Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

20220309. PHẢN BIỆN Ý KIẾN TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH

ĐIỂM BÁO MẠNG


XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE: KHÔNG BÊN NÀO THẮNG !

NGUYỄN CHÍ VỊNH  / TT  5-3-2022



Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho rằng việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine thời điểm này là sự kiện lạ thường xảy ra trong một thế giới hiện đại, giữa kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa. Đây là một bất ngờ với cả thế giới, dù trước đó có thể có rất nhiều "thuyết âm mưu

CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ TẠO RA TIỀN LỆ XẤU

Ông Nguyễn Chí Vịnh nói:

- Cuộc đối đầu quân sự và các diễn biến tại Ukraine mang tính cục bộ nhưng đã nhanh chóng được đẩy lên phạm vi toàn cầu. Bởi xét trên bình diện quốc tế, các cuộc chiến tranh đều gây ảnh hưởng đến ổn định, hòa bình, chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế...

Với Việt Nam, cần làm rõ: trước hết hòa bình thế giới bị đe dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta.

* Với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều là những người bạn truyền thống, nên mỗi người chúng ta đều rất không vui trước tình hình xung đột, chiến sự hiện nay. Các nước can dự vào xung đột này cũng đều là bạn bè, đối tác của Việt Nam, vậy chúng ta phải đứng về bên nào? Lựa chọn cách ứng xử như thế nào?

- Một câu hỏi được đặt ra trong những ngày qua là ai đúng, ai sai trong cuộc xung đột này và liệu nó sẽ đi về đâu? Các bên xung đột trực tiếp và các bên can dự đều viện dẫn lý lẽ của mình.

Tôi nghĩ rằng nguyên nhân để xung đột leo thang như hiện nay không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, nhưng rõ ràng chiến dịch quân sự này tạo ra tiền lệ xấu trong việc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, hòa bình thế giới bị đe dọa.

Nhưng kết cục của cuộc chiến sẽ đi về đâu, ai sẽ thắng? Cá nhân tôi cho rằng cả Nga và Ukraine đều không có bên nào thắng.

* Hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng súng vẫn nổ, Mỹ và một số đồng minh viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong lúc Tổng thống Putin ra lệnh đặt lực lượng răn đe (vũ khí hạt nhân) của Nga vào tình trạng cảnh giác cao. Theo ông, có những nguy cơ gì trong thời gian tới?

- Rõ ràng phải lo ngại chứ, khi hằng ngày hằng giờ số người chết và bị thương cứ tăng lên. Đặc biệt khi Tổng thống Putin lệnh cho quân đội Nga đưa lực lượng phản ứng chiến lược lên mức cảnh giác cao.

Ai cũng nghĩ rằng đó chỉ là lời đe dọa nhưng đã làm cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại, bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân lẽ ra không được có trong suy nghĩ của lãnh đạo các quốc gia sở hữu thứ vũ khí hủy diệt này, chứ không phải là thể hiện ra bằng lời nói và được lặp đi lặp lại không chỉ một lần.

Ở phía ngược lại, Mỹ và một số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tình hình hiện nay là sai lầm, và có thể đằng sau nó là một âm mưu sâu xa bởi nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.

Tôi đặt ra câu hỏi: hàng tỉ đôla viện trợ vũ khí của Mỹ và phương Tây cho Ukraine hiện nay đang và sẽ nằm trong tay ai? Quân đội chính quy của Ukraine thì đã rõ.

Nhưng nên nhớ lực lượng xung kích và thiện chiến nhất tại Ukraine hiện nay, thường được gọi là các "Binh đoàn dân binh tự vệ" có nòng cốt là các nhóm cực hữu, phân biệt sắc tộc rất manh động (được bổ sung thêm một số tù hình sự được thả để "đổi mạng người lấy tự do").

Phía bên kia là các đơn vị bán vũ trang và lính đánh thuê ở miền Đông do Nga hậu thuẫn. Thử hỏi khi cuộc chiến tranh đã đi qua, những vũ khí hiện đại đó nằm trong tay các nhóm vô chính phủ sẽ được sử dụng như thế nào?

PHẢI CHẶN NGUY CƠ THẾ GIỚI PHÂN CỰC

* Chiến sự Nga - Ukraine không thể kéo dài mãi, phải có kết cục. Điều nhiều người đang lo ngại là cho dù cuộc chiến này có kết cục như thế nào đi nữa thì sau đó thế giới cũng bị biến đổi sâu sắc, bởi cấu trúc an ninh toàn cầu sẽ thay đổi. Ông bình luận gì?

- Đúng như vậy. Như tôi đã nói, tôi cho rằng cuộc chiến này Nga và Ukraine sẽ không có bên nào thắng. Chúng ta nhớ lại năm 1979, Liên Xô đưa quân sang Afghanistan và thời điểm đó, mọi chuyện tưởng chừng như đã an bài, nếu so sánh sức mạnh của hai bên.

Nhưng sau 10 năm sa lầy, Liên Xô phải quay trở về trong thế yếu và đó là một nhân tố góp phần làm Liên Xô sụp đổ. Nước Nga cần nhớ lại bài học này để có thể ngồi vào bàn đàm phán.

Theo tôi, chiến sự tại Ukraine hiện nay khó có khả năng lan rộng, bởi không ai muốn nó lan rộng, kể cả Nga. Tuy vậy, nếu các bên thiếu kiềm chế, không chỉ Nga - Ukraine mà cả các quốc gia can dự nữa, thì nguy cơ từ chiến tranh mở rộng, cộng hưởng với chiến tranh kinh tế, chính trị và tạo ra phân cực thế giới mới thì vấn đề có thể bị đẩy đi xa hơn, rộng hơn, xấu hơn rất nhiều.

Điều chúng ta lo ngại là cuộc chiến này có thể dẫn đến hệ lụy xấu đối với tương lai thế giới khi cấu trúc an ninh hiện tại bị phá vỡ. Một trật tự thế giới đa cực có thể bị biến đổi thành "hai phe", nếu như vậy nguy cơ đối đầu dai dẳng và nguy hiểm.

Cho nên tất cả những gì chúng ta mong muốn và cần phải hành động là ngăn chặn kết cục xấu ấy, ngăn chặn nguy cơ phân cực thế giới một lần nữa.

* Muốn tránh nguy cơ nguy hiểm này thì chỉ có một con đường: đối thoại, đối thoại và đối thoại?

- Cho dù cuộc chiến có kết cục thế nào đi nữa thì Nga và Ukraine đều có những tổn hại về phía mình. Nga phải bỏ chi phí rất lớn để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, lại phải chịu các đòn trừng phạt kinh tế của EU, Mỹ và đồng minh.

Về đối ngoại, nước Nga sẽ có một kẻ thù ở sát nách thay vì một người anh em hay một nước láng giềng truyền thống. Hơn thế nữa, uy tín và đoàn kết quốc gia sẽ bị tổn hại vô cùng nặng nề và lâu dài.

Còn Ukraine thì sẽ tan nát sau cuộc chiến và trước mắt là một tương lai lệ thuộc, mất ổn định, xung đột, thậm chí nội chiến lâu dài. Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng hưởng lợi từ sự kiện này, cả trước mắt và lâu dài, là những nước lớn không trực tiếp tham gia xung đột, đang đứng ngoài "tọa sơn quan hổ đấu".

Con đường đối thoại là đương nhiên, nhưng cách nào để có đối thoại thực chất, trên cơ sở tôn trọng lợi ích, nhân nhượng lẫn nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế (mà trong cuộc chiến này yếu tố đó hình như không được coi trọng cho lắm), nên cần có nhiều tiếng nói ở các góc độ khác nhau với các bên tham gia, trong đó có đa phương, có song phương.

Nói cho gọn, tất cả các bên, trước tiên là Nga và Ukraine, rồi đến các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này, nhất là Mỹ và EU đều phải "quay xe", lùi lại - tức là đều phải nhân nhượng.

Nhưng phải để cho mọi quốc gia đều giữ được thể diện, tức là không có người thắng, kẻ thua - mà là "cùng thắng", người thắng thực sự là hòa bình. Nếu các bên không cùng nhau đảm bảo yêu cầu này, đàm phán sẽ thất bại. Cũng đừng chờ đợi vào công thức "người thắng trên chiến trường sẽ là người có tiếng nói cuối cùng trên bàn đàm phán" như đã từng diễn ra trong quá khứ.

Vậy công thức nào? Không khó để nhìn ra, đó là: ngừng bắn ngay lập tức, các đoàn quân về bên kia biên giới; ngưng ngay viện trợ quân sự cho tất cả các bên; các khu vực tranh chấp (Crimea, Donbass...) giữ nguyên trạng, 2 nước sẽ đàm phán trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế; Ukraine trung lập, "3 không" - đối với tất cả các bên.

Tôi nhắc lại, muốn hạ nhiệt ở Ukraine cần chọn công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận.

VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM GÌ ?

* Theo ông, cuộc xung đột này ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và chúng ta cần có hành động gì để đóng góp vào việc thiết lập lại hòa bình?

- Rõ ràng là tình hình đã ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến Việt Nam. Đây mới là thách thức quan trọng mà Việt Nam phải tính toán và đối mặt để không bao giờ cho phép xảy ra những vấn đề tương tự trên đất nước của chúng ta.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị ngoại giao mới đây đã nhận định rằng trong tình hình thế giới hiện nay, là một quốc gia có trách nhiệm, chúng ta cần phải căn cứ vào vị thế của đất nước để có tiếng nói phù hợp đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh thế giới và đó cũng là lợi ích của Việt Nam.

Đồng thời, cần rất chủ động để xúc tiến các bước đi ngoại giao nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, đó chính là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Chúng ta không thể đứng ngoài sự việc này, bởi trước hết Nga và Ukraine đều là bạn của Việt Nam, những bên can dự vào đều là đối tác của chúng ta. Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh để có thể tham gia, đóng góp giúp tạo lập lại hòa bình.

Thứ nhất, chúng ta đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để kiến lập nền hòa bình bền vững cho đất nước.

Thứ hai, chúng ta cũng có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng vẫn giữ được hòa bình. Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, sóng gió như vậy nhưng Việt Nam giữ vững được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ được độc lập tự chủ và những gì chúng ta đang có, đồng thời giữ được hòa bình.

Thứ ba, chúng ta có quan hệ đa phương rộng rãi với hầu hết các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Đó là thế mạnh mà chúng ta phải tận dụng để đóng góp cho hy vọng hòa bình ở Ukraine trong sự bình đẳng, phù hợp luật pháp quốc tế. Và đó cũng chính là lợi ích của Việt Nam.

* Như ông phân tích, chúng ta đều là bạn của Nga và Ukraine, vậy khi 2 người bạn xảy ra "xích mích" thì chúng ta nên hành động thế nào cho phù hợp trong lúc này?

- Tôi lại nhớ đến câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao phải chân thành. Chúng ta cần chân thành, thẳng thắn nêu ý kiến với tất cả bạn bè, đối tác để đóng góp cho hòa bình.

Theo tôi, với nước Nga, một người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam, chúng ta ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới, không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga.

Nhưng đồng thời cũng góp ý với bạn, trước hết không đồng tình khi chủ quyền, lãnh thổ các nước không được tôn trọng theo luật pháp quốc tế, bất luận là hình thức nào. Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận, chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.

Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách "ngoại giao pháo hạm" của nước lớn.

Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, cũng cần góp ý với các bạn Ukraine về việc để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn.

Thêm vào đó, khi sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Cũng cần góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào.

Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bài học "3 không" trong chính sách quốc phòng, đó là không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba.

Thực hiện: 

ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN - THÀNH CHUNG

Ảnh: 

LÊ KIÊN

Đồ hoạ: 

NGỌC THÀNH

ĐU DÂY THẾ NÀO CHO KHÉO

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/TD 5-3-2022


Hôm nay Facebook xôn xao về bài báo Tuổi Trẻ phỏng vấn tướng Nguyễn Chí Vịnh. Đa số anh em hỉ hả vì thấy có một ông tướng dám nói hai chiều, tức là dám chê Nga và bênh Ukraine.

Mình đọc bài báo thì thấy những cái ông ấy nói cũng không có gì mới hơn những cái bọn phản động phân tích mấy hôm nay, chắc cũng vì vị trí nguyên thứ trưởng bộ Quốc phòng nên vẫn phải giữ kẽ.

Những lý do khiến Việt Nam phải bỏ phiếu trắng, tướng Vịnh phải vừa khen vừa chê cả hai bên là chưa rõ ràng. Anh em thiện lành đọc chắc chắn vẫn thấy lơ mơ, không khác với xem VTV là mấy. Những điều mình viết dưới đây mình không tin là ông Vịnh không biết, nhưng cũng chỉ dám nói bóng gió ỡm ờ.

1. Lý do Việt Nam không dám lên án Nga xâm lược

Việt Nam đang phụ thuộc vào quân sự (vũ khí, khí tài, đào tạo) của Nga gần như tuyệt đối. Đấy là điểm yếu chết người nhất của Việt Nam để bị khóa mồm. Vì Việt Nam không dám mua vũ khí TQ (để đề phòng TQ), Mỹ thì chưa tin tưởng để bán vũ khí chiến lược cho Việt Nam. Lượng vũ khí mua của Israel chủ yếu là vũ khí cá nhân. Tóm lại lại là không có đối tác xứng tầm để tránh bị lệ thuộc Nga. Vấn đề này không báo chí cách mạng nào dám viết nên anh em thiện lành khó mà biết được.

Lý do về tình bạn truyền thống như ông Vịnh viết thực ra là sai, Việt Nam là bạn truyền thống với Liên Xô, không phải Nga, nợ ân nghĩa cũng là với Liên Xô. Nhưng nợ Liên Xô là nợ cả Nga và Ukraine, vì đó là 2 nước lớn nhất trong LB Xô viết. Lý do này đang được báo chí CM thổi lên cho bo` đỏ đem đi húc thôi chứ bản chất là sai.

Nên nhớ là TT Nga Yeltsin từng cấm đảng CS LX hoạt động, ông này thân phương Tây và rất ghét CS, đã từ bỏ đảng CS trước khi LX sụp đổ. Đến thời Putin mới phục hồi lại sự hoạt động của đảng CS. Nếu coi Nga là bạn truyền thống thì mới từ thời Putin (2000) thôi, sao gọi là truyền thống được.

2. Lý do khiến Việt Nam không thể ủng hộ Nga

Việt Nam hay ông Chí Vịnh đều hiểu Nga đang tấn công xâm lược Ukraine, trẻ con cũng nhận thấy điều đó. Khái niệm “chiến dịch quân sự đặc biệt” và mục đích “phi quân sự hóa Ukraine” chỉ để bịp trẻ con. Lý do của Nga là bảo vệ kiều dân Nga ở hai nước Công hòa tự xưng Lugansk và Donetsk và ngăn cản việc Ukraine gia nhập NATO để đe dọa an ninh Nga, cũng rất nhảm nhí và vô lối, đúng như lời ông Vịnh là “ngoại giao pháo hạm”, bây giờ là ngoại giao tên lửa.

Thứ nhất, Việt Nam đã từng bị TQ tấn công với lý do y chang, là bảo vệ Hoa kiều sau nạn kiều, dạy cho Việt Nam một bài học (do Việt Nam liên minh quân sự với Liên Xô). Nên nếu Việt Nam ủng hộ Nga tức là Việt Nam cũng đã chấp nhận TQ đánh Việt Nam năm 1979 là đúng (vì lý do gần giống hệt).

Thứ hai, Việt Nam cũng có những vùng đất có rủi ro ly khai, ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc (trong trường An ninh gọi là 3 Tây nhạy cảm). Nên nếu Việt Nam ủng hộ Nga tức là ủng hộ việc ly khai của các khu vực nói trên. Một ngày xấu trời nhỡ người Mèo ở biên giới phía Bắc đòi ly khai, lập quốc, rồi TQ công nhận, đem quân giải cứu thì sao? Nên nhớ là nhiều dân tộc thiểu số ở biên giới TQ cũng có chung dân tộc với người thiểu số ở Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, họ cũng không có nhiều tinh thần dân tộc của người Kinh đâu.

Lý do ông Vịnh nêu ra Ukraine là bạn bè nên phải bảo vệ… thực ra cũng nhảm. Chẳng có tình bạn nào mãi mãi, chỉ có lợi ích thôi. Việt Nam và Ukraine cũng chẳng có mối quan hệ kinh tế gì ghê gớm, ngoại giao cũng không thân. Đến nỗi hiện tại đang khuyết chức đại sứ Ukraine tại Việt Nam, nên Ukraine đang phải tạm thời dùng bà đại biện lâm thời để thay thế. Lý do Việt Nam không thể lên án Ukraine một cách chính thức chủ yếu vì vấn đề lý luận và lịch sử kể trên.

Vì hai lý do đó, Việt Nam bắt buộc phải bỏ phiếu trắng, nhưng lại dại dột là dùng báo chí cách mạng và đàn bò để định hướng dư luận là Việt Nam nghiêng về Nga hơn, thủy chung với Nga hơn.

Đây là việc làm rất ngớ ngẩn của Ban Tuyên giáo. Lẽ ra, chủ trương trung lập, ngoại giao cây tre phải được xuyên suốt từ các tuyên bố ngoại giao lẫn tuyên truyền. Có nghĩa là báo chí phải được bật đèn xanh để ông đấm ông xoa. Ông thì bênh Nga, ông bênh Ukraine, để chứng tỏ là Việt Nam đứng giữa.

Đằng này, báo chí lôi ông tướng Cương với tá Mậu lên TV và trả lời phỏng vấn tán loạn khắp với giọng khệnh khạng, trịch thượng, hạ nhục Tổng thống một nước đang có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đó là cách hành xử rất phi ngoại giao và hoàn toàn sai sự thật diễn ra trong mấy ngày qua. Bà đại biện Ukraine hoàn toàn có thể lên tiếng phản ứng với Bộ NG Việt Nam về chuyện này.

Trong hoàn cảnh đó, có lẽ bài phỏng vấn tướng Vịnh là một cách sửa sai, có đấm có xoa và hai ông kia mấy hôm nay không thấy chém gió nữa. Có lẽ cũng bị Tuyên giáo có ý kiến chăng?

Trong thời gian tới, có lẽ báo chí nên được đăng một số bài khác mang tính trung lập hơn, có bài ủng hộ Ukraine, có thể ở một số tờ báo “nhỏ” cũng được. Báo “to” kiểu QĐND, Nhân Dân, CAND thì cứ việc kiên định cuồng Nga cho an toàn. Báo Tuổi Trẻ dùng màu cờ Ukraine trong bài báo chắc chắn là có ý đồ!

Tuy trung lập về ngoại giao thì Việt Nam cũng nên ủng hộ việc viện trợ nhân đạo cho Ukraine, ví dụ như viện trợ lương thực, y tế, điều này không sợ mất lòng Nga mà vẫn tỏ ra là tử tế, có chút lương tri.

Mình không ủng hộ hoàn toàn ý kiến của tướng Vịnh, như việc ông cho rằng phương Tây viện trợ vũ khí là đổ thêm dầu vào lửa. Với tiềm lực quân sự quá chênh lệch như vậy thì Phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine cũng là để tự vệ, duy trì sự sống thôi. Nhưng với bối cảnh hệ thống truyền thông chìm nổi của Việt Nam đang ra sức cuồng Nga thì ý kiến của ông Vịnh cũng là một điểm sáng. Kể ra hóng các chuồng bò chửi tướng Vịnh, quân ta bắn quân mình, cũng vui.

Dương Quốc Chính

ĐÔI LỜI CÙNG TƯỚNG VỊNH

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 6-3-2022

Ý kiến của tướng Vịnh về cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đối với Ukraine, thể hiện qua bài nói chuyện đăng lại trên Tuổi Trẻ hôm qua, theo tôi có nhiều điều “không thuyết phục”.

Thứ nhứt, khi Tướng Vịnh cho rằng: “Nguyên nhân để xung đột leo thang như hiện nay không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối”.

Tướng Vịnh nói vậy, không bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, tức là phía Nga “có lý do” để biện hộ cho hành vi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà thực chất là xâm lược Ukraine.

Đồng thời tướng Vịnh cũng hàm ý nói rằng, các hành vi trừng phạt Nga về kinh tế của cộng đồng thế giới là không hoàn toàn đúng.

Mọi người đều biết, ngay cả tướng Vịnh, thực chất của “chiến dịch quân sự đặc biệt” là một cuộc xâm lược vũ trang và mục tiêu chiến dịch là chinh phục lãnh thổ và “vẽ lại đường biên giới” Ukraine.

Đây là điều tối kỵ trong quan hệ quốc tế vì nó phá hủy toàn bộ các nguyên tắc nền tảng lập nên luật lệ quốc tế (tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia như không xâm phạm biên giới, lãnh thổ, không can dự vào chuyện nội bộ… của quốc gia khác v.v..). Tướng Vịnh trong bài phát biểu đã nhấn mạnh ở các điều này.

Ngay từ đêm trước khi tấn công vào Ukraine, Putin đã ký sắc lệnh “công nhận hai cộng hòa độc lập Donestk và Luhansk”.

Donesk và Luhansk là hai vùng lãnh thổ của Ukraine mà Putin ủng hộ ly khai năm 2014. Đồng thời còn có vụ “trưng cầu dân ý” sáp nhập lãnh thổ Crimea, vốn thuộc Ukraine, vào Nga.

Từ những việc này, Putin vịn vào điều 51 hiến chương LHQ về “quyền tự vệ chính đáng” và “quyền tự vệ tập thể chính đáng” để đem quân bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của hai cộng hòa độc lập Donestk và Luhansk.

Nếu tướng Vịnh không cho rằng, các hành vi này của Putin không sai 100% thì tướng Vịnh đã “mở cửa” cho một tiền lệ nguy hiểm, có thể áp dụng cho Việt Nam.

Tướng Vịnh không thể không biết các vùng lãnh thổ miền Trung và phía Nam của Việt Nam chỉ mới được sáp nhập vào Việt Nam từ vài chục năm đến vài thế kỷ nay mà thôi. Vùng đất Khmer Krom (bao gồm Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc liêu…) chỉ mới yên ổn vài thập niên trở lại đây.

Trong khi Hiệp định Paris 1973 (còn mới nguyên) có qui định “nhân dân miền Nam được giữ quyền dân tộc tự quyết”. Nhân dân miền Nam ở đây là dân VN phía nam vĩ tuyến 17.

Giả sử rằng, một cường quốc bá đạo nào đó kích động dân địa phương nổi dậy vũ trang và tuyên bố “ly khai”.

“Cường quốc bá đạo” có thể nhìn nhận “nền độc lập của cộng hòa Khmer Krom”, với lãnh thổ bao gồm lục tỉnh Nam Kỳ. Tức vùng “đất mới” của Việt Nam, tính từ thời các chúa Nguyễn. Việt Nam dĩ nhiên đem quân trấn áp. Tức thì “cường quốc bá đạo” đó vịn điều 51 Hiến chương LHQ về quyền “tự vệ tập thể chính đáng”. “Cường quốc bá đạo và đồng minh” đổ quân vô Việt Nam, chia Việt Nam thành nhiều khúc, chiếm Sài gòn, sau đó phong tỏa Hà Nội (kiểu phong tỏa Stalingrad 1943 hay Kiev hiện tại).

Hoặc là “cường quốc bá đạo và đồng minh” yêu cầu Việt Nam tuân thủ “quyền dân tộc tự quyết” của nhân dân miền Nam (nam vĩ tuyến 17). Sau đó bằng các áp lực quân sự lẫn ngoại giao và kinh tế, một cuộc “trưng cầu dân ý” được mở ra để nhân dân miền Nam thể hiện ý chí, thí dụ miền Nam ly khai để thành lập Cộng hòa Nam Việt (Nam Việt Dân quốc) độc lập, có chủ quyền với chế độ dân chủ tự do, đa nguyên chính trị và thân tư bản. Hiển nhiên yêu sách này là chính đáng.

Khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các đại cường có ký kết và bảo hộ Hiệp định Paris 1973, các pháp nhân này đã nhìn nhận “quyền dân tộc tự quyết” của nhân dân miền Nam. Quyền này không thể truất bãi. Nhân dân miền Nam còn thì quyền này còn.

Nghĩ lại thấy “kẹt” phải không tướng Vịnh?

Thứ hai, tướng Vịnh cho rằng: “Mỹ và một số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tình hình hiện nay là sai lầm, và có thể đằng sau nó là một âm mưu sâu xa bởi nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa”.

Trong bài nói chuyện tướng Vịnh nhìn nhận rằng, một bên là “các đơn vị bán vũ trang và lính đánh thuê ở miền Đông do Nga hậu thuẫn”. Bên Ukraine thì có các “Binh đoàn dân binh tự vệ” có nòng cốt là các nhóm cực hữu, phân biệt sắc tộc rất manh động”.

Theo tôi, ý kiến của tướng Vịnh không thuyết phục vì chỉ muốn “tước vũ khí” một bên. Đã đành lợi bất cập hại nếu một số vũ khí lọt vào tay các nhóm neonazism. Nhưng dân gian còn có câu “thuốc đắng dã tật”.

Tướng Vịnh đã ví von sai, chiến tranh không phải là “lửa cháy” mà chiến tranh do bên Nga khởi sự. Bên tự vệ là Ukraine.

Lửa sẽ tắt khi Putin ra lịnh rút quân. Bên tự vệ có muốn “đổ dầu thêm” thì lửa cũng không cháy nữa.

Tôi cũng không hiểu “âm mưu sâu xa” nào trong các hành vi viện trợ kinh tài và vũ khí của các quốc gia Mỹ, châu Âu, Nam Hàn, Singapore, Nhật… cho dân Ukraine tự vệ? Nga rút quân thì viện trợ chấm dứt. Vì nó không cần thiết nữa.

Đó là chưa nói đến lực lượng “chí nguyện quân” từ khắp thế giới, từ các quốc gia xa xôi như Thái Lan, Việt Nam… qua Ukraine để chống quân Putin xâm lược. Không lẽ đây cũng là hành vi “đổ dầu vô lửa”?

Ý kiến của tướng Vịnh ở chỗ này có điều “không thuyết phục” là vậy.

Thứ ba, kế sách của tướng Vịnh cho cuộc chiến. Ý kiến tướng Vịnh là:

Tất cả các bên, trước tiên là Nga và Ukraine, rồi đến các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này, nhất là Mỹ và EU đều phải “quay xe”, lùi lại – tức là đều phải nhân nhượng.

Ngừng bắn ngay lập tức, các đoàn quân về bên kia biên giới; ngưng ngay viện trợ quân sự cho tất cả các bên; các khu vực tranh chấp (Crimea, Donbass…) giữ nguyên trạng, hai nước sẽ đàm phán trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế; Ukraine trung lập, “Ba không” – đối với tất cả các bên.

Công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận”.

Theo tôi, nếu các bên chấp nhận ý kiến này của tướng Vịnh. Tức là Putin rút quân. Viện trợ quân sự cho Ukraine chấm dứt. Các khu vực tranh chấp “Crimea, Donbass… giữ nguyên trạng”. Ukraine tuyên bố trung lập “Ba không”.

Hiển nhiên bên thua là Ukraine. Và hiển nhiên công lý là “diễn viên hài” của Việt Nam.

Tất cả những yêu sách của Putin đều được (tướng Vịnh) thỏa mãn. Ngay cả việc chấp nhận tiền lệ ly khai của một dân tộc sống trong một vùng lãnh thổ quốc gia. Ukraine trung lập mà không thấy có điều gì bảo đảm. Trung lập kiểu Campuchia hay Lào thời chiến tranh VN thì cũng như không. Trong khi việc “áp đặt” (chế độ trung lập) này đi ngược lại nguyên tắc nền tảng của Hiến chương LHQ là sự “độc lập có chủ quyền” của quốc gia Ukraine. Ý nghĩa của độc lập là không một thế lực nào có quyền can thiệp vào nội bộ Ukraine. Ý nghĩa của chủ quyền là người dân Ukraine có quyền lựa chọn chế độ chính trị cho quốc gia mình mà việc này không quốc gia nào có thể can thiệp.

Ngoài ra, điều nguy hiểm hơn hết, là giữ nguyên trạng các vùng lãnh thổ Donbass và Crimée. Tướng Vịnh đã nhìn nhận tiền lệ “ly khai” trong một quốc gia độc lập có chủ quyền.

Càng nguy hiểm hơn, ba dấu chấm lững đằng sau câu nói của tướng Vịnh.

Câu hỏi đặt ra là có “giữ hiện trạng” các vùng lãnh thổ mà Nga mới chiếm đóng bằng vũ lực hay không?

Thứ tư, không thấy tướng Vịnh nói về bồi thường chiến tranh và tái thiết Ukraine.

Đâu phải Putin đem lửa đốt nhà và cầm dao giết người ta rồi “huề” đâu, thưa tướng Vịnh?

Thứ năm, ý kiến cuối cùng nói về “lợi ích dân tộc VN”. Từ vài năm nay tôi có nhận xét rằng, đảng viên CSVN hay nói câu “mục tiêu duy nhứt của đảng CSVN là phục vụ cho lợi ích của đất nước và dân tộc VN”. Tướng Vịnh trong bài nói chuyện cũng có nói chủ trương của VN trong việc giải quyết tranh chấp Nga-Ukraine là “phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta”.

Tuy nhiên, trên thực tế và lịch sử, tôi nhận thấy rằng đảng CSVN và các đảng viên chưa bao giờ có một chủ trương, đường lối, hành vi… bất kỳ nào có mục tiêu “ích quốc lợi dân”.

Nhiều lần, và từ rất lâu, tôi đã đặt lại các vấn đề này.

Thử hỏi tướng Vịnh, lợi ích nào đem lại cho đất nước và dân tộc VN qua các chính sách, phương án… như: Cải cách ruộng đất, kinh tế mới, học tập cải tạo, đánh tư sản mại bản, bán bãi cho dân vượt biên, cải tạo công thương nghiệp, công hữu hóa ruộng đất…?

Về phương án “người Hoa”, mà TQ gọi là “nạn kiều”, mà hôm nay Putin vịn vào lý do “can thiệp nhân đạo” đem quân bảo vệ kiều dân Nga để đánh Ukraine. Tôi sẽ dành lại cho một bài viết khác.

Tất cả những chính sách, những phương án đó đều là những “chính sách lớn” của đảng. Đâu là “lợi ích của dân và đất nước VN”?

Ngay cả việc lựa chọn theo Xã hội chủ nghĩa, tướng Vịnh có thể chỉ ra một cái nào đó là “lợi ích cho đất nước và dân tộc” hay không?

Tôi nghĩ rằng, đây là những câu hỏi khó, đặt ra không chỉ cho tướng Vịnh mà còn cho tất cả đảng viên, trí thức VN hiện nay. Dĩ nhiên câu hỏi đặt ra chỉ mà chơi, không cần trả lời. Đất nước và dân tộc VN “nó như vậy rồi”. “Nói chi cũng thêm thừa…”.

Kết luận lại là, ý kiến của tướng Vịnh là Ukraine từ thua ít cho tới thua nhiều và luật quốc tế bị Nga vùi dập “tơi bời hoa lá”.

Putin thì được tất cả: Lãnh thổ (Crimée, Donbass và vân vân). Ukraine trung lập. Nga không bồi thường chiến tranh (Vụ bồi thường chắc do Mỹ và châu Âu đảm trách).

Trương Nhân Tuấn

TƯỚNG BỐN KHÔNG NGUYỄN CHÍ VỊNH CŨNG CHỈ LÀ CÁI LOA CỦA TUYÊN GIÁO

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD/ BVN 7-3-2022

Tàu cộng hung hăng gây hấn và âm thầm, dai dẳng gặm nhấm đất đai biên cương, quyết liệt cướp biển đảo Việt Nam, kéo hạm đội lớn, hạm hội nhỏ liên tiếp tập trận trên biển Việt Nam, mưu đồ thôn tính Việt Nam ngày càng trắng trợn không cần giấu giếm nhưng tướng Thứ trưởng bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại Nguyễn Chí Vịnh cứ cao giọng trong các buổi họp báo khẳng định lập trường của quân đội Nhân dân Việt Nam là kiên trì theo đuổi chính sách, hết ba không, trói tay quân đội ba vòng, lại bốn không, trói quân đội thêm vòng nữa tới bốn vòng cho đúng tinh thần giao kèo Thành Đô tháng Chín, 1990, làm vừa ý, đẹp lòng nơi được coi là chỗ dựa, là thành trì của nhúm nước xã hội chủ nghĩa còn ngắc ngoải sống sót.

Trên biển Đông vùng biển ngàn đời của Việt Nam, tàu chiến đấu Tàu cộng cứ mặc sức bắn giết dân Việt Nam. Ba không, bốn không, quân đội cùng công an chỉ là công cụ bạo lực của đảng để trị dân. Còn giữ biển đã có những tấm bia chủ quyền sống là thân xác người dân. Nhà nước phát cờ cho thuyền cá Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận cắm cao trên thuyền làm những cột mốc chủ quyền sống ở Trường Sa, Hoàng Sa. Tướng Hải quân cứ kiên trì ba không, bốn không, kiên trì bám bờ và dấm dúi mang tài sản quân đội ra ăn chia với đám tư bản hoang dã rồi nhận án tù như Đô đốc Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến.

Phát động chiến tranh xâm lược Ucraine, nhằm vẽ lại biên giới nước Nga, đầu tiên Putin phải vẽ lại bản đồ Đông Nam Âu, sau đó vẽ lại bản đồ thế giới. Như mưu đồ Tập Cận Bình muốn vẽ lại bản đồ thế giới, trước hết phải vẽ lại bản Đồ Đông Nam Á. Muốn vẽ lại bản đồ Đông Nam Âu, Putin phải xoá số Ucraine. Cũng như Tập Cận Bình muốn vẽ lại bản đồ Đông Nam Á, trước hết phải xoá sổ Việt Nam.

Xoá sổ nhà nước dân chủ Ucraine, Vladimir Putin đã hiện nguyên hình là Adolf Putin. Ngoài một số dân là con chiên của toà thánh Tuyên giáo Ba Đình ca ngợi Adolf Putin, số đông người dân không còn tư duy nô lệ cộng sản, đã thoát khỏi tuyên truyền mụ mị của tuyên giáo, ầm ầm lên án Adolf Putin, một Adolf Hitler của thế kỉ 21.

Là nhà nước độc tài thâm căn cố đế, không thể lên án độc tài Putin, nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam đã bỏ phiếu trắng lạc lõng với làn sóng dân chủ thế giới khi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án độc tài Adolf Putin xâm lược Ucraine.

Trước rầm rộ tiếng nói lương tâm con người của người dân Việt Nam đứng về phía nhà nước dân chủ Ucraine ủng hộ người dân Ucraine chống xâm lược, vạch mặt độc tải Adolf Putin xâm lược, lên án độc tài Putin, nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam lại vận hành hai bộ máy bạo lực công an và tuyên truyền lừa dối ra đối phó với dân.

Tung đội quân công an “còn đảng còn mình” chặn cửa không cho những người đấu tranh cho dân chủ đến Đại sứ quán Ucraine dự ngày hội đoàn kết với nhân dân Ucraine.

Điều ông tướng công an Lê Văn Cương và mấy tướng tá trong phòng máy lạnh ở các viện rất sang trọng của quân đội lên mặt báo, lên màn hình truyền hình dẫn dắt để dư luận xã hội cũng bỏ phiếu trắng đối với cuộc xâm lược Ucraine của độc tài Putin.

Nhưng những tướng tá quân đội trong phòng máy lạnh thì tầm quá thấp nói năng võ biền hung hăng như trong những lớp chỉnh huấn thời kháng chiến chống Pháp. Ông tướng già công an Lê Văn Cương thì khúm núm quá mức với bố già độc tài Putin và trịch thượng quá lố với thế hệ chính trị trẻ của thế giới dân chủ mà Tổng thống Ucraine Zelensky 43 tuổi là gương mặt sáng của thế hệ trẻ đang dần dần nắm vận mệnh chính trị thế giới.

Ông tướng già công an Lê Văn Cương tụng độc tài Putin quá đà và sỉ nhục Zelensky quá vạch đỏ của tuyên giáo. Phải cân bằng lại, tuyên giáo liền mớm lời cho tướng bốn không Nguyễn Chí Vịnh và chỉ định tờ báo được dân đọc nhiều phỏng vấn tướng Vịnh bốn không. Những tờ báo lớn ngốn nhiều tiền thuế dân như những tờ báo mang danh Nhân dân, báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, dân chẳng bao giờ ngó đến. Báo Tuổi trẻ, tờ báo cấp hai của Sài Gòn nhưng phát hành cả nước liền được chọn

“Tôi nhắc lại, muốn hạ nhiệt ở Ukraine cần chọn công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ucraine thất bại thì công lí thất bại, hoà bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận.” Sáu câu cải lương mùi mẫn tướng bốn không Nguyễn Chí Vịnh ca trên báo Tuổi trẻ ngày 5.3.2022 cũng chỉ là những lời thoại trong kịch bản của ban Tuyên giáo Ba Đình mà thôi.

Ông tướng khi còn là sinh viên trường Đại học Kĩ thuật Quân sự Vĩnh Yên đã đột nhập vào kho nhà trường ăn cắp quân trang mang bán lấy tiền ăn chơi. Vì là con ông Đại tướng chăm sóc phần hồn quân đội, bị đuổi khỏi trường Kĩ thuật Quân sự Vĩnh Yên lại được trường Sỹ quan Thông tin ở Nha Trang đón về. Học ở Nha Trang, một tuần bốn ngày ở Nha Trang, ba ngày ở Hà Nội. Có tên ở trường Sỹ quan chỉ để trở thành sĩ quan có số hiệu, lên bệ phóng quyền lực và đã lên tới tướng ba sao, Thứ trưởng bộ Quốc phòng.

Nhân cách không có. Kiến thức quân sự không có. Nếu không nói theo kịch bản thì chả có gì để nói!

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN. Quan điểm nhận định và phong cách diễn đạt trong bài là thuộc về người viết.

VIỆT NAM BỎ PHIẾU TRẮNG LÀ MỘT SAI LẦM

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 8-3-2022

Về bài phỏng vấn này [của ông Nguyễn Chí Vịnh] tôi có một số nhận xét. Ông Vịnh đúng khi không tán thành dùng chiến tranh để giải quyết quan hệ quốc tế. Ông cũng đúng khi đề cao công lý, luật pháp quốc tế nhưng phải quan tâm tới lợi ích quốc gia của mình khi nêu ý kiến. Nhưng từ điểm này mà dẫn tới cái lý luận ba phải không kết luận bên nào đúng, bên nào sai.

Theo tôi, một đất nước đi xâm lược nước khác là sai, không có một lý do nào có thể biện minh sự sai trái đấy. Một số ý tôi hoàn toàn không đồng ý:

1. Ông nói: “Ở phía ngược lại, Mỹ và một số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tình hình hiện nay là sai lầm, và có thể đằng sau nó là một âm mưu sâu xa bởi nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.”

Tôi không biết là âm mưu sâu xa gì, nhưng Ukraine là một nước nhỏ hơn, tiềm lực kinh tế và quân sự yếu hơn Nga. Khi Ukraine bị xâm lược thì chính nghĩa thuộc về Ukraine, việc ủng hộ chính nghĩa là điều cần thiết. Không phải là “đổ thêm dầu vào lửa”.

2. “Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, cũng cần góp ý với các bạn Ukraine về việc để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn.”

Lạ nhỉ, theo tôi hiểu thì Ukraine là nước bị tấn công. Sao lại có cái kiểu đổ lỗi cho nạn nhân như vậy? Họ có muốn để nước mình là nơi xung đột của các nước lớn đâu. Chẳng phải Nga chủ động mang quân sang xâm lược họ sao?

3. “Thêm vào đó, khi sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Cũng cần góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào.”

Nếu nói như vậy thì khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong cuộc chiến 1979 thì chúng ta có phải là “đối đầu” không và có là “hạ sách” không? Vậy các ông khuyên Ukraine phải làm gì? Khi Nga mang quân sang thì hạ súng giải giáp, quỳ gối tránh “đối đầu” và vâng dạ ngoan ngoãn để Putin dựng lên một chính quyền thân Nga?

Ukraine là một dân tộc độc lập và hoàn toàn có quyền tự quyết. Việc Ukraine có tham gia vào NATO hay không là quyền của họ. Nga đã nuốt lời khi cam kết bảo vệ an ninh cho Ukraine trong thoả thuận Budapest, thuyết phục Ukraine bỏ vũ khí hạt nhân nhưng giờ chính Nga tấn công Ukraine. Đây là một lật lọng, lừa đảo. Nếu các thoả thuận không có ý nghĩa, dễ bị xé bỏ như vậy thì cam kết để làm gì?

4. “Theo tôi, với nước Nga, một người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam, chúng ta ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới, không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga.’

Trừng phạt kinh tế, cấm vận kẻ xâm lược chính là cách để chiến tranh có thể kết thúc sớm hơn. Ông nói thế này là để lấy lòng Putin, nên nhớ rằng Putin không phải là nước Nga, không phải là dân tộc Nga. Nước Nga trường tồn và Putin chỉ là tạm thời. Cũng nhớ cho Putin là kẻ đã ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện ở Biển Đông. Mười mấy ngàn người Nga bị bắt vì phản đối chiến tranh là vì họ thấy Putin đã sai. Chẳng lẽ người Việt Nam không nhìn thấy cái sai ấy?

Cái các vị không phân biệt được là một cá nhân với một dân tộc. Putin là một kẻ độc tài đang có quyền lực và hắn ta đẩy một dân tộc vào chỗ sai lầm. Các vị hoàn toàn có thể ca ngợi dân tộc Nga, biết ơn về những gì họ đã ủng hộ Việt Nam nhưng vẫn có thể lên án một cá nhân là Putin.

Tôi hiểu trong ngoại giao cần khéo léo, mềm mại, nhưng khéo léo mềm mại khác với nhu nhược, ba phải. Việt Nam bỏ phiếu trắng là một sai lầm. Được lòng kẻ đi xâm lược thì mất lòng người bị xâm lược. Tôi cũng tin rằng bỏ phiếu trắng trong trường hợp này, về lâu dài cũng chẳng tốt gì cho quyền lợi của Việt Nam.

Nói Việt Nam là một nước yêu chuộng hoà bình, yêu chuộng công lý thì phải thể hiện bằng hành động, chứ không phải chỉ bằng lời nói suông. Việc bỏ phiếu là một hành động và nó nói lên rất nhiều điều.

Đoàn Bảo Châu

NĂM SAI LẦM CHẾT NGƯỜI TỪ PHIẾU TRẮNG CỦA VN Ở LHQ

TRẦN ĐÔNG A/ Blog VOA/TD 8-3-2022

Đối với những vị này, có lẽ phải chờ đến khi “tiếng súng lại vang trên bầu trời biên giới / giục toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới” (Lời bài hát tháng 2/1979) thì họ mới tỉnh ngộ chăng?

Tổng thống Putin sẽ là kẻ độc tài khó đoán định nhất. Ông đe, nước nào can thiệp chống lại “chiến dịch quân sự” của Nga thì sẽ phải nhận sự trừng phạt khủng khiếp nhất mà họ chưa từng thấy, tức “ăn đòn” hạt nhân. Putin ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân đặt trong tình trạng báo động. Cuộc chiến “man rợ và bừa bãi” ấy (từ của Thủ tướng Anh) đang bị chính phủ và nhân dân nhiều nước trên thế giới lên án mạnh mẽ. Ngay tại Nga, nhiều người dân đã liên tục xuống đường biểu tình phản đối.

Trong bối cảnh ấy, chính quyền Việt Nam (VN) chọn lá phiếu trắng để tỏ ra trung lập trong cuộc xung đột này thì cũng thật khủng khiếp. Dưới đây là những sai lầm trước mắt mà lá phiếu trắng ấy sẽ “đeo vào cổ” chính quyền Hà Nội, chưa bàn về lâu dài, các sai lầm ấy sẽ sinh ra hệ lụy còn nặng nề hơn:

Sai lầm đầu tiên là lá phiếu ấy của Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden tại Washington trong hai ngày cuối tháng Ba tới đây.

Lập trường của Mỹ và phương Tây đối với cuộc xâm lược của Putin đối với Ukraina rõ như ban ngày. Nhiều nguyên thủ trong thế giới tự do, trong đó có cả Mỹ, đã kêu gọi nay là lúc các quốc gia phải bày tỏ lập trường dứt khoát, không thể đánh đồng kẻ xâm lược với nạn nhân bị xâm lược.

Cũng như năm ngoái, trước khi tiếp Phó TT Kamala Harris tại Hà Nội, Phạm Minh Chính buộc phải chịu “xuống nước” tiếp sứ thần Trung Cộng trước giờ máy bay của quốc khách đáp xuống phi trường Nội Bài, để làm an lòng Trung Quốc. Thì lần này cũng thế, ngoài khuôn khổ Mỹ – ASEAN, Hà Nội có được thỏa thuận từ Washington, Việt – Mỹ sẽ có tiếp xúc riêng.

Nhưng cuộc tiếp xúc lần này sẽ khác với cuộc “bắt tay” chớp nhoáng tối 1/11/2021 tại COP-26. Việt Nam có hẳn một chương trình nghị sự để thúc đẩy “Kế hoạch hành động toàn diện” mà Phó TT Harris công bố tháng 8 năm ngoái tại Hà Nội. Để kế hoạch toàn diện ấy không bị lãng quên, cuộc gặp tới đây với Tổng thống Biden sẽ là rất quan trọng đối với VN.

Nhưng với lá phiếu trắng mà VN chọn ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa rồi, không dám lên án Putin, lại bỏ phiếu đúng theo cách của Bắc Kinh, thì chỉ cần phía Mỹ áp dụng nguyên tắc “có đi có lại mới toại lòng nhau” là có thể phần nào hình dung được kết quả cuộc “semi-summit” Chính – Biden, nếu như Mỹ vẫn còn giữ cam kết trước khi có cuộc bỏ phiếu ở LHQ.

Sai lầm thứ hai là cho dù Việt Nam bỏ phiếu trắng, thậm chí bỏ phiếu chống đi chăng nữa, thì Nghị quyết do 140 nước bỏ phiếu thuận, vẫn còn nguyên đó, trong mọi ý nghĩa.

Vậy thì lá phiếu trắng của Việt Nam chẳng thể ảnh hưởng gì đến sự đoàn kết quốc tế đối với cuộc kháng chiến kiên cường của người dân Ukraine chống Putin xâm lược. Điều đáng hổ thẹn cho nền ngoại giao VN là đã tự mình chọn đứng về phe phản tiến bộ, do Bắc Kinh cầm đầu. Vô hình chung, VN có lỗi với nhân dân Ukraine đang tiến hành một cuộc chiến không cân sức nhưng đầy dũng khí của “chủ nghĩa anh hùng” (thuật ngữ VN rất thích dùng trong các cuộc kháng chiến trước đây). Và không chỉ mang tội với phụ nữ và trẻ em Ukraine, mà còn đi ngược lại dư luận tiến bộ của nhân dân thế giới lên án cuộc xâm lược đe dọa không chỉ độc lập chủ quyền của Ukraine, mà còn đe dọa hòa bình châu Âu và thế giới.

Mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh của Putin càng xa vời thì viễn cảnh thảm họa hạt nhân càng trở nên nhỡn tiền. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron hôm 3/3, Putin đe dọa: “Điều tồi tệ nhất còn ở trước mắt”. Trước nguy cơ hạt nhân mà VN bày tỏ “trung lập” thì thật không hiểu nổi.

Người Việt Nam nào chẳng đau lòng và thấy lương tâm bị cắn rứt khi tại LHQ, chính phủ mình không dám lên án Putin xâm lược. Trước khi có cuộc bỏ phiếu lịch sử ở LHQ, Đại biện Đại Sứ Quán Ukraine tại Hà Nội đã yêu cầu “Việt Nam đánh giá thẳng thắn và kiên quyết, đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế… và chỉ đích danh kẻ xâm lược”. Khi nhận được kết quả các phiếu bầu, bà đã kêu lên từ Hà Nội: “Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi ơi, tôi rất thất vọng”.

Sai lầm thứ ba là không vì VN bỏ phiếu trắng theo Trung Quốc mà Trung Quốc “tha” cho Việt Nam trên Biển Đông hay cho phép thông quan hàng hóa nhanh hơn trên biên giới.

Ngược lại là khác, trong khi thế giới bận rộn chiến sự Nga – Ukraine, Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc mới đây tuyên bố là họ đang tiến hành một cuộc tập trận kéo dài hơn một tuần ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo các tàu biển tránh xa. Trong bản thông cáo bằng tiếng Hoa và tiếng Anh được công bố tối 4/3, Cục Hải Sự Hải Nam cho biết, các cuộc tập trận kéo dài từ 4/3 đến 15/3. Các tọa độ do họ cung cấp cho thấy khu vực tập trận nằm gần ngay chính giữa thành phố Tam Á của đảo Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam.

Trước đó, Trung Quốc cũng loan báo lực lượng quân sự nước này tiến hành tập trận ba ngày trên Biển Đông, từ 27/2 đến 1/3. Còn trên biên giới thì sao? Trung Quốc đã tự động ngừng thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, ba ngày nay mà không thèm thông báo cho Việt Nam khiến gần 1.000 xe chở hàng tồn đọng. Báo Giao Thông hôm 7/3 trích nguồn tin từ Cục Hải quan tỉnh Lang Sơn cho biết như vậy. Phía Trung Quốc đã dừng thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị từ 9 giờ ngày 5/3 đến nay.

Sai lầm thứ tư là nước Nga của Putin cũng không vì lá phiếu trắng ấy ở LHQ mà sẽ chống lưng cho VN khi VN bị Trung Quốc xâm lược.

Bằng chứng hiển nhiên là trong lần gặp nhau thứ 38 tại Bắc Kinh vừa qua, Trung Quốc và Nga thỏa thuận nhiều phi vụ làm ăn, trong đó có hợp tác dầu khí. Vừa mới thỏa thuận với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trước đấy một tháng rằng Nga sẽ không ký kết với bên thứ ba thỏa thuận nào xâm phạm đến lợi ích của Việt Nam. Nhưng khi hai bên thỏa thuận hàng trăm tỷ USD qua các tập đoàn dầu khí Gazprom và Rosneft, nếu nay mai, hai tập đoàn này của Nga, vì bị cấm vận, họ bán lại cho các Tập đoàn Trung Quốc cổ phần của họ tại các mỏ trên Biển Đông thì Việt Nam tính sao?

Sai lầm thứ năm là với lá phiếu trắng ấy, chính quyền Hà Nội đã để mất lòng dân và bỏ rơi ngọn cờ chính nghĩa.

Chính nghĩa xưa nay là thế mạnh của VN, chính nghĩa là “sức mạnh mềm” trong các cuộc kháng chiến kiến quốc trước đây, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ còn đầy chông gai trước mắt. Không lên án kẻ xâm lược, đánh đồng kẻ đi ăn cướp với người bị cướp là điều tối kỵ xưa nay.

Cũng vì chính quyền buông, nên mạng xã hội Việt tràn ngập các ý kiến đối chọi nhau về cuộc chiến này. Trong khi chính phủ tuyên bố ba phải, không lên án ai, không ủng hộ ai thì dân chúng và giới tinh hoa Việt chia thành hai phe đánh chửi nhau thục mạng. Phần đông đứng về phía dư luận toàn cầu, phản đối Putin xâm lược và ủng hộ nhân dân Ukraine đang bảo vệ quyền tự quyết của mình.

Nhưng ngược lại cũng có những ý kiến, một số từ các bậc được học hành, thuộc tầng lớp tinh hoa lại đứng về phía Putin, coi việc ông ta đem quân sang Ukraine là để bảo vệ nước Nga trước đe dọa của Nato. Đối với những vị này, có lẽ phải chờ đến khi “tiếng súng lại vang trên bầu trời biên giới / giục toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới” (Lời bài hát tháng 2/1979) thì họ mới tỉnh ngộ chăng?

Blog VOA

QUA NGUYỄN CHÍ VỊNH SO SÁNH NHẬN THỨC VỀ 'ĐỐI NGOẠI 

QUỐC PHÒNG'

TRÂN VĂN/ Blog VOA  8-3-2022


Tướng Vịnh năm 2009. (Screenshot of Ministry of Defense portal)

Đã có rất nhiều người phân tích, bình luận về phát biểu của ông Thượng tướng mới nghỉ hưu hồi cuối năm ngoái và tất nhiên, bên cạnh những người đồng tình, có nhiều người không tán thành...

Sau khi một số viên tướng tại Việt Nam lên tiếng ủng hộ Nga, chỉ trích lựa chọn của Ukraine, thậm chí gọi Tổng thống Ukraine là... “thằng hề 43 tuổi”, miệt thị Ukraine là... “con bệnh châu Âu”, ví von những cá nhân, những quốc gia ủng hộ Ukraine là... “đồ điên” (1) và bị nhiều người Việt phê phán kịch liệt, một số sĩ quan cao cấp của Cộng hòa XHCN Việt Nam đã... đổi giọng. Cuối tuần vừa qua, trong số những sĩ quan cao cấp lên tiếng bằng giọng điệu khác có ông Nguyễn Chí Vịnh, từng là Thứ trưởng đặc trách “đối ngoại quốc phòng” của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Đã có rất nhiều người phân tích, bình luận về phát biểu của ông Thượng tướng mới nghỉ hưu hồi cuối năm ngoái và tất nhiên, bên cạnh những người đồng tình, có nhiều người không tán thành (2), đồng thời giải thích rất cặn kẽ tại sao không tán thành (3). Đó cũng là lý do thay vì tiếp tục bình luận về phát biểu của ông Vịnh hay tham gia phân tích về những nhận định quanh phát biểu của ông Vịnh đối với cuộc xâm lược Ukraine mà Nga khởi xướng cách nay gần hai tuần, kẻ viết bài này thử lập bảng để quí vị so sánh những phát biểu của ông Vịnh ở thời điểm hiện nay với cách nay mười năm và nhận định thêm.

Các trích dẫn bên dưới để đối chiếu dựa vào hai cuộc phỏng vấn ông Vịnh do tờ Tuổi Trẻ thực hiện. Một vào cuối năm 2012 và được giới thiệu vào ngày 1/1/2013 (Không ai quên lợi ích quốc gia, dân tộc) - lúc người Việt đang sôi sùng sục vì thái độ của Trung Quốc càng ngày càng hung hăng, hành động của Trung Quốc ở biển Đông càng ngày càng càn rỡ (4) và một vào cuối tuần trước (Xung đột Nga – Ukraine: Không bên nào thắng) khi quân đội Nga đã tràn vào Ukraine và vừa bị cộng đồng quốc tế lên án, cô lập, vừa bị người Ukraine đánh trả quyết liệt (5)...

2012

2022

Điều đáng lo ngại nhất là sự can dự và cạnh tranh của các cường quốc vào khu vực sẽ tạo nên xung đột buộc các nước bị cuốn vào hoặc bị ảnh hưởngNếu chưa đến mức xung đột thì cũng đáng lo ngại không kém khi sự can dự đó khiến các thành viên trong khu vực bị buộc phải lựa chọn theo thế lực này hoặc thế lực kia, buộc phải lựa chọn “bên này hay bên kia”.

Chúng ta nhất thiết phải chống lại các xu hướng đó...

Với Việt Nam, cần làm rõ: Trước hết hòa bình thế giới bị đe dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta.

Nguyên nhân để xung đột leo thang như hiện nay không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, nhưng rõ ràng chiến dịch quân sự này tạo ra tiền lệ xấu trong việc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, hòa bình thế giới bị đe dọa.

Nhưng kết cục của cuộc chiến sẽ đi về đâu, ai sẽ thắng? Cá nhân tôi cho rằng cả Nga và Ukraine đều không có bên nào thắng.

Trước những tuyên bố rất khó hiểu của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông, chẳng ai có thể chứng minh nổi nó từ đâu ra, trên cơ sở pháp lý nào, được quản lý và sử dụng ra sao trong suốt bề dày lịch sử?... Và liệu còn “đường...” nào nữa không mà họ sẽ đưa ra trong tương lai? Và không dừng lại ở đó, mà vấn đề quan trọng hơn là Trung Quốc có tuân thủ luật pháp quốc tế không, có tuân thủ các điều ước và các quy tắc ứng xử của thế giới hiện đại hay không?..

Rõ ràng di sản quý báu hàng đầu mà Việt Nam và Trung Quốc có được chính là sự tương đồng ý thức hệ. Điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa ta và Trung Quốc, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nền tảng di sản đó chi phối cách ứng xử của hai nước. Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.Tôi nghĩ rằng khi đã là người cộng sản với nhau, để giải quyết bất cứ vấn đề nào đó mà gọi nhau là đồng chí, còn hơn là quay lưng không nhìn nhau hoặc đập bàn đập ghế “ngài” và “tôi”. Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc lại rằng về mục tiêu của đối ngoại, lần đầu tiên mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” được nêu rõ trong cương lĩnh và báo cáo chính trị tại đại hội Ðảng. Cùng với lợi ích quốc gia dân tộc, Ðại hội XI cũng đặt mục tiêu đối ngoại là “vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh’”. Hai mục tiêu này thống nhất với nhau.

Với nước Nga, một người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam, chúng ta ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới, không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga. Đồng thời cũng góp ý với bạn, trước hết không đồng tình khi chủ quyền, lãnh thổ các nước không được tôn trọng theo luật pháp quốc tế, bất luận là hình thức nào. Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận, chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.

Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách “ngoại giao pháo hạm” của nước lớn. Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, cũng cần góp ý với các bạn Ukraine về việc để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn. Thêm vào đó, khi sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Cũng cần góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào. Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bài học “3 không” trong chính sách quốc phòng, đó là không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba.

Trước đây tôi đã nói về vấn đề này và bây giờ vẫn nói rằng những cuộc biểu tình (chống Trung Quốc – NV) đó là không nên. Để đối phó với tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay, chúng ta cần một sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và Nhà nước cũng như giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Có thể người dân chưa thật hài lòng và yên tâm vì chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, nhưng tôi chỉ muốn nói với những người biểu tình nói riêng và tất cả người dân rằng những người có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, quân đội không một ai chịu để mất chủ quyền lãnh thổ cả. Người dân phải tin vào điều đó.

Có thể đất nước ta có tham nhũng, lãng phí, có tiêu cực, có thể một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân ta không ai có thể quên đi lợi ích quốc gia dân tộc, quên đi chủ quyền lãnh thổ. Biểu tình bây giờ sẽ gây mất ổn định. Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Chúng ta trân trọng tình cảm, ý chí của những người thật sự biểu tình vì yêu nước. Nhưng cũng phải thấy rằng với những ai có dã tâm độc chiếm biển Đông thì họ sẽ viện cớ biểu tình để xuyên tạc thiện chí của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam. Vậy thì ai đang chờ biểu tình và biểu tình có lợi cho ai?

Nói cho gọn, tất cả các bên, trước tiên là Nga và Ukraine, rồi đến các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này, nhất là Mỹ và EU đều phải “quay xe”, lùi lại - tức là đều phải nhân nhượng.


Nhưng phải để cho mọi quốc gia đều giữ được thể diện, tức là không có người thắng, kẻ thua - mà là “cùng thắng”, người thắng thực sự là hòa bình. Nếu các bên không cùng nhau đảm bảo yêu cầu này, đàm phán sẽ thất bại. Cũng đừng chờ đợi vào công thức “người thắng trên chiến trường sẽ là người có tiếng nói cuối cùng trên bàn đàm phán” như đã từng diễn ra trong quá khứ.

Vậy công thức nào? Không khó để nhìn ra, đó là: ngừng bắn ngay lập tức, các đoàn quân về bên kia biên giới; ngưng ngay viện trợ quân sự cho tất cả các bên; các khu vực tranh chấp (Crimea, Donbass...) giữ nguyên trạng, hai nước sẽ đàm phán trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế; Ukraine trung lập, “3 không” - đối với tất cả các bên.

... Muốn hạ nhiệt ở Ukraine cần chọn công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận.

***

Tin mới nhất: Sau khi Cục Hải sự của tỉnh Hải Nam – Trung Quốc ra lệnh cho tàu thuyền tránh xa khu vực mà Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận trên biển, vùng biển sẽ diễn ra cuộc tập trận từ 4/3/2022 đến 15/3/2022 đó có những phần mà theo UNCLOS 1982 (Công ước Quốc tế về Luật biển) vốn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, hôm 7/3/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới loan báo đã... “giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này” để “đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực biển Đông” (6).

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/100062975111538/posts/321149096660925/

(2) https://baotiengdan.com/2022/03/06/tuong-bo-khong-nguyen-chi-vinh-cung-chi-la-cai-loa-cua-tuyen-giao/

(3) https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/10159621198223965

(4) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm

(5) https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm

(6) https://tuoitre.vn/trung-quoc-tap-tran-hon-10-ngay-o-bien-dong-viet-nam-da-giao-thiep-voi-trung-quoc-20220307190300503.htm


VIỆT NAM CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI NGỒI XEM CHỌI GÀ


NGUYỄN TRUNG/ BVN 8-3-2022

Chiến tranh của Putin xâm lược Ukraina từ ngày thứ 11 bước vào đợt leo thang mới. Hiện nay 95% hoả lực tổng hợp (vũ khí A không tính) của Nga được huy động ra chiến trường này (CNN 07-03-2022). Riêng đội quân cơ giới Nga bao vây thủ đô Kiev đã dài tới 40 dặm – ước khoảng 65 km với sự tham gia của khoảng 1000 xe quân sự các loại… (trong chiến tranh thế giới II hầu như chưa có trận nào Liên Xô có thể huy động được một lực lượng cơ giới lớn như thế và hiện đại như thế) – được hiểu là Putin dốc tổng lực đánh ván bài cuối cùng. (1)

Bom đạn, máu và lửa đang tiếp tục nhấn chìm nhiều phần Ukraina. Nhiều địa phương Ukraina đã không có nước, điện và lương thực, người bị bom đạn giết không có gì để chôn cất..; hơn 1,5 triệu dân đã phải sơ tán ra nước ngoài lánh nạn… Người dân Ukraina hầu như chỉ có vũ khí cầm tay và bom xăng tự tạo làm từ các chai lọ, vẫn đang kiên cường chống lại đội quân xâm lược được trang bị mọi loại vũ khí tối tân nhất. Có trận địa người dân Ukraina đã cầm súng chiến đấu đến người cuối cùng… Họ chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc họ, song cuộc chiến đấu của họ đồng thời đang cảnh báo quyết liệt toàn thế giới: Nếu không kiềm chế được cái ác do cuộc chiến tranh của Putin gây ra, sẽ có thể dẫn tới Chiến tranh thế giới III, đe doạ tàn phá châu Âu đến tận Bắc Mỹ về phía Tây, xua lửa chiến tranh sang vùng Indo-Pacific về phía Đông… 

Vì những lẽ nêu trên Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển, Na Uy… đã  vượt qua thể chế trung lập của mình để tham gia vào mặt trận chung của Mỹ và EU trừng phạt nước Nga Putin; Các nước ASEAN đầy lo lắng vì nguy cơ nước lớn dùng vũ lực ăn hiếp nước nhỏ – 8 thành viên ASEAN đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Đại hội đồng LHQ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này, trong đó Singapore tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga – chỉ riêng Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng. Thủ ướng Úc Scott Morison ngày 06-03-2022 tuyên bố Úc chưa bao giờ bị đe doạ nguy hiểm như hôm nay kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, và đã xúc tiến các biện pháp phòng vệ…

Mỗi ngày mới đến, là một ngày chiến sự khốc liệt hơn trên khắp các chiến trường Ukraina. Song thời gian đen tối nhất của cuộc chiến tranh này vẫn đang ở phía trước, với  những kết cục không ai định trước được – vì trong tổng thể cuộc chiến đấu của nhân dân Ukraina cùng với mọi biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU, sự phản đối của nhân dân thế giới và ngay trong lòng nhân dân Nga.., diễn tiến trên chiến trường Ukraina là yếu tố quyết định tối hậu. Tình hình đầy lo âu đến mức phải tính toán cả phương án có chỗ cho Chính phủ của Lezensky có thể phải sống lưu vong, đã có những dự báo về các phương án thoả hiệp – có thể là bẩn, rất bẩn, về cái gọi là hoà bình thích hợp (peace of accommodation), … ... Nghĩa là cho đến nay chưa ai biết trước được cuộc chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào. Song nhân dân Ukraina và nhiều nhà chiến lược khác trên thế giới có niềm tin vững chắc: Nhân dân Ukraina có thể bị đè bẹp trong nhiều trận đánh ở các chiến trường, nhưng chung cuộc họ sẽ đánh bại cuộc chiến tranh phi nghĩa vô cùng tàn bạo này. Nếu xảy ra kịch bản cái ác thắng, cả thế giới sẽ là một hoả ngục lớn!

Nhiều học giả trên thế giới cũng chia sẻ nhận định nêu trên. Họ cho rằng chiến tranh xâm lược Ukraina là bước ngoặt nghiêm trọng của cục diện thế giới hiện tại, đẩy thế giới đến gần Chiến tranh Thế giới III hơn bao giờ hết. Họ lo ngại sâu sắc trước hiện tượng: Trung Quốc một mặt đang tìm cách đóng vai hoà giải cho chiến tranh Ukraina, song mục tiêu chính của TQ là lựa chiều khai thác thế toạ sơn quan hổ đấu, tranh thủ Mỹ lúc này bận rộn ở châu Âu để lấn nữa trên Biển Đông và trong vùng[if !supportFootnotes][2][endif], rút ra những kinh nghiệm từ chiến tranh Ukraina để điều chỉnh giải pháp vấn đề Đài Loan bằng chiến tranh, tận dụng mọi cơ hội mới cho giấc mộng Trung Hoa…

Sử gia Yuval Harari nói: “những gì diễn ra ở Ukraine sẽ quyết định chiều hướng của lịch sử nhân loại”, và cho rằng Ukraina đang chiến đấu cho quyền sống của mình và cho những giá trị dân chủ, tự do của nhân  dân thế giới… (Yuval Harari, Economist, February 9, 2022). Chiến tranh Thế giới II đã chỉ ra: Khi chủ nghĩa phát xít đã trở thành hiểm hoạ của cả thế giới, chỉ còn cách cả thế giới phải hình thành một mặt trân chung chống lại. Dành cho chủ nghĩa phát xít mọi hành vi đạo đức giả, ve vãn, thoả hiệp, dâng hiến.., [thì] chỉ khuyến khích chủ nghĩa phát xít tưới máu khắp nơi[if !supportFootnotes][3][endif].

Việt Nam là một thành phần hữu cơ cùng sống cùng chết với thế giới hôm nay. Thậm chí Việt Nam hôm nay đang toạ độ trên vùng nóng nhất của đối kháng Trung – Mỹ trên Biển Đông.

Vì những lý do cốt tử nêu trên, Việt Nam không thể nhìn nhận những gì đang diễn ra đầy mùi thuốc súng và đẫm máu quyết liệt trên bàn cờ thế giới hôm nay với tính cách người ngồi xem cuộc chọi gà – với bình luận, đàm tiếu đủ mọi mầu sắc khen/chê/dạy đời/sự khôn vặt/sự thiếu đạo đức… từ mọi báo chí đến các phát biểu của những nhân vật khác nhau, trong đó có tướng lĩnh về hưu hay đương chức.., như mọi người được đọc trên các phương tiện truyền thông của hệ thống chính trị. Dứt khoát đừng đánh đồng lá phiếu trắng của Việt Nam với những lá phiếu trắng của những quốc gia khác, vì mỗi quốc gia có vị thế, bối cảnh, thách thức và lợi ích riêng biệt khác nhau. Vả lại trong lúc hoạn nạn khói lửa, nếu Việt Nam không tự cứu mình thì ai sẽ cứu được mình? Phiếu trắng có cứu được không? Làm như vậy sao tránh được là đã làm ngơ với cái ác – hàm nghĩa bênh một bên chống một bên? Rồi một khi cái ác đến với nước mình, sẽ kêu ai?! V.v. và v.v.

Và cũng nên nhìn lại, là đồng chí chí cốt của nhau, nhiều thập kỷ đã cùng nhau trên một trận tuyến chống chủ nghĩa đế quốc; nhưng khi cần, TQ vẫn sẵn sàng cho ta bài học 17-02-1979, vậy lá phiếu trắng tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ ngày 02-03-2022 sẽ có mấy sức nặng cho nước ta?

Hãy can đảm nhìn lại lá phiếu trắng này đã gây ra những tổn hại gì cho đất nước, đánh mất chính nghĩa của đất nước như thế nào, làm bạn bè mất lòng tin đến đâu, và làm cho cái ác đi guốc trong bụng ta ra sao?! Là đi ăn xin, hay là dấn thân? Là lợi ích thiết thực, hay chỉ là ảo tưởng của kẻ yếu bóng vía? So sánh mất/được như thế, liệu sách lược có còn là sách lược không, hay là phản tác dụng? Để sống và dám sống trong thế giới hôm nay, nên đối mặt với sự thật, hay tránh né nó, và tránh né nó có được yên thân không, đất nước được gì, mất gì? Nguồn gốc thật sự của cái lá phiếu trắng này là gì?

Xin đừng bao giờ quên: Việt Nam ở vào vị thế mình phải tự bảo vệ lấy mình trước hết, không thể dựa vào ai; và vì lẽ này: Giữ được chính nghĩa trọn vẹn – với chính nhân dân nước mình và với bạn bè thế giới, Việt Nam sẽ là bất khả chiến bại trong mọi hoàn cảnh, và trước mọi thách thức – 4 cuộc kháng chiến mới đây nhất đã dạy nhân dân nước ta như vậy!

Xin hãy đọc lại Hịch Tướng Sỹ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để rút ra cho nước ta hôm nay điều không nên làm, và điều nên làm. Hãy nhìn lại ta đã được gì mất gì trong những thoả hiệp suốt 4 cuộc kháng chiến vừa qua, và trong thời bình đất nước độc lập thống nhất!

Việt Nam hôm nay với tính cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền, không phải là một nước nhỏ, lại có vị trí chiến lược địa kinh tế và địa chính trị quan trọng trong khu vực, có vị thế quốc tế có ý nghĩa và quan hệ rộng rãi trên thế giới, Việt Nam cần phải có bản lĩnh và trách nhiệm trước hết là đối với danh dự và lòng tự trọng của chính quốc gia mình, cũng như đối với bạn bè trên thế giới; bản lĩnh và trách nhiệm đối với chủ quyền và lợi ích quốc gia mình, cũng như đối với hoà bình và tiến bộ chung của cả cộng đồng quốc tế.

Vì không phải là người ngồi xem chọi gà, mà là một quốc gia có phẩm giá, và đồng thời là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hơn bao giờ hết trong thế giới hôm nay, nếu Việt Nam muốn sống, muốn có hoà bình thì cả nước không phân biệt một ai, phải đoàn kết thành một khối vững chắc bất khả kháng, cùng nhau đứng lên giành lấy – với tất cả trí tuệ, ý chí và nghị lực! Thực hiện đòi hỏi sống còn này là thách thức số một của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay – và phải nhìn thẳng vào sự thật để phấn đấu khắc phục những yếu kém của mình: Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay nắm trong tay vận mệnh của quốc gia, nhưng đang có nhiều bất cập nghiêm trọng trước đòi hỏi sống còn này của quốc gia./.

Hà Nội – Võng thị, ngày 07-03-2022

[if !supportEndnotes]

[endif]

[if !supportFootnotes] [1][endif] Tìm xem: Nguyễn Quang Dy – “Canh bạc cuối của Putin tại Ukraina” – http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_CanhBacPutin.html  và nhiều bài khác có liên quan trên báo chí thế giới.

[if !supportFootnotes] [2][endif] VTC Thông báo mới đây trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) cho thấy TQ tập trận ở Biển Đông từ ngày 27/2 - 1/3, không lâu sau khi tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật trong khu vực.

[if !supportFootnotes] [3][endif] Tìm xem: Nguyễn Trung, “Làm gì?” http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_LamGi.html

N.T.

Nguồn: viet-studies ngay 7-3-22

UKRAINE CHỐNG NGA LÀ CHỐNG CHO CẢ VIỆT NAM

HOÀNG TƯỜNG/ Blog VOA 9-3-2022

Hãy nói lại một lần cho rõ, phải dứt khoát vứt bỏ ngay thói khôn vặt “bỏ phiếu trắng” và thái độ “người ngoài cuộc” như các quan chức ngoại giao đã lựa chọn ở LHQ...

Đây không phải là “viết nhại” theo tuyên bố của cựu TBT Lê Duẩn hồi nào: “Ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô và Trung Quốc”. Thực chất ở đây muốn nhấn mạnh là, cuộc kháng chiến hiện nay của Ukraine chống Putin xâm lược có ý nghĩa quan trọng nhìn từ góc độ trật tự thế giới hậu Ukraine. Trong đó, tất nhiên, Việt Nam sẽ có phần can dự nếu biết thay đổi lập trường trước khi quá muộn.

“Nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại...” Tuyên bố này của tướng Nguyễn Chí Vịnh nghe có vẻ lọt tai hơn, nếu đem phát ngôn ấy so với lối nói lộng ngôn, vô văn hóa của tướng Lê Văn Cương khi nhận xét về cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine do Tổng thống Zelensky lãnh đạo. Tuy nhiên, vì Nguyễn Chí Vịnh cũng là một viên tướng chưa biết có bao nhiêu “tài” nhưng lại bị khá nhiều “tật”, nên tuyên bố nói trên của ông vẫn làm dậy sóng cả hai phe: bênh và chống Ukraine trong xã hội bát nháo ở VN hiện nay.

Cả vú lấp miệng em

Việc xuất hiện bài phỏng vấn tướng Vịnh trên tờ “Tuổi trẻ” không phải ngẫu nhiên. Đã đến lúc Ban Tuyên giáo thấy sự đăng đàn của loạt tướng “quảng lạc” như loại Lê Văn Cương, Nguyễn Thanh Tuấn… bắt đầu đi quá đà, có hại cho Đảng và Nhà nước. Một khi Chính quyền Ukraine kiện các ông tướng này về tội xúc phạm lãnh đạo nước bạn, gọi nguyên thủ quốc gia của họ là “thằng hề 43 tuổi”. Kể cũng tội nghiệp, mang hàm giáo sư, tiến sĩ mà không biết cách dùng các uyển ngữ khi thuyết trình trước đám đông. Không hiểu “thằng hề” với “diễn viên hài” khác nhau thế nào. Mà cứ cho là “hề” thì mấy ai dám coi khinh “Vua Hề Charlie Chaplin” như một huyền thoại điện ảnh Hollywood thế kỷ 20. Đó mới là những vai hề “kinh điển” đáng nể trọng, chứ không phải như mấy chú hề ở ta. Suốt ngày xun xoe khen “Bộ quần áo mới của Hoàng đế – Tổng bí thư” tuyệt mỹ như thế nào.

Tuy nhiên, màn “đóng thế” của tướng Vịnh thất bại ngay từ đầu, như chính cuộc chiến tranh xâm lược của Putin vậy. Ông Vịnh trích dẫn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính như là những nhà tư tưởng lỗi lạc để bàn về một cuộc chiến có tầm ảnh hưởng lên toàn cầu, thậm chí nói như sử gia Harari, quyết định xu hướng của lịch sử thế kỷ 21. “Tôi nhắc lại, muốn hạ nhiệt ở Ukraine cần chọn công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lí thất bại, hoà bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận.” Những lời mùi mẫn của vị tướng “bốn không” Nguyễn Chí Vịnh nói trên báo Tuổi Trẻ ngày 5/3/2022 thật ra chỉ là những lời thoại trong một kịch bản của ban Tuyên giáo Ba Đình mà thôi.

Đúng như Thinh Nguyen Duc bình luận trên FB: “Sự lươn lẹo, xảo ngôn và cực kì nguy hại cho xã hội trong trả lời phỏng vấn của tướng Nguyễn Chí Vịnh về chiến tranh Nga – Ukraine đã đánh đồng kẻ xâm lược là Nga với nước bị xâm lược là Ukraine. “Không có ai đúng tuyệt đối và sai tuyệt đối” là cái bẫy ai đọc qua cũng dễ bị mắc lừa kiểu chơi trò “lập lờ đánh lận con đen”, đổi đen ra trắng, đổi trắng thành đen. Hay như phân tích của FB Trương Nhân Tuấn: Mọi người đều biết, kể cả tướng Vịnh, thực chất của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là một cuộc xâm lược vũ trang và mục tiêu chiến dịch là chinh phục lãnh thổ và “vẽ lại đường biên giới” Ukraine. Đây là điều tối kỵ trong quan hệ quốc tế vì nó phá hủy toàn bộ các nguyên tắc nền tảng lập nên luật lệ quốc tế (tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia như không xâm phạm biên giới, lãnh thổ, không can dự vào chuyện nội bộ của quốc gia khác...) Tướng Vịnh trong bài phát biểu cũng buộc phải nhấn mạnh ở các điều này.

Xem thế để thấy tướng Vịnh được Tuyên giáo mời ra “đóng thế” nhưng ông đã không nghiên cứu kỹ kịch bản để tìm ra được hồn cốt cho vai diễn. Vẫn kiểu “cả vú lấp miệng em”, nói lấy được. Tướng Vịnh cho rằng: “Mỹ và một số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tình hình hiện nay là sai lầm, và có thể đằng sau nó là một âm mưu sâu xa bởi nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa”. Ô hô, một ông tướng “đầy sao” nhìn vấn đề quân sự sao như trẻ trâu vậy. Nga huy động 190.000 quân với đủ các loại vũ khí giết người hiện đại định “làm cỏ” và “xóa sổ” đất nước và dân tộc Ukraine. Không lẽ, Mỹ và NATO cũng nên học tập Việt Nam, khoanh tay đứng nhìn, rồi bỏ phiếu trắng ở LHQ và lên lớp mấy bài giảng về đạo đức cho quân xâm lược? Chẳng qua, tướng Vịnh muốn “tước vũ khí” một bên nên đã ví von sai, chiến tranh không phải là “lửa cháy” mà chiến tranh do bên Nga khởi sự. Bên tự vệ là Ukraine. Lửa sẽ tắt khi Putin ra lịnh rút quân. Bên tự vệ có muốn “đổ dầu thêm” thì lửa cũng không cháy nữa.

Thái độ “người ngoài cuộc” là đồng lõa

Vẫn là thái độ huyênh hoang, tự cao tự đại, khi Nguyễn Chí Vịnh đưa ra lời khuyên nhủ cho các bên trong cuộc chiến tàn độc đang diễn ra. Trong khi đó, các ông tướng này đểu tảng lờ việc Chủ tịch Tập Cận Bình đang tập trận chuẩn bị cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Đông Á và Đông Nam Á nay mai. Có hai mục tiêu Trung Quốc đưa vào tầm ngắm: thôn tính Đài Loan và đánh chiếm Trường Sa. Chỉ cần một tàu ngầm mang tên Ohio của Mỹ nhổ neo tiến về eo biển Đài Loan, Trung Quốc sẽ loại bỏ ngay mục tiêu thứ nhất. Nhưng với mục tiêu thứ hai là quần đảo Trường Sa, chắc chắn chỉ một mình Việt Nam chịu trận. Trong năm 2021, Trung Quốc đã tiến hành không dưới 51 cuộc tập trận lớn nhỏ trên Biển Đông, bình quân mỗi tuần một lần. Còn tính từ đầu năm 2022 đến nay Trung Quốc đã có ít nhất là 6 lần tập trận. Mỗi lần tập trận đều ngăn cấm các loại tàu, thuyền bè đi qua vùng tập trận.

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ làm Nga suy yếu toàn diện và sẽ thêm phụ thuộc vào Trung quốc, bị Trung Quốc lấn át. Nga mà bị Trung Quốc chi phối thì tương quan ở Biển Đông bất lợi cho Việt Nam. Bởi thế, ủng hộ ai trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine không chỉ là quan điểm cá nhân, yêu ai, ghét ai, mà phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Người Việt Nam, ủng hộ ai phải xuất phát từ lợi ích sát sườn của Việt Nam. Mà một trong những lợi ích sát sườn nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông. Ở đây, vấn đề là phải vứt bỏ ngay thái độ “người ngoài cuộc”, bởi vì điều đó không khác gì là sự đồng lõa với tội ác. Phải vứt bỏ ngay thái độ cao ngạo, tự hào Việt Nam đã đánh thắng các đề quốc to để lên giọng dạy đời. Ngay ngày 7/3 vừa qua, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng vừa lớn tiếng: “Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình...”. Nhưng chúng ta đâu có được sự hưởng ứng từ bất cứ quốc gia nào! Một FB bình luận: Nên yêu cầu Ukraine ủng hộ Việt Nam, sau khi Việt Nam đã bỏ phiếu trắng ở LHQ, xem họ nói thế nào!

Hãy nói lại một lần cho rõ, phải dứt khoát vứt bỏ ngay thói khôn vặt “bỏ phiếu trắng” và thái độ “người ngoài cuộc” như các quan chức ngoại giao đã lựa chọn ở LHQ và các tướng tá quân đội đã thể hiện theo tình thần “chém gió” và “loa phường” của các loại tướng “quảng lạc” trình diễn và rao giảng. Hãy biết ơn nhân dân và chính phủ Ukraine, bởi vì, như sử gia Harari đã khẳng định, Ukraine đang chiến đấu cho quyền sống của mình và cho những giá trị dân chủ, tự do của nhân dân thế giới. Điều này cũng có nghĩa là, Ukraine đánh Nga là đánh cho cả Việt Nam… Chiến tranh thế giới thứ hai đã chỉ ra: Khi chủ nghĩa phát xít đã trở thành hiểm hoạ của cả thế giới, chỉ còn cách cả thế giới phải hình thành một mặt trân chung chống lại. Dành cho chủ nghĩa phát xít mọi hành vi đạo đức giả, ve vãn, thoả hiệp, dâng hiến.., chỉ khuyến khích chủ nghĩa phát xít tưới máu khắp nơi.

  • 16x9 Image

    Hoàng Trường

    Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét