Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

20210909. VỤ KHỦNG BỐ KINH HOÀNG 11-9-2001 TẠI MỸ

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

GIẢI MÃ NHỮNG KHÍA CẠNH QUÂN SỰ CỦA VỤ KHỦNG BỐ 11-9-2001

NGUYÊN PHONG/ VNN 8-9-2021

Chúng ta hãy cùng xem xét những khía cạnh quân sự được phân tích sau đây về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ.

Ngày 11/9/2001, tổ chức khủng bố al-Qaeda đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ, làm gần 3.000 người thiệt mạng. Đây là cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Dưới góc độ quân sự, cuộc tấn công đã đặt ra một số vấn đề sau đây.

Khủng bố từ trên trời

Trong sự kiện ngày 11/9, những kẻ khủng bố đã bắt cóc máy bay dân dụng và điều khiển chúng bay thẳng vào mục tiêu. Nhóm khủng bố đã thành công trong việc điều khiển bốn “quả bom” bay trong không phận nước Mỹ, ba chiếc trong số đó đã nhằm trúng mục tiêu đã định mà không hề bị ngăn cản.

Giải mã khía cạnh quân sự của vụ khủng bố 11/9/2001
Vụ tấn công tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố New York hôm 11/9/2001. Ảnh: AP

Vấn đề rút ra là việc để mất ưu thế trên không dù trong giây lát, cũng đủ dẫn đến tổn thất khủng khiếp.

Đây được xem là một nguyên tắc bất di bất dịch, là một yếu tố quyết định trong hành động tác chiến đường không. Cướp máy bay không chỉ là một hành động khủng bố có liên quan đến dân thường mà là một hành động tấn công trực tiếp vào ưu thế trên không.

Hàng loạt mục tiêu quan trọng

Những kẻ khủng bố đã thực hiện tấn công đồng thời bốn mục tiêu ở vùng ven biển phía đông nước Mỹ. Hai chiếc máy bay đầu đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố New York, nơi có rất nhiều ngân hàng và các công ty tài chính.

Chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc, tổ hợp quân sự khổng lồ gồm trụ sở Bộ Quốc phòng, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, các quân chủng Không quân, Hải quân, Lục quân, Hải quân đánh bộ, Lực lượng Bảo vệ bờ biển cùng hàng trăm cơ quan, trung tâm tác chiến có vai trò hết sức quan trọng đối với việc điều hành, quản lý các lực lượng vũ trang Mỹ.

Chiếc máy bay thứ tư (rơi xuống vùng Pennsylvania) được xem là nhằm vào Nhà Trắng hay trụ sở Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol. Nhà Trắng là nơi ở và làm việc của tổng thống, người đứng đầu chính quyền liên bang, người nắm quyền quyết định chính sách cấp cao nhất của nước Mỹ. Quốc hội, bao gồm cả Hạ viện và Thượng viện, là cơ quan lập pháp và chịu trách nhiệm kiểm soát hành động của chính phủ Mỹ.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hành động khủng bố chủ ý nhằm vào: (1) cơ cấu kinh tế của nước Mỹ và nền thương mại thế giới, (2) giới lãnh đạo chính trị, quân sự của nước Mỹ và (3) dân thường. Sự lựa chọn những mục tiêu này khiến người ta liên tưởng đến nguyên tắc quen thuộc trong tác chiến của không quân nhiều nước. Đó là thực hiện oanh tạc dữ dội vào dân thường và các thành phố lớn nhằm tác động tâm lý đến người dân và làm lung lay chính phủ đối phương.

Rõ ràng, với việc lựa chọn mục tiêu là các cơ quan đầu não chính trị, quân sự và kinh tế của nước Mỹ; với ý đồ làm tê liệt một quốc gia ở tầm chiến lược, hoạt động của chủ nghĩa khủng bố đã bước sang một thời đại mới, và đó thực sự là một hành động chiến tranh nhằm mục đích chiến lược. 

Tác chiến đường không phi đối xứng

Cuộc tấn công ngày 11/9/2001 đánh dấu sự xuất hiện một dạng đối đầu phi đối xứng trong tác chiến đường không, mà đặc điểm của nó là né tránh sức mạnh quân sự truyền thống và có thể làm cho lực lượng không quân quy ước bị bất ngờ và gặp khó khăn trong việc đối phó.

Tác chiến phi đối xứng là một thách thức lớn đối với các lực lượng quân sự quy ước khi phải thích ứng với chiến tranh du kích kiểu mới, nhưng vẫn phải duy trì mọi khả năng tiến hành chiến tranh thông thường. Hơn nữa, những kẻ thực hiện tiến công phi đối xứng thường ẩn náu trong cư dân cũng như trong các tổ chức xã hội và kinh tế, do đó những biện pháp đối phó bằng lực lượng quân sự phải nhằm đúng mục tiêu và được tính toán sao cho có thể tránh những thương vong, tàn phá ngoài ý muốn.

Hiện thời, cách đối phó của an ninh hàng không nhiều nước đối với những hành động tác chiến đường không phi đối xứng còn rất mơ hồ và lúng túng. Chẳng hạn, có quy định cấm mang theo lên máy bay một số loại vật dụng như bấm móng tay hay dao nhíp, trong khi đó dây ni-lông thông thường, bút hay thẻ tín dụng là những thứ có lẽ còn nguy hiểm hơn, thì có thể mang vô tư. Trong tình hình này, các nhà chức trách dân sự, quân sự, công nghiệp và hàng không cần tìm ra cách tiếp cận mới, phi đối xứng để đối phó hiệu quả với những mối đe doạ tiềm tàng từ trên không.

Những sự kiện “kiểu 11/9/2001” có thể được xem như một dạng thức tác chiến đường không phi đối xứng, đặt ra nhiều vấn đề mới cho lực lượng bảo vệ, phòng thủ.

Quan trọng nhất, để mất quyền kiểm soát vùng trời, dù chỉ trong vài phút, cũng có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Phải nhanh chóng giành lại thế chủ động, phải kiểm soát vùng trời chặt chẽ hơn, phải sử dụng các phương tiện mới để duy trì ưu thế trên không.

Không quân phải phối hợp cùng với cảnh sát và các cơ quan an ninh khác có biện pháp thích ứng và tìm ra các phương án hành động phi đối xứng mới, vượt khỏi tư duy truyền thống về tác chiến đường không. Như vậy, mới có thể ngăn ngừa và đối phó hiệu quả với tiến công khủng bố bằng máy bay và hành động khủng bố nói chung.

Nguyên Phong

JOE BIDEN LỆNH CÔNG BỐ TÀI LIỆU GIẢI MẬT VỀ VỤ KHỦNG BỐ 11/9

TUẤN ANH/ 4-9-2021

Nhà Trắng thông báo sẽ bắt đầu giải mật tài liệu liên quan các vụ tấn công khủng bố Mỹ ngày 11/9/2001 và công bố chúng trước cuối năm nay theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, nhân kỷ niệm 20 năm thảm kịch.

Trong tuyên bố phát đi ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đã ký sắc lệnh "chỉ đạo Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khác giám sát việc xem xét giải mật các tài liệu về những cuộc điều tra vụ 11/9 của Cục điều tra liên bang (FBI). Sắc lệnh yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp phải công khai các tài liệu đã giải mật trong 6 tháng tới".

Ông Biden lệnh công bố tài liệu giải mật về thảm họa khủng bố 11/9
Bọn không tặc dùng máy bay mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines lao thẳng vào tòa tháp thứ 2 của Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Mỹ ngày 11/9/2001. Ảnh: AP

Theo Sputnik, Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 8 đã cam kết sẽ tiến hành cuộc khảo cứu tài liệu nhằm đáp ứng kiến nghị của các gia đình nạn nhân suốt nhiều năm qua. Hồi đầu tháng trước, 1.800 người sống sót cũng như gia đình của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ 11/9 đã yêu cầu Tổng thống Biden không tham gia các sự kiện tưởng niệm sắp tới nếu ông không thực hiện lời hứa khi còn vận động tranh cử về việc sẽ công bố những tài liệu như vậy.

Vào ngày 11/9/2001, 19 tên không tặc thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã cướp 4 máy bay, rồi lái hai trong số chúng đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, đâm một máy bay thứ 3 vào Lầu Năm góc ở Arlington, bang Virginia và khiến chiếc máy bay còn lại lao xuống từ bầu trời phía nam Pennsylvania khi các hành khách dũng cảm cố gắng giành lại quyền kiểm soát nó. Khoảng 2.977 người đã thiệt mạng và hơn 25.000 nạn nhân bị thương trong các vụ tấn công khủng bố nói trên.

Sau sự cố đẫm máu, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã yêu cầu chính quyền Taliban ở Afghanistan phải giao nộp các thủ lĩnh Al-Qaeda chịu trách nhiệm về các vụ tấn công, kể cả trùm khủng bố Osama bin Laden. Khi Taliban cho biết cần bằng chứng về tội ác của Bin Laden trước khi giao nộp hắn, ông Bush đã tuyên bố Washington sẽ không đàm phán với khủng bố và điều quân tiến đánh Afghanistan, mở màn cuộc chiến kéo dài 20 năm qua ở quốc gia Nam Á.

Bắt đầu từ năm 2002, Quốc hội Mỹ đã thành lập một ủy ban điều tra quy mô lớn để xem xét các vụ tấn công khủng bố cũng như những thất bại tình báo dẫn đến sự kiện. Báo cáo của Ủy ban 11/9 được công bố vào năm 2004 nhưng vấp phải nhiều chỉ trích vì không phơi bày đầy đủ nhiều thất bại của cả lực lượng tình báo trong và ngoài nước liên quan đến thảm kịch.

Các thông tin sau đó chỉ được công bố ở mức nhỏ giọt. Ví dụ, vào năm 2019, gia đình của các nạn nhân được Bộ Tư pháp cho biết danh tính của một trong hai nhân vật có liên hệ với chính phủ Ảrập Xêút, vốn từng bị xóa tên trong một bản ghi nhớ nội bộ năm 2012 của FBI. Thực tế, trong số 19 kẻ không tặc có đến 15 tên đến từ Ảrập Xêút, một đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông.

Tháng 4/2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã đảo ngược kế hoạch cung cấp thêm tài liệu cho gia đình các nạn nhân, nhưng không giải thích tại sao vẫn phải giữ bí mật chúng.

Tuấn Anh

LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA AN NINH MỸ TRONG VỤ 11/9

NGUYÊN PHONG / VNN 8-12-2020

Nguyên nhân sâu xa của thất bại dẫn đến sự kiện 11/9/2001 là các cơ quan an ninh Mỹ không kịp tổ chức lại hoạt động của họ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Lý giải nguyên nhân thất bại của an ninh Mỹ trong vụ 11/9
Ảnh: Daily Mail

Theo cuốn "Giải phẫu Cục An ninh quốc gia tối mật" xuất bản ở Mỹ, thời kỳ ấy, có đến 85% nhân viên tình báo Mỹ hoạt động tại các trạm bắt chặn vô tuyến, quan sát vệ tinh, nghe trộm... Các hoạt động theo dõi quân đội Liên Xô tương đối đơn giản vì người Mỹ đã biết quá rõ trình tự hoạt động, cơ chế chỉ huy và quản lý, các cấp ra quyết định của người Nga. Các cơ quan an ninh Mỹ đã quá thành thạo trong việc bắt chặn và giải mật các tin tình báo của an ninh Xô-viết.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, theo thói quen, các tình báo viên Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng các phương pháp hoạt động cũ. Ngay từ năm 1998, Giám đốc CIA George Tenet đã cảnh báo: "Chúng ta từng đánh đổ một con rồng trong một cuộc chiến kéo dài 45 năm. Sau thắng lợi đó, chúng ta bỗng phát hiện thấy mình đang sa vào một khu rừng rậm đầy rẫy rắn rết và các côn trùng độc chết người. Chiến đấu với hàng trăm con rắn rết cực độc thì khó khăn hơn nhiều so với  cuộc chiến chỉ với một con rồng". 

Còn theo Giám đốc Cục An ninh quốc gia Mỹ, trước đây, khi Mỹ bắt đầu xây dựng các quy tắc đối đấu với Liên Xô, ở Mỹ có 5.000 máy tính không nối mạng với nhau, không  có một máy fax, không một điện thoại di động. Còn hiện nay ở Mỹ có 180.000.000 máy tính mà đa số liên kết với các mạng thông tin toàn cầu; 14.000.000 máy fax và 40.000.000 máy điện thoại di động. Trên thế giới đang không ngừng gia tăng các cuộc đàm thoại.

Ông nói: "Bin Laden và thuộc hạ không khó khăn gì trong việc sử dụng mọi khả năng hiện có của ngành công nghiệp viễn thông hiện đại. Không có một cơ quan an ninh nào trên thế giới có thể giám sát được tất cả các bức thư điện tử được truyền trên mạng, các bức fax, các cuộc nói chuyện điện thoại. Mỗi giờ ở Mỹ có 2 triệu cuộc gọi điện thoại. Công nghệ đó là con dao 2 lưỡi, bởi vì kẻ thù của chúng ta cũng có thể sử dụng nó".

Công nghệ hiện đại cho phép bọn khủng bố được sử dụng mạng truyền thông linh hoạt và tin cậy. Vô vàn các cuộc hội thảo, các cuộc chat trên mạng Internet là môi trường lý tưởng để phát đi các thông điệp và mệnh lệnh bí mật. Công nghệ hiện đại cho phép phổ biến cả bản đồ và ảnh ở trên mạng. Phương pháp truyền ảnh bí mật cũng được sử dụng. Ít nhất có 140 công cụ để truyền ảnh bí mật được lưu hành trên mạng Internet.

Mạng thông tin toàn cầu đã trở thành địa điểm lý tưởng cho các nhân viên khủng bố mới bắt đầu tập sự để huấn luyện. Trên mạng có hàng loạt trang web, trong đó có thông tin chi tiết về cách chế tạo vũ khí và chất nổ từ các phương tiện sẵn có trong tay, cách sử dụng chúng và cách liên lạc với đại diện của các nhóm khủng bố.

Việc bắt chặn các bản tin trên mạng của bọn khủng bố là cực kỳ khó khăn. Chúng tiếp xúc với nhau không theo quy luật, các bản tin được phát đi trong một thời gian rất ngắn, bao gồm những ám hiệu, tín hiệu và những từ nói lóng mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được. Tín hiệu bắt đầu hành động của bọn khủng bố thường chỉ bao gồm 1 từ đã được mã hoá.

Sự kiện 11/9 đã chứng tỏ an ninh Mỹ đang đứng trước nhu cầu vô cùng khẩn thiết trong hoạt động xử lý và phân tích tin.  Ngay cả các cơ quan khác nhau trong Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng không có khả năng kết nối 2 chi tiết của 1 bức tranh. Các điệp viên của FBI từng thông báo về những người Ảrập khả nghi đang huấn luyện tại một trường đào tạo không quân, song báo cáo của họ không đến được với các nhân viên của FBI.

Không chỉ chưa được chuẩn bị về mặt kĩ thuật, các cơ quan an ninh Mỹ cũng không có đủ số lượng người cần thiết thông thạo tiếng Ảrập và các thứ tiếng khác mà bọn khủng bố thường dùng. Đây là khó khăn tồn tại từ lâu. Đầu những năm 1990, khi Mỹ tiến hành chiến dịch Gìn giữ hoà bình ở Haiti, mới vỡ lẽ trong Cục An ninh quốc gia chỉ có một nhân viên biết nói tiếng Haiti lơ lớ giọng Pháp. Trong khi đó ở Mỹ có hàng triệu người Mỹ gốc Haiti.

Như vậy, một trong những nguyên nhân làm cho bọn khủng bố thành công trong sự kiện 11/9/2001 và một số hoạt động khác của chúng chính là sự phát triển mạnh mẽ công nghệ truyền thông và công nghệ thông tin. Các cơ quan an ninh đã không có được khả năng bắt chặn tất cả các bản tin và thông báo của các thành viên trong các tổ chức khủng bố, không thể phân loại, giải mã và phân tích chúng.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng sự bất lực của các cơ quan an ninh trong việc giám sát trao đổi thông tin cũng có mặt tốt của nó. Đó là, xã hội trở nên cởi mở hơn, điều đó, đến lượt nó sẽ dẫn đến việc triệt tiêu các phần tử khủng bố.

Nguyên Phong 

THIẾT KẾ CỦA LẦU NĂM GÓC GIÚP CỨU NHIỀU SINH MẠNG 

TRONG VỤ 11/9 RA SAO ?

TIN TỨC/ VNN 12-9-20220

Vào ngày 11/9/2001, 125 nhân viên làm việc trong Lầu Năm Góc đã thiệt mạng. Tổn thất thật khủng khiếp, nhưng nó có thể còn tồi tệ hơn nếu không nhờ kết cấu đặc biệt của tòa nhà được xây từ 6 thập niên trước.

Vào lúc 9h37 sáng 11/9/2001, một nhân viên Lầu Năm Góc 62 tuổi, vốn là chuyên gia truyền thông đã nghỉ hưu của Không lực Mỹ, đang ngồi trong xe ô tô "bò" trên con đường đông đúc phía Tây Lầu Năm Góc thì một chiếc máy bay gầm rú lao qua phía trên, thấp đến mức xén ngang ăng ten vô tuyến của chiếc xe phía sau ông ta.

Chiếc máy bay bị không tặc khống chế - Chuyến bay số 77 của hãng hàng không American Airlines – đã chém qua ba cột đèn trong bãi đậu xe của Lầu Năm Góc trước khi lao vào tầng một của tòa nhà và nổ tung thành một quả cầu lửa, ngay lập tức giết chết 125 người bên trong nhà cùng với toàn bộ 64 hành khách trên máy bay, bao gồm 5 tên không tặc.

Chú thích ảnh

Toàn cảnh Lầu Năm Góc sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Ảnh: AP

Mặc dù cuộc tấn công khủng bố thực sự kinh hoàng và những tổn thất vào ngày hôm đó đều rất tàn khốc, nhưng phân tích thiệt hại về cấu trúc cho thấy số người chết tại Lầu Năm Góc có thể còn tồi tệ hơn nhiều nếu không có một số quyết định kỹ thuật quan trọng được đưa ra từ 60 năm trước đó.

Một sự trùng hợp trớ trêu là, việc thi công xây dựng Lầu Năm Góc đã bắt đầu đúng vào ngày 11/9/1941. Nước Mỹ khi đó chưa bước vào Thế chiến thứ 2, nhưng Tổng thống Franklin D. Roosevelt hiểu rằng ông cần một cơ sở vững chắc cho các hoạt động quân sự có thể xảy đến ở gần thủ đô. Sau đó, trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, Lầu Năm Góc được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục, chỉ 16 tháng, với sự tham gia của 15.000 công nhân xây dựng.

Thép được phân bổ mạnh mẽ cho những nỗ lực thời chiến, vì vậy Lầu Năm Góc được xây dựng gần như hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, bao gồm 41.000 trụ bê tông và các đường dốc bê tông thay vì cầu thang kết nối 5 tầng của tòa nhà. 

Được hoàn thành vào năm 1943, đến tận ngày nay, Lầu Năm Góc vẫn là tòa nhà văn phòng thấp tầng lớn nhất thế giới, với diện tích làm việc gần 2 triệu mét vuông, đủ sức chứa tới 26.000 người.

Chú thích ảnh

Một khu vực của tòa nhà Lầu Năm Góc đổ sụp sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Ảnh: Reuters

Khi công trình được xây dựng, không ai nghĩ rằng Lầu Năm Góc sẽ trở thành một tượng đài mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ, hoặc là một mục tiêu! Trên thực tế, các kiến trúc sư từng nghĩ nó sẽ bị bỏ hoang sau chiến tranh và biến thành một kho lưu trữ khổng lồ. Dự đoán của họ đã sai, nhưng thật tình cờ, nó lại giúp đi đến một quyết định quan trọng.

Tưởng rằng Lầu Năm Góc sẽ cần phải lưu trữ những bộ hồ sơ nặng nề trong một chặng đường dài, Lực lượng Kỹ sư Lục quân Mỹ đã xây dựng công trình này với cấu trúc và sức mạnh vượt trội so với một kiến trúc tiêu chuẩn. Nhờ thế, cấu trúc kiên cố đó cuối cùng có lẽ đã giúp cứu sống hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người vào ngày 11/9/2001.

Donald Dusenberry là một kỹ sư kết cấu xây dựng, cũng là đồng tác giả của bản báo cáo mang tính bước ngoặt của Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ về thiệt hại tại Lầu Năm Góc trong vụ 11/9 và những bài học kinh nghiệm từ khả năng chống chịu của công trình. Ông Dusenberry đã có mặt tại Vùng Không (Ground Zero) ở thành phố New York chỉ vài ngày sau khi Tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ, cũng như đến kiểm tra hiện trường chiếc máy bay lao vào Lầu Năm Góc.

Điều mà Dusenberry và các đồng nghiệp phát hiện ra sau khi ghi chép và phân tích cẩn thận những thiệt hại với Lầu Năm Góc là: mặc dù 26 cột bê tông ở tầng 1 đã bị phá hủy hoàn toàn và 15 cột khác bị hư hỏng nặng do vụ va chạm dữ dội, các tầng trên của tòa nhà lại không sụp đổ ngay. Trên thực tế, 30 phút sau đó, phần phía trên của khu vực bị máy bay lao vào mới sụp xuống, cho phép mọi người có đủ thời gian để thoát ra ngoài.

Đáng kinh ngạc là không một nhân viên Lầu Năm Góc nào thiệt mạng trong vụ sập từ tầng 2 đến tầng 5 của khu vực xảy ra va chạm. Trong khi đó, hàng nghìn người bị mắc kẹt bên trong Tháp đôi WTC ở New York đã thiệt mạng vì không kịp thoát ra ngoài trước khi các tòa tháp sụp xuống.

Ước tính có khoảng 800 người đang làm việc ở khu vực nơi xảy ra vụ tấn công vào sáng 11/9, ít hơn nhiều so với bình thường. Trong một may mắn đáng kinh ngạc, “Góc” này của tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây trải qua một cuộc cải tạo lớn và mới chỉ có một phần nhỏ nhân viên chuyển về văn phòng của họ. Nếu chiếc máy bay đâm vào bất kỳ khu vực nào khác của tòa nhà vào ngày hôm đó, thì có thể tính mạng của 4.500 nhân viên Lầu Năm Góc đã rơi vào nguy hiểm.

Làm thế nào mà tầng 2 của Lầu Năm Góc vẫn trụ vững sau khi hàng chục cột ở tầng 1 bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng bởi cú đâm của chiếc máy bay không tặc trong thảm kịch ngày 11/9/2001.

Gần như không thể tưởng tượng được lực mà Chuyến bay 77 đã lao vào Lầu Năm Góc. Chiếc Boeing 757 nặng ước tính khoảng 82,4 tấn và đang bay với tốc độ hơn 530 dặm / giờ.

Thiệt hại xảy ra với tòa nhà chủ yếu là do các thùng nhiên liệu dự trữ lớn ở cánh và thân máy bay. Chuyến bay 77 cất cánh từ Sân bay Quốc tế Dulles của Washington D.C. lúc 8h20 sáng trên đường đến Los Angeles với những thùng nhiên liệu lớn cho hành trình xuyên quốc gia. Và số nhiên liệu đó hầu như còn nguyên khi chiếc phi cơ lao vào Lầu Năm Góc.

Chú thích ảnh

Khu vực Lầu Năm Góc bị máy bay không tặc đâm trúng. Ảnh: AP

Theo phân tích của Dusenberry và cộng sự, các cánh nhẹ và phần không chứa nhiên liệu của máy bay bị cắt gẫy gần như ngay lập tức khi va chạm, nhưng những thùng nhiên liệu nặng đã xuyên qua tầng 1, tạo ra một luồng mảnh vỡ xé nát tòa nhà như một trận tuyết lở, để lại "con đường" hủy diệt dài gấp đôi chiều dài của máy bay.

Ông Dusenberry đã so sánh chiếc Boeing 757 với một quả bóng nước."Bản thân quả bóng thì không nặng, nhưng nếu bạn bơm đầy nước và ném vào thứ gì đó, thì nó sẽ va chạm và tạo ra một lực khá lớn”, ông giải thích.

Điều mà Dusenberry và các đồng nghiệp tìm hiểu là làm thế nào mà tầng hai của Lầu Năm Góc vẫn trụ lại được sau khi hàng chục cột ở tầng một bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Các tầng trên chỉ sụp đổ sau khi chịu thiệt hại nghiêm trọng từ ngọn lửa dữ dội.

Chú thích ảnh

Tổng thống Mỹ thời đó George Bush và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld thăm hiện trường vụ tấn công tại Lầu Năm Góc ngày 12/9/2001. Ảnh: History

Kết luận chuyên môn của nhóm là hai quyết định về thiết kế chiến lược được đưa ra từ 60 năm trước đã giữ cho Lầu Năm Góc vẫn trụ vững.

Quyết định đầu tiên liên quan đến cách các cột bê tông đỡ sàn và trần nhà được gia cố. Họ phát hiện ra các cột bằng bê tông được gia cố bằng nhiều sợi thép xoắn để tăng thêm độ chắc chắn. Trong xây dựng hiện đại, một cột bê tông có thể sẽ được hỗ trợ bằng các vòng thép vằn nằm ngang đặt thưa nhau, chạy dọc theo lõi cột. Nhưng trở lại những năm 1940 thì tiêu chuẩn thời đó là sử dụng một vòng xoắn liên tục của những cây thép xoắn ốc.

Nhóm của Dusenberry đã nhận ra ngay ưu điểm của lối gia cố cốt thép theo hình xoắn ốc này. Bên trong không gian tối đen và đổ nát ở tầng 1, họ tìm thấy những cột bị uốn cong nghiêm trọng, nơi lớp bê tông bên ngoài đã bong ra, nhưng bên trong cốt thép xoắn ốc vẫn còn nguyên vẹn. Thật kinh ngạc, những chiếc cột bị xét nát, biến dạng đó vẫn đứng vững sau va chạm.

Dusenberry nói: “Nếu thời đó họ sử dụng các vòng thép [đặt ngang] thay vì cây thép xoắn ốc [chạy dọc], tôi cho rằng sức chịu đựng sẽ không tốt như vậy”.

Chú thích ảnh

19 tên không tặc tham gia loạt vụ khủng bố rúng động nước Mỹ và thế giới 19 năm trước.

Điều thứ hai giữ Lầu Năm Góc còn trụ vững sau cuộc tấn công là cách sàn bê tông và trần được gia cố. Trước hết, các cột đỡ ở mỗi tầng được đặt cách nhau tương đối sát, với khoảng cách tối đa là 6 mét. Vì vậy, các dầm bê tông chỉ phải bắc qua ở khoảng cách ngắn.

Và bên trong những dầm bê tông đó, các kỹ sư đã cho chạy những thanh thép vằn dài chồng lên nhau từ dầm này sang dầm khác. Dusenberry nói rằng chính những giá đỡ bằng thép chồng chéo đó đã giữ vững khối trần bê tông nặng ngay cả khi các cột bên dưới đã bị sập.

“Kết cấu thép đó có thể hoạt động như một dây treo giữ khối bê tông ở tầng trên. Nó giống như một dây phơi quần áo vậy”, ông Dusenberry nói.

Lầu Năm Góc là tòa nhà có một không hai, một pháo đài 5 góc bằng bê tông với phong cách kiến ​​trúc đã lỗi thời từ lâu. Nhưng ông Dusenberry nói rằng các kiến ​​trúc sư và kỹ sư hiện đại có thể học được rất nhiều điều từ những bài học về sự kiện 11/9, trong đó điều quan trọng là sự dự phòng dư thừa về khả năng chống chịu và độ dẻo.

Dự phòng ở đây là việc thiết kế những đường dẫn tải lực thay thế trong trường hợp các phần tử kết cấu chính bị mất hoặc bị phá hủy. Lầu Năm Góc đã làm được điều này thông qua kết cấu cột chặt chẽ và thép cây xếp chồng lên nhau trong dầm. Trong khi đó, độ dẻo là khả năng các phần tử trong kết cấu bị uốn cong dưới tải trọng cực hạn, nhưng không bị gãy, như được thể hiện ở những cây thép xoắn ốc trong lõi các cột tại Lầu Năm Góc.

“Ngày nay có những tòa nhà đang được thiết kế với sự cân nhắc rằng có thể xảy ra một sự cố nào đó. Không nhất thiết phải là một sự cố do ác ý, mà là một sự cố bất kỳ làm hỏng một phần cấu trúc quan trọng. Ví dụ, bạn có thể thiết kế một tòa nhà mà, nếu mất đi một cột bên dưới, thì tầng trên của tòa vẫn ‘treo’ được các tầng bên dưới nó”, kỹ sư Dusenberry nhấn mạnh.

Theo baotintuc.vn

CHÍNH QUYỀN MỸ ĐÃ BIẾT TRƯỚC VỤ KHỦNG BỐ 11-9-2001

NGUYÊN PHONG/ VNN 7-9-2020

Tại sao một cuộc tấn công được chuẩn bị bài bản, từ nhiều năm như vụ 11/9, lại có thể qua mặt được bộ máy an ninh - tình báo, phản gián khổng lồ của nước Mỹ?

Chính quyền Mỹ đã biết trước vụ khủng bố 11/9/2001?
Nước Mỹ bị tấn công khủng bố. Ảnh: AP

Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra sự kiện nước Mỹ bị khủng bố tấn công ngày 11/9/2001. Một câu hỏi được đặt ra là, một cuộc tấn công được chuẩn bị hết sức bài bản, từ nhiều năm, sao có thể qua mặt được bộ máy an ninh - tình báo, phản gián khổng lồ của nước Mỹ?

Các tài liệu của Mỹ và nước ngoài được công khai gần đây cho thấy, chính quyền của Tổng thống Bush có không ít thông tin cảnh báo, nhưng họ đã làm ngơ. 

Trong một báo cáo dưới thời Tổng thống Clinton, CIA từng cảnh báo "những kẻ khủng bố thuộc tiểu đoàn liều chết al Qaeda có thể lái máy bay chứa chất nổ cực mạnh đâm xuống Lầu Năm Góc, trụ sở CIA và Nhà Trắng".

Từ tháng 7/2001, Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng lưu ý chính quyền về nguy cơ "hàng không dân dụng tiếp tục là mục tiêu hấp dẫn cho các nhóm khủng bố". Ngày 6/8/2001, Tổng thống Bush nhận được bản báo cáo tuyệt mật mang tựa đề "Bin Laden quyết tâm tấn công Mỹ".

Các hồ sơ toà án mà hãng AP tiếp cận được cho thấy, Chính phủ Mỹ ít nhất từng được lưu ý về nguy cơ khủng bố trong giai đoạn 1999 - 2001. Trong đó, từ năm 1999, FBI đã biết hai viên phi công tham gia sự kiện 11/9/2001 Ihap Mohammed Ali và Khektes đều là thành viên tổ chức khủng bố al Qaeda.

Theo lời của phát ngôn viên Nhà Trắng Ari Fletcher, thì ngay đến bản báo cáo dày 138 trang mang tựa đề "Tính tâm lý và xã hội của chủ nghĩa khủng bố: Ai sẽ trở thành kẻ khủng bố và tại sao", do Uỷ ban Tình báo quốc gia soạn thảo và công bố từ năm 1999, cũng cảnh báo về vấn đề này. Chỉ có điều cả Tổng thống Bush lẫn bà Cố vấn An ninh quốc gia C. Rice đều cho rằng mình chưa từng đọc.

Tháng 8/2001, tại San Diego, hai kẻ bị tình nghi là đệ tử Bin Laden xuất hiện trong danh sách các đối tượng cần theo dõi (đó là những kẻ mà vài tuần sau giúp cướp chiếc máy bay đâm xuống Lầu Năm Góc.

Tại Arizona, nhân viên FBI Kennet Wiliam cũng cảnh báo, đề nghị nhà chức trách tập trung theo dõi những đối tượng tình nghi đang học tại các trường dạy lái máy bay ở Mỹ. Tại Texas, nơi Tổng thống Bush đang đi nghỉ, CIA gửi đến bản báo cáo cho biết Bin Laden có thể tổ chức không tặc…

Trước khi xảy ra vụ tấn công 11/9 khoảng nửa tháng, tình báo Ai Cập và tình báo Nga cũng đã thông báo cho CIA biết về khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, Nhà Trắng khó có thể không biết chút gì về nguy cơ khủng bố theo hình thức không tặc như vụ 11/9.

Còn các chuyên gia an ninh Nga thì khẳng định, bọn khủng bố chỉ có khoảng 19-20 tên và kế hoạch khủng bố đã được chuẩn bị hơn 1 năm, chúng đã chuyển từ châu Âu sang Mỹ và học lái máy bay ở một trường tư gần Lầu Năm Góc - khu vực được kiểm soát chặt chẽ nhất, vì vậy, chắc chắn cơ quan tình báo Mỹ và Israel đã biết trước được điều này.

Tiến sĩ Thiên Sây, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược của Thái Lan cũng cùng quan điểm: “Chắc chắn Mỹ đã biết trước âm mưu vụ khủng bố. Mỹ tập trung sự nghi ngờ vào Bin Laden”.

Ngay khi được thông báo về sự kiện 11/9, ông Bush họp khẩn cấp với Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn ANQG, Giám đốc CIA, Giám đốc FBI… gần như tức thì quy Bin Laden là kẻ chủ mưu, Taliban là kẻ chưa chấp.

Ông Bush ngay lập tức tuyên bố phát động chiến tranh trả đũa, từ việc chống khủng bố dần chuyển thành chống các quốc gia “đang tìm cách có được vũ khí huỷ diệt hàng loạt nhằm vào Mỹ".

Washington cũng đưa ra thuyết Đánh đòn phủ đầu để "ngăn ngừa trước".

Nguyên Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét