Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

20210904. KỶ NIỆM QUỐC KHÁNH 2-9-1945

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG TẠI LỄ KỶ NIỆM

 76 NĂM QUỐC KHÁNH

TTXVN / GDVN 1-9-2021
GDVN- Sáng 1/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2021).

Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ và 194 điểm cầu trên thế giới.

Tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

Thưa Ngài Đại sứ Saadi Salama, Trưởng Đoàn Ngoại giao, các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam!

Thưa các đồng chí Đại sứ, Tổng Lãnh sự, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước và các tổ chức quốc tế!

Thưa các đồng chí, các vị khách quý và các bạn!

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí, các vị khách quý và các bạn tại tất cả các điểm cầu trên thế giới tham dự Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cách đây 76 năm, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại cuộc mít tinh trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vững bước trên con đường Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã chọn, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do".

Việt Nam luôn tích cực ủng hộ và phấn đấu, trách nhiệm cho hòa bình, quan hệ bình đẳng và sự phồn vinh ở khu vực và trên thế giới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ".

Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, mở cửa và hội nhập, vượt qua bao khó khăn, thách thức, với sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, hiệu quả của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực: Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng nhanh; từ một nước nghèo, kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là về giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, giáo dục. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Đảng Cộng sản ngày càng trong sạch, vững mạnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng được nâng cao. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được tăng cường.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” ngày càng được củng cố. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng và hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với GDP bình quân đầu người hơn 3.500 USD. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng phát triển vươn lên của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Đồng thời, khẳng định Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, như Ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu ngày 19 tháng 6 năm 2021: “Việt Nam có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại Liên hợp quốc và trong các vấn đề toàn cầu, nhất là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Việt Nam là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực".

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn sự đồng hành, ủng hộ hiệu quả, thiết thực của các quốc gia, bạn bè, các tổ chức và cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thưa các đồng chí và quý vị!

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa với những biến đổi nhanh chóng, khó lường.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong gần hai năm qua gây ra những thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhất là sức khỏe, tính mạng và sinh kế của người dân, làm suy thoái kinh tế toàn cầu; gia tăng thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu an ninh, an toàn…

Bên cạnh đó là những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột tại nhiều khu vực, khủng bố, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số…

Chúng ta đang đứng trước những cơ hội không nhỏ, nhưng đi liền là những thách thức đan xen và ngày càng phức tạp, khó lường.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và với ý chí, tinh thần quật cường của cả dân tộc, Việt Nam đã và đang chung sức, đồng lòng nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho Nhân dân.

Phòng, chống dịch được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong lúc này, với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, trong đó có người nước ngoài đang làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam.

Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh bằng tất cả các biện pháp, đặc biệt là phải nhanh chóng có đủ vắc-xin và tiêm chủng nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả, miễn phí cho toàn dân.

Việt Nam cũng luôn đồng hành, chia sẻ và quan tâm tháo gỡ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, tôi bày tỏ sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà Chính phủ và nhân dân các nước đang gặp phải do đại dịch.

Việt Nam hết sức trân trọng cảm ơn các quốc gia, bạn bè, tổ chức quốc tế đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Việt Nam, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua; trong đó phải kể đến khối lượng lớn vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế mà Việt Nam đã nhận được.

Đồng thời, chúng tôi cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài.

Chúng tôi bày tỏ sự biết ơn và đánh giá cao những nghĩa cử vô cùng cao đẹp này, thể hiện sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ nhau trong khó khăn, là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc sự đoàn kết bền vững giữa Việt Nam và bè bạn khắp năm châu.

Đại dịch sẽ còn kéo dài, diễn biến phức tạp và khó lường. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã hợp tác chặt chẽ rồi phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa! đã gắn bó rồi phải gắn bó hơn nữa! đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa! cùng chung tay, góp sức đẩy lùi đại dịch. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố then chốt, quyết định, nhưng hợp tác quốc tế là quan trọng và đột phá.

Tôi tin tưởng và trân trọng đề nghị các quốc gia và tổ chức quốc tế trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác quốc tế, chia sẻ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm, tài chính, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc điều trị, và đặc biệt là sự hỗ trợ về vắc-xin cho chúng tôi một cách nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể vì với chúng tôi “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất".

Đồng thời, mong muốn các bạn tạo điều kiện cho đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác về giao thông, vận chuyển con người và hàng hóa giữa các nước, không để bị đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Thưa các đồng chí và quý vị!

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn từ nay tới năm 2025, năm 2030 và nhất là tới năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện mục tiêu lớn đó, Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được để phát triển nhanh và bền vững đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Đặc biệt, chúng tôi xác định lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Sự ổn định và phát triển của Việt Nam luôn gắn liền với môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Kiên trì giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đồng thời, Việt Nam mong muốn cùng chung tay giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống; thúc đẩy toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập quốc tế, vì một thế giới xanh, sạch, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp. Từ đầu năm đến nay, các nhà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tham dự, phát biểu tại trên 50 Hội nghị cấp cao trực tuyến và các cuộc điện đàm với Lãnh đạo nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế, khu vực.

Hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao, tiếp tục được chú trọng, tập trung thảo luận, thống nhất về những vấn đề hệ trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới và tại khu vực, trong đó có hợp tác đối phó với dịch bệnh Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề toàn cầu nên chúng ta cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau trong giai đoạn hiện nay.

Thưa quý vị Đại sứ, Đại biện và đại diện các tổ chức quốc tế!

Thưa các đồng chí và quý vị!

Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Việt Nam rất thấu hiểu những khó khăn, xáo trộn trong công việc và cuộc sống của quý vị tại đất nước chúng tôi. Tôi đánh giá cao và cảm ơn sự chia sẻ, tinh thần đoàn kết cũng như vai trò quan trọng của quý vị trong việc thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa Việt Nam với Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế.

Thông qua quý vị, tôi xin gửi tới lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế lời chào trân trọng, lời cảm ơn chân thành, lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi mong sớm có dịp làm việc, trao đổi về những vấn đề chúng ta cùng quan tâm; vì hòa bình, hợp tác và phát triển, vì lợi ích và phồn vinh của các dân tộc trên toàn thế giới.

Người Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”; thử thách này sẽ rèn luyện bản lĩnh của chúng ta. Lịch sử đã chứng minh, trong khó khăn, thách thức và gian nan, tinh thần đoàn kết, tương trợ, chia sẻ là liều thuốc quý để chúng ta cùng nhau đi qua dịch bệnh và tăng cường mối quan hệ hơn nữa.

Phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất cùng cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch bệnh. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch COVID-19; bình minh của cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại.

Trong không khí trang trọng, thân tình, hòa chung niềm vui “Tết Độc lập” với Nhân dân Việt Nam kỷ niệm trọng thể 76 năm Quốc khánh, tôi đề nghị chúng ta cùng nhau một lần nữa khẳng định nỗ lực:

Vì một thế giới hòa bình, ổn định, an toàn và thịnh vượng!

Vì hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh của đất nước và nhân dân Việt Nam!

Vì quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức và bạn bè quốc tế!

Chúc sức khỏe các đồng chí, các vị đại sứ, trưởng cơ quan đại diện nước ngoài và Việt Nam; các quý vị và các bạn!

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Theo TTXVN
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP-Ý CHÍ VÀ KHÁT VỌNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
TTXVN / GDVN 2-9-2021
GDVN- Trải qua 76 năm, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”

Trải qua 76 năm, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế.

Quyền con người gắn liền với quyền dân tộc

Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791.

Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc.

“Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.”

Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Ảnh: TTXVN)

Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau.

Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.

Nghiên cứu về Tuyên ngôn Độc lập, Giáo sư Shingo Shibata (Nhật Bản) cho biết “cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình.”

Bởi vậy, có thể nói Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Và việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”

Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.”

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong những bể máu… Về kinh tế, chúng bóc lột công nhân, nông dân đến tận xương tủy… Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho nhân dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng…”

Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến và đế quốc, giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của nhân dân Việt Nam.

Cuộc đấu tranh đó đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.”

Với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục gói gọn trong hơn 1.000 chữ, Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.

Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” đồng thời nhấn mạnh, “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.”

Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

Với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục gói gọn trong hơn 1.000 chữ, Tuyên ngôn Độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc; soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. (Ảnh: TTXVN)

Mãi trường tồn với thời gian

76 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đặc biệt, những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng.

76 năm đã qua, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn luôn ngời sáng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất, bảo vệ và thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và luật. Với những thành tựu về việc bảo đảm quyền con người (cả trên lĩnh vực đối nội và đối ngoại), Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016).

Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, sau gần 35 năm tiến hành đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam dần được cải thiện, hiện đang thuộc nhóm trung bình cao và đứng thứ 118/189 quốc gia (năm 2019); mức sống chung của người dân từng bước được nâng lên.

Trên khắp phố, phường của Thủ đô Hà Nội được trang hoàng rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, ápphích…chào mừng Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.

Theo TTXVN
MỘT SỐ CHI TIẾT TRONG LỄ ĐỘC LẬP 2-9-1945
PHẠM XUÂN CẦN/ TD 2-9-2021
CT Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Ảnh tư liệu

Từ trước đến nay một số chi tiết trong Lễ Độc lập, ngày 2/9/1945 được một số tài liệu (kể cả sách giáo khoa) viết chưa đúng, nên dẫn đến hiểu sai. Đáng chú ý là:

– Buổi lễ diễn ra vào buổi chiều, không phải buổi sáng.

– Bức ảnh chụp cận cảnh, chính diện Cụ Hồ mặc áo đại cán, đứng trước micro hình tròn, được chú thích Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập thực chất là bức ảnh của một sự kiện khác, diễn ra hơn 10 năm sau đó. Thực tế hôm đó Cụ Hồ mặc áo vét màu vàng, áo sơ mi trắng bên trong, không thắt cravat và có đội mũ. Bức ảnh chụp từ xa, Cụ đội mũ, có che ô, đứng đọc mới chính xác là ảnh Cụ đọc Tuyên ngôn Độc lập.


Bức ảnh thường được chú thích sai. Ảnh tư liệu

– Trong buổi lễ, ngoài Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, còn có các vị Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng trình bày các nội dung khác. Cuối buổi Cụ Hồ còn nói thêm để nhắn nhủ quốc dân.

Báo Trung Bắc Chủ nhật, số ra ngày 9/9/1945 đã tường thuật khá chi tiết và sinh động diễn biến buổi lễ. Chúng tôi xin trích đăng sau đây:

“…mãi đến 2g25 phút giữa tiếng hoan hô dậy trời dậy đất, đoàn ô tô mới tiến đến gần khán đài. Đột nhiên yên lặng, một triệu người nín thở nhìn một người. Người ấy điềm tĩnh bước lên khán đài. Bận một cái áo vàng cũ kĩ và đội một cái mũ lại càng ọp ẹp và cũ kĩ hơn nữa, người ấy nhìn thẳng vào một triệu người đang nhìn mình. Mắt thì sáng ngời, chòm râu đã hoa râm trên một khuôn mặt xương xẩu nhưng cương quyết lạ thường, một sức mạnh hiên ngang đã hiện ra trên bộ quần áo cũ kĩ có lẽ đã nhuốm bao nhiêu sương gió khi người ấy bôn tẩu ở hải ngoại để xây đắp nền độc lập Việt Nam. Người ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài Tiến quân ca vang dậy và cờ đỏ sao vàng được kéo lên cột cờ. Tiếp đó Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của đất nước Việt Nam cho 25 triệu đồng bào và với tất cả thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập!”.


Bài trên báo Trung Bắc tân văn. Ảnh tư liệu

Lời tuyên bố vừa rứt một triệu người hoan hô chủ tịch.

Đúng 2 giờ 40 phút Chính phủ tuyên thệ sẽ dìu dắt 25 triệu dân của nước Cộng hòa Dân chủ đến một cuộc đời sống hoàn mỹ.

Tiếp đó đến ông Võ Nguyên Giáp lên diễn đàn nói về sự đoàn kết của dân ta nhất định chống lại một cuộc xâm lăng nào! Bài diễn văn của ông luôn luôn bị công chúng ngắt đứt để vỗ tay hoan hô.

Hồi 3 giờ 30 phút ông Trần Huy Liệu nói về công việc của ông vào Thuận Hóa nhận việc thoái vị của vua Bảo Đại, ông thuật qua lại những đoàn biểu tình nhiệt liệt hoan hô chính phủ suốt từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa và những chi tiết trong việc vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao ấn kiếm cho ông, tức là ủy viên của Chính phủ lâm thời Việt Nam. Đúng 3 giờ 20 phút ông Trần Huy Liệu trao ấn kiếm bằng vàng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chủ tịch dơ lên cho quốc dân xem. Khi chiếc ấn và chiếc kiếm vàng dơ lên lấp lánh dưới ánh mặt trời gay gắt thì quốc dân reo hò ầm ĩ. Nền quân chủ 400 năm nay đè nén dân chúng Việt Nam bây giờ mới bị xụp đổ.

Sau khi ông Nguyễn Lương Bằng nói qua về sự quả quyết của Mặt trận Việt Minh, tiến lên đi để tận tụy làm việc cho quốc dân, thì hồi 3 giờ 35 phút quốc dân Việt Nam hồi hộp thề trước Chính phủ rằng sẽ trung thành với Chính phủ và không bao giờ giúp gặc Pháp để chân lên trên đất này và sẵn sàng diệt hết các cuộc xâm lăng.

CT Hồ Chí Minh bước từ trên lễ đài xuống khi buổi lễ kết thúc. Ảnh tư liệu

Chương trình chấm hết. Trước khi giải tán cuộc biểu tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn quốc dân mấy lời chót:

“Của quý nhất của quốc dân của thế giới là sự độc lập. Giờ đây chúng ta đã được độc lập rồi, chúng ta phải cố giữ gìn lấy. Tất cả quốc dân phải đoàn kết lại, xin đồng bào chớ vội tin rằng đã thái bình hẳn. Chúng ta sẽ còn phải vượt qua nhiều sự gian lao, đau khổ hơn nữa, đồng bào hãy ủng hộ Chính phủ, sau này sẽ còn nhiều cuộc khánh chúc thắng lợi nữa”.
Và cuộc biểu tình chấm rứt hồ 3 giờ 45 phút”.

Phạm Xuân Cần

HỌC CỤ HỒ

NGUYỄN THÔNG/ TD 2021

PHẦN 1 (12/6/2021)

Triều đình hôm nay (12.6) mất đúng nửa ngày để bàn nhắc chuyện học Cụ. Tivi thời sự hôm nay mất đúng 21 phút chỉ để nhà lý luận số 1 răn đe về thái độ học Cụ. Khiếp.

Sau khi “Người” qua đời năm 1969, dưới sự lãnh đạo của đảng, nhất là ban tuyên giáo, đã ra đời những câu khẩu hiệu về cụ Hồ, khiến cộng đồng xã hội luôn có cảm giác cụ mất nhưng vẫn còn, cụ luôn bên cạnh mọi người, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Lúc đầu là câu “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Câu này hồi cuối năm 1969 và những năm nửa đầu thập niên 1970, đi bất cứ đâu cũng bắt gặp. Viết lên tường, khắc lên đá, vẽ lên vải, đắp trên núi, chỗ nào cũng thấy. Hồi ấy chưa có lăng cụ, nên chính quyền và dân chúng tưởng nhớ đến cụ bằng khẩu hiệu. Cứ nhìn vào câu khẩu hiệu là tự dưng có cảm giác “Bác vẫn trên cao vẫy gọi mình”.

Câu nữa về cụ Hồ cũng nổi tiếng không kém, được đưa ra vào năm 1990 khi chế độ khơi dậy phong trào học tập tấm gương Cụ. Năm ấy kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ, nhưng cũng là thời kỳ đội ngũ cán bộ nẩy sinh nhiều hư hỏng, thoái hóa, không còn xứng đáng là người vừa hồng vừa chuyên mà cụ từng căn dặn. Câu khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” từng xuất hiện hồi thập niên 1980 được đổi thành “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”. Không dàn trải sống, chiến đấu, lao động… nữa, giờ chỉ là học tập và làm theo thôi. Mà cũng không học không theo nhiều thứ, chỉ tập trung vào lối sống, đạo đức thôi.

Những người cầm đầu bộ máy cai trị đã thấy lỗ hổng nguy hiểm và cũng là mối nguy cực kỳ tai hại: sự tha hóa của cán bộ về đạo đức. Tài mấy đi chăng nữa, không có đức thì cũng vứt. Chế độ tồn hay vong cũng ở chỗ này. May còn biểu tượng cụ Hồ, lấy ra làm tấm gương để học, để cứu rỗi chế độ.

Chỉ có điều vài chục năm trước, sự học ấy còn có ý nghĩa, hiệu quả, chứ về sau càng ngày cán bộ càng hỏng, học chẳng vào, chẳng mấy tác dụng. Điều thấy rõ nhất là trung ương có cả ban chỉ đạo việc học theo gương Cụ, tới thời điểm hiện thời vẫn tổ chức học hăng say, bằng chứng là hôm nay tổng kết 5 năm đó, nhưng chưa bao giờ cán bộ tham nhũng, đổ đốn, hư hỏng, tệ hại, tha hóa đạo đức như bây giờ. Những vụ cán bộ thượng cấp bị chính đảng mà họ là thành viên lôi ra hành tội ngày càng nhiều. Cụ cũng không cứu nổi.

Cộng sản là lực lượng chống phong kiến, đả Khổng Tử (biểu tượng của chế độ phong kiến) tợn nhất nhưng chính cộng sản lại đi vào vết mòn của Khổng, chủ trương lấy lễ để cai trị và xây dựng con người, xem thường luật pháp. Không lo soi sáng pháp chế, không lấy luật pháp tử tế làm sự nghiêm minh, không xây dựng kỷ cương, không dùng người tài giỏi, mà chỉ lý luận suông, nói như vẹt, kết bè kéo cánh, miệng lưỡi trơn tuột… thì dù có phát động đội ngũ học tấm gương đạo đức của cụ Hồ suốt đời cũng chỉ tạo ra những tầng lớp, thế hệ lãnh đạo (gọi chung là cán bộ, đảng viên) đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật, rốt cuộc cũng chỉ là đồ bỏ đi, dân nước chẳng trông đợi được gì.

Dù có làm một trăm cái lễ tổng kết, lên tivi một nghìn phút kể lể rao giảng răn đe thì cũng chỉ là nói suông, màu mè, học hình thức, chứ thực chất chỉ làm trái Cụ, ngược với Cụ. Tôi sẽ chỉ rõ điều ấy ở phần 2.

Nguyễn Thông

PHẦN 2 (23/6/2021)

Hồi bé tôi được nghe, lớn lên được đọc khá nhiều về cụ Hồ. Khi cụ mất (năm 1969) tôi đã học xong cấp 2. Thày (bố) tôi là người kính trọng cụ nên tôi cũng giống thày tôi. Tôi nghe kể nhà nước dành chiếc ô tô do Liên Xô tặng cho cụ đi công tác, khi chiếc Pobeda ấy hơi cũ người ta đề nghị cụ cho đổi xe mới Volga đen (loại thượng đẳng lúc bấy giờ) nhưng cụ không đồng ý, bảo vẫn chạy được thì chả cần đổi, vả lại cần làm gương về sự tiết kiệm trong khi nước còn nghèo, dân còn khổ. Cụ dùng cái xe đó cho đến khi mất, trong khi rất nhiều ông bà đệ tử của cụ vênh váo trên Volga đen bóng nhoáng.

Thời ấy, khi cụ còn sống, mà họ còn thế, huống hồ bây giờ họ có biết sợ ai. Bao năm nay, hậu sinh của cụ luôn kêu gào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng trên thực tế họ chỉ ép dân học chứ bản thân học giả vờ. Bà con thử nhác xem xe họ sử dụng để thấy học thế nào. Tinh những xe trị giá mấy tỉ đồng, mà thay đổi xoành xoạch. Lại còn tự đặt ra quy định cỡ nào được quyền dùng xe xịn mức nào, ai được xài xe công cho đến chết… Xe Lexus 570 mà Trịnh Xuân Thanh dùng chả là cái đinh gì so với xe của mấy ông học giả vờ này. Nhà báo nào rảnh rỗi, cứ chụp cho dân coi cái ảnh về thứ xe các ông bà từ thứ trưởng, bộ trưởng, trưởng ban đảng trở lên tới hàng tam trụ tứ trụ… dùng hằng ngày là rõ ngay sự giả vờ ấy.

Tôi hoàn toàn nhất trí việc học theo gương tiết kiệm giản dị của cụ Hồ, nhưng trước hết các ông bà ấy cần phải làm gương. Lúc nào cũng kêu gào, xoen xoét cái mồm “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, vậy hãy đi, hãy dùng cái xe do tập đoàn Trường Hải sản xuất lắp ráp xem nào, thực hiện người Việt dùng hàng Việt xem nào. Còn nếu không làm được thì nên chấm dứt cuộc vận động đó đi, để dân chúng tự giác học cụ, chứ nói một đằng làm một nẻo khó coi lắm.

Nhân vụ xe, có nhẽ nói thêm tí chút. Tôi đã trực tiếp đến nhà máy ô tô Chu Lai – Trường Hải, thấy công nghệ hiện đại không khác gì những trùm sò về ô tô trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc (mà tôi ngó trên tivi). Chất lượng xe Trường Hải được khẳng định tương đương xe Nhật, Hàn. Hà cớ gì những ông bà ngôi cao cứ đòi xe Đức, Nhật… mà rẻ rúng đồ tốt của nước mình. Hãy học những nhà lãnh đạo quốc gia ở Ấn Độ hoặc Hàn Quốc ấy. Không phải họ không mua được xe Nhật, Đức, Mỹ nhưng họ, từ tổng thống, thủ tướng trở xuống, chỉ xài xe nội địa để làm gương.

Nhân đây cũng nói luôn, những bố nào cứ thò ra đường là chễm chệ chĩnh chiện trên ô tô xịn của ngoại còn mồm lại khuyên dân chúng dùng hàng nội, thích ngự ô tô nhưng lại gào phải hạn chế xe máy để giảm ùn tắc giao thông, thì tôi khinh. Đâu có cái thói rởm đời, nhố nhăng, giả dối thế được.

Nguyễn Thông

PHẦN 3 (2-9-2021)


Ông Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm cụ Hồ sáng 2.9.2021. Ảnh: TTXVN

Hôm nay 2.9, tính theo lịch tây là ngày mất của cụ Hồ, vào năm 1969. Theo kiểu chọn kỵ nhật (ngày giỗ) lịch ta từ xưa tới giờ xứ mình vẫn dùng, thì cúng vào 21.7 âm lịch. Cũng hơi lạ và hiếm, bởi thường cúng tây luôn đi trước cúng ta, năm nay lại cúng ta trước cúng tây những 6 ngày.

Muốn bổ sung những hiểu biết về cụ Hồ, không cần phải quanh năm suốt tháng miệt mài tìm tòi, chỉ cần đọc báo coi tivi vào 2 dịp chính, ngày 19.5 và ngày 2.9 thì vô thiên khênh. Đủ cả thực hư, chuyện người thật việc thật cũng như truyền thuyết. Tôi có ông bạn, cứ tới ngày cụ sinh cụ mất hằng năm cũng kiếm được mớ nhuận bút khá khá. Ngoài những dịp “lễ trọng” ấy, nhà cai trị còn tổ chức thường xuyên công cuộc “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, yêu cầu tất cả mọi người, nhất là cán bộ đảng viên phải thấm nhuần. Đó cũng là thứ tiêu chuẩn quan trọng để phân loại, đánh giá phẩm chất con người trong bộ máy cai trị.

Đã đặt ra thì phải thực hiện. Càng người “trên” càng phải gương mẫu thực hiện. Không thể cứ nói một đằng làm một nẻo. Không thể để cho người “dưới” xì xào “tại trên ngồi chẳng chính ngôi/để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn”. Đừng lâu lâu ban kiểm tra trung ương lại kết luận tổ chức này cá nhân nọ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín…

Bản thân tôi học cụ Hồ từ khi cụ còn sống, chứng kiến thiên hạ học cụ như thế nào. Thôi thì tạm gác lại những điều cao xa, chẳng hạn lý tưởng, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc (học những thứ ấy của cụ phải học cả đời, khó học, không thể một sớm một chiều có kết quả), hãy học cụ ở những việc giản dị gần gũi dễ làm nhất, liên quan tới lối sống, phẩm chất, đạo đức, phong cách, thái độ. Học từng điều, qua từng việc, qua chính sự tuyên truyền của nhà nước.

Ai cũng biết, sau khi được bầu làm chủ tịch nước, cụ Hồ về sống và làm việc ở Phủ chủ tịch. Đó là tòa nhà to đẹp nhất xứ Đông Dương, nơi ở và làm việc của toàn quyền Đông Dương. Cụ đã quyết dọn xuống căn nhà khi xưa Pháp xây dành cho người thợ điện, ở đó suốt bao năm ròng, không màng tòa dinh, lâu đài hoành tráng kia. Vậy tôi xin hỏi, các ông bà, từ tổng bí thư, chủ tịch nước giở xuống, các vị đã ai dám từ chối đặc quyền nhà cửa đương nhiên được hưởng như cụ Hồ chưa? Hay cứ phải cả chỗ ở lẫn nơi làm việc càng hoành tráng uy nghi càng thích.

Người ta kể chiếc xe ô tô Pobeda cụ Hồ đi, đi mãi tới khi già nua xọc xạch. Tổ chức, cụ thể và văn phòng, ban quản trị trung ương nhiều lần đòi thay, cụ bảo còn chạy được thì cần gì phải thay. Chú nào đi xe Volga, Moskovic cứ kệ chú ấy, bác không thay. Cụ đã muốn thì có mà trời đổi. Vậy tôi xin hỏi, các ông bà, có ai học gương cụ, dám “chê” xe sang chưa, hay cứ phải cưỡi ngự trên chiếc cả nghìn con trâu mới hả lòng, thậm chí còn đòi xe chống đạn, siêu xe.

Cũng theo lời kể của chính bộ máy tuyên truyền (chứ ai vào tận nơi cụ mà tỏ được), cụ Hồ ăn uống rất giản dị, những món ăn bình dân, thậm chí đi kinh lý đâu cũng chỉ đem theo cơm nắm muối vừng. Vậy xin hỏi, các ông bà quan lớn đã ai dám chê cơm tiểu táo, xua tay với sơn hào hải vị như cụ Hồ?

Đi công tác bất cứ địa phương nào, thăm cơ quan xí nghiệp, trận địa, thăm hỏi nhà dân…, cụ Hồ đều lặng lẽ, không mấy khi báo trước, không băng rôn cờ quạt, không trống giong cờ mở, không đàn lũ đệ tử theo hầu, không bệ vệ trịnh trọng lễ đài này nọ, thậm chí còn đi lối tắt, cửa sau để đỡ làm phiền cấp dưới. Xin hỏi, ai, ai, những ai trong các vị đã học được cụ điều này, chứ riêng tôi thấy không ai cả, kể cả ông tổng bí thư.

Cụ Hồ sinh hoạt đời thường rất giản dị, tấm áo manh quần đều cũ kỹ, mặc tới khi sờn, đôi dép đôi giày cũng đi tới vẹt gót, đồ đạc cá nhân chả sắm sửa bao nhiêu. Vậy xin hỏi, các ông bà học được gì ở cụ điều này, hay là miệng kêu gào học cụ nhưng quần áo dài phải vài trăm bộ, chiếc ghế ngồi họp cũng phải cao hơn những ghế khác trong phòng?

Trước khi mất, cụ Hồ dặn dò thật kỹ các bề tôi đừng “tổ chức thờ cúng điếu phúng linh đình làm lãng phí tiền bạc của nhân dân”, cứ hỏa thiêu, tro đem rải khắp 3 miền, đừng lăng mộ gì sất để tốn kém tốn đất. Bề tôi chẳng những không làm theo lời “cha già” mà còn ngược lại, sau đó lại còn vẽ ra chuẩn quốc tang cho chính mình rất linh đình tốn kém, chiếm dụng đất đai làm lăng xây mộ, thậm chí tới mấy chục nghìn mét vuông, còn hơn vua chúa thời xưa. Xin hỏi, trong các ông bà có ai dám học cụ Hồ sự này, hay thích theo tấm gương Trần Đại Quang, Đỗ Mười hơn?

Hôm nay 2.9, tính theo lịch tây là ngày mất của cụ Hồ, vào năm 1969. Theo kiểu chọn kỵ nhật (ngày giỗ) lịch ta từ xưa tới giờ xứ mình vẫn dùng, thì cúng vào 21.7 âm lịch. Cũng hơi lạ và hiếm, bởi thường cúng tây luôn đi trước cúng ta, năm nay lại cúng ta trước cúng tây những 6 ngày.

Muốn bổ sung những hiểu biết về cụ Hồ, không cần phải quanh năm suốt tháng miệt mài tìm tòi, chỉ cần đọc báo coi tivi vào 2 dịp chính, ngày 19.5 và ngày 2.9 thì vô thiên khênh. Đủ cả thực hư, chuyện người thật việc thật cũng như truyền thuyết. Tôi có ông bạn, cứ tới ngày cụ sinh cụ mất hằng năm cũng kiếm được mớ nhuận bút khá khá. Ngoài những dịp “lễ trọng” ấy, nhà cai trị còn tổ chức thường xuyên công cuộc “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, yêu cầu tất cả mọi người, nhất là cán bộ đảng viên phải thấm nhuần. Đó cũng là thứ tiêu chuẩn quan trọng để phân loại, đánh giá phẩm chất con người trong bộ máy cai trị.

Đã đặt ra thì phải thực hiện. Càng người “trên” càng phải gương mẫu thực hiện. Không thể cứ nói một đằng làm một nẻo. Không thể để cho người “dưới” xì xào “tại trên ngồi chẳng chính ngôi/để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn”. Đừng lâu lâu ban kiểm tra trung ương lại kết luận tổ chức này cá nhân nọ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín…

Bản thân tôi học cụ Hồ từ khi cụ còn sống, chứng kiến thiên hạ học cụ như thế nào. Thôi thì tạm gác lại những điều cao xa, chẳng hạn lý tưởng, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc (học những thứ ấy của cụ phải học cả đời, khó học, không thể một sớm một chiều có kết quả), hãy học cụ ở những việc giản dị gần gũi dễ làm nhất, liên quan tới lối sống, phẩm chất, đạo đức, phong cách, thái độ. Học từng điều, qua từng việc, qua chính sự tuyên truyền của nhà nước.

Ai cũng biết, sau khi được bầu làm chủ tịch nước, cụ Hồ về sống và làm việc ở Phủ chủ tịch. Đó là tòa nhà to đẹp nhất xứ Đông Dương, nơi ở và làm việc của toàn quyền Đông Dương. Cụ đã quyết dọn xuống căn nhà khi xưa Pháp xây dành cho người thợ điện, ở đó suốt bao năm ròng, không màng tòa dinh, lâu đài hoành tráng kia. Vậy tôi xin hỏi, các ông bà, từ tổng bí thư, chủ tịch nước giở xuống, các vị đã ai dám từ chối đặc quyền nhà cửa đương nhiên được hưởng như cụ Hồ chưa? Hay cứ phải cả chỗ ở lẫn nơi làm việc càng hoành tráng uy nghi càng thích.

Người ta kể chiếc xe ô tô Pobeda cụ Hồ đi, đi mãi tới khi già nua xọc xạch. Tổ chức, cụ thể và văn phòng, ban quản trị trung ương nhiều lần đòi thay, cụ bảo còn chạy được thì cần gì phải thay. Chú nào đi xe Volga, Moskovic cứ kệ chú ấy, bác không thay. Cụ đã muốn thì có mà trời đổi. Vậy tôi xin hỏi, các ông bà, có ai học gương cụ, dám “chê” xe sang chưa, hay cứ phải cưỡi ngự trên chiếc cả nghìn con trâu mới hả lòng, thậm chí còn đòi xe chống đạn, siêu xe.

Cũng theo lời kể của chính bộ máy tuyên truyền (chứ ai vào tận nơi cụ mà tỏ được), cụ Hồ ăn uống rất giản dị, những món ăn bình dân, thậm chí đi kinh lý đâu cũng chỉ đem theo cơm nắm muối vừng. Vậy xin hỏi, các ông bà quan lớn đã ai dám chê cơm tiểu táo, xua tay với sơn hào hải vị như cụ Hồ?

Đi công tác bất cứ địa phương nào, thăm cơ quan xí nghiệp, trận địa, thăm hỏi nhà dân…, cụ Hồ đều lặng lẽ, không mấy khi báo trước, không băng rôn cờ quạt, không trống giong cờ mở, không đàn lũ đệ tử theo hầu, không bệ vệ trịnh trọng lễ đài này nọ, thậm chí còn đi lối tắt, cửa sau để đỡ làm phiền cấp dưới. Xin hỏi, ai, ai, những ai trong các vị đã học được cụ điều này, chứ riêng tôi thấy không ai cả, kể cả ông tổng bí thư.

Cụ Hồ sinh hoạt đời thường rất giản dị, tấm áo manh quần đều cũ kỹ, mặc tới khi sờn, đôi dép đôi giày cũng đi tới vẹt gót, đồ đạc cá nhân chả sắm sửa bao nhiêu. Vậy xin hỏi, các ông bà học được gì ở cụ điều này, hay là miệng kêu gào học cụ nhưng quần áo dài phải vài trăm bộ, chiếc ghế ngồi họp cũng phải cao hơn những ghế khác trong phòng?

Trước khi mất, cụ Hồ dặn dò thật kỹ các bề tôi đừng “tổ chức thờ cúng điếu phúng linh đình làm lãng phí tiền bạc của nhân dân”, cứ hỏa thiêu, tro đem rải khắp 3 miền, đừng lăng mộ gì sất để tốn kém tốn đất. Bề tôi chẳng những không làm theo lời “cha già” mà còn ngược lại, sau đó lại còn vẽ ra chuẩn quốc tang cho chính mình rất linh đình tốn kém, chiếm dụng đất đai làm lăng xây mộ, thậm chí tới mấy chục nghìn mét vuông, còn hơn vua chúa thời xưa. Xin hỏi, trong các ông bà có ai dám học cụ Hồ sự này, hay thích theo tấm gương Trần Đại Quang, Đỗ Mười hơn?

Đừng có ai giải thích với dân rằng thời cụ Hồ còn thiếu thốn, không vật chất đầy đủ như thời nay nên so sánh là khập khiễng. Xin thưa, ở địa vị cụ Hồ, muốn gì cũng có, ăn gan rồng cũng được. Khác nhau là ở cái tâm cái đức, bản chất con người.

Chuyện về gương cụ Hồ nhiều lắm, không phải do tôi bịa ra mà do chính bộ máy tuyên truyền của nhà nước xây dựng. Chỉ là dân nhãi nhưng trong đời mình, qua sách vở và rỉ tai, tôi học được ở idol Hồ nhiều điều, sống tốt tới giờ. Nay thấy đảng, nhà nước, hệ thống chính trị kêu gọi học cụ Hồ, bữa ni đúng giỗ dương cụ, tôi chỉ xin hỏi lại, những điều tốt của cụ nêu ở trên, có ông bà nào học được. Nếu tự tin cho rằng mình như thế, hãy mạnh dạn giơ tay lên cái coi.

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét