Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

20210930. BÀN VỀ HƯỚNG DẪN TRẺ CON ĐỌC SÁCH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CẬU BÉ 10 TUỔI ĐỌC HÀNG TRĂM CUỐN SÁCH LỊCH SỬ

ĐỨC HÙNG/ VnEx 24-9-2021

HÀ TĨNHĐam mê lúc 6 tuổi, đến nay Biện Nguyễn Khôi Nguyên đã đọc hàng trăm cuốn sách lịch sử Việt Nam và thế giới, bắt đầu đọc bộ Lê Nin toàn tập.

Khôi Nguyên, 10 tuổi, học lớp 5A, trường Tiểu học Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, là con đầu trong gia đình có hai anh em, bố làm cán bộ Đại học Hà Tĩnh, mẹ là giáo viên dạy Sinh học tại trường THPT Cẩm Bình.

Anh Biện Văn Quyền (bố Nguyên) cho biết ngày bé con nhút nhát, ngại tiếp xúc người lạ. Ba tuổi con mới nói được tiếng đơn, chưa thể ghép từ và có vài sở thích rất khác người, như ăn chủ yếu đồ mềm, ngoài những lúc tắm rửa thì tay không bao giờ chạm vật ướt.

"Chúng tôi từng nghiên cứu các triệu chứng chậm tiến, so sánh phản ứng của con, gọi điện nhờ chuyên gia tư vấn, song họ bảo chưa thấy biểu hiện rõ ràng. Từ đó gia đình tập cho con biết đọc, đi trên đường hay bất cứ đâu, thấy dòng chữ trên cổng chào, tấm biển quảng cáo là đọc to để cho con nghe", anh Quyền kể.

Khôi Nguyên bên một cuốn sách lịch sử yêu thích. Ảnh: Đức Hùng
Lúc ở nhà, vợ chồng anh Quyền hoặc ông bà nội đều tranh thủ chia thời gian đọc sách để giúp cho con nhanh nói. Gần 4 tuổi, Nguyên nói thành thạo, biết đọc. Cậu bé thích cùng ông nội ngồi xem các chương trình thời sự, chính trị, lễ duyệt binh của quân đội, phim hoặc nhạc truyền thống về cách mạng.

"Gần 5 tuổi, một hôm tôi thấy con cầm quyển truyện Doremon và xem rất chăm chú. Ban đầu cứ nghĩ con xem tranh, song nhìn kỹ thì phát hiện ra con đang đọc hiểu. Con sau đó đọc cả câu dài trong truyện mà không sai chính tả trước mặt mọi người khiến ai cũng bất ngờ", anh Quyền cho hay.

Nguyên đam mê những cuốn sách xã hội, đặc biệt là lịch sử. Dịp sinh nhật 6 tuổi, cậu bé được đồng nghiệp bố tặng một cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đọc thấy hay nên háo hức xem đi xem lại nhiều lần.

"Bị cuốn hút bởi hơn 300 trang sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, em tìm đọc các sách viết về lịch sử Việt Nam và thế giới. Em có thói quen xem lại sách từ hai đến ba lần, lúc nào cũng háo hức như lần đầu", Nguyên kể.

Vào lớp 1, bố mẹ vừa mua vừa mượn sách lịch sử các cấp cho Nguyên xem. Đọc xong hết bộ sách giáo khoa lịch sử từ lớp 4 đến 12, tiếp theo em tiếp cận là Thế giới 5.000 năm. Ngoài ra, Nguyên thỉnh thoảng cùng bố đi đến các nhà sách, thư viện trong tỉnh để tìm đọc những cuốn sách về sơ lược lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới cổ đại và trung đại, lịch sử Liên Xô...

Lúc không phải đến lớp và đã làm hết bài tập, nam sinh tranh thủ thời gian rảnh rỗi tìm sách đọc. Tủ sách của gia đình có hàng trăm cuốn, ngoài chủ đề lịch sử còn có sách về văn học, khoa học, tiếng Anh... đến nay Nguyên đã xem qua ít nhất một lần. Đa số sách đều từ 100 đến 500 trang, có quyển gần 1.000 trang.

Nguyên cho hay, đọc một sự kiện lịch sử luôn ghi nhớ ý chính xem nó ảnh hưởng đến xã hội giai đoạn đó thế nào. Chẳng hạn, lúc tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 em phải phân tích được vì sao được gọi là sự kiện "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; hay khi xem Cách mạng tháng 10 Nga thì phải hiểu tại sao lại tác động đến toàn thế giới...

Thỉnh thoảng, bạn bè, đồng nghiệp bố mẹ đến nhà chơi, cậu bé ra bắt chuyện, nhờ chỉ dạy các sự kiện lịch sử. Khi được hỏi đáp, Nguyên trả lời súc tích, đầy đủ chi tiết về các giai đoạn phát triển, phong trào, cuộc đấu tranh ở Việt Nam và thế giới từ thời phong kiến cho đến hiện đại.

Cậu bé có biệt tài nhớ tiểu tiết. Cô Bùi Thị Minh, giáo viên dạy lớp 5A, trường Tiểu học Cẩm Bình, kể sáng 23/8, trong tiết kể chuyện, bạn cùng lớp kể về cuộc đời anh hùng Lý Tự Trọng với kết thúc là trước khi mất anh hát vang bài Quốc ca. Nguyên giơ tay bảo bạn kể sai chi tiết cuối, Lý Tự Trọng đã hát bài Quốc tế ca, sau đó cất giai điệu bài hát này cho cả lớp nghe.

Nguyên cho rằng đọc sách về lịch sử cũng giúp ích rất nhiều cho các môn khác. Chẳng hạn, cách tính số thế kỷ La Mã trong sách Sử có thể bổ sung cho việc học Toán; vị trí của nhiều quốc gia trong bản đồ thế giới giúp ích nhiều cho môn Địa lý; những thành tựu, các phát minh khoa học, kỹ thuật, lịch sử kỳ Olympic... sẽ bổ trợ thêm hiểu biết về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, thể thao. "Em đọc sách không biết chán. Chỉ một số lúc chán là không có sách mới", Nguyên cười nói.


Khôi Nguyên (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) nhận bằng khen tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của huyện Cẩm Xuyên năm 2020. Ảnh: NVCC

Từ năm lớp 1 đến nay, mỗi dịp cuối tuần, anh Quyền luôn chở con lên thư viện tỉnh hoặc thư viện của Đại học Hà Tĩnh tìm sách đọc. Hơn một năm qua, do Covid-19, anh mượn sách về theo đề nghị của con. Những lúc đi nhà sách, cuốn nào con thích bố mẹ sẽ xem phù hợp nội dung và giá tiền không mới quyết định mua, quyển đắt nhất mà anh mua cho con đến nay giá hơn 700.000 đồng.

Cậu bé chia sẻ còn quá nhỏ để nói về ước mơ tương lai. Thời điểm này em cố gắng học thật tốt ở trường, bổ sung kiến thức lịch sử. Mục tiêu sắp tới sẽ đọc hết 55 cuốn Lê Nin toàn tập, đến nay em mới đọc quyển thứ hai. Quyển đầu hơn 800 trang, em mất khoảng 5 ngày, mỗi hôm đọc vài tiếng.

Theo em, vì tình yêu nước Nga nên mới chú ý và tìm đọc để hiểu thêm về cuộc đời của Lê Nin. Sách này lý luận sâu nên em chỉ đọc hiểu, đoạn nào khúc mắc thì nhờ bố giải thích.

Nhiều lần trò chuyện và kiểm tra kiến thức lịch sử của Nguyên, thạc sĩ Đường Thế Anh, giảng viên dạy Lịch sử, Đại học Hà Tĩnh, đánh giá Nguyên không chỉ nhớ các sự kiện mà còn biết so sánh, nêu ý nghĩa. Đây là điều hiếm và đặc biệt, vượt xa ngoài kiến thức của một học sinh 10 tuổi.

Đức Hùng 

'ĐỌC HẾT 55 CUỐN LÊ NIN TOÀN TẬP '?!

NGUYỄN THÔNG /TD 25-9-2021

Thời những năm thập niên 60 ở miền Bắc, người ta hay thấy những tấm ảnh Mao Trạch Đông. Lúc thì trên họa báo Trung Quốc bản tiếng Việt, lúc trên báo chí Việt, và có nhiều bức được in riêng cho dân chúng đem về nhà treo.

Có những bức in trên lụa, dệt bằng lụa, kỹ nghệ tinh vi, do bên Tàu làm và chúng cho không thằng em dại Việt, để theo cách nói bây giờ là “xâm lăng văn hóa”, truyền bá tư tưởng Mao Trạch Đông. Còn sách Mao tuyển bìa đỏ in nổi hình Mao thì đủ cỡ, muốn xin bao nhiêu cuốn cũng được. Huy hiệu Mao cũng phát không, đi chăn trâu cũng đeo, có chiếc to bằng trôn bát ô tô.

Tấm ảnh Mao phổ biến nhất là ảnh y ngồi trước tủ sách dễ đến hàng nghìn cuốn, hàng hàng lớp lớp ngay ngắn, đều chằn chặn, cuốn nào cuốn nấy dày cỡ 2-3 đốt ngón tay. Chủ yếu sách kinh điển của Mác, Lênin, nhất là toàn tập Lênin. Tất nhiên trong đó có cả trước tác của Mao.

Phô trương tấm ảnh đó, bọn Tàu cộng muốn chứng minh Mao là nhà lãnh đạo có học vấn, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại. Những đàn em như Việt Nam, Albania cần tuyệt đối trung thành với Mao, người cầm lái vĩ đại, thì cũng như trung thành với Mác, Lênin vậy.

Ông Huy anh họ tôi coi cái ảnh xong cười bảo nó lòe đấy, đọc thế đéo nào được, ai đọc thì còn có thể tin chứ tay Mao mà đọc nỗi gì.

Bắt chước Mao, ở An Nam cũng có nhiều ông cứ lên ảnh là phải ngồi trước sách kinh điển Mác – Lênin, có lúc còn ra vẻ chăm chú đọc toàn tập Lênin, lên báo Nhân Dân tuyên bố “không có lý luận thì không có phong trào cách mạng” đúng như Lênin phán.

Cả xã hội tôn thờ lý luận, lấy lý luận làm cần câu cơm, làm thang leo lên chốn vinh thân phì gia, thành ông nọ bà kia có nhẽ từ độ ấy. Đúng là kiếp nạn cho dân và nước này.

Giờ đọc báo, nghe có nhà kia ở Hà Tĩnh thằng con mới 10 tuổi học lớp 5 nhưng đang lập thành tích đọc xong toàn bộ bộ Lênin toàn tập, nghĩ đau lòng quá. Thời này là thời nào mà vẫn còn mông muội thế. Cũng chả trách thằng bé, chỉ lạ là bố mẹ nó sao lại để cho nó uổng phí thời gian vào thứ độc hại vô bổ. Và buồn cười, cái nhà ấy tới giờ mà vẫn còn Lênin toàn tập thì cũng đủ biết họ là người như thế nào.

Còn những ông bà kễnh cựu và kễnh đương định bắt chước Lênin ra tuyển tập, tổng tập, toàn tập, hãy nghĩ tới lúc nó được nhóm lò chứ không thèm gói xôi.

Hãy cho tôi biết sách trong nhà anh là sách gì, tôi sẽ nói anh là người thế nào.

Nguyễn Thông

TRẺ CON NÊN ĐỌC SÁCH THẾ NÀO ?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 26-9-2021

Chuyện cháu bé 10 tuổi đòi đọc Lenin toàn tập thực ra không có gì ghê gớm khiến mọi người quan tâm, nếu bố mẹ cháu không khoe là cháu “thích” đọc bộ đó.

Là người cũng từng đọc nhiều sách từ bé và bắt đầu già, mình có thể chắc chắn rằng trẻ con đọc nhiều là do tò mò và… rảnh, chứ hiểu không được bao nhiêu đâu. Vì thế cũng chả cần rùm beng chuyện tương tự.

Mình bắt đầu đọc tiểu thuyết cũng từ khoảng lớp 4-5 gì đó, tranh giành sách, truyện với bố mẹ. Hồi đấy thì toàn tiểu thuyết kinh điển kiểu Chiến tranh và Hoà bình, Sông Đông êm đềm, Thép đã tôi thế đấy… Hầu hết tiểu thuyết dạng này mình cày trong giai đoạn từ lớp 5-8.

Sách lịch sử cũng vậy, giai đoạn này mình đọc tạp nhất, tất nhiên nhà mình cũng có 1 đống sách kiểu Lenin toàn tập, nhưng mình không hứng thú lắm. Nói thật là đến tầm cấp 3 mình cũng “húng chó” là đọc được nhiều. Nhưng phải đến khi học Đại học và đi làm mới ngộ ra rằng việc đọc sách vượt tuổi (sách của người lớn) từ bé chủ yếu là để luyện trí nhớ và kỹ năng đọc, để không sợ đọc, chứ thực tế không hiểu gì mấy và cũng không nhớ được lâu.

Kiến thức mà mình nhớ được sâu sắc nhất và nó thực sự là của mình lại chủ yếu là từ sách mình đọc được khoảng sau 20 tuổi. Chính thế nên người ta phân biệt ra sách thiếu nhi là như thế, cho nó phù hợp với nhận thức và nhân sinh quan của những đứa trẻ. Các bố mẹ bây giờ đừng thấy con mình đọc sách vượt tuổi quá nhiều là mừng, khoe con là thần đồng, nhiều khi lại làm hại nó.

Đọc sách kiểu đó là làm hại con vì tất nhiên để đọc được những cuốn sách ngàn trang như vậy thì con mình sẽ còn ít thời gian để chơi, để học nhạc, để tập thể thao, để vẽ tranh… Một đứa trẻ muốn thành người toàn diện thì không phải chỉ cần có kỹ năng đọc sách. Thường đứa nào đọc sách quá nhiều thì lại dễ bị đụt về các hoạt động thân thể hoặc kém về nghệ thuật. Có nghĩa là năng lực của con người là có hạn mà tập trung toàn bộ vào một hướng thì nó sẽ giỏi kiểu gà chọi và thành gà công nghiệp với các hướng khác.

Mình đọc rất nhiều sách lịch sử và chính trị nên đủ tư cách để nhận xét về việc đọc sách dạng này. Lenin toàn tập cũng là một dạng sách lịch sử lồng ghép với chính trị Mác Lê nin. Nó là dạng sách viết một chiều không hề khách quan như hầu hết các bộ sách tương tự do các nhà nước Cộng sản biên soạn.

Trẻ con đang cần tìm hiểu kiến thức đa chiều, càng rộng càng tốt, để chúng nó có sự chuẩn bị cho tương lai, xem có thể đi sâu theo hướng nào. Vì thế dạy trẻ nên theo hướng mở, nên chọn các loại sách khách quan, trung tính, không nên cho đọc nhiều sách tuyên truyền một chiều. Sau này khi có nhận thức đầy đủ thì người ta sẽ tự biết chọn con đường nào để theo, theo đảng CS hay theo TB giãy chết, làm bò đỏ hay đấu tranh dân chủ.

Hãy để bọn trẻ tự chọn dựa trên kiến thức đa chiều được đọc từ nhỏ. Không nên nhồi sọ chúng nó quá sớm, bất kể theo hướng nào. Trẻ bị nhồi sọ sớm nó sẽ bị ám ảnh rất lâu, sau khó tẩy não. Nhà trường đã nhồi sọ rồi lại thêm bố mẹ nhồi tiếp là có tội với con mình. Mình dám chắc là không có đứa trẻ nào tự nhiên thích đọc Lenin toàn tập đâu, mà là do do bố mẹ nó định hướng, rồi đem khoe. Không hay ho gì chuyện đó cả.

Nhìn các cuốn sách mà cháu bé được đọc mình có thể đoán là nó có từ thời ông bà cháu! Giống hệt nhà mình. Nhưng thấy bố mẹ cháu cho cháu đọc sách dạng đó, có thể là tái bản, thì có thể suy ra là gia đình có nòi đỏ rực. Từ nhà mình mà suy ra thôi. Nhưng mình khác bố mẹ cháu kia là không để con đọc sách dạng đó nữa, vì không còn hợp thời và không còn khách quan, trừ 1 số thiểu thuyết ít bị chính trị hoá.

Mình cho con đọc mấy cuốn về lịch sử thế giới, soạn cho thiếu nhi, hay cuốn Sapiens phiên bản tranh… tức là người ta đã biên soạn cho trẻ em rồi. Tuy nhiên, song song với việc cho con đọc sách thì mình vẫn phải giải thích cho nó hàng ngày về những gì nó đọc được, thì nó mới hiểu được sách chứ không phải học vẹt.

Xem clip trên VNExpress có ông thày hỏi cháu bé về lịch sử, mình thấy cháu trả lời y chang như sách dạy! Nhất là đoạn về Điện Biên Phủ. Những lý giải kiểu đó là lý giải kiểu tuyên truyền một chiều mà sách dạy, là kiểu của Học sinh, sinh viên học vẹt, chứ không phải của người đọc sách có tư duy độc lập. Tất nhiên học kiểu đó thì sau này đi thi môn sử sẽ được điểm cao! Vì dạy và học sử theo cách chính thống bây giờ chủ yếu chỉ là vẹt già dạy vẹt trẻ thôi.

Đọc sách lịch sử và chính trị cần rất nhiều vốn sống và kiến thức phải rộng mới hiểu được hết, nhất là sử cận hiện đại. Vì thế các bố mẹ hãy thận trọng khi chọn sách cho con. Con Ngô nhà mình cũng bằng tuổi cháu kia và nó cũng thích đọc sách, nên chuyện này mình nhận xét là rất thực tế.

Dương Quốc Chính

VỀ BÉ 10 TUỔI QUYẾT TÂM ĐỌC HẾT LÊ NIN TOÀN TẬP

MẠC VĂN TRANG/ TD 26-9-2021

Có một bạn hỏi tôi, nhà tâm lý học nghĩ gì về chuyện này? Tôi thấy có mấy điều nên chia sẻ.

Xã hội ta thấy có cháu bé ham đọc sách thì vui quá, nhất là sách Lịch sử thì càng quý vô cùng. Trường hợp của cháu bé này là đặc biệt, cứ coi là thần đồng về lĩnh vực lịch sử – xã hội đi. Nhưng cháu bé 10 tuổi chưa có Ý thức đầy đủ về bộ Lênin toàn tập nó đồ sộ như thế nào, nội dung nó chứa đựng những gì và thời gian để đọc nó là bao lâu…?

Thứ hai là, sợ nhất chữ “Quyết tâm”. Chữ này có thể người lớn gán cho cháu, đeo vào cổ cháu rồi làm khổ nó. Cháu 10 tuổi chưa lượng được sức mình đâu. Thấy người lớn bê được hòn đá, hỏi nó có bê được không, nó sẵn sàng bảo được. Nhưng Cho nhấc thử thì không nhấc nổi; Thấy đám mây trên đỉnh núi cao hiểm trở, rủ nó trèo lên trên đó chui vào đám mây đi, nó cũng sẵn sàng háo hức đi ngay…! Nên người đời hay nói, đừng xui trẻ con ăn cứt gà!

Chỉ vì chữ “quyết tâm” lập thành tích phi thường rồi ép cháu đọc cho hết 54 cuốn sách, mỗi cuốn chừng 500 trang, với những nội dung rối bời thì liệu có đầy đọa đứa bé không?

Hãy chọn cho cháu những cuốn sách bổ ích và lý thú hợp với xu hướng của cháu để phát triển lành mạnh, hữu ích.

Hơn nữa cháu mà đọc hết Lênin toàn tập là phạm thượng, dám khinh thường các bác ở bộ chính trị và trung ương đảng Ta, vì chắc rằng chưa bác nào đọc hết được từng ấy sách của Lênin đâu.

Mạc Văn Trang

LENIN VÀ GIẤC MƠ THẦN ĐỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 27-9-2021

Lâu lắm rồi, có thể hơn 25 năm trước, tôi có đọc một bài trên báo An ninh Thế giới của nhà nước Cộng sản Việt Nam, nói về ông tổ cộng sản Nga là Lenin. Bài này nói về việc ướp xác ông ta, cũng như mổ sọ để tách bộ não ra mà nghiên cứu. Có một câu trong bài báo mà tôi nhớ như in “Về nguyên tắc thì bộ não của Lenin là bộ não thông minh nhất” (sic).

Giữa đại dịch Covid ở thế kỷ 21, báo chí nhà nước Việt N,am đưa tin một em bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh “quyết tâm” đọc trọn bộ “Lenin toàn tập” gồm 55 quyển.

Lần đầu tiên đọc được điều này trên mạng xã hội, tôi cứ ngỡ ai đó có ác ý với nhà nước Việt Nam của đảng Cộng sản Việt Nam, nên đặt điều để bôi bác. Nhưng báo chí Việt Nam quả là có đưa tin đó thật, bắt đầu bằng báo mạng VnExpress, rồi sau đó chủ đề này tiếp tục được “nâng cao quan điểm”, khen ngợi em bé và gia đình em trên các tờ báo khác, trong đó có báo Tuổi Trẻ của thành Hồ.

Một phần tư thế kỷ trôi qua, những niềm tin huyễn hoặc vô căn cứ tưởng đâu đã kết thúc với cuộc sống sôi động của kinh tế thị trường, của đầu óc thực dụng,… nhưng tôi đã nghĩ sai. Nếu những gì cha mẹ em bé, cũng như những người có liên quan đến câu chuyện, được báo chí đưa ra, cũng như những lời bình luận “vỡ òa” dưới các trang báo ấy, là thật, thì thật là đáng ngại cho dân tộc Việt Nam.

Lenin là người đặt nền móng cho mô hình “chuyên chính vô sản”, dựa trên lý thuyết ý thức hệ về đấu tranh giai cấp của Karl Marx. Chuyên chính là một cách nói trại đi của những người cộng sản của cụm từ “chuyên chế”, hay nói trắng ra là độc tài. Nếu không kể đến những lạm dụng về nhân quyền của mô hình này, thì cho tới nay nó cũng đã thất bại, và thật sự không còn tồn tại nữa.

Mô hình của Lenin được xem như là một phản ứng bạo lực, rất phản động, chống lại sự phát triển tiệm tiến của xã hội. Đã có những phân tích khái quát cho rằng, các tư tưởng cộng sản phản động ấy, thường xuất phát, hoặc được thực hiện từ những kẻ bị mất gốc về văn hóa, như Karl Marx, Lenin, Hồ Chí Minh, Fidel Castro,… và họ thường có những hoang tưởng, những ảo vọng hoang đường.

Nhưng hãy trở lại các bài báo về “em bé Lenin toàn tập”. Đã khá lâu, báo chí nhà nước cộng sản mới có kiểu bài về thần đồng cách mạng như thế này. Phải chăng đây là nỗ lực khôi phục hình ảnh ý thức hệ bằng con đường kích thích ước mơ thầm kín của hàng triệu người Việt bằng biểu tượng thần đồng?

Lenin toàn tập, cũng như các loại tương tự như Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh,… toàn tập khác, là một đống chữ nghĩa trừu tượng ghép nối với nhau, đưa ra những điều “siêu thực”, mà lại mong muốn thực hiện cho được trên cuộc đời thực này.

Tại Việt Nam (mà tôi nghĩ là tại bất cứ quốc gia cộng sản nào khác), các pho sách dày cộp này được lưu giữ ở ba hình thức. Thứ nhất là bám đầy bụi ở các thư viện nhà nước, vì không ai đọc cả. Thứ hai là trên kệ sách quan chức cộng sản, các “trí thức” cộng sản (như trường hợp bố mẹ em bé trong câu chuyện) để trang trí, ra oai.

Cả hai trường hợp trên đều là những biểu tượng kính nhi viễn chi của chế độ, gây ra một sự kính cẩn kinh viện, một sự sợ hãi của tầng lớp bình dân, bị tầng lớp kinh viện trí thức cộng sản ấy cai trị.

Cách lưu giữ thứ ba các toàn tập này là ở các bà ve chai đồng nát, dính chặt vào cuộc sống thường nhật, không màng tới những điều khó hiểu của đám lãnh đạo (của đáng tội là các lãnh đạo ấy chưa chắc đã hiểu). Bộ Lenin toàn tập đầu tiên tôi thấy, chính là trong đống giấy vụn của bà dì tôi sau năm 1975, ở miền Nam Việt Nam.

Nhưng dù là tầng lớp kinh viện lãnh đạo, hay bình dân, thì không ít người Việt, xuyên suốt lịch sử Khổng Nho khổ ải của họ, đều mơ mộng đến những hình ảnh “bán thần”, như Khổng tử chẳng hạn, hay những “chân mạng đế vương”, là “thiên tử”. Một lối thoát tinh thần, thụ động, ít rủi ro. Đó chính là ước mơ thần đồng của nhiều người Việt Nam, đã bắt đầu từ hàng ngàn năm trước với thần đồng Thánh Gióng, và mới nhất là thần đồng Lenin toàn tập 10 tuổi.

Cả hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay được xây dựng trên ý thức hệ thần đồng ấy, từ chuyện trường chuyên lớp chọn, “chương trình quá tải” của nhà nước, cho đến việc chạy vạy học ngoài giờ của phụ huynh học sinh. Ai cũng nghĩ rằng con em mình là thần đồng cả. Mà của đáng tội, cái ý thức hệ thần đồng này được người Việt mang sang cả hải ngoại. Hãy đến các khu người Việt ở Mỹ mà đếm bao nhiêu em bé bị cha mẹ bắt học trước hàng chục môn, học ngoại khóa piano, học các môn AP (Advanced Placement) nặng chình chịch,… cứ như là hễ con em họ mà sinh ra ở Mỹ thì em nào cũng có thể thành tổng thống Mỹ được.

Thần đồng là những hiện tượng có thật nhưng hiếm hoi của xã hội loài người từ xưa đến nay, nhưng thường nó xuất hiện và lớn lên ở những môi trường xã hội thuận tiện, tạo nên những đột phá về âm nhạc, phát minh khoa học lớn.

Phải nói rằng, có thể là ước mơ thần đồng của người Việt rất lớn, nhưng cho đến giờ phút này dân tộc Việt chưa đóng góp gì đáng kể cho sáng tạo của loài người cả.

Còn Lenin toàn tập ư? Đó có phải là thiên tài đâu, mà chỉ là một mô hình phản động đã thất bại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét