Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

20220317. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (11)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NGA KIỂM SOÁT TOÀN BỘ VÙNG KHERSON, TĂNG CƯỜNG ĐỘ TẤN CÔNG KIEV
HOÀI LINH/VNN 16-3-2022

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 15/3 cho biết, các lực lượng Nga đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ ở vùng Kherson, phía nam Ukraine.

Nga kiểm soát toàn bộ vùng Kherson, tăng cường độ tấn công Kiev
Cuộc tấn công Ukraine của Nga đã bước sang ngày thứ 21. Ảnh: Guardian

Ở phía đông Ukraine, các lực lượng Nga đã tiến hành hơn 60 vụ không kích vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine là Kharkiv, hãng tin Reuters và The Guardian dẫn lời người đứng đầu chính quyền vùng Oleh Sinehubov cho biết. Các cuộc oanh tạc đã trúng trung tâm lịch sử thành phố.

Tại Mykolaiv - thành phố chiến lược miền nam gần Biển Đen, người dân đã chuẩn bị hứng chịu thêm nhiều cuộc tấn công mới. Các tình nguyện viên chuẩn bị thực phẩm và phân loại quần áo quyên góp được. Các loại bom xăng được dùng để chống lại quân Nga cũng được tích trữ.

"Chúng tôi bị đánh bom cả ngày lẫn đêm. Đây là cơn ác mộng mà Nga đang gây ra trên lãnh thổ Ukraine", Svetlana Gryshchenko, có con trai thiệt mạng trong giao tranh nói.

Ở phía đông nam Ukraine, ước tính 20.000 dân thường đã sử dụng một hành lang nhân đạo để rời thành phố cảng Mariupol. Cùng lúc, hãng tin BBC dẫn lời phó thị trưởng Mariupol Sergei Orlov cho biết, đã nhận được thông tin quân đội Nga đã kiểm soát bệnh viện lớn nhất ở thành phố này.

"Chúng tôi bị đánh bom cả ngày lẫn đêm. Đây là cơn ác mộng mà Nga đang gây ra trên lãnh thổ Ukraine", Svetlana Gryshchenko, có con trai thiệt mạng trong giao tranh nói.

Ở phía đông nam Ukraine, ước tính 20.000 dân thường đã sử dụng một hành lang nhân đạo để rời thành phố cảng Mariupol. Cùng lúc, hãng tin BBC dẫn lời phó thị trưởng Mariupol Sergei Orlov cho biết, đã nhận được thông tin quân đội Nga đã kiểm soát bệnh viện lớn nhất ở thành phố này.

Người đứng đầu vùng Kiev Oleksiy Kuleba cho biết trên đài truyền hình Ukraine rằng "Nhiều đường phố đã biến thành một đống bê tông và sắt thép. Mọi người đã trốn trong các tầng hầm suốt nhiều tuần và sợ ra ngoài ngay cả khi sơ tán".

Tại phía đông bắc Ukraine, hơn 100 xe buýt chở dân thường đã rời thành phố Sumy đang bị vây hãm. Một phát ngôn viên của Hội chữ thập đỏ quốc tế là Jason Straziuso nói với hãng tin Reuters rằng, hai đoàn xe đã đi về Poltava, miền trung Ukraine.

Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 3 triệu người đã rời Ukraine, một nửa trong số đó là trẻ em. Khoảng 1,8 triệu người hiện ở Ba Lan, 300.000 người tới Tây Âu.

Hoài Linh

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU NGA THUA UKRAINE ?

Liana Fix và Michael Kimmage/ Foreign Affairs/ BVN 16-3-2022

Nguyễn Thị Kim Phụng dịch


Thất bại của Moscow không phải là chiến thắng rõ ràng của phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mắc sai lầm chiến lược khi xâm lược Ukraine. Ông đã đánh giá sai kỳ vọng chính trị của người Ukraine, vốn không chờ đợi được giải phóng bởi những người lính Nga. Ông cũng đánh giá sai về Mỹ, Liên minh Châu Âu, và một số quốc gia – gồm Australia, Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc – tất cả đều có khả năng hành động tập thể khi đứng trước chiến tranh, và tất cả đều đang chờ đợi thất bại của Nga tại Ukraine. Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đang áp đặt những lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Moscow. Mỗi cuộc chiến đều là một trận đánh nhằm định hướng dư luận, và cuộc chiến của Putin ở Ukraine – trong thời đại hình ảnh truyền thông đại chúng – đã gắn nước Nga với một cuộc tấn công vô cớ, nhắm vào một láng giềng hòa bình, gây ra thương vong lớn cho dân thường, cùng hàng loạt những tội ác chiến tranh. Dù ở bất cứ đâu, sự phẫn nộ sẽ là một trở ngại cho chính sách đối ngoại của Nga trong tương lai.

Không kém phần quan trọng so với sai lầm chiến lược của Putin là sai lầm chiến thuật của quân đội Nga. Dù biết rằng khó có thể đánh giá tình hình trong giai đoạn đầu của một cuộc chiến, nhưng chắc chắn chúng ta vẫn có thể kết luận rằng công tác lập kế hoạch và hậu cần của Nga là không đầy đủ, và việc binh lính, thậm chí cả các sĩ quan cấp cao, bị thiếu thông tin đã khiến tinh thần họ càng sa sút. Cuộc chiến được cho là sẽ sớm kết thúc, khi một cuộc tấn công chớp nhoáng nhanh chóng hạ gục hoặc buộc chính phủ Ukraine phải đầu hàng, sau đó Moscow sẽ áp đặt tình trạng trung lập lên Ukraine, hoặc thiết lập quyền cai trị (suzerainty) của Nga tại Ukraine. Bạo lực tối thiểu có thể dẫn đến trừng phạt tối thiểu. Nếu chính phủ Ukraine sụp đổ nhanh chóng, Putin có thể tuyên bố rằng mình đã đúng: bởi vì Ukraine đã không sẵn sàng, hoặc không thể tự vệ, nên nước này không phải là một quốc gia thực sự – như lời Tổng thống Nga từng nói.

Nhưng Putin sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này như ông muốn. Thật vậy, có một số kịch bản mà trong đó cuối cùng người Nga sẽ thua. Putin có thể đẩy quân đội của mình sa lầy trong một cuộc chiếm đóng vô ích và tốn kém ở Ukraine, bào mòn tinh thần binh lính Nga, tiêu tốn tài nguyên, và không mang lại lợi ích gì ngoài danh hiệu “nước Nga vĩ đại” rỗng tuếch, đồng thời khiến quốc gia láng giềng rơi vào cảnh nghèo đói và hỗn loạn. Ông ta có thể kiểm soát, ở mức độ nhất định, các khu vực miền đông và miền nam Ukraine, nhiều khả năng là cả Kyiv, trong khi chiến đấu với lực lượng kháng chiến Ukraine hoạt động ở miền tây, và tham gia chiến tranh du kích trên khắp đất nước – một kịch bản sẽ gợi nhớ đến xung đột giữa các phe phái diễn ra ở Ukraine trong Thế chiến 2. Cùng lúc đó, ông sẽ chứng kiến nền kinh tế Nga dần suy thoái, đất nước Nga ngày càng bị cô lập, và ngày càng không có khả năng tạo ra của cải vốn là chỗ dựa cho các cường quốc. Kết quả là, Putin có thể đánh mất sự ủng hộ của người dân và giới tinh hoa Nga, những người mà ông phụ thuộc vào để có thể tiến hành chiến tranh và duy trì quyền lực của mình, dù Nga không phải là một nền dân chủ.

Putin như thể đang cố gắng thiết lập lại một số hình thức của chủ nghĩa đế quốc Nga. Nhưng trong canh bạc lớn này, dường như ông đã quên mất những sự kiện đã đặt ra dấu chấm hết cho Đế chế Nga. Sa hoàng cuối cùng của Nga, Nicholas II, đã thua trong cuộc chiến với Nhật Bản vào năm 1905. Sau đó, ông trở thành nạn nhân của Cách mạng Bolshevik, không chỉ mất đi vương miện, mà còn mất cả mạng sống. Bài học rút ra: nhà cầm quyền chuyên chế không thể thua trong các cuộc chiến mà vẫn có thể ngồi yên trên ngai vàng được.

Trong cuộc chiến này, không có người chiến thắng

Putin khó có thể thua trên chiến trường Ukraine. Nhưng ông có thể thua khi cuộc chiến đi đến hồi kết và mở ra câu hỏi: ‘Tiếp theo là gì?’.

Những hậu quả khôn lường và bị đánh giá thấp của cuộc chiến vô nghĩa này sẽ khiến Nga khó mà chấp nhận nổi. Và việc thiếu kế hoạch chính trị cho tương lai – có thể so sánh với những thất bại về kế hoạch trong cuộc xâm lược Iraq của Mỹ – sẽ góp phần khiến nó trở thành một cuộc chiến không thể thắng được.

Người Ukraine sẽ không thể đẩy lùi quân đội Nga trên đất Ukraine. Quân đội Nga ở một đẳng cấp khác với Ukraine, và hơn nữa, Nga còn là một cường quốc hạt nhân, trong khi Ukraine thì không. Cho đến nay, quân đội Ukraine đã chiến đấu với quyết tâm và kỹ năng đáng ngưỡng mộ, nhưng trở ngại thực sự đối với bước tiến của Nga chính là bản chất của cuộc chiến. Qua các đợt tấn công bằng tên lửa và bom từ trên không, Nga có thể san bằng các thành phố của Ukraine, từ đó đạt được ưu thế trên chiến trường. Họ cũng có thể thử sử dụng vũ khí hạt nhân ở quy mô nhỏ để đạt được hiệu quả tương tự. Nếu Putin đưa ra quyết định này, không có gì trong hệ thống Nga có thể ngăn cản ông ta. “Họ tạo ra sa mạc, và gọi đó là hòa bình”, nhà sử học Tacitus từng viết về nghệ thuật chiến tranh của La Mã, và gán những lời này cho nhà lãnh đạo chiến tranh người Anh Calgacus. Đó cũng là một lựa chọn cho Putin ở Ukraine.

Dù vậy, ông sẽ không thể đơn giản thoát khỏi sa mạc. Putin đã gây chiến để bảo vệ vùng đệm do Nga kiểm soát, nằm giữa đất nước của ông và trật tự an ninh do Mỹ đứng đầu ở châu Âu. Ông ta sẽ không thể tránh khỏi việc xây dựng một cấu trúc chính trị để đạt được mục đích của mình và duy trì một mức độ trật tự nào đó ở Ukraine. Nhưng người dân Ukraine đã thể hiện rằng họ không muốn bị chiếm đóng. Họ sẽ chống trả quyết liệt – thông qua các hành động kháng chiến diễn ra mỗi ngày, và thông qua một cuộc nổi dậy bên trong Ukraine, hoặc chống lại chế độ bù nhìn ở Đông Ukraine do quân đội Nga thiết lập. Có thể tìm thấy điểm tương tự trong cuộc chiến chống Pháp 1954-1962 của Algeria. Pháp là cường quốc quân sự vượt trội. Tuy nhiên, người Algeria đã tìm ra cách để nghiền nát quân đội Pháp và chặn đường tiếp tế từ Paris.

Putin cũng có thể dựng lên một chính phủ bù nhìn, với Kyiv là thủ đô, một chính phủ Vichy của Ukraine. Hoặc ông có thể dùng đến sự hỗ trợ cần thiết từ lực lượng cảnh sát mật để khuất phục người dân của thuộc địa Nga này. Belarus là ví dụ về một quốc gia vận hành theo chế độ chuyên chế, cộng với sự đàn áp của cảnh sát, và sự hậu thuẫn của quân đội Nga. Đây là một mô hình khả thi cho một miền đông Ukraine do Nga cai trị. Tuy nhiên, trên thực tế, nó chẳng khác gì một mô hình giấy. Một Ukraine Nga hóa có thể tồn tại như một ảo tưởng hành chính đối với Moscow, và các chính phủ chắc chắn có khả năng hành động theo những ảo tưởng hành chính của họ. Nhưng nó không bao giờ có thể hoạt động trong thực tế, đơn giản là vì quy mô và lịch sử gần đây của Ukraine.

Trong các bài phát biểu của mình về Ukraine, Putin dường như bị ám ảnh về giai đoạn giữa thế kỷ 20. Ông ta bận tâm về chủ nghĩa dân tộc Ukraine thân Đức của những năm 1940. Do đó, ông nhiều lần đề cập đến Ukraine Quốc xã, và khẳng định mục tiêu của mình là “phi phát xít hóa” Ukraine.

Ukraine đúng là có các yếu tố chính trị cực hữu. Tuy nhiên, điều mà Putin không nhìn thấy, hoặc bỏ qua, là tâm lý dân tộc (national belonging) phổ biến hơn và mạnh mẽ hơn nhiều đã xuất hiện ở Ukraine kể từ khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991. Phản ứng quân sự của Nga đối với Cách mạng Maidan năm 2014 ở Ukraine, vốn quét sạch một chính phủ thân Nga tham nhũng, là một động lực bổ sung cho tâm lý dân tộc này. Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vô cùng khéo léo trong việc khơi gợi chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Sự chiếm đóng của Nga sẽ mở rộng ý thức về tổ quốc (nationhood) của người dân Ukraine, một phần bằng cách tạo ra nhiều “thánh tử đạo”, những người hy sinh vì dân tộc – giống như những gì mà hành động chiếm đóng Ba Lan của Đế quốc Nga vào thế kỷ 19 đã tạo ra với người dân Ba Lan.

Vì vậy, để thực sự hiệu quả, chiến dịch chiếm đóng sẽ phải là một hoạt động chính trị lớn, diễn ra trên ít nhất một nửa lãnh thổ của Ukraine. Nó sẽ là một cuộc chiến tốn kém khôn tả. Hoặc có thể Putin đã nghĩ đến điều gì đó giống như Hiệp ước Warsaw, từng giúp Liên Xô cai trị nhiều quốc gia-dân tộc châu Âu. Phương án này cũng đắt đỏ – nhưng nó không đắt bằng việc kiểm soát một khu vực nổi loạn, được nhiều đối tác nước ngoài trang bị tận răng, và chỉ chực chờ đánh vào bất kỳ điểm yếu nào của Nga. Một nỗ lực như vậy sẽ chỉ làm cạn kiệt ngân khố của Nga.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước châu Âu áp đặt lên Nga sẽ dẫn đến việc tách Nga ra khỏi nền kinh tế toàn cầu. Đầu tư nước ngoài sẽ giảm. Vốn sẽ phải khó khăn lắm mới có được. Chuyển giao công nghệ sẽ ngưng trệ. Các thị trường sẽ đóng cửa với Nga, có thể bao gồm cả thị trường khí đốt và dầu, mà doanh số từ các thị trường này lại đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa nền kinh tế của Putin. Dòng chảy chất xám kinh doanh và khởi nghiệp sẽ chảy ra khỏi Nga. Hậu quả lâu dài của những chuyển đổi này là có thể dự đoán được. Như nhà sử học Paul Kennedy đã lập luận trong The Rise and Fall of the Great Powers (Sự Hưng thịnh và Suy vong của các Cường quốc), những quốc gia như vậy có xu hướng tham gia vào các cuộc chiến tranh sai lầm, gánh thêm gánh nặng tài chính, và do đó tự tước đi tăng trưởng kinh tế – huyết mạch của một cường quốc. Trong trường hợp giả định Nga có thể khuất phục được Ukraine, thì Nga cũng có thể tự hủy hoại chính mình trong quá trình đó.

Một biến số quan trọng trong hồi kết của cuộc chiến này là công chúng Nga.

Chính sách đối ngoại của Putin đã được ủng hộ trong quá khứ. Ở Nga, sáp nhập Crimea là sự kiện nổi tiếng. Tính quyết đoán của Putin không hấp dẫn tất cả người Nga, nhưng nó vẫn hấp dẫn nhiều người. Điều này có thể sẽ được duy trì trong những tháng đầu cuộc chiến của Putin ở Ukraine. Thương vong của lính Nga sẽ được tưởng nhớ, và nó cũng sẽ tạo ra một động cơ, như trong tất cả các cuộc chiến tranh khác, là biến thương vong thành hành động có mục đích, từ đó tăng cường chiến tranh và chiến dịch tuyên truyền. Một nỗ lực toàn cầu nhằm cô lập Nga có thể phản tác dụng, nếu thế giới bên ngoài bị chặn đứng, khiến người Nga phải gắn căn tính dân tộc mình với sự bất bình và phẫn nộ.

Tuy nhiên, kịch bản khả dĩ hơn là nỗi kinh hoàng của cuộc chiến này sẽ phản tác dụng với chính Putin. Người Nga đã không xuống đường để phản đối các vụ đánh bom của Nga vào Aleppo, Syria, hồi năm 2016, cũng như thảm họa nhân đạo mà các lực lượng Nga đã tiếp tay trong cuộc nội chiến tại đây. Nhưng Ukraine mang một ý nghĩa hoàn toàn khác đối với người Nga. Hàng triệu gia đình Nga-Ukraine có liên kết với nhau. Hai nước chia sẻ văn hóa, ngôn ngữ, và tôn giáo. Thông tin về những gì đang xảy ra ở Ukraine sẽ tràn vào Nga qua mạng xã hội và các kênh khác, từ đó bác bỏ và làm mất uy tín của các tuyên truyền viên. Đây là một tình huống lưỡng nan về đạo đức mà Putin không thể giải quyết chỉ bằng đàn áp. Sự đàn áp chính nó cũng có thể phản tác dụng. Đây nào phải chuyện lạ trong lịch sử Nga: chỉ cần hỏi người Liên Xô thì biết.

Hậu quả cho tương lai

Hậu quả của việc Nga thua tại Ukraine sẽ khiến châu Âu và Mỹ phải đối mặt với những thách thức mang tính nền tảng. Giả sử một ngày nào đó Nga buộc phải rút quân, thì việc xây dựng lại Ukraine, với mục tiêu chính trị là chào đón nước này gia nhập EU và NATO, sẽ là một nhiệm vụ nặng nề. Và phương Tây không được để Ukraine thất bại một lần nữa. Mặt khác, một hình thức kiểm soát yếu của Nga đối với Ukraine có thể đồng nghĩa với việc xuất hiện một khu vực giao tranh liên tục, có nhiều rạn nứt, bất ổn, với cơ cấu quản lý hạn chế hoặc không có, nằm ngay phía đông biên giới của NATO. Thảm họa nhân đạo sẽ không giống như bất cứ điều gì mà châu Âu từng chứng kiến suốt hàng thập niên qua.

Đáng lo ngại không kém là viễn cảnh về một nước Nga bị suy yếu và bị sỉ nhục, âm thầm dồn nén những cảm xúc phục thù giống như những gì đã nổi lên ở Đức sau Thế chiến 1. Nếu Putin duy trì quyền lực của mình, Nga sẽ trở thành một quốc gia bị bài xích, một siêu cường bất hảo với một đội quân bị hạ cấp, nhưng kho vũ khí hạt nhân thì vẫn còn nguyên. Tội lỗi và vết nhơ của cuộc chiến Ukraine sẽ ở lại với chính trường Nga thêm vài chục năm, hiếm khi nào một quốc gia thu được lợi ích từ một cuộc chiến họ đã thua. Sự vô ích của những chi phí bỏ ra cho cuộc chiến đó, thương vong nhân mạng, và sự suy giảm vị thế địa chính trị sẽ xác định con đường cho nước Nga và cho chính sách đối ngoại Nga trong nhiều năm tới, và sẽ rất khó để hình dung một nước Nga tự do trỗi dậy sau những gì khủng khiếp của cuộc chiến này.

Ngay cả khi Putin mất đi quyền lực ở Nga, nước này cũng khó có thể trở thành một nền dân chủ thân phương Tây. Họ có thể bị chia tách, đặc biệt là ở Bắc Caucasus. Hoặc cũng có thể trở thành một chế độ độc tài quân sự sở hữu vũ khí hạt nhân. Các nhà hoạch định chính sách sẽ không sai khi hy vọng về một nước Nga tốt đẹp hơn, và về cái ngày mà một nước Nga thời hậu Putin có thể thực sự hội nhập vào châu Âu. Họ nên làm những gì có thể để tạo điều kiện cho khả năng này, ngay cả khi họ chống lại cuộc chiến của Putin. Tuy nhiên, họ sẽ thật sai lầm nếu không chuẩn bị cho những kịch bản đen tối hơn.

Lịch sử đã chỉ ra rằng việc xây dựng một trật tự quốc tế ổn định là vô cùng khó khăn, nếu có một cường quốc theo khuynh hướng phục thù, bị sỉ nhục ở vị trí trung tâm của nó, đặc biệt là một cường quốc với tầm cỡ của Nga.

Để xây dựng trật tự, phương Tây sẽ phải áp dụng cách tiếp cận liên tục cô lập và ngăn chặn. Giữ Nga ở thế yếu, và giữ Mỹ ở lại cùng mình sẽ trở thành ưu tiên đối với châu Âu trong một kịch bản như vậy, bởi châu Âu phải gánh trọng trách chính trong việc quản lý một nước Nga bị cô lập sau cuộc chiến thất bại ở Ukraine.

Về phần mình, Washington muốn tập trung vào Trung Quốc. Còn Trung Quốc có thể cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình đối với một nước Nga đang suy yếu – từ đó dẫn đến việc hình thành một liên minh cùng sự thống trị của Trung Quốc mà phương Tây muốn ngăn chặn vào đầu những năm 2020.

Trả bất cứ cái giá nào?

Không ai trong hay ngoài nước Nga nên muốn Putin chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Tốt hơn hết là ông ta thua trận. Tuy nhiên, một thất bại của Nga sẽ không phải là lý do để ăn mừng. Nếu Nga ngừng xâm lược, thì bạo lực đã gây ra cho Ukraine vẫn là một vết thương hằn sâu nhiều thế hệ, nhưng vấn đề là Nga sẽ không sớm chấm dứt xâm lược. Mỹ và châu Âu nên tập trung vào việc khai thác những sai lầm của Putin, không chỉ bằng cách củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương, và khuyến khích người châu Âu hành động theo mong muốn lâu dài của họ về chủ quyền chiến lược, mà còn bằng cách làm cho Trung Quốc thấy rõ bài học thất bại của Nga: hành động thách thức các chuẩn mực quốc tế, chẳng hạn như chủ quyền quốc gia, sẽ đi kèm với chi phí thực tế, và chủ nghĩa phiêu lưu quân sự sẽ làm suy yếu các quốc gia lựa chọn đi theo con đường đó.

Nếu một ngày nào đó, Mỹ và châu Âu có thể giúp khôi phục chủ quyền của Ukraine, và nếu họ có thể đồng thời thúc đẩy Nga và Trung Quốc chia sẻ cùng một nhận thức về trật tự quốc tế, thì sai lầm lớn nhất của Putin sẽ trở thành một cơ hội cho phương Tây. Nhưng để đạt được điều đó, cái giá phải trả sẽ là cực kỳ đắt.

L.F. & M.K.

---

Về các tác giả:

- Liana Fix là Nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington, D.C.

- Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông chịu trách nhiệm khu vực Nga/Ukraine.

Nguồn bản dịch: https://nghiencuuquocte.org/2022/03/15/dieu-gi-se-xay-ra-neu-nga-thua-o-ukraine/

XUẤT THÂN

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 15-3-2022


Lưu Bị bán chiếu. Spartacus là nô lệ. Isaac Newton con nhà nông dân. Nguyễn Huệ làm ruộng. Bố của Mao Trạch Đông khởi đầu là tá điền, không có đất phải đi cày thuê. Cụ Hồ làm phụ bếp, quét tuyết… Danh sách này có thể kéo dài hàng trăm trang giấy.

Ông Zelensky sinh ngày 25/1/1978 tại Ukraine. Bố ông Zelensky là tiến sĩ khoa học về tin học, mẹ là kỹ sư. Ông là luật sư, MC, diễn viên, diễn viên hài, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch. Trong cuộc bầu cử tổng thống phổ thông đầu phiếu toàn quốc ngày 20/5/2019, ông Zelensky nhận được hơn 70% phiếu bầu của cử tri cả nước, đánh bại đương kim tổng thống Poroshenko để trở thành tổng thống thứ 6 của Ukraine.
Khi ông Putin mang 20 vạn quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, với kế hoạch chiếm Kyiv trong 48 tiếng đồng hồ, ông Putin và quần thần đồ rằng ông Zelensky sẽ bỏ trốn ra nước ngoài. Truyền thông Nga phao tin ông Zelensky đã ở Ba Lan từ ngày 25/2/2022.
Ông Zelensky là mục tiêu phải tiêu diệt số 1 của ông Putin. Khi được đề nghị sơ tán khỏi Kyiv, ông Zelensky đã trả lời “chúng tôi cần vũ khí chứ không phải quá giang”. Chính tinh thần quyết tử bảo vệ tổ quốc của Tổng thống Zelensky đã làm cho cả EU và thế giới thức tỉnh. Hơn 40 triệu người dân Ukraine đang đoàn kết quanh Tổng thống Zelensky trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Hôm nay 15/3/2022, ngày thứ 20 của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Cộng Hoà Czech Petr Fiala, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa sẽ đến thủ đô Kyiv để gặp Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Ukraine.
Chuyến đi của Thủ tướng các nước Ba Lan, Czech, Slovenia khẳng định tình đoàn kết của châu Âu đối với Ukraine, khẳng định Tổng thống Zelensky và nội các đang ở Kyiv, khẳng định Kyiv sẽ đứng vững. Châu Âu gọi Tổng thống Zelensky là anh hùng, dành cho Ông sự ngưỡng mộ và kính trọng.
Lao động là vinh quang. Không có nghề nào thấp hèn. Không có xuất thân nào bị khinh bỉ.
Tổng thống Zelensky sẽ đi vào lịch sử Ukraine và thế giới với vầng hào quang không dập tắt.
Ảnh: Tổng thống Volodymyr Zelensky, từ diễn viên hề vươn lên thành một tổng thống anh hùng. Nguồn: TMZ

ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC SAI LẦM !

MẠC VĂN TRANG/TD 15-3-2022


Không thấy các báo trong nước đưa tin, nhưng nhờ Đài RFA nên biết có Chỉ thị định hướng giáo dục như sau:
“Ngày 7 tháng 3 năm 2022, cơ quan quản lý ngành giáo dục của thành phố Hải Phòng ban hành công văn với tựa đề 'định hướng, tuyên truyền, theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội về tình hình Nga - U-crai-na'."
“Sở Giáo dục và Đào tạo của địa phương này còn yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo nếu phát hiện các trường hợp vi phạm.
Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng để xác minh về công văn trên, và được ông Trần Tiến Chinh, Chánh văn phòng cơ quan này, xác nhận. Ông này cho hay: 'Có, Sở có ban hành theo đường hướng dẫn của cấp trên thôi, khi triển khai về các sở, ban ngành đều có một công văn như thế'."
Theo hướng dẫn của Công văn này thì tốt nhất là giáo viên lờ đi coi như không biết có chiến tranh ở Ukraine; hai là có nói thì Việt Nam bỏ phiếu trắng là đúng vì lỗi do Ukraina và phương Tây là chính, nên Nga phải đánh… Ta không ủng hộ bên nào cả. Bình luận khác đi là xuyên tạc, tuyên truyền phản lại đường lối…
Áp đặt cho giáo viên và học sinh chỉ được suy nghĩ như vậy, nói đúng như vậy, khác đi là sai, thậm chí là có tội, thì thực sự là phản giáo dục, phản tiến bộ văn minh.
Ta hãy hình dung, nay mai những học sinh này sang các nước văn minh du học, các bạn hỏi về cuộc chiến tranh Nga- Ukraine mà học sinh ta nói như “định hướng", liệu có ai muốn kết bạn với học sinh chúng ta không?
Giáo dục học sinh phải định hướng vào những giá trị phổ quát của nhân loại, vì hướng các em tới những con người “Hành động tại địa phương, nhưng biết suy nghĩ toàn cầu", biết trân trọng những giá trị phổ quát của nhân loại.
Ít ra cần phải cho các em thấy:
- Chiến tranh là xấu, tồi tệ, chúng ta ghét và lên án chiến tranh. Yêu cầu dừng chiến tranh! Không thể để tội ác giết hại người dân, hủy hoại những làng mạc, thành phố, những ngôi nhà, trường học thân yêu, phá huỷ môi trường sống… Hãy stop War!
- Tại sao những mâu thuẫn không thể giải quyết bằng thương lượng hòa bình? Cũng như những học sinh, nếu có mâu thuẫn, phải thương lượng và sử lý bằng nội quy, pháp luật, chứ không được đánh nhau. Đánh nhau là sai. Giữa hai nước có mâu thuẫn phải thương lượng và giải quyết theo luật pháp quốc tế. Đánh nhau là sai!
- Ukraine là nước độc lập, có chủ quyền, thành viên Liên Hiệp quốc, tại sao Nga đem quân tấn công? Với bất kỳ lý do gì, Nga sai về nguyên tắc, vi phạm luật pháp quốc tế và những giá trị phổ quát của nhân loại.
- Chúng ta phải ủng hộ, giúp đỡ nhân dân dân Ukraine trong hoạn nạn, đau thương vì đó là lương tâm, là tình thương đồng loại. Việt Nam từng được khắp các nước giúp đỡ trong chiến tranh; cả nhân loại tiến bộ đang cố gắng cứu giúp nhân dân Ukraine, vậy ta cũng làm gì để giúp các bạn chứ?
Người dân ở thủ đô Kyiv, Ukraine đứng trước một building sau khi bị quân Nga phá hủy. Ảnh: Getty Images
Đảng và Chính phủ có vấn đề của họ với Nga nên họ hành xử như vậy, là việc của họ. Còn học sinh đang hình thành, phát triển thành những con người văn minh, biết tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt theo những giá trị tiến bộ, để trở thành những con người trưởng thành, có những phẩm chất nhân loại phổ quát, sao lại huỷ hoại suy nghĩ, tình cảm, lương tri của các em như vậy!?
Các vị cha mẹ làm hàng giả, buôn bán của ăn cắp … nhưng lại bắt con cháu phải câm mồm và nếu nói phải tuyên truyền đây toàn là hàng xịn, hàng nhà làm, chất lượng cao. Rồi con cái các vị sẽ ra sao?

VIỆT NAM CÓ LÀ QUỐC GIA TRUNG LẬP?TRUNG LẬP LÀ TRUNG LẬP NÀO?

KHOA LÊ/viet-studies/TD 15-3-2022


Có những ý kiến cho rằng, việc Ukraine nằng nặc xin vào khối Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO), là nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, vì Nga cảm thấy bất an trong cuộc đối đầu có tính quân sự với phương Tây, mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt.
Nếu ta bỏ qua những phân tích về sự tham vọng gầy dựng lại đế chế Nga (hay Liên Xô) của ông Putin, thể hiện rất rõ trong bài diễn văn rất dài, rất siêu thực (theo 1 nhà báo BBC) trước khi quân Nga tấn công, thì nguyên nhân NATO là có lý chứ không phải là không.
Nguyên nhân NATO này thấy rất rõ trong chiến tranh lạnh, với các quốc gia tuyên bố đứng ngoài, trung lập, xem như là vùng đệm giữa hai khối NATO (còn sống mạnh) và Warsaw (đã chết), như là Áo, Phần Lan, Thụy Điển.
Từ đó có một câu hỏi được nêu ra là, tại sao Ukraine không từ khước vào NATO như ba nước kể trên, trở thành một quốc gia trung lập, để tránh chiến tranh, phe nào mình cũng chơi cả?
Từ câu hỏi này với Ukraine, sẽ đi tới 1 câu hỏi tương tự với Việt Nam, hay đúng hơn là 1 lời nhận xét là Việt Nam đứng trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc là đúng rồi.
Nhưng có sự khác biệt rất lớn về thế nào là trung lập giữa các quốc gia châu Âu kể trên và Việt Nam.
Các nước Phần Lan, Thụy Điển, và Áo đều không cho quân đội nước ngoài, dù là Mỹ, Anh, Pháp, hay mồ ma Liên Xô đóng quân. Các nước này không tham gia khối quân sự nào. Họ đúng là những quốc gia trung lập về quân sự.
Về điểm này Việt Nam cũng y như họ, với chính sách bốn không nổi tiếng, không căn cứ quân sự nước ngoài, không liên minh quân sự, không theo nước này đánh nước kia, không đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam hiện nay, nước Việt Nam “cộng sản” hiện nay thực sự là một quốc gia trung lập về quân sự.
Nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, thì điều quan trọng hơn cả quân sự, một loại sức mạnh cứng, là sức mạnh mềm của mô hình chính trị xã hội. Ba quốc gia Phần Lan, Thụy Điển, Áo hoàn toàn không trung lập chút nào cả về việc này, mô hình chính trị xã hội của họ là dân chủ tư bản chủ nghĩa của phương Tây. Tại các quốc gia này nền kinh tế tư bản tư nhân vẫn phát triển phồn thịnh, dân chúng có quyền bầu chọn người lãnh đạo giữa các đảng phái chính trị khác nhau, có sự phân biệt rất rõ giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp, và tư pháp.
Những người cộng sản đệ tam, Lenin-Stalin, thường rất coi trọng bạo lực, mà họ quên đi điều Karl Marx, thầy của họ, nói rằng “phương thức sản xuất nào làm ra được nhiều của cải sẽ thắng”. Phương thức sản xuất chính là mô hình chính trị xã hội. Thế cho nên khi được đề nghị trung lập hóa nước Áo, sau thế chiến thứ hai, hai phe phương Tây và Liên Xô cùng rút quân ra khỏi Áo, thì các nhà lãnh đạo Liên Xô đặt bút ký ngay thỏa thuận 1955, quên phắt rằng Áo trở thành một nước theo chủ nghĩa tư bản. 34 năm sau, 1989, Áo chính là nơi tham gia vào việc khơi mào cho Đông Âu cộng sản sụp đổ, khi những người Đông Đức, Hungary kéo ào sang tị nạn.
Trên cái nhìn theo mô hình xã hội chính trị, thì Việt Nam không trung lập, mà hoàn toàn theo phe Trung Quốc, với mô hình độc đảng toàn trị, cộng với một kiểu tư bản chủ nghĩa bồ bịch (crony capitalism). Mô hình này không xa là mấy so với mô hình Nga, với kiểu dân chủ đa đảng giả hiệu.
Căn cứ trên mô hình xã hội chính trị, thì khối cộng sản, hay đúng hơn là khối toàn trị, vẫn tồn tại, kéo dài từ biên giới Belarus cho đến mũi … Cà Mau.
Nhưng có phải là người Ukraine kém đến mức không hiểu được điều mà chính tôi cũng hiểu về ba nước trung lập Áo, Phần Lan, Thụy Điển? Tôi cho là họ rất hiểu điều đó, nhưng xuất phát điểm của họ khác ba nước kể trên.
Xuất phát của Ukraine là … cộng sản. Sau khi Liên Xô sụp đổ họ rơi vào tình trạng nhũng lạm tràn lan do các định chế dân chủ còn quá yếu ớt. Vì vậy họ đã nhìn sang cộng đồng châu Âu (EU) với ước ao rất cháy bỏng.
Hãy giở lại những đoạn phim thời sự về cuộc nổi dậy Maidan 2014, chúng ta thấy cờ EU khắp nơi, có khi còn nhiều hơn cả cờ Ukraine. Ước ao lớn đến mức họ lật đổ cả một vị tổng thống do chính họ bầu lên trước đó, ông Yanukovitch, vì ông này không chịu ký đơn xin gia nhập EU.
Đã có những lo ngại khi người ta quan sát thấy có rất nhiều lá cờ nửa đỏ nửa đen trong cuộc nổi dậy Maidan. Lá cờ này vốn là của nhóm những người Ukraine có khuynh hướng cực hữu, thậm chí là phát xít, có gốc gác từ trước cả thế chiến thứ hai. Tám năm sau, khi quân Nga tràn vào xâm lăng, qua những video, phim ảnh tràn ngập trên mạng xã hội, và cả truyền thông lớn của thế giới, người ta không thấy lá cờ nửa đỏ nửa đen đó nữa, và tổng thống đương nhiệm, ông Vlodimyr Zelenskyy được xem như là người có khuynh hướng chính trị trung dung và ôn hòa.
Nếu bây giờ Ukraine tuyên bố trung lập, không gia nhập NATO, thì một lần nữa, phe dân chủ tư bản vẫn thắng, như trường hợp nước Áo ngày trước, vì sự trung lập này chỉ là sự trung lập quân sự.
Ukraine được độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991, 23 năm sau đó đủ tạo nên một thế hệ ước ao mô hình chính trị xã hội dân chủ tư bản, làm nên cuộc cách mạng Maidan.
Việt Nam cải cách kinh tế được 36 năm, nhưng không có cải cách chính trị và xã hội. Lớp dân chúng trẻ tuổi dù đông, dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi phương Tây, nhưng vẫn hãy còn là sự ảnh hưởng của những hời hợt tiêu dùng ở bề nổi, không có những ao ước sâu sắc như thế hệ dân chúng Ukraine lớn lên sau năm 1991. Tầng lớp cai trị chóp bu của Việt Nam vẫn là những người chịu ảnh hưởng từ thời kỳ mồ ma Liên Xô, nay thêm tinh ranh với tính cách tư bản bồ bịch kiểu Bắc Kinh.
Dù có là bốn không, hoặc cứ việc thêm bao nhiêu không tùy ý, dù lá phiếu ở Liên Hiệp quốc là lá phiếu trắng, Việt Nam không phải là quốc gia trung lập, mà nó là quốc gia đứng về phía Trung Quốc và Nga.

CUỘC XÂM LƯỢC CỦA PUTIN THÚC ĐẨY ĐỊNH HÌNH THẾ GIỚI LƯỠNG CỰC, VIỆT NAM 'ĐI DÂY' DẾN BAO GIỜ ?

PHẠM QUÝ THỌ/ RFA 15-3-2022


Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống nga Vladimir Putin

Thế giới lưỡng cực phương Tây và Nga – Trung sâu sắc thêm, nhưng Việt Nam không thể chọn phe vì tình thế chế độ ở “thế kẹt” đã hình thành bởi lịch sử ý thức hệ và địa chính trị.

Cuộc chiến tranh vẫn đang diễn ra rất khốc liệt ở Ukraine, tàn phá, chết chóc, thảm hoạ nhân đạo… Các nhà phân tích đưa ra các kịch bản thắng thua, kể cả cực đoan nhất, trước mắt về chiến sự và lâu dài về sự phát triển nhân loại. Nhận định phổ biến nhất là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm sâu sắc thế giới lưỡng cực: phương Tây và Nga -Trung. Khác biệt với thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947-1991, tiếng Anh: Cold War), trong đó sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ đỉnh điểm giữa hai siêu cường (đứng đầu và đại diện hai khối đối lập): Hoa Kỳ (chủ nghĩa tư bản) và Liên Xô (chủ nghĩa xã hội), tính chất ý thức hệ đã ‘mờ đi’ bởi sự trỗi dậy hung hăng của hai cường quốc Nga (về sức mạnh quân sự) và Trung Quốc (ngoài vũ khí quân sự, đứng thứ hai thế giới về GDP).

Các nước lớn thường có tư tưởng lớn. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, trạng thái thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu, ‘say xưa’ với chiến thắng miễn phí, mà đã không chuẩn bị trước thực tế rằng thế giới dần chuyển thành đa cực trong bối cảnh toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ. Trong khi phần lớn các nước XHCN ở Đông Âu chuyển đổi ‘chậm chạp’ theo thể chế dân chủ, hoà nhập với Châu Âu và thế giới thì Liên bang Nga, trung tâm của Liên Xô cũ, có ‘động cơ nội bộ’ khôi phục vị thế đã mất trong quan hệ quốc tế để ‘sản sinh’ ra chế độ chuyên chế và nhà lãnh đạo độc tài duy trì quyền lực cá nhân trong suốt một phần tư thế kỷ. Và Trung Quốc đã tăng trưởng kinh tế ‘thần kỳ’ để vươn lên thành cường quốc để có thời cơ phục hận “trăm năm quốc sỉ” hướng tới “giấc mộng Trung Hoa”.

Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn đang chiến thắng trên thế giới, nhờ đó với những quan hệ rộng mở với ‘thế giới phẳng’ mà tiềm lực kinh tế của Nga và Trung Quốc được tăng cường nhanh chóng mặc dù vẫn duy trì chế độ toàn trị hay chế độ chuyên chế. Các nhà độc tài ở hai cường quốc này tỏ ra ‘thấu hiểu’ nhược điểm của các chế độ dân chủ với nền tảng chủ nghĩa tự do mà các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia thường ít bị ràng buộc vào chính phủ để “xuất khẩu tư bản” đến các thị trường tiềm năng nhằm thu lợi nhuận tối đa trong khi chế độ chuyên chế “trải thảm đỏ”, duy trì thị trường nội địa với lao động giá rẻ, sự hấp dẫn các dịch vụ và tài nguyên thiên nhiên bằng những cải cách cầm chừng và từ chối, trừng phạt các hình thức dân chủ phù hợp. Ngoài ra, trong các chế độ dân chủ, việc đưa ra các quyết định trước các tình huống phức tạp thường phải tuân theo quy trình dân chủ ‘phiền phức’ và chậm chạp. Nga và Trung Quốc theo các cách của mình hình thành các chủ thuyết để thích nghi với tình hình, như ở Trung Quốc có tư tưởng thực dụng với thuyết chủ quyền và CNXH mang bản sắc dân tộc và, ở Nga chủ nghĩa đại đế mang dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển nước Nga. Phương Tây đã trở thành “đối thủ” để hai cường quốc liên kết chặt hơn, trong đó Trung Quốc ‘đối nghịch’  hơn và lâu dài đối với các giá trị tự do phương Tây.

Dù muộn còn hơn không, nhưng Mỹ và Châu Âu ứng phó khác nhau trước thế giới thay đổi. Từ thời Tổng thống B. Obama Mỹ đã dần loại bỏ “chính sách can dự với Trung Quốc” và thực thi chiến lược xoay trục sang Châu Á để đối phó với Trung Quốc và thực chất hơn dưới thời D. Trump và J. Biden hiện nay khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng dưới thời Tập Cận Bình. Trong khi đó Châu Âu ‘già cỗi’ về tư tưởng và thiếu thực tế về địa chính trị, chậm chạp, bị động đối phó với nước Nga ngày càng chuyên chế để đòi hỏi vị thế của mình như một cường quốc, một cách có tính toán, ‘ấp ủ’ và chuẩn bị lực lượng, tiến hành các phép thử bằng nhiều cách giành thế chủ động tạo ra luật chơi mới, trước hết trong nội bộ, đến các nước cộng hoà Xô-viết cũ, từng khu vực, từng thời điểm, năm 2014 là ở Cremia và, bây giờ là Ukraine.

Thế giới lưỡng cực phương Tây và Nga – Trung sâu sắc thêm, nhưng Việt Nam không thể chọn phe vì tình thế chế độ ở “thế kẹt” đã hình thành bởi lịch sử ý thức hệ và địa chính trị.

Cuộc chiến tranh vẫn đang diễn ra rất khốc liệt ở Ukraine, tàn phá, chết chóc, thảm hoạ nhân đạo… Các nhà phân tích đưa ra các kịch bản thắng thua, kể cả cực đoan nhất, trước mắt về chiến sự và lâu dài về sự phát triển nhân loại. Nhận định phổ biến nhất là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm sâu sắc thế giới lưỡng cực: phương Tây và Nga -Trung. Khác biệt với thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947-1991, tiếng Anh: Cold War), trong đó sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ đỉnh điểm giữa hai siêu cường (đứng đầu và đại diện hai khối đối lập): Hoa Kỳ (chủ nghĩa tư bản) và Liên Xô (chủ nghĩa xã hội), tính chất ý thức hệ đã ‘mờ đi’ bởi sự trỗi dậy hung hăng của hai cường quốc Nga (về sức mạnh quân sự) và Trung Quốc (ngoài vũ khí quân sự, đứng thứ hai thế giới về GDP).

Các nước lớn thường có tư tưởng lớn. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, trạng thái thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu, ‘say xưa’ với chiến thắng miễn phí, mà đã không chuẩn bị trước thực tế rằng thế giới dần chuyển thành đa cực trong bối cảnh toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ. Trong khi phần lớn các nước XHCN ở Đông Âu chuyển đổi ‘chậm chạp’ theo thể chế dân chủ, hoà nhập với Châu Âu và thế giới thì Liên bang Nga, trung tâm của Liên Xô cũ, có ‘động cơ nội bộ’ khôi phục vị thế đã mất trong quan hệ quốc tế để ‘sản sinh’ ra chế độ chuyên chế và nhà lãnh đạo độc tài duy trì quyền lực cá nhân trong suốt một phần tư thế kỷ. Và Trung Quốc đã tăng trưởng kinh tế ‘thần kỳ’ để vươn lên thành cường quốc để có thời cơ phục hận “trăm năm quốc sỉ” hướng tới “giấc mộng Trung Hoa”.

Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn đang chiến thắng trên thế giới, nhờ đó với những quan hệ rộng mở với ‘thế giới phẳng’ mà tiềm lực kinh tế của Nga và Trung Quốc được tăng cường nhanh chóng mặc dù vẫn duy trì chế độ toàn trị hay chế độ chuyên chế. Các nhà độc tài ở hai cường quốc này tỏ ra ‘thấu hiểu’ nhược điểm của các chế độ dân chủ với nền tảng chủ nghĩa tự do mà các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia thường ít bị ràng buộc vào chính phủ để “xuất khẩu tư bản” đến các thị trường tiềm năng nhằm thu lợi nhuận tối đa trong khi chế độ chuyên chế “trải thảm đỏ”, duy trì thị trường nội địa với lao động giá rẻ, sự hấp dẫn các dịch vụ và tài nguyên thiên nhiên bằng những cải cách cầm chừng và từ chối, trừng phạt các hình thức dân chủ phù hợp. Ngoài ra, trong các chế độ dân chủ, việc đưa ra các quyết định trước các tình huống phức tạp thường phải tuân theo quy trình dân chủ ‘phiền phức’ và chậm chạp. Nga và Trung Quốc theo các cách của mình hình thành các chủ thuyết để thích nghi với tình hình, như ở Trung Quốc có tư tưởng thực dụng với thuyết chủ quyền và CNXH mang bản sắc dân tộc và, ở Nga chủ nghĩa đại đế mang dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển nước Nga. Phương Tây đã trở thành “đối thủ” để hai cường quốc liên kết chặt hơn, trong đó Trung Quốc ‘đối nghịch’  hơn và lâu dài đối với các giá trị tự do phương Tây.

Dù muộn còn hơn không, nhưng Mỹ và Châu Âu ứng phó khác nhau trước thế giới thay đổi. Từ thời Tổng thống B. Obama Mỹ đã dần loại bỏ “chính sách can dự với Trung Quốc” và thực thi chiến lược xoay trục sang Châu Á để đối phó với Trung Quốc và thực chất hơn dưới thời D. Trump và J. Biden hiện nay khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng dưới thời Tập Cận Bình. Trong khi đó Châu Âu ‘già cỗi’ về tư tưởng và thiếu thực tế về địa chính trị, chậm chạp, bị động đối phó với nước Nga ngày càng chuyên chế để đòi hỏi vị thế của mình như một cường quốc, một cách có tính toán, ‘ấp ủ’ và chuẩn bị lực lượng, tiến hành các phép thử bằng nhiều cách giành thế chủ động tạo ra luật chơi mới, trước hết trong nội bộ, đến các nước cộng hoà Xô-viết cũ, từng khu vực, từng thời điểm, năm 2014 là ở Cremia và, bây giờ là Ukraine.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét