Economist, NATO nên tiếp tục vũ trang cho chính phủ Volodymyr Zelensky, mạnh tay trừng phạt về dầu khí. Và phương Tây cần cố gắng kềm lại sự hoang tưởng của Putin, NATO tuyên bố chỉ hành động nếu Nga tấn công trước. Cho dù rất muốn có một chính phủ mới ở Matxcơva, đó là nhiệm vụ của nhân dân Nga. Trong khi nước Nga suy sụp, Vladimir Putin bị cô lập và coi như đã chết về mặt đạo đức, Volodymyr Zelensky đã chinh phục được Ukraina và thế giới. Nga cần đến một người như thế, một khi đã tự giải phóng khỏi Stalin của thế kỷ 21.

Tài phiệt Nga có dám chống lại ông chủ điện Kremlin?

L’Express đặt vấn đề “Tài phiệt Nga vào thời điểm bị trừng phạt… và nổi dậy?”. Có hai thế hệ đại gia khác nhau. Thế hệ thứ nhất, trong số bảy “ông chủ nhà băng” chiếm phân nửa tài sản đất nước vào cuối thập niên 90, chỉ có hai tồn tại, những người khác phải lưu vong hoặc vào tù.

Sai lầm của họ là coi người kế nhiệm của Boris Eltsine là một con rối mới. Putin áp đặt luật chơi: không hợp đồng nào được ký nếu Kremlin không bật đèn xanh, các tỷ phú muốn làm gì thì làm nếu không dính líu vào chính trị. Thế hệ thứ hai là những người thân tín của ông chủ điện Kremlin và tay sai.

Liệu trừng phạt có thúc đẩy giới tài phiệt này chống lại một Putin cứ khăng khăng đến cùng hay không? Nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaya, Trung tâm Carnegie không tin vào giả thiết này, vì tất cả đều lệ thuộc Putin, những gì họ sở hữu có thể tiêu tan nếu Tổng thống mất ngôi. Trừ một nhúm tướng lãnh và tình báo, không ai được tham khảo hay thông báo trước khi chiến tranh diễn ra, các tài phiệt này phải thích ứng để sống sót, nhưng không ai bày tỏ ý kiến. Putin không chỉ gây ngạc nhiên cho những người thân cận mà còn làm họ sợ hãi.

Trên L’Obs, nhà đối lập Serguei Parkhomenko cho rằng, “Trong mỗi người Nga, có một cuộc chiến tranh nho nhỏ giữa tivi và cái tủ lạnh”. Nói cách khác, người dân bị kẹt giữa tuyên truyền láo khoét của chính quyền, và những khó khăn ngày càng lớn để nuôi sống gia đình. Đồng rúp đã mất phân nửa giá trị, một chục trứng nay chỉ còn có 9 và sắp tới là 8, thỏi bơ 250 gam chỉ nặng 190 gam… Ông không loại trừ khả năng đến một lúc nào đó dân chúng đứng lên lật đổ chế độ Putin.

Khả năng Putin mở màn chiến tranh nguyên tử

“Chiến tranh nguyên tử: Putin có khai hỏa đầu tiên hay không?”, đó là đầu đề bài viết của The Sunday Times, được Courrier International dịch lại. Từ khi Tổng thống Nga thông báo đặt lực lượng răn đe trong “tình trạng cảnh báo đặc biệt”, thế giới sống trong khủng hoảng. Nga sở hữu 4.447 đầu đạn nguyên tử, nhiều nhất thế giới, trong đó có 1.588 là đầu đạn chiến lược, bố trí trên mặt đất, tàu ngầm và căn cứ không quân, có thể phá hủy cả một thành phố, chưa kể tác động phóng xạ sau đó. Bên cạnh đó là những đầu đạn chiến thuật có sức công phá ít mãnh liệt hơn.

“Tình trạng cảnh báo đặc biệt” là gì? Trong khi Hoa Kỳ có năm mức độ Defcon (DEFense readiness CONdition, tức “tình trạng chuẩn bị phòng vệ”), Nga có bốn cấp độ báo động. Putin có thể đã ký lệnh chuyển từ cấp 1 (bình thường) sang cấp 2 (cao). Cấp 3 (nguy hiểm) chỉ khi nào Nga cảm thấy bị đe dọa tấn công nguyên tử và cho phép đáp trả, và giai đoạn cuối cùng, cấp 4 (tổng lực) là chiến tranh hạt nhân đang diễn ra. Tại đa số các nước có vũ khí nguyên tử, phải hai người mới kích hoạt được thủ tục, và có thể tại Nga cũng chẳng có “nút bấm đỏ” để Putin ấn tùy ý. Ông ta sẽ phải ra lệnh cho tổng tư lệnh quân đội, và vị tướng này chuyển cho người trực tiếp phụ trách.

Có thể chặn một hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử hay không? Phương Tây sẽ biết ngay nếu Vladimir Putin quyết định cho bắn, những dấu hiệu hồng ngoại sẽ được vệ tinh nhận ra. Các hệ thống khác nhanh chóng tính toán quỹ đạo hỏa tiễn, giúp bộ tham mưu Anh, Mỹ biết được mục tiêu của nó. Trong cuộc tập trận thường niên Formidable Shield của NATO ngoài khơi Scotland, các đồng minh đã dự trù tình huống này. Tuy nhiên một số chuyên gia tự hỏi liệu hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo của Mỹ có chặn được cùng lúc nhiều tên lửa hay không, vì sẽ có nhiều chiếc được bắn đi cùng lúc để đánh lạc hướng.

Ngọn lửa hạt nhân, vũ khí của tuyệt vọng

Đối với Le Point, “Ngọn lửa hạt nhân là vũ khí của tuyệt vọng”. Kẻ độc tài ở Matxcơva sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, kể cả trận đại hồng thủy nguyên tử, để đạt bằng được mục đích chiến tranh, đó là buộc Ukraine phải đầu hàng.

May mắn là vụ oanh kích nhà máy điện nguyên tử Zaporijia lớn nhất châu Âu đã không gây ra thảm họa, “đặt dấu chấm hết cho Lịch sử” – theo cách nói của Tổng thống Ukraine, Zelensky. Chỉ trong vài ngày, Vladimir Putin đã hủy hoại vị thế đối tác của nước Nga, nhưng ông ta bất chấp. Putin có thể đi xa đến đâu? Phương Tây chỉ còn cách chờ đợi một phép lạ, chẳng hạn ông chủ điện Kremlin bị lật đổ. Nhưng chỉ trông chờ vào phép lạ thì không thực tế: nếu Putin cảm thấy bị dồn vào chân tường, ông ta có thể làm càn. Dù vậy, cần phải kiên quyết bảo vệ lợi ích và các giá trị trước Putin, mà cuộc chiến đấu vì tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina là minh chứng.

Theo triết gia Vasyl Cherepanyn trên Les Echos cuối tuần, “Cuộc cách mạng ở Ukraine là cơn ác mộng tệ hại nhất của Kremlin”. Chiến tranh là “phút nói thật”, qua cách phản ứng, người ta trưng ra bộ mặt thật của mình. Volodymyr Zelensky, một nhân vật không kinh nghiệm chính trường, khi cuộc chiến nổ ra đã chứng tỏ bản lãnh của một nhà lãnh đạo dũng cảm, dám đối đầu với quân đội thứ nhì thế giới. Sai lầm lớn nhất của Putin là không hiểu rằng đã gây chiến với 44 triệu người Ukraine đã trở thành một Maidan (*) duy nhất.

Bước lùi vĩ đại khi Nga bị quốc tế trừng phạt

Trên L’Obs, nhà văn Pháp Emmanuel Carrère thuật lại tuần lễ đầu tiên tại Matxcơva, sau khi Putin xâm lăng Ukraina: tác động của trừng phạt lên đời sống người dân Nga, cảm giác về một “bước lùi vĩ đại”.

Chỉ trong vài ngày, người ta như sống lại thời kỳ Đại khủng bố của Stalin. Những người quen yêu cầu nhà văn không viết gì cả để họ khỏi liên lụy, không có phương tiện liên lạc nào là an toàn. Nói hoặc viết từ “chiến tranh” thay vì “chiến dịch quân sự đặc biệt”: ba năm tù, có thể năm đến mười năm nếu trong khuôn khổ một nhóm trên internet, mười lăm năm đến gây “hậu quả công khai”. Trên truyền hình Nga chỉ có những chương trình vô thưởng vô phạt, không hề thấy xe tăng, nhà cháy, người bị thương…

Trong giới trung lưu Nga, có những người tìm cách sang Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ…Xe lửa sang Phần Lan chật ních người, đường bộ kẹt cứng. May mắn là bạn ông đã mua giúp chiếc vé đi Istanbul, ngay hôm sau giá vé tăng gấp 20 lần trên thị trường chợ đen và sau đó không còn mua được. Thẻ tín dụng không còn xài được, phải tìm đến các máy rút tiền của những ngân hàng nhỏ chưa bị trừng phạt, nhưng cũng không thể. Suýt nữa nhà văn bị kẹt lại Nga vì không có tiền trả taxi ra sân bay, nếu một người bạn không giúp cho một ít tiền mặt. Người dân Nga chuẩn bị nói lời vĩnh biệt với iPhone và hàng hiệu, một cuộc sống thiếu vắng những mặt hàng quen thuộc, không ra được nước ngoài. Những người dám xuống đường phản chiến bị bắt nhốt. Một người bạn Nga nói: “Người Ukraina là những anh hùng, còn người Nga chúng tôi sống trong sợ hãi”.

Trung Quốc, kẻ đồng lõa với Nga và thủ lợi trong chiến tranh Ukraina

Trung Quốc, với “tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi” tuyên bố hôm 04/02, có giúp gì được cho Nga? Theo Le Point, rõ ràng Bắc Kinh đồng lõa với Matxcơva trong cuộc xâm lăng này. Nhiều người trong đó có nhà lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell cho rằng chỉ có Tập Cận Bình mới có thể khuyên giải được Vladimir Putin. Tuy nhiên Bắc Kinh chưa hề dùng từ “xâm lăng” đối với cuộc chiến Ukraina, và mới đây Vương Nghị còn nhắc lại mối quan hệ Nga-Trung “vững như bàn thạch”.

Theo New York Times, từ cuối 2021 Hoa Kỳ đã chuyển tin tức tình báo về việc Nga chuẩn bị xâm lược Ukraina, với hy vọng Bắc Kinh sẽ ngăn chặn, nhưng thay vào đó, Trung Quốc lại báo cho Nga là Mỹ muốn “chia rẽ” đôi bên. South China Morning Post cho biết hôm Putin gặp Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch, nhưng Tập yêu cầu đợi đến khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh kết thúc hôm 20/02. Ngay hôm sau, tổng thống Nga đã đưa ra giọng điệu tương đương với tuyên bố chiến tranh.

Một dấu hiệu nữa: Đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev hôm 24/02 khuyến cáo Hoa kiều nên treo cờ Trung Quốc. Có nên trưng ra lá cờ trước kẻ tấn công trong một Ukraina bị xâm lược? Chỉ có thể là Bắc Kinh cũng như Putin ngỡ rằng Ukraina sẽ sụp đổ trong vài giờ, hoặc vài ngày, và lá cờ đỏ có năm ngôi sao vàng sẽ bảo đảm cho người Hoa được “quân giải phóng” Nga bảo vệ.

Về tài chính, Trung Quốc phải tính toán để không dính đòn trừng phạt của phương Tây, và trong hậu trường, sẵn sàng thủ lợi nhờ Nga bị cấm vận. Không còn sử dụng được Visa và Mastercard, các ngân hàng Nga đã phải quay sang UnionPay của Trung Quốc. Khí đốt Nga qua đường ống Force de Sibérie 2 chỉ có thể hoạt động từ 2024, tiêu thụ của Trung Quốc không thay thế được lượng bán cho châu Âu. Về quân sự, theo The Economist, Bắc Kinh theo dõi sát để thu thập kinh nghiệm từ những thất bại của Nga cho hồ sơ Đài Loan trong tương lai.

T.M.

Nguồn: rfi.fr/vi

-----

(*) Quảng trường Độc lập (tiếng Ukraina: Майдан Незалежності) ở Kiev, nơi bắt đầu cuộc biểu tình ủng hộ Liên minh châu Âu ở Ukraina năm 2013, khi công dân Ukraine xuống đường biểu tình khi trước đó cùng ngày Chính phủ Ukraine tuyên bố hoãn việc ký kết một thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với Liên minh châu Âu "nhằm đảm bảo an ninh quốc gia". Những người biểu tình cổ vũ cho quan hệ gần gũi hơn với EU và cho rằng động thái của Chính phủ Ukraine là không dân chủ, ảnh hưởng đến đời sống của họ. Chẳng bao lâu thì những đòi hỏi lan rộng ra kêu gọi Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych và Chính phủ của Thủ tướng Azarov từ chức. [BVN chú thích]

DÙNG LUẬT ĐÁNH PUTIN

BS TRẦN VĂN TÍCH/ BVN 15-3-2022

Cả thế giới đang cùng nhau đánh Putin dưới nhiều hình thức. Nhưng tôi chú ý đặc biệt đến sự kiện ngày thứ năm 10.03, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris nhân dịp công du Ba Lan đã kêu gọi truy tố Putin ra các toà án quốc tế. Đối với tôi, hành động này có tính cách đặc biệt vì nó không theo lệ thường. Theo lệ thường là đi biểu tình hô khẩu hiệu trương biểu ngữ, là lạc quyên tiền bạc yểm trợ hay đóng góp vật dụng giúp đỡ Ukraine, là viết báo đả kích Putin, là tẩy chay như giới túc cầu tẩy chay các trận đấu với các đội Nga, là sa thải những thành phần thân Putin trong các cơ sở hãng xưởng, là đóng cửa rút nhà máy sản xuất ra khỏi nước Nga. Tuy nhiên các biện pháp này không nhiều thì ít mang tính cách tượng trưng; có khi chúng còn vô hình trung đánh vào dân Nga mà dân Nga thì đang bị Putin lừa dối một cách bỉ ổi bẩn thỉu. Chẳng hạn trong giải túc cầu Europa Leagues, đội RB Leipzig của Đức được sắp xếp tranh giải với đội Nga Spartak Moscow nhưng tổ chức túc cầu Liên Quốc Âu châu FIFA chủ trương loại bỏ các đội Nga nên RB Leipzig không phải đá tranh giải mà đương nhiên được vào bán kết. Putin đánh Ukraine chứ đội túc cầu Nga Spartak Moscow có cầu thủ nào tham gia chiến sự bên Ukraine đâu! Markus Gisdol là huấn luyện viên Đức của đội banh Lokomotive Moscow. Gisdol tuyên bố từ chức tức khắc, không phụ trách huấn luyện đội Lokomotive Moscow nữa vì Putin đánh Ukraine. Putin đánh Ukraine chứ Lokomotive Moscow đâu có đánh Ukraine! Ngay cả tham dự chiến đoàn tình nguyện gia nhập quân đội Ukraine cũng không đánh Putin được trực tiếp vì y đang tạm yên thân sống đâu đó bên nước Nga của y.

Nhưng Bà Kamala Harris thì lại đánh trực tiếp, đánh đích thân, đánh vỗ mặt, đánh chính diện, chỉ mặt mà đánh, nêu tên mà đánh Putin qua lời tuyên bố Hoa Kỳ đang nghĩ đến biện pháp sử dụng công pháp quốc tế để trừng trị tên tội phạm nhân loại Putin, để đưa tên hung thủ Putin ra trước vành móng ngựa hai toà quốc tế là Toà án Công lý Quốc tế và Toà án Hình sự Quốc tế. Chính thị Putin chứ không phải người nào khác. Mà Bà Kamala Harris là chuyên gia về luật học, bà từng đỗ bằng Tiến sĩ luật khoa và từng trải qua quá trình hoạt động với tư cách công tố viên.

Họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, nữ Phó Tổng thống Hoa Kỳ tố cáo Nga phạm những điều tàn ác (atrocities) trong hai tuần xâm lược Ukraine vừa qua; Bà nhấn mạnh là cộng đồng quôc tế đã có dịp nhìn tận mắt (been able to see) những tội ác của quân Nga qua hình ảnh và video chụp hay quay tại những trung tâm thị trấn bị tàn phá của Ukraine. Bà Kamala Harris tuyên bố Hoa Kỳ cần tham gia những vụ điều tra của Liên Hiệp Quốc nhằm chứng minh Nga có vi phạm tội ác chiến tranh khi xua quân xâm chiếm Ukraine hay không.

Kiev nộp đơn kiện Putin và Nga tại Toà án Công lý Quốc tế, trụ sở đặt tại The Hague, Hoà Lan về tội diệt chủng ngày 26.02 . Toà họp ngày 07.và 08.03 nhằm mở phiên xử án. Chưa bao giờ Toà án Công lý Quốc tế công nhận tố quyền của một quốc gia nguyên đơn và tiến hành thủ tục tố tụng một cách nhanh chóng như vậy. Toà án Công lý Quốc tế là International Court of Justice, ICJ, Cour Internationale de Justice. Nguyên đơn tố cáo Putin và đồng bọn phạm tội diệt chủng ở Ukraine. Nga từ chối xuất hiện trước toà, khiến Toà rất lấy làm tiếc. Lập luận của Nga là: không có diệt chủng do Nga gây ra, như thế chẳng thể nào triệu tập phiên toà để xử tội diệt chủng. Tuy nhiên Toà án đã căn cứ vào nhiều vụ thả bom nhắm vào nhà cửa của dân chúng, chẳng hạn tại thành phố Irpin, phía bắc Kiev, và như vậy là vi phạm công pháp quốc tế. Cho nên phía Ukraine thay đổi chiến lược: yêu cầu Toà ra án lệnh bắt buộc Putin ngưng xâm lăng Ukraine, trước khi tiến hành các bước điều tra kế tiếp. Ngoài ra, Kiev cũng đi tìm công lý tại các toà án cấp quốc gia và cấp liên quốc khác. Kiev đã lập thủ tục truy tố Putin tại Toà án Âu Châu chuyên về Nhân quyền.

Toà án Quốc tế thứ hai tham gia truy tố Putin là Toà án Hình sự Quốc tế, International Criminal Court, ICC, Cour Pénale Internationale, trụ sở cũng ở The Hague, Hoà Lan. Toà án Hình sự Quốc tế hoạt động trên cơ sở của Quy chế La Mã, Rome Statute. Chính quyền Clinton ký vào Rome Statute năm 2000 nhưng không đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Chính quyền George W. Bush là chính quyền tại chức vào thời điểm Toà án Hình sự Quốc tế được khai sinh, tuyên bố sẽ không tham gia Toà án. Chính quyền Obama tái lập hoạt động cộng tác với Toà án Hình sự Quốc tế qua tư cách một quan sát viên. Toà án Hình sự Quốc tế hiện có 123 quốc gia tham gia và chỉ nhận đơn kiện do các quốc gia đệ nạp. Trong vụ truy tố Putin, chủ xướng là Anh quốc và các nước đồng thuận đứng đơn kiện Putin có Đức, hầu hết các nước thuộc Liên Âu, Canada, New Zealand, Costa Rica, Thuỵ sĩ; tất cả có 39 quốc gia cùng nhau ký vào cáo trạng nguyên đơn. Karim Khan, Công tố viên Đặc trách của Toà tỏ ra bằng lòng vì có đủ dữ kiện căn bản để điều tra về các khía cạnh tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại mà Putin và phe đảng đã phạm tại Ukraine. Phạm vi trách nhiệm pháp lý của Toà án Hình sự Quốc tế gồm bốn lĩnh vực: tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, tội ác diệt chủng và tội ác xâm lược. Cả thế giới đều thấy rõ Putin là một kẻ gây chiến tấn công xứ Ukraine. Khi Toà họp ngày 07.03, Nga không gửi đại diện đến tham dụ theo thư mời của Công tố viện. Alexander Shulgin, Đại sứ của Nga tại Hoà Lan, viết thư cho Toà án và cho biết quốc gia của Bà không có ý định tham gia các phiên toà. Anton Korynavych, Đại diện của Ukraine tại Toà án đả kích sự vắng mặt của Nga tại Toà án. Ông ta nói: “Sự kiện chiếc ghế của Nga bỏ trống nói lên tất cả. Người Nga không có mặt tại đây, họ đang có mặt trên các mặt trận nhằm gây nên chiến tranh xâm lược nước chúng tôi. Đó cũng là cách thức Nga giải quyết tranh chấp.“

International Criminal Court không thể truy nã Putin trên đất Nga. Nhưng nếu Putin xuất ngoại sang một quốc gia công nhận luật thẩm quyền tài phán quốc tế thì y có thể bị bắt giữ. Hoặc nếu Putin bị phe đối lập đảo chánh và mất chức thì chính phủ kế tiếp có thể giải giao y cho The Hague. Hoặc cũng có thể xảy ra trường hợp Liên Hiệp Quốc thiết lập một toà án đặc biệt dành cho Nga-Putin trong vụ xâm lược Ukraine, như tiền lệ đã xảy ra đối với xứ Rwanda, xứ Nam Tư cũ, xứ Sierra Leone, xứ Liban, xứ Kenia và cả Cao Miên (xử Pon Pot và đồng bọn vì tội genocide). Tuy nhiên Nga có thể sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

*

Những chính khách, những kẻ cầm quyền phạm tội ác đối với nhân loại không được hưởng quyền bất khả xâm phạm mà có thể bị truy tố trước các toà án quốc tế, liên quốc hay quốc gia trong khuôn khổ luật thẩm quyền tài phán phổ biến, universal principle, universal jurisdiction, loi de compétence universelle, Weltrechtsprinzip. Cho nên:

Henry Kissinger, Colin Powell, Donald Rumsfeld đã bị truy tố trước các pháp đình Anh và Pháp nên hoặc đã phải huỷ bỏ các chuyến du hành sang Châu Âu hoặc đã phải bỏ dở các chuyến du hành đó và trở về nước sớm hơn dự định.

Augusto Pinochet đã bị bắt giam tại Luân Đôn tháng 10.1998 do phán quyết của các Law Lords tức Tối cao Pháp viện Anh quốc.

Tháng Tư năm 2012, mười kiều dân Bỉ gốc Guinée tỵ nạn tại Bỉ nộp tố trạng cho Công tố viện Vương quốc Bỉ để yêu cầu truy tố một số chính khách người Guinée và được nền công lý Bỉ chấp đơn.

Những người Trung Hoa tu tập theo Pháp luân công ở nhiều quôc gia trên thế giới đã tố cáo bè lũ cầm quyền Trung cộng về nhiều tội. Tháng 11.2009, Giang Trạch Dân và bốn Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa bị Thẩm phán Toà án Quốc gia Tây Ban Nha Ismael Moreno truy tố về tội ác diệt chủng và tra tấn các học viên tu tập theo Pháp luân công ở Bắc Kinh, Liêu Ninh, Sơn Đông.

Tháng 12.2009, Thẩm phán Liên bang xứ Argentine Octavio Aaroz de Lamadrid đã kết án Giang Trạch Dân và Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị La Can vì hai tội diệt chủng và tra tấn.

Còn rất nhiều án lệ khác nữa.

Cộng hoà Liên bang Đức có bộ luật Völkerstrafsgesetzbuch (VstGB). Bộ luật này được biểu quyết ngày 26.06.2002 và có hiệu lực kể từ ngày 30.06.2002. Nó nhằm theo đuổi, điều tra, truy tố, trừng phạt các tội trạng diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh (genocide, crimes against humanity, war crimes). Công dân bất cứ nước nào cũng có tố quyền. Tội ác xảy ra tại bất cứ quốc gia nào cũng có thể bị truy tố.

Ngày 01.03.2011, lần đầu tiên pháp đình Đức quốc vận dụng Weltrechtsprinzip để xét xử công dân xứ Rwanda tên Ignace Murwanashyaka, cư trú tại thị trấn Mannheim, về các tội chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội tham gia tổ chức khủng bố Force Démocratique de Libération du Rwanda. Thụ lý vụ án là Toà Thượng thẩm tiểu bang Baden-Württemberg ở thành phố Stuttgart.

Ngày 21.05.2015, Toà án Tối cao Liên bang Đức Bundesgerichtshof ở Karlsruhe xử Onesphore Rwabukombe cũng người xứ Rwanda về tội tàn sát hơn 400 người trong một ngôi nhà thờ.

Báo chí Đức và đài truyền thanh truyền hình Đức đồng loạt đưa tin ngày 09.03.2022 là Tổng Uỷ viên Công tố Liên bang ở Karlsruhe bắt tay ngay lập tức vào công việc thu thập một cách có hệ thống các dữ kiện liên quan đến tình huống có thể Putin và bè lũ đang phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Nguyên nhân đưa đến điều tra là các bản tin liên quan tới những vụ tấn công các khu dân cư, các bệnh viện cùng các cơ sở dân sự đồng thời với sự sử dụng bom rải, sát thương trên diện tích rộng lớn. Giai đoạn sơ khởi có mục tiêu gom góp bằng chứng mà không nhắm cụ thể vào cá nhân phạm tội. Đối tượng cung cấp bằng chứng là những người tỵ nạn Ukraine, đang đến Đức mỗi ngày mỗi đông hơn.

*

Không phải chỉ một mình Phó Tổng Thống Kamala Harris tuyên bố phải dùng các toà án quốc tế để truy tố tên tội phạm nhân loại Vladimir Putin mà Tổng thống Joe Biden cũng từng nói như vậy. Hình sự tài phán quốc tế vốn đã có những án lệ rất đa dạng và cụ thể. Nhiều tội nhân chính trị đã bị kết án và có kẻ đã đền tội trước nền công pháp quốc tế.

Thực trạng về mối giao hảo giữa chính quyền Hoa Kỳ và các toà hình sự liên quốc như International Criminal Court hay International Court of Justice vốn phức tạp. Phó Tổng thống Kamala Harris biết rõ điều đó. Lên tiếng tại một diễn đàn quốc ngoại, lên tiếng bên cạnh một nguyên thủ quốc gia bằng hữu, Phó Tổng thống đã nêu vấn đề tuy rất tổng quát nhưng cũng rất dứt khoát. Phó Tổng thống đã nói lên tiếng nói được nhiều người trông đợi.

Hoà điệu cùng Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, ngày 02.03.2022, Bà Iratxe García, Trưởng khối Dân chủ Xã hội thuộc Quốc hội Liên Âu, tuyên bố: “Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi chừng nào Putin còn chưa bị kết án tội phạm chiến tranh.“

Riêng công việc cụ thể – kết tội Putin – thuộc thẩm quyền các cơ quan tư pháp có nhiệm vụ theo dõi, truy tố và xét xử các vụ phạm pháp và kiện tụng.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

LIỆU TRUNG QUỐC CÓ ĐỨNG RA NGĂN CẢN CUỘC XÂM LƯỢC CỦA NGA?

CHI PHƯƠNG/rfi/BVN 15-3-2022

Nga đã yêu cầu viện trợ kinh tế và quân sự từ Trung Quốc hôm Chủ Nhật 13/03/2022,  để tiến hành cuộc chiến ở Ukraina và tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Washington lập tức cảnh báo Trung Quốc không nên hỗ trợ Maxtcơva dưới bất cứ hình thức nào. Được xem là đồng minh có sức mạnh tương đương với Nga, đâu là quan điểm của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraina, giúp Nga tiếp tục tham chiến hay đứng ra can ngăn?

Liệu ai có thể chấm dứt chiến tranh  Ukraina?  Châu Âu và các nhà ngoại giao Mỹ đã làm việc tích cực để kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ. Họ hy vọng rằng đất nước được cho là đủ mạnh và gần gũi với Nga có thể thay đổi kế hoạch của Vladimir Putin. Vào ngày 8/3, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về chiến tranh và hi vọng rằng ông Tập có thể chủ động tham gia với tư cách là bên trung gian để đưa ra thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Thế nhưng có vẻ như không ai còn hy vọng vào điều này.

Trung Quốc cũng bị tổn hại do chiến tranh Ukraina

Cuộc chiến mà Nga châm ngòi, không nghi ngờ gì nữa, tác động xấu đến Bắc Kinh. Lượng dầu khí mà Trung Quốc nhập khẩu lớn hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Cuộc khủng hoảng Ukraina đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Bắc Kinh cần nguồn cung năng lượng, kim loại và khoáng sản để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp để nuôi sống khoảng 1,4 tỷ dân của mình. (Cả Nga và Ukraina đều là những nhà cung cấp lúa mì và các sản phẩm lương thực khác. Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng, tùy thuộc vào việc chiến tranh kéo dài trong bao lâu, cuộc xung đột này có thể khiến giá lương thực tăng 8 % đến 20 % vào năm nay). Kể từ khi quân đội Nga tràn sang lãnh thổ Ukraina, Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác phải trả giá đắt hơn nhiều cho các nguồn nguyên liệu kể trên.

Trong tuần qua, Trung Quốc thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây “sẽ ảnh hưởng đến tài chính toàn cầu, năng lượng, giao thông vận tải và làm bất ổn chuỗi cung ứng, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch”. Bằng việc công khai đổ lỗi các lệnh trừng phạt tạo ra những biến động nêu trên, ông Tập cẩn thận, tránh đề cập, quy trách nhiệm cho Putin, nhưng ông biết rằng gây chiến ở Ukraina là một lựa chọn, ông cũng biết ai đưa ra lựa chọn này.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina cũng tổn hại đến uy tín quốc tế của Trung Quốc. Tập Cận Bình hiểu rằng châu Âu và Hoa Kỳ sẵn sàng cáo buộc Trung Quốc là đồng phạm của Nga. Vào tháng trước tại dịp lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, ông Tập và ông Putin đã gặp nhau và thể hiện rõ ràng “tình bạn mới nổi” của cả hai. Bắc Kinh và Matxcơva đưa ra tuyên bố chung khẳng định rằng quan hệ của họ “không có giới hạn” nào. Hai tuần sau đó, Nga xâm lược Ukraina. Nếu như ông Tập biết được Putin nghĩ gì, thì điều này nói lên được gì về thể loại quan hệ đối tác trong tương lai mà Trung Quốc có thể thực hiện với châu Âu và Mỹ? Hoặc Tập Cận Bình có thể làm gì ở châu Á?

Cuối cùng, cuộc chiến của Nga ở Ukraina đã làm thay đổi các yếu tố địa chính trị, bất lợi cho Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc, quốc gia khổng lồ mới trỗi dậy, đã được hưởng lợi rất nhiều từ những bất đồng giữa châu Âu và Mỹ liên quan đến việc tạo ra một thế giới như thế nào và đâu là cách tốt nhất để bảo vệ thế giới đó.

Nguy cơ NATO ở châu Á

Ba thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều nước phương Tây, bao gồm cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ, đã đặt câu hỏi về mục đích và giá trị của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này đã làm giảm bớt nguy cơ cho Trung Quốc về việc có thể các lãnh đạo phương Tây sẽ mở rộng NATO sang châu Á hoặc làm việc với các đối thủ của Trung Quốc để xây dựng một liên minh tương tự như NATO nhằm dập tắt tham vọng khu vực của Trung Quốc. Thế nhưng, chiến tranh Ukraina ngay lập tức đã tạo ra sự đoàn kết giữa châu Âu và Mỹ và cả trong nội bộ châu Âu. Đây là điều chưa từng xảy ra từ những năm 1980. Sự thống nhất này đã vạch ra cho NATO một mục đích rõ ràng hơn và tạo ra một “cảm giác cấp bách mới“, đồng thời đặt ra câu hỏi cho Washington và các đồng minh châu Âu về cách mà Trung Quốc có thể làm để gây bất ổn cho châu Á cũng giống như việc mà Nga đang làm ở sườn đông châu Âu.

Với những lý do trên, chiến tranh Ukraina kết thúc sớm là điều có lợi cho Trung Quốc.

Động cơ hỗn hợp

Nhưng Trung Quốc có nhiều động cơ đan xen nhau. Trong khi Putin đang làm việc không mệt mỏi trong những năm gần đây để gây mất ổn định cho các nước láng giềng nào không chịu hoặc ít hợp tác với Matxcơva và vạch lại các ranh giới thời hậu Chiến tranh Lạnh thì Trung Quốc lại thu được lợi nhiều từ thực tế nguyên trạng quốc tế. Cho dù ông Tập có thích hay không thì tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây. Không giống như Nga, Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự ổn định toàn cầu mang tính tương đối và các mối quan hệ thương mại tích cực với châu Âu và châu Mỹ.

Ông Tập cũng biết rằng quan hệ đối tác với Nga mang lại giá trị thấp hơn nhiều so với châu Âu và Mỹ. Vào năm 2021, giao thương của Trung Quốc với Nga đạt mức cao nhất, lên đến 147 tỷ đô la. So với 756 tỷ đô la với Mỹ và 828 tỷ đô la với châu Âu. Các doanh nghiệp Âu Mỹ đóng vai trò là nguồn đầu tư vô giá và với Bắc Kinh đồng thời cung cấp khả năng tiếp cận các công nghệ mới rất quan trọng mà Trung Quốc sẽ cần dùng tới để tăng cường sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị.

Thế nhưng vị lãnh đạo tối cao của Trung Quốc có lý do chính đáng để xây dựng tình hữu nghị với Putin. Việc Washington thay đổi thái độ rõ rệt với Trung Quốc đã thyết phục được nhiều người ở Bắc Kinh rằng Mỹ quyết tâm kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Ông Tập chắc chắn đã phải chú ý đến các kế hoạch “xoay trục sang châu Á“ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hay sự thay đổi chiến lược an ninh của Washington, từ việc đặt trọng tâm truyền thống ở châu Âu và Trung Đông, hướng sang việc can dự sâu hơn vào châu Á.  Sau đó, đến lượt Donald Trump, cựu Tổng thống Hoa Kỳ đã phát động cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ chống lại Trung Quốc. Đến nay, mặc dù hiện giờ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nói “nhẹ nhàng”  hơn Trump về vấn đề Bắc Kinh, nhưng Biden không hề thay đổi đường lối chính sách mà Trump đưa ra.

Chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc có nhiều khách hàng và đối tác thương mại, nhưng Trung Quốc dường như cần một đối tác mạnh và chia sẻ các ý tưởng. Từ nhiều năm nay, đồng minh thực sự và duy nhất của Trung Quốc là Bắc Triều Tiên, còn Nga thì được xem là một đối tác bổ trợ rất giá trị. Trong khi Mỹ coi sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh như là một câu chuyện đã xong, thì cả ông Tập và ông Putin đều nói đến sự sụp đổ của Liên Xô và vụ Thiên An Môn cùng cuộc nội chiến ở Trung Quốc, với những từ ngữ cay đắng. Hơn nữa, Tập Cận Bình và Putin đều có cùng một tham vọng to lớn: chấm dứt quyền bá chủ thế giới của Mỹ tại các nơi được cho là địa bàn của họ. Lợi ích thương mại rất quan trọng nhưng có chung thế giới quan cũng quan trọng không kém.

Các động cơ hỗn hợp của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng trong các lựa chọn của Bắc Kinh từ hai tuần qua. Các quan chức Nga vào đầu tuần này cho biết Trung Quốc đã từ chối cung cấp cho các hãng hàng không Nga các thiết bị quan trọng mà hãng Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu không còn chấp nhận cung cấp nữa (do các lệnh trừng phạt). Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông do Nhà nước Trung Quốc quản lý đã công khai đưa tin ủng hộ Nga. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng công khai đồng thuận với các tuyên bố gần đây của Nga, cho rằng Mỹ đang hỗ trợ chương trình vũ khí sinh học bất hợp pháp ở Ukraina.

Putin - người bạn đồng hành thực sự của Tập Cận Bình

Hiện tại, Trung Quốc sẽ nói những điều “nhẹ nhàng” về việc các bên cần phải có thái độ bình tĩnh để chấm dứt chiến tranh Ukraina và cuộc chiến kinh tế của phương Tây chống lại Nga. Ông Tập sẽ cố gắng khiến châu Âu giảm bớt nghi ngờ về sự đồng tình của mình với Nga qua việc đồng ý với họ về tầm quan trọng trong việc sử dụng ngoại giao để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, trong khi Tập Cận Bình xem châu Âu và Mỹ như là những đối tác thương mại cần thiết thì ông ta coi Putin là người bạn đồng hành thực sự.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu rằng khả năng của mình cũng có hạn để buộc Putin xuống thang. Bất luận Bắc Kinh muốn gì, Putin sẽ vẫn tiếp tục cuộc chiến này cho đến khi nào Nga đạt được một điều gì đó khả tín mà ông ta có thể tuyên bố rằng đó là thắng lợi bền vững dài lâu. Trung Quốc phải vượt qua cơn bão này, và cũng giống như bao người khác, hi vọng chiến tranh sớm kết thúc.

C.P.

Nguồn: rfi.fr/vi

TRUNG CỘNG, ĐÀI LOAN RÚT KINH NGHIỆM UKRAINE

NGÔ NHÂN DỤNG/VOA/ BVN 15-3-2022

Bà Thái Anh Văn lạc quan: “Nhìn Ukraine kháng cự với quân Nga, chúng ta càng thêm tin tưởng vào khả năng của chính mình.”

Nếu Trung Cộng đánh, cuộc chiến sẽ kéo dài cả năm hay lâu hơn, các nước khác sẽ phản ứng, tiến tới một cuộc phong tỏa kinh tế toàn cầu.

Bắc Kinh và Đài Bắc đang theo dõi cuộc chiến Ukraine. Tập Cận Bình nhìn thấy những trở ngại: Quân, dân Ukrain đề kháng dũng mãnh; Mỹ và NATO đoàn kết cùng hỗ trợ; và Vladimir Putin đang chịu đựng cuộc tấn công kinh tế nặng nhất từ xưa đến nay.

Ở Đài Loan, bà Thái Anh Văn tỏ vẻ lạc quan: “Nhìn Ukraine kháng cự với quân Nga, chúng ta càng thêm tin tưởng vào khả năng của chính mình.”

Bà tổng thống tin tưởng hơn vì thấy Ukraine đang kháng Nga theo lối mà quân đội Đài Loan đã chuẩn bị. Bộ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng, 邱國正) mới trình bày trước quốc hội diễn tiến một cuộc tấn công của Trung Cộng và chiến lược đối phó của Trung Hoa Dân Quốc. Quân Nga có thể đánh Ukraine theo đường bộ, Đài Loan khác vì có một eo biển ngăn cách với lục địa. Trước khi tấn công, Trung Cộng sẽ phải huy động hàng trăm ngàn quân với vũ khí ra bờ biển, Đài Loan sẽ biết trước được mấy tháng để phòng ngự. Vladimir Putin đã tính tiêu diệt quân đội và chính phủ Ukraine trong hai ngày, Tập Cận Bình cũng sẽ tìm cách tấn công chớp nhoáng.

Quân lực Trung Cộng đông gấp 12 lần Đài Loan; chi phí quốc phòng $250 tỷ mỹ kim mỗi năm, Đài Loan chỉ tiêu ra $11 tỷ. Các đảo Kim Môn, Mã Tổ do Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát chỉ cách lục địa mấy chục cây số. Thời 1960 Mao Trạch Đông đã liên tiếp nã đại pháo từ Phúc Kiến qua các đảo đó nhiều lần nhưng chưa bao giờ tấn công.

Ông Khâu Quốc Chính đặt câu hỏi: “Họ có thể đánh chiếm đảo Kim Môn và các hòn đảo khác nhưng tại sao không đánh?” Ông trả lời: “Bởi vì khi tấn công, họ phải làm sao thắng rất nhanh. Nếu không, họ sẽ lâm vào tình trạng (sa lầy) như Nga ở Ukraine.” Nếu không thắng nhanh là Trung Cộng thất bại. Ông Khâu tiên đoán nếu đánh Trung Cộng sẽ bắt đầu tấn công bằng những hỏa tiễn tầm xa chính xác để phá các căn cứ, phi trường, hải cảng quân sự. Cùng một lúc, các tàu và máy bay chiến đấu Trung Cộng cũng đánh, chiếm các hòn đảo ven biển và đại quân đồng loạt tiến qua eo biển. Chính phủ Đài Loan đã chuẩn bị chiến lược phòng ngự, không dự trù có quân nước nào đến cứu.

Bộ tham mưu quân đội Đài Loan dùng chiến lược “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh” (asymmetric warfare), được bà Thái Anh Văn ủng hộ. Chiến lược chú trọng đến các đơn vị nhỏ di động nhanh chóng, phân tán và tự lập, quân địch khó tiêu diệt. Bộ tham mưu quân đội Đài Loan nhận thấy Ukraine đang sử dụng đúng chiến lược “Lấy ít Đánh nhiều” với quy tắc dùng rất nhiều lực lượng nhỏ và di động nhanh.

Trung Cộng sẽ phải đưa hàng trăm ngàn quân vượt qua eo biển, với các chiến xa và vũ khí nặng; trở thành mục tiêu cho các hỏa tiễn và máy bay thả bom, được hướng dẫn qua các vệ tinh nhân tạo. Phối hợp một cuộc đổ bộ sẽ vô cùng khó khăn. Bờ biển Đài Loan có một số bãi có thể đổ quân đã được chọn xây dựng pháo đài phòng vệ. Sẽ gài các thủy lôi và đặt sẵn những chướng ngại vật dưới đáy biển tại các nơi dự trù tàu đổ bộ của bên địch sẽ tiến vào. Nhiều tàu nhỏ chạy nhanh trang bị bằng hỏa tiễn bắn chiến hạm đi tuần tiễu thường xuyên. Khi quân địch bước lên bờ, sẽ phải đối đầu với các chiến xa gắn hỏa tiễn chính xác. Những vũ khí như hỏa tiễn bắn gần và bắn thẳng và bay thấp (cruise), có thể đặt trên những thiết giáp phân tản và trú ẩn khắp nơi.

Chiến lược phòng thủ của Đài Loan gồm ba yếu tố: bảo vệ lực lượng của mình, xây dựng khả năng chiến tranh quy ước, tiêu diệt địch quân ngay tại bờ biển. Quân đội Đài Loan sẽ dùng chiến thuật di động nhanh, ẩn náu kỹ, phá hệ thống thông tin của địch; công binh sẵn sàng sửa chữa các chiến cụ bị hư thật nhanh; khi tấn công thì đánh vũ bão để chặn đường quân địch. Trong tuần qua, bộ quốc phòng Đài Loan cho biết sẽ tăng gấp đôi số sản xuất, lên 500 hỏa tiễn mỗi năm, bắt đầu từ năm nay. Để nâng cao khả năng chiến tranh quy ước, Đài Loan đã mua 66 phi cơ chiến đấu F-16, 108 chiến xa Abram M1A2, những vũ khí dễ sử dụng, dễ sửa chữa.

Nhưng liệu Trung Cộng có tấn công Đài Loan hay không?

Đánh chiếm Đài Loan khó hơn Ukraine rất nhiều vì Đài Loan đã sẵn sàng chiến lược kháng cự từ mấy chục năm nay, trong thời gian mà Ukraine hoàn toàn không chuẩn bị.

Tập Cận Bình vẫn tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình mặc dù phi cơ chiến đấu Trung Cộng vẫn liên tục thao diễn trên eo biển, có khi bay sát không phận Đài Loan, kể cả trong ngày 24 tháng Hai, khi quân Nga bắt đầu tiến vào Ukraine.

Nhưng Tập Cận Bình không thấy bị đe dọa như Putin cảm thấy trước cảnh khối NATO bành trướng. Năm 2008, Tổng thống Bush đã tuyên bố ở Romania rằng khối NATO có thể mở rộng thâu nhận Georgia và Ukraine, Vladimir Putin bắt đầu lo lắng và chuẩn bị phản công từ năm đó. Khi các nước trên chuẩn bị gia nhập Liên hiệp Âu châu và tỏ ý muốn gia nhập NATO thì Putin thấy nguy hiểm, phải bắt đầu ngăn chặn. Nga đã đánh Georgia rồi chiếm đảo Crimea của Ukraine, lập ra các vùng ly khai ở hai nước. Hiện nay không có một liên minh quân sự nào ở vùng Á Đông nhắm vào Trung Quốc. Nếu đánh Đài Loan, Trung Cộng có thể sẽ thấy các nước Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Úc, và cả Ấn Độ kết hợp chặt chẽ hơn, sẽ phải đối phó với một liên minh quân sự mới.

Nếu Trung Cộng đánh Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới Australia sẽ bị đe dọa. Nếu Đài Loan bị Trung Cộng chiếm, Nhật Bản và Nam Hàn sẽ không còn được bảo vệ như bây giờ nữa vì các hạm đội Mỹ không thể di chuyển nhanh chóng từ phía Nam Thái Bình Dương lên phía Bắc. Cựu thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nhấn mạnh Đài Loan ổn định là điều thiết yếu đối với an ninh nước Nhật. Ấn Độ đang tranh chấp biên giới với Trung Cộng trong vùng Hy Mã Lạp Sơn cảm thấy bất an trên vùng biển. Tất cả các nước đó sẽ hợp tác cùng bao vây kinh tế Trung Quốc!

Một mối lo khác của Trung Cộng là Nhật Bản đang có khuynh hướng xóa bỏ chính sách hòa bình được ghi trong hiến pháp. Đánh Đài Loan sẽ khiến cho dân Nhật cảm thấy bất an. Khi nước Nhật đổi chiều, tái võ trang, Trung Cộng sẽ chịu thêm một mối đe dọa.

Nhưng điều quan trọng nhất khiến Tập Cận Bình ngần ngại không dám đánh Đài Loan là tình trạng kinh tế Nga đang suy sụp vì bị cấm vận. Những nước lớn như Mỹ, Anh, Đức, Nhật, cho đến các nước nhỏ như Lithuania, Moldova, Thụy Sĩ, Singapore đồng tâm cắt đứt hệ thống ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống tài chánh quốc tế. Mỹ chấm dứt mua dầu của Nga, các nước Âu châu cũng đang chuẩn bị tự túc về năng lượng. Dù cuộc chiến Ukraine diễn biến thế nào thì vòng đai phong tỏa đó vẫn còn áp dụng rất lâu, nước Nga sẽ hoàn toàn bị cô lập.

Nga giao thương với nước ngoài rất ít, trong khi kinh tế Trung Quốc ràng buộc chặt chẽ với các nước Tây phương cũng như Nhật Bản, Nam Hàn. Đài Loan là nơi sản xuất các chíp điện tử cung cấp cho một nửa nhu cầu thế giới. Nếu Trung Cộng đánh, cuộc chiến sẽ kéo dài cả năm hay lâu hơn, các nước khác sẽ phản ứng, tiến tới một cuộc phong tỏa kinh tế toàn cầu.

Trước viễn ảnh đó, Trung Cộng khó tính chuyện đánh Đài Loan. Cuối năm nay, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp đại hội tấn phong Tập Cận Bình làm chủ tịch đảng và chủ tịch nước lần nữa, rồi sẽ kéo dài vĩnh viễn. Kinh tế Trung Cộng đang phát triển chậm hơn trước. Đây không phải là lúc khởi đầu một cuộc phiêu lưu quân sự.

N.N.D.

Nguồn: voatiengviet.com

TRỜI SINH VOLODYMYR ZELENSKY ĐỂ LÃNH ĐẠO CUỘC CHIẾN CỦA NGƯỜI DÂN UKRAINE

NGUYỄN VĂN NGHỆ/ TD 14-3-2022


Tổng thống Zelensky phát biểu tại Kyiv ngày 22/2/2022. Nguồn: RM/ Shutterstock

Ngày 24/2/2022 Putin đã xua quân sang xâm chiếm nước Ukraine. Nga gọi việc xâm chiếm Ukraine bằng một cụm từ mỹ miều: “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Ngày 2/3/2022 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết về “Hành động xâm lược Ukraine”, có 141 phiếu ủng hộ (Campuchia cũng nằm trong số các quốc gia ủng hộ), 5 phiếu chống (gồm Nga, Belarus, Bắc Hàn, Syria và Eritrea) và 35 phiếu trắng (trong đó có Việt Nam). Những người có lương tri trên thế giới không ai ủng hộ chiến tranh cả.

Nhìn xem tương quan lực lượng giữa Ukraine và Nga thì Ukraine chẳng khác nào “châu chấu đá voi”. Đây là một cuộc chiến không cân sức chút nào cả. Về phương diện lực lượng quân sự, quân số, vũ khí cũng như về sức mạnh kinh tế và dân số thì Nga áp đảo Ukraine. Đại đa số đều nghĩ thầm là Ukraine sẽ bị quân Nga đánh bại trong vòng 2-3 ngày. Nhưng đến nay, ngày 14/3/2020, sau 18 ngày quân Nga xâm lăng Ukraine mà Ukraine vẫn chưa chiến bại. Ý chí bất khuất, quật cường đã giúp quân dân Ukraine trụ đến nay. Trong đó phải kể đến Tổng thống Zelensky là “linh hồn” của cuộc chiến vệ quốc. Tổng thống Zelensky là mục tiêu số một và gia đình của tổng thống là mục tiêu kế tiếp mà quân xâm lược Nga nhắm đến.

Ngày 26/2/2022 Tổng thống Ukraine Zelensky đã tuyên bố qua đoạn video trên Twitter: “Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước của mình, bởi vì vũ khí của chúng tôi là sự thật, và sự thật của chúng tôi đó là: Đây là đất của chúng tôi, con cái của chúng tôi và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều này” [1].

Trước đó, sáng ngày 25/02/2022, Tổng thống Zelensky tuyên bố: “Tôi đang ở thủ đô, tôi đang ở với người dân của mình. Tôi đang ở trong khu vực chính quyền, cùng với những người có nhiệm vụ cần thiết cho việc vận hành đúng chức năng của quyền lực trung ương”. Tổng thống cho biết thêm: “Gia đình tôi cũng ở Ukraine và các con tôi cũng ở Ukraine. Các thành viên trong gia đình tôi không phải là kẻ phản bội, họ là công dân của Ukraine” [2].

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, lãnh đạo nước Mỹ có ý định sơ tán Tổng thống Zelensky, nhưng Tổng thống Zelensky đã khước từ và nói: “Cuộc chiến đang diễn ra ở đây, tôi cần đạn dược chứ không phải một chuyến đi” [3].

Phía Nga cứ tung tin thất thiệt là Tổng thống Zelensky đã rời khỏi Kiev, hòng lung lạc tinh thần chiến đấu của quân dân Ukraine. Ngày 26/2/2022, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Vyacheslav Volodin cho biết: “Ông Zelensky đã rời khỏi Kiev từ hôm qua (25/2), ông ấy đã không còn ở thủ đô mà đã đến Lviv (thành phố phía tây gần biên giới Ba Lan) với đoàn tùy tùng” [4].

Trước những tin đồn thất thiệt ấy, Tổng thống Zelensky trấn an: “Cứ vài ba ngày có thông tin nói rằng tôi đã rời Ukraine, rời khỏi thủ đô Kiev, rời khỏi văn phòng tổng thống. Các bạn thấy đấy, tôi vẫn ở đây. Ông Andriy Borysovich [người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine] vẫn ở đây. Không ai rời đi cả. chúng tôi vẫn làm việc, chúng tôi thích chạy bộ nhưng giờ thì không có thời gian” [5].

Tổng thống Zelensky nêu lý do quân dân Ukraine cầm súng chống xâm lăng: “Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, nếu chúng ta phải đối mặt với một nỗ lực nhằm lấy đi đất nước, sự tự do của chúng ta, cuộc sống của chúng ta và cuộc sống con cái của chúng ta, chúng ta sẽ tự bảo vệ mình. Khi bạn tấn công chúng tôi, bạn sẽ nhìn thấy khuôn mặt của chúng tôi, không phải lưng của chúng tôi” [6].

Ngày 7/3/2022 Tổng thống Zelensky lại khẳng định: “Tôi đang ở Kiev, trên phố Bankova (nơi đặt văn phòng tổng thống) không trốn tránh và tôi không sợ bất kỳ ai cho đến khi chiến thắng”.

Tổng thống Zelensky phát biểu tiếp: “Hôm nay là ngày thứ 12 chúng tôi nỗ lực và chiến đấu. Tất cả chúng tôi đều ở trận địa… Những anh hùng của chúng ta: Các bác sĩ, nhân viên cứu hộ, người vận chuyển, nhà ngoại giao, nhà báo… Tất cả chúng tôi đều trong cuộc chiến. Tất cả chúng tôi đều góp phần cho chiến thắng, điều chắc chắn chúng ta sẽ giành được, bằng sức mạnh của quân đội, bằng sức mạnh của ngoại giao và bằng sức mạnh của tinh thần” [7].

Những bài phát biểu của Tổng thống Zelensky đều được những người có lương tri ngưỡng mộ, bởi vì những phát biểu xuất phát từ con tim chân thật, không hề gian dối: “Tôi kể cho các bạn nghe về 13 ngày chiến tranh, cuộc chiến mà chúng tôi không bắt đầu và chúng tôi không mong muốn. Tuy nhiên chúng tôi phải tiến hành cuộc chiến này, chúng tôi không muốn mất những gì chúng tôi có, những gì là của chúng tôi, đất nước Ukraine của chúng tôi”.

“Ukraine không muốn xảy ra cuộc chiến này. Ukraine không muốn trở thành vĩ đại trong những ngày diễn ra cuộc chiến này. Chúng tôi là đất nước đang cứu mọi người mặc dù phải chiến đấu với một trong những đội quân lớn nhất thế giới”.

“Câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là tồn tại hay biến mất. Đó là câu nói của Shakespeare. Trong 13 ngày câu hỏi này có thể đã được hỏi nhưng bây giờ tôi có thể trả lời dứt khoát cho các bạn. Chắc chắn là tồn tại. Chắc chắn là như vậy”.

“Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc và chúng tôi sẽ không thua. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng, trên biển, trên không. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì đất đai của mình, bất kể giá nào. Chúng tôi sẽ chiến đấu trong rừng, trên cánh đồng, trên bờ biển, trên đường phố”. (Phát biểu qua video trước các nhà lập pháp Anh vào lúc 17h ngày 8/3/2022 – Giờ GMT, tức 0 giờ ngày 9/3/2022 giờ Việt Nam).

Với bài phát biểu này, các nhà lập pháp của Nghị viện Anh đều đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Riêng Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace nói với Sky News là bài diễn văn này “vô cùng mạnh mẽ”. Ông cho biết thêm: “Tổng thống Zelensky là tinh thần của Ukraine, đó là sự trẻ trung, là tư duy tự do, hướng ra bên ngoài, là người Âu Châu và đó là điều mà Nga hay Tổng thống (Vladimir) Putin không hiểu”.

Có nhiều người Việt Nam “cuồng”, Putin đem nghề nghiệp quá khứ của Tổng thống Zelensky ra hòng bôi nhọ ông. Họ gọi Tổng thống Zelensky là “anh hề, chú hề, thằng hề”. Họ gọi như vậy chính là họ tự hạ thấp nhân phẩm của họ. Có những vị từng là “phụ bếp; thiến dái heo…” lên làm lãnh đạo, nhưng có người nước ngoài nào đem chuyện ấy ra biêu riếu bao giờ đâu? Người dân Ukraine đã bầu chọn một diễn viên hề lên làm lãnh đạo tử tế để lãnh đạo dân tộc Ukraine chiến đấu, để không bị làm nô lệ.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 3/2022, như sau: “Chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế”.

Nước Nga thời Putin là kế thừa di sản của cộng sản Liên Xô. Bà Angela Merkel có nhận xét về cộng sản, “là chủ nghĩa gian trá và man rợ” [8]. Do kế thừa di sản “gian trá và man rợ” nên Putin đã ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bằng việc xua quân xâm lược Ukraine.

Winston Churchill nói: Một dân tộc mà cố tình né tránh chiến tranh vệ quốc thì dân tộc đó sẽ trở thành nô lệ và hậu sinh của họ sẽ nguyền rủa họ.

Hiểu rõ chân lý ấy, nên Tổng thống Zelensky đã sát cánh cùng quân dân Ukraine chiến đấu chống quân xâm lược với tinh thần “tướng sĩ một lòng phụ tử”, cùng “Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính… Hòa bình phải trong vinh quang, đền công lao bao máu xương hùng anh” và “Quyết đấu tranh đến khi nào đạt thành mong ước…Vận nước trong tay ta, là quyền của quân dân ta… quyết không cầu hòa bình đen tối” và “Đánh cho cùng dù phải chết, để mai này về sau con cháu ta sống còn… Thà chết chớ không hề lui. Quyết không hề phản bội quê hương” (Lời bài hát “Thề không phản bội quê hương”)

Trời không muốn quân dân Ukraine trở thành nô lệ cho Putin, nên đã sản sinh ra Volodymyr Zelensky để lãnh đạo nước Ukraine trong cuộc chiến vệ quốc.

Hai câu thơ tương truyền là của anh hùng Mai Xuân Thưởng có thể nói lên nỗi lòng của Tổng thống Zelensky: “Anh hùng mạc bả doanh du luận/ Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu”. (Giáo sư Lam Giang – Nguyễn Quang Trứ đã tạm dịch: Nên hư công luận phê bình/ Đừng đem thành bại xem khinh anh hào/ Mênh mông đất rộng trời cao/ Tấm gương nghĩa liệt ngàn sau vẫn còn).

Người xưa nói: “Không thành công cũng thành nhân”.

Những người có lương tri luôn ủng hộ cuộc chiến vệ quốc của quân dân Ukraine: “Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách ‘ngoại giao pháo hạm’ của nước lớn” [9].

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa

Chú thích:

[1] http://nghiencuuquocte.org/2022/03/01/volodymyr-zelensky-tu-dien-vien-hai-thanh-tong-thong-thoi-chien/

[2] https://plo.vn/quoc-te/ong-zelensky-the-o-lai-kiev-cung-nguoi-dan-cua-minh-1045258.html

[3][5] https://baolongan.vn/tong-thong-ukraine-zelensky-khang-dinh-ong-van-dang-o-thu-do-kiev-a131466.html

[4] https://tienphong.vn/chu-tich-duma-quoc-gia-nga-noi-tong-thong-ukraine-da-roi-thu-do-kiev-post1419292.tpo

[6] https://plo.vn/quoc-te/bai-phat-bieu-cam-dong-cua-tong-thong-ukraine-truoc-khung-hoang-voi-nga-1044981.html

[7] https://tuoitre.vn/tong-thong-zelensky-tuyen-bo-dang-o-kiev-khong-chay-tron-va-khong-so-bat-ky-ai-20220308114410187.htm

[8] https://khoa1hocviencsqg.com/2020/02/06/nhung-cau-noi-bat-hu-ve-chu-nghia-cong-san-suu-tam/

[9] http://nghiencuuquocte.org/2022/03/06/tuong-nguyen-chi-vinh-noi-ve-xung-dot-nga-ukraine/

LUẬN ĐIỆU SUY DIỄN, XUYÊN TẠC QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM VỀ XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE

NGUYỄN VĂN SƠN/ CAND 7-3-2022

Mặc dù Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức về xung đột Nga - Ukraine, đó là Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế, ấy thế nhưng, trên Internet, mạng xã hội, một số người lại đang cố tình đưa ra những luận điệu sai trái, suy diễn xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ngày 2/3, tại phiên họp khẩn cấp lần thứ XI, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine. Sau khi nghị quyết trên được thông qua và thông tin các nước thành viên LHQ thể hiện quan điểm, trên một số diễn đàn Internet, mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra những luận điệu sai trái, suy diễn rằng quan điểm của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ ràng”, Việt Nam đã không đi theo số đông, cố tình tìm cách lựa chọn quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Từ việc nêu những câu hỏi mang tính suy diễn chủ quan, nhiều bài viết đưa ra luận điệu quy chụp, cho rằng các quốc gia chọn giữ thái độ trung lập là những quốc gia “phần lớn đổ lỗi cho phương Tây đã kích động các điều kiện dẫn đến cuộc xung đột này”.

Một số người cuốn theo lối suy diễn trên, cũng đưa ra các bình luận tiêu cực, thậm chí kích động tư tưởng chống phá. Có trang mạng dùng thủ đoạn đưa ra thăm dò rồi cho những thành phần trong nhóm click vào lựa chọn theo chủ ý của người đặt bình chọn, từ đó lấy cớ vu cáo “người dân ủng hộ đa số” còn quan điểm của Nhà nước “chỉ là thiểu số”! Cá biệt, có luận điệu xuyên tạc rằng, phải chăng Việt Nam đang ngấm ngầm ủng hộ cho cuộc chiến tranh, quay lưng với hoà bình?

Trong khi đó, trên một số trang báo nước ngoài xuất hiện các luận điệu mang tính chỉ trích, phê phán việc thông tin cuộc xung đột trên báo chí trong nước, từ đó tìm cách hướng lái nhằm cuốn người đọc theo chủ đích, ý đồ của họ. Thậm chí, một số bài viết còn đưa ra những luận điệu theo kiểu lập lờ đánh lận con đen, đưa ra những câu hỏi, nghi vấn mang tính quy chụp, bôi nhọ quan điểm, uy tín Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Nhiều bài viết bằng lối phân tích tỏ ra có trình độ, hiểu biết kiểu “chuyên gia” song thực chất nhận thức rất lệch lạc, lộ rõ ý đồ, động cơ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đối với vấn đề xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình. Ngày 1/3, phát biểu khi Đại hội đồng LHQ tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ XI thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã nhấn mạnh rằng: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm. Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”.

Đại sứ nêu rõ, trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.

Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”.

Ngày 3/3, tại họp báo thường kỳ, trả lời báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương LHQ và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Như vậy, xuyên suốt trong các tuyên bố, phát ngôn, quan điểm nhất quán của Việt Nam là kêu gọi chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào của Việt Nam đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Những luận điệu cho rằng Việt Nam đứng bên này để chống bên kia, “cổ suý chiến tranh” là hoàn toàn sai trái, bịa đặt.

Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) của Việt Nam đã nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Về chính sách quốc phòng, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ, Việt Nam giữ vững nguyên tắc 4 không: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Để giành độc lập dân tộc và tự do, bảo vệ nền hòa bình của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh biết bao xương máu. Bằng các cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất qua nhiều thế hệ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, quyền được tự quyết vận mệnh của mình. Bởi vậy, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn xây dựng một môi trường hòa bình, hiểu biết, đoàn kết và yêu thương nhau, cùng xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp.

Đối với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng. Do đó, Việt Nam kêu gọi Nga và Ukraine giảm căng thẳng, ngừng bắn, bảo đảm an ninh an toàn, nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm an ninh an toàn cho cộng đồng người nước ngoài đang sống tại Ukraine, trong đó có người Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định lập trường không thay đổi, đó là Việt Nam không đứng về bên này chống bên kia hay ngược lại mà luôn đứng về lẽ phải, về công lý, luật pháp quốc tế.

Như vậy, những luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề xung đột Nga - Ukraine trên Internet, mạng xã hội của một số cá nhân, tổ chức thực chất là nhằm bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của Việt Nam; xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Sơn (Học viện An ninh nhân dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét