Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

20210924. THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 ĐIỂM BÁO MẠNG

'BUNG NỞ' CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHỆ

CAO HỒNG-XUÂN MAI /CAND 22-9-2021

Cuộc cách mạng 4.0 với các thành tựu công nghệ mang tính đột phá đã và đang đem lại nhiều tiện ích cho loài người. Bên cạnh những tiện ích to lớn, những thành tựu ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ, ứng dụng thông minh trên không gian mạng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa an ninh quốc gia (ANQG) đối với các quốc gia, dân tộc.

Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ sử dụng Internet chiếm khoảng 70% dân số nên các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các đối tượng bất đồng chính kiến đã tận dụng triệt để không gian mạng vào mục đích chống phá.

Cơ quan Công an đấu tranh với Châu Văn Khảm, thành viên tổ chức “Việt Tân” tại Australia.

Triệt để sử dụng không gian mạng

Internet xuất hiện ở nước ta từ năm 1997 và phát triển nhanh chóng, thâm nhập vào mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng…

Thống kê cho thấy, Việt Nam có gần 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 70% dân số; trên 65 triệu người sử dụng mạng xã hội. 100% các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế xây dựng trang thông tin điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, kinh doanh, thông tin liên lạc. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang phải đối phó với các nguy cơ đe dọa ANQG từ Internet.

Chính sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của Internet với hàng loạt dịch vụ phong phú như: Chat, email, blog, mạng xã hội… đã trở thành công cụ đắc lực để các thế lực thù địch tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, tác động chuyển hóa chính trị, thành lập tổ chức chính trị đối lập, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thể chế chính trị tại Việt Nam.

Với mưu đồ chuyển hoá chế độ chính trị tại Việt Nam, các thế lực thù địch và bọn phản động nội địa đã xây dựng kịch bản “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”. Chúng tập hợp lực lượng theo lộ trình “3 giai đoạn”, mục tiêu sẽ công khai hóa tổ chức chính trị, lực lượng đối lập trong nước vào thời gian thích hợp. Để thực hiện mục tiêu này, chúng triệt để sử dụng không gian mạng như một kênh chính thức và quan trọng nhất để phá hoại tư tưởng, tuyên truyền về tổ chức và khuếch trương thanh thế để tập hợp lực lượng chống phá đất nước.

Thậm chí, một số tổ chức được thành lập, hoạt động hoàn toàn trên mạng và sử dụng Internet tuyên truyền chống Việt Nam là mặt hoạt động chính. Điển hình trong số này là tổ chức “Người Việt vì dân tộc Việt” do Nguyễn Xuân Châu ở Australia cầm đầu.

“Việt Tân” là một trong những tổ chức phản động lưu vong đã đề ra chủ trương, xây dựng các kế hoạch, chiến dịch, đầu tư tài chính lớn cho hoạt động sử dụng Internet tuyên truyền chống Việt Nam. “Việt Tân” đánh giá, Internet là “phương tiện chiến lược để phá vỡ bưng bít thông tin và huy động quần chúng”, thực hiện phương thức “đấu tranh bất bạo động”.

Tổ chức này còn đề ra kế hoạch “Nong xích trên mạng”, thành lập “Mũi 3” (“Mặt trận công luận”) nhằm huy động tất cả các thành viên, thân hữu và các đối tượng chống đối khác sử dụng Internet hoạt động chống Việt Nam, coi đây là kế hoạch có tầm quan trọng tương đương các chiến dịch “Nong xích”, “Xây dựng”, “Tấn công trụ cột truyền thông”, “Sang sông – dựng cờ” đã triển khai trong thời gian qua.

Là một ứng dụng của Internet, mạng xã hội ngày càng được đông đảo người dùng sử dụng. Với đặc tính dễ dàng kết nối, tương tác thông qua hàng loạt ứng dụng, tiện ích được tích hợp như: Tìm kiếm, chat, email, phim ảnh, voichat, chia sẻ file, blog…, đây cũng là phương tiện để các đối tượng chống đối, thù địch tận dụng khi tung ra những thông tin xấu độc để phục vụ cho mưu đồ chống phá. Trên thế giới hiện có hàng trăm mạng xã hội, nổi tiếng nhất là: Facebook, Twitter, Youtube, Myspace, GooglePlus…, Việt Nam cũng phát triển các mạng xã hội như: Zing Me, YoMe, Tamtay…


Tài khoản Facebook “Việt Tân” đăng tin, hình ảnh bịa đặt khi lực lượng Quân đội được tăng cường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 vào tháng 8/2021.

Theo thống kê, cứ 3 giây có 1 người Việt Nam đăng ký tham gia mạng xã hội Facebook; 10 người truy cập Internet có 1 người xem video trên Youtube. Con số trên cho thấy, khả năng phổ biến và sức lan truyền trực tiếp của mạng xã hội có thể tác động trực tiếp đến thế giới thực. Vì vậy, bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội cũng đang trở thành công cụ đắc lực để các tổ chức, đối tượng chống đối, phản động trong và ngoài nước sử dụng chống phá Việt Nam.

Đó là việc thực hiện, âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại nền tảng tư tưởng của chế độ XHCN, tác động chuyển hóa, hình thành tư tưởng đối lập, liên kết các phần tử chống đối trong – ngoài tiến hành các hoạt động chống phá nhằm từng bước xóa bỏ chế độ hiện nay, thiết lập chế độ đa nguyên đa đảng.

Phát hành thông tin xuyên tạc, thành lập nhiều hội nhóm

Tận dụng mọi tiện ích có trên không gian mạng, các đối tượng chống phá đã tổ chức nhiều hoạt động truyên truyền phá hoại tư tưởng, nội bộ ta; thiết lập hệ thống hàng nghìn trang web, blog, tài khoản mạng xã hội để tuyên truyền nhằm xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, bôi đen các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc bản chất chế độ XHCN và kích động chống đối. Nhiều trang được đầu tư về tài chính, có hệ thông máy chủ, đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia bảo mật riêng.

Ngoài thông tin, nhiều trang mạng, nhiều tài khoản mạng xã hội tận dụng triệt để tính năng comment (bình luận) để tạo dư luận trái chiều, qua đó thu thập thông tin, tiếp tục tuyên truyền, kích động chống phá… Điển hình là blog “Anh Ba Sàm” của Nguyễn Hữu Vinh, “Châu Xuân Nguyên” của Nguyễn Xuân Châu, nhóm Facebook “Xuống đường trên mạng” với trên 5.000 thành viên…

Các thế lực chống phá tổ chức lấy ý kiến qua mạng hòng tạo dư luận, gây áp lực với chính quyền thông qua vỏ bọc “kiến nghị” mang tính xây dựng, ôn hòa, “tác động cùng chiều” có các trí thức trong và ngoài nước khởi xướng, tham gia.

Các đối tượng còn sử dụng tính năng khảo sát xã hội của dịch vụ web, blog, tổ chức lấy ý kiến cư dân mạng với nội dung xuyên tạc bản chất chế độ XHCN. Tổ chức các cuộc thi có thưởng trên mạng với nội dung phá hoại tư tưởng là thủ đoạn tuyên truyền mới. Nội dung tuyên truyền phá hoại tư tưởng được lồng ghép tinh vi, lôi kéo nhiều học sinh, sinh viên, người mất cảnh giác tham gia.

Đáng chú ý là “cuộc thi” “2X” do cổng thông tin “Đàn Chim Việt” phát động; “cuộc thi” viết bài thời sự, chính trị, xã hội trong nước do nhóm “Tuổi trẻ Việt Nam phát động”… Gần đây, các đối tượng chống phá còn sử dụng “tuyệt chiêu” pha trộn thông tin thật, giả. Nhiều thông tin được thu thập từ các trang mạng chính thống trong nước đăng tải, thông tin thu thập từ nguồn nội bộ có liên quan. Thủ đoạn tinh vi này nhằm tác động mạnh đến tư tưởng, nhận thức, tình cảm của một bộ phận quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên, từ đó làm giảm lòng tin đối với Đảng và chế độ.

Thông qua Internet, các đối tượng chống phá kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố. Chúng lợi dụng các sự kiện, vụ việc như: Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981; Formosa xả thải ra môi trường biển; phản đối Luật An ninh mạng; cưỡng chế thu hồi đất đai phức tạp; vụ việc phức tạp về ANTT… để kích động biểu tình.

Chỉ riêng sự cố môi trường biển của Tập đoàn Formosa, tại thời điểm xảy ra trên mạng xã hội Facebook đã có 7.000 bài viết, bình luận về “biểu tình” và “xuống đường”, 1.750 bài viết, bình luận “đàn áp”, 1.300 bài viết về “bạo loạn”. Không chỉ vậy, chúng còn tổ chức truyền trực tiếp các cuộc biểu tình trên Internet để khuếch trương thanh thế, lôi kéo, kích động đông người tham gia và xuyên tạc, vu cáo lực lượng chức năng trấn áp.

Cũng trên môi trường mạng, chúng còn tổ chức biểu tình ảo (biểu tình trên mạng). “Biểu tình ảo” có thể nhận diện dưới các hình thức như: Đồng loạt treo các biểu tượng (Avatar) như HS-TS-VN, hoa lài, No-U, “Like”, “Kiến nghị 72”…; đồng loạt “like” trên Facebook cho 1 thông điệp, nội dung phản đối chính quyền…

Gần đây, các tổ chức khủng bố “Triều Đại Việt”, “Chính phủ quốc gia lâm thời”, “Việt Tân”… đã sử dụng không gian mạng phát triển lực lượng, chỉ đạo tấn công khủng bố nhằm vào trụ sở cơ quan Nhà nước. Thời gian qua, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục ANM & PCTP SDCNC) đã phát hiện, đấu tranh trực tiếp với nhiều đối tượng, từ đó ngăn chặn hành vi xâm hại ANQG của chúng.

Cũng theo thông tin từ đơn vị này, trước tình trạng các đối tượng sử dụng không gian mạng để liên kết, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập với số lượng lớn trên hội, nhóm, lực lượng Công an đã tiến hành đấu tranh, phá hàng chục hội, nhóm; bắt, xử lý đối tượng cầm đầu, cốt cán. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hội nhóm chúng lập ra gần đây và tìm cách phát triển lực lượng, công khai hóa, quốc tế hóa nhưng công tác đấu tranh còn hạn chế, chưa ngăn chặn và vô hiệu hóa được hoạt động của chúng.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hạ tầng viễn thông và ứng dụng tiện ích trên không gian mạng, các đối tượng chống đối đã tận dụng triệt để thực hiện mưu đồ chính trị. Cần nhận diện đúng đối tượng, lật tẩy thủ đoạn để đấu tranh cũng như phổ biến cho người sử dụng dịch vụ trên không gian mạng nhận biết để tránh bị dẫn dụ, lôi kéo.

Cá nhân người sử dụng dịch vụ mạng cũng cần trang bị cho mình nhận thức đúng đắn về tình hình kinh tế - xã hội – chính trị trong nước để không bị lừa bịp. Đó là cách để mỗi cư dân mạng vừa tận dụng được lợi ích khi tham gia không gian mạng, vừa tránh bị sập bẫy đối tượng chống phá Nhà nước để đi vào con đường sai trái.

Cũng trong năm 2021 này, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta đã khiến dịch bệnh bùng phát, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng bất đồng chính kiến trên không gian mạng nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thể chế chính trị tại Việt Nam ngày càng phức tạp, tinh vi.

Đấu tranh với loại tội phạm đặc biệt này là cuộc chiến không khoan nhượng nhằm đẩy lùi âm mưu phá hoạt nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại thành quả cách mạng mà nhiều thế hệ đã nỗ lực xây dựng.

Cao Hồng – Xuân Mai
'THÔNG TẤN XÃ MẠNG' LOẠN BÀN VIỆC CHÍNH SỰ
CAO HỒNG-XUÂN MAI/CAND 23-9-2021

Tổ chức khủng bố “Việt Tân” coi Internet là “phương tiện chiến lược để phá vỡ bưng bít thông tin và huy động quần chúng”, Facebook là “môi trường hoạt động mới” – “Nơi tiến hành công tác phát triển hải ngoại, đấu tranh trên mạng và tiếp cận người trong nước”.

Không chỉ “Việt Tân” mà các thế lực chống phá khác cũng coi không gian mạng là nơi để tuyên truyền, lôi kéo, tổ chức các hoạt động phá hoại. Chính vì thế, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chúng triệt để sử dụng “thông tấn xã mạng” để loạn bàn "công tác nhân sự", giở các chiêu trò dân chủ, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo…

Tài khoản Facebook "Việt Tân" đăng nhiều bài viết kích động, chống phá.

Từ chiêu bài “Kiến nghị”, “Thư ngỏ”…

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các tổ chức, hội nhóm, số chống đối trong và ngoài nước đồng loạt chống phá bằng việc sử dụng các đài phát thanh, trang mạng, blog, mạng xã hội Facebook để tán phát các thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nội bộ, tuyên truyền gốc rễ của mọi sai lầm, đất nước kém phát triển chính là do vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; mục tiêu của chúng là chống phá quá trình xây dựng văn kiện, hoạch định chủ trương của Đại hội; bôi nhọ, hạ uy tín nhân sự Đại hội Đảng, “suy tôn” những thành phần đối lập, có tư tưởng cấp tiến để “cài cắm” vào Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội khóa XV.

Điển hình phải kể đến các tổ chức phản động lưu vong như: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “PBSOS”; hội nhóm trá hình trong nước như: “Lập Quyền Dân”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Tập hợp Quốc dân Việt”…

Các trang mạng như: “BBC”, “RFA”, “VOA”, RFI”, “Nhân sự Đại hội”, “Tin tức hàng ngày”, “Báo tiếng dân”, “Nghiên cứu quốc tế”, “Bauxite Việt Nam”, “Luật khoa tạp chí”, “Thời báo”… và các tài khoản mạng xã hội như: “Thanh Hieu Bui”, “Nguyễn Văn Đài”, “Nguyễn Tấn Thành”…

Soạn thảo, phát tán “Kiến nghị”, “Thư ngỏ” trên không gian mạng là thủ đoạn được các đối tượng triệt để sử dụng. Thủ đoạn này không mới, đã được chúng sử dụng từ năm 2016, khi diễn ra Đại hội XII của Đảng với “phong trào” “Thư ngỏ 61”, “Thư ngỏ 127”, “Kiến nghị 72”. Đến Đại hội XIII của Đảng, ngay từ đầu năm 2019, nhóm “Diễn đàn xã hội dân sự” do Nguyễn Quang A cầm đầu đã phục hồi mạng “Dân quyền” – Cơ quan ngôn luận của “Diễn đàn xã hội dân sự”.

Trong một thời gian ngắn, trang “Dân quyền” đã phát tán hơn 1.000 bài viết, trong đó có nhiều bài chống phá Đại hội XIII của Đảng, kêu gọi “Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ quyền lực” với các “tổ chức xã hội dân sự” để thực thi “dân chủ hóa”, “chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”, công kích, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng.

Nguyễn Quang A chỉ đạo các thành viên trong “Diễn đàn xã hội dân sự” cần phát huy lợi thế về trình độ lý luận, kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ trong nội bộ để viết bài “có chiều sâu, đúng thời điểm”. Một số thành viên trong nhóm đã soạn thảo nhiều “Bản góp ý”, “Thư ngỏ” về Đại hội XIII gửi  lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tán phát trên không gian mạng, trong đó có yêu sách Bộ Chính trị cần sửa đổi “toàn diện” văn kiện, đường lối chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò “độc tôn” của Đảng Cộng sản Việt Nam; thay đổi hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước; xây dựng nền kinh tế đa sở hữu bắt đầu từ năm 2021.

Ví dụ như Nguyễn Đình Cống, một đảng viên bỏ Đảng, hiện trú tại Thanh Xuân, Hà Nội đã sử dụng facebook “Nguyễn Đình Cống” phát tán hơn 20 bài như: “Góp ý chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Trao đổi về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”…

Nội dung yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối thoại với nhóm nhân sỹ, trí trức để hoạch định đường lối theo hướng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thực hiện “trưng cầu dân ý” các nội dung trong văn kiện. Còn Nguyễn Quang A và Vũ Trọng Khái (hiện sống ở Australia) soạn thảo và phát tán bài viết “Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đổi mới toàn diện để Việt Nam có thể trở thành một nước phát triển vào năm 2030” trên trang “Dân quyền”, trong đó yêu sách Đại hội XIII phải: Đổi mới “toàn diện” cấu trúc của Đảng; đổi tên Quốc hội thành Hạ viện…

Bên cạnh đó, các trang phản động, các tài khoản mạng xã hội liên tục tung ra các bài viết xuyên tạc về nhân sự Đại hội XIII, công kích cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: “Những vở kịch tốn kém”, “Tập trung quyền lực lên phương Bắc”, “Ai sẽ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, “Nhân sự Đại hội XIII: Vẫn còn băn khoăn về tính minh bạch”…

Các bài viết chủ yếu có nội dung xuyên tạc cơ cấu nhân sự các vị trí chủ chốt của Đại hội XIII, kích động chia rẽ vùng miền; công kích một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, xuyên tạc thông tin danh sách ứng cử viên bầu cử Đại biểu Quốc hội phải đóng dấu “MẬT” trong quá trình hiệp thương…

… Đến tái khởi động “phong trào” tự ứng cử Đại biểu Quốc hội

Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp năm 2016, một số đối tượng đã khởi xướng “phong trào” tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Thời điểm này, có hơn 10 đối tượng chống đối trong nước tham gia “phong trào” tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Họ phát tán trên không gian mạng “báo cáo thành tích” để vận động cử tri bầu cử; đồng thời phê phán luật bầu cử tại Việt Nam.

Nhằm duy trì “phong trào” tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, từ ngày 2/8/2019, Lê Trọng Hùng – thành viên “Phong trào Chấn hưng nước Việt” sử dụng Facebook “Lê Trọng Hùng” phát động “Phong trào một triệu công dân tự ứng cử để thay thế Quốc hội bù nhìn”, kêu gọi người dân cả nước tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hùng còn sản xuất 2 video clip và 4 bài viết hướng dẫn người dân các thủ tục tự ứng cử. Bản thân đối tượng này còn hoàn thành hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội.

Trên trang mạng “luatkhoa.org” của nhóm “Luật khoa báo chí” mở thêm chuyên mục riêng về “Bầu cử” nhằm cung cấp những thông tin về bầu cử Quốc hội khóa XV, hướng dẫn người ứng cử đại biểu Quốc hội "chuẩn bị tinh thần vững vàng", tìm đọc “cẩm nang ABC bầu cử” của Lã Khánh Tùng, Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; gặp gỡ những người đã ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV năm 2016 như: Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng, Đỗ Nguyễn Mai Khôi, Nguyễn Quang A, Nguyễn Trường Thụy… để "học hỏi kinh nghiệm"; tăng cường giao tiếp với công chúng bằng việc sử dụng các tiện ích trên Internet, sử dụng tờ rơi, quà tặng có gắn thông điệp, viết sách, báo… Chuyên mục “Bầu cử” trên mạng “luatkhoa.org” đã đăng tải các bài viết như: “Quốc hội Đảng cử và tính chính danh của một sách thuế”; “Hướng tới bầu cử 2021: Phải tự do và công bằng”; “Nếu bạn muốn ứng cử năm 2021, hãy chuẩn bị hôm nay”…

Chiêu “tự ứng cử” là thủ đoạn nhằm phá hoại, tẩy chay bầu cử. Mặc dù biết chắc việc ứng cử sẽ thất bại nhưng các đối tượng vẫn cứ tiến hành. Các đối tượng tích cực lên mạng xã hội rêu rao về bản thân, làm hồ sơ để tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Dù biết thừa bản thân không đủ tư cách, điều kiện tham gia ứng cử, bị loại từ các vòng hiệp thương nhưng vẫn tích cực tuyên truyền, khuếch trương về hoạt động tự ứng cử của mình. Hành vi này rất nguy hiểm.

Bởi qua chiêu trò “tự ứng cử”, các đối tượng cố biến tướng, cho rằng mình là nạn nhân, đánh lạc hướng dư luận, gây lầm tưởng rằng Đảng, Nhà nước “gây khó dễ” cho những người hoạt động “dân chủ” tham gia ứng cử; tạo cớ cho các đài có xu hướng chống Việt Nam, các trang mạng phản động đăng bài vu khống bầu cử tại nước ta “thiếu tự do dân chủ”, “bầu cử không có ý nghĩa, gây lãng phí”, “đảng cử dân bầu”, kích động người dân “tẩy chay bầu cử”. Từ đây, các thế lực thù địch bắt đầu tung ra những luận điệu đòi phải thay đổi quy định về đề cử, ứng cử, bãi bỏ việc hiệp thương…

Trong số các chiêu trò xuyên tạc, phá hoại bầu cử còn phải kể đến thủ đoạn khác như: Kêu gọi “tẩy chay bầu cử"; “Không biết, không bầu”; tán phát thông tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Đại biểu Quốc hội…

Các đối tượng này không từ bất kỳ thủ đoạn bẩn thỉu nào để phục vụ ý đồ của mình. Điển hình là ngay sau khi đồng chí Vương Đình Huệ trúng cử Chủ tịch Quốc hội khóa XV, các đối tượng đồng loạt tung tin bịa đặt bôi nhọ, hạ uy tín, phá hoại bầu cử. Điển hình là các tài khoản như: “Hoàng Kỳ”, “Thanh Tâm”, “Tấn Trần”…

Để đấu tranh với hoạt động chống phá Đại hội Đảng khóa XIII; bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cơ quan Công an đã chủ động nắm, phân tích, xử lý hàng trăm tin/bài liên quan, đấu tranh trực tiếp với một số đối tượng chống phá trên không gian mạng; phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ, viễn thông, Internet ngăn chặn truy cập trong nước hơn 3.000 trang mạng có nội dung xấu độc, máy chủ đặt tại nước ngoài; gặp gỡ, tác động nhiều đối tượng là quản trị, điều hành hệ thống; hội nhóm đông thành viên trên Facebook;… yêu cầu cam kết việc rà soát, kiểm duyệt kỹ các bài viết, bình luận đăng tải trên hội nhóm, không để phát tán những tin/bài xấu. Kết quả, đã có hàng nghìn tin liên kết, tin/bài tuyên truyền xấu, độc được gỡ bỏ…

Không chỉ nhằm vào các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước để tổ chức các hoạt động phá hoại, các đối tượng phản động, thế lực thù địch còn lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để chống phá. Chúng trà đạp lên nỗ lực của người dân đang gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hiểm họa để thực hiện cho được mưu đồ chính trị, trong đó có việc chúng đã và đang lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để xuyên tạc tình hình, kích động người dân...

Cao Hồng-Xuân Mai

KHÁM NHÀ ĐẠI TÁ PHÙNG ANH LÊ, NGUYÊN TRƯỞNG PHÒNG CẢNH SÁT KINH TẾ CÔNG AN HÀ NỘI

DÂN TRÍ /VNN 21-9-2021

Tối 21/9, cơ quan tố tụng đã khám xét nơi ở của Đại tá Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ.

Nguồn tin của PV Dân trí xác nhận thông tin trên.

Theo ghi nhận, khoảng 20h30 tối nay (21/9), nhiều xe biển xanh xuất hiện tại đầu ngõ nhà ông Anh Lê ở phố Nhân Hòa (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội).

Một số người mặc sắc phục ngành kiểm sát ngồi làm việc trong nhà nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế.

Khám nhà Đại tá Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội
Lực lượng chức năng có mặt tại đầu ngõ nhà ông Lê (Ảnh: Nguyễn Trường).

Khoảng 21h, lực lượng chức năng rời đi. Lúc này, nhiều người mặc quần áo dân sự xuất hiện.

Một người đàn ông được che ô, đưa lên xe ô tô. Cùng với đó, một túi nilon lớn màu đen cũng được đưa lên chiếc xe trên.

Trước đó, chiều 21/6, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết, những hành vi vi phạm của Đại tá Phùng Anh Lê xảy ra vào năm 2016. Thời điểm đó, ông Lê là Trưởng Công an quận Tây Hồ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Tây Hồ.

"Ông Lê có dấu hiệu ban đầu phạm tội không khởi tố người có tội. Tuy nhiên, tội danh điều tra với ông Lê thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Động cơ, mục đích thế nào, có phải "chạy án" hay không thì phụ thuộc vào kết luận điều tra của Viện KSND Tối cao" - Tướng Trung cho hay.

Khám nhà Đại tá Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội
Xe ô tô của lực lượng chức năng đỗ trong ngõ nhà ông Phùng Anh Lê (Ảnh: Nguyễn Trường).
Khám nhà Đại tá Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội
Cơ quan tố tụng hoàn tất việc khám xét (Ảnh: Nguyễn Trường)

Liên quan đến vụ việc này, Công an TP Hà Nội đã đình chỉ công tác Đại tá Phùng Anh Lê, Thượng tá Phạm Quý Hải - Phó trưởng Công an quận và Trung tá Nguyễn Đức Châu - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Tây Hồ để làm rõ trách nhiệm liên quan quá trình tiến hành các biện pháp tố tụng đối với vụ án "Cướp tài sản" xảy ra từ năm 2016 và một vụ án khác.

Theo Dân Trí 

CÔNG AN KIẾM MẤY TỈ ĐỒNG MỘT THÁNG ?

HOÀNG DŨNG/ TD 22-9-2021


Đại tá Phùng Anh Lê (bên trái). Ảnh trên mạng

Tối 21/9/2021, Cơ quan Điều tra Viện KSNDTC đã khám nhà và bắt Đại tá Công an Phùng Anh Lê với cáo buộc xâm phạm hoạt động tư pháp.

Ông Phùng Anh Lê vốn (nguyên) là Trưởng Công an Quận Tây Hồ đến tháng 1/2019, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội đến tháng 2/2021. Ông Lê bị đình chỉ công tác kể từ tháng 2/2021 để đồng chí – đồng bọn của ông Lê vặt sạch tiền trong 37 năm hành nghề công an.

Vậy túm lại Phùng Anh Lê phạm tội gì để bị bắt?

Phùng Anh Lê và đồng chí – đồng bọn bao gồm trung tá Nguyễn Đức Châu, đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ; thượng tá Phạm Quý Hải – phó trưởng Công an quận Tây Hồ (cả hai cũng đều đã bị đình chỉ công tác và đang bị áp quy trình chó ăn thịt chó) là ổ nhóm chuyên ăn chặn tiền của tội phạm hình sự quận Tây Hồ. Cụ thể, với những vụ án hình sự như cướp giật, trộm cắp, ma túy, bảo kê cờ bạc, để có được mức án nhẹ hoặc tha bổng, nhóm Lê – Châu – Hải sẽ ra giá cho đối tượng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng cho một vụ. Nhóm của Nguyễn Hữu Tài và vụ án kiến trúc sư Lê Thanh Hưng (Thuận Thành, Bắc Ninh) giết bác ruột là hai ví dụ điển hình.

Vụ của nhóm Nguyễn Hữu Tài là vụ án xảy ra trước vụ án Lê Thanh Hưng nhưng lại được công an vận động Tài ra đầu thú vào đầu năm 2021 để có cơ sở làm thịt Phùng Anh Lê. Vụ của Nguyễn Hữu Tài chỉ là ba vụ cho vay nặng lãi thông thường. Vụ của Lê Thanh Hưng mới là khủng khiếp.

Năm 2019, Lê Thanh Hưng bị bắt và xử tù 30 tháng vì tội trộm cắp tại quận Tây Hồ. Để được mức án này, Hưng đã phải chạy nhóm Lê – Châu – Hải với giá 600 triệu đồng. Để có được 600 triệu, Hưng đã ra tay giết bác ruột của mình. Vụ án vỡ lở khi Hưng đã khai điều này ra với luật sư trong quá trình tạm giam chờ xét xử. Chi tiết vụ giết người này, bạn đọc nào thích máu me thì google từ khóa: “kiến trúc sư giết bác ruột“.

Từ vụ việc Lê Thanh Hưng này, lằng nhằng mãi mới điều tra được Phùng Anh Lê và rồi mãi đến hôm nay Lê mới bị bắt. Bởi vì mỗi một bộ phận, mỗi một cơ quan lại cần vài tháng để vặt tiền của Lê. Mỗi bộ phận kiếm vài tỷ đồng. Chó ăn thịt chó là vậy.

Phùng Anh Lê là đen thôi. Nếu không lộ vụ án đó ra, thì ở vị trí Trưởng phòng CS Kinh tế CATP Hà Nội, mỗi tháng Lê sẽ vặt của các đối tượng trong các vụ án kinh tế bao nhiêu tỷ đồng? Và những ông Lê khác chưa bị lộ, chúng kiếm bao nhiêu tỷ đồng một tháng?

Đấy là lý do để những công an Lê này không bao giờ muốn chế độ cộng sản sụp đổ.

Hoàng Dũng

CÔNG AN NHÂN DÂN-DÂN NUÔI CHO TỘI PHẠM DÙNG

TRÂN VĂN /TD 22-9-2021

Đại tá Phùng Anh Lê vừa mất ghế trưởng Phòng Cảnh Sát Kinh Tế, Công An thành phố Hà Nội. Nguồn: Dân Việt

Hệ thống truyền thông chính thức vừa đồng loạt loan báo, Cơ quan Điều tra (CQĐT) của Viện Kiểm sát Tối cao (Viện KSTC) vừa tiến hành khám xét tư gia của ông Phùng Anh Lê, tọa lạc tại phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Sở dĩ vụ khám xét này được báo giới quan tâm vì ông Lê là Đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội. Cách nay bảy tháng (2/2021), Công an Hà Nội đã đình chỉ công tác của ông Lê vì liên quan đến một vụ án do Viện KSTC điều tra (1)…

Đại khái, hồi còn là Trưởng Công an huyện Tây Hồ, ông Lê và một số thuộc cấp nhận hối lộ để… tha bổng tội phạm!.. Năm 2016, Nguyễn Hữu Tài – trùm du đãng chuyên cho vay nặng lãi – vây bắt một công dân vì chậm trả nợ. Trên đường đưa nạn nhân về nơi giam giữ, Tài và đàn em sơ hở nên nạn nhân chạy vào Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cầu cứu… Chưa rõ tại sao Công an quận Tây Hồ nhận thụ lý vụ “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” này?

Lúc đó, tuy Tài và đàn em thừa nhận đã bắt, giữ con nợ nhưng Công an quận Tây Hồ kết luận: Không đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự nên tha đám du đãng này rồi tổ chức cho Tài… hòa giải với nạn nhân! Tài đồng ý bồi thường cho nạn nhân 15 triệu. Vụ vây bắt – khống chế con nợ đem đi giam để khảo của không thành án!..

… Bốn năm sau, khi tiến hành điều tra một vụ án mạng xảy ra ở huyện Thuận Thành (2/2020), Công an tỉnh Bắc Ninh phát giác, sở dĩ hung thủ – Lê Thanh Hưng, Kiến trúc sư, 30 tuổi, sinh quán Bắc Ninh nhưng có trú quán ở quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội – giết bác ruột là để có tiền… “chung” cho… Công an quận Tây Hồ!

Theo Hưng, anh ta từng bị Công an quận Tây Hồ bắt vài lần vì trộm cắp. Năm 2019, Hưng lại bị bắt và lần này bị khởi tố, truy tố rồi bị đưa ra xét xử nhưng vì đã đút cho cả công an lẫn tòa án 600 triệu, Hưng chỉ bị phạt 30 tháng tù. Do muốn được thi hành án tại Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ, Hưng giết bác ruột để có tiền… nuôi công an!

Đầu năm nay, sau hai lần xét xử, cả tòa cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm ở tỉnh Bắc Ninh đều phạt Hưng tử hình, dù Hưng liên tục xin giảm nhẹ hình phạt bởi bị… công an ép chung tiền (2)! Cần lưu ý là sau khi phát giác mục đích giết người của Lê Thanh Hưng, Công an Bắc Ninh đã chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Hà Nội hồi 2020 nhưng Công an thành phố Hà Nội không làm gì cả. Đại tá Lê được điều chuyển từ Công an quận Tây Hồ về làm Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế của Công an thành phố Hà Nội!

Sở dĩ CQĐT của Viện KSTC – nơi có thẩm quyền điều tra các hành vi phạm pháp của những cá nhân trong hệ thống tư pháp (sĩ quan công an, kiểm sát viên, thẩm phán, nhân viên tòa án,…) – điều tra vụ án liên quan đến Đại tá Lê vì Nguyễn Hữu Tài đầu thú, thú nhận, năm 2016, vợ Tài chi tiền cho Công an quận Tây Hồ để Tài và đàn em không bị khởi tố dù chính họ thừa nhận đã “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”. Cuộc điều tra về ông Lê dường như không dễ…

Chưa biết vì sao đầu năm nay Tài và bốn đàn em lần lượt đầu thú về hành vi phạm tội trước đó đã năm năm và đã được miễn trừ trách nhiệm hình sự. Sau khi đầu thú, tháng 4 vừa qua, họ bị truy tố vì “cướp tài sản” và phải hầu tòa. Vợ Tài khai với tòa đã chi cho Công an quận Tây Hồ 100 triệu đồng để Công an quận Tây Hồ tổ chức cho Tài và đàn em… hòa giải với nạn nhân. Tài bị phạt hai năm tù, bốn đàn em bị phạt từ 15 đến 20 tháng tù, trong đó có người được hưởng án treo (3).

Báo chí Việt Nam cho biết, ngoài Đại tá Lê, dính dáng đến việc nhận hối lộ của Tài để tha nhóm du đãng này còn có hai sĩ quan công an nhân dân khác là Phạm Quý Hải và Nguyễn Đức Châu. Ông Hải giờ đã là Thượng tá – Phó Công an quận Tây Hồ. Ông Châu giờ đã là Trung tá – Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự của Công an quận Tây Hồ.

Dường như Đại tá Phùng Anh Lê chỉ mới bị tạm giữ sau khi CQĐT khám xét tư gia của ông ta, chưa biết ông ta sẽ bị khởi tố về tội gì? Khởi tố bao nhiêu tội? Ngoài ông ta và ba thuộc cấp còn bao nhiêu sĩ quan công an, kiểm sát viên, thẩm phán ở quận Tây Hồ hay những cấp cao hơn dính líu trong việc bao che cho tội ác để kiếm tiền và gián tiếp kích thích việc tạo thêm những tội ác mới như trường hợp Lê Thanh Hưng giết bác ruột để có tiền… nộp cho công an?

***

Những sĩ quan công an nhân dân như Phùng Anh Lê, Phạm Quý Hải, Nguyễn Đức Châu,… không phải là cá biệt. Tháng 5 vừa rồi, CQĐT của Viện KSTC đã khởi tố bốn sĩ quan của Công an huyện Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng: Trung tá Đinh Đình Việt, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự kinh tế và ma túy. Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Đội phó Đội điều tra tổng hợp, Thượng úy Đỗ Hữu Dũng – Đội phó và Thượng úy Nguyễn Viết Công – cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội…

Giữa tháng 11 năm ngoái, Đội Điều tra tổng hợp và Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội kiểm tra một quán karaoke tại phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn và phát giác 25 người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên Thiếu tá Cường đột ngột ra lệnh ngưng lấy lời khai để các dương sự gọi điện thoại cho thân nhân và sau đó lần lượt thả hết cả 25 người. Theo tố cáo của một Thiếu tá tên Trịnh Văn Khoa thì các Điều tra viên được lệnh làm lại hồ sơ. Do họ từ chối, vụ này được giao cho các sĩ quan khác thụ lý (4).

Đó là lý do Thiếu tá Khoa tố cáo. Không phải tự nhiên mà Thiếu tá Khoa không gửi Đơn Tố cáo cho lãnh đạo Công an quận Đồ Sơn, lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng mà gửi cho lãnh đạo Bộ Công an và CQĐT của Viện KSTC rồi… nộp đơn xin nghỉ việc (4). Trên thực tế lãnh đạo Bộ Công an không làm gì cả, họ chỉ chuyển cho lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng xem xét. Công an thành phố Hải Phòng đang… xem xét thì CQĐT của Viện KSTC khởi tố vụ án và khởi tố các sĩ quan công an có liên quan.

Lực lượng bảo vệ trật tự, trị an, thực thi luật pháp ở Việt Nam được gọi là… công an nhân dân. Người Việt phải đóng góp nuôi lực lượng này trong 76 năm nhưng nếu tổ chức khảo sát, chắc chắn tỉ lệ người Việt nhìn nhận đó là lực lượng của mình, do mình, vì mình sẽ rất thấp.

Làm sao có thể hài lòng khi lực lượng này nuốt chửng ngân sách gấp vài lần ngân sách dành cho giáo dục, y tế nhưng công an nhân dân càng ngày càng càn rỡ, các loại tội phạm càng ngày càng lộng hành, xã hội càng ngày càng hỗn loạn, bất an trở thành cảm giác thường trực của thường dân?

Do dân nuôi nhưng Điều 4 của Luật Công an nhân dân xác định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động: Công an nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng CSVN, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.

Chú thích

(1) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/kham-xet-noi-o-cua-ong-phung-anh-le-nguyen-truong-cong-an-quan-tay-ho-i628965/

(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/kien-truc-su-giet-bac-ruot-cuop-tien-de-chay-an-lam-don-xin-giam-nhe-hinh-phat-1346169.html

(3) https://tuoitre.vn/kham-xet-nha-ong-phung-anh-le-nguyen-truong-phong-canh-sat-kinh-te-cong-an-ha-noi-20210921123247749.htm

(4) https://nld.com.vn/thoi-su/giam-doc-cong-an-hai-phong-noi-gi-ve-viec-to-cao-cua-nguyen-thieu-ta-trinh-van-khoa-20210520090822457.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét