Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

20220315. 34 NĂM TRUNG QUỐC CHIẾM GẠC MA (14/8/1988)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM  CÁC 

LIỆT SĨ GẠC MA

TTXVN/GDVN 13-3-2022
GDVN- Chiều 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, chiều 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại huyện Cam Lâm; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và thăm, tặng quà các lực lượng thuộc Vùng 4 Hải quân nhân dân Việt Nam.

Khảo sát thực địa tại huyện Cam Lâm, sau khi nghe giới thiệu định hướng quy hoạch xây dựng đô thị sân bay Cam Lâm theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc xây dựng quy hoạch, đô thị sân bay Cam Lâm để biến Cam Lâm từ một vùng nông thôn, miền núi thành thành phố hiện đại xanh và thông minh. Nơi đây phải trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ, trung tâm trí tuệ, giáo dục, y học hàng đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương, nhà đầu tư cùng với khẩn trương tiến hành xây dựng quy hoạch và thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, xây dựng các khu tái định cư trước cho người dân, đảm bảo đồng bộ, chất lượng; bảo tồn và phát huy văn hóa của người dân sở tại; tạo công ăn việc làm, sinh kế lâu dài cho người dân; đảm bảo cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng dự án có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, để người dân được hưởng lợi và ủng hộ dự án..., trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

“Đây là việc khó nên phải phối hợp, bàn bạc, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau; dễ làm trước, khó làm sau; biến từ không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể," Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hy sinh, biến thành vòng tròn bất tử, bảo vệ Tổ quốc (14/3/1988-14/3/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng niệm, tri ân các liệt sỹ tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm.

Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liền của Tổ quốc là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Lữ đoàn Tầu ngầm 189. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn tàu ngầm 189 và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.

Thủ tướng mong muốn cán bộ, chiến sỹ tiếp tục phát huy truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng; nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục xây dựng mối đoàn kết nội bộ, chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng thực thi nhiệm vụ; kiên quyết không để bị động, bất ngờ; hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Theo TTXVN
THỦ TƯỚNG: KHÁNH HÒA CẦN XÂY DỰNG TRƯỜNG SA THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ BIỂN
CÔNG HOAN/ TP 13-3-2022
TPO - Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà sáng 13/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Khánh Hoà cần phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh để đưa tỉnh này trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Nam Trung bộ - Tây nguyên. Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế biển.

Tiềm năng lớn về kinh tế biển

Sáng 13/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hòa về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao tiềm năng kinh tế biển của Khánh Hòa.

So với tiềm năng vô cùng lớn, sự phát triển hiện nay của tỉnh còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa phát huy được vai trò trung tâm của vùng. Trong quy hoạch cũng chưa xác định rõ được các vùng để phát triển và chưa có đột phá, nhất là Khu kinh tế Vân Phong. Nếu được đầu tư đúng mức và có những chính sách phù hợp thì trong tương lai không xa, Khánh Hoà trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Trước đó, ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chuyến công tác của Thủ tướng và đoàn công tác nhằm triển khai tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết này của Bộ Chính trị. Hiện các cơ quan Trung ương đang tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09, Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội các cơ chế, chính sách nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết 09. Vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phát biểu về những trăn trở, băn khoăn với Khánh Hòa, đề xuất, góp ý để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, nhất là kết nối vùng như thế nào để Khánh Hòa với các địa phương trong vùng cùng phát triển, bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đại biểu phát biểu về Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị liên quan đến việc xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030. Ảnh C.H

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Năm 2021 trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức tình hình kinh tế xã hội đạt được một số kết quả tích cực, đạt 13/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 14.109 tỷ đồng, bằng 102,6% so với dự toán, bằng 102,1% so với năm 2020. Hai tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp tăng 8,42% so với cùng kỳ năm trước và sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt hơn 18.600 tấn (tăng 4% so với cùng kỳ năm trước). Về tài chính và thu hút đầu tư thu ngân sách năm 2021 đạt hơn 14.109 tỷ đồng (vượt 2,6% so với cùng kỳ năm trước) và du lịch Khánh Hòa có tín hiệu phục hồi.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc. Ảnh C.H

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị quyết số 09 và trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư tài chính, phân cấp cho tỉnh theo thủ tục rút gọn; xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030. Xem xét chấp thuận chủ trương cho phép lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần thành phố Cam Ranh với mục tiêu phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 09.

Đồng thời, phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo định hướng của Nghị quyết 09. Cho phép UBND tỉnh Khánh Hòa được chỉ định thầu các nhà thầu trong danh sách các nhà thầu được chỉ định thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu về kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hoà. Ảnh C.H

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cho rằng, tỉnh Khánh Hòa là địa phương có vị trí quan trọng và có tiềm năng, lợi thế lớn phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngoài phát triển du lịch và một số sản phẩm đặc trưng, tỉnh Khánh Hòa chưa tận dụng được tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Trong đó chưa phát triển mạnh kinh tế biển, kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, vai trò trung tâm chưa được thể hiện rõ nét; khu kinh tế Vân Phong chậm phát triển... Do đó, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch chung; huy động và tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Khánh Hoà phải phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Mặt khác phải tự tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực bên ngoài, từ thế giới cho phát triển. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh định hướng xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm trí tuệ, đổi mới sáng tạo toàn cầu, thu hút nguồn lực khoa học công nghệ, nguồn vốn và cách quản trị từ quốc tế. Cùng với đó, phải cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Tập trung cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát trên vịnh Vân Phong, nghe báo cáo về phương án phát triển đô thị biển, khu du lịch trọng điểm trong khu vực khu kinh tế Vân Phong; thăm Nhà máy đóng tàu Hyundai; kiểm tra tại công trường thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa); khảo sát, nghe báo cáo về các phương án hướng tuyến dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong; thị sát thực địa về định hướng quy hoạch xây dựng đô thị sân bay Cam Lâm, huyện Cam Lâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 2 từ trái sang) làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong ngày 12/3. Ảnh C.H
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ cũng đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma; thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.
CÔNG HOAN
KHOẢNG TRỐNG CẦN LẤP ĐẦY VỀ TRƯỜNG SA NĂM 1988
VÕ HÀ / NĐT 13-3-2022
Sự kiện Trung Quốc khai hỏa, thảm sát, xâm chiếm Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988, vì những tế nhị trong quan hệ ngoại giao, thường chỉ được nhắc lại một cách dè dặt trên báo chí và xuất bản nhiều năm qua. Trong khi, đặt trong bối cảnh quan hệ quốc tế và tranh chấp trên Biển Đông hiện tại, đây là một sự kiện lịch sử cần được soi tỏ thấu đáo để đi đến những nhận thức, hành động và bài học kịp thời.

Cuốn Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử của Võ Hà (Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2021) hơn 500 trang, là một bộ tài liệu chính thống có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình tìm hiểu vấn đề Trường Sa từng bước được trực tiếp và tỏ tường hơn. Đây là công trình đầu tay của một cái tên rất mới trong giới viết khảo cứu lịch sử.

Võ Hà dành cho Người Đô Thị cuộc trao đổi thẳng thắn về cuốn sách đang gây chú ý của anh.

Chủ động trước “tiểu chiến tranh”

Có thể thấy vấn đề tranh chấp Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đặc biệt trở nên nóng bỏng ngấm ngầm trên địa hạt ngoại giao, báo chí truyền thông và nghiên cứu ngay từ sau 1975, khi Việt Nam vừa thống nhất. Đặt trên bình diện rộng, đây là cuộc chiến có tương quan đặc biệt với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Về phía Việt Nam, việc biên soạn sách trắng Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (các năm 1979 và 1982), các hoạt động khẳng định chủ quyền trên thực địa cho đến những thông điệp cứng rắn trên hai tờ báo chính thống Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân sau cuộc "hải chiến" Gạc Ma (14.3.1988) cho thấy rõ bản lĩnh và thái độ chính thức trước sự cậy thế vũ lực của Trung Quốc. Xin chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của anh khi sở đắc các mảnh sử liệu đầy “máu lửa”, tái hiện sự kiện bi tráng này đặc biệt trong phần thứ hai của cuốn sách?

Trước hết xin nói thêm rằng, tập sách gồm có 5 phần, ngoài phần I trình bày tổng quan về sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 (Gạc Ma ngày 14.3.1988), thì phần II như anh đặt vấn đề đã cho thấy rõ quan điểm, thái độ chính thức của nhà nước Việt Nam trong sự kiện này. 

Đây chính là nội dung quan trọng nhất trong hệ thống cơ sở pháp lý đấu tranh khẳng định chủ quyền trong hiện tại và tương lai của nhà nước Việt Nam đối với Trường Sa năm 1988; và cũng vì thế tôi sắp xếp nội dung này ở phần đầu trong tổng số 4 phần về giới thiệu tư liệu của tập sách.

Tôi nhận thấy các tài liệu này rất giá trị, cần thiết khi đặt trong bối cảnh nghiên cứu về chủ đề liên quan hiện nay. Những ai quan tâm chủ quyền biển đảo sẽ biết rằng, số lượng sách về Biển Đông nói chung của Việt Nam còn rất hạn chế (nếu so sánh với Trung Quốc). Tôi có đọc các sách, tài liệu về sự kiện Trường Sa 1988 thì lại thấy càng ít, thông tin thiếu tính kết nối trong hệ thống một sự kiện.

Tác giả Võ Hà sinh năm 1984 tại Duy Xuyên - Quảng Nam, học sư phạm lịch sử; hiện sống và làm việc tại Ðà Nẵng. Ảnh: NVCC

Ở đây tôi chỉ nêu một câu chuyện nhỏ để minh họa cho giá trị của các tài liệu thuộc phần II có trong tập sách: trước khi hoàn chỉnh tập sách này, năm 2020, tôi có hỏi một chuyên gia Biển Đông (công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) rằng, anh có nội dung bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14.3.1988 về việc tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu vận tải của Việt Nam ở vùng biển quần đảo Trường Sa hay không, và xin sao chụp như thế nào. Thì tôi nhận được câu trả lời rằng “văn bản này mật, chỉ có đến Ủy ban Biên giới quốc gia chép tay; lúc anh làm luận án tiến sĩ cũng như vậy, không công bố”. 

Vậy, nghĩa là các tư liệu mà mình sao chụp được trên báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân khi các báo này đăng nguyên văn các tài liệu này là có ý nghĩa quan trọng, để chúng ta biết rõ số lượng và nội dung tài liệu này một cách công khai, dễ dàng.

Ngày 14.3.1988, quân Trung Quốc bắn vào công binh và tàu HQ-604, HQ-605 của Việt Nam đang bám giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao khiến 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam tử trận, 9 người bị bắt. Đó là một cuộc thảm sát thực sự, khác với cách hiểu “hải chiến” (có sự chuẩn bị chủ động từ cả hai phía). Theo anh, câu chuyện được tái hiện trong cuốn sách từ lăng kính báo chí chính thống ngoài việc để sáng rõ thêm về một sự kiện lịch sử, thì còn có ý nghĩa hay bài học nào trong bối cảnh hiện tại, khi vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc vẫn còn phức tạp và luôn đe dọa bùng phát bạo lực từ phía bên kia?

Khi đọc lại diễn biến của sự kiện qua báo chí chính thống, bắt đầu từ thời điểm tháng 2.1988 đến hết tháng 6.1988, nhất là sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.1988 thì tôi thấy có một vấn đề, cũng là bài học cần khẳng định lại và nhận thức rõ hơn. Đó là Việt Nam với quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nên về mặt quân sự không có động thái tương ứng với tính leo thang và âm mưu của Trung Quốc. 

Mặc dù Việt Nam không mắc mưu “ai nổ súng trước”, nhưng lại bị mắc kẹt trong một âm mưu khác, đó là Trung Quốc đã tiến hành một “tiểu chiến tranh” hay chiến tranh chớp nhoáng để xâm chiếm lãnh thổ khi Việt Nam không sẵn sàng kịp cho tâm thế này; và trên thực tế, trước đó chiến tranh biên giới phía Bắc cũng có tính chất chiến tranh chớp nhoáng, chỉ khác về mục đích. Điều này để lại một bài học về cảnh giác cao độ đối với từng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nói riêng và các vấn đề liên quan an ninh quốc gia trong tất cả các hoạt động khác như kinh tế, văn hóa…, tránh trường hợp Trung Quốc thực hiện lại một “tiểu chiến tranh” ở Trường Sa; đồng thời, Việt Nam luôn cần đề cao tính tự chủ, tự lực, tự cường.

Với một sự kiện lớn liên quan đến một phần lãnh thổ đất nước, theo anh, vì những lý do gì mà suốt gần 35 năm qua, việc trình bày sử liệu về sự kiện này vẫn còn ít nhiều dè dặt?

Tôi nghĩ rằng, kể từ sau sự kiện Trường Sa 1988 và tiếp đó đặt trong tình thế “sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu”, thì Việt Nam và Trung Quốc đã cùng chuyển hướng có tính thay đổi căn bản - khi hai nước bình thường hóa quan hệ  kể từ năm 1991. Trung Quốc với quan điểm “không muốn nhắc lại những việc đã rồi” nên có thái độ gây bất lợi mỗi khi Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, cũng như lên án các hành động xâm lược của Trung Quốc (biên giới phía Bắc, Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988…). Trong khi đó, Việt Nam cũng đang tranh thủ các cơ hội để phát triển, nhất là hợp tác với Trung Quốc, nên có phần “mềm mỏng” về việc này.

Tuy nhiên, một điểm có thể nhận thấy là khi bình thường hóa quan hệ, hai nước đã giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại (ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ năm 2000); nhưng còn một vấn đề chưa giải quyết, đó là vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa trên Biển Đông.

Riêng sự kiện Trường Sa 1988 lại càng khó khăn và chậm chạp hơn trong nghiên cứu và truyền thông so với các sự kiện khác liên quan (như chiến tranh biên giới phía Bắc chẳng hạn), bởi vì Trường Sa, Hoàng Sa nằm ở vị trí trọng yếu để thực hiện chủ trương bành trướng ở Biển Đông, mở rộng không gian sinh tồn của Trung Quốc, do vậy họ sẽ dùng mọi cách để ngăn cản các hành động gây bất lợi đối với việc thực hiện chủ trương này của họ. Đặt trong nguyên nhân sâu xa và bối cảnh đó, việc nghiên cứu về chủ đề như anh đã nêu chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đọc Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử, có thể thấy rõ ràng tác giả rất có thể dấn bước xa hơn phạm vi thể loại “sưu tầm, biên soạn” để có những phân tích và quan điểm rõ ràng hơn trong nghiên cứu. Vì sao anh chọn sử dụng phương pháp an toàn là dừng lại ở trích lục và tái hiện sử liệu chính thống vào thời điểm này?

Do đặc thù của sử liệu mà tôi có là báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân liên quan về Trường Sa năm 1988, cho nên tôi chọn thể loại sách “sưu tầm, biên soạn” sẽ phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, bởi hai lý do chính sau:

Tôi nghĩ việc biên khảo về một sự kiện lịch sử có tính chất quan trọng đối với một quốc gia (Việt Nam) và liên quan đến nhiều nước khác (nhất là Trung Quốc) như sự kiện ngày 14.3.1988 thì cần sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau (tốt nhất là cả sử liệu của Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác như: Liên Xô, Mỹ…) thì công trình sẽ có tính khoa học và tính khách quan của sự kiện lịch sử cao hơn; trong khi đó, hiện tại tôi chưa thể tiếp cận nhiều các nguồn sử liệu của các nước khác như mong muốn.

Đồng thời, việc “sưu tầm, biên soạn” được thể hiện như trong tập sách này với sử liệu chính thống của nhà nước Việt Nam thì tập sách sẽ xuất bản được thuận lợi hơn trong tâm thế có nhiều sự “e ngại” của các nhà xuất bản và cơ quan quản lý. Trên thực tế, tôi tiếp cận vấn đề khi thực hiện tập sách này giống như nhà sử học Yuval Noah Harari (tác giả sách Lược sử tương lai) với đại ý nếu bạn không công bố được 100% như ý muốn, nếu được 80% cũng đã tốt rồi.

“Sự thật ở Trường Sa”?

Đối tượng độc giả mà anh kỳ vọng hướng đến?

Trong bối cảnh sách báo về sự kiện Trường Sa 1988 còn rất ít, đồng thời tôi đặc biệt quan tâm đến sự hiểu biết của các bạn trẻ, các em học sinh về sự kiện này. Do vậy, tôi mong muốn tập sách được ra đời càng sớm càng tốt để cung cấp tài liệu hữu ích, sống động, góp phần lấp một khoảng trống trong lịch sử, nhất là trong nhà trường - nghĩa là sách dừng lại thể loại “sưu tầm, biên soạn” sẽ đáp ứng tốt mục tiêu này.

Hiện nay, trong Chương trình tổng thể 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung này sẽ đưa vào giảng dạy chính khóa, được nói đúng, nói đủ trong chủ đề: “Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông”, thì chúng ta có điều kiện đưa nội dung Trường Sa 1988 vào “giáo án”. Bởi vậy, sau khi sách được phát hành, có rất nhiều giáo viên môn lịch sử mà tôi quen biết quan tâm và đặt mua.

Anh có viết trong Lời đầu sách rằng sự hy sinh của các chiến sĩ Trường Sa ngày 14.3.1988 là hình ảnh mà anh và mỗi người Việt Nam không thể và không được phép quên. Vậy, theo anh, bản chất câu chuyện về sự hy sinh của họ trong những khúc mắc của lịch sử thông qua sự kiện 14.3 đã được thể hiện đầy đủ ở mức độ nào thông qua cuốn sách này?

Đây là một câu hỏi “đúng điểm ngứa” của tập sách, cũng như một số sách khác có đề cập về sự kiện ngày 14.3.1988. Sở dĩ tôi nói vậy, vì một vấn đề rất nhiều độc giả quan tâm là tâm thế hy sinh của các chiến sĩ Trường Sa vào sáng ngày 14.3, bởi tâm thế đó liên quan đến bản chất sự kiện này.

Tài liệu trong tập sách đã thể hiện rõ câu chuyện “ai nổ súng trước”, cụ thể là Việt Nam lúc đó với quan điểm giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình và luôn cảnh giác trước sự khiêu khích của Trung Quốc để khỏi mắc bẫy trở thành bên nổ súng trước.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14.3.1988 (báo Quân Đội Nhân Dân 15.3.1988). Ảnh: Tài liệu sử dụng trong sách.


Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam ngay từ tháng 2.1988 đã ra các tuyên bố ngoại giao khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa khi Trung Quốc khiêu chiến. Và trong sự kiện ngày 14.3.1988, trên tàu HQ-604, Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, cán bộ chỉ huy đứng trước mũi tàu nhắc nhở chiến sĩ tỉnh táo không để mắc mưu khiêu khích của Trung Quốc khi ra lệnh với các chiến sĩ của mình: “Tất cả không được nổ súng khi tôi chưa ra lệnh!”.

Hoặc thiếu úy Trần Văn Phương và các chiến sĩ lên tiếng trả lời: “Hãy bỏ súng xuống! Không nên gây đổ máu!” khi lính Trung Quốc chĩa mũi súng vào mình trên đảo Gạc Ma. Lệnh “không nổ súng” ở đây với ý nghĩa không nổ súng trước để tránh “duyên cớ” gây chiến tranh, xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc.

Cùng với các chiến sĩ hải quân, thì trên Trường Sa lúc này có nhiều chiến sĩ công binh tham gia xây dựng đảo và chỉ một số ít được trang bị súng bộ binh để tự vệ. Các tài liệu trong sách cho thấy rõ diễn biến hay “sự thật ở Trường Sa” trong sự kiện ngày 14.3.1988, nó không đơn thuần là hải chiến, mà là một cuộc chiến tranh xâm lược, một cuộc thảm sát để gọi đúng bản chất sự kiện này. Tôi cho rằng, sự hy sinh của các chiến sĩ Trường Sa ngày 14.3.1988 là hình ảnh không thể nào quên và không được phép quên có hàm ý sâu xa của nó là vì vậy.

Trường Sa và Hoàng Sa vẫn là mối quan tâm nghiên cứu của anh trong thời gian tới?

Tôi luôn quan tâm đến chủ đề này trong nghiên cứu, tìm hiểu của mình. Tuy nhiên, một vấn đề tôi quan tâm hơn hiện nay và mong các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu cần tập trung hơn. Thứ nhất, riêng sự kiện Trường Sa 1988 sau tập sách này đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống cần tiếp tục lấp đầy, nhất là cần có một khảo cứu chuyên sâu hơn để có góc nhìn tổng thể hơn và đa chiều từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau (không chỉ là từ báo chí chính thống).

Thứ hai, nhà nước Việt Nam cần giao cho một cơ quan chức năng phù hợp (như Ủy ban Biên giới quốc gia) xây dựng thư mục thống kê toàn bộ các công trình đã xuất bản, các luận án, luận văn… để làm ngân hàng, hồ sơ pháp lý đấu tranh chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa; đồng thời nghiên cứu công bố, phổ biến công khai. 

Và cuối cùng, cần đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác các tư liệu lịch sử này để sản xuất các sản phẩm văn hóa (sách, truyện tranh, văn hóa phẩm, phim ảnh, kiến trúc, điêu khắc, văn học, nghệ thuật…) để phổ biến rộng rãi trong công chúng. Các công việc này trên thực tế nhiều năm qua Trung Quốc đã làm rất mạnh mẽ và đạt được mục tiêu.

Cám ơn anh. 

Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện

TRẬN HẢI CHIẾN VÀ HƠN 1.000 NGÀY TÙ ĐÀY TRONG KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH GẠC MA

TIẾN THÀNH/DT 13-3-2022

(Dân trí) - Là một trong 9 người bị Trung Quốc bắt giữ, với thương binh Nguyễn Văn Thống, sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 và quãng thời gian hơn 1.000 ngày chịu tù đày ở bán đảo Lôi Châu sẽ mãi là ký ức không quên.

Ký ức không bao giờ quên

Sự kiện Gạc Ma đã lùi xa 34 năm, những người lính hải quân năm xưa giờ trở về với cuộc sống bình dị, miệt mài lao động trên mảnh đất quê hương. Trong những ngày tháng 3, chúng tôi đã có dịp về làng biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), gặp gỡ thương binh Nguyễn Văn Thống (SN 1964) - một trong những người lính Gạc Ma ngày ấy.


Ông Nguyễn Văn Thống - một trong những người lính Gạc Ma năm ấy

Trở về sau trận hải chiến, cựu binh Nguyễn Văn Thống mang trên mình đầy thương tật, mắt trái bị hỏng, bàn tay biến dạng, ngón gãy, ngón đứt. Với ông Thống, sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 và những năm tháng tù đày ở bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) mãi là ký ức không bao giờ quên.

Trong căn nhà nhỏ ở làng quê nghèo ven biển, ông Thống hồi tưởng về những ngày tháng của hơn 30 năm trước. Vào khoảng 17h chiều 13/3/1988, Trung sỹ Nguyễn Văn Thống cùng đồng đội trên tàu HQ 604 ra đến Gạc Ma. Ngay sau đó, có 3 tàu Trung Quốc xuất hiện và dùng loa yêu cầu những người lính Việt Nam rời khỏi đảo.


Tàu HQ 604 rời cảng Cam Ranh lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, ngày 10/3/1988 (Ảnh tư liệu).

Trước những yêu cầu vô lý từ phía tàu Trung Quốc, những người lính trên tàu HQ 604 vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Tàu Trung Quốc sau đó đã rời đi, tuy nhiên đến 6h sáng 14/3/1988, chúng đã quay trở lại, cho lính đổ bộ lên đảo cướp cờ. Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma cùng đồng đội đã dũng cảm, quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ quốc.

"Thời điểm đó, lính Trung Quốc đã nổ súng bắn vào bộ đội ta, anh Phương hy sinh, lúc ngã xuống tay vẫn giữ chặt cán cờ Tổ quốc. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công, nhưng anh em vẫn kiên cường đấu tranh, quyết tâm giữ đảo. Hai tàu Trung Quốc sau đó còn bắn pháo vào tàu 604 khiến tàu hư hỏng nặng và chìm. Bản thân tôi và nhiều đồng đội đang làm nhiệm vụ trên tàu cũng bị thương", ông Thống nhớ lại.

Sau hơn 15 phút bắn phá tàu HQ 604 và những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma, tàu Trung Quốc mới rời đi. Cuộc chiến không cân sức đã làm 64 chiến sỹ hy sinh, trong đó Quảng Bình nhiều nhất với 13 người ngã xuống.

Trở về sau trận hải chiến, ông Thống mang trên mình đầy thương tật, mắt trái bị hỏng, bàn tay biến dạng, ngón gãy, ngón đứt.

Về phía ông Thống, sau khi cố gắng ngụp lặn khỏi con tàu đang chìm dần, người lính này cố níu lấy tấm ván gỗ rồi lênh đênh trên biển suốt cả ngày trời, người đầy vết thương, máu chảy lênh láng. Đến 16h ngày 14/3, ông Thống bị quân Trung Quốc phát hiện và bắt lên tàu, đưa về bán đảo Lôi Châu.

"Khi bị bắt, tôi gần như kiệt sức rồi lịm đi, khi tỉnh dậy thì thấy mình đã ở trong nhà giam rồi. Thời gian đầu bị giam cầm, chúng tôi luôn bị tra khảo, mỗi lần như vậy chúng tôi đều nói không biết, mới nhập ngũ, không rõ", ông Thống kể.

Sau hơn 3 năm 5 tháng giam cầm, hỏi cung nhưng không khai thác được gì từ những người lính hải quân kiên trung, đến tháng 8/1991, phía Trung Quốc đã thả tự do ông Thống cùng 8 chiến sỹ khác của tàu HQ 604.

Khắc khoải gánh nặng mưu sinh

Trở về quê, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thống lấy vợ, được địa phương cấp cho một mảnh đất cạnh chợ của xã Nhân Trạch, tạo điều kiện để ông mưu sinh bằng việc đảm nhận dọn vệ sinh, thu gom rác trong chợ.

Ông Thống nằm trong Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Gạc Ma tại Quảng Bình.

Nằm trong Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Gạc Ma tại Quảng Bình, ông Thống luôn khắc khoải khi đời sống những người đồng đội ai cũng chật vật với gánh nặng mưu sinh. Sau giây phút trầm lặng, ông tâm sự, sau 34 năm rời Gạc Ma, đồng đội người còn người mất, mỗi người một cuộc sống, thế nhưng đa số đều vất vả.

Ngay bản thân ông Thống, dù được bố trí công việc mưu sinh, có lương thương binh nhưng cũng chẳng mấy khấm khá. Cách đây ít năm, vợ chồng thương binh này khi vay mượn tiền cho con trai đi xuất khẩu lao động còn vấp phải đường dây lừa đảo, "tiền mất tật mang".

"Cuộc sống của chúng tôi còn nhiều vất vả với gánh nặng "cơm áo gạo tiền", người thì đau ốm, người vợ con bệnh tật, như anh Sơn ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, một đồng đội thân thiết của tôi giờ sức khỏe yếu nhưng vẫn phải lam lũ. Trước thì làm nghề cắt tóc nuôi con ăn học, giờ ở tuổi già rồi còn phải vào miền Nam lao động mưu sinh", ông Thống tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Thống và các cựu binh Gạc Ma bên mộ Liệt sỹ Trần Văn Phương, người con của quê hương Quảng Bình với câu nói bất tử: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".

Mặc dù còn nhiều gian nan, vất vả, thế nhưng Thương binh Nguyễn Văn Thống cũng vui mừng cho biết, những năm qua, bản thân ông và nhiều cựu binh Gạc Ma khác đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cấp, chính quyền cũng như các đơn vị, tổ chức.

Suốt nhiều năm qua, cứ đến dịp 14/3, ông Thống và những người đồng đội còn sống trong sự kiện Gạc Ma ngày ấy lại tổ chức gặp gỡ, giao lưu, ôn lại quá khứ hào hùng một thời và đặc biệt hơn là để tưởng nhớ đến những người đồng đội đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Suốt nhiều năm qua, cứ đến dịp 14/3, ông Thống và những người đồng đội còn sống trong sự kiện Gạc Ma ngày ấy lại tổ chức gặp gỡ, giao lưu, ôn lại quá khứ hào hùng một thời.

Cựu binh Gạc Ma trong một lần thắp hương tưởng niệm, thả hoa đăng tri ân 64 liệt sỹ đã ngã xuống vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988 đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng mãi là vết hằn đau thương nhắc nhớ thế hệ trẻ rằng "Tổ quốc luôn là vĩnh cửu, không có sự hy sinh nào cao cả bằng sự hy sinh vì Tổ quốc". 64 cán bộ chiến sỹ dũng cảm chiến đấu và hóa thành bất tử, các anh đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn.


34 NĂM GẠC MA, 48 NĂM HOÀNG SA
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/TD 13-3-2022

1. Ngày 24.2.2022 Nga nổ súng xâm lược Ukraine. Cùng với toàn dân Ukraine cầm súng đứng trong chiến hào chống quân Nga xâm lược và chỉ hai ngày sau, ngày 26.2.2022, từ chiến hào, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kí đơn khẩn gửi Toà án Công lý Quốc tế, ICJ ở The Hague, Hà Lan, kiện Nga gây chiến xâm lược phi pháp đất nước Ukraine (*). Toà ICJ đã nhận đơn.

Chưa có và chưa cần biết phán xử của Toà, lá đơn kiện của Ukraine đã tố cáo với thế giới tội phạm chiến tranh của Nga, buộc Nga phải đối mặt với luật pháp quốc tế, đối mặt với công lí của loài người, đặt Nga vào vị trí tội phạm gây chiến xâm lược.

Lá đơn kiện mỏng manh của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa nhân dân Ukraine đứng cao trên nền tảng vững chắc của công lí, tạo ra tư thế hiên ngang của chính nghĩa cho đất nước và nhân dân Ukraine.

Người dân Ukraine càng lẫm liệt cầm súng chiến đấu không phải chỉ bảo vệ đất nước Ukraine mà còn bảo vệ cả luật pháp quốc tế, bảo vệ công lí của cả loài người. Cả loài người đứng cùng chiến hào với người dân Ukraine chống quân Nga xâm lược, chống quân Nga chà đạp luật pháp quốc tế.

2. Việt Nam vẫn luôn khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có lịch sử lâu đời của Việt Nam, là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhưng Việt Nam hoàn toàn câm lặng chấp nhận quân đội Tàu cộng xâm lược làm chủ quần đảo Hoàng Sa, và một phần quần đảo Trường Sa.

Bia chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Ảnh tư liệu

Trường Sa, Hoàng Sa là chủ quyền lịch sử, đúng luật pháp quốc tế của Việt Nam. Nhưng Trường Sa, Hoàng Sa cũng là cánh cửa mở ra thế giới với Tàu cộng. Từ lâu Hoàng Sa, Trường Sa đã có trong mưu đồ, trong hoạch định bước đi thâu tóm thế giới, thống trị loài người của những hoàng đế đỏ Trung Hoa. Từ năm 1954, những bước đi bành trướng xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa đã được Tàu cộng tuần tự thực hiện.

Buộc đảng Cộng sản Việt Nam phải kí hiệp định chia đôi đất nước Việt Nam. Buộc Việt Nam phải nhận súng đạn Made in China bắn vào một nửa đồng bào ruột thịt của mình, người Việt tự bắn giết người Việt đến người Việt cuối cùng, tàn phá đất nước Việt Nam thành tro bụi, thành hoang mạc không còn sức sống.

Đúng như hoạch định của Tàu cộng. Cuộc nội chiến Nam Bắc được đảng Cộng sản Việt Nam phát động bằng nghị quyết 15/1959 bùng nổ từ cuộc đồng khởi ở Giồng Trôm và Mỏ Cày, Bến Tre ngày 17.1.1960 kéo dài mười lăm năm đến 30.4.1975, gây mất mát đau thương khủng khiếp làm cho nội lực Việt Nam chia rẽ, suy yếu, kiệt cùng. Chỉ đợi có vậy, Tàu cộng liền ra tay.

Ngày 19.1.1974, Tàu cộng đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong phần lãnh thổ Việt Nam do nhà nước Việt Nam Cộng Hoà quản lí.

Ngày 14.3.1988 Tàu cộng đánh chiếm các bãi đá san hô Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ trong quần đảo Trường Sa của nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

3. Sau 30.4.1975, nhà nước Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam là chủ thể cả dải đất Việt Nam, là chủ thể Biển Đông, chủ thể Hoàng Sa, Trường Sa.

Đến nay, Tàu cộng đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa đã 48 năm, Tàu cộng đánh chiếm bãi san hô Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ trong quần đảo Trường Sa đã 34 năm nhưng nhà nước Việt Nam, chủ thể đích thực, đúng luật pháp quốc tế của Hoàng Sa, Trường Sa vẫn câm lặng.

Tàu cộng kéo hạm đội lớn, hạm đội nhỏ vào biển Việt Nam tập trận bắn đạn thật, đùng đùng nã pháo xuống biển sát Hoàng Sa, Trường Sa. Dịp rất tốt để Việt Nam kiện Tàu cộng xâm phạm chủ quyền, đe doạ tính mạng và cản trở cuộc sống người dân đánh cá Việt Nam, phá hoại an ninh và hoạt động kinh tế, xã hội Việt Nam.

Nhưng Việt Nam chỉ lặp đi lặp lại lời người phát ngôn bộ Ngoại giao cầu xin Tàu cộng không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.

Lời cầu xin yếu ớt, thảm hại không phải tư thế người làm chủ lãnh thổ.

Đảng Cộng sản Việt Nam mang học thuyết đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản về tàn phá đất nước Việt Nam, giết hại, chia rẽ, li tán chính giống nòi Việt Nam. Làm cho sức sống Việt Nam tận cùng suy kiệt, đành bất lực để Tàu cộng đánh cướp quần đảo Hoàng Sa, đánh cướp Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ trong quần đảo Trường Sa.

Khiếp nhược trước quyền uy nước lớn cộng sản, nhục nhã nô lệ vào ý thức hệ cộng sản, không dám lên tiếng với luật pháp quốc tế khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, để mất Hoàng Sa, vĩnh viễn mất Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ là trọng tội với nhân dân, với lịch sử Việt Nam. Là phản bội cha ông mở cõi đã để lại hồn thiêng và máu xương ở Hoàng Sa, Trường Sa. Phản bội những người lính đã chiến đấu hi sinh giữ Hoàng Sa ngày 19.1.1974, Phản bội những người lính đã chiến đấu hi sinh giữ Gạc Ma ngày 14.3.1988.

______

Ghi chú từ Tiếng Dân:

(*) Ukraine chỉ kiện Nga ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vì Nga bịa đặt, nói rằng Ukraine phạm tội diệt chủng, rồi Nga lấy cớ đó để tấn công Ukraine. Ukraine không kiện được Nga vụ xâm lược Ukraine, vì Nga không bao giờ đồng ý tham gia vụ kiện, nên tòa không thể nhận đơn.

Xem thêm: https://www.icj-cij.org/en/case/166

https://twitter.com/ZelenskyyUa/status/1497885721931268103

https://www.ejiltalk.org/ukraine-files-icj-claim-against-russia/

TUYÊN BỐ: TỪ SỰ KIỆN ĐẢO GẠC MA 14/3/1988, NHỮNG  VIỆC TRƯỚC MẮT CẦN LÀM CỦA LÃNH ĐẠO VIỆT NAM

CÁC TỔ CHỨC DÂN SỰ/ BVN 13-3-2022

Ngày 14 tháng 3 năm 2022, toàn dân Việt Nam ghi nhớ ngày này của 34 năm về trước (14/3/1988) bọn Bành trướng Bắc Kinh đã ngang nhiên mang 3 tàu chiến tấn công vào các chiến sĩ công binh Việt Nam tay không đang xây dựng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi bắn chìm 2 tàu vận tải  HQ 604 và HQ 605, giết chết 64 và làm bị thương 11 chiến sĩ công binh Việt Nam, quân Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma. Sau đó Trung Quốc không ngừng chiếm tiếp các đảo xung quanh và xây dựng thành căn cứ quân sự, gồm cả sân bay, phục vụ cho mục đích xâm chiếm toàn bộ Biển Đông của Việt Nam và khống chế đường hàng hải quốc tế.

Mới đây Putin, Tổng thống Nga đưa quân xâm lược Ukraine, biến thỏa thuận quốc tế mà Nga đã ký kết tại Budapest 5/12/1994 bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ Ukraine thành tờ giấy lộn và ngang nhiên tuyên bố vùng đất Ukraine trước đây là của Nga, cũng giống như Trung Quốc đã và đang tuyên bố Biển Đông là của tổ tiên Trung Quốc.

Qua 16 ngày đổ quân xâm lược, Putin vấp phải sự chống trả kiên cường của quân dân Ukraine dưới sự lãnh đạo của một chính phủ dân chủ do nhân dân trực tiếp bầu lên. Sức mạnh của nhân dân Ukraine không chỉ là bảo vệ độc lập chủ quyền mà còn bảo vệ giá trị dân chủ tự do của cả một đất nước vừa thoát khỏi quá khứ độc tài.

Diễn biến tình hình thế giới rất khó lường, an nguy đất nước đang bị thách thức, nếu nội lực Việt Nam không đủ mạnh, dân tộc Việt Nam không đoàn kết thì chắc chắn Trung Quốc sẽ xâm lược Việt Nam.

Hợp tác trong quan hệ quốc tế là điều cần thiết cho phát triển và góp phần bảo vệ hòa bình an ninh đất nước nhưng phải trên cơ sở chủ động, độc lập và sức mạnh tự thân của dân tộc. Việt Nam phải là một nước Dân chủ, Độc lập, Hòa bình, Ổn định, Phát triển, Thịnh Vượng.

Để thực hiện điều trên đất nước cần có sự đoàn kết, trước mắt cần gác lại không truy cứu mọi chuyện của quá khứ nhằm xây dựng lòng tin để cả nước sớm gắn bó thành một khối vững chắc, cùng nhau hướng đến tương lai.

Tất cả mọi hoạt động của một quốc gia đều dựa trên Hiến pháp. Hiến pháp là nền tảng, là bộ luật quyết định cho sự ra đời và duy trì một quốc gia, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ khi giành được chính quyền năm 1945, những người lãnh đạo cách mạng đã nhanh chóng tiến hành bầu cử để có một Quốc hội đại diện toàn dân, từ Quốc hội ra đời Hiến pháp năm 1946 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một hành trình theo đúng thông lệ của các quốc gia trên thế giới. Hiến pháp đó là văn kiện chính trị đứng trên mọi quan điểm lập trường, cương lĩnh, quyền lợi của mọi đảng phái, là luật gốc của mọi bộ luật đặt quyền lợi của đất nước của dân tộc trên tất cả. Tuân thủ thực hành Hiến pháp là thước đo của lòng yêu nước, yêu dân, yêu Tổ quốc của mọi tổ chức đảng phái, của mọi công dân bất cứ ở cương vị nào. Và không có điều ngược lại.

Trong bất cứ tình huống nào, nhân dân vẫn là chủ thể của đất nước, là lực lượng quyết định thành bại của cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, không có quần chúng không có cách mạng, không có sự nghiệp cách mạng. Phát triển củng cố nội lực là phát huy sức mạnh, sự nghiệp của quần chúng, do đó đưa xã hội Việt Nam thành xã hội dân sự dân chủ tự do là con đường tất yếu cho sự phát triển và bảo vệ  đất nước.

Trước mắt cần thực hiện ngay việc toàn đảng từ trung ương đến cơ sở phải học tập và tuân thủ làm việc theo Hiến pháp. Xác định Hiến pháp là văn bản thực thi, không phải là văn bản để tuyên truyền và đối phó với nhân dân. Tất cả mọi quyền của công dân được Hiến pháp qui định thì công dân được làm không chờ luật chờ thông tư; nhà nước không được phép tùy tiện trấn áp những tổ chức và cá nhân thực thi các quyền mà Hiến pháp đã long trọng tuyên bố khi chưa có luật điều chỉnh.

Cụ thể, cần thực hiện ngay các điều:

  • Điều 25 của Hiến pháp 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định.
  •  Điều 27, Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
  • Điểm 2 điều 28, Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước, xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
  • Nhà nước phải thực hiện các cam kết quốc tế về việc công nhân được thành lập ngay các công đoàn độc lập, hoạt động vì lợi ích của họ.

Các tổ chức xã hội dân sự chúng tôi chưa yêu cầu điều gì mới, chỉ yêu cầu nhà nước thành tâm thực thi những điều qui định của Hiến pháp do chính đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng.

Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân (theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và có trách nhiệm lãnh đạo nhà nước, xã hội (Hiến pháp 2013), phải thực thi trách nhiệm của mình.

Ngày 12 tháng 3 năm 2022

Các tổ chức dân sự đồng ký tên:

  1. Lập quyền dân: Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện
  2. Ban vận động Văn đoàn Độc lập: Nguyên Ngọc, nhà văn, đại diện
  3. Diễn đàn Xã hội Dân sự: Nguyễn Quang A, Tiến sĩ tin học, đại diện
  4. Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh: Nguyễn Đình Cống, Giáo sư khoa Xây dựng, đại diện
  5. Diễn đàn Bauxite Việt Nam: Phạm Xuân Yêm, GS Vật lý, Paris và GS Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội, đại diện
  6. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Võ Văn Thôn, nguyên GĐ sở Tư pháp TP HCM, đại diện
  7. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ: TS Hà Sĩ Phu đại diện
  8. Câu lạc bộ Hoàng Quý: Hoàng Đức Kiên, cựu chiến binh, đại diện.

GẠC MA: TỔ QUỐC LÀ VĨNH CỬU

TRẦN TRUNG HIẾU/ VNN 14-3-2022

Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc... Câu nói của anh hùng liệt sĩ - thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma 34 năm trước là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa.

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên “Vòng tròn bất tử” vì Tổ quốc. 

Gạc Ma: Tổ quốc là vĩnh cửu
Cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời"  tại khu tưởng niệm Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)

34 năm trôi qua, chúng ta nhắc lại sự kiện này để thêm một lần tưởng nhớ, ghi ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc và tái khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc đối với quần đảo Hoàng sa, Trường Sa.

64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã gác lại bao hoài bão, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để xác lập chủ quyền biển đảo. “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Câu nói của anh hùng liệt sĩ - thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma 34 năm trước không chỉ thể hiện khí phách anh hùng của những người lính giữa biển khơi, mà còn là tư thế của những người làm chủ thực sự chủ quyền biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đó như là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa. Với họ, Tổ quốc luôn là vĩnh cửu và không có sự hy sinh nào cao cả hơn, thiêng liêng hơn bằng sự hy sinh vì Tổ quốc. Sự hy sinh của họ, dân tộc Việt Nam luôn khắc ghi.

Họ là một phần của lịch sử

34 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa dấu vết nhưng không bao giờ xóa nhòa được ký ức bi tráng của người dân đất Việt về những con người quả cảm, không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Máu của các anh đã hòa lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã hòa tan vào đáy đại dương. Sự hy sinh của những người anh hùng được dựng thành tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc.

34 năm qua, Biển Đông vẫn chưa ngơi bão tố. Thời gian có lùi xa bao nhiêu, lịch sử có biến đổi thăng trầm như thế nào thì cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ quần đảo Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn luôn luôn thức tỉnh khối óc và lay động trái tim mỗi người Việt về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Hè năm 2017, tôi là giáo viên Sử có may mắn được tham gia lễ khánh thành Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma với tên gọi “Những người nằm lại phía chân trời” tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. 

Ấn tượng nhất khi tôi đến không gian đặc biệt này là cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử”, biểu tượng của mặt trời chân lý và sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của các thế hệ người Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.

Gạc Ma: Tổ quốc là vĩnh cửu
Tại khu trưng bày trong bảo tàng ngầm ở xã Cam Hải Đông, người thân bùi ngùi bên chân dung các liệt sĩ. Ảnh: Người Lao động

Bảo tàng ngầm hình tròn quanh hồ nước với 64 bông hoa muống biển bao quanh lá cờ Tổ quốc, biểu tượng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đây là nơi trưng bày các bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Gạc Ma nói riêng. Quảng trường Hòa bình hướng ra Biển Đông với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ là tình cảm của nhân dân trong đất liền luôn hướng ra những người lính đảo. 

Họ là một phần của lịch sử.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã dần trở thành địa chỉ quen thuộc của đồng bào, chiến sĩ cả nước, của thân nhân các cựu chiến binh Gạc Ma và đồng đội mỗi khi đến ngày 27/7 và ngày 14/3 suốt 5 năm qua.

Rất nhiều năm, cứ đến dịp 14/3, Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma - HQ 604 gặp gỡ nhau để tổ chức lễ tri ân, tưởng nhớ 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. Những người lính già lặng lẽ, trang nghiêm, đẫm lệ thắp nến, thả đèn hoa đăng và những vòng hoa trên biển tri ân đồng đội. 

Tổ quốc không quên các anh, lịch sử sẽ khắc ghi tên các anh và đồng đội luôn tưởng nhớ các anh - những người anh hùng nắm tay nhau làm nên vòng tròn bất tử giữa biển khơi.

Gạc Ma: Tổ quốc là vĩnh cửu
Ảnh: Kiên Trung

Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma là “địa chỉ đỏ” để góp phần nhắc nhở, giáo dục các thế hệ mai sau về một sự kiện đau thương và anh dũng với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Ký ức bi tráng không thể xoá nhoà

Trong cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, chúng ta có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý.

Bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã được nhiều quốc gia, cộng đồng quốc tế và nhiều nhà khoa học khẳng định. Đó là, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này, ít nhất là từ thế kỷ 17, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự của công pháp quốc tế.

Gạc Ma: Tổ quốc là vĩnh cửu
Những người lính giữ đảo hôm nay. Ảnh: Kiên Trung

Văn kiện Đại hội 13 của Đảng nêu rõ quan điểm nhất quán, trong đó có các nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên: Giữ vững môi trường hòa bình, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo...

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng ta luôn cần quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ quyền biển đảo là chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái “bất biến”. Cái “vạn biến” là cách ứng xử linh hoạt, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Trong bối cảnh Biển Đông thường có “sóng” từ bên ngoài đe dọa chủ quyền quốc gia, chúng ta luôn phải kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng giải pháp hòa bình, bằng sức mạnh tổng hợp: đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, chứng cứ lịch sử và pháp lý. Đối mặt với các hành động khiêu khích, gây hấn, chúng ta kiên trì, tránh xung đột. Nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm, chúng ta sẵn sàng đáp trả bằng quyền tự vệ chính đáng. 

34 năm đã lùi xa, nhắc lại Gạc Ma để thế hệ trẻ đang thụ hưởng nền hòa bình luôn biết tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền, đã chiến đấu và hy sinh vì chủ quyền biển đảo, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc mình hơn.

Ghi nhớ nỗi đau trong quá khứ để chúng ta nâng niu, trân trọng và gìn giữ nền hòa bình đang có, để ký ức về Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt. 

Trần Trung Hiếu 











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét