Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

20210906. PHẢN BIỆN, TRAO ĐỔI THÁNG 9

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

GÓP VÀI LỜI VỚI SONG CHI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 4-9-2021


Tôi vừa đọc bài của Song Chi: Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam khó thay đổi? đăng trên Tiếng Dân ngày 1/9. Đọc và thấy có những lý giải đúng nhưng chưa được sâu sắc, nên muốn góp vài lời, vừa trao đổi, vừa cung cấp thông tin để rộng đường dư luận.

Song Chi cho rằng ”Tự nguyện chọn Trung Cộng là thầy, là đồng chí anh em, copy mô hình của Trung Cộng, nhất cử nhất động học theo Trung Cộng” thì Đảng CSVN giữ được đảng và chế độ nhưng để mất nhiều thứ rất quý giá của đất nước và luôn nơm nớp lo sợ.

Song Chi nhận xét rằng Đảng CSVN bám chặt vào Trung cộng “Không chỉ vì họ tham lam quyền lực, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, mà còn vì các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN từ trước cho đến tận bây giờ vẫn là những kẻ có tầm nhìn thiển cận, tư duy cứng ngắcsợ thay đổi, có tâm thế hèn hạ, nhược tiểu, chỉ muốn dựa vào nước khác, chỉ muốn học theo nước khác, hết dựa theo học theo Liên Xô lại dựa theo, học theo Trung Cộng, không muốn thoát ra Họ cũng không yêu nước, không biết nhục vì nước mình còn nghèo thua xa các nước, chuyện gì cũng phải ngửa tay đi xin đi vay, cũng không biết thương dân đã quá cực quá khổ. Họ là như vậy, thì làm sao mà có thể thay đổi?…. Đảng cộng sản vẫn cứ giữ nguyên hiện trạng, đối nội bám chắc quyền lực không bao giờ chịu san sẻ cho ai, đối ngoại tiếp tục đu dây giữa các cường quốc, như từ trước tới giờ vẫn thế”.

Những nhận xét trên đây là khá đúng với bản chất Đảng CSVN. Tôi chỉ xin nêu ra bốn điểm chưa được nhất trí và bổ sung thêm vài điều. Bốn điểm chưa nhất trí là: Tầm nhìn thiển cận, sợ thay đổi, chỉ muốn dựa vào nước khác và đu dây.

Cho rằng “Các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN từ trước cho đến tận bây giờ vẫn là những kẻ có tầm nhìn thiển cận”. Viết như thế e rằng dễ phạm vào lỗi “Vơ đũa cả nắm”. Thực ra trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng CSVN trước đây cũng có một số người có tài năng, có tầm nhìn, nhưng họ bị thiểu số, một vài người còn bị hãm hại. Có được những người này trong thời gian ngắn không phải nhờ vào điều gì tốt đẹp từ đảng mà chính là những phẩm chất tốt đẹp họ có sẵn trước khi vào đảng. Thế rồi những phẩm chất tốt đẹp đó bị đảng làm cho thui chột, mất dần.

Về sợ thay đổi: Cách mạng là sự thay đổi mà họ đang làm cách mạng. Họ không sợ sự thay đổi đâu mà sợ nhất là chệch hướng Mác – Lê, sợ nhất là sự toàn trị bị giảm sút. Họ đã có một số thay đổi để thực hiện Mác – Lê và củng cố sự thống trị. Phần nhiều thay đổi đó mang lại tai họa cho dân tộc. Thí dụ dân đang làm ăn yên lành thì họ làm cải cách ruộng đất, bắt vào hợp tác xã, quốc hữu hóa đất đai v.v… Thế chẳng thay đổi là gì?

Khi nói họ chỉ muốn dựa vào và học theo nước khác thì có thể nhầm nước khác là nước văn minh, dân chủ, tiến bộ. Được như thế thì tốt. Không! Họ không học, không theo những nước như vậy mà chỉ theo những nước độc tài vô sản chuyên chính. Như vậy, không nên viết “nước khác” chung chung mà phải chỉ rõ ra là họ chỉ học theo các nước độc tài toàn trị, theo Mác-Lê.

Về đu dây: Đây là nhận định của rất nhiều người trong thời gian dài, cho rằng đó là chủ trương mềm dẻo, sáng suốt. Tôi nghĩ đây là một nhận định nhầm. Đu dây phải dựa trên nguyên tắc giữ thật cân bằng, nếu hơi bị lệch phải kịp thời điều chỉnh. Đảng CSVN chưa bao giờ đu dây giữa các cường quốc mà thực chất là ôm chân Trung Quốc và lợi dụng lòng tốt của Mỹ.

Xin bổ sung hai điều như sau. Thứ nhất, hình như giữa đảng CS Trung Quốc và VN có một cam kết bí mật gì đó từ thời Hồ Chí Minh. Thứ hai là, vì sao mà các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN hiện nay là những kẻ có tầm nhìn thiển cận, tư duy cứng ngắc.

Điều thứ nhất: Đảng CSVN sinh ra trên đất Trung Quốc, được Đảng CSTQ nuôi nấng, cưu mang từ lúc còn trứng nước cho đến trong các cuộc chiến tranh. Giữa Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai có một tình bạn gần như là tri kỷ. Hồ Chí Minh xem Mao Trạch Đông là thầy, là lãnh tụ vĩ đại. Câu của Đặng Tiểu Bình “Dạy cho VN một bài học” hoặc của Dương Khiết Trì “VN là đứa con hoang đàng, hãy trở về” phải chăng có ẩn chứa điều gì đó. Rồi bí mật của Hội nghị Thành Đô. Bí mật loại này chắc trong đảng chỉ có một hai người biết. Phải chăng đó là cái thòng lọng buộc vào cổ Đảng CSVN mà vì kém trí tuệ và thiếu dũng khí nên họ không sao gỡ ra được.

Lãnh đạo Đảng CSTQ thừa kế được truyền thống của Đại Hán, muốn làm bá chủ thiên hạ, nên đã nghĩ ra và thi hành nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều mưu sâu kế hiểm. Thế mà lãnh đạo Đảng CSVN vì kém trí tuệ và tham lam nên bị mắc lừa, tự chui đầu vào thòng lọng và giao đầu dây cho Trung Cộng nắm giữ.

Điều thứ hai: Tại sao Đảng CSVN rất quan tâm đến chất lượng cán bộ, đặc biệt là cấp chiến lược mà càng ngày phẩm chất của họ càng giảm, trí tuệ càng kém. Thế mà trước đây trong Đảng đã từng có nhiều cán bộ tài năng cao, đạo đức tốt. Điều gì làm Đảng thoái hóa nhanh chóng, mặc dầu có nhiều nghị quyết xây dựng đảng, có đường lối cán bộ rõ ràng, trong các đại hội các cấp đều nêu rất cao công tác nhân sự. Tôi cho rằng đó là tự bản chất của Đảng, tự trong nguyên lý cơ bản của Đảng.

Trong sách “Thất bại lớn-Sự sụp đổ của độ cộng sản”, tác giả Zbigniew Brzezinski vạch ra rằng, chế độ cộng sản chắc chắn sẽ sụp đổ mà nguyên nhân chính gây ra sụp đổ là “Sự kém trí tuệ” của những người lãnh đạo. Nói kém trí tuệ là nói lịch sự, còn nói trắng ra là do ngu kết hợp với tham. Brzezinski chỉ ra nguyên nhân sụp đổ, nhưng không thấy giải thích nguyên nhân của kém trí tuệ.

Những người lãnh đạo Đảng CSVN thấy khá rõ tình trạng kém phẩm chất của cán bộ. Họ loay hoay tìm nguyên nhân, nhưng theo những công bố công khai thì thấy rằng, họ chỉ tìm ra những nguyên nhân phụ, vụn vặt, dễ thấy, như là sự giảm sút ý chí của một số đảng viên, sự thoái hóa đạo đức của không ít cán bộ, sự buông lỏng giáo dục và quản lý của một số cấp ủy, v.v…

Họ không nêu ra được nguyên nhân cơ bản. Phải chăng vì kém trí tuệ, không biết dùng phương pháp khoa học, lại bị sự kiêu ngạo che khuất, hay là có ai đó biết được mà không dám nói ra vì sợ hoặc cố tình che giấu.

Theo tôi, nguyên nhân phải được tìm từ trong bản chất của cộng sản. Đó là sự kết hợp giữa hai nhân tố. Một là sự kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lê, một thứ phạm quá nhiều sai lầm ngay từ gốc rễ. Hai là vì trình độ yếu kém của lãnh đạo, lại bị Trung Cộng xỏ mũi dắt đi. Chính vì sự kết hợp này mà lãnh đạo Đảng CSVN đã vạch ra đường lối cán bộ, trong đó có những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Những điều này từ người soạn, người duyệt, người thi hành đều không thấy, vẫn tự ca ngợi là rất đúng, rất hay. Tại sao không thấy? Tại vì kém trí tuệ mà không chịu nghe những lời phản biện.

Không những Đảng Cộng sản Việt Nam khó thay đổi như nhận xét của Song Chi mà hình như không thể thay đổi khi lãnh đạo Đảng vẫn kiên trì Mác-Lê, một thứ đã bị đa số nhân loại vứt vào sọt rác của lịch sử.

TẠI SAO ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÓ THAY ĐỔI ?

SONG CHI/ TD 1-9-2021


Giữa Trung Cộng và các nước dân chủ phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ, chọn ai làm bạn, lòng dân đã quá rõ. Những hành động chứng tỏ thiện chí của Hoa Kỳ cũng đã quá rõ. Nhưng còn đảng cộng sản?

Đến tận giờ phút này, đảng và nhà nước cộng sản cần phải thấy rõ rằng sau bao nhiêu năm đi với Trung Cộng, tự nguyện chọn Trung Cộng là thầy, là đồng chí anh em, copy mô hình của Trung Cộng, nhất cử nhất động học theo Trung Cộng, VN được gì mất gì?

Giữ được đảng, được chế độ-điều duy nhất quan trong đối với đảng cộng sản! Mất thêm đảo, mất một phần lãnh thổ lãnh hải, mất sự độc lập, tự chủ, lệ thuộc nặng nề từ kinh tế cho đến chính trị, luôn luôn nơm nớp lo Trung Cộng sẽ ngày càng bành trướng trên biển Đông, ngày càng o ép, bắt nạt VN và có thể sẽ tiến chiếm thêm biển đảo khi họ cần. Quan trọng nhất VN không bao giờ có thể trở thành một quốc gia giàu mạnh cả nếu còn nằm trong vòng kìm tỏa của Trung Cộng, bởi vì Trung Cộng không bao giờ muốn như thế và sẽ tìm mọi cách để kìm hãm VN, ngăn VN phát triển hơn nữa, có quan hệ sâu rộng hơn nữa với thế giới.

Ngược lại, nếu chơi với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, đi theo con đường, mô hình của các nước dân chủ, VN chắc chắn sẽ trở thành một quốc gia giàu mạnh vì đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đoàn kết được người Việt trong và ngoài nước, giải phóng hết nội lực và sức sáng tạo của nhân dân để phát triển. VN sẽ không thua gì các nước khác trong khu vực. Cái mất duy nhất là mất sự độc tôn quyền lực. Nhưng nếu đảng cộng sản vì quyền lợi của đất nước, dân tộc mà chọn hướng đi đúng thì chắc chắn người dân sẽ hiểu được điều đó và họ vẫn sẽ giữ được đảng, trong một mô hình đa đảng để cùng cạnh tranh một cách lành mạnh, thay nhau nắm quyền tùy theo lá phiếu của người dân.

Nhưng tôi cho rằng đảng cộng sản sẽ không dám lựa chọn như vậy, mà vẫn cứ giữ nguyên hiện trạng, đối nội bám chắc quyền lực không bao giờ chịu san sẻ cho ai, đối ngoại tiếp tục đu dây giữa các cường quốc, như từ trước tới giờ vẫn thế.

Không chỉ vì họ tham lam quyền lực, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, mà còn vì các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN từ trước cho đến tận bây giờ vẫn là những kẻ có tầm nhìn thiển cận, tư duy cứng ngắc sợ thay đổi, có tâm thế hèn hạ, nhược tiểu, chỉ muốn dựa vào nước khác, chỉ muốn học theo nước khác, hết dựa theo học theo Liên Xô lại dựa theo, học theo Trung Cộng, không muốn thoát ra. Họ cũng không yêu nước, không biết nhục vì nước mình còn nghèo thua xa các nước, chuyện gì cũng phải ngửa tay đi xin đi vay, cũng không biết thương dân đã quá cực quá khổ. Họ là như vậy, thì làm sao mà có thể thay đổi?

Chỉ cần nhìn cách họ đối phó với đại dịch là có thể thấy họ kém cỏi, không có khả năng tính trước được cái gì, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác nhưng lại không chịu nghe dân, vô cảm với nỗi khổ đau của nhân dân, cũng như chúng ta có thể thấy giữa lòng dân và những mệnh lệnh, ý chí của đảng và nhà nước cộng sản vẫn cứ xa vời vợi như thế nào.

Song Chi

NHÀ CÔNG VỤ HAY LÀ SỰ PHÂN BIỆT ĐẲNG CẤP ?

VŨ HỮU SỰ/ TD 26-8-2021

Sau những vụ một số vị có chức vụ được bố trí nhà công vụ, nhưng khi không còn giữ chức vụ nữa thì chây ỳ, cố ý không chịu trả lại nhà công vụ, hoặc là kể lể công lao, chạy chọt xin được “hóa giá” nhà công vụ, với mục đích biến “nhà công” thành “nhà ông” hay “nhà bà” khiến dư luận dậy sóng vì bức xúc. Mới đây, bộ xây dựng lại đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo tiêu chuẩn nhà công vụ. Dự thảo này đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội rất quan tâm.

Theo những tiêu chuẩn được quy định trong dự thảo, thì tiêu chuẩn nhà công vụ cao nhất là biệt thự xây trên diện tích đất từ 450 đến 500m2 dành cho các ủy viên bộ chính trị, bí thư trung ương đảng. Thấp hơn một chút là phó thủ tướng và cấp tương đương, những vị này được bố trí ở trong biệt thự có khuôn viên từ 350 đến 400m2. Cứ thế, tiêu chuẩn được hạ thấp dần… thấp nhất là nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của luật khoa học và công nghệ. Những vị này được bố trí căn hộ chung cư có diện tích từ 100 đến 140m2.

Nên nhớ, đây là chỗ ở chứ không phải chỗ làm việc. Bởi chỗ làm việc thì đã có cơ quan. Những quy định này khiến người dân đặt ra câu hỏi : cán bộ, từ ủy viên bộ chính trị, bí thư trung ương đảng cho đến anh bí thư đảng ủy phường, theo lời dạy của chủ tịch Hồ Cí Minh, cũng đều là những “đầy tớ trung thành của nhân dân” cả thôi. Cán bộ càng cao, thì càng phải tận tụy phục vụ những “ông chủ” là nhân dân, phục vụ vô điều kiện mà không hề đòi hỏi sự hưởng thụ. Nay nếu vì sự điều đông của tổ chức đến nơi công tác khác mà cần được bố trí chỗ ăn ở, thì chỉ cần một chỗ ở tươm tất, thoải mái là được.

Đất nước còn nghèo, trẻ em còn thiếu chỗ học, người dân vùng cao, vùng sâu vùng xa còn đói kém… tại sao lại đặt ra những tiêu chuẩn về chỗ ở xa hoa như cung điện của vua chúa ngày xưa vậy? Một biệt thự có khuôn viên 500m2 đất ở Hà Nội hay ở TP. Hồ Chí Minh, tại những vị trí đắc địa, có giá trị bao nhiêu triệu đô la? giá trị những lăng tẩm như Khiêm lăng của vua Tự Đức ở Huế, có sánh được với những biệt thự như thế không? thế mà khi vua Tự Đức xây dựng Khiêm lăng (Vạn Niên cơ), trong dân gian đã xuất hiện câu ca “Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân”.

Cũng là “đầy tớ trung thành của nhân dân” cả, sao lại có sự phân biệt đẳng cấp quá khủng khiếp như thế. Một bí thư trung ương đảng được ở biệt thự có khuôn viên đến 500m2, trong khi một nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, lại chỉ được bố trí một căn hộ chung cư? Nên nhớ, nếu đề án đó thành công, có thể làm thay đổi diện mạo kinh tế của quốc gia?

Phục vụ nhân dân hay hưởng thụ trên lưng nhân dân?

Vũ Hữu Sự

TỪ CÁI ÁO ĐẪM MỒ HÔI CỦA THỦ TƯỚNG,  NGHĨ VỀ QUYẾT SÁCH 

GẦN DÂN

QUỐC PHONG/ DV 28-8-2021

Hình ảnh Thủ tướng áo đẫm mồ hôi thị sát nhiều địa điểm khác nhau ở các vùng tâm dịch tạo hẳn một sự khác biệt so với hình ảnh lãnh đạo được che ô. Nhưng điều quan trọng hơn mà người dân mong ở tất cả các cấp lãnh đạo, là phải gần dân hơn nữa để có quyết sách phù hợp thực tiễn.

Chỉ trong hơn 2 tháng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã vào TP.HCM và các tỉnh phía nam tới 3 lần, kể cả chuyến công tác hôm 26-27/8. Lần thứ 3 này, ông vào giữa tâm đại dịch ở thời điểm khắc nghiệt nhất, chỉ sau đúng 2 ngày Thủ tướng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Bộ Chính trị, giao thêm trọng trách mới: Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Nhìn ông nhiều lúc với chiếc áo ngắn tay ướt đẫm mồ hôi không hề có ô che, lúc thì mặc bộ đồ chống dịch của ngành y tế vào tận bệnh viện dã chiến mà thấy thật trân trọng và cảm động.

Hình ảnh vị Thủ tướng áo đẫm mồ hôi thị sát nhiều địa điểm khác nhau rất đáng suy ngẫm và tạo hẳn một sự khác biệt so với hình ảnh lãnh đạo được che ô. Nhưng có lẽ theo tôi, đây cũng chỉ là việc rất nhỏ. Vấn đề mà tôi muốn nói đến trong bài viết này, đó là phong cách lãnh đạo của người đứng đầu Chính phủ đã khiến đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta từ trung ương xuống địa phương phải xem lại chính mình, nhất là hiện nay, việc chống dịch được Đảng và Nhà nước ta xác định như chống giặc.  

Trong cuộc "chiến tranh" đẩy lùi dịch bệnh như hiện nay, chắc rằng, phong cách cần phải thay đổi rất nhiều: Phải gần dân và hiểu dân hơn nữa để có những quyết sách gần với đời sống. Từ thực tiễn đi cơ sở, người lãnh đạo sẽ phát hiện ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng có lần khẳng định, người dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch: "Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch". 

Tuy nhiên, trong lần vi hành vừa qua ở TP.HCM, khi Thủ tướng đi thị sát cơ sở, ông đã nhận ra nhiều bất cập. Thủ tướng hỏi lãnh đạo một phường, nếu có bệnh nhân cần đưa đi cấp cứu thì anh sẽ liên lạc với những cơ sở nào, bệnh viện nào? Thế nhưng lãnh đạo phường khi bị " điểm huyệt" lại tỏ ra lúng túng.

Sau khi kiểm tra trực tiếp một vài nơi như vậy, Thủ tướng yêu cầu phải có một bản thông báo soạn sẵn gửi đến từng hộ dân để khi dân đói, khi trở bệnh nặng thì họ biết mà gọi cho ai. Tất cả đều phải có một sự chủ động cần thiết để không vào thế bị lúng túng, bị động.

Từ cái áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng, nghĩ về những quyết sách gần dân - Ảnh 2.

Tại khu nhà trọ Bình Quới A (Bình Dương, Thủ tướng đề nghị người dân gọi đường dây nóng và chờ xem bao lâu y tế tới. Ảnh: VGP.

Đến khi sang thăm và kiểm tra công tác chống dịch tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị một người dân gọi số điện thoại hỗ trợ lương thực của xã nhưng số điện thoại đã tắt. Có trường hợp ông đứng ngay đó để theo dõi cuộc trao đổi, thậm chí hướng dẫn cách hỏi thày thuốc, thì thấy người bệnh có gọi được và thái độ hướng dẫn điều trị của thày thuốc cũng đáng hài lòng. 

Rõ ràng người lãnh đạo phải xuống tận cơ sở để tường tận thực tế cuộc sống. Tôi rất sẻ chia với đội ngũ cán bộ phường xã đang căng mình chống dịch tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là phía Nam. Lúc này, họ đã và đang bị quá tải đến độ rất nghiêm trọng chứ có lẽ cũng không phải hoàn toàn do thiếu trách nhiệm. Nhưng hệ thống là để phục vụ người dân, nhất là trong khủng hoảng. Thủ tướng yêu cầu khi dân thiếu ăn, thiếu mặc, khi họ cần trợ giúp y tế và gọi điện thì phải đáp. Chỉ có như vậy mới tạo dựng được lòng tin cho người dân và phòng chống dịch hiệu quả hơn nữa. 

Tôi được các đồng nghiệp cho hay, có những cơ quan phường, xã có đến già nửa số người F0 . Người ở thể nhẹ, chưa có triệu chứng, tuy phải ngồi nhà cách ly, vậy mà công việc không thể dứt ra nổi vì bộ máy neo người quá… Điều này đã được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận hôm 24/8 mới đây, ông cũng đề cập trước tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước khi nhìn nhận đội ngũ cán bộ địa phương đã hết sức cố gắng…

Chính trong thời gian Thủ tướng còn đang đi thị sát các điểm nóng của đại dịch tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai  hôm 27/8,ông đã thấy có những vấn đề nổi cộm cần xử lý sớm. Vì thế nên Thủ tướng đã ký ngay Công điện về thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người lang thang, cơ nhỡ.

Nội dung công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tại một số địa phương đã xuất hiện người lang thang, cơ nhỡ không có việc làm, không có chỗ ở, không được chăm sóc y tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, gây nguy cơ mắc và lây lan Covid-19.

Quan tâm đến những người này là thể hiện sâu sắc điều chính chúng ta đã nói: Đất nước không bỏ ai lại phía sau! Tôi nhìn trên báo, đài, trên mạng xã hội đưa những cảnh người lạng thang, cơ nhỡ, nghèo khổ được y tế địa phương tiêm vaccine, họ đã khóc trong niềm sung sướng, đến cả người xem, người đọc cũng nghẹn ngào theo, với cảm giác đã ngăn chặn được những mối đe dọa với người yếu thế. 

Rồi khi thăm siêu thị, bệnh viện, nhà máy, Thủ tướng tiếp tục ghi nhận những điều tốt và chưa tốt, để có những chỉ đạo kịp thời, nhất là chính sách bồi dưỡng vật chất thêm cho cán bộ, nhân viên y tế phục vụ chống dịch, và phải làm sao để đảm bảo đủ sức khỏe lâu dài cho anh chị em trong cuộc chiến với Covid-19.

Nếu như các cấp lãnh đạo, các công chức, viên chức nói chung trong hệ thống chính trị của chúng ta không thường xuyên xuống tận cơ sở và từ những thực tiễn như vậy để làm chính sách, đưa ra quyết định thì thật  đáng trách. Phải ghi nhận rằng chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong tất cả các lĩnh vực, kể cả trong đại dịch, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thì mới có một năm bình yên như năm ngoái, hay kiềm chế được dịch ở phần lớn các tỉnh thành. Nhưng chỉ có qua thực tế, chúng ta mới  phát hiện ra những vướng mắc, bất cập để giải quyết hoặc báo cáo lên cấp cao hơn đưa ra những điều chỉnh để chỉ đạo chuẩn xác. Từ đó hệ thống chính trị của chúng ta mới có thể làm tốt hơn công tác phòng chống dịch.

Từ chuyến đi của Thủ tướng, từ thực tiễn trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19" thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp nên nhìn lại những gì dân còn băn khoăn, thắc mắc, thiếu hụt. Nào là việc lưu thông hàng hoá, việc chăm sóc điều trị y tế, các nhiệm vụ an sinh xã hội nhất là nơi tâm dịch, kể cả đi chợ hộ… Chúng ta không thể chỉ ngồi phòng lạnh để làm chính sách. Luôn luôn, không chỉ trong đại dịch, thực tiễn cuộc sống sẽ giúp nhiều chính sách điều hành phù hợp hơn, tích cực hơn và bền vững hơn. 

TRẢ  LỜI CHO CÂU 'KHÔNG LÀM ĐƯỢC GÌ THÌ ĐỪNG CHỈ TRÍCH'

NGUYỄN VI YÊN/ TD 28-8-2021

Xin thưa, “chỉ trích” tức là “làm”.

Thứ nhất, những tiếng nói chỉ trích, phản biện của người dân sẽ giúp soi tỏ các vấn đề nằm ở nhiều ngóc ngách trong xã hội, mà các cơ quan chức năng không thấy, không muốn thấy, hoặc không chịu thấy. Chỉ khi bắt đầu nhận diện được các vấn đề thì chính quyền mới có thể tìm cách giải quyết chúng (nhận diện tới đâu, và giải quyết được hay không, thì còn tùy vào năng lực của chính quyền). Ví dụ, mới đây, sau khi người dân liên tục lên tiếng chỉ trích, Hà Nội đã điều chỉnh quy định về giấy đi đường theo hướng giảm thiểu phát sinh giấy tờ con.

Thứ hai, việc người dân chỉ trích chính quyền sẽ giúp kéo lại cán cân quyền lực trong xã hội, vốn đang rất mất cân đối. Xin nhớ cho, Việt Nam là chế độ chính trị một đảng, không có tam quyền phân lập, cũng không có luật lệ gì cho xã hội dân sự phát triển, báo chí phần lớn lại chịu sự chỉ đạo của đảng, tức là: không có cơ chế đối trọng, kiểm soát, cân bằng.

Việc lên tiếng chỉ trích có thể coi như một trong những phương tiện cuối cùng để người dân tự bảo vệ mình, đồng thời kêu đòi minh bạch, giải trình, và trách nhiệm. Vụ việc năm 2015, khi gần 90.000 công nhân Pouyuen đình công phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, ngay sau đó Thứ trưởng Bộ Lao động Doãn Mậu Diệp đã đến đối thoại với công nhân, và rồi Quốc hội đi tới quyết định sửa đổi Điều 60 này, là một ví dụ điển hình.

Hai ý trên sẽ dẫn đến ý thứ ba như sau, việc chỉ trích sẽ giúp tháo gỡ các ngòi nổ bạo lực. Một khi người dân được tự do lên tiếng để giãi bày uất ức, nhờ đó các cơ quan thẩm quyền có cơ hội tìm hiểu và giải quyết những uất ức ấy – đặc biệt là dưới dạng bức xúc tập thể, thì xã hội mới có thể ngăn chặn được các xung đột bạo lực tiềm tàng. Liên quan đến điểm này, một câu chuyện rất cần được lưu tâm vào thời điểm hiện tại chính là bức xúc gia tăng của người dân ở các khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Long An, nơi dịch bệnh ngày càng nặng nề nhưng lại không được chú ý đủ.

Loạt video người dân phá chốt kiểm soát cách đây vài ngày, được cho là xảy ra ở Tân Uyên, Bình Dương, là một chỉ dấu quan trọng, rằng bạo lực có thể nổ ra ở bất kỳ đâu nếu chính quyền địa phương không kịp thời lắng nghe và giải quyết những khó khăn mà người dân đang gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, lên tiếng chỉ trích chính là một phần của quyền tự do ngôn luận. Công dân có quyền chỉ trích chính quyền mà họ bầu ra, hay ít nhất, chính quyền tự nhận là do dân bầu ra. Và thực hiện quyền là một dạng tham chính. Chừng nào công dân còn lên tiếng chỉ trích, tức là họ còn đang dự phần vào đời sống chính trị bằng tiếng nói của mình, thì chừng đó xã hội còn hy vọng.

Bên cạnh việc không bác bỏ quyền chỉ trích của người khác, chúng ta cũng cần cổ xúy cho những hành động chỉ trích xác đáng và phù hợp, như:

1. Chỉ trích trên tinh thần phi bạo lực, không kêu gọi xung đột bạo lực;

2. Chỉ trích trên tinh thần tôn trọng sự thật, không ngụy tạo thông tin và lan truyền tin giả rồi lấy đó làm cớ để chỉ trích;

3. Chỉ trích trên tinh thần đúng người, đúng việc, tức là tìm hiểu rõ sự việc và xem xét ai là bên chịu trách nhiệm trước khi chỉ trích;

4. Chỉ trích trên tinh thần tôn trọng phẩm giá con người.

Bởi, bên cạnh việc cổ võ cho một xã hội được xây dựng dựa trên nền tảng các quyền, chúng ta cũng cần ủng hộ các nền tảng luân lý, tri thức, và phẩm giá. Chỉ có như vậy, những rạn nứt trong xã hội mới thôi bị khoét sâu, và còn có cơ hội để chữa lành trong tương lai.

Nguyễn Vi Yên

PHẢN BIỆN

NGUYỄN THÔNG/ TD 28-8-2021

Thằng con tôi hỏi phản biện là gì, tôi bảo tao không hơi đâu giải thích tỉ mỉ được, bởi nếu dùng lý luận cao siêu như “người ta” thì có giảng giải, giáo hóa cho mày cả ngày cũng không thủng óc. Vả lại cũng khó, người thì bảo phản biện là góp ý xây dựng, người thì phán là phản động chống đối, chả biết đâu mà lần.

Tôi chỉ dùi đục chấm mắm cáy cho nó dễ hiểu, phản biện nghĩa là có những thứ người ta khen thì mình chê bởi thấy đáng chê, người ta chê thì mình khen bởi đáng khen.

Lấy ví dụ: Thiên hạ nức nở khen ông tân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khi ông tuyên bố “trong thời gian dịch, nếu để một người dân đói tôi sẽ từ chức”, rằng bản lĩnh, tư cách, tử tế, dứt khoát… Khen cũng đáng. Nhưng chính ông Lĩnh và những người khen ổng không hiểu rằng trong cái guồng máy cai trị này, ai cho phép ông từ chức, có muốn từ cũng chẳng được. Đầy đứa lấm bê bết từ đầu xuống chân còn bị làm lãnh đạo, huống hồ người tử tế.

Văn hóa từ chức rất xa lạ, thậm chí là chuyện không tưởng với xứ này. Chỉ có cách chức, buộc thôi chức, ngưng chức, xóa cả các chức nguyên… thì người ta mới chứng tỏ được uy quyền. Để ông từ chức dễ thế, khác gì ông nhổ vào mặt người ta, coi tổ chức không là cái đinh gì. Cứ nhất nhất phải theo nguyên tắc “bắt cởi trần phải cởi trần/cho may ô mới được phần may ô”. Trong thể chế này, đừng tưởng nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt mà được ủng hộ.

Ở xứ dân chủ văn minh, cây cầu bị sập, bộ trưởng giao thông dù không dính trực tiếp nhưng do nó thuộc lĩnh vực mình quản lý nên từ chức ngay, chính phủ duyệt ngay. Còn xứ ta, đường sắt Cát Linh – Hà Đông nằm ườn dạng háng ra đấy mười mấy năm rồi, BOT trấn lột mọc như mụn ghẻ lở khắp nơi, nhưng không có đứa bộ trưởng giao thông nào, hoặc cao hơn, từ chức.

Đơn giản là thể chế không đàng hoàng, cán bộ thiếu tư cách. Phải có đủ cả hai điều kiện tiên quyết ấy thì mới văn hóa văn minh được, chứ mới chỉ một thứ như ông Lĩnh cũng chả đi đến đâu.

HẬU QUẢ CỦA GHÉT PHẢN BIỆN

NGÔ HUY CƯƠNG/ TD 4-9-2021

Việc đã rồi, thôi thì cùng nhau cắn răng vượt qua đại dịch thôi! Chẳng ai muốn cho đất nước mình mắc đại dịch, kể cả khi Nhà nước và nhân dân thiếu sự đồng lòng.

Song có cần rút kinh nghiệm cho tương lai không? Không ai trả lời “không” dù “sợi dây kinh nghiệm đã quá dài” rồi.

Ba đợt dịch trước chúng ta đã tự cho rằng mình chiến thắng. Nhà nước thì vỗ ngực, còn nhân dân thì hoan hỉ (trong đó có tôi) những tưởng phải lập hàng rào để cản “cột điện” khắp nơi trên thế giới ào về. Sướng quá đi!

Trong cuộc vui này, những quan chức của Nhà nước là những người được lợi nhất. Họ lợi cái gì?

Một số ít có thành tích chống dịch thành công đến nỗi tưởng như xua tan cả mây mù đang bao phủ toàn trái đất để mặt trời chói lọi chỉ chiếu rạng trên mỗi đất nước ta. Thật may cho họ, sự chiến thắng này đúng vào lúc mà họ cần thành tích để vững bước leo lên. Đúng là số hưởng!

Số đông được thể hùa vào thi nhau ngợi ca bằng những từ ngữ “đẹp” đến nỗi những nhà văn, nhà thơ ưu tú nhất phải ngượng vì trong suốt sự nghiệp văn thơ của mình, họ cũng khó có thể tìm ra được những từ ngữ khen vỗ thẳng vào mặt mà nghe vẫn sướng vô cùng như vậy.

Nhẽ ra họ không nên khen nhau mà nên cố nghĩ ra những gì để phản biện, nhắc nhở những ai đó có trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh phải cảnh giác và phải tìm ra bằng được những giải pháp cho tương lai trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Rất tiếc không ai muốn trở thành người “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Thế là sau cuộc mừng vui, hoan hỉ với những thắng lợi của một vài công cuộc nào đó, kẻ thù bé nhỏ nhất được ai đó mang tới, lẻn vào.

Uỵch! Choáng! Hốt hoảng và cái chết.

Đừng bao giờ quên phản biện một cách khoa học và thành tâm để cứu lấy mọi người và cứu chính những người ghét phản biện.

Lưu ý:

Quốc hội không gì khác hơn là một nơi phản biện thật sự cho hoạt động cai trị hay quản lý của Chính phủ.

Đừng dễ thỏa mãn với Chính phủ chỉ bởi một câu nịnh là “đồng hành cùng Chính phủ”!

Quốc hội phải rốt ráo kiềm chế, giám sát và phản biện Chính phủ- đó là cái lẽ ra đời của Quốc hội.

Có như vậy thì Chính phủ mới làm tốt được nhiệm vụ của mình.

Ngô Huy Cương

PHẢN BIỆN VÀ CHÊ BAI HOÀN TOÀN KHÁC NHAU

NGUYỄN MẠNH ĐẨU/ TẦM NHÌN 6-9-2021


Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu

TẦM NHÌN- Phản ánh là đặc trưng chung nhất của vật chất dưới mọi hình thức tồn tại. Bao giờ và ở đâu cũng vậy, sự đánh giá, nhận xét, phản biện, tranh luận một cách công tâm, trung thực, thắng thắn, công khai, khách quan trước mọi sự kiện, hiện tượng xã hội là một việc luôn luôn cần thiết.    

Đó là sự phản ánh hiện thực, mang tính cảnh báo, nhận diện xu thế và là một trong những động lực góp

phần điều chỉnh cho sự phát triển. Sự vật, hiện tượng nào cũng đều có tính hai mặt: xấu, tốt. Chỉ khác nhau về phạm vi, tính chất và mức độ. Nói chung, không có cái gì tốt cả hoặc cái gì xấu cả.

Tấm Huân chương nào cũng đều có mặt trái. Đòi hỏi thái độ nhìn nhận phải khách quan, với mục đích chung là mong muốn mọi việc ngày một tốt hơn. Trong xã hội hễ có điều gì bất bình, thì con người ta - bất cứ là ai - đều có quyền đánh giá, nhận xét, phản ánh dưới mọi hình thức.

Hơn hai năm qua, nhất là thời gian gần đây, cả đất nước ta phải gồng mình để chống đại dịch Covid - 19. Tính đến nay, cả nước ta có tới hơn 43, 5 vạn ca nhiễm. Riêng đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021 đến nay là hơn 43, 1 vạn ca. Đã có 21, 7 vạn ca được công bố là khỏi bệnh. Số ca tử vong tính đến nay là hơn 1, 1 vạn người (chiếm tỷ lệ 2, 5 % số ca mắc). Số ca mắc mới ngày mỗi tăng. Ngày 30/8/2021, số mắc mới là 14.224 ca, không biết đã là kỷ lục chưa?!

Tình hình dịch bệnh Covid là mối quan tâm cập nhật thường xuyên của mọi người. Ai ai cũng lo lắng. Số người bị nhiễm dịch, số người tử vong và thiệt hại về vật chất đã là rất lớn. Nhưng chưa ai có thể dự báo được đỉnh điểm của dịch Covid sẽ là thế nào và đến bao giờ kết thúc. Hay là, dịch Covid sẽ song song tồn tại với con người dưới một mức độ nhất định nào đó.

Thiệt hại về dịch bệnh Covid hiện tại đã là rất lớn, nhưng chắc chắn là tác động ảnh hưởng của nó sẽ còn lâu dài đến đời sống xã hội và nền kinh tế đất nước. Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thường xuyên họp, đánh giá tình hình và kịp thời đưa ra những giải pháp cấp thiết.

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, cùng với việc điều hành phối hợp tầm vĩ mô ở “Tổng Hành Dinh”, đã nhiều lần dành thời gian xông xáo, bất chấp nguy hiểm, xuống tận cơ sở, thị sát các trung tâm ổ dịch, thăm hỏi bà con, nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo tại chỗ. Lãnh đạo các cấp, các ngành đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tháo gỡ từng vấn đề trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Theo sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội - chủ yếu là ngành Quân y - đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đến hỗ trợ, chung sức cùng địa phương giúp nhân dân vùng dịch, với nhiều việc làm thiết thực cụ thể, được nhân dân tin tưởng.

Trước tình hình đó, nhiều người trên cương vị phạm vi khác nhau, với truyền thống “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (mọi người dân đều có trách nhiệm trước các vấn đề hệ trọng của đất nước) đã có những kiến nghị, những ý kiến phản biện đến các cấp, các ngành. Nhà nước và các ngành hữu quan cần ghi nhận, nghiên cứu tham khảo các ý kiến xác đáng đó.

Tuy nhiên, trong khi đại dịch Covid đang hoành hành trên một số địa phương và nguy cơ ở nhiều địa phương khác, thì bên cạnh những ý kiến tâm huyết đề xuất hoặc phản biện với trách nhiệm công dân, trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện ý kiến chê bai, dèm pha, dè bỉu, phê phán sự điều hành của chính quyền các cấp và sự tư vấn, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng.


Chê bai "vô tội vạ" chính là phụ lòng những người ngày đêm sát cánh cùng nhân dân chống dịch

Khẩu hiệu: “Chống dịch như chống giặc” là biểu thị quan điểm tư tưởng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể đất nước, nhằm bảo vệ tính mạng nhân dân và giữ vững nền kinh tế - xã hội đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã đương đầu với rất nhiều nhiều loại giặc ngoại xâm khác nhau. Nhưng không có loại giặc nào như“giặc Covid". Bởi, đây là một loại “giặc”  không hình hài, không phân trận tuyến.

Chính nó đã và đang làm khuynh đảo nhiều cường quốc khoa học công nghệ và kinh tế trên thế giới, cướp đi hơn 4 triệu sinh mạng. Coi chống dịch như chống giặc, nhưng chúng ta không vận dụng các hình thức chiến thuật, chiến dịch, chiến lược trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để chống lại đại dịch Covid. Cuộc chiến này chưa có tiền lệ.

Do đó, sự lúng túng cụ thể trong khâu điều hành chung hoặc tổ chức triển khai việc nọ, việc kia ở các cấp, các ngành - Âu cũng là điều dễ hiểu. Khi Chính phủ có chủ trương đưa lực lượng quân đội vào hỗ trợ một số địa phương giúp nhân dân an sinh tại một số ổ dịch trọng điểm, thì có người nói rằng, sinh ra lực lượng quân đội là để sẵn sàng đánh giặc giữ nước, chứ không phải đi chợ tiếp phẩm cho dân, không phải là shipper.

Nhiệm vụ kép lúc này là: Chống dịch không được buông; Cuộc sống chẳng thể dừng. Ở đời, có một hiện tượng thật lạ: Một số người trên thực tế chẳng có tài cán và công đức gì, nhưng họ chê hết mọi thứ từ thượng vàng đến hạ cám. Họ chê bất cứ cái gì, ở đâu, lúc nào.

Họ chê nhiều rồi thành thứ bệnh “nghiện chê”, thành một thói quen không hay. Họ nhìn đời toàn một màu xám. Hễ mở miệng cất lời là chê. Tuồng như, không chê được là bứt rứt, khó chịu. Khi họ chê mà không được người khác cộng hưởng đồng tình, thì tự khắc họ không bằng lòng mà cho rằng: người đối thoại không biết nói chuyện, không phải là chỗ đồng cảm, tâm giao.

Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng bắt người khác phải chịu). Mình không thích nghe người khác chê, thì đừng bắt họ phải nghe lời chê từ mình. Nói chung, con người ta từ đứa trẻ đến các bậc danh nhân đều thích được khen, thích được người khác cho là quan trọng.

Chê bai là làm ngược lại điều đó. Chê bai là khởi thủy của sự mất đoàn kết. Lời dè bỉu, chê bai sẽ thành mồi lửa làm nổ tung kho thuốc súng của lòng tự trọng, tự tôn, tự ái luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Lời nói xấu người khác ở bất cứ đâu cứ như ném một hòn đá lên trời, sau đó sớm muộn lại rơi đúng đầu mình.

Người xưa nói: "Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu". Có nghĩa là, ai đó ngậm máu phun người, thì trước hết đã là làm bẩn miệng mình. Nhiều người đã tổng kết: "Bệnh tật đi vào cơ thể bằng đường miệng. Tai họa lại từ cửa miệng mà ra". Do đó, ở đời đừng xúc phạm, chê bai ai cái gì đó khi không đủ hiểu biết hoặc không liên quan trực tiếp đến bản thân mình.

Tóm lại, phản biện và chê bai là hai hình thức xuất phát từ hai động cơ hoàn toàn trái ngược nhau. Cần tỉnh táo phân biệt giữa việc phản biện nói lên sự thật với sự chê bai. Xuất phát từ động cơ trong sáng, phương pháp thẳng thắn, chân thành phản biện góp ý xây dựng bằng thái độ tinh tế, lịch lãm là điều rất cần thiết. Ngược lại, việc chê bai, xuyên tạc dưới mọi hình thức, cần bị mọi người lên án.

Nguyễn Mạnh Đẩu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét