Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

20210916. ĐẠI TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH TỪ TRẦN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẠI TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH TỪ TRẦN SAU THỜI GIAN LÂM BỆNH

TTXVN/ GDVN 11-9-2021
GDVN- Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh năm 1949, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ trần hồi 3 giờ 45 phút, ngày 11/9/2021 tại nhà riêng.

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh năm 1949, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 3 giờ 45 phút, ngày 11/9/2021 tại nhà riêng số 10, ngõ 9, đường Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: TTXVN

Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ được thông báo sau.

Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh ngày 2/2/1949 tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII. Đồng chí được trao quân hàm Đại tướng tháng 7/2007.

Đại tướng Phùng Quang Thanh là vị tướng trưởng thành qua chiến đấu. Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, Đại tướng Phùng Quang Thanh được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 4/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển, trưởng thành của Quân đội, đồng chí Phùng Quang Thanh được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác…

Theo TTXVN/Vietnam+
ĐẠI TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH VÀ TRẬN CHIẾN ĐEO 17 QUẢ LỰU ĐẠN LAO VÀO ĐỊCH

PHƯƠNG PHƯƠNG/ TTXVN/ DT 11-9-2021
Dân trí

 Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đang bị thương vẫn nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn đeo quanh người, rồi dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn một đại đội địch.

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 3 giờ 45 phút, ngày 11/9/2021, tại nhà riêng.


Đại tướng Phùng Quang Thanh - Vị tướng trưởng thành qua chiến đấu (Ảnh: TTXVN).

Đại tướng Phùng Quang Thanh, sinh ngày 2/2/1949 tại Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc, trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng. Cha ông là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, dù bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng và hy sinh năm 1950.

Kế thừa truyền thống cách mạng của gia đình, ông tham gia cách mạng từ rất sớm, ông nhập ngũ năm 1967 khi mới tròn 18 tuổi và từng bước trưởng thành thành một chiến sĩ cộng sản quyết đoán, bản lĩnh, mưu lược và quả cảm. Một năm sau khi nhập ngũ, ngày 11/6/1968, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được trao quân hàm Đại tướng tháng 7/2007.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trên các chiến trường; trong đó có gần 10 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên.

Trong cuốn sách "Trường Sơn Huyền Thoại" của Thiếu tướng Hoàng Kiền có viết về chiến dịch Đường 9 Nam Lào (địch gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971), mà qua chiến dịch này Đại tướng Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, ngày 30/1/1971, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực Đường 9 bắt đầu. Địch huy động tới hơn 4 vạn quân chủ lực ngụy quyền và 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất với số lượng lớn binh khí kỹ thuật.

Quân ta mở chiến dịch phản công quy mô lớn. Ngày 11/2/1971, ông khi đó là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng một Đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Ông đã chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên địch, đẩy lùi địch ra xa, riêng ông diệt 8 tên.

Hai ngày sau địch lại tiến công lên chốt, ông bị thương và được cho lui về tuyến sau nhưng ông xin ở lại chiến đấu. Ông nhờ đồng đội tháo lắp 17 quả lựu đạn, đeo quanh người, nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng tiểu đội ông chỉ huy diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng…

Nhiều năm đảm nhiệm cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và phân công làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Đại tướng Phùng Quang Thanh được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trên các cương vị, chức trách được giao, đặc biệt là cương vị Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; luôn đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đối với Quân đội và Dân quân tự vệ; tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều quyết sách quan trọng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng…

Hơn 50 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển, trưởng thành của Quân đội. Với những chiến công hiển hách và công lao to lớn đó Đảng, Nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Chiến công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba), Huân chương Kháng chiến hạng Ba…
Tóm tắt tiểu sử

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh là: Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (6/2006-4/2016); Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.

- Tháng 7/1967-7/1970: Đảng viên, chiến sỹ, Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

- Tháng 8/1970-10/1971: Chi ủy viên, Thiếu úy, Trung đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội phó rồi Đại đội trưởng Đại đội 9 thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

- Tháng 10/1971-6/1972: Học viên Trường Sỹ quan lục quân 1.

- Tháng 7/1972-12/1976: Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 B, sau đó là học viên đào tạo tại Học viện Quân sự.

- Tháng 12/1976-4/1979: Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, sau đó là học viên văn hóa tại Trường Văn hóa Quân đoàn 1.

- Tháng 5/1979-12/1982: Phó Trung đoàn trưởng rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B.

- Tháng 1/1983-12/1983: Học viên Học viện thực hành Liên Xô.

- Tháng 12/1983-8/1986: Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Sau đó là học viên học tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ quân sự và Học viện Quân sự cao cấp khóa VIII.

- Tháng 9/1986-7/1988: Đảng ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy rồi phụ trách Sư đoàn 390, sau đó là Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.

- Tháng 8/1988-7/1989: Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, sau đó học tiếng Nga tại Học viện Kỹ thuật quân sự.

- Tháng 8/1989-1/1991: Học viên Học viện Vôrôsilốp, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô, sau đó là học viên tại Học viện Quân sự cao cấp.

- Tháng 2/1991-8/1993: Đại tá, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1, sau là Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.

- Tháng 9/1993-1/1998: Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu, sau đó học chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị-Quân sự.

- Tháng 2/1998-5/2001: Thiếu tướng rồi Trung tướng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 1; Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX (tháng 4/2001).

- Tháng 6/2001-4/2006: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Trung tướng rồi Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Tháng 4/2006-7/2007: Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, được phân công làm Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 6/2006).

- Tháng 7/2007-4/2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, khóa XI, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phương Phương
TTXVN
CHUYỆN VỀ ÔNG PHÙNG QUANG THANH VÀ KỸ NGHỆ BƠM, THỔI Ở VIỆT NAM
TRÂN VĂN/ TD 13-9-2021

Ông Phùng Quang Thanh. (Hình: Việt Dũng / TuoiTre.vn)

Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thường xuyên bị ám ảnh về sự tin yêu của dân chúng dành cho mình nên mới nói đi, nói lại về điều này vô số lần trong bảy thập niên vừa qua…

Dường như nhận thức rất rõ, rằng sự tin yêu mà dân chúng dành cho họ là… quí, hiếm nên tuyên truyền đã, đang và có lẽ sẽ còn là một trong những hoạt động quan trọng nhất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam…

Đáng tiếc là tin yêu không thể hình thành từ… bơm, thổi. Đặc biệt là khi tìm kiếm tri thức, tra cứu, kiểm chứng thông tin càng ngày càng đơn giản, dễ dàng, có nâng bơm, thổi thành… công nghệ trong tuyên truyền thì hiệu quả vẫn càng ngày càng… giảm!

***

Ông Phùng Quang Thanh (cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam) vừa từ trần. Sinh tiền, ông tướng thường được ca ngợi từng “Nam chinh, Bắc chiến” này đã nhiều lần khuấy động dư luận vì những ý kiến kiểu như: Nên phong tướng để anh em khỏi… tâm tư (1)! Chuyện từ trẻ con đến người già ghét Trung Quốc là đáng lo. Nói điều gì tích cực về Trung Quốc cũng ngại. Thực trạng này nguy hiểm cho dân tộc. Phải vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị (2)!

Đó cũng là lý do thiên hạ không quên được ông Thanh dù ông đã về hưu cách nay năm năm. Tuy hệ thống truyền thông chính thức chẳng còn đả động gì tới ông nhưng thỉnh thoảng, thời cuộc buộc người ta phải nhớ, phải bàn luận về những tuyên bố loại như vừa dẫn của ông Thanh… Mới đây, sau khi ông Thanh mệnh một, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam mới nhắc đến ông. Tuy nhiên việc kể lại một số câu chuyện từng được dùng để ca ngợi ông Thanh khi ông còn tại chức dường như là… hại nhiều hơn lợi!

Chẳng hạn tờ Dân Trí trích dẫn sách báo viết về Anh hùng LLVT Phùng Quang Thanh hồi 1971 – lúc xảy ra xung đột giữa quân Giải phóng miền Nam với quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Nam Lào (“ta” gọi là Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, còn “địch” gọi là Hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào). Theo đó, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đang bị thương vẫn nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn đeo quanh người, rồi dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn một đại đội địch (3)…

Thường thì lựu đạn không có… “nắp” nên tình tiết… tháo “nắp” dễ khiến thiên hạ hoài nghi nhưng trong chiến tranh Việt Nam, có một dạo, “ta” dùng lựu đạn chày – loại lựu đạn cán gỗ, cuối cán có nắp chống ẩm. Có thể Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã nhờ đồng đội tháo… “nắp” 17 quả lựu đạn chày (4) do “ta” sản xuất. Song việc Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh bị thương tới mức phải nhờ đồng đội tháo… “nắp” 17 quả lựu đạn chày rồi đeo quanh người vẫn gây hoang mang…

Khi chỉ còn tay phải (tay trái đã quấn băng, phải dùng dây choàng qua cổ để đỡ), liệu Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh có thể vừa dùng tay phải ôm súng, vừa dùng tay phải gỡ lựu đạn ra khỏi người và cũng dùng chính cánh tay đó vừa giữ lựu đạn, vừa giật nụ xòe (kích lửa đốt dây cháy chậm) và liệng trước khi lựu đạn phát nổ (trong vòng bốn đến năm giây) để chỉ huy tiểu đội phối hợp đơn vị bạn diệt địch?

Thiên hạ chỉ biết vào ngày 11/2/1971, lần đầu, trung đội do ông Phùng Quang Thanh chỉ huy diệt 38 tên, riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên, đẩy lùi địch ra xa. Lần hai, tiểu đội do Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh chỉ huy diệt 37 tên, bắt một tên, thu hai súng và không biết lần sau ông Thanh diệt thêm được mấy tên nhưng ông trở thành Anh hùng LLVT nhờ tình tiết… đang bị thương vẫn nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn đeo quanh người, rồi dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, phối hợp với đơn vị bạn

***

Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều “anh hùng” mà những hành động giúp họ trở thành “anh hùng” luôn làm thiên hạ hoang mang vì không thể hiểu nổi tại sao những hành động đó lại lạ thường đến mức không người bình thường nào có thể tin được như trường hợp Anh hùng LLVT Phùng Quang Thanh. Có thể lấy trường hợp Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy – phi công Không quân nhân dân Việt Nam, bắn rơi bảy phi cơ của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam – làm ví dụ minh họa thêm…

Theo “ta”, lúc tập kết ra Bắc, ông Bảy chỉ mới học tới lớp ba nhưng khi được chọn làm phi công, ông chỉ học bảy ngày là xong… bảy lớp của chương trình trung học 10 năm thời ấy! Ông Bảy cũng là người lái Mig-17, tắt máy, “núp” trong mây, chờ chiến đấu cơ của Mỹ bay ngang là… xông ra bắn hạ! Trong một trận không chiến, phi cơ ông lái bị hư, ông vừa dùng tay bịt… lỗ thủng, vừa dùng tay điều khiển phi cơ hạ cánh an toàn… Cho dù thiên hạ không tin, “ta” chẳng bao giờ phủ nhận chính ta. Ông Bảy cũng vậy!

Năm 2019, khi ông Bảy qua đời, một chiến hữu của ông Bảy mới nửa đùa, nửa thật rằng: Ông Bảy hồn nhiên đúng chất Nam bộ và cũng do được đào tạo kiểu đi tắt, đón đầu nên mới sinh ra những giai thoại như lấy tay bịt lỗ thủng máy bay (4).

***

Thời chiến đã thế, thời bình cũng vậy! Người Việt vẫn còn chưa hết hãi hùng về mức độ vô liêm sỉ khi phải nghe kể, thuở còn hàn vi, ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, do nhà nghèo nhưng hiếu học nên bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học thì đã nghẹn lời… bởi sau ông Quang, phải nghe khoe thêm, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cũng… thế. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ, ông Huệ bỏ đom đóm vào… quả cà rỗng để học (5)…

Đã có không ít phân tích cặn kẽ về mặt khoa học để chứng minh không ai có thể đọc gì, làm gì dưới ánh sáng của đom đóm (6) nhưng hệ thống truyền thông chính thức vẫn làm ngơ để tiếp tục bơm, thổi các viên chức lãnh đạo (7).

Bơm, thổi giờ đã mở rộng đến cả sản phẩm, dịch vụ. Tuần rồi, thiên hạ chưng hửng khi báo Công an nhân dân (CAND) – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, viết như thế này về vaccine có tên là Hayat-Vax:

… Có thể nói rằng, Hayat-Vax vaccine của sự sống, đã xuất hiện với vai trò của một sứ mệnh lịch sử, đặt trọng trách gánh vác nhiệm vụ bảo vệ toàn nhân loại, tại UAE nơi mà cuộc sống được thể hiện trọn vẹn ý nghĩa là món quà của tạo hoá.

Sự có mặt của vaccine Hayat-Vax chính là sự phản hồi tiếng gọi từ vũ trụ, trong nỗ lực và khát vọng tìm kiếm tấm khiên chiến binh anh hùng của loài người, trong cuộc chiến với đại dịch. Một sản phẩm nhỏ bé nhưng kết tinh đủ đầy giá trị của trí tuệ và sức mạnh, là dấu ấn trưởng thành của Con Người, ghi khắc đầy tự hào vào bước tiến hoá của lịch sử thời gian.

Báo CAND chỉ giới thiệu Hayat-Vax là vaccine do tập đoàn lớn mạnh nhất của Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) sản xuất và là loại vaccine thứ bảy được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt, cho phép sử dụng trường hợp khẩn cấp.

Sau khi bị công chúng chỉ trích dữ đội vì tâng bốc Hayat-Vax thái quá và vì thiếu trung thực trong thông tin, báo CAND đã đục bỏ tin có nội dung bơm, thổi như vừa trích dẫn (8) và thay bằng một tin khác, đầy đủ hơn: Hayat – Vax là vaccine do Công ty Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất dưới dạng bán thành phẩm ở Trung Quốc, sau đó Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đóng gói và xuất xưởng (9)!

***

Ở Việt Nam, là đồng bào mà không tin yêu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì hoặc là… phản động hay nhẹ dạ bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc, còn nếu là đồng chí thì đã… tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái về tư tưởng chính trị.

Làm người ở Việt Nam rõ ràng khó hơn những nơi khác dưới gầm trời này rất nhiều. Nghe, nhìn bơm, thổi liên tục như thế suốt từ khi ra đời cho tới lúc xuôi tay mà còn tin yêu thì rõ ràng không bình thường. Còn xử sự như bình thường thì không có đất sống!

Chú thích

(1) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-tuong-phung-quang-thanh-khong-phong-tuong-anh-em-tam-tu-post151969.gd

(2) https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/Xu-the-ghet-Trung-Quoc-nguy-hiem-cho-dan-toc-84289.html

(3) https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-tuong-phung-quang-thanh-va-tran-chien-deo-17-qua-luu-dan-lao-vao-dich-20210911091646093.htm

(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Lựu_đạn

(5) https://tuoitre.vn/nhung-huyen-thoai-cua-phi-cong-anh-hung-moi-thoi-dai-nguyen-van-bay-20190924224032857.htm

(6) https://tramsach.com/den-dom-dom-mac-dinh-chi-khi-khoa-hoc-bo-tay-voi-tri-tuong-tuong/

(7) https://www.phunuonline.com.vn/vinh-biet-cau-tro-ngheo-bat-dom-dom-lam-den-hoc-a71784.html

(8) https://cand.com.vn/error?aspxerrorpath=/y-te/tap-doan-lon-manh-nhat-uae-san-xuat-xuat-khau-vaccine-covid-19-mang-ten-hayat-vax-i624743/

(9) https://cand.com.vn/Xa-hoi/bo-y-te-phe-duyet-khan-cap-vaccine-hayat-vax-cua-uae-i627674/

Blog VOA

PHÙNG QUANG THANH, ĐẠI TƯỚNG

TRẦN THANH CẢNH/ TD 12-9-2021

Theo như “huyền thoại” được ghi trong quân sử, sách báo thì Phùng Quang Thanh làm nên tên tuổi mình bắt đầu từ những trận tao ngộ chiến với quân Việt Nam Cộng Hòa ở chiến dịch Lam Sơn 719, hồi năm 1971. Sau chiến dịch này, Phùng Quang Thanh được phong anh hùng lực lượng vũ trang…

Theo tin đồn lan truyền ngoài dân gian thì Phùng Quang Thanh lấy cháu gái (gọi là cậu) một cán bộ chính trị quân đội làm vợ. Sau này ông cậu đã lên đến đỉnh cao chót vót quyền lực, và kéo cậu cháu rể lên cùng. Ông cậu này nổi tiếng thân Tàu. Ngoài chuyện nhường đất, nhường biển như nhìn thấy trong thời kỳ ông cầm quyền, ông còn để đời câu nói: “Cứ học theo các đồng chí Trung Quốc. Họ làm gì, ta làm theo đó…”.

Tuy nhiên tin đồn chỉ là tin đồn, còn cần đợi các nhà viết sử xác nhận lại cho rành rẽ. Nhưng trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực, làm Bộ trưởng quốc phòng, Phùng Quang Thanh đại tướng ghi dấu ấn vĩnh viễn không phai mờ với hai phát ngôn.

Phát ngôn thứ nhất:

“TÔI THẤY LO LẮNG LẮM, KHÔNG BIẾT TUYÊN TRUYỀN THẾ NÀO, CHỨ TỪ TRẺ CON ĐẾN NGƯỜI GIÀ CÓ XU THẾ GHÉT TRUNG QUỐC. AI NÓI TÍCH CỰC CHO TRUNG QUỐC LÀ NGẠI. TÔI CHO RẰNG, CÁI ĐÓ NGUY HIỂM CHO DÂN TỘC.”

Với phát ngôn này, Phùng Quang Thanh đã bộc lộ hoàn toàn thái độ chính trị thân Tàu. Chả thế mà thời kỳ ông này làm bộ trưởng, quân phục của bộ đội Việt Nam được cải tiến cải lùi sao đó, thành ra giống hệt của lính Tàu!


Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Trần Đình Vũ, Cục trưởng Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc bắt tay trên cột mốc 1117. Ảnh: Hoàng Anh/TP

Chụp ảnh hai bên quân đứng cạnh nhau “giao lưu”, không biết bên nào vào bên nào! Một sự mơ hồ u mê ngu muội cùng cực về nhận thức, đâu là đối thủ, là kẻ thù tiềm tàng sẽ phải đối đầu trên chiến trường tương lai. Sự u mê ngớ ngẩn đến từ phát ngôn của viên tướng cao nhất cho đến hình thức biểu hiện của người lính. Thật kỳ lạ!

Và đây, phát ngôn thứ hai: “KHÔNG PHONG TƯỚNG THÌ ANH EM NÓ TÂM TƯ”!

Đó là trả lời của Phùng Quang Thanh trên cương vị bộ trưởng quốc phòng, khi bị chất vấn, tại sao phong nhiều tướng thế, tại quốc hội.

Dưới thời Phùng Quang Thanh và quan thầy, tướng tá phong nhiều như “lợn con”, thậm chí hình thành cả thị trường “sao và vạch”, đến nỗi báo chí phải bức xúc lên tiếng. Tướng phong vô tội vạ, không theo bất cứ tiêu chí nào.

Gần nhà tôi, có một tay xuất thân lái xe cho sếp ở công ty Đông Bắc (Bộ đội làm kinh tế). Theo sếp đi đánh quả kiếm ăn: xúc than nhà nước bán sang Tàu, buôn lậu hàng mang về nội địa. Rất giàu. Rồi một ngày kia, dân tình bỗng bàng hoàng thấy hắn đeo cành tùng trên ve áo quân phục: hắn đã lên tướng! Tướng ăn cắp tài nguyên đất nước và buôn lậu! Thật hài hước và khốn nạn!

Không cần biết đến chuyện Phùng Quang Thanh cùng quý tử Phùng Quang Hải đã làm gì với cái Công ty 319, đã thu vén được bao nhiêu của nả trong cuộc đời làm quan của mình. Nhưng chỉ cần hai phát ngôn để đời trên, Phùng Quang Thanh, đại tướng, bộ trưởng quốc phòng đã ghi dấu ấn vĩnh viễn không phai mờ trong cả quân sử lẫn quốc sử.

Tiếc thay, đó là dấu ấn đen ngòm.

CÁI QUAN ĐỊNH LUẬN!

Trần Thanh Cảnh

LÀM NÊN NGHIỆP TƯỚNG BẰNG MÁU CỦA NGƯỜI VIỆT

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD 14-9-2021


Phùng Quang Thanh hoan hỉ đón tiếp đoàn cựu chiến binh Tàu cộng, trong đó có nhiều cựu chiến binh đã từng tham chiến bắn giết dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh Tàu cộng xâm lược Việt Nam 1979 – 1989. Ảnh trên mạng

1. SỨC NÓNG MẶT TRẬN ĐƯỜNG 9 – NAM LÀO

Từ tiếng súng mở đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp ngày 23.9.1945 đến tiếng súng cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh chống Tàu cộng xâm lược ở biên giới phía Bắc, tháng chín, 1989, bốn mươi bốn năm. Gần nửa thế kỉ chiến tranh, máu người Việt, máu người Pháp, máu người Mỹ, máu lính Pôn pốt, máu quân Tàu cộng thấm đẫm đất đai Việt Nam, làm nên sự nghiệp nhiều ông tướng Việt Nam.

Trong những ông tướng chiến trận của quân đội Nhân dân Việt Nam, Phùng Quang Thanh là người lính làm nên nghiệp tướng không phải từ máu lính Pháp, máu quân Tàu cộng xâm lược, không phải từ máu những tên giặc cỏ Pôn pốt, cũng không phải từ máu đội quân Mỹ chiếm đóng, mà từ chính máu người Việt.

Đầu năm 1971, khi tiếng súng chiến trận vang rền ở Đường 9 – Nam Lào, vang rền trên hệ thống truyền thông nhà nước, tôi là thượng sĩ, học viên trường sĩ quan Thông tin, đang đi dã ngoại diễn tập trong rừng Yên Thế, Hà Bắc, bây giờ là Bắc Giang, thực hành bảo đảm thông tin chỉ huy cho trung đoàn bộ binh trong bốn hình thức chiến thuật thì Phùng Quang Thanh cũng là thượng sĩ, trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 9, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64, sư đoàn 320A đang tham chiến ở Đường 9 – Nam Lào.

Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào kết thúc khi cuộc dã ngoại diễn tập của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Nhưng sau đó, những chiến thắng vang dội trên đồi Không Tên, trên điểm cao 543 bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3 nhảy dù quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã trở thành bài học chiến lệ bổ xung cho khóa học của chúng tôi.

Một giáo viên chiến thuật của trường Sĩ quan Thông tin trở về đơn vị chiến đấu cập nhật sự vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật trong thực tế cuộc chiến đã tham gia chiến dịch đường 9 – Nam Lào, có mặt ở trung đoàn 64, sư đoàn 320A. Trở về trường, giáo viên chiến thuật đã viết ngay thành giáo án giảng dạy. Sau diễn tập dã ngoại, chúng tôi lại được học ngay bài học từ thực tế chiến trận nóng bỏng trên sa bàn.

Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971 có ý nghĩa tối quan trọng với cả hai phía tham chiến. trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Phía quân đội Việt Nam Cộng Hoà phát động chiến dịch với tên gọi chiến dịch Lam Sơn 719, hành quân trong chiến lược đã hoạch định “Việt Nam hoá chiến tranh”. Phía quân đội Nhân dân Việt Nam triển khai thế trận chống trả cuộc hành quân Lam Sơn 719 với tên gọi chiến dịch Đường 9 – Nam Lào không chỉ bẻ gãy cuộc hành quân Lam Sơn 719 mà còn đánh đòn quyết định làm thất bại mưu đồ Việt Nam hoá chiến tranh.

2. VIỆT NAM HOÁ CHIẾN TRANH

Việt Nam hoá chiến tranh là chủ trương lớn của Mỹ nhằm rút quân Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam đẫm máu sau khi đã hỗ trợ chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hoà đủ sức giữ vững nền Cộng Hoà Việt Nam và ngăn chặn làn sóng cộng sản lan tràn ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ba nội dung chính của Việt Nam hoá chiến tranh là:

Một. Chính trị. Tăng viện trợ kinh tế, giúp chính quyền Việt Nam Cộng Hoà vững mạnh. Tiến hành chiến tranh với nửa triệu quân Mỹ có mặt ở Việt Nam, mỗi năm Mỹ phải chi 30 tỉ đô la. Việt Nam hoá chiến tranh, quân Mỹ rút. Hàng năm Mỹ chỉ cần viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà 5 tỉ trong số 30 tỉ đô la cũng đủ giúp Việt Nam Cộng Hoà phồn vinh, vững mạnh. Cùng với củng cố chính quyền Việt Nam Cộng Hoà là ráo riết bình định nông thôn, dồn dân vào ấp Tân Sinh vừa không để nông thôn bao la là hậu phương của lực lượng kháng chiến, vừa là kho máu người Việt vô tận cho Việt Nam hoá chiến tranh.

Hai. Quân sự. Nâng cao sức mạnh cho quân đội Việt Nam Cộng Hoà cả số lượng và chất lượng. Mỗi năm tăng từ năm mươi ngàn đến một trăm ngàn quân. Đến cuối năm 1971 Việt Nam Cộng Hoà phải có triệu mốt tay súng. Mỹ trang bị vũ khí hiện đại nhất cho triệu mốt tay súng. Quân Mỹ sẽ có hai bước chuyển giao chiến trường cho quân đội Sài Gòn. Bước một, đến giữa năm 1970, chuyển giao toàn bộ tác chiến trên bộ. Bước hai, đến cuối năm 1971, chuyển giao toàn bộ tác chiến trên không, trên sông, biển. Quân Mỹ chỉ còn cố vấn quân sự và sĩ quan chỉ huy tác chiến.

Ba. Ngoại giao. Cô lập lực lượng kháng chiến Nam Việt Nam. Quân đội Việt Nam Cộng Hoà đảm trách toàn bộ chiến trường Việt Nam tổ chức ngay những cuộc hành quân chặt đứt nguồn tiếp tế từ Bắc vào Nam. Đẩy mạnh ngoại giao cô lập lực lượng kháng chiến Việt Nam. Chuyển đổi chính trị để Cambodia và Laos có chính quyền cùng chống cộng sản với Việt Nam Cộng Hoà.

Ngày 18.2.1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon công bố chính sách Việt Nam hoá chiến tranh. Chỉ một tháng sau, ngày 18.3.1970 lực lượng Lon Nol, Sirik Matak thân Mỹ trong chính quyền Campuchia đảo chính lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk khi ông hoàng Sihanouk đang đưa bà hoàng Monique đi mua mĩ phẩm ở Lafayette Paris, Pháp.

Trong nhiều năm, Hà Nội cố giữ mối quan hệ thắm thiết với Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk. Nhờ vậy hơn bảy mươi phần trăm hàng chi viện của Hà Nội cho Trung ương Cục miền Nam được tàu buôn hối hả chở từ cảng Hải Phòng đến cảng Sihanoukville. Từ Sihanoulville, hàng lên ô tô tải lớn bon bon theo đường số 4 trên đất Capuchia qua Phnom Penh rồi theo đường số 1 về Tây Ninh, Việt Nam. Norodom Sihanouk bị lật đổ. Cảng Sihanoukville lập tức bị đóng cửa. Dòng chảy chính tiếp viện cho lực lượng kháng chiến Nam Việt Nam bị cắt.

Từ tháng tám, năm 1970, quân Việt Nam Cộng Hòa phối hợp với quân Lon Nol mở liên tiếp hai cuộc hành quân lớn Chenla 1 và Chenla 2 đánh vào các kho hậu cần của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở vùng rừng phía Đông và Đông Bắc Campuchia. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 là bước tiếp theo Chenla 1, Chenla 2, cắt con đường hậu cần còn lại từ Bắc vào Nam. Cảng Sihanoukville đóng cửa. Lam Sơn 719 kết thúc thắng lợi như Chenla 1, Chenla 2. Nguồn dinh dưỡng nuôi lực lượng kháng chiến miền Nam bị cắt đứt hoàn toàn. Lực lượng kháng chiến sống sót cũng chỉ là cái bóng mờ nhạt. Việt Nam hoá chiến tranh là vậy.

Từ tiếng súng kháng chiến đồng khởi ở Bến Tre 17.1.1960 đến khi quân Mỹ vào Việt Nam, quân đội Việt Nam Cộng Hoà chỉ có những cuộc hành quân nhỏ, cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Quân Mỹ vào, những chiến dịch lớn của quân Mỹ mở ra, quân Việt Nam Cộng Hoà chỉ hành quân phối hợp. Lam Sơn 719 là cuộc hành quân lớn nhiều sư đoàn, lữ đoàn, nhiều quân, binh chủng hợp thành đầu tiên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Lần đầu ra quân lớn, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tác chiến độc lập, không có bộ binh Mỹ trong đội hình hành quân. Quân Mỹ chỉ yểm trợ tối đa hỏa lực phi pháo và không vận chuyển quân cho quân đội Việt Nam Cộng Hoà.

Đây cũng là trận đánh lớn đầu tiên chỉ có người Việt bắn giết người Việt trên đất Việt Nam. Và Phùng Quang Thanh trở thành người hùng trong cuộc chiến đẫm máu người Việt.

3. TRẬN CHIẾN TRÊN ĐỒI KHÔNG TÊN

Hai cuộc hành quân Chenla 1 và Chenla 2 của quân đội Việt Nam Cộng Hoà cùng với quân Lon Nol đã phá tung nhiều kho hậu cần dự trữ, xua đuổi quân kháng chiến Nam Việt Nam không còn đất bám trụ ở ngay căn cứ lâu đời của họ là thắng lợi mĩ mãn mang lại niềm lạc quan lớn vào cuộc hành quân Lam Sơn 719 và vào chương trình Việt Nam hoá chiến tranh cho cơ quan đầu não chiến tranh ở Washington và Sài Gòn.

Ngày 9. 2. 1971 tiểu đoàn 3 cùng sở chỉ huy lữ đoàn dù số 3 quân miền Nam do đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy nhảy dù xuống chiếm điểm cao 543, phía Bắc đường 9.

Đã ém quân chờ trong cánh rừng đại ngàn bắc đường 9, ngay tối hôm đó, trung đội 1 của Phùng Quang Thanh trong đội hình tiểu đoàn 9 trung đoàn 64 quân miền Bắc chiếm đồi Không Tên nhìn sang điểm cao 543 ở phía Nam với khoảng cách chưa đến 3 km. Hai ngày sau, từ sáng sớm máy bay phản lực Mỹ đã đến rải bom phá công sự, bom sát thương băm nát cây cỏ trên đồi Không Tên. Bom pháo vừa dứt, máy bay lên thẳng xuất hiện quần đảo bắn rốc két và đạn 20 mm vào những mỏm đất, những lùm cây mà bom phá chưa san bằng.

Dứt tiếng súng, trung đội trưởng Phùng Quang Thanh vừa chui ra khỏi hầm đã thấy máy bay lên thẳng vè vè bay rợp trên đầu. Từ chiếc máy bay đã táp xuống mỏm đồi rộng trước mặt, lính đổ bộ đang túa ra. Vừa lệnh cho trung đội vào vị trí chiến đấu thì Thanh cũng nhận được lệnh của đại đội trưởng cho xuất kích đánh bật quân đổ bộ ra khỏi đồi Không Tên.

Thấy mỏm đồi sát sở chỉ huy tiểu đoàn 9 đã bị quân đổ bộ chiếm và những chiếc mũ sắt đang lò dò tiến về sở chỉ huy tiểu đoàn, Thanh liền lệnh cho trung đội xuất kích. Vừa chạy vừa xả đạn về hướng những chiếc mũ sắt nhấp nhô, Thanh bỗng thấy máu ướt đẫm tay áo trái. Bị thương rồi. Thanh định dừng lại coi vết thương. Nhưng một loạt đạn quất tới. Người lính ngay bên trái Thanh khựng lại, đổ vật xuống. Dừng lại là chết. Không diệt địch thì dịch sẽ diệt mình. Thanh vội lao lên, không quan tâm đến vết thương nữa. Những người lính của Thanh cũng đang hút theo những chiếc mũ sắt và những loạt đạn từ những chiếc mũ sắt đang rát rạt quất trả.

Quét sạch những chiếc mũ sắt, làm chủ được mỏm đồi, Thanh mới thấy đau ở tay trái và khát khô cổ. Vừa mở bi đông ra chưa kịp tợp ngụm nước thì những làn đạn lại quất tới tấp vào trung đội và những chiếc mũ sắt từ phía điểm cao 543 lại tràn tới đánh bật trung đội của Thanh khỏi mỏm đồi. Cho đến khi tiểu đoàn 9 hoàn toàn làm chủ dải đồi lúp súp quanh đồi Không Tên, trung đội của Thanh phải hai lần giành đi giật lại mỏm đồi, hi sinh hơn nửa trung đội. Chín tù binh bị bắt cho biết lực lượng nhảy dù xuống đồi Không Tên là tiểu đoàn 6 cùng một trung đội công binh thuộc lữ đoàn dù số 3.

Từ đồi Không Tên, trung đoàn 64 đánh thốc lên điểm cao 543. Ngoài sở chỉ huy lữ đoàn dù số 3, trên điểm cao 543 còn có tiểu đoàn 3 nhảy dù, trận địa pháo 105 mm, đơn vị công binh, thông tin đều là lực lương tinh nhuệ, trang bị hiện đại nhất của quân miền Nam. Quân tinh nhuệ cùng với hầm hào kiên cố, ba lớp rào thép gai bịt bùng và hỏa lực phi pháo Mỹ yển trợ dày đặc tạo ra sức mạnh như bất khả khuất phục của 543.

Cuộc chiến người Việt xả súng vào người Việt trên điểm cao 543 diễn ra vô cùng ác liệt. Hai bên giành đi giật lại từng gò đất, từng đoạn hào. Đất điểm cao 543 đẫm máu của cả quân miền Bắc và quân miền Nam và đều là máu người Việt. Cho đến khi một đại đội xe tăng với bốn chiếc T54 phối thuộc với trung đoàn 64 miền Bắc, thế giằng co mới chấm dứt. Vừa tiến vừa bắn trả máy bay Mỹ, xe tăng nghiến nát hàng rào thép gai đưa lính trung đoàn 64 đến trước những căn hầm trên đỉnh 543 để quân miền Bắc bắn đạn khói vào trong hầm, xua quân miền Nam đưa hai tay lên trên đầu chui ra khỏi hầm. Đại tá lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3 nhảy dù Nguyễn Văn Thọ là người cuối cùng đưa những ngón tay múp míp giơ cao trên đầu.

Chiến trận trải dài theo trục đường 9 từ Khe Sanh trên đất Việt Nam tới Xê Pôn trên đất Lào, nơi nào trận chiến cũng diễn ra gần như cuộc chiến ở đồi Không Tên. Được tình báo cung cấp kế hoạch hành quân Lam Sơn 719, Quân miền Bắc chủ động bày thế trận đánh trả. Quân miền Nam ầm ầm bão táp đổ quân xuống thế trận quân miền Bắc đã giăng sẵn. Những chiếc máy bay lên thẳng như đổ quân miền Nam ngay trên đầu quân miền Bắc. Quân đổ bộ chân chưa chạm đất đã bị đạn quất tới. Dù tướng tài, quân tinh, dù vũ khí tối tân cũng mất thế chủ động làm chủ chiến trường, phải bị động chống trả, đành mở đường máu tháo chạy. Phùng Quang Thanh lập công trong thế trận như vậy.

Báo Dân Trí ngày 11.9.2021, trong bài Tướng Phùng Quang Thanh Và Trận Chiến Đeo 17 Quả Lựu Đạn Lao Vào Địch viết theo sách của ông tướng công binh Hoàng Kiền, ông tướng công binh mang niềm tin thần thánh rằng anh hùng ảo Lê Văn Tám là có thật.

Sách của ông Hoàng Kiền thêu dệt rằng: “Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đang bị thương vẫn nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn đeo quanh người, rồi dẫn đầu tiểu đội đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn một đại đội địch”. Một sự bịa đặt ngớ ngẩn, sản phẩm của tư duy tuyên giáo, thiếu thực tế cuộc sống, thiếu kiến thức quân sự, bịa đặt lấy được.

Kiểu bịa đặt Lê Văn Tám tẩm xăng vào người, tự đốt mình, lao vào kho bom đạn giặc. Kho bom đạn phải đặt sâu trong căn cứ quân sự, trong không gian rộng, xa khu dân cư. Kho bom không thể ở ngay sát hàng rào, ngay cổng bảo vệ để ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Ngọn lửa bùng lên chùm kín người, đốt hết ô xy. Không còn ô xy, con người thở không được, bước một bước không nổi, làm sao chạy hàng trăm mét vào đốt kho bom đặt sâu trong cứ điểm quân sự.

Lựu đạn chỉ sử dụng trong phòng ngự giữ đất, chỉ dùng trong tấn công khi đã áp sát mục tiêu cố định trong công sự. Cuộc chiến đường 9 Nam Lào không phải cuộc chiến phòng ngự giữ chốt mà là vận động tấn công, phải vừa chạy vừa đánh địch. Thời gian và tốc độ di chuyển quyết định sống chết, thắng thua. Một tay đã treo bất động lại đeo 17 quả lựu đạn quanh người, khi chạy, lựu đạn xóc lên xóc xuống, nhảy tưng tưng đập vào người, làm sao chạy được.

Lựu đạn không thể vừa chạy vừa ném. Đang vận động tấn công, phải dừng lại, giật kíp, ngà người lấy đà, vung tay ném. Ném bằng sức cánh tay, lựu đạn không thế bay nhanh. Thời gian thao tác tung lựu đạn thừa thời gian cho đối thủ nếu không thoát khỏi tầm lựu đạn cũng kịp hạ gục người lính ngu ngơ, lạc lõng vận động tấn công bằng lựu đạn.

Chiến công Phùng Quang Thanh tay bị thương treo trước ngực, đeo lỉnh kỉnh 17 quả lựu đạn quanh người, truy kích diệt gọn một đại đội địch vừa hoang đường như Lê Văn Tám tẩm xăng tự thiêu lao vào kho bom, vừa hài hước như truyện tiếu lâm.

4. ĐỒI KHÔNG TÊN VIẾT LÊN TÊN PHÙNG QUANG THANH NHƯNG PHÙNG QUANG THANH ĐÃ TỰ XOÁ TÊN MÌNH TRONG LÒNG NGƯỜI DÂN VIỆT NAM

Nhập ngũ năm 1967, là lính sư đoàn chủ lực cơ động của bộ Tổng tư lệnh, liên tục có mặt trong những trận đối mặt với quân Mỹ ở vành đai lửa Quảng Trị. Bốn năm tắm trong máu lửa chiến trận mới là trung đội trưởng thì Phùng Quang Thanh chỉ là người lính mờ nhạt.

Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh dẫn trung đội vào trận đánh ở đồi Không Tên và điểm cao 543 trong đội hình trung đoàn 64. Hơn nửa trung đội hi sinh làm nên chiến thắng ở đồi Không Tên, chiến thắng trên điểm cao 543, làm nên chiến thắng đường 9 – Nam Lào, chiến thắng bước đầu đánh sập chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh.

Chiến thắng vang dội thì phải có những anh hùng chói lọi chiến công. Người lính bỏ xác ở đồi Không Tên, ở điểm cao 543 không thể kể công. Công của người chết được tính cho người sống. Phùng Quang Thanh trở thành anh hùng đồi Không Tên, anh dùng Đường 9 – Nam Lào. Phong anh hùng cho người lính đường 9 – Nam Lào là khẳng định và tôn vinh chiến thắng đường 9 – Nam Lào với xã hội, với lịch sử.

Sau trận đánh trên đồi Không Tên, Phùng Quang Thanh liền được nhận cấp bậc, chức vụ mới: thiếu úy, đại đội trưởng và được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những nhà trường, học viện quân sự trong nước, ngoài nước mở rộng cánh cửa đón anh hùng Phùng Quang Thanh. Những trường quân sự từ cấp thấp đến cấp cao: Trường Sỹ quan Lục quân, Học viện Quân sự Việt Nam, Học viện Quân sự Voroshilov, Liên Xô. Học viện Quân sự cao cấp Việt Nam đã cung cấp kiến thức khoa học quân sự cho Phùng Quang Thanh, đưa Phùng Quang Thanh lên cấp tướng. Và ông tướng Phùng Quang Thanh trở thành Bộ trưởng bộ Quốc phòng nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Người lính đi dép cao su hay người lính đội mũ sắt bỏ xác trên đồi Không Tên, trên điểm cao 543 đều có họ Ngô, họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê . . . những người lính quân đội Việt Nam Cộng Hoà hay quân đội Nhân Dân Việt Nam đều là con cháu của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, những người lính của nòi giống Việt Nam. Máu những người lính đi dép cao su và cả máu những người lính đội mũ sắt đã mang lại danh hiệu anh hùng cho Phùng Quang Thanh, đã đưa Thanh lên cấp tướng, lên Bộ trưởng bộ Quốc phòng. Phải nhớ điều đó để ở vị trí người đứng đầu lực lượng vũ trang của đất nước phải quyết cùng toàn dân giữ gìn, bảo vệ mảnh đất đã thấm đẫm máu trăm dòng họ Việt Nam.

Nhưng thật thất vọng. Trong khi người dân bừng bừng phẫn nộ trước việc Tàu cộng trắng trợn cướp biển, cướp đảo của lịch sử Việt Nam. Trong khi giặc Tàu cộng xâm lược hung hãn bắn giết dân Việt Nam dong thuyền đánh cá trên biển Việt Nam thì ông tướng Bộ trưởng bộ Quốc phòng làm nên nghiệp tướng bằng máu người Việt lại không dành tình cảm cho người Việt Nam giữ nước mà dành tình cảm cho kẻ cướp nước. Ông than thở: Tôi thấy lo lắng lắm. Không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già đều có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó nguy hiểm cho dân tộc!

Chỉ không yêu nước mới không căm thù giặc cướp nước. Tình cảm nồng nàn yêu nước đã cho người dân Việt Nam một thái độ rõ ràng căm phẫn kẻ xâm lược lãnh thổ Việt Nam, một tư thế hiên ngang và một ý chí giữ nước của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi. Máu những người lính Việt Nam đã đưa Phùng Quang Thanh lên hàm tướng, lên Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Phùng Quang Thanh đã làm nhiều việc bộc lộ tâm thế đớn hèn sẵn sàng làm chư hầu cho mưu đồ lăm le xâm lược Việt Nam của Tàu cộng.

Tên tuổi những anh hùng của đất nước sẽ còn mãi trong lòng người dân Việt Nam, trong tình yêu và lòng tự hào về Tổ quốc Việt Nam. Nhưng Phùng Quang Thanh đã tự xoá tên mình trong lòng người dân Việt Nam.

TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH, HAI MẶT CỦA TẤM HUÂN CHƯƠNG

MAI HOA KIẾM/ TD 15-9-2021

Tướng Phùng Quang Thanh được báo chí “lề đảng” công bố qua đời lúc 3h45 phút ngày 11-9-2021. Điều kỳ lạ, không giống những nhân vật cấp cao trước đó, chỉ vài giờ (sau khi chết) tất cả báo chí quốc doanh, cùng hệ thống truyền thông của đảng được phép đồng loạt đưa tin.

Xoay quanh cuộc đời binh nghiệp của tướng Phùng Quang Thanh, có khá nhiều sự kiện chưa hề được giải mã…


Chân dung tướng Phùng Quang Thanh. Nguồn: VNE

Ngày 10/01/2015, tại Hội nghị Trung ương 10, khoá XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Điều này chưa từng có tiền lệ, chứng tỏ các phe nhóm đang quyết đấu một mất một còn trước đại hội XII sẽ diễn ra một năm sau đó. Điều bất ngờ là, tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ quốc phòng được lên vị trí thứ năm, trong khi bản thân ông này dính nhiều vụ bê bối.

Không lâu sau, trang “Chân dung quyền lực” bắt đầu tiết lộ nhiều thông tin, phơi cho bàn dân thiên hạ rõ sự thật về Phùng Quang Thanh và “uy tín ảo” mà ông Thanh có được trong cuộc đua nhắm vào chiếc ghế Chủ tịch nước khoá XII.

Xếp hạng lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương 10 trên trang CDQL

Phùng Quang Thanh vốn là con trai duy nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ chống Pháp. Dù ông ta được phong anh hùng quân đội, nhưng khi leo đến chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng, ông ta lại sợ phải cầm súng đối đầu quân xâm lược. Vì vậy, khi Trung Cộng liên tục ngang ngược đe doạ trên vùng biển Việt Nam, Thanh lại chỉ đạo quân đội nhượng bộ, phòng thủ, cấm manh động đáp trả.

Ông ta từng nói rằng, xu thế ghét Trung Quốc trong dân chúng, sẽ gây “nguy hiểm cho dân tộc”. Ở diễn đàn quốc tế, Thanh công khai phát ngôn ca ngợi Trung Cộng là “bạn vàng”, khuếch trương “tình đồng chí”, gây bức xúc trong dư luận.

Thời Phùng Quang Thanh, việc đề nghị phong tướng loạn xạ, ông ta cho rằng, “không phong tướng, anh em tâm tư”, khiến số lượng tướng trong quân đội tăng kỷ lục. Thị trường “sao và vạch” khiến nạn tham nhũng, vơ vét ngân sách quốc phòng, thanh lý đất đai quân đội và bóc lột anh em binh sĩ cấp dưới theo tầng nấc cống lên các đồng chí cấp trên để mua “lon”.

Năm 2009, con trai của Thanh là Phùng Quang Hải, sinh năm 1974, ở tuổi 35, đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty 319, là một công ty thuộc Sư đoàn 319 của Quân khu 3.

Năm 2011, trong vai trò Bộ trưởng, Phùng Quang Thanh ký quyết định thành lập Tổng Công ty 319, thuộc Bộ Quốc phòng và bổ nhiệm con trai là đại tá Phùng Quang Hải làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Cậy thế cha, Phùng Quang Hải vơ vét đất đai từ Bắc vào Nam. Đằng sau cái vỏ bọc là làm kinh tế cho quân đội, nhưng trên thực tế, Tổng công ty 319 là công ty sân sau của gia đình tướng Phùng Quang Thanh và phe nhóm.



Phùng Quang Hải và “bóng hồng” tại cty của ông ta.

Trong vòng chưa đến 10 năm, thông qua việc thanh lý, sắp xếp, cổ phần hoá… việc sử dụng quỹ đất của Bộ quốc phòng tại các vị trí trung tâm các đô thị lớn trên cả nước, cha con Phùng Quang Thanh đã thao túng, kinh doanh nhà, xây dựng các trung tâm thương mại, giải trí, liên doanh các kiểu để rồi lần lượt các khu vực trọng yếu quốc gia rơi dần vào tay các chủ đầu tư, các ông trùm đến từ Trung Quốc.

Bản thân Phùng Quang Thanh cũng công khai giúp con trai, Tổng công ty 319 và phe nhóm lấy đất vàng từ quân đội quản lý, thậm chí “xẻ thịt” sân bay Tân Sơn Nhất gây phẫn nộ trong toàn quân. Chưa hết, tướng Thanh được cho là người chọn màu, chọn kiểu quân phục giống lính Trung Quốc và chỉ đạo nhập vải từ quân nhu Trung Quốc để may quân trang cho quân đội Việt Nam.

Văn bản công khai cướp đất. Nguồn: CDQL

Trang “Chân dung quyền lực” đã liệt kê hàng chục lâu đài, biệt thự, đất đai… khối tài sản khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn tỷ của gia đình Phùng Quang Thanh, đứng tên con gái ông Thanh là Phùng Thị Thu Huyền, em gái ông Thanh là Phùng Thị Liên và cặp vợ chồng con trai ông, Phùng Quang Hải – Nguyễn Thị Minh Hương…

Mặt dù được xem là “ngôi sao đang lên”, giành vé tứ trụ, song có một thế lực chính trị phe nhóm khác đang cố ý đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của tướng Thanh. Trên trang web được viết bằng tiếng Anh đã đăng lúc 02:11pm ngày 23-6-2015 của Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã đưa tin, Phùng Quang Thanh cùng đoàn sĩ quan cao cấp có chuyến thăm hữu nghị Cộng hoà Pháp và được Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đón tiếp.

Theo lịch trình, chuyến kế tiếp, sau Pháp, của tướng Phùng Quang Thanh sẽ đi thăm Ấn Độ.


Ảnh chụp màn hình bản tin tiếng Anh đăng lúc 02:11pm ngày 23-6-2015 trên website của Bộ Quốc Phòng VN

Không lâu sau, mạng xã hội đã dấy lên tin đồn từ nước ngoài, cho biết, sáng 26-6-2015, Đại tướng Phùng Quang Thanh và toán các cận vệ cùng các sĩ quan tùy tùng sau khi đã kết thúc một tuần làm việc với Bộ Quốc Phòng Pháp, đã rủ nhau đi chơi, mua sắm và thăm vài gia đình “Việt kiều yêu nước”, là cơ sở nằm vùng ở Paris. Khi vừa ra khỏi một căn nhà trong hẻm thì bị hai kẻ lạ mặt dùng súng giảm thanh bắn nhiều phát vào Phùng Quang Thanh và ông tướng bốn sao đã dính 2 viên đạn. Tin cũng cho hay, ngày 30-6-2015, ông Thanh đã được phẫu thuật cứu sống tại bệnh viện Georges Pompidou.

Trong khi có tin về Phùng Quang Thanh đang điều trị ở Paris, thì ở Việt Nam đã diễn ra một sự kiện đáng chú ý. Ngày 3-7-2015, Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô (QKTĐ) Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh, Chính ủy QKTĐ. Chủ toạ gồm có Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Bí thư Bộ Tư lệnh Thủ đô và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.




Tại hội nghị bàn giao này, bộ đôi Trung tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh QKTĐ và Trung tướng Lê Hùng Mạnh, Chính ủy QKTĐ, đều sinh 1957, phải nghỉ hưu, bàn giao cho bộ đôi Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh và Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết thay thế. Ông Kết là em trai của Nguyễn Thế Thảo, Uỷ viên Trung ương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó.

Tin tức từ trong nước dồn dập loan ra, với những đồn đoán rúng động. Dư luận rỉ tai nhau về một cuộc đảo chính của nhóm thân Tàu đứng đầu là Phùng Quang Thanh, lãnh đạo Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô và một số tướng quân khu khác. Việc mưu sát tướng Thanh tại Paris được hiểu là đòn thanh trừng tiêu diệt phủ đầu.

Trùng hợp hơn nữa, là sự giải thích vòng vo của ông Phạm Gia Khải, Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương, về việc tướng Phùng Quang Thanh được đưa sang Pháp chữa bệnh và nằm viện, mổ “khối u phổi”, gây xôn xao dư luận thời đó.

Trong một diễn biến khác, từ ngày 16 đến 18-7-2015, Trương Cao Lệ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, sang thăm chính thức Việt Nam. Ở Hà Nội, dư luận bàn tán việc Trương Cao Lệ được cả Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp, rằng họ Cao đã có yêu cầu lãnh đạo đảng Cộng sản VN bảo đảm tính mạng cho Phùng Quang Thanh.

Ngày 20-7-2015, Tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, công bố, Phùng Quang Thanh sẽ về nước cuối tháng 7/2015. Nhưng ngày 25/7/2015, ông Thanh đã về nước và an dưỡng ngay trong trụ sở Bộ Quốc phòng.

Tối 27-7-2015, Phùng Quang Thanh đã được phép “lộ diện” để mọi người và kể cả Bắc Kinh được nhìn thấy trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ” diễn ra tại thủ đô, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.


Phùng Quang Thanh xuất hiện trong đêm “Khát vọng đoàn tụ”


Tại Đại hội XII của đảng Cộng sản VN hồi tháng 1/2016, Phùng Quang Thanh chính thức từ giã chính trường. Một số thông tin nội bộ cho rằng, sở dĩ Phùng Quang Thanh được “hạ cánh an toàn”, xử lý nội bộ, là nhờ sự can thiệp từ Bắc Kinh. Bắc Kinh “hăm doạ” Hà Nội không được ghép tội Phùng Quang Thanh vì vấn đề hữu nghị, hợp tác quốc phòng “đôi bên cùng có lợi” với Trung Quốc.

Ngoài ra, việc cho phi cơ, tàu chiến, và lực lượng quân đội gây sức ép, trên không, trên biển, động binh trên bộ và Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành nghị quyết cho phép quân đội TQ mang quân đi bảo vệ thành quả XHCN ở nước ngoài… cũng là điều đáng gờm đối với các nhân vật “chóp bu” Hà Nội.

***

Quay lại câu chuyện tướng Phùng Quang Thanh qua đời ngày 11/9/2021. Có thông tin cho hay, Phùng Quang Thanh đã trút hơi thở cuối cùng trước đó hai ngày trước, tức ngày 9/9. Ngày 10/9, Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, sang Việt Nam, ngoài việc khuyến cáo Việt Nam cùng “kiềm chế” các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời nhắc nhở Việt Nam nên “cảnh giác trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài”, nhưng còn một việc quan trọng nữa là thăm dò thái độ của đảng CSVN trong việc tổ chức tang lễ cho Phùng Quang Thanh.

Vua chúa hay gã ăn mày rồi cũng về với đất. Chuyện về tướng Phùng Quang Thanh sẽ còn gây nhiều tranh cãi trong một thời gian dài sau khi ông ta từ giã cõi đời.

Dù sao, tấm huân chương nào cũng luôn có hai mặt, cuộc đời ông Thanh trong binh sử Việt Nam cũng thế, ngàn năm công tội.

ĐÀNH NÓI VÀI LỜI

MẠC VĂN TRANG/ TD 16-9-2021

Tôi không bao giờ muốn nói gì về những người chết mà mình không ưa. Trường hợp ĐT Phùng Quang Thanh (PQT) cũng vậy. Chết là cho qua, rồi lịch sử sẽ phán xét.

Nhưng việc tổ chức tang lễ ông Phùng Quang Thanh như bậc “khai quốc công thần” và khu “lăng mộ” của ông chiếm mấy ngàn m2 ruộng đất ở quê, khiến đành nói vài lời.

1. Tang lễ của ông giữa lúc giãn cách vì dịch bệnh nhưng được tổ chức tập trung rất đông người; điếu văn và những lời lẽ ca ngợi ông trên các phương tiện truyền thông… có cái gì đó “Ý Đảng trái với Lòng Dân”; nó che lấp đi điều gì đó trước con mắt của Nhân Dân? Chuyện ông Phùng Quang Thanh vì sao “mất chức” và biệt tăm? Bao nhiêu lời đồn đại, người dân đều không có quyền biết sự thật; trắng, đen lẫn lộn. Giờ đây truyền thông “bắt” người dân phải tin rằng Đại tướng Phùng Quang Thanh như vị tướng quân vĩ đại. Nay mai lại đặt tên đường phố, dựng tượng đài mang tên Phùng Quang Thanh?

2. Nhiều người dân mà tôi quen biết, nghĩ gì về Phùng Quang Thanh?

– Phùng Quang Thanh là một anh hùng ở chiến trường, nhưng là tướng hèn, đột nhiên làm Bộ trưởng QP; mấy cựu chiến binh, mấy bà già ở CLB Cầu lông của tôi, sau khi nghe, nhìn Phùng Quang Thanh rụt cổ, cúi đầu phát biểu ngập ngọng ở Hội nghị Đối thoại an ninh khu vực Shangri-La, tại Singapore, đều bực tức, cảm thấy nhục, thấy hèn không chịu được!

– 10 năm Phùng Quang Thanh làm Bộ trưởng QP là thời kỳ quân đội làm kinh tế bung bét; “thị trường sao vạch” sôi động nhất. Lúc đó quân đội VN đã có hơn 400 tướng, vào loại nhiều tướng nhất thế giới, mà ông vẫn phát biểu trước Quốc hội rằng, không được thăng chức thì “anh em tâm tư lắm”(!).

– Phùng Quang Thanh nói ở Quốc hội rằng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung quốc, ai nói tích cực cho TQ là ngại. Tôi cho rằng cái đó nguy hiểm cho dân tộc”. Lời nói này nên ghi trên bia mộ của ông.
Một Đại tướng chỉ huy quân đội chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia mà sợ quân xâm lược như vậy thì còn ai tin, ai theo lệnh ông chống giặc?

– Sống đã vậy, chuẩn bị cho cái chết, ông cũng u mê. Từ một anh nông dân “chân đất mắt toét” đi làm lính rồi lên tướng của Quân đội Nhân dân; một quân đội gắn bó máu thịt với dân, sống chết cùng dân… vậy mà ông chiếm dụng đến mấy ngàn mét vuông đất ruộng của quê hương để làm mộ táng ông. Nhân cách văn hoá của Phùng Quang Thanh quá thấp! Ông định làm con ma bám giữ cái nấm mộ hoành tráng của ông mãi mãi sao?!

– Nhưng Phùng Quang Thanh có một chút công trạng cuối cùng, là ông chết đúng lúc Vương Nghị mò sang Hà Nội. Biết tin này Vương Nghị chắc đau buồn lắm; lại thấy Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đến, nên nghe nói Nghị chuồn về sớm hơn dự định.

Ông Phùng Quang Thanh ạ, tôi chỉ muốn nói, Đảng của ông đã cố đắp điếm, che chắn cho ông bằng hình thức một tang lễ hào nhoáng, bằng những lời lẽ vô cùng lâm ly thống thiết, nhưng sự thật không biết là bao nhiêu! Chỉ có lòng dân mới phần nào nói lên sự thật.

Cầu mong cho ông được an nghỉ và các đồng đội đã hy sinh ở thế giới bên kia vẫn thân ái đón nhận ông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét