Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

20220320. CHUYỆN XĂNG DẦU VÀ LẠM PHÁT

 ĐIỂM BÁO MẠNG

'BẤT ỔN' Ở NHÀ MÁY LỌC DẦU NGHI SƠN: AI CHỊU TRÁCH NHIỆM ?

THÀNH AN/DV/ BVN 16-3-2022

Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH, trước đây nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế cho rằng việc ký kết hợp đồng kinh tế tại Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam và đến nay kết quả rõ ràng đã hiện hữu.

Sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua và nhiều nội dung khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tình hình xuất nhập khẩu, cung cấp xăng dầu, điều hành giá trong bối cảnh khó khăn "kép" khi nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng một phần do cung ứng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không bảo đảm, cùng với tình hình phức tạp địa chính trị thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề cân đối xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng là rất quan trọng nên cần có câu trả lời dứt khoát làm rõ việc bảo đảm nguồn cung, trả lời thấu đáo biện pháp chắc chắn để bảo đảm vấn đề này.

Trong phiên chất vấn buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, quản lý các cửa hàng bán lẻ… trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước giảm, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế nhận thấy bất ổn ở Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Trao đổi với PV Dân Việt ngay sau khi kết thúc buổi chất vấn sáng nay, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH đánh giá liên quan đến vấn đề giá xăng dầu, Bộ trưởng cũng nắm chắc khi đề cập đến các nguồn cung từ nhập khẩu rồi đến việc chúng ta bố trí tổ chức Nhà máy lọc hóa dầu ở Nghi Sơn và Bình Sơn...

"Hiện nay cơ sở ở Bình Sơn đang phải tăng công suất 100%, còn riêng Nghi Sơn là liên doanh kinh tế giữa Việt Nam và nước ngoài (Kuwait, Nhật Bản) việc này làm giảm sút sản lượng xuống còn 45-50%, hiện công suất cao nhất cũng chỉ còn 80% cho nên đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm xăng dầu hiện nay", TS Lưu Bình Nhưỡng nói và cho rằng đây là vấn đề chúng ta phải khắc phục hậu quả của giai đoạn trước.

"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Thành An

Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, trước đây nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế cho rằng việc ký kết hợp đồng kinh tế tại Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam và đến nay kết quả rõ ràng đã hiện hữu.

"Trước đây, ông Trần Quang Chiểu – đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định đã đăng đàn tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV nói về sự phi lý trong việc ký kết hợp đồng tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dẫn đến hiện nay chúng ta vừa mất tiền mà lại không có xăng dầu để dùng và phải chịu bất cứ giá cả nào theo thị trường thế giới.

Nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tất cả những rủi ro về phía mình. Nhưng cái nguy hiểm nhất ở đây chính là việc chúng ta nhận rủi ro theo hợp đồng mà hiện nay nó không thực hiện được mục tiêu đặt ra, không cung cấp được sản lượng và lọc được xăng dầu cho Việt Nam và bản thân giá cả cũng không giảm dẫn đến chúng ta là người chịu hậu quả và bây giờ phải cùng nhau giải quyết 'quả bom nổ chậm' này", TS. Lưu Bình Nhưỡng nói.

Mặc dù vậy, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trách nhiệm chính trong việc này đương nhiên vẫn phải là của Bộ Công Thương vì đây cơ quan trực tiếp chỉ đạo các tập đoàn xăng dầu, tập đoàn điện lực… "Tuy nhiên chúng ta phải hết sức lưu ý là không được đánh đồng mà phải xác định ở điểm nào, ai phải chịu trách nhiệm đến đâu. Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.

"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu vi phạm

Trong buổi sáng nay, là một trong những đại biểu Quốc hội đăng đàn chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, chia sẻ với  PV Dân Việt, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chấn vấn này mặc dù rất cầu thị và có trách nhiệm nhưng vẫn gặp một vài tình huống khó trong trả lời, có những nội dung chưa được Bộ trưởng trả lời thấu đáo, hết đại ý câu hỏi của đại biểu Quốc hội nêu ra làm cho chủ tọa phải nhắc nhở…

Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chỉ ra một số nội dung cử tri rất quan tâm mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên "chưa trả lời được" như tình hình ách tắc hàng hóa nông sản ở cửa khẩu còn tái diễn nữa hay không? - thì Bộ trưởng "không dám hứa còn hay không?".

Trước đó, trong phần chất vấn của mình, đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn có hay không việc "găm hàng" xăng dầu từ tuyến vĩ mô, chứ không chỉ đại lý, bởi các đại lý xăng dầu trên địa bàn cho biết do nguồn cung của nhà điều hành ở cấp vĩ mô không đưa xuống, nên đại lý không có hàng để bán.

"Bất ổn" ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 4.

Quang cảnh phiên rả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua và nhiều nội dung khác... của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sáng 16/3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, qua thanh tra 16.800/17.000 cửa hàng bán lẻ, có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa. Trong đó, phần lớn do sự cố kỹ thuật, có nơi "găm hàng" chờ tăng giá. Còn nơi nói không có hàng vì họ nhập nguồn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nên khi nhà máy đột ngột giảm nguồn cung thì không dễ đi nhận hàng đầu mối khác, nhưng số lượng này không nhiều. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ hàng nhập khẩu và nguồn từ Nhà máy Bình Sơn nên chỉ sau một vài ngày đã khắc phục được.

"Lực lượng chức năng đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối không thực hiện đúng chức năng thì dứt khoát xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép. Không có hiện tượng bao che, không cho qua chuyện", ông Diên nhấn mạnh.

Theo chia sẻ bên lề của phiên chất vấn, liên quan đến vấn đề xăng dầu, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) bày tỏ lạc quan khi Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định về việc không thiếu nguồn cung xăng dầu cùng với đó Chính phủ đã có những biện pháp thích hợp trong chỉ đạo điều hành thời gian tới. Đó là sử dụng Quỹ bình ổn giá để kiềm chế độ tăng của giá xăng dầu. Đồng thời tăng hạn ngạch cho các đầu mối để tăng cường nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo được nguồn cung trong nước.

Tuy nhiên, tình trạng thiết hụt, khan hiếm xăng dầu vẫn diễn ra thì có phần trách nhiệm trong tổ chức điều hành của các cơ quan. Cùng với đó, Nghị định số 95/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có một số quy định bất cập như giảm thời gian dự trữ xăng dầu từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; đưa ra quy định về việc nếu chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trùng với đợt nghỉ Tết thì sẽ chuyển sang kỳ tiếp theo. Trong bối cảnh thị trường thế giới đang biến động mạnh thì những quy định này không phù hợp gây khó khăn trong việc tiếp cận xăng dầu và giá xăng dầu tăng.

5 góp ý của TS. Lưu Bình Nhưỡng nhằm bình ổn giá xăng dầu

Trong trao đổi với PV Dân Việt, đóng góp ý về việc để bình ổn giá xăng dầu hiện nay, TS. Lưu Bình Nhưỡng đưa ra 5 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, phải đảm bảo được nguồn cung nhập khẩu, bởi hiện nay chúng sản xuất nhưng không đủ và phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhập khẩu. Chính vì vậy, phải đảm bảo nguồn cung nhập khẩu xăng dầu cả thành phẩm dầu thô để lọc dầu. "Bản thân Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như phiên chất vấn sáng nay là nhập khẩu dầu thô chứ không phải lấy dầu thô ở trong nước nên dẫn đến "khó khăn về tài chính". Tôi không hiểu khó khăn về tài chính của Nhà máy là gì? Đến nay chúng ta đã phải bỏ rất nhiều tiền cho nhà máy này…", TS. Lưu Bình Nhưỡng đặt nghi vấn.

Thứ hai, là nâng cao năng lực các nhà máy lọc dầu của Việt Nam như ở Bình Sơn, Dung Quất, Nghi Sơn…. Nghĩa là phải chuyển dầu thô trong nước vào các nhà máy để lọc và không bán dầu thô ra ngoài nữa.

Thứ ba, cần phải có chính sách tiết kiệm xăng dầu. Tránh sử dụng xăng dầu vào những việc không cần thiết. Đồng thời phải tổ chức dự trữ lượng xăng dầu. Ngoài ra, chúng ta phải chuyển các hoạt động không cần thiết sử dụng xăng dầu sang sử dụng các nguồn năng lượng khác để thay thế.

Thứ tư, chúng ta phải thiết lập sàn giao dịch về xăng dầu để đi theo cơ chế thị trường. Nếu để cho các "ông lớn" nắm là không được, cho nên phải đảm bảo tính bình đẳng, xăng dầu phải "có sàn" thì nhà nước mới quản lý, tránh được sự lũng loạn của các ông lớn trong việc lợi ích nhóm.

Cuối cùng, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải có chính sách đặc biệt đảm bảo an ninh về năng lượng đảm bảo an toàn cho cơ sở sản xuất, chế biến vận chuyển sử dụng xăng dầu. "Còn những vấn đề như giảm thuế, giảm phí thì cũng chỉ là những vấn đề tạm thời, không phải ý kiến chiến lược", ông kết lại.

T.A.

Nguồn: danviet.vn

LỌC DẦU NGHI SƠN: 2 CAM KẾT, VIỆT NAM 'THIỆT ĐƠN THIỆT KÉP'

LƯƠNG BẰNG/ VNN 19-3-2022

Những ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn có ít nhất 2 điểm cốt tử khiến cho giờ đây Việt Nam lâm cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’ với đại dự án có vốn đầu tư nước ngoài này.

Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm công ty Dầu khí quốc tế Cô-oét (KPE), công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ góp vốn 25,1%. Dự án vận hành thương mại vào tháng 12/2018.

Dự án này được duyệt vào năm 2008 có mức vốn 6,1 tỷ USD, sau đó đội vốn lên 9,2 tỷ USD.

Ngày 5/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo (tại Thông báo số 367/TB-VPCP ngày 5/11/2012 của Văn phòng Chính phủ) về kết quả đàm phán Thoả thuận về Cam kết bảo lãnh của Chính phủ cho Dự án (GGU) đối với Dự án, trong đó: Đồng ý nguyên tắc dự thảo FPOA thông qua việc PVN bao tiêu sản phẩm lọc dầu cho dự án.

Ngoài ra, PVN thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu Chính phủ đã cam kết ưu đãi cho dự án.

Hai cam kết quan trọng ít được nói đến về lọc dầu Nghi Sơn

Sản xuất ra bao nhiêu, Việt Nam buộc phải mua hết

Với cam kết bảo lãnh như kể trên, lọc dầu Nghi Sơn sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm thì PVN phải bao tiêu hết.

Theo nguyên tắc quy định tại Thỏa thuận cam kết bảo lãnh của Chính phủ và Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu (FPOA), giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn tương đương với xăng dầu nhập khẩu.

Trong khi đó, thời gian này Việt Nam cũng đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương. Mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các nhà máy lọc dầu trong nước lại cao hơn mức thuế suất thuế ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do. Cho nên về lý thuyết, giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ luôn cao hơn so với xăng dầu nhập khẩu.

Tuy nhiên, những ưu thế của việc mua trong nước là được thanh toán bằng đồng nội tệ, tiết kiệm chi phí vận chuyển... là những vấn đề doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thể xem xét khi mua hàng của lọc dầu Nghi Sơn.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 3/2/2016, Bộ Công Thương đã cảnh báo việc tiêu thụ sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ rất khó khăn do không cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu ngay trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các thương nhân đầu mối tăng dần sản lượng nhập khẩu các lô hàng có xuất xứ từ những nước được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt như Hàn Quốc do rẻ hơn.

Việc phải mua hết sản phẩm do lọc dầu Nghi Sơn sản xuất ra trong khi các quy định về kinh doanh xăng dầu hiện hành không bắt buộc các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối phải mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước là vấn đề từng khiến cơ quan quản lý đau đầu.

Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu có thể rẻ hơn mua của nhà máy lọc dầu trong nước nên thời điểm đó Bộ Công Thương đã lo ngại nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu thì việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro rất lớn.

Lúc đó, từng có kiến nghị rằng Bộ Công Thương chỉ cấp hạn ngạch (quota) nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước. Nhưng các bộ ngành đồng loạt phản đối dữ dội do vi phạm cam kết WTO và các hiệp định thương mại đã ký kết.

Dù vậy, cho đến nay việc nhập khẩu xăng dầu như thế nào, bao nhiêu vẫn luôn được Bộ Công Thương tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo cho lọc dầu Nghi Sơn không bị ‘ế’.

Suốt thời gian qua, khi có những biến động xảy ra, việc tiêu thụ sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn hay Dung Quất gặp khó, Bộ Công Thương thường có các văn bản đề nghị thương nhân đầu mối xăng dầu ưu tiên mua hàng của nhà máy lọc dầu trong nước.

Ưu đãi thuế nhập khẩu, bù tiền khi thuế nhập khẩu thấp hơn 

Theo Thỏa thuận và Cam kết bảo lãnh của Chính phủ, Lọc dầu Nghi Sơn có thể áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu (ngoại trừ 5% cho LPG) và 3% cho các sản phẩm hóa dầu. Ưu đãi này áp dụng trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại (năm 2027)

Trong thời hạn trên, nếu Việt Nam quy định thuế suất Thuế nhập khẩu thấp hơn, thì Chính phủ đảm bảo rằng PVN sẽ thanh toán cho Lọc dầu Nghi Sơn số chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và thuế suất 7% đối với các sản phẩm lọc dầu (ngoại trừ 5% cho LPG) và 3% cho các sản phẩm hóa dầu, trong mọi trường hợp Lọc dầu Nghi Sơn bán sản phẩm của mình cho thị trường nội địa, cho dù thông qua PVN hay bên bao tiêu khác.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ngày 15/1/2013, PVN và NSRP đã ký kết Hợp đồng bao tiêu sản phẩm (FPOA), trong đó, các mức ưu đãi thuế nhập khẩu tương ứng với từng sản phẩm đã được đưa vào công thức giá của Hợp đồng này.

Điều trớ trêu là, dù cam kết với lọc dầu Nghi Sơn như vậy, nhưng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc ký ngày 5/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 lại cam kết thuế nhập khẩu dầu diesel còn 5%, các sản phẩm hóa dầu khác còn 0-5%. Trong khi đó, FTA ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9/2009 lại cam kết thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu còn 0%.

Như vậy, về lý thuyết dầu nhập từ Hàn Quốc sẽ rẻ hơn của các nhà máy trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất. Mức thuế ưu đãi đặc biệt đó lại thấp hơn mức thuế nhập khẩu cam kết với lọc dầu Nghi Sơn, nên PVN ngay lập tức phải bù thuế với các mặt hàng dầu cho lọc dầu Nghi Sơn.

Hai cam kết quan trọng ít được nói đến về lọc dầu Nghi Sơn
Thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong các cam kết quốc tế

Còn thuế nhập khẩu xăng đang áp dụng hiện nay là 20% vẫn cao hơn so với mức ưu đãi cho Nghi Sơn 7% nên PVN không phải bù thuế (theo lộ trình cam kết, từ năm 2017 đến năm 2022, mức thuế suất Thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm xăng sẽ giữ ở mức 20%. Nhưng thuế nhập xăng từ Hàn Quốc theo FTA ký với Hàn Quốc chỉ còn 10%).

Vì thế, khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù thuế cho nhà máy này để giá bán của các nhà máy này cạnh tranh được với giá xăng dầu nhập khẩu.

Năm 2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng đưa ra kịch bản: Trên cơ sở giả định giá dầu thô WTI là 75 USD/thùng, PVN đã tính toán và báo cáo Bộ Tài chính số tiền PVN phải thanh toán cho NSRP phát sinh từ việc thay mặt Chính phủ thực hiện ưu đãi cam kết thuế nhập khẩu cho Dự án là trong suốt thời gian ưu đãi như sau:  Một là chênh lệch thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu (thanh toán thông qua FPOA): khoảng 65 nghìn tỷ đồng (trong đó 7 nghìn tỷ đồng thanh toán cho nghĩa vụ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT phát sinh trên số tiền chênh lệch thuế). Hai là chênh lệch thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu (Lọc dầu Nghi Sơn bán cho bên thứ ba) khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Tổng cộng số tiền phải bù thuế theo tính toán khi đó là khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Con số được tính toán này đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ có sự khác biệt nào hay không vì các thông tin được giữ kín. Nhưng ngay khi Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại, số tiền PVN phải thanh toán cho lọc dầu Nghi Sơn phát sinh từ việc Chính phủ thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu cho dự án này là rất lớn.

Điều này đồng nghĩa với việc, lợi nhuận từ phần vốn góp 25% mà PVN tham gia vào dự án này có thể thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra để bù thuế. Trong bối cảnh lọc dầu Nghi Sơn đang báo lỗ như hiện nay, thực sự Việt Nam đang chịu thiệt đơn thiệt kép.

BẤP BÊNH NGUỒN CUNG TỪ NHÀ MÁY LỌC DẦU NGHI SƠN

Cách đây ít lâu, Lọc dầu Nghi Sơn phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính.

Hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD.

Điều này khiến việc cung ứng xăng dầu của Việt Nam đang trong thế bị động. Vì phải bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn, nếu ùn ùn nhập khẩu thì có khả năng không tiêu thụ được hết sản phẩm của dự án này (nếu dự án trở lại hoạt động bình thường). Còn nếu trông chờ vào Nghi Sơn với một tương lai bất định, thì nguồn cung xăng dầu thiếu hụt là chuyện khó tránh khỏi.

Lương Bằng

GIÁ XĂNG SẼ ĐẾN NGÀY  GIẢM MẠNH SAU 7 LẦN TĂNG LIÊN TIẾP?

ANH TUẤN/ VNN 20-3-2022

Do giá xăng dầu thế giới tuần qua lao dốc nên giá xăng, dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày mai (21/3) có thể giảm 1.500-2.500 đồng/lít. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần giảm đầu tiên sau 7 lần giá xăng tăng liên tiếp.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/3 giảm khá nhiều so với kỳ tính giá trước đó (ngày 11/3).

Theo đó, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 120,29 USD/thùng, chu kỳ trước là 133,83 USD/thùng. Còn giá xăng RON 95 là 124,14 USD/thùng, kỳ trước là 135,5 USD/thùng. Như vậy, giá xăng RON 92 và giá xăng RON 95 ở chu kỳ này giảm 9-12% so với chu kỳ trước.

Tương tự, giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/3 cũng có xu hướng giảm mạnh so với kỳ tính giá trước đó. Dầu diesel nhiều thời điểm về mốc giá 111 USD/thùng (trong khi kỳ trước có thời điểm vọt lên 176 USD/thùng).

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Trong tuần, giá dầu có 3 phiên giao dịch giảm liên tiếp. Kết thúc tuần, cả hai loại dầu Brent và dầu WTI ghi nhận mức giảm khoảng 4%.

Giá xăng đến ngày giảm mạnh sau 7 lần tăng liên tiếp
Giá xăng ngày mai có thể giảm.

Giá dầu thế giới giảm trong bối cảnh có những tín hiệu tích cực trong đàm phán Nga - Ukraine và những lo ngại tình hình Covid-19 ở Trung Quốc có thể làm giảm lượng cầu.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội cho biết, do giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nên giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày mai (21/3) cũng sẽ giảm theo giá xăng thế giới.

Theo đó, ở kỳ điều chỉnh giá ngày mai (21/3), giá xăng có thể giảm 1.100-1.500 đồng/lít. Tương tự, giá dầu sẽ giảm khoảng 1.900-2.500 đồng/lít.

Tuy nhiên, mức giảm trong kỳ điều chỉnh ngày 21/3 cụ thể ra sao cần được tính toán thêm và cũng phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu của cơ quan điều hành. Nếu sử dụng Quỹ BOG, giá xăng và dầu sẽ giảm cao hơn.

Để kìm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Nếu đúng dự báo, đây sẽ là lần giảm đầu tiên của giá xăng sau 7 lần tăng giá liên tiếp.

Trong kỳ điều hành giá xăng, dầu gần đây nhất (ngày 11/3), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng, dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 2.908 đồng/lít, giá bán không cao hơn 28.985 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 2.990 đồng/lít, giá bán không cao hơn 29.824 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu cũng tăng. Dầu hoả tăng 3.940 đồng một lít, giá bán không quá 23.918 đồng/lít. Dầu diesel tăng 3.958 đồng một lít, giá bán không cao hơn 25.268 đồng/lít.

Anh Tuấn

BA KỊCH BẢN LẠM PHÁT  Ở VIỆT NAM  THEO ĐÀ TĂNG GIÁ DẦU THẾ GIỚI

Doanh Nghiệp Niêm Yết /DÂN VIỆT 19-3-2022

Tại buổi tọa đàm "Đầu tư trong bối cảnh lạm phát và căng thẳng địa chính trị", chuyên gia, phụ trách Khối Nghiên cứu, Dragon Capital Việt Nam, bà Đặng Nguyệt Minh cho biết, xung đột giữa Nga - Ukraine đã gây ra nhiều tác động lên hệ thống tài chính, chuỗi cung ứng toàn cầu do hệ quả của các biện pháp trừng phạt.

Điều này khiến cho giá cả hàng hóa tăng vọt, trong bối cảnh toàn cầu, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực do độ mở của nền kinh tế của Việt Nam rất cao.

Tác động trực tiếp bao gồm những ảnh hưởng lên cán cân thương mại, lạm phát và hệ thống ngân hàng doanh nghiệp. Trong khi đó, tác động gián tiếp đến từ việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại khiến cho tăng trưởng của Việt Nam không đạt kỳ vọng.

Giá cả hàng hóa thế giới biến động sẽ tác động mạnh đến cán cân thương mại của Việt Nam

Phân tích về tác động trực tiếp, bà Đặng Nguyệt Minh cho biết, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm 0,9% tổng giá trị thương mại của Việt Nam và đây là một con số rất khiêm tốn.

Chi tiết hơn về các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, nhóm hàng hóa điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử chiếm 46%. Như vậy, trong khối doanh nghiệp, nếu bị ảnh hưởng nhiều hơn thì chính là khối FDI như LG, Samsung,...

Còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có chút ảnh hưởng đặc biệt là hoạt động trong các ngành dệt may, nông sản, thủy sản,... với tổng giá trị xuất khẩu sang Nga khoảng 1 tỷ USD.

"Nói về tác động trực tiếp của xung đột này đối với doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nhìn chung không có sự e ngại", bà Đặng Nguyệt Minh đánh giá.

Chuyên gia Dragon Capital khẳng định rủi ro lạm phát thời điểm hiện tại thấp hơn năm 2011 rất nhiều - Ảnh 1.

Đối với tác động gián tiếp, chuyên gia Dragon Capital cho biết, với việc giá cả hàng hóa trên thế giới biến động mạnh như giá than, giá xăng dầu,... sẽ tác động mạnh tới cán cân thương mại của Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam nhập ròng một số loại hàng hóa năng lượng như dầu khí, than hay LNG với giá đầu vào cao hơn thì dự kiến sẽ mất thêm khoảng 2,5 tỷ USD để nhập khẩu các loại hàng hóa này. Bù lại, Việt Nam xuất siêu một số loại nông sản, thủy sản, gỗ và do giá tăng thì sẽ thu về 1,1 tỷ USD.

Về ảnh hưởng chung, bà Minh tính toán Việt Nam sẽ mất đi khoảng 1,4 tỷ USD đối với mức thặng dư thương mại so với kỳ vọng ban đầu. Trước đó, Dragon Capital kỳ vọng thặng dư thương mại năm nay sẽ là 13,2 tỷ USD, với những tác động như trên, hiện tại con số này giảm xuống còn 11,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là Việt Nam vẫn sẽ có mức thặng dư thương mại trong năm 2022.

Dự báo ba kịch bản lạm phát liên quan giá dầu

Chuyên gia Dragon Capital nhận định việc giá cả hàng hóa sẽ mang lại tác động lớn và quan trọng hơn chính là lạm phát. Nhiều người thường cho rằng đây là vấn đề ở các nước phương Tây đang phải đối mặt.

Chuyên gia Dragon Capital khẳng định rủi ro lạm phát thời điểm hiện tại thấp hơn năm 2011 rất nhiều - Ảnh 2.

Tuy nhiên, có điểm cần phải lưu ý chính là mỗi quốc gia sẽ có một rổ lạm phát khác nhau. Nếu như người tiêu dùng phương Tây tiêu thụ lượng lớn ngũ cốc, bánh mỳ, trứng, thịt gia cầm,... Song, người tiêu dùng Việt Nam lại tiêu thụ lượng lớn gạo, thịt heo.

Từ đó, bà Minh chỉ ra thực tế giá lúa mỳ, lúa mạch tăng rất nhanh nhưng giá gạo lại gần như không thay đổi. Như vậy, mỗi quốc gia, mức độ tác động của giá cả lên lạm phát lại khác nhau.

Đối với Việt Nam, tác động lớn nhất lên lạm phát ở mặt giá cả hàng hóa chính là giá xăng dầu. Hiện nay, Việt Nam đang phải trả hơn 30.000 đồng/lít xăng RON-95. Thực tế mức giá này cao hơn 15% so với trung bình các bang tại Mỹ và chỉ thấp hơn bang California - bang đắt nhất của nước Mỹ.

Lý giải về điều này, bà thông tin trong cấu thành của giá xăng mà người tiêu dùng đang phải trả thì có 44% là dành cho các loại thuế, phí. Vì vậy, đây cũng chính là cái khoảng để Chính phủ có thể cân chỉnh và điều tiết trong trường hợp cần thiết.

Chuyên gia Dragon Capital khẳng định rủi ro lạm phát thời điểm hiện tại thấp hơn năm 2011 rất nhiều - Ảnh 3.

Lưu ý thêm về việc chỉ số CPI hai tháng đầu năm vẫn thấp, bà cho biết thực tế giá xăng dầu tăng là tác động tệ nhất đối với Việt Nam và đã được phản ánh một phần trong chỉ số CPI của tháng 2.

Cụ thể, chi phí vận chuyển đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và chi phí này đóng góp 10% trong rổ lạm phát, từ đó kéo CPI của cả nước lên khoảng 1,5%. Bù lại, các yếu tố chi phí khác lại giảm như y tế, thực phẩm,... giúp CPI tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Chuyên gia Dragon Capital khẳng định rủi ro lạm phát thời điểm hiện tại thấp hơn năm 2011 rất nhiều - Ảnh 4.

Chuyên gia cũng lưu ý chỉ số quan trọng hơn đó là chỉ số CPI lõi đã loại trừ các biến động của giá thực phẩm và giá năng lượng. Hiện CPI lõi của Việt Nam đang ở mức 0,68% và nếu chỉ số này tăng lên khoảng 2% thì nền kinh tế vẫn có thể chấp nhận được.

Bà cũng đưa ra ba kịch bản giá dầu trung bình cả năm tác động tới lạm phát 2022. Cụ thể, nếu giá dầu trung bình cả năm ở mức 95 - 130 USD/thùng thì lạm phát của Việt Nam sẽ giao động từ 3,7 - 5,3%. Còn trong kịch bản cơ sở, Dragon Capital dự báo lạm phát sẽ ở mức 4,2% khi giá dầu trung bình ở mức 110 USD/thùng.

Rủi ro lạm phát thời điểm hiện tại thấp hơn thời điểm năm 2011

Nếu so sánh mức độ lạm phát ở thời điểm hiện tại với thời điểm năm 2011, đại diện Dragon Capital cho rằng mức độ rủi ro thấp hơn rất nhiều.

Chuyên gia Dragon Capital khẳng định rủi ro lạm phát thời điểm hiện tại thấp hơn năm 2011 rất nhiều - Ảnh 5.

Cụ thể, năm 2011, tất cả các loại hàng hóa đều tăng mạnh, đặc biệt là gạo và thịt heo - hai yếu tố rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, hiện nay giá cả hai mặt hàng này đều khá ổn định.

Ngoài ra, bà Minh cũng lưu ý sự ổn định của nền kinh tế nội tại là rất quan trọng. Năm 2011, Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên chính sách tiền tệ của Việt Nam đã tương đối thận trọng trong 5 năm vừa qua, do đó Việt Nam hiện tại không phải đối mặt với rủi ro từ chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa.

"Nhìn chung, áp lực lạm phát là có tăng nhưng vẫn có thể kiểm soát được", chuyên gia Dragon Capital nhận định.

Tổng kết lại, Dragon Capital dự báo thặng dư thương mại sẽ thâm hụt khoảng 1 - 2 tỷ USD, tuy nhiên Việt Nam vẫn duy trì trạng thái thặng dư, tác động của yếu tố này lên bối cảnh chung là thấp.

Áp lực của hàng hóa lên lạm phát là có, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Kịch bản cơ sở của Dragon Capital được điều chỉnh từ mức 3,5% lên 4,3%, tác động của yếu này là trung bình.

Về tăng trưởng kinh tế, Dragon Capital dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7% trong kịch bản cơ sở, còn trong kịch bản tích cực con số này có thể lên 8 - 8,5%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét